Showing posts with label Đây đó. Show all posts
Showing posts with label Đây đó. Show all posts

Tài sản nào quý

 Hồi ra trường, không có gia đình bên cạnh nên không vướng bận, mình thích đi giang hồ, kiếm việc làm tà tà, nay thì làm việc ở Ý Đại Lợi, khi thì Thuỵ Sĩ, rồi lêu bêu qua Anh quốc, có dạo chạy về Paris rồi lang bang sang Hoa Kỳ. Tại đây bị tiếng sét ái tình nên hè năm sau, bò qua lại để xem kiếm việc được không. Trời thương nên sau 48 tiếng đến New York thì có 2 công ty nhận làm nên cuộc đời mình dính chốt tại Hoa Kỳ. Xin nhận nơi đây làm quê hương thứ 2.

Đến khi phát hiện ra mối tình hữu nghị của đồng chí gái, cô nàng kêu muốn đăng ký xin nhập hộ khẩu gia đình cô nàng thì không được vác ngà voi nữa. Mình không để ý đến tiền bạc, làm về thì giao lương cho vợ quản lý đến khi.

 Thằng con ra đời, mình mới để ý đến đồng lương. Mỗi lần nhận lương, cứ thấy nó không thay đổi. Buồn đời phải tìm cách kiếm thêm tiền để mua sữa cho con. Đúng lúc đó, có người quen nhờ xem ông thợ để làm xong căn nhà. Họ mướn thầu khoán, ông này làm 1 chút rồi ôm một mớ tiền chạy về Đông NAm Á, nghe nói đi làm kháng chiến chi đó. Lừa tiền thiên hạ, lại muốn làm kháng chiến thì ai theo. Chán Mớ Đời. Người quen mới nhờ mình chỉ ông thợ, không biết tiếng anh nên thành phố xuống thanh tra thì ông ta ngọng. Do đó có mình hỏi thanh tra mới nói ông ta phải làm cái gì cho đúng luật.


Cùng lúc có người quen từ Việt Nam mới sang, muốn mình giúp họ, học thi lấy bằng thầu khoán xây cất. Buồn đời mình cũng đi thi chung, ông ta rớt mình thì đậu nên bắt đầu có người kêu đi thầu. Trưa, không ăn cơm, mình chạy đi xem công trường. Dần dần, mình bỏ nghề kiến trúc luôn.

Lúc đó mình nghĩ chỉ làm ra tiền. Có tiền là tất cả nhưng một hôm đi học tối về trễ, mình thấy hai đứa con, nằm ngủ trước cửa phòng của mình, đợi bố về đọc truyện cổ tích. Từ đó, mình không bao giờ về sau 9 giờ đêm, trước khi các con đi ngủ. Khi xưa, mình không sống bên ông cụ nhiều nên mình rất chú tâm, ở nhà khi rảnh để xem con lớn. Trời xui khiến mình đi học mua nhà, đầu tư địa ốc. Gia nhập một hội đầu tư về địa ốc, họp mặt hàng tháng.

Có lần, có người kêu bán 5 mẫu đất ở Victorville, có thể xây 40 chục căn nhà. Xây mỗi căn thì lời độ $50,000, 40 căn là 2 triệu thời 20 năm về trước nhiều tiền lắm. Ngồi bàn với vợ thì nghĩ làm xong 40 căn nhà nhưng phải ở xa vợ con, mất 3-4 năm. Cuối tuần mới gặp, đến khi xong, về lại, con nó kêu bố nó là cái bóng Thiếu phụ Nam Xương là bỏ mạng đời. Hai vợ chồng quyết định là không thực hiện vụ này. Kêu có muối ăn muối, có rau ăn rau. Đó là một trong những quyết định mà hai vợ chồng làm rất đúng.

Có dạo, thiên hạ gọi vẽ và xây nhà cho họ đông như quân NGuyên nhưng mình chỉ nhận có hai khách hàng một lần. Có người đợi mình đến cả năm. Lý do là mình chỉ làm việc đến hai giờ chiều là đón con đi học về, chở chúng đi học đàn, bơi lội, các môn ngoại khoá. Nói chung thì ngày nay, chúng rất thân với mình, khi có vấn đề gì khó, chúng đều gọi hỏi mình.


Một hôm, có ông kêu tài sản quý nhất của chúng ta là gì? Ai cũng nói là có tiền nhiều. Ông ta kêu không, chúng ta cần có đến 5 loại tài sản, nếu thiếu 1 trong 5 thứ này thì chúng ta không thể nói thành công trong đời:

1/ tài chánh, 

2/ xã giao, 

3/ sức khoẻ, 

4/ tinh thần 

5/ thời gian.

Ông ta dặn phải cẩn thận vì nếu chúng ta chạy theo tài chánh, tiền bạc thì không có thì giờ để tích luỹ 4 tài sản khác. Thường khi nghe đến cụm từ tài sản, người ta có khuynh hướng nghĩ là tiền bạc, bất động sản. Khi nói về một người giàu, người ta thường đo lường những gì người đó sở hữu như tiền bạc, nhà cửa, xe, hột xoàn,…

Tỷ phú như ông Bill Gates, Bezos,…cũng ly dị ná thở. Hôm nay đọc tin bà người Anh quốc, tú bà, kiếm gái vị thanh niên dâng cho mấy ông giàu bị 20 năm tù. Mình chỉ thắc mắc là mấy tên kêu bà này kiếm gái vị thành niên cho họ, lại không bị tù. Cho thấy giàu có, tỷ Phú, hoàng tử, tổng thống đều đứng trên pháp luật. Chỉ có dân ngu khu đen là đi tù.

Chúng ta thường lầm về suy nghĩ này. Tiền bạc chỉ giúp chúng ta về mặt vật chất đến một mức nào, mật độ nào đó thôi. Mình có nghe một ông tỷ phú trả lời phỏng vấn, tôi chỉ cần tiền một khoản nào đó thôi vì tôi chỉ cần vài cái áo, vài cái quần, giầy để bận. Tôi chỉ cố gắng kiếm đủ tiền để có cuộc sống thoải mái, còn ra thì phải tìm cách nâng cao 4 loại tài sản kia để giúp cuộc sống được hạnh phúc.

Đọc cuốn sách của ông Paul Gerry, được xem là người giàu nhất một thời tại Hoa Kỳ, ông cho biết là có tiền nhưng gia đình tán loạn, có đến 4, 5 bà vợ. Không có thời gian cho vợ con nên không có hạnh phúc gia đình. Mà đúng thật, khi ông qua đời thì con cháu tranh dành gia tài, chửi mắng nhau, không nhìn mặt nhau.

Ông ta khuyên là khi có tiền, nó dẫn đến nhiều phiền toái. Phải cẩn thận nếu không sẽ mất thăng bằng trong cuộc sống.

Về mặt tài sản xã hội, có những bạn thân hữu, không cần nhiều nhưng tâm đầu ý hợp, có thể chia sẻ kinh nghiệm về gia đình, trí thức, … không cần phải lên mạng, tạo dáng câu like là một hạnh phúc, một tài sản vô giá.

Có lẻ khi về già chúng ta mới để ý đến tài sản sức khoẻ, mới hiểu người xưa hay nói sức khoẻ là vàng. Sức khoẻ hội tụ 3 điểm là thể dục, dinh dưỡng và ngủ, thiếu 1 trong 3 yếu tố này thì chúng ta không có sức khoẻ. Có một chú quen, kêu nay chú có 3 họ Cao. Uống thuốc mệt nghỉ.

Ít ai nói đến tài sản tinh thần vì nếu không có nó chúng ta sẽ khốn khổ trong cuộc sống, phải vật lộn với những vấn đề công việc, gia đình,.. tài sản tinh thần gồm sự hiểu biết, không ngoan, chánh niệm, niềm tin. Khoa học đã giúp chúng ta hiểu biết hơn về các hiện tượng, vật lý, toán học,…mà trước đây không có ai giải đoán được, dần dần chúng ta bị tha hoá, tự xưng mình là một Thiên Nhân (homo deus) vì đã giải thích được các hiện tượng vật lý, lịch sử,..

Hôm nay, đọc một tin ở thành phố nhỏ Valence, Pháp. Nhân dịp lễ thánh Phao-lồ, có một đức hồng y đến làm lễ tại ngôi nhà thờ này. Chỉ có vỏn vẹn 22 con chiên tham dự so với 20,000 người cách đây 50 năm.

Chúng ta kêu gào tự do sinh lý, tự do phá thai, tự do tuyến ái như các con thú, chỉ muốn thoả mãn dục vọng. Dần dần chúng ta mất thăng bằng về tâm linh, đưa đến bị stress, hoang mang, không biết cuộc đời đi về đâu nên cần phải dùng thuốc an thần. Có lần đọc một bài của một cô nào ở Việt Nam, kêu đã phá thai 19 lần khi còn trẻ nên khi lấy chồng, muốn có con nhưng không được. Mình có gặp 1 chị, kêu khi xưa phá thai nay cái vong cứ theo chị ta phá rối, kêu đi thầy cúng đủ trò.

Dạo này, tối cao pháp viện Hoa Kỳ đã biểu quyết về luật phá thai. Nhường quyết định cho cấp tiểu bang lo. Họ cho rỉ rò cách đây cả tháng để chuẩn bị tinh thần dân chúng nên khi họ bỏ phiếu huỷ luật này, ít có lộn xộn. Mình thì không có ý kiến vụ này. Mình chỉ biết là ông Bill Gates, ông Steve Jobs là con nuôi, thậm chí bố ông Obama bỏ con chạy lấy người. Nếu dạo ấy có luật phá thai thì hôm nay chúng ta không có máy điện toán cá nhân hay ông tổng thống lai phi châu.

Khi con người tin vào tâm linh, họ suy nghĩ nhiều hơn về hậu quả, luật nhân quả trước khi khi giao hợp. Nay chỉ cần uống viên thuốc sáng hôm sau là xong om.

Cuối cùng là tài sản thời gian. Chúng ta cứ lo làm tiền nên không liên lạc, thăm hỏi gia đình, cha mẹ để rồi một ngày nào đó, cha mẹ qua đời, chúng ta ngẩn ngơ, kêu đổi thiên thu để lấy nụ cười của mẹ, của cha.

Thời con nít, chúng ta là tỷ phú về thời gian vì chả có gì làm nhưng thời gian thì vô số. Mình nhớ hè ở Đà Lạt, chả có gì làm ngoài nhìn mưa bay, nằm trên giường nghe mưa đỗ trên mái nhà. Chiều chiều, sau khi ăn cơm, mình hay qua nhà hàng xóm, ngồi với tên hàng xóm trước hiên nhà, chả nói gì cả, nhìn mưa rồi hết mưa rồi lại mưa đến giờ đi ngủ thì về. Sau này, đi tây mới tiếc về thời đó, thay vì ngồi không biết làm gì, phải chi đọc sách hay gì đó thì tuyệt vời.

Chúng ta cứ lao vào kiếm tiền vô hình trung quên vung trồng tình cảm với gia đình, thân hữu để rồi một ngày nhìn lại đời mình, thấy cô đơn. Tình cảm, tình bạn, tình yêu như cây cối, phải bỏ thời gian chăm sóc, tỉa mấy nhánh khổ, cỏ hoang,…

Có một nghiên cứu tại đại học Harvard từ 78 năm nay. Họ chọn 230 sinh viên năm thứ 2 của trường, và 650 giới trẻ khác cùng tuổi ở thành phố Boston để theo dõi hàng năm về học lực, sức khoẻ, đời sống cá nhân gia đình,… trong số đó có tổng thống JFK. Khi tham gia cuộc nghiên cứu này, nhóm người trẻ này, được hỏi thế nào là hạnh phúc. Có người trả lời là trở thành triệu phú, tổng thống, có nhà cao cửa rộng,…

45 năm sau, có 68 người còn sống. Người ta hỏi lại câu hỏi thế nào là hạnh phúc. Cho thấy thời gian đã giúp con người thay đổi nhiều về nhân sinh quan. 68 người còn lại đều nói hạnh phúc là sự liên hệ với người thân trong gia đình và thân hữu. Nay họ tiếp tục nghiên cứu đến thế hệ con cháu của số người này, để xem có gì thay đổi với di truyền, bằng cấp, tiền bạc cho con cháu,…

Khi còn trẻ, chúng ta như các con thiêu thân, lao vào cuộc chạy đua, kiếm tiền vì tưởng đó là đỉnh tối thượng của cuộc đời mà con người phải chạy đua. Để rồi một ngày nhận ra 1 điều là là đau khổ, cố gắng để đạt được mục đích của mình . Một khi đạt rồi thì lại thấy không có gì lạ, bình thường. Lại phán câu vô thưởng vô phạt “đời là vô thường”. 

Mình thì theo tiêu chí giàu và sung sướng còn hơn nghèo và đau khổ. Chán Mớ Đời 

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 


Tiền thiên hạ OPM

 Báo chí cho biết ông Elon Musk đề nghị mua công ty Twitter với giá 44 tỷ đôla. Mình đoán là ông ta dùng tiền của người khác để mua mà người Mỹ gọi là Other People’s Money, gọi tắt là OPM. Mình không biết ông ta sẽ làm cách nào để mượn tiền của người khác để mua nhưng trong đầu tư, thị trường chứng khoán, nhất là ngành địa ốc, sử dụng OPM là cách có hiệu quả nhất.

Khi người Mỹ mua hay xây nhà, thường họ mượn một số tiền từ ngân hàng. Ít khi họ mua bằng tiền tươi ngoại trừ những trường hợp ngoại lệ như làm 1031 Exchange,… lý do là càng bỏ tiền nhiều thì vốn của họ ít lại, sẽ không có khả năng mua những căn nhà khác. Điển hình, ai đó có 1,000,000 tiền tươi. Nếu họ mua nhà ở cali thì chỉ mua được một căn. Nếu họ chỉ đặt cọc 25% và mượn 75% còn lại từ ngân hàng thì họ có thể mua được 4 căn nhà với trị giá là 4 triệu thay vì một triệu nếu mua tiền tươi. Chưa nói đến việc khấu hao, khấu trừ thuế. Nếu mua tiền tươi thì không có gì để khấu hao tài sản.

Người mua thế chân căn nhà cho ngân hàng, bỏ ra $250,000 để sở hữu chủ 1 căn nhà trị giá $1,000,000. Có người cho rằng trên thực tế mình chỉ có $250,000 vốn chủ sở hữu. Đồng chí gái có lần hỏi mình là căn nhà hai vợ chồng 15 ngày trước khi lên xe bông, nay giá bao nhiêu rồi. Mình nói độ $300,000 dạo ấy. Cô nàng làm tính, kêu mình lời, chỉ bỏ $36,000 đặt cọc nay nếu bán sẽ được $156,000. Cô nàng nói khiến mình thất kinh.

Ở Hoa Kỳ, chỉ có dân ngu khu đen như mình mới đóng thuế còn đám giàu thì có luật giúp họ đóng thuế rất ít. Tương tự khi xưa giới quý tộc đâu có đóng thuế, chỉ có dân đen là đóng thuế cho vua xài, xây cung điện Versailles để ăn chơi,…

Hai vợ chồng mua căn nhà giá $180,000, đặt cọc $36,000, mượn ngân hàng $144,000. Ở được 6 tháng thì phải dọn về nhà bố mẹ vợ để chăm sóc ông bà nhạc. Nhà xuống dạo đó, nếu bán thì lỗ nên cho thuê, đủ trả tiền ngân hàng. Do đó không tính tiền lời trả ngân hàng.

Dạo ấy nhà lên độ $300,000, nếu bán thì lấy $300,000 - $144,000 = $156,000. Đó là chưa kể các thứ như khấu hao được $10,000/ năm,… xem như lời 28.5%/ mỗi năm. Người Mỹ gọi là Internal Return, không biết tiếng Việt gọi là gì, ai biết cho em xin.

Nếu cộng thêm khấu hao $10,000/ năm thì tỷ lệ lời lên đến 55%. Dạo ấy trả tiền nhà và thuế má là $1,100/ tháng nay cho thuê được $2,750/ tháng. Gọi là External Return

Có nhiều người không muốn mắc nợ như đồng chí gái. Khổ cái là mụ vợ đã lấy mình nên đành chịu. Sau này mụ cấm mình mua thêm nhà cho thuê nên mình xài Land Trust để mua, khỏi cần chữ ký của mụ, khỏi cãi cọ gì cả. Mua xong rồi thì hỏi có muốn đi xem nhà mới mua. Hôm trước mụ đi xem 6 căn hộ mình mới mua, mụ hỏi sao anh mượn tiền ngân hàng được vì khi xưa, mụ phải ký giấy nợ.

Ngoài địa ốc ra, còn các chương trình khác dùng tiền thiên hạ như bảo hiểm, nhồi tiền đầu tư rồi mượn ra không phải đóng thuế. Khi qua đời, thì bảo hiểm trừ số tiền mình đã mượn ra để trả số tiền bảo hiểm còn lại.

Mình gặp người cháu rể, khoe là mới tái tài trợ lại căn nhà vì dạo ấy tiền lời xuống thấp. Mình hỏi thì anh chàng kể là đi 20 năm, để trả hết nợ cho xong nên cộng thêm $250 mỗi tháng. Mình nghe tới đó là thất kinh, hồn vía lên mây. Lạ 1 diều! Mấy đứa cháu nha sĩ, kỹ sư,…hay hỏi mình về tài chánh khi mượn tiền ngân hàng, đầu tư, ngược lại cô cháu mình thì chả bao giờ hỏi.

Tiền trả ngân hàng 12 năm đầu là chỉ trả tiền lời không. Ngân hàng khôn lắm, họ cho huê hồng nhiều để mấy người làm giấy nợ vay mượn từ ngân hàng, xúi khách hàng đi chiêu 20 năm cộng thêm $250/ tháng.

Để làm tính, vợ chồng cô cháu không có cash out nên mình chỉ đoán là số nợ là $360,000 dựa theo giá nhà mua cách đây mấy năm. Nếu tái tài trợ với 4% tiền lời cho 240 tháng (20 năm), số tiền phải đóng hàng tháng là -2,181.53. Cô cháu lại đóng thêm $250. Xem như -$2,181.53 - $250 = -$2,431,53/ tháng. Xem hình dưới.

Đây là số tiền lời trả cho ngân hàng bình thường 20 năm (240), năm đầu tiên sẽ trả $7,150.71. Đáng lẻ nhiều hơn xem năm 2023. Mình dùng ngày hôm nay nên chỉ có mấy tháng.

Tiền lời trả ngân hàng khi cô cháu trả thêm $250/ tháng thì năm đầu tiên sẽ trả $7,138.15, xem như ít hơn $12/ năm. Đóng nhiều tiền nhưng không được khấu trừ thuế bao nhiêu có $12/ năm hay $1 / tháng. Chán Mớ Đời 

 Được cái là sẽ chỉ trả ít hơn 36 tháng hay là 3 năm. Thay vì 20 năm , chỉ còn lại 17 năm. Đó là lý do ngân hàng xúi thiên hạ mượn nợ kiểu này, kêu không muốn nợ nần vì lạm phát. Ngân hàng muốn lấy lại tiền cho nhiều rồi vài năm sau là bán cái nợ mình cho ngân hàng khác.

Nếu cô cháu hỏi thì mình sẽ kêu cứ mượn nợ 30 năm, rồi lấy số tiền $250, đầu tư vào quỹ giáo dục, được khấu trừ thuế để sau này con vào đại học. Làm tính xem sao:

Mượn $360,000, 4% tiền lời, cho 360 tháng, sẽ trả -1,718.70/ tháng thay vì $2,431.53 như hiện nay. Xem như ít hơn $712/ tháng. Bây giờ lấy $712/ tháng bỏ vào quỹ giáo dục. Cô ta có 3 đứa con thì mình nghĩ có thể sử dụng hết số tiền này.

Tiền đi 30 năm, trả ít hơn

Thứ nhất là được khấu hao thuế mỗi năm $712/ tháng x 12 = $8,544/ năm. Bỏ vào mutual funds hay Stocks thì trung bình là 12% từ 30 năm qua. Sau 20 năm, cô cháu sẽ có $704,349.82 cho vụ đầu tư cổ phiếu và còn nợ ngân hàng có đâu $20,624.40. Cô cháu có thể lấy $20,624.40 từ quỹ để trả đứt số nợ còn lại của ngân hàng, vẫn còn $670,000. Trả tiền cho 3 đứa con đi học. Xong om

Đó là chưa kể cô ta sử dụng Equity Line Of Credit để cho vay 12%. Cô cháu có người thím dâu chuyên làm thủ tục mượn nợ. Người thím hay gọi mình vì khách hàng cần tiền gấp trả 12%. Cho thấy hiểu về tài chánh rất quan trọng vì nếu không mình sẽ bị lỗ khi nghe mấy bọn con buôn nói khéo để họ ăn huê hồng nhiều.

Thôi em ngừng ở đây. Chán Mớ Đời 

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 



Khan hiếm sữa bột trẻ em

Thấy tin tức trên mạng, kêu Hoa Kỳ thiếu sữa bột trẻ em khiến mình ngạc nhiên nên tò mò tìm hiểu vấn đề. Con cái nay lớn hết nên không để ý đến dinh dưỡng con nít như xưa. Thấy lạ lần đầu tiên nghe Hoa Kỳ  có vụ này, chỉ bị lộn xộn khi đại dịch xẩy ra.

Có một bà nào ở Texas, cần sữa bột trẻ em mà không ra, lên Gú Gồ, lập ra 1 nhóm người mẹ cần sữa. Khi vừa làm xong thủ tục các nhóm và đơn ghi cần những gì, đã có trên 200 người ghi danh, kêu gọi người Mỹ có sữa nhiều, chia với những gia đình thiếu sữa bột trẻ em. Cho thấy chúng ta sống ở thời đại mà nhân loại không còn xa xôi, họ có thể giúp đỡ nhau khi cần thiết như tường hợp này, phân phối chia xẻ các sản phẩm dinh dưỡng cho nhau.

Hoá ra cuộc khủng hoảng bột sữa cho trẻ em xẩy ra vì chính phủ. Chính phủ có chương trình dinh dưỡng giúp các bà mẹ không có sữa và trẻ em. Nhất là các bà mẹ đơn côi, ăn trợ cấp chính phủ. Hồi con mình mới ra đời, mình không biết đến chương trình này, nếu biết thì nay vẫn là kiến trúc sư thay vì làm nông dân.


Theo tin tức thì 50% tổng số bột sữa trẻ em sản xuất tại Hoa Kỳ được chính phủ mua để hổ trợ cho các bà mẹ và trẻ con vô hình trung gây ảnh hưởng rất nhiều cho thị trường sữa bột trẻ em. Người Mỹ mua sữa bột này rất đắt vì lỗi của chính phủ.

Giáo sư David Davis của đại học tiểu bang Dakota, nghiên cứu về thị trường sữa bột trẻ em từ 2 thập kỷ qua cho biết. Chính sách hổ trợ dinh dưỡng của chính phủ Hoa Kỳ, được gọi là WIC (Women, Infants and Children) là nguyên nhân của sự khủng hoảng sữa bột. Chương trình này cho tiền để mua thực phẩm và sữa bột trẻ em nghèo, cũng như thử nghiệm y tế cho phụ nữ có thai, những bà mẹ và con nít đến 5 tuổi. Mình thấy nhiều văn phòng của các chương trình này, thiên hạ bu lại đông như ruồi. Ước chi mình có căn phố cho họ mướn. Mấy cô con gái của mấy nhà thuê nhà, không chồng có con, ra đây lãnh.

Hổ trợ các bà mẹ cho con bú sữa mẹ là phần quan trọng nhất của chương trình. Nhiều gia đình gặp khó khăn về sữa cho trẻ em. Đồng chí gái không có sữa cho con bú nên phải mua sữa bột để khuấy. Bác sĩ khuyên cho con bú bằng sữa mẹ tốt hơn vì giúp hệ thống miễn nhiễm của đứa bé. Khi xưa, mình nhớ mỗi lần mấy người em khóc đêm, mẹ mình phải thức giấc, cho con bú tỏng khi bố mình thì ngủ thẳng cẳng. Khi mình có con thì đêm khuya phải thức giấc, khuấy sữa cho con. Không ní cho đồng chí gái được vì cô nàng không có sữa. Mình không có lý do nằm ngủ để vợ thức. Chán Mớ Đời 

Thời đại này phụ nữ đi làm, nên khó cho con bú sữa mẹ. Nếu mình không lầm thì nay họ cho phép cho con bú ở sở hay nơi công cộng. Chương trình WIC hổ trợ cho các gia đình có lợi tức thấp, nhiều khi chỉ nhờ vào sự giúp đỡ của chương trình này để cho con trẻ uống sữa hay ăn. Vấn đề là có sự lạm dụng như các chương trình cho người cao niên.

Mình nhớ có bác kia quen mẹ vợ mình, mẹ vợ kêu về ở chung để hầu bạn. Bác này cũng xin đâu được các loại sữa Ensure, uống không hết nhưng cứ đi lấy, về kêu mình uống, hay bác ta gửi về Việt Nam. Sau này, bác đòi mình trả tiền cho bác thì mới chịu ở làm bạn với mẹ vợ nên mấy anh em mướn 2 người lo cho mẹ vợ.

Theo nghiên cứu của giáo sư Davis, từ những năm 1980 đến nay thì giá của sữa bột gia tăng nhanh hơn lạm phát. Các chương trình WIC vớt 1 phần lớn của tiền chính phủ. Nghe đâu 8 tỷ đô la hàng năm. Hiện nay, các tiểu bang đang tìm cách giảm giá của sữa bột. Theo mình thì khó vì các công ty bán sữa bột này lobby các đại biểu quốc hội.

Các WIC tại tiểu bang xin các nhà cung cấp giảm giá bột sữa thì ngược lại các công ty này đòi được độc quyền cho toàn tiểu bang. Để được công bằng, năm 1989 luật liên bang ra chỉ thị đấu thầu, các công ty đấu thầu theo cách im lặng, bỏ giá của họ trong phong bì và được mở ra trước công chúng. Ai cung cấp rẻ nhất thì được trúng thầu. Công ty trúng thầu sẽ được độc quyền cung cấp sữa bột cho toàn tiểu bang. Xin nhắc lại cho toàn tiểu bang.

Vấn đề là WIC là một chương trình lớn cho nhiều khách hàng nên các siêu thị dành các kệ để trưng bày bột sữa của công ty trúng thầu để các gia đình có phiếu tem do chính phủ cung cấp đến đổi nên không có sự cạnh tranh với sản phẩm của các công ty khác trên toàn tiểu bang. Các gia đình không nhận được sự trợ cấp của chính phủ đành phải mua bột sữa của công ty trúng thầu, không có sự lựa chọn, phản lại chủ nghĩa tự do thị trường. Mình nhớ hồi xưa, đi mua thức ăn hay bột sữa cho con, chỉ có một hiệu tên Gerber thì phải, một chi nhánh của công ty đa quốc gia Nestle nên không có sự cạnh tranh. Nay mới hiểu vấn đề. Nghiên cứu cho biết có 15% sản phẩm của các công ty khác được bán trong tiểu bang. Nguy hiểm nhất là các công ty thực phẩm chiếm lĩnh toàn quyền các sản phẩm được bán ra thị trường, không có sự cạnh tranh nên khách tiêu dùng phải trả giá cao.

Cái mất dậy là các tiểu bang hợp nhau để cho đấu thầu chung để cho rẻ như tiểu bang Washington, thuộc nhóm 24 tiểu bang để đấu thầu nên công ty Abbott thắng hết cho 24 tiểu bang, và chiếm 40% thị trường sữa bột và thức ăn cho trẻ em.


Vấn đề là các công ty cung cấp cho chính phủ lại giảm giá khá cao giúp các tiểu bang có tiền như trường hợp tiểu bang Washington được lại quả 108% khiến mình như bò đội nón. Lý do là công ty Abbott nhắm vào các gia đình không nhận được hỗ trợ từ WIC, sẽ mua các sản phẩm của họ với giá khủng. 40% trẻ em được lãnh bột sữa miễn phí, bù lại số 60% kia sẽ trả giá hơn gấp đôi để bù lại số tiền họ hỗ trợ cho chính phủ. Chính phủ tiểu bang được thêm tiền cho ngân sách tiểu bang nên ok, một hình thức tham nhũng có bài bản.

Công ty và tiểu bang nhảy Tango chung, làm tiền vui vẻ đến đầu năm nay công ty Abbott, kêu gọi thu hồi về sản phẩm của họ được sản xuất tại Sturgis, tiểu bang MIchigan vào tháng 2 vừa rồi. Nghe nói có 4 loại vi khuẩn dính vào sản phẩm, khiến 2 đứa bé tử vong. Công ty này ra mặt xin lỗi và đề xuất 5 triệu đô la để giúp các gia đình có con em bị nằm nhà thương khi uống sữa bột của họ.

Có đến 15,000 trẻ em tiêu thụ loại sữa bột của công ty Abbott tại tiểu bang này. Thế là các gia đình ngọng vì trong siêu thị chỉ có bán loại sữa bột của Abbott, mà nay lại bị thu hồi nên các quầy kệ trống trơn. Chính phủ cho phép người dân được đem hộp sữa lại siêu thị để đổi lấy tiền mặt lại,… vấn đề là nhà máy sản xuất đóng cửa nên không cho ra lò loại mới vì đang điều tra nguyên nhân.

Báo chí cho biết là thiên hạ chạy đi tìm mua sữa bột cho con, nhiều khi phải lái xe xa mấy tiếng đồng hồ.

Chính quyền Biden, tuần rồi ra lệnh, sử dụng luật Defense Production Act để gia tăng sản xuất bột sữa cho em bé. Người ta thấy máy bay quân sự từ Âu châu bay về với các lô hàng sữa bột em bé. Các bố mẹ vẫn còn chới với vì cuộc khủng hoảng chưa chấm dứt, họ vẫn tiếp tục chạy đi tìm mua sữa cho con thêm giá xăng lên như diều gặp gió.

Công ty Abbott mới thương lượng với FDA để tái sản xuất lại nhưng phải đợi 2-3 tháng mới đem lại sự quân bình.

Mình đoán là các công ty nhỏ sẽ nhân cơ hội này, lên tiếng đòi hỏi thay đổi cách mua bán, đấu thầu dành cho các công ty lớn như Abbott. May quá mình đã bán cổ phiếu của công ty này mấy năm về trước. Chán Mớ Đời 

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Nên hay không nên cho mượn tiền?

Mình có kể vụ của chìm của nổi. Muốn sử dụng của chìm thì nên mượn cái nợ HELOC (home equity line of Credit) trên căn nhà mình đang ở, nhằm gặp trường hợp khẩn cấp, cần tiền để chi tiêu khi bị ốm đau, thất nghiệp. Về già muốn đi chơi, du lịch, không có tiền thì cho thiên hạ mượn tiền, lấy lời. Cho thiên hạ vay lấy 12%, trả ngân hàng 6%, lấy tiền lời 6% để đi chơi. 

Thí dụ: mượn ngân hàng $100,000 để cho vay trong vòng 1 năm. Không bao giờ cho vay lâu hơn 1 năm. Ngân hàng lấy của mình 6% hay $6,000/ năm, mình cho vay 12% được $12,000. Mình trả tiền lời cho ngân hàng $6,000, còn $6,000 mình đi chơi, đi du thuyền mấy lần vào những lúc ít ai đi. Hình như người Việt gọi là mượn đầu heo nấu cháo.

Đừng bao giờ tự đứng ra cho mượn tiền cả. Nhờ một người có bằng địa ốc làm,  họ có bằng để tránh lộn xộn. Người mượn tiền trả họ huê hồng 2%. Thí dụ họ mượn số tiền $100,000, mình đưa cho họ $98,000, và đưa người làm giấy tờ  $2,000.

Hôm kia, mình nhận nhắn tin của chị quen, chuyên gia mượn nợ dùm thiên hạ, ăn Huê Hồng. Chị ta kêu vợ chồng mượn tiền năm ngoái, tuần rồi đã tái tài trợ căn nhà của họ, đã trả dứt nợ mình. Nay muốn mượn lại tiền của mình. Họ còn bồi một chi tiết là trả lại số tiền 5 tháng tiền lời, mà họ bắt buộc phải trả khi tái tài trợ lại căn nhà.

Mình đưa cho thằng con xem, hỏi nó có nên cho mượn tiền hay không, dù mình đã trả lời cho người ta là ‘Không” vì thấy không ổn trên giấy tờ họ đưa. Mình tập thằng con, điều nghiên để nó học tập một tí. Cuối cùng thằng con đưa đến kết luận: Không.

Salvador Dali

Họ muốn mượn $275,000 để mua thêm một tiệm UPS khiến mình hơi lo. Họ đòi mình trừ lại số tiền họ đã phải trả khi tái tài trợ lại căn nhà của họ. Nếu thấy hợp lý thì mình sẽ mượn đầu heo HELOC số tiền này để cho họ mượn như trước hay lấy quỹ hưu trí ROTH-IRA cho mượn, không phải đóng thuế trên tiền lời. Để giải thích vấn đề.

Tháng 11 năm ngoái, mình cho họ vay $125,000, với tiền lời 12%, xem như một tháng họ trả $1,250 hay $15,000/ năm. Họ đã trả 7 tháng tiền lời ($8,750) thì tái tài trợ nợ chính của căn nhà của họ. Khi tái tài trợ thì sẽ phải trả cái nợ chính, nợ thứ nhì họ mượn của mình sẽ trở thành nợ thứ nhất nên ngân hàng không chịu. Họ muốn nợ của họ đứng đầu để lỡ người mượn không trả được thì họ làm giấy tờ ra toà, tịch thâu căn nhà, bán đi để lấy lại vốn và lời. Do đó họ bắt buộc chủ nhà phải trả cái nợ của mình. 

Trong giấy nợ mình có đề điều khoản là nếu họ trả sớm thì phải trả hoàn toàn 12 tháng tiền lời. Nghĩa là tổng cộng $15,000. Họ đã trả trước $8,750, nay còn thiếu $6,250 cho đủ 1 năm.

Lý do mình phải ghi điều khoản này trong giấy nợ. Sau khi mượn được tiền của mình, họ kiếm ai cho họ mượn tiền với tiền lời thấp hơn 12%, họ sẽ mượn và trả tiền nợ cho mình, để bớt tiền lời. Mình bù trớt. Do đó các nợ thường có đoạn đề Penalty nếu trả sớm. Mình mua nhà do chủ nhà vay lại, họ đều đề phải bù cho họ một số tiền để tránh bị đóng thuế sớm.

Nay họ muốn mượn thêm $275,000, cấn vào một căn nhà khác của họ. Tiền lời 12% hay là trả $2,750/ tháng hay $33,000/ năm. Họ muốn mình khấu trừ lại số tiền $6,250 xem như mình chỉ lấy $33,000 - $6,250 = $26,750 cho 12 tháng. Hay tiền lời là 10%. Trả tiền lời cho ngân hàng là 6%, chỉ có 4% mà bị mất ngủ vì địa ốc đang đứng, với tin tức kinh tế suy thoái toàn cầu. 

Ngay bên Âu châu, nay họ tăng tiền lời lên sau mấy chục năm với tiền lời thấp. Kinh tế Hoa Kỳ giảm từ đầu năm đến giờ, lạm phát,… các nhà đầu tư bắt đầu bán cổ phiếu vì NASDAQ xuống 30% từ đầu năm. Họ chỉ đợi cuối tháng 7 này là xụp tiệm để mua lại. Mình bán hết cổ phiếu, chỉ giữ các cổ phiếu công ty  dầu khí, lên như điên từ khi ông Biden lên.

Nghe họ ra điều kiện này thì không cần xét căn nhà, mình từ chối ngay. Đang có $6,250 trong mồm, nay phải nhả ra. Người mượn tiền không khôn lắm. Khi mượn tiền gấp của người ta để đầu tư vào một việc để sinh ra lợi tức cho mình thì phải cảm ơn, sẵn sàng chấp nhận bỏ con cá nhỏ để bắt được con cá lớn. Đây họ tiếc chút tiền nên khó mà mượn tiền. Cũng nói lên khả thi, họ đang gặp khó khăn về tài chánh nhất là thời buổi này, mở thêm mấy tiệm UPS trong vòng mấy tháng. Chán Mớ Đời 

Họ mua căn nhà này 2 năm về trước với giá $569,000. Nợ chính là $390,586. Nếu họ mượn thêm của mình $275,000 thì xem như họ nợ tổng cộng $665,586, hơn cả số nhà của họ mua, xem như họ đã lấy vốn lại. Lỡ có chuyện gì thì họ xù. mình sẽ hát nức nở đừng bỏ em một mình, nợ nhiều quá nợ nhiều quá.

Thị trường địa ốc Cali hiện tại đang đứng. Tổng thống Hoa Kỳ kêu từ ngày ông ta nhậm chức đến nay, người Mỹ để dành rất nhiều tiền, sống hạnh phúc hơn,…  mình chỉ biết trước khi ông ta lên thì giá một gallon xăng là $4 nay trên $6, xem như lên 50%. Đỗ bình xăng mỗi tuần, tốn trên $100, trước kia chỉ có $50.

Trước đây, nhà chưa bỏ lên mạng đã có 3, 4 cái offer, nay để cả tháng chả có thằng tây nào rờ. Gần nhà mình thấy có căn nhà để giá bán, mấy tuần nay. Mấy tháng trước, thấy để bảng “SOLD” trong vòng 24 tiếng, nay chỉ biết ngáp ruồi như đàn bà ế chồng. Lúc còn thanh xuân thì trai mò tới nhà, đánh nhau trước cửa nhà. Nay ngồi nhìn qua cửa sổ để khóc cho vơi đi những cuộc tình.

Tiền lời lên nên tự dưng người Mỹ phải trả thêm 30-40% tiền nhà thì ai chịu mua, phải đợi. Họ không hiểu nhiều về tài chánh nên cứ để ngân hàng trả tiền thuế và bảo hiểm cho họ. Do đó họ trả đắt hơn là nếu họ tự trả thuế điền Trạch và bảo hiểm hoả hoạn.

Nhà họ trả tổng cộng $2,896/ tháng, cho thuê độ $3,000. Nếu họ mượn tiền của mình thì phải trả thêm $2,750, xem như mỗi tháng họ phải bù vào $2,500. Trong giấy tờ ngân hàng mà họ gửi cho mình đã thấy họ bị trễ tháng vừa rồi. Tháng này họ phải trả 2 tháng cộng tiền phạt đâu $150. Mình đoán họ tái tài trợ lại căn nhà, để trả cái nợ cho mình và còn chút đỉnh trả tiền căn nhà kia. Giá nhà có thể là $750,000. Nếu giá nhà xuống $600,000 vào năm tới thì họ sẽ bỏ của, chạy lấy người. Mình sẽ mãi mãi là người đến sau. Nợ trước ($390,000) sẽ xiết nhà của họ, mình sẽ không có đồng xu nào cả. Khi ngân hàng (nợ nhất) xiết nhà thì mấy cái nợ sau họ xem như bị xoá hết, nếu họ bán lại căn nhà giá cao hơn số tiền chủ nhà nợ họ thì sẽ đưa cho mình. Khó lắm.

Ăn chắc mặc bền, mình từ chối cho xong. Nếu họ bán thì mình mua với điều kiện tiếp tục trả cái nợ của họ. Nói chi ngay cái nhà cũng xa lắc xa lơ nên cũng không ham. Cứ đợi, sang năm, tha hồ mua nhà. Qua năm mình sẽ liên lạc họ, có muốn bán nhà hay không vì mình chắc chắn là họ sẽ bị trễ, chỉ mua với tiền nợ của họ $390,000. Xong om

Hôm qua, mới đọc về suy thoái kinh tế Hoa Kỳ từ xưa đến nay. Cho thấy ngoại trừ thời Great Depression, thường thị trường chứng khoán xuống chỉ có 8 tháng. Chỉ có năm 2008 là kéo dài đến 1 năm rưỡi. Họ cho biết là trong thời suy thoái, người Mỹ vẫn uống rượu bia nên họ khuyên nên mua cổ phiếu của một công ty bán bia nổi tiếng Hoa Kỳ. Càng suy thoái, người Mỹ càng uống bia rượu nhiều.

Dạo này, mình chuyển quỹ hưu trí của vợ qua các Funds dễ thở. Trước khi ông Biden lên thì mình đã nghe lời tin tức của những tập đoàn tài chánh mình mua hàng tháng, mua mấy cổ phiếu của các công ty dầu xăng. Nay lên như điên. Có nhiều tập đoàn nghiên cứu tài chánh, mình phải mua tin tức hàng năm của họ. Họ cố vấn cho mình nên mua hay bán. Khi xưa, mình hà tiện không mua nhưng ngày này, chịu khó bỏ mấy ngàn mỗi năm để mua thì số tiền quỹ hưu trí khá lên.

Không rành thì kiếm mấy tên chuyên nghiên cứu rồi mua cho khoẻ đời. Nói cho ngay, cũng có khi họ tính sai, được cái là họ cho mình biết ngay, bán liền để khỏi bị lỗ nhiều.

Mình mới nghe chị bạn kêu là bà chủ đã mượn tiền được từ một người khác. Mình chúc mừng bà ta.

Có người kêu mình cho vay cắt cổ với 12%. Thật ra giới đi mua nhà để bán lại, đều mượn tiền kiểu này cả. Mình không phải Flipper nên không mượn thôi. Tên mua mấy căn nhà của mình vừa rồi, đều mượn tiền kiểu này nhưng họ chỉ cho vay 50% giá thị trường.

Ở Hoa Kỳ, các công ty tín dụng ứng trước cho mình 30 ngày để trả, xem như là họ cho vay 30 ngày lấy tiền lời lên đến 24% mức luật cho phép nếu không sẽ bị phạt qua luật “Usuary”.

Nợ có hai loại: Nợ Tốt và Nợ Xấu. Nợ Tốt là mình mượn để làm ra tiền còn Nợ Xấu, mình mượn để đánh bài hay tiêu xài, không có lợi nhuận để trả lại.

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 


Xeo-phì

 Mỗi lần đi dã ngoại, đồng chí gái bắt mình chụp hình, lâu lâu phải xeo-phì 2 vợ chồng để khẳng định là đã đến đây như Julius Ceasar khi xưa từng tuyên bố: “veni vidi vici”. Khi không có người đi qua để nhờ chụp thì phải xeo-phì với vợ nên hay bị la. Mụ vợ la: “khi xưa, mới quen tui, ôn chụp hình tui đẹp, răn bi chừ chụp xấu rứa” Chán Mớ Đời 

Khi xưa, đi giang hồ, mình không có máy chụp hình, chỉ vẽ tranh hay croquis. Từ ngày có vợ thì hết màn đó vì vợ không thích mất thì giờ ngồi đợi mình, vẽ phố xá hay phong cảnh trước mặt. Khi xưa, ở âu châu, đi chơi thì cô bạn là sinh viên trang trí nội thất nên ngồi vẽ như mình. Cô nào không phải dân kiến trúc thì ngồi đọc sách bên cạnh. 

Cách đây 1 tuần, mình đi dã ngoại với vợ và hai cô bạn ở tiểu bang Utah. Cảnh đẹp, chỉ muốn ngồi vẽ nhưng mấy bà bắt chụp hình, xeo-phì. Khi leo núi 7 ngày ở Peru, cảnh vật đẹp chi lạ, chỉ muốn ngồi xuống để vẽ nhưng chịu vì thời gian không cho phép, nhất là mình đi chậm. Mình tự hứa là từ nay có đi chơi ở đâu, phải đem theo cuốn sổ esquisse để vẽ vớ vẩn lại như xưa.

Bức tranh con mắt hoạ sĩ của Salvador Dali

Người ta tính trung bình mỗi ngày thiên hạ trên thế giới tải lên các trang mạng xã hội hơn 1 tỷ tấm ảnh, để kỷ niệm những ngày xưa thân ái, những ký ức của họ trong tương lai. Có lẻ vì vậy mà các mạng xã hội giàu nhờ quảng cáo. Vấn đề là các chuyên gia về não bộ lại cho rằng các hình ảnh này sẽ cản trở trí nhớ, hồi tưởng của chúng ta sau này.

Với kỹ thuật của máy chụp ảnh của điện thoại ngày nay, chúng ta chỉ đưa lên nhắm, rồi nhấn cả chục cái. Hành động này, sẽ thay đổi sự cảm nhận của chúng ta trong giây phút ngắn ngủi, tích tắc đồng hồ này. Ghi vào bộ nhớ. Chỉ khi nào xem lại tấm ảnh chụp một cách vội vã, chúng ta mới để ý đến hiện vật xung quanh. Ai cũng tự nhủ sẽ làm một album, sau khi chơi ở đâu về. Mình về Cali đã gần 1 tháng mà chưa có thì giờ soạn lại các tấm ảnh chụp khi đi Peru hay tuần rồi đi Utah. Khi xưa, con còn bé, đi chơi cả gia đình thì chụp, soạn nay thì qua iPhone nên cứ để đó.

Building Sears ở CHicago
New York 1986, khi viếng thăm Hoa Kỳ lần đầu tiên

Trong thời gian đả thông tư tưởng đồng chí gái, cuối tuần cô nàng hay kêu mình chở đi đâu để chụp hình như Huntington Library, nơi có mấy cái vườn, đủ hoa. Dạo ấy, chụp hình bằng phim để rữa nên khi chụp hình, mình phải canh, xem góc độ nào, ánh sáng, làm sao cân đối như một bức tranh. Mất thì giờ nhưng đỡ tốn tiền rữa ảnh.

Nay với máy điện thoại thì chụp bú xua la mua. Thêm nữa, cảnh vật hay phong cảnh đẹp thì chụp, nay bà vợ đứng chình ình trước mặt, che hết sự vật thì còn đâu là đẹp nữa. Bà kêu phải thấy cảnh vật phía sau thì phải chụp xa. Chụp xa thì mụ vợ chửi không thấy rõ mặt, bạn bè lại tưởng ai khác. Chán Mớ Đời 

1 trong những nguyên do chúng ta chụp hình để ghi nhớ, làm kỷ niệm sau này như khi sinh con, họp mặt, hay đi du lịch. Mình nhớ khi thằng con đầu mới ra đời thì chụp hình, quay video đủ trò. Khi mới bập bẹ kêu ba ba, chập chững bò hay đi, nó đái cũng quay video, đủ trò. Đến khi con gái ra đời thì một hôm mình kêu ủa con này biết nói tự bao giờ. Lúc mới lấy nhau hay sinh con đầu lòng, chúng ta bước sang 1 trang sử mới cuộc đời nên thấy lạ, muốn ghi lại tất cả nhưng lâu ngày theo thói quen, thấy quá tầm thường. Nay chả biết mấy thứ này để ở đâu.

Trong cuốn  "Work Smarter with Social Media"  bà  Alexandra Samuel, có kể vài thí dụ nghiên cứu về chụp ảnh. Có lần bà ta làm một nghiên cứu mang tên “Bored and Brilliant Project”, khuyến khích 20,000 người chụp ảnh tài tử, từ bỏ máy ảnh của họ để giúp họ về mặt sáng tạo.

Nếu có thì giờ thì mình ngồi lâu để vẽ chi tiết hơn

Khi xưa, trước khi vẽ, mình hay lấy cái lăng kính thu nhỏ, làm nhỏ lại các hiện vật, để quan sát, ngắm nghía, xem vẽ khúc nào đoạn nào. Mất khá nhiều thì giờ, nhiều khi phải đổi chỗ. Nay với cái điện thoại thì  cứ nhấn bú xua la ta, nếu có thì giờ thì ê-đít lại, còn không thì quên. Nói cho ngay, mình chưa xem lại hình ảnh đi Peru nữa. Có nhiều việc phải làm.

Kết quả cho thấy đa số kêu họ dùng hình ảnh để giúp trí nhớ, như mình hay làm khi đậu xe ở bãi số mấy ở phi trường, chụp nhãn hiệu gì đó để xem lại để mua. Vấn đề là mỗi khi chúng ta chụp nhanh một tấm ảnh, vô hình trung chúng ta giảm trí nhớ của mình 1 tị.

Phân khoa tâm lý của Đại học Fairfield ở Connecticut, nghiên cứu về chụp hình và trí nhớ như sau. Họ cho các sinh viên viếng thăm một viện bảo tàng. Họ nói sinh viên chụp hình tấm tranh, hình tượng mà họ xem và quan sát.

Hí hoạ được đăng trên báo Ý Đại Lợi 

Ngày hôm sau, họ đưa sinh viên vào phòng thí nghiệm để khảo sát về trí nhớ của sinh viên, xem họ có nhớ mấy tấm tranh hay hình tượng đã xem. Nếu sinh viên nào nhớ một tấm tranh thì họ hỏi tiếp về chi tiết hiển thị. Họ nhận thấy là chụp ảnh với máy chụp ảnh, có thể giúp chúng ta bớt tải về hình ảnh để có thể quan sát những điểm khác. Vấn đề là chúng ta cứ chạy theo cái tiếp theo, tiếp theo và không bao giờ quan sát toàn diện vật thể hay phong cảnh trong khoản khắc đó.

Khi xưa, đi viếng triển lãm tranh hay viện bảo tàng, mình hay vẽ lại để hiểu Mondrian, Dali,.. hoạ tranh của họ, màu mè,… vẽ lại theo mình là một cách quan sát. Tương tự khi xưa, đi học , thầy giảng thì ghi chép, về nhà đọc lại sổ ghi thì mới nhớ lại bài giảng.

Họ làm một nghiên cứu khác để xem trí nhớ khi cho xem lại những tấm ảnh mà chính các sinh viên chụp để nhắc lại cho họ giây phút, khoản khắc khi họ chụp. Họ khám phá ra sinh viên cứ lo chụp tấm này rồi tấm khác nên không nhìn hay quan sát vật thể. Do đó sinh viên chả nhớ gì cả. Do đó chụp hình làm mất thì giờ. Tốt nhất là như ông Thích Nhất Hạnh đề ra, chúng ta nên chánh niệm, không gian, vật thể, hơi thở ngay lúc đó. Chớ chụp ở hình tạo dáng, chưa chắc có ai xem, ngoại trừ người thân, gia đình.

Thật ra khi chụp hình nhất là với máy điện thoại ngày nay, chúng ta cứ chụp khiến thay đổi sự trải nghiệm của chúng ta tại khoản khắc đó. Lý do là khi chúng ta xem 1 tấm ảnh, việc đầu tiên là xem có mình trong tấm ảnh hay không. Nếu có trong tấm ảnh thì chúng ta như đang quan sát chúng ta đang làm việc gì dạo ấy. Còn nếu chúng ta không có trong tấm ảnh, thì chúng ta có thể sống lại, hồi tưởng giây phút ấy bằng chính cặp mắt của mình. Đồng chí gái hay kêu ủa sao không nhớ vụ đó. Lý do là mình chụp hình nên mình nhớ còn cô ta đang tạo dáng nên không nhớ.

Điển hình cô nàng đang tạo dáng trước phong cảnh hùng vĩ ở Utah. Mình cầm điện thoại chụp, do đó mình nhớ ánh sáng từ đâu, cái nền phong phía sau mà cô ta che khuất trong khi đồng chí gái chỉ đối diện cái máy ảnh và mình. Cô ta chỉ nhớ hình ảnh mình đứng chụp hình, làm nhiếp ảnh viên bất đắc dĩ.

Người ta vẫn chưa rõ về chụp hình, gây hưởng đến sự cảm nhận về chúng ta và những cảnh vật mà chúng ta chụp nhưng phải công nhận máy ảnh không thể so sánh với trí nhớ mà chúng ta có thể thâu nhận từ mắt, tai mũi họng,…


Chúng ta xem ảnh thì không nghe được âm thanh, còn xem video thì không cảm nhận được sự nóng lạnh của môi trường. Xem video thiên hạ quay ăn uống trên đài truyền hình nhưng chúng ta không cảm nhận được như khi mình ngồi kéo ghế ăn trên lề đường, ruồi bu, nóng nực, muỗi bay vo ve cắn.

Khi xưa, mình đi giang hồ khắp âu châu vào mùa hè, vẽ tranh để bán. Mình có thể nhớ đến ngày nay, cảnh vật 40 năm về trước ở Roma, ở Venice, ở Porto, ở Madrid,… mình nhớ ngồi góc nào ở trước Vatican để vẽ. Nhớ khuôn mặt của du khách nào trả giá để mua tấm tranh của mình. Mình ngồi tại những chỗ này lâu,  quan sát cảnh vật để vẽ nên nhớ. Nay chụp hình thì ít nhớ.

Họ khuyến khích chúng ta một ngày không chụp ảnh. Không chụp ảnh khi ăn, chụp con cháu, không chụp ảnh mặt tời lặn,… chúng ta sẽ cảm nhận cuộc sống khác lạ mà chúng ta đã bỏ quên khá lâu từ ngày điện thoại thông minh là vật bất ly thân. Ai cũng muốn chụp hình cháu nội cháu ngoại hay con mình để khoe. Mình yêu chúng, mình hãnh diện nên mình chụp vô hình trung chúng ta làm nô lệ cho máy móc, chúng ta quên sống khoản khắc đó.


Từ hai năm nay, mình bỏ điện thoại trong xe khi đi ăn tiệm với vợ con vì không muốn trả lời điện thoại hay tin nhắn. Lúc đầu thấy bức rức nhưng riết thì quen, nhìn vợ con nhắn tin, chụp hình gửi cho thiên hạ. Ít ra mình còn có thì giờ nhìn vợ con lướt mạng.

Mình có theo dõi vài nhóm chụp ảnh trên mạng. Lúc đầu thì mình chia sẻ lại cho bạn bè ai thích thì xem. Nay thì mình cố gắng không chia sẻ hay nhấn Like nữa mà nhìn kỹ bức ảnh hơn, để nhớ khoản khắc đó hay bố cục của tấm ảnh hơn. Xong om

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 



Lãi kép giúp chúng ta thoát nghèo

 Cách đây mấy chục năm, mình được giới thiệu về “Lãi Kép”, đã thay đổi tư duy và cuộc đời mình. Trước đó, mình chỉ mơ mơ màng màng trên trời, tìm cách thiết kế nhà hay building  độc đáo về kiến trúc. Đến khi lập gia đình, vợ kêu bớt vác ngà voi, lo xây dựng gia đình nhưng mình chưa thâm nhập thực tế của đời sống lắm.

“Compound interest is the eighth wonder of the world. He who understands it, earns it; he who doesn’t — pays it.” — Albert Einstein

Đến khi thằng con ra đời. Tã và sữa cho con rất đắt nên phải đi làm thêm nghề khác để có thêm tiền mua tã cho con. Mình tình cờ đi học mua đấu giá, ai ngờ lại lọt vào lớp dạy mua nhà, đầu tư địa ốc. Ông đứng lớp giải thích về “Lãi Kép” khiến mình thất kinh. Từ đó mình bỏ kiến trúc, chạy theo nghề mua nhà đầu tư nghiệp dư. Bình dân học vụ Lãi Kép, cứ lấy số 72 chia cho tiền lời, để suy ra bao nhiêu năm dòng vốn của mình sẽ nhân gấp đôi.

Thí dụ: có $10,000 bỏ vào quỹ tiết kiệm. Hiện tại là 1%. Chúng ta lấy 72 chia cho 1% ra 72 năm để số tiền mình tăng lên $20,000. Ngân hàng lấy tiền của mình cho vay lại 6%. Lấy 72 chia cho 6 ra 12 năm thì có được $20,000 hay $120,000 sau 72 năm. Thật ra còn nhiều hơn nhưng chỉ làm tính trên giả thuyết.

Ngoài ra có một loại sát nhân vô hình mà mình không để ý: đó là Lạm Phát. Chính phủ in tiền vì đại dịch nên mọi thứ đều lên giá. Xăng ở Cali lên trên 6 đô/ Gallon. Mình bỏ ngân hàng được 1% tiền lời nhưng lạm phát lên 8% thì trong tương lại tiền của mình sẽ mất giá.

Lúc này, mình mới đột phá tư duy, hiểu lý do người ta không dạy mình về tài chánh ở trường. Toàn dạy mấy thứ vô bổ, chả làm ra tiền. Từ đó mình phải đi học đủ thứ. Đầu tư, thuế vụ,… ghi danh trường H&R Block để học làm thuế. Sử dụng Turbo Tax để làm thuế, học cách khấu trừ,…

Ông Rích Dad mình hỏi mày mất bao nhiêu năm mới xong tú tài? 12 năm. Mấy năm để lấy bằng thạc sĩ? 6 năm. Tổng cộng 18 năm, để có cái nghề kiếm tiền. Vậy muốn học cách giữ tiền, đầu tư thì cũng phải mất thời gian. Thế là đi học cuối tuần, vợ con đi ăn sinh nhật con cháu thiên hạ. Có lẻ vì vậy mình trở nên rụt rè, không thích đám đông vì không quen.

Sự khởi đầu của người nghèo và người giàu 

Khi mình sang Hoa Kỳ làm việc, khoảng cách của người giàu và người Mỹ trung lưu, đã gia tăng từ 3.7 lên đến 7 lần. Các công ty lớn như Sears, bắt đầu chới với vì phải trả hưu trí cho nhân viên đã về hưu,… thời ông Reagan, đã giúp người Mỹ giàu có càng giàu to, và người trung lưu có ít lợi tức hơn. Các nghiệp đoàn thợ thuyền bắt đầu mất quyền lực, đấu tranh đòi lương bổng cao.

Anh muốn lương cao thì tôi đem qua các nước khác như Mễ Tây Cơ để sản xuất, rẻ hơn, không có vụ đình công vớ vẩn. Thế là ngọng!

Khi xưa, người ta kêu giấc mơ Hoa Kỳ vì một ông công nhân đi làm, có thể nuôi cả gia đình, có thể mua nhà, có xe. Cả thế giới đều ngưỡng mộ. Nay thì hai vợ chồng đi làm, chưa chắc đã mua được nhà. Con mình ra tường, vừa đài làm là giấy báo nợ mượn tiền học đại học thay nhau gửi về đòi. Anh học bác sĩ xong thì nợ độ $500,000, trả cả đời chưa hết. Chị học dược khoa, ra tường, nay họ trả đâu $45/ giờ, phải làm 12 tiếng để trả nợ học phí đại học.

Đến thời ông Obama thì khoảng cách này gia tăng gấp 700 lần. Mình nhớ cuộc phỏng vấn của một ông thợ ống nước với tổng thống Obama. Ông Obama kêu là phải “share the wealth”. Khi cuộc khủng hoảng tài chính xẩy ra vì các tên tài phiệt lũng đoạn thị trường tài Chánh, mượn tiền chính phủ cho vay đủ trò. Người Mỹ trung lưu mất nhà trong khi chính phủ lại in tiền hổ trợ các ngân hàng, giúp họ giàu có hơn mấy lần sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

Qua đại dịch 2019 thì các tài phiệt giàu gấp đôi trước đó vì được chính phủ hổ trợ. Chán Mớ Đời 

Tiền lời đang lên vì lạm phát khiến thị trường địa ốc bắt đầu đứng. Qua mùa hè, thiên hạ hết muốn đổi chỗ ở, đổi trường thì giá nhà sẽ xuống. Đáng lẻ nhà đã đứng từ lâu nhưng vì đại dịch nên chính phủ phải bơm tiền, giúp kinh tế không bị lộn xộn. Nay họ muốn tránh trường hợp thời ông Carter, lạm phát lên như điên. Tiền lời lên đến 17-18%.

Có lần đồng chí gái xem Zillow thì khám phá ra giá trị căn nhà mà hai vợ chồng mua trước khi làm đám cưới, nay cho thuê. Dạo ấy tụi này mua $180,000, đặt cọc 20% ($36,000), mượn $144,000, tiền lời 6.75%.  Mỗi tháng đóng $933. Nay cho thuê được $2,700/ tháng. Giá nhà theo Zillow độ $800,000. 

Đồng chí gái kêu mình lời. Mình nói không. Khi xưa, đi cua vợ, anh chỉ trả tiền xăng là $1/ Gallon, nay lên $6/ Gallon. Lý do đó mà thằng con không dám mời con gái đi chơi. Ăn phở trả chưa tới $4/ tô nay tô phở lên đến $15. Lấy $180,000 giá căn nhà khi xưa nhân cho 6 thì ra 1 triệu. Mình lỗ chớ đâu có lời. Đó là cách chính phủ ăn gian người dân, cho con số để đánh lừa.

Bây giờ nếu bán thì bị chính phủ đánh thuế 20% số tiền bán được. Đại loại là $160,000 bị thu thuế lời. Con ơi nhớ lây câu này; cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan. Họ có luật thuế 121, ai ở trong đó trên 2 năm thì có quyền khấu trừ được $250,000/ mỗi người. Hai vợ chồng được khấu trừ $500,000. Lấy $800,000 trừ $500,000, phải đóng thuế số tiền còn lại. Đáng lẻ chính phủ phải gia tăng số tiền này vì lạm phát từ 30 năm nay. Số $250,000 có từ lâu, mấy chục năm về trước, chưa có lạm phát.

Vừa ghi danh, đặt cọc leo núi Kilimanjaro vào tháng 10 này. Kinh

Mình thích nhất là đầu tư về địa ốc, mua nhà cũ, sửa chửa lại cho thuê. Có người kêu mua nhà cho thuê, người ta phá đủ trò. Không có cái nghề nào mà không có trở ngại. Ngay cả nghề gái lầu xanh, cũng phải lao động cực lực mới được trả tiền. Vui lòng khách đến vừa lòng khách đi. Mình lúc đầu cũng bị lộn xộn với người thuê nhà nhưng rồi rút kinh nghiệm, sau 30 năm thì mình dễ thở hơn. (Còn tiếp)

Sáng nay đi sớm lên núi Boldy để tập cho chuyến leo núi Whitney 3 tuần nữa.

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Machu Picchu 2022

 Mình và anh bạn sẽ leo núi 7 ngày 6 đêm ở xứ sở Inca trên dãy núi Andes của Nam Mỹ ở Nam bán Cầu. Chuyến đi này mình Mơ từ thời sinh viên khi học môn lịch sử kiến trúc của thế giới, thêm 2 cô bạn học chung, làm Đầm Ba-lô đi đến đỉnh núi Machu Picchu, chụp ảnh đem về cho mình xem như từ hành tinh nào. 

Nền văn minh trải dài dọc dãy núi Andes từ Guatemala, Colombia, Peru đến Chí Lợi và Á Căn Đình. Di tích sót lại sau khi bị các tay thám hiểm Tây Ban Nha chiếm đoạt và bệnh đậu mùa làm gần như tuyệt chủng giống dân này. Nền văn minh của họ bị thay thế bởi nền văn minh Tây phương. Dân họ mang tên họ Tây Ban Nha và dần dần bị tha hóa, mất bản sắc của giống nòi, không theo kịp thời gian hiện nay. 


Địa danh Machu Picchu, được khai quật ở đầu thế kỷ 20 và được trùng tu lại nên giữ nhiều nét xưa nên du khách viếng thăm rất nhiều.

Trên thực tế thì có nhiều địa điểm khác tại Nam Mỹ đã được hình ảnh Hồng ngoại tuyến của vệ tinh chụp nhưng chưa có tiền để khai quật. 


Mình chọn đi theo đường mòn Saltankey Trek, dài 46.2 dậm thay vì đường mòn Inca ngắn hơn nhưng đông du khách và dễ đi hơn. Nghe nói Saltankay trek thì phong cảnh đẹp hơn, phải băng qua suối và còn tuyết. Nhất là ít người đi. Con người ích kỷ, không muốn đông người phá tan cảnh tĩnh mịch của thiên nhiên.


Mơ là một chuyện mà đi được là một chuyện. Lý do là đồng chí gái không chịu đi, nhất là rất châm vì phải leo lên 2 đỉnh đèo cao hơn 16,800 cao bộ, rất khó thở vì không khí đặc. Cuối cùng mình xin đi một mình trong khi đồng chí gái đi chơi riêng với bạn. Mình dự định cũng cả 3 năm về trước đến khi đi mua vé thì lại dính ông thần corona xuất hiện. Cuối cùng có anh bạn kêu cho anh ta đi với, bỏ vợ lại nhà. Hai bà nhất trí nên mới đặt vé từ năm ngoái. 


Đến giờ chót cũng còn chới với vì không lưu của xứ peru đình công. May quá 48 tiếng trước khi mình lên đường thì họ cảm thông nổi niềm của mình từ Cali nên ngưng đình công. 


Mấy năm rồi không đi ngoại quốc nên đâu biết phải điền tờ giấy trên mạng, thề là không bị dính bệnh COVID trong 14 ngày qua. Anh bạn có nhắc, mình tưởng là đem theo giấy chích ngừa, nói có đem theo Cả 4 mũi. Ra phi trường thì họ khám hỏi giấy đâu. Mình nông dân chân chất hỏi giấy gì nên bà ta cầm điện thoại mình rồi làm luôn, gắn con tem trên sổ thông hành của mình. Xong om


Hai thằng không gửi hành lý, chỉ đem theo tay vì xuống phi trường Lima thì chỉ có 1 tiếng đồng hồ để đổi máy bay nội địa bay đến Cuzco. Máy bay đáp xuống, chạy qua khu vực nhập cảnh, qua quan thuế rồi chạy đi kiếm cổng phi cơ cất cánh. May là họ làm giấy tờ, boarding pass sẵn ở LAX nên chỉ chạy hụt hơi. 


Lên máy bay thì hạng cá kèo, ở hàng cuối. Thức ăn thì không ngon nên mình hỏi bà Mỹ to bên cạnh thì bà ta cảm ơn rồi rít, lấy bánh đủ trò. Coi phim cuối cùng của điệp viên 007. Mình thấy kinh thấy một cô bond girl gốc Latinh bận đồ đẹp nức nở, bay đá song phi  như cô gái đồ lòng mấy tên đầu trâu mặt ngựa. Kinh. Hết dám nhìn phụ nữ ở mấy xứ Latinh. 


Được cái là dân đây dễ chịu, lúc phi cơ ngừng thì họ không đứng dậy, dành nhau ra trước như kiểu chen lấn Việt Nam. Ai nấy ngồi yên và được tiếp viên hàng không đến nói hàng ghế nào được rời phi cơ nên rất nhẹ nhàng. Mình lo trễ chuyến bay tiếp theo nhưng bình thản. Hải quan rất đàng hoàng. Có bà Mỹ đi lộn thay vì đổi máy bay ở khu vực chuyến bay quốc tế, bà ta lại chạy vào đây. Hải quan ôn tồn giải thích rồi đi ra, dẫn bà ta đi lại phía chuyến bay Hải ngoại. Biết chừng nào Hải quan phi trường Việt Nam được như vậy. Cửa khẩu là hình ảnh đầu tiên du khách có ấn tượng về nước sở tại. 


Xuống phi trường Cuzco nằm trên núi cách thủ đô Lima đến 2 tiếng bay. Gọi uber đưa về khách sạn Hilton. Chưa có phòng nên để hành lý đó rồi đi vòng vòng kiếm đồ ăn. 

Thành phố này chưa đến nữa triệu người, chuyên sống về du khách đi viếng Machu Picchu. Dân họ không chặt chém như ở Việt Nam. Họ kêu mua bán đồ kỷ niệm nhưng mình cảm ơn thì họ ngưng, không vòi theo chửi bới như một số quốc gia khác.  

Nhìn núi phát kinh, khí hậu thay đổi đột ngột nên phải có vài loại áo trong ba lô để thay.

Cuzco được xem là tỉnh lớn trong nền văn minh Inca khi xưa, nơi các con đường lộ của đế chế Inca đi ngang qua, đóng vai trò quan trọng về kinh tế và quân sự. 


Có mấy quán đổi tiền cho anh bạn đổi ngoại tệ. Mình đã đổi trước ở Cali. Hỏi bà này tiệm ăn nào ngon không có du khách. Bà ta chỉ một quán rồi dùng gú-gồ mò theo. Đến nơi đúng 11:00 họ mở cửa. Vào quán to, họ kéo cái tấm bảng thực đơn to đùng, chắc để tránh lây vi trùng COVID để trước mặt mình xem. Hai thằng kêu 3 món chia. Món caldo loại súp hầm với bò và khoai Tây và khoai mì. Thêm món lưỡi bò để nhớ đến ông Trung Cộng và món thịt heo hầm. Hỏi ông phục vụ viên sao thực đơn ít rau cải anh ta nói dân địa phương chỉ ăn thịt và khoai Tây. Trong khi chờ đợi họ đem ra đĩa bắp luộc từng hạt to gấp mấy lần bên Mỹ và hai chén nước chấm bằng chanh và khoai Tây và cay cay. Món ngon nhất là món lưỡi bò. 

Tường này rất đặc biệt vì chân tường là do người Inca làm 600 năm trước đến thời Tây Ban Nha, xây tiếp lên trên.

Cũng nên nhắc lại là Âu châu khi xưa hay bị nạn đói khi thất mùa. Đến khi người Tây phương khám phá ra Nam Mỹ và đem về hạt giống của khoai Tây và bắp Ngô mới giúp họ bớt bị nạn đói. 

Peru có mấy trăm loại khoai Tây mà họ ủ giống. Mình có coi một phim tài liệu, cho biết có loại khoai Tây để trên núi cao, họ ép khô rồi chôn dưới đất. Lâu lâu lấy lên ăn, giúp họ sống lâu. Thấy họ quay ông già 107 tuổi mà vẫn làm một đứa con mấy tuổi. Kinh


Cơm họ nấu hơi sống. Họ tiêu thụ khoai mì rất nhiều, nấu súp là bỏ vào. Nếu ăn rau cải của họ thì rất tươi, đoán là không có chất hoá học vì trái cà chua nhỏ. 

Thức ăn của họ toàn là thịt và tinh bột nên họ khá to, tạng người thì thấp
Xà lách họ hay bỏ hoa và hoa lan, ăn ngon.
Trái mác mác (chanh dây) bên Peru, to kinh hoàng, ăn không chua nhưng ngọt.

Ăn xong hai thằng đi viếng viện bảo tàng của nền văn minh Inca. Xong xuôi thì bò về khách sạn lấy phòng rồi Lăn ra ngủ vì tối qua trên máy bay ít ngủ. Mình nói anh bạn lần đi tới nên lấy hạng thương gia để ngủ. Anh ta nhất trí. Anh ta đặt vé máy bay và phòng ngủ. Mình chỉ lo phần đặt tour để đi. Có 9 người đi cùng với hai hướng dẫn viên. Hình như từ năm 1990, ai muốn leo núi phải cần hướng dẫn viên vì có thể bị lạc và chết dọc đường. 


Theo mình hiểu thì có 9 người đi nhưng trung bình có hai phục vụ viên cho mỗi người. Vác ba lô dùm mình và nấu ăn. Họ đi trước dựng lều và nấu ăn cho mình. Mình chỉ việc vác ba lô nhỏ, chứa nước họ nấu và vài dụng cụ cá nhân  nên cũng dễ thở. Tháng 6 này mình leo núi whitney thì ở Hoa Kỳ nên không có trò này. Phải tự vác lều chỏng nấu ăn lên. 


Thành phố cuzco ở cao độ trên 11,000 bộ nên leo dốc rất oải. Không khí loãng nên thở khó khăn. May là đến trước ít ngày để làm quen với khí hậu ở đây. Sáng mai là lên đường. Theo thời tiết thì thứ 7 mưa. Trong vòng 1 tiếng đồng hồ nhiệt độ thay đổi quá nhanh, mấy chục độ F. 


Sáng nay, hai thằng ngủ li bì đến sáng, bò ra tiệm ăn bánh mì sô-cô-la. Rồi kêu Uber chở lên đồi để viếng một tàn tích của thành phố Inca xưa. Tên lái xe kêu trả hắn 150 soles hắn chở đi viếng mấy chỗ khác. Mình kêu 120, hắn nhất trí thế là hắn chở đi viếng mấy chỗ khác cũng toàn là đá. 

Một viện bảo tàng về văn hoá Inca
Họ dùng lá bắp Ngô để trang trí thức ăn.
Tường thành bằng đá to kinh khủng. Chắc phải tìm kiếm để hiểu cách họ di chuyển đá vì người Inca rất thấp.

Có một chỗ là họ nuôi mấy con lama lông dầy như lông cừu để làm len, dệt áo. Mình hỏi dân có ăn thịt lama không thì được biết thịt mấy con này đắng. Mình thấy cái foulard nên hỏi xem giá để mua cho đồng chí gái. Cô bán hàng kêu $2,000 khiến mình muốn xỉu tại chỗ.  Mình hỏi lại tiền soles hay đô La. Cô ta kêu đôla. Tên bạn nghe vậy bò lại xem cũng lắc đầu. Hắn bác sĩ giàu mà không dám mua cho vợ hắn còn mình là nông dân, chỉ biết cảm Ơn xin hẹn kiếp sau. Kinh


Sau đó mình mời tên lái uber đi ăn cơm chung luôn. Mình kêu vào chợ ăn thấy vui. Hắn dẫn đến quán hàng quen. Mình kêu hầm thịt bò nhưng không ngon lắm. Nhờ họ gọi dùm ly sinh tố. Uống thoải mái rồi về khách sạn. Nhìn sang bên cạnh, thấy dân địa phương ăn nhiều thịt và tinh bột, không thấy rau cải gì cả. Chiều nay đi ăn cơm chay để có chút rau gì vì hai ngày nay ăn rau ít. 


Anh bạn thèm trái cây nên ghé mấy hàng trái cây. Mua thử trái thanh long màu vàng vì chưa bao giờ ăn cả. Đây có loại mác mác nhưng to gấp 2,3 lần ở Cali nhưng không chua lại ngọt. Ăn đã. 

Chiều nay, 6 giờ chiều sẽ ghé lại công ty du lịch để xem họ bàn chương trình. Sáng mai 4:30 sáng là họ đón tại khách sạn rồi lên đường. 


Lý do dân tình leo núi là để được xem mặt trời mọc tại Machu Picchu. Đi bộ nên có thể lên đó trước khi mặt trời mọc trong khi đa số đến bằng xe buýt từ dưới núi và dòng sông. Mình phải thủ một cái đèn pin đeo ở đầu. Lúc đó thì đông như quân Nguyên. Chen lấn để chụp hình tạo dáng. Chán Mớ Đời 

(Còn tiếp)

Nguyễn Hoàng Sơn 

Mua tranh Nhị-Trạng-Nguyên Nguyễn Quỳnh

 Hồi mình mới dọn nhà, nhớ đến một anh bạn thời đi làm tại New York, tên Nguyễn Quỳnh. Dạo ấy anh đang giảng dạy tại đại học Columbia. Mình không nhớ ai giới thiệu mình cho anh ta. Hình như ông Võ Văn Ái của tờ báo Quê Mẹ, ở Pháp. Ông Ái và bà Ỷ Lan Penelope Faulkner, sang Hoa Kỳ, mình có gặp nói chuyện thì họ rủ đi viếng một hoạ sĩ nổi tiếng người Việt tại New York.

Anh Nguyễn Quỳnh là hoạ sĩ đầu tiên, độc nhất, gốc Việt, được người mỹ mua tranh trong cuộc triển lãm tại New York năm 1984 và tặng cho bộ sưu tập thường trực của viện bảo tàng Guggenheim, Nữu Ước mà mình có xem khi sinh sống ở thành phố này. Ước ao gặp người tài hoa này. Các hoạ sĩ người Việt tại Hoa Kỳ, có dịp là nhờ anh ta xem tranh và phê bình. Lần trước anh ta sang Cali, có ngụ lại nhà mình nên được anh ta giới thiệu vài hoạ sĩ gốc Việt, được biết đến trong cộng đồng người Việt tại vùng này.

Mình thích nhất tấm này. Anh Quỳnh vẽ cô học trò, chị vợ cũng mê nên mình mua luôn
Lá thư mời gia đình anh Quỳnh được viếng miễn phí trọn đời

Mình có đọc đâu đó, nhà thơ Đổ Trung Quân, kể anh bạn nào di dân sang Hoa Kỳ, có để lại hai bức tranh của Nguyễn Quỳnh vẽ trước 75. Anh ta từng là hội viên của hội hoạ sĩ trẻ tại Sàigòn trước 75. Anh ta được học bổng của chính phủ Ý Đại Lợi, đi Roma để học thêm về hội hoạ nhưng bộ quốc phòng Việt Nam Cộng Hoà cuối cùng cấm xuất ngoại, có lẻ vì lệnh tổng động viên. Số anh ta là đi Hoa Kỳ.

Theo lời anh kể thì khi xưa anh đậu vào trường kiến trúc Sàigòn, làm đồ án thì thầy khen nhưng hỏi về cấu trúc thì anh ngọng nên cuối cùng thi vào trường mỹ thuật Sàigòn. Anh có khiếu bẩm sinh về hội hoạ. Tranh của anh thường xuất hiện các kiến trúc, toà nhà. Anh nghiên cứu ánh sáng của hoạ sĩ Gustave Courbet rất cẩn thận nên tranh của anh chịu nhiều ảnh hưởng của ông Courbet này. Có thể loại Cuntology rất độc đáo nhưng đồng chí gái không cho mình treo. Chán Mớ Đời 

1 trong những tấm tranh mình mua, treo ở phòng làm việc của mình. Cuối cùng thì anh Quỳnh đồng ý bán hết bộ tranh của anh cho mình.

Nói cho ngay, tâm hồn nghệ sĩ của mình đã tắt lửa lòng từ khi thằng con ra đời, phải kiếm tiền thêm mua sữa và tả cho nó. Mình không liên lạc với mấy nghệ nhân tại đây, vì không còn muốn vẽ víu gì nữa, chỉ thích làm vườn, làm đầy tớ nhân dân cho mụ vợ sai bảo.

Tấm tranh này của anh Nguyễn Quỳnh là tranh sưu tập thường trực tại viện bảo tàng Guggenheim, New York. Ai đến New York, thích hội hoạ thì ghé xem bức tranh của người Việt đầu tiên tại đây. Khá trừu tượng nhưng phảng phất các motif về Việt Nam. Mình có một tấm tương tự, cũng được vẽ vào thời đó.

Mình nhớ lần đầu tiên, viếng nhà anh Quỳnh ở vùng Harlem phía Tây, gần cầu gì nối qua tiểu bang New Jersey. Được anh ta cho xem tranh. Có loại rất tây phương và có những đề tài về Việt Nam như Thuý Kiều nhưng ánh sáng rất lạ. Các motif rất Việt Nam nhưng ánh sáng rất lạ. Anh ta có cho xem một bức ảnh về Thuý Kiều với 15 năm làm gái lầu xanh. Thuý Kiều ngồi đánh đàn trăng (Nguyệt), mà anh Quỳnh có dịp được giáo sư Trần Văn Khê giới thiệu khi anh sang Pháp tham dự hội thảo về triết học. Có 15 bình rượu, lấy màu của bình rượu Việt Nam, toả ra ánh sáng, tượng trưng cho 15 năm đời lận đận của Thuý Kiều, vỡ bay xuống dòng sông Tiền Đường, sóng cuồng cuộng. Người mẫu là chị Bích, vợ anh ta, rất đẹp. Hình như ông Võ Văn Ái mua tấm tranh này. Nghe đâu ông ta chưa trả hết tiền mua tranh. Lờ luôn. Ai quen ông ái nhắn tin dùm. Cho mình mua lại, để trả tiền cho anh Quỳnh. Chán Mớ Đời 

Tấm tranh Kiều với 15 bình rượu tượng trưng cho 15 năm ở lầu xanh. Bình thứ 15 bị vỡ bay xuống sông Tiền Đường , hết kiếp làm gái lầu xanh. Ánh sáng từ các bình rượu toả ra người của Kiều. Tấm này ông Võ Văn Ái mua nhưng chưa trả hết tiền thiếu. Nếu được mình sẽ mua lại và trả tiền cho anh Quỳnh. Mình có mặt hôm ông ta hỏi mua và đem về Paris. Bình rượu là theo mẫu của bình rựou Việt Nam. Ánh sáng được sử dụng theo lối “Rais” của Gustave Courbet.

Tấm 1 trong 4 tấm (khổ 28 inch x 80 inch) tại nhà mình

Sau đó, mình gặp anh ta thường xuyên đi ăn phở, nói chuyện về nghệ thuật. Viết về nghệ thuật Việt Nam. Có lẻ từ anh mình mới bắt đầu về nguồn, tìm sách báo việt ngữ để đọc, học hỏi thêm về Việt Nam. Dạo ấy tiếng Việt mình rất yếu, không bú xua la mua như ngày nay. Khi mình được gia đình phật tử ở Connecticut nhờ vẽ chùa thì anh ta có cho ý kiến về Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo, vào ngôi chùa.

Học rất nhiều từ anh. Anh ta là giáo sư về lịch sử mỹ thuật tại Columbia. Anh ta có hai bằng tiến sĩ: một về giáo dục và một về triết học. Học một cái bằng tiến sĩ là đã khó ở Hoa Kỳ nay anh ta chơi luôn hai cái, mình hay gọi anh ta là Nhị-Trạng-Nguyên. Mình có quen một anh khác, cũng có hai bằng tiến sĩ; một bên tây và một bên Hoa Kỳ. Đề tài luận án tiến sĩ của anh về triết học tại Columbia University năm 1982 là (Ludwig Wittgenstein: The Relationship Between Modern Logic and Art). Anh ta có dịch Tractatus của ông này nhưng khó đọc lắm.

Anh ta có một trí nhớ siêu việt. Mỗi lần gặp nhau, anh ta kể đủ chuyện ngày xưa bên tây bên tàu, chuyện nào anh cũng biết chứng tỏ anh đọc sách rất nhiều, không chụp hình tạo dáng câu Like. Anh kể khi xưa, sinh viên, anh ta mê một cô gái nhà giàu, đẹp lắm nhưng bị cô ta chê, bảo ngoài học vấn và hội hoạ, anh ta chết tiệt. 40 năm sau, anh gặp lại cô nàng, thì cô ta khóc, bảo anh đã thành danh, không chết tiệt như cô ta ngĩ. Anh ta có vẽ bức tranh của cô ta. Rất đẹp. Không biết anh ta còn bức này hay không. Chắc không vì anh ta đã tặng cô ấy.

Đây là bức tranh mà anh ta nghĩ đạt nhất, vẽ chị Bích, vợ anh ta. Đây chỉ 1 phần của tấm tranh, nay được treo tại nhà mình. Tấm đầu tiên mình hỏi mua là tấm này. Anh rất tâm đắc với tấm này, vẽ thuỷ mạc sử dụng chấm chấm như trường phái pointillisme. Cực đỉnh

Ở anh, mình học được cái tính học để tự trau dồi thêm, không phải bằng cấp. Anh ta nghiên cứu thêm về Emmanuel Kant nên ghi danh đi học thêm về Vật Lý tại trường đại học Columbia để hiểu rõ, có cái nhìn từ nhà vật lý học. Mình dính cái bệnh của anh ta nên hay đi học vớ vẩn để khỏi ở nhà bị vợ sai.

Tấm 2 trong 4 tấm

Theo mình hiểu khi gặp các hoạ sĩ được anh ta giới thiệu; anh ta khi xưa ở Sàigòn rất được giới trí thức trọng nể dù trẻ tuổi. Anh ta học đức ngữ nên hay lui tới toà đại sứ đức để thực tập đức ngữ và nói chuyện về văn hoá. Hình như anh ta có chân trong viện Goethe tại Sàigòn hay một hội văn hoá đức. Lâu ngày quá không nhớ.

Anh ta gốc Hải Dương, di cư vào nam. Là con một nên không muốn đi lính nên anh ta trốn quân dịch, ở nhờ nhà bạn bè. Bức tượng Trần Hưng Đạo ở Sàigòn là do anh ta vẽ. Một người bạn, em ông Chung Tấn Cang, hải quân được chỉ định vẽ bức tượng để đưa cho mấy ông lớn duyệt nhưng bí, nên tìm đến nhờ anh đang trốn lính. Buồn đời, anh vẽ giúp cho anh bạn kiếm được việc đúc tượng Thánh Trần cho hải quân Việt Nam Cộng Hoà. Hôm ở nhà mình, anh ta thấy cái cốc in hình bức tượng của Trần Hưng Đạo ngoài bolsa nên kể cho mình câu chuyện này.

Anh kể có lần anh đi quân dịch, ra quân trường Dục Mỹ. Thượng sĩ già hỏi ai biết vẽ sơn, anh đưa tay lên. Thế là khỏi đi quân trường, anh ta vẽ sân khấu để tiếp đón tướng nào đến thăm. Đang vẽ thì ông tướng chỉ huy trưởng hình như Bùi Đình Đạm thì phải, lâu quá không nhớ tên, đi xe Jeep ngừng lại, kêu vô văn phòng. Kêu anh ta làm một “bas relief “ để mấy câu thơ cho quân trường. Cũng khắc tên đủ trò, được khen đủ trò.

Tấm 3 trong 4 tấm

Chỉ huy trưởng kêu anh ta không thích quân đội, anh trả lời vâng. Ông ký cho giấy đi phép mấy ngày thăm bố mẹ rồi anh ta trốn luôn, không trở lại trình diện. Anh ta học hàm thụ từ Sàigòn với một đại học tại Gia-nã-đại, tốt nghiệp B.A trước 75. Đến tháng 4/75, cả gia đình di tản sang mỹ. Nhờ có bằng B.A của Gia-nã-đại nên khi qua Hoa Kỳ, anh ta đi học lại lấy tiến sĩ. Chị vợ như vợ của ông Tú Xương, đi làm để nuôi anh đi học lại. Buồn đời anh ta học hai cái tiến sĩ. Chỉ có độc nhất một thằng con trai như bố mẹ anh ta.

Từ anh ta mình mới quen bác Huỳnh Sanh Thông ở Yale. Có lần tổ chức Á Châu nào mời chị Kiều Chinh đến nói chuyện với các nghệ sĩ lưu vong khác tại New York. Sau đó thì có đi ăn chung. Chị Kiều Chinh có lẻ biết anh ta từ Việt Nam. Vợ anh ta mê chị Kiều Chinh nên kêu anh ta vẽ chị Kiều Chinh. Mình có xem tấm tranh đó, rất đẹp. Anh ta có vẽ nháp đồng chí gái nhưng không đạt lắm vì ít thời gian. Lần sau gặp lại, hy vọng anh ta sẽ vẽ lại.

Tấm 4

Khi dọn nhà mới, có phòng khách rộng, tường cao. Nhớ đến anh ta nên hỏi có tấm tranh nào, bán cho em một tấm. Anh ta nói mình chụp hình cái bức tường muốn treo tranh, rồi gửi cho mình một tấm. Đồng chí gái nhìn vô chả hiểu gì cả, hỏi bao nhiêu. Mình nói giá làm mụ vợ muốn té xỉu, mặt xanh như đít nhái, kêu với số tiền đó, tui mua cả ngàn tấm. Mình mua là để sưu tầm còn mụ vợ mua tranh treo tường như quần áo. Không thích thì quăn, mua cái khác. Tranh mụ vợ mua giờ để chật ga-ra. Bán lạc-xoong không ai mua.

Tấm đầu tiên mình mua của anh treo ở nhà nhưng chả thấy ai hỏi khi đến nhà mình. Cách đây mấy năm, anh sang nhà mình chơi, có đem tấm tranh nhỏ, bảo là gắn thêm vào tấm trước. Anh ta nói phải mất 20 năm mới tìm được ý tưởng, cách kết thúc tấm tranh. Mình phải đem đi thay cái khung mới. Anh ta có mấy tấm vẽ thời New York, về 9/11 nhưng chưa xong. Mình mua mấy tấm đó, nói anh cứ tiếp tục vẽ. Khi nào xong em lấy như tấm đầu tiên.

Tấm tranh mình mua treo trên tường, chỉ có mình nhìn. Thú thật bạn đồng chí gái đến nhà, chưa có ai hỏi mình về tấm tranh cả. Họ chỉ khen mấy tấm tranh mụ vợ mua. Độc nhất hôm trước, có anh bạn ghé lại nhà lần đầu tiên, nhìn tấm tranh rất kinh ngạc. Anh ta sưu tầm một số tranh của các hoạ sĩ nổi tiếng miền Bắc mà sau này tây sang mua rất nhiều. Anh ta nói có tấm nay người ta trả anh đến $500,000 nhưng không bán. Đấy là một cách đầu tư cho mai sau. Anh ta có một số tranh của một hoạ sĩ hiện đang ở Hà Nội, bị tai biến nhưng gia đình chưa dám báo tin. Đang lùng săn mua lại tranh của ông ta để đợi, khi ông ta ra đi.

Mình ngồi nói chuyện với anh ta về sưu tầm tranh, thấy có lý nên gọi cho anh Quỳnh, hỏi bán cho em thêm mấy tấm mà mình có dịp xem khi viếng thăm anh ở San Antonio. Anh Quỳnh mới bán nhà vì chị vợ qua đời, dọn về căn hộ nhỏ ở để khỏi phải chăm sóc nhà cửa như trước đây. Tranh đầy nhà, nay có người quen muốn sưu tầm nên đồng ý với điều kiện là khi Gallery ở New York triển lãm tranh của anh ta thì mình cho họ mượn để triển lãm về tranh của anh ta từ trước đến nay.

4 tấm ráp chung vào toàn bộ, treo trên tường ở phòng khách  96 inches x 82 inches. Mình chưa dám làm khung vì đợi sau triển lãm tránh của anh ở New York rồi làm.

Trước đại dịch, anh ta có sang Cali ở nhà mình mấy ngày thì đem theo một bức hoạ. Anh ta nói là tấm tranh anh bán cho em còn thiếu cái này. 10 năm qua anh mới có được ý tưởng để kết thúc bức tranh. Khiến mình phải đem ra cho thợ làm lại cái khung, khá lạ so với tranh thường.

Mình nghe lời anh bạn đề nghị, mua luôn một số tranh mình đã xem, làm Collector luôn. Anh ta vẽ thuỷ mạc rất chi tiết. Mất thời gian lắm, anh ta nghiên cứu về ánh sáng của Gustave Courbet nên bị ảnh hưởng khá nhiều của ông này.

Dạo anh ta ở New York, thì vài năm gallery-arts tổ chức triển lãm tranh của anh ta nhưng từ khi anh dọn về Texas thì không. Nay họ gọi anh ta để tổ chức triển lãm tranh của anh ta lại để xem anh đang vẽ loại nào. Khi nào họ tổ chức thì có dịp trở lại New York, luôn tiện thăm con gái luôn.

Tấm này vẽ về 9/11 tại New York,( Collection SƠn Đen)
Collection Sơn Đen
Collection Sơn Đen
Đây là 2 tấm tranh mà anh ta khởi đầu cách đây 15 năm nhưng chưa xong nhưng mình đã mua. Mình nói anh cứ tiếp tục vẽ. Khi xong thì mình sẽ lấy. Tranh nói về 9/11 tại Nữu Ước. Collection Sơn Đen

Gửi Sơn xem chi-tiết chưa vẽ xong của tấm trang 9-11 (9 feet by 40 inhces). Sẽ gửi Sơn xem mỗi ngày. Sang năm mình đi xe lửa với nhau. Và có lẽ sang năm xong tấm thứ hai cùng đề tài 9-ii

Mình dự định sẽ đi xe lửa với anh ta xuyên bang vùng tây Hoa Kỳ. Hy vọng năm tới vì anh ta nay sức khỏe cũng yếu rồi.

Mình viết lâu rồi, nay cập nhật hoá. Cuối cùng thì anh Quỳnh đồng ý bán hết bộ tranh còn lại của anh cho mình. Tổng cộng là 36 tấm. Với điều kiện là mình cho Gallery Art mượn để họ triển lãm tranh anh ta. Mình nhất trí. Mấy hôm nay, tranh gửi về nhận mệt nghỉ. Xem như mình có tranh nhiều nhất của nhị nguyên Nguyễn Quỳnh. Xong om

Đọc tin tức, có thể bị mưa, nghĩa là tuyết. Phải đeo cái ba lô nặng chưa kể 4 lít nước Chán Mớ Đời 
Bỏ vụ tranh ảnh, mình chuẩn bị leo núi Whitney ngày mai.

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn