Tấm ảnh thứ 2

 Nhìn tấm ảnh này thì quá đẹp. Đà Lạt một thời. Ngoài chợ Đà Lạt thì có lẻ xung quanh hồ Xuân Hương, để lại cho mình rất nhiều kỷ niệm của thời bé.

Ngay giữa hồ là Thuỷ Tạ, câu lạc bộ nước được người Pháp xây dựng mang tên “La Grenouillère”, lấy tên một câu lạc bộ nước, tại ngoại ô Paris, rất nổi tiếng vào thời người Pháp gọi La Belle Époque. người Pháp xa xứ, cũng xây dựng lại hình ảnh của quê nhà như người Việt mình ở hải ngoại, mở tiệm phở pasteur, quán ăn Dakao,…

Chỗ này là 1 trong ngã tư của Đà Lạt. Chỗ bùng binh Thuỷ Tạ, con đường bên tay phải là đường Cộng Hoà, khởi đầu từ bùng binh Thủy Tạ, chạy dọc theo hồ Xuân Hương, qua sân vận động, đến ngã ba Bà Huyện Thanh Quan và đường Nguyễn Trãi. Còn đường bên tay phải, phía dưới tên Nguyễn Tường Tộ, chạy về cây xăng Kim Cúc, đường Nguyễn Tri Phương để đi thác Prenn.

Bên tay trái, có con đường mình không nhớ tên, chỉ nhớ chạy vòng vòng lên đường Tự Đức, phía sau khách sạn Palace. Chỗ này nổi tiếng vụ đánh cướp ngân hàng Việt Nam Thương Tín hay Đông Phương ngân hàng. Mình có bò đến đây để xem ông tài xế lái xe ngân hàng, diễn lại vụ cướp, đem tiền lên kho bạc, ăn thông với mấy tên nào, giả bộ ăn cướp, rồi đem xe bỏ dưới đèo Prenn. Chỗ này cây thông rất nhiều nên có người người chụp ảnh Đà Lạt, đến chỗ này để thấy ánh sáng xuyên qua mấy cây thông và các nữ sinh đi học trong sương mù.

Cảnh sát lấy cung, khệnh cho vài đòn là ông thần tài xế, khai hết. Sau đó họ bắt được mấy tên đồng loã tại Sàigòn. Chỗ đường nhỏ này và đường Trần Quốc Toản, có cây xăng Esso.

Cận cảnh là những căn nhà nghỉ xây khi Đà Lạt mới được thành lập, trước khi xây khách sạn Palace. Nếu mình không lầm là 5 căn, mình đã kể.

Ngay góc đường Cộng Hoà và Nguyễn Trường Tộ, là nhà hàng Đào Nguyên. Trước 75, là nhà hàng có nhảy đầm. Câu lạc bộ thể thao mà người Pháp thành lập khi xây dựng khách sạn Palace, không có người đến nghỉ vì không có gì để tiêu khiển. Người Pháp mới thành lập câu lạc bộ thể thao, gồm quần vợt, và chơi các môn thể thao nước như bơi lội, đua thuyền ở Thuỷ Tạ. 

Nhà hàng Đào Nguyên, lúc đầu được tây gọi “La Chaumière”, túp lều tranh, mình có kể rồi, lười đi kiếm ảnh vì mái nhà được lợp bằng rơm như khi xưa ở Pháp, nơi người ta để rơm. Sau này họ cho xây mới lại. Khi Tây về nước, hình như có thay đổi nhiều tên đến Đào Nguyên là cuối cùng, mướn của thị xã Đà Lạt. Mấy nhà của Tây để lại thì thuộc về thị xã, lấy cho thuê để có tiền xây dựng Đà Lạt như chợ Đà Lạt, thao trường,… Chỗ này để người ta chơi thể thao xong thì vào đó uống giải khát hay ăn nhẹ. Sau này thời đệ nhị cộng hoà cho phép nhảy đầm. Thời ông Diệm thì cấm thì phải.

Có mấy sân quần vợt, hình như 4 thì phải. Khi xưa, chỉ các tay giàu có Đà Lạt mới ra sân. Hình như phải đóng niên liễm cho câu lạc bộ, mới được vào đây. Mình đánh ở ty Công Chánh ở đường Pasteur. Mình chỉ đến đây khi có đại hội thể thao quân khu II. Có lần hai anh em Đinh Quốc Tuấn và Đinh Quốc Cường, từ Phan Thiết lên đánh như vũ bão khiến mấy đại gia Đà Lạt dạo ấy, cho con đi học đánh quần vợt đẻ trở thành Đinh Quốc Tuấn thứ 2. Bên cạnh là Thao Trường, để khi nào buồn đời mình sẽ kể về thao trường thời võ sĩ Minh Cảnh đả lôi đài,…

Mình có kể về xây dựng Thuỷ Tạ rồi, nhìn qua bên kia hồ, thấy đồi cù dạo ấy xác xơ, ít cây cối hơn như ngày nay. Chỉ khác là khi xưa, ai cũng lên đây được, trai gái Đà Lạt thường hẹn hò ở đây. Mình phát hiện ra một cô hàng xóm, đi chơi với bồ tại đây. Khá vui.

Có lần chạy vòng vòng ở đây, để xem mấy cặp đang tự tình, bổng nhiên Dương Quang Trí, ngồi sau mình bị một trái cù từ đâu bay cái vù đến trúng ngay đầu. Mình ngồi trước và thằng Nguyên ngồi sau không bị mà tên ngồi giữa bị trúng. Kinh

Nhìn lại mới thấy ông bác sĩ Đào Huy Hách với ông Phó Bá Long, đang đi bộ, vác theo gậy đánh cù, đang đi tới. Họ đánh rồi trái cù chạm đất rồi văng lên trúng thằng Trí. Sau này, mình có thiết kế lại câu lạc bộ sân cù và khách sạn Palace, khi công ty được ông chủ DHL mướn làm.

Hồi nhỏ, mình có lên sân cù để xem nhảy dù. Có lần thấy ông Nguyễn Chánh Thi, anh chú bác với ông ngoại mình, làng Dưỡng Mong, Thừa Thiên. Thấy ông Thi nhảy dù, cầm cờ Việt Nam Cộng Hoà, về nhà mình bắt chước, leo lên mái nhà, cầm cờ Việt Nam Cộng Hoà nhảy xuống, té lăn cu Cheng, bể đầu, máu me tùm lum, nay còn cái xẹo to đùng.

Một lần khác thì thấy ông Lâm Quang Thơ, chỉ huy trưởng trường Võ Bị, nhảy dù xuống sân cù. Ngoài ra còn có vụ thi thả diều trên đồi Cù. Dạo ấy, mình hay đi theo mấy đứa lớn trong xóm ra đây. Hôm trước nói chuyện với anh bạn hàng xóm xưa, nhắc lại thằng Dư.

Hai bên Sân Cù, có hai hồ nhỏ; bên trái là hồ Đội Có, dành để bơm nước cho thị xã Đà Lạt, ty Công Quản Nước, năm bên cạnh, ông cụ mình làm tại đây dưới quyền ông Nguyễn Văn Tùng, bố của anh chàng tên Huân, học trên mình một lớp ở Yersin.

Hồ bên phải là hồ Tống Lệ, nơi mình hay ra đây câu cá với ông dượng mình nhưng chả được con nào. Mình có xem hình ảnh trước năm 1932, khi bão lũ cuốn trôi cái đê đập ở ngay Thuỷ Tạ thì không thấy hai hồ này. Mình đoán là tây cho làm hai cái hồ này để hứng nước để khi hồ đầy nước vào mùa mưa, để tránh nạn tức đê làm vỡ đập nữa.

Hồ Đội Có được người Đà Lạt gọi vì do ông Đội Có xây dựng, ông ta có dẫy nhà chỗ bến xe Tùng Nghĩa mà người Đà Lạt khi xưa hay gọi dãy nhà Đội Có. Toàn là dân thầu khoán, cai lục lộ khi xưa làm cho tây xong thì giàu có, xây nhà, mua đất như Đội Có, Võ Đình Dung, Nguyễn Văn Tiếng,..

Chúng ta thấy nhà sinh hoạt của hướng đạo Lâm Viên ngay bờ hồ, bên cạnh là ống nước bơm nước từ hồ Xuân Hương vào nhà máy nước bên cạnh hồ Đội Có nơi ông cụ mình khi xưa làm việc.

Đạo quán Lâm Viên, hình do Nguyễn Kính gửi, lễ rước của nhà thờ. Đạo quán này lúc mới được xây cất. Nếu mình không lầm có thời te tua sau đó được trùng tu lại

Chúng ta thấy nhà hàng Thanh Thuỷ, hình như mình có vào đây uống nước một lần khi xưa. Ai ở Sàigòn lên chơi, dẫn mình ra đây uống được chai nước cam vàng, mê ly. Lác đác trên hồ thấy mấy pê-đa-lô, nay họ gắn mấy con thiên nga nên hơi chán vì không nhìn thấy phong cảnh nhiều.

Cuối cùng bên tay trái có con đường nhỏ lác đá, đi lên khách sạn Palace. Xong om

Xem hình ảnh xứ người, nhìn Đà Lạt chỉ muốn khóc

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn