Trở lại Quy Nhơn sau 68 năm

 Đi quy Nhơn

Hôm nay, sau khi ăn sáng, cả nhà rời đảo Hòn Tré theo xe về Đà Lạt, trong khi mình và đồng chí gái lấy xe đi Quy Nhơn. Thấy bà cụ buồn nhưng cũng đành chịu. Cuộc đời có hợp rồi lại có tan. MẤy ngày bên nhau tuy không nói ra nhưng tình cảm anh em vẫn thương yêu như ngày nào. Mấy cô em ôm đồng chí gái và mình khi chia tay. Các cháu, mới ngày nào bé tí ti, nay tốt nghiệp đại học hay gần ra trường hết. Vài năm nữa lại thấy tay bế tay bồng.

Bác tài từ Đà Lạt xuống chở hai vợ chồng đi Quy Nhơn, rồi Hội An, Huế và đưa ra phi trường Đà NẴng để bay vào Sàigòn. Bác tài kể không có khách đi từ Đà Lạt xuống Nha Trang nên đành chạy xe không xuống từ 4 giờ sáng vì sợ kẹt đường.

Rất ấn tượng khi thấy trên đỉnh núi có tản đá. Không biết có phải hòn đá này mà nhạc sĩ Nguyễn Đức Quanh dùng cụm từ Vọng Phu

Xe chạy rất chậm vì dạo này có luật phạt xe chạy ẩu rất nặng. Nhưng mình thấy mấy xe khách chạy nhanh như ăn cướp thì được trả lời là xe khách mà đi chậm thì mất khách nên họ đã lì xì các quan nhớn giao thông hết rồi. Cứ thấy trạm là tự nguyện xuống đóng lì xì cho các quan mãi lộ. Đường đang cho phép chạy 70 cây số một giờ thì 200 mét sau là nhảy qua 50 cây số một giờ nên ai không để ý là có thể bị phạt ngay.

Cuối cùng thì xe cũng ra khỏi địa phận Khánh Hoà và Ninh Hoà. Xe chạy ngang Tuy Hoà khiến mình nhớ đến bài hát của Nguyễn Đức Quang, khi xưa rất buồn. Mình hay hát bài này và bài Người Anh Vĩnh Bình.


Ngày xưa tôi đã đi qua Tuy Hòa 

Trời xanh le lói bao mộng mơ 

Đàn chim tung cánh bay bay đầu gió 

và đâu đây tiếng sông bồi phù sa 

Ôi, những chiều mây vắt ngang lưng đèo 

Vọng Phu đưa mắt cũng buồn theo

Núi Nhạn được nhắc đến trong bài Anh Còn Nợ Em

Mình thấy nông dân chắn những thửa ruộng của họ với những hàng rào nylon, để chống chuột đồng. Xa xa núi Khỉ mà trong bài hát Anh Còn NỢ Em, tác giả có nói đến “chim về núi Nhạn” nên quay kính xuống chụp một tấm ảnh làm kỷ niệm.


Anh còn nợ em

Chim về núi nhạn


Thành phố ngày nay, rất nhộn nhịp, không điêu tàn như nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang hiển thị khi xưa. Xe chạy qua Sông Cầu, nơi họ nuôi tôm hùm, cá,.. vì nằm trong cái vịnh nên dễ nuôi cá. Nếu không mưa bão đến là bay hết. Không có thì giờ để xuống quan sát cách họ chăn nuôi tôm, khác với những nơi mình đã mục thị như ở Pháp, Nam Hàn. Xe chạy chậm nên có thể thấy họ xây tường bằng đất và xi-măng thay vì thả lưới xuống như ở các xứ khác.


Xe chạy qua Tuy An, Phú Yên thấy cái bảng to đùng quê hương của ông Trần Phú, tổng bí thư đầu tiên của đảng Cộng Sản Việt Nam. Mình hỏi bác tài ăn gì chưa, bác kêu chưa nên nói kiếm tiệm ăn nào, vợ chồng mình mời bác ăn bồi dưỡng. Xe ngừng ăn tại vịnh Xuân Đài, cũng nuôi tôm. Chả biết họ có lễ hội gì mà thấy đông xe, nhạc tòn ten. Bác tài kêu mì xào trong khi hai vợ chồng ăn ở Marriotts no ứ từ sáng nhưng cũng gọi đĩa chả giò hải sản. Thấy họ cho ăn chả giò chấm ketchup và sauce mayonnaise khiến mình thất kinh. Cho thấy xứ Phú Yên được toàn cầu hoá. Lâu lắm rồi mới nghe lại giọng Phú Yên. Khi xưa có gia đình gốc Phú Yên, mướn nhà nên lúc đầu cũng hơi chới với mới hiểu họ nói gì. 

Chỗ này dừng lại ăn trưa. Đi kiếm nhà vệ sinh cho đồng chí gái lại gặp cảnh đây đẹp nhìn ra vịnh Xuân Đài

Đặc biệt là các thành phố vùng này, treo cờ đỏ mỗi nhà mừng xuân, qua cầu thấy rợp bóng cờ hồng. Ai mà thầu bán cờ mỗi năm là giàu, thêm các panno mừng xuân mừng đảng là cả năm đi chơi. Hỏi ra thì mỗi lá cờ là 50,000 và chậu cúc là 350,000. Trong năm ủy ban đều thâu tiền và cuối năm họ đem lại cắm cờ và đặt chậu cúc. 

Sau khi ăn thì xe chạy khỏi Phú Yên, vào địa phận BÌnh Định, thấy Bồng Sơn. Bắt đầu thấy Quy NHơn từ xa. Thấy mấy tấm bảng chỉ đường đến mộ của thi sĩ Hàn Mạc Tử. Bác tài kể là có đến uống cà phê tại nhà bà Mộng Cầm khi xưa, nay mở quán cà phê do con hay cháu bà ta quản lý. Bà này được ông Hàn Mạc Tử đưa vào thi ca, tạo phước cho con cháu lộc bán cà phê, sống tốt. Mình thì không thích thi ca lắm nên chắc không đến thăm mộ ông thi sĩ xứ BÌnh Định.

Cuối cùng thì xe vào khu nghỉ dưỡng FLC, gần khu công nghiệp, có mấy quạt gió năng lượng quay vòng vòng. Bác tài hỏi ngụ tại khách sạn nào để anh ta xem bản đồ gú gồ để chạy. Mình kêu Ép Lờ cờ khu nghỉ dưỡng khiến mụ vợ cười, nghe tên nông dân đánh vần. Chỗ này thấy đại hàn đông, trẻ khá nhiều đến để chơi cù. Kiến trúc khá đẹp nhưng trang trí nội thất hơi nghèo. Mình đoán là khu này có bán như kiểu timeshare. Để mai mình hỏi thêm. Hai vợ chồng đi ăn, họ có tiệm Hương Biển, có buffet hải sản nên vào ăn. Ăn xong hai vợ chồng dẫn nhau đi vòng vòng rồi về phòng ngủ.
Nhìn từ phòng ngủ ra vịnh Quy Nhơn. Biển chỗ này mua fnafy khôgn được tắm, nguy hiểm

Kỳ này đi chơi, cô em bố trí cho mấy khách sạn thì có hai cái mà tổng giám đốc công ty bị đi tù năm ngoái. Chán Mớ Đời. Có lẻ vì vậy giá mềm.

Nói chung thì khu nghỉ dưỡng FLC ở Quy Nhơn được thiết kế rất đẹp bên ngoài, như các khu nghỉ dưỡng bên Tây Ban Nha. Vấn đề là trang trí nội thất thì hơi kém thêm chất lượng về xây dựng hơi bết. Không biết họ xây năm nào nhưng các tường phía ngoài nhất là trần nhà bắt đầu hư, lòi ra nhiều chỗ nức và vữa xi măng.

Hai cái tháp Chàm, di tích lịch sử của văn hoá CHàm còn sót lại
Cái phần dưới của tháp được xây bằng đá.
Họ xây theo hình bút tháp phía trong nên không bị sụp suốt 9 thế kỷ

Hôm nay, sau ăn sáng bác tài đến đón chở đi viếng tháp đôi, di tích lịch sử của nền văn hoá Chàm, được thiếp lập đầu thế kỷ 11 mà vẫn tồn tại. Cái “base” của tháp được xây dựng bằng đá rất khôn để khỏi bị hư hao suốt 10 thể kỷ. Phía trên thì họ dùng gạch để xây lên theo hình bút tháp nên không bị đỗ. Bước vào cổng thì mình đang đứng nhìn hai cái tháp thì nghe ai kêu “you, you”, quay lại thì trong góc có chỗ bán vé vào cửa tham quan. Mình kêu bán cho hai vé thì ông bán vé, kêu tui tưởng anh là Tây chứ. Chắc là tây đen. Chán Mớ Đời 

Chụp hình những góc cạnh để xem họ thiết kế ra sao, rồi chụp hình đồng chí gái toả nắng. 

Gặp lại anh bạn thi sĩ sau 7 năm. Đúng là cái duyên

Đúng lúc đó, anh bạn quen qua nhóm cựu học sinh Văn Học ở Cali, 7 năm nay không gặp nhau, gọi. Hẹn ở mộ Hàn Mặc Tử. Anh này về hưu tại Việt Nam. Không thích Sàigòn nên ra Nha Trang ở, đi dạy ở cô nhi viện các môn anh ngữ và Toán Lý Hoá. Tuần này anh ta buồn đời, đạp xe đạp từ Nha Trang đến Quy Nhơn để thăm mộ thi sĩ mà anh ta yêu thích. Anh ta cho biết là đạp xe đạp đến Đèo Cả thì chưa lên đỉnh đèo, đã không thấy bố mẹ đâu nữa, chân tay rã hết nên dắt xe lên đỉnh rồi thả dốc. Mình hỏi không sợ xe khách. Anh ta kêu sợ chứ, chúng chạy như bay, bóp còi to đến phát sợ. Anh ta cũng thích bài Chiều Qua Tuy Hoà của Nguyễn Đức Quang.

Đây là mộ mới của Hàn thi sĩ được cải táng lên trên núi đồi để nhìn cái vịnh làm thơ
Mộ cũ của Hàn thi sĩ được nhạc sĩ Trần Thiện Thanh thực hiện

Hẹn ở mộ Hàn Mặc Tử nhưng bác tài chở đến mộ mới của ông thi sĩ Hàn Thị. Chỗ này vào cổng 20,000 đồng. Không thấy anh bạn đâu hết thì anh ta kêu bác lại đi lộn đường rồi. Có hai mộ Hàn Mặc Tử tại Quy Nhơn. Mộ thứ nhất là tại nhà thờ Quy Hoà, trung tâm phong cùi, nơi ông thi sĩ này trú ẩn, chữa bệnh và chết tại đây, hưởng dương được 28 tuổi. Sau này người ta cải táng ông ta lên trên đồi núi để ông ta nhìn xuống vịnh Quy Nhơn. Chỗ này thì du khách đông như quân Nguyên, la é é giọng BÌnh Định. Thế là phải chạy đến nhà thờ Quy Hoà, xe xuống dốc đèo. Kinh vì hai bên đường thấy nhiều cái trang thờ người chết vì tai nạn ở trên con đường đèo này.


Cuối cùng xe đến cổng, trả 10,000 vào cửa thì thấy anh bạn mướn xe gắn máy chạy lại. Anh ta kêu hết xí quách nên phải mướn xe đi thăm vài nơi. Ngày mai đạp xe về Nha Trang. Kinh


Mình thấy có tấm bảng đề tên nhạc sĩ Trần Thiện Thanh xây mộ này lại sau khi họ cải táng, đưa lên núi chôn. Anh bạn kể lâu rồi, đêm nguyên tiêu, anh ta xin phép ở lại đêm để đợi trăng lên bên mộ Hàn thi sĩ sợ ma quá. Anh cho biết khi xưa Hàn thi sĩ mê 3 thứ: đức mẹ Maria, ma và trăng. Mình nói mê mà sao ông ta cứ rao bán ai mua trăng tôi bán trăng cho. Do đó họ xây bức tượng đức mẹ đồng trinh trên mộ của Hàn thi sĩ. Mình và anh ta và đồng chí gái đi ra biển chụp hình kỷ niệm 7 năm mới gặp lại nhau. Nhà thờ này giỏi vì vẫn giữ được đất đai. Khung cảnh quá đẹp, ngay biển, có thông. Rất đẹp. Ai đi viếng Quy Nhơn thì ghé đây viếng mộ Hàn thi sĩ rồi nhảy xuống biển bơi, nhớ đem theo thức ăn.


Anh ta bận đi viếng đền đài vua Quang Trung. Mình đọc tài liệu thì được biết họ mới làm sau này, không đẹp lắm. Mình thích viếng di tích lịch sử xưa, để xem họ xây cất ra sao chớ còn làm ngày nay để câu du khách thì không muốn bò đến. Thường là họ bựa thêm chuyện. Anh bạn có kể lần trước, có gặp một ông lão 80 tuổi, hỏi chuyện thì ông ta kể các thứ phi của vua Quang Trung phải chạy trốn vào trong xa, và anh ta có chạy xe vào hang đá, được kể một thứ phi trốn ở đây rồi qua đời. Cho đến nay, không ai biết vua Quang Trung được chôn ở đâu. Chắc sau khi chôn cất vua Tây Sơn xong thì họ giết hết những người lo việc chôn cất.


Bác tài đưa hai vợ chồng về khu nghỉ dưỡng ăn cơm, rồi đi vòng vòng biển, không được tắm vì thấy treo cờ đỏ. Theo họ giải thích mùa này bơi ngoài biển sẽ bị trôi dạt xa lắm. Cho ngâm nước nhưng gió cũng mạnh, trời không ấm lắm.


Hai vợ chồng ăn cơm Việt Nam rất ngon với canh cải, rau lang xào với tỏi, thịt xào đủ loại. Sau những ngày ăn ở Marriotts thì đây là bữa cơm thuần tuý Việt Nam. Rất ngon. Mình nhắn tin cô em, hỏi ăn tôm hùm đã chưa. Cô em kêu chưa. Ở khu nghỉ dưỡng Marriotts, có 3 tiệm ăn. Một tiệm thổ nhĩ kỳ, mình nói chuyện với đầu bếp béo như ông thổ. Ông ta cho biết là gốc Istambul. Mình cho biết là viếng xứ ông ta mấy năm trước đây. Tiệm này có món đặc biết là tôm hùm nướng nên mấy cô em cứ tiến về đây hát bài tôm hùm.


Chiều mình tập Thái Cực Quyền, Hồng Gia một tí rồi đi ngủ. Mai sớm đi Hội An, sẽ qua các vùng Quảng Ngãi,… nếu đi ngang làng Mỹ Lai, mình sẽ ghé lại thăm viếng.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét