Nhớ năm lên 8, Đà Lạt có phong trào hành hương lên Núi Bà, lấy nước Cam Lồ về uống. Họ phao tin và bán hình Phật Bà về trên núi Lâm Viên khiến dân thị xã chạy lên núi xem Phật Bà và mua hình về để thờ trên bàn thờ. Nhà mình cũng có mua một tấm ở tiệm ảnh Hồng Châu, gần cầu thang chợ Đà Lạt và bỏ trong khung kính Phật Bà đăng Vân để trên bàn thờ. Chỗ khu bán hàng lưu niệm cho du khách trên khu Hòa Bình, bầy bán hình Phật Bà đầy tiệm như bánh mì mới ra lò. Thường người ta gọi núi Lâm Viên, Tây gọi là LangBiang nhưng dân Đà Lạt gọi núi BÀ. Có lẻ từ dạo nghe đồn có Phật Bà về trên đó.
Mệ ngoại mình đi chùa Linh Quang và chùa Linh Sơn nên có ghi danh đi hành hương lên núi Bà. Mình phải đi theo để xách giỏ trái cây và bông hoa cho mệ đem lên núi cúng. Hai mệ cháu đem theo ổ bánh mì Vĩnh Chấn, có đem theo đòn chả An Lộc nhưng mệ đưa cho một bà quen bỏ trong giỏ. Hai mệ cháu đi bộ qua vườn ông Ba Đà rồi đến ngã Ba Chùa, leo lên dốc Hàm Nghi, rồi lên xe đò Chi Lăng, đậu trước cổng chùa Linh Sơn. Đến giờ mấy bà già nói nhau về Phật BÀ linh thiêng ra sao đó mình không hiểu lắm, chỉ vui được ngồi xe đò là vui. Xe chạy đâu đó rồi ngưng lại dưới chân núi. Mọi người xuống xe, rồi theo con đường mòn lên núi.
Dạo ấy, lính Mỹ chưa sang nên đài radar chưa được thành lập, nên chưa có đường chạy xe lên núi. Mình nhảy xuống xe, cầm cái giỏ đựng nhang đèn cầy rồi đi theo mấy ông trong khi mệ ngoại đi sau với mấy bà. Lâu lâu đi trên đường mòn nghe mấy ông hú ơ ơ như để báo đi tới đâu vì đường mòn ngoằn ngoèo để giúp thiên hạ đi sau không sợ lạc. Nhìn quanh nhìn quất không còn ai đi bên cạnh, họ đi nhanh lên trước. Mình đi một mình lên. Mấy bà đi sau. Cuối cùng mình lên đến đỉnh không thấy Phật bà ở đâu cả, chỉ thấy có cái trang và hai ông đứng quét cái trang và thắp hương. Thấy cái tượng Phật bà mà nhà mình mua tấm ảnh để bàn thờ. Hóa ra họ chụp cái tượng nhỏ này trong mây và kháo nhau là Phật bà hiện về. Trên núi thì có sương mù như hồ Xuân Hương vào buổi sáng mùa tựu trường. Nếu mình chụp hình đứng đó chắc cũng đăng Vân như tề thiên. Chán Mớ Đời
Đói bụng nhưng mệ ngoại đi sau nên mình ngồi đợi với bụng đói meo trong khi hai ông kia ngồi ăn cơm vắt như tra tấn thằng bé 8 tuổi. Chán Mớ Đời, mong mệ ngoại lên mau. Cuối cùng mệ ngoại lên nhưng chưa cho ăn, kêu đem cái bình bông ra, bỏ bông vạn thọ vào rồi thắp hương xong xuôi mới cho ăn ổ bánh mì chả lụa, xịt chút tương. Ngon chi lạ! Rồi mọi người lục đục đi xuống núi, ghé lại con suối để lấy nước Cam Lồ. Mình lấy cái bình nhựa múc nước vào rồi đậy nắp lại bỏ trong giỏ vác trên vai lên xe đò. Về nhà, mệ ngoại để bình nước suối Cam Lồ lên bàn thờ cúng. Sau đó rót cho mình uống một ly nhỏ khiến mình học ngu đến ngày nay.
Lớn lên mới hiểu dạo ấy, Việt Cộng nằm vùng phao tin trừ Ma Quỷ (Mỹ Qua) vì chính phủ Johnson muốn đổ bộ lính Mỹ tại Việt Nam, để dứt điểm cuộc chiến thay vì dây dưa. Xem phim thời sự, thấy mấy cô gái việt, choàng vòng hoa cho các lính Mỹ, đến Việt Nam đánh đuổi Việt Cộng. Họ kêu nhà nào cũng phải vẽ dấu Phật giáo hay công giáo trước cửa để trừ ma quỷ đến bắt con nít. Núi Lâm Viên là địa điểm quân đội Mỹ đặt đài radar để kiểm soát không phận miền Tây Nguyên. Hình như có một đài khác ở Lạc Dương thì phải gần Đức Trọng. Sau này, cứ tối nhìn lên núi Bà là thấy đèn của quân đội Hoa Kỳ đóng trên đó. Rồi nghe đài Mẹ Việt Nam vang trong đêm tối ở nhà hàng xóm tạo cho mình một cảm xúc khó hiểu về chiến tranh.
Có dạo một anh quen ở Đà Lạt, hỏi mình sao không về Đà Lạt leo núi Lâm Viên, mình nói 60 năm trước đã leo rồi. Nói cho ngay núi cao nhất Việt Nam là Hoàng Liên Sơn, thấp hơn ngọn núi Baldy của vùng này. Ngày nay, họ có dịch vụ chở du khách lên đỉnh Lâm Viên bằng xe Jeep của Việt Nam Cộng Hoà và Mỹ ngày xưa. Mình có ngồi xe lên núi với mấy đứa con nhưng khi xuống thì đi bộ cho rẻ tiền.
Nhiều khi mình tự hỏi, về già bổng thích leo núi. Có phải để tìm lại những vết chân xưa khi mỗi cuối tuần, mình phải vào ấp Sòng Sơn, đem gạo và thức ăn cho mấy người làm vườn trong Suối Tía. Mình rất ghét cuối tuần dạo đó. Thứ 7 và chủ Nhật, sáng mình ra chợ phụ dọn hàng cho mẹ mình. 18 năm sinh sống tại Đà Lạt, mình lúc nào cũng thấy mẹ mình có bầu nên sáng phải ra chợ phụ mẹ dọn hàng, cả bà cụ vác cái bầu cuối xuống khó khăn. Mẹ mình có bầu được 15 lần và sinh được 12 người con. Lý do đem gạo vì mua nguyên bao, mấy người làm vườn ăn rất lẹ, hay cho ai hay bán lại cho các người làm vườn bên cạnh nên mình phải đem gạo vào tiếp tế mỗi tuần. Biết đâu lại tiếp tế cho nằm vùng. Tối tối mấy ông kẹ ra kêu nấu cơm.
Sau đó, đem 5 kí gạo và rau cải vào vườn, tiếp tế cho hai cặp vợ chồng làm vườn, ở trong vườn. Chú Hai và chú Nhị là anh em, lấy vợ từ Quảng Ngãi chạy giặc vào Đà Lạt, bà cụ thuê làm vườn. Trong vườn có cất cái nhà gỗ thông nhỏ, 2 gian, lợp tôn. Sau Mậu Thân thì chú NHị đi lính Địa Phương Quân còn chú Hai thì biệt tích. 1 năm sau thì chú Nhị chết trong khi thím Nhị có bầu. Chán Mớ Đời từ đó mình không gặp lại gia đình này.
Vác 5 kí gạo và xách giỏ đồ ăn leo lên cầu thang chợ, mò lên đường Thành Thái, qua rạp Ngọc Lan, gần đến gần đường Cường Để thì có mấy thang cấp xuống cầu Bá Hộ Chúc bên cạnh ấp Ánh Sáng. Theo đường Bà Triệu lên đến đường Yersin, đi vòng 1 tí đến đường Đào Duy từ mà dân Đà Lạt gọi là Dốc Nhà Bò. Có lẻ khi xưa người ta nuôi bò ở khu vực này. Mình bò đi xuống dốc vì trơn, đi ngang nhà ông Lãm hình như họ Phí, quen ông cụ mình vì cứ Tết là hay dẫn mình vào thăm gia đình ông này. Mình sợ đi vào xóm này vì có mấy tên hay chận đầu bợp tai mình mình. Mình thì bắt chước Đơn Hùng Tín, bị tát tai cũng trơ trơ rồi đi. Nhờ vậy khi thiên hạ chửi mình, mình cũng chỉ cười. Chúc phúc cho họ.
Sau này mình có gặp lại tên Tiến Vinh, nhớ mại mại tên này hay chận đường mình ỷ thế có đám trong xóm này. Tên Vinh này học Yersin trên mình một lớp, hình như sau này có qua Văn Học. Nay ở San Diego, không dám bắt nạt mình nữa. Sau này để tránh bị bợp tai, mình phải đi đường Pasteur, xa hơn rồi quẹo trái đường Triệu Việt Vương, đến đồn Quân Cụ, nơi chú Ba, rể bà Cáp cạnh hàng mẹ mình, đóng ở đó. Có con dốc đường đất đỏ cao đùng, phía trên có cái bảng đề Ấp Sòng Sơn, Suối Tía. Hết cái dốc thì có con đường chỉ thấy xe máy cày và xe be vào chở cây hay chở bắp sú.
Đi qua cổng ấp Sòng Sơn thì có con đường của xe be nên xình lầy, với các dấu bánh xe dẫn đến một cái trang thờ ai đó. Chỗ này mình rất sợ vì mỗi lần đi ngang là nghe gió lạnh lạnh, lén nhìn vào cái trang thấy ai thắp hương đỏ lên đỏ xuống với làn gió. Đi độ 1 cây số thì đến con đường đi xuống vườn của nhà mình. Ông bà cụ mình kêu xe máy cày ủi con đường này để xe chở hàng Desoto, có thể xuống đây mỗi lần có bắp sú hay khoai Tây để chở đi bán. Hình như bà Marcel mua sú và khoai Tây sớm từ mẹ mình. Bà này giỏi, tự lái xe hàng khi xưa để lấy hàng.
Sợ nhất là mùa mưa, không phải tưới khoai Tây hay bắp sú nhưng đi vào vườn là một đoạn đường vất vả vì đường trơn trợt, xình lầy. Vào vườn là khoảng 11 giờ, đưa gạo cho thím Nhị nấu cơm với thức ăn. Mình phải ở lại để trông chừng mấy người làm vườn để xem họ có hái sú hay khoai Tây bán cho ai đó. Ngoài ra mỗi tuần chỉ tiếp tế 5 ký gạo vì mua nguyên tạ vào thì mau hết nên tiếp tế từ từ. Có thể mấy người làm vườn đổi gạo lấy thức ăn với ai đó.
Trưa thì mình ăn cơm với hai cặp vợ chồng làm vườn. Nói đúng hơn chỉ có bắp sú luộc chấm nước mắm. Khi được mùa khoai Tây thì ăn khoai Tây nên sau này mình không thích ăn khoai Tây gì lắm. Có lần họ giết được con heo rừng, ăn ngon cực. Heo rừng hay ra ban đêm ủi mấy luống khoai nên họ dăng bẩy bắt. Ngày xưa, nhà làm vườn mình ăn bắp sú mệt thở, nay có vườn bơ thì ăn bơ mệt thở. Ăn xong thì mình phụ thím Nhị và thím Hai, cắt khoai Tây để ủ ra giống để trồng. Độ 2, 3 giờ thì vác bắp sú về cho nhà ăn. Đi bộ từ vườn, qua Triệu Việt Vương, đường Pasteur, quẹo về đường Yersin, Lê Quý Đôn, rồi Hải Thượng, Hai BÀ Trưng. Nghĩ lại không hiểu sao, 8, 9 tuổi mình vẫn đi được con đường từ chợ Đà Lạt vào Suối TÍa rồi bò về nhà. Có lẻ quen đi bộ xa nên nay mình hay thích bò lên núi, trốn vợ la.
Có lẻ đã kinh qua vụ làm vườn nên trời Phật cho mình đi trước 75, không phải đi thuỷ lợi, thanh niên xung phong, kinh tế mới sau 75 như em mình sau này. Cả tuần bắp sú luộc chấm nước mắm với 1 quả trứng luộc bầm trong chén nước mắm. Thêm nhà mình có một dàn su do ông Hai làm rồi dọn đi, gia đình mình tiếp thu, cứ hái đem vào thái ra xào. Lâu lâu thấy có xào với thịt bò. Đến nay mình ớn lắm, không dám ăn lại từ khi rời Đà Lạt 50 năm về trước. Để đổi món mình có trồng đậu hòa Lan và cà chua ở nhà ăn.
Được cái là mình có thể đi vòng vòng qua bên con suối, phía bên đó thì trồng bắp sú. Đêm đêm heo rừng hay ra lủi mấy luống khoai Tây. Nước suối Tía lạnh cóng, mùa khô thì dùng máy bơm nước Kubota để bơm lên tưới sú và khoai Tây. Trời nắng thì mình hay cởi trần tắm nơi suối, lạnh kinh hoàng nhưng đỡ phải tắm nước nóng tại nhà. Ở nhà tắm thì phải nấu cái ấm bằng nhôm, đâu 1 hay 2 lít nước, rồi chế vào chậu pha với nước mưa để tắm. Quen tắm hà tiện nước nên sau này mình cũng hà tiện nước khi tắm. Xem như mình thuộc dòng keo kiệt từ bé, không như con mình ngày nay. Chán Mớ Đời
Năm Mậu Thân, Việt Cộng đánh vào Đà Lạt, chú Nhị bị động viên, không ai trông coi, làm vườn nên bà cụ ngưng không làm vườn nữa, giải phóng cuộc đời phụ làm vườn, tiếp tế lương gạo cho người làm vườn hàng tuần của mình. 3 năm trời, không có cuối tuần chạy chơi với đám hàng xóm. Cứ thứ 7, chủ Nhật vào vườn xong, đi bộ về nhà là oải rồi, chỉ biết ăn cơm rồi ngủ.
Hôm trước, leo đỉnh Whitney xong, bò về lều, ngủ một giấc đến 12 tiếng. Sáng thức giấc, ngẫm lại cuộc đời leo đồi núi từ khi ở Đà Lạt đến nay. Mình đã lên núi Alpes của Pháp quốc như Chamonix, Dolomites của Ý Đại Lợi, các núi ở Thuỵ Sĩ như Zermatt, núi bên Áo Quốc, đặc biệt là ngọn núi thần thoại Olympic mà nhà thơ Hy Lạp Homer đã kể. Nhớ lên đó với cô bạn người Mỹ, khi đi chơi rồi mướn đồ trượt tuyết, không có ai hôm đó, chỉ có mình và cô bạn. Đẹp kể gì. Thời đó HY Lạp còn nghèo, trong tuần nên chả có thằng Hy Lạp nào bò đến. Thậm chí mình còn đến viếng dãy núi Caucase ngày xưa bị ông Tây bà đầm bắt học thuộc lòng ở Georgia.
Sau này, về già bò lên được đỉnh Kilimanjaro mà ông Hemingway tả hay con đường mòn Inca của nền văn minh đẹp này. Các địa danh núi đồi của Hoa Kỳ thì đa số mình đã có đi viếng rồi. Tuần vừa rồi đỉnh Whitney là cuối cùng muốn thực hiện.
Nay thì mình muốn đi bộ như hành hương với đồng chí gái, vì leo núi cao thì mụ vợ lên không nổi hay ăn ngủ dưới đất khiến mụ không chịu. Đã quên những ngày lênh đênh trên biển và năm tháng ngày tại trại tỵ nạn. Đi bộ thì chỉ độ 20-30 cây số mỗi ngày, không núi đồi cao lắm nên cũng dễ đi cho đồng chí gái.
Tấm ảnh này khiến nhớ năm tháng tại Paris.Có hai con đường hành hương mà tụi này tính đi là Shikoku, viếng thăm 88 ngôi chùa ở Nhật Bản và Camino di Compostella. Hy vọng sang năm, hai vợ chồng có thể giang hồ như Quách Tĩnh và Hoàng Dung.
Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen
Nguyễn Hoàng Sơn