Thất kinh

Mình ít khi xem nhắn tin trên mạng, hôm trước lò mò thấy một tin nhắn của ai, không quen khiến mình thất kinh:
Chào anh Sơn.
Tôi hay vào fb của anh để đọc, nhất là những bài tìm hiểu về sức khỏe, bệnh hoạn.
Nay xin phép được “đặt hàng” với anh nhé.
Xin anh viết một bài về bàn tay và bàn chân hay bị lạnh, nhất là vào mùa Đông. Có phải như vậy là bị vấn đề lưu thông máu trong cơ thể bị yếu không? Nếu vậy thì nên uống thuốc bổ gì và ăn thứ gì?...
Cám ơn anh nhiều lắm.”

Mình viết trên blog của mình để ghi lại những gì mình trải nghiệm cho chính mình, có RSS lên Facebook cho bà con đọc cho vui. Ý của mình là tự nhắc chúng ta nên cẩn thận khi đọc tin tức vì cần phải xem xét cho kỹ, mỗi người cần tự tìm hiểu cho chính mình vì cơ thể mỗi người mỗi khác, chớ có nghe ai viết hay nói cái gì mà tin ngay trong đó có mình luôn.
Các nghiên cứu về một vấn đề gì đều có bề mặt và bề trái. Có người dùng bề mặt để chứng minh họ đúng, có người dùng bề trái để thuyết phục đọc giả do đó chúng ta cẩn thận khi đọc tin tức. Có những tin tức mình thấy không quan trọng cho cơ thể của mình nên không ghi lại do đó không nên tin mình. Nếu thích thì nên kiếm tài liệu, tự tìm hiểu thêm.

Mình theo dõi hai ông bác sĩ chuyên mổ tim; một ông thì kêu không ăn dầu, sẽ khiến nghẹt tim còn một ông thì hô hào mỗi tháng ăn 1.5 lít dầu Olive nguyên chất. Ai đúng ai sai? CẢ hai đều tóc bạc phơ hết. Đó là câu trả lời mà chính mình phải đi tìm, thử nghiệm để tìm ra. Mình thử không ăn dầu một thời gian rồi thử máu rồi một thời gian như hiện tại ăn dầu olive để xem xét sau. Khoa học là phải thử nghiệm mới hiểu được.

Mình không biết người nhắn tin là ai, rất cảm động khi anh ta tin tưởng đặt hàng. Cái khổ là mình không biết về đông y nên đành bó tay chấm còm. Mình học về kiến trúc nên i tờ về y tế. Nếu hỏi minh về kiến trúc thì hoạ may còn có thể giải thích được, mình chỉ đọc về cách điều hành của nhà thương vì có thiết kế một bệnh viện ở San Bernardino, Cali.

Mình đang cố gắng bỏ 5 năm tới để đọc tài liệu về y khoa vừa tây vừa ta để giúp mình trong cuộc sống. Chỉ có anh ta mới hiểu về cơ thể, quá trình sức khoẻ của anh ta. Anh ta cần đi khám bác sĩ, các người có thẩm quyền để giải thích căn bệnh của anh ta.

Cái nhắn tin của anh này càng khiến mình cần thận trọng hơn khi kể về sức khoẻ vì lạng quạng có người đọc, hiểu lầm lại càng khốn. Khi không, đọc những gì mình kể lại ba chớp ba nhoáng, không kiểm chứng, tin lại mang hoạ vào thân.

Năm ngoái, sau khi mổ cục bướu, nằm nhà đợi để phòng thử nghiệm cho biết là bướu lành hay ung thư thì mình có đọc 5 cuốn sách về ung thư và sức khoẻ để chuẩn bị tinh thần nên có tóm tắt lại trong bài “ đừng sợ ung thư”. Facebook không cho đăng bài dài nên mình phải đăng từng phần, có 2 người thích đọc mình kể chuyện, tự đứng ra làm cái Blog muctimsonden.com để phân loại các bài cũ hay đề tài để họ có tìm lại dễ dàng hơn vì Facebook phải kéo xuống mấy chục trang. Do đó mình có gom lại thành một bài để khi mình quên thì có thể mở lại để đọc lại.

Theo mình hiểu thì cơ thể mình cần được hoạt động để máu huyết lưu thông. Sáng nay, mình đang ở dưới nhà, vợ mình nhắn tin lên lầu mát xa, vợ rên vai và mông ê, đau nên đoán là ngồi lâu, làm trong sở nên máu huyết không lưu thông đều. Mình có đồng hồ Apple nên khi ngồi lâu xem phim tài liệu hay đá banh, là đồng hồ tự động báo cho mình hay để đứng dậy đi vòng vòng hay hít thở sâu.

Hôm trước, có một chú bác sĩ đến nhờ Khoa xoa dầu nóng vì cánh tay đau mỏi, Khoa kêu mình bắt mạch rồi cầm bàn tay xem, cảm thấy cánh tay của chú lạnh. Khoa giải thích khi tay chân lạnh là vì máu không đến hay được bơm về tim. Xoa dầu nóng trên cánh tay một lát thì bàn tay và cánh tay ấm lại. Có lẻ anh chàng bị lạnh chân lạnh tay, chịu khó tập Trạm Trang Công sẽ giúp máu lưu thông, đẩy hàn khí thoát ra ngoài.

Dạo này mùa đông, mình dậy 5 giờ đi bơi và vào phòng sauna để làm tháo mồ hôi, tập cử động ở trong phòng để máu lưu thông vì khi ngủ máu không được lưu thông như trong ngày, đi tới đi lui. Khi chân tay ấm sau phần sauna thì có thể bơi lâu hơn. Ra về người vẫn ấm hơn hồi sáng sớm.

Tóm lại, em kể chuyện mà các bác thích thì đừng có tin ngay, hãy tìm kiếm tài liệu, đọc cho kỹ, chớ nghe em vì sẽ lây bệnh Chán Mớ Đời.


Tuần này, ngày nào cũng lên vườn, đi được 33 dậm.

Nhs



Cuộc đời mong manh

Hôm nay, trong buổi họp hội Toastmasters của thành phố, mình được trao nhiệm vụ soạn đề tài của ngày nên chọn đề tài “life is fragile” cho có vẻ thời sự một chút. Số là dân Cali nhất là miền nam xôn xao, buồn vì cựu cầu thủ bóng rổ Kobe Bryant tử nạn.

Hình này thấy vui, không nhớ của ai bỏ trên mạng 
Theo thống kê thì 99% người Mỹ đều sợ nói chuyện trước công chúng, hay rất yếu kém khi phát biểu trong các buổi hội họp. Do đó có những tổ chức được thành lập để giúp người Mỹ có cơ hội luyện tập kỹ năng về phát ngôn trước đám đông.

Dạo còn đi làm, mình phải nói chuyện trong các buổi họp và trình bày ý tưởng thiết kế của mình. Một hôm ông xếp kêu mình nên gia nhập hội Toastmasters để luyện tập cách nói trong các buổi họp hay trình bày đồ án. Mình có gia nhập một thời gian rồi ngưng vì con lớn phải chở đi học rồi công việc nhiều nên ngưng. Nay mình gia nhập lại, thấy vui nên kể cho bà con.

Dạo còn làm kiến trúc thì mỗi ngày tiếp xúc với đồng nghiệp nên nói chuyện thì đề tài khá cao cao một tị, sau này mình đi thầu thì nói tiếng Mễ với thợ người Mễ hay anh ngữ với mấy người bán vật liệu xây cất nên chỉ loanh quanh vài tiêu đề về kỹ thuật xây dựng. Nay làm vườn thì không nói chuyện với ai hết, người trừ lâu lâu thấy coyote thì xịt xịt cho nó chạy nên Chán Mớ Đời. 

Gia nhập lại hội Toastmasters thì như trở lại thời làm nghề kiến trúc, khá vui khi được nói chuyện về những đề tài là lạ. Sáng nay, ông kia có xuất bản một cuốn sách nên ông ta nói về sự xuất hiện của chúng ta trên trái đất và sẽ đi về đâu, khá vui, khiến mình phải suy nghĩ cả ngày. Thêm có dịp nói tiếng anh cho chuẩn hơn vì có người sẽ đếm những gì mình lập lại hay sử dụng những cụm từ vô nghĩa như sáng nay, có bà sử dụng cụm từ “without further ado” thì bị sửa vì cho đó là cụm từ trống rỗng thêm nữa có nhiều người lại viết “adieu” thay vì “ado “. Họ dùng từ pháp ngữ để thế một từ anh ngữ, hoá ra vô nghĩa.  

Buổi họp bắt đầu bằng bắt tay và ôm không có hôn như tây đầm. Sau đó, chủ tịch hội khai mạc buổi họp mặt. Giới thiệu người toastmaster, người được chỉ định điều khiển buổi họp đến người đọc lời tuyên thệ trung thành lá cờ Hoa Kỳ,  Pledge of allegiance: "I pledge allegiance to the Flag of the United States of America, and to the Republic for which it stands, one Nation under God, indivisible, with liberty and justice for all," thêm phần cầu nguyện hay nói một câu hay ý tưởng đẹp nào đó.

Mỗi lần họp thì có một từ ngữ mới, họ gọi “word & thought of the day”, được ghi trên bảng để mọi người khi phát biểu, phải sử dụng từ này nếu không thì sẽ được người có trách nhiệm phần này báo cáo khi mãn giờ.

Sau đến phần kể chuyện vui bởi “Joke maker“, giới thiệu các người có nhiệm vụ như xét lỗi văn phạm (grammarian”, rồi đến người đếm những từ như ”ờ à, và,…” hay lập lại hoặc sử dụng những từ không được trong sáng lắm như “Stuff” hay “you know what i mean “ … mỗi lần ai nói câu này với mình thì mình đều trả lời “không” khiến họ bị hụt hẫng.

Mình nhớ có lần xem video họp mặt cựu học sinh Văn Học Đàlạt. Có một anh chàng cầm micro bày tỏ cảm xúc về buổi họp mặt. Anh ta dùng cụm từ “không biết nói gì hơn” đến 14 lần trong 5 phút cầm micro. Thật sự khi diễn đạt ý tưởng rất khó để tìm ra đúng từ ngữ để diễn đạt ý mình muốn nói do đó người ta cần phải viết trước để tạo dựng một cấu trúc để diễn đạt.

Ai không quen, dù đã nói phần nào mình muốn bày tỏ rồi cảm thấy như chưa vừa ý, nên lập lại những gì đã nói trước đây do đó chúng ta cần luyện tập kỹ năng này. Để xem sau vài năm học tập ở hội này, mình có thể nói một lần khi cãi lộn với vợ hay không. Khi cãi lộn người ta vướng phải lỗi lầm là cứ nói tới nói lui.

Giới thiệu tiếp “Teller”, người có nhiệm vụ tuyên bố là được bầu là diễn giả số một trong ngày hay về nhì,.. Ngoài ra còn có người kiểm soát thời gian gọi là “timer”, người này có bổn phận bật đèn xanh của cái máy khi diễn giả bắt đầu và khi gần hết giờ thì bật đèn vàng và khi quá hạn thì bật đỏ. Nếu bị bật đèn đỏ thì không được bầu vì họ muốn mọi người tập nói ngắn gọn trong thời gian được cho phép. 

Cuối cùng thì người tổng kết chung (general evaluator) về buổi họp như buổi họp có được khai mạc đúng 7 giờ, những gì cần được thi hành tốt hơn, trách nhiệm của mỗi người hôm đó ra sao. Cái hay là họ đánh giá diễn văn của mình rất xây dựng. Họ giải thích lý do, khác với lối phê bình của người Việt thường thấy trên mạng xã hội hay báo chí. Cứ phán “ngu”, nói như cứt,…không đưa ra lý do tại sao. Mình nhớ lần đầu tiên sang thăm Hoa Kỳ, có ghé lại thăm anh bạn học M.I.T., anh bạn cho mình xem tờ báo việt ngữ, có ông ca sĩ nổi tiếng một thời ở Sàigòn. Nay ông ta làm bình luận gia chính trị. Trong mục đọc giả viết thì ông này có trả lời “viết như cục cứt, không đầu không đuôi”. Mình và anh bạn ngồi cười khi thấy ông ca sĩ này rất đúng vì cục cứt không có đầu có đuôi.

Theo mình hiểu là người Việt mình không quen sống về duy lý lắm, họ sống về cảm xúc nhiều nên cảm thấy hay thì kêu hay, dỡ thì kêu như cứt,…không có lý luận như người tây phương. Mình nhận thấy trên mạng người Việt đăng thơ của họ làm nhiều hơn là những bài viết. Trên blog của họ thì cũng tải về bài của người khác khá nhiều. Đặc biệt bờ-lốc của mình là toàn những gì mình tự viết do đó mình ít khi ký tên.

Sau màn giới thiệu thì toastmaster (người dẫn chương trình) bắt đầu mời người bình phẩm bài diễn văn, giới thiệu diễn giả và đề tài lên nói chuyện. Diễn giả sẽ lên đứng trước cái bục để thuyết trình về đề tài của mình trong vòng 5-7 phút rồi đến diễn giả thứ 2,…

Sau hai diễn giả thì hai người đặt trách bình phẩm diễn giả lên bục để bình luận và đưa thêm ý kiến giúp họ nói khá hơn lần sau. Thông thường mấy người này là hội viên lão thành nên có kinh nghiệm nhiều để đánh giá bài diễn văn,… tháng sau mình sẽ được cử làm vụ này.

Sau đó thì đến phần “table topics”, đề tài ngắn gọn, diễn giả chỉ có 2 phút để nói về một tiêu đề nào được hỏi. Sáng này mình có trách nhiệm về vụ này. Mình nói về đề tài “cuộc đời mong manh”. Mình dựa trên vụ ông cầu thủ Kobe Bryant bị tử nạn để hỏi mọi người nếu bạn có 1 năm, 3 tháng để sống thì sẽ làm gì,…

Nói đến cần phải làm di chúc, living trust cả một khi mình qua đời thì con cháu ở lại khổ sở vì phải xem xét giấy tờ của mình,… có một bà, vợ của luật sư chuyên về luật gia đình nói, đúng hơn là khuyên chúng ta để lại của cải cho con cháu thì nên chia đều vì nếu không chúng sẽ tranh chấp nhau và sẽ không bao giờ nhìn mặt nhau nữa. Đó là kinh nghiệm của vợ luật sư chuyên làm di chúc gia đình.

Vợ hay kêu mình không biết ăn nói nên đi đâu, gặp ai mình đều câm như hến nhưng đến nay đi họp với hội Toastmasters thì mới hiểu lời nhận xét của vợ rất chuẩn. Mình nói chuyện chán như con gián. Thêm nữa mình đi học thương lượng thì họ dạy chỉ trả lời sau 10 giây nên khi họp mặt, mình ít nói vì quen nghe thiên hạ và đợi 10 giây. Thiên hạ ít khi đợi được 10 giây nên họ lại tiếp tục nói.

Sang Hoa Kỳ mình mới thấy phục tinh thần dấn thân của người Mỹ. Họ chẳng đợi chờ ai cả, muốn làm gì thì tự đứng ra làm. Điển hình muốn luyện tập cách nói trước công chúng, họ tập họp vài người rồi thành lập hội, dựa theo các nguyên tắc của hội chính rồi làm, thay vì phải đợi chính quyền như bên âu châu.

Hy vọng trong tương lai, mình sẽ học được cách viết không lêu bêu về vùng trời vô định, ngắn gọn hơn sẽ bớt chán như con gián. Chán Mớ Đời 

Nhs

Thế chiến thứ 3 đã khởi đầu

Chiến tranh ngày nay được truyền đi với vận tốc kinh khủng, trực tiếp “live stream” nhưng có một cuộc chiến tranh còn tàn khốc hơn mà ít ai biết, không đánh nhau bằng bom đạn mà bằng “bits & bites” của điện toán.

Chúng ta nghe nói đến Hoa Kỳ tìm cách cản trở các xứ Âu châu, không được dùng công nghệ 5 gờ của Huewei vì e ngại sẽ thua cuộc chiến công nghệ vì gián điệp trên mạng, đánh cắp tài liệu quốc phòng từ Trung Cộng và các nước tây phương. Nếu chúng ta cài đặt thiết bị máy móc của Huawei thì họ có thể tải về tin tức từ điện toán.

Trung Cộng chế các thuốc ma tuý Fentanyl rẻ tiền rồi giao cho nhóm buôn ma tuý Mễ để đưa vào thị trường Hoa Kỳ để đầu độc người Mỹ nhất là giới trẻ, tương lai của Hoa Kỳ. Về các tiểu bang sẽ thấy nạn nghiện ma tuý của giới trẻ và tự tử lên rất cao.

Một cái máy điện toán hay iPad với những chức năng hấp dẫn, có thể truyền hình ảnh từ nhà mình đến một nơi nào đó qua máy chụp hình hay FaceTime,....

Gần đây, người ta khui ra giáo sư đại học Harvard chuyển giao công nghệ cho Trung Cộng, hay các người Mỹ gốc tàu đã đem máy tính của họ từ sở sang tàu, buôn bán hay trao đổi tài liệu quốc phòng.

Cuộc chiến tranh lạnh của thế kỷ 20 đã tạo dựng các kỹ nghệ như máy điện toán, vệ tinh truyền thông và Internet đã thay đổi đời sống nhân loại một cách nhanh chóng mà ngày nay chúng ta khó có thể sống khả hữu những thiết bị này.

Ngày nay, các quốc gia trên thế giới, thay vì gửi các gián điệp của họ như James Bond, để tìm cách đánh cắp tài liệu mật, họ đều sử dụng các chuyên gia về IT để xâm nhập vào các hệ thống điện toán của các công ty, quốc phòng của các nước. Ngày nay, các James Bond là kỹ nghệ điện toán. Họ sử dụng kỹ nghệ, tạo ra các vi rút để đánh xập các hệ thống truyền thông của nước địch.

Mấy năm về từ trước, nghe nói tại phi trường Tân Sơn Nhất, Trung Cộng đã cướp đi hệ thống phát thanh của phi trường này như để cảnh báo các chuyên gia IT của Việt Nam là quá tầm thường.

Nhớ dạo mới mua máy điện toán, sử dụng floppy Disk gắn vào máy Macintosh. Các điệp viên muốn gắn virus vào máy điện toán của chính phủ đối nghịch các vi-rút mà họ gọi “sneakerware”vì phải xâm nhập để cài gắn.

Vào những năm 2000, sau vụ dot.com có lẻ một tên IT nào chán đời nên viết lập trình một con vi-rút với tên “Melissa”, tên một vũ nữ khoả thân ở Miami. Đó là vi-rút đầu tiên của email và sau 3 tháng các email trên thế giới được lần truyền với Melissa với tựa đề “I Love you”. Mình nhớ có thấy email của người bạn gửi với tựa đề : “I Love you” và mở ra thì chỉ muốn kiếm tên này để đạp cho một trận. Phải đem máy điện toán đi sửa, làm lại từ đầu và bắt đầu làm quen với các phần mềm chống vi-rút. Từ đó, hết dám mở email lạ với những nhan đề khá hấp dẫn. Trên Facebook, thiên hạ hay gửi nhắn tin mấy cái link chi đó, mình không dám mở. Mình ít khi mở mấy cái này lắm nên có người đến mấy tuần sau mới thấy. Kinh

Sau 9/11, vào tháng 9/ 2001, một vi-rút khác có tên Code Red được thả trên mạng suốt 3 ngày. Dạo ấy, xem truyền hình là cứ thấy code đỏ code vàng đủ trò nên ai cũng bận tâm lo ngại khủng bố chơi thêm một lần nữa. Đến ngày 21/9/2001 thì code red đã được cài đặt trên 2.2 triệu máy điện toán của các công sở trên toàn thế giới. Khởi đầu cho cuộc gián điệp qua mạng hay chiến tranh lạnh thứ 3 của thế giới.

Điển hình thế giới đều biết Ba Tư dùng nhà máy nguyên tử để thành lập vũ khí hạch nhân như lò nguyên tử Natanz. Hoa Kỳ và đồng minh không biết làm sao để gửi người đến quan sát vì nếu bị bắt thì cả thế giới sẽ biết vì xứ này khó xâm nhập. Mình có xem một phim tài liệu phi công Do Thái đánh xập một lò nguyên tử của I-raq nhưng không dám động đến Ba-tư.

Họ tư duy đột phá một kế, được gọi là “chiến dịch thế vận hội” (operation Olympic games). Họ làm một cái usb rồi thải vòng vòng xung quanh lò nguyên tử. Khi mình nhặt được cái USB thì việc đầu tiên là cắm vào máy điện toán để xem có cái gì trong đó.

Ai đó làm việc trong lò nguyên tử, lượm và gắn vào điện toán thì lập trình OOG tìm kiếm các hộp Siemens của Đức quốc và thay đổi lập trình và phá vở hệ thống điện toán Stuxnet của nhà máy. Cách đây 2 năm, Triều Tiên huênh hoang thì trong 24 tiếng đồng hồ, Hoa Kỳ đánh xập hệ thống điện toán của xứ kim Chi này, dẫn đến hội nghị thượng đỉnh của hai xứ này tại Việt Nam, Tân Gia Ba,… Xong om

Trung Cộng hack công ty RSA qua máy điện toán của phòng nhân sự (Human resources) và tìm hết mật mã của khách tiêu dùng. Từ đó họ vào các công ty kỹ nghệ chiến tranh như Lockheed Martin, Northrop Grumman, L3. Lockheed  chế tạo máy bay tàn hình và không ai ngạc nhiên khi thấy Trung Cộng chế tạo máy bay tàn hình giống của công ty Lockheed.

Ngoài ra Trung Cộng vẫn quan tâm đến thương mại như Operation Aurora hack vào công ty Google và trên 20 công ty khác như Intel, Morganville Stanley. Khi các tổng giám đốc Trung Cộng có tất cả tài liệu từ 10 năm qua của các công ty nên có thể đấu thầu mà họ gọi là chiến dịch Operation Night Dragon. Người ta tính là có trên 1.5 tỷ vụ xâm nhập công ty, hồ sơ cá nhân trong một năm.

Người ta có thể đánh xập một hệ thống điện toán của lò nguyên tử thì không cần phải đem lính đi đánh, họ có thể đánh xập các hệ thống truyền thông, kỹ nghệ, thương mại của một nước khác.

Khi mình sang học ở Pháp thì lâu lâu thấy có một đội khủng bố Palestine không tặc máy bay, đòi những yêu sách. Ngày nay, tất cả máy bay đều do máy điện toán lái hết, phi công chỉ ngồi chơi xơi nước. Mình nghĩ là chiếc máy bay thứ 4 trong cuộc khủng bố 9/11 là do máy điện toán làm cho rớt từ dưới đất ở phòng không lưu. Họ tạo dựng mấy cảnh hành khách dành lại kiểm soát phi cơ cho vui, khiến người Mỹ cảm thấy hãnh diện. Người á rập cho rằng chính chính phủ mỹ và Do thái đã làm nổ 2 toà nhà chọc trời ở Nữu Ước và Ngũ giác đài. Mình có xem một tài liệu khả tín về vụ này vì theo tướng Wesley Clark, cựu tư lệnh NATO thì sau vụ 9/11 thì ông ta được trình bày chiến lược đánh 7 nước ở trung đông. Nghĩa là bộ quốc phòng đã dự tính trước biến cố 9/11.

Có trên 100 triệu người sử dụng Sony PlayStation bị đánh cắp tài liệu cá nhân mà công ty này không biết, kéo dài đến mấy tháng. Các công ty khác tương tự.

Ngoài làm phần mềm xâm nhập các hệ thống điện toán, người ta còn làm phần mềm điện toán được gọi “wormhole”, được cài vào các hệ toán điện toán của cơ sở công ty rồi khi các tay hacker hack vào hỏi tin tức thì phần mềm này sẽ cho dữ liệu dỏm và sẽ truy ra thủ phạm.

Chiến tranh ngày nay là chiến tranh dữ liệu và đã được phát động từ lâu. Hoa Kỳ, Trung Cộng, Nga sô và các nước tây phương đều sử dụng từ lâu. Ngày nay người ta không cần chiếm đóng một nước mà chỉ cần có dữ liệu của các giới lãnh đạo về những hành vi đen tối của họ là có thể làm chantage và bắt chẹt.

Dạo này mình thấy trên mạng chuyền các hình ảnh về ông Tô Lâm, ôm gái đi chơi ở ngoại quốc, cho thấy họ sắp sửa đánh ông này trước đại hội Đảng. Tướng công an mà chúng cũng có tin tức riêng. Kinh

Tháng vừa rồi, có ông tướng Đài Loan nào bị rơi máy bay, người ta đoán là Trung Cộng đã cướp được hệ thống truyền tin hay dữ liệu chuyến bay. Đọc đâu đó họ nói Trung Cộng len lõi và các máy điện toán ở Đài Loan đâu trên mấy chục ngàn lần hàng năm.

Đọc những tin tức ngoài luồng về vụ vi khuẩn Corona thì có nhiều nghi vấn về Trung Cộng nghiên cứu vũ khí sinh học và vì lý do nào đó mà vi khuẩn này lọt ra khỏi phòng thí nghiệm P4 rồi lây lan khắp nơi.

Trung Cộng không muốn các tổ chức y tế đến Trung Cộng để khám xét vì sợ lộ nhưng theo mình hiểu thì ai cũng biết cả.

Hoa Kỳ nhân dịp này tung truyền thông để đánh Trung Cộng mệt thở, khiến ai nấy đều lo và ngại người tàu. Nói chuyện với mấy người Tàu ở đây thì họ có cảm nghĩ như vậy. Dần dần người Mỹ hết dám mua đồ từ Trung Cộng là xứ này ngọng, hết sản xuất, xuất cảng qua các nước tây phương.

Nếu người ta có thể chụp hình từ vệ tinh để đo chất lưu Huỳnh vì đốt xác chết nạn nhân của dịch vi rút Corona gần Vũ Hán thì có thể các nước tây phương đã biết sự thật nhưng không cho dân chúng biết.

Mình thấy người Việt hải ngoại, hăng hái đánh người Tàu vì thù tàu nhưng họ quên là mình cũng người á châu. Ra đường đối với người tây phương thì việt, mít hay tàu đều như nhau, tương tự ở Việt Nam, gặp người tây phương là cứ gọi ông tây bà đầm. Cũng bị kỳ thị, nghe nói bên pháp  người Việt mình đã bị kỳ thị. Phong trào bài Trung Cộng sẽ lây sang các cộng đồng á châu khác. Chán Mớ Đời

Nghe nói các khu phó thương mại ở âu châu vắng khách đến 40% thất thu.

Xem không ảnh từ vệ tinh cho thấy lưu huỳnh do đốt các xác chết vì dịch vi rút corona 

Nếu thích hôm nào mình kể vụ hacking máy điện toán cá nhân và lấy tài liệu.

Nhs

Sự hình thành hồ Xuân Hương Đàlạt

Đọc tài liệu của tây thì được biết hồ Xuân Hương, thời tây được gọi là Grand Lac, được thành lập khi người tây cho làm cái đập Chận nước con suối từ Chi Lăng (St benôit) chảy về, trên đạp có con đường băng từ bùng binh Thuỷ Tạ, nối liền với chỗ bùng binh sau này có nhà máy nước, lữ quán hướng đạo và đường Đinh Tiên Hoàng.

Ngoài ra, có một cái hồ nhỏ (petit lac) ở ngay khu ấp ánh sáng sau này. Sau này mình xem kỹ thì hồ nhỏ (petit lạc) là hồ Đội Có. Cuối cùng người tây xáp nhập hai cái hồ lại thành một nên phá cái đập chạy từ bùng binh Thuỷ Tạ, (xem hình) và làm một cái đập mới mà người Đàlạt hay gọi cầu Ông Đạo vì do một quản đạo của triều Nguyễn xây dựng. Người pháp đã xây nhà Thuỷ Tạ rất đẹp, phỏng theo La grenouillère , một nhà hàng nổi tiếng bên pháp thời La Belle Époque. 
Xem tấm ảnh mình đoán hai ông tây, có thể hai ông kiến trúc sư, đứng ngay địa điểm, sau này là bãi đậu máy bay trực thăng, trước cổng của thao trường Đàlạt. Hình chụp về phía đường Nguyễn Thái Hoc sau này. có thể cái đồi sau này được làm đồi cù để thị dân có thể lên đấy chơi. Nay thì cấm chỉ có dân giàu có đánh cù mới được vào đây.


Nhưng nếu nhìn tấm ảnh dưới thấy đề 1948 thì thấy cái cầu nhỏ, qua cái ống cống. Trên là con đường chạy từ bùng binh nơi khách sạn Palace, Thuỷ Tạ (chưa xây). Phía bên tay trái có một dãy nhà, sau này là nhà lao nhốt tù.

Nếu vậy thì khi hồ Xuân Hương được đào rộng ra thì cái cầu này bị dẹp và được thay vào đó cái đập, phía bên tay phải của tấm ảnh, chỗ mấy căn nhà. Để mình giải thích:

Tấm ảnh này cho thấy khách sạn La Palace (1) trên đồi cao, được xây năm 1922. Thấy cái bùng binh chỗ bãi đất mà sau này họ xây nhà hàng Thuỷ Tạ. Ngay bồn binh này, nơi sau này họ xây cây xăng Esso, có một con đường, (3) như cái đập nhỏ chấn lại cái hồ, chạy băng qua hồ Xuân Hương, có cái cầu nhỏ. (2) .Mình đoán căn nhà phía tay trái, trước mặt là dinh của ông quản đạo. Đàlạt khi xưa có đến 4 ông quản đạo do triều đình Huế gửi đến, sẽ kể sau.

Đây mình đang tìm cách định vị hai tấm ảnh vì mình nghe nói hồ Xuân Hương sau này được nới rộng ra ( gạch màu xanh 5), khi họ xây cái đập ngay ấp Ánh Sáng, xe cộ có thể đi ngang qua mà dân cư Đàlạt hay gọi “cầu Ông Đạo”. (4)

Ngay bùng binh chỗ khách sạn Palace, mình có thể hình dung được chỗ thuỷ tạ và cercle sportif, chỗ sau này họ xây mấy sân quần vợt với nhà hàng Đào Nguyên. Thấy đường Trần Quốc Tuấn, chưa thấy nhà thờ con gà phía đường Hùng Vương, chỉ thấy tu viện Nazareth đã được xây cất.

Trong rừng thông trước khách sạn Palace có một căn nhà, mình đoán là căn nhà trong rừng thông mà sau này có dạo họ làm một quán nước, trai gái Đàlạt vào đây uống nước, ngoài trời nơi mấy cây thông, nhìn xuống hồ, nơi con đường Trần Quốc Tuấn. Mình chưa bao giờ vô đây. Đi tới một chút là đoạn họ làm cái đập cầu ông Đạo.

 (1) là khách sạn Palace đã được xây xong phía bên kia hồ. Số (2) là cái ống thoát nước khi nước hồ dâng cao thì chảy qua con suối về hồ nhỏ rồi chảy về Cảm Ly, thấy từ phía bên này khác với hình chụp 2 ông Tây như hình trên.

Số (3) là con đường từ bồn binh chỗ cây xăng Kim Cúc, Thuỷ Tạ sau này chạy qua bên kia hồ, ngay chỗ bồn binh, khúc Đinh Tiên Hoàng, chạy lên giáo hoàng học viện sau này. Sau này Tây nới rộng ra thì mới dời cái đập về phía hình màu vàng gạch số (5). Các nhà cửa chỗ này bị dẹp hết. Địa điểm rõ thì mình không chắc lắm nhưng để hình dung mình kẻ gạch vàng đây vì phải định vị cái bồn binh chỗ đi vào chợ.

Số (4) là phần đất được nới rộng ra và lấp hết khu vực này (gạch xanh). Phía bên phải của cầu ông đạo, phần gạch là khu ấp Ánh Sáng.

Nhìn tấm ảnh này làm mình nhớ thầy Hứa Hoành, dạy Địa Lý năm 11B, nói dân cư Đàlạt gọi cầu Ông Đạo vì được xây cất dưới thời ông “quản đạo” Tôn Thất Hối vào năm 1935. Năm 1919 là một cái cống nhỏ chảy về thác Cam Ly. Thầy có kể là có người cháu của ông Tôn Thất Hối nói như vậy còn lại có một giả thuyết khác: cây cầu nằm ngay dinh ông quản đạo nên người ta gọi là cầu Ông Đạo. Cho nên thầy không dám quả quyết.
Hình chụp trên đồi khách sạn Palace
 Tấm ảnh này theo mình được chụp từ đồi khách sạn Palace, nhìn xuống hồ Xuân Hương. Thấy đường Thống Nhất. Có đồi thông phía xa, sau này họ xây trường Grand lycee yersin (5), sau đồi của nhà ông bác sĩ Sohier (4). (3) địa điểm của thao tường và sân vận động, (2) là cercle sportif sau này còn (1) là con đường này sau này được xoá bỏ, để làm vườn, chỗ mấy thang cấp đi xuống từ khách sạn Palace xuống hồ.

Có con đường khác từ bồn binh Thuỷ Tạ, chạy lên đường Nguyễn Tri Phương, lâu quá không nhớ tên đường này, có mấy ty công sở. Ngay tam giác của hai đường, sau này được xây cercle sportif (5) có mấy sân quần vợt. Hình như Cercle sau này là nhà hàng Đào Nguyên, nghe một cô bạn kể là con gái của tiệm này, học Văn Học, hiện đang ở Nam Cali, tên Lan.

Mấy nhà nghỉ này (6) sau này được dẹp bỏ khi họ xây xong khách sạn Palace vào năm 1922. Thấy mỗi nhà nghỉ, phía sau có cái ga ra. Số 3 là địa điểm Thao Trường sau này, số 4 là sân vận động.
Ảnh chụp từ khách sạn Palace

Tấm ảnh trên được chụp trên phòng của khách sạn Palace, nhìn về phía Ấp Ánh Sáng được thành lập sau này. Hình thấy mấy nhà to đùng. Có con đường phía trước. Mình đoán đây là con đường, trở thành cầu Ông Đạo sau này, khi họ cho xây cái đập để chận nước hồ lại, cho phá vỡ mấy cái nhà phía sau và bên phải, tương tự như cái đập Đa Thiện, chận nước hồ trong Thung Lũng Tình Yêu sau này.

 (A) là con đường (đập đầu tiên), (B) là nhà ông Quản Đạo, số (2) là hồ nhỏ mà người Tây gọi “Petit Lac”, đối diện sau này là Ấp Ánh Sáng, (d) sau này là địa điểm của ấp Ánh Sáng, đa số là người đi cư từ Huế vào nhất là làng Kế Môn.

Nhìn lên đồi, thấy cái dinh Ông Quản Đạo với con đường đi lên, có một con đường đi chéo lên, mình đoán là con đường sau này được nới rộng làm thành đường Lê Đại Hành.

Theo thầy Hứa Hoành: “ Trong số các quản đạo do triều đình Huế bổ nhiệm cai trị cao nguyên, người ta còn nhớ các ông:Tôn Thất Hối, Tôn Thất Toại, Phạm Khắc Hòe, Trần Văn Lý....
Toại và Hối là con của Tôn Thất Hân, phụ chính đại thần của nhiều triều vua hồi đầu thế kỷ nầy. Tôn Thất Toại làm quản đạo ở Kontoum nhiều năm. Còn Tôn Thất Hối đầu tiên giữ chức quản đạo Djiring, rồi sau đổi lên làm quản đạo Darlac. Có thời gian Hối làm quản đạo tại Đà Lạt. Kế nhiệm cho Hối ở Đà Lạt là Phạm Khắc Hòe, cai trị từ năm 1940 - 1944.
Tôn Thất Hối sinh trong một gia đình thế gia vọng tộc. Thân phụ là Tôn Thất Hân, quê quán tại Lạc Thú, Thừa Thiên (1854), thuở nhỏ theo học Quốc Tử Giám. Bắt đầu cuộc đời làm quan bằng chức tri huyện thuộc tỉnh Quảng Ngãi, Hân bò lần trên nấc thang danh vọng đến Thượng thư bộ Hình (1906). Năm 1917, Hân làm phụ chính đại thần, kiêm Cơ mật viện trưởng dưới triều Khải Định. Chính Tôn Thất Hân đề nghị với Pháp lưu đày hai cha con Thành Thái và Duy Tân.
Tháng 4 - 1943, Tôn Thất Hân ăn lễ thượng thọ (90), có đến 200 cháu tham dự. Năm sau (1944), Hân từ trần. Hối còn làm quản đạo ở Ban Mê Thuột, Tôn Thất Hối có nhiệm vụ trông coi khám đường tức nhà tù, giam giữ chính trị phạm do Pháp lập ra. Từ năm 1944 khám nầy có hơn 1000 tù, gồm nhiều người yêu nước, chống Pháp đủ mọi thành phần, đảng phái. Thời gian ấy, điều kiện sinh sống trong tù rất tồi tệ. Nhiều lần tù nhân biểu tình, tuyệt thực để phản đối.
Tôi được một người cháu gọi Tôn Thất Hối bằng ông chú, là chị Tôn Nữ M. L. cho biết: “Năm 1935 hồ Xuân Hương bị ngăn lại và làm một cây cầu bắc ngang qua để vào chợ Hòa Bình. Cây cầu nầy hồi năm 1919 chỉ là một cái cống nhỏ. Dòng nước ở dưới cầu chảy qua ấp Ánh Sáng, để đổ vào thác Cam Ly. Vì cây cầu nầy được xây dựng dưới thời Tôn Thất Hối làm quản đạo, nên dân chúng quen gọi “Cầu Ông Đạo”. Tôi còn nghe một nguồn tin khác cho biết vì cây cầu nầy nằm gần dinh quản Đạo, (chỗ khám đường trước năm 1975), nên dân chúng Đà Lạt quen gọi là “Cầu ông Đạo”. Tôi không dám quả quyết thuyết nào đúng hơn. Trong buổi lễ chấm dứt chế độ Hoàng Triều Cương thổ ngày 24/3/1955, tổ chức tại trước tòa hành chánh Kontum, với sự hiện diện của hàng ngàn đồng bào Thượng, Tôn Thất Hối đại diện quốc trưởng Bảo Đại đọc lời tuyên bố: “Tôi đại diện cho đức quốc trưởng Bảo Đại, long trọng tuyên bố kể từ khi Thế Tổ Cao Hoàng nhà Nguyễn lập quốc đến nay.....tới đây là chấm dứt chế độ hoàng triều cương thổ. Thay mặt hoàng tộc nhà Nguyễn, thay mặt quốc trưởng Bảo Đại, tôi xin từ giã đồng bào...”
Một quản đạo Đà Lạt khác được nhắc tới khá nhiều là Phạm Khắc Hòe. Ông Hòe quê ở Nghệ Tỉnh, học trường Hành chánh Hà Nội, có vợ là một công chúa, được sự tin cậy của triều đình. Do bà vợ năn nỉ với Hoàng hậu Nam Phương, nên Hòe được tiến cử làm quản đạo Đà Lạt. Thật sự Đà Lạt là nơi đất rộng, phì nhiêu, dân cư thưa thớt (vì sự hạn chế người Kinh lên lập nghiệp), nên vào năm 1942, Hòe có xin với Pháp chiếu cố một số gia đình nghèo khổ từ quê quán ông thuộc hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh lên đó lập nghiệp. Những người nầy đến đây chuyên canh rau cải, sống tập trung gọi là ấp Nghệ Tĩnh. Riêng ấp Hà Đông do tổng đốc Hoàng Trọng Phu, mộ dân miền Bắc lập ra năm 1938, theo lời yêu cầu của Pháp. Hoàng Trọng Phu (1872 - 1945) là con trai thứ của tổng đốc Hoàng Cao Khải, học trường thuộc địa Pháp. Lúc mới về nước, vì có cha đang làm quan, nên Phu chỉ làm thông ngôn cho vua Thành Thái ít tháng, rồi ra làm Án Sát tại một tỉnh Bắc Kỳ năm 1897. Lúc kế vị cha làm tổng đốc Hà Đông, Phu mộ dân các làng Quảng Hoa, Ngọc Hồi, Nghi Tăm......là nơi chuyên trồng hoa để lên Đà Lạt canh tác theo lời yêu cầu của viên công sứ Đà Lạt. Từ năm 1938, chỉ có 7 gia đình lên lập nghiệp. Hồi khởi sự lập vườn hoa, Pháp có giúp đỡ bằng cách cho vay tiền của Quỷ tương trợ hỗ tương. Sau một năm, phân nửa bỏ Đà Lạt trở về quê quán vì trồng hoa không kết quả như ý muốn. Số còn lại tiếp tục trồng hành tây, củ cải, măng tây, artichaut, củ hành, cải bắp và đậu.....Từ năm 1941, ấp Hà Đông bắt đầu làm ăn phát đạt nhờ nghề trồng hoa và rau cải nầy. Cuối năm 1941, có tất cả 28 gia đình ở ấp Hà Đông, tổng số 100 nhân khẩu.
Ông Trần Văn Lý (1901 - ?) là một nhân vật có tiếng tăm ở miền Trung, quê ở Quảng Trị, tốt nghiệp cao đẳng hành chánh Hà Nội. Ra trường, ông Lý làm quan trong ngạch quan lại của Pháp, với chức tham tá tại Qui Nhơn. Sau đó, cũng như Phạm Khắc Hòe, do sự giới thiệu và giúp đỡ của Khâm sử Trung Kỳ, ông Lý trở lại ngạch quan lại Nam triều với chức Thương tá Trung Phước (Bình Định). Ông Lý giữ chức quản đạo Đà Lạt từ năm 1926 - 1935. Khi chức vụ này được Phạm Khắc Hòe thay thế, ông Lý làm Ngự Tiền văn phòng cho Hoàng đế Bảo Đại.” (hết trích)

Theo mình thì cầu được xây dựng do ông quản đạo nên dân địa phương gọi là cầu Ông Đạo đúng hơn vì cuối ấp Ánh Sáng có cầu Bá Hộ Chúc nối đường Cường Để và Phạm Ngũ Lão, trên đường Bà Triệu thì do ông bá hộ tên Chúc xây nên người ta gọi Cầu Bá Hộ chúc. Nếu không thì người ta đã gọi cầu Ông Đạo Tôn Thất Hối. Vì để chấn nước hồ thì không thể nào làm cây cầu bằng gỗ được, phải làm cái đập bằng xi măng rồi cho xe chạy trên đó. Cầu Bá Hộ chúc thì mình nhớ bằng gỗ, như cái hình trên chạy qua cái ống cống mà thầy Hứa Hoành nói đến vì nhà mình ở ấp Ánh Sáng đi học trường Ấu Việt nên đi bộ sang hàng ngày, xe tải không được chạy qua, sau này thì họ làm bằng xi măng. Tương tự hồ Đội Có do ông đội Có xây cũng như dãy phố Đội Có ở khu Hoà Bình ngay bến xe Tùng Nghĩa

Petit lac (hồ nhỏ)
xem hình này mình đoán chụp đâu ngay khách sạn Palace, thấy con đường chạy ngang sau này là cái đập chính được làm bằng xi măng bê tông cốt sắt. Thấy có cái hồ nhỏ mà sau này được nhập với hồ lớn bên kia (cái đập kia được phá vở.
Không ảnh thấy nhà thờ con gà
Không ảnh này cho thấy (1) là cầu Ông Đạo, (2) là ấp Ánh Sáng, (3) nhà thờ Con Gà, (4) chợ Đàlạt, (5) là rạp xi nê Ngọc Lan, phía trước bên tay trái, có trường bà sơ Nazareth, ngay đường Hùng Vương, thấy ngã ba trước nhà thờ con gà.

Mình học thầy Hứa Hoành có một năm Địa Lý, sau này có ghé viếng thầy ở San Antonio trước khi thầy qua đời. Mình không hiểu sao thầy nhớ kinh khủng, từng gây từng tí vì mình có hỏi thầy có đem theo tài liệu khi vượt biển thì nói không. Đọc trên mạng Nam Kỳ Lục Tỉnh những bài viết của thầy đầy đủ chi tiết.

Có người nhắc mình có cái hồ nhỏ bên cạnh hồ Xuân Hương, gần vườn Bích Câu, làm mình nhớ có ra hồ này để câu cá với ông dượng, có tiệm hớt tóc ở ngay ngã 3 chùa, cạnh hãng cưa Xu Huệ. Hồ này được thành lập theo mình để giảm áp lực vào cái đập cầu Ông Đạo khi mưa nhiều thì hồ này sẽ chứa nước dâng cao. Mình nhớ có cái ống nước từ hồ Xuân Hương chảy vào đây khi trời mưa.

Ngoài ra ngay góc đường Nguyễn Thái Học và Đinh Tiên Hoàng, có một cái hồ khác, bên cạnh là nhà máy nước lọc, cung cấp nước cho thị dân Đàlạt. Ông cụ mình trước 75, làm ở ty công quản nước Đàlạt, tại đây. Mình về Đàlạt thì nghe nói Hà Nội sẽ xây một hồ bơi ở đây.

Mình đang tìm thêm dữ liệu để bổ túc thêm vào bài này nên chưa phổ biến rộng. Ai có đọc thì có tin tức gì thêm thì cho mình hay. cảm ơn

Cái viết Apple của mình mất tiêu nên phải quẹt bằng tay. Chán Mớ Đời 
Nhs

Chiếc cầu hư không, Bridge to nowhere

Hôm nay, không lên vườn vì vợ kêu đi leo núi chung với vài người bạn vì lần trước dự định đi thì trời mưa nên phải hoảng lại vì nguy hiểm. Nơi đi dã ngoại gọi là “Bridge to nowhere “. Có chiếc cầu 2 chiều xe chạy được xây khơi khơi bắt ngang dòng sông San Gabriel, gần thành phố Los Angeles nhưng không có đường xe cộ nào được nối chạy lại đây. Do đó người địa phương gọi là “chiếc cầu hư không”. Mình nghe tiếng chiếc cầu này từ lâu nhưng mấy chục năm qua mới có dịp ghé đây. 

Chiếc cầu vô định (ảnh của nha du lịch California). Thấy con suối, phải lội qua mấy lần mới đến nơi
Muốn đến đây phải đi bộ, leo núi vượt suối đến 10.5 dậm, độ 16.9 cây số. Phải lội bộ qua suối nên lần trước dự định đi, tin khí tượng báo trời mưa nên không dám đi vì nước mưa sẽ dâng cao, mà muốn đến chiếc cầu thì phải vượt 8, 10 lần con suối, chiều ngang độ 20-30 feet ngắn nhất. Lội qua suối mà nước dâng lên thì có thể chết vì nước chảy xiết.

Nguyên do chiếc cầu nằm chơi vơi giữa núi rừng là vào năm 1929, chính phủ Cali xây con đường tên East Ford Road để nối liền San Gabriel Valley và Wrightwood nhưng họ chỉ làm xong đến thành phố Azusa. Năm 1938, lụt quét một phần đường phía nam khiến cây cầu cao 120 feet đứng trơ trọi.

Đến thập niên 50, sau đệ nhị thế chiến, chính phủ muốn xây dựng một xa lộ từ Los Angeles đến sa mạc Mojave, nhằm trường hợp có chiến tranh nguyên tử thì có thể cho thị dân Los Angeles di tản nhanh chóng. Họ muốn sử dụng chiếc cầu này để tiếp tục con đường nhưng cuộc xây dựng rất chậm vì dùng toàn là tù nhân nên chỉ làm được 5 dậm và cuối cùng được bãi bỏ năm 1969 khi cuộc chiến tranh nguyên tử bớt căng thẳng như thời tổng thống Kennedy.

Sáng nay mình chạy xe đến theo con đường được xây cất 5 dậm rồi đến bãi đậu xe, có 2 cầu tiêu công cộng loại sinh thái. Muốn đến đây thì phải mua giấy phép trước cho mỗi xe vì ít chỗ đậu xe.

Từ nhà mình lên đây cũng mất cả tiếng vì chạy đường lên núi, 2045 feet cao độ. Từ xa lộ chạy vào cũng mất độ 8 dậm đường lên núi. Mình đến ghi danh để lỡ có chuyện gì thất lạc thì họ cho người đi tìm. Tháng 12 vừa rồi, có ông tổng giám đốc công ty nào sống ở Irvine, sắp sửa thành tỷ phú đi leo núi rồi trời mưa tuyết nên chết dù là dân chuyên nghiệp leo núi. Không nên ỷ y là mình tài giỏi, leo núi rất nguy hiểm, tai nạn có thể xẩy ra bất cứ lúc nào. Tốt nhất là phải thận trọng.

Trước đó có mua cái giấy phép ở tiệm bán đồ thể thao, rồi cạo ngày tháng đi chơi rồi bỏ trước xe để lỡ các người của nha kiểm lâm đi ngang xét. Thật ra người Mỹ rất tự giác, đều tự động trả tiền khi đi vào công viên quốc gia, họ lấy bìa thư rồi bỏ tiền vào rồi bỏ trong hộp thư. Có lần kình thấy người Tàu, du khách đến mấy nơi này thấy bảng bỏ tiền trả nhưng cả đoàn cứ đi vô viếng vô tư rồi đi ra.

Xong xuôi thì đúng 7:30 sáng, trời lạnh độ 40 độ, cả nhóm hội tụ lại để trưởng nhóm giải thích chuyến đi. Vợ mình gia nhập một nhóm chuyên leo núi mỗi ngày mỗi tuần nên khi nào có chuyến leo núi nào lạ cuối tuần thì đi và rủ thêm mấy người bạn thân có cùng sở thích đi dã ngoại.

Có một ông mỹ già trên 70 tuổi thành lập một nhóm có trên 10,000. Mỗi ngày ông ta tổ chức đi bộ buổi sáng và chiều. Nói chung ông ta đi bộ mỗi ngày độ 7-8 dậm nên người khoẻ lắm. Gầy tong teo mà đi một bước bằng 3 bước của mình. Ông ta cao độ 7 feet. Kinh

Nhớ dạo mình tập và ghi tên leo núi để leo lên núi Mount Whitney, cao nhất Cali, có thể là nhất nước mỹ. Đi bộ 22 dặm, sáng thức dậy từ 3:00 sáng đi rồi trở về tối chiều, 17 tiếng đồng hồ. Mụ vợ giận vì mình không ghi tên mụ nên mình dẫn đi một buổi tập chỉ có 8 dậm lên núi. Mụ đi một lần mụ trốn luôn. Mụ vợ đi như người zombie, mệt qua, cứ hỏi mình sao sắp đến nơi chưa. Về nhà phải tốn cả tiếng để xoa dầu cho mụ.

Tưởng mụ vợ bỏ cuộc rồi, ai ngờ mụ nghe lời ai gia nhập một nhóm dã ngoại, leo núi rồi lâu lâu cứ kêu mình đi như hàng năm thì leo núi Yosemite với mấy người bạn. Mướn căn nhà riêng rồi ăn uống với nhau. Sáng bò dậy sớm leo núi, chiều về hâm phở ăn một mách ngon không phê không rửa chén.

Mình tập hâm nóng, làm giãn gân cốt để tránh bị chuột rút thì thấy xe bên cạnh có hai ông già bận độ chống nước như dân đi câu cá đứng dưới suối nên tò mò hỏi. Hoá ra họ đi tìm vàng. Họ đem theo xẻng, đồ lọc sàn đãi cát. Nghe nói lâu lâu cũng tìm được vàng.

Nhóm đi hôm nay có độ 20 mạng. Sau màn tự giới thiệu tên tuổi thì mọi người lên đường. Cái khổ đi leo núi với đám mỹ trắng là chúng cao nên một bước của chúng bằng hai bước của mình nên vài phút sau là thấy bỏ mình lại phía sau, may là họ luôn luôn bố trí một người biết đường đi phía sau để đợi những người yếu chân mới vào nghề đi dã ngoạn trên núi như vợ mình.

Mọi người dừng trước cổng vào đường mòn dẫn đến chiếc cầu vô định cho mọi người có thể đi tiểu trước khi vào vì không còn nhà vệ sinh khi vào rừng. Thấy tấm bản đồ chỉ đường mòn thì mới khám phá ra là cái câu hư không thuộc đất tư hữu, nhưng họ cho phép mọi người đến chơi với điều kiện giữ gìn cẩn thận,… chủ nhân có đến 50 acres. Chắc họ làm chủ lâu đời rồi khi chính phủ xây cầu thì xem như chạy ngang đất của họ, sẽ trả tiền mua vùng đất bị cưỡng chế nhưng sau con đường bị bỏ nên chiếc cầu thuộc về gia đình họ đến giờ. Hả đem lại tiền nong gì cả mà mỗi năm phải đóng thuế điền Trạch. Có lẻ vì vậy họ cho dân đi ngang đổi lại không đóng thuế.

Tại đây thì thấy một đám trẻ căn lều ngủ qua đêm. Có nhiều đám trẻ đeo ba lô vào rừng ngủ lại qua đêm vì thế họ phải báo cho kiểm lâm biết, ngày giờ vào rừng và dự tính ra lại như mình đã làm khi mới đến. Lỡ có chuyện gì thì kiểm lâm cho người đi tìm.

Mình đem theo máy định vị, trả tiền hàng tháng, có chức năng gọi cấp cứu qua vệ tinh thì họ sẽ cho trực thăng đến cứu ngay. Lý do mình có vì vào vườn một mình, lỡ bị gì thì có thể gọi để trực thăng định vị mình đang ở đâu để đáp xuống với đội cứu thương. Lỡ có lạc thì còn mò theo bản đồ của đường mòn mà ra.

Mọi người bắt đầu đi xuống núi theo con đường mòn. Từ trên nhìn xuống thấy con sông San Gabriel chảy ầm ầm tựa như trong phim Rambo. Khi đến bờ suối, sông vì dạo này mùa đông, tuyết chưa tan nên nước cạn, chỉ có độ nước khoảng 20-30 feet thôi nhưng phải cởi vớ ra, mang giày đi rừng lội qua suối vì sợ té. Qua suối lại cởi giày ra để vắt nước, lạnh buốt chân. Trời ngoài 40 độ F mà nước thì còn lạnh hơn.

Xuống núi, không có đường mòn, phải tự tìm
Đường mòn dẫn đi dọc theo con sông (suối vào mùa đông) rồi cứ phải lội qua lội lại đến 8 lần. Cuối cùng leo lên núi lại thì sau 5 dậm mới đến chiếc cầu hư không, nằm chơi vơi giữa trời đất, núi rừng, không có đường nối. Mệt quá thiên hạ, ngồi xuống bên cầu, ăn trưa vừa xem đám trẻ nhảy “bungee Jump”. Họ đeo áo rồi cột sợ dây thừng to ở cầu rồi cho thanh niên thanh nữ, trả 120 đô để nhảy từ trên cầu xuống dòng sông. Kinh

Ăn chưa xong tên nhóm trưởng đến kêu chụp hình rồi đi về. Họ lên đây trước đó cả 30-45 phút, mình đi theo sau, may là xơi được ổ bánh mì gà, trái chuối và hai quả quít vườn.

Đi về mới là châm vì chân mụ vợ bắt đầu nặng như được đeo chì. Mụ không chịu tập mấy động tác giãn gân trước khi đi nên mình sợ bị chuột rút lại khổ mình. Mình thì tập 30 phút để giãn cơ bắp để tránh bị chuột rút trong khi mụ vợ lo nói chuyện với mấy bà. Mụ quen đi độ 3-4 dậm, nay đã quá 5 dậm trong khi mỗi lần mình đi trên vườn độ 5-7 dậm.

Leo lên dốc đá hay xuống mình phải đi trước, đưa tay kéo mụ lên, mụ đi như người mộng du. Kỳ này, lội qua suối không còn sức cởi giày ra vắt nước mà đưa chân lên núi đá, vừa giãn gân vừa để nước trong giày chảy ra. Kinh. Mình có đôi giàu ủng trong xe để lên vườn mà không biết vụ này nếu không sẽ bỏ trong ba lô là khoẻ đời.
Đồng chí gái đang lội qua suối
Rồi cũng về tới bãi đậu xe, thiên hạ bỏ về trước. Mình đem bơ tặng cho vài người trong nhóm rồi lái xe về trong khi mụ vợ ngủ thiếp đi. Về đến nhà thì nhận tin nhắn của tên chủ tịch khu dân cư cạnh vườn mình, báo có nước chảy từ vườn mình. Thế là phải chạy lên vườn, tắt nước.

Về tới nhà, vừa vào nhà là mụ vợ rên, kêu xoa dầu dùm. Mình lấy rượu thuốc ngâm theo toa của 1 võ sư, nổi tiếng một thời ở Sàigòn. Ngồi xoa rượu cho vợ. Thấy thương mụ vợ và phục vì dám leo núi 10.5 dậm thêm đường đi từ bãi đậu xe đến là 13.3 dậm.
Thứ 7, 13.3 dậm
Tắm rửa xong là mình leo lên giường làm một giấc đến sáng nay.

Xong om
Nhs



Ông Đồ

Nhớ hồi nhỏ, học việt-văn có bài ”ông Đồ” của ông Vũ Đình Liên, khiến mình ngu lâu dốt bền vững từ đó vì không bao giờ thấy ông đồ ở Đàlạt, do đó học nhưng chả hiểu gì cả. Chợ Tết Đàlạt không bao giờ thấy có ông nào bận áo dài khăn đóng, ngồi viết câu đối. Thầy bói thì có thấy.

Thật ra nhiều bài học việt-văn khiến mình ngu ngơ. Những bài nói về làng quê, bờ đê, ruộng nương,… dân thị xã nhỏ bé nhưng chưa bao giờ có dịp về quê, để thấy cây đa, luỹ tre làng. Sau này, khi nói chuyện với con về Việt Nam, mặt chúng cứ đực ra như bò đội nón. Làm sao chúng có thể hình dung, cả nhà mấy anh em chuyền tay, đưa nhau mút mút chung cây kem trong khi chúng chỉ cần mở tủ lạnh là có nhiều loại để lựa.

Mấy chục năm sau, mình mới có dịp về quê nội, mới khải thị những gì khi xưa học đi trên bờ đê, nhìn thấy ruộng nương, ao cá, thấy cây đa lần đầu tiên trong đời. Hình ảnh Chùa Thầy trong sương mù, gây cho mình ấn tượng rất đẹp khó quên về quê cha đất tổ.

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực Tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua

Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài:
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa, rồng bay”

Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu...

Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay

Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?

Khi xưa, giấy mực để viết rất đắt tiền nên mình đoán ông đồ cả năm chả viết gì cả, đến khi Tết, có người trả tiền nên mới phóng bút viết loạn cào cào lên vì được trả tiền. Còn Phượng múa rồng bay thì đa số dân quê không biết chữ nên ví von cho vui để tạo dựng cho mình một khí thế là biết đọc chữ.

Tuần rồi, đi chùa Điệu Ngự, thấy gia đình Phật tử tổ chức Tết, tạo dựng các cảnh đầu xuân ở quê nhà nên có người bận áo dài khăn đóng vai ông đồ, ông thầy bói khi xưa chỉ làm tiền 3 ngày Tết, thầy bói thì sống nhờ đầu năm, thiên hạ muốn coi tình duyên gia đạo ra sao.

Ông Đồ và bà Đồ tại chùa Diệu Ngự 2020

Tuổi trẻ của mình thì không thấy hình ảnh này, nay họ lại dựng lại hình ảnh qua những bài việt văn mình học khi xưa. Không biết vì chống cộng sản, mà ông đồ không có giấy đỏ, chỉ viết A B C trên giấy trắng. Chán Mớ Đời 

Ban tổ chức Tết tạo dựng lại những ký ức của thế hệ bố mẹ mình còn thế hệ mình thì chịu, không thấy mấy vụ này nên khó giải thích cho mấy đứa con. Thầy bói thì mình nhớ ở Đàlạt, ngay góc Tăng Bạt Hổ, bên cạnh tiệm cầm đồ Bùi Thị Hiếu, có ông thầy bói bận áo dài đen, khăn đóng ngồi mỗi ngày, cạnh ông sửa giày dép.

Học ca dao thì có:

Số cô chẳng giàu thì nghèo,
Ngày ba mươi tết thịt treo trong nhà.
Số cô có mẹ, có cha,
Mẹ cô đàn bà, cha cô đàn ông.
Số cô có vợ có chồng,
Sinh con đầu lòng chẳng gái thì trai”.

Xem ra bói toán chỉ để an ủi người nghe, nịnh họ một tí. Thầy bói có lương tâm thì bốc phét là đầu năm hên cả năm phát Lộc còn gian ác hơn một tí thì kêu đại nạn, phải cúng giải hạn, tế sao rồi mời thầy về nhà cúng kiến, có một mâm cổ cho thầy ăn. Xong om

Dần dần, dưới thời tây thực dân, thiên hạ học tiếng tây, chữ quốc ngữ nên chả cần đến câu đối nên ông thầy đồ thất nghiệp. Thật ra thời tây sang Việt Nam, chỉ có 5% người Việt là biết chữ. Có nghĩa là biết đọc biết viết sơ sơ, còn loại khá khá hơn thì đi thi để làm quan. Ai rớt hoài như ông Nguyễn Khuyến, được bà vợ nuôi suốt 24 năm trời mới đậu tú tài, rốt cuộc chả làm được gì vì thời Tây, họ cần người biết bạt lê  phăng xe nên bù trớt, ngồi nhà làm vài câu thơ cho qua ngày.

Mình có đọc một tài liệu thời vua Tự Đức, nói về sự mất mát kinh tế của các gia đình Việt Nam, muốn cho con đi học. Cứ tưởng tượng học 4 năm đi thi một lần như ông Tú Xương. 4 năm mất toi của vì không lao động. Đến khi đi thi, phải trả tiền tên đi theo hầu, rồi đi xa,... rớt thì học lại, đợi 4 năm sau.

Mấy người biết chữ, thi trượt hoài thì về, kiếm cách mưu sinh như làm nghề ông đồ, dạy trẻ hay làm thầy thuốc Bắc vì biết đọc chữ tàu, cho uống xuyên tâm liên. Mò mò thêm tử vi hay địa lý thì bốc phét thêm, kiếm thêm tiền của dân làng, cũng sống qua ngày.

Nhìn lại mình thấy cái ác của kẻ có học chút chút khi xưa, thay vì giúp phát triển dân trí trong làng, họ dựa vào những chữ thánh hiền học được để làm kế sinh nhai, tạo dựng ra một văn hoá vớ vẩn, thay vì khai trí người dân, họ lại ngu dân hoá để trục lợi nên mới có trò cúng kiến đủ trò. Nay họ bắt chước, làm lễ hội để ngu dân hoá, trục lợi cho cán bộ.

Nếu thầy giỏi thì chắc chắn đã đậu, cuộc đời thầy đã khá nhưng học tài thi phận vì biết được sao tuổi hạn của mình thì có thể biết trước mà tiến tới. Thầy kêu thất đức, thiên cơ bất khả lộ thì đành bó tay chấm  còm.

Ra hải ngoại, người mình có xu hướng hướng nội, những gì khi xưa ở Việt Nam không để ý, nay thì nhớ mại mại rồi làm lại như tạo dựng lại ký ức. Khi đã không rành thì sự tạo dựng lại ký ức mơ hồ, có thể đưa đến những sai trái và thế hệ sau lại bắt chước sai và từ cái sai ấy dẫn đến những sai lầm lớn hơn sau này.

Mình nhớ dạo mới sang Cali, mua cuốn sách của ông nào tự xưng là đại diện cho dòng Tôn thất. Ông ta kể về văn hoá Việt Nam rồi bồi thêm sang mỹ không ăn trầu được thì nên mời nhau bằng kẹo cao su, thay vì “miếng trầu là đầu câu truyện” biến thành “miếng kẹo cao su là đầu câu truyện”. Chán Mớ Đời

Nay ở hải ngoai, ăn Tết xứ người, có lẻ mình hiểu phần nào tâm sự của ông Võ Đình Liên về hình ảnh ông đồ. Khi già chúng ta hay nhớ về ký ức của tuổi thơ, tuổi trẻ, thấy những hình ảnh xưa đã biến mất như ký ức tuổi thơ đã dần dần chìm vào lãng quên của xã hội không ngừng thay đổi theo bánh xe lịch sử.

Xong om
Nhs

Nhận thức #2 b

Dạo này, Khoa hay cho mình giao thủ với Cường để hiểu thêm về lực toàn thân khiến mình thất kinh vì phải tập luyện 12 năm qua, mới bắt đầu hiểu về Khí lực.

Tư duy của mình thông thường là ăn miếng trả miếng, ai chửi mình thì mình chửi lại tương tự khi giao thủ thì mình có khuynh hướng, muốn chống lại lực của đối phương hay muốn áp đảo họ vô hình trung để lòi ra cái khe hở của mình giúp đối phương áp chế, hay cái tâm của mình còn bị động.

Vợ mình ngạc nhiên không thấy mình reo hò, hét như đi bão khi xem đá banh trong khi ông anh cột chèo của mình thì nhảy lên bú xua la mua, la hét vang nhà khi cầu thủ đá lọt bàn hay hụt. Mình cứ trơ trơ như hải quan phi trường Tân Sân Nhất.

Từ khi mua cái vườn bơ thì mình bổng nhận thấy bấy lâu mình bị tha hoá, không trở về thiên nhiên từ độ rời Paris đến nay. Dạo còn đi học ở Pháp, mỗi ngày mưa gió bão tuyết mình đều vào Bois de Boulogne cạnh nhà để chạy bộ, cuối tuần thì kiếm mấy thằng tây nào để đá banh. Nay thì không thích cỗ đông người.

Mình là một thực thể thuộc về vũ trụ, không gian như người mẹ nhìn con bằng ánh mắt triều mến đầy tình thương thì neuron của đứa bé cũng phản chiếu lại tình yêu của người mẹ. Thiên nhiên đã nhìn mình với tính độ lượng còn con người lại muốn tàn phá thiên nhiên. Lý do mình thích lên vườn là trở về và hòa hợp với thiên nhiên. Mình mua cái vườn để xây 240 căn hộ nhưng vào vườn, bổng nhiên mình giác ngộ về cuộc sống, cuộc đời nên bỏ mộng xây nhà bán.

Mình tập 12 năm qua tại Đông Phương Hội, nhận thấy có nhiều người đến tập hăng say nhưng một thời gian sau lại đi mất biệt, gần đây có một chị biệt tăm mấy năm trời trở lại sau khi chu du khắp đủ môn phái. Chị kêu nội lực tập nội công mấy năm trước đây vẫn còn nhưng hai chân không tập nên yếu hẳn. Mình đoán chắc ngồi thiền nhiều vì theo đông y, chân là phần âm để nuôi cơ thể phía trên được xem là dương. Nếu chân mà yếu thì nội tạng đều yếu theo. Nghe chị ta kể là theo một phái nào kêu là thiền trị bá bệnh nên cứ ngồi nên chân yếu. Chân yếu là đưa đến các mầm bệnh. Trong cuộc đời, trí óc của chúng ta rất khôn, chỉ muốn đi đường tắc, muốn kiếm cái gì dễ dàng chữa bệnh già. Tập được hai hôm, chị ta cũng chạy đi chỗ khác vì tập ở Đông Phương Hội rất mệt.
Trạm Trang Công đứng trên gạch sẽ giúp mình chánh niệm về không gian và hơi thở. Nếu không té học gạch. Cứ tập cái này là đủ, không cần khí công khí không gì cả. Có ông bác sĩ nào tự xưng là vua khí công ở Bolsa, đem vợ lại Đông Phương Hội để chữa bệnh. Chán Mớ Đời 

Dạo này Khoa chỉ mình tập kỹ hơn về các nội công thì thấy rõ ràng sự khác biệt nếu xoắn tay, xiết chân thêm một tí là có thể nhận thấy chân tay nối kết thành một khối với nhau.

Hôm trước Khoa có giải thích mình đi Thái Cực Quyền rất trầm, cái mông như đang ngồi trên ghế thì quá oải nhất là không được thở bằng mồm. Chỉ đi được 2 thế là mình chịu hết nổi, hết muốn thiền định. Hôm qua lên vườn, xem thợ làm hệ thống tưới nước lại, mình đi bộ đến 7.6 dậm nên tới Đông Phương Hội là oải. Đầu năm thiên hạ trốn hết vì đã xem bói ngày giờ đi tập lại nên tập có một mình rất châm. Đang đi Thái Cực Quyền nhưng oải quá thì Khoa đến.

Khoa đi vào thấy vậy, kêu mình phải cố gắng khi mệt vì nếu mình buôn lơi thì cơ thể, ý chí mình không bao giờ thăng tiến được. Những lúc này mới phải cần cố gắng thêm thì mới đạt được. Khoa đi Thái Cực Quyền 8 thức cho mình xem. Đi xong anh chàng đổ mồ hôi như tắm khiến mình muốn đi thử.

Anh chàng, thay vì đứng xem lại đưa tay ra chận tay của mình để xem có tạo lực từ bụng ra, oải nhưng nghe “đúng rồi” khiến mình hăng tiết vịt đi xong 8 thức thì mệt nức nở nhưng tinh thần rất phấn chấn vì đã đạt vì trước đây mình đi độ 2, 3 thức là mỏi chân, hơi thở dồn dập, đi tiếp không nổi. Cuối cùng mình đi được bài Thái Cực Quyền 8 thức đến 62 phút. Kinh

Khi xem thiên hạ bận áo lụa đi Thái Cực Quyền nhẹ nhàng nhưng chỉ là múa còn còn đi Thái Cực Quyền kiểu Khoa hướng  dẫn thì khác vì đi đúng thì cơ thể bắt buộc phải ràng buột với nhau thêm hơi thở nên rất khó.

Trước đây Khoa kêu mình tập đi chậm, thật ra đi chậm kiểu đó là chỉ để tập tính kiên nhẫn nhưng tinh thần không chú tâm lắm đến phát lực toàn thân. Khi phát lực toàn thân thì cơ thể mới ràng buột lại với nhau cộng thêm hơi thở như một khối. Sau 12 năm tập ở Đông Phương Hội, nay bắt đầu hiểu, ngộ ra khiến mình hăng say. Sáng nay thức dậy là làm một tăng Thái Cực Quyền để khỏi quên.

Ông Thích Nhất Hạnh có nói đến tỉnh thức trong chánh niệm nhưng chỉ về tâm thức nhưng theo mình thì tập Thái Cực Quyền hay nội công hay bất cứ cái gì, để ý như tỉnh thức nhưng nếu lực phát ra khi di chuyển và hơi thở đi chung với nhau, liên kết bện chung mới thật sự là nhất thể tuyệt diệu. Nói như kiếm hiệp Tâm Thân Đồng Nhất. 

Chúng ta có thể ngồi tỉnh thức, tập thở bụng, để ý tới hơi thở nhưng khi đi Thái Cực Quyền, vừa phát lực vừa theo dõi hơi thở, vừa để cơ thể trầm xuống như cái lu nước để giúp nước không bị chong chao rớt ra ngoài khi di chuyển mới là điều cực kỳ khó. Lực và khí và tâm thức hoà nhập cũng lúc mới tạo cho mình một hạnh phúc. Hôm qua, có lẻ là lần thứ hai mình giác ngộ về thân thể. Lần đầu khi tập bài Tiểu niệm đầu, được xem là bộ nội công của Vịnh Xuân Quyền trong 45 phút thì nhận ra cơ thể mình chuyển động như cái đồng hồ, từng cử động của chân tay tạo giúp cái máy xoay từ từ đi từng khất một. Lúc đó mới hiểu cơ thể rất vi diệu, mới thương cơ thể của mình. Không nên uống rượu, hay ăn đồ độc hại vì người xưa hay nói bệnh tòng khẩu nhập.

Mình thường nghe thiên hạ nói về tiêu hao và tiêu nạp. Họ cho biết là khi chơi thể thao như đá banh, đánh quần vợt, chạy bộ,…thì sẽ tiêu hao sức lực của mình. Sau đó, cần thời gian tịnh dưỡng, ngủ để lấy lại sức lực còn tập nội công hay Thái Cực Quyền thì tiêu nạp. Sau khi tập chúng ta thấy phấn chấn, không mệt mỏi, có lẻ tình trạng ấy là người ta gọi là Tiêu Nạp chăng?

Sáng dậy làm 36 cái nội công Hồng Gia là tinh thần sảng khoái cả ngày, không cần cà phê. Hôm tước, ở Toastmasters, ngồi cạnh một bà, cầm một bình cà phê to đùng. Bà ta hỏi mình không uống cà phê. Bọn bán cà phê, thuê mấy ông bà tiến sĩ nói có nhiều cái hay giúp bán cà phê. Đọc về khoa học thì không tốt. Về già chúng ta nên tập cái nào tiêu nạp vì sức khoẻ càng ngày càng yếu đi mà chơi những môn thể thao tiêu hao thì khó lấy lại sức. Đừng có Zumba, Bolero gì cả. Cứ kéo nội công rồi Thái Cực Quyền là khóc rồi. Có ông lại cứ chạy ra sân quần vợt, rồi bị đo ván trên sân.

Hôm qua đi được Thái Cực Quyền 8 thức rất trầm, mỏi kinh khủng nhưng mình vẫn ngậm mồm đi, mài hơi thở cho hết bài nhất là ông thần Khoa lại chơi ngang, đưa tay ra chận bắt tay mình lại nhưng mình vẫn bình tỉnh từ từ chuyển tay chân thì lực  trong người được kết nối nên Khoa không chận được. Mình đoán là hơi thở của mình không bị ngắc đoạn hay sợ hải khi bị chận tay lại như trước đây. Theo mình hiểu khi hơi thở bị dứt đoạn trong tít tắt là xem như lực của mình chơi vơi ở chống vô thường. Trong tiệc tắc đó, có thể bị đối phương áp đảo.

Thôi đi thêm một bài Thái Cực Quyền rồi lên vườn làm nghề nông dân lại. Chán Mớ Đời 

Từ khi covid xẩy ra thì ngưng tập. Nay buổi sáng có mấy người tập lại  trong công viên từ 5:30 sáng. Khoa kêu mình đi tập lại. Mừng quá. Mình phải chịu khó chạy ra để tập cho vui vì ở nhà, hay lười.

https://www.facebook.com/pages/category/Athlete/Đông-Phương-Hội-Vịnh-Xuân-Quyền-265133590210969/


Nhs