Đà Lạt ngập trong mưa gió

 Mấy hôm nay, đọc tin tức thấy Đà Lạt bị ngập khiến mình nhớ đến những mùa mưa khi xưa, Đà Lạt cũng ngập trong nước lũ. Địa thế Đà Lạt là vùng đồi núi, có vài không gian là bằng, tạm gọi là thung lũng. Khi thiết kế đô thị, mấy ông tây bà đầm được thiết kế cho ở các nơi có đồi như dọc đường Trần Hưng Đạo, Hùng Vương,.. toạ độ trên cao nên khi mưa chảy xuống thung lũng, nơi họ đào thêm 2 cái hồ nhân tạo được gọi là Grand Lac và Petit Lac.

Hồ Lớn để người Pháp chơi các môn trượt nước, tắm, đua thuyền còn Hồ Nhỏ thì để thị dân sở tại dùng. Đến năm 1932, có một bão lũ lớn, phá vỡ cái đập của hồ lớn, tràn xuống phía thung lũng nơi người Việt và người Mọi ở , cuốn theo 15 người Việt chết. Từ đó họ mới dời khu chợ người Việt lên KHu Hoà BÌnh ngày nay, trước đó dành cho người Pháp. Còn vùng thung lũng thì để trồng rau, sau năm 1952, họ thành lập Ấp Ánh Sáng, phía trên đồi một tị.

Nhìn tấm ảnh này khiến mình nhớ ngày xưa cũng bị dính lụt như vậy ở góc Hai Bà Trưng và Cầu Cẩm Đô

Nếu nhìn bản đồ Đà Lạt, khu vực dành cho người Việt ở trước khi tây về nước, ta thấy hồ Xuân Hương, có suối Cam Ly chảy về phía Cam Ly qua khu LÒ Gạch, Lò Rèn. Ngoài ra phía Đa Thiện, Số 6, Số 4 có 2 con suối chảy về khu vực giữa Phan Đình Phùng và Hai Bà Trưng là thung lũng.

Nếu xem kỹ thì khu vực này được ông bà Võ Đình Dung mua hết, từ Mã Thánh, Số 4 về đến trường Việt Anh, rồi cho dân làm vườn Đà Lạt thuê. Ông Võ Đình Dung khi xưa là nhà thầu khoán, xây nhà ga xe lửa Đà Lạt, khu dãy Hoà Bình xung quanh hội trường Hoà Bình là của ông ta. Sau này tu hành, ông ta bán lại cho các thương gia Đà Lạt. Mình không biết hậu duệ của ông bà còn sống ở Đà Lạt hay không. Có cơ hội mình muốn hỏi thăm thêm chi tiết về ông thầu khoán nổi tiếng Đà Lạt một thời.

Bão lũ năm 1932, là phá vỡ cái đê của hồ Lớn, lụt và cuốn đi 15 mạng người Việt khiến chính phủ Pháp phải dời khu người Việt sinh sống lên khu Hoà Bình, dành cho người Pháp 
Bão lũ năm 1932, làm ngập vùng Đà Lạt xưa

Dọc bờ suối của đường Phan Đinh Phùng và Hai Bà Trưng có người ta ở mặt tiền, còn sau lưng là các nhà vườn. Nhà vườn thì dùng nước suối để tưới rau cải. Dân cư Đà Lạt sau Mậu Thân gia tăng khủng khiếp. Có lẻ do chính sách phá làng lùa nông dân vào thành phố của quân đội Hoa Kỳ, nhà cửa mọc lên bú xua la mua tại Đà Lạt. Thương phế binh cắm dùi. Xung quanh nhà mình thiên hạ cứ xin tôn và xi măng làm nhà. 

Sau Mậu Thân có chương trình tái thiết của chính phủ Việt Nam Cộng Hoà, thiên hạ xin tiền, xi măng để làm nhà lại. Mình nhớ gia đình dì Ba Ca, trên Số 4, chạy giặc xuống nhà mình, được chính phủ cho xi măng, làm hắc lô, rồi chở về nhà ở Số 4 bị bom đánh cháy, làm lại.

Dưới đường Hai Bà Trưng, có một lô đất đẹp, nằm giữa cư xá Địa Dư và trường Nữ Công Gia Chánh, của ai, mới cày xong nhưng vì Mậu Thân xảy ra nên họ ngần ngại xây cất nhà cửa thì thiên hạ cắm dùi chiếm hết. Xây nhà gỗ vớ vẫn xấu xí. Hình như nhà Lê Nam Sơn ở đây, học chung với mình, bố anh chàng là thợ may. Nghe nói sau 75, làm cách mạng lớn lắm, xách sacoche đi đây đi đó, nay nghe nói bán mì ở Bảo Lộc.

Phía sau còn đường Phan Đình Phùng, bổng nhiên có nhiều con hẻm được mọc lên vội vã, nha cửa mọc lên như nấm đông cô. Chỗ nào có dân cư chỗ đó có rác. Từ cuối hẻm mà ra đường Phan Đình PHùng để đỗ rác thì khá châm vì phải cuốc bộ độ 50-100 mét.

Trong khi đó bên cạnh họ có con suối từ Đa Thiện chảy về. Người dân ở gần, cứ đem rác ra đổ xuống suối, nước cuống trôi về Cam Ly khiến thác Cam Ly hôi như nhà xí. Được cái là các cặp tình nhân hay đến đây, viết tên mình quyện vào nhau, với cái mũi tên xuyên tim, rồi nắm tay nhau thề thốt, suối Cam Ly có cạn núi Lâm Viên có mòn nhưng mối tình hữu nghị đôi ta vẫn bền vững như hãng sơn Bạch Tuyết, ở Ba Son.

Gặp mùa mưa có nước trôi mạnh nên có thể kéo theo rác nhưng vào mùa khô là ngọng nên rác từ từ chất thành núi. Mỗi lần mình đi ngang qua mấy con suối này là thấy ruồi nhặng bay như quân nguyên. Đi ngang cầu Cẩm Đô là thấy rác và rác, không thấy suối đâu cả.

Rồi ngày qua đi qua đi qua, khi mùa mưa đến. Nước từ Đa Thiện chảy về bị các núi rác chấn lại nên từ từ dâng lên và tràn ngập các vườn rau và các con hẻm ở gần chợ nhỏ Phan Đình Phùng, ngay tiệm thuốc tây Lâm Viên và tiệm may của ông Ba Hoà. Đi ngang đây là thấy dân ở trong hẻm này, quét nước, múc nước đỗ ra ngoài nhà. Đa số xây thêm cái tường nhỏ nơi cửa bước vào nhà để nước đừng chảy vào trong nhà.

Phía bên đường Hai Bà Trưng cũng bị lụt nhưng chỉ có vùng thấp như chỗ nhà thầy Thành Bắp Sú, gần cầu Cẩm Đô. Khu nhà mình thì không nhưng nếu ra phía sau nhà của hai nhà ông Duy và ông Ngự thì thấy nước suối dâng lên rất cao, ngập mấy cây chuối của họ trồng.

Bà sơ và đám trẻ đi câu cá ở hồ Xuân Hương

Khúc trường Việt Anh cũng bị hay khu đường Cường Để, abattoir, nhìn xung quanh chỉ thấy sông và sông. Có lần nước dâng kéo trôi mấy thùng phân và thuốc sâu ở mấy khu vườn ở đường Nguyễn Trãi, Phan Chu Trinh, kéo thuốc sâu ra hồ Xuân Hương, làm mấy con cá chết, nổi lềnh bềnh, dân Đà Lạt đi vớt về ăn, trừ sán trừ sâu trong ruột luôn.

Mình nhớ có lần lụt, chạy xe về nhà, đi ngang qua cầu Cẩm Đô, đến đường Hai Bà Trưng thì bị ngập nước, ống bô. Thế là dẫn xe về rồi sau đó đem ra tên sửa xe Honda ở đường Cường Để, ngay cầu Lê Quý Đôn. Mất mấy ngàn để nghe anh ta hát: “người ta thường nói có tiền mua tiên cũng được, còn anh là thợ sửa hOnda, sức mấy có tiền mua em” Chán Mớ Đời 

Sau này mình về Đà Lạt, cứ thắc mắc là rác và ống cống Đà Lạt chảy về đâu. Khi xưa, ở chợ Đà Lạt, khi mưa, có mấy ông cống rãnh chảy ra bờ hồ, đúng hơn là thải xuống chỗ bến xe, xuống suối Cam Ly, chảy về khu Thác Cam Ly. Mình nghe nói là xứ Đan Mạch có viện trợ làm hệ thống ống cống rác chớ Việt Nam chả làm nên trò trống gì cả.

Mình để ý chỗ mấy con suối từ MẢ Thánh chạy về Cẩm Đô, được xây cất bằng các đá ong nhưng lại làm con suối nhỏ lại, không rộng như ngày xưa. Đi qua mấy chiếc cầu nhỏ rất ngắn không như ngày xưa, rất xa. Đi trên mấy tấm gỗ, nhúng nhúng khiến sợ lọt xuống suối.

Nhớ ngay cư xá Địa Dư, có chiếc cầu khỉ, sau này đoàn hướng đạo Lâm Viên, do anh Ngữ, con bà ấm Thảo, hướng dẫn làm chiếc cầu chắc hơn và có chỗ cầm tay để khi qua cầu. Anh Ngữ sau này, đi Thuỷ Quân Lục Chiến bị thương ở Thạch Hãn, mất một con mắt. Sau này , không biết trôi dạt về nơi đâu.

Đà Lạt ngày nay lụt thì dễ hiểu. Cây cối bị chặt hết, thay vào đó là nhà và nhà nên không giữ nước, nước từ cao cứ ụp xuống chỗ thấp. Mình về Đà Lạt, đi vòng vòng xem thì thấy mấy nhà kính, đúng hơn là nylon phủ khắp nơi, gây sức nóng trong không gian, không có cây cối gi cả. 

Ngay ở xóm xưa của mình, có nhiều cây cối, nay thì không có một ngọn cây, không có chim đậu, không còn nghe tiếng chim hót vào sáng bình minh như ngày nào. Mình chỉ thấy nhà và nhà, không biết ai sống bên cạnh, toàn là các cổng to đùng, chia cách hàng xóm láng giềng. Khi xưa, hết dầu, hết đường, có thể chạy qua hàng xóm mượn muỗng múi, thẻ đường. Nay mình hỏi ai sống bên cạnh, nhà mình lắc đầu. Chúng ta đã trở những con ốc đảo vô hình không để ý đến sự tàn phá của chúng ta đối với môi trường.

Khi mưa là chỉ thấy sông và sông. Cái đập ở cầu Ông Đạo đã bị vỡ một lần vì mưa bão vào năm 1932, cuốn trôi bao nhiêu nhà khi xưa. Nếu không khéo thì Đà Lạt sẽ bị phá tan vì sự phát triển quá tải, không nghĩ đến môi trường.

Chúng ta hay quên, chúng ta là nhân tố trong môi trường sinh thái to lớn. Nếu chúng ta cứ xây cất, phát triển vô tội vạ thì đời con cháu sẽ không còn môi trường để sinh sống.

Nhớ có một tập đoàn Tân gia ba mướn công ty của mình làm việc, thiết kế một dự án khu nghỉ dưỡng, ăn chơi ở Suối Vàng Dankia. Mình có hỏi vấn đề thanh lọc, xử lý rác rưới ở hồ Dankia thì bị dẹp qua một bên. Sau này dự án bị bỏ dỡ, mình mừng. Ai ngờ nay về lên Suối Vàng thì thất kinh, còn te tua hơn dự án của Tân Gia  BA khi xưa.


Từ ngày, mình mua cái vườn, có cọ sát với thiên nhiên môi trường, mới giác ngộ cách mạng về những sai lầm khi xưa, xây nhà vô tội vạ để kiếm tiền. Chán Mớ Đời 

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn