Chuyện tình 302

Có dạo mình kể chuyện Đà Lạt, có nhắc đến đại đội trinh sát 302 của tỉnh Tuyên Đức, đi hành quân về thì thanh niên Đà Lạt lặn hết. Lính đi hành quân gian khổ về phép gặp học sinh và sinh viên để tóc dài, kêu make love no war nên buồn đời khệnh cho vài cái. Hay em út đánh lộn với ai về kêu anh đi 302 khệnh lại. 

Mình kể anh bạn học, bênh vực một người bạn học chung vì nói chuyện với một cô học chung lớp, 1 tên khác cũng chấm toạ độ cô học chung, ghen nên gây sự. Buồn đời anh chàng ghen này về kêu anh đi lính 302 đánh anh bạn học của mình. Có người đọc, kêu lính 302 không có đánh học sinh Đà Lạt và bắt mình xoá bài trong khi mình biết chắc vì có hỏi vị chỉ huy của đại đội 302 danh tiếng khi xưa. Lý do là mình chỉ nghe bạn bè kể lại, không chứng kiến tận mắt. Từ đó mình không theo dõi nhóm này nữa. 

Cụ bà vẫn đẹp sao, cụ ông vẫn đẹp sao
dù hàm răng không còn chiếc nào
 dù thân thể gầy nhom như là con cóc
 dù trong bước đi vô cùng khó nhọc
 Nhưng vẫn thường vẫn hái hoa tặng nhau.
Một tiếng hắt xì, cụ bà tắt thở
Một chiếc xe trâu đưa cụ bà ra bãi
Thấy Cụ ông đứng đó, ở trên mồ
Tay vẫn cầm lá thư tình yêu…..
Ơi Trái tim cụ ông như mặt trời sắp lặn
Từ dưới quê cháy rừng 
Sáng tình yêu ngàn năm
Cụ bà vẫn đẹp sao cụ ông vẫn đẹp sao

Mình hỏi chỉ huy trưởng của đại đội 302 thì được biết khi xưa trong Hoàng Diệu có một số lính 302 ba gai, có ông tên Trai đánh giặc giỏi lắm. Một hôm, ông trung tá Đặng Văn An, tiểu khu phó Tuyên Đức kêu lên nói phải thuyên chuyển 11 người lính của đại đội 302. Anh ta trả lời; họ là những người lính đánh giặc giỏi, không bao giờ trốn hành quân. Mình đoán là có lần dân Yersin, một số con ông cháu cha ở Đà Lạt, tổ chức nhảy đầm ra sao đó rồi bị lính 302 dằn mặt. Con trai ông tỉnh trưởng, học Yersin nhờ bố kêu quân cảnh đến gác trước trường Yersin đến 2 ngày thì phải, để lính 302 không đến trường quấy rối. Dạo đó dân Yersin, có một số con nhà giàu hút sì ke, nhảy đầm, mình có gặp lại hai tên tại Cali. 


Đà Lạt lâu lâu hay có vụ lính đánh lộn. Mình nhớ sau Mậu Thân, đang từ chợ ra, leo lên cầu thang chỗ vũ trường La Tulipe Rouge thì nghe tiếng súng nổ từ khu Hoa BÌnh thấy vài ông lính cảnh sát dã chiến chạy thụt mạng xuống cầu thang. Mình cũng ngại, không biết chuyện gì, chạy vào chợ lại. Thấy vài ông gốc tàu, bận đồ biệt kích cầm súng ngắn lạ lắm, chưa bao giờ thấy, chạy đi lùng mấy ông dã chiến. Sau này họ nói là AR18. Hoá ra có ông biệt kích nào về phép, đứng nói chuyện với ông soát vé ở rạp Hoà BÌnh. Rạp này do ông chủ tiệm Chic Shanghai, người Tàu làm chủ. Có mấy ông Cảnh Sát Dã Chiến đi vào xem xi nê những không mua vé, còn đòi đánh ông soát vé và ông biệt kích thế là ông ta về căn cứ, kêu đồng đội biệt kích lên Hoà BÌnh, tìm cảnh sát dã chiến đánh. Sau đó mấy cấp chỉ huy phải tìm cách hạ nhiệt vì lính biệt kích dạo ấy trực thuộc người Mỹ trả lương.


Một hôm, trung tá Đặng Văn An, tiểu khu phó, cùng an ninh quân đôi và quân cảnh đến toà tỉnh, kêu đại đội 302 tập họp. Dạo đó lính 302 đóng lều ở toà tỉnh, đọc danh sách 11 người bị đổi đi đơn vị khác. Mấy người này đã bị cúp quân lương. Bổng nghe tiếng súng nổ, anh ta chạy vào lều xem tình hình thì được biết một binh sĩ tự bắn vào chân mình. Hỏi lý do, kêu tự bắn nếu không phải bắn ông trung tá khiến ông này rùng mình. Sau đó số người này đào ngủ, không trình diện ở đơn vị mới tại Quảng Đức và phá phách trong Hoàng Diệu. Họ có súng ống và lựu đạn nên quân cảnh cũng không dám đụng tới. Nhớ có dạo nhà ông Ngần ở xóm chuyên chứa đánh bài, 302 vào hốt tiền sòng bài. Chắc nhóm ông Trai này. Nghe kể người nhà của thủ tướng Trần Thiện KHiêm, lên sân cù cũng bị họ làm khó dễ. Ông Phong cũng đang tìm tin tức ông Trai này không biết sống chết ra sao. Ai biết cho xin. 


Ông tỉnh trưởng nhờ anh ta can thiệp thì được biết, sau khi họ không trình diện ở đơn vị mới, mấy người này ở ngoài vòng pháp luật, không còn dưới quyền chỉ huy của anh ta nên không can thiệp được. Mình đoán họ sống chết với đại đội 302, không muốn bị đổi đi nơi khác. Mình được tin người lính 302 tên Ngà, sau 75 vẫn đem lính vào trong NÚi Voi đánh Việt Cộng rồi khi hết đạn dược và lương thực thì bị bắt và đi tù 20 năm đã qua đời tại Đà Lạt. Xin chia buồn cùng tang quyến.

Sau này, anh Phong đề nghị với tỉnh trưởng với điều kiện ông ta giữ lời hứa. Kiếm 11 giấy khai sinh mới cho 11 ông này, để ghi danh đi lính rồi anh ta xin về đơn vị 302 nữa. Anh ta sẽ kiểm soát để khỏi bị lộn xộn và không phá phách Đà Lạt nữa. Ông Tám Bôn Xa kể khi xưa đi lính nhảy dù rồi đào ngủ, lấy giấy tờ khác đăng lính hải quân. Mình quen hai người ở Đà Lạt, đi Biệt Động Quân rồi trốn ở nhà luôn đến 30/4. Hôm trước có anh từ Việt Nam gọi điện thoại qua, cho biết là học sinh Trần Hưng Đạo, nhà ở cư xá cảnh sát bên cạnh ty cảnh sát quốc gia, kể là đi hành quân về, vào quán có nhiều ông lính thấy 1 anh thanh niên uống sữa cũng gây lộn, huống chi thấy con nhà giàu để tóc dài, ăn chơi nhảy đầm. Đánh giặc bị stress, nhìn đồng đội chết, về phép gặp cảnh gai mắt nên nhiều khi bực mình rồi đập lộn. 


Có một chuyện mình thắc mắc là 1 võ sư từ Sàigòn lên Đà Lạt để huấn luyện binh sĩ, nghe đồn bị lính 302 bắn hay đánh. Mình nhớ khi xưa, thấy ông võ sư này hay ngồi quán ăn Mekong và chở một cô rất xinh không biết dân Đà Lạt hay Sàigòn, lái xe gắn máy 125 cc. Hoá ra là chuyện này có thật. Số là võ sư có lần đến phòng trà Đào Nguyên, ở ngay bờ hồ, gần Thuỷ Tạ nhảy đầm. Hình như chủ tiệm ăn Đào Nguyên, trước kia là trưởng ty cảnh sát Đà Lạt. Nghe CBNX nói là cô con gái ở Nam Cali, khi cô nàng sang Cali, có đến chơi nhà cô này. 

Ca ve của người ta đã trả tiền thì ông võ sư lại đến mời nhảy đầm, khiến lính 302 bất bình tính gây chuyện nhưng được can là không nên làm ồn ào ở đây. Nói chung là dân Đà Lạt không thích mấy ông xứ lạ đến lên mặt. Ở Pháp nhảy đầm, theo phép lịch sự, người ta đến mời mấy cô không quen nhảy luôn. Người Việt mình thì gái ai nấy nhảy. Đụng tới là ăn đạn hay ăn mã tấu. Chán Mớ Đời 


Nhớ dạo ở Lausanne, lâu lâu về paris thăm 2 người em, mấy người Việt quen với em mình, rủ tới nhà ăn cơm. Có ông Hồ Trường An và ông bồ Tây từ Troyes lên Paris chơi. Có bà tên Châu, nghe nói cũng viết lách nhiều. Kể là khi xưa bà ta là xếp ca ve ở một vũ trường Sàigòn. Ai muốn nhảy với ca ve thì phải mua vé. Cứ một vé là một bản nhạc. Ai muốn nhảy với ca ve cả đêm thì mua nhiều vé xem như mua đứt cô ca ve đêm đó. Ông Hồ Trường An hay đem báo tặng cả đám về đọc bài của ông ta đăng trên báo. Mình bắt đầu đọc báo việt ngữ từ đó. Hình như ông An là em trai của một nhà văn nữ tên Thuỵ Vũ thì phải. Qua Mỹ, có nhiều người hỏi mình về ông nhà văn người nam này thì mình không rõ lắm, chỉ gặp 2 lần rồi mình đi ta bà. Chỉ nhớ là bà Châu muốn giới thiệu bạn gái cho ông An mà ông Bồ tây ngồi bên cạnh chả hiểu tiếng Việt.

Một ngày tối trời, mấy ông lính 302 đang ăn miến gà ở đường Trương Vĩnh Ký, đối diện khách sạn Thuỷ Tiên. Hình như quán của anh Bảng thì thấy ông võ sư đến với một đại tá nhưng bận đồ dân sự đậu xe đến ăn. Thế là trung sĩ Phẩm 302 chạy ra hỏi chuyện, tại sao bất lịch sự đi mời ca ve của người ta. Ông võ sư hỏi muốn gì rồi chấp ông 302 đánh trước. Ông này lấy băng đạn đang đeo trên người quất ông võ sư thì ông này có võ nên né, chân tránh qua một bên thì đụng vỏ chuối nên trợt té thì ông 302 rút súng ra, bắn 1 phát bên trái và 1 phát bên phải khiến đạn trúng đường, nhá lửa dội lên bay, ricocher phía dãy tiệm thuốc MInh Tâm. Ông trung sĩ 302 kêu nãy giờ bắn chơi, giờ bắn thiệt thì đúng lúc đó ông đại tá can thiệp, tự xưng là đại tá, từ Cam Ranh quên tên, xin bỏ qua mọi việc. Trung sĩ Phẩm kêu đại tá hả, lon này cũng đầy máu của lính. Nghe nói trung sĩ Phẩm khi xưa cũng thuộc loại dữ dằn có tiếng ở Đà Lạt. Mình không biết nhiều về giới anh chị Đà Lạt xưa. Ra đường gặp lính hay ai cứ tránh cho khoẻ đời.


Vụ này xẩy ra trước khi ông võ sư mở võ đường tại hãng cưa của ông Xu Huệ ở Ngã BA Chùa. Tiếng đồn xa, ít ai đến học, sau này đóng cửa. Mình có học ở đây 3 tháng nhưng ít khi thấy ông võ sư lắm vì ông ta để một anh chàng tên Tường, nhà ở cạnh tiệm giò chả An Lộc, đường Phan Đình Phùng dạy. Có một anh chàng tập chung tên Dũng, đô con, học Lasan Kỹ Thuật, rất giỏi song đấu. Mình thì nghỉ sau 3 tháng vì có anh Minh, rể ông xu Huệ dạy Không Thủ đạo buổi sáng miễn phí. Ông 302 này đã qua đời. Ông võ sư này mê cô T.L, đẹp có tiếng Đà Lạt khi xưa, bạn học với ca sĩ Thanh Tuyền. 


Mình nhớ dạo ấy không dám đi vào xóm Hoàng Diệu vì sợ bị du đảng hay 302 đánh tùm lum. Vào xóm lạ, cúi mặt chớ nhìn lên trời, gặp đám con trai kêu mày kênh hả rồi nhảy ra hội đồng thì mệt. Anh bạn học với mình, bị 302 đánh một trận vì bênh bạn, sợ đụng 302 nữa nên đi học đều vác theo cây súng nhân dân tự vệ. Sau bố anh ta làm an ninh quân đội, can thiệp nói chuyện ra sao mới hết vụ này. Có một anh chàng khác học chung lớp, tên Hùng, nhà đâu ở ngã ba chùa, cạnh tiệm thuốc tây Mười Võ, nghe nói đã qua đời, cũng nhân dân tự vệ. Lâu lâu cãi nhau với ai lại chạy về nhà lấy súng nhân dân tự vệ đem doạ thiên hạ. Trên đường Phan ĐÌnh PHùng, gần cây xăng Ngọc Hiệp, có dạo đánh lộn ra sao đó, một tên lấy súng bắn cái đùng tên hàng xóm chết. Em tên bị bắn chết lấy súng chạy qua nhà bắn cái đùng nữa tên kia đền mạng. Thế là trong xóm đi đám ma 2 nhà. Chuyện dài nhân dân tự vận.

Cây xăng Ngọc Hiệp khi xưa. Thấy nhà 3 tầng của tiệm Đức Lập. Con trai là hàng xóm mình ở Cali

Đà Lạt khi xưa, lạ lắm, thanh niên hay đánh lộn về chuyện gì đâu đâu. Rất võ biền. Cãi nhau rồi đánh nhau. Thằng nào nói chuyện với đối tượng của mình là gây lộn. Hay kênh nhau rồi xông vào đánh nhau như chuyện Thuỷ Hử. Chạy về nhà kêu bạn bè đi đánh trả thù. Mình nhớ Dương Quang Trí ra chơi, có một đám nào ở trường khác đến chận đầu, đòi rạch mặt. Nghe em anh chàng giải thích là có xích mích với đám học sinh trường nào đó, rồi Trí bênh em nên chúng rủ thêm bạn đến trường Văn Học giờ ra chơi. Đợi ông thần Trí xuống đường nhảy lại đánh hội đồng. Hôm đó lại có Nguyễn Đình Tài, đi chung. Tài là em họ của Nguyễn Đình Sỹ, học Trần Hưng Đạo, cả hai tập võ với mình buổi sáng với anh Minh, rể ông Xu Huệ, nhảy đến đánh mấy tên kia chạy có cờ. Anh Sỹ sau này đi nhảy dù chết mấy tháng sau.

Gần xóm mình có một nhóm mà thiên hạ ở Đà Lạt gọi là băng Thái Cực Đạo, mấy ông thần tập Thái Cực Đạo ở Thao Trường, cũng hay đánh lộn lắm. Hình như có một chị học sinh Bùi Thị Xuân, cũng tập Thái Cực đạo hay đi chơi với nhóm này tên Liên, nhà bán gạo ở Phan Đình Phùng, cạnh tiệm may ông Ba Hoà, ngay chợ nhỏ, cạnh tiệm thuốc Lâm Viên. Mình có gặp lại một lần ở Virginia, làm chuyên viên địa ốc, giàu lắm. Đám con trai Đà Lạt khi xưa hay gọi chị này là Liên Thái Cực đạo, rất tomboy thời đó.


Trong xóm nữ công gia chánh có một anh chàng tên Hoà, đào binh, hay đánh lộn dùm cho đám học sinh Việt Anh. Anh nào bị đánh ở trường hay đến nhờ ông thần Hoà rửa hận dùm. Anh chàng hay bận áo blouson vãi Jean màu tím mà trai Đà Lạt hay bận khi xưa. Lận trong áo blouson cái ống nước độ 30 cm. Đánh lộn là rút ra khệnh cái ống nước. Sau này bị quân cảnh bắt và mình không gặp lại nữa. Trong khu Tăng Văn Danh cũng có một nhóm hay bắt nạt dân lạ đến. Trên số 4 cũng dữ dằn lắm. Nói chung mình không dám mò tới mấy chốn này ở Đà Lạt khi xưa. Đi chơi thì bò vào đập Đa Thiện bơi với mấy người bạn rồi về.


 (Còn tiếp)


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 








Trí nhớ và karaoke

Khi xưa đi chơi mình hay vẽ, không có nhiều thì giờ thì đem sổ nhỏ ra phát hoạ vài đường để nhớ lại chỗ này có gì đặc thù, ghi chép lặt vặt. Có lẻ nhờ quan sát để vẽ mà mình có trí nhớ tốt. Hôm trước, vào ngân hàng, cô thâu ngân viên hỏi số trương mục của mình thì mình đọc cho cô ta đánh máy trên máy điện toán khiến cô ta ngạc nhiên, kêu mình nhớ cả tài khoản. Cũng như sổ thông hành, bằng lái xe mình đều nhớ. Khi điền đơn là khỏi phải đi tìm sổ thông hành cho mất công.

Hôm trước, thấy ông tây nào trên mạng tải tấm ảnh ở Paris trên nhóm nhiếp ảnh gia nên hỏi có phải Palais Royal thì ông ta nhất trí. Chỗ này mình có ghé lại lần chót với đồng chí gái năm 2009 với hai vợ chồng bạn học của vợ. Hôm ấy anh chồng nghỉ chạy taxi, chở hai vợ chồng đi vòng vòng Paris, nhờ có xe taxi nên có thể đậu nhiều nơi dễ dàng, chỗ dành cho taxi.

Mỗi lần leo núi, lên tới đỉnh mình ngồi nhìn phong cảnh để cảm nhận thiên nhiên. Trước khi đi xuống mới lấy điện thoại ra chụp một tấm hay hai để làm kỷ niệm. Nói chung thì về cũng chả xem lại, lười bỏ vào album. Mình có đâu hơn 1,000 tấm ảnh cũ Đà Lạt xưa nhưng lười bỏ, xắp xếp từng loại vào một album riêng trong iPad để dễ tìm. 


Khi mình sang Pháp, thấy người Pháp trước khi ăn đều đọc kinh để cảm ơn Thiên Chúa đã cho họ được bữa ăn. Nay thay vì đọc kinh, người ta lấy điện thoại ra chụp lia lịa mấy món ăn để tải lên mạng theo phương châm của ông Descartes, tôi xeo-phì nên tôi hiện hữu. Không ngửi mùi vị của thức ăn. Tôi chụp hình đồ ăn nên tôi hiện hữu nên thiên hạ chụp lia chia. Vấn đề là thiên hạ có xem hay không.


Người ta nói ăn bằng mắt, bằng lưỡi, bằng tai và bằng mũi trong khi chúng ta ngày nay ăn bằng điện thoại.

Điện thoại thông minh đã thay đổi hoàn toàn lối sống con người trên thế giới, người ta cho biết mỗi ngày trên thế giới, hình chụp cả mấy chục tỷ lần hay đi xem nhạc, thiên hạ thay vì nghe thưởng thức, họ mở điện thoại ra để quay, tự nhủ là sẽ làm kỷ niệm hay xem lại vô hình trung làm giàu cho các công ty bán Cloud (Mây). Cứ mở YouTube ra hay Netflix là có thể mở xem, khỏi mất công quay, tốn công quay. Vấn đề là chúng ta sống trong thời đại Fast & Furious. Những gì hôm qua được xem là sôi nổi nhưng nay đã đi vào lãng quên như chiến tranh ở Ukraine bị Gaza làm quên.


Chúng ta họp mặt gia đình, thân hữu, đối cảnh vô tâm. Mỗi người cầm điện thoại lò mò đọc tin nhắn. Cứ lâu lâu mở ra xem có gì lạ hay không rồi nhắn like hay còm gì đó. Chúng ta tuy gần nhưng cách xa. Rồi vài phút sau xem lại có ai nhắn lai còm của mình hay hình ảnh tô canh chua mới được đem ra. Chúng ta nghiện điện thoại như một người nghiện hút thuốc hay rượu. Không tự làm chủ chính mình. Khi đi ăn cơm tiệm, mình cất điện thoại trong xe để ngồi xem vợ con mở điện thoại chít chát. Không dám cấm mụ vợ, còn con thì mình có thể trừng mắt. Hôm trước, đi ăn với đám cháu, có 1 đứa cháu cứ mở điện thoại hoài, cuối cùng mình phải tịch thâu cái điện thoại của nó mới thấy cơn nghiện điện thoại ra sao. Thằng cháu cứ nhìn cái điện thoại để bên cạnh mình.

Nghệ nhân với tác phẩm và chi tiết. Nếu chụp hình ta chỉ thấy ông hoạ sĩ và bức tranh nhưng nếu quan sát kỹ sẽ thấy các chi tiết được nghệ nhân vẽ rất chi tiết. Thường chúng ta chỉ ở hoàn cảnh tấm ảnh gồm nghệ nhân và tấm tranh của ông ta. Không chụp hình, chúng ta có thể có nhận ra các chi tiết được vẽ một cách công phu

Chúng ta chụp hình là để lưu lại những giây phút họp mặt, những giây phút đầu tiên đứa con ra đời hay một phong cảnh thiên nhiên mà chúng ta may mắn trải nghiệm. Mình nhớ khi thằng con ra đời, mình đem cái máy quay video vào phòng mỗ để quay làm kỷ niệm. Video cảnh bao giờ xem lại từ lâu vì máy móc cũ. Mình tiếc không cảm nhận khi thằng con ra đời bằng mắt thường thay vì qua màn ảnh video, thiếu không gian 4 chiều.


Người ta làm một thử nghiệm vào năm 2015, nghĩa là khá lâu. Họ đề nghị 20,000 người Mỹ theo dõi chương về hội thoại. Họ yêu cầu các thính giả không đụng đến máy chụp hình hay điện thoại để khai thác óc sáng tạo của họ. Họ hỏi lý do sử dụng điện thoại và máy ảnh.


Kết quả cho thấy: rất nhiều người sử dụng máy chụp hình như dụng cụ giúp trí nhớ như chụp hình để nhớ đậu xe chỗ nào, nhãn hiệu của một chai nước tương họ ăn trong tiệm ăn để mua dùng ở nhà…. Vấn đề là mỗi khi chúng ta chụp hình cái gì quá nhanh chóng, lại giảm thiểu trí nhớ của mình. Đúng hơn vì không kịp quan sát kỹ lưỡng khiến não bộ không ghi lại rõ ràng.

Một giáo sư tâm lý học của đại học Fairfield, COnnecticut, nghiên cứu về hệ quả chụp hình gây ảnh hưởng cho não bộ và trải nghiệm. Bà ta dẫn sinh viên đến viếng viện bảo tàng và yêu cầu các sinh viên chụp những tấm tranh hay những vật thể mà họ gặp trong chuyến viếng thăm và quan sát các sinh viên khác.


Hôm sau, bà ta đem sinh viên vào phòng thí nghiệm để xét nghiệm trí nhớ của họ về các vật thể mà các sinh viên đã có dịp xem thấy hôm qua. Nếu họ nhận ra vật thể thì bà ta hỏi thêm về các chi tiết khác. 


Kết quả cho thấy đa số ít nhận ra những gì họ đã chụp hình hôm qua, cũng như các chi tiết về các tranh ảnh được triển lãm tại viện bảo tàng so với những vật thể họ xem xét cẩn thận, đọc những ghi chú. Lý do là khi chúng ta chụp ảnh, chúng ta có khuynh hướng dựa vào tấm ảnh đó để lưu nhớ dùm mình. Tương tự mấy bà hay bắt chồng nhớ dùm mình.


Chúng ta không có sự cọ sát cảm nhận, cảm xúc với vật thể hay môi trường. Chúng ta nhớ về kinh nghiệm của giây phút ấy, chúng ta uỷ nhiệm (outsource) cho máy ảnh làm sự việc vô hình trung làm mất công việc của não bộ. Chúng ta không có trải nghiệm giây phút thật sự đó. Nói đúng hơn là máy ảnh bắt được giây phút ấy, không phải chúng ta. Chúng ta không cần có mặt, chỉ cần xem video. Khi chúng ta xem xét một vật gì, ngoài không gian 3 chiều, chúng ta còn được trải nghiệm không gian 4 chiều như âm thanh, thời tiết hay ruồi bu,… 


Khi đi xem The Eagles trên Netflix khác với cảm nhận khi xem trực tiếp ở buổi hoà nhạc ở sân vận động nào đó. Mình nhớ xem ở Wembley một chương trình gây quỹ cho bệnh SIDA gọi là Band AIDS. Ông Bruce Springsteen hát xong phần ông ta với Bono thì bay máy bay Concorde qua NEw York hát tiếp. Sau đó mình chạy về nhà xem truyền trực tiếp thì không còn cảm nhận như hồi chiều ở Wembley.

Mình lấy vợ trên 32 năm, đi chơi với vợ nhiều nơi. Mỗi lần vợ mình nghe bạn bè nói đến địa danh nào là hỏi mình. Mình nói đi rồi, nhắc này nhắc nọ làm gì ở đâu khiến mụ vợ mặt bò đội nón, kêu sao không nhớ. Lý do là chụp hình, chụp hình rồi quăng một đống nên mụ không nhớ gì cả. Cái nguy hiểm là những người không nhớ thường có đức tính khác là tính thù dai. Cái gì tiêu cực là họ nhớ đời đời, nhớ bền vững. Có thể xem đức tính của người quân tử tàu vì 10 năm trả thù chưa muộn. 


Khi xưa, đi viếng viện bảo tàng mình đều có cuốn sổ esquisse và hộp bút chì màu. Khi thấy một bức tranh hay tượng đẹp, gây chú ý thì mình đứng lại vẽ rồi tô màu thì sau này, khi xem một tấm ảnh về tấm tranh hay điêu khắc thì mình nhận ra ngay. Điển hình là ông tây tải tấm ảnh của hoàng cung ở Paris là mình nhận ra ngay, để chắc ăn mình hỏi Palais Royal thì ông ta kêu đúng. Làm sao mình nhớ một hình ảnh sau khi rời Paris trên 40 năm. Vì mình thường đi ngang đây và có vẽ quan sát chỗ này rất nhiều lần. Thiên hạ hỏi mình sao nhớ về Đà Lạt, lý do là đi bộ khắp Đà Lạt, mắt lúc nào cũng để ý xem có mấy trên tỏng xóm hay không. Lạng quạng chúng chận đường tẩn cho một trận, nên phải quan sát.


Hôm trước có một chị tập ở Đông Phương Hội, hỏi mình là những thế mình chỉ cho mọi người tập, cần phải quay video để về nhà xem lại để tập khiến mình buồn cười, khuyên không nên bỏ một buổi tập để quay rồi về nhà chả hiểu, quên không tập.

Bà giáo sư cho rằng khi chúng ta outsource (chữ này khó dịch, ai biết chỉ dùm ngoài bán cái) uỷ nhiệm trí nhớ của chúng ta vào các máy ảnh để bộ não có thể dùng vào việc khác. Vấn đề là chúng ta đi từ việc này đến việc khác và quên những sự việc xẩy ra trước đây do đó không bao giờ cảm nhận hoàn toàn sự việc. Mọi việc nó đều tuần tự thì mới thâu vào bộ nhớ. Khi mình kể chuyện đời xưa, thì tuần tự các hình ảnh lại lộ ra như ngày hôm qua.


Bà ta làm một thử nghiệm khác để xem xét trí nhớ của sinh viên về những lời hứa và thực hiện. Điển hình khi chụp ảnh chúng ta nói sẽ làm một cuốn album sau khi tải về DropBox hay Drive,… mình cứ nói sẽ lựa ra mấy tấm ảnh về Đà Lạt xưa, có đâu 1,000 tấm nhưng lười làm. Có dạo có bác nào muốn giúp mình việc này mà tìm không ra tên trên Facebook. Nếu đọc thì xin liên lạc với mình qua tin nhắn.

Phim Dolce VIta của Fellini khiến mình chỉ muốn đi viếng La MÃ để đến bể bơi Trevi này để xem. Cảnh tượng quá đẹp. Lần chót đến đây là thấy có người rờ túi quần, may là khôgn để ví trong túi quần


Bà ta cho sinh viên đi viếng bảo tàng lại và nhờ họ làm như sau: chụp hình các vật thể, tranh ảnh, tượng và chụp hình họ đứng bên cạnh các vật thể. Sau đó bà ta phỏng vấn họ.


Bà ta khám phá ra là cảm nhận rất khác nhau khi chúng ta có trong ảnh và ngoài ảnh. Nếu chúng ta ở trong ảnh thì chúng ta nhìn chúng ta đang làm việc gì thay vì cảm nhận về vật thể. Khi nhìn tấm nhỏ, việc đầu tiên khi nhìn một tấm ảnh là chúng ta tìm chúng ta trước và không nhớ đến vật thể ngược lại khi nhìn tấm ảnh thì sinh viên đều nhận ra cảm xúc, nghĩ gì khi đứng xem chụp vật thể.


Điển hình nếu chúng ta thấy tấm ảnh chụp đứng bên cạnh tấm ảnh La Joconde ở viện bảo tàng Louvres, việc đầu tiên là thấy chúng ta rồi nói tấm tranh nhưng không nói lên cảm xúc của mình khi đứng trước tấm tranh. Khi xưa mình đi viếng chỗ này thì có đứng xem xét, càng đứng lâu lâu càng thấy nụ cười ngầm của phụ nữ trong tranh. Sau đó mình đứng vẽ nháp tấm tranh nên khi nào nhìn lại mình vẫn cảm nhận nụ cười của người đàn bà trong tranh như 45 năm về trước. Bà giáo sư kết luận là máy ảnh rất hay nhưng không thể nào thay thế hay so sánh với bộ não trí nhớ của chúng ta.

Đối tượng một thời ở Tây 

Dạo này có vụ hát Karaoke, mình thấy thiên hạ cứ nhìn vào bản nhạc hát, bị điều kiện hoá bởi lời chữ trên màn ảnh truyền hình chạy nhanh hay chậm hay điện thoại thông minh nên thường là sai nhịp. Trước kia khi hát người ta học thuộc lời bài hát để diễn đạt theo cảm xúc, ngày nay chúng ta cứ đọc chữ để hát cho theo chữ tắt trên màn ảnh thay vì nhịp điệu nên khó mà hát gây cảm xúc cho thính giả.


Càng về già, chúng ta nên tập giúp trí nhớ cả không thì sẽ trả nhớ về không rất nhanh. Theo thống kê thì người Mỹ đến năm 82 tuổi là có đến phân nữa bị bệnh Alzheimer. Tập đọc sách, vẽ, đừng đụng đến điện thoại khi ra ngoài. Nhìn và quan sát cảnh vật xung quanh để lắng nghe tiếng động, tiếng nói, hơi thở để chánh niệm được cuộc sống để nhận thấy mình hạnh phúc, không bị lệ thuộc vào điện thoại hay một máy móc nào cả.


Nói như con nhà phật, chánh niệm khi đang làm việc gì thay vì để điện thoại thông minh sống dùm ta. Rồi hát hãy sống dùm tôi hãy thở dùm tôi, IPhone nè.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 




 

# Đại lộ Champs Élysées (Paris có gì lạ không)


Ngoài khu la tinh nơi đi học, mình thích đi dạo trên đại lộ Champs Elysees, quận 8 của Paris nhưng không dám ăn tại đây vì đắt lắm. Khá lắm là ăn bánh mì kẹp merguez trét harissa của người ả rập bán trên lề đường. Hình như có ăn 1 lần ở tiệm Drugstore Publicis, thịt bò gì đó. Paris có tất cả 20 quận. Không biết giờ có thay đổi hay không. Mấy quận nghèo là #18, 19, và 20, chỗ gần thành phố Pantin mình ở lúc mới sang Pháp, khu có nhà máy sản xuất, khói đen các tường phố xá. Khu sang là quận 16, 17, và quận 8 có dinh tổng thống pháp và dinh thủ tướng.

Ông bà Cayla cho mình ở miễn phí căn phòng Ô-sin ở Neuilly/Seine thì đến năm thứ 3, có một tên bạn học chung giới thiệu ông bà nội anh ta, khi xưa là một trong hai người thành lập công ty xà bông Roger Gallet. Người pháp giàu có thì giàu kinh khủng. Họ có mấy khu phố cho thuê ở đại lộ Wagram, quận 17, gần Khải hoàn môn. Họ thấy mình tỵ nạn nên cho mình một căn phòng ô-sin ở miễn phí. Không dám từ chối nên mình ở hai nơi luôn. Sau này, em mình vượt biển sang thì họ cho một căn phòng khác để ở đến khi lấy chồng thì dọn ra. Con cháu ông bà lấy lại đập phá xây mấy studio cho thuê hay con cháu ở.


Đi học về vào cuối tuần mình hay lang thang từ trường qua cầu nghệ thuật (passerelle des Arts), băng qua viện bảo tàng Lourve rồi thả bộ dưới arcade của đường Rivoli, ra tới quảng trường Concorde, phía bên phải thì đi thẳng đến nhà hát Opera, có dịp sẽ kể vì mình có vào thăm viếng thời sinh viên với ông thầy dạy lịch sử kiến trúc.


Quảng trường Concorde này, khi cách mạng nổi dậy, thanh trừng nhau, họ đem đối thủ chính trị ra đây để chém đầu để làm gương. Như ông Rouget de Lisle, người sáng tác bản quốc ca La Marseilleise. Ông ta kêu gọi những người con của tổ quốc đưa ông ta lên máy chém (Allons enfants de la patrie, le jour de gloire est arrivé). Ngày xưa, mấy ông tây kể về ông này làm bản nhạc để người Pháp lên đường, đánh quân Phổ dành lại vùng đất Alsace và Lorraine nhưng không kể cho học trò là sau này ông ta bị chém đầu.

Đây không ảnh cho thấy vườn thượng uyển Tuileries, quảng trường Concorde khởi đầu đại lộ Champs Elysees, đến Khải Hoàn Môn rồi qua Porte Maillot, chạy băng qua Neuilly/Seine đến La Defense. Mình đoán hình chụp vào buổi chiều, thấp thoáng mặt trời lặn ở phương tây. Vào năm giờ chiều ngày 2 tháng 12, mặt trời sẽ nằm giữa Khải Hoàn Môn. Bên trái là sông Seine


Từ đó dân tây rất sợ cách mạng. Nói đến cách mạng là nói đến giết người. Qua quảng trường Khải Hoàn Môn lịch sử này thì khởi đầu đại lộ đẹp nhất thế giới mang tên Les Champs Élysees. Bên phải có toà đại sứ Hoa Kỳ, rồi lần lần đi lên dốc và chấm dứt ở Đại Khải Hoàn Môn, dài đâu gần 2 cây số. Bên trái thì có Petit Palais, và bên kia đường là Palais De La Découverte, cả 2 được xây cất trong cuộc đấu xảo năm 1900 với hệ thống xe điện ngầm mà mình đã kể tuần trước. Khi họ xây quảng trường này thì Paris chỉ có xe ngựa, không biết sau này người Pháp lái xe hơi nên chỗ này rất lộn xộn để quẹo. 


Các bác cứ tưởng tượng 12 đại lộ đỗ về Khải hoàn môn, quảng trường hình tròn nên xe phải chạy vòng vòng rồi cứ quẹo phải nhích nhau đủ trò. Sàigòn khi xưa có ngã 6 là đã mệt đây ngã 12, thập nhị. Mình chưa bao giờ lái xe ở Paris, chỉ ngồi với đám bạn đủ thấy mệt. Nội kiếm chỗ đậu xe là đủ mệt. Đi bộ lên tới bùng binh thì mình rẽ qua phải xuống đại lộ Wagram, về phòng. Mình thích khu vực Wagram vì có mấy tiệm bánh mì bán baguette ngon hơn ở khu Neuilly. Chỗ mình ở gần Palace Des Ternes, chợ hoa. Hình như góc này có một Brasserie La Lorraine, bán nghêu sò tươi. Chỉ đi ngang chưa bao giờ vô vì đắt lắm.

Đại lộ Champs Elysees được xem là đẹp nhất thế giới

Anh đem tình tôi bỏ sông Seine

Quay lại hỏi em có buồn không

Khải Hoàn Môn Paris, mấy năm trước họ lấy vãi trùm lên như để thi công đồ án của ông Christo. Một nghệ nhân gốc Lỗ Ma Ni. Ông ta có lần đã lấy vãi phủ cầu Mới (Pont Neuf). Mình có viếng đồ án của ông ta cắm 1,000 cái dù Nhật Bản ở Cali vào năm 1991 hay 1992 khi mới sang Cali.


Có một điểm ít ai biết ngoại trừ dân kiến trúc khi học về lịch sử Paris, là Khải hoàn môn được xây dựng để đánh dấu trận thắng Austerlitz của Napoleon. Ngày 2 tháng 12 cứ vào 5 giờ chiều, mình hay bò ra đây vài lần để quan sát có đúng với sách dạy, trên đường về để nhìn mặt trời từ phía La Defense lặn trúng vào cái Arc của Khải hoàn môn để người Pháp nhớ về trận thắng lịch sử năm 1805. Khi xưa, ở Đà Lạt, ông tây dạy sử địa hành mình với những trận đánh của Napoleon, chả hiểu gì cả đến khi sang tây lại bị mấy ông tây dạy lịch sử kiến trúc hành nữa. Học về thiết kế đô thị của người Pháp, lúc nào cũng vẽ thẳng theo tinh thần cartesien trong khi người Anh quốc thì cong queo. Sau này họ muốn khoá đại lộ này lại vì chạy đến La Defense nhưng may thay có ông kiến trúc sư người Đan Mạch thiết kế một Khải hoàn môn khác tại La Defense.

Đây là cảnh thiết kế nối dài vườn thượng uyển Tuileries đến Champs Elysees mà trước kia họ gọi đại lộ Neuilly. Cảnh thiết kế của vườn xứ Pháp đều thẳng bong. Hoàng đế Áo -Hung phải kêu ông thiết kế vườn của  vua Pháp sang để thiết kế vườn Belvedere Vienne Áo Quốc.

Nếu ai tò mò về thần thoại hy-Lạp như mình vì khi xưa phải học đủ thứ để hiểu khi thiết kế, sử dụng các thần thoại Hy Lạp, thánh kinh,… nhất là khi nói chuyện với Tây đầm để hiểu những gì họ nói. Trong cuốn Odyssee, thi hào Homer có nhắc đến Elysees là địa ngục của người Hy Lạp, họ nghĩ người chết về đây sống. Chỗ này được chia ra nhiều vườn, vườn Elysees thì được xem là nơi dành cho người có đạo đức.


Trước khi gia đình hoàng gia dọn ra điện Versailles, đẹp lộng lẫy nên hoàng gia ăn chơi mệt thở khiến dân tình trách móc và cách mạng nổi lên chém đầu vua thì họ hàng nhà Vua ở trong thành phố Paris tại Hoàng Cung (Palais royal). Tại đây có vườn Tuileries để hoàng gia ra đó chơi cạnh bờ sông Seine. Sau đó buồn đời, ông vua Louis thứ 14, kêu ông André Le Nôtre, người thiết kế vườn của nhà vua, nới vườn Tuileries về phía tây gọi đại lộ Neuilly. Sau này người ta gọi đại lộ Champs-Élysées. Không hiểu lý do họ đặt tên này, người Pháp cho rằng là để nói về người chết như trong thần thoại Hy Lạp. Và từ từ được nối dài lên đến đỉnh toạ lạc Khải hoàn môn ngày nay. Họ phải giảm độ cao đâu 5 mét, bang đất ở đỉnh đồi này khi hoàng thành khu vực này.

Khải hoàn môn do Napoleon ra lệnh xây cất để đánh dấu trận đánh Austerliz mà ai ở Paris, sang năm ngày 2 tháng 12 ra đây cho đường vườn Tuileries, nhìn lên Khải hoàn môn sẽ thấy mặt trời lặn đúng vào cái arc của Khải hoàn môn. Đâu 5 giờ chiều.

Khi xưa Paris có vấn đề nước cống và nước uống. Phụ nữ ra bờ sông Seine múc nước đem về xài nên vấn đề vệ sinh ở Pháp khi xưa rất khó khăn. Ít ai tắm, có mấy chỗ tắm nước nóng trong Paris. Hình như mình có kể rồi, khỏi nhắc lại. Trong Les Miserables, văn hào Victor Hugo có kể về vụ này trong phần kể về ông Valjean. Mấy ông nhà văn pháp nổi tiếng như Balzac, Zola đều lên tiếng về vấn nạn này. Hình như ông Zola có 3 người con chết vì nước độc.


Sau này đến thời hoàng đế Napoleon đệ tam, muốn đế quốc Pháp tham gia cuộc cách mạng kỹ nghệ nên đưa ra chương trình cải tổ Paris, xây dựng các đường cống và đường dẫn nước uống được lọc đem về thủ đô và một trong những ống cống chạy dưới đại lộ Champs Elysees.

Khải hoàn môn nhìn trên cao. Tưởng tượng chạy xe đến đây rồi rẽ phải hay trái là đời em cô đơn ngay

Sau này họ phải lấp ống cống vì hôi và từ đó khu vực này bắt đầu đông người, thiên hạ đến xây nhà cửa, biệt thự như đường  Faubourg Saint-Honoré, Matignon. Hình như chỗ này toàn là những tiệm đắt hàng ở đây, có khách sạn Ritz mà công nương Diana, ngụ tại đây ttước khi chết trong tai nạn xe cộ ở dưới đường hầm, cạnh sông Seine. Chính phủ cho gắn đâu trên 1000 cái đèn dầu trên đại lộ này. Từ từ khu vực này được xây dựng và phát triển nhiều. Dân giàu có về đây ở về nằm hướng tây của Paris nên không bị gió của các nhà máy ở phía đông Paris thổi đến. Gần khu vực này có rừng Boulogne, từ từ họ xây trường đua ngựa tại đây. 


Người Pháp rất thích đua ngựa. Dạo mình ở bên Tây, người Pháp mua cá độ PMU, hút thuốc lá và ăn thịt ngựa rất nhiều. Mình hay mua thịt ngựa về ăn vì rẻ. Chắc họ nuôi ngựa để chạy đua , con nào chạy dỡ thì làm thịt. Thật ra khi xưa, trước khi xe hơi ra đời, người ta đi xe ngựa nên ngựa sống hoang, được người ta đi bắt về để kéo xe ngựa. Kiểu đi bắt Nai rừng. Sau này có xe hơi thì người ta tàn sát rất nhiều ngựa rừng. Về vùng Camargue mới hiểu vụ này.


Nhớ trong lớp có một tên tây rất mê cá cược đua ngựa. Một hôm, đọc báo xong hắn kêu chắc chắn trúng rồi, rủ mình đi cá độ. Mình tò mò đi theo với mấy tên khác. Hắn đọc báo nói con Brenda được cá cược sao đó mình không hiểu sẽ thắng. Đến trường đua, hắn đi mua cá độ xong đến khi cuộc đua ngựa khởi đầu, hắn nhìn mình cười kêu thắng phen này hắn sẽ mời đi ăn. Chuông vừa báo động, người ta mở mấy cái cổng ngựa, mấy con ngựa lao ra chạy như ngựa. Bổng mình thấy mặt hắn từ từ xanh như đít nhái. Brenda về cuối. Đó là lần đầu tiên mình đi xem đua ngựa và lần chót.

Đại lộ Champs Elysees nhìn từ Khải Hoàn Môn về phía quảng trường Concorde,   

Trên thực tế, Paris có một thế giới ngầm, ai đến viếng thăm thủ đô này nên đi viếng mấy chỗ này như Catacombs có cả trăm ngàn bộ xương, hệ thống ống cống, xe điện ngầm, còn ngại hôi hám xuống hầm thì đến viếng viện bảo tàng ống cống. (Musée des Égouts de Paris). Có lần sinh viên trong trường tổ chức nhảy đầm ở dưới Catacombes. Kinh


Mỗi thứ 4 mình hay đi học về sớm, ghé lại tiệm ăn đại học xong thì chạy đến đại lộ này để xem đá banh. Có một tiệm cho thuê máy truyền hình, tên Locatel nằm ngay đầu vào một passage. Đại lộ này có vài đường nhỏ đi vào trong, gọi là passage, có mấy tiệm nhỏ hơn bán lẻ. Có một chỗ đi vào là có một tiệm ăn tên Lido thì phải. Đi vào cứ thấy họ quảng cáo kem banana split nên có lần mình có ghé lại ăn cho biết mùi. Đúng hơn là có cô bạn học chung, tên Farnaz, người ba tư, kêu mày nghèo nên tao mời ăn. 


Ở ngoài đại lộ thì có nhiều phòng triển lãm xe hơi như Renault và rạp xi-nê. Mình hay đi xem xi-nê tại rạp Gaumont trên đại lộ này. Lý do là họ chiếu phim gốc và phụ đề pháp ngữ thêm cái ghế ngồi êm dễ sợ. Ngồi xuống thì từ từ nệm trùng xuống, dựa vào êm, ngủ cũng sướng lắm. Dân tây không thích nghe tiếng anh ngữ nên họ đều chuyển ngữ qua tiếng tây nên ít có rạp chiếu phim bằng tiếng anh ngữ và phụ đề pháp ngữ. Mình thích nghe anh ngữ để khỏi quên. Cũng mua Newsweek giá cho sinh viên rẻ để đọc hàng tuần.


Dân nghèo không có truyền hình, đa số là lao động gốc ả rập đứng xem ngoài trời lạnh để xem đội tuyển Sainte Éttiente đá. Lên năm thứ 3 thì có mấy tên quen thích đá banh nên bò đến nhà chúng xem đá banh, ấm hơn.


Nhớ đầu tiên, đi làm về vào mùa hè là ghé ra đây để xem đua xe đạp Vòng Pháp quốc, thấy Eddy Merck đau với Raymond Poulidor tranh tài. Màn hình máy truyền hình dạo đó chỉ độ 30 cm mà phải đứng ở ngoài xa đâu 5, 6 thuốc nhìn vào nên nhỏ xíu. Chặng đua cuối cùng của vòng Pháp quốc đều kết thúc tại đại lộ Champs Elysees nên năm nào mình cũng bò đến xem dù khán giả đông như quân nguyên. Ngày lễ quốc Khánh của Pháp quốc cũng bò lại xem duyệt binh trên đại lộ này. Sau này mình quen nên chả bò ra đây vì năm nào cũng mưa. Mùa hè ở Paris mưa nhiều nên tránh du lịch thủ đô của Pháp quốc vào mùa hè vì tiệm đóng cửa rất nhiều. Tháng nên viếng thăm là tháng 9 khi thiên hạ đi nghỉ hè về, trời vẫn còn đẹp, chưa lạnh.


Đọc báo tây thì được biết bà đô trưởng hiện nay đang có chương trình xanh hoá đại lộ này, bớt xe lại để thiên hạ đi bộ và đạp xe đạp.

 (Còn tiếp)


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn