Showing posts with label Chốn cũ người xưa Đàlạt. Show all posts
Showing posts with label Chốn cũ người xưa Đàlạt. Show all posts

Dòng sông ký ức

Tuần rồi, anh bạn đúng hơn là ông Mai, đã se duyên mình cùng đồng chí gái, gửi cho mấy tấm ảnh sinh hoạt thời trai trẻ, độc thân vui tính với các sinh viên và nhóm trẻ gốc việt tại vùng Đông Bắc, khiến mình chới với. Như xem lại một khúc phim chậm của quá khứ, tưởng rằng đã quên. Nhìn lại hình ảnh thì kỷ niệm bổng từ đâu như dòng sông ký ức, ào ào trở về như mới hôm qua, khó tưởng tượng đã trên 34 năm qua, 1/2 đời người. Kinh


Thời ấy, thị trường con gái Việt Nam hiếm vì vượt biển rất nguy hiểm. Đi party, trai dư gái thiếu nên cô nào có xấu đi nữa cũng có nhiều tên bu xung quanh như ruồi. Cô nào mà khá khá, học giỏi, là Mỹ chúng vớt hết vì có nhiều tiêu chuẩn khá hơn nam sinh viên việt. Như cao ráo, da trắng, học giỏi bằng sinh viên người Việt,… đúng hơn Mỹ trắng mà học giỏi thì chúng rất giỏi. Á đông được cái là học gạo chớ tư duy thì không quen như người tây phương.


Hôm qua, có anh bạn còm về một tấm ảnh cũ, kêu nhận ra nhiều gương mặt quen thuộc một thời. Mình nhớ có lần đi ăn đám cưới anh bạn trong nhóm, thấy anh ta ngồi buồn khi thấy cô bạn xưa, lấy chồng Mỹ, đang nhảy múa trước mặt. Chán Mớ Đời 

Trại hè BNLV

Ngược lại đàn ông gốc việt, ít thấy lấy vợ Mỹ trắng. Ở Âu châu, đầm lấy mít khá phổ thông nhưng ở Hoa Kỳ thì hiếm, không hiểu lý do. Ai có tài liệu nghiên cứu vấn đề này thì cho mình biết. Mình có một bà người đức, theo dõi bờ lốc của mình, cho biết lấy chồng gốc việt, thích các bài mình viết về Đà Lạt, để tìm ý tưởng viết truyện. Cô ta là một nhà văn đức ngữ, ở Seattle, có gửi cho mình bờ lốc của cô ta. Chắc ông chồng gốc Đà Lạt, cho cô ta hay dịch bài của mình. Mình có đọc vài đoạn văn ngắn của cô ta, đức ngữ của mình ngày nay, đã mai một khá nhiều nên lười vào lại bờ lốc của cô ta.


Mình có duyên tình yêu khi ghé Boston. Lần đầu đến xứ này, nữ thần tình yêu Eros bảo một anh bạn học cũ Đà Lạt, đang làm luận án tiến sĩ tại MIT, giới thiệu mình với một cô sinh viên khiến mình bị tiếng sét ái tình lần đầu tiên trong đời, phải bỏ Luân Đôn qua Hoa Kỳ làm việc. Nhưng mối tình hữu nghị không trọn vẹn, khi bố mẹ cô nàng xét lý lịch trích dọc trích ngang thì cấm cô nàng đả thông tư tưởng với giai cấp phản động, kêu phi bác sĩ bất thành phu phụ.


Trước khi dọn qua Cali, một anh bạn khác, cũng đang làm luận án tiến sĩ ở MIT, được nữ thần Eros, mách anh ấy, rủ mình lên Boston chơi, và giới thiệu đồng chí gái. Kể ra để khoe, mình thuộc gia đình thuần nông nhưng quen khá nhiều tiến sĩ. Tính ra trên một tá. Chắc nhờ mình là hậu duệ bên ngoại của Mạc Đăng Dung. Sau này, đồng chí gái mới thố lộ, đã chấm tọa độ mình từ trước, khi lên vùng này sinh hoạt với sinh viên MIT. Thế là cả hai nhất trí bò về Cali, đăng ký quản lý đời nhau đến giờ.


Xem tấm ảnh cũ, chụp trong khuôn viên tu viện Don Bosco, New Jersey. Mọi người ngồi trên cái thang khán đài để xem đánh banh bầu dục. Đồng  chí gái nhận ra ngay người chồng ô sin của cô nàng ngày xưa. Em vẫn tìm thấy tôi trong đám đông xa lạ. Tấm ảnh nhất là anh bạn trưởng nhóm, con chim đầu đàn vừa gãy cánh tuần rồi, để lại nhiều tiếc thương cho giáo dân cũng như thân hữu. Mai sẽ gặp lại nhiều người sinh hoạt chung, đã biết nhau cũng như chưa bao giờ gặp mặt.


Xem tấm ảnh thì người đầu tiên mình nhận ra là anh chàng tên Trung, có râu, ở Uptown của Manhattan. Anh này có hát cải biên bài hát Mambo Italiano qua lời việt “Cha cha cha Ma ní lấy chồng Chà dà. Cha cha Cha ông Táo xức dầu cù là. Buông tôi ra vì tôi có chồng rồi mà. Tôi không buông vì tôi cũng có vợ rồi mà,… ba xi lô! Con gái lấy chồng chà dà” chỉ tiếc là mình không nhớ hết ca từ của bài ca chế này.


Người thứ nhì thì một anh không nhớ tên, cũng ở New York, ngồi cạnh linh mục Nguyễn Hoài Chương. Anh này thì tếu vô cùng, anh ta đóng kịch vào những dịp tết cộng đồng và lửa trại. Có lần anh ta đóng vai bác sĩ Việt Cộng, cứ kê toa thuốc “xuyên tâm liên” cho bệnh nhân. Bệnh gì cũng kê toa xuyên tâm liên đến khi lấy dao phay để mỗ bệnh nhân cũng cho xuyên tâm liên để cầm máu.


Người thứ 3 là Dương Trọng Hiếu, ở Philadelphia và anh vợ Nguyễn Duy Quốc Anh. Vào nhà anh chàng này thì thấy trên bàn thờ ông bố, nhận bảo quốc Huân chương trước 75. Hai anh chàng này là trụ cột văn nghệ của BNLV. Mỗi lần đi trại hay có họp mặt của nhóm là hai ông thần này đều có mặt. Hiếu chơi guitar, và nghiện phim bộ Hương Cảng còn Quốc Anh chơi Mandolin, nhưng sở trường là dương cầm. Hình như anh chàng có dạy các lớp dương cầm cho con nít hàng xóm. 2 ông thần này thì không gặp lại từ khi mình dọn qua Cali. Có liên lạc thỉnh thoảng qua nhóm.


Người kế tiếp tên Trung, làm cho IBM ở Poughkeepsie, anh chàng này lấy vợ sớm, người Mỹ thì phải nên vợ bỏ cũng sớm. Lâu lâu hay chở mình về nhà sau khi họp mặt với nhóm. Kế đến là Đinh Sơn Lâm, làm cho Bell Labs, phụ rể của mình. Đến An, em trai của linh mục Nguyễn Hoài Chương, nay ở San Jose. Đến anh chàng sinh viên U Conn, hát hò cả đêm, không cho ai ngủ hết. Đến Việt Anh, sinh viên MIT, có thời lo Vietnet, hệ thống liên lạc giữa các sinh viên gốc Mít. Hình như hệ thống này do Trung Dung (BU) và Nguyễn Thiều (UCI) thành lập. Mình có gặp Thiều mấy năm trước ở Cali, làm cho Toshiba. Sau này, buồn tình không chịu làm tiếp luận án tiến sĩ, bị bố mẹ la, lấy vợ, từ úc Đại Lợi thì mất tích luôn còn Trung Dung thì nghe nói sau này thành lập công ty riêng với bạn, trở thành triệu phú. Mình không gặp lại từ khi rời miền Đông.


Cạnh đó là Mai Ly, sau này lấy anh bạn học của mình khi xưa ở Đà Lạt, đã giới thiệu đối tượng một thời khi mình ghé Boston thăm anh ta khi sang Hoa Kỳ lần đầu. Có Khuê, em của anh chàng có cô bồ cũ lấy chồng Mỹ, nghe nói vẫn còn độc thân, tương tự Trương Quang Huy, một phụ rể khác của mình. Mấy cô thì nhận ra Bích Ngọc, sinh viên luật tại Columbia, bạn học với Đinh Đồng Phụng Việt, sau này làm tới thứ trưởng, bộ tư pháp Hoa Kỳ, viết đạo luật Patriot sau 9/11. Anh chàng này khi xưa, ăn nói rất nhẹ nhàng. Dạo ấy có Mai Lan, em của Mai Ly, 3 sinh viên luật khoa Harvard mà mình từng quen. Dạo ấy, đa số người Việt học kỹ sư và bác sĩ, gặp 3 người học luật nên mình phục họ, đi ngoài mô hình của người Việt hải ngoại. Có gặp lại Mai Lan ở Virginia, khi viếng thăm vợ chồng anh bạn. Có hai chị em sinh đôi ở New Jersey, một cô là dược sĩ, mình có gặp lại tại Virginia, cách đây 5 năm, lấy chồng, làm nhạc khá nổi tiếng trong cộng đồng người việt tại Virginia, quên tên, hình như Ngô Minh Trí, bạn một người bạn cũ của mình ở Đà Lạt. Cô này sinh hoạt nhiều đi xuống Virginia thì dính ông chồng, ở lại đó luôn.


Có một cô dược sĩ khác ở Florida, không nhớ tên. Chỉ nhớ là cháu của ông hội trưởng gia đình phật tử ở Connecticut, cựu đổng lý văn phòng của chính quyền Việt Nam Cộng Hoà, đã nhờ mình vẽ chùa cho họ. Sau đó, muốn cá độ mình với cô cháu trong khi mình lại thích con gái ông ta và một cô sinh viên Yale, cháu của tướng Ngô Du. Bà mẹ là bạn với ông Nguyễn Trọng Nho, một thời xuống đường chống chính phủ Ngô Đình Diệm, đàn áp Phật giáo, sau này làm chánh án tại Cali. 


Một cô khác là cháu của ông mai mình tên Thuỳ Dương thì phải, nghe nói ở San Diego nhưng không gặp lại từ đó. Cô cuối cùng mình nhận ra tên Thảo, sinh viên MIT, hình như bạn gái của anh chàng tên Vũ, cũng sinh viên MIT, sau này qua Nhật Bản làm việc rồi lấy vợ nhật luôn. Có một anh tên Hiền, học sinh cao học ở Princeton, hình như sau này anh ta đi Nam Cực để làm việc trong phòng thí nghiệm gì đó mấy năm. Hình như anh ta không thích mình, thân Hà Nội.

Có người yêu cầu đăng tấm này 

Có anh chàng tên Minh làm việc ở New York, được mình giới thiệu cho cô bạn, làm designer ở New York, trong một buổi họp mặt tại nhà mình. Sau đó hai người lấy nhau, về Việt Nam làm ăn rồi bỏ nhau. Cô vợ đã qua đời vì ung thư, mình có gặp bà mẹ ở chùa Virginia, khi sang thăm Đinh Anh Quốc.


Ngoài ra thì không nhận ai khác. Có lẻ những người này, không tham gia các sinh hoạt khác của BNLV, chỉ dự trại hè. Xem hình thì trại hè tương đối có nhiều nhân vật nữ, khác với các buổi họp mặt thường.


Cô ngồi bên cạnh mình, là cô hỏi mình sau khi nghe mình kể chuyện ông thầy hiệu trưởng Tây doạ cả lớp, ai ăn cắp nỏ thần An dương Vương thì trả lại còn không sẽ bị đuổi: “rồi sau đó có bắt được người ăn cắp nỏ thần không anh?”. 35 năm sau vẫn còn nhớ câu hỏi vớ vẩn này. Sau này, ở lâu tại Hoa Kỳ mới hiểu là giới trẻ ở đây nói tiếng Việt không rành, vì sang đây khi còn bé. Lịch sử Hoa Kỳ còn không tường huống chi lịch sử Việt Nam. Ngược lại ở Âu châu thì dân mít, dù sang Âu châu hồi nhỏ nhưng cũng ngáp ngáp được tiếng Việt. Ngày nay thì khác, với toàn cầu hoá nên giới mít sinh ra tại Âu châu hết nói tiếng Việt.


Qua Mỹ lần đầu chơi, mình được xem một video thi hoa hậu người Việt. Ban giám khảo hỏi một thí sinh, em muốn làm nghề gì sau này? Cô ta trả lời là muốn làm nghề bán bún khiến thiên hạ cười hà rầm khiến mình ngọng. Sau khi được cô bạn thuyết minh, hóa ra cô ta muốn theo nghề buôn bán nhưng nói lơi khơi ra bán bún bò như Mụ Rớt ở chợ Eden.


Bà chị dâu của mình, sang đây năm 75 nên tiếng Việt hơi ngọng. Bà mẹ kêu ra chợ mua bao gạo hiệu ông Địa. Cô ta ra chợ kêu cho tôi bao gạo ông Đĩ. Cô nàng về Việt Nam, hải quan hỏi địa chỉ ở Sàigòn, cô nàng kêu bỏ quên trong hành lá rồi khiến anh chàng hải quan chới với, cuối cùng cầu cứu một ông hải quan khác thì mới hiểu là để quên trong hành lý. Chán Mớ Đời 

Một số anh chị em BNLV đến dự đám tang chim đầu đàn đã ra đi

(còn tiếp)


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 


Nguyễn Hoàng Sơn 



Số 4 Đà Lạt Mậu Thân


Hôm nay, có ông thần gốc Số 4, Đà Lạt gửi cho mình tấm ảnh khu phố nhà anh ta sau cuộc tổng công kích Mậu Thân của Việt Cộng, để lại sau khi họ bỏ trốn. Họ đinh ninh là người dân Đà Lạt, sẽ đón, hoan nghênh họ như các mẹ nuôi chiến sĩ, ai ngờ họ đến đâu là thiên hạ bỏ chạy tới đó. Đàn Số 4 chạy vào thị xã, trú tại các trường học như Đoàn Thị Điểm, Việt Anh, Văn Học, Trí Đức,.. Giận đời họ pháo kích như Đại Lộ Kinh Hoàng ở Quảng Trị năm nào. Sau này 75, gia đình mình chạy giặc đến Bình TUy thì cũng bị pháo kích mệt thở, người chết la liệt bên đường.


Sau này, mình có nói chuyện với một mẹ nuôi chiến sĩ. Bà ta kể khi xưa, khuya nó về kêu đói quá, nấu cơm cho nó ăn. Nay mình lên xin nó cái giấy đi đường, nó kêu bỏ đó đợi. Ngày nay quốc gia mà trở lại, nó có núp ở trong quần tui, tui cũng đứng dậy, lột quần, rũ cho nó lòi ra để quốc gia bắt nó.

Chụp trên đường Ngô Quyền, thấy cái trạm biến điện, dây điện gì đều bị đứt hết. Nhà dì Ba Ca, em bạn dì với mẹ mình bên tay trái, phía sau lưng người đứng chụp

Có lẻ cuộc tổng công kích này đã để lại dấu ấn rất sâu đậm trong ký ức của mình, khiến mình phải lớn nhanh khi thấy chết chóc xung quanh mình. Gần đây, mình có viếng nghĩa trang quân đội Việt Nam Cộng Hoà ở Biên Hoà. Thấy mồ mả những người lính trẻ, chết trận vào tuổi còn vị thành niên, mới 18, 19 tuổi. Lúc mình rời Việt Nam.


Vừa nhập ngủ vì sinh trong Nam, được huấn luyện 6 tháng quân trường, tập bò , tập bắn để rồi ra trận, lãnh viên đạn nằm xuống, không hiểu lý do mình chết. Nằm chết như mơ hay không hiểu vì sao tôi chết.


Chú của mình, sinh ngoài Bắc, đi bộ đội, xâm nhập vào nam, đánh cho Mỹ cút nguỵ nhào để rồi chết trên đường mòn Hochiminh. Nay gia đình không biết mồ mả ở đâu.


Tấm ảnh này đưa mình về 55 năm về trước, khi mình đi theo anh Hiệp, con dì Ba Ca lên Số 4, về lại nhà của gia đình anh ta, sau khi chạy giặc. Tan hoang hết ngoại trừ trái bom 100 cân anh, nằm sừng sửng trong sân của nhà.


Anh Hiệp kể; mấy ngày đánh nhau, mấy anh em, hợp nhau, đào cái hầm phía sau nhà, để trốn bom đạn. Đến mồng 3, hay mồng 4. Hết gạo nên dượng Ba Ca kêu anh lên nhà trên, thỉnh mấy cái bánh tét trên bàn thờ để cả nhà ăn.


Khúc này mình đoán trên đường Ngô Quyền, chỗ gần Domaine de Marie


Tò mò, xem qua cửa sổ có gì lạ, bổng anh ta đờ ra, chạy vội xuống hầm ú ớ kêu dượng Ba Ca rồi chạy lên nhà. Dượng Ba Ca nhìn qua cửa sổ, thấy trái bom do anh Hiệp chỉ, miệng ú ớ. Thổ thần đất đai muốn gia đình anh ta sống nên không để quả bom nổ. Mình có thấy những hố bom khác trên số 4, khá to và sâu. Nếu quả bom nổ là xem như cả gia đình tiêu diêu.


Mình có thấy quả bom ấy nhưng không nhớ là bom Napalm hay bom thường. Mình chỉ thấy mấy cây mận, đào nơi vườn, bị cháy, dính mảnh foam của Napalm. Sau này Công binh cho người tháo gỡ bom sót lại trên Số 4.


Tấm ảnh chụp gần nhà Dì Ba Ca, kêu mệ ngoại mình bằng dì ruột. Gần đường Ngô Quyền gặp Hai Bà Trưng. Thấy trạm biến điện, gần phía sau chùa Linh Phong. Chuyến viếng thăm chớp nhoáng Đà Lạt vừa qua, anh bạn có chở mình chạy ngang đây, không có thì giờ ghé thăm gia đình mấy người con của dì Ba Ca. Mình có ghé thăm 1 lần khi về Đà Lạt lần đầu tiên vì ở lại nhiều ngày.


Mình không hiểu sao Đà Lạt lúc ấy, Số 4 lại bị bỏ bom nặng nhất. Có thể khu vực này có nhiều người nằm vùng. Mình nhớ ngay nhà mình, không nhớ lúc nào nhưng thấy Việt Cộng, đi bộ từng đoàn chạy về Số 4, sau khi Việt Nam Cộng Hoà phản công, đánh nhau ngoài khu Hoà Bình, khiến một cây xăng cạnh đường Hàm Nghi, chỗ bến xe Tùng Nghĩa, bị cháy cùng với dãy phố photo Hồng Châu. Được giải thích là Việt Cộng leo lên khu Hồng Châu, núp bắn chiếc xe Jeep chở mấy sĩ quan từ trường Tham Mưu đi ăn Phở Bằng.


Dân chúng từ Số 4, chạy xuống đường Hai Bà Trưng, chạy vào trường Việt Anh và Văn Học. Nghe kể có người chạy vào trường Đoàn Thị Điểm hay Trí Đức để trú bom.


Xóm mình có hai gia đình từ Số 4 chạy xuống trú là gia đình ông Tư Thân, bán thuốc cho tiệm thuốc tây Nguyễn Duy Quang, đối diện rạp Ngọc Hiệp. Gia đình ông Tư Thân chạy xuống nhà bà Tước hàng xóm, bà con chi đó. Và gia đình dì Ba Ca, chạy đến nhà mình, ở trú cũng mất 5, 6 tháng. Thêm gia đình chú Nhị, chú Hai, hai người làm vườn cho bà cụ.


Từ nhà mình có thể chứng kiến hai trận đánh: Việt Cộng xâm nhập vào nhà thờ Domaine de Marie, và Số 4. Xóm mình từ đường Thi Sách, nhìn lên thì thấy nhà thờ Domaine de Marie và xa xa về phía trường Đa Nghĩa là Số 4.

Số 4 bình địa


Có mấy ông Việt Cộng bò vào nhà thờ Domaine de Marie, có ông leo lên nóc chuông, rồi chỉa AK bắn cóc cóc mấy chiếc trực thăng, bay từ phi trường Cam Ly đến xóm mình thì bắt đầu bắn đại liên và phi đạn. Vấn đề là khi họ bắn trên khu vực xóm mình thì vỏ đạn lại rơi xuống xóm mình theo đường Parabol.


Lâu lâu lại thấy một trận mưa rào của vỏ đạn rơi xuống. Có lần mình thấy rớt xuống nhà mình, kêu lộp cộp. Sau đó phải bò lên, dùng foam ngâm xăng để trét các lỗ bị lũng để tránh bị dột nhà.


Sau này, ra hải ngoại, lâu lâu xem truyền hình, thấy mấy ông hồi giáo, cứ cầm súng bắn chỉ thiên khi reo mừng về chuyện gì đó là mình tự hỏi có bao nhiêu người bị thương sau đó. Đầu đạn được bắn lên thì đầu viên đạn đồng sẽ rơi xuống và ai xui sẽ bị lũng đầu.


Cứ mấy ông kẹ bắn cốc cóc thì sau đó trực thăng bay lại rồi ria vào nóc chuông nhưng mấy ông núp trong đó lại chạy đi đâu rồi. Đánh nhau kiểu này cũng mất mấy ngày. Có lần thấy chiến xa M113, chạy trên đường Calmette thì có ông thần Việt Cộng nào bắn B40 nhưng hên cho mấy ông thần trong chiến xa, bắn hụt khiến viên B40 bay xuống vườn của bà Bắc Kỳ mà mình và thằng Khánh ăn cắp buồng chuối của bà ta. Nghe cái Bùm thật lớn, cây chuối bay tá lả khiến đám con nít trong xóm và người lớn đứng xem, bổng thấy quan tài nên sợ, bỏ chạy vô nhà.


Chú Đức, em của chú Nghi, phòng trồng trăng Nguyễn Văn Nghi ở đường Minh Mạng, cạnh tiệm chụp hình Mỹ Dung, đang ngồi ngay cửa sổ trên lầu, nhìn lên Domaine de Marie, xem bắn nhau. Bổng bị một viên đạn ghim vào người. Nghe kể chú kêu tụi nó bắn tui tụi nó bắn tui rồi chở lên nhà thương băng bó.


Từ đó trong xóm, hết dám đứng xem đánh nhau. Mình cũng suýt bị vỏ đạn ghim vào đầu. Mình đang đứng dưới cây Mai, xem máy bay bắn, thả bom ở Số 4. Trực thăng, mở cửa, thấy rõ tên lính Mỹ, cầm đại liên bắn tạch tạch xuống Số 4 hay nghe cái sẹt, khói xịch ra phía sau trực thăng rồi 1 phi đạn hoả tiễn bắn lên Số 4 rồi một tiếng nổ. Hay máy bay bà già bay la đà rồi phạt một trái khói được bắn ra, khói bay lên thì khu trực cơ bay đến, lao xuống rồi khói đen, lửa bốc lên tiếp theo là tiếng nổ. Đó là lần đầu tiên mình thấy Bom Napalm trong đời và không muốn nhìn lại nữa.


2 tên này lớn tuổi lạ mặt, mình chưa bao giờ gặp trong xóm, đi vào nhà mình, đứng bên cạnh xem máy bay dội bom. Bổng nhiên có một tiếng nói, hình như em mình kêu Má kêu vô nhà. Mình vừa bước vài bước, dưới mái hiên của nhà thì một trận mưa vỏ đạn đại liên làm cái rào lụp cụp xuống sân và leng keng trên mái tôn nhà mình. Mình nghe ai hét lên thì nhìn lại thấy 1 trong hai tên mới đứng cạnh mình xem máy bay, nằm dưới đất, máu ra xối xả rồi người đi chung với hắn dẫn đi đâu mất biệc. Hú vía! Thổ thần nhà mình linh, kêu mình đi vào. Từ đó hết dám ra sân xem bắn nhau.


Hình ảnh của tấm ảnh khiến mình nhớ lại cuộc chiến. Sau Mậu Thân, sợ Việt Cộng ban đêm về bắt đi theo mấy ông kẹ như dân trên Số 4 hay bị bắn nếu là công chức làm việc cho chính quyền như ông trưởng khu phố ở đường La Sơn Phu tử, mà mình hay ghé lại mỗi tháng mua gạo với sổ gia đình. Không ai muốn như ông Tăng Văn Danh, chết để có đường hẻm mang tên của mình.


Mình và ông cụ, tối tối ra phố ngủ ở nhà ông bà Phúng, số 11 Duy Tân. Dần dần tình hình sáng sủa lại một chút, an ninh được vãn hồi với đồn nhân dân tự vệ, được xây cất chốt ngay đường Thi Sách, ngay sau trường Đa Nghĩa, mới hết đi ngủ ở phố.


Rồi thấy xe nhà binh chở xác lính biệt động quân, chết bị phục kích trong Cam Ly, chở về nhà xác. Vợ con từ xứ nào lên nhận xác chồng, cha khóc. Chiều đi ngang nhà xác gần bệnh viện, thấy đèn dầu trong nhà xác với những tiếng hu hu của kẻ mất cha, mất chồng, mất con thấy thảm. Rồi một hôm được tin chú Nhị, làm vườn cho nhà mình trước Mậu Thân, đi lính Địa Phương Quân, chết. Thím Nhị đang có mang, ngồi khóc chồng. Lúc đó mình mới hiểu những ca khúc Da Vàng do Khánh Ly hát. Buồn chiến tranh.

Trạm biến điện biến mất nhưng dây điện thoại dày đặt, phía xa có hậu viên của chùa Linh Quang. Đi xuống một tí sẽ thấy bên tay phải cái đình.

Khi Việt Cộng rút lui thì mới biết các cuộc giết người với những nấm mồ tập thể ở Huế. Ngày nào cũng thấy chiếu trên đài truyền hình rồi Nhã Ca viết Khăn Sô cho Huế, được đăng hàng ngày trên báo. Đọc thấy nổi buồn chiến tranh. Không hiểu sao người Việt lại giết người Việt một cách dã man. Khánh Ly có hát bản nhạc khiến mình Chán Mớ Đời tìm cách rời khỏi Việt Nam.

Xác người nằm trôi sông, phơi trên ruộng đồng 

Trên nóc nhà thành phố, trên những đường quanh co
Xác người nằm bơ vơ, dưới mái hiên chùa 
Trong giáo đường thành phố, trên thềm nhà hoang vu 

Mùa xuân ơi, xác nuôi thơm cho đất ruộng cày 
Việt Nam ơi, xác thêm hơi cho đất ngày mai 
Đường đi tới, dù chông gai 
Thì quanh đây đã có người 

Xác người nằm quanh đây, trong mưa lạnh này 
Bên xác người già yếu, có xác còn thơ ngây 
Xác nào là em tôi, dưới hố hầm này 
Trong những vùng lửa cháy, bên những vồng ngô khoai


Mình bắt đầu đặt câu hỏi về tương lai. Chết sớm khi đi lính, rớt tú tài đi lính chết. Đậu tú tài học lên đại học rồi đi lính chết. (Còn tiếp)


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 


Nguyễn Hoàng Sơn 

Viếng dinh Độc Lập


Từ Thái Lan bay về Sàigòn, ăn cơm tối với mấy đứa cháu, học đại học và đi làm ở Sàigòn. Có cô cháu, sinh viên kiến trúc, đề nghị mình đưa bà cụ thăm viếng dinh Độc Lập. Sáng hôm sau, hai mẹ con đi taxi đến dinh Độc Lập, mua vé rồi vào bên trong xem.


Dinh này khởi đầu là do người Pháp xây cất, sau khi họ chiếm Nam Kỳ vào năm 1868, để cho thống đốc Nam Kỳ ở, dân Sàigòn gọi là dinh Norodom, tên một vị vua Campuchia. Không biết có phải tên của ông bố, hay ông nội của hoàng thân Sihanouk. Tây gọi là Palais du Gouverneur General nhưng có lẻ nằm trên đại lộ Norodom nên người Việt hay gọi dinh Norodom. Nghe nói có một dinh khác tên Dinh Gia Long, nơi gia đình ông Diệm ở trong thời gian xây cất dinh Độc Lập.

Dinh Độc Lập rộng hơn dinh toàn quyền Pháp khi xưa vì có đến 3 tầng chính và 2 dưới hầm. Nhà chính trên nóc là nơi họ tụ họp để nhảy đầm. 

Dinh này được xây xong vào năm 1873 và phần thi công nội thất thêm hai năm mới hoàn tất. Mặt tiền dài 80 mét, gồm hai tầng thêm tầng hầm ở dưới.


Năm 1954, người Pháp thua trận ở Điện Biên Phủ nên rút về nước, bàn giao lại cho thủ tướng Ngô Đình Diệm. Khi ông Diệm truất phế ông Bảo Đại, đổi tên dinh này thành dinh Độc Lập rồi dọn về đây ở. Nghe nói phong thuỷ nằm ở đầu con rồng nên người Việt ở Sàigòn hay báo chí gọi là phủ Đầu Rồng. Tây đâu có biết phong thuỷ, chắc người Việt chế vào. Phong thuỷ tốt cũng bị mất nước.

Phủ đầu Rồng bị ném bom, hư hại nên ông Diệm kêu kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế dinh mới, đập phá tàn tích của chế độ thực dân luôn. Theo mình để lại có dấu tích lịch sử, rẻ hơn
Dinh toàn quyền Nam Kỳ trước khi bị bỏ bom. Rất cổ điển

Phong thuỷ ra sao mình không biết mà có hai ông phi công hình như có ông Phạm Phú Quốc dội bom, làm hư hại một cánh của dinh mà không chết ai trong gia đình Ngô thị. Nghe nói, khó sửa chửa, đúng lúc ông Ngô Viết Thụ, khôi nguyên La MÃ về nước, nên ông Diệm kêu vẽ một dinh mới hoàn toàn, to lớn, có nhiều tầng, kiến trúc hiện đại hơn. Mình kêu kiến trúc sư Ngô Viết Thụ là Dượng, lấy dì Cơ, em họ của mẹ mình.

Đây là chỗ sân thượng mà ông Kỳ khi xưa, lái trực thăng đi làm, đáp lên sân thượng. Nghe nói tháng 4/75, có tên phi công nằm vùng nào bỏ bom sụp chỗ này. Thấy hình chụp để trong dinh.

Chỉ tội là ông Diệm khởi xướng xây cất dinh nhưng bị giết nên khi dinh được hoàn thành vào năm 1967 thì ông Thiệu và ông Kỳ được ở trong dinh. Mình viếng thấy có khu vực dành riêng cho gia đình ông Kỳ. Chắc Hà Nội bỏ lại hình ảnh vớ vẩn vì nếu mình không lầm thì sau Mậu Thân, gia đình ông Kỳ dơn vào căn cứ không quân ở với lính ông ta. Mỗi ngày bay trực thăng đậu trên sân thượng để đi làm. Sau này phó tổng thống Trần Văn Hương ở thì chắc khác.


Năm Mậu Thân phe cánh ông Kỳ chịu tổn thất khá nặng vì máy bay Mỹ bắn lầm, thêm tướng Sáu Lèo bị cho về hưu sớm do hình ảnh bắn tên Việt Cộng, đã tàn sát một gia đình người Việt.

Dinh Độc Lập trong thời gian xây cất. Phần giữa là công cộng, còn phía phải là chỗ ở của tổng thống và gia đình phó tổng thống. Bên trái nếu mình không lầm là chỗ làm việc của tổng thống và phó tổng thống. Còn phía dưới hầm là trung tâm hành quân.

Mình thấy dượng Thụ viết chữ Nho giải thích từ Cát, đủ trò nhưng rồi ông Thiệu chỉ ở được 7,8 năm rồi cũng mất nước. Đi viếng có một bà hỏi mấy bà bạn, không biết mấy ổng họp hành ra sao mà mất nước.

Thấy biểu tượng tùm lum nhưng rồi chế độ chỉ sống sót được 7-8 năm. Cơ cấu theo kiến trúc cổ điển của pháp. Dinh toàn quyền cũng được thiết kế tương tự

Theo mình phía trong nội thất khá thành công, chỉ có mặt tiền, được thể hiện bằng bê tông trắng mà bên tây sử dụng khá nhiều vào đầu thập niên 60. Có 3 khúc bê tông trắng như 3 khúc trúc, che ánh nắng cửa sổ to, tượng trưng cho 3 miền Nam Trung Bắc không đạt lắm. Nếu chúng ta so sánh những công trình của kiến trúc sư Oscar Niemeyer, thiết kế thủ đô Brasilia ở Ba Tây cùng thời với dinh Độc Lập thì cho thấy kiến trúc dinh Độc Lập hơi cổ lổ sỉ, không đạt lắm so với kiến trúc hiện đại thời đó. Kiến trúc của Beaux Arts, sử dụng bê tông trắng. Mình nghĩ nên sửa chửa lại dinh Norodom hay hơn cho có tính chất lịch sử.

Hành lang phía sau
Tủ áo quần bà Thiệu
Phòng ăn của gia đình ông Thiệu
Phòng truyền tin dưới hầm
Phòng ngủ của ông bà Thiệu
Hành lang phía trước, có mấy motifs làm bằng bê tông trắng, như 3 đốt trúc tượng trưng cho 3 miền nam Bắc Trung Việt Nam. Sàn nhà có motifs như tranh của Mondrian, rất thịnh hành một thời ở Pháp. Sinh viên kiến trúc hay vẽ kiểu này. Nói chung thì hiện đại vào thời đó.

Mình thấy chợ Đà Lạt, do kiến trúc sư Nguyễn Duy Đức thiết kế vào thời đó rất đẹp, sáng tạo hơn dinh Độc Lập. Mình có gặp dượng Thụ, ở nhà ông bà Phúng trước khi đi tây. Mẹ mình gọi bà Võ Quang Tiềm bằng Dì (bà con). Có lẻ gặp dượng nên qua Tây mình đi học kiến trúc thay vì kỹ sư như đã dự định. Nay mình có hai đứa cháu theo nghề này. Năm 1992, về Việt Nam mình có gặp dượng Thụ tại tư gia. Lúc đó dượng đang tìm cách cho Nam Sơn đi du học.


Mình thích kiến trúc của dinh Norodom hơn là dinh Độc Lập. Có ông Mỹ nào làm việc tại Sàigòn, có viết một cuốn sách về kiến trúc hiện đại của Việt Nam. Mình có mua, để hôm nào buồn đời mình kể lại những gì ông ta nói về kiến trúc hiện đại Việt Nam trước 75. 


Sau 54, bổng nhiên miền nam có một thế hệ kiến trúc sư trẻ Việt Nam, thiết kế nhiều công trình khá đẹp như Chợ Mới Đà Lạt do ông Nguyễn Duy Đức, Giáo hoàng Học Viện do ông Tô Công Văn,… có dịp mình kể. Tương tự về mặt văn hoá, văn chương, có một lớp trẻ di cư từ miền Bắc vào nam, tạo ra một làn gió mới văn chương khá hay cũng như về âm nhạc mà đến nay, người Việt gọi là dòng nhạc bolero trong khi nhạc đỏ thì chìm vào lãng quên. Cái gì đẹp và hay thì luôn luôn bất tử.


Lần thứ nhì về Đà Lạt, mình có gặp vài kiến trúc sư Đà Lạt, có anh vẽ căn nhà có 100 cái nóc, rên bị bắt phải tháo bỏ. Chị Nga, thiết kế mấy căn nhà cho du khách ở khu đường Pasteur. Thấy mấy người này rên là không có một quy hoạch nào phát triển Đà Lạt mai sau.


Nói cho ngay, mình có viếng thăm Hà Nội mỗi lần về quê. Việt Nam bị ngoại quốc chia đôi sau hiệp định Geneva năm 1954. Hơn 20 năm sau thì cuộc chiến quốc cộng chấm dứt. Về Hà Nội không thấy có gì được xây cất cả ngoại trừ lăng của ông Hồ theo dạng Brutalism, mà mình có thấy vài cơ quan ở Tiệp Khắc, và HUng Gia Lợi. Ngược lại trong Nam, có nhiều cơ sở được xây dựng mà thư viện quốc gia, dinh Độc Lập được xem là tiêu biểu, hay bệnh viện Vì Dân,…


Có một ông kiến trúc sư Mỹ, đã mò mẫn ra các công trình kiến trúc khá đẹp ở miền nam và viết thành một cuốn sách. Mình đoán có nhiều kiến trúc sư miền nam muốn làm điều này nhưng sợ Hà Nội cấm xuất bản. Có dịp mình kể thêm về kiến trúc tại Sàigòn, khá đẹp vào thời đại trước Mậu Thân.


Nói riêng Đà Lạt, chỉ từ năm 1955 đến năm 1963, chính phủ miền nam đã cho xây cất biết bao nhiêu công trình đẹp như Chợ Mới Đà Lạt, Giáo Hoàng Học Viện, trường Võ Bị, trung tâm nguyên tử lực,… đến thời đệ nhị cộng hoà thì chiến trận bùng phát khi quân đội Mỹ tham chiến nên không có xây cất nhiều, toàn là vớ vẩn. Sàigòn nếu mình không lầm có dãy cư xá Thanh Đa, gần bờ sông Sàigòn. Có hai gia đình mình quen tại Đà Lạt dọn về đó nên có ghé lại trước khi đi Tây. Gần sông nên khá mát.


Gần 50 năm sau cuộc chiến, mình không thấy Hà Nội xây dựng được cái gì cho Đà Lạt. Toàn là vá víu, tự biên tự diễn không có một viễn kiến về tương lai cho Đà Lạt. Có 3 toà hành chánh đói diện tiểu khu khi xưa, làm bằng kiếng. Khi lạnh khi nóng là mệt. Chán Mớ Đời 

Hà Nội trưng bày xe Jeep chở ông Minh đi lên đài phát thanh, ra lệnh đầu hàng. Thường thì ông Thiệu đâu cần lên đài phát thanh. Ông ta đọc diễn văn tại dinh Độc Lập rồi được truyền đi.
Mình có thấy tấm tranh này, hình ảnh cuối cùng của Việt Nam Cộng Hoà 

Hôm nào mình kể tiếp.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 


Nguyễn Hoàng Sơn 

Người con tây, Enfant de Đà Lạt

Có ông tây, sinh tại Việt Nam, năm 1954 và sống tại Việt Nam đến 1964, tải lên YouTube mấy đoạn phim do ông bố quay tại Việt Nam, khi qua Việt Nam làm việc. Có mấy đoạn phim quay tại Đà Lạt. Ông ta có viết một cuốn sách ngắn, kể theo các đoạn phim do ông bố quay tại Đà Lạt. Rất cảm động khi thấy hình ảnh Đà Lạt trước khi mình ra đời hay còn nhỏ. Dạo ấy ông ta đâu 3, 4 tuổi nên mù mờ, sau nhìn lại phim của ông bố rồi viết lại. Mình có liên lạc với ông ta và mua cuốn sách của ông, người con Đà Lạt (Enfant de Đà Lạt). 


Đọc xong mới hiểu một người dù tây hay mít, hay Mỹ đã từng sống hay tham chiến tại Đà Lạt, vẫn thương nhớ về Đà Lạt năm xưa, khi thấy Đà Lạt phát triển một cách man rợ, bất chấp tương lai, miễn sao có tiền. Mới hiểu nhiều người cứ kêu mình viết về Đà Lạt xưa. Mình không thích sống với quá khứ nhưng cũng chìu thiên hạ nên lâu lâu, nhận được tài liệu mới thì kể chuyện đời xưa cho vui.


Người Việt chúng ta trải qua bao nhiêu chiến tranh, quen với sự đổ nát nên không quen có cái nhìn xa, có viễn kiến về tương lai như người ngoại quốc. Chúng ta chỉ mong có ăn ngày hôm nay, vì ngày mai chiến tranh đến lại đổ nát.


Có một đoạn phim năm 1957, lúc ông ta 3 tuổi, ông bố quay cảnh anh và chị của ông ta đi học tại trường tiểu học mà mình có học 5 năm tại đây. Trường Petit Lycée với xe ca chở học sinh đến trường. Mình có một tấm ảnh khác đen trắng, nhưng không biết để đâu. Có ai ở Bolsa rảnh thì mình sẽ nhờ họ lọc các hình Đà Lạt xưa dùm để dể tìm khi lục lại. Mình có trên 800 tấm ảnh cũ Đà Lạt. Nếu họ giúp mình, sẽ tặng họ 800 tấm ảnh này. Nếu họ làm được thì chắc mình sẽ viết về Đà Lạt nhiều hơn qua mấy tấm ảnh cũ được. Nay thì chỉ nhớ cái gì viết cái đó.

Đường vào Petit Lycee bên tay trái còn đường chính là đường Yersin, khởi đầu từ góc Lê Quý Đôn, vì trước đó là đường Hùng Vương, từ Cam Ly chạy về Đến ngã ba Lê Quý Đôn.
Tấm ảnh này mình đoán thời 1930, lúc họ mới xây dựng trường này. Xe cộ đưa học sinh đến ở nội trú. Sau này người Pháp lên Đà Lạt sinh sống hay gửi con lên đây học nhiều nên họ xây trường Grand Lycee. Khi xưa, đa số ở nội trú vì cha mẹ ở xa.
Mình học ở dãy này được 3 năm
Chỗ ra chơi khi trời mưa. Thấy toàn con tây đầm không vào thời đó. Thời mình đi học thì tây đầm đã về nước gần hết.
Cổng vào trường. Thấy ông tây đen làm gác dan khiến đám học sinh sợ té đái. Hình này chụp thời sau ông Diệm. Mình nhớ có học chung với con tướng Tôn Thất Đính, và tướng Dương Quang Trực năm 11 ème rồi đảo chính, nên đang học giữa chừng chúng đi mất tiêu.
Khuôn viên trường chỗ xe hơi đậu chở con đến trong phim. Có văn phòng hiệu trưởng với cầu thang hình vòng cung. Phía sau là văn phòng y tế và preau. Hai bên là hai dãy lớp. Tổng cộng có 6 lớp học
Chỗ này là con đường nhỏ dẫn vào trường từ đường Yersin, Lê Quý Đôn. Nay họ làm con đường lớn trên con đường mòn này, chạy lên đường Pasteur. Nay vẫn còn cái hồ nhỏ bến tay trái

Trường này được tây thành lập để dạy dân họ, sau này thì cho thêm con cháu sở tại, giới làm việc với chính quyền thực dân Đông Dương như Lào, Campuchia, và Việt Nam. Sau đó mới xây ở gần ấp Cô Giang, trường Grand Lycée cộng thêm trường Mỹ nghệ, nơi ông Ngô Viết Thụ theo học trước khi đi du học kiến trúc bên Pháp. 


Trong phim thấy chiếc xe ca quẹo qua văn phòng hiệu trưởng, nơi có mấy thang cấp mà khi xưa, học sinh được kéo ra đây đứng chụp hình, kỷ niệm mỗi năm. Hôm trước ở Sàigòn, có anh bạn học chung khi xưa, kể là còn mấy tấm ảnh chụp ngày xưa, để anh ta chụp lại rồi gửi qua.

Mình chụp từ phim nên khá mờ nhưng thấy văn phòng hiệu trưởng, có mấy thang cấp để học sinh đứng chụp hình kỷ niệm.
Chỗ này học sinh đứng chụp hình lưu niệm hàng năm

https://youtu.be/v8qyCwo96AM


Có đoạn phim nói về các đường phố Đà Lạt. Lúc đầu thấy ty cảnh sát quốc gia, phía sau là nhà thờ Con Gà trên đường Yersin. Sau đó đường Hùng Vương, nơi chạy về Cam Ly, có khúc quẹo về đường Huyền Trân Công Chúa, lên trường Thanh Ngọc và Couvent des oiseaux. Rồi đến khu Hoà Bình với dãy nhà hàng Chic Shanghai của ông Võ Đình Dung xây cất. Phía bên trái chợ Đà Lạt vẫn còn dãy phố 1 tầng, sau này kiến trúc sư Ngô Viết Thụ cho phá bỏ khi thiết kế lại xung quanh chợ Đà Lạt. Theo mình là điểm sai vì thấy không gian chơ vơ, nhìn xuống la Tulipe Rouge. Chỗ này sau đó đền cho ông Tân Lập và Nguyễn Văn Ngạch 2 căn dưới chợ. Họ có xây mấy nhà lầu đối diện photo Hồng Châu.


Đầu chợ, bên tay phải, cậu của bà cụ mình hùn với người cháu 835 cây vàng để xây khách sạn, chưa xong thì 75 đến. Việt Cộng lấy luôn. Chán Mớ Đời 


Có cảnh mấy anh em ông tây đi chợ cũ Đà Lạt, nơi mẹ mình buôn bán khi xưa.

Mình đoán là ty cảnh sát quốc gia, sau mấy cây thông có nhà thờ Con Gà, trên đường Yersin
Đây chợ Cũ trước khi xây dựng chợ mới. Nhìn xuyên qua chợ thấy dãy tiệm Việt Hoa, nhà hàng Mekong
Chợ cũ Đà Lạt, sau được xây lại thành rạp Hoà Bình với các dãy phố như các tiệm Tiến Đạt,.. thấy bên  phải có dãy phố, tiệm. Sau 1960 bị phá bỏ
Quang cảnh trước tiệm Chic Shanghai, nhìn qua thấy Đức Xương Long và Lưu Hội Ký
Đường Hùng Vương đi về hướng Petit Lycee 
Xe thổ mộ, mình còn nhớ hồi nhỏ có đi xe này vài lần
Chợ cũ. Phía xa thấy dãy phố của Đội Có

https://youtu.be/ZboIukoaQgI

Đường Hùng Vương trên đường về Cam Ly
Hình
 ảnh ấp Ánh Sáng được xây dựng năm 1953, gồm 36 căn nhà 3 gian. Sau 1968 thì dân tình ở quê chạy giặc đổ xô vào Đà Lạt, đến tá túc nhà người thân rồi làm thêm nhà cửa xung quanh mất trật tự

https://youtu.be/4ZDHoN-1OlY


Có cảnh ngày hội, người Pháp cho nhảy dù xuống hồ Xuân Hương, rồi ca nô chạy lại vớt các người nhảy dù ướt nhem khiến mình nhớ dạo còn bé cũng đi theo tên Dư hàng xóm ra đây xem Trung Tá Nguyễn Chánh Thi cầm cờ Việt Nam Cộng Hoà, nhảy dù ra. Về nhà mình bắt chước, leo lên mái nhà, cầm cờ nhảy xuống đất ngay cầu thang, té lăn cu queo, nay còn vết sẹo một thời ngu dại nơi trán.

Mấy người nhảy dù xuống hồ Xuân Hương trong khi gia đình ông tây vỗ tay. Thời tổng thống Ngô Đình Diệm
Ca nô đến vớt mấy người nhảy dù xuống hồ. Thấy bên phải hội quán hướng đạo Lâm Viên sau này.
Dù nhảy xuống hồ, thấy Thuỷ Tạ. Đường Nguyễn Trường Tộ phía dẫy thông phía sau Thuỷ tạ

Có đoạn phim về chiếc xe lửa chở mấy người đem trà từ Cầu Đất lên Đà Lạt. Hình ảnh mà hồi nhỏ, mình nhớ có đi một vài lần với ông cụ, đi thăm ai ở dưới Cầu Đất với tuyến xe lửa rồi sau này, Việt Cộng đặt mìn phá hoại rồi sau 75, bán lạc xoong cho Thuỵ Sĩ.

Những người làm việc cho công ty trà ở Cầu Đất, vác cần xé trà 
Xe lửa mà mình có đi và thấy vài lần khi còn bé trước Mậu Thân

https://youtu.be/-vAzuJxdCbU


Đó là những hình ảnh khiến mình cảm động khi xem vì nhớ mại mại một thời thơ ấu. Một Đà Lạt rất đặc biệt, khác xa với các tỉnh khác tại Việt Nam. Nay thì chẳng khác gì các tỉnh khác. Tỉnh nào cũng như nhau, mất vẻ đẹp trang nhả, lịch sự. Nhà cửa xây vô tổ chức. Điển hình ấp Ánh Sáng khi mới thành lập chỉ có 36 căn nhà 3 gian, được xây đều đặn như nhau. Nay thấy họ giải toả được 18 căn xưa, dân tình không chịu bán nhà còn lại. Họ đành trồng hoa vớ vẩn, không ai chiêm ngưỡng cả vì ngay con đường chính, không có đường đi bộ để chụp hình tạo dáng.


Các dãy phố trên khu Hoà Bình, cũng 2 tầng, theo kích thước của ông kiến trúc sư trưởng Hébrard đề xuất. Mình có ghé thăm thành phố bên Hy Lạp do ông ta thiết kế, khu thành phố vẫn giữ được nét riêng của thiết kế của ông ta. Trong khi Đà Lạt thì tự biên tự diễn. Nói cho ngay là khởi đầu từ sau Mậu Thân, khi làn sóng người dân quên tỵ nạn chiến tranh, đổ dồn vào Đà Lạt, với tư duy ao làng, nương theo phong trào thương phế binh cắm dùi, chiếm đất hoang, xây nhà.


Có người kêu mình không nên tiêu cực vì người Đà Lạt vẫn phải sống. Trong tương lai Đà Lạt sẽ không thu hút du khách nữa vì mỹ quan quá tệ. Nghe nói nay họ có chương trình dời các vùng kinh tế về Đức Trọng khiến mình mừng. Đó là dự kiến của Việt Nam Cộng Hoà khi xưa về phát triển Đà Lạt thời hậu chiến. Bảo Lộc là chính, Lâm Hà là nơi trồng rau cải. Nay chỉ thấy mấy nhà nylon trồng rau xung quanh Đà Lạt là Chán Mớ Đời.


Các tỉnh khác bây giờ có thể trồng thuỷ canh rau cải nên Đà Lạt sẽ mất lợi điểm này. Do đó cần có viễn kiến thiết kế tương lai Đà Lạt, thu hút du lịch và phát triển kinh tế và văn hoá. 


Mình thấy có mấy ông tây ở Đà Lạt, dạy tiếng tây, thành lập nhưng tổ chức bảo tồn Đà Lạt. Nếu Hà Nội không muốn hay không có kế hoạch thì càng ngày càng te tua. Khí hậu nay bắt đầu nóng hơn xưa, do đó cũng sẽ bớt thu hút du khách. Người Việt có tiền sẽ đi du lịch các xứ khác quanh vùng hay Âu châu để trải nghiệm cái lạnh. Phi lUật Tân, Nam dương có những vùng đồi núi cao hơn Đà Lạt và được phát triển khá đẹp.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 


Nguyễn Hoàng Sơn