Bất đáo Whitney phi Sơn Đen


Để tập luyện leo đỉnh Whitney, mình leo núi xung quanh vùng nam Cali mỗi thứ 2, còn trong tuần thì tập Đông Phương Hội mỗi sáng. Để chuẩn bị trước ngày đi 1 tuần, mình ăn uống đàng hoàng để có sức mà lên.

Sau khi tập Đông Phương Hội 90 phút mỗi ngày, mình lái xe lên núi Baldy, leo đỉnh San Antonio trong suốt 1 tuần đến Chán Mớ Đời. Đỉnh này được xem là cao nhất vùng này nhưng chỉ có 10,000 cao bộ anh trong khi đỉnh Whitney phải lên 14,000 cao bộ. Mình nói lên đỉnh San Antonio có 2.5 tiếng mà đi với đồng chí gái thì mất 5 tiếng lên. Mình ngưng leo núi độ 2 ngày trước khi đi, để dành sức cho 3 ngày 2 đêm lên đỉnh mà mình cố leo lên từ 8 năm qua. Đã kể trong hành trình 8 năm lên đỉnh Whitney.

 https://www.muctimsonden.com/2024/09/hanh-trinh-leo-inh-whitney.html

Kỳ này, ra REI thì khám phá ra có được $160 tiền họ cho lại nên mình sắm một cái quần leo núi lần đầu tiên vì mình bận toàn quần làm vườn để leo núi. Phải công nhận quần leo núi, bận thấy sướng thật, nhẹ nhàng, không chật chội như quần làm vườn. Đi leo núi với mấy người bạn thấy họ bận mà thèm. Phải công nhận có quần này, leo lên không vướng, dễ dàng hơn.

Ngày 091024: sau khi tập Đông Phương Hội xong về nhà, chuẩn bị lên xe đi đến thị trấn Long Pine, ngủ lại đêm, ngày mai hẹn với hướng dẫn viên vào 7:30 sáng. Tới nơi, bò đi tiệm mua 1 galon nước để chuẩn bị cho ngày mai. Ai ngờ cả tối đó mình uống gần hết galon. Tuần vừa rồi, không hiểu sao Cali nóng kinh khủng, lên 112F, cháy khắp nơi. Mình lo sợ như mấy năm trước, bị cháy rừng, lại hoảng nên xem ứng dụng thời tiết Cali.

Sáng hôm sau, ghé Carl Jr mua một cái burito ăn và đem hai bình nước vào xin nước lạnh. Ra gặp anh hướng dẫn viên, xét hành trang. Quên đem cái nĩa và cái tô để ăn ở trại nên phải ghé vào tiệm mua. Hành trang dù đem rất ít vẫn nặng 30 cân anh, chưa kể 5 lít nước mang theo. Càng lên cao mình càng khát nước. Càng uống càng khát càng tè nhiều. Chán Mớ Đời

Trước tiệm mua cái tô và cái nĩa nhựa, phía sau là dãy núi Sierra, có đỉnh Whitney
 Sau đó bắt đầu lái xe lên bãi đậu xe ở cổng. Họ đang sửa chửa đường nên có khúc phải đi vòng. Đi vòng vèo mới tới nơi, đậu xe, khoá lại, thức ăn không để lại trong xe, vì gấu có thể bò ra đập bể xe. Mình thấy thiên hạ tải hình ảnh trên mạng vụ này. Họ có mấy tủ bằng sắt to đùng gần đó để trữ thức ăn để tránh gấu đập xe.
Chỗ cổng trại, có cái cân để xem mình đem theo bao nhiêu. Nếu nhiều quá thì bỏ lại. Mình đem theo 35 cân anh kiêm cả 5 lít nước. Dọc đường có suối nên có châm vào bình thêm mấy lần. Trung bình uống 6 lít nước mỗi ngày
Cổng lên đỉnh. Thật ra lúc xuống mới chụp chớ lúc đi lên thì không có thư giãn lắm. Kinh nghiệm lần trước

Vác ba lô đến cổng trại. Đường nhẹ nhàng lúc đầu nhưng đến khúc quẹo qua đi đường mòn John Muir đi lên thì bắt đầu khó khăn thêm. Băng suối vượt cây. Có một đoạn, anh hướng dẫn viên kêu đội mũ bảo hộ, và đeo giây lưng an toàn vào. Bảo mình đợi để anh ta chuẩn bị dây an toàn để leo qua khu khá nguy hiểm. Có hai tên Mỹ trẻ đến trước, đứng nhìn rồi lắc đầu, kêu bỏ cuộc, quay về. Mình thấy họ khôn, vì trợt chân là bay xuống núi. Năm nay nghe nói đã có 3 người làm ngoạ hổ tàng Long, bay xuống núi như Kiều Phong. Đi leo núi, quan trọng không phải đạt đến đỉnh mà trở về an toàn với vợ con kiêng cường, ở nhà đợi tin. Sáng trước khi đi, đồng chí gái nhân dân, kiên cường dậy sớm, ôm chồng, tuy không nói nhưng mình hiểu cô nàng lo lắng. Cô nàng biết ý mình, khi làm chuyện gì thì phải làm đến cùng, không bỏ cuộc.

Anh hướng dẫn viên chuẩn bị dây thừng để leo qua vùng bên kia, phía sau lưng anh ta. Nhớ lần trước đi, trời mưa mà họ không làm dây thừng mà sợ. Hai tên Mỹ thấy chỗ thì lắc đầu bỏ về

Anh ta chuẩn bị xong xuôi, kêu mình lấy cái móc sắt móc vào sợi dây thừng, rồi đi theo bước chân anh ta đi. Qua xong thì anh ta quay lại lấy dây thừng, cách anh ta xếp dây thừng nơi cổ vai khá hay. Sau đó lên nữa. Còn đường này, lần trước đã đi qua nhưng dưới cơn mưa, đội áo mưa, đeo ba lô rất khó khăn.

Đến chỗ cái hồ nhỏ mà lần trước cả đám leo lên đây, đi hết nổi phải dựng lều tại đây. Đó là lỗi lầm lớn vì hôm sau thì không có cách chi mà leo lên đỉnh cho kịp giờ vì thường trung bình mất 6 tiếng lên và 6 tiếng xuống từ hồ Boy Scout. Anh hướng dẫn viên kêu nếu thấy quá 6 tiếng là anh ta bắt buộc cho quay đầu vì đi xuống rất nguy hiểm vì chân tay mệt rồi. Từ hồ này lên đến hồ Boy Scout mất 2 tiếng, và từ đó lên hồ Iceberg mất 2 tiếng rồi từ đó lên đỉnh mất 3 tiếng là xem như ít nhất 7-8 tiếng. Chắc chắn hướng dẫn viên sẽ cho quay đầu lại. Nên nhớ trở về quan trọng hơn là lên núi.

Nhìn lên thấy đỉnh núi phải bò lên mà Chán Mớ Đời 

Dừng chân đầu tiên, lấy thức ăn ra ăn cho có sức và uống nước. Xong xuôi đi lên nữa độ 2 tiếng thì đến hồ Boy Scout và dựng lều tại đây. Hướng dẫn viên kiếm một chỗ có tản đá to đùng để chắn gió và dựng lều. Anh ta lấy một cái bị đựng phân ra, chỉ mình cách dùng để bỏ phân và giấy vệ sinh vào, dặn đừng có tè trong đó. Sau đó cất đâu đó để khi xuống thì mang theo để bỏ thùng rác ở cổng. Tối đó gió thổi như đỉnh gió hú, lều của hướng dẫn viên bay luôn, anh ta đành lấy túi ngủ nằm nhìn sao ngủ. Mình thì cả đêm khát nước uống nước rồi bỏ ra đi tiểu mệt thở. Thường người ta lên cao trong ngày rồi đi xuống thấp ngủ qua đêm như Kilimanjaro hay Machu Pichu, đây mình lười đi lên cao vì quá mệt nên tối đó khát nước kinh hoàng.

Chiều đó, anh ta nấu tortellini, xịt bột al pesto vào ăn. Cũng phải cố nuốt để có sức cho ngày mai. Từ từ nóng lên thì cởi áo quần ấm phía trong. Nhớ đi Kilimanjaro, có mấy người trong nhóm, ăn không được chỉ chút cháo và trứng nên khi lên đỉnh thì không có sức, trở xuống. Đồ ăn ở Tanzania dỡ, không ngon như ở Peru, nhưng phải nuốt cho có sức.

Sáng hôm sau, thức giấc 4 giờ sáng chuẩn bị ăn sáng oat meal nhỏ rồi 5 giờ sáng đeo đèn pin trên đầu, bận quần ấm phía trong và 3 lớp áo, khởi hành. Đi từ từ thì mặt trời mọc phía sau lưng, xem như mình đi về hướng Tây. Mặt trời mọc ở Kilimanjaro thì mình thấy đẹp nhất vì trên cao, có mây trắng phủ nguyên thành phố phía dưới. Đi đúng ngày trăng rằm nên vừa thấy mặt trăng và mặt trời.

Theo bản đồ của ứng dụng Alltrails thì chấm điểm màu xanh cạnh hồ Boy Scout là điểm xuất phát, lên đến hồ Iceberg là tổng cộng 5.38 dặm, đã đi từ cổng, đúng hơn là 6.38 dặm vì mình quên mở ứng dụng một đoạn đường khi ngừng chân để uống nước và ăn.

Đi độ 2 tiếng thì đến hồ Iceberg. Chỗ này tối hôm qua, có người muốn tranh thủ thời gian lên đây dựng lều ngủ. Với gió tối qua thì mình thấy khó ngủ. Hay là bay lều vì không có đến một chỗ nào để núp gió nhưng hồ này đẹp hơn hồ nơi mình dựng lều. Hồ nơi cắm trại có cây nhỏ này nọ, đây cứ xem như trên mặt trăng, chả có một ngọn cỏ. Ở vùng này, trên cao bộ 10,000 thì xem như không có cây côi nào sống nổi nên xung quanh hồ đều toàn là đá cát.

Đường mòn leo lên đỉnh, phải bỏ gậy lại và dùng hai tay để bấu vào các thành đá để leo lên. Sõi đá trợt lắm.

Ngồi nghỉ mệt, uống nước để chuẩn bị leo lên. Anh hướng dẫn viên lấy 2 cây gậy của mình, cất tại một nơi, rồi kêu leo lên như trong phim “les canons de Navarrone”. Mình nhìn lên đỉnh thì thất kinh vì cao vời vời, toàn là đá. Đeo mũ bảo hộ và nịt an toàn vào vì khu vực này tuyết tan nên kéo theo sõi đá. Những người leo lên trước đạp đá sõi khơi khơi khiến chúng lăn xuống trúng đầu là cái bốp. Anh ta dặn mình nếu đá trùi rơi xuống mà có người phía dưới thì kêu “rock” báo hiệu cho họ. Có 2 người và một hướng dẫn viên của công ty nào đi cùng lúc với mình. Mình để họ leo lên trước theo tinh thần lội nước theo sau. Nhưng theo tình hình thì không thông minh lắm, nhất là bò lên trước vì đá sẽ lăn xuống. Nhìn bản đồ của ứng dụng Alltrails thì thấy xa đường mòn ghi trong bản đồ, độ mấy chục thước. Hỏi thì hướng dẫn viên kêu là đường kia có nhiều sõi đá nhỏ, leo lên nguy hiểm. Cho nên chỗ tụi này leo lên thì chỉ có 3 người đi trước tụi này độ 20 thước. Chớ không biết cứ đi theo lối kia khá nguy hiểm.

May quá, mình có đem theo đôi găng tay bằng da, không biết của đồng chí gái hay của thằng con dùng để tập gym. Nếu không thì đôi bàn tay không sống sót. Nắm các vách đá mà leo lên, mệt thì ngưng một tí. Cứ mỗi tiếng là hướng dẫn viên kêu ngưng, ngồi uống nước, ăn một chút để có sức leo tiếp. 3 tiếng sau thì lên đến đỉnh. Mình nghĩ trong đầu “that’s it”. Hình ảnh cái chòi làm bằng đá chơi vơi giữa trời trên đỉnh mà mình thấy, cứ ám ảnh từ 8 năm qua. Bổng nhiên nghe điện thoại kêu có tin nhắn. Hóa ra có network trên đây. Mình mở ra nhắn tin cho vợ con rồi bổng nhiên muốn khóc. Đồng chí gái người vợ nông dân kiên cường, lo lắng chờ tin. Năm nay đã có 3 người mất mạng khi leo đỉnh này. Mình không dám kể cho đồng chí gái. Dạo đó còn tuyết nên rất nguy hiểm. Mệt xẩy tay là bay theo Trương Tử Chi xuống núi.

Ngọn núi ở bên cạnh nhưng không hiểu sao thiên hạ lại để bảng tên dưới đất, thì lượm lên chụp cho vui
Có cái thùng bằng sắt, có giấy cho mình ghi danh bất đáo Whitney bất thành hảo việt, ghi tên Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Hướng dẫn viên chụp cho vài tấm kỷ niệm, cho công ty anh ta nữa để quảng cáo đã đem tên già 68 tuổi lên được đỉnh Whitney qua đường mòn Mountaineer (người thượng du). Ngồi ăn uống xong một chút lại bò xuống nhưng lòng mình bớt hồi hộp, nhẹ nhàng. 8 năm trời leo núi để đạt đến đích rồi chợt nhận ra, mình phải tìm cái đích khác để tạo hướng đi cho cuộc đời để tiếp tục sống vui vẻ bên vợ con.

Đi xuống rất khó khăn hơn là đi lên nhưng mình không lo ngại lắm. Đi lên sợ không kịp giờ ông thần hướng dẫn viên kêu quay lại nên mình gắng hết sức leo tay không. Nhìn xuống hồ Iceberg thì thất kinh, sâu lắm. Mò mò theo dấu chân anh chàng dẫn đi. Cuối cùng cùng cũng xuống. Đi tìm hai cây gậy, ngồi ăn, uống nước lấy sức lại rồi đi tiếp. Về tới lều đâu 4 giờ mấy. Mệt quá nên mình cũng không màng đến chụp hình để ghi lại. Thật ra chỉ có mình hiểu sự việc nên chả ai bắt bẻ cả. Xem như lên xuống 11 tiếng đồng hồ. 

Nếu để ý thì mình đi lên hay xuống đều xa đường mòn chỉ trong ứng dụng Alltrails nên cứ nghe điện thoại kêu bưng bưng là xa rời đường mòn. Có lẻ ngắn hơn nhưng phải lên dốc cao hơn. Theo sự giải thích của hướng dẫn viên, để tránh đường mòn có nhiều người leo lên nên đá rơi nhiều, nguy hiểm 

Mình nói không ăn chiều rồi bò vào lều ngủ một giấc 11.5 tiếng đến sáng mai. Thức dậy, anh chàng hướng dẫn viên hỏi muốn ăn sáng không. Mình ăn hai cái muffin kẹp creamcheese và bacon loại chưa nướng. Ăn cho vơi đi mùa thu lá bay. Cũng cần có chút sức để lội xuống thêm 5 tiếng nữa. Mình kêu anh ta giữ các energy bar vì mình không cần nữa. Loại này rất ngọt, mình mua để lên núi. Thường mình đem theo chà là tươi ăn khi leo núi, ít ngọt hơn và có chất bổ. Bà Mễ gọi khi lên núi là có muốn mua chà là tươi không vì tới mùa. Trên đường xuống, gặp thiên hạ đi lên, mình kêu họ gần đến nơi rồi. Khiến họ cười và cảm ơn.

Về đến cổng thì vui vẻ lắm. Như trút một gánh nặng của 8 năm tình cũ, mây bay lang thang. Mình trả đồ cắm trại cho anh hướng dẫn viên, đã boa cho anh ta hôm qua khi về đất trại. Lên xe, chạy về nhà, báo tin cho đồng chí gái. Xong om

Bây giờ thì lại phải tìm mục đích khác để tiếp tục con đường hoàng hôn đời mình. Mình dự định đi hành hương Shikoku ở Nhật Bản, có 88 ngôi chùa mà người Nhật khi xưa hay đi bộ, đến mỗi chùa để lạy Phật và Camino ở bên Tây Ban Nha cũng như Ý Đại Lợi. Không leo núi cao nhưng đồi núi vẫn đi bộ 20, 30 cây số mỗi ngày và tuỳ nơi mình chọn khởi hành, có thể 10 ngày hay 2 tháng. Có hai vợ chồng anh bạn, đã đi kiểu này suốt 725 km. Đồng chí gái cũng muốn đi theo. Đi chớ vài năm nữa chân run run, chống gậy không nổi thì lại Chán Mớ Đời.

Điểm này khi mình lên gần đỉnh, còn cái notch cho cuối cùng là đỉnh. Hình như mình chụp khi đi xuống ngồi nghỉ tại đây nên xem ứng dụng
Trên đường đi xuống buổi chiều, mặt trời lặn phía sau lưng

Định tháng 4 năm sau, cả gia đình đi Inca Trail ở Peru. Mình đi rồi nên muốn vợ con thấy cảnh bình minh của Machu Picchu. Đó là cảnh đẹp nhất mà mình thấy từ khi cha sinh mẹ đẻ ra. Đa số đến đây đi xe buýt lên nên không thể thấy mặt trời mọc từ cổng trời được. Do đó ít nhất phải đi đường mòn 2, 3 ngày rồi ngày cuối thức giấc vào 3 giờ sáng đến cổng trời 5 giờ, lấy giấp phép rồi đi ra cổng trời ngồi đợi bình minh rồi đi xuống thăm viếng địa danh này. Xong om


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn