Showing posts with label Chốn cũ người xưa Đàlạt. Show all posts
Showing posts with label Chốn cũ người xưa Đàlạt. Show all posts

Gặp ông Hùm Xám Đà Lạt


Chuyến du hành trên biển 7 ngày ngày, ghé lại Bahamas, Mễ tây Cơ và Honduras chấm dứt, cập bến tại Florida. Hai vợ chồng đi viếng trung tâm không gian Kennedy gần hải cảng rồi chạy về Tampa.

Mình báo tin cho ông Hùm Xám Đà Lạt, trời mưa chắc phải mất 3 tiếng đồng hồ, mới chạy xuyên tiều bang Florida từ tây sang đông.

May quá, đi chơi 7 ngày, chỉ thấy mặt trời, vừa cập bến thì mưa bão ở đâu từ miền Nam kéo lại. Đời phải có duyên mới gặp nhau. Mình chỉ nghe đến thiếu tá Lê Xuân Phong, chỉ huy đại đội trinh sát 302 sau này được thành lập thành tiểu đoàn 204, mà trận đánh cuối cùng ở Di Linh, chiếm lại thành phố này với tổn thất rất nhiều để mở đường đi cho dân Đà Lạt di tản về Sàigòn trước khi bỏ ngỏ.

Mình có đọc một cuốn sách do nhóm cựu chiến binh Hoa Kỳ tại Việt Nam giới thiệu thì không ngờ tác giả lại nói đến đại đội 302 Đà Lạt Tuyên Đức xưa, và kêu tuy là cố vấn cho đại đội, nằm rừng với lực lượng 302 nhưng trên thực tế thì họ học rất nhiều cách đánh giặc của lính 302 nhất là vị chỉ huy trưởng của họ. Họ đặt biệt danh là “Hùm Xám Đà Lạt” (Grey Tiger of Đà Lạt). Mình có tóm tắt lại cuốn sách này thì có người quen giới thiệu với thiếu tá Phong. Lâu lâu anh ta gọi điện thoại hay nhiều khi mình thắc mắc về chuyện gì khi xưa tại Đà Lạt thì gọi hỏi nhưng chưa bao giờ gặp nhau. Họ nói thiếu tá Phong có 3 huy chương bạc của quân đội Hoa Kỳ và 50 huy chương của quân lực Việt Nam Cộng Hoà.


Nhiều khi nhớ về Đà Lạt, mình hay tò mò những chuyện khi xưa nên cần mấy người lớn tuổi để hỏi.

Nhân chuyến du hành này thì mình hy vọng gặp anh ta để hỏi thăm về Đà Lạt xưa, thời mình còn bé nên cũng không hiểu chuyện nhiều. Hai người đồng hương gặp nhau dưới cơn mưa bão như Đà Lạt khi xưa.

Mình đoán anh ta chắc đợi chờ từ sáng, khi thuyền cập bến vì khi xe vừa ngừng trước nhà là đã thấy anh ta mở cửa, chạy ra dưới cơn mưa như khóc cho hai kẻ mất quê hương, lạc loài trên đất khách quê người.


Mình hỏi về những đại gia mình biết tiếng khi xưa ở Đà Lạt, xem họ có kinh tài với Việt Cộng hay không. Vì khi xưa, các người làm ăn Đà Lạt, nhất là ai có xe hàng chở hàng hoá Sàigòn Đà Lạt đều phải đóng thuế cho Việt Cộng nếu không là bị phá hoại, đặt chất nổ như trường hợp cây xăng Ngã Ba Chùa. Sau này số người này ở lại Đà Lạt, được Việt Cộng phong chức là tư bản dân tộc lúc đầu, rồi từ từ dân ngoài bắc vào thì lấy hết tài sản của họ nên đa số bỏ chạy ra hải ngoại.

Nói cho cùng thì cũng khó kết án họ vì làm ăn thì phải ra khỏi Đà Lạt mà ở ngoài Đà Lạt thì gặp Việt Cộng. Do đó họ phải đóng thuế cho Việt Cộng. Giới cầm quyền Việt Nam Cộng Hoà biết nhưng phải để họ làm ăn vì nếu không thì dân Đà Lạt không có thực phẩm. Lâu lâu, ngoài chợ kêu đường bị tăng bo, rồi mất hết hàng hóa. Thật ra họ tiếp tế cho Việt Cộng như cô Ba Chỉ, Tiệm Bình Lợi. Cho thấy cuộc chiến khi xưa khá phức tạp. Khó mà áp dụng các phương cách, cắt đường tiếp tế cho Việt Cộng. Tại dân buôn bán miền nam làm giàu trong chiến tranh, mua bán cho Việt Cộng nuôi quân. Có một ông chạy xe hàng, quen bị Việt Nam Cộng Hoà bắt ở tù một thời gian.


Ông Hùm Xám xác nhận về mấy người mình biết khi xưa.


Anh ta kể một đại gia rất giàu có khi xưa nhờ chặt cây đốn rừng, bán gỗ cho ngoại quốc nên phải đóng thuế cho Việt Cộng nhưng không hiểu lý do gì Việt Cộng lại đốt xe máy cày của ông ta. Ông ta nhờ tỉnh trưởng Tuyên Đức cho lính bảo vệ khu vực làm ăn của ông ta, và sẽ trả mỗi người lính 10,000 đồng/ tháng, xem như được thêm 1 tháng lương. Ông tỉnh trưởng hỏi muốn lính nào, biệt động quân,.. thì ông này chỉ muốn lính 302. Thế là đại đội 302, theo ông Al Cornett kể là dạo đó có đến hơn 300 binh sĩ, khá nhiều cho lực lượng của một đại đội nên sau này họ bổ sung thêm quân số, được thăng lên cấp tiểu đoàn 204. Nếu mình không lầm chính đại tá Nguyễn Hợp Đoàn, đã muốn giữ đại đội 302 và thành lập tiểu đoàn 204 của Tuyên Đức.


Anh Phong có tuyển một số lính đi tuần, bảo vệ khu vực làm ăn của đại gia này, mình xin dấu tên. Không hiểu lý do, ông này còn kêu là nếu giết được Việt Cộng thì ông ta thưởng thêm 30,000 đồng, 3 tháng lương của lính ngày xưa. Bằng chứng là phải nộp cho ông ta cái lỗ tai bên phải của Việt Cộng. Hoá ra chuyện này có thật. Khi xưa, mình có nghe kể vụ này; lính 302 cắt tai Việt Cộng xỏ từng xâu. Cho nên Việt Cộng oán thù lính 302 lắm. Nghe nói là lính 302 khi xưa đi tù ở trại Đại Bình, nơi ông cụ mình bị tù 15 năm.


Hoá ra anh Phong vượt ngục hai lần. Lần đầu đi bộ qua Lào, đói quá, dân Lào đi báo công an, đến bắt giải về Việt Nam. Mình có kể vụ này. Sau đó họ đưa anh về vùng Hà Tĩnh giam thì ông ta cũng vượt ngục một lần nữa. Phải đợi mưa xuống mới trốn vì Việt Cộng lười đi tuần. Anh ta lội qua sông Lam nhưng mưa vùng này thì nước dâng lên cao lắm. Mình viếng Sơn Đoòng ở Quảng Bình nên thấy mấy nhà nổi. Dân tình kể là mùa mưa nước dâng cao lắm. Anh cho biết leo lên đồi cao để nghỉ mệt, tránh lụt. Vấn đề là thú rừng cũng mò lên chỗ cao để tránh lụt. Dân quân trong vùng cũng mò lên chỗ cao để săn bắn thú rừng. Họ bắt gặp nhóm tù trốn trại nên bắt về đánh tơi bời hoa lá. Anh nói nghiệm lại thì cái số mình phải đi qua những giai đoạn đó. Ở tù cho đúng 11 năm rồi vượt biển. Anh ta có một người con vượt biển và mất tích.


Anh kể đến tướng vùng 2 là Nguyễn Văn Toàn, người Huế, thù anh lắm, tìm cách đổi anh đi chỗ khác. May là ông ta bị thuyên chuyển về vùng 3, và tướng Phạm Văn Phú về thay vùng 2. Theo mình hiểu thì khi xưa, mấy tướng lật đỗ nhau mệt thở nên sau này ông Thiệu lên, cần một số tướng trung thành với ông ta nên phải làm ngơ trước các vụ bê bối, làm ăn, tham nhũng nhưng cũng có nhiều tướng tài và trong sạch.


Số là có lần anh ta đi trinh sát ở vùng Lâm Đồng và Quảng Đức. Lính anh giả dạng Việt Cộng đi trinh sát thì bắt gặp một chiếc xe Jeep Việt Nam Cộng Hoà chạy trước sau đó có chiếc xe be rồi dừng lại nói chuyện với mấy ông Việt Cộng. Họ báo cáo thì anh ta đang ở xa, kêu cứ quan sát xem chuyện gì. Họ cho biết 1 tài xế và một thiếu tá tên Thông, cầm cái cặp đứng nói chuyện với mấy ông Việt Cộng. Cuối cùng lính anh bị lộ nên bắn chết mấy ông Việt Cộng, ông tài xế và thiếu tá Thông, tịch thu được cái cặp có 6,000 đô la. Họ chia với anh 1,000 đô la nên sau đó anh mua đất và làm nhà tại Đà Lạt. Sau 75, Việt Cộng kêu nhà này ông Hùm Xám lấy đô la của Việt Cộng nên họ lấy nhà của anh và cho đi tù ngoài bắc. Cho thấy nằm vùng biết rất rõ.


Hoá ra thiếu tá Thông là người được ông Toàn cử đi thương lượng với Việt Cộng để chặt cây bán làm giàu. Sợ lính 302 báo cáo nên họ bắn nhưng lính 302 nhanh tay hơn. Từ đó tướng Toàn thù anh. Ông ta gọi điện hỏi anh đang ở đâu để ông ta đáp trực thăng xuống gặp anh. Chắc để đòi lại số tiền giao cho Việt Cộng. Lính anh ta kêu đang đụng địch, ông ta kêu đáp 4 cây số phía sau nên cuối cùng phải cho ông ta đáp xuống. Ông vào căn cứ thì anh ở phía sau nhìn qua cái khe trong khi đàn em đang giải thích tình hình chiến sự cho tướng Toàn. Anh ta rất bực mình, nói nếu hôm đó anh ló mặt ra là bắn ông Toàn, đã buôn bán với địch mà còn hạch sách binh lính. May quá ông ta đợi không được nên bỏ về. Đại tá Nguyễn Hợp Đoàn, tỉnh trưởng Tuyên Đức, nói với anh ta là ông ngửi được mùi này nên tìm cách cho anh ta đi đâu xa xa một tí như đi phép hay gì đó. Sau đó thì trở lại Đà Lạt.


Đúng lúc đó thì gặp bác sĩ quân y Đà Lạt, cho biết là phải mổ ruột thừa cho một anh lính 302 nào đó. Anh nói không hiểu sao lính của anh hay bị mổ ruột thừa nên anh ta hỏi anh mổ được không. Bác sĩ kêu được. Nên anh nhảy lên bàn mổ ruột thừa nhờ đó mà sau này ở tù Việt Cộng 11 năm, không bị lộn xộn. Mổ ruột thừa, nên được xem là dưỡng thương nên tướng Toàn không lùng kiếm anh ta nữa đến khi tướng Phạm Văn Phú về thay và năm 1975, hình như là người tướng đầu tiên của Việt Nam Cộng Hoà tự sát. Mình có gặp tướng Bigeard, ông ta nói khi nghe tin tướng Phú tự sát, ông ta khóc vì khi xưa, dưới quyền của ông tại Điện Biên Phủ. (Còn tiếp)


Mình có đọc trên mạng một bài của sĩ quan tuỳ viên ông tướng Toàn, tải về đây cho các bác xem.


https://phamtinanninh.com/?p=6278


Giờ đi chơi với vợ đã.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Đà Lạt thời thực dân

 Có người gửi mình 1 bài viết trên Chuyện Xưa chấm Nét, về Đà Lạt. Có mấy tấm ảnh mình được thấy lần đầu tiên nên tải về đây cho bà con chưa bao giờ xem. Những hình ảnh mình thấy khi còn nhỏ, thời đệ nhất Việt Nam Cộng Hoà   

Đây là thác Prenn mà khi xưa mình đã từng thấy thời còn bé, khi xuống đây với bạn của ông cụ. Chú Lữ, đi lính với ông cụ, sau này làm nghề sửa đồng hồ chỗ tiệm ông Võ Quang Hàm ở đường Duy Tân. Cuối tuần chú LỮ có thêm nghề tay trái là chụp hình cho du khách. Mình có xuống đây hai lần với ông cụ. Sau này mình về thì thấy họ không tu sửa lại mà làm mới lại đủ trò mất vẻ thiên nhiên khi xưa với các cây gỗ làm cầu, bằng cây nhất là nhà dù, lợp bằng mái tranh như ở Petit Lycee khi xưa, có hai nhà dù, lợp mái bằng tranh.
Thác Prenn, năm ngoái đi Oregon, có viếng thăm vài cái thác tương tự làm mình nhớ đến thác Prenn, tuy nhỏ hơn các thác bên Hoa Kỳ.
Tấm này thì mình đã có kể trong bài trường học đầu tiên thành lập tại Đà Lạt, do nhà thờ Tin Lành Mỹ thành lập dạy con người ngoại quốc nay vẫn còn tên trường Dalat Quốc Tế vì an ninh nên họ dời sang xứ Nam Dương. Ai buồn đời thì tìm trên bờ lốc mình. Chỗ này khi xưa, du khách vào hay rời Đà Lạt tại con đường này mà nay hình như gọi là Khe Sanh. Sau này khi họ làm con đường từ đèo Prenn, mới ít ai đi. Thời mình ở thì người ta xuống đèo Prenn bằng con đường Nguyễn Trí Phương.

Chỗ bùng binh, có ga ra Citroen, quên tên, sau này họ gọi là Ty Dụng Cụ, sửa các công xa cho các ty hành chánh tại Đà Lạt. Bên cạnh là trường học Đà Lạt đầu tiên, nay họ sử dụng làm trường dạy cán bộ gì đó. Đường Khe Sanh này hình như khi xưa đi đến Xóm Bà Thái. Mình không nhớ là có chạy xe đến đây vì hơi ớn. Lính 302 khá đông ở khu vực này.
Đường lên đèo, có cả đường rày xe lửa răng cưa khi xưa. Mình nhớ có lần thấy chiếc xe lửa chạy đâu đây. Lần trước mình về Đà Lạt thì đèo Prenn bị đóng vì họ đang nới rộng con đường này 
Cái mốc này khiến mình không nhớ để định vị chỗ nào. Chỗ đèo Prenn có một cái, cách mười mấy cây Đà Lạt. Bác nào biết. Có lẻ sau này họ trồng cây thông nên không nhận ra.
Chỗ này thì đoán trên đường đến Di-Linh. Tây đậu xe đi tè bên đường, dạy dân địa phương đái đường
Cùng chỗ nhưng chụp từ đằng xa, chắc trời mới mưa.
Lên đèo thì nhớ có mấy trụ xi-măng này
Chắc chụp trước 75. Mình có xuống đèo này mấy lần để đi Tùng Nghĩa.
Thấy chiếc xe đò Minh Trung chạy Sàigòn-Đà Lạt.
 Tây gọi Bois d’amour không định vị được chỗ nào. Thấy cái hồ phía sau. Có phải hồ than thở.
Tấm này mình được xem lần đầu tiên, chụp gần hơn mấy tấm ảnh mình có. Chụp trước năm 1932. Để xem mò ra được không để đăng lên cho mọi người rõ hơn. Chỗ này nằm phía hạ lưu của Hồ Lớn (Grand Lac) đến năm 1932 (tháng 5) thì có vụ bảo lớn, đã phá cái đập của Hồ Lớn, cuốn trôi luôn mấy căn nhà ở khu vực này khiến 15 người chết. Người Pháp phải dời khu vực indigenes lên khu Hoà BÌnh ngày nay.

Xem tấm ảnh phía dưới bên cạnh chiếc cầu và suối Cam Ly
Tấm ảnh mình có, chụp ngay sở bưu điện, trước nhà thờ Con Gà chụp xuống thấy khu phố cũ của người Việt và người Tàu, bị lũ cuốn trôi đi vào tháng 5 năm 1932, khiến 15 người bị thiệt mạng. Sau đó người Pháp cho nới rộng hồ Lớn ra để có lưu lượng nhiều hơn, ăn thông qua hồ Đội Có (Petit lac)
Không biết mấy người này có sống sót vụ lũ lụt hay không

Hình lũ cuốn trôi nhiều nhà cửa ở hạ lưu suối Cam Ly, đập hồ Lớn. Hồ Lớn sau này dưới thời đệ nhất Việt Nam Cộng Hoà được đặt tên là hồ Xuân Hương, hương thơm của mùa xuân chớ không phải lấy tên thi sĩ Hồ Xuân Hương. Bà này chả dính dán gì đến Đà Lạt.
Lũ tháng 5 năm 1932, khu vực người Pháp cao hơn khu người Việt và người Tàu sinh sống.

Nhà ông tây bà đầm ở. Không biết tên hai vợ chồng này nhưng đoán là họ sống tại Đà Lạt khá lâu. Sẽ giải thích phần dưới. Có ai biết chỗ này là nơi đâu vì thấy có cột cờ nên đoán là chỗ làm việc phía trước, phía sau để ở. Thấy có dãy cư xá bên cạnh. Có lẻ chụp khi gia đình này mới dọn đến nên thấy cây cỏ mọc lộn xộn.
Hình này chụp sau khi vườn tược phía trước được trồng lại và chăm sóc. Mái ngói được quét lá thông nên sáng hơn
Đoán là có nơi trên đường đèo Prenn để du khách tạm ngừng. Hồi nhỏ có nhớ thấy vài chỗ như vậy nhưng không nhớ nổi là ở đâu.
Ông tây bà đầm với hai cô con gái. Mình đoán là ông Tây này được chính quyền thực dân phái đến để quản trị thành phố vì xe rất sang trọng. Tay lái bên trái như ăng lê. Lúc đầu mình đoán là ông Champoudry, đọc hồi ký của một ông tây thì được biết ông này có đến 6 cô con gái nên chưa biết là ai. Bác nào có nhận ra thì cho biết để bổ túc. Một ông khác tên Cunhac. Ông này được xem là người khởi công đào hồ nhân tạo Xuân Hương, tiếp theo ý định của ông tỉnh trưởng Long. Cho nên không thể là ông này vì nếu ông ta đào hồ thì chưa có Thuỷ Tạ để vợ chồng ông ta chụp hình tạo dáng. Chỉ tiếc trên bài của chuyện xưa chấm nét không đề tên ông này để có thể đoán hình chụp năm nào cũng như các nhân vật. Lười đi tìm danh sách các cựu thị trưởng vào Năm 1930. Thường mấy tấm ảnh này do gia đình còn giữ nên chắc có tên như trang nhà của cháu ông Cunhac mà mình mò ra khi thấy tấm ảnh của cháu cố viếng thăm Đà Lạt.
Ngồi ở véranda của nhà chụp phía trên
Không định vị được . Có thể là gần trường Petit lycee vì thấy một dãy dài nhà cửa phía sau.
Ông tây bà đầm, 2 cô con gái. Đoán ông đứng sau hai đứa bé, gốc Bắc Phi
Cũng tại căn nhỏ, có chị vú gốc việt
Đèo lên rộng nghê.
Sau vụ lũ đã cuốn trôi đi rất nhiều nhà của người Việt và người Tàu ở vùng hạ lưu của hồ Lớn, khiến có đến 15 người thiệt mạng. Người Pháp, cho đời khu chợ lên khu Hoà Bình ngày nay. Hình trên cho thấy lúc đầu, chợ được bày bán như chợ xổm đến khi người Pháp cho xây ngôi chợ mà ngày nay là khu Hoà Bình. Dãy phố bên tay phải sau này là dãy Việt Hoa, Mekong được xây lại bằng gạch.
Hình chụp bà đầm và hai cô con gái đi chợ, có tên người Việt nào đứng tò mò nhìn đầm con. Dãy lầu 2 tầng bằng gỗ, sau này được phá bỏ và xây một dãy 1 tầng có arcades đến khi họ xây chợ Mới thì được tháo bỏ.
Tấm này chỉ đoán ông tây thuộc quân đội hay cảnh sát của Pháp, đứng chụp ở đâu không biết .
Không biết căn biệt thự nào nhưng đặc biệt minh nhớ cái bóng đèn thường thấy tại Đà Lạt khi xưa
Chỗ này chụp trước căn nhà ở trên có bà đầm và mấy đứa con đứng. Chắc cũng quan to. Ai biết căn nhà này ở đâu xin chỉ dùm
Chỗ này khi xưa là chỗ quan lớn tây đến nghỉ. Sau 54 thì toà tỉnh Tuyên Đức. Ông cụ mình có làm việc tại đây trước 75. Cho thấy bà đầm với hai cô con gái, thuộc dân làm to.
Chụp khác ngày với tấm ảnh trên vì áo đầm không giống 
Khi người Pháp thành lập Đà Lạt như khu nghỉ dưỡng cho người pháp. Ngoài các khách sạn như Palace, Du Parc ra, họ có xây các khu nhà cho thuê mà họ gọi là cité de Decoux, cạnh hồ Vạn Kiếp, để người Pháp mướn lên Đà Lạt ở nghỉ hè, rẻ hơn. Do đó họ cần các hoạt động giải trí như sòng bài và thể thao cho du khách. Do đó người Pháp mới thành lập câu lạc bộ thể thao mà người Việt mình hay gọi Xẹc (Cercle sportif) ngay góc Nguyễn Trường Tộ và đường Thống Nhất. Có mấy sân quần vợt, tập tạ và một quán ăn được đặt tên là “La Chaumière”, sau này ông cựu trưởng ty cảnh sát mướn của thị xã Đà Lạt để mở nhà hàng Đào Nguyên. 

Họ cũng xây một trung tâm thể thao nước, được gọi là “La grenouillère” theo một địa danh nổi tiếng ở ngoại ô Paris. Sau này người Việt gọi là THuỷ Tạ. Có sân quần vợt, sân cù và chỗ chơi thuỷ thao. Mình có kể rồi, ai buồn đời thì tìm trên bờ lốc này.

Hình chụp trên balcon của Thuỷ Tạ, thấy mấy ông tây lộn nhào xuống nước. Phía bên kia bờ hồ thấy trên đỉnh dinh tỉnh trưởng, và cái đập sắp được đập phá.
Hình này chụp trước khi Thuỷ Tạ được xây cất. Địa điểm Thuỷ Tạ ngày nay chỉ có một cái chòi để hạ ca-nô. Hình như lúc đầu người Pháp tính xây 3 cái chòi tương tự. Mình có thấy một tấm ảnh như vậy, lười đi tìm lại nhưng rồi họ cho xây cái nhà hàng nổi trên hồ, để có thể cất mấy chiếc ghe xuồng ở dưới. Vòng tròn được gọi là Camembert 
Ông tây plonge xuống từ một cái plongeoir. Nhớ có tên bạn hay ra hồ Xuân Hương tắm, hắn hay leo lên trên plongeoir để nhảy xuống như ông tây. Có lần hắn nhảy sai nên bị dập dế. Đau quá, nhăn nhó. Bên kia bờ là dân người Việt ngồi xem tây chơi.

Có một ông tây, đăng mấy khúc phim về Đà Lạt, tự xưng là L’enfant de Dalat, phim do bố ông ta quay khi đến làm việc tại Đà Lạt. Mình có thấy một khúc, máy bay thả dù xuống hồ Lớn rồi ca nô bơi lại vớt những người nhảy dù. Họ cho nhảy xuống hồ cho dễ, không sợ gãy chân như sau này mình thấy tướng Lâm Quang Thơ nhảy xuống đồi cù.

Tây thực dân xem, người Việt chắc ở xa xa để xem
Thời này thanh bình chớ sau này không thấy một con vịt ở hồ. Thấy biệt thự Trang Hai phía xa trên đường Trần Quốc Toản, đã bị đập phá. Mình đoán là hình chụp sau 1932, trận bảo lụt vì chiếc cầu được xây cất kiên cố hơn. Xem các hình dưới.
Bà đầm dẫn hai cô con gái đến cầu nhỏ đi vào khu Thuỷ Tạ. Cầu được xây bằng mấy khúc cây thông. Họ có làm cánh cửa ra vào để phòng con nít chạy bậy bạ lọt xuống hồ. Chiếc cầu này rất thô sơ so với chiếc cầu được chụp hình trên với mấy cột trụ to đùng và lan can màu trắng. Cái đập đã được phá bỏ và xây cầu ông Đạo
Đâu biết khi xưa, Đà Lạt có cò hay vạc, ngỗng,..
Lúc này họ đã xây Thuỷ Tạ
Ông tây đi chơi với vợ con, đội cái nón cối thực dân.
Thủy Tạ được xây xong. Đến thời đệ nhất cộng hoà thì có chương trình trồng cây nên đồi cù mới có thêm cây thông. Hình này chụp từ chỗ Xẹc hay trên đường NGuyễn Trường Tộ 
Thủy tạ dạo ấy, trống trơn, không phải chỗ uống cà phê ăn uống. Chơi xộn thì họ vào chỗ tiệm ăn sau này gọi là Đào Nguyên, chớ chỗ này không có bán thức ăn. Có thể có bán nước ngọt vớ vẩn. Cầu thang dễ leo lên. Nay họ gắn kính khắp nơi để thiên hạ ngồi ăn uống nhìn hồ.
Sân cù dạo ấy còn hoang sơ, chưa được trồng cây thông sau 1954
Đường rầy răng cưa
Trở lại gia đình ông tây, chụp ở đèo nào. Ông tây lái xe bên phải, chắc xe của Anh quốc cũng có thể thời đó họ để vô lăng bên tay trái. 
Xích đu ở xẹc, mình có chơi chỗ này vài lần và đánh lộn với Vĩnh Vinh, con ông Bửu Duy.
Sân cù dạo ấy có nai. Mình nhớ có lần một con Nai từ trên Domaine de Marie chạy xuống xóm mình, bị mấy người con của bà Quán bắt được, làm thịt, cho gia đình mình một miếng. Ước gì Đà Lạt còn như vậy. Du khách lên chơi, đứng xa xa chụp hình. Nay thì cái núi Bà cũng bị che.

Chắc cô con gái lớn chụp ông bà. Thấy thuỷ đài, thì đoán là đường Lê Quý Đôn chỗ nhà đèn. Bác nào định vị được không thì cho em xin. Em đoán là chụp từ đường Trương Vĩnh Ký hay Thủ Khoa Huân sau này. 
Hình chụp trên khu khách sạn Palace.

Còn nhiều tấm mới nhận, để hôm nào kể tiếp. Có mấy người hỏi có nhà của họ ngày xưa không thì cho họ xem. Vấn đề là mình không biết họ là ai, hình ảnh khi xưa rất đắt nên thiên hạ chỉ chụp chỗ nào quan trọng. Hôm trước có chị bạn kêu tiệm chè 47 thì mình ngớ vì lần đầu nghe quán chè này. Hôm trước tìm được một tấm được chụp sau 75 thì mình mới hiểu. Mình chỉ nhớ những gì trước 74, còn sau đó thì chịu nên nhiều khi lộn.

Đây là hình chụp sau 75. Tiệm bánh mì Vĩnh Chấn đã bị cạo tên. Khi mình về lần đầu năm 1992 thì hình ảnh mà nhận thấy.
Hình chụp trên đường Minh Mạng, ngay ngã ba Tăng Bạt Hổ, sau 75 vì thấy chè 47 mà chị bạn nói đến mà mình không biết. Chỉ nhớ có tiệm chè ngay hẻm xuống Dốc Nhà Làng có hai căn là của tiệm may Tân Tân cho mướn. Không nhớ tên gì, chỉ nhớ có đến ăn hai ba lần gì đó. Thấy bên tay trái tiệm giặt ủi của cậu Châu, con Mệ Cai Thỏ. Nói chung thì vẫn còn giữ chút Đà Lạt trước 75. Nay về thì Chán Mớ Đời  
 

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn