Làm sao giảm lượng Glucose

 Làm sao giảm Glucose trong huyết quản dù có rất nhiều phương pháp được các bác sĩ, khoa học gia đưa ra nhằm giúp giảm lượng đường trong huyết quản. Cách mà bác sĩ khuyến khích là uống thuốc vì cứ 3 tháng phải trở lại, bác sĩ kê toa lấy tiền công. Một năm 4 lần cả đời như vậy. Chữa lành được một bệnh nhân là mất đi một khách hàng. Bài học vỡ lòng của sinh viên y khoa. Vấn đề là bộ não của chúng ta cần chất đường. Mà tiêu thụ nhiều đường thì lại hại đến các nội tạng khác. Vậy làm sao để biết cân bằng lượng đường của mình. Buồn đời mình đọc cuốn sách của một bà đầm nhưng làm việc tại Hoa Kỳ được gọi là Phương pháp Glucose Goddess của Jessie Inchauspé. 

Bà đầm này giải thích từ việc hiểu cách cơ thể xử lý glucose và tác động của nó đến sức khỏe tổng quát. Glucose (một dạng đường) là nguồn năng lượng chính cho cơ thể, nhưng những biến động lớn—gọi là tăng đột biến glucose—có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, dẫn đến tình trạng thiếu năng lượng, thèm ăn, tăng cân và các nguy cơ lâu dài như kháng insulin và tiểu đường loại 2.

Đọc cuốn này thì mình nhớ lại khi xưa ở Âu châu nhất là Pháp quốc, người ta ăn theo thứ tự như bà đầm phân tích khiến Glucose không tăng như điên dù người Pháp ăn nhiều và lâu. Mỗi bữa cơm với bạn bè là mấy tiếng đồng hồ không như ở Hoa Kỳ, 1 tiếng là xong.

Nhớ dạo mẹ mình mới sang Hoa Kỳ, ở với cô em. Cô em đo lượng đường sau khi mẹ ăn rồi rên đường lên. Mình nói thì ăn vào thì lượng đường phải lên chớ vì có glucose,… nay họ có đồ dán nơi tay để đo lượng đường 24/24 để chúng ta có thể theo dõi lượng đường khi ăn và khi nhịn ăn để cho biết cơ thể phản ứng thế nào khi ăn các chất dinh dưỡng. Nhưng cơ quan chính phủ về y tế chưa chấp nhận cho sử dụng trên thị trường nên ai cần thì tự trả tiền nghe nói đâu $100/ tháng. Cần phải có bác sĩ kê toa thì bảo hiểm mới trả. Muốn được kê toa thì phải uống thuốc. Chán Mớ Đời mình không hiểu lý do. Thường thì nếu người Mỹ giảm số lượng đường của họ thì đỡ tốn tiền cho bảo hiểm nhưng đây họ lại bắt buộc phải uống thuốc làm giàu cho công ty dược phẩm mới cho tiền mua mấy vụ này. Còn không thì bỏ tiền túi đâu $100/ tháng nhưng theo nhiều người lại kêu đỡ hơn tiền họ phải mua thuốc uống này nọ. Mình thấy có lẻ không hoàn toàn lắm

Có ông bác sĩ tải chuyện bệnh nhân ông ta hết bệnh nhờ chế độ dinh dưỡng như trên mỗi ngày 

Để mình kể thêm về sự đột biến của đường sau khi thực phẩm được hấp thụ và quá trình của lượng đường.

Khi chúng ta ăn thì lượng đường cấu tạo trong cơ thể sẽ trải qua 4 giai đoạn:

1/ ban đầu (0-30 phút): nếu ăn tinh bột, đường thì glucose sẽ bắt đầu tăng vọt nhanh. Nếu thực phẩm rất nhiều tinh bột, đường thì lượng đường trong cơ thể sẽ gia tăng rất nhanh. Còn chất béo, chất đạm nhiều thì sẽ gia tăng nhưng chậm hơn.

Biểu đồ cho thấy sau khi ăn là lượng đường vọt lên nhanh tuỳ theo thức ăn. GI viết tắt của Glycemic Index (chỉ số đường huyết). Biểu đồ chỉ 3 loại thức ăn GI cao, trung bình và thấp.

2/  đỉnh cao của glucose (30-60 phút): nếu ăn chất ngọt, tinh bột thì lượng đường sẽ gia tăng đến đỉnh cao là từ 30 đến 60 phút. Còn hấp thụ chất đạm, chất béo thì sẽ gia tăng nhưng không nhanh và cao như ăn tinh bột, đường.

Biểu đồ cho thấy sau khi ăn thì đường lên và sẽ xuống thấp hơn trước khi ăn. Lúc này, cơ thể sẽ báo động là đói. Ai bị tiểu đường là cảm thấy chóng mặt, thèm ăn ngay để giúp lượng đường bình thường lại. Nếu ăn lại liền thì sẽ không bao giờ chữa được bệnh kháng insulin. Bác sĩ khuyên là nên tập chịu khó nhịn ăn cho đúng giờ giấc. Mình hay uống nước ấm trong lúc này, giúp cơ thể ấm hơn vì thiếu đường.

3/ lượng glucose giảm (60-120 phút): sau khi lên đến đỉnh thì lượng đường sẽ giảm rất nhanh, khiến chúng ta mệt và nhất là đói. Nếu chúng ta ăn hổn hợp các chất đạm, chất xơ thì lượng glucose sẽ giảm dần nhưng không nhanh. Không cảm thấy đói nhanh. 

Biểu đồ cho thấy các loại thức ăn được tiêu hoá trong cơ thể tuỳ theo loại thực phẩm mình ăn vào.

4/ bình thường (2-3 tiếng):  lượng glucose sẽ trở lại bình thường, 2-3 tiếng sau khi ăn uống. Nếu ăn tinh bột nhiều thì sẽ khiến chúng ta bị (hypoglycemia), ít đường trong máu, khiến chúng ta mệt và đói lại. Lại phải ăn hay uống.

Theo biểu đồ này cho thấy màu đỏ (thức ăn tinh bột) và màu xanh (thức ăn đầy đủ tinh bột, chất xơ và chất đạm, chất béo). Cho thấy ăn tinh bột vào thì lượng đường lên rất nhanh và nếu chúng ta tiếp tục ăn như vậy thì sớm muộn gì sẽ bị kháng insulin và cao đường. Chỉ cần ăn uống thận trọng lại. Chúng ta thấy biểu đồ xuống thấp hơn trước khi ăn. Lúc này cơ thể sẽ thấy đói nhiều, đòi ăn.
Đỏ là tinh bột, xanh dương là chất đạm và xanh lá cây là chất béo

Sau đây là phân tích chi tiết hơn về các nguyên tắc của Phương pháp Nữ thần Glucose:


Ăn thực phẩm theo thứ tự:

Ý tưởng đằng sau quy tắc này là ăn thực phẩm theo thứ tự ảnh hưởng đến cách cơ thể xử lý glucose. Bà đầm khuyến khích là bắt đầu bằng chất xơ, như crudités mà người Pháp hay ăn, loại cà rốt, dưa leo được thái nhỏ ,.. sau đó ăn chất đạm, protein món chính và chất béo như fromage và cuối cùng là tiêu thụ tinh bột, carbohydrate như tráng miệng nếu thích còn không thì bỏ qua. 


 Tại sao nó hiệu quả: Chất xơ giúp làm chậm quá trình tiêu hóa tinh bột, carbohydrate và hấp thụ đường vào máu. Ăn rau giàu chất xơ trước tiên sẽ đóng vai trò như một “rào cản”, làm chậm quá trình hấp thụ glucose và giảm lượng đường tăng đột biến. Tương tự bác sĩ khuyên là không nên uống nước trái cây vì chỉ là đường fructose mà khuyên chúng ta ăn trái cây thì tốt hơn. Lý do là ăn trái cây thì có chất xơ và sẽ giúp giảm quá trình hấp thụ glucose không làm tăng đột biến lượng đường trong huyết quản. Ăn nhiều quá trái cây cũng không tốt vì đường. Cứ tưởng tượng tinh bột là giấy, chất đạm là các nhánh cây và chất béo là thân cây. Khi ta đốt giấy hay ngo thì cháy rất nhanh và tắt cũng nhanh. Các thanh củi nhỏ thì cháy chậm hơn hơn là giấy hay ngo trong khi các thân cây là chất béo cháy lâu hơn. 

Mẹo thực tế: họ khuyên đang ăn một bữa ăn bao gồm bánh mì, salad và thịt, hãy ăn salad trước, sau đó là thịt, protein và để dành bánh mì (tinh bột) cho bữa ăn cuối cùng. Mình thử trưa nay, ăn cơm ấn độ thì ăn đồ chay trước, rồi thịt, cuối cùng ăn chút Nam với tỏi nhưng nay sợ ớn tinh bột nên ăn chút ít, không dám ăn ngọt. Kiêng ăn tinh bột từ lâu nay nên mình không thèm lắm. 

Thêm giấm trước bữa ăn: uống một thìa giấm (như giấm táo) pha trong một cốc nước lớn trước khi ăn tinh bột được cho là giúp kiểm soát lượng glucose. Vụ này mình có nghe thiên hạ khuyên uống giấm táo mỗi ngày nhưng không hiểu lý do. Theo bà đầm thì bà ta rất ngạc nhiên khi đọc nghiên cứu về vụ này. Họ thử nghiệm thì rất đúng nên bà ta ghi vào trong cuốn sách. Vào tiệm ăn mình hay gọi lý nước ấm rồi bỏ chanh vào uống. 

Lý do tại sao nó hiệu quả: Giấm đã được chứng minh là làm chậm quá trình phân hủy tinh bột thành đường và giảm lượng glucose tăng đột biến. Axit axetic, thành phần hoạt tính trong giấm, giúp giảm chỉ số đường huyết của thực phẩm.

Mẹo thực tế: Uống hỗn hợp này khoảng 10-20 phút trước bữa ăn có chứa tinh bột, như mì ống hoặc bánh mì. Bà ta giải thích khi vào tiệm ăn, lý do người ta đem bánh mì, bơ ra cho mình ăn trong khi đợi các món chính. Lý do là ăn bánh mì trước sẽ tạo ra glucose giúp thực khách hưng phấn nhanh vì đường lên nên sau 1 tiếng ăn cơm, món chính thì đường sẽ tiêu tan và sẽ khiến chúng ta thèm hưng phấn và lúc đó là món tráng miệng, bánh ngọt bú xua la mua. Bà ta nói muốn ăn thì đợi mấy món chính xong thì mới ăn bánh mì. Lúc đó thì nguội mất tiêu. Nên khỏi ăn. Nay mình mới hiểu tại sao thích ăn bánh mì trét bơ. Được cái là bà ta dặn không nên uống nước liền sau khi ăn cơm. Lý do sẽ làm loãng các chất axit giúp tiêu hoá trong bao tử. người Mỹ uống CoCa hơi nhiều. 

Nhớ khi xưa, hàng xóm có một chị học trường Bùi Thị Xuân, dáng người khá đẩy đà, chị của một tên cở tuổi mình, quên tên. Hắn hay hát “cớ sao buồn này KIm”. Một hôm thì được tin chị nó chết vì uống giấm để giảm cân. Hóa ra người xưa, đã biết vụ này, uống giấm để giảm lượng đường nhưng vì không hiểu rõ nguyên lý nên chị ta uống quá độ nên cơ thể bị lộn xộn mà qua đời vì muốn ốm. Các cô gái Đà Lạt khi xưa, nhiều cô má Hồng xinh xinh nhưng cũng nhiều cô bự con.

Kết hợp tinh bột với chất đạm hoặc Chất béo:

Thay vì chỉ ăn tinh bột (ví dụ, ăn một lát bánh mì hoặc mì ống), bà đầm khuyên nên luôn kết hợp chúng với một nguồn chất đạm hoặc chất béo lành mạnh. Thực hành này giúp làm chậm quá trình tiêu hóa và giảm lượng đường trong máu tăng đột biến. Kiểu ăn bánh mì thịt hay cơm với thịt giúp giảm lượng đường tăng đột biến. Vẫn có lượng đường vào cơ thể nhưng sẽ tránh được đường tăng đột biến quá nhanh. Lâu ngày sẽ khiến cơ thể bị kháng insulin. Nhớ khi xưa ra Bolsa mua hai ổ bánh mì nóng hổi, lái xe về nhà thì bay mất một ổ trong xe. Nay sợ hết dám ăn bánh mì. 


Lý do tại sao nó hiệu quả: Chất béo và chất đạm, protein làm chậm tốc độ đường từ tinh bột đi vào máu, giúp điều hòa lượng glucose. Xem như ăn toàn tinh bột không thì sẽ tạo ra đường đưa ngay vào huyết quản còn ăn chung với chất đạm và chất xơ thì hai loại này giúp cản lượng đường được đưa vào huyết quản nhanh chóng, không tạo đột biến lượng đường. Về già nên mình cũng ăn bớt lại tinh bột. Có chị nào giới thiệu gạo Thái Lan ngon. Mình mua một bao về ăn mỗi bữa 3 tô cơm với nước mắm hay thịt kho nên sau 3 tháng đi khám nghiệm máu thì đường tăng như điên. Nay phải hạn chế lại. May quá bao gạo hết nên không dám mua nữa. 

Mẹo thực tế: Nếu ăn bánh mì, hãy thêm bơ hoặc phô mai. Nếu ăn chuối, hãy kết hợp với một nắm hạt đậu. Khi xưa, mình tin là ăn bơ, chất béo không tốt nên khi được người ta đem món chính ra, chỉ ăn bánh mì không. Mấy tiệm cơm Ý Đại Lợi, thường họ để dầu olive với một loại giấm đen, balsamic vinegar. Không nên ăn giấm đó vì họ bỏ đường rất nhiều. Nay vào tiệm, họ đưa xà lách ra thì mình kêu đem dầu olive và dấm hay chanh ra cho mình thay vì ăn 3 dầu họ trộn vì toàn là đường không.


Ăn sáng đồ mặn:

Bà đầm đề nghị nên bắt đầu ngày mới bằng bữa sáng ít đường và tinh bột. Nhiều loại thực phẩm ăn sáng phổ biến, như ngũ cốc, bánh ngọt và nước ép trái cây, có thể khiến lượng đường trong máu tăng đột biến, có thể dẫn đến tình trạng thiếu năng lượng và thèm ăn vào cuối ngày. Nên nhớ là vụ Oat meal là do ông Kellogg làm ra cho thiên hạ ở khu nghỉ dưỡng ăn và bán cho người Mỹ nên thiên hạ cứ ăn mà không hỏi lý do vì nghĩ giàu có ăn thì mình ăn. Khi xưa, mình nghĩ cho con ăn oat giúp chúng chóng lớn. Ai ngờ toàn đường. May chúng đi bơi mỗi ngày nên cũng không béo phì.


Lý do tại sao lại hiệu quả: Bữa sáng mặn, giàu chất đạm và chất béo (ví dụ: trứng, rau, bơ) giúp duy trì mức glucose ổn định, giúp duy trì năng lượng trong suốt cả ngày.

Mẹo thực tế: Thay vì ăn granola hoặc bánh mì nướng có đường, hãy ăn trứng rán với rau hoặc sữa chua Hy Lạp với các loại hạt và hạt.


Vận động sau bữa ăn:

Bà đầm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc vận động sau bữa ăn để giúp cơ bắp sử dụng hết glucose được cơ thể tạo, giảm nguy cơ tăng đột biến lượng đường trong máu. Điều này không đòi hỏi phải tập thể dục cường độ cao—chỉ cần đi bộ sau bữa ăn cũng có thể tạo ra sự khác biệt lớn. Mình nhớ khi xưa, có quen một ông Tây, từng tham chiến tại Việt Nam. Đến nhà ông ta chơi, ăn cơm thì sau bữa ăn, thấy ông ta đi bộ.


Lý do tại sao nó hiệu quả: Sau khi ăn, cơ thể chuyển hóa thức ăn thành glucose để tạo năng lượng. Tập thể dục nhẹ, như đi bộ, giúp cơ bắp hấp thụ glucose, giảm lượng glucose lưu thông trong máu và giảm lượng đường tăng đột biến.

Mẹo thực tế: Đi bộ nhanh trong 10-15 phút hoặc tham gia các hoạt động thể chất nhẹ nhàng, như dọn dẹp nhà cửa, sau khi ăn. Mình hay tập Thái Cực Quyền sau khi ăn.

Nhìn hình thấy ông già 68 tuổi tóc bạc đeo ba lô leo núi. Để leo núi mình phải tọng các energy bar có rất nhiều đường để leo. Sau đó thì ngưng vì không muốn đường đột biến trong người. Nay về lại nhà thì ăn uống cẩn trọng lại. 

Tránh đồ ăn vặt ngọt giữa các bữa ăn:

Ăn vặt các loại thực phẩm có đường giữa các bữa ăn, như bánh ngọt, sô cô la hoặc nước trái cây, có thể gây ra tình trạng tăng đột biến glucose không cần thiết. Cơ thể buộc phải liên tục xử lý glucose, dẫn đến tình trạng năng lượng giảm mạnh và thèm ăn nhiều hơn. Khi xưa, người Mỹ ăn ngày 3 bữa nay thì con nít ăn đủ thứ, ngày đến 6, 7 lần nên béo phì ra vì lượng đường luôn luôn cao mà không tập thể dục.


Tại sao nó hiệu quả: Bằng cách tránh đồ ăn vặt chứa nhiều đường, cho cơ thể thời gian để duy trì mức glucose ổn định giữa các bữa ăn, ngăn ngừa tình trạng glucose tăng vọt thường dẫn đến mệt mỏi và ăn quá nhiều.

Lời khuyên thực tế: Nếu cần ăn vặt, hãy chọn các lựa chọn các món giàu chất đạm như một nắm hạt, pho mát hoặc trứng luộc. Nhớ bên Tây, thiên hạ vào quán cà phê hay ăn trứng luộc.


 Lợi ích của Phương pháp Glucose Goddess:

Mức năng lượng ổn định hơn: Ít tăng đột biến lượng đường trong máu có nghĩa là ít bị sụt giảm, dẫn đến năng lượng ổn định hơn trong suốt cả ngày. Mình nghe mấy người bạn bị tiểu đường kể là phải có đem theo kẹo này nọ để khi lượng đường giảm thì ăn để đường khỏi bị tuột. Có thể chúng ta nên thử ăn bớt tinh bột dần dần đừng có bỏ cái rụp là chổng khu luôn. Mình nghĩ nên mua cái máy đo đường nhìn qua ứng dụng sẽ biết rõ khi nào cần đường hay khi đường lên.


Giảm cảm giác thèm ăn: Khi mức glucose ổn định, não không phát tín hiệu để cung cấp năng lượng nhanh chóng (như đường), do đó chúng ta sẽ ít cảm thấy thèm ăn hơn.

Quản lý cân nặng: Mức glucose ổn định giúp ngăn ngừa tình trạng tích trữ chất béo và ăn quá nhiều. Khi lượng đường trong máu tăng đột biến và sụt giảm, cơ thể có nhiều khả năng tích trữ chất béo, đặc biệt là xung quanh bụng.

Sức khỏe trao đổi chất tốt hơn: Giảm các đợt tăng đột biến lượng glucose thường xuyên có thể cải thiện độ nhạy insulin, giảm nguy cơ mắc các vấn đề về trao đổi chất như kháng insulin và tiểu đường loại 2.


Phương pháp này dựa trên sự hiểu biết rằng các đợt tăng đột biến lượng glucose kích hoạt giải phóng insulin, một loại hormone giúp các tế bào hấp thụ đường. Khi các đợt tăng đột biến lượng glucose thường xuyên, mức insulin vẫn ở mức cao, dẫn đến tích trữ chất béo và có khả năng kháng insulin. Bà Inchauspé dựa trên các nghiên cứu khoa học về phản ứng glucose của cơ thể để hỗ trợ các lợi ích của phương pháp hấp thụ dinh dưỡng này.


Một trong những điểm mạnh của Phương pháp Nữ thần Glucose là nó không phải là chế độ ăn kiêng quá hạn chế. Ta vẫn có thể ăn những thực phẩm chúng ta thích (bao gồm tinh bột), nhưng bằng cách thay đổi thứ tự ăn và thực hiện những điều chỉnh nhỏ như thêm giấm hoặc chọn bữa sáng mặn nghĩa là ít tinh bột, có thể kiểm soát lượng glucose tăng đột biến. Mình nhớ bên Bỉ hay Hoà Lan, sáng thiên hạ ăn phô mát, thịt jăm-bông này nọ. Chỉ có bên Tây là ăn bánh mì nướng với bơ và confiture. Còn Hoa Kỳ thì cái đĩa to đùng đủ thứ. Buổi sáng thì có hiện tượng bình minh, đường lên cao dù chưa ăn gì cả. Có lẻ để giúp cơ thể mới thức dậy, có cảm giác hưng phấn để đi làm này nọ. Giáo sư Sinclair, đại học Harvard khuyên không nên ăn sáng trước 10 giờ sáng. Lý do là từ 5-9 giờ sáng, hiện tượng bình minh này xuất hiện, lượng đường lên cao nên khi ăn sáng thì sẽ giúp đột biến lượng đường.


Phương pháp này tập trung vào sự cân bằng, tính linh hoạt và những thay đổi thiết thực mà bất kỳ ai cũng có thể áp dụng, thay vì áp dụng các quy tắc ăn kiêng cực đoan. Nhiều người thấy dễ dàng kết hợp những mẹo này vào thói quen hiện tại của họ mà không phải từ bỏ những món ăn yêu thích.


Mình sẽ kể thêm về cách áp dụng những mẹo này vào các loại chế độ ăn uống.


Bài viết công phu, dẫn giải thuyết phục trên cơ sở khoa học, cho thấy tầm quan trọng của chế độ dinh dưỡng và cách thực hành. Thuốc men + dinh dưỡng + luyện tập thể lực có mối liên kết  chặt chẽ như 3 cạnh của một hình tam giác. Không thể xem nhẹ yếu tố nào. 

Hồi ông xã V còn, mỗi lần có hẹn gặp bác sĩ, ông bác sĩ luôn nhắc là phải dẫn V theo. Ông cần hỏi gì, dặn dò điều gì thì cứ nói với V. Có lần, ông dặn về mua giấm táo nhưng phải là loại có đóng con giấm ở đáy chai, mỗi ngày đong 2 tablespoons cho ông xã V uống trước bữa ăn khoảng 10'. Ban đầu, ông xã V kịch liệt phản đối vì không chịu được mùi giấm, dù V đã pha thêm nước cho bớt nồng. Năn nỉ hoài, ông bịt mũi ực một hơi. Đến ngày thứ năm kể từ ngày bắt đầu "cực hình",  về tới nhà, ông hỏi đã pha nước giấm sẵn cho ông chưa. Ông bảo có thấy khỏe hơn. Thực tế là số đo huyết áp mỗi sáng V  ghi nhận có giảm so với trước khi theo liệu trình giấm táo. 2 ngày gần nhất và những ngày sau đó, số đo ở khung 120/80 trước khi ăn. Có ngày đo được 118/80. Theo liệu trình này 15 ngày, thì V ngưng 1 tuần, vì sợ chất chua ảnh hưởng bao tử. Sau 1 tuần thì tiếp tục. 


Dùng rau trước tiên như là một cách lót cho lưng lửng bụng. Măng tây đút lò, đậu que, bắp cải xào dầu olive hoặc cải xanh, cải thìa luộc trộn dầu mè....Ông cứ làu bàu : riết rồi ông thấy ông giống như thỏ, dê, hay trâu bò vì được cho ăn rau không

Còn phần carb thì có gạo nâu basmati trộn với ít quinoa.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Leo núi Bà Lâm Viên


Nhớ năm lên 8, Đà Lạt có phong trào hành hương lên Núi Bà, lấy nước Cam Lồ về uống. Họ phao tin và bán hình Phật Bà về trên núi Lâm Viên khiến dân thị xã chạy lên núi xem Phật Bà và mua hình về để thờ trên bàn thờ. Nhà mình cũng có mua một tấm ở tiệm ảnh Hồng Châu, gần cầu thang chợ Đà Lạt và bỏ trong khung kính Phật Bà đăng Vân để trên bàn thờ. Chỗ khu bán hàng lưu niệm cho du khách trên khu Hòa Bình, bầy bán hình Phật Bà đầy tiệm như bánh mì mới ra lò. Thường người ta gọi núi Lâm Viên, Tây gọi là LangBiang nhưng dân Đà Lạt gọi núi BÀ. Có lẻ từ dạo nghe đồn có Phật Bà về trên đó.

Mệ ngoại mình đi chùa Linh Quang và chùa Linh Sơn nên có ghi danh đi hành hương lên núi Bà. Mình phải đi theo để xách giỏ trái cây và bông hoa cho mệ đem lên núi cúng. Hai mệ cháu đem theo ổ bánh mì Vĩnh Chấn, có đem theo đòn chả An Lộc nhưng mệ đưa cho một bà quen bỏ trong giỏ. Hai mệ cháu đi bộ qua vườn ông Ba Đà rồi đến ngã Ba Chùa, leo lên dốc Hàm Nghi, rồi lên xe đò Chi Lăng, đậu trước cổng chùa Linh Sơn. Đến giờ mấy bà già nói nhau về Phật BÀ linh thiêng ra sao đó mình không hiểu lắm, chỉ vui được ngồi xe đò là vui. Xe chạy đâu đó rồi ngưng lại dưới chân núi. Mọi người xuống xe, rồi theo con đường mòn lên núi. 

Dạo ấy, lính Mỹ chưa sang nên đài radar chưa được thành lập, nên chưa có đường chạy xe lên núi. Mình nhảy xuống xe, cầm cái giỏ đựng nhang đèn cầy rồi đi theo mấy ông trong khi mệ ngoại đi sau với mấy bà. Lâu lâu đi trên đường mòn nghe mấy ông hú ơ ơ như để báo đi tới đâu vì đường mòn ngoằn ngoèo để giúp thiên hạ đi sau không sợ lạc. Nhìn quanh nhìn quất không còn ai đi bên cạnh, họ đi nhanh lên trước. Mình đi một mình lên. Mấy bà đi sau. Cuối cùng mình lên đến đỉnh không thấy Phật bà ở đâu cả, chỉ thấy có cái trang và hai ông đứng quét cái trang và thắp hương. Thấy cái tượng Phật bà mà nhà mình mua tấm ảnh để bàn thờ. Hóa ra họ chụp cái tượng nhỏ này trong mây và kháo nhau là Phật bà hiện về. Trên núi thì có sương mù như hồ Xuân Hương vào buổi sáng mùa tựu trường. Nếu mình chụp hình đứng đó chắc cũng đăng Vân như tề thiên. Chán Mớ Đời 

Đói bụng nhưng mệ ngoại đi sau nên mình ngồi đợi với bụng đói meo trong khi hai ông kia ngồi ăn cơm vắt như tra tấn thằng bé 8 tuổi. Chán Mớ Đời, mong mệ ngoại lên mau. Cuối cùng mệ ngoại lên nhưng chưa cho ăn, kêu đem cái bình bông ra, bỏ bông vạn thọ vào rồi thắp hương xong xuôi mới cho ăn ổ bánh mì chả lụa, xịt chút tương. Ngon chi lạ! Rồi mọi người lục đục đi xuống núi, ghé lại con suối để lấy nước Cam Lồ. Mình lấy cái bình nhựa múc nước vào rồi đậy nắp lại bỏ trong giỏ vác trên vai lên xe đò. Về nhà, mệ ngoại để bình nước suối Cam Lồ lên bàn thờ cúng. Sau đó rót cho mình uống một ly nhỏ khiến mình học ngu đến ngày nay.

Lớn lên mới hiểu dạo ấy, Việt Cộng nằm vùng phao tin trừ Ma Quỷ (Mỹ Qua) vì chính phủ Johnson muốn đổ bộ lính Mỹ tại Việt Nam, để dứt điểm cuộc chiến thay vì dây dưa. Xem phim thời sự, thấy mấy cô gái việt, choàng vòng hoa cho các lính Mỹ, đến Việt Nam đánh đuổi Việt Cộng. Họ kêu nhà nào cũng phải vẽ dấu Phật giáo hay công giáo trước cửa để trừ ma quỷ đến bắt con nít. Núi Lâm Viên là địa điểm quân đội Mỹ đặt đài radar để kiểm soát không phận miền Tây Nguyên. Hình như có một đài khác ở Lạc Dương thì phải gần Đức Trọng. Sau này, cứ tối nhìn lên núi Bà là thấy đèn của quân đội Hoa Kỳ đóng trên đó. Rồi nghe đài Mẹ Việt Nam vang trong đêm tối ở nhà hàng xóm tạo cho mình một cảm xúc khó hiểu về chiến tranh. 

Có dạo một anh quen ở Đà Lạt, hỏi mình sao không về Đà Lạt leo núi Lâm Viên, mình nói 60 năm trước đã leo rồi. Nói cho ngay núi cao nhất Việt Nam là Hoàng Liên Sơn, thấp hơn ngọn núi Baldy của vùng này. Ngày nay, họ có dịch vụ chở du khách lên đỉnh Lâm Viên bằng xe Jeep của Việt Nam Cộng Hoà và Mỹ ngày xưa. Mình có ngồi xe lên núi với mấy đứa con nhưng khi xuống thì đi bộ cho rẻ tiền.

Nhiều khi mình tự hỏi, về già bổng thích leo núi. Có phải để tìm lại những vết chân xưa khi mỗi cuối tuần, mình phải vào ấp Sòng Sơn, đem gạo và thức ăn cho mấy người làm vườn trong Suối Tía. Mình rất ghét cuối tuần dạo đó. Thứ 7 và chủ Nhật, sáng mình ra chợ phụ dọn hàng cho mẹ mình. 18 năm sinh sống tại Đà Lạt, mình lúc nào cũng thấy mẹ mình có bầu nên sáng phải ra chợ phụ mẹ dọn hàng, cả bà cụ vác cái bầu cuối xuống khó khăn. Mẹ mình có bầu được 15 lần và sinh được 12 người con. Lý do đem gạo vì mua nguyên bao, mấy người làm vườn ăn rất lẹ, hay cho ai hay bán lại cho các người làm vườn bên cạnh nên mình phải đem gạo vào tiếp tế mỗi tuần. Biết đâu lại tiếp tế cho nằm vùng. Tối tối mấy ông kẹ ra kêu nấu cơm. 

Sau đó, đem 5 kí gạo và rau cải vào vườn, tiếp tế cho hai cặp vợ chồng làm vườn, ở trong vườn. Chú Hai và chú Nhị là anh em, lấy vợ từ Quảng Ngãi chạy giặc vào Đà Lạt, bà cụ thuê làm vườn. Trong vườn có cất cái nhà gỗ thông nhỏ, 2 gian, lợp tôn. Sau Mậu Thân thì chú NHị đi lính Địa Phương Quân còn chú Hai thì biệt tích. 1 năm sau thì chú Nhị chết trong khi thím Nhị có bầu. Chán Mớ Đời từ đó mình không gặp lại gia đình này. 

Vác 5 kí gạo và xách giỏ đồ ăn leo lên cầu thang chợ, mò lên đường Thành Thái, qua rạp Ngọc Lan, gần đến gần đường Cường Để thì có mấy thang cấp xuống cầu Bá Hộ Chúc bên cạnh ấp Ánh Sáng. Theo đường Bà Triệu lên đến đường Yersin, đi vòng 1 tí đến đường Đào Duy từ mà dân Đà Lạt gọi là Dốc Nhà Bò. Có lẻ khi xưa người ta nuôi bò ở khu vực này. Mình bò đi xuống dốc vì trơn, đi ngang nhà ông Lãm hình như họ Phí, quen ông cụ mình vì cứ Tết là hay dẫn mình vào thăm gia đình ông này. Mình sợ đi vào xóm này vì có mấy tên hay chận đầu bợp tai mình mình. Mình thì bắt chước Đơn Hùng Tín, bị tát tai cũng trơ trơ rồi đi. Nhờ vậy khi thiên hạ chửi mình, mình cũng chỉ cười. Chúc phúc cho họ.

Sau này mình có gặp lại tên Tiến Vinh, nhớ mại mại tên này hay chận đường mình ỷ thế có đám trong xóm này. Tên Vinh này học Yersin trên mình một lớp, hình như sau này có qua Văn Học. Nay ở San Diego, không dám bắt nạt mình nữa. Sau này để tránh bị bợp tai, mình phải đi đường Pasteur, xa hơn rồi quẹo trái đường Triệu Việt Vương, đến đồn Quân Cụ, nơi chú Ba, rể bà Cáp cạnh hàng mẹ mình, đóng ở đó. Có con dốc đường đất đỏ cao đùng, phía trên có cái bảng đề Ấp Sòng Sơn, Suối Tía. Hết cái dốc thì có con đường chỉ thấy xe máy cày và xe be vào chở cây hay chở bắp sú.

Đi qua cổng ấp Sòng Sơn thì có con đường của xe be nên xình lầy, với các dấu bánh xe dẫn đến một cái trang thờ ai đó. Chỗ này mình rất sợ vì mỗi lần đi ngang là nghe gió lạnh lạnh, lén nhìn vào cái trang thấy ai thắp hương đỏ lên đỏ xuống với làn gió. Đi độ 1 cây số thì đến con đường đi xuống vườn của nhà mình. Ông bà cụ mình kêu xe máy cày ủi con đường này để xe chở hàng Desoto, có thể xuống đây mỗi lần có bắp sú hay khoai Tây để chở đi bán. Hình như bà Marcel mua sú và khoai Tây sớm từ mẹ mình. Bà này giỏi, tự lái xe hàng khi xưa để lấy hàng. 

Sợ nhất là mùa mưa, không phải tưới khoai Tây hay bắp sú nhưng đi vào vườn là một đoạn đường vất vả vì đường trơn trợt, xình lầy. Vào vườn là khoảng 11 giờ, đưa gạo cho thím Nhị nấu cơm với thức ăn. Mình phải ở lại để trông chừng mấy người làm vườn để xem họ có hái sú hay khoai Tây bán cho ai đó. Ngoài ra mỗi tuần chỉ tiếp tế 5 ký gạo vì mua nguyên tạ vào thì mau hết nên tiếp tế từ từ. Có thể mấy người làm vườn đổi gạo lấy thức ăn với ai đó. 

Trưa thì mình ăn cơm với hai cặp vợ chồng làm vườn. Nói đúng hơn chỉ có bắp sú luộc chấm nước mắm. Khi được mùa khoai Tây thì ăn khoai Tây nên sau này mình không thích ăn khoai Tây gì lắm. Có lần họ giết được con heo rừng, ăn ngon cực. Heo rừng hay ra ban đêm ủi mấy luống khoai nên họ dăng bẩy bắt. Ngày xưa, nhà làm vườn mình ăn bắp sú mệt thở, nay có vườn bơ thì ăn bơ mệt thở. Ăn xong thì mình phụ thím Nhị và thím Hai, cắt khoai Tây để ủ ra giống để trồng. Độ 2, 3 giờ thì vác bắp sú về cho nhà ăn. Đi bộ từ vườn, qua Triệu Việt Vương, đường Pasteur, quẹo về đường Yersin, Lê Quý Đôn, rồi Hải Thượng, Hai BÀ Trưng. Nghĩ lại không hiểu sao, 8, 9 tuổi mình vẫn đi được con đường từ chợ Đà Lạt vào Suối TÍa rồi bò về nhà. Có lẻ quen đi bộ xa nên nay mình hay thích bò lên núi, trốn vợ la. 

 Có lẻ đã kinh qua vụ làm vườn nên trời Phật cho mình đi trước 75, không phải đi thuỷ lợi, thanh niên xung phong, kinh tế mới sau 75 như em mình sau này. Cả tuần bắp sú luộc chấm nước mắm với 1 quả trứng luộc bầm trong chén nước mắm. Thêm nhà mình có một dàn su do ông Hai làm rồi dọn đi, gia đình mình tiếp thu, cứ hái đem vào thái ra xào. Lâu lâu thấy có xào với thịt bò. Đến nay mình ớn lắm, không dám ăn lại từ khi rời Đà Lạt 50 năm về trước. Để đổi món mình có trồng đậu hòa Lan và cà chua ở nhà ăn. 

Được cái là mình có thể đi vòng vòng qua bên con suối, phía bên đó thì trồng bắp sú. Đêm đêm heo rừng hay ra lủi mấy luống khoai Tây. Nước suối Tía lạnh cóng, mùa khô thì dùng máy bơm nước Kubota để bơm lên tưới sú và khoai Tây. Trời nắng thì mình hay cởi trần tắm nơi suối, lạnh kinh hoàng nhưng đỡ phải tắm nước nóng tại nhà. Ở nhà tắm thì phải nấu cái ấm bằng nhôm, đâu 1 hay 2 lít nước, rồi chế vào chậu pha với nước mưa để tắm. Quen tắm hà tiện nước nên sau này mình cũng hà tiện nước khi tắm. Xem như mình thuộc dòng keo kiệt từ bé, không như con mình ngày nay. Chán Mớ Đời 

Năm Mậu Thân, Việt Cộng đánh vào Đà Lạt, chú Nhị bị động viên, không ai trông coi, làm vườn nên bà cụ ngưng không làm vườn nữa, giải phóng cuộc đời phụ làm vườn, tiếp tế lương gạo cho người làm vườn hàng tuần của mình. 3 năm trời, không có cuối tuần chạy chơi với đám hàng xóm. Cứ thứ 7, chủ Nhật vào vườn xong, đi bộ về nhà là oải rồi, chỉ biết ăn cơm rồi ngủ. 

Hôm trước, leo đỉnh Whitney xong, bò về lều, ngủ một giấc đến 12 tiếng. Sáng thức giấc, ngẫm lại cuộc đời leo đồi núi từ khi ở Đà Lạt đến nay. Mình đã lên núi Alpes của Pháp quốc như Chamonix, Dolomites của Ý Đại Lợi, các núi ở Thuỵ Sĩ như Zermatt, núi bên Áo Quốc, đặc biệt là ngọn núi thần thoại Olympic mà nhà thơ Hy Lạp Homer đã kể. Nhớ lên đó với cô bạn người Mỹ, khi đi chơi rồi mướn đồ trượt tuyết, không có ai hôm đó, chỉ có mình và cô bạn. Đẹp kể gì. Thời đó HY Lạp còn nghèo, trong tuần nên chả có thằng Hy Lạp nào bò đến. Thậm chí mình còn đến viếng dãy núi Caucase ngày xưa bị ông Tây bà đầm bắt học thuộc lòng ở Georgia.

Sau này, về già bò lên được đỉnh Kilimanjaro mà ông Hemingway tả hay con đường mòn Inca của nền văn minh đẹp này. Các địa danh núi đồi của Hoa Kỳ thì đa số mình đã có đi viếng rồi. Tuần vừa rồi đỉnh Whitney là cuối cùng muốn thực hiện.

Nay thì mình muốn đi bộ như hành hương với đồng chí gái, vì leo núi cao thì mụ vợ lên không nổi hay ăn ngủ dưới đất khiến mụ không chịu. Đã quên những ngày lênh đênh trên biển và năm tháng ngày tại trại tỵ nạn. Đi bộ thì chỉ độ 20-30 cây số mỗi ngày, không núi đồi cao lắm nên cũng dễ đi cho đồng chí gái.

Tấm ảnh này khiến nhớ năm tháng tại Paris.

Có hai con đường hành hương mà tụi này tính đi là Shikoku, viếng thăm 88 ngôi chùa ở Nhật Bản và Camino di Compostella. Hy vọng sang năm, hai vợ chồng có thể giang hồ như Quách Tĩnh và Hoàng Dung.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Bất đáo Whitney phi Sơn Đen


Để tập luyện leo đỉnh Whitney, mình leo núi xung quanh vùng nam Cali mỗi thứ 2, còn trong tuần thì tập Đông Phương Hội mỗi sáng. Để chuẩn bị trước ngày đi 1 tuần, mình ăn uống đàng hoàng để có sức mà lên.

Sau khi tập Đông Phương Hội 90 phút mỗi ngày, mình lái xe lên núi Baldy, leo đỉnh San Antonio trong suốt 1 tuần đến Chán Mớ Đời. Đỉnh này được xem là cao nhất vùng này nhưng chỉ có 10,000 cao bộ anh trong khi đỉnh Whitney phải lên 14,000 cao bộ. Mình nói lên đỉnh San Antonio có 2.5 tiếng mà đi với đồng chí gái thì mất 5 tiếng lên. Mình ngưng leo núi độ 2 ngày trước khi đi, để dành sức cho 3 ngày 2 đêm lên đỉnh mà mình cố leo lên từ 8 năm qua. Đã kể trong hành trình 8 năm lên đỉnh Whitney.

 https://www.muctimsonden.com/2024/09/hanh-trinh-leo-inh-whitney.html

Kỳ này, ra REI thì khám phá ra có được $160 tiền họ cho lại nên mình sắm một cái quần leo núi lần đầu tiên vì mình bận toàn quần làm vườn để leo núi. Phải công nhận quần leo núi, bận thấy sướng thật, nhẹ nhàng, không chật chội như quần làm vườn. Đi leo núi với mấy người bạn thấy họ bận mà thèm. Phải công nhận có quần này, leo lên không vướng, dễ dàng hơn.

Ngày 091024: sau khi tập Đông Phương Hội xong về nhà, chuẩn bị lên xe đi đến thị trấn Long Pine, ngủ lại đêm, ngày mai hẹn với hướng dẫn viên vào 7:30 sáng. Tới nơi, bò đi tiệm mua 1 galon nước để chuẩn bị cho ngày mai. Ai ngờ cả tối đó mình uống gần hết galon. Tuần vừa rồi, không hiểu sao Cali nóng kinh khủng, lên 112F, cháy khắp nơi. Mình lo sợ như mấy năm trước, bị cháy rừng, lại hoảng nên xem ứng dụng thời tiết Cali.

Sáng hôm sau, ghé Carl Jr mua một cái burito ăn và đem hai bình nước vào xin nước lạnh. Ra gặp anh hướng dẫn viên, xét hành trang. Quên đem cái nĩa và cái tô để ăn ở trại nên phải ghé vào tiệm mua. Hành trang dù đem rất ít vẫn nặng 30 cân anh, chưa kể 5 lít nước mang theo. Càng lên cao mình càng khát nước. Càng uống càng khát càng tè nhiều. Chán Mớ Đời

Trước tiệm mua cái tô và cái nĩa nhựa, phía sau là dãy núi Sierra, có đỉnh Whitney
 Sau đó bắt đầu lái xe lên bãi đậu xe ở cổng. Họ đang sửa chửa đường nên có khúc phải đi vòng. Đi vòng vèo mới tới nơi, đậu xe, khoá lại, thức ăn không để lại trong xe, vì gấu có thể bò ra đập bể xe. Mình thấy thiên hạ tải hình ảnh trên mạng vụ này. Họ có mấy tủ bằng sắt to đùng gần đó để trữ thức ăn để tránh gấu đập xe.
Chỗ cổng trại, có cái cân để xem mình đem theo bao nhiêu. Nếu nhiều quá thì bỏ lại. Mình đem theo 35 cân anh kiêm cả 5 lít nước. Dọc đường có suối nên có châm vào bình thêm mấy lần. Trung bình uống 6 lít nước mỗi ngày
Cổng lên đỉnh. Thật ra lúc xuống mới chụp chớ lúc đi lên thì không có thư giãn lắm. Kinh nghiệm lần trước

Vác ba lô đến cổng trại. Đường nhẹ nhàng lúc đầu nhưng đến khúc quẹo qua đi đường mòn John Muir đi lên thì bắt đầu khó khăn thêm. Băng suối vượt cây. Có một đoạn, anh hướng dẫn viên kêu đội mũ bảo hộ, và đeo giây lưng an toàn vào. Bảo mình đợi để anh ta chuẩn bị dây an toàn để leo qua khu khá nguy hiểm. Có hai tên Mỹ trẻ đến trước, đứng nhìn rồi lắc đầu, kêu bỏ cuộc, quay về. Mình thấy họ khôn, vì trợt chân là bay xuống núi. Năm nay nghe nói đã có 3 người làm ngoạ hổ tàng Long, bay xuống núi như Kiều Phong. Đi leo núi, quan trọng không phải đạt đến đỉnh mà trở về an toàn với vợ con kiêng cường, ở nhà đợi tin. Sáng trước khi đi, đồng chí gái nhân dân, kiên cường dậy sớm, ôm chồng, tuy không nói nhưng mình hiểu cô nàng lo lắng. Cô nàng biết ý mình, khi làm chuyện gì thì phải làm đến cùng, không bỏ cuộc.

Anh hướng dẫn viên chuẩn bị dây thừng để leo qua vùng bên kia, phía sau lưng anh ta. Nhớ lần trước đi, trời mưa mà họ không làm dây thừng mà sợ. Hai tên Mỹ thấy chỗ thì lắc đầu bỏ về

Anh ta chuẩn bị xong xuôi, kêu mình lấy cái móc sắt móc vào sợi dây thừng, rồi đi theo bước chân anh ta đi. Qua xong thì anh ta quay lại lấy dây thừng, cách anh ta xếp dây thừng nơi cổ vai khá hay. Sau đó lên nữa. Còn đường này, lần trước đã đi qua nhưng dưới cơn mưa, đội áo mưa, đeo ba lô rất khó khăn.

Đến chỗ cái hồ nhỏ mà lần trước cả đám leo lên đây, đi hết nổi phải dựng lều tại đây. Đó là lỗi lầm lớn vì hôm sau thì không có cách chi mà leo lên đỉnh cho kịp giờ vì thường trung bình mất 6 tiếng lên và 6 tiếng xuống từ hồ Boy Scout. Anh hướng dẫn viên kêu nếu thấy quá 6 tiếng là anh ta bắt buộc cho quay đầu vì đi xuống rất nguy hiểm vì chân tay mệt rồi. Từ hồ này lên đến hồ Boy Scout mất 2 tiếng, và từ đó lên hồ Iceberg mất 2 tiếng rồi từ đó lên đỉnh mất 3 tiếng là xem như ít nhất 7-8 tiếng. Chắc chắn hướng dẫn viên sẽ cho quay đầu lại. Nên nhớ trở về quan trọng hơn là lên núi.

Nhìn lên thấy đỉnh núi phải bò lên mà Chán Mớ Đời 

Dừng chân đầu tiên, lấy thức ăn ra ăn cho có sức và uống nước. Xong xuôi đi lên nữa độ 2 tiếng thì đến hồ Boy Scout và dựng lều tại đây. Hướng dẫn viên kiếm một chỗ có tản đá to đùng để chắn gió và dựng lều. Anh ta lấy một cái bị đựng phân ra, chỉ mình cách dùng để bỏ phân và giấy vệ sinh vào, dặn đừng có tè trong đó. Sau đó cất đâu đó để khi xuống thì mang theo để bỏ thùng rác ở cổng. Tối đó gió thổi như đỉnh gió hú, lều của hướng dẫn viên bay luôn, anh ta đành lấy túi ngủ nằm nhìn sao ngủ. Mình thì cả đêm khát nước uống nước rồi bỏ ra đi tiểu mệt thở. Thường người ta lên cao trong ngày rồi đi xuống thấp ngủ qua đêm như Kilimanjaro hay Machu Pichu, đây mình lười đi lên cao vì quá mệt nên tối đó khát nước kinh hoàng.

Chiều đó, anh ta nấu tortellini, xịt bột al pesto vào ăn. Cũng phải cố nuốt để có sức cho ngày mai. Từ từ nóng lên thì cởi áo quần ấm phía trong. Nhớ đi Kilimanjaro, có mấy người trong nhóm, ăn không được chỉ chút cháo và trứng nên khi lên đỉnh thì không có sức, trở xuống. Đồ ăn ở Tanzania dỡ, không ngon như ở Peru, nhưng phải nuốt cho có sức.

Sáng hôm sau, thức giấc 4 giờ sáng chuẩn bị ăn sáng oat meal nhỏ rồi 5 giờ sáng đeo đèn pin trên đầu, bận quần ấm phía trong và 3 lớp áo, khởi hành. Đi từ từ thì mặt trời mọc phía sau lưng, xem như mình đi về hướng Tây. Mặt trời mọc ở Kilimanjaro thì mình thấy đẹp nhất vì trên cao, có mây trắng phủ nguyên thành phố phía dưới. Đi đúng ngày trăng rằm nên vừa thấy mặt trăng và mặt trời.

Theo bản đồ của ứng dụng Alltrails thì chấm điểm màu xanh cạnh hồ Boy Scout là điểm xuất phát, lên đến hồ Iceberg là tổng cộng 5.38 dặm, đã đi từ cổng, đúng hơn là 6.38 dặm vì mình quên mở ứng dụng một đoạn đường khi ngừng chân để uống nước và ăn.

Đi độ 2 tiếng thì đến hồ Iceberg. Chỗ này tối hôm qua, có người muốn tranh thủ thời gian lên đây dựng lều ngủ. Với gió tối qua thì mình thấy khó ngủ. Hay là bay lều vì không có đến một chỗ nào để núp gió nhưng hồ này đẹp hơn hồ nơi mình dựng lều. Hồ nơi cắm trại có cây nhỏ này nọ, đây cứ xem như trên mặt trăng, chả có một ngọn cỏ. Ở vùng này, trên cao bộ 10,000 thì xem như không có cây côi nào sống nổi nên xung quanh hồ đều toàn là đá cát.

Đường mòn leo lên đỉnh, phải bỏ gậy lại và dùng hai tay để bấu vào các thành đá để leo lên. Sõi đá trợt lắm.

Ngồi nghỉ mệt, uống nước để chuẩn bị leo lên. Anh hướng dẫn viên lấy 2 cây gậy của mình, cất tại một nơi, rồi kêu leo lên như trong phim “les canons de Navarrone”. Mình nhìn lên đỉnh thì thất kinh vì cao vời vời, toàn là đá. Đeo mũ bảo hộ và nịt an toàn vào vì khu vực này tuyết tan nên kéo theo sõi đá. Những người leo lên trước đạp đá sõi khơi khơi khiến chúng lăn xuống trúng đầu là cái bốp. Anh ta dặn mình nếu đá trùi rơi xuống mà có người phía dưới thì kêu “rock” báo hiệu cho họ. Có 2 người và một hướng dẫn viên của công ty nào đi cùng lúc với mình. Mình để họ leo lên trước theo tinh thần lội nước theo sau. Nhưng theo tình hình thì không thông minh lắm, nhất là bò lên trước vì đá sẽ lăn xuống. Nhìn bản đồ của ứng dụng Alltrails thì thấy xa đường mòn ghi trong bản đồ, độ mấy chục thước. Hỏi thì hướng dẫn viên kêu là đường kia có nhiều sõi đá nhỏ, leo lên nguy hiểm. Cho nên chỗ tụi này leo lên thì chỉ có 3 người đi trước tụi này độ 20 thước. Chớ không biết cứ đi theo lối kia khá nguy hiểm.

May quá, mình có đem theo đôi găng tay bằng da, không biết của đồng chí gái hay của thằng con dùng để tập gym. Nếu không thì đôi bàn tay không sống sót. Nắm các vách đá mà leo lên, mệt thì ngưng một tí. Cứ mỗi tiếng là hướng dẫn viên kêu ngưng, ngồi uống nước, ăn một chút để có sức leo tiếp. 3 tiếng sau thì lên đến đỉnh. Mình nghĩ trong đầu “that’s it”. Hình ảnh cái chòi làm bằng đá chơi vơi giữa trời trên đỉnh mà mình thấy, cứ ám ảnh từ 8 năm qua. Bổng nhiên nghe điện thoại kêu có tin nhắn. Hóa ra có network trên đây. Mình mở ra nhắn tin cho vợ con rồi bổng nhiên muốn khóc. Đồng chí gái người vợ nông dân kiên cường, lo lắng chờ tin. Năm nay đã có 3 người mất mạng khi leo đỉnh này. Mình không dám kể cho đồng chí gái. Dạo đó còn tuyết nên rất nguy hiểm. Mệt xẩy tay là bay theo Trương Tử Chi xuống núi.

Ngọn núi ở bên cạnh nhưng không hiểu sao thiên hạ lại để bảng tên dưới đất, thì lượm lên chụp cho vui
Có cái thùng bằng sắt, có giấy cho mình ghi danh bất đáo Whitney bất thành hảo việt, ghi tên Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Hướng dẫn viên chụp cho vài tấm kỷ niệm, cho công ty anh ta nữa để quảng cáo đã đem tên già 68 tuổi lên được đỉnh Whitney qua đường mòn Mountaineer (người thượng du). Ngồi ăn uống xong một chút lại bò xuống nhưng lòng mình bớt hồi hộp, nhẹ nhàng. 8 năm trời leo núi để đạt đến đích rồi chợt nhận ra, mình phải tìm cái đích khác để tạo hướng đi cho cuộc đời để tiếp tục sống vui vẻ bên vợ con.

Đi xuống rất khó khăn hơn là đi lên nhưng mình không lo ngại lắm. Đi lên sợ không kịp giờ ông thần hướng dẫn viên kêu quay lại nên mình gắng hết sức leo tay không. Nhìn xuống hồ Iceberg thì thất kinh, sâu lắm. Mò mò theo dấu chân anh chàng dẫn đi. Cuối cùng cùng cũng xuống. Đi tìm hai cây gậy, ngồi ăn, uống nước lấy sức lại rồi đi tiếp. Về tới lều đâu 4 giờ mấy. Mệt quá nên mình cũng không màng đến chụp hình để ghi lại. Thật ra chỉ có mình hiểu sự việc nên chả ai bắt bẻ cả. Xem như lên xuống 11 tiếng đồng hồ. 

Nếu để ý thì mình đi lên hay xuống đều xa đường mòn chỉ trong ứng dụng Alltrails nên cứ nghe điện thoại kêu bưng bưng là xa rời đường mòn. Có lẻ ngắn hơn nhưng phải lên dốc cao hơn. Theo sự giải thích của hướng dẫn viên, để tránh đường mòn có nhiều người leo lên nên đá rơi nhiều, nguy hiểm 

Mình nói không ăn chiều rồi bò vào lều ngủ một giấc 11.5 tiếng đến sáng mai. Thức dậy, anh chàng hướng dẫn viên hỏi muốn ăn sáng không. Mình ăn hai cái muffin kẹp creamcheese và bacon loại chưa nướng. Ăn cho vơi đi mùa thu lá bay. Cũng cần có chút sức để lội xuống thêm 5 tiếng nữa. Mình kêu anh ta giữ các energy bar vì mình không cần nữa. Loại này rất ngọt, mình mua để lên núi. Thường mình đem theo chà là tươi ăn khi leo núi, ít ngọt hơn và có chất bổ. Bà Mễ gọi khi lên núi là có muốn mua chà là tươi không vì tới mùa. Trên đường xuống, gặp thiên hạ đi lên, mình kêu họ gần đến nơi rồi. Khiến họ cười và cảm ơn.

Về đến cổng thì vui vẻ lắm. Như trút một gánh nặng của 8 năm tình cũ, mây bay lang thang. Mình trả đồ cắm trại cho anh hướng dẫn viên, đã boa cho anh ta hôm qua khi về đất trại. Lên xe, chạy về nhà, báo tin cho đồng chí gái. Xong om

Bây giờ thì lại phải tìm mục đích khác để tiếp tục con đường hoàng hôn đời mình. Mình dự định đi hành hương Shikoku ở Nhật Bản, có 88 ngôi chùa mà người Nhật khi xưa hay đi bộ, đến mỗi chùa để lạy Phật và Camino ở bên Tây Ban Nha cũng như Ý Đại Lợi. Không leo núi cao nhưng đồi núi vẫn đi bộ 20, 30 cây số mỗi ngày và tuỳ nơi mình chọn khởi hành, có thể 10 ngày hay 2 tháng. Có hai vợ chồng anh bạn, đã đi kiểu này suốt 725 km. Đồng chí gái cũng muốn đi theo. Đi chớ vài năm nữa chân run run, chống gậy không nổi thì lại Chán Mớ Đời.

Điểm này khi mình lên gần đỉnh, còn cái notch cho cuối cùng là đỉnh. Hình như mình chụp khi đi xuống ngồi nghỉ tại đây nên xem ứng dụng
Trên đường đi xuống buổi chiều, mặt trời lặn phía sau lưng

Định tháng 4 năm sau, cả gia đình đi Inca Trail ở Peru. Mình đi rồi nên muốn vợ con thấy cảnh bình minh của Machu Picchu. Đó là cảnh đẹp nhất mà mình thấy từ khi cha sinh mẹ đẻ ra. Đa số đến đây đi xe buýt lên nên không thể thấy mặt trời mọc từ cổng trời được. Do đó ít nhất phải đi đường mòn 2, 3 ngày rồi ngày cuối thức giấc vào 3 giờ sáng đến cổng trời 5 giờ, lấy giấp phép rồi đi ra cổng trời ngồi đợi bình minh rồi đi xuống thăm viếng địa danh này. Xong om


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn