Bờ lốc Chán Mớ Đời

Sang Hoa Kỳ, mình có tìm lại được vài người bạn cũ khi xưa tại Đàlạt, cuối năm thì gửi thiệp chúc Tết, còn siêng thì lâu lâu gọi điện thoại hỏi thăm tình hình gia đạo ra sao. Có lần đồng chí gái hỏi mình; bộ anh không có bạn học xưa. 2 người bạn thân Đà Lạt xưa, không hẹn đều qua đời cùng lúc sau khi mình ghé thăm đâu 6 tháng. Xem như hết bạn cũ từ Đà Lạt.

Cô nàng tìm lại đám nữ sinh Trưng Vương Sàigòn khi xưa, nhóm Ban Tuổi Thơ khi xưa ở Hội An nên hay họp mặt, hội ngộ đủ trò. Mình nói khi xưa có đi học đâu mà có bạn học cũ. Cho nên ai nói với vợ là học chung với mình khi xưa thì nên cẩn thận. 

Một hôm, 1 cô bạn học khi xưa ở Văn Học Đà-Lạt, i-meo nói tìm ra một cô bạn học cũ khác, muốn liên lạc thì cô ta cho i-meo. Mình i-meo rồi nói chuyện qua điện thoại đủ trò. Dường như chưa đã thèm, mình viết thêm i-meo kể lại những chuyện vui vui khi xưa, ai kết ai, ai đối tượng ai,… mấy cô này hỏi còn nhớ chuyện chi nữa không, kể tiếp, không ngờ mình kể đến ngày nay.

Cô bạn học cũ là đối tượng một thời của Hùng Con Cua, học với mình khi xưa ở Yersin, Đàlạt thế lại lòi ra một đám học cùng thời Yersin khi xưa. Xem hình ảnh cũ thời tiểu học khiến mình nhận ra vài tên và ả học chung lớp, đi chung một quảng đường đời khi xưa. Bổng đâu bao kỷ niệm của thời thơ ấu như cái suối của “Manon des sources” của nhà văn Marcel Pagnol, bị cha con hàng xóm lấp lại, nay được khơi lại nguồn suối kỷ niệm từ 45 năm qua bị ép chế cứ từ từ tuôn trào ra như phúng thạch và mình cứ tiếp tục kể, càng kể thì càng nhớ. Kinh 

Lâu lâu có người hỏi mình về một đề tài chi đó bên tây thì mình ghi lại thời gian còn sinh viên ở âu châu rồi vòng vòng mình kể đủ thứ chuyện xẩy ra trong đời mình. Hy vọng sau này con cháu sẽ đọc vì ngày nay mình thèm biết về những gì xẩy ra thời bố mẹ còn trẻ thậm chí dòng họ khi xưa. Để hiểu mình từ đâu đến, cội nguồn của mình,…

Một hôm, anh bạn học cũ Chử Nhị Anh, i-meo nói gửi cho một tấm ảnh khi xưa rồi thấy anh ta trình làng một kỷ yếu mà anh ta gọi là “Mực Tím Sơn Đen”. Anh ta lựa một số bài tiêu biểu rồi trang trí, sữa lỗi chính tả, rồi bỏ lên Amazon.com cho vui. Ai thích đọc bài viết về Đàlạt thì lên



Việc làm của anh bạn này khiến mình nghĩ, những gì mình kể có chút gì đó giá trị về tinh thần, có thể giúp ai đó, gốc Đàlạt tìm lại chút dư âm, tuổi trẻ của họ một thời. Anh này là tiến sĩ mà dám bỏ thì giờ để làm mấy vụ bao đồng, Anh ta vẽ lại cái chợ Đàlạt qua máy vi tính.

Có một chú ở đường Duy Tân, quen với bà cụ mình vì khi xưa hai vợ chồng chú đi tù cùng ngày với mẹ mình ở Đàlạt khi bị mật thám tây bắt. Xem những hình mình gửi hay đọc những bài mình kể về Đàlạt, chú hay i-meo lại cảm ơn đã giúp chú tìm lại một khung trời kỷ niệm.

Ôi quê xưa biết bao giờ trở lại
Đàlạt ơi, thôi hết những chiều mưa 
( không nhớ của ai mà mình chế lại)

Lâu lâu gặp mấy tên bạn, vợ chúng kêu là “fan” của mình, thích đọc bài của mình khiến mụ vợ mình ngẩn ngơ, hỏi anh viết cái chi mà mấy bà nói vậy, thậm chí bạn của mụ vợ cũng hay đọc. Khiến mình nức nở còn mụ vợ thì chưa bao giờ đọc bài của mình. May quá, nếu không mụ đem những chuyện mình kể về đối tượng một thời ra để xỉ vả mình. He he he 

Đối tượng một thời kêu là đều lưu lại tất cả bài mình viết. Kinh

Khi mình kể về Đàlạt, mình không muốn đem tên cúng cơm thiên hạ ra nhưng viết tắt thì thiên hạ không biết là ai. Họ i-meo hỏi mình đủ thứ lại mất công trả lời. Nếu mình có ghi tên của họ, không phải để bêu xấu họ. Nếu họ không thích hay cảm thấy không vừa lòng thì cho mình hay, mình sẽ xoá tên của họ hay viết tắt tên. 

Lại có người tìm lại được người thân, bạn cũ ở Đàlạt khi mình nêu tên một người bạn hay nhân vật nào đó mình quen ở Đàlạt xưa, vô hình trung mình trở thành trung tâm tìm trẻ lạc, người yêu cũ của dân Đàlạt khi xưa. Ngay cá nhân mình cũng tìm lại được hàng xóm, họ hàng bà con thất lạc tứ xứ sau 75. Gần đây có tìm lại anh của một người bạn học cũ ở Đàlạt, đã qua đời, mình có gặp lại ở hải ngoại mấy lần. Rất cảm động khi anh ta kể; ông cụ mình nhớ con khi mình đi tây nên hay chạy lên nhà anh ta đứng vì mình hay chạy lên nhà tên bạn chơi.

Sau 75, ở Pháp, mình làm người đưa thư bất đắc dĩ. Dạo ấy chỉ có Pháp là có quan hệ về bưu điện với Việt Nam, còn Hoa Kỳ thì vẫn bị cấm vận nên dân Đàlạt ở Hoa Kỳ, hay nhờ mình gửi thư của họ về Việt Nam, và quên trả tiền cước cho mình gửi về Việt Nam và thư hồi âm của gia đình họ. Như thủ môn Rớt của đội tuyển Cảnh Sát Quốc Gia Đà Lạt, ở đâu bên Ấn Độ, gửi thư cho mình. Mình thì sinh viên đói mệt thở, đi làm bồi cuối tuần để trả tiền tem cho họ. Về khuya, hết Métro đi bộ trong tuyết lạnh vì không có tiền đi Taxi. Bưu điện Sơn Đen hiệu “Lá Bồ Đề”. Chán Mớ Đời 

Gần đây, mình tìm lại chị hàng xóm ngày xưa ở Hai Bà Trưng Đàlạt. Mình có làm chứng nhân cho cuộc tình của chị ấy với anh chồng, kiến trúc sư ở Sàigòn, lên Đàlạt thăm bà con, cạnh nhà mình. Chị ta lại bạn học của cháu của ông kiến trúc sư này. Sau 75, khi không mình nhận thư của ông kiến trúc sư này ở Hoa Kỳ, nhờ mình gửi thư về cho vợ con ở Việt Nam. Nay thấy hình hai vợ chồng mới đi viếng Úc Đại Lợi chi đó. Rồi có mấy người khác nữa. Khỏi nhắc lại sợ họ kêu mình đi đòi nợ tiền tem bưu chính. He he he

Tìm lại một chị hàng xóm xưa, hay cho mình mượn sách đọc với điều kiện là đọc qua đêm vì ngày mai phải trả cho bạn của chị ấy. Cứ tưởng tượng đọc “giờ thứ 25” của Giorghiu, “Chiến tranh và Hoà BÌnh” của Tolstoi hay “Doctor Zhivago” của Pasternak trong một ngày hay một đêm. Nay chị ta rên là mỗi ngày lại hóng xem mình có viết chi về Đàlạt như mình hóng truyện của chị ta mượn của bạn. Hình như dạo đó có anh chàng tên Hạnh, con ông Marcel, anh của một bạn học cũ của mình hay đến nhà tán chị ấy, cho mượn sách bú xua la mua, rồi chị ấy cho mình mượn. Anh Hạnh này là anh rể cũ cua một chị bạn ở Hoa Kỳ. Nghe nói anh ta về lại Việt Nam sinh sống.

Mình chọc 1 anh bạn là từ ngày tao bỏ tên cúng cơm mày lên mấy bài viết của tao thì có 4 em, nhắn tin xin điện thoại của mày. Anh ta nói: Vì lý do đó mà tao không về Đàlạt vì sợ ra đường gặp con hoang, kêu bố. Xong om

Khi xưa mình nhát gái, nay gặp lại những tên bạn học khi xưa mới khám phá ra chúng rất bạo, dám viết thư tình, mua ô mai tặng đối tượng. Hỏi ra mới khám phá mình thuộc dạng khù khờ trong khi đám bạn học chung một thời đã trưởng thành trước mình. Cũng có thể tình yêu của chúng quá lớn, đủ để chúng dám làm những chuyện quá táo bạo đối với mình.

Có nhiều bạn học cũ đọc i-meo của mình xong lại chuyền tới bạn của họ rồi mấy người này nói mình bỏ i-meo họ vào danh sách i-meo khi gửi bài. Qua i-meo với họ thì nhận ra con ai cháu ai ở Đàlạt khi xưa, và từ đó nối chặt thêm tình đồng hương, thăm viếng nhau. 

Cuối cùng mình bỏ lên Facebook để cho ai dân Đàlạt thích thì đọc bài mình viết về Đàlạt. Mình có nhận tài liệu của một số đồng hương gửi nên tính sang năm sẽ lựa mấy tấm ảnh cũ rồi kể lại đường nào có ai ở đó,.. Lý do là mình có nhận được nhiều tin nhắn của thế hệ trẻ ngày nay, muốn biết về những gì xảy ra trước 75, đời sống ba mẹ hay ông bà của họ. Khi mình kể thì nếu sai thì cho mình biết để cập nhật hoá.

Có người hỏi tại sao người ta gọi ông ngoại cháu là Xu Huệ? Lý do nhà tui ở màu đen, chắc tại vì mình được gọi sơn đen nên họ nghĩ, khi xưa mình sơn đen nhà của họ. Giới trẻ cũng thèm hiểu biết thêm về ông bà của họ nên phải bỏ tên vào để ai nhận được thì nhận. Người này chắc là con của anh Minh Đen, khi xưa vô địch bóng bàn Đàlạt trước khi anh Tín ở Nhật Bản về hoặc con của anh Minh, đai đen Không Thủ Đạo, có dạy mình miễn phí vào buổi sáng từ 6:00 sáng đến 7:30 ở hãng cưa của ông Xu Huệ. Nhà ở cạnh nhà bà dì mình, tiệm hớt tóc ngay dốc Ngã 3 Chùa.

Một hôm, có anh chàng đọc bài của mình trên Facebook cho rằng mình cần làm một cái bờ lốc, để thiên hạ dễ tìm lại những bài cũ của mình vì anh ta nhớ là có đọc 1 bài nào đó về chuẩn bị vào đại học ở Hoa Kỳ nhưng facebook không có chức năng tìm lại bài.

Thế là anh ta và một anh bạn khác thành lập bờ lốc https://www.muctimsonden.com/  rồi lên trang nhà của trường Văn Học và facebook để tải mấy bài viết của mình về bờ lốc. Nay đã được tải về trên 800 bài nhưng thật ra mình viết trên 1,728 bài rồi nhưng có một số chưa gửi hay bị kiểm duyệt trên mấy nhóm facebook hoặc trang nhà Văn Học.

Facebook có cái hay và cũng có cái dỡ. Hôm qua, có mấy người nói là lâu nay mới thấy mình viết lại. Thật ra mỗi ngày như thói quen, mình đều viết cả. Vấn đề là admin của mấy nhóm cần phải duyệt, chấp thuận có đúng với tiêu chí của nhóm họ,…trước khi họ cho bỏ lên nhóm của họ do đó nhiều khi họ quên hay không cho phép. Có nhiều nhóm, thấy mình có vẻ phản động nên không cho tải trên trang nhà của họ. Có anh nào kêu là phải gọt bỏ cá từ phản động rồi anh ta tự tải lên mấy trang nhà này.

Có điều là mình thấy có nhiều người chịu khó đọc, gần như hết những gì mình tải lên facebook. Có anh nào ở Đức quốc, đọc một lần cả 20 bài và nhấn like. Kinh. 

Cách tốt nhất là theo dõi www.muctimsonden.com, “subscribe” thì sẽ được i-meo khi mình tải lên bài mới vì có thể tìm lại những bài viết về Đàlạt xưa dễ hơn. Nếu rảnh mình sẽ sắp xếp lại hình ảnh vì mấy bài trên facebook thì không được tải hình lên đúng theo bài viết vì như vậy sẽ bị chuyển qua thể PDF thì mờ câm, nhỏ bé. Ở bờ lốc, mới có thể chú thích dễ dàng hơn. Mình cũng lười, có hỏi vài người nhưng ai nấy đều chạy dài.

Có người kêu mình “chảnh” vì không trả lời còm của họ nên không “Lai-ke”. Vấn đề là còm của họ thuộc nhóm nào đó nên khi mình nhấn để đọc thì mò không ra. Trên Facebook của nhóm nào mà mình theo dõi, một ngày có cả trăm bài hình ảnh thì mò sao ra. Nếu họ còm mà mình trả lời liền thì hoạ may còn thấy, mình còm khi rảnh.

Tốt nhất là nhắn tin qua bờ lốc vì mình sẽ nhận i-meo rồi sẽ trả lời cho từng người. Đừng có hỏi em đi tìm trẻ lạc, người yêu cũ là được rồi. :)

Có chị bạn kêu bờ lốc của mình là bờ lốc “Chán Mớ Đời” khiến mình cười vì chị ta phải đọc bài của mình nhiều mới nhận ra câu này.

Hôm trước, có chị dân Đàlạt xưa, đến vườn mình để lấy mật ong cho bạn. Chị ta đem rượu và sô cô la tặng mình khiến mình rất cảm động. Đây là lần thứ hai mình được đồng hương, quen qua bờ lốc tặng quà. Lần đầu là con gái của tiệm kính Anh Lân, khu Hoà Bình xưa. Mình có ghé thăm gia đình chị ta với bà cụ khi qua Delaware chơi.

Chị này đọc như gần hết những bài của mình qua i-meo nên khi gặp nhau là chị ta nhớ đối tượng của mình là ai một thời Đàlạt,…khiến mình thất kinh.

Qua năm 2020, mình sẽ ngưng i-meo vì không muốn làm phiền khiến thiên hạ cứ phải nhận i-meo của mình. Có người không muốn i-meo của họ được phán tán, người không quan trọng hoá vấn đề,...nên phải lựa đủ trò. Nay cứ lên bờ lốc Chán Mớ Đời hay facebook rồi theo dõi cho tiện. Thích thì bỏ email của mình vào rồi bờ lốc tự động gửi link tới khi có bài mới. Vấn đề là có anh bạn kêu thích nhận i-meo hơn vì cảm thấy cá nhân hơn đại trà trên mạng.

Có người Đà Lạt hỏi hình ảnh em ngày xưa ở Đà Lạt, để nhận diện nên mình gửi tấm ảnh khi học Yersin một thời.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng
Nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen.

Chán Mớ Đời
Nhs

Xú chiêng và ung thư

Hôm trước, tình cờ đọc một bài nghiên cứu về bệnh ung thư ngực mà người ta gán cho cái tội là phụ nữ dùng nịt ngực của mình, lâu ngày đưa đến bệnh ung thư nên ghi lại đây cho mấy bác gái nghiên cứu. Người ta cho biết hàng năm có đến hơn 250,000 phụ nữ Hoa Kỳ bị bệnh ung thư ngực, 1/4 triệu người . Kinh

Dạo này, đang đánh bà nào ở Việt Nam, bận áo dài không có nịt ngực đủ trò, mình đoán bà ta đã đọc nghiên cứu gây ung thư nếu đeo nịt ngực. Mới đọc mình tưởng là Fake news nhưng đọc kỹ lại thì được biết ảnh hưởng đeo nịt ngực phụ nữ và bệnh ung thư có căn bản khả tín với các nguy cơ như sau.

Các chuyên gia cho biết là điểm tối quan trọng của việc đeo nịt ngực khiến hệ thống bạch huyết của phụ nữ có thể bị tổn thương. Hệ thống bạch huyết là một trong những hệ thống giúp thải các độc tố trong người ra khỏi cơ thể. Hệ thống này cũng là cơ quan phòng chống lại các mầm bệnh, vi khuẩn, các tế bào ung thư,…

Các hạch bạch huyết cũng có vai trò thanh lọc các phân tử chất đạm, tế bào miễn nhiễm, Glucose và những thứ khác được chuyên chở trong cơ thể con người. Dung dịch hạch bạch huyết có thể chứa đựng các độc tố trên đường thải ra ngoài cơ thể.

Ngoài ra, các hạch bạch huyết giữ vai trò quan trọng trong hệ thống miễn nhiễm vì là nơi chứa và sản xuất các tế bào của hệ thống miễn nhiễm như tế bào NKC (natural Killer Cells) mà mình có kể trước đây, như các điệp viên của chiến dịch Phụng Hoàng, mò vào lòng địch để tiêu diệt các tế bào ung thư nằm vùng. Các tế bào lympho này có khả năng kiểm soát sự phát triển của khối u và nhiễm trùng vi khuẩn.


Người ta lại kêu có từ 501 đến 700 hạch bạch huyết trong cơ thể phụ nữ, nhưng chỉ có từ 20-40 hạch bạch huyết này ở vùng ngực phụ nữ nhưng lại rất quan trọng cho toàn hệ thống miễn nhiễm.



Lý do là 85% các dung dịch bạch huyết chảy qua các hạch đều nằm dưới nách và dưới vùng xương của ngực. Khi tế bào ung thư bắt đầu di căn từ ngực đến toàn thể cơ thể thì vùng xung quanh và dưới nách là nơi chúng đi đến trước tiên. Mình nhớ có đọc sách họ nói các chất hoá học của mỹ phẩm bôi ở nách để diệt mùi hôi rất độc, đưa đến ung thư. Nay đọc cái này thì giống như chêm thêm củi vào lửa đang cháy rực.

Có một nghiên cứu của trường y tế cộng đồng của đại học Harvard vào năm 1991, gần 3 thập niên cho rằng phụ nữ không bận xú chiêng, có 50% ít bị ung thư ngực. Nếu mình không lầm trước 75, phụ nữ Sàigòn có mode “xăng xì xăng xú”, không bận quần lót và đeo xú chiêng. Ngày nay, mấy bà dạo ấy theo thời trang này chắc không bị ung thư ngực. :)

Người ta giải thích là dung dịch bạch huyết cần lưu thông và toàn bộ hệ thống bạch huyết hoạt động tốt nhất nếu không bị cản trở. Họ nghiên cứu khi phụ nữ nịt ngực rất chặt mỗi ngày, với thời gian sẽ cản trở dung dịch hạch bạch huyết di chuyển, tạo nên những hệ luỵ là các tế bào miễn nhiễm không được đưa tới những vùng được sử dụng chất độc, hoá chất của thuốc chống mùi hôi nách,…hay mồ hôi được thải ra. Những trường hợp này sẽ giúp tạo một môi trường giúp các tế bào ung thư nẩy nở.


Mình có kể là các mạch máu nhỏ có mấy cái van để chận máu đi ngược chiều nhưng nếu áo quần bận chật sẽ cản trở sự lưu thông của huyết quản, gây đến những tai hại cho sức khoẻ. Người ta khuyên tối ngủ nên cởi trần hay bận áo quần nhẹ.

Cần nhắc lại là thông thường từ tuổi 14 trở lên, trong cơ thể của chúng ta đã có những tế bào ung thư nằm vùng, và nếu chúng ta nuôi chúng với những thức ăn như đường thì sẽ giúp chúng nẩy nở, sinh sản nhiều rồi sẽ di căn, lan rộng đến những nơi khác. Đúng hơn sẽ tạo ra những mạch máu nhỏ khác, hôm nào rảnh sẽ kể vụ này. Sáng này, đồng chí gái kêu chồng cô bạn bị ung thư đã chửa khỏi nhưng nay di căn vào xương tuỷ. Chán Mớ Đời 

Trong cuốn “ Dressed to Kill: The Link between Breast Cancer and Bras” các nghiên cứu gia, Sydney Ross Singer và Soma Grismaijer làm tổng kết cho cuộc nghiên cứu của họ với trên 5,000 người phụ nữ. Họ khám phá ra phụ nữ bận xú chiêng 24/24 thì 75% có khả năng bị ung thư ngực. Còn những ai mà chỉ bận nịt 12 tiếng mỗi ngày thì chỉ có 1/52, trong 52 người thì chỉ có 1, tạm gọi là 2%.


Quanh thế giới cũng có những nghiên cứu khác như năm 2016, đại học Brasilia ở xứ BA Tây (Brazil), người ta theo dõi 152 bệnh nhân ung thư thì đeo nịt ngực có thể đưa đến ung thư. Tương tự ở Trung Cộng hay Tô Cách Lan cũng có những nghiên cứu về vấn đề này. Tại sao Victoria Secret không báo động cho mọi người biết. Bài học đầu tiên về Luận Lý với thầy Diễm khi xưa, thầy nói: “đàn bà chỉ cần đẹp là cái gì họ cũng làm”.

Họ cho biết những hệ ứng phụ khi đeo nịt ngực nữa như đau đầu, đau lưng, đau ngực, đau não bộ ngay cả Irritable bowel syndrome (IBS)….  Khỏi ghi lại đây. Ai muốn biết thêm thì đọc thêm vụ này.

Nghiên cứu ở xứ Ba Tây (Brazil) cho rằng khi đeo nịt ngực quá chặt cũng đưa đến ung thư ngực. Có lẻ vì vậy, các cô gái xứ này bằng bikini hay topless để phòng ngừa ung thư ngực. Vào những năm 1940, người ta làm các nịt ngực được cấu trúc bằng dây kẽm hay bằng nhựa, có khả năng chận đứng sự di chuyển năng lực trên cơ thể.

Mình có đọc sách đông y cho rằng; không nên đeo nữ trang nơi người vì sẽ làm khí chạy trên người bị cản trở lộn xộn nên từ đó mình phải cởi sợi dây chuyền do bà cụ mua cho mình khi đi tây. Mỗi khi mình thấy mấy ông đeo vàng vòng to, nặng ký khiến mình hơi lo dùm cho họ. Dưới lớp da của cơ thể có một luồng khí chạy mà nếu mình đeo vàng vòng, kim khí sẽ cản trở sự lưu thông của khí lực trên người mình.

Người ta nói khi châm cứu với các kim loại nhỏ để kích hoạt các huyệt trên cơ thể thì tốt nhưng nếu lạm dụng cứ châm cứu hoài thì các cây kim châm cứu sẽ cản trở khi mạch lưu thông.

Ngày nay, đa số phụ nữ có điện thoại cầm tay nên hay nhét vào nịt ngực. Như mình đã kể là điện thoại cầm tay tạo ra các làn sóng, từ trường, phóng xạ liên tiếp. Được biết thống kê năm 2013, thì 40% nữ sinh viên dùng nịt ngực của họ để bỏ điện thoại cầm tay và 3% để ở trong hơn 10 tiếng mỗi ngày. Nay thì chắc số này lên cao hơn.

Năm 2016, United States National Toxicology Program (NTP), một cơ quan của National Institute Health, hoàn tất vụ nghiên cứu về phóng xạ của điện thoại cầm tay với số tiền 25 triệu đô.
Điện thoại cầm tay tạo ra các Electromagnetic Frequency (EMF) có khả năng gây bệnh ung thư, nhất là ai cầm nó bên tai khi nói chuyện.

Làm sao để tránh bị ung thư ngực. Có bà Bree McKeen cho hay là đi khám bác sĩ thấy khó chịu vì đeo nịt ngực khiến cái lưng của bà ta đau nên bà ta thiết kế cái nịt ngực cho bà rồi cho mấy phụ nữ khác sử dụng nên cuối cùng quăn luôn trở lại cái mode xăng Xú khi xưa.

Họ khuyên là kiếm cái nịt rộng rộng một tí, hay không đeo luôn cho vui mắt đàn ông nhất là bận áo hở cổ rộng he he he. Ai mà trên 40 thì không cần đeo nữa vì ngực của họ đã biến theo biểu đồ của phương trình bật 4. Không thu hút những con mắt của đàn ông nữa.

Viết tới đây thì lại nhớ đến mấy ông bận quần lót chật. Phụ nữ thì bị ung thư ngực còn đàn ông thì hay bị ung thư tiền liệt tuyến. Chắc nên bận xà lỏn như xưa cho thoải mái, tránh bị ung thư. Cũng có thể đàn ông hay đeo dây nịt nên cản trở các hạch ở chim đế của họ nên bị ung thư? Để kiếm tài liệu đọc thêm về vụ này. Chán Mớ Đời

Mình có đọc mấy tài liệu kêu là đeo nịt ngực không bị ung thư nhưng mình đoán là do các công ty bán đồ lót, mướn y sĩ hay chi đó để phản bác. Kệ xứ dân chủ, ai tin cái gì thì cứ theo đó mà sống.

Có anh bạn từng ở Tutra, email cho biết: ‘ Đúng! Các em người dân tộc Churu không có em nào bị breast cancer“.

Nguyễn Hoàng Sơn 

Học châm cứu 101

Mình nói muốn học nghề của Khoa để biết đâu sau này có thể chữa cho người thân. Có lần mình muốn học nghề Khoa nhưng thấy thiên hạ lạm dụng lòng tốt của Khoa nên hết muốn học. Đa số cứ đến võ đường nằm vạ để được xoa bóp miễn phí. Có những người đau yếu thì ưu tiên hơn còn đấm bóp thì ra bôn sa, mấy tiệm tàu họ lấy có $20/ tiếng đồng hồ.

Nói cho ngay thì dạo ấy có học chưa chắc đã được vì mình chưa đủ kiên nhẫn hay nội lực để xoa bóp giúp thiên hạ.

Mình có học mấy năm trước, cách cạo gió và xoa bóp của Khoa khiến làm khổ mình thêm. Lý do là mụ vợ đêm đêm hay dựng cổ mình dậy để xoa bóp vì khó ngủ. Nhà có cái ghế mát xa cũ. Nên không chịu dùng, đến nhà tên bạn, thấy hắn mua cái ghế mát xa $5,000 nên đồng chí gái kêu mình mua một cái mới, cho tên thợ cái ghế cũ. Về chả thấy mụ dùng gì cả, chỉ ngồi lướt sóng với iPad hay iPhone còn kêu “anh đấm bóp đã hơn”. 

Lý do là khi mình xoa bóp thì giúp thư giãn thần kinh đồng chí gái nên hệ thống thần kinh trung ương tiết ra endorphine, thường được gọi là Morphine nội sinh, mạnh gấp hàng trăm lần morphine, gây cảm giác dễ chịu, bớt căn thẳng. Thật ra máy chỉ đánh chung chung chớ đâu có bằng tay người chạm vào thêm truyền được nội lực.

Hôm thấy chú quen tập với mình khá lâu rồi bỏ, nay trở lại tập. Sau mấy tháng thấy khoẻ lại nhưng dạo này chú hay vắng tập, lâu lâu đến rồi về sớm, sắc mặt không được tươi lắm. Hai tuần trước, chú bổng quỵ xuống khiến mình hô lên thì may quá có anh bên cạnh, chụp chú kịp thời rồi nhờ Khoa day huyệt, giúp chú tỉnh lại, lái xe về. 

Đó là hiện tượng tai biến nhưng nhờ Khoa biết nghề nên chỉ cần day huyệt để giúp tim bơm máu rồi day huyệt, và châm 10 đầu ngón tay để giúp chú ấy tỉnh táo lại vì có gọi xe cấp thương thì cũng có thể muộn. Máu không lên kịp não bộ. Lần đầu tiên mình chứng kiến trực tiếp vụ này nên hoảng tiều đành phải học nghề Khoa. Từ hôm ấy, mình bỏ trong ví cái kim để châm các đầu ngón tay khi cần.

Khoa giải thích là các bộ phận trên người mình lạ lắm. Thí dụ cái tai có hình tượng như đứa bé nằm trong bụng mẹ, đông y có dùng các huyệt ở nơi này để chữa bệnh. Hay khuôn mặt của  mình cũng có hình dáng con người. Cái mũi của mình tương tự thân hình với hai cái mông, lông mày như hai cánh tay,…

Khoa chỉ mình cách bắt mạch để xem tình hình tim mạch của người ta để biết. Nếu tim mạch yếu thì lay huyệt Túc Tam Lý ở vùng dưới đầu gối, độ bàn tay, để hổ trợ máu lưu thông. Sau đó lay huyệt nhân trung để giúp người ta tỉnh táo lại.

Cách đây cả 10 năm, mình có đọc email do bạn bè gửi của một bà tàu nào kể là nhờ cây kim mà bà ta cứu được mạng chồng hay bố gì đó, lâu quá không nhớ thì nay mình mới hiểu vì các bàn tay cũng liên quan đến nội tạng của con người. Mệ ngoại mình thì kể phụ nữ khi xưa, hay cài cái trâm nơi tóc để lỡ ông chồng bị ra răng thì lấy cái trâm để chích vào mấy ngón tay. Dạo ấy không hiểu nay nhớ lại mới biết là dân gian đã biết cách đề phòng xưa nay.

Mình có đọc sách về đông y thì họ nói là đau đầu thì chữa từ chân,… để từ từ mình ghi lại những gì học để khỏi quên. Trước đây chỉ đọc lướt qua nay phải đọc lại, cần ghi lại cho chắc ăn.

Hôm kia chú hôm trước bị tai biến, trở lại nhờ Khoa xoa bóp để giúp cánh tay bớt mỏi thì mình mới được thấy lâm sàn. Bắt mạch rồi rờ những chỗ bị cứng tụ lại nên cần phải xoa dầu nóng rồi day để cho dãn ra tương tự mình hay thấy Khoa chữa cho thiên hạ bằng cái roi, đánh đánh vào cái gân bị cứng giúp cho dãn ra, giúp người ta co chân co tay được.

Khi không di chuyển hay tập thể dục thì máu không lưu thông được nên nhiều nơi trên cơ thể bị viêm. Mỗi lần xoa bóp cho vợ là cái mông vì ngồi làm việc nhiều cả ngày nên máu bị tụ hay đau nên phải xoa mạnh ở phần đó. Nhất là nơi xương cụt.

Nên tập Nội Công Hồng Gia giúp chúng ta tập gân cốt cho dày mạnh lên để về già có thể cử động được. Nhớ năm ngoái hay năm kia mình bị gãy chân khi leo núi, bác sĩ về chân kêu là xương mình cứng nên chỉ bị nức thôi chớ đa số người bằng tuổi mình bị xương loãng nên gãy xương lâu lành lắm.

Nói vậy chớ mình mất 6 tháng mới đi đứng lại được bình thường. Đau chân nhưng cũng phải lết vào câu lạc bộ thể thao, đi bộ dưới hồ bơi để giảm trọng lượng bớt đau. Từ từ đi đứng lại bình thường.

Về già người ta thiếu hormones nên cơ bắp sẽ mất dần. Ông Arnold Schwarzenegger khi xưa cử tạ, thân hình đẹp như tây, ngày nay thấy hình chụp ông ta bận đồ tắm. Kinh.

Chúng ta phải chuẩn bị cho mai sau, khi cơ bắp bị nhão thì có gân để giúp chúng ta đi đứng, co giản. Năm ngoái Mình không sử dụng cái chân bị gãy trong vòng 6 tháng, cơ bắp đùi teo lại hết chỉ còn da bọc xương. May gân chân vẫn tốt nhờ tập nội công Hồng Gia từ 14 năm nay.

Mình thấy có nhiều người chịu khó tập ở Đông Phương Hội, thì sức khỏe của họ tăng tiến rất nhiều. Có bác kể là xương sống cứng luôn cái cổ, ký giấy tờ để đi mổ nhưng may ai giới thiệu gặp Khoa nên sau 2 tuần lễ là hết than đau và tập đến nay. Bác này là một trong những tập viên tiến bộ nhất. Mưa gió, nắng hè đều tới cả vì đã thấy quan tài nên biết sợ. (Còn tiếp)

Nhs

Nhận thức #2

Tuần rồi, có một chị đồng hương Đàlạt ghé vườn mình lấy mật ong do người bạn nhờ mua dùm. Mình dẫn hai mẹ con đi viếng vườn một tị, thấy chị này mang giày cao gót nên chỉ dẫn đi một khoảng sợ gãy chân hay gãy giày lại khổ mình. Thấy chị ta ngạc nhiên khi vào vườn vì xung quanh là nhà và nhà nhưng bổng nhiên vào được một thiên đường bơ 20 mẫu, cây thả oxygen khiến tinh thần rất dễ chịu.

Chị ta không quen biết gì mình cả từ xưa đến nay nhưng vẫn đem quà giáng sinh đến tặng. Đúng là đồng hương số 1 của Đàlạt. Lần đầu tiên có người tới vườn mình lại đem tặng quà vì thông thường họ đến để hái bơ và quít nhãn hiệu Lá Bồ Đề. :)

Quên hỏi là ở xóm chị ta khi xưa, ở đường Hai Bà Trưng, khúc trường Đa Nghĩa, có một cô bé học trường Văn Học buổi chiều rất xinh. Đám con trai tụi mình cứ ngắm cô bé tuổi 13 như bài hát của ông Ngô Thuỵ Miên, phổ nhạc Nguyên Sa.

Mình mua cái vườn này với mục đích biến thành những căn hộ cho mướn hay bán nhưng không hiểu sao lại cảm thấy mến cái vườn nên thôi cứ giữ nó, có chút tiền còm mỗi năm lại giúp mình tìm lại đồng quê, thiên nhiên đúng hơn là tuổi thơ ngày xưa.

Ngày xưa, ở Đàlạt, gia đình mình có cái vườn mấy mẫu ở trong ấp Sòng Sơn, Suối Tía, trồng lê-guim, khoai ngô,… dạo ấy cuối tuần mình phải bò vào đem gạo cho thợ làm vườn nấu cơm. Nhớ lại mà thấy cực vì lội bộ từ Chợ Mới vào Dốc Nhà Bò rồi vào Suối Tía, chiều bò về nhà là oải, chỉ muốn ngủ. Tưởng mình đi tây thoát kiếp làm nông dân ai ngờ, cuối đời khi không lại mua cái vườn bơ để trở lại cuộc đời nông dân.

Cuộc đời làm nông rất cô đơn, khi xưa đi bộ vào vườn, từ đồn Quân Cụ, có cái bảng đề Ấp Sòng Sơn vào tới vườn mình cũng độ hai cây số. Một mình đi trên con đường đất bụi hay xình lầy tuỳ mùa khô hay mưa, có mấy cái am thờ người chết khiến nổi da gà. Vừa đi vừa khấn Phật nhưng con đường sao dài lê thê. Vào mùa lạnh như tháng 12, gió thổi mấy cây thông rào rào vi vu như tiếng hú của ai gọi hồn người chết càng khiến mình điên người. Kinh

Nay mình lên vườn cũng một mình, làm bạn với chim sóc, rắn chuông và cáo, chưa kể mèo rừng ngồi bất động canh mồi khiến mình xón đái. Thiên hạ hỏi sao mình chụp hình được mèo rừng và cáo. Chúng có sợ mình đâu, đứng kên mình như thách thức. Nay thì hơi sợ một tí nên có đem theo khẩu súng lục và GPS để lỡ có chuyện gì thì còn gọi cấp cứu.

Mình đi tây rồi bổng nhiên lao đầu học như điên, đi làm tứ xứ rồi lập gia đình, lo kiếm tiền mua sữa cho con. Mua nhà rồi đổi nhà, mua xe rồi đổi xe,… chúng ta lao đầu vào cuộc tranh đua với bè bạn, hàng xóm, đồng nghiệp để chứng tỏ cái tôi của mình và tự đặt cho đấy là thành công, đạt được mục đích của cuộc đời.

Chúng ta bị tha hoá, không còn bám rễ vào thiên nhiên đất trời nên lao đầu như những con thiêu thân vào các cuộc chạy đua đường trường đầy stress và ảo vọng. 

Bạn bè nhiều người cũng chạy đua như mình rồi một ngày đẹp trời thấy họ bỏ nhau dù khi xưa yêu thương thắm thiết, con cái lêu bêu, nay ở nhà bố mai ở nhà mẹ rồi nghe mẹ nói xấu “thằng bố mày” hay bố kêu “con mẹ mày”,… đưa đến khủng hoảng về bản thể.

Có lần anh bạn linh mục ghé nhà chơi, kể có con chiên điện thoại mời lên nhà, để cầu nguyện cho người anh bị ung thư. Bệnh nhân kêu con cảm ơn chúa đã cho con bệnh ung thư. Nhờ đó mà con có thì giờ nhìn lại cuộc đời, chạy theo đồng tiền. Con của con đó nhưng không biết nó nghĩ gì, con cứ đưa tiền cho nó xài như để mua tình thương của chúng.

Trong cuốn “ the 7 habits of highly effective people” mà mình được công ty gửi đi học, có nói đến câu chuyện dũa cái lưỡi cưa (sharpen the saw ). Hai người tiều phu dùng cái cưa để cưa gỗ. Một người thì cứ cưa từ đầu sáng đến chiều còn một người thì cứ lâu lâu, ngưng lại để mài dũa cái lưỡi cưa. Cuối ngày thì người mài dũa cái lưỡi cưa, đốn ngã nhiều cây hơn người cứ cưa hoài không nghỉ. Lý do là khi mài dũa lưỡi cưa thì sẽ bén hơn và cưa cây rất nhanh còn người kia không chịu mài dũa nên lưỡi cưa bị đùn nên năng suất thất hơn.

Lâu lâu chúng ta cũng nên ngưng như ông tiều phu, dũa mài lại, nhìn lại cuộc đời của mình để xem có đi đúng hướng hay không. Điển hình là chiếc máy bay, cất cánh từ Los Angeles đi New York. Trên tuyến đường bay thì sẽ gặp gió mưa hay bão tố, chiếc máy bay sẽ bị gió thổi tạt qua phải hay trái, dần dần sẽ bị trệch hướng New York. Do đó phi công cần có cái la bàn, máy định vị để điều chỉnh lại tuyến đường bay.

Tương tự chúng ta cũng cần có một cái la bàn để điều chỉnh lại công việc, bản thân, tạm gọi là tỉnh thức về cuộc đời thay vì hát “Khúc Thuỵ Du”.


Mình nhớ có dạo có ai kêu bán cho 5 mẫu đất, xây được 40 căn nhà. Xây xong thì mỗi căn có thể lời $100,000. Mình tính mua rồi xây nhưng nghĩ lại nếu xây thì phải chạy lên đó ở cả tuần, không thấy vợ con trong vòng 3, 4 năm. Sau 4 năm, có mấy triệu nhưng con không nhận ra mình hay mụ vợ lại chạy theo thằng khác nên bàn với vợ không thực hiện dự án này, có cơm ăn cơm, có hamburger ăn hamburger, không cần tôm hùm. Nay nhìn lại thì thấy đã quyết định đúng.

Có lẻ ông trời thương mình nên xui khiến ông mỹ réo gọi mình để mua cái vườn bơ, giúp mình có thời gian nhìn lại, xem rằng chúng ta không phải là Thiên Nhân (homo deus)  . Với khoa học, cuộc sống vội vã, chúng ta đã chạy đua để rồi quên sự liên kết của chúng ta với đất trời như khi xưa được học ở lớp việt văn “thiên đại nhân”, hay nghe ông Quản Trọng kêu “Thụ Nhân” phải mất 100 năm để trồng.

Có lẻ trong tương lai, mình sẽ xây vài cái chòi nhỏ để ai muốn trở về thiên nhiên, học tập khí công hay thiền, sẽ có cơ hội đến vườn mình học tập. Có lớp chỉ họ thiền và tập khí công. Trong tuần mình hướng dẫn ở Bôn Sa, cuối tuần lên đây hướng dẫn họ. Bác nào có biết những chỗ như thế này thì cho em biết để đi viếng, tạo cảm hứng để thiết kế Làng Bơ ma ze Sơn Đen.

Bạn bè hay người quen lên vườn mình chơi thì đa số chỉ nghĩ đến hái bơ hay quít hiệu Lá Bồ Đề, không một ai nghĩ đến thiên nhiên xung quanh, không khí trong lành do hơn một ngàn cây bơ tạo ra.

Hy vọng làm được cái Làng Bơ này sẽ giúp họ nhận thức ra thiên nhiên, liên đới với cuộc sống thường nhật của họ.

Em lên vườn sớm hôm nay vì có người mua 500 trái bơ và 30 bình mật ong. Hôm nay sẽ lao động mệt thở.

Nhs

Nhận thức #1


Hôm trước, có chị bạn email chửi mình xài tiếng Việt không đúng. Mình dùng cụm từ ”khủng hoảng căn cước” thì chị ta kêu sai, mình nói dùng “bản thể”, chị ấy kêu từ Việt Cộng. Rồi chị bồi cho một nhát cuối cùng là dùng từ “nhân cách” khiến mình ngọng, hết muốn học tiếng Việt với chị ta.

Tây hay gọi “Crise d’ identité » còn người Mỹ gọi « identity crisis » tương tự tây gọi « carte d’ identité » mà người Việt gọi là “thẻ căn cước” còn Việt Cộng gọi là “chứng minh thư nhân dân”. Hôm nào mình chế ra “khủng hoảng chứng minh thư nhân dân” cho có vẻ biện chứng xã hội học. Hình như Hà Nội đang cho thay đổi chứng minh thư nhân dân thành thẻ căn cước như Việt Nam Cộng Hoà xưa. Phải mất 50 năm để giác ngộ căn cước là căn cước. Còn “Nhân cách” thì tây gọi “personnalité ». Mình chế đại là khủng hoảng căn cước, còn một anh bạn học cũ thì gọi là khủng hoảng bản sắc.


Người Việt mình ra hải ngoại hay vướng phải vấn đề khủng hoảng căn cước hay bản thể. Những người lớn tuổi cảm thấy nếu theo dòng văn hoá của nước mình cư ngụ thì sợ phản bội lại văn hoá cha ông. Họ cứ đứng lừng khừng ở gạch nối Franco-Vietnamien hay Vietnamese-American kiểu tiến thoái lưỡng nan.

Ở Việt Nam, chúng ta chỉ có một cửa sổ văn hoá Việt để nhìn mọi vật xung quanh. Sau 75 thì kính của cửa sổ ấy bị dán lên một lớp màu đỏ được gọi xã hội chủ nghĩa. Mình về Việt Nam hay tiếp xúc người Việt có thời sống với Việt Cộng sau 75 thì lối nhìn của họ hay từ ngữ họ sử dụng qua màn kính được dán xã hội chủ nghĩa. Nói chuyện với mẹ mình thì bà cụ cứ kêu lúc ”Giải Phóng” trong khi người Việt ở hải ngoại, dân di tản thì kêu ngày “mất nước” hay “quốc hận”.

Lúc mình sang tây, thì căn phòng “cái tôi” của mình bổng nhiên có thêm một cửa sổ khác, tạm gọi là cửa sổ văn hoá “tây”. Trong thời gian đầu tiên sống tại pháp, mình bị khủng hoảng căn cước vì không biết nhìn sự vật, thế giới bằng cửa sổ nào, cửa sổ văn hoá Việt hay cửa sổ văn hoá tây. Nói cho ngay lúc ấy văn hoá Việt mình cũng không biết rành vì học trường tây từ bé, ngoại trừ hai năm cuối trung học. Còn văn hoá tây thì mình i tờ, phải bình dân học vụ từ từ.

Điển hình ở Việt Nam, mình được dạy là ăn phải cho hết, không được bỏ mứa, mang tội. Khi sang tây, đến nhà tây đầm mời ăn, mình cứ ăn hết phần dù đã no, chủ nhà lại tưởng mình còn đói nên múc thêm đồ ăn. Mình lại phải tiếp tục vét hết cái đĩa thức ăn. 
Thác Prenn ngày xưa

Dần dần, mình quen lối sống của Tây, nhìn ra cửa sổ văn hoá tây, xổ tiếng tây bú xua la mua, đến khi mấy người em vượt biển sang, thì mình không biết đối xử ra sao, kiểu Việt Nam như xưa còn ở nhà hay kiểu tây. Tương tự với người Việt tại pháp, không biết nói tiếng Việt hay tiếng tây với họ. Xổ tiếng Tây thì bị kêu là chảnh còn xổ tiếng việt thì bị kêu là mất gốc, nói tiếng Việt không rành. 

Sau đó đi làm việc ở Ý Đại Lợi thì trong căn phòng cái tôi của mình lại được trang bị thêm một cửa sổ mới tạm gọi là văn hoá Ý. Tuy là tây phương nhưng hơi khác với tây đầm. Quen với lối sống của người ý, mình trở lại Paris thì ngạc nhiên khi tiếp xúc đám bạn tây đầm. Bọn tây đầm gặp nhau là cứ bàn chuyện ăn uống rồi nói chuyện về sinh lý (histoire de cul).

Sau khi ra trường, mình đi dạy, làm phụ tá giáo sư ở đại học bách khoa Lausanne, Thuỵ Sĩ lại chới với với văn hoá của người thuỵ sĩ. Tuy họ nói tiếng pháp nhưng chậm hơn, mình quen cách dân Paris ăn nói nhanh và tiếng lóng. Sau đó mình đi làm ở vùng đức ngữ của Thuỵ Sĩ lại càng lộn xộn vì họ nói thổ ngữ của họ thay vì đức ngữ mà mỗi vùng lại nói khác nhau. Ở Basel khác mà lên Zurich lại khác. Sang Freiburg, cạnh biên giới đức, Thụy sĩ lại khác. Vùng này lại nằm cạnh vùng Alsace và Lorraine của Pháp, qua biên giới người pháp nói thổ ngữ của họ lại càng khiến mình ngọng thêm.

Sau này mình qua Luân Đôn làm việc, thì lại có một cửa sổ khác trong căn phòng cái tôi của mình. Một ngôn ngữ khác, 1 văn hoá khác nhưng nhờ mình đã sống tại nhiều nước nên dễ hòa nhập vào đời sống của người anh. Thật ra ở Luân Đôn, có rất nhiều người ngoại quốc sinh sống như người Ái Nhỉ Lan, Tô Cách Lan, người Tàu, Ấn Độ, Pakistan, Nam Phi, nói chung là dân các cựu thuộc địa của Anh Quốc nên tương đối dễ thở hơn. Nói chung ngoài cơm tàu ra thì mình ăn cơm Ấn Độ khá nhiều trong thời gian sinh sống tại xứ Anh Quốc này.

Sau này mình qua New York làm việc thì lại có thêm một cửa sổ trong căn phòng cái tôi của mình. Lại phải tìm cách hoà đồng theo lối sống của đời sống Hoa Kỳ. Sau này qua Cali thì lại khác nữa. Hoa Kỳ rộng lớn nên mỗi tiểu bang có lối sống đặc thù. Miền Đông và miền Tây Hoa Kỳ như hai nước khác nhau vì lối sống rất khác.

Có lần thằng con kêu bố không giống như bố của bạn con dù là người Việt khiến mình ngọng.

Trong cuộc sống, chúng ta sử dụng một cửa sổ để nhìn vấn đề hay giải quyết sự việc nên hay bị bế tắc. Nếu chúng ta cứ tìm cho mình nhiều cửa sổ khác sẽ giúp chúng ta giải quyết vấn đề nhanh chóng, ít bị mệt mỏi về tinh thần.

Điển hình hôm qua, Khoa kêu mình giao thủ với Cường. Chúng ta có khuynh hướng là khi gặp một lực đẩy đến là tự nhiên, với phản xạ chúng ta bị động, tìm mọi cách chống lại cái lực ấy nhưng nếu chúng ta cứ từ từ nhận xét cái lực ấy ra sao rồi sẽ tìm được cách đánh tạt cái lực của đối phương từ một góc độ, một cửa sổ khác. 

Khi xưa, ai chửi mình là mình phang lại nhưng ngày nay, họ chửi thì mình từ từ nhận xét xem họ chửi đúng hay không đúng, rồi viết bài khác để nói lại sự kiện, không gây lộn xộn cho ai cả. Người chửi mình cũng bắt đầu nguôi như nước chảy qua cầu. Sau này mình chả để ý vì không có thì giờ, lo cái vườn đã hết thời gian trong ngày. Lại bị kêu chảnh (Lemon Question).

Khi mình giao thủ với Cường, anh chàng tìm mọi cách phản công lại ngay khi tiếp nhận được lực của mình thì cái lực anh ta bị gãy ngay vai, cùi chỏ còn nếu anh ta bình tỉnh thì thả người thấp xuống như cái bình nước lắng lực xuống, tạo dựng một cái đế rồi tạo lực để phản công từ góc độ khác thì sẽ đánh bật cái lực của mình rất dễ dàng. Cái tâm của mình không bị lay động nhất là hơi thở không bị đứt quảng.

Sáng nay mình tập Thái Cực Quyền thì Khoa chỉ cho mình thấy hơi thở hay bị đứt quảng khi tay của Khoa chận lại, phải thở đều dù tay đối phương chận thì mới kiểm soát được lực của mình khi giao đấu cũng như đi bộ hay làm gì sẽ không bị phân tâm.

Dạo này Khoa bắt mình tập đi Thái Cực Quyền với xu hướng này, rất oải nhưng nếu cố gắng tập sẽ giúp mình mài được hơi thở dài hơn và sẽ giúp nội lực mình bộ tiến mạnh hơn.

Trở lại vụ chị bạn kêu mình dùng từ ngữ sai. Cấm mình không được sử dụng từ ngữ Việt Cộng,… khi mẹ mình dùng cụm từ “giải phóng” là nói đến sau 4/75, xem như cột mốc trong đời mẹ mình như sau 45,… đâu có nghĩa mẹ mình là Việt Cộng nhưng vì sống trong căn phòng với tấm kính cửa sổ bị dán lên màu xã hội chủ nghĩa nên quen miệng nên dùng từ đó. Gặp cán bộ hay công an kêu ngày mất nước thì chúng cho đi tù. Lâu ngày thì thành thói quen.

Có anh bạn học cũ ở Đàlạt, rên với mình là mấy ông anh đi H.O., kêu anh ta sao lại treo cờ Việt Cộng. Anh ta kể đến ngày lễ thì công an, dân phố đi rao từng nhà, bảo treo cờ, không treo là có ý chống phá cách mạng? Ở hải ngoại, chúng ta có cái xa xỉ là có thể chửi bới đủ trò, chụp mũ thiên hạ, kêu người Việt tại Việt Nam là theo Việt Cộng,…nhưng nếu sinh sống ở Việt Nam, với công an khu vực và hàng xóm làm điềm chỉ thì sẽ thay đổi tư duy. 
Về Đàlạt, nói chuyện với em út, mình nói đi viếng Hung Gia Lợi, Tân gia Ba thì em mình, cháu mình nhìn mình như bò đội nón vì không hiểu xứ nào khi giải thích là Hungary và Singapore thì họ mới hiểu. Họ gọi Tân Gia Ba là Sing hay Hun-ga-ri là Hung Gia Lợi. Mình về quê thăm họ hàng rồi xin phép ra “phi trường” khiến ai nấy nhìn mình như ngỗng ị, may có cô em giải thích là “sân bay” thì mọi người mới kêu à lên.

Từ đó mình phải đọc sách báo Hà Nội để học thêm từ ngữ của họ, để có thể hiểu và nói chuyện với người Việt tại Việt Nam.

Dù muốn dù không, các từ tiếng Việt trước 75 sẽ dần dần bị quên lãng như một tử-ngữ, như tiếng La-tinh hay Hy-lạp cổ xưa. Ngày nay không ai sử dụng, ngoại trừ vài người nghiên cứu về văn chương hay sử học.

Mình thấy thiên hạ hay hội đồng mấy ông nào ở Việt Nam thậm chí ở Hoa Kỳ, tìm cách sửa đổi chữ viết tiếng Việt. Một ngôn ngữ cần phải được cập nhật hoá do đó người ta gọi là sinh-ngữ (langue vivante) khác với tử-ngữ (langue morte).

Mình nhớ lần đầu tiên sang Gia NÃ Đại chơi, vùng pháp ngữ, nghe người sở tại nói tiếng tây là mình ngọng vì họ dùng những từ rất cổ mà ngay tây đầm chính cống cũng lắc đầu, kiểu người Việt đi du lịch sang Hoa Kỳ chơi, ra Bôn Sa nghe người Việt di tản nói tiếng Việt trước 75 thì chắc họ cũng ngọng.
Có anh bạn kể là ông chú ruột từ bắc vào nam thăm gia đình anh ấy. Trong ngày thì ông chú kêu cách mạng đủ trò nhưng đêm về thì nói anh ta tìm đường vượt biển, vì khó sống, ông chú đã sống với chế độ từ 1954. Họ phải sống trong sự giả dối để sống. Cậu ruột của vợ, khi xưa đi theo Việt Cộng, tuỳ viên của Võ Đại Tướng. Câu nói đầu tiên với mấy người chị trong Nam là đi đi.

Về pháp hay Ý Đại Lợi, mình nói chuyện với bạn cũ, chúng kêu mày sử dụng từ ngữ cổ lổ sĩ của thời 30, 40 năm về trước. Mày nói thì tụi tao hiểu chớ con cháu tụi tao thì cứ như bò đội nón. Pháp-ngữ hay ý-ngữ là những ngôn ngữ sống đã thay đổi từng giờ từng ngày theo thời gian nhưng vốn liếng của mình về mấy ngôn ngữ này không tiến theo mà lại thụt lùi vì ít khi sử dụng nên quên cũng nhiều. Mỗi tuần lái xe, nghe đài France Inter hay France Culture hay xem phim cho đỡ nhớ. Mình nghĩ tiếng Việt cũng tương tự, đã thay đổi từ 45 năm qua trong khi tiếng Việt của người Việt hải ngoại không thay đổi, lại còn bị chụp mũ, cấm đủ thứ.

Khi nói chuyện hay truyền đạt, chúng ta cần làm sao cho người đối thoại hiểu. Gặp người trong nước hay sinh ra sau 75 thì làm sao bắt họ dùng từ-ngữ Việt Nam Cộng Hoà, mà ai sử dụng từ ngữ hậu 75 thì không thể đánh giá họ là Việt Cộng.

Chúng ta nên có thêm nhiều cửa sổ để nhìn người khác dưới các góc độ khác nhau để thông cảm và hiểu nhau hơn.

Binh sĩ mỹ sau khi trở về từ chiến trường thường hay bị bệnh “Post-traumatic Stress Disorder “. Một người được nuôi dưỡng bình thường trong một xã hội được xem là văn minh, nay phải ra trận, mục kích những cảnh giết nhau thậm chí họ cũng tự tay giết người. Bị ám ảnh cả đời.
Khiva, Uzbekistan 

Mình nhớ mua cây súng để bắn mấy con thỏ, nhảy rào vào vườn phía sau nhà mình, ăn hết cỏ khiến mình nổi khùng. Nhưng khi cầm cái súng nhắm con thỏ, thấy con thỏ nhìn mình ngơ ngác như hỏi sao mày bắn tao nên đành bỏ súng xuống. Một người Mỹ hay một ai bình thường trên thế giới không khỏi sót xa khi bị bắt buộc đánh đập hay giết người.

Trong vườn mình, mấy con sóc ăn bơ nhưng vì là sóc mỹ nên chúng chỉ ăn chút xíu rồi bỏ mứa, đi tìm trái khác ăn nên có dạo mình mua mấy cái bẩy chúng thì khám phá ra khi lọt vào bẩy thì đang đêm hay trong ngày mấy con cáo bò lại ăn thịt chúng. Nhiều khi thấy chỉ còn cái đầu hay da bị lột thấy tội lắm nên mình ngưng bẩy luôn. Kệ cho chúng ăn cho rồi, rắn hay coyote sẽ làm thịt chúng theo luật thiên nhiên.

Chỉ có những ai đã được quỷ dị (demonized) mới thản nhiên, đánh đập hay tra tấn hoặc bắn giết đồng loại mà không ray rứt lương tâm. Chán Mớ Đời

Nhs

California Fish Sauce


Nước mắm made in USA

Mấy hôm nay, hắn không ngủ được, loay quay với cuốn sổ chép tay của Mạ hắn. Cuối tuần rồi, như thường lệ, hắn đến thăm Mạ hắn thì được người đưa cho cuốn sổ mà Mạ hắn ghi chép từ thời con gái, nữ sinh Đồng Khánh đến nay. Mạ hắn có ghi lại công thức làm nước mắm gia truyền mà hắn thấy khi xưa Mệ ngoại hắn làm và bán cho các ngư phủ của làng Lăng Cô.

Cuốn nhật ký của Mạ hắn làm gợi nhớ lại những kỷ niệm thời hắn còn học trường Pascal, Đà Nẵng. Mỗi hè là hắn về Lăng Cô, ở với Mệ Ngoại, có cái tiệm tạp hoá lớn nhất vùng này. Làng ni chỉ có đánh cá vì xung quanh không có ruộng nương. Chiều chiều trước khi ra khơi, các ngư phủ đến tiệm của Mệ hắn, mua một chén nước mắm nhỉ, dầm tỏi và ớt mọi rồi nốc cái ực, phà cái à rồi liếm miệng u chầu u chầu, lên ghe tàu ra biển. Hắn có bắt chước mấy ôn đi ghe, uống một chén nước mắm, dầm tỏi và ớt mọi. Ôn mệ ơi hắn nhớ đến chừ. Cay xé họng.

Theo sách báo mà hắn đọc thì sau 1975, Hà Nội bế môn toả cảng như thời đại nhà Nguyễn khi xưa, để xây dựng xã hội chủ nghĩa, ngăn sông cấm chợ thì mấy tên Thái Lan, cướp vàng của dân vượt biển, qua Việt Nam mua nước mắm với giá bèo, rồi pha chế, đóng chai bán cho ngoại quốc với nhãn hiệu Product of Thailand. Sau mấy chục năm thì thị trường quốc tế về nước mắm đều do người Thái nắm giữ dù họ lấy hàng của Việt Nam sản xuất, kiểu ví vonđịnh hướng kinh tế thị trường, người Việt cầm chim cho người Thái đái. https://www.youtube.com/live/ttbkuVq3qLQ?si=56G82G8y3wEvXmf-

Ngày nay thì con buôn Thái sang Việt Nam, bôi trơn cán bộ để Việt Nam khoan xuất cảng gạo để cho họ bán xong gạo của họ thì khi Việt Nam tung gạo ra thị trường quốc tế thì bán với giá bèo vì quá cũ. 

Đọc trên mấy cái nhãn của chai nước mắm thì không thấy chất đạm (protein),..., vì đúng ra phải có ít nhất 40% amino acid (protein) vì trên nguyên tắc nước mắm chỉ được làm bằng cá và muối. Cá thì có protein nên khi bị vữa ra thì thành amino acid do đó khi xưa các ngư phủ ghé tiệm của Mệ ngoại hắn, uống nước mắm nhỉ để làm cho ấm người vì muối và có chất đạm để đi đánh cá qua đêm. Hắn nhớ có thấy người ta vớt con nít chết đuối ở Hồ Xuân Hương cũng vậy. Họ uống nước mắm để làm ấm người trước khi lặn. Dần dần hắn hiểu người nghèo khi xưa chỉ ăn cơm với nước mắm vẫn có chất đạm chứ bi chừ thì nước mắm toàn là muối.

Ngày nay mấy tên Thái có thương hiệu rồi nên chỉ dùng nước muối rồi bỏ chất hoá học, tạo nên mùi thơm của cá, đóng chai bán cho ngoại quốc tương tự người mỹ, họ dùng rượu dỡ, trộn chung với nhau rồi nhờ các Blender master pha chế mùi thơm rồi bán rượu với giá khủng cho dân muốn học làm sang, lắc lắc cái ly trong khi tên bồi bàn cười ruồi. Nước mắm ngày nay hoàn toàn không có chất đạm mà chỉ có muối thậm chí muối hóa ý. 


Hắn không ngờ cuốn nhật ký của Mạ đã đưa cho hắn ý tưởng làm nước mắm gia truyền để không bị mai một sau này. Cuộc đời hắn và mụ vợ bước sang một trang sử mới. Làm nước mắm nghiệp dư. Từ dạo đó, hắn và vợ hắn cuối tuần làm nước mắm theo phương pháp cổ truyền. Ra bến tàu mua cá tươi về và muối rồi theo công thức của gia đình hắn làm. Vợ hắn rên là nếu Cali bị động đất là mụ tắm nước mắm vì hắn bỏ mấy hủ làm mắm trên mái nhà để có nhiệt độ.

Người tàu họ làm xì dầu cũng tương tự, bỏ chất hoá học để làm vữa đậu cho nhanh hay nhiều khi chỉ cho muối và hoá học để làm mùi vị rồi bán chớ không có bổ béo gì cả nhiều khi lâu ngày chất hoá học sẽ gây ung thư cũng có. Người Nhật làm xì dầu mất hai năm, do đó giá xì dầu của Nhật, đắt gấp 10 lần anh tầu. Hắn quyết làm nước mắm gia truyền và từ mấy năm nay, hắn và gia đình thêm vài người bạn ăn nước mắm nguyên chất, thủ công nghệ.

Tình cờ hắn đọc nghiên cứu của hai khoa học gia Nhật: Kikunae Ikeda và học trò Shintaro Kodama. Hai người này nghiên cứu lí do các món ăn của á đông đều có thêm gia vị xì dầu hay nước mắm. Họ khám phá ra hai món này có protein nên khi chạm vào lưỡi thì tạo nên một cảm giác, mùi vị mà họ gọi là mùi vị thứ 5, sau 4 vị ngọt, mặn, chua, đắng. 

Mùi vị thứ 5, họ gọi Umami (tạm dịch Mỹ Vị) khi khám phá glutamate làm ngon miệng khi làm súp với kombu, rong biển. Vị này khác với 4 vị chính; chua, ngọt, đắng, mặn. Umami có một vị khá đặc biệt khi nếm và kích thích cái lưỡi. Umami tự nó thì không ngon nhưng nếu trộn chung với những món khác, làm tăng cái vị. Lớp cao niên thường bị mất cảm giác về các vị nhưng nếu ăn thức ăn có pha umami thì giúp họ cảm được cái vị của thức ăn, giúp họ ăn ngon miệng.

Họ nghiên cứu thực phẩm của tây phương cũng vậy, nếu không bỏ phô mát Parmigiano vào spaghetti thì ăn không thấy ngon, sauce cà chua, ketup,...  Phô mát Parmigiano là loại có nhiều nhất glutamate. Từ đó họ đưa ra phương pháp Umami, giúp có thêm vị thứ 5 để tạo đồ ăn cho ngon miệng, giúp người ăn được hưng phấn và từ đó bột ngột (monosodium glutamate) được phát minh và được dùng khi nấu ăn. Hắn lại được biết các đầu bếp nổi tiếng tây phương dùng nước mắm hay mắm tôm để giúp vị đồ ăn nấu ngon hơn qua cảm giác thứ 5.

Đầu bếp tây Vongerichten, có nhiều tiệm ăn đắt tiền trên thế giới, gọi là Umami boms, khi ông ta làm món Parmesan custard với trufle trắng ở tiệm Jean Gẻorges ở New York với giá $185. Các công ty thực phẩm như Nestle, Campbells, Frito lays, McDonald,..., đều dùng những vị này để nấu cho thực khách.

Từ dạo đó, hắn muốn làm nước mắm nguyên chất để bán trên thị trường mỹ và thế giới. Hắn sẽ đưa nước mắm của hắn cho đại học thử nghiệm, đo nồng độ Amino acid cho đủ 40%, sau đó sẽ nộp kết quả cho FDA và bắt đầu làm nước mắm gia truyền với công nghệ hiện đại. Hắn sẽ không cạnh tranh với các sản phẩm siêu thị nhưng sẽ bán cho các tay nghề đầu bếp và thị trường của những người ăn uống cẩn thận với trào lưu về nguồn.


Thân tặng anh chị Ân, chúc anh chị thành công quảng bá nước mắm Lăng Cô gia truyền của bà ngoại. Khi nào em lên miền Bắc Cali, sẽ ghé thăm.

California Fish Sauce được vô chung kết năm 2020 của Good Food Foundation USA .
Tháng 1 năm 2020 sẽ được công bố. Ai muốn xem thì vô cái link dưới đây rồi nhấn ở phần “Pantry”

https://goodfoodfdn.org/awards/finalists/


Nhs

Bài này mình viết năm 2016, nay anh bạn này đã thành lập công ty tại San Francisco, bắt đầu bán sĩ lẻ “Nước Mắm Lăng Cô ngày xưa”. Mở cửa từ 9-12 trưa. 

Ai muốn tìm mua thì xin liên lạc:

California Fish Sauce: Pier 45, Fisherman Wharf, San Francisco, CA 94133.
Facebook: California Fish Sauce
Điện thoại: (415) 685-5888
GIỜ MỞ CỬA: 9:00 AM -12:00 PM


Ngủ được là tiên


Sáng nay mình hỏi đồng chí gái có ngủ được không thì được biết là được. Mình hỏi có uống Niacin tối qua, đồng chí gái kêu có. Vợ mình có vấn đề ngủ, hay uống thuốc ngủ nên mình tìm cách để giúp vợ ngủ mà không cần thuốc ngủ. Dạo này vợ chịu khó uống Niacin thì thấy đỡ nhưng vẫn còn dùng thuốc ngủ nhưng ít lại.

Ngày nay, với tin học kỹ thuật công nghệ, đời sống chúng ta khá bị lệ thuộc vào điện thoại di động với email, nhắn tin đủ trò khiến quên đi quy ước là sau 9:00 tối, không được làm phiền thiên hạ. Tối tối mình hay nghe điện thoại của mụ vợ cứ tinh tinh vào lúc 11 giờ đêm với mấy nhắn tin của mấy bà bạn rồi vợ mình lại than tại sao không ngủ được.

Mình để điện thoại theo chế độ “do not disturb” từ 7:00 tối đến 7 giờ sáng. Khoẻ cuộc đời vì người mướn nhà khỏi kêu trong đêm khuya. Hôm trước mình để chế độ tắt wifi vào lúc 11 giờ đêm khiến mụ vợ chửi banh xác vì đang coi truyền hình và điện thoại.

Các khoa học gia khám phá một điều là nếu đàn ông chỉ ngủ có 5 tiếng mỗi ngày thì tinh hoàn, dế của họ nhỏ hơn những ai ngủ hơn 7 tiếng mỗi ngày. Kinh

Ngoài ra những ai ngủ có 5 tiếng mỗi ngày thì lượng Testosterone của họ chỉ bằng những ai lớn hơn họ độ 10 tuổi. Họ già trước tuổi thêm phụ nữ thiếu ngủ khó mang bầu. Điều quan trọng là thiếu ngủ, khiến đầu óc chúng ta hay bị lộn xộn thêm cơ thể cũng bị ảnh hưởng lây.

Mất ngủ hay thiếu ngủ sẽ gây ảnh hưởng đến não bộ. Người ta cho biết học xong thì phải ngủ sẽ giúp não bộ nhấn nút “lưu” (save) những gì mới thâu nhận nhưng gần đây người ta lại khám phá là cần ngủ trước khi học để chuẩn bị não bộ như cái éponge, thấm nước để nhận thêm tin tức, data,.. Nếu thiếu ngủ khó mà thu nhận thêm được sự kiện,.. có lẻ vì vậy, mụ vợ hay đợi mình ngủ một tị rồi dựng cổ dậy, giảng đạo phu thê. Chán Mớ Đời 

Mình nhớ dạo ở New York, có quen một cô sinh viên y khoa ở Philadelphia. Cô này bị rớt môn anatomy khoá đầu nên nhờ mình xuống Phila mỗi chiều sau khi tan sở, để giúp cô ta học ở nhà xác, nơi họ để các thi thể được tẩm phọt môn, ban đêm. Dạo ấy có một tên bảo vệ hiếp dâm một nữ sinh viên khi đang học khuya trong phòng này một mình nên nữ sinh viên đều sợ, càn có người quen ở bên cạnh, phận làm trai mình phải chạy xuống.

Cô nàng học khuya nên mình phải đợi đến 1, 2 giờ sáng mới ngủ được, rồi sáng dậy sớm để lấy xe lửa về New York đi làm khiến mình chới với. Ngồi đâu là ngủ đó, trên xe lửa trên xe buýt,.. Đi học khoá Kaplan về thi vào học MBA, mình buồn ngủ quá nên chả học được gì cả. Sau 3 tháng cô nàng đậu lại môn anatomy là mình trốn luôn, không bao giờ gặp lại mặt. Kinh hoàng

Người ta thử nghiệm bằng cách chia hai toán người: một toán không được phép ngủ suốt đêm và một toán được ngủ đủ 8 tiếng đồng hồ. Sau đó thì họ chụp hình MRI để xem họ có nhận thức hay ghi nhận gì thêm. Thử nghiệm cho thấy nhóm người thiếu ngủ bị giảm 40% khả năng thâu nhận tin tức mới. Não bộ của người thiếu ngủ dường như khoá, bế môn lại không cho các tin tức mới vào.


Người ta gắn mấy electrodes trên não bộ để quan sát. Họ nhận thấy khi người ta ngủ sâu thì các “sleep spindles” tạo ra một hệ thống giúp lưu giữ bộ nhớ thành một bộ nhớ lâu ngày. Ngược lại thì nếu thiếu ngủ sẽ dẫn đến những bệnh mất trí nhớ sau này.


Qua hiện tượng này thì người ta nghĩ nếu sử dụng các electrodes để truyền sóng được tạo ra khi người ngủ nhiều, sẽ đem lại hay chữa bệnh Alzheimer. Đó là một ý nghĩ nhưng cần được thử nghiệm nhiều hơn.

Hàng năm, cuối tháng 10 thì có vụ đổi giờ mùa đông thì người ta nhận thấy tỷ lệ người bị đột quỵ tại các nước tây phương gia tăng 24%. Vào cuối tháng 4 thì đổi giờ mùa hè thì tỷ lệ bị đột quỵ giảm 21%. Tương tự các vụ tai nạn xe cộ Đụng nhau ngay cả tự tử,…

Người ta khám phá ra hệ thống miễn nhiễm và sự mất ngủ có liên quan đến nhau. Người ta cho biết các tế bào mà họ gọi “natural killer cells”, như một điệp viên để tìm ra các tế bào xấu và tiêu diệt nó như các tế bào ung thư. Vấn đề là khi mất ngủ thì số lượng các tế bào sát tế bào xấu cũng giảm theo -70%.


Mình có coi một phim tài liệu về ung thư thì nhà thương thậm chí World Health Organization cho rằng các công ăn việc làm ban đêm được xem là sẽ mang lại ung thư. Ở Đan Mạch, họ cho phép y tá hay ai làm ban đêm được ngủ, không nhớ bao lâu 30 phút hay 1 tiếng khi làm ca đêm để tránh bị ung thư.

Ngoài ra thì thiếu ngủ sẽ thay đổi các DNA của con người, không phải chỉ một hay 2 mà 711 loại khác nhau. Các DNA này liên đới với hệ thống miễn nhiễm và về lâu về dài sẽ đưa đến những tai hại về sức khoẻ.


Người ta khuyên là khi ngủ cần để nhiệt độ thấp vì chúng ta dễ ngủ hơn khi lạnh, trung bình 65 độ F, đừng có uống rượu hay cà phê. Mình có cái app đồng hồ để đo khi nào mình ngủ sâu hay ngủ khơi khơi.

Người ta khuyên là đi ngủ cho đúng giờ để giúp cơ thể đến giờ là ngủ. Mỗi lần đến nhà bạn bè ăn uống, mình có tật là đến 10 giờ tối là kiếm cái ghế rồi ngủ đến khi vợ gọi thì ra xe đi về. Bạn bè quen nên ai cũng thông cảm. Nói chuyện với mình thì cứ nói trước 10 giờ đêm vì sau đó mình đơ. Xong om

Mình học cách ngủ nhanh bằng cách thở bụng. Cứ để tay trái trên bụng rồi tay phải lên tay trái rồi cứ thở bình thường. Thông thường mình chơi được hai phát là ngủ còn không thì cứ kêu đồng chí gái như bà Hồ Xuân Hương khi xưa, làm tăng 3 là ngủ thôi.

Thật ra nếu trước khi đi ngủ, đứng tập Trạm Trang Công chừng 15 phút thì bảo đảm ngủ một cái lèo. Vợ mình lười tập lắm. Khi xưa, có chỉ cô nàng nhưng đứng chút xíu là ngưng.

Mình hy vọng sẽ giúp được mụ vợ ngủ dễ hơn. Bị áp lực công việc nên phải mát xa đủ trò. Đó là tình yêu về già. Chán Mớ Đời 

Nhs