Hôm ở Tân Tây Lan, gú gồ đưa tin bờ lốc đã đạt được hơn 1 triệu lượt đọc khiến mình thất kinh. Lý do là tuần trước, mình mới gặp ông thần, tác giả bờ lốc tại Sàigòn. Mình không biết ông thần này, chỉ biết qua một ông thần khác ở Cali. Một hôm ông thần nhắn tin, hỏi tìm đâu bài mình viết về chuẩn bị vào đại học Hoa Kỳ. Mình có kể vụ hai đứa con vào đại học, làm giấy tờ ra sao, xin Grant đại khái nhất là họ có mấy seminar hướng dẫn. Mình nói tìm trên facebook của mình.
Hình ảnh ở Sydney khi xe ra khỏi xa lộ. Mới chụp xong thì thấy chiếc xe bên cạnh đậu lại cho tiền thế là ông ta chạy vòng vòng xin thêm. Hình ảnh rất ấn tượng khi thấy ông ta cầm cái ly rất lâu không nhúc nhích đến khi có người quay cửa sổ cho tiềnÔng thần kêu dài quá kiếm không ra. Sau đó ông thần đề nghị làm một bờ lốc cho mình, chuyển tất cả các bài viết từ facebook qua và giới thiệu ông thần ở Việt Nam. thế là bờ lốc Mực Tím Sơn Đen ra đời. Ông thần cặm cụi không biết bao nhiêu tiếng, tải từ facebook qua bờ lốc, đâu trên 1,900 bài mà mình viết từ 7 năm qua. Tải xong phải đọc vì để liệt kê vào mục du ký, Đà Lạt xưa,… nên chắc mất thời gian rất nhiều. Gặp nhau lần đầu tại Sàigòn, mình chỉ mời anh ta được ly cà phê rồi phải chạy đi gặp bà con.
Tên Mực Tím Sơn Đen là do một anh bạn học cũ Đà Lạt xưa, soạn ra 100 bài tiểu biểu, biên tập, sửa dấu chính tả lại vì mình dốt việt văn. Học trường tây nên việt văn được xem là sinh ngữ thứ 1, sau đó là anh văn. Lý do anh bạn học xưa làm cuốn kỷ yếu Mực Tím Sơn Đen vì theo anh ta, những gì mình kể, những trăn trở về quê hương, đều cảm nhận những khát khao của anh ta về Việt Nam cũng như những hình ảnh đẹp của ngày xưa thơ ấu.
1 triệu lượt đọc, mình đoán, đa số các bài viết sau khi bờ lốc ra đời. Nay có được 2256 bài. Bài được đọc nhiều nhất là trên 7,000 lượt đọc.
Nhìn lại để hiểu tại sao mình viết, kể chuyện đời xưa. Nhớ năm 3 ème, có ông hàng xóm, một hôm kêu mình vào nhà, cho mượn mấy cuốn sách Học Làm Người của Hoàng Xuân Việt và Nguyễn Hiến Lê đọc. Đọc mấy cuốn này thì họ có khuyên khi đọc sách báo, nên có cuốn sổ ghi chú lại những điểm quan trọng để nhớ, những cách viết ghi chú để khi đọc lại thì dễ nhớ cũng như thầy cô giảng những gì, cần viết ký hiệu, chữ tắt cho nhanh. Thế là lúc nào cũng kè kè cuốn sổ ghi đủ thứ. Đi học cũng ghi chép viết tắc, vẽ này nọ rồi về nhà đọc lại, rồi viết nhỏ lại, dán trên tường của phòng để dễ nhớ. Khi thi chỉ cần đứng nhìn trên tường các bài được tóm tắc là xong, rất dễ học thi.
Ông thần làm bờ lốc cho biết“ Do Sơn thường cập nhật bài vở chứ tạo blog ví như cái nền, sắm sửa đồ đạt là do bạn, khách quan tâm vào xem. Blog MTSĐ trên Google Search rất mạnh như một tờ báo. Mình thử gõ từ khóa chỉ tên blog và tên miền không đầy đủ mà nó hiển thị Trang chủ và 5 link phụ như hình dưới như một tờ báo mạng.”
Sang pháp và thời gian ở âu châu thì mình không đụng hay ít nói tiếng Việt đến khi sang Hoa Kỳ thì mới phát hiện mối tình hữu nghị với một cô sinh viên gốc Việt. Từ đó mới bắt đầu đọc sách báo việt ngữ lại. Sau này lấy vợ gốc Việt, ở vùng Bolsa nên đọc báo lá cải khi đi chợ. Đủ thứ mục để học lại tiếng Việt.
Ngoài báo lá cải mình có đọc thêm các trang nhà, thời đó chưa có bờ lốc nhưng có nhiều người làm trang nhà để ghi lại những gì họ đã trải nghiệm. Mình nhớ về học hành thì có một giáo sư đại học Paris V về môn toán, đến đời con cũng làm giáo sư toán đại học tại Pháp. Cách ông ta dạy con trên xứ người để mình học hỏi, dạy con ra sao.
Thùng thơ ở Úc đại Lợi, hơi giống ở Anh quốcVề Đà Lạt thì có ông luật sư Tằng giao, làm trang nhà rồi chép lại hết các bài vở liên quan đến Đà Lạt, hay một anh cựu học sinh Trần Hưng Đạo, tên Chinh thì phải viết kể về Đà Lạt. Lần trước về Sàigòn, mình có liên lạc anh này nhưng anh ta bận đi Hongkong, kỳ này về thì lại quên liên lạc. Hay một ông quên tên rồi, nghe nói đã qua đời, cũng kể lại thời bố mẹ ông ta vào Đà Lạt ở ấp Nghệ Tỉnh, do người ở Nghệ An và Hà Tỉnh, được đưa vào Đà Lạt để trồng rau cải cho người Pháp thành lập. Mình đọc để hiểu thêm về lịch sử thành hình của Đà Lạt. Nơi mình sinh ra đời, đâu ngờ có ngày mình lại kể về Đà Lạt, những kỷ niệm của thời con nít. Ngoài ra có rất nhiều người chia sẻ thêm các chi tiết về Đà Lạt xưa, giúp mình hiểu rõ thêm về thời gian xưa khi mình ở Đà Lạt.
1 triệu lượt đọc khiến mình thất kinh vì mình không có muốn kể chuyện đời xưa để câu Like. Có nhiều người trách là không phản biện này nọ. Thật ra mình có đọc nhưng để đó, khi nào rảnh sẽ viết để giải thích. Có người thích có người chửi mà mình không biết họ là ai nên không muốn bỏ thời gian đi cãi chuyện đâu đâu hay cảm ơn này nọ. Nhiều khi chỉ là hiểu lầm câu nói.
Được cái là qua bờ lốc mình có tìm lại được nhiều người bà con, bên nội cũng như bên ngoại, những người hàng xóm xưa, hay bạn học cũ một thời. Lâu lâu mình cũng ghi lại những gì trải nghiệm đời sống tại Hoa Kỳ. Lý do là có nhiều người Việt sang định cư tại Hoa Kỳ, lớn tuổi nên tiếng tây tiếng u không rành nên nhiều khi những gì mình kể giúp họ có một khái niệm về cuộc sống ở Hoa Kỳ.
Mình tưởng chỉ có thế hệ mình, thế hệ cuối cùng được Việt Nam Cộng Hoà đào tạo đọc bờ lốc nhưng sau này khám phá ra có nhiều người trẻ cũng thích đọc. Đối với họ để tìm hiểu thêm về thế hệ cha ông ngày xưa ở Đà Lạt như cháu ông Phác, ông từ của am Sohier, cháu ngoại ông Xu Huệ,… có ngừoi nhắn tin: “Dạ, cô chú như Thầy Cô của tụi con. Đọc các bài viết của chú, con như được trở về với các Thầy Cô năm xưa.”
Hy vọng mình có sức khoẻ để tiếp tục đọc sách báo, và kể chuyện đời xưa. Xong om
Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen
Nguyễn Hoàng Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét