Showing posts with label Chốn cũ người xưa Đàlạt. Show all posts
Showing posts with label Chốn cũ người xưa Đàlạt. Show all posts

Nơi tôi rời Đà Lạt

 Hôm trước có ông nào ở Đà Lạt tải mấy tấm ảnh Đà Lạt mà mình đã có nhưng có hai tấm khiến mình chợt nhớ ngày xa rời Đà Lạt hơn 50 năm trước. Đó là ga xe hoả Đà Lạt (tấm thứ nhất). Đường xe hoả bị phá hoại nên không được sử dụng nữa nên họ cho công ty hàng không Việt Nam mướn để làm nơi cân hành lý, thủ tục lên máy bay sau đó có xe ca chở hành khách xuống phi trường Liên Khương gần Tùng Nghĩa (tấm thứ 2). 

Bố anh bạn là Chú Chín, thợ chụp hình, lái xe chở mình và ông cụ xuống nhà ga này để cân hành lý, làm thủ tục lên máy bay. U châu hôm đó bà cụ mình khóc, mấy người em khóc như đưa mình vô nội. Mà đúng thiệt, 20 năm mình mới trở lại Đà Lạt. 

Bên phải tấm ảnh thấy nhà ga được xây dựng từ thời Tây. Tấm ảnh này mình đoán chụp sau 75 vì xe cộ loại ngày nay và nhà cửa được xây cất bú xua la mua. Chỗ chiếc xe SUV bên trái, mình nhớ chỗ đó có quán phở Phi Thuyền. Hình như mình ăn ở đó được 2 lần. Chỗ đó khi xưa chỉ là cái quán, và mấy cái ghế đẩu. Có vài cái quán khác mọc lèo tèo, đâu có nhà cửa tùm lum như trong hình. Phía ngoài là đường Nguyễn Trãi chạy lên một chút bên tay phải sẽ gặp đường Phan CHu Trinh.

Mình không biết mái nhà đỏ sau mấy cây thông là chỗ nào, chắc được xây cất sau 75. Còn dãy nhà có nhiều tầng, lợp mái ngói là Nha Địa Dư khi xưa. Người thầu khoán của công trình này là ông NGuyễn Văn Tiếng, mà dân Đà Lạt hay gọi Xu Tiếng ở đường Phan Đình Phùng gần Ga ra Phan Xứng, gần đến mả Thánh. Xu là nói trại từ từ Surveillant, xu vây dăn, bình dân học vụ là Cai công trường. Mấy người làm cho các công ty xưa, học nghề, ai khá khá, biết tiếng tây chút chút thì được lên chức Đội hay Xu như ông Xu Huệ hay Đội Có.

Trên các ngọn thông thì thấy cái chuông tháp của trường Grand Lycee, nơi mình có học mấy năm. Chuyên cúp cua đi đá banh vì muốn làm Pele Việt Nam. Nếu biết sau này làm nông dân thì chắc mình đi học cách trồng bắp sú khỏi tốn tiền cha mẹ. Chán Mớ Đời 
Xe ca chở hành khách xuống phi trường Liên Khương hay Liên KHàng, xuống xe đi bộ vào phi trường. Tấm ảnh này chụp phía lên máy bay sau khi qua an ninh và phòng đợi. Nay về thì không nhận ra vì họ làm rộng hơn. Khi xưa chỉ có vài chuyến bay một tuần. Nay nghe nói có cả chuyến bay trực tiếp đến từ Nam Hàn. Mình xem thời khoá biểu các chuyến bay từ Hán Thành đến Đà Lạt 1, 2 giờ sáng chắc vợ mình không chịu nổi. Đành bay về Sàigòn vào buổi sáng rồi bay lên Đà Lạt. Có anh bạn học nhắn tin sẽ ra phi trường đón. Rất cảm động 50 năm sau, tình cảm bạn học xưa vẫn không thay đổi.

Hôm trước, có chị bạn học cũ, đi ngang nhà thấy bà cụ quét sân nên dừng lại chụp mấy tấm ảnh bà cụ, gửi cho mình. Thấy thương mẹ già nên hai vợ chồng lấy vé máy bay về Đà Lạt vài ngày thăm mẹ. Hy vọng sẽ gặp mấy bác tại Đà Lạt.

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 
Nguyễn Hoàng Sơn 




Đà Lạt trước khi Thuỷ Tạ thành hình

 Hôm nay ngồi xem lại mấy tấm ảnh xưa Đà Lạt thấy mấy tấm ảnh hồ Xuân Hương, chỗ Thuỷ Tạ. Cứ mỗi lần tự nói sẽ chọn các hình ảnh cũ vào các thể loại nhưng rồi khi xem hình lại khám phá ra nhiều chi tiết khác nên ghi lại. Có gần 3,000 tấm ảnh Đà Lạt xưa mà chưa có dịp thanh lọc. Có lần bác nào nói ở Bôn Sa nên có thể giúp mình thanh loại các tấm ảnh cũ Đà Lạt nhưng bặt tin. Chán Mớ Đời 

Tấm này chắc chắn được chụp trước năm 1932, trước trận bão tháng 5 năm 1932. Đã cuốn trôi mấy căn nhà ở hạ lưu của người Việt khiến 15 người chết khiến người Pháp không cho xây cất ở đây nữa và dời khu phố việt lên khu Hoà Bình ngày nay. Trận bão này đã làm vỡ cái đập chận nước lại của hồ Lớn mà người Pháp gọi là Grand Lac, dùng cho người tây phương sử dụng còn vùng hạ lưu có một hồ nhỏ (Petit lac) gần khu người Việt. Địa điểm ngày nay là Ấp Ánh Sáng.
Đây là tấm không ảnh của Google chụp sau 75, khi họ cho vét bùn của hồ Xuân Hương. Nếu để ý bên trái cạnh Thuỷ Tạ là có một dấu tích con đường vừa là cái đập từ đường Trần Quốc Toản chạy qua bên kia hồ Xuân Hương, đường bÀ Huyện Thanh Quan, chỗ câu lạc bộ của hướng đạo Lâm Viên. Con suối Cam Ly, vẫn thấy chảy nhỏ nhắn. Người Pháp cho đào cái hồ nhân tạo này mà họ gọi là Hồ Lớn (Grand LAc).

Chúng ta thấy khách sạn đầu tiên tại Đà Lạt, mang tên Hotel du Lạc với các bungalows bên cạnh trước khi khách sạn Palace được xây cất. Chỗ khu vực Thuỷ Tạ sau này có một căn nhà nhỏ một tầng nhưng không nhớ để làm gì trong tài liệu mình đọc về Đà Lạt khi người Pháp thành lập thị xã này làm nơi nghỉ dưỡng cho người Tây phương. Đối diện qua đường Thống nHất là một tiệm ăn mà nó gọi La Chaumière sau này dưới thời Việt Nam Cộng Hoà gọi nhà hàng Đào Nguyên. Mình có tấm ảnh cũ hơn nhưng lười đi tìm quá. 

Trước khách sạn Palace, có một dãy nhà thấp là nơi để nuôi ngựa cho du khách đi săn và nhà đậu xe của du khách. Phía câu lạc bộ thể thao chỉ một sân quẩn vợt được xây dựng còn lại là đất đã được ban đều. 
Phía sau khách sạn Palace thấy một nhà nhỏ. Đó là nhà thờ đấu tiên tại Đà Lạt ngày khuông viên của trường Trí Đức. Nhà thờ này được xây dựng trước khi nhà thờ Con Gà được xây cất. Sau này bị phá bỏ để làm rộng trường học Trí Đức. Khách sạn du Parc chưa được xây cất vì sau đã che mất nhà thờ đâu tiên ở nhà chung. 
Tấm này do ông Bill Robbie chụp vào năm 2968 khi ông tham chiến tại Việt Nam. Hình ảnh này cho thấy cảnh quang vẫn tiếp tục đến năm 1974 khi mình đi Tây. Cận cảnh là sân vận động bên cạnh đường Thống Nhất. Nhớ có lần đang chạy Jeep trên đường này bổng nhiên cái capot của xe ông cụ bị gió bật lên. Sáng đó mình mở capot xem nước và dầu quên cài đồ khóa lại. May mình thắng lại rồi đậy nắp capot lại. Dường vắng chớ như ngày nay là tông thiên hạ rồi. Hú vía. 

Sân vận động là nơi mình đá banh với đám kho bạc mỗi chiều và học sinh Văn Học và việt anh. Nhớ mỗi lần có đại hội thể thao là học sinh diễu hành trên đại lộ thống nhất. Năm mình đi diễn hành lớp 11 B, trời lạnh mưa lơi mơi, lại phải bận áo đồng phục quần đen và vét trắng của thầy Chử BÁ Anh mượn của ty thanh niên Đà Lạt. Khán giả đứng hai bên đường kêu giống bồi Chic Shanghai. Chán Mớ Đời 

Thường đoàn lực sĩ đi vào cổng sân vận động, rồi theo con đường chạy đua xung quanh sân đá banh. Đi từ bên phải đến qua khán đài, che bằng tôn xi măng. Thường ông đại tá tỉnh trưởng có cái ghế ngồi còn thiên hạ ngồi trên các bục xi măng. Bên phải của khán đài danh dự, có hai cái talus bằng đất để khán giả bình dân như mình đứng xem. Khi đá banh thì khán giả đứng xung quanh sân nên cầu thủ khó chạy đường biên lắm. Được cái là khỏi phải đi lượm banh. Có hai trận bạnh khiến mình nhớ nhất là hồi nhỏ đi xem đội tuyển Việt Nam đội A và đội B đá tại đây. Thấy cầu thủ Đổ Thới Vinh lừa bóng, còn nhỏ nhưng nghe người lớn chỉ chỏ còn hai ông thủ môn tên Đực 1 và Đực 2 cứ đá banh cho mạnh qua bên sân kia chớ chả đưa banh gì. Không nhớ tỷ số bao nhiêu nhưng hôm đó vui vì mấy cầu thủ quốc gia đá tại Đà Lạt.
Hình chụp khách sạn palace về hướng đối cù. Chúng ta thấy cái đập đầu tiên chận hồ lớn lại. Nhìn tấm ảnh hồ không có nước sau 75, khi họ vét hồ thì thấy lòng suối Cảm Lý ở ngay giữa hồ nhưng họ lại làm cái chỗ thoát nước xã xã cạnh đường Đinh tiên Hoàng. Rất hay mấy căn nhà ngay đường Trần Quốc Toản đều bị phá vỡ sau tháng 5 năm 1932. Xa xa là núi Lâm Viên
Hình ảnh chụp ngày 4 tháng 5 năm 1932 khi cơn bão lớn làm ngập nước hồ và nước thoát không kịp đã làm vỡ cái đập chận nước khiến khu vực người Việt sinh sống ở hạ lưu bị ngập và cuốn trôi. Nhà làm bằng gỗ nên không chắc chắn. Sau đó họ mới cái hồ ra đến chỗ cầu Ông đạo và xây cái đập bằng xi măng cốt sắt. Nhờ tấm ảnh này mình mới hiểu được và định vị những tấm ảnh trên với cái đập xưa thay vì đường Lê Đại HÀnh và cái cầu Ông Đạo ngày nay. Trước đây mình không định vị được mấy căn nhà bên trái vì có mấy tấm này ở góc độ khác.

Theo tài liệu tây thì họ làm hồ Lớn và hồ Nhỏ như để chia hai khu vực của người Pháp và người địa phương (endigenes). Hồ lớn để người Pháp chơi thuỷ thao và bơm nước sử dụng còn hồ nhỏ phía hạ lưu, có nhiều tấm ảnh cho thấy cạnh đường Trần Quốc Toản, chỗ đường Lê Đại Hành chạy lên nhà thờ COn Gà. Ai tò mò thì tìm mấy bài mình viết về khu người Việt đầu tiên tại Đà Lạt.
Hình này chụp từ khách sạn Palace, Thuỷ Tạ chưa được xây cất. Chỗ sân quần vợt họ có xây một quán nghỉ giải khát, còn nhà hàng Đào NGuyên thì chưa được xây. Có thấy cái Bungalơw bên phải không biết nay còn hay không. Lúc này Grand Lycee chưa được xây cất
Hình này thấy rõ là Thuỷ Tạ chưa được xây, chỉ có khuông viên hình chữ nhật đã được hình thành. Mình có mấy tấm ảnh khác, cho thấy mấy cái chòi được xây cất trước khi Thuỷ Tạ được xây cất. Nơi thuỷ tạ mình đoán vì quá mờ, cái cầu để ca-nô đậu ghé lại, lúc này cái đập chạy xe qua bên kia hồ chưa bị vỡ, xem như được chụp trước tháng 5 năm 1932. Bên kia hồ cây thông chưa được trồng. Theo mình thì dưới thời ông Diệm mới có phong trào trồng cây nên đồi CÙ mới có cây thông.

Thuỷ Tạ được người Pháp thiết kế theo một câu lạc bộ nổi tiếng ở thế kỷ 19, mang tên La Grenouillère gần thủ đô Paris, nơi 2 hoạ sĩ tây Auguste Renoir và Claude Monet đến vẽ vào thời La Belle Époque. người Pháp ra đi mang theo hình ảnh quê hương cua thọ nên tạo dựng lại hình ảnh của quê mẹ như ngày nay chúng ta thấy các quán ăn Việt Nam mang tên Phở Hiền Vương, hủ tiếu thanh Xuân,…tại Bôn sa.

Thủy Tạ trước ngày 4/5/1932, chỉ là con ốc đảo mới được thực hiện. Theo mình đoán ký đi cái đạo bị vỡ vì xây cái ốc đảo này khiến nước mưa chảy về áp suất dồn về phía này cạnh cái đập bởi nước bị dồn xoáy theo hình tròn khiến vỡ đập ngay góc này. 

Có lẻ trận đấu chung kết vô địch quân khu 2 giữa đội banh Đà Lạt và Phan Thiết khiến mình nhớ đời. Trên nguyên tắc đội Phan Thiết đá hay hơn, vô địch mấy mùa liên tiếp, đứng thứ 2 quốc gia sau Sàigòn Gia Định. Năm đó không hiểu sao bà rá đội tuyển của Đà Lạt đá thắng hình như 1-0. Đội Phan Thiết tấn công như điên nhưng đá không lọt lưới thủ môn Lực. Sau này họ thương lượng cho họ đá và kèm thêm vài cầu thủ Đà Lạt đá đại diện Cao Nguyên, đá vô địch quốc gia nhưng thua mệt thở. Đội tuyển có anh Paul là thủ môn, ông Thanh là bầu của đội banh. Sau này hai người này bị Việt Cộng nằm vùng gài lựu dạn nơi xe của họ. Khi ăn cơm tại nhà hàng Nam Sơn ra, mở cửa, lựu đạn nổ giết cả hai nên đội tuyển Đà Lạt xuống chân. Nhớ có hai anh em Xuân và Liêm ở cư xá Địa dư hay đá banh ở sân ấp Cô Giang. Mấy người kia thì không nhớ nữa. Khi Đà Lạt thắng trận này, chạy xe về nhà với ông cụ, nhìn hai bên đường ai nấy đều vui vẻ, Hân hoan, không đi bão như ngày nay.

Thấy đường mòn từ kho bạc đi xuống hồ Xuân Hương mà mình hay đi qua khi xưa. Đi học vào Bá Đa Lộc không được đi ngang Khách sạn Palace nên dân tình đi tắt kiểu này. Thấy nhà hàng Đào Nguyên. Bên phải có cây xăng Esso. (Còn tiếp)

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 
Nguyễn Hoàng Sơn 
 


Tấm ảnh xưa

 Nhìn tấm ảnh này khiến mình nhớ nhiều kỷ niệm thời còn bé. Hôm trước, ông thần hàng xóm ở Gia-nã-đại nói đủ thứ về đường Hai Bà Trưng này, ông thần kêu đến trường Trung Trực khiến mình như bò đội nón, chả biết nằm ở đâu. Tải lên tấm này để ông thần chỉ cho mình trường tiểu học Trung Trực nằm ở đâu. Ông thần này hàng xóm cư xá Địa Dư, gần nhà nhưng lớn tuổi hơn nên không có chơi khi xưa.

Hình này chụp chắc phía sau rạp Ngọc Hiệp về hướng abattoir. Cận cảnh có bãi đất trống xanh ngay góc Cẩm Đô và Hai Bà Trưng, của gia đình chị Hảo học sinh Văn Học, mình có vào nhà một lần với tên hàng xóm muốn cua chị ta. Nhà làm bằng gỗ, sơn màu bordeaux. Sau này hắn lấy chị này làm vợ sau 75. Bên phải thấy ngã ba Hai BÀ Trưng và cầu Cẩm Đô. Hồi nhỏ đi tới cầu này làm bằng gỗ, chỉ đi bộ qua còn xe thì phải chạy xuống đường Hải Thượng để quẹo về Hai Bà Trưng mà người lớn gọi là Cầu ông Cửu Huần, do ông ta xây. Sau đó thời ông Diệm, họ xây cầu bằng bê tông nên xe có thể chạy ngang, chớ xưa chỉ đi bộ và xe đạp. Đà Lạt có hai chiếc cầu mà khi xưa người ta gọi tên người đã đứng ra lo việc xây cất; cầu Ông Đạo do ông Quản Đạo xây và cầu Bá Hộ Chúc do ông thầu khoán người nam giàu có mà ai cũng kêu ông bá hộ Chúc.

Thấy nhà của Vũ văn Tùng, học chung khi xưa. Dạo đó ít ai dám cắt đất chỗ cái đồi này để làm nhà nhưng gia đình anh chàng chịu nên ai cũng ớn lạnh sợ bị đất trùi là ngọng. Không thấy xây talus gì cả. Ngày nay thì dọc đường Hai Bà Trưng thì nhà được xây đều, họ đào đồi xây nhà đầy.

Kế đến là con đường mòn đi lên nhà thương Phương Lan, bên đồi kia là mấy biệt thự, hình như có nhà một cô bạn học chung khi xưa tên Hạnh. Có ông anh làm bác sĩ tại Nam Cali, có thấy anh ta chơi đàn mỗi khi có họp mặt ngừoi Đà Lạt. Có gặp lại tại Đà Lạt.

Ngay ngã 3 thấy 5 căn nhà hai tầng của gia đình Vy Nhật Tảo, khi xưa học chung ở Petit lycee lúc nhà anh chàng này làm bằng gỗ. Sau xây nhà lầu thì hết thấy hắn rủ đến nhà chơi như khi xưa. Nghe mấy người bạn học cũ kể anh chàng này là nhạc sĩ nổi tiếng ở Việt Nam. Tiếp theo đường Hai Bà Trưng, ngoài các căn nhà nhỏ lụp xụp bằng tôn gỗ, có hai dãy nhà hai tầng, dãy nhà gần nhất màu trắng và dãy cuối màu xanh. Có lẻ dãy màu trắng là địa điểm của trường tiểu học Trung Trực mà ông thần hàng xóm lớn tuổi hơn mình nhớ. Sau này chỉ có thấy thiên hạ ở đó khi mình lớn lên. Dãy nhà màu xanh xưa kia được mướn làm trường học Hiếu Học do thầy Chử Bá Anh thành lập, sau dọn qua đường Hoàng Diệu, đổi thành trường Văn Học, sau sang lại cho thầy Trần Đại Bản, người thành lập trường Thăng Long. Ông cụ mình khi xưa, làm cho ty Công Chánh, tối ông cụ đi học thêm ở đây để thi đổ bằng tiểu học, để lên ngạch thêm lương. Tối tối mình hay đi bộ đến đây đón ông cụ đi học về. Sau này có con, mình cũng bắt chước ông cụ đi học thêm vào ban đêm.

Tiếp đến là dãy vườn rồi đến một cái ga ra quên tên rồi đến bãi đất trống đến đường Hải Thượng. Kế nhà của Vy Nhật Tảo là cầu Cẩm Đô, ngang con suối. Xe mình bị tắt máy khi Đà Lạt bị lụt ngay chỗ này. Lý do là thiên hạ ở xung quanh, đem rác ra đổ xuống con suối, lâu ngày nhất là mùa nắng ngập đầy cầu, đầy suối. Đi ngang là thấy ruồi bay đen nghịt, hôi thối nhưng quen. Khi mùa mưa đến rác đầy nên nước bị nghẹt, dâng lên và phủ khắp khu vực này. Vài ngày sau, khi rác được nước kéo từ từ về khu vực Cam Ly giúp nước rút. Chỉ tội mấy người làm vườn tại khu vực này bị hư vì xã lách hay bắp sú bị úng hết.

Bên trái, cận cảnh thấy nhà hàng và khách sạn Cẩm Đô, nơi có xe mì Cẩm Đô ngon nức nở Đà Lạt xưa. Cạnh khách sạn Cẩm Đô, có dãy nhà màu xanh, mình có vào đây một lần. Có anh bạn học lớp 11 B, nhà ở Nhà Trang, lên đây ở trọ tại đây. Thấp thoáng mái nhà của trường Tân Sanh dành cho người gốc Hoa học. Thấy một phần đâu của đường Phan Đình Phùng và góc Duy Tân, có cây thông to đùng. Chỗ này khi xưa có cái kiosque nhỏ, ông cụ mình học đánh máy tại đây. Mình hay bò đến đây đợi ông cụ đánh máy rồi đi bộ về. Thấy căn nhà của Lê HUy Hà, nơi mình có đến học thêm với chị hắn, ngay dốc Duy tân. Trên căn nhà này thì thấy đường Thủ Khoa Huân, có căn nhà mình có đến một lần với Huỳnh Kim Sang. Chỗ này có cô học chung lớp tên Nguyễn Thị Ri, ở trọ tại đây. Hôm đó mình đi thở eo Sang và một chàng khác học bạn A, đến đây. Hai anh chàng đấu láo với Nguyễn Thị Ri và Nguyễn Thị Đức, mình thì bò ra sân sau hái ổi ăn.

Từ ngã ba Duy Tân và Hai Bà Trưng đi xuống đường Duy Tân đi xuống gặp ga ra Trung Tín ngay bùng binh Hải Thượng. Hình này chụp trước khi phòng mạch bác sĩ Thọ được xây cất, bên cạnh có một nhà chuyên làm bánh croissant bơ. Cứ có tiền chạy lại đây mua. Ngay khúc này thấy trường Việt Anh của thầy Lê Phỉ, mướn khu đất này của ông bà Võ Đăng Dung. Bên kia đường là phòng mạch của bác sĩ, phía sau là abatoir, nhà sát sinh. Tên Nguyễn TRung Thiện, ga ra Trung Tín, dẫn mình vào đây xem người ta lấy búa tạ, khệnh vào đầu con bò, từ gục xuống. Kinh

Phía bùng binh Hải Thượng, đi đến một tí, bên phải có một dãy quán hàng ăn. Mình chưa bao giờ ăn tại đây. Chỉ nhớ có một tên bạn của Đổ Quý Dân, ngày nào cũng bò ra đây đứng đợi một nữ sinh Bùi Thị Xuân, tên Nhung đi học về. Cô nữ sinh này ở cư xá Phạm Ngũ Lão. Đi đến chút nữa thì đụng đường Cường Để. Chỗ này có tiệm Nhật Tân, bán văn phòng phẩm. Chỗ này là nơi giữ các phế liệu hình ảnh mà có người Đà Lạt gửi cho mình, trong đó có thẻ học sinh của chị bạn học khi xưa. Bên cạnh có cái lều của anh chàng sửa xe cho mình.

Sau đó là cầu Lê Quý Đôn, băng qua con suối Cam Ly chảy từ cầu Ông Đạo về. Trên đường Lê Quý Đôn đi về hướng khách sạn Duy Tân, trường Petit Lycee. Bên phải có thuỷ đài và trạm biến điện, thường được gọi là nhà đèn. Điện từ Cam Ly về, và được giảm tại đây rồi phân phát khắp Đà Lạt.

Nhìn kỹ thì đường chắc mới mưa xong nên bùn lầy khá nhiều. Từ khúc nhà Vy Nhật Tảo, đến trường Văn Học, là con đường mình thường sánh vai đi học với đối tượng một thời. Mình có kể vụ này rồi nhưng nay nhìn lại vẫn thấy vui vui.

Mình từ nhà đi bộ xuống ngay ngã ba nhà của Vũ Văn Tùng, thấy cô nàng băng qua từ Cẩm Đô thì dừng lại đợi đi chung đến trường. Còn cô nàng đi sớm hơn thì tới đường Hai Bà Trưng sẽ đi theo lối chánh niệm, đợi mình chạy hộc gạch đến. Có cô em dâu của anh chàng Tùng cho biết hiện đang sống tại Sàigòn. Nay về thì chả thấy gì cả, toàn là nhà và nhà to đùng.
Đây là không ảnh chụp cùng ngày nhưng ngược lại. Để hôm nào sẽ kể thêm

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 
Nguyễn Hoàng Sơn 






Một chút hương xưa

 Tuần vừa rồi thấy có nhiều tấm ảnh màu Đà Lạt xưa nên mình tải về. 1 số đã có nhưng cứ tải về để xem tấm nào rõ hơn thì giữ lại. Chả hiểu sao. Cứ tự hứa không nhớ về Đà Lạt nữa nhưng rồi khi thấy hình ảnh. Xưa lại kéo mình về tuổi thơ ở Đà Lạt rồi phải kể lại để cho đầu óc nhẹ đi. 

Tấm này, bên trái thấy một rừng cây thông, ngay cuối đường Thống Nhất là nhà của bác sĩ Sohier. Nhớ hồi đi học Petit Lycee ông ta có phòng mạch ở đường MInh Mạng, cạnh nhà thuốc tây Nguyễn Duy Quang, đối diện rạp Ngọc Hiệp. Sau này, có người chết trong viện điều dưỡng của ông, bị thưa kiện. Nghe nói là trong phòng có lò sưởi như bên tây rồi họ đốt củi sao đó, không có thoáng khí nên bệnh nhân chết ngạt. Ông ta bán căn nhà to đùng này cho mấy ông cha làm nơi để mấy ông thừa sai học tập rồi cuốn gói về nước. Mình mê căn nhà này lắm. Khi xưa, chạy ngang cứ ước một ngày nào được ở trên đó. 

Địa điểm đẹp, sáng nhìn ra bờ hồ, không biết có thấy mặt trời mọc hay không. Mình chỉ nhớ lần đầu tiên về Đà Lạt với vợ con thì ngụ tại khách sạn Palace, sáng mở cửa balcon của phòng, thấy sương mù và mặt trời mọc, như thời mình còn đi học khi xưa ở Grand Lycee. Sáng chạy ngang hồ nhìn mặt trời mọc phía grand lycee với sương mù đẹp như bức tranh thêm lạnh lạnh, thở phì phào có hơi khói bốc ra từ mồm. Hình ảnh này mình tìm lại khi sang Paris học. Sáng cũng đi bộ sang sông Seine, thấy sương mù và những ánh sáng bình minh khiến mình thổn thức. Ôi quê xưa biết bao giờ trở lại. 
Cận cảnh thấy bãi đất mới được cày, có con đường nhỏ từ đường Bà Huyện Thanh Quan chạy lên miếng đất. Đó là miếng đất của tướng Đổ Cao Trí, lúc mới bắt đầu xây. Sau Mậu Thân mới xong đâu những năm 70, mình có lên đây mấy lần. Có tên hàng xóm, bà con với ông gác dan của tướng Trí, nên hay nhờ mình chở lại đây. Không được lên nhà vì có cổng, chỉ có cái chòi bên cạnh, tên hàng xóm nói chuyện với người bà con. Hai người này nói chuyện trời đất chi đó, mình chỉ đứng ngắm nhà tướng Trí và hồ Xuân Hương, nhìn qua Sân Cù.

Bố tướng Trí tên Đổ Cao Lụa, bạn với ông Hai hàng xóm. Chiều chiều tài xế chở lên xóm mình nhậu. Nhờ đó mà bà cụ mình nhờ ông ta nói với tướng Trí xin cho ông cụ mình từ Ban Mê Thuộc đổi về lại Đà Lạt. Sau này ông Hai dọn xuống xóm Địa Dư nên không gặp lại. Lý do ông cụ mình bị đổi lên Ban Mê Thuột vì không chịu tham nhũng. Mấy người chung phòng mới lập kế, bỏ thuốc hút 555 và rượu Whois ký trọn thuộc bàn của ông cụ đến khi thanh tra từ Sàigòn lên, mở tủ ra thấy vậy nên thuyên chuyển về xứ khỉ. Sau này bố tên bạn học, giải thích cho mình mới hiểu.

Đặc biệt là bên cạnh nhà của tướng Trí, có hai lô đất của bà Thiệu và bà Khiêm. Có thể nhận ra với con đường nhỏ chạy lên nhưng chưa được làm nhà. Lý do là xưa kia, mấy bà lớn nhờ thầy phong thuỷ bên Hương Cảng qua xem địa lý đất ở Đà Lạt nên mua tại đây. Đất rồng gì đó nên tính xây nhà. Đùng một cái tướng Trí bị tử nạn nên hai bà kia hết tin thầy phong thuỷ và ngưng chương trình xây biệt thự khi lên Đà Lạt luôn.

Ta thấy cận cảnh, mé mé khuông viên trường Grand Lycee. Cái nóc chuông và văn phòng của proviseur và căn nhà của ông ta ngay bên cạnh.

Bên phải cận cảnh là hồ Xuân Hương, thấy có nhiều đất bùn được nước kéo về. Đi tới chút nữa thì gặp vườn Bích Câu Kỳ Ngộ. Cần được vét bùn. Phía bên kia hồ là Đồi Cù. Thấy hồ Tống Lệ bị cây che một phần. Đồi cù khi xưa, là nơi giới trẻ ra đó chơi, nhất là những cặp tình nhân, muốn ra đây để ít bị người quen bắt gặp. Có một hội quán ở trên đường Đinh Tiên Hoàng. Dân Đà Lạt ít ai chơi cù khi xưa. Mình chỉ nhớ có lần chạy lên đây, đi vòng vòng các cây thông để xem cặp nào thề thốt, thì bắt gặp một cô hàng xóm đang tâm tình với anh chàng nào. Kinh.

Chạy vòng vòng thì bổng nhiên tên Dương Quang Trí ngồi sau mình bị một trái cù do ai đánh, trúng đầu. 3 thằng ngồi, mình lái xe, Trí ngồi phía sau rồi đến Nguyên nhưng không hiểu sao tên Trí bị ăn banh cù, đau như điên, hôm sau vào lớp thấy sưng lên. Hóa ra là có ba ông đánh cù: một là giáo sư Phó Bá Long, bác sĩ Hách và một người nữa mình không nhận ra. 3 người đánh cù đi bộ về phía tụi này đành lái xe đi chỗ khác.

  Hai anh chàng này thì chết lâu rồi. Mình gặp lại Trí tại Đà Lạt, nhà ở đường Phan Đình Phùng thì năm sau qua đời. Nguyên cũng gặp anh chàng xong thì cũng qua đời. Năm đó mình lái xe đi thăm hai tên bạn thân một thời ở Đà Lạt, Chử Tam Anh và Phạm Thành Nguyên, 6 tháng sau không hẹn mà hai anh chàng này qua đời. Từ đó mình cũng ớn đi thăm bạn xưa. 
Bên trái thấy đại lộ Thống Nhất, bên trái là sân vận động và Thao Trường, nơi dân Đà Lạt khi xưa chơi thể thao. Mình hay ra đá banh với nhóm KHo bạc và học sinh trường Việt Anh và anh em thằng Cường, nhỏ nhỏ người mỗi chiều. Thao trường thì nhớ hồi nhỏ xem Minh Cảnh đấm quyền anh thua độ. Chỗ này thường được sử dụng để dạy Thái Cực Đạo và nhu đạo. Có thời được trưng dụng làm nơi thanh lọc của chương trình Phượng Hoàng. Ông cụ mình dặn không ra đường tránh các nơi họ chận xét. Dạo đó thanh niên Đà Lạt không dám bò ra phố, ở nhà học mệt thở. Đi ghi danh thi tú tài, họ bắt khám sức khoẻ để xem tên nào bị sốt rét là có khả năng nằm vùng. Kinh
Có lần họ tổ chức nhạc trẻ ở đây, có bạn nhạc CBC từ Sàigòn lên. Đà Lạt có ban nhạc Rolling Wheels.

Khu vực này tấp nập khi có đại hội thể thao quân khu 2. Thấy ngay ngã tư, có tiệm ăn Đào Nguyên, thời tây gọi La Chaumière, nơi các dân đại gia Đà Lạt đến chơi quần vợt và nhảy đầm. Hình như chủ nhân cuối cùng là ông Tình, cựu trưởng ty cảnh sát Đà Lạt, mướn của thành phố Đà Lạt. Cũng như Thuỷ Tạ cũng thuộc về thị xã Đà Lạt, và cho thuê để buôn bán.

Mình nhớ có lần đại hội thể thao, hai tay vợt Đinh Quốc Tuấn và Đinh Quốc Hùng đoạt chức vô địch. Ông HÙng thì cứ đánh độ với ông tiệm giày Bata Đà Lạt. Đi lên chút nữa, bên kia đường Nguyễn Trường Tộ, thấy mấy căn nhà nghỉ được xây thời Tây còn lại. Bên phải là khách sạn Palace với đường Yersin, thấy có toà tỉnh to đùng với đường xe hơi chạy vào hình vòng cung. Có dạo ông cụ mình làm ở đây. Đại đội trinh sát 302 thường đóng quân ở đây khi đi hành quân.

Nhìn lên nữa thì thấy trường Lasan Adran, lúc này chắc trung tâm thẩm vấn chưa được thành lập. Bên cạnh khách sạn Palace thì thấy kho bạc, ngay góc đường Bá Đa Lộc, chạy vào Lasan Adran. Nhớ có lần nằm vùng tấn công trung tâm thẩm vấn, sáng hôm sau đi học, ra về thấy họ phơi xác Việt Cộng chết, không ai tới nhận, ruồi bu đầy. Gần Palace thấy hôtel du Parc, nhà thờ con gà và khu vực nhà Chung.

Có một khoảng rừng chỗ cây xăng Esso, là biệt thự Trang Hai, vừa được phá bỏ. Không biết sẽ làm gì. Chắc xây khách sạn 5 sao.

Còn lại xa và mờ quá. Để hôm nào kể tiếp

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 
Nguyễn Hoàng Sơn 








Những tấm không ảnh xưa mới lượm


Hôm trước, có chị bạn hỏi có tấm ảnh nào ở khu vực, nhà của chị ta khi xưa hay không. Mình nói không thì hôm kia nhận mấy tấm ảnh Đà Lạt xưa trên chuyện xưa.nét nên gửi cho chị ta. Chị ta hỏi lại ở đâu vậy? Kêu là U70 nên không nhớ cái chi cả khiến mình ngọng. Đành viết để giải thích cho chị ta biết nhà của chị ở đâu tại Đà Lạt khi xưa. Tương tự, có lần mình gửi tấm ảnh có đường Hai BÀ Trưng và trường Thăng Long cũ cho một chị bạn. Chị ta kêu không nhận ra rồi hai ba ngày sau mới kêu nhận ra rồi. Nhà của em khi xưa. Chán Mớ Đời 

Tấm ảnh này chụp trên khu vực viện đại hoc Đà Lạt thấy đường Đinh TIên Hoàng nhìn về hướng hồ Xuân Hương. Trước hồ Xuân Hương có hai hồ Đội Có, bên phải và Tống Lệ, bên trái để hứng nước mưa trên đồi chảy xuống tránh chảy thẳng xuống hồ Xuân Hương. Mờ mờ gần hồ Đội Có là nhà của Lafaro. Hình như mình có một tấm ảnh của hồ Đội Có nhưng lười đi tìm lắm. Mình có viết về hồ Đội Có thì chắc có đăng tấm ảnh này và biết đâu có nhà của chị bạn.

Hai tấm không ảnh này cho thấy nhà của Lafaro nằm trên đường Võ Tánh. Cạnh hồ Đội Có 

Mấy tấm không ảnh này, không ghi chú nên mình đoán tác già là ông Bill Robie, từng tham chiến tại Đà Lạt. Mình có kể trong vụ ông ta và vài người bạn quyên góp tiền để tặng học bổng cho hai nữ sinh  trường Bùi Thị Xuân và 2 nam sinh của trường Trần Hưng Đạo. Chụp hình chung với thầy Hoàng Trọng Hàn. Mình thấy mấy tấm ảnh trực thăng đậu tại khuông viên của hai trường này mà không hiểu chuyện gì. Sau mò ra ông ta và hỏi mới biết chuyện ông ta xin tiền của đồng đội để tặng học bổng. Sau này ông ta có về Cam Ranh để gặp lại cô nữ sinh khi xưa và một nam sinh nghe nói nay định cư tại Úc Đại Lợi. Hình như du học với học bổng Colombo. 


Có một điểm lạ là các hình ảnh xưa như mấy tấm ảnh của ông Robie, hay thấy nhiều người lấy trên mạng rồi bỏ tên của họ. Có lần mình mò ra ông Robie nhờ ông ta còm trên mạng. Có khách sạn nào ở Đà Lạt lấy tấm ảnh của ông ta và in to ra gắn nơi lễ tân. ông ta còm hỏi ai lấy ảnh của ông ta bỏ tại đây. Có lẻ sau chuyến viếng thăm Việt Nam, ông ta mới đăng mấy tấm ảnh xưa trên mạng.


Ông ta là tác giả các không ảnh chụp từ trực thăng trên địa phận Đà Lạt vào những năm Mậu Thân. Ông ta có thành lập một nhóm mang tên Dalat Historic để nhắc lại chuyện Đà Lạt xưa. Khi xưa hình như phi đội của ông ta ở gần Phan Rang. Khi lính Mỹ cần yểm trợ không lực thì kêu trực thăng lên Đà Lạt. Nghĩ ra cũng đúng vì muốn tiếp liệu xăng cho trực thăng đóng trên Đà Lạt là chết vì đường đèo, Việt Cộng chỉ phục kích là đời em cô đơn nên yêu ai cũng ăn phóng lựu. Cho nên các phi trường của các phi đội trực thăng đều nằm gần Nha Trang, Cam Ranh. Chỉ có người Mỹ dạo ấy mới có phim màu chụp. Còn không ảnh Đà Lạt do ông Hồng Châu chụp thì trắng đen. Hình như con trai ông ta có tải vài tấm nhưng dạo ấy mình chưa lưu lại như ngày nay. Mình có đâu trên 2,947 tấm ảnh Đà Lạt trước 1975. Kinh. Trong đó có một số đâu gần 700 tấm do một cựu học sinh Adran, gửi tặng.

Đây là tấm không ảnh chụp từ trực thăng gần chỗ hồ Đội Có, nhà máy nước Đà Lạt. Dạo ấy nhà của thầy Thắng, thầy Hàn chưa được xây cất.

Ta thấy Giáo Hoàng Học Viện do kiến trúc sư Tô Công Văn thiết kế. Chỗ Này Việt Cộng có chạy vào đây năm 1972 bị đại đội 302 bao vây nhưng tòa thánh Vatican yêu cầu không tấn công sợ mấy ông cha và các học viên bị giết nên phải mở đường máu cho họ đêm xuống rút về đâu ngõ Đa Thiện. Có ai gửi cho mình cái video của đài bình luận của ngoại quốc chiếu trận đánh này. Bên phải là đường Đinh Tiên Hoàng từ bờ hồ Xuân Hương chạy lên và chấm dứt ngày viện đại học Đà Lạt mà ngày nay, người ta hay gọi ngã 5 đại học vì có đường Đinh Tiên Hoàng, Phù Đổng Thiên Vương, căn số 7 là nhà của anh bạn quen, đi du học tại Bỉ Quốc năm 1970, có đường Nguyễn Công Trứ chạy ra Mả Thánh, có đường Võ Tánh, với trường tiểu học Võ Tánh, rồi đường Trần Khánh Dư. Thấy có trường Chiến Tranh Chính Trị và các vườn của ấp Nghệ Tĩnh.

Phía sau Giáo HOàng HỌc Viện, là sân đá banh rồi thấy bãi đất đỏ trống thuộc trường Bùi Thị Xuân. Không biết mấy nữ sinh trường này làm gì mà chỉ thấy đất đỏ, cây cối không mọc, chắc chỗ sinh hoạt thể thao. Rồi đến văn phòng và mấy dãy lớp hai tầng. Kế bên trường BTX là xóm Tăng Văn Danh, đi vào từ đầu đường Võ Tánh. Nếu ai nhớ cặp ca nhạc sĩ Lê Uyên Phương thì quán Lục Nguyệt Cầm của họ nằm bên tay trái.

Cuối dốc Tăng Văn Danh là các vườn rau Đà Lạt xưa. Không hiểu họ lấy nước ở đâu ra. Chắc nước từ trên đồi xuống rồi có ao để trữ lại như mấy cái vườn mà mình biết tại Đà Lạt.
Không ảnh Giáo Hoàng Học Viện do kiến trúc sư Tô Công Văn thiết kế. Mình đoán hình chụp do ông Châu (photo Hồn Châu)
Giáo HOàng Học Viện thấy đường Võ Tánh phía sau, trường Bồ Đề, chùa Linh Sơn, xa xa nhà thờ Domaine de Marie và cuối cùng là phi trường Cam Ly
Tấm ảnh này đẹp vì hai cơ sở giáo dục do mấy ông cha nhà dòng thành lập. Giáo hoàng học viện và viện đại học Đà Lạt. Hình này có ghi chú của ông Bill Robie
Hình này chụp đường Đinh Tiên Hoàng, khúc này sau này họ có xây một căn nhà rồi sau 75, có ông kiến trúc sư nào Đà Lạt, lấy sửa lại gọi nhà 100 nóc. Mình có gặp anh ta rồi nghe nói họ lấy lại. Thung lũng bên phải nước mưa chảy xuống hồ Mê Linh

Bên phải hình sau là dãy nhà của Thương Phế Binh VNCH đó anh (theo Thi Đà Lạt , dãy nhà phía bên trường đại học đi tới)

Phía đường Đinh Tiên Hoàng có một vài căn nhà mới. Không biết có phải nhà của thầy Tạ Tất Thắng hay không. Nhà thầy Hàn thì năm 75 mới xây xong thì cúng cho Việt Cộng 
Bên trái là đường Võ Tánh, còn bên phải là đường Đinh Tiên Hoàng. Chạy xuống hướng bờ hồ, ngày nay người ta xây một cái chùa sơn vàng khè. Kinh 

Tương tự hình trên nhưng thấy đường Phù Đổng Thiên Vương và Nguyễn Công Trứ rõ hơn.


Đây đường Đinh Tiên Hoàng, thấy họ trồng 3 hàng cây để làm ranh giới giữa Giáo Học Học Viện và trường BTX, không cho các nữ sinh trường BTX sang chọc phá mấy ông thừa sai. Thấy đường Võ Tánh chạy cong cong xuống bờ hồ, thấy góc đường chạy lên dinh tỉnh trưởng, góc đường Phan Bội CHâu và mấy căn nhà đầu đường Võ Tánh, có tiệm rượu Lafaro nhưng cháu gái ông ta không nhận ra, kêu là gần 70 tuổi rồi. Chán Mớ Đời 

Thấy cái đồi cao nhất Đà Lạt, nơi có dinh tỉnh trưởng mà họ sắp đập bỏ, miếng đất vàng bên phải ngọn đồi đó là đường Hàm Nghi., trường Bồ Đề. Gần gần là xóm Tăng Văn Danh. Tên ông khu phố trưởng của Thái Phiên hay Trại MÁt, bị Việt Cộng giết năm Mậu Thân.
Tấm ảnh này là lần đầu tiên thấy. Thấy mả thánh Đà Lạt khi xưa. Sau 68, người chết nhiều, chôn ở đây nhất là lính nên sau này họ phải chôn tại Ấp Du Sinh. Bên trái có ngã ba La Sơn Phu Tử, Phan Đình Phùng và đường Tôn Thất Thuyết chạy lên trường Trần Hưng Đạo. Cận cảnh là ấp Trung Bắc. Thấy có đường quẹo vào Nguyễn Công Trứ, thấy am Mệ Cai, gần đó là nhà Ngô Văn Thuỷ, học chung với mình.
Trường này là trường BỒ đề, bên cạnh thấy cái tháp của chùa Linh Sơn. Phiá sau chùa là vườn chè. Thấy đường Hàm Nghi. Quẹo lên là đường Võ Tánh, quẹo xuống thì đường Phan Đình Phùng. Thấy xa xa nhà mình. Kinh. Lần sau kể tiếp
Đây là không ảnh khu vực Domaine de Marie. Từ ngã ba calmette và Ngô Quyền, có các cổng đi vào khu nhà thờ này. Cạnh chỗ này trên đường Ngô Quyền, sau này họ xây dòng Đa Minh mà nghe nói sau 75, có chống chế độ mới hay sao đó, bị bắt khá nhiều. Mương theo cái đồi đi lên cong cong vào cái sân to đùng , nơi mấy bà sơ tổ chức hội chợ từ thiện hàng năm vào lễ giáng sinh. Nhà thờ phải đi lên mấy thang cấp. Phía bên phải cũng là khu vực của nhà thờ này. Có đường Thi Sách, dãy cư xá Kiến tHiết, có nhà của Cao Quốc Tuấn. Đi lên chút là trường tiểu học Đa NGhĩa. Ông thần này cao nên về già chạy xuống địa đạo ở. Đường Thi sách đi thẳng lên Số 4, gặp đường Ngô Quyền, có một con đường bên tay phải là La Sơn Phu tử, chạy xuống đụng mả thánh và đường Hai Bà Trưng, Phan Đình Phùng. Khúc số 4 này sau Mậu Thân là bình địa luôn. Bom Napalm thả cháy hết khu vực này. Ở khu Vực nhà mình đứng nhìn thấy máy bay thả bom và trực thăng bắn phá.
Đường này chạy xuống đường Trần Bình Trọng. Trước cổng nhà thờ chắc chỗ dạy học. Chưa bao giờ vô đây.
Hình này thấy 3 con đường song song. Phan Đình Phùng, Hai Bà trưng và Thi Sách. Thấy nhà của Trần Văn Tiến ngay gốc Phan Đình Phùng và Mả Thánh. Thấy khu xóm nhà thầy Hồ Thanh Tâm. Thấy nhà trung tá Tốn, nơi có người con gái tên Thi của Cao Quốc Tuấn. Ông trung tá này đi thanh tra đồn lính sáng sớm, lính chưa gỡ mìn nên nổ chết. Đói diện nhà ông Tốn là nhà ông Oai, cha đỡ đầu, bọ của Huỳnh Kim Sang, được mệnh danh là vua bắt Việt Cộng nằm vùng Đà Lạt. Thằng Vui, xóm mình khi xưa hay chơi bắn bi bị ông ta theo dõi bắt. Chắc để hù mình nên ông ta dẫn mình vào trung tâm thẩm vấn, dắt đi xem mấy phòng giam. Thấy thằng Vui ngồi một cục ở trong. Kinh
Cận cảnh là vườn của bà Hành, mẹ của một cô tên Xuân, học BTX và ông anh tên Nhân. Ông thần này học Văn Học, rớt tú tài đi lính chết ở Cai Lậy. Hồi nhỏ mình hay đến vườn này bắt loăn quăn nơi cái ao trước vườn về cho gà ăn. Chỗ đường Thi Sách, trước cổng vườn bà Hành, Chử Nhị Anh có dạo lái xe Mercedes của thầy CBA đi ngang đây bị kẹt xình. Thầy CBA chạy lại nhà mình kêu mình đem xe Jeep lại kéo xe ra khỏi đống xình. Chán Mớ Đời . Hỏi ông thần NHị Anh có nhớ vụ này thì ông thần nhìn mình như bò đội nón.
Hình này to hơn hình trên và họ đã cắt xén nhỏ lại. Thấy con đường đất nối Thi sách ra đường Hai Bà Trưng, đi ngang nhà CÒ Đào và hai ông thần thợ may Tánh và Sơn.

Đường Phan Đình Phùng, thấy cái dốc cao chạy lên nhà thờ Tin Lành, cạnh khách sạn Mimosa. Cận cảnh là chợ Nhỏ Phan Đình Phùng. Căn nhà đầu tiên thấy là nhà thuốc tây Lâm Viên. Có con đường hẻm từ Phan Đình Phùng băng qua chiếc cầu có con suối chảy từ Đa Thiện về đến cư xá Địa Dư rồi đường Hai Bà Trưng. Thấy nhà bảo sanh HIền CHi của ông Tôn Thất CHí. Ông này thất chí nên lấy cô mụ làm này bảo sanh. Sau này truyền nghề lại cho 2 cô mẹ là Cô Tuý và Cô Thanh. Mẹ mình sinh đâu 8 người con tại đây.

Hôm trước, có ông thần nào ở Đà Lạt nhắn tin cho mình kêu Việt Nam Cộng Hoà làm cái đập Đa Thiện để lấp mấy chỗ ông nằm vùng trú ẩn khiến mình buồn cười. Theo mình thì mưa nhiều sẽ làm lụt các khu vực đất đai làm vườn của ông bà Võ Đình Dung cho thuê nhà vườn trồng trọt. Do đó phải xây cái đập để chận bớt nước lại. Nước chỗ Thung Lũng Tình Yêu chảy về thị xã qua con suối và được tách ra làm hai ở góc La Sơn Phu tử rồi chảy về Hoàng Diệu. 
Ảnh này rộng hơn nên thấy con đường mòn băng qua suối , băng qua các vườn, đất mướn của ông bà Võ Đình Dung. Mình thấy nhà cậu Liễu, con bà Dụ, chị của bà Võ Quang Tiềm. Cậu Liễu bán thuốc lá Cẩm Lệ ngoài chợ. Chỗ này khi mưa là vườn bị ngập mấy ngày luôn. Lý do là hai bên vườn có hai con suối chảy từ Đa Thiện về. Bên tay phải có thấy nhà của thằng Đào học chung với mình năm 6 ème và 5 ème. Bố nó có bồ ở Sàigòn nên nhờ dì mình dẫn xuống Sàigòn bắt ghen. Kinh. À thấy tiệm may của ông Ba Hoà, đối diện nhà thuốc tây Lâm Viên
Hình này thấy cả nhà thờ Tin Lành, đường Hàm NGhi, Phan Đình Phùng. Chỗ cong cong, thường được gọi là xóm Giếng vì có cái giếng tước khách sạn Mimosa, thiên hạ đến gánh nước.

Thôi ngưng ở đây. Hôm nào sẽ kể tiếp mấy tấm kia. Ai muốn nghe kể chuyện đời xưa thì cứ có ảnh cũ ngày xưa thì gửi cho em.

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 








Lafaro và Faraut Đà Lạt xưa


Tuần này, đầu óc mình hơi bị lộn xộn khi bạn bè nhắc đến những tên quen thuộc khi xưa tại Đà Lạt. Số là nói chuyện về rượu dâu tằm Lafaro Đà Lạt rồi mình muốn kiểm chứng với anh bạn học cũ hiện sinh sống tại Đà Lạt thì lại nghe đến tên Faraut. Hai tên này quen quen lại đọc tựa tựa nên lộn xộn đầu óc nên phải đi hỏi thiên hạ. Lại đọc tên tây nào bán cà phê rượu ở Đà Lạt, cháu ngoại ông Faraut nên hỏi ông Tây dạy pháp văn tại Đà Lạt từ 10 năm nay, chắc biết tất cả các pháp kiều hiện sinh sống vùng Đà Lạt. Ông này lại cho tin tức để liên lạc với cháu ngoại của ông Faraut lại một tên tây mũi lỏ. Mình lại hỏi cháu ngoại ông Lafaro Đà Lạt xưa, học chung ở Yersin khiến mình lộn xộn đầu óc. Lý do là hai tên này đọc hơi giống nhau.

Nhìn cái đồ xay hạt cà phê hay tiêu khi xưa khiến mình nhớ chuyện xưa. Hôm nào rảnh kể

Cô cháu ngoại lấy anh chàng hàng xóm trên đường Thi Sách khi xưa, nhà cạnh gia đình Mai Thế Lương và Mai Thế Lan. Cũng nhờ anh chàng này, anh bà con của một người bạn, mình tìm ra Huỳnh Kim Sang, gặp lại sau 50 năm từ ngày anh chàng bị động viên sau mùa hè Đỏ Lửa.


Mới lên vườn về, đồng chí gái đi hát nên ở nhà ghi xuống lại cho bớt lộn xộn đầu óc. Để cho rõ ràng vì hai thương hiệu Lafaro và Faraut khi xưa tại Đà Lạt không dính dáng gì với nhau. Một bên là do người Việt di cư từ Bắc vào thành lập và một do một gia đình pháp sang Việt Nam, từ thời ông Paul Doumer về Pháp, sống lâu đời tại Việt Nam. Tên đọc ná ná giống nhau.

Hình chụp do nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Mậu tại xưởng Lafaro 

Khởi đầu ông Tây dạy pháp văn gửi mình bài báo Hà Nội nói về rượu vang Đà Lạt Lafaro, mua từ người pháp năm 1976 khiến mình hoang man. Lý do là khi xưa mình có học chung với con trai ông Lafaro và sau này lại khám phá ra có học chung với cháu ngoại ông ta nữa. Tên ngồi chung bàn tên Thịnh mà trong lớp hay gọi Thịnh Lafaro. Hắn lớn hơn mình một tuổi nên sau này chạy qua trường việt đi du học cùng năm với con phở Bắc Hương trước mình một năm. 


Có người Đà Lạt xưa gửi cho mình bài báo về rượu trồng tại Trạm Hành. Lần sau về Đà Lạt sẽ đến viếng chỗ này.


Gởi Sơn, nếu chưa đọc bài này : https://lecourrier.vn/vang-da-lat-prisee-vietnamiens-comme-des-etrangers/371958.html

Theo bài báo pháp ngữ này thì có một xưởng làm rượu tại Trạm Hành, trên 2.5 mẫu đất nhưng lại mua nho trồng tại Phan Thiết. Thường các vùng ven biển dễ trồng nho để làm rượu. Ở Cali, dọc bờ biển, khí hậu ôn hoà hợp với trồng nho. Bên tây Dordogne, vùng sản xuất rượu Bordeaux.


Hỏi lại thì một anh bạn ở Việt Nam, cho biết là năm 1978, Việt Cộng đuổi cổ cô con gái độ 40 tuổi của ông bà Faraut về Tây và tịch thu hết tài sản nhà cửa của họ. Sau Điện Biên Phủ đa số người Pháp bỏ Việt Nam về mẫu quốc nhưng Đà Lạt vẫn có vài gia đình người pháp trường kỳ kháng chiến ở lại làm ăn như gia đình pháp kiều Faraut. 


Hình như ông Faraut này có chiếc xe 2 CV. Có lần đi chơi khuya về, ghé nhà cô hàng xóm nhà mình, đậu xe trước sân nhà mình. Mình buồn đời rút cục gạch chấn bánh xe khiến xe tuột phanh chạy xuống cái mương trước nhà mình khiến mặt mình xanh như đít nhái, chạy trốn trong khi hàng xóm đi lùng bắt thằng phản động Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen. Họ có đất đai canh tác trong Cam Ly và ở Saint Benoit. 

Quán cà phê của cháu ngoại ông bà Faraut tại đường Phan Bội Châu

Anh bạn mình kể là sau 75 có gặp và nói chuyện với gia đình Faraut về nuôi cừu ở gần hồ Mê Linh. Ngày Việt Cộng đến tịch biên tài sản của gia đình này thì anh ta có mặt nhưng có một giáo sư pháp văn, Nguyễn Khắc Dương làm thông dịch viên. Họ vớt đi mấy trăm ký lông cừu. Nói tới lông cừu mình mới nhớ đến có viếng thăm lần chót về thăm Đà Lạt, một công ty Tân Tây Lan hay Úc Đại lợi tại Đà Lạt, chế biến lông cừu. Vì sử dụng hoá chất bị cấm tại xứ họ nên đem qua Việt Nam làm vô tội vạ. Bảo đảm anh sinh sống gần đó sẽ bị ung thư sau này.


Có anh bạn kể sau hiệp định Paris, ông bố hồ hởi mua 30 mẫu đất ở khu vực Cam Ly đến 75 thì không dám nhận mình làm chủ. May còn miếng đất ở hồ Than Thở nên con cháu làm vườn sống qua ngày. Chán Mớ Đời 

Họ nói mua lại có nghĩa là giải phóng của người ta. Việt Nam Cộng Hoà cho phép pháp kiều làm ăn buôn bán bình thường như người Việt nhưng Việt Cộng thì tịch thu hết đuổi cổ về Tây. Theo trang nhà của ông cháu ngoại của ông bà Faraut thì ông Tây con qua Việt Nam ở Đà Lạt, để trồng cà phê loại như ông bà ngoại khi xưa. Loại arabica chi đó. Mình không rành về cà phê nên chỉ đọc lướt qua. Mình chỉ sợ ông cháu làm ăn khấm khá lên rồi họ đè đầu xuống đánh thuế là bỏ của chạy lấy người như bao nhiêu người trước đây. Chỉ cầu cho ông Tây con thành công không có kết cuộc như bố mẹ, ông bà ngày xưa. Mình thấy ông tây con cháu ngoại gai đình Faraut, ghi danh học tiến sĩ về ecologie ở đại học Aix-Marseille. Ông có mở tiệm cà phê ở đường pHan Bội CHâu Đà Lạt nhưng nhỏ và treo toàn là đồ của người thượng nên chắc người kinh ít vào, toàn là dân tây đi bụi.

Nghe ông tây nói là có công ty Cellier Indochine, bán rượu ở Đà Lạt. Mình lên trang nhà của họ thì 40% rượu mang từ Pháp sang và số còn lại nhập cảng từ CHí Lợi, NAm Mỹ rồi đóng chai tại Việt Nam. Cho nên chả có rượu vang nào được trồng và làm tại Đà Lạt cả. https://cellierindochine.com/en/about-us

Hồi chiều đang ở vườn thì cháu ngoại ông Lafaro gọi nói chuyện. Hoá ra ông bà Lafaro vào nam mấy năm trước cuộc di cư vĩ đại 1954 không như mình đoán đi tàu há mồm rồi định cư tại Đà NẴng. Sau 1975 thì người miền bắc tiếp tục di cư vào nam chắc trên mấy chục triệu người. Đà Lạt ngày nay người từ miền bắc đông như quân nguyên. Nghe nói người miền bắc định cư tại Đà Lạt sau 75 lên đến 60% dân số. Đó là cuộc Nam Tiến sau khi Luỹ Thầy biến mất. Mình có xem chương trình Bạn Muốn Hẹn Hò thì thấy giới trẻ nói giọng Nam nhưng khi họ hỏi bố mẹ, toàn là dân miền bắc hậu 75 ở miền Nam.


Khởi đầu ông bà Lafaro từ Hà Nội vào nam, định cư tại Đà NẴng, mở tiệm thuốc tây Tân Việt tại số 45 đường Trần Hưng Đạo, Đà Nẵng. Ông bà lớn tuổi vì cháu ngoại bằng tuổi mình. Mình có hỏi lý do ông bà Lafaro dọn vô Đà Lạt. Được biết là ông bà thích khí hậu tại đây nên quyết định rời Đà NẴng vào Đà Lạt. Mình đoán là con của ông bà vào Đà Lạt học, ở nội trú nên ông bà mới biết Đà Lạt nên quyết định vào Đà Lạt lập nghiệp.


Mình hỏi cái tên Lafaro từ đâu ra. Có cháu ngoại giải thích là ông ngoại lấy tên của mấy loại trái cây để đặt tên cho công ty của ông bà. Mình đoán là từ các trái cây Longane, Ananas, Fraise, amande, raisin và Orange. Theo cô cháu thì ông Lafaro rất giỏi, có đầu óc thương mại, tính toán nhiều chương trình làm ăn khi xưa, hùn mở tiệm thuốc tây Minh Tâm ở đường Duy Tân thì đứt phim. 75 chạy giặc rồi xin định cư vì có con du học tại Gia-nã-đại.


Mình nhớ có học Việt Văn với thầy Bạch Thái HÀ ở Adran. Thầy hay kể chuyện về ông Bạch Thái Bưởi, một nhà kinh doanh miền bắc rất giỏi. Trong nam chỉ nghe mấy ông gốc tàu giàu có nhờ có tài làm ăn, còn mấy công tử con các điền chủ thì đốt tiền như Sơn Đen ăn bơ. Kinh

Dâu tằm Đà Lạt 

Ông tìm tòi và học nghề nấu rượu dâu tằm. Nghe nói dâu tằm khó trồng lắm. Nghe kể là xung quanh khách sạn Palace có trồng mấy cây dâu tằm. Chỉ tiếc là không biết được ông Lafaro để hỏi thêm về Đà Lạt, và cách phát triển của Đà Lạt khi xưa sau khi người Pháp về mẫu quốc. Mấy người buôn bán làm ăn sinh tại Đà Lạt khi xưa mà mình quen nay bắt đầu lẫn nên khó hỏi thêm tin tức.


Mình nhớ ở chợ Đà Lạt có rất nhiều gian hàng cũng như trên khu Hoà BÌnh, nhất là các kiosque bán hoa lan, và khắc chữ cưa gỗ lưu niệm Đà Lạt, bầy bán đầy rượu dâu LAfaro, đặc sản Đà Lạt. Nói cho ngay mình chưa bao giờ nếm được rượu dâu Lafaro tại Đà Lạt xưa. Chán Mớ Đời 

Đi lấy mật ong hữu cơ của ông Mỹ nuôi ong. Ông ta về hưu nên mình lấy hết số lượng còn lại   Người thay thế ông ta bán giá 50% hơn nên mua để dành ngâm tỏi với quế mà mình mua từ Uzbekistan để uống mỗi sáng.
Anh bạn lên vườn hái bơ và bưởi gánh như thời Việt Cộng vào. 

Hôm nay có vợ chồng anh bạn trồng dâu tằm và làm rượu dâu cho mụ vợ mình, muốn thăm vườn. Để xem có trồng dâu tằm được không. Nếu được thì hy vọng tương lai sẽ trồng dâu tằm và làm rượu dâu mang hiệu Chán Mớ Đời . Chắc không làm đâu vì có thể mình sẽ bán vườn trong tương lai vì có vài người Developer muốn mua. Dùng tiền đó mua nhà cho thuê khoẻ hơn là chăm sóc cây cối. Mệt mà không có lời lắm.

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 


Có độc giả cho biết thêm tin tức nên ghi lại đây. Cảm ơn các bác đã cho tin tức đẻ bổ túc.


Nhắc đến Faraut ở Dalat  có nhiều điều kỳ thú . Nào đồn điền Faraut , rượu Lafaro.

  - Trong khu đồn điền Faraut , có một ngon núi khá cao , chủ yếu là cây thông , trên đỉnh núi có một cây THÁNH GIÁ rất to mà chúng tôi gọi núi Thánh giá . Đứng trên đỉnh nhìn xuống rất đẹp . Cũng trên đỉnh núi này , dưới đống lửa được cất dấu kho tàng trong một trò chơi lớn . Cả hai bạn Nguyễn Mai (thủ môn của THĐ , sau định cư ở Úc )của đoàn QT và Louis của đoàn  LL cùng giành kho tàng và cả hai lăn xuống núi và nhờ những cây thông chận lại , ( có thể nhờ  núi thiên trợ giúp )

Trong những năm 1950 và đầu năm 1960 , nơi này còn hoang vu lắm , còn có cả cọp ở đây . Tình cờ   chúng tôi phát hiện trong lùm cây , còn đống xương của con bò còn hôi thúi do mấy ông cọp đã ăn trong mấy hôm trước .

Có ai biết ngọn núi Thánh giá này nay còn không?

  - Về sau này ( những năm 60 ) , ngay ngã ba Võ Tánh - Phan Bôi Châu - Pháp quốc ( Cộng hòa ) , cạnh nhà Đội Có có cơ sở Rượu Lafaro , tên Rươu Lafaro được viết trên quả cầu  nhìn rất dễ thấy .Lúc bấy giờ giáo sư Cường ( BTX ) và gs Tiến (LS) ở nơi này .

 Nơi này có phải là chi nhánh và hay có liên quan gì với rươu Lafaro đã nói ở trên hay không ?


Lafaro là tên gọi đã đươc Việt hóa .Tôi biết ông từ khi học mẫu giáo  (1955) vì trường tôi gần trang trại của ông .Còn từ nhà tôi nhìn sang đồi Bắc ,hàng ngày ,chúng tôi thấy bò và cừu của ông lũ lượt đi về từ phía Đạ sa ,thấy những thanh niên dân tộc chăn bò cừu cưỡi ngựa băng qua đồi núi .Sau 75 ,ông vẫn còn ở lại(lúc này tôi đã rời trường Đại học ),Về sau ,thấy tình hình không ổn ,ông mới rời VN.Dân chúng ở Chi Lăng ,Thái Phiên thuở ấy gọi ông bằng cái tên thân thiện là ông Fa rô .


Gởi Sơn, nếu chưa đọc bài này : https://lecourrier.vn/vang-da-lat-prisee-vietnamiens-comme-des-etrangers/371958.html


Có anh bạn gốc Đà Lạt xưa gửi cho bài báo về rượu Đà Lạt. Lần sau về Đà Lạt mình sẽ ráng đến Trạm Hành viếng thăm khu vực này.