Ám sát và nội chiến hụt

 Hôm trước, đi vườn về thì xem tin ông TRump bị ám sát hụt khiến mình mừng. Theo lời ông ta, nếu không nghiêng đầu để đọc tấm bảng to đùng được treo phía bên phải, nói về tỷ lệ di dân lậu tại Hoa Kỳ thì viên đạn đã trúng đầu ông ta. Mình có xem một video do máy điện toán ghi lại cái đầu nghiêng ra sao để tránh được viên đạn. Lý do mừng là nếu ông ta tử nạn thì những người ái mộ ông ta có thể trong một phút căm phẩn, vác súng ra đường gặp đối thủ chính trị của họ rồi bắn nhau. Nội chiến sẽ xẩy ra khiến các nước trên thế giới ăn mừng. Kinh tế sẽ banh ta lông. Năm 2016, gần xóm mình, có ông thần cuồng ông Trump, vẽ cờ này nọ trên tường nhà, thiên hạ đi ngang, có người ban đêm, đem sơn đến phun vào tường này nọ.



Từ mấy năm nay đổ lại, khi nói về chính trị, người Mỹ không còn bao dung như xưa, không chấp nhận những ý tưởng trái ngược với mình. Trước đây, mở đài truyền hình, người ta mời các nhà bình luận về một đề tài nào đó. Họ mời một người thiên hữu và một người thiên tả, có khi một người độc lập. Khi nghe người thiên tả giải thích, lý luận thì thấy hay hay đến khi người thiên hữu lý luận, đưa ra ý kiến của mình thì cũng thấy hay, sau đó mình tự lấy quyết định suy nghĩ về vấn đề đó.


Thí dụ về đề tài phá thai. Họ mời người cấp tiến và người bảo thủ để trình bày lý do họ chống hay ủng hộ. Cuối cùng mình thấy có những trường hợp cụ thể nào đó thì cho phép được phá thai. Ai nấy cũng đồng ý thoả thuận. Ngày nay thì khác, mình không thấy các đài truyền hình mời cả hai bên mà chỉ mời một bên. Từ từ người ta tẩy chay các đài không có cùng quan điểm chính trị, không xem nữa. Rất nguy hiểm khi người ta không muốn nghe trái ý.  Có những chương trình có đến 5 người, có cùng suy nghĩ lên chửi hay trêu chọc đối phương. Nhất là các tin tức trên mạng đầy, không biết thật giả. Ngay vụ ông Trump bị bắn, hôm sau là thấy tràn ngập các video được chỉnh sửa theo ý thích của ai đó.


Mở Facebook, hay google, Apple là thấy họ bắn tới tấp các tin tức 1 chiều, nếu mình theo cánh tả hay cánh hữu. Thêm các tin tức câu khách như hôm qua, nhóm bên nga, đưa tin Tập Cập Bình bị đột quỵ này nọ. Càng đọc các tin tức này mình thường tin tưởng là mình đúng nên không cho ai khác với ý mình. Từ đó trở thành bạo chúa cho chính bản thân rất gần. Mình thường đọc các tin tức từ Âu châu và Á châu, từ các tờ báo có lập trường trung dung để hiểu thêm về Hoa Kỳ và Âu châu. Như Pháp quốc suýt bị khối cực hữu lên nắm chính quyền còn mấy nước khác mà mình từng sinh sống như Ý Đại Lợi, Hoà lan, nay đều do cực hữu nắm chính quyền. Chỉ có Anh quốc là khác người, mới bầu phái tả lên nắm chính quyền.


Mình mừng ông Trump không chết vì nếu không, sẽ loạn cả lên khắp nước Mỹ. Sau khi cơ quan chính thức bầu cử tuyên bố ông Biden đắc cử tổng thống thì trước khi ông BIden tuyên thệ, nhậm chức thì những người ủng hộ ông Trump kêu là bầu cử gian lận. Ngày 6 tháng 1, rủ nhau vác súng vác cờ chạy vào quốc hội như người Pháp phá ngục Bastille. Họ bỏ tù một số. Thật ra trước đó mấy tuần, mình nói chuyện với một ông Mỹ quen, ủng hộ viên của ông Trump. Ông ta gọi điện thoại, kể ông tướng gì mà ông Trump bổ nhiệm cố vấn an ninh nhưng bị chống nên phải từ chức sau 22 ngày. À Michael Flynn. Sẽ dẫn đầu cuộc chiếm lại quốc hội gì đó. Nếu một ông già 80 tuổi ở Cali biết vụ này thì chắc chắn Fbi cũng biết. Đám ủng hộ viên của ông Trump, liên lạc để gặp nhau tại Hoa Thịnh Đốn thì FBI, cảnh sát đều biết hết.

Cứ tưởng tượng ông Trump bị bắn chết thì các ủng hộ viên của ông ta sẽ hành xử ra sao. Vác súng bắn các di dân lậu, các người có khuynh hướng chính trị thân Biden này nọ. Mấy người này cũng muốn bảo vệ họ, thế là chạy đi mua súng, tìm bắn các thành phần không theo ông ta. Đây là bài báo nói về một người Mỹ cán chết một ủng hộ viên của ông Trump, sau đó tự tử.


https://www.theguardian.com/us-news/article/2024/jul/23/hancock-michigan-man-death-


Mùa bầu cử này, Đảng Cộng Hoà lấy đề tài là “Di Dân.” Xem họ trình diễn mấy người kêu nạn nhân của người di dân lậu bị hiếp dâm, giết này nọ. Có vài trường hợp rất ít so với tỷ lệ hàng ngày, trong khi họ không nói đến hàng ngàn người sống tại Hoa Kỳ bị cướp, hiếp dâm, giết. Nội các công ty lớn đóng cửa, xù tiền nợ bỏ San Francisco vì luật Cali khơi khơi, vào tiệm ăn cắp dưới $1,000 không bị đưa ra toà nên các siêu thị, tiệm đóng cửa, xù nợ.


Khi ông Rodney King, một người da đen bị cảnh sát da trắng đánh hội đồng tại Los Angeles về tội kêu không dừng xe và có người quay video bỏ lên mạng. Các người da màu xuống đường nhưng không đến khu Mỹ da trắng lại mò đến khu đại hàn cướp phá. Chắc có lẻ vì xa hay sợ người da trắng có súng ống. Anh vợ mình bị cháy tiệm, cả năm ngồi đợi chủ sửa chửa. Cuối cùng phải mở tiệm ở chỗ khác. Truyền hình chiếu cảnh các người gốc đại hàn leo lên nóc nhà cầm súng bắn vào người nổi loạn, đang cướp phá tiệm quán của họ. Đây người da trắng, đa số có súng trường liên thanh, nổi điên lên thì mệt. Không biết sẽ ra sao. Mình nhớ sau 9/11, người Mỹ ra đường, căm phẩn tột độ.


Mình có anh bạn gốc việt, nay nghỉ hưu. Người chỉ huy an ninh cho tổng thống Clinton công du tại Việt Nam nên mình hỏi anh ta. Anh ta kể là Hà Nội muốn cho xe cảnh sát họ chạy gần xe tổng thống nhưng anh ta không chịu, đòi đưa ông Clinton về Mỹ thay vì xuống Sàigòn. Lý do xe của họ gần xe tổng thống thì họ có thể dùng máy móc nghe lén những gì người Mỹ nói trong xe . Anh ta cho biết là hôm bà Nancy Reagan bị té gãy xương chậu, may cho anh ta không đi làm hôm ấy, đồng nghiệp của anh ta bị dũa mệt thở, làm khó dễ dù bà ta bị ngã trong phòng tắm và bảo vệ an ninh không được phép đi vào.


Anh bạn tặng mình cái mũ và cái áo của United States secret Service nhưng chưa bao giờ bận cả. Để hôm nào đi tự tiệc bận xem. Anh ta từng là lính lực lượng đặc biệt Hoa Kỳ, sau đó được tuyển gia nhập vào USSS.



Anh bạn có giải thích là người chỉ huy về an ninh tổng thống là phụ nữ nên bà ta tuyển bảo vệ an ninh thuộc giới phụ nữ để cho bình đẳng nghe nói đâu 30%. Bà này rút súng mà xem điệu bộ là bị bắn trước khi bà ta biết bóp cò. Thấy video quay bà ta hỏi phải làm gì, rút súng ra rồi đút vô lại. Xem như chưa bao giờ được huấn luyện những tình huống như vậy. Mình thì nghĩ cần phụ nữ trong ngành này nhưng cần tuyển chọn kỹ lưỡng. Bà ta cao đâu 5’-4” mà làm sao lấy thân che đầu ông Trump được khi ông này cao 6’-4”, hơn cái đầu.

Cũng bà này, thay vì nhiệm vụ của bà ta là che hứng đạn cho ông Trump, đây bà ta lại núp sau lưng. Chán Mớ Đời hình ảnh này khác với hình ảnh trong các phim hồ ly vọng, thấy mấy bà bảo vệ an ninh, đấm đá, mặt đẹp như thiên thần, thân hình gọn gàng, đây bà này chắc chạy bộ không nổi. Khadafi tuyển chọn cận vệ của mình có rất nhiều người nữ và rất giỏi. Có xem phim tài liệu về mấy người thì họ rất giỏi võ bắn súng gan dạ. Sẵn sàng hứng đạn cho Khadafi.


Cả cuối tuần xem đá banh chung kết Euro và copa America. Sau hiệp nhất thì đọc tin tức bình luận trên mạng về vụ này thì người ủng hộ ông Trump la lối kêu nhóm Biden tìm cách giết ông Trump này nọ. Người thân Biden thì kêu sát thủ phải học bắn, này nọ. Có người lại kêu nhóm của ông Trump lại bựa chuyện, đóng kịch này nọ. Suýt chết, một mảnh tai bị bay về mùa thiên thông mà họ dám kêu là đóng kịch. Cho thấy khi con người bị cuồng tín thì họ không thể nào chấp nhận sự thật.


Sáng nay có tên luật sư, nói đang chuẩn bị giấy tờ để thưa kiện “class action” 1 tỷ đô la cho những ai gọi vụ mưu sát này là một vỡ kịch. Ông ta đưa lý do về ông Alex Jones, một người cực hữu, có đài nói chuyện infowars. Ông này kêu vụ tên Adam Lanza, buồn đời đem súng đến trường học tại tiểu bang Connecticut, bắn chết 20 học sinh sau khi bắn bà mẹ tại nhà, sau đó tự sát. Ông thần Alex Jones lại kêu đây là thuyết âm mưu do giới tả làm ra để đẩy mạnh đường lối chính trị của phe Dân Chủ, nhằm kiểm soát súng ống. Chán Mớ Đời mấy gia đình này kiện ông ta và thắng kiện. Trong vụ ám sát ông Trump hụt có 1 ông đã qua đời vì đứng gần đó bị ăn đạn và nghe nói có hai người khác đang trong tình trạng nguy kịch. Họ lại dám kêu đóng kịch.


Nay nhóm ủng hộ ông Trump kêu gọi mọi người ủng hộ ông Trump, ghi xuống lấy tài liệu trên mạng. Ai mà kêu đây là thuyết âm mưu của nhóm cực hữu, sẽ bị kiện chung 1 tỷ đô la. Mấy bác nào thích chỉ trích hay tuyên bố khẳng định lập trường kiên định của mấy bác thì cẩn thận. Bị thưa 1 tỷ đô la là ngọng. Nhà cửa bay hết. Người ta không đóng kịch khi có 1 người chết và hai người bị thương nguy kịch.


Bổng nhiên ai nấy đều trở thành chuyên gia về an ninh cho tổng thống. Nói tại sao ông xạ thủ không bắn này nọ, phải đợi tên bắn mấy phát rồi mới bắn chết này nọ. Họ đưa ra nhiều thuyết âm mưu.


Thiên hạ hỏi tại sao ông xạ thủ không bắn người ám sát ông Trump khi thấy khả nghi trên mái nhà. Câu hỏi mà chúng ta cần phải đặt là ông ta có được phép bắn hay không. Đây đâu phải ở Á phủ Hãn hay Syria mà muốn bắn là bắn. Ở Mỹ Lai, vụ lính Mỹ bắn chết thường dân vô tội, được báo cáo lên cấp trên khiến phải đưa cấp chỉ huy ra tòa. Phải được lệnh mới bắn.


Mình nhớ có xem một phim tài liệu kể bởi Marcus Luttrell, đặc nhiệm của Hoa Kỳ mà sau này họ có làm cuốn phim mang tên  “Lone Survivor” kể về một toán lực lượng đặc biệt Mỹ nhảy vào thám thính A Phủ hãn . Họ núp nhưng tình cờ một người chăn cừu khám phá ra họ. Thường là phải cắt cổ khi đi thám sát như vậy để khỏi lộ tông tích nhưng toán lực lượng đặc biệt lại sợ vì không có lệnh. Nếu giết thì có thể gặp rắc rối ra toà án quân sự, này nọ. Cuối cùng họ thả người ấy ra, và ông ta đi báo cho taliban khiến cả toán bị giết từ từ. Ông ta may mắn sống sót khi máy bay đến bốc ông ta ra khỏi cuộc săn lùng của taliban để còn đêm chông đèn ngồi kể chuyện. Có một phim tài liệu khác về lực lượng SAS của Anh quốc nhảy vào Iraq cũng gặp trường hợp tương tự, tha một đứa bé chăn cừu, đồng đội bị truy nã và hy sinh, anh ta cũng bị lính Iraq bắt, sau này mới được thả về.


Bảo vệ an ninh là một ván cờ chính trị của nhiều cơ quan, vấn đề là người bóp cò không phải là người lấy quyết định. Vị chỉ huy của họ ra lệnh và chỉ huy thì sợ bị trù dập, mất lên chức mất lương. Cho nên vụ ông Trump bị ám sát hụt có nhiều khúc mắt mình không biết nên khó phán xét. Chỉ biết là chúng ta đã tránh được một cuộc nội chiến. 


Nhớ dạo bệnh dịch COVID, ra đường, người Á châu bị người Mỹ trắng đánh đạp, chửi bới này nọ vì COVID đến từ Trung Cộng.


Ông Biden hay ông trump lên thì chỉ có những người cúng tiền cho họ vận động tranh cử là hưởng lợi, nông dân như mình thì miễn đến. Dân nghèo vẫn nghèo và dân giàu sẽ tiếp tục giàu hơn. Chán Mớ Đời 


Anh bạn mình nói tổng thống thì có 3-4 toán sniper (xạ thủ bắn sẻ) còn ông Trump là cựu nên có thể chỉ có 1 toán nên họ phải dựa vào các lực lượng cảnh sát địa phương. Nghe nói là đội bắn sẻ này hạ thủ ông gì cầm súng ẢR 15 nằm trên mái nhà. Trong trường hợp này khi sáng, họ có gặp họp briefing với người chỉ huy hôm đó. Họ không biết nhau nên khó có sự tin tưởng nhất là liên lạc qua máy bộ đàm. Mình leo núi nên hay đem theo máy bộ đàm để liên lạc với mấy người trong toán. Thường rất khó nghe , phải lập đi lập lại mấy lần. Nên khi mấy xạ thủ an ninh nghe lệnh bắn qua máy bộ đàm thì phải hỏi lại chắc chắn thì mất mấy giây.


Chúng ta nghe thiên hạ chửi bới cảnh sát khi họ bắn chết người dân vì trong 1 phút sợ hãi. Cảnh sát đi tuần nhất là vào khu vực không an ninh rồi cảnh sát kêu ai đó tình nghi đứng lại, họ không đứng lại, lục gì trong áo thì thà anh giết lầm còn hơn để họ giết anh. Cho thấy hiện nay chúng ta sống trong một xã hội rất phức tạp. Vì an ninh cá nhân anh phải bắn một người tình nghi vì họ không đứng lại, mà nếu không bắn thì có thể bị kẻ đó bắn. Chạy xe trên xa lộ thấy mấy bảng tưởng niệm các cảnh sát công lộ bị giết khi chận xe tình nghi.


Các toán an ninh cần được huấn luyện những trường hợp cụ thể như vụ ám sát ông Trump vừa qua. Vấn đề là huấn luyện rất tốn tiền. Nhất là từ khi ông Reagan bị bắn đến nay, đã qua mấy chục năm nên người ta quên là tổng thống có thể bị bắn nên thờ ơ, quên huấn luyện về những trường hợp này xảy ra. Cứ xem như thời bình không có ai bị bắn nên từ đây trở đi, sẽ phải lo hơn. Mới nghe nói ứng cử viên độc lập Robert Kennedy Jr, đã được tổng thống Biden ra lệnh cho an ninh bảo vệ. Ông này được sự ủng hộ của người Mỹ đâu 9% so với 2 ông kia mà không được an ninh bảo vệ. Mình sẽ bầu cho ông ta dù biết không thắng nhưng để cho biết là có lực lượng thứ 3 tại Hoa Kỳ, không đồng ý đường lối cực đoan của hai Đảng kia.


Nói chung thì nội chiến không xảy ra, từ đây đến tháng 11 sẽ có nhiều vụ khác nữa. Mình chỉ mong bầu cử ôn hoà. Bầu cử lúc nào cũng có gian lận. Ông Nixon thua ông Kennedy có mấy trăm ngàn lá phiếu ở Chicago. Thuộc cấp ông ta kêu nên đưa nhau ra toà như vụ Al Gore và BUsh con. Ông NIxon kêu không cần sẽ làm hại thanh danh của Hoa Kỳ. Nếu em trai ông Bush con không làm thống đốc tiểu bang Florida thì có thể ông Al Gore đã thắng. Không ai biết được. Chúng ta ủng hộ ai hay Đảng phái nào cũng tốt, điều quan trọng là tôn trọng ý kiến của người khác. Như ông Voltaire từng nói: “ tôi không đồng ý với anh nhưng sẵn sàng chết để bảo vệ quyền anh được nói”. 

Mình khi xem video thấy ông Trump bị bắn ngang tai nên nhớ đến hoạ sĩ Văn Gogh thì hôm sau thấy nhà thơ Đổ Trung Quân tải bức hình này. 


Năm 1906, có một cuốn sách tựa đề “The Friends of Voltaire” dưới bút danh là Stephen G. Tallentyre. Tác giả, Evelyn Beatrice Hall, viết về bạn hữu của ông Voltaire như  Beaumarchais, Condorcet, D’Alembert, Diderot, và Turgot. Bà ta viết ‘I disapprove of what you say, but I will defend to the death your right to say it’, was his attitude now.” Khiến thiên hạ tin chính ông Voltaire nói nhưng sau này bà ta có viết thư cho giáo sư Burdette Kinne, đại học Columbia năm 1939. Cho biết chính bà ta viết câu này, vì nghĩ Voltaire có ý tưởng như vậy khi thảo luận về cuốn sách của Claude-Adrien Helvétius “de l’esprit” (On the Mind.) hình như cuốn này chưa được dịch sang pháp ngữ. Chán Mớ Đời 

Hy vọng sau cuộc ám sát này, người Mỹ hai bên đều nhìn lại mình để tạo ra sự tương thân với nhau và tôn trọng ý tưởng của đối thủ thay vì chửi bới, đánh nhau. Ông Trump suýt chết nên chắc cũng từ tốn lại. Hôm qua xem đại hội Đảng Cộng Hoà, thấy tiêu đề năm nay là Di Dân. Thấy đám đông như đại hội các công ty đa hệ mà mình có tham gia khi xưa. Đám đông vỗ tay khi thấy Upline mình lên sân khấu tuyên bố này nọ. Hứa sẽ nổ lực, cố gắng kiếm downline thêm để bán, giúp các upline được hưởng thêm hoa Hồng. Chán Mớ Đời 


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn  



Vợ cũ lãnh tiền già theo diện chồng cũ sau khi ly dị

 Vợ cũ lãnh tiền già theo chồng cũ sau khi ly dị


Hôm nay đọc câu hỏi về tài Chánh thấy lạ nên kể lại đây cho mấy bác nào nằm trong trường hợp này. Một bà Mỹ hỏi là bà vợ cũ của chồng bà, đã chung sống trên 10 năm và ly dị. Sau đó bà ta đi thêm bước nữa rồi cũng ly dị và lấy chồng khác cũng ly dị. Xem như 3 đời chồng. Thắc mắc của bà này là bà vợ trước vẫn lãnh được tiền già (an sinh xã hội ké theo diện của chồng bà.) Bà ta tưởng một người lập gia đình lại thì không có quyền hưởng phần an sinh xã hội của người chồng trước. Đúng hay sai. 

My husband was married to his first wife for 10 years. His ex-wife remarried and divorced twice since. She is collecting spousal benefits on my husband’s Social Security record. I thought if a person remarried, they were not eligible to collect on the first spouse’s record. What is correct?”

Sau đây là câu trả lời của chuyên gia tài Chánh.

Những gì bà đã trình bày chỉ có một phần đúng. Thông thường, một người đã ly dị và lập gia đình lại, thì không có thể lãnh phần an sinh xã hội của người phối ngẫu cũ, thường được gọi  “divorced spousal benefits” hay “ex-spousal benefits.” 


Nhưng có những trường hợp ngoại lệ cho những người lập lại gia đình nhưng lại ly dị và hiện nay vẫn độc thân, đơn côi. Trong trường hợp bà vợ cũ của chồng bà, nếu bà ta còn chung sống với những người chồng sau này thì không được lãnh tiền an sinh xã hội dựa theo chồng của bà. Trong trường hợp này, bà ta đã ly dị người chồng thứ 2 và thứ 3 nên bà ta có quyền hưởng 50% tiền an sinh xã hội của chồng bà. Mình đoán là mấy người chồng sau chắc sống ít hơn 10 năm, cũng có thể ít lương hơn chồng đầu tiên nên bà ta lãnh cái nào nhiều nhất. Ông bạn gửi cho thể lệ về vụ này.


Andy Nguyen

Admin

Top contributor

A divorced spouse may be eligible to receive Social Security benefits based on their former spouse's record if they meet certain criteria:
Age
The divorced spouse must be at least 62 years old
Marriage length
The divorced spouse must have been married to their former spouse for at least 10 years
Former spouse's eligibility
The former spouse must be eligible for Social Security retirement or disability benefits
Remarriage
The divorced spouse cannot have remarried, unless their subsequent marriage ended in annulment, divorce, or death
Benefit amount
The divorced spouse's benefit amount must be less than what they would receive based on their own earnings record

Điều kiện tiên quyết để nhận quyền lợi về an sinh xã hội là cuộc hôn nhân phải trên 10 năm tối thiểu. Xem như bà vợ cũ của chồng bà đạt được chỉ tiêu này. Số tiền bà ta lãnh được là 50% số tiền của chồng bà lãnh hàng tháng. Chắc số tiền bà ta có thể lãnh dựa trên lợi tức hàng tháng của bà ta đã đóng, kém hơn số tiền 50% lợi tức của chồng bà nên bà ta mới lãnh theo quy chế  “divorced spousal benefits” hay “ex-spousal benefits.” 


Các hôn nhân hữu nghị sau của bà ta đều tan vỡ và mối tình hữu nghị với chồng bà trên 10 năm nên bà ta có quyền để lãnh tiền an sinh xã hội dựa trên người chồng đầu tiên.

Có thể bà và chồng cảm thấy cảm thấy khó chịu vì đã đắp mộ cuộc tình rồi, vợ cũ của chồng bà không cần phải phải báo cho ông bà biết hay cần sự đồng thuận của ông bà khi khai báo lãnh tiền an sinh xã hội theo diện  “divorced spousal benefits” or “ex-spousal benefits.” Lý do là không ảnh hưởng gì đến số tiền của chồng bà hay bà lãnh dựa theo lợi tức khi xưa còn đi làm.

Social Securitry Adminstration website.


Trường hợp này khá hay. Bác nào cứ lấy vợ hay chồng, ráng sống quá 10 năm 1 ngày với kẻ nội thù (cứ đợi đến thời hạn này mới ký thủ tục ly dị). Sau này, về hưu lãnh tiền già phân nữa tiền của kẻ nội thù cũ cho hắn hay ả căm thù mà chết sớm giúp các bác rữa hận một đời. Chỉ có vấn đề là khi người phối ngẫu cũ qua đời không hiểu người chồng hay vợ ly dị khi xưa có được lãnh 100% số tiền thay vì phân nữa như khi còn sống. 

Có thể khi chồng cũ hay vợ cũ chết thì mình có thể lãnh 100% số tiền của họ như vợ chồng còn sống với nhau. Em nghĩ chắc không được chớ nếu không mấy bác gái cứ lấy chồng rồi sau 10 năm, bắt chước Trần Quảng Nam hát 10 năm tình cũ, đi lấy chồng khác rồi ly dị đến năm 65 tuổi có độ 3, 4 đời chồng, ca bài 30 năm ta trả lại người, lãnh 50% tiền an sinh xã hội của mấy ông chồng cũ, đủ sống thoải mái đến khi đi Tây phương. Chồng cũ mà đơn côi thì khi chết chắc cũng vớt 100% của họ. 3 đời chồng lãnh mỗi người $2,500 là được $7,500/ tháng. Khỏe đời gái đơn côi, hát bài đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng có an sinh, cũng có tiền. Em chỉ đùa chớ không lãnh cả 3 được. 1 là may rồi. 

Ai rảnh thì xem thêm đường dẫn vì có nhiều trường hợp. Đây em chỉ kể chuyện bà nào đó hỏi.


https://blog.ssa.gov/ex-spouse-benefits-and-how-they-affect-you/


Lý do người vợ hay chồng chỉ lãnh được 50% tiền an sinh xã hội của người phối ngẫu. Khi 2 vợ chồng về hưu, thì người nào đóng tiền an sinh xã hội nhiều nhất thì chính phủ chỉ cho người kia chỉ lãnh được 50% số tiền của người lãnh an sinh xã hội nhiều nhất. Như trường hợp vợ em lãnh an sinh xã hội nhiều hơn em nên em lãnh được 50% tiền an sinh xã hội của đồng chí vợ. Bà chị vợ là nha sĩ, ông chồng cũng là nha sĩ. Hai vợ chồng đóng an sinh xã hội như nhau, đến khi về hưu trên nguyên tắc thì cả hai đều lãnh như nhau nhưng 1 người chỉ được lãnh 50% số tiền của người kia. Em có biết một cặp người Việt, về hưu, ly dị để lãnh trọn 100% an sinh xã hội của mỗi người nhưng vẫn chung sống dưới một mái nhà. Em thấy ý tưởng hay.

Lý do là khi họ thành lập quỹ an sinh xã hội thì đa số phụ nữ Mỹ không đi làm nên không đóng tiền an sinh xã hội. Khi về già không được lãnh tiền an sinh xã hội thì gian ác quá, lỡ chồng bỏ này nọ hay chết do đó họ mới ra những quy luật như người phối ngẫu có thể lãnh 50% tiền an sinh của chồng hay vợ. Và khi ông chồng qua đời thì lãnh trọn 100% tiền an sinh xã hội của người chồng, hát karaoke người đi qua đời tôi.

Dạo đó, một công nhân đi làm, có thể nuôi vợ và 4 đứa con, có nhà có xe hơi, tủ lạnh khiến khắp thế giới, thèm khát giấc mơ Hoa Kỳ nhưng dần dần vào thập kỷ 70 của thế kỷ 20, vật giá leo thang, lạm phát tiền lời lên đến 21% nên dần dần phụ nữ phải đi làm thêm, nên phải đóng tiền an sinh xã hội và thuế. Xem như họ đi làm để đóng thuế cho chính phủ và xài tiền lương của chồng. Thuế hai người cộng lại thường bị đóng độ 30-40%. Nhưng họ không thay đổi luật lệ của an sinh xã hội.

Ngày nay, vợ chồng đi làm cũng chưa đủ nên phải làm thêm 1, 2 Job bán thời gian khác để chi tiêu cho nên giấc mơ Hoa Kỳ trở thành đầu tắt mặt tối. Chán Mớ Đời 


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Công Ty Đa Quốc gia và Chủ nghĩa tân thực dân

 



Hôm nay, đi vườn về thì được tin ông Trump bị ám sát hụt. Mạng ông ta lớn thật, bị bắn sát tai, chảy máu, chỉ cần trệch qua chừng vài ly là banh ta lông. Vụ ám sát hụt này khiến mình nhớ đến tổng thống Carter  không chịu nghe theo một vấn đề gì đó do các “cố vấn” yêu cầu nên trước khi đọc diễn văn ở khách sạn nào đó, quên tên. An ninh khám phá ra một người có súng để ám sát ông ta và từ đó ông ta hết muốn làm tổng thống.


Người Mỹ tin vụ thuyết âm mưu là Deep State cai trị họ nên khi có vụ gì xảy ra là thiên hạ bình luận dựa theo những thuyết âm mưu.


Mình đang đọc cuốn sách của 2 phóng viên người Anh quốc tên Matt Kennard và Claire Provestors, bắt đầu hiểu rõ hơn các vụ việc xảy ra trên thế giới, tại các nước nghèo và có hầm mỏ mà các nước Tây phương cần. 

Silent coup (cuộc đảo Chánh thầm lặng)

Trước khi thế chiến thứ 2 chấm dứt, năm 1944, 44 quốc gia chống lại trục phát xít và Nhật Bản đã họp mặt tại Bretton Woods từ ngày 7 đến 22 tháng 7 năm 1944, nghĩa là 14 tháng trước khi cuộc chiến chấm dứt mà mình đã có kể trước đây trong bài về sát thủ kinh tế. Các nước họp mặt để chia chác quyền lợi sau chiến tranh. Tài liệu giải mật cho thấy Nhật Bản biết sẽ thua, và không muốn đầu hàng, bị Trung Hoa, đồng minh của Hoa Kỳ, chiếm đóng nên liên lạc qua ngỏ ngoại giao để đầu hàng trước quân đội Hoa Kỳ. Buồn đời sao hội đồng an ninh Hoa Kỳ, kêu tổng thống Truman thả thử 2 trái bom nguyên tử để báo cho Stalin biết vũ khí tối tân mới được ra lò, khiến mấy trăm ngàn người Nhật chết oan. Hiến pháp Nhật Bản và Đức quốc ngày nay đều do Hoa Kỳ viết. Xem như hai nước này bị Hoa Kỳ kiểm soát.


Họ thành lập một trật tự mới và dùng Mỹ kim để kiểm soát tài Chánh, kinh tế thế giới. Và thành lập hai ngân hàng quốc tế là Ngân HÀng Thế Giới (World Bank) và IMF (international Monetary Funds), hai công cụ giúp họ kiểm soát kinh tế và tài Chánh của thế giới. Họ rêu rao dân chủ hoá các quốc gia nhưng lại âm thầm tạo ra những điều kiện để xâm chiếm tài nguyên của các thuộc địa cũ bằng tài chính và chính trị.


Sau đệ nhị thế chiến thì các cường quốc Âu châu có các thuộc địa bị kiệt quệ sau 2 cuộc thế chiến nên phải giải thể chủ nghĩa thực dân, trao trả lại độc lập cho các thuộc địa khắp nơi. Các quốc gia mới dành độc lập, lật đổ chính quyền bù nhìn dưới thời thực dân và bầu cử theo thể thức dân chủ mà Hoa Kỳ và các nước Tây phương hô hào. Tự do bác ái, bình đẳng bú xua la mua.


Vấn đề là các quốc gia này đuổi được các quan thầy thực dân về nước thì nghĩ sẽ dùng tài nguyên quốc gia để tái thiết đất nước họ như trường hợp Ba Tư, người dân bầu ông thủ tướng Mossadegh. Ông này đầy nhiệt huyết, tưởng dân mình tự do muốn làm gì thì làm nên chơi cha thiên hạ, ra lệnh quốc hữu hoá các mõ dầu của British Petrolum thế là mấy tháng sau MI 6 và CIA lật đỗ chính quyền này, và đem ông Shah lên ngôi lại. Cháu của Rockefeller là người chỉ huy vụ này nên sau này xem hồ sơ giải mật kẻ chỉ huy vụ ám sát tổng thống Kennedy cũng thuộc giai cấp giàu có, sau này làm lớn đến chức tổng thống. Họ viết như vậy thì mình đọc như vậy chớ sự thật thì không biết. Chỉ có những người trong cuộc. Cũng như tổng thống Kennedy, họ cho biết là ông ta ký lệnh rút các cố vấn quân sự Mỹ tại Việt Nam thì 24 tiếng sau bị bắn tại Dallas. Sách họ viết và phim chiếu trên mạng cho thiên hạ đọc và xem, nhưng không thấy ai phản đối hay kiện cáo.


Tương tự ông tướng Wesley Clark, cựu tư lệnh khối Bắc Đại Tây Dương NATO, kể là khi vụ đánh bom 9/11 thì ông ta được gọi về ngũ giác đài để họp. Sau đó có một ông tướng khác kêu ông ta vào phòng riêng và chỉ cho ông ta các chương trình đánh 7 nước ở trung đông. Nay nhìn lại thì chỉ có 1 nước chưa bị đánh là Ba Tư. Ông ta có ra tranh cử tổng thống nhưng không được sự ủng hộ nên rút lui. Ai buồn đời thì tìm trên YouTube, bào phỏng vấn của ông ta.


Buồn đời, ở xứ Ai Cập có ông Nasser, lật đỗ ông vua bù nhìn của Anh quốc, lên làm tổng thống, xây dựng một kỹ nguyên mới, một pharaon mới của Ai Cập. Ông này cũng say sưa trong men chiến thắng nên quốc hữu hoá kinh đào Suez, nơi các tàu bè tây phương phải đi ngang và đánh thuế. Thế là Pháp quốc, Anh quốc, và Hoa Kỳ đổ bộ kiểm soát con kênh này. Không cho mượn tiền qua IMF để giúp ông này xây cái đập mà ngày nay dân chúng xứ này chửi ông ta ngu khi mời mấy ông Liên Xô sang xây cất vì chận nước và phù sa từ thượng nguồn. Kiểu ngày nay, Trung Cộng, Lào, Cao Miên xây đập ở thượng nguồn của sống Mekông. Vùng đồng bằng sông Nile được xem là phì nhiêu từ mấy ngàn năm qua, nuôi dân Ai Cập, giàu có, bổng nhiêu hết phù sa, phải mua phân bón của Tây phương hay Liên Xô. Thay vì làm dân giàu nước mạnh thì nghèo tơi tả chỉ có một thiểu số giai cấp trưởng giả mới, làm tôi mọi cho các công ty đa quốc gia, sống trong nhung lụa. Chán Mớ Đời 


Rồi ở Guatemala, ông tổng thống Jacobo Ábenz, được dân bầu lên. Cũng kêu đất của mình thì phát cho dân mình để làm ăn, trồng trọt kiểu chương trình “người cày có ruộng” của Việt Nam Cộng Hoà khi xưa. Khi xưa, chương trình này được thực hiện để dành dân. Việt Cộng họ chiếm các khu vực này, xa thành phố nên mua của điền chủ rồi phát cho tá điền. Ông ta quốc hữu hoá đất đai của United Fruit Company của gia đình Bush, giúp đỡ đâu trên 500,000 nông dân trên dân số 4 triệu dân, có đất đai canh tác. Thế là CIA lật đỗ chính phủ của ông này như kiểu 1/11/1963 tại Việt Nam Cộng Hoà, 2 anh em họ Ngô bị giết vì không nghe lời Hoa Kỳ. Tạo ra cuộc nội chiến, vì chính phủ mới lấy lại đất của dân mà đến năm 1991, mình có dịp viếng thăm xứ này thì thấy cầu cống , đường xá bị quân kháng chiến, phá huỷ. Tối tối thấy nhân dân tự vệ, gác đầy đường như ở Việt Nam. Nay nghĩ lại vẫn thấy ngu, tại sao lại bò sang đó thời đó.


Ở Panama cũng tương tự, ông tổng thống xứ này muốn quốc hữu hoá kênh Panama để dân xứ này có công ăn việc làm, tiền thu thuế các tàu bè đi ngang,…bổng nhiên máy bay trực thăng của ông ta bị nổ trên trời như máy bay của tướng Đổ Cao trí. Có nhiều trường hợp nữa để khi rảnh kể thêm. Cho thấy những người dân các xứ nhược tiểu, mơ đất nước dân chủ như Tây phương chỉ là giấc mơ. Họ luôn luôn bị các thành phần chịu làm tôi mọi cho các công ty đa quốc gia ngoại quốc, tước đoạt quyền làm người. Làm giàu trên xương máu của người dân.


Có một đại hội về ngân hàng tại Hoa Kỳ, năm 1963 thì phải. Có một người đức, từng làm ngân hàng cho Nazi trước thế chiến, tham dự và đề nghị thành lập một cơ quan quốc tế, để kiểm soát và tránh những trường hợp xẩy ra như Ba Tư, Ai Cập, Guatemala, Panama,…trong tương lai. Hoa Kỳ và các tài phiệt Tây phương đột phá tư duy với ý của ông đức này và thành lập ISDI (international Sustainable Development Institute) https://isdiworld.com


Để kiểm soát chính quyền địa phương, và các công ty Hoa Kỳ hay Tây phương có thể thưa kiện quốc gia nơi họ đầu tư. Điển hình cách đây mấy năm có một ông người hoà lan, gốc việt về Việt Nam đầu tư rồi sao đó, bị mất tiền. Công ty của ông ta kiện Hà Nội trước toà án quốc tế qua hình thức của ISDI này. Mình thấy lạ vì ông này cá nhân hay công ty nhỏ của ông ta mà kiện được Hà Nội cả tỷ đô la. Nay đọc cuốn sách này mới hiểu. Chỉ cần đưa đơn ra toà án qua hình thức ISDI là người Tây phương và Hoa Kỳ sẽ bảo vệ quyền lợi đến cùng. Nếu quốc gia không trả thì họ có thể tịch thâu tiền bạc của quốc gia này nằm ở trong ngân hàng quốc tế nào trên thế giới. Người da trắng chơi cha thiên hạ. Tương tự có ông luật sư nào người Ý Đại Lợi kiện Việt Nam airlines, lý do là công ty này nhờ ông ta giúp thâm nhập vào thị trường ở Ý Đại Lợi. Sau đó công ty Việt Nam xù không trả tiền cho ông ta. Ông ta kiện ra tòa, công ty Việt Nam, không thèm đến tham dự tòa nên bị xử thua. Công ty Việt Nam kêu biết bố mày là ai không. Đùng một cái, số tiền trong tài khoản của công ty Việt Nam ở ngân hàng tại Pháp bị tịch thu để trả cho ông ta,… họ quên là hệ thống ngân hàng Tây phương liên kết với nhau.

Hiện nay xứ Honduras mà mình có viếng thăm hồi tháng 2 vừa rồi bị một công ty quên tên, kiện 11 tỷ đô la trong khi GDP của xứ nhỏ bé này chỉ 29 tỷ một năm. Hình như các công ty ngoại quốc muốn thành lập một đặc khu kinh tế nơi đảo Roatan nhưng Honduras không chịu nên bị kiện. Anh không có tiền, muốn mượn tiền ngân hàng thế giới để phát triển thì phải gia nhập làm thành viên của ISDI, và tuân theo các thể lệ. Không được quốc hữu hoá. Ai buồn đời thì đọc đường dẫn, công ty của ông tỷ Phú Thiel, ủng hộ ông Trump. Để hôm nào mình kể thêm về mấy vụ này để hiểu thêm về cơ cấu làm ăn trên thế giới, luật pháp được viết có lợi cho Tây phương và Hoa Kỳ, nên các quốc gia khác muốn chống lại ảnh hưởng của Tây phương và Hoa Kỳ nên muốn tham gia khối BRICS

 https://jacobin.com/2023/11/honduras-international-law-isds-thiel-prospera-free-market-neocolonialism


Sau khi Đảng ANC của Nam Phi lên nắm chính quyền, bãi bỏ chế độ Apartheid thì cũng i tờ về vụ ISDI này nên muốn lấy lại hay đánh thuế mõ kim cương mà công ty Ý Đại Lợi đang khai thác. Công ty này đưa chính phủ Mandela ra toà án quốc tế. Cuối cùng họ thương lượng bỏ qua, vì sợ mang tiếng rồi mấy công ty khác bắt chước này nọ. Họ rút đào kim cương từ 10 năm qua mà kêu lỗ, mà chính phủ Mandela muốn lấy lại thì bị kiện. Xem như cho không kim cương. Và tiếp tục làm cu ly cho con cháu thực dân. Ai buồn đời thì đọc đường dẫn https://www.reuters.com/article/business/italian-firms-sue-safrica-over-black-mining-law-idUSL09173464/


Cách này khỏi mất công đem quân đến các thuộc địa, khai thác hầm mõ tài nguyên của họ, không đóng thuế cho chính quyền địa phương vì địa chỉ của công ty ở một nước nào đó như Mauritius,…


Ông ta cũng nói đến viện trợ cho các nước nghèo. Anh quốc dành 0.7% GDP mỗi năm để cứu trợ, giúp các nước nghèo qua các chương trình như OXFAM,… ông nhà báo này kể là các chương trình này giúp đỡ rất hạn chế người nghèo tại các nước sở tại mà để giúp các công ty đa quốc gia. Điển hình khi ông đi Miến Điện, thấy dân tình nghèo đói rồi được chở đến một khách sạn 5 năm sao được xây cất bằng tiền viện trợ. Ông ta hỏi các viên chức OXFAM, thì được biết là muốn xứ này có công ty ngoại quốc đầu tư, cần có khách sạn 5 sao. Vào trong thì thấy các đại diện công ty ngoại quốc đang ăn uống với các viên chức địa phương và vợ của họ. Chán Mớ Đời 


Hay ở xứ nào ở Phi châu, dân khát nước không có nước uống, dù dưới mặt đất có các luồng nước ngầm trong khi đó thì cách đó vài trăm thước, các công ty đóng chai nước ngọt của ngoại quốc hút nước từ dưới lòng đất lên, bán cho dân địa phương. Và miễn thuế. Ở Hoa Kỳ cũng có trường hợp tương tự, lâu quá mình không nhớ nhưng ở Hampshire thì phải, công ty lọc nước đến bơm nước miễn phí của vùng này, chả đóng thuế gì cả rồi bán lại cho thiên hạ. Hay tại Cali, công ty Arrowhead, bị chính phủ tiểu bang cấm không được hút nước thì đâm đơn kiện.


Đọc cuốn sách này mới hiểu từ từ những lý do mà xứ Venezuela hay Bolivia bị Hoa Kỳ và các nước Tây phương chèn ép. Mình có xem một cuốn phim của Oliver Stone, phỏng vấn ông Chavez, và Morales. Các xứ này có tài nguyên như dầu hoả, dầu khí mà các nước Tây phương cần nên khi hai ông này không chịu theo các đường lối của Tây phương thì bị cô lập hoá khiến kinh tế của hai xứ này te tua, người dân bỏ nước ra đi. Sang Chí Lợi và Á Căn Đình, mình thấy dân chạy Uber toàn là người Venezuela, hỏi chuyện cũng tội lắm vì họ cũng tỵ nạn như mình.


Ông Morales khi lên làm tổng thống đã rút tên khỏi ISDI, xem như nước đầu tiên trên thế giới. Ông ta đổi tiền lợi nhuận của các công ty ngoại quốc từ 82% thành 18% và Bolivia từ 18% thành 82%, khiến các công ty đòi kiện nhưng ông ta đã rút tên Bolivia ra khỏi ISDI nên chả sợ thằng Tây nào cả. Các chương trình của ông ta đi ngược lại với các chương trình do ngân hàng thế giới đề nghị và thành công hơn. Khiến trong vòng 5 năm đầu tại chức, đã giảm đói xoá nghèo từ 56% xuống còn 46%,… nhưng bị các công ty đa quốc gia xem như một tên mát xít nguy hiểm. Ông này là gốc nông dân, làm công rồi tham gia công đoàn rồi lên từ từ. Cuối cùng ông ta cũng phải chạy qua nước ngoài để xin tỵ nạn. Hình như đã được quốc hội Bolivia khoan Hồng ông ta và đã trở về nước.


Hoa Kỳ và đồng minh đã tụ tập tại khu nghỉ dưỡng 5 sao Bretton Woods, New Hampshire để chia xẻ quyền lợi 14 tháng trước khi Đức quốc xã đầu hàng vô điều kiện cũng như Nhật Bản. Họ dùng Mỹ kim thay vì bản anh để làm tiền tệ giao dịch buôn bán trên thế giới. Họ thành lập hai ngân hàng thế giới, world bank và IMF, công cụ để cho vay và làm áp lực các nước cựu thuộc địa cũ.


Họ sẽ cho các sát thủ kinh tế, đến thăm viếng các nguyên thủ của các nước mới dành lại độc lập, đề nghị các chương trình xây dựng. Vào những thập niên 50, 60 là xây các đập nước để tạo ra thuỷ điện, giúp phát triển đất nước. Giá rất cao và kêu gọi các ngân hàng quốc tế cho vay. Các ngân hàng này kêu không tin tưởng vào các công ty địa phương nên ra điều kiện phải mướn các công ty ngoại quốc như RMK,… các công ty này lãnh tiền của world bank gửi nhân viên của họ sang làm việc, giá gấp 10, 20 lần kỹ sư địa phương. Tiền vẫn ở Hoa Kỳ hay các nước Tây phương nên dân sở tại chả hưởng được gì nhiều ngoại trừ có mấy người làm công, nấu ăn, làm phòng cho nhân viên của họ. Dân tình vẫn phải đóng thuế để trả nợ cho các chương trình này. Các giới lãnh đạo tha hồ vớ vét rồi những ai ăn không được, lại truất phế vô hình trung trở thành những cai ngục cho thực dân mới. Mình nhớ khi xưa, các chương trình viện trợ cho Việt Nam Cộng Hoà, đều được các hãng thầu như RMK lãnh hết. Họ chỉ mướn người Việt mấy việc lặt vặt. Còn tiền bạc chính vẫn ở Hoa Kỳ.

Cứ cho dân chúng đi xem thể thao, quên đi bao buồn lo và sẽ tránh các cuộc bạo loạn sau khi đi bão, uống rượu bia

Đi phi châu và Trung Á thì khám phá ra Trung Cộng đang sử dụng chương trình của họ Vành Đai và Con Đường, như world bank và IMF của Tây phương. Họ cũng cho vay tiền nhưng để công ty của người Tàu sang thực hiện. Các lãnh đạo địa phương tham nhũng, rút bòn tiền thì phải đội vốn và nợ kéo theo nợ. Không trả nổi thì phải cho họ các đặc khu hay hải cảng để tàu bè của họ có thể ghé, trở thành các hải cảng quân sự của Trung Cộng như vụ Sri Lanka, Sihanoukville,… (còn tiếp)


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Thực phẩm siêu chế biến

 


Hôm nay, đọc một bài trên báo, kể về giáo sư Barry Smith, từng làm việc cho các công ty đa quốc gia thực phẩm biến chế. Sau này ông ta ngưng tiêu dùng các thực phẩm này khi khám phá ra những nguy cơ ultra-processed foods, (thực phẩm siêu chế biến) có thể mang lại cho sức khoẻ. Giáo sư Barry Smith, giám đốc đại học Luân Đôn, phân khoa triết học, cho biết trước đây ông ta có làm việc cho các công ty thực phẩm như Kellogg’s, CoCa-Cola, Ferrero và tiêu thụ độ 30-40% các thực phẩm UPF trong các bữa ăn hàng ngày.


Theo một bài báo nghiên cứu năm 2024 của Northeastern University's Network Science Institute, thực phẩm UPF chiếm 73% nguồn cung cấp thực phẩm của Hoa Kỳ, bài nghiên cứu này chưa được bình duyệt bởi các đồng nghiệp. Những thực phẩm siêu ngon miệng này chứa tỷ lệ chất béo trên carbohydrate hoàn hảo, khiến khách dùng gần như không thể ngừng ăn chúng.

Ông nói: “Đây là những thực phẩm mà cơ thể của chúng ta thèm khát đến mức làm chậm cơ chế cảm giác no của chúng ta”. Nhớ khi xưa, có lần mua mấy hộp chip khoai Tây chiên, ngồi ăn từ từ đến hết mấy hộp. Kinh. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Food vào năm 2023 cho thấy rằng bữa ăn càng có nhiều thực phẩm ngon miệng thì những người tham gia có xu hướng ăn càng nhiều calo.


Ông Smith bắt đầu cắt giảm UPF vào khoảng năm 2020 sau khi đọc  cuốn sách của Chris Van Tulleken, tác giả cuốn sách bán chạy nhất “Ultra Processed People” (Những người siêu chế biến), cuốn sách làm sáng tỏ tác hại của việc chế biến thực phẩm công nghiệp.


Ông Smith nói: “Họ (các công ty đa quốc gia) muốn tìm hiểu từ tôi tất cả các thủ thuật cảm giác và sự tấn công của các giác quan của chúng ta diễn ra trong quá trình sản xuất thực phẩm và định dạng thực phẩm khiến chúng ta tiêu thụ, ham muốn, thèm những thực phẩm này”.

Nó khiến ông ta nhận thức rõ hơn về các mối quan tâm về sức khỏe (một nghiên cứu được công bố vào tháng 2 trên tờ The BMJ đã liên kết UPF với nguy cơ cao hơn cho 32 vấn đề sức khỏe, UPFs to a higher risk of 32 health problems, bao gồm bệnh tiểu đường loại 2, trầm cảm và bệnh tim mạch) và suy ngẫm về đạo đức công việc của ông ấy.

Các công ty thực phẩm mướn các khoa học gia để giúp họ làm những thực phẩm mà người tiêu dùng thèm muốn liên tục, ngược lại những người chuyên gia này lại không đụng tới các món ăn do họ sáng chế. Tìm hiểu về các thức ăn siêu chế biến, ông ta càng hết muốn ăn nên ông ta ngưng hoàn toàn ăn các loại thức ăn này. 

Giáo sư Smith đưa ra 3 điều đã giúp ông ta sau khi từ bỏ các thức ăn siêu chế biến. Ông ta cảm thấy khoẻ mạnh, vui tươi hơn, không muốn ăn nữa khi đã no nhất là giảm cân dù ông ta không có ý định. Ông ta tin rằng trước đây, ông ta bị nghiện thức ăn siêu chế biến, thay vì yêu thích thực sự các thức ăn này. Chỉ khi ngưng ăn thì mới khám phá ra không cần ăn quá nhiều.

Xem như muốn giảm cân, người ta mua các thực phẩm này để ăn nhưng lại ăn các hóa chất khiến chúng ta ghiền nên ăn nhiều, càng nhiều calories, hoá ra béo phì trái với kết quả mong đợi.

Giáo sư Smith cho biết đọc, tìm hiểu các nhãn hiệu về thực phẩm giúp ông ta lựa chọn các thức ăn ít bị chế biến. Ông ta cho biết là nhiều khi có những thức ăn, nghĩ là tốt như một lon đậu, có thể chứa các tố chất độc hại. Ông ta phải tìm các loại hữu cơ để tránh các độc tố này. Vấn đề là ông ta là giáo sư, hiểu rõ về các hóa chất độc hại còn nông dân như mình thì ngọng.

Nhất là mua thức phẩm cũng tùy thuộc vào khả năng tài chính nữa. Mình có xem một chương trình về bệnh tật, họ phỏng vấn, ông chồng bị tiểu đường nhưng phải mua hamburger giá $0.99 trong khi một hộp rau giá $2.99. food environment and socioeconomic status.

Giáo sư Smith cho biết chúng ta cần lựa chọn để thay thế thực sự ngon miệng. Là một giáo sư về giác quan, quan tâm đến trải nghiệm nếm thử đa giác quan, ông ta nói "Mọi thứ trông như thế nào, mùi như thế nào, cảm giác trên ngón tay, thậm chí cả âm thanh của thức ăn khi nhai thứ gì đó hoặc khi lắc thứ gì đó. Tất cả những điều đó là một phần của trải nghiệm nếm và ăn ."


Ông nói: “chúng ta sẽ không thuyết phục mọi người tránh xa thực phẩm chế biến sẵn bằng cách nói với họ rằng nó không tốt cho họ”.

Trong đời sống hiện nay, chúng ta bận rộn với công việc. Thức ăn nhanh và siêu chế biến rất rẻ và tiện dụng. Chỉ cần bỏ vào lò vi sóng , mấy phút sau là chúng ta có một bữa ăn. Được cái là người Việt mình ở Hoa Kỳ, ít ai ăn thức ăn Mỹ hàng ngày. Vẫn thèm thức ăn Việt Nam. Mình rất sợ ăn mấy chả giò bán đông lạnh trong các siêu thị Á châu vì cũng được chế biến khiến mình ghiền. Tốt nhất là tự nấu cho chắc ăn.

Xưa kia, con cái còn ở nhà, bận nên cứ vào siêu thị gần nhà hay Costco, mua hàng loạt các thức ăn đông lạnh, đem về chứa ăn cả tuần. Chán Mớ Đời 


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn