Showing posts with label Chốn cũ người xưa Đàlạt. Show all posts
Showing posts with label Chốn cũ người xưa Đàlạt. Show all posts

Rượu Đà Lạt xưa


Về Đà Lạt thấy họ bán rượu mang tên Lafaro khiến mình ngạc nhiên nhất là họ kêu là mua lại từ người Pháp. Sau hiệp định Geneve thì người Pháp về nước nên họ kêu mua lại của người Pháp từ năm 1976 khiến mình thất kinh. Tương tự họ mới đăng có bà cụ nào 119 tuổi, có 7 người con, chồng chết liệt sĩ năm 1954 mà người con út năm nay 59 tuổi. 119 trừ cho 59, xem như bà ta sanh con năm 60 tuổi và chắc chắc người con không phải là con ông liệt sĩ vì ông ta chết từ năm 1954, đến nay là 70 năm. Chồng chết mà đến 11 năm sau mới sinh. Còn hơn Tần Thuỷ Hoàng phải đợi 10 tháng mới sinh. Kinh

Cây dâu tằm của hãng rượu Lafaro Đà Lạt xưa,

Lý do khi xưa mình có học chung với hai người gốc gác Lafaro; 1 tên học chung thường được bạn học gọi là Thịnh Lafaro và một cô là cháu ngoại của ông Lafaro, nay cả gia đình cư ngụ tại Gia-nã-đại. Cô cháu ngoại có hỏi mình, có tấm ảnh nào về căn nhà xưa khiến mình ngọng. Chỉ nhớ nhà này khi xưa ở đường Võ Tánh thì phải, gần khúc ngã 3 Phan Bội Châu. Nay nghe nói là họ lấy số 4 Võ Tánh, làm nhà nghỉ Sinh Cà Phê, một công ty lữ hành sinh thái nổi tiếng ở Sàigòn. Hình như mình có đi một lần thăm Bến Tre với họ, nơi mà Việt Cộng gọi là quê hương đồng khởi thành đồng cách mạng chi đó, quê hương của Cò Giao Đà Lạt xưa. Có người kể xuống Bến Tre sau 75, tìm đường vượt biển thì gặp Cò Giao, kêu đi chỗ khác đây anh em trong nhà đi vượt biển mà chúng còn bắt.



Theo người bạn của mình cho biết thì gia đình Faraut sống tại Đà Lạt đến năm 1978 thì bị tống cổ về Pháp. Hậu duệ cuối cùng của dòng họ này là một bà đầm trẻ, chưa chồng nên anh bạn vẫn kêu mademoiselle độ 40 tuổi. Được biết là họ nuôi cừu tại đất của họ gần hồ Mê Linh. Khi bị đuổi ra khỏi nhà, tịch thu tài sản, về nước thì Việt Cộng đến tịch thu lông cừu đủ trò không như được kể là mua lại từ gia đình này năm 1976. Anh bạn có mặt hôm ấy. Cô con gái lớn tuổi này có đem theo một đứa con nuôi gốc K’ho. Nay từ pháp qua, Cháu ngoại trồng cà phê cho đã rồi bị cướp như ông bà khi xưa thì lại khốn.

Nghe Đà Lạt làm rượu vang khiến mình tò mò. Vì khi xưa, mình nhớ rượu Lafaro là rượu dâu tằm, đặc sản của Đà Lạt, chỉ có công ty này làm thôi. Đâu có rượu làm bằng nho mà người Pháp gọi là vin.


Mình có quen một anh bạn ở miền nam Cali, anh ta mua loại dâu tằm này và làm rượu dâu. Có tặng đồng chí gái hai chai. Nghe nói uống để khỏi bị phong thấp gì đó. Nhất là dạo này, nghe bác sĩ khuyên nên ăn loại dâu tằm này với oatmeal để khỏi bị lãng trí. Anh ta kể là có nhiều cách làm; nói chung là ủ với đường lên men rồi lấy bã ngâm rượu. Bà cụ mình khi xưa hay nấu rượu dâu tây, cũng pha rượu.


https://www.bachhoaxanh.com/kinh-nghiem-hay/cach-lam-siro-dau-tam-vua-giai-nhiet-vua-tang-suc-de-khang-cho-co-the-1246413


 Ai nấy đều già nên không biết có nên làm vụ này hay không. Nếu anh ta chiết ra nhánh cho mình thì mình sẽ chạy lên San Jose lấy đem về trồng tại vườn rồi khi ra trái sẽ nhờ anh bạn làm rượu dâu của Lafaro ngày xưa để dân Đà Lạt xưa uống lấy hương vị quê hương bỏ lại. Như anh bạn làm nước mắm theo công thức của mệ ngoại anh ta ở LĂng Cô khi xưa. Mình thấy cây dâu tằm của anh ta cao hơn mình. Còn loại dâu tằm của xứ Pakistan thì cao lớn lắm. Trái to đùng. 1 ký dâu tằm ở Cali bán đến $30. Có lẻ em sẽ trồng loại này hữu cơ thay vì bơ. Ít tốn nước.


Mình mò mò hỏi thêm được biết khi xưa, có một gia đình thực dân tây sang Việt Nam mang tên Faraut và họ có trồng nho, cà phê,… tại vùng Đà Lạt. Có thể nông trại của họ mang tên La Faraut. Thường người Pháp hay đọc La ferme des Faraut, viết tắt là La Faraut. Mình liên lạc với hậu duệ của gia đình này để biết thêm tin tức. Hy vọng ông cháu của gia đình này sẽ cho thêm tin tức. Ông này ở Đà Lạt. Cách đây 10 năm có cháu ngoại của ông Cunhac, người thực hiện công việc đào hồ nhân tạo Xuân Hương, viếng thăm Đà Lạt, và có kể trong bờ lốc của anh ta. Hoá ra đa số cháu ngoại hay lần mò về cuộc đời ông bà ngoại. Mình có cô bạn đầm, mẹ sinh tại Nam Định nên cũng lần mò về Việt Nam, đi viếng nơi bà mẹ được sinh ra, khi ông bà ngoại sang đây dạy học.


https://www.facebook.com/morere.pierre


Mình hỏi ông tây dạy pháp văn tại Đà Lạt hiện nay tên Nicolas Leymonerie thì được biết, có cháu ngoại dòng họ Faraut, đã từng sinh sống tại Đà Lạt và trồng cà phê. Anh ta viếng thăm Đà Lạt và quyết định muốn lập lại loại cà phê xưa của gia đình Faraut tại Đà Lạt. Chớ không phải rượu nho vì khó trồng tại Đà Lạt, phải về vùng gần Phan Rang hoạ may mới trồng được để làm nho vì cần mặt trời để có hương vị ngọt. Do đó họ nói rượu Lafaro mua từ người Pháp là sai vì gia đình Faraut chỉ trồng cà phê nên cháu ngoại mới muốn trồng lại cà phê của gia đình khi xưa. Rượu Lafaro do người Việt trồng làm bán, do dân di cư năm 1954 khởi nghiệp.

Đây hình chụp của nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Mậu tại hãng rượu Lafaro Đà Lạt xưa. Nếu thùng chứa rượu loại này chắc để dành rượu mạnh. Khá to so với người thợ đóng thùng rượu. 

Mình chỉ nhớ khi xưa, bà Hai, hàng xóm có trồng một dàn nho, loại người Pháp dùng làm rượu trắng. Ra chùm nhỏ nhỏ như ở bức tường của khu xóm mình hiện đang ở, họ cho trồng nho mọc leo lên tường cho đẹp chớ chả phải để lấy nho ăn. Mình thấy chùm nho ra nên trưa, đợi bà Hai ngủ, mình lén vào vườn bà ta, rồi hái chùm nho ăn chua lè, đắng nghét vì trái nhỏ. Sau bị bà hai lấy roi mây khệnh cho một trận nhớ đời nên sau này không dám uống rượu. Bên Gia-nã-đại, họ có làm một loại rượu mùa đông khá lạ. Có bạn từ Gia-nã-đại sang, họ trồng nho và làm rượu lấy và tặng uống thử thấy thanh thanh, không nặng đô như các loại rượu mạnh. Hồi bé mình hay đi ăn trộm chuối và trái cây của hàng xóm nên ngày nay bị quả báo thiên hạ ăn trộm bơ ở vườn mình. Chán Mớ Đời 


Je connais Pierre Morère, descendant de la famille Faraut de Dalat : https://baolamdong.vn/bao-xuan-2019/201902/th%C3%A2n-thi%E1%BB%87n-h%C6%B0%C6%A1ng-ca-ph%C3%AA-arabica-bourbon-2932421/


Có thể tại Đà Lạt khi xưa, có trồng nho nhưng rất ít để làm rượu vang như người Pháp. Người Việt mình hay gọi rượu vang nên hay lầm lẫn. Tiếng tây gọi rượu uống khi ăn cơm là “vin” do đó người Việt mình hay phát âm từ “vin” thành “vang” nhưng không ai hiểu nên thêm từ rượu thành “rượu vang” để chỉ định là loại rượu nồng độ cồn không hơn 14 độ mà người Pháp hay uống khi ăn cơm. Loại rượu nho này khác loại rượu dâu tằm. Để phân biệt với loại rượu mạnh có độ cồn lên 45 độ. Nghe nói có người Pháp sang Đà Lạt để kinh doanh rượu nho. Mình có hỏi ông Tây thì được trả lời như sau. 


Pas vraiment. Je sais juste qu'il y a une dizaine d'année, le département du Vaucluse a mené une coopération avec le Lam Dong pour développer le vin ici. La société Cellier Indochine, qui vend du vin à Duc Trong, vient de cette coopération. 


Đức Trọng thì nóng hơn Đà Lạt, hy vọng có thể trồng nho được, không biết ra sao hay như vùng Temecula ở Cali. Họ trồng vài mẫu nho làm cảnh, rồi mua nho hái từ các chỗ khác để làm rượu để bán. Có lẻ cứ chở rượu Tây về bán nhanh hơn. Người Việt thích đồ ngoại. 


Mình chỉ nhớ du khách khi xưa lên Đà Lạt hay mua rượu dâu của Lafaro, đặc sản Đà Lạt, không phải rượu vang. Mình đoán chắc là công ty Lafaro này có đem bán phân phối ở Sàigòn và các nơi khác. Để qua mùa thuế mình sẽ hỏi hậu duệ của ông Lafaro . Có chị nào tên Tâm Nguyễn, cho biết ông Lafaro khi di cư vào nam thì định cư tại Đà NẴng, mở tiệm thuốc tây mang tên Tân Việt, số 45 đường Trần Hưng Đạo, Đà Nẵng. Mình có quen vài người di cư vào Nam năm 1954 rồi định cư tại Đà NẴng. Đoán là đi tàu há mồm, ngừng lại TOurane nên ở đó luôn. Xem như gia đình ông Lafaro di cư bỏ quê đất bắc vào Nam, rồi lên Đà Lạt đến tháng 3 năm 1975, Đà Lạt bỏ ngỏ lại chạy đi và nay định cư tại Gia-nã-đại. 2 lần bỏ quê chạy trốn Việt Cộng. Nay những người chiếm đất nhà của họ tại miền bắc rồi Đà Lạt, sang đây định cư để đánh cho Mỹ nhào, rất nhiều không biết hậu duệ của họ có phải chạy đi đâu nữa không. Chán Mớ Đời 


Thấy vui là khi mình kể Đà Lạt xưa thì có người này nhớ cái gì còm lên tạo thành một bức tranh xưa của Đà Lạt. Xem như ký ức tập thể của người Đà Lạt xưa.

Tuần này thấy ai bỏ lên hình ảnh trường xưa nên tải về đây. Tấm này mới chưa bao giờ thấy. Nhìn tấm ảnh nhớ nhất là bị cấm túc tại dãy nhà nối dẫy lớp hình cong và phía nội trú.


Đà Lạt có một người giàu có khác nhờ làm đại lý rượu và thuốc thời pháp mà giàu. Đó là ông Võ Quang Tiềm, người làng Ngọc Anh, Thừa Thiên. Ông ta vào Đà Lạt thời Đà Lạt mới cho vài người từ Huế vào lập nghiệp. Không biết ông ta có tên trong danh sách 100 người Việt đầu tiên lập cư tại Đà Lạt như ông ngoại của một anh bạn. 


Nghe gia đình kể ông ta làm thợ may, sau đó về quê lấy vợ, người làng An Lưu, bà con bên mệ ngoại mình, không nhớ là chị em chú bác hay bạn dì. Sau đó bảo lãnh em út bên vợ vào Đà Lạt. Khi xưa, muốn vào Đà Lạt cần phải có người bảo lãnh như mẹ mình vào Đà Lạt năm 1948, phải được gia đình ông bà Nguyễn Văn Phúng, em ruột bà Võ Quang Tiềm bảo lãnh. Hình như ông Võ Quang Hàm là cháu ông Tiềm. Anh rể làm thợ may thì ông Phúng, tiệm Hiệp Thạnh số 11 DUY TÂN, NƠI MẸ MÌNH HỌC NGHỀ BUÔN BÁN 5 NĂM KHI RỜI HUẾ VÀO Đà Lạt NĂM 15 TUỔI, cũng học nghề thợ may tương tự ông Đàng, em út của bà Tiềm, tiệm Long Hưng số 9 Duy Tân. Các cựu khoá sinh trường Võ Bị và Chiến Tranh CHính Trị đều phải mua huy hiệu tại hai tiệm này khi xưa. Ai lên lon đều ra hai tiệm này mua để đeo. Lạ nghe, tiệm ông bà Tiềm mang tên là Vĩnh Hưng còn tiệm ông Đàng là Long Hưng, đều có chữ Hưng ở cuối. Không biết có phải tên ôn mệ chi đây hay không. Để hôm nào mình hỏi mấy bà dì, con của mấy ông bà này, xem sự tích về chữ Hưng.


Nghe kể ông Tiềm và ông Phúng làm thợ may, may áo quần rồi hai anh em gánh đi đường 3 ngày ba đêm mới xuống chỗ đèo Ngoạn Mục, nơi các lao công đang làm đường rày răng cưa hoả xa từ Phan Rang lên Đà Lạt để bán cho họ. Cho thấy khi xưa, người Đà Lạt chịu khó làm ăn. Nhờ vậy mới giàu, không ăn cướp của ai. 


Sau này, ông Tiềm xin được môn bài rượu và thuốc Cẩm Lệ. Ông ta độc quyền bán rượu và thuốc tại Đà Lạt. Khi xưa, muốn bán rượu thì phải được tây thực dân cho phép, đóng thuế cho họ nên mật thám hay đi lùng bắt những người nấu rượu lậu. Ở Bolsa này, có người nấu rượu đế bán cho các tiệm thuốc bắc. Không nên mua vì không biết độ cồn. Mình có anh bạn nha sĩ kể là khi còn ở Việt Nam, uống rượu khoai mì, không biết độ cồn nên ngày nay không dám uống bia vì hai lá thận bị hư. Chỉ uống được rượu mạnh, qua đêm thận mới lọc từ từ được. Còn uống bia vô thì cứng ngay, khó chịu tè không được. Anh ta cho biết độ cồn của rượu ở Việt Nam không được hạn chế như ở Hoa Kỳ.

Vô tiệm của ông bà Tiềm ở khu Hoà BÌnh là thấy mấy cái lu to đùng đựng rượu, ngoài ra ở đường Hàm Nghi, có một căn nhà dùng để làm kho đựng rượu. Có chú tài xế quên tên, hay chạy xe đi giao hàng. Dạo mẹ mình lấy chồng, ông Tiềm có kêu xuống Di Linh ở, làm đại lý bán rượu cho ông ta nhưng mẹ mình thấy buồn nên ở Đà Lạt. Dân Đà Lạt đa số là người miền trung nên hút thuốc Cẩm Lệ. Ông ta mua sỉ từ Huế vào rồi sắt thuốc, bán sỉ hay lẻ cho dân Đà Lạt. Ông Tiềm có người cháu vợ, là cậu Liễu, con bà Dụ, chị bà Tiềm. Từ Huế vào Đà Lạt học nghề của ông, sau này ra chợ mở hàng thuốc rê, thuốc Cẩm Lệ cạnh hàng guốc, xem như đại lý của ông Tiềm. Mình có viết về thuốc Cẩm Lệ và cậu Liễu rồi nên khỏi nhắc lại. Cậu có người con đi lính trinh sát đại đội 302 nên sau 75 cũng bị dân 30 đì mệt thở. Khi mình về Đà Lạt lần đầu mình có gặp cậu, lần thứ hai về thì cậu đã qua đời.


Dạo mệ ngoại từ Huế vô nhà mình sinh sống thì mình có nhiệm vụ đi mua thuốc Cẩm Lệ với giấy vấn thuốc từ cậu Liễu. Mệ mình vấn thuốc Cẩm Lệ hút với cái bật lửa nho nhỏ màu bạc. Có kể trong trong bài thuốc Cẩm Lệ. Hút chưa hết thì mệ dán điếu thuốc hút dỡ lên tường rồi khi hết thuốc, đợi mình đi mua thuốc thì lấy mấy điếu thuốc dán trên tường xuống, vấn thuốc hút đỡ trong khi mình chạy ra chợ. Nhớ mệ mình và bà hàng xóm, hay ngồi hút thuốc Cẩm Lệ và ăn trầu, kể chuyện xưa cho nhau nghe tương tự ngày nay mình hay kể chuyện Đà Lạt xưa cho thiên hạ. Gia đình tây ở Đà Lạt mang tên Faraut nên đồn điền của họ được gọi là “La Faraut”, còn công ty của người Việt mang tên Lafaro. Không biết có liên hệ với nhau hay không. Ai biết thì cho em xin. Cháu ngoại ông Lafaro bận làm thuế nên đợi hết mùa thuế mình mới nói chuyện được.


Để mình hỏi vòng vòng tây ta để kiểm chứng tin tức về rượu Lafaro Đà Lạt xưa rồi sẽ kể (Còn tiếp)


Hello a. Sơn tôi là người Dalat nên có thể cho anh một vài thông tin liên quan đến gia đình ô. Farraut và hãng rượu Lafaro tại Dalat. 2 tên này không dính dáng gì với nhau. Ô. Farraut và gia đình người Pháp có trang trại ở Chi Lăng gần hồ Mê Linh . Ông ấy cũng có farm ở vùng Suối Tía Tuyền Lâm bây giờ và nhiều khu đất khác ở Dalat. Sau 1975 tài sản của gia đình bị sung công và họ trở về Pháp . Vài năm gần đây cháu ngoại ông ấy có trở về muốn tổ chức trồng nho và làm rượu vang tại Dalat. Nhưng thấy nhập rượu về bán mau có lời hơn nên chuong trình trồng nho không phát triển được . Về hãng rượu Lafaro tại đầu đường Võ Tánh là hãng rượu của người khác làm Brandy chứ không làm vang. Nhà này có 2 cô con gái xinh đẹp học Đại Học Dalat có nhiều cây si trồng ngoài cổng . Bữa nào rảnh sẽ kể cho anh nghe. Ssu 1975 cơ sở này cũng bị Nhà Nước tiếp quản nên nhãn hiệu rượu Lafaro cũng dẹp luôn. Nhiều năm gần đây rượu vang Dalat được sản xuất bởi vài công ty của địa phương và cũng nổi tiếng . Nhưng đó là chuyện khác. Vài giòng góp với anh câu chuyện về rượu. Sẽ có dịp trao đổi với anh nhiều chuyện khác vì tôi cũng là dân gốc "ngo" như anh .


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Gặp người Đà Lạt Xưa

 

Lên San Jose nhân lễ 49 ngày của dì mình thì có anh gốc Đà Lạt nhắn tin, mời ghé lại nhà ngủ. Lâu quá không gặp người gốc Đà Lạt nói chuyện xưa nên mình nhận lời thay vì ngủ khách sạn khiến mụ vợ hỏi. Anh quen ra răn, mình nói chưa bao giờ gặp mặt khiến mụ lo, kêu răn lạ rứa. Không sợ à. Mình nói không sợ thằng Tây nào cả. Đời ta chỉ sợ con vợ thôi. 

Hóa ra anh ta là cựu học sinh lasan Adran và có học mấy tháng cuối của terminal ở Grand Lycee. Nhà ngay đầu đường Phù Đổng Thiên Vương, ấp Nghệ Tỉnh, trồng dâu tằm gần ngã năm đại học, nơi được xem là có đèn xanh đèn đỏ đầu tiên tại Đà Lạt. Đậu Tú tài xong thì đi du học ở bruxelles, Bỉ năm 1970. 


Dạo đó ông Kỳ cấm sinh viên du học tại Pháp vì khi ông ta sang Tây trong một chuyến công du, thay vì xổ tiếng Tây ông ta lại dùng anh ngữ trả lời không đúng ngữ vựng như nói tôi rất khâm phục Hitler khiến báo chí thế giới lên án nên ông ta không cho đi du học tại pháp đến khi ông Trần Văn Hương làm phó tổng thống thì mới được du học tại Pháp lại. Lâu rồi mình đọc tài liệu trên trang nhà của cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam. Từ đầu thập niên 70, du học sinh chỉ được đi Bỉ, Ý Đại Lợi, và Đức quốc.

Anh ta đậu tiến sĩ rồi chạy qua Mỹ làm nghiên cứu sinh tại đại học Stanford rồi được nhận làm việc tại Pennsylvania đến khi về hưu. Mẹ anh ta lớn tuổi không muốn sang Hoa Kỳ nên anh ta về Đà Lạt sống với mẹ được 10 năm thì phát hiện ra đồng chí vợ tại Đà Lạt. 


Vợ anh ta là con gái của tiệm chụp hình Văn Hoa, bên cạnh tiệm kem Thuỷ Tinh, đối diện rạp chiếu phim Ngọc Hiệp. Chỗ này có con hẻm dốc đi lên đường Hàm Nghi, bên cạnh chỗ tiệm phở Tùng, gần cà phê Tùng. 


Anh ta cho biết chú trọng nhất về sức khỏe nên hai vợ chồng sáng nào cũng dẫn nhau leo núi từ 5:30 sáng. Anh rủ mình đi nhưng không dám bỏ vợ một mình tại nhà lạ. Đồng chí gái yếu bóng vía, vào nhà lạ đã sợ nay nằm một mình thì chắc la mình mệt thở. Do đó đó đi chơi hay ngủ khách sạn cho vợ bớt lo.

Đây là cây dâu tằm chính gốc của công ty Lafaro Đà Lạt xưa 

Gia đình anh ta khi xưa làm vườn trồng rau cải nhưng có một khoản vườn được canh tác trồng dâu. Loại giống mà công ty Lafaro tại Đà Lạt xưa trồng để làm rượu. Nghe anh ta nói là loại dâu này cộng với loại dâu thường thấy cũng quanh khách sạn Palace được công ty Lafaro khi xưa dùng để làm rượu. Thường được xem là đặc sản của Đà Lạt. Có anh bạn ở cali trồng ở nhà loại dâu Mỹ và làm rượu dâu tặng đồng chí gái một chai. Mình có thử thấy ngọt ngọt.

 

Mình phục anh ta là bỏ làm về Đà Lạt sống chăm sóc mẹ 10 năm mới trở lại Hoa Kỳ. Lên San Jose kỳ này thì gặp bạn mới còn bạn cũ thì ai cũng bận. Bơ đem lên để tặng họ phải đem tặng mấy người kia cho bớt nặng xe. 


Ngồi nói chuyện về Đà Lạt khi xưa khiến cả hai cùng nhớ. Mình nói tháng tư đến năm Cali có tổ chức họp mặt. Mình cũng chưa biết đi hay không vì không biết ai cả. Vô ngồi ăn rồi về nên đang lưỡng lự, đợi mụ vợ quyết định. 


Đi xa mà gặp người đồng hương khá cảm động. Chỉ tiếc là phải đi Modesto nên hẹn lần sau. 


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Những tấm ảnh mới lượm trên mạng

 Tuần này lòmò thấy có mấy tấm ảnh xưa của Đà Lạt khiến mình nhớ vài kỷ niệm 

Tấm này là phong cảnh lễ mãn khóa của sinh viên trường võ bị quốc gia. Hình ảnh xe jeep chở tổng thống Nguyễn văn Thiệu và thủ tướng Trần Thiện Khiêm khiến mình nhớ đến vụ chuẩn úy Phúc của đại đội trinh sát 302.

Số là lính 302 được xem là kiêu binh của Đà Lạt khi xưa nên mỗi lần có mãn khóa của trường Võ Bị hay Chiến tranh chính trị là họ cho đại đội này xuống Đơn Dương đóng quân. Không cho đi hành quân. Lý do là hành quân thì phải có lính trừ bị đóng tại Đà Lạt. Thường ở tòa tỉnh gần khách sạn palace. 

Thường các lễ này thì tướng các vùng về để nhận sĩ quan mới cho quân đoàn và họ đi nhảy đầm gái gú thì hay đụng lính 302 nên đại đội 302 thường được cho ra ngoài thị xã như Đơn Dương đóng quân mấy ngày này. Có năm đang đóng quân tại Đơn Dương thì có chiếc xe đò từ Phan Rang lên thì trên xe có một ông lính về phép nhận ra đại úy Phong nên gọi rồi nhảy xuống xe. Hóa ra bạn thân khi xưa rồi cả hai đi lính mỗi người một ngã. Anh lính về phép rủ đại úy Phong về Đà Lạt uống chai bia mừng gặp nhau. Đại úy Phong kêu có lệnh là không được vào Đà Lạt. Anh bạn kêu thì tới Chi Lăng thôi đâu phải Đà Lạt. Thế là đi với lính cận vệ lên Saint Benoit vào tiệm tàu ăn uống. Hơi say nên bà chủ quán kêu hết bia rượu. Nên chuẩn úy Phúc mới nói để đi mua rượu. Chạy vào PX của lính Mỹ gần đó. 

Chuẩn úy Phúc đi vào khu vực này thì có 4 ông quân cảnh đứng gác kêu đi đâu. Ông chuẩn úy đã say nên kêu tao là chuẩn úy Phúc. Không được gọi ê a đi đâu. Lính trinh sát thì hay bận áo quần Việt Cộng khi nhảy toán nên quân phục không chỉnh đốn sạch sẽ. Nói qua nói lại thì mấy ông quân cảnh khệnh chuẩn úy Phúc bằng dùi cui nên bỏ chạy ra quán ăn. 

Thiếu tá Phong thấy chuẩn úy Phúc chạy về thì hỏi rượu đâu. Kêu không có bị quân cảnh chận và đánh. Nghe đàn em bị đánh thì máu nóng lên nên thiếu tá Phong chạy vào trong khi cận vệ ra xe lấy súng. Chạy vào cổng chưa chi bị 4 ông quân cảnh vây đánh thì cận vệ ngoại cổng đang đứng trên xe thấy vậy nên lấy đại liên ria trên đầu. Quân cảnh và thiếu tá Phong bò nằm dưới đất rồi cận vệ bồi thêm mấy viên súng phóng lựu. Lúc đó thiết giáp M113 chạy ra, Thiếu tá Phong và cận vệ bỏ chạy ra cổng lên xe chạy về căn cứ Đơn Dương. Mỗi lần ông Thiệu về là có thiết giáp, Biệt động Quân được điều động về để bảo vệ an ninh.

Vừa về đến căn cứ thì có truyền tin đưa máy có đại tá nào ở trường Võ Bị gọi hỏi chuẩn úy Phúc ở đâu. Chắc ông ta bị tướng Lâm Quang Thơ hay Lâm Quang Thi, hai anh em tướng này đều có lần chỉ huy trưởng của Võ Bị, la mệt thở nên la lại. Cuối cùng ra tòa án quân sự. Chuẩn úy Phúc nhận hết tội nên bị 7 năm tù còn Hùm Xám Đà Lạt bị 3 năm tù treo, không được lên chức. Ai biết tông tích chuẩn úy Phúc thì cho mình hay. 

Tấm ảnh này thì chụp từ tiệm bán máy truyền hình raDio Việt Quang trên đường Phan Đình Phùng. Căn đầu tiên bên trái là nhà và phòng mạch của bác sĩ Phán hình như sau này là của bác sĩ Khiêm, nơi mình được sinh ra đời, bên cạnh là trường tiểu học Minh Trí. Hình này mình đoán chụp sau 76 vì thấy xe bò xe ngựa và vắng xe. 
Tấm này cũng trên đường Phan Đình Phùng chụp từ Xóm Giếng bên tay phải. Chỗ này có tên Thành học chung và đá banh khi xưa. Ông bố cũng đá banh cho đội Cảnh Dát Quốc gia có thủ môn Rớt. Ông Rớt này sau 75 chạy đâu sang đến Ấn Độ. Có viết thư cho mình nhưng sinh viên nghèo nên chả giúp gì được. Hy vọng ông ta đã được định cư tại Hoa Kỳ. Hình như ban nhạc CBC thời gian đó cũng chạy đâu qua Ấn Độ. Nhìn lên đồi thì thấy đường Hàm Nghi, có nhà thờ Tin Lành mà khi xưa, tối thứ 6 và thứ 7 là họ bắt loa phóng thanh giảng đạo về tin mừng CHúa ra đời.

Mình thấy cái quán 1 tầng nơi khi xưa, ngay cái dốc nhà thờ Tin Lành. Nơi mình học hè với ông giáo Kim. Ông ta có người con trai học trên mình mấy lớp tên Ánh, bị hư một con mắt. Ông ta ở trong xóm phía sau nhà bảo sanh Trương Thị Lập. Mướn chỗ này để dạy học sinh tiểu học. Lần đầu tiên về Đà Lạt, có gặp ông ta ăn phở chỗ bến xe Tùng NGhĩa. Ông ta kể là định cư ở nước ngoài nhưng lại về Đà Lạt ở. Mới lấy vợ mới. Có mời ông ta bát phở để cảm ơn công dạy dỗ mấy tháng hè khi xưa.
Tấm này là dốc Lê Đại Hành và góc Thành Thái. Chỗ hai mẹ con dắt nhau đi, bên trái là vũ trường La Tulipe Rouge. Sau lưng hai mẹ con là cầu thang chợ do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế, đi lên, băng qua đường là mấy thang cấp đến đường Thành Thái. Băng qua đường Thành Thái sẽ có mấy thang cấp khác đưa lên con hẻm đi đến đường Trương Vĩnh Ký, bên phải là nhà trồng răng Trình, tiệm ăn Nam Sơn mà khi xưa anh Paul và ông Thanh bị nằm vùng đặt chất nổ hay cài lựu đạn chết khi đi ăn ở Nam Sơn ra. Xa xa thấy tiệm kem Việt Hưng ngày xưa, còn thì dãy cư xá trên đường Thành Thái. Xong om

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 
Nguyễn Hoàng Sơn 





Tử sĩ và Liệt sĩ


Năm ngoái về Việt Nam, trước khi bay ra Quảng BÌnh, mình tranh thủ đi viếng nghĩa trang quân đội Việt Nam Cộng Hoà ở Biên Hoà. Đi vòng vòng kiếm đến một ngôi chùa nhỏ không có ai cả. Thắp hương khấn ơn trên phù hộ cho kiếm được nghĩa trang thì 2 phút sau có chiếc xe Honda chạy vào sân chùa. Họ cho biết phải đi theo con đường nhỏ bên hông chùa mới đến.
Bổng nhiên nhớ lại trường xưa 

Đi vào thấy Nghĩa Dũng Đài còn tượng đài Thương Tiếc của ông Nguyễn Thanh Thu đã bị kéo sập. Đi vòng quanh nghĩa trang, xem các mộ tử sĩ thấy họ ghi tên những người lính chết rất trẻ ở tuổi 19, 20. Lính dù rất nhiều, chắc chết trong mùa hè Đỏ Lửa. Nghe nói đến tháng 4/75 thì có đến 18,318 tử sĩ Việt Nam Cộng Hoà được chôn cất tại đây. Thấy có nhiều mộ được gia đình xây dựng to lớn, có nhiều mộ thì chắc gia đình cũng không nhớ hay đi đâu. Mình xem tên tuổi của các tử sĩ mà rùng mình vì họ chết ở tuổi mà mình đi tây. Trước đây, nghĩa trang này bị bỏ phế, cấm ai lai vãng nhưng sau này quốc hội Hoa Kỳ can thiệp nên Vietnamese American Foundation mới quyên góp tiền về để tu sửa lại. Nếu không, chắc họ đã cày xây dựng nhà cửa rồi. Mình thắp nén hương cho các người nằm xuống rồi ra phi trường đi Quảng BÌnh.


Lần sau về mình sẽ đi viếng nghĩa trang liệt sĩ tại Đà Lạt, nghe nói gần Cam Ly, gần lăng ông cha vợ của vua Bảo Đại, Nguyễn Hữu Hào. Về Việt Nam, chạy dọc quốc lộ hay ngang các làng tỉnh đều thấy các nghĩa trang liệt sĩ. Đọc báo Hà Nội, nghe nói có nhiều làng chưa đến 2,000 người trú ngụ nhưng nghĩa trang lên đến cả chục ngàn liệt sĩ. Mình đoán họ làm thêm để Rút tiền nhà nước.


Mình nhớ lần đầu tiên ngủ tại quê. Sáng đâu 4, 5 giờ sáng nghe tiếng loa phường kêu tên các liệt sĩ của làng chết tại trận Điện Biên Phủ khiến mình thất kinh. Hoá ra làng mình Có nhiều người tham dự trận Điện Biên PHủ. Ông cụ mình không muốn tham gia nên du kích bao vây nhà ông bà nội như bài hát Người anh Vĩnh BÌnh của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang kể. May ông cụ nhảy qua tường phía sau nhà, trốn vào Nam nếu không chắc có tên trong danh sách được đọc trên loa phường của làng hôm ấy.


Có người sinh trưởng tại Đà Lạt kể cho mình nghe về gia đình anh ta. Bố anh ta đi kháng chiến bị Tây bắn chết. Dạo ấy anh ta còn bé nếu không chắc cũng đi theo Việt MInh. Sau này lớn lên thì ở trong Nam nên đi lính Việt Nam Cộng Hoà. Sau 75 thì bị bắt đi cải tạo ngoài Bắc 10 năm. Anh ta về Đà Lạt thì có đi viếng nghĩa trang liệt sĩ của Hà Nội vì họ có dựng mộ bia bố anh ta, liệt sĩ. Đi thắp hương trước mộ của bố xong thì anh ta đi rảo rảo xem thì khám phá ra các mộ liệt sĩ có người chết tại các chiến trường mà anh ta đã tham dự khi xưa. Anh ta tự hỏi biết đâu anh bộ đội nằm đây, có thể do anh ta hay đồng đội của mình bắn chết khi xưa. Anh ta mới lấy thêm hương để đốt nén hương cho những người đã do đồng đội hay anh ta bắn chết khi xưa.


Nói đến Cam Ly khiến mình nhớ đến 20 người kháng chiến chống tây bị bắn tại đây và có một bà sống sót hình như tên Lan, ở số 4, nay đã qua đời. Lý do là dạo ấy có một người theo kháng chiến, được lệnh ám sát tên mật thám trước tiệm Đức Xương Long. Ông này hiện sinh sống tại thành phố Cựu Kim Sơn, Cali. Bà cụ mình kể là đang ở chợ thì nghe tiếng cóc cóc rồi được tin tên mật thám bị bắn chết. Đà Lạt xưa, cũng có một vụ ám sát hụt một viên chức mật thám tây, nhà ở cạnh nhà bà nhu nên mình không rõ là vụ 20 người Việt bị bắn ở Cam Ly dính dáng với vụ này hay mật thám tây lai ở trước Đức Xương LOng. Ai biết thì cho xin để bổ túc.


Tây đi lùng và bắt rất nhiều người Đà Lạt trong đó có mẹ mình và con gái ông bà Võ Quang Hàm. Ở tù trên lao chỗ gần hồ Xuân Hương. Sau 6 tháng thì ông Võ Quang Tiềm mới bảo lãnh bà cụ ra tù, nhờ ông Cao Minh Hiệu, thị trưởng Đà Lạt dạo ấy. Sau này, gặp lại nhau, cô Minh hỏi ai khai ra chị để bị bắt. Bà cụ mình kêu em chứ ai. Dạo ấy đâu 17, 16 tuổi bị mật thám trấn nước đánh đau quá thì khai hết. Dạo ấy, ở khu Hoà Bình, các người trẻ đều tham gia kháng chiến nên sau này, mình ra khu này là chào thiên hạ mệt thở vì họ đều quen với mẹ mình.

Quê vợ 

Mẹ mình kể bị hai tên mật thám cho tây tra khảo. một tên hỏi đã đi tàu bay, đi tàu thuỷ chưa? Bà cụ ngây thơ trả lời đi tàu thuỷ thì đi rồi còn tàu bay thì chưa. Đi tàu bay là bị câu điện còn tàu thuỷ là trấn nước. Một tên mật thám hỏi đi tàu thuỷ khi nào. Mẹ mình trả lời năm 1948, đi tàu thuỷ từ Tourane vào Phan Thiết rồi lên Đà Lạt năm 15 tuổi. Khiến tên mật thám kêu Chán Mớ Đời.


Mẹ mình bị bắt cùng hồi với 20 người bị bắn tại Cam Ly. Có lẻ vì vậy mà họ làm nghĩa trang liệt sĩ tại chỗ này. Mình có ông chú ruột bị B52 dập chết khi trên đường vào nam, không biết nghĩa trang liệt sĩ ở làng mình có tên chú trong đó hay không. Lần sau về quê mình sẽ đi viếng để xem có tên của chú hay không. Bố mình thì bị Hà Nội cho đi tù cải tạo 15 năm nhưng về làng lại được xem là gia đình liệt sĩ có công với cách mạng Chán Mớ Đời 


Mình đi viếng nghĩa trang tử sĩ với Nghĩa Dũng Đài vì có tham dự một cuộc triển lãm về các thành quả của Vietnamese American Foundation như để cảm ơn các người nằm xuống khi xưa. Còn anh bạn kể đi viếng nghĩa trang liệt sĩ để thăm mộ ông bố rồi tình cờ khám phá các người chết khi xưa tham gia các trận đánh mà anh ta và đồng đội đã tham dự khiến anh ta bùi ngùi, thắp cho họ 3 cây hương để mong họ siêu thoát. Súng đạn vô tình, đồng đội anh ta cũng chết trong trận đánh đó, nay không biết mồ mã nơi đâu vì mã thánh Đà Lạt, do ông bà Võ Đình Dung biếu đất để xây dựng nghĩa trang cho dân Đà Lạt đã bị giải toả. Chán Mớ Đời 


Người Mỹ thường nói :” There are no winners in war, only losers.”


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Giúp trí nhớ khi về già



Trong cuốn sách “why we remember”, giáo sư Charan Ranganath, đai học California Davis, một chuyên gia về khoa học trí nhớ từ 25 năm qua, có nói đến 4 điểm chính mà ông ta không bao giờ làm để giúp trí nhớ mình tốt. Ông ta cho biết là câu hỏi thường được người ta hỏi là “tôi càng già càng ngu hay sao?”. Lý do là chúng ta thường nhận thấy quên nhiều thứ quan trọng khi càng lớn tuổi. Nhất là ngày nay với các kỹ thuật truyền thông khiến con người bị tha hoá, không biết đâu là bến bờ.



Điểm sáng là ông ta cho biết chúng ta có thể phòng ngừa cái tật hay quên khi về già nếu có thể tránh 4 thói quen xấu khiến phá hủy bộ nhớ:


Multitasking quá độ 

Chúng ta nhờ phần trước trán (prefrontal cortex) để quan sát thế giới xung quanh chúng ta. Càng về già thì chức năng này càng suy giảm. Khi chúng ta làm nhiều thứ trong cùng một lúc sẽ khiến suy giảm chức năng quan sát môi trường xung quanh ta, cắt đi những nguồn năng lực giúp bộ nhớ chúng ta.


Có lẻ video khiến mình thay đổi cách sống là khi tiến sĩ Steven Covey nhờ một học viên xếp sao các cục đá to và cát vào trong một cái bình. Cách hữu hiệu nhất là bỏ các cục đá to vào trước và cát vào sau. https://youtu.be/VyL93MlR_I0?si=QEFQjA6Cw3iHd0qM


Chúng ta thường thấy ngày nay trong các tiệm ăn, cả gia đình hay bạn bè ngồi ăn nhưng mỗi người một cái điện thoại. Cho thấy chúng ta tuy gần nhưng cách xa. Mỗi lần đi ăn tiêm, mình bỏ điện thoại trong xe để có thể quan sát vợ con hay bạn bè, dù họ cầm điện thoại, chả thiết gì đến mình. Thật ra như vậy mình mới thấy được bức tranh sống, trực tuyến. Để luyện bộ nhớ của mình. Vợ con cứ bắt mình đọc kinh Internet thời đại trước khi ăn. Lấy điện thoại ra chụp hình để tải lên Facebook hay tik tok gì đó mới cho mình cầm đũa. Húp muỗng phở rồi mở điện thoại xem có ai nhấn like hay còm gì không. Ai kêu ngon quá, triệu like thì nhắn, lại đây ăn. Cực ngon. Có thể ăn với điện thoại có thể ngon với một cảm giác khác so với ông bà chúng ta, chỉ khổ là không nhai kỹ lưỡng, khó tiêu.



Nhiều khi thấy người quen trên mạng tải hình thức ăn, mình tưởng tượng nhiều khi thấy vậy mà không phải vậy. Trông ngon lành nhưng biết đâu tại hiện trường, ông chồng hay bà vợ kêu mặn quá hay la chồng con ăn mau đi cho người ta dọn, cãi nhau mút chỉ vì vợ hay chồng cứ chụp hình hay xem điện thoại không ngó ngàng gì đến nhau.


Tác giả cho biết muốn giúp trí nhớ, chúng ta cần để chế độ Focus của điện thoại di động và lên thời khóa biểu các chương trình và công việc để không bị sao lãng hay quấy rầy bởi điện thoại. Trong điện thoại di động có chức năng Focus (tập trung), mình để chế độ này để khi lái xe không bị điện thoại quấy rầy, mất chăm chú lái xe, dễ gây ra tai nạn. Nhất là đồng chí gái gọi, hỏi những chuyện đâu đâu rồi cãi nhau trên điện thoại. 


Nên dành thời gian để thiền, mộng mơ, đi bộ hay làm những gì giúp chúng ta có thể tái tạo năng lượng. Nên nhớ đi dã ngoại nhưng đừng có chú ý đến chụp hình, rốt cuộc chả giúp gì cho trí nhớ, não bộ. Nói chung là Chánh Niệm khi làm việc thì mới cảm nghiệm mình đang sống. Chúng ta thường kêu thời gian qua mau. Lý do là multitasking nhiều nên không tập trung nên cuối ngày chả nhớ mình đã làm gì. Có chất lượng hay không, cảm thấy hụt hẫng. Tỏng lớp học của tiến sĩ Steven Covey, dạy làm lịch trình những gì phải thực hiện tỏng ngày. Đến khi tối, nhìn lại thì thấy mình đã thực hiện nhiều, giúp mình vui vẻ và ngủ yên.

Không để ý đến chất lượng của giấc ngủ khi về già 

Giờ giấc và chất lượng về việc ngủ ngáy thường suy giảm vì nhiều lý do. Như ảnh hưởng của thuốc uống, rượu và stress. Khi chúng ta ngủ thì não bộ chúng ta làm việc rất nhiều. Não bộ đào thải các metabolic waste mà chúng ta thu gom trong ngày. Trí nhớ cũng được kích hoạch và liên kết các sự kiện mà chúng ta kinh qua trong ngày. Nhớ khi xưa, trước khi đi ngủ, nghĩ về bài toán, hay công trình thì sáng thức giấc là tự nhiên tìm ra giải đáp.


Làm sao giúp trí nhớ: thiếu ngủ sẽ khiến não bộ trước trán bị lộn xộn dẫn đến không kết nối được các sự việc. Họ khuyên chúng ta nên tránh việc nhìn truyền hình, điện toán hay điện thoại, ăn quá no, uống cà phê và rượu mạnh trước khi đi ngủ. Nếu chúng ta ngáy khi ngủ thì nên tìm cách chữa trị và có thể ngủ  trưa để bù đắp lại.


Làm việc buồn chán đơn điệu

Chúng ta thường nhớ đến các dịp hay chuyện này nọ nhờ gắn kết với nhau các tin tức về sự việc đã xảy ra mà họ gọi là episode memory. Thường một sự việc nào đó khiến chúng ta nhớ đến địa điểm cũng như thời điểm như một bản nhạc mà chúng ta chưa bao giờ nghe lại từ khi rời trường. Hay ngửi mùi một món ăn nào đó có thể đưa ta về không gian và thời gian đó.


Điển hình hôm trước có anh bạn quen ở Đà Lạt tải lên tấm ảnh tô bún thang. Anh ta không nói nhưng mình biết anh ta nhớ về món ăn mà mẹ anh ta nấu khi xưa ở Đà Lạt. Vì mình ăn món này lần đầu tiên trong đời ở nhà anh ta. Mình có thể kể lại giây phút ấy, mẹ anh ta rán trứng ra sao, thái mỏng miếng chả ra sao,… tương tự xem hình bánh căn thì mình nhớ đến bà bán bánh căn trong chợ, ngay hàng thịt của chợ Đà Lạt khi xưa. Mình có thể tả mấy trang không hết, cách bà ta làm, mùi vị, ruồi nhặng bay lòng vòng,…


Nếu chúng ta cứ tà tà làm việc đơn điệu, một ngày như mọi ngày bình thường, không có những dao động đáng kể thì không có gì đáng nhớ cho mai sau. Biên độ hình Sin khác với đường thẳng. Muốn giúp bộ nhớ của mình thì chúng ta phải làm khác những việc đơn điệu thường ngày. Nếu cứ ngồi tại chỗ để đọc email hay lướt trên mạng thì khó tạo ra những gì giúp mình nhớ. Đọc nhiều quá rồi đâm ra chả nhớ gì cả. Nên đọc bờ lốc Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen sẽ giúp các bác nhớ nhiều hơn.


Phải thay đổi sinh hoạt thường Nhật, thay vì ngồi ăn trưa trong sở, đi bộ, đi xem xi nê, thay vì xem trên truyền hình, đi du lịch, làm gì đó khác thường với đời sống thường Nhật. Giúp biên độ cuộc sống và não bộ thay đổi. Xem xi nê mình nhớ rất nhiều về truyện phim nhưng ngược lại coi phim truyền hình thì ít nhớ lắm vì tại nhà, rất đơn điệu, không có gì đặc biệt.


Đọc cuốn này mình mới hiểu câu hỏi của anh bạn học xưa tại Đà Lạt. Anh ta là người thực hiện cuốn “Mực Tím Sơn Đen”. Anh ta đọc những gì mình kể về Đà Lạt, rồi tự đặt câu hỏi “học chung một lớp, cùng thầy, sống chung một thời tại Đà Lạt, tại sao tên Sơn này nhớ nhiều chuyện xưa còn anh ta không nhớ gì cả, ngay cả anh ta đánh đàn cho ban nhạc của lớp khi mình tổ chức văn nghệ bán chè kiếm tiền của lớp”.


Lý do anh ta sinh hoạt rất bình thường, đơn điệu của học sinh thời đó, nghĩa là học và học và học để đứng nhất trong lớp. Trong khi mình thì không học gì cả vì ngu không hiểu thầy cô giảng gì nên cứ ngồi nhìn ra cửa sổ, nghĩ mông lung. Hay nhìn xung quanh lớp xem thiên hạ học hay tán gẫu. Mình làm vườn, lái xe giao hàng của bà cụ cho khách hàng tại Đà Lạt nên có chứng kiến nhiều chuyện khi xưa. Nay mới kể chuyện đời xưa được.


Tác giả đưa ra một phương cách để luyện tập trí nhớ để đừng quên nhiều. 

Tác giả cho biết ông ta tìm cách để nhớ tên người mới gặp, nối kết với sự việc nào để dễ nhớ sau này. Cái này mình có học khi xưa trong cuốn Đắc Nhân Tâm và có kinh qua. Khi xưa, mấy cô trong trường hay lớp, mình có cái tật là hay đặt tên cúng cô mụ cho họ nên ngày nay khi nhắc đến họ là mình nhớ như “thuỷ dâm” là Trần Thị Thu tHuỷ, “người đẹp phao câu” là Trần Thị MAi Thanh, “đinh Đóng guốc ” là Đinh Anh quốc, Chị Sui là Phạm Thị Mai Anh,… học thêm một ngoại ngữ,…


Khi đi học, sau khi ăn cơm chung ở đại học xá, mấy đứa tây đầm học chung đi uống cà phê, mình không có tiền nên chả biết làm gì, lấy giá vẽ đi vòng bên dòng sông Seine vẽ nên ngày nay nhìn hình về Paris là mình nhớ ngay về những kỷ niệm một thời. Đi chơi mình cũng vẽ nên từ từ quen quan sát mọi vật xung quanh. Có ông thần nào tải bức ảnh chụp ở Paris lên mạng. Mình nhìn thấy cái vòi nước uống Wallace thì nhớ ngày đến lịch sử thành hình của vòi nước uống này vì khi xưa đi vẽ, đưa cho thầy giáo xem, ông ta giải thích sự việc. 


Năm ngoái mình có kể vụ chụp hình hay quay video khiến chúng ta không nhớ vì vài tháng sau, nhìn lại không nhớ đã chụp ở đâu. Chuyến đi vừa qua, ngồi trên tàu, không biết làm gì, đồng chí gái xem hình chụp trước đây rồi cứ hỏi mình chỗ này là chỗ nào. Lý do là chụp hình nhiều quá, không quan sát cảnh vật nên không ghi vào bộ nhớ của mụ vợ. Đi đâu mình chỉ quan sát xung quanh hay có sự việc gì mình chụp để nhớ khoảng khắc đó trong khi mụ vợ kêu chụp tá lá rồi mụ chả nhớ ở đâu. 


Đi chơi kỳ này, mình đem theo cây bút, có thể vẽ hay viết trên điện thoại nên vào viện bảo tàng, mình hay đứng vẽ lại mấy bức tranh mình thích, chỉ vẽ bố cục. Mụ vợ như ghen tương với mấy tấm tranh cứ réo mình chụp hình cho mụ. Chán Mớ Đời 

Có người cậu bà con gửi cho video đám cưới ở nhà có bố mẹ mình tham dự. Đây là hình ảnh bố mẹ mình giữ suốt 20 năm khi rời Đà Lạt đến khi về lại lần đầu tiên mới cập Nhật hóa hình ảnh sau này. Tương tự hình ảnh Đà Lạt khi xưa mình nhớ rất rõ, còn ngày nay về thì mình không thích đi đâu cả vì Chán Mớ Đời. Không muốn hình ảnh ngày nay xoá mờ Đà Lạt xưa trong trí nhớ. Theo cô em là độ thời Đổi Mới, ông cụ vừa trở về từ trại cải tạo. Đôi hạt Ngọc này không biết là đôi thật hay đã bị một bà bán hàng mượn đi ăn cưới rồi đổi xâu chuỗi khác.

Đi khắp thế gian không ai đẹp bằng vợ

Về nhà cãi vợ không ai bằng ta


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn