Con gái không nghe lời cha đến khi

 Con gái không nghe lời cha đến khi


Tuần này, con gái mình gửi cho một bài báo nhan đề “tôi không bao giờ nghe lời bố tôi cho đến khi”, rồi kêu sao giống bố, nhắc nhở con từ bé đến giờ. Bài báo do một cô người Mỹ kể lại không nghe lời bố đến khi thấy bố và kế mẫu về hưu sớm rồi đi chơi đây đó trong khi cô ta vật vưỡn đi làm trả thuế, trả nợ các đồ mua sắm từ lâu, nay chả còn giá trị. Mình xin tóm lược như sau:


Khi lớn lên, bố tôi tìm cách thuyết phục tôi rằng tiền, khi tiết kiệm được, tượng trưng cho cơ hội cho bản thân tương lai của tôi. Mỗi khi thiên hạ cho tôi tiền mừng sinh Nhật, tôi giơ số tiền lên ánh sáng của bàn học để cố hình dung tương lai của mình, tận hưởng số tiền này như bố tôi khuyên, nhưng tất cả những gì tôi có thể thấy lúc ấy là mua Slurpees tại tiệm 7/11, nạp tiền điện thoại di động trả trước và áo T-shirt của các ban nhạc mà tôi yêu thích. Để khẳng định với bạn bè tôi là kẻ có đẳng cấp.

Khi tôi lên trung học, đi làm hè lần đầu tiên, bố tôi đã copy một bài báo về sức mạnh của lãi kép và bỏ vào ba-lô của tôi kèm theo một lời nhắn: "Hãy bắt đầu đầu tư sớm, Lizzie." Tiền của tôi đã cất cánh bay theo cánh chim biển khỏi trương mục của tôi ngay mùa hè năm đó, và không phải vì nó được chuyển vào quỹ hưu trí để đầu tư như lời bố tôi khuyên. Mà vào những gì tôi ưa thích, chạy theo thời trang với bạn bè.


Ngay cả sau khi tốt nghiệp đại học và có được "công ăn việc làm", tôi vẫn không bắt đầu tiết kiệm. Tôi đã đóng góp vào quỹ 401(k) của mình trong một thời gian, chỉ để tiêu hết khi tôi nghỉ việc và dùng số tiền đó để đi du lịch vòng quanh nước Mỹ cho đến khi cạn thì đi tìm việc làm lại. Tôi không bao giờ hiểu được mục đích tiết kiệm để dành tiền của mình nằm trong túi người khác trong nhiều thập kỷ cho đến khi, hy vọng là, một ngày nào đó tôi có thể chi tiêu nó, trong khi có rất nhiều thứ mà tôi có thể chi tiêu vào lúc này. Như bài hát It’s now or never mà Elvis Presley từng hát khi xưa.


Mình nhớ khi xưa ở Đà Lạt, đi qua tiệm chụp hình Đại Việt ở đường MInh Mạng. Mình với tên bạn học đi xe đò Chi Lăng nên hay tò mò đứng lại xem cái máy hình hiệu canon. Máy hình này nhỏ xíu còn máy lớn được trưng bày trong tiệm vì sợ thiên hạ đập cửa kính. Mình và tên bạn, Trần Trọng Ân cứ mơ được sở hữu cái máy chụp hình này. Mình để dành tiền suốt 2 năm, tiền lì xì của 2 cái Tết thêm tiền mẹ cho khi do hàng ngoài chợ vào cuối tuần để mua. Ngày đem tiệm bỏ heo ống ra tiệm Đại Việt, móc từng tờ trao cho họ, đem cái máy hình về chụp lơi khơi nhưng không có phim. Phải để dành thêm tiền để mua cuộn phim FUji. Chụp được một cuộn đem đi rửa thì có một vài cái được còn toàn là thiếu đầu thiếu đuôi này nọ. Tự nói để dành thêm tiền mua lần tới. Đùng một cái thằng hàng xóm sang nhà chơi, mình khoe xong thì vài hôm sau, thấy mất cái máy hình. Em mình nói hắn sang chơi, có rờ rờ cái máy rồi để lại. Tên hàng xóm nay đã chết nên không dám kêu tên nó ra để chửi. Cuộc đời phó nhòm cũng chấm dứt từ đó. Nay có vợ, vợ hay chửi mình không biết chụp hình.

Cái này thì mình chứng kiến được sự khác biệt đời sống Âu châu và Hoa Kỳ. Khi mình ở Âu châu, muốn mua cái máy truyền hình hay máy chụp hình, mình phải để dành tiền rất lâu, nhịn ăn nhịn mặc mới mua được. Trong khi sang Hoa Kỳ, muốn mua thứ gì, họ chỉ cần đưa thẻ tín dụng ra, quẹt cái rẹt là khiêng về xài, tháng tới bắt đầu trả hàng tháng với tiền lời lên đến 20%. Nợ kéo theo nợ nhưng người Mỹ vẫn hăng say mua sắm. Đời sống Hoa Kỳ chuyên về tiêu thụ nên khi về hưu thì đa số ít có tiền hưu nên Chán Mớ Đời. Còn bên Âu châu thì khi về hưu người ta đi chơi đây đó hay khi còn đi làm, họ nghỉ hè đến 6 tuần lễ. Còn người Mỹ thì bị áp lực nợ nần nên làm việc mệt thở, cứ lo ngay ngáy bị sa thải. Thật sự bên Âu châu cũng có vụ mượn tiền, thẻ tín dụng những dạo ấy thẻ tín dụng mà mình dùng của ngân hàng BNP, là phải có tiền trong trương mục của mình. Thực sự lúc đó mới bắt đầu sử dụng, nay thì cũng như Hoa Kỳ. Mình vốn dòng keo kiệt nên cũng không tiêu xài. Nhớ sang Hoa Kỳ, năm đầu tiên mình để dành được $15,000 khiến mấy người bạn thất kinh. Hỏi mình mua áo quần ra sao. Nói ở chợ trời , 1 áo sơ-mi giá $1/ cái. Có lẻ vì vậy mình kiếm vợ khó. Áo quần lụa thụt khi lấy vợ thì mới được bận quần áo mới.

Dạo này thấy toà án tối cao pháp viện bác vụ chính phủ Biden cho sinh viên xù nợ mượn đại học. Khi con mình mượn tiền đi học đại học, phải giải thích là sau này chúng có bổn phận trả nợ. Đại học bán giấc mơ nhưng trao ác mộng. Học 4 năm ra trường, không có việc làm nhất la chọc những ngành như xã hội học, chụp hình vớ vẩn,.. nhưng phải trả nợ mượn đi học. Anh ra trường nợ $200,000 là xem như cả đời không ngóc đầu lên được. Nếu khôn thì học 2 năm đại học cộng đồng rồi chuyển trường đỡ được phân nữa tiền nợ.

Sau đó, tôi chứng kiến ​​bố tôi nghỉ hưu sớm hơn ít nhất một thập kỷ so với nhiều người cùng trang lứa, và toàn bộ quan điểm của tôi đã thay đổi. Mẹ kế của tôi nghỉ hưu thậm chí còn sớm hơn sau khi bố tôi thuyết phục bà tham gia vào kế hoạch nghỉ hưu sớm của ông.

Hy vọng rằng vẫn chưa trễ cho tôi, theo phương cách tiết kiệm đầu tư của bố mẹ tôi.

Bố tôi luôn luôn hoạch định nghỉ hưu sớm. Ông tiết kiệm và rất thực tế. Khi lớn lên, chị tôi và tôi đã ăn rất nhiều bánh nướng đông lạnh 0.50 đô la và bố không mua giày thể thao mới cho đến khi đôi giày hiện tại của chúng tôi bị thủng lỗ. Tuy nhiên, ông rất hào phóng với những thứ quan trọng, như các cơ hội giáo dục có thể giúp chúng tôi có một tương lai tốt đẹp hơn. Theo bố tôi giáo dục là một khoản đầu tư; giày dép thì không. Mẹ tôi thì ngược lại, mua sắm trước, kêu “it’s my money! I made it so i can spend as I want to”. Có lẻ vì vậy mà bố mẹ tôi ly hôn vì không cùng suy nghĩ về cách chi tiêu và đầu tư.

Người Mỹ hay nói về ngoại tình nhưng ít khi nhắc đến chuyện ngoại tiền (financial infidelity). Khi người ta khám phá ra người phối ngẫu của mình có một quỹ riêng, một trương mục ngân hàng riêng mà không cho người kia biết như có một người tình khác. Dễ đưa đến hôn nhân đỗ vỡ. Lý do là không còn tin tưởng nữa. Trước đây, người Việt mình sang đây, hay cãi nhau về tiền bạc, vì gửi tiền, gửi quà về cho gia đình, đưa đến bỏ nhau. Trong khi ở Việt Nam cứ làm như tiền hái trên cây ở xứ tư bản dãy chết.

 Bố hiểu rằng số tiền đầu tư thường mang lại nhiều giá trị hơn cho cuộc sống của bạn, về lâu dài, so với số tiền chi tiêu. Bạn đầu tư trước, sau đó mới chi tiêu. Kiểu nuôi gà đẻ trứng thay vì xơi ngay con gà là mất đi rất nhiều đàn gà sau này. Ngược lại, mẹ kế của tôi chưa bao giờ có kế hoạch nghỉ hưu sớm cho đến khi bà bắt đầu hẹn hò với bố tôi. Khi ông nói với bà rằng ông muốn nghỉ hưu trước 50 tuổi, bà đã nhìn ông một cách khó tin. "Mẹ đã nói với bố, không đời nào có chuyện đó", bà kể lại với tôi. Như bố tôi nói chuyện cõi trên. Dù sao thì bà ấy cũng chìu theo. Hóa ra, mục tiêu của bố không đến nỗi phi thực tế.

Bố tôi đã có thể nghỉ hưu vào năm 50 tuổi, đó là một mục tiêu xa vời, nếu không có cuộc suy thoái, khủng hoảng tài chánh xảy ra năm 2008 đã làm cạn kiệt tài khoản hưu trí của bố. Tuy nhiên, cuối cùng bố đã có thể phục hồi và nghỉ hưu ở tuổi 55. Mẹ kế của tôi nghỉ hưu ở tuổi 49. Năm đó có nhiều người mất trắng quỹ hưu trí như nhân viên công ty Enron,… Hôm trước, có anh bạn hỏi thì mình nói nên chuyển tiền 401(k) qua money market vì 2008 có thể trở lại. Tình hình ngày nay được xem như năm 2007.  Tuy 2008 thị trường chứng khoán xuống nhưng chúng ta có thời gian để xem nó lên lại trong khi 2024, 2025 thì đã 7 bó thì hết hát bài “hy vọng đã vươn lên trong màn đêm, trong lo sợ của mùa chứng khoán”.

Qua trường hợp của bố tôi thì tôi nghĩ ai cũng có thể sử dùng phương cách của bố tôi để hưu trí sớm, để làm những gì mình thích trước khi già, chống gậy hay bị bệnh này nọ, như bác tôi.


Đặt mục tiêu rõ ràng và theo dõi tiến trình sẽ tạo nên sự khác biệt. Phải đến khi mẹ kế tôi kiểm tra tiến trình của họ và thấy tiền của họ tăng lên theo kế hoạch, bà mới tin rằng họ có thể nghỉ hưu sớm.

"Mẹ nhận ra điều đó là có thật", bà nói với tôi. "Khi con coi việc tiết kiệm là ưu tiên, việc nghỉ hưu sẽ trở nên khả thi. Tiền kiếm ra nhiều tiền hơn và nó kiếm được tiền nhanh đến bất ngờ".

Điều đầu tiên họ làm là tính toán chính xác số tiền họ cần để nghỉ hưu thoải mái khi bố tôi bước sang tuổi 50 và sống bằng số tiền đó cho đến tận tuổi 90. Ngân sách nghỉ hưu của họ bao gồm mức lợi tức từ đầu tư bằng với mức lương trước khi nghỉ hưu và các khoản chi tiêu cho những thứ như chăm sóc sức khỏe, y tế.


Sau khi lập ngân sách hưu trí, họ tính ngược lại để tính toán số tiền cần tiết kiệm mỗi năm để đạt được mục tiêu đó trước tuổi 50, có tính đến tỷ lệ lợi nhuận dự kiến ​​từ các khoản đầu tư của họ. Sau đó, họ cắt giảm chi tiêu không cần thiết hay ít hơn và đầu tư toàn bộ thu nhập thêm của mình để đạt được mục tiêu đó.


Họ thường xuyên kiểm tra ngân sách của mình và đánh giá tiến độ đầy đủ sau mỗi sáu tháng. Cuối cùng, họ bắt đầu gặp cố vấn tài chính để kiểm tra hai lần một năm và họ tiếp tục làm như vậy khi nghỉ hưu để khi họ cần.

Tránh lạm phát cách sống

Lạm phát lối sống, hay tăng chi phí sinh hoạt mỗi khi thu nhập của mình tăng theo nghề nghiệp, kinh nghiệm, là một trong những cách nguy hiểm nhất để phá hủy kế hoạch nghỉ hưu. Nó thường khiến mọi người mắc nợ. Có nghiên cứu cho hay những người làm tiền nhiều nhưng không để dành tiền nên rất dễ bị phá sản. Họ mua những gì sẽ mất giá trị trong tương lai như xe xịn, nữ trang, áo quần,… thay vì những gì có thể lên gái theo lạm phát như bất động sản, vàng bạc,..


Cái này rất quan trọng. Nếu lập gia đình với một người mà không có ý chí như mình thì mệt. Một người thì tiết kiệm, người kia cứ thích mua sắm khi lương bổng được tăng. Khi có tiền hơn 1 chút thì đột phá tư duy phải khẳng định sự thành công của mình, như mua nhà to hơn, xe hơi đắt hơn hay đeo ví LV này nọ vì sẽ bỏ cả đời ra đi làm với nhiều áp lực, để trả nợ cho những gì mà về già sẽ gọi phù phiếm vô thường. Đi ăn cưới phải mua 1, 2 cái áo để khỏi trùng với thiên hạ. Cứ muốn khoe khoang hay sợ mắc cở khi chị em chê cười. Họ sống vì thiên hạ, lo sợ cười chê chớ không phải sống cho cuộc đời mình.

Đối với bố mẹ tôi, sống dưới mức thu nhập của họ là điều cần thiết để nghỉ hưu sớm. Họ đã đầu tư ít nhất một nửa số tiền tăng lương. Tiền thưởng của bố tôi tại nơi làm việc được đầu tư vào các bất động sản cho thuê có thể tạo ra thu nhập. Khi họ kết hôn, bố mẹ tôi đã mua một ngôi nhà có giá bằng một nửa số tiền họ thực sự có thể mua được. Đây có lẻ mâu thuẫn của hai vợ chồng đưa đến ly dị. Vì tiêu chi quá mức của lương bổng mình.

Mình có quen vợ chồng ông Mic, giúp đỡ mình rất nhiều trước khi qua đời. Bà ta làm nghề chùi nhà dọn cửa cho thiên hạ, ông thì làm thợ mộc. Họ ở trong mobile park. Họ muốn mua nhà để con cái có thể sống trong môi trường tốt hơn nên nhất quyết chỉ tiêu xài một lương còn để dành lương của người kia. Hai năm sau họ mua được căn nhà và từ từ mua được 50 căn nhà cho thuê. Sau đó thì họ đi chơi xả láng, 3 tuần một tháng, 1 tuần để thu tiền nhà và bỏ vào trương mục để trả chi tiêu, thuế má.

Họ không mua xe hơi mới. Cả gia đình tôi luôn lái xe Honda, và bố mẹ tôi lái xe cho đến khi nó ngừng hoạt động. Họ đã mua cho tất cả chúng tôi những chiếc xe hơi, nhưng chúng tôi chỉ mua những chiếc xe cũ, đã qua sử dụng với giá vài nghìn đô la — xe của tôi là Acura Integra 1990 — và trả tiền mặt.

Đầu tư tối đa ... và đa dạng hóa

Giống như hầu hết mọi người, 401(k) là trọng tâm trong kế hoạch hưu trí của bố mẹ tôi. Họ tận dụng tối đa khoản đóng góp của chủ ngay từ đầu và nỗ lực tối đa hóa 401(k) của mình càng sớm càng tốt. Cái này người Mỹ gọi là “match” như trường hợp công ty của vợ mình. Mỗi năm, vợ mình để dành 10% tiền lương cho quỹ hưu trí thì công ty đóng góp 100% số tiền vợ mình đóng xem như là được lời ngay 100%. Mẹ kế của tôi cũng điều hành một doanh nghiệp tư vấn, vì vậy bà đã mở một SEP-IRA, đây là một lựa chọn dành cho những người tự kinh doanh.

Vì họ muốn nghỉ hưu sớm, bố mẹ tôi phải có các khoản đầu tư khác mà họ có thể dựa vào để có thu nhập hưu trí thay vì chỉ tổng mong vào quỹ 401(k). Các tài khoản hưu trí, như 401(k) hoặc SEP IRA, không nên động đến cho đến khi bạn thực sự đến tuổi nghỉ hưu (59 ½). Nếu bạn rút tiền sớm, bạn sẽ phải chịu một khoản phạt lớn. Độ 10% và tiền thuế lợi tức nữa.

Vì vậy, bố mẹ tôi cũng đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu và bất động sản cho thuê để có thêm thu nhập cho đến khi họ 59 ½ tuổi.

Sau cuộc suy thoái, bố mẹ tôi đã mua những ngôi nhà bị tịch thu bằng tiền mặt với giá cực kỳ thấp. Họ đã sửa chửa các ngôi nhà, tự mình làm mọi công việc để tiết kiệm tiền, sau đó cho thuê lại. Cái này người Mỹ gọi là Sweat equity.


Những bất động sản này hiện đóng vai trò là nguồn thu nhập cho những năm đầu nghỉ hưu cũng như là lưới an toàn, vì chúng có thể được bán từng cái một. Bố mẹ tôi biết rằng họ có thể chịu được mức cắt giảm 30% cho những gì họ sống nhờ vào các bất động sản này và vẫn không lo ngại. Không nên bán mà tái tài trợ để rút vốn chủ sở hữu ra, không bị đóng thuế vì bán sẽ phải đóng thuế.

Ngoài thu nhập từ tiền cho thuê, họ đã thiết lập một thang trái phiếu để sống trong ngắn hạn. Mỗi năm trong bốn hoặc năm năm tiếp theo, họ có trái phiếu đáo hạn để cung cấp cho họ thu nhập.


Hãy cân nhắc một kế hoạch dự phòng bán thời gian cho thu nhập.

Mẹ kế của tôi trẻ hơn bố tôi và dự định sẽ làm việc lâu hơn một chút. Tuy nhiên, thay vì tiếp tục làm việc tại công ty nơi cả hai từng làm việc, bà quyết định tự khởi nghiệp kinh doanh tư vấn trực tuyến để giúp bà chuyển sang chế độ nghỉ hưu toàn thời gian.

Mẹ kế của tôi vẫn làm công việc tư vấn bên ngoài để kiếm "tiền tiêu vặt". Họ đã sử dụng thu nhập tư vấn này để đi săn ở Nam Phi, đưa bố mẹ đến Đức và tổ chức lễ kỷ niệm lớn với cả gia đình ở St. Thomas, nơi họ hiện đang sống một phần trong năm.


Nếu có chuyện gì xảy ra với một trong những nguồn thu nhập của họ, họ luôn có thể dựa vào công việc tư vấn của mẹ kế tôi.

Nhiều người ở độ tuổi của tôi (20 và đầu 30) không thể hình dung được việc nghỉ hưu, chứ đừng nói đến việc nghỉ hưu sớm, vì vậy tôi rất ngạc nhiên khi bố tôi đã lên kế hoạch nghỉ hưu sớm kể từ khi ông bằng tuổi tôi. Tôi hỏi liệu có bất kỳ kinh nghiệm sống hay bài học nào giúp bố có được tầm nhìn xa như vậy ở độ tuổi còn trẻ như vậy không.

"Tôi nghĩ đó là do bà nội mất sớm và bệnh Alzheimer di truyền trong gia đình", mẹ kế tôi nói. "Bố cảm thấy thực sự muốn, khi ông ấy còn khỏe mạnh, có cuộc sống riêng của mình".

Bố tôi đồng ý. "Đó là một phần thôi", ông nói. Bố cũng nuôi dưỡng bác tôi, chị gái của bố, người đã mất vì ung thư. Khi bố thấy bác tôi chuyển từ trạng thái hoàn toàn khỏe mạnh sang rất ốm yếu nhanh như thế nào, đã tăng gấp đôi kế hoạch nghỉ hưu của mình. "Bố có thể tiếp tục làm việc, nhưng khi bác tôi qua đời sau sáu tháng được chẩn đoán, bố tôi đã nói, 'Tại sao chúng ta phải chờ đợi?' Bố chỉ muốn có sự tự do để làm những gì chúng ta muốn khi chúng ta muốn." 6 tháng mà có phải sống đâu, cứ ra vào nhà thương như đi chợ.


“Chúng tôi thích công việc của mình, nhưng kiểu như, đây không phải là cuộc sống của mẹ muốn", mẹ kế tôi nói thêm. "Đây không phải là cuộc sống mà bố mẹ muốn cả đời mình sống như vậy đến chết".

Bây giờ, họ dành gần nửa năm ở vùng Caribe, học chơi guitar, đi du thuyền và làm công tác thiện nguyện. Họ đã đi khắp thế giới, dành nhiều tháng đi du lịch đường bộ đến những công viên quốc gia đẹp nhất của Hoa Kỳ, khám phá Châu Âu, ngắm động vật hoang dã ở Nam Phi, đi thuyền trên Kênh đào Panama và thăm người thân.

Khi quan sát họ, tôi đã học được rằng tiết kiệm tiền là điều ngược lại với việc để tiền nằm phủ bụi. Nếu đầu tư đúng cách, số tiền đó sẽ tăng lên vô thời hạn và về lâu dài, nó có thể giúp ích cho tôi nhiều hơn là chi tiêu. Mua sắm nhưng gì không cần thiết.

Mẹ kế tôi đã giải thích khá chí lý. "Đó không phải là tiền của bạn, mà là tiền của bản thân bạn trong tương lai", bà nói. Hãy nghĩ về việc tiết kiệm và đầu tư như một hình thức tự chăm sóc bản thân cho bản thân tương lai của bạn. Bản thân tương lai của bạn sẽ cảm ơn bạn.


Đọc xong thì mình đoán là bài báo do một chuyên gia tài chính viết để tự giới thiệu mình cho độc giả, hầu kiếm thêm khách hàng. Thấy đề gặp chuyên gia tài chính 2 lần một năm. Nhưng cũng nói lên sự thật là cách sống tiết kiệm, để đầu tư cho quỹ hưu trí để khi về hưu có tiền sống. Nhất là có thể đi chu du thiên hạ, không lo nghĩ nhiều về tiền bạc. Cuộc đời vô thường nên không biết chấm dứt lúc nào, nên sống vui vẻ, thự chiến những gì muốn khi còn sức khoẻ.

Mẹ mình có nói, người có tiền nhưng không có sức khoẻ nên đi không được, người có sức khoẻ nhưng không có tiền, đi không được. Như mạ là sướng, có sức khoẻ , không có tiền nhưng được con cho đi là hạnh phúc một đời.

Ít ra cũng khiến con gái mình suy nghĩ. Sáng nay thấy nhắn tin cho bố, kêu mới đọc chương đầu của “rich dad, poor  dad “, thì nó cảm thấy không lo ngại nữa, không bị áp lực về công việc. Nó trẻ nhưng lương cao nên bị áp lực nhiều trong sở. Nay nó hiểu làm việc, có lương rồi đầu tư để thoát cảnh “race rat”.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn