Sau hơn 3 tiếng đồng hồ bay trên biển, cuối cùng máy bay đáp xuống phi trường Sydney. Máy bay bay một vòng thành phố, nhìn qua cửa sổ thấy nhà hát Opera do Jørn Utzon một kiến trúc sư âu châu thiết kế, và được chọn qua một cuộc thi tuyển quốc tế gồm trên 200 kiến trúc sư. Buồn đời, cãi nhau ra sao đó khiến ông ta bỏ về xứ Đan Mạch. Chính phủ mới của Úc đại Lợi buồn đời ngưng trả tiền cho ông ta nên hết tiền đi chợ nên về nước. Sau đó một nhóm kiến trúc sư Úc Đại Lợi tiếp tục xây dựng nhà hát này. Ông này chết nhưng chưa bao giờ thấy công trình mình thiết kế. Họ có mời ông ta sang viếng thăm công trình nhưng già yếu nên không bay được. Nhà hát này được xem là một công trình danh tiếng và được unesco đưa vào di sản văn hoá thế giới dù mới có 72 năm. Mất 17 năm để xây dựng và 120 triệu tiền Úc dù khởi đầu chỉ tính có 7 triệu. Được cái là họ gây quỹ bằng xổ số kiến thiết nhà hát opera nên không đụng tiền thuế của dân.
Hình ảnh ấn tượng nhìn từ máy baySau khi qua Hải quan, Xuống lấy hành lý thì may quá hành lý đi cùng chuyến máy bay, không phải đợi. Lên phi cơ mới thấy tin nhắn của Expedia báo tin là họ chuyển mình qua chuyến sớm hơn. Rút kinh nghiệm lần sau phải xét tin nhắn.
Lấy Uber về khách sạn xong thì có hai du học sinh đến đón, đưa hai vợ chồng đi bộ ra bến tàu. Phải công nhận đây là bến tàu mà mình thấy vui nhộn và thành công trong việc thiết kế đô thị. Đi mò mò đến nhà hát Opera. Phải công nhận rất ấn tượng. Sau đó hai du học sinh mời đi ăn ở quán Việt Nam gần phố tàu. Đi xe điện lần đầu tiên thấy hay. Trước khi lên tàu thì có cái máy, mọi người đến dùng thẻ tín dụng hay applePay bỏ gần máy để nghe tiếng keng rồi lên tàu. Nếu bị soát vé thì đưa điện thoại hay thẻ tín dụng ra thì họ sẽ rà biết mình có trả chưa. Thật ra để biết mình lên từ chặng nào rồi khi xuống thì phải lại cái máy chỗ dừng, rà một lần nữa thì máy biết và tính tiền cho cuốc xe điện. Không trốn được. Hệ thống hay. Nếu quên rà là máy tính trả 8 đô cho cả ngày. Nên ai cũng hăng hái tap điện thoại hay thẻ của họ. Paris nên bắt chước hệ thống này, đỡ mất công tốn giấy in vé. Dân địa phương thì mua vé qua ứng dụng còn du khách là ngọng. Nhất là những ai không biết tiếng Tây.
Vào tiệm ăn Việt Nam, phải nói là ở xứ này cũng như Tân Tây lan, phần ăn rất lớn, nhiều hơn cả Bolsa. Mình thích thịt bò của của xứ này nên gọi gỏi bò, đồng chí gái thì bún bò. Mới gọi xong, cô phục vụ viên đánh vào cái máy cầm tay rồi kêu cho xin trả tiền luôn đưa luôn máy tính tiền để keng nữa. Móc điện thoại ra rà cái keng. Khá ngạc nhiên vì chưa ăn đã kêu trả tiền tại bàn. Hỏi ra thì vì có nhiều thực khách quên trả tiền, đi luôn. Ăn xong lại đi bộ về khách sạn. Trung bình mỗi ngày hai vợ chồng đi bộ 6 dặm. Hôm qua chơi trội đi đến 7 dặm.
Nói chuyện với hai du học sinh, một đã tốt nghiệp tiến sĩ và một đậu thạch sĩ, và đang học lên, vừa đi học vừa đi làm. Cho thấy chất xám của Việt Nam từ từ tuôn ra ngoại quốc. Người giàu có thì đem tiền ra khỏi Việt Nam, giới học giỏi du học rồi ở lại xứ người. Biết bao nhiêu tiền của Việt Nam nuôi ăn học rồi không về. Ngoại quốc hưởng lợi. Người về nếu có bố mẹ có công ty lớn hay cán bộ lớn. Nhưng rồi một thời gian sau cũng ôm tiền hạ cánh an toàn tại các nước khác. Xem như tiền rời khỏi Việt Nam.
Trước 75, du học sinh tốt nghiệp thì không về vì sợ đi lính, chỉ có số ít trở về lại, đa số là từ Hoa Kỳ vì giấy tờ cư trú.
Kỳ này đi Úc, gặp đồng hương ở Melbourne và Sydney rất dễ thương. Ở Melbourne, họ mời đi chơi, chỉ các nơi để viếng và các tiệm ăn ngon ở thành phố này. Chưa đến Sydney đã có một chị bạn học Trưng Vương với đồng chí gái khi xưa, đặt chỗ để đi tham quan ở Thanh Sơn (Blue Mountains), thêm hai cô du học sinh dẫn đi chơi và đi ăn. Chị bạn bận gia đình chi đó đang ở xa nên không gặp được. Đúng là xa quê hương ngộ đồng hương rất cảm động. Nhờ vậy mới biết thêm các hoạt động, đời sống của người Việt tại xứ này.
Tuần này nghe ông chủ tịch nước kêu là 50 năm trước, người Tân Gia Ba muốn sang Sàigòn, để chữa bệnh ở Chợ Rẫy của Việt Nam Cộng Hoà. Nay thì ngược lại. Đọc đâu đó, tân gia ba không cho một số người Việt nhập cảnh vì ngại các cô sẽ đứng đường.
Thấy hai du học sinh cũng khắc khoải về quê hương nhưng mình khuyên không nên về, uổng phí công sức và tài năng của họ như đã khuyên một du học sinh tại Nhật Bản, tốt nghiệp tiến sĩ khi xưa. Việt Nam không phải môi trường để cho người giỏi thăng tiến. Mình chỉ có một đời để sống. Về là đụng đến nồi cơm của người Việt tại Việt Nam. Mình nhớ có chị bạn tốt nghiệp y khoa đại học Cornell về Việt Nam, đem thuốc men và chữa trị miễn phí cho người Việt tại Huế. Các y sĩ tại địa phương đánh tiếng kêu mưu mô của Mỹ nói này nọ để người dân lo sợ, không dám đến. Các phái đoàn y tế ở Hải ngoại về Việt Nam cũng bị làm khó dễ dù làm từ thiện.
Trên 70 hạt giống đỏ được gửi qua Liên xô du học, sau khi liênxô tan rã, họ không chịu về dù bố mẹ là cán bộ gộc, có công với cách mạng. Đa số nhóm này, cuối cùng chạy qua mỹ và Gia-nã-đại gần hết. Mình có anh bạn học xưa, nghe kể sau 75, hô hào bạn bè phấn đấu, có đảng tịch làm lớn rồi lần chót mình gặp, nói là cho hai đứa con du học ở Gia-nã-đại rồi nay hạ cánh an toàn bên trời Tây luôn. Tài sản chuyển đi hết.
Mình quen mấy du học sinh này qua mạng nên báo cho họ biết là Gú Gồ cho biết hôm qua, bờ lốc muctimsonden.com, từ ngày do hai ông thần; 1 ở Việt Nam và 1 ở Hoa Kỳ thành lập đã có trên 1 triệu lượt đọc. Đi Úc đại lợi kỳ này gặp nhiều người quen qua bờ lốc. Họ theo dõi mình từ lâu nên khi nghe tin sang xứ Kanguru, họ nhắn tin, hẹn gặp cũng như chở đi chơi. Rất cảm động. Bạn ảo trở thành thật. Có cô nói: “Dạ, cô chú như Thầy Cô của tụi con. Đọc các bài viết của chú, con như được trở về với các Thầy Cô năm xưa.”
Trung bình lượng độc giả ở Hoa Kỳ và Việt Nam chiếm đa số nhưng có nhiều nơi như Tân Gia Ba rất nhiều người đọc nên khá ngạc nhiên như Trung Cộng, nhất là xứ Ba Tư trung bình mỗi ngày có độ 200 lượng đọc. Không lẻ có vài người việt ở bên xứ ấy. Có nước mình không ngờ có người Việt sinh sống . Cho thấy người Việt mình di tản khắp nơi sau 75 như đàn ong chạy tứ tán.
Ăn no xong đi bộ về khách sạn, chia tay hai cô du học sinh. Mình có kể là về Việt Nam vừa qua mình có gặp đại diện nhóm sinh viên dấn thân. Chị ta cho biết đời sống đắt đỏ nhất là các sinh viên học y khoa không có thời gian đi làm thêm nên nhờ mình bảo trợ thêm. Mình hứa sẽ cố gắng giúp các em. Hy vọng sẽ giúp họ đổi đời và thay đổi số phận gia đình họ sau này thay vì cứ hát tôi sinh mang kiếp con nhà nghèo. (Còn tiếp)
Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen
Nguyễn Hoàng Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét