Thăm hàng xóm xưa nhận bà con

 Thăm hàng xóm nhận bà con


Hôm nay mình ghé thăm chị hàng xóm xưa ở Đà Lạt. Chắc độ 55 năm không gặp lại từ khi gia đình chị dọn sang đường Phan đình Phùng bên cạnh tiệm thuốc Tây Lâm Viên. Mấy lần trước lên đây mình quên đi thăm. Hai chị em ngồi nhắc lại chuyện xưa ở xóm. Mẹ chị cứ mỗi lần mình đi ngang nhà là cứ kêu thằng cu đen đi mô rứa. Nhớ chị có nhiều em như chị Cúc rồi anh Phúc rồi đến Đức đâu bằng tuổi mình. Sau này dọn đi cũng sinh thêm một đoàn thì mình không nhớ.  Mình nhớ khi xưa hay sang nhà chơi với hai ông thần này. Chị ta kể ông em đều chơi với thằng Dư, đá gà về bị bà mẹ đem ra Khệnh một trận nhớ đời. Mình hay theo tên này đi chơi khi xưa và em gái hắn tên Thúy đến khi gia đình hắn dọn lên Ban Mê Thuột. Trong xóm dạo đó có nhà bà Kiếm gốc Quảng Trị có người con trai tên Sữu sau này làm thợ sửa xe gắn máy bắn cho ông cụ mình chiếc xe BS, lấy con gái ông hàng thị ở dưới chợ. Nghe nói sau này sì ke chết. 

Ngồi nói chuyện với anh chồng thì khám phá ra bà con với bên ngoại mình vì mẹ anh ta bà con với ông tướng Nguyễn Chánh Thi, làng Dưỡng Mong. Ông ngoại mình là em chú bác ông tướng này. 

Mình nhớ khi xưa sau 75 thì có xem một tờ báo việt ngữ có mấy trang toàn là tin tức tìm người thân sau khi chạy giặc ra Hải ngoại. Mình có gửi thư tìm tin tức gia đình vì mất liên lạc với gia đình từ tháng 1 năm 1975. Sau đó nhận được thư của thầy Chử Bá Anh, hiệu trưởng trường Văn Học, thủ môn Rớt của đội banh cảnh sát quốc gia Đà Lạt, than đang theo dấu chân Phật bên Ấn Độ và anh này. Anh ta nhờ mình gửi thư về Việt Nam cho vợ con anh ta. Dạo ấy chưa có đường bưu điện Việt Nam và Hoa Kỳ. Rồi bên Việt Nam gửi sang cho mình rồi mình gửi qua Mỹ làm nhịp cầu sông có thể cạn, Hoa Kỳ có thể xa nhưng mối tình hữu nghị vẫn đời đời bền vững. 8 năm sau gia đình anh ta mới đoàn tụ. Mình hỏi lý do anh chạy di tản bỏ là vợ con. 

Anh ta kể là hôm anh ra tòa đại sứ Mỹ đưa tiễn gia đình ông anh, anh ta đi theo như chia tay với gia đình ông anh. Bà chị dâu đi học ở Hoa Kỳ về nên nói chi với lính gác cổng thì họ mở cửa cho gia đình ông anh đi vào. Anh lớ quớ chưa biết giải quyết làm sao với đứa cháu bồng trên tay vì hai vợ chồng xách Vali đồ đạc thì phía sau làn sóng người Việt chạy di tản đẩy anh ta vào cổng thì lính Mỹ to cao có đến 3 tên đứng gác, ra tay súng ống để chận lại rất khó khăn mới khóa cổng rồi khóa chốt lại. Anh ta kêu vì không biết tiếng anh nên dùng chỉ ngữ, chỉ chỉ chỏ chỏ muốn đi ra thì lính Mỹ kêu không được. Thế là anh ta chới với bắt đầu khóc một dòng sông Sàigòn trước Đức Huy. Trực thăng đáp xuống tòa đại sứ bốc ra tàu Mỹ. Chiều đó đang đứng nhìn về quê hương xa xăm, nơi vợ con anh ở lại thì bỗng nhiên có ông thần kêu xít ra rồi bay xuống biển như thi thế vận hội lộn nhào. Kinh

3 ông lính Mỹ bay xuống rồi quăn phao ra kéo lên. Sau này anh ta làm quen hỏi lý do gì nhảy xuống biển. Ông thần kể bị con Bồ xù nên giận đời vì thấy mình quê nên đăng lính nhảy dù vì nghe nói nhảy dù dễ chết nhưng lại di tản nên Chán Mớ Đời, nhảy xuống biển không dù như lính Hải quân. 

Đi chơi ở chợ Pike thấy mấy con heo thì tối mò. Ngủ lâu dốt sớm như mình thì đoán là chợ này khi xưa bán heo nhưng để kiểm chứng mình thấy bà Mỹ đứng bán bên cạnh tượng con heo nên hỏi. Bà ta cho biết là khi họ muốn trùng tu lại khu chợ này, họ đột phá tư duy làm mấy tương heo mà người Mỹ gọi heo ống piggy bank. Để khắp nơi để dân cư cho tiền. Nay chỉ còn vài con. Mùa hè đến Seattle thì nên đến viếng chỗ này. Mình thấy nhiều quán ăn Tây nên không hiểu vì có dính dáng gì lịch sử Tây hay chỉ là phong trào thích Tây. Không có thì giờ tìm hiểu thêm về khu vực này. 

Gặp lại chị hàng xóm thì bao nhiêu hình ảnh âm thanh trong xóm xưa hiện về. Hai chị em kể cho nhau nghe ai ai khá vui. GIa đình chị ta xem như một trong những gia đình kỳ cựu ở xóm mình. Đến ở trước gia đình Vì chị nhớ đến những gia đình ở trước kia rồi dọn đi. Còn những gia đình dọn về sau Mậu Thân thì không nhớ. 

Anh ta kể gốc Huế nhưng gia đình vào Sàigòn vì ông cụ làm cho ngân hàng quốc gia. Đi học ở Sàigòn năm đầu tiên không có được một thằng bạn, tụi học chung lớp không chơi với anh ta. Lý do là chúng không hiểu giọng Huế của anh ta mà anh ta cũng không hiểu thằng nam kỳ ăn  giá sống nói gì. Sau này mới từ từ chuyển giọng nam nên nay nghe anh ta nói giọng nam đặc. Anh ta học trường Võ Trường Toản, nữ sinh Trưng Vương thì thích nam sinh Chu Văn An còn họ kêu trai vtt như khỉ sở thú. Ông cụ đi làm oai lắm ai cũng nể đến khi ông Nguyễn Chánh Thi bay chức thì hết được trọng dụng nên về hưu luôn. 

Sang Mỹ thì lúc đầu ở trại bên Florida rồi được chuyển xuống Alabama đợi gia đình nào bảo trợ. Được một gia đình ở Seattle bảo trợ nên về vùng mưa quanh năm suốt tháng cư ngụ. Anh ta kể tiếng anh chưa biết nên bà vợ ông mục sư, bảo lãnh nói thì bà ta hiểu anh ta nói thì anh ta hiểu. Anh nói người Mỹ rất tốt giúp đỡ dạy tiếng anh rồi kiếm việc làm tay chân cắt cỏ này nọ. Nhớ vợ con quá nên anh ta bay qua Pháp vì nghĩ pháp có liên lạc với Hà Nội. Tại đây họ đuổi cổ anh về lại Mỹ. Bà mục sư dạy tiếng anh bằng cách đem ra cuốn kinh thánh dày 800 trang khiến anh ta ngất ngư luôn. Nói đến học tiếng anh mình nhớ khi xưa ở Đà Lạt, mình và thằng Nguyên có mộng đi du học nên rủ nhau đến đường yagut của hội thánh tin lành Mỹ để học anh ngữ, tập đàm thoại. Ngày đầu tiên tới họ giảng về chúa ki tô chết rồi 3 ngày sau sống lại khiến hai thằng ý ớ bỏ học luôn. 

Nơi hàng rào họ treo mấy cái tag đề tên các cặp yêu nhau thể sống chết với nhau rất lịch sự thay vì mua ổ khóa móc vào. Rất lịch sự. 

Ông mục sư ghi tên cho anh học ESL rồi có lớp học toán nên họ ghi tên cho anh. Anh ta là kiến trúc sư nên dễ nên làm bài tập được trong khi con của ông bà mục sư bảo trợ lại ngủ lâu dốt sớm trước những bài tích phân nên họ xin tiền cho anh ta đi học đại học và ra kỹ sư. Đi làm gửi quà về cho vợ con rồi khi đoàn tụ thì khởi đầu cuộc sống chính thức tại Hoa Kỳ. 

Bảo lãnh bố mẹ vợ sang thì mỗi ngày đi làm về, mẹ vợ kêu nhớ Việt Nam quá cho về lại Việt Nam. Sau này cho về ở được mấy tháng lại chạy về Mỹ không hợp với lối sống tại Việt Nam. Hai bác nay còn sống. Bác trai trên 103 tuổi. Anh ta nói ở Việt Nam thì tiêu rồi bên này y khoa chăm sóc kỹ nên còn đi chơi với con cháu tuy phải ngồi xe lăn cho dễ dàng di chuyển. 

Người vô gia cư khá đông

Ngồi nói chuyện xong phải đi gặp đồng chí gái với thân hữu để chụp hình nên lấy Uber đi về. 

Anh ta tiễn mình ra cổng nhưng không biết có dịp gặp lại hay không. Mình không thích khí hậu Seattle vì lên đây lúc nào cũng mưa nhưng kỳ này thì mùa hè nên nắng ráo rất dễ thương. Cũng thấy cảnh người vô gia cư dăng lều ngủ bên cạnh xa lộ. Không biết khi mưa gió lạnh thì sao. Chán Mớ Đời 


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn