EV Charger Tax Credit Business, khấu trừ thuế trạm sạc điện


Dạo mình mua chiếc xe chạy bằng điện Leaf, có gọi công ty điện, để báo cho họ biết, từ đó nhà mình xài điện từ 10:00 đêm đến 8:00 sáng thì điện phí được giảm 50%. Mình sạc điện cho xe và giặt quần áo, rửa chén bằng máy đều sau 10:00 đêm. Tháng trước có gắn một trạm sạc điện mới, mạnh hơn đến 50 AMP ở nhà, để sạc điện cho nhanh thay vì 20 AMP của chiếc xe LEaf hay Prius nên mò ra để có thể trừ được $1,000 cho thuế.


Nhờ luật mới ra để giúp người Mỹ chống lạm phát Inflation Reduction Act (IRA), có phần giúp người Mỹ mua xe chạy bằng điện. Trong các điều khoản, có phần trang bị các trạm sạc điện tại gia cũng như cơ sở thương mại. Tại gia thì có thể được khấu trừ tối đa $1,000.


Nay lại khám phá ra có thể được khấu trừ 30% chi phí lắp đặt và thiếc bị sạc điện cho xe điện EV nên năm nay mình phải điền cái đơn 8911. Form 8911 

Hôm qua mình và thằng con chạy xe lên vùng Lancaster để xem một trung tâm thương mại, đang rao bán. Mình tính đặt thêm vài trạm sạc điện cho xe điện trước tiệm nail nên hỏi xem có được đền bù gì không thì được biết là thương mại sẽ được khấu trừ tối đa $100,000 cho một trạm.


Tín dụng thuế liên bang, thường được gọi là tín dụng thuế 30C, chi trả 30% chi phí lắp đặt và thiết bị sạc EV. Đối với các cơ sở lắp đặt ngoài nhà ở, tín dụng thuế lên tới 100.000 đô la. Bắt đầu từ năm 2023, khách hàng phải tuân theo các hướng dẫn về tiền lương và thực tập hiện hành để lắp đặt hoặc khoản tín dụng bị giới hạn ở mức 6% chi phí. Trạm sạc điện cũng phải được đặt trong "vùng điều tra dân số" đã được phê duyệt. Muốn được khấu trừ khoản tín dụng trên tờ khai thuế Liên bang của mình bằng cách hoàn thành biểu mẫu 8911.


Các công ty thương mại có thể nhận được 6% ngân sách dự án, tối đa là $100,000. Với điều kiện các trạm sạc điện phải nằm trong khu vực hội đủ điều kiện như:


20% hay hơn về tỷ lệ người nghèo.

Không thuộc vùng đông dân cư: gia cư có lợi tức trung bình thấp hơn 80% trung bình của tiểu bang.

Vùng dân cư có lợi tức thấp hơn 80% cư dân của tiểu bang. Bạn có thể xem đường link này để biết khu vực bạn muốn thực hiện các chương trình sạc điện cho xe điện. US Treasury’s Community Development Financial Institutions Fund map 


Ngoài ra có thêm phần tín dụng 6%, tối đa là 5, có thể hưởng tín dụng được 30% (6% x5). Với điệu kiện các công ty này trả lương nhân công đúng theo quy chế của tiểu bang về đào tạo nhân viên: xem phần anh văn.

  1. Wage Requirements: Laborers and mechanics are paid prevailing wages during installation
  2. Apprenticeship Requirements: Qualified apprentices perform no less than:
    • 10% of total labor hours for projects beginning in 2022
    • 12.5% of total labor hours for projects beginning in 2023
    • 15% of total labor hours for projects beginning after 2023

Mình đang dự định mua một khu chung cư ở Rosemond, Cali. Định sẽ thiết bị vài trạm sạc điện để giúp các tiệm ở đây kiếm thêm khách như tiệm nail, khách vào lâu, có thể vừa sạc điện vừa được dũa móng tay. Để xem ra sao. Ai có cơ sở thương mại thì nên tìm hiểu thêm vụ này để giúp phát triển công ty của mình.


Ngoài ra tổng thống Biden, có chương trình $900 tỷ để xây dựng 100 triệu trạm sạc điện cho xe điện trên 35 tiểu bang, suốt 53,000 dậm xa lộ. Mấy chủ cây xăng tha hồ mà vớt.



Nguyễn Hoàng Sơn 

Đường Phan đình Phùng xưa

 Hôm nay, ngồi xem lại một vài tấm ảnh Đà Lạt, thấy mấy tấm chụp trước Mậu Thân, hình ảnh một khúc đường của Phan Đình Phùng từ đầu đường, ngã ba Duy Tân đến cầu Cẩm Đô. Khúc này mình ít quen ai và ít khi đi ngang, ngoài trừ đến tiệm thuốc bắc của ông Huỳnh Ôn nên tải lên đây cho các bác xem. Biết đâu lại có bác nào ở khu vực này, cho biết thêm tin tức về Đà Lạt thời xưa.

Đây là đầu đường Phan Đình Phùng, ngay ngã Ba Duy Tân. Nhà 2 tầng bên trái gồm có phòng mạch của bác sĩ Phạm Trọng Lương ở trên và nhà bảo sanh Trương Thị Lập ở dưới, nơi cô em kế mình được sinh ra tại đây. Đi tới chút nữa là nhà của Nguyễn Minh Dũng, học Adran, đánh bóng bàn. Nghe anh chàng kể là nay vẫn tiếp tục đánh bóng bàn ở Bolsa. Mình có nói chuyện vài lần nhưng không có duyên để gặp lại. Cứ mỗi lần hẹn, cuối cùng anh chàng bị bận gì đó. Kế nhà hai Bác Nguyễn Đình Thừa là nhà cậu Đằng, hình như Lê Minh Đằng, bà con với mẹ mình, hay chạy chiếc xe Lambretta hai bánh, hướng đạo Lâm Viên. Mình không biết bà con ra răn, chỉ nhớ lâu lâu, cậu chạy xe lên nhà mình, thăm bà cụ. Hình như mình có gặp lại con trai của cậu một lần ở Bolsa.
Kế bên cạnh nhà cậu Đằng, là tiệm bán than bên tay trái. Thấy mấy bao tải đựng than. Mỗi tháng, ông chủ chở bằng xe Renault đến nhà mình 1 bao tải lớn than. Sáng sớm, mình có nhiệm vụ, chặt than ra từng miếng nhỏ, lấy ngo, chẻ nhỏ rồi chụm cái lò than, khi nào cháy hồng thì đem vào nhà nếu không thì khói um nhà. Để nấu nước sôi pha trà cho ông bà cụ, và mấy người em uống sữa sáng trước khi đi học. 
Lò than nấu khi xưa. Mẹ mình bán khá nhiều, 1 tháng độ 20 cái lò này.
Lò dầu hôi thay thế lò than, nhẹ hơn, không có khói

Sau này, khi lò dầu hôi được CHợ Lớn sản xuất thì thiên hạ hết xài bếp than, mẹ mình khi xưa bán bếp than làm bằng đất sét nhưng từ từ phải chuyển qua bán lò dầu hôi. Lúc đó mới thấy, kỹ nghệ mới sẽ sinh ra công việc làm khác nhưng lại loại bỏ một số nghề cũ. Đốt than thì người ta cần ngo. Ngo Đà Lạt là do người Thượng ở trong Cam Ly, kiếm trong rừng đem ra chợ bán, đổi lấy gạo muối. Khi người ta xài dầu hôi thì nghề làm than cũng tịt ngòi cũng như mấy bà Thượng hết đem ngo ra bán ngoài chợ.
.
Đây là khúc gần trường học của người Tàu Tân Sanh. Hình này chụp thời xe gắn máy Nhật Bản chưa qua, thấy tiệm sửa xe Ischia và Goebels nên đoán trước năm Mậu Thân. Phía tay phải mình chỉ biết nhà của anh Paul, đá banh, sau bị Việt Cộng gài lựu đạn nơi xe chết ngay bãi đậu xe của nhà hàng Nam Sơn với ông Thanh, bầu đội đá banh Đà Lạt. Sau khi ông Thanh chết thì đội banh mới nhờ ông cụ mình là ông bầu. Anh Paul có hai cô em gái học Văn Học, một cô tên Ngọ và Dậu. Cô Ngọ , khi xưa vào lớp hay bị chúng chọc, hát em tan trường về, trường tan em về. Cô Dậu nay ở Đức quốc.
Nhà số 28 sau 75, đoán là năm 1991 do ông nhật Kuro chụp. Năm 1992 mình về Đà Lạt, te tua như vậy, nhìn không ra.

Khúc này có tiệm thuốc bắc của ôgn Huỳnh Ôn, đẹp trai, hay bận áo Par-dessus, đội mũ phớt Borsalino, đi khám bệnh. Mỗi lần mẹ mình ở cử hay mang thai là uống thuốc tể của ông ta. Mình đen vì khi có mang minh, mẹ mình uống thuốc tể Huỳnh Ôn. Sau này, bà vợ lớn sinh được một cô con gái, nên cưới chị Bảy về sinh con trai cho ông ta.
Đây là khúc đi qua trường Tân Sanh. Chiếc xe mì này hình như có dạo hay đi vào buổi chiều ở đường Hai Bà Trưng. Người con trai lớn hơn mình một vài tuổi, đi trước, lấy cái đồ gõ cóc óc, kêu mì đây. Có lẻ vì vậy mà người ta kêu “mì gõ”, đi ngoài đường, đẩy suốt đường, và gõ thay vì kêu mỏi mồm. Sau Mậu Thân thì hết thấy họ đẩy xe đi, có lẻ vì giới nghiêm hay mất an ninh. Cuối tấm ảnh là khu nhà bà Giáo Trình, cho vay tiền, có con dốc đi lên từ đường Phan Đình Phùng, đối diện khách sạn Cẩm Đô mà dân Đà Lạt hay gọi Dốc Nhà Làng. Không hiểu lý do, ai biết thì cho em xin. Từ nhà mình ra chợ, phải đi qua con đường này và leo dốc Nhà Làng. Đi ngang nhà ông Giáo Trình, hay gặp nên phải chào bà. Chỗ này có ông cống chảy từ trên Mình Mạng xuống nên đen xịt và thối nhất là về mùa nắng.
Nhà hàng và khách sạn Cẩm Đô, ở ngay ngã ba Phan Đình Phùng và cầu Cẩm Đô, trước kia còn được gọi cầu Ông Cửu Huyền. Nhà hàng này của anh ông bà Thiên An Đường (tiệm thuốc bắc Con Cua). Sau này qua Pháp, mình có ghé thăm vài lần, được ăn lại món mì hoành thánh Cẩm Đô. Dân Đà Lạt khi xưa, mới qua Pháp thì mình có ghé thăm ở trại tạm cư là gia đình tiệm thuốc tây Mình Tâm, bạn của mẹ mình khi ở tù thời tây và nhà hàng Cẩm Đô. 
Hình này cho thấy bên phải là ba căn nhà mới được xây cất trước khi mình đi Tây của tiệm chụp hình Mỹ Dung, của ông bà Đoàn và người thứ 3 không nhớ tên. Hình như của tiệm thuốc tây Minh Tâm. Có lần bò vào đây nghe mấy ông thần Yersin tập hát. Chỉ nhớ Trình chơi trống, em anh chàng Chương, con ông bà Đoàn, khi xưa học chung với mình, du học ở Hoa Kỳ. Nay là rể của cô chú Phấn, bạn của mẹ mình.
Đây là khúc tiệm thuốc Bắc Ngô Như Khương. Cái quán bán báo này thì mình nhớ nhiều. Mình hay bị sai ra đây mua báo cho ông cụ. Họ có bán kẹo cao su thơm như múi mít. Nhai nhai rồi thổi cái bong bóng thật to. Mấy đứa em thấy thèm xin, lấy từ mồm ra, đày nước miếng cho chúng nhai ké rồi anh em thay phiên nhau nhai kẹo cao su. 

Nhà hai tầng phía cuối là dãy nhà của nhà Đinh Anh quốc, học chung khi xưa. Ông nội của anh chàng này là xếp của ông cụ khi đi lính Ngự Lâm Quân cho ông Bảo Đại. Khi xưa, ông cụ mình hay dẫn mình đến đây gặp vị chỉ huy cũ. Nhà Anh quốc ở lầu trên, ở dưới thì cho người ta mướn làm tiệm hớt tóc Như ý. Trước tiệm Ngô Như Khương, có xe mì, sau này dời về bên hông của khách sạn Cẩm Đô, rất nổi tiếng. Mỗi lần đau, mình hay đến ăn mì có hẹ nên hết đau.

Thôi ngưng ở đây. Hôm nào buồn đời, mở thêm mấy tấm ảnh khác rồi kể tiếp. Xộn gom

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 
Nguyễn Hoàng Sơn 






Nhịn đói 2 ngày để ăn cưới


Hôm nay, mình đặt hệ thống wifi trên vườn, sử dụng năng lượng mặt trời để có thể ở nhà, hay bất cứ nơi nào trên thế giới, tự động tắt mở hệ thống tưới nước. Đi chơi khắp thế giới, có thể xem tình hình ở vườn bơ để tưới hay tắt. Trước đây, mùa hè mình không dám đi chơi vì sợ bể ống nước. Nay chính phủ Cali, đã cho tiền thay thế hệ thống nước mới với ống dầy hơn nên coyote không cắn xé nữa nhưng nhiều khi trời nóng thì cần tưới thêm khi các dụng cụ, thiết bị được chôn dưới đất, đo lường sự ẩm thấp của đất, báo cần tưới thêm nếu không thì trái bị rụng như lá mùa thu là ngọng.


Mình mua hệ thống của Trung Cộng sản xuất do một bà tàu lấy chồng Mỹ bán nên khi tải phần mềm thì toàn chữ tàu, phải gọi họ, giải thích nhấn chỗ nào để cho vào máy điện toán. Chỉ phiền là người Tàu làm cái App cho Android, không có IOS thì chưa làm nên phải mua một cái điện thoại khác Samsung để sử dụng. Nay phải vác theo hai cái điện thoại. Chán Mớ Đời 


Vợ dặn về sớm, đi dự đám cưới con gái người bạn học cũ Đà Lạt, khởi đầu từ 3 giờ chiều. Trên đường về mới nhớ là 48 tiếng qua chưa có hạt cơm trong bụng vì không đói. Mình khi nào đói mới ăn, còn không thì nhịn. Mấy hôm nay, ngoài gắn hệ thống wifi, còn phải hái bơ cho cô cháu bán ở bolsa nên mệt. Mệt thì không đói.


Đám cưới được tổ chức ở khuông viên của 1 khách sạn ở Newport Beach, trên đảo Lido. Đến nơi là thấy trên bàn cái hộp nhỏ bằng thủy tinh pha Lê, nhét cái thiệp với tấm ngân phiếu mừng cô dâu chú rể, nhẹ nhàng, không như các thùng Phước Sương to đùng ở đám cưới Việt Nam trong tiệm ăn tàu. Năm nay, chưa chi đã thấy có 3 cái đám cưới. Lại tốn tiền. Một cái phải bay đến Boston.

 Bố mẹ cô dâu là bạn học Đà Lạt khi xưa. Đám cưới Việt-Mỹ nên không mời nhiều. Nghe kể là trả trên $200,000 cho 80 người tham dự. Một ngày lấy chồng, một đời trả nợ. Mình đang lo vì con gái đang bồ với một tên Mỹ trắng. Á châu thì làm đám cưới nhà hàng tàu, có màn đi chào bàn, gỡ vốn. Ở Hoa Kỳ, nhà Gái trả tiền đám cưới, còn nhà Trai trả tiền đi tuần Trăng Mật mua một tặng 1. Thân hữu, tặng quà, đã ghi danh tại các tiệm bán đồ dùng tại gia. Mình đi tiền tươi cho chắc ăn.


Tiền hoa giá $6,000, tiền chụp hình và quay video là $9,000. Khi xưa, mình lấy vợ, trả $500 đã xót ruột. Video xem được một lần, nay chả biết để đâu. Nghe nói cô dâu và chú rể mướn một ê kíp chụp hình vi zeo từ San Jose xuống, trả tiền phòng khách sạn cho họ. Thêm wedding planner và 3 người phụ là khẩm. Phần ăn thì $150/ người. Mình đếm được 82 cái ghế ngồi trên bãi cỏ giả. 


Đám cưới Mỹ thấy nhẹ nhàng, không ồn ào, chỉ mời những người nào thân thích, ruột thịt, bạn cực thân, không như đám cưới việt, mời hết Bolsa dù chỉ quen sơ sơ, thậm chí nhiều người mời mình ăn cưới mà chưa bao giờ gặp mặt. Mẹ cô dâu mời hai cô em ruột và vợ chồng mình. Còn toàn là bạn của cô dâu chú rể. Mình chưa bao giờ biết mặt hai cô em nên khi đến nơi, không biết ai nên chỉ lớ ngớ, tỏ ra yêu vợ, chụp mình vợ tạo dáng.


Có chị ở Đức quốc, kể đám cưới thằng con ở Hoa Kỳ. Chị ta được vợ chồng thằng con mua cho vé, bay từ Đức quốc đến một khu nghỉ dưỡng ở Mexico, rồi đến ngày, gia đình bên vợ bay đến. Cả hai gia đình ở trong khu nghỉ dưỡng 1 tuần để làm quen nhau, gặp dâu lần đầu tiên và sui gia rồi làm lễ đám cưới. Sau đó ai nấy bay về nước đó. Tiện và rẻ. Nhớ đám cưới mình, phải ngồi đếm tiền chào bàn, để trả tiền nhà hàng. Hú hồn, vừa đủ tiền nếu không, chắc dẹp chuyện tuần trăng mặt.


Khi xưa, đám cưới đủ trò nhưng ngày nay ly dị như thay áo cưới nên không biết có nên làm đám cưới hay không. Còn thân hữu tự hỏi có nên đi ăn cưới hay không vì 1, 2 năm sau lại được mời đi ăn cưới lại. Để tránh trường hợp tưng bừng đám cưới âm thầm ly dị. Mình bị mấy cú, đám cưới hoành tráng, mời cả 1,000 người, rồi một năm sau nghe nói ly dị, rồi vài tháng sau lại nhận thiệp mời ăn đám cưới thứ 2. Mình từ chối đóng tiền để xem tập hai, nếu không phải chơi thêm tập 3, tập 4.


Đang ngồi nói chuyện, cháu của anh bạn đến chào, anh ta cho biết, mốt thằng cháu và cô hôn thê gốc Đài Loan, bố mẹ hai bên và họ hàng đúng 10 người ra nhà hàng tàu, ngồi một bàn 10 người để ăn bữa tiệc đám cưới vì không có tiền toor chức đám cưới theo kiểu một ngày cưới vợ, một đời trả nợ. Người cháu là kiến trúc sư, chắc đói như mình. Gia đình cô vợ cho chút tiền để đặt cọc mua một căn nhà 1.4 triệu, mỗi tháng trả tiền nhà là $6,000. Điên! Kiến trúc sư là người đi trên mây nên không biết tính toán về tài chánh. Trả $6,000/ tháng nghĩa là hai vợ chồng đi làm $10,000/ tháng, trả thuế $4,000. Xem như trả $10,000/ tháng trước khi khai thuế. Mình chỉ biết chúc mừng người cháu, uốn tóc theo kiểu tài tử Hàn Quốc.


Chương trình bắt đầu 3 giờ, hai vợ chồng đến đúng giờ, không quen ai hết nên chỉ biết lớ ngớ chụp hình mụ vợ và ăn món khái vị cerviche trong tiếng nhạc của ban nhạc Mỹ với vĩ cầm éo éo của Bach... Đến 3:30 thì làm lễ đúng như chương trình, không có giờ cao su như đám cưới thuần việt. Chú rể và mẹ đi ra rồi đến cô dâu và bố mẹ xuất hiện. Có ông dẫn chương trình nói vài câu, rồi hai bên tuyên thệ, sông có cạn núi có mòn song mối tình hữu nghị Việt Mỹ đôi ta sẽ đời đời bền vững, không bao giờ thay đổi, sẽ không có ngày 30/4, vạn người vui triệu người sầu. Chú rể hơn cô dâu 13 tuổi. Rồi cho bà con uống rượu, ba la qua rồi 5:00 giờ thì nhập tiệc. Chú rể 50, cô dâu 37. Quá hợp. Đám cưới Mỹ thì quan trọng nhất là rượu. Cô dâu chú rể cho quan khách uống thả dàn, không phải trả tiền như đám cưới Việt. Mình không uống rượu nên đỡ tiền cho cô dâu chú rể.


Lần đầu tiên trong đời, đi ăn cưới, thấy tấm thực đơn, in tên mình ngồi bàn nào và ghế nào. Vợ chồng mình được sắp xếp ngồi với bố mẹ cô dâu, bố mẹ chú rể và dì cô dâu. Ăn được 1 món chính rồi xong. Được cái là ăn ngon. Nhất là nghe ban nhạc thính phòng, chơi nhạc du dương, không có quan khách lên hát karaoke “Đồi thông hai mộ” như ở Bolsa. Có lần đi ăn cưới, dì của cô dâu lên hát bài Đồi Thông Hai mộ, vừa dứt thực khách đang réo nhau đưa lọ xì dầu, bà dì kêu để đáp lại yêu cầu của quý khách, xin được hát thêm Người ở lại Charlie. Chán Mớ Đời 


Khi mình trả lời đi dự đám cưới, hỏi mụ vợ ăn thịt hay rau, để báo cho ban tổ chức biết. Mụ vợ kêu rau, bụng to rồi. Mình ghi phần ăn cho đồng chí gái là ăn chay, còn mình thì ăn thịt. Đến khi họ dọn lên bàn, mụ vợ lấy đĩa thức ăn của mình, đổi đĩa thức ăn rau của mụ. 48 tiếng nhịn ăn để đi ăn cưới, nay lại được ăn rau. Ngồi cạnh ông chồng Mỹ của dì cô dâu. Ông này về hưu, cứ mở điện thoại, đưa hình ra cho mình xem, hình mấy cây chanh, cam của nhà ông ta rồi giảng mình về cách trồng cây, đủ trò. Mình vừa nhai vừa u chau hay hè.


Ăn xong, họ đến kêu cả bàn đến chụp hình với cô dâu chú rể, rồi lên sân thượng để ăn bánh cưới nhưng ngoài trời, ngay biển, lạnh nên hai vợ chồng dọt về. Tính hôm nay lên vườn lại nhưng có con gái từ New York về, ở nhà đi ăn với con cháu. 


Ở Hoa Kỳ, theo truyền thống thì cô dâu trả tiền cho tiệc đám cưới, còn chú rể thì lo tuần trăng mật. Nghe anh bạn kêu bố chồng trả gần như hết. Gia đình chồng chỉ có một người con trai. Ông bố giàu, thích đạp xe đạp, có lần ông ta đến tiểu bang Dakota để đạp xe đạp. Leo dốc ra sao bị đột quỵ, nằm bên đường, nơi khỉ ho cò gáy. May gặp cảnh sát đi tuần chở vào bệnh viện, nay phải chống gậy. Mẹ chồng thì 77 tuổi, thấy tay bắt đầu rung, ngồi chung bàn với vợ chồng mình. Có lẻ vì vậy mà chú rể đăng ký làm đám cưới sau 11 năm đả thông tư tưởng. Mình chừng 11 ngày là thấy hợp hay không hợp. Đăng ký quản lý đời nhau ngay.


Mẹ cô dâu mừng quá, kêu con gái 37 tuổi rồi, mình lo cho nó xong để thanh thản. Con trai, bồ với một cô nào, sống chung từ 4 năm nay, cũng chả chịu lên xe bông, được cái là anh bạn kể, nó kêu khi nào bố mẹ già hơn tí, bán nhà về ở với tụi con. Mừng cho anh bạn. Nói khi bán nhà thì bán cho mình. Nhà họ ở khu R-3, có thể xây được 3 căn hộ trên Los Angeles. Chị bạn học cũ Đà Lạt, học giỏi, Việt Cộng không cho đi học sau 75, vượt biển, định cư tại Hoa Kỳ. Làm nghề uốn tóc, hy sinh đời mẹ củng cố đời con, giúp con mua nhà cửa. Cực giỏi. Mình nhớ năm 1986, qua Hoa Kỳ chơi lần đầu tiên, anh bạn Chử Nhị Anh, lái xe từ San Diego lên Los Angeles, đưa mình đến thăm mẹ cô dâu mới sinh con.


Vợ chồng anh bạn lâu nay ít gặp nhất là từ covid đến giờ. Anh bạn kêu chích một mũi covid xong là tưởng chết, bị thuốc hành quá cở, về hưu luôn. Anh ta kể cái tay bây giờ run run, phải đeo cái đồ băng lại thì mới viết được. Trí nhớ bắt đầu quên trước quên sau. Nghỉ hưu ở nhà xem phim bộ hàn quốc hay tàu. Đi ra đi vào, là quên đang xem tập nào, thế là phải xem lại từ đầu. Chán Mớ Đời 


Anh ta kể nhà có nuôi mèo hoang, đi lang thang, đến nhà nên nuôi. Anh ta ra chợ của Đức quốc, mua thức ăn cho mèo, sản xuất từ Đức quốc. Đem về, mèo hoang bò lại, ngửi ngửi rồi lắc đầu bỏ đi, chê đồ ăn Tây. Buồn đời, anh ta đem cho mấy con mèo hoang khác ở bên cạnh nhà ăn. Cũng cũng meo meo rồi bỏ đi, chê thức ăn tây. Mèo này chỉ thích ăn thức ăn đã được kỹ nghệ hoá. Mập như người Mỹ. Sáng nay, mình nghe France culture, họ cho biết hiện nay có đến 2 tỷ người khắp thế giới bị bệnh béo phì. Lý do là ăn thực phẩm được kỹ nghệ hoá như Hoa Kỳ. Bên tây, con nít cũng bị bệnh này.


Anh ta kể về hai anh bạn thân của anh ta mà mình có gặp vài lần. Một anh thì dọn về San Diego, tuần nào cũng gọi điện thoại, rủ xuống bolsa uống cà phê. Anh ta kêu từ El Monte, lái xe 45 phút để uống cà phê mà nay mắt lại yếu. Chán Mớ Đời. Anh bạn này, về hưu, giờ nổi tiếng ở San Diego qua bản nhạc “si l’amour existe encore”. Mình để ý, đi đâu anh ta cũng hát bản này, sau đó đi xuống, không hát tiếp dù được vỗ tay, yêu cầu hát thêm. Nhờ bản này mà được vợ ở San Diego. Anh chàng này học trên mình một năm ở Yersin, dân Dốc Nhà Bò.


Thật ra từ ngày chích ngừa covid, anh ta thấy mờ mắt, không nhìn rõ nên lái xe hơi ngại. Anh ta nói, giờ tôi nhìn thấy cái bóng của anh thôi, muốn nhìn được nét mặt thì phải đến gần. Tôi lái xe, nay không thấy tên đường, chỉ chạy theo trí nhớ loang quanh gần nhà như đi chợ. Từ Covid đến giờ, mỗi lần đồng chí gái tổ chức họp bạn không thấy hai vợ chồng này đến. Đó là lý do, không lái xe ban đêm được. Có mấy cô bạn học cũ khi xưa Đà Lạt cũng thuộc diện này. Mê hát lắm mà cứ réo mình đi chở mấy cô vì chồng đến giờ là đi ngủ, còn mắt thì yếu dần. Mình thì bận dọn rác vì dân cỡ tuổi mình nhìn thùng nước đá ra thùng rác.


Một anh bạn thân khác thì ly dị. Nên buồn đời vào bar uống rượu, té cái đùng trên sàn nhà, bị liệt từ trên xuống dưới. Vào viện dưỡng lão thì không đủ tiền trả hàng tháng nên có cô bồ cũ kêu đem về Việt Nam, cô ta nuôi. Mỗi tháng tiền già và anh chị em đóng góp $2,000, gửi cho cô bồ cũ. Mướn một căn hộ $800, và lo cho anh ta ăn uống. Cứ 6 tháng lại đi xe qua Tây Ninh rồi Cao Miên, để vào Việt Nam lại, được cấp chiếu khán mới. Buồn đời, anh ta nhập quốc tịch Việt lại, khỏi mất công đi xuất ngoại, tốn tiền. Cứ 2 tuần thì Viber với nhau. Cho thấy về già, cô độc, mắt kém trí nhớ kém, cao mỡ cao máu cao đủ trò, bạn bè cũng xa dần. Anh bạn được cô bồ cũ ở Việt Nam chăm sóc là may mắn đời người. Dư chút đỉnh thì cô ta cất làm của hồi môn.


Hôm nay, lên nhà thờ gặp ông cha bề trên của anh bạn linh mục mới qua đời. Anh bạn có nhờ mình xem để nới rộng khuông viên nơi hang đá nhưng chưa chi anh ta đã được Thiên Chúa gọi về tháng trước. Nay mình lên để xem, tiếp tục chương trình này. Mình gọi thợ hẹn tuần tới họ đến để xem và cho biết giá cả. Cha mời mình ở lại ăn cơm với các con chiên của cha. Mình là người lương độc nhất, chậm rãi ăn, chánh niệm trong tiếng hát của ca đoàn mừng Chúa. Ăn xong, mình xin phép cha rồi dọt về, đi lấy tiền nhà vì cuối tháng. Xong om


Hôm nay, lại chạy lên vườn, hái bơ để gửi cho mấy người bạn và cô em ở Phila. Tuần tới, cho thợ hái hết cho xong, để hoa ra trái cho mùa sau. Dạo này hoa nở khắp vườn, rất đẹp và thơm nhất là khu vườn bưởi và chanh, và quýt. Thơm ngất ngư. Đúng là sơn đen lạc giữa rừng hoa. Để hôm nay mình đem bị lên hái hoa bưởi về pha trà cho vợ uống.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 







5 điều cần làm khi lớn tuổi


Đi chơi miền Tây BẮc, có mấy người bạn hỏi mình về những giấy tờ cần làm để lỡ một mai, trả nhớ về không, hay bị tai nạn, hay được Chúa gọi về Thiên Quốc… Mình có nói sơ qua, hứa về nhà, mình viết cho rõ hơn và nhắc họ nên tìm luật sư, chuyên về luật gia đình mà hỏi. Lý do là luật sư có nhiều ngành, kiếm ông hay bà luật sư chuyên lo tai nạn xe cộ thì chắc chắn sẽ không rành về di chúc, họ sẽ đưa cho luật sư chuyên về gia đình và ăn thêm tiền Cò, mình tốn thêm tiền.


Có một điều chắc chắn trên đời là một ngày nào đó, chúng ta sẽ hát “Khúc Thuỵ Du”. 


Hãy nói về cuộc đời

Khi tôi không còn nữaSẽ lấy được những gìVề bên kia thế giới
Đừng bao giờ em hỏiLiving trust anh để đâu
Living will anh để mô 
Power attorney sao anh không chịu làm
Vì sao, và vì sao

Vấn đề là chúng ta không biết khi nào sẽ ra đi. Trời kêu khi nào thì dạ thôi. Chúng ta có thể phó thác số mệnh của mình vào Phật, vào Thượng Đế nhưng tài sản trên thế gian này thì không, vì Chúa Phật không cho phép mình mang theo. Vấn đề là con cháu sau khi khóc thương, sẽ quay sang chửi thề, khi đi tìm giấy tờ để nộp cho toà thừa kế. Sang hơn một tí thì chửi nhau, đem nhau ra toà vì chia chác không đồng đều.


Trường hợp ông Ron, nuôi ong trong vườn mình. Ông không làm living trust vì sợ bà vợ thứ 3, hay thứ 4 gì bỏ ông ta ở lứa tuổi U80. Chia gia tài, bán nhà,… một mặt ông ta muốn bà vợ cuối cùng, hưởng hết những gì ông ta có, nếu ông ta gặp mệnh hệ nào, nhưng không muốn con riêng của bà vợ hưởng tài sản của ông. Ông muốn khi bà vợ chết thì tài sản của ông sẽ được người con trai thừa kế. Bà vợ cứ rên với mình. Mình thì chả biết nói gì vì không phải mục sư. Ông ta chỉ nói với mình trong khi bà vợ thì chả bao giờ được ông ta thố lộ.


Mình là nông dân thuần chất, thiên hạ cứ hay hỏi mình ba vụ liên quan đến thừa kế, chết chóc, như thể mình là mục sư hay sư ông tài chánh để họ xưng tội. Chán Mớ Đời 


Một anh bạn khác kể, bà mẹ qua đời, nay chỉ còn ông bố ở tiểu bang khác, có nhà ở Cali, không muốn về Cali ở, để gần con cháu. Tin dị đoan gì đó của người Việt, thay đổi phong thuỷ, là đi tây phương luôn. Không chịu làm di chúc, để Chúa thử thách đàn con U70. Con cháu đều khá giả, không cần tiền của ông bố nhưng muốn lỡ có chuyện gì thì con cháu có thể quyết định dùm về sức khoẻ, tài chánh,… lâu lâu nói chuyện với mình để than. Mình nói để lần sau, ông bố đến Cali thì mình nói chuyện còn không cứ lấy bài này, đưa cho ông bố đọc. Thật ra làm khi còn trẻ chớ giờ thì gần đất xa trời, con người lại ngại. Lý do là sắp thấy quan tài nên không muốn làm giấy tờ.


Do đó, thay vì mở Karaoke hát Khúc Thuỵ Du, dành 1 tiếng mỗi ngày, tìm lục giấy tờ, xếp cho ngay ngắn, theo thứ tự, viết di chúc, làm sẵn giấy tờ cần thiết, để một khi bị trả nhớ về không, tại nạn, đột quỵ hay nằm xuống bất ngờ, tránh làm khó khăn cho người thân ở lại. Hôm qua, đi ăn cưới, có anh bạn kể là dạo này, trí nhớ bắt đầu có vấn đề. Về hưu xem phim đại hàn, đi ra đi vô quên mất đang coi tập nào, lại phải coi lại từ đầu. May không phải video như xưa, nên chỉ mò mò một tí thì tìm ra ngay. Bạn bè ở xa, lái xe đi xa không được vì mắt mờ, nên chỉ đi vô đi ra vườn, cho mèo hoang ăn. Ở lứa tuổi mình, bệnh già thì có người đến rất nhanh có người đến chậm hơn và chúng ta ý thức được.

  1. Điều cần thiết thứ nhất tại Hoa Kỳ, phải làm giấy uỷ quyền lâu dài về chăm sóc sức khoẻ (durable power of attorney for health care). Power of attorney là giấy uỷ quyền, cho phép một người hay nhiều người, hay một pháp nhân, có thể thay mặt mình để lấy quyết định về pháp lý hay tài chánh. Giấy uỷ quyền lâu dài về chăm sóc sức khoẻ cho phép con em chúng ta lấy quyết định về sức khoẻ trong trường hợp chúng ta, không có khả năng quyết định như bị mất trí nhớ, bị coma, bị đột quỵ,… như đồng ý hay không muốn các chăm sóc y tế, chữa bệnh, như rút ống nếu bị coma,… cho phép được xem hồ sơ y tế, và quyết định đưa bố mẹ vào các viện dưỡng lão,… giấy uỷ quyền cần phải có thêm "HIPAA release," cho phép con cháu xem hồ sơ y tế (medical records) và quyền bàn tính, và nghe bác sĩ của mình về điều kiện chữa bệnh và chăm sóc. Mỗi lần đi gặp bác sĩ mới, họ đều đưa chúng ta tờ giấy này, để ký, cho phép ai, có quyền xem hồ sơ bệnh lý của mình để giúp họ quyết định theo di chúc của mình.
  2. Medical directive (living will):  “living will” cho phép người thân, quyền quyết định về y tế cho cha mẹ dựa theo nguyện vọng của người thân. Thí dụ người nào thương chồng thì cho phép rút ống khi mình nằm coma, để ông chồng có thể đi lấy vợ trẻ đẹp hơn. Ngược lại không muốn chồng đi lấy vợ khác, sợ nó lấy hết gia tài thì đừng uỷ quyền để ông chồng không thể xin giấy “ chứng nhận công hàm độc thân”. Nhớ mình mới sang Hoa Kỳ, có vụ 1 bà nào nằm coma, ông chồng đòi rút ống nhưng bà mẹ vợ không cho nên hai bên kiện nhau ra toà đâu 10-12 năm sau, toà mới phán cho phép ông chồng rút ống để được đi lấy vợ khác.
    Con cháu thường đứng trước vấn nạn, lấy quyết định về sức khoẻ cho cha mẹ. Có ai dám quyết định rút ống  thở cho bố mẹ mình, sợ mang tội bất hiếu, đóng vai Dương Bất Hối, trong truyện của Kim Dung. Do đó living will là cách tốt nhất chúng ta làm để con cháu khỏi ngại ngùng rút ống, không cãi vã. Chỉ thị y tế (medical directive) được pháp lý công nhận khi các trường hợp như cho phép bác sĩ kê thuốc giảm đau, antibiotic, hay rút ống thở,… nếu không có giấy này, thì khi đụng trận, con cháu lại cãi nhau đủ trò.

    Mình đang thương lượng để mua một chung cư từ 9 anh em của bố mẹ để lại. Họ cãi nhau như mỗ bò, đòi thưa kiện nhau ra toà. Cuối tuần này, mình có gặp 6 trong 9 người con. Trong gia đình, lúc nào cũng có một hay người cứ làm khó dễ vì bị lấn át vai vế từ nhỏ nên nay là lúc trả thù. Nếu mình không mua thì chắc chắn anh em đưa nhau ra toà và cuối cùng bán rẻ để trả luật sư phí. Cách đây mấy tháng có người trả 2.1 triệu, họ cãi nhau như mỗ bò, nay còn lại 1.9 triệu, nếu tiếp tục thì cuối năm này xuống 1.7 triệu hay triệu 6. Nếu mấy anh em có chút suy nghĩ thì mượn cái nợ, chia nhau xài. Thí dụ: 5 căn hộ có giá 2 triệu, họ có thể mượn ngân hàng 1.5 triệu, chia nhau xài, mỗi tháng vẫn được $10,000/ tiền thuê nhà để trả ngân hàng, và trừ thuế thêm một chút tiền thuê nhà dư lại. Cứ 5, 10 năm, tái tài trợ 5 căn hộ kiếm chút tiền rút nhau đi chơi thay vì cãi nhau, bán rẻ rồi chẳng còn gì. Rồi lại hát Khúc Thuỵ Du, vì sao và vì sao.

    3. Di chúc (a will) là giấy tờ cần thiết trước khi bố mẹ cần đến sự chăm sóc của nhà thương, viện dưỡng lão, hay chia gia tài cho con cháu,... Nhiều người cứ lưỡng lự, lo ngại viết di chúc của họ vì lo ngại, hay cảm thấy khó khăn lấy quyết định làm cách nào để chia tài sản cho con cháu. Di chúc là giấy tờ được bảo đảm trên mặt pháp lý để kẻ ở lại, theo di chúc của mình thực hiện những nguyện vọng, điều mong muốn của mình. Rất quan trọng để tránh hoàn cảnh con cháu đưa nhau ra toà. Hôm qua, mình đi gặp 6 anh em của một gia đình người Việt tại quận Cam, để bàn mua lại mấy căn hộ của bố mẹ để lại. Có 3 người trong số 9 anh em muốn thưa nhau. 
            Di chúc có thể viết tay, không cần luật sư, chỉ cần có người làm chứng hay thị thực chữ ký. Viết tay cũng được như trường hợp ông Larry King, viết di chúc cuối cùng bằng tay, loại bà vợ cuối cùng, không được thừa hưởng gia tài của ông ta.

    4. Giấy uỷ quyền lâu dài về tài chính (durable power of attorney for finances) cho phép con cái đã trưởng thành, hay 1 pháp nhân, thay mặt mình, để lo, quản trị về tài chánh cho mình. Cho phép con cháu có thể thay mặt mình để trả tiền, rút tiền hay đầu tư từ các trương mục ngân hàng, quỹ hưu trí,… đóng thuế hay bán nhà cửa để trả y phí,.. con cháu có thể mướn một người nào khác như chuyên gia tài chính, luật sư để làm hộ cho mình nếu không rành về đầu tư. Mình có nghe một câu chuyện, ông kia làm ăn, có công ty riêng. Khi chết, trương mục ngân hàng, không có chữ ký của bà vợ nên bà ta không được ký ngân phiếu trả nợ, thanh toán các biên lai, khiến ngân hàng tịch thâu nhà cửa, đuổi cổ bà ta ra. Mình chết mà nợ ngân hàng vẫn còn thì con cháu cần giấy tờ uỷ quyền của mình, để rút tiền ra mà trả ngân hàng hay các chi phí khác.

    5. Revocable living trust cho phép con cháu hay ai đó đã được chỉ định để quản lý tài sản của mình khi họ có thể. “Revocable” có nghĩa là mình có thể thay đổi hay huỷ đi khác với Irrevocable Trust, không được huỷ hay thêm thắt vào. Khởi đầu bởi cha mẹ khi còn khoẻ mạnh, có ghi người tiếp tục quản lý (successor trustee), có thể thay mặt mình để quản lý tài chánh khi mình bị tai biến, chết, nằm coma,…



Nói chung là chúng ta cần làm 5 điều căn bản này trước. Sau đó thì có thể đi thêm vào chi tiết nếu gia sản lớn, hay muốn tiền bạc mình được dùng như thế nào sau này. Em chỉ ghi lại những gì em đã làm, các bác nào muốn làm, hay hiểu thêm thì kiếm luật sư mà hỏi, đừng có réo em vì em sẽ không trả lời. Hỏi mua bơ và mật ong thì được. Chán Mớ Đời 


Giàu hay nghèo đều cần làm hết. Lý do là tránh con cháu cãi nhau một khi mình qua đời, bị chúng cứ lôi cổ dậy trách móc. Nếu chúng ta thật sự thương con cháu thì phải làm. Tránh con cháu cãi nhau, bố muốn được hoả táng, đứa kia kêu không. Bố nới với tôi là muốn chôn bên cạnh ngôi mộ của Marilyn Monroe, hay bên mộ bà Anna Nicole Smith, không muốn nằm bên mẹ vì sợ tiếp tục cãi vã nhau ở Suối Vàng, rồi vác chiếu đem nhau ra toà. Đó là lỗi mình, kiểu đời cha lười biếng, đời con vác chiếu ra toà dùm bố mẹ theo kiểu hy sinh đời con, củng cố cái lười đời bố.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 


Nguyễn Hoàng Sơn 



Hồ Xuân Hương và các hồ nhân tạo nhỏ tại Đà Lạt


Hôm trước, mình kể về sự thành lập ốc đảo Thuỷ Tạ Đà Lạt, qua tấm không ảnh chụp toàn diện hồ Xuân HƯơng, thấy có thêm hai hồ nhỏ; hồ Đội Có và hồ Tống Lệ, nằm phía bắc hồ, hai bên đồi Cù. Khi trời mưa, nước mưa từ Sân Cù hay thành phố, chảy vào các hồ này để hứng nước dơ thay vì để chảy xuống hồ Xuân Hương. 


Thiên hạ hay nhầm hồ này mang tên bà thi sĩ Hồ Xuân Hương. Thời tây, lúc đầu có hai hồ; gọi là hồ Lớn (Grand lac) và Petit Lac (hồ Nhỏ), rồi nhập thành một hồ. Đến thời Ngô Đình Diệm, được đổi tên Xuân Hương.


Đà Lạt nhiều nơi có những cái ao nhỏ, khi mưa thì nước mưa từ trên cao chảy xuống vào những nơi này. Đất Đà Lạt đa số là đất sét nên khó thấm nhanh. Mình nhớ ở Petit Lycee, chỗ vào trường ngay đường Hùng Vương, có cái hồ nhỏ để chứa nước mưa mà khi xưa, cả đám hay đến đây bắt lăn quăn cho cá ăn. Tháng 2 vừa rồi, có về Đà Lạt, xe chạy ngang đây, thấy còn 1 phần. Hồ Tổng lệ thì chắc mất tiêu, hồ Đội Có thì có lần thấy, nay hình như họ lấp rồi, không để ý lần chót về Đà Lạt. Hôm nào rảnh mình kể vụ đồi Cù.

Hồ Xuân Hương và đồi Cù trước năm 1932. Ốc đảo Thuỷ Tạ đã được thành lập, chỉ có một quán nhỏ tại địa điểm Thuỷ Tạ ngày nay.


Nhìn tấm không ảnh, thấy hồ Xuân Hương to lớn từ khi ông Cunhac, chính thức cho đào hồ nhân tạo này, để chấn nước của suối Cam ly, để thị dân Đà Lạt sử dụng nước uống và có không gian như buồng phổi của thành phố. 


Thiết kế đô thị luôn đi kèm với các công viên, như các buồng phổi của thành phố. Khi dân tình ngột ngạt trong nhà thì bò ra các công viên thành phố để dã ngoại. Đầu năm nay, mình có đi viếng A Căn Đình, thành phố Buenos Aires có rất nhiều không gian xanh, thậm chí đường phố đều có trồng cây hai bên đường mà trên máy bay thấy rõ ràng. Nói chung Đà Lạt khi xưa không có công viên gì cả cho mỗi khu phố.


Sân vận động khi xưa, nay họ xây cất siêu thị ở dưới và phía trên thì bê tông hóa nhưng ít ra cũng có chút không gian để người thị dân ra đây chơi. Mình thấy đa số là du khách thì đúng hơn, chụp hình toả nắng. Khi Đà Lạt bị bê tông hoá thì nước sẽ không thấm xuống đất mà chảy đi đâu, lôi kéo thêm rác, dơ bẩn theo.


Ở Cali, có luật không được thải nước dơ xuống ống cống. Điển hình là khi đổ xi măng cho khách hàng, mình phải hứng lấy nước dơ, xi măng, không được xịt nước dơ xuống đường, chảy xuống ống cống. Trước khi đổ xi măng, phải đem đồ bịt miệng cống để nước dơ không chảy xuống đó. Thu dọn chiến trường sau khi đổ xi măng rất châm và tính thêm tiền.


Trung tâm thị xã Đà Lạt khi xưa có hai không gian xanh là đồi Cù và xung quanh hồ Xuân Hương. Sau 75 thì họ rào đồi cù lại, chỉ dành một tầng lớp giàu có đi bách bộ ở trong, lâu lâu dừng lại, lấy cái gậy sắt, quất quả banh. Nay nghe nói họ đang xây cất nhà cửa. Xem như Đà Lạt luôn Đồi Cù, còn hồ Xuân Hương thì nước cống đổ về khiến cá chết như rạ, xông mùi như thác Cam Ly ngày xưa.


Mình thấy ảnh chụp xây nhà hay khách sạn chi đó, nước thải sẽ đi về đâu. Đi về đâu nước dơ?

Nếu xem tấm ảnh trên chúng ta thấy hồ Xuân Hương với ốc đảo có nhà hàng được người thị dân Đà Lạt gọi Thuỷ Tạ, mà mình đã kể. Phía trên hồ Xuân Hương, bên tay phải, có một hồ nhỏ, gọi là hồ Tống Lệ hay Tổng Lệ. Chỗ này, mình hay ra đây câu cá với ông dượng mình, thợ hớt tóc, chỗ ngã ba chùa, cạnh hãng cưa của ông Xu Huệ. Con gái của ông bà Xu Tiếng, lại nói với mình là hãng cưa của gia đình cô ta nhưng không hiểu sao thiên hạ hay gọi hãng cưa Xu Huệ. Ông Xu Huệ hay dạy dân Đà Lạt vô thất, nhịn ăn chữa bệnh. Mình chỉ nhớ ông ta râu trắng, da hồng,… người ta gọi Xu vì thời tây làm giám thị, cai công trường mà người Pháp gọi “surveillant”, người Việt mình đọc tiếng tây dài không được, nên đơn âm hoá rồi từ từ thành Xu như ông Xu Tiếng, Xu Huệ.

Thủy tạ, họ nới rộng thêm ra veranda nên mất cái đẹp nhỏ nhắn của quán này như thủa ban đầu. Sợ nhất là xem Đà Lạt ngày nay. Kinh. Để mình tải tấm ảnh ngày xưa để quý vị so sánh. Vài năm nữa thì họ xây luôn cái khách sạn to đùng trước khách sạn Palace.
Đà Lạt năm 1968

Bên trái là hồ Đội Có, cạnh là nhà máy nước, lọc nước cho dân Đà Lạt xài. Hồ được gọi Đội Có vì ông Đội Có xây như cầu ông Đạo do ông Quản Đạo xây. Nước mưa ở vùng trên cao như Giáo HOàng Học Viện, Võ Tánh chảy xuống, chứa tại đây. Ông Đội Có, có dãy nhà trên khu Hoà BÌnh, ngay bến xe đò mà người Đà Lạt khi xưa hay gọi dãy nhà Đội Có. Ông này, khi xưa, làm cai đội cho tây, sau đi thầu xây cất nhà nên giàu, xây mấy dãy nhà ở Đà Lạt tương tự ông Võ Đình Dung. Thời đó mấy người lên Đà Lạt, đi làm thợ vịn cho Tây rồi khi biết nghề nhảy ra làm thầu khoán như ông Võ Đình Dung là người thầu khoán xây nhà ga Đà Lạt, ông Xu Tiếng xây Nhà Địa Dư,… 

Chỗ đường đi vào Petit Lycee, có cái hồ nhỏ để chứa nước mưa, nay vẫn còn

Ông Võ Đình Dung làm thầu khoán nhưng cũng là nghị viên thành phố, gồm 3 người Pháp và hai người Việt. Ông ta biết chương trình phát triển Đà Lạt ra sao nên mua hết đất đai dành cho người Việt. Khu từ MÃ Thánh tới trường Việt ANh, khúc đất bằng là dành cho người Việt nên ông ta mua hết, sau này cho người ta mướn để làm vườn như ông Ba Đà. Sau 75 thì con cháu hết dám đòi. Đất của chùa Linh Sơn, Linh Quang, đều của ông bà Võ Đình Dung hiến tặng. Nói chung ông bà Võ Đình Dung là một người có công rất lớn với người dân Đà Lạt. Nghe kể, một hôm ông Võ Đình Dung, đi làm về, đưa cho bà vợ cái cặp tiền mới lãnh về. Đang ngủ bổng nhiên bà Võ ĐÌnh Dung có linh tính chi đó, ngồi dậy, mở cặp tiền ra thì thấy toàn là tiền giả nên đem đốt. Vừa đốt xong thì mã tà gõ cửa, xét nhà. Từ đó, ông bà tặng đất để xây chùa và từ từ hết làm việc, tu tại gia.


Năm 1932, có một vụ lũ lụt khá lớn, làm vỡ cái đập, cuốn trôi mấy nhà cửa dành cho người Việt nên người Pháp cẩn thận hơn nên họ thành lập thêm hai hồ nhỏ này. Mình xem mấy tấm ảnh cũ xưa, không thấy hai hồ nhỏ này. 


Ông cụ mình khi xưa, làm cho ty công quản nước Đà Lạt, ở ngay hồ Đội Có, nên mình có thấy mấy ống nước to lớn, bơm nước từ hồ Xuân Hương vào nhà máy để lọc, cho dân Đà Lạt dùng. Nay nghe nói nước hồ Xuân Hương hôi thối vì ống cống chảy ra đây, dân Đà Lạt dùng nước uống của hồ Dankia. Khi xưa, chợ Đà Lạt có ống cống, trời mưa là chảy ra suối Cam Ly ngay góc Ấp Ánh Sáng, là thối rồi. Khúc đường Phan Đình Phùng và HAi Bà Trưng, chảy ra hai con suối rồi chảy về Thác Cam Ly. Các cặp tình nhân đến Thác này, mơ mộng, thề thốt mối tình hữu nghị sẽ không bao giờ thay đổi như mùi thối ở đây. Nay khắp Đà Lạt, cho ống cống chảy từ thượng nguồn suối Cam Ly ra suối rồi ra hồ Xuân Hương là ngọng. Nghe nói cá hồ Xuân Hương chết nổi lềnh bềnh trên hồ.

Đây là hồ Lớn (Grand Lac),có cái đập và con đường trước khách sạn Palace, chạy qua bùng binh tiếp nối đường Đinh Tiên Hoàng và Võ Tánh, Nguyễn Thái Học sau này

Lúc đầu, người Pháp cho làm 2 cái hồ nhân tạo, bằng cách làm cái đập để ngăn hai hồ. Hai hồ được gọi là hồ Lớn và hồ Nhỏ (Grand lac và Petit Lac). Hồ lớn để người Pháp sử dụng và hồ nhỏ để người Việt sử dụng, giai cấp khác biệt. Thật ra có thêm một cái hồ nhỏ khác ở thượng nguồn, bị ngăn bởi chiếc cầu chạy lên Nguyên Tử Lực. Lâu ngày phù sa kéo về, người Việt không có tiền sau 1954, không vét hồ nên trở thành bùn đọng. Cách đây mấy năm mình đi ngang thì thấy hơi được vét bùn một tí. Mình có đọc trong Đặc San Sử Địa trước 75. Để hôm nào buồn đời mình kể thêm vụ này.

Đây tấm không ảnh Đà Lạt khi Hà Nội cho vét bùn ở hồ Xuân Hương, ta thấy còn dấu vết của cái đập, đê ngăn hồ Lớn và hò Nhỏ, chỗ đường Trần Quốc Toản, cây xăng Esso, cạnh Thuỷ Tạ, chạy qua phía bùng binh bên kia đường Bà Huyện Thanh Quan, lên đường Đinh Tiên Hoàng. Mình nghĩ nếu cái đập này không bị vỡ thì có lẻ người Pháp đã không xây Thuỷ Tạ

Đến năm 1932 thì có một vụ lũ lụt làm vỡ cái đê của hồ Lớn, cuốn trôi mấy căn nhà của khu người Việt ở hạ lưu, khiến 15 người chết nên người Pháp mới cho dời khu phố người Việt gần ấp Ánh Sáng sau này, lên khu Hoa Bình.

Đây hình ốc đảo Thuỷ Tạ được thành hình trước khi xây quán Thuỷ Tạ, và đạp bỏ cái đập bên tay trái, chạy từ Palace qua bên kia bờ, chỗ đường lên Đinh Tiên Hoàng. Có thấy một phần hồ Tống Lệ been kia hồ chỗ đường Bà Huyện Thanh Quan

Khi người Pháp thiết kế thành phố Đà Lạt, qua bản vẽ của ông kiến trúc sư Ernest Hébrard, các khu vực có đồi ở Đà Lạt đều dành cho người Pháp như dọc đường Trần Hưng Đạo, Yersin và Hàm Nghi, nên mới có dinh tỉnh trưởng được xây trên đỉnh đồi cao nhất Đà Lạt. Sau này, khu Hoà BÌnh được dành cho người Việt và phố xá người Việt tại Đà Lạt, khởi đầu từ đây ra. 

Đây khu phố người Việt trước vụ lụt năm 1932, bị nước cuốn trôi, khiến 15 người Việt tử nạn. Sau đó được biến thành đất vườn để người Việt trồng rau cạnh cầu Ông Đạo mà nay họ làm công viên. Mình có kể khu này rồi nhưng nay có thêm tài liệu, để hôm nào có ai muốn mình kể tiếp thì sẽ bổ túc. Mình kể chuyện Đà Lạt theo đơn đặt hàng. He he
Từ máy bay khi đến Buenos Aires, thấy cây cối hai bên đường. Khi xuống dưới đất mới thấy cảm mến thành phố này vì có rất nhiều cây và công viên. Họ không bee tông hoá đất nước họ.
Sàigòn năm 1955, cây cối được trồng khắp nơi. Nghe nói họ chặt hết và để thành lập mấy auvent như ở Tân Gia Ba. Chán Mớ Đời 


Nguyễn Hoàng Sơn