Viếng nghĩa trang quân đội Việt Nam Cộng Hoà

 Đi Nam Cực và Nam Mỹ về còn hơi oải. Chưa kịp lấy lại sức lại phải khăn gói lên đường. 12 tiếng trước khi ra máy bay, đồng chí gái bổng nhiên kêu cảm lạnh, mình cạo gió đủ trò nhưng không ăn thua, đến giờ ra phi trường cô nàng kêu anh đi chơi với má vui vẻ. Đồng chí gái Ở nhà vì sợ đau mà lêu bêu ở Á châu thì càng khổ. 

Mình tính hủy chuyến đi nhưng lại hứa với bà cụ, đưa đi Thái Lan sau khi leo Động Sơn Đòng. Thôi phải lên đường như dự định. 


Ra phi trường, mình đem đổi tiền pesos của A căn đình, tiền lira của Thổ Nhĩ Kỳ, mấy chuyến đi trước còn dư ngoại tệ để đổi tiền cụ hồ vì không phải trả tiền huê hồng. Sau đó bò lên phòng đợi. Khi xưa đến những nơi có thể ăn thả giàn, mình ăn như để trả thù đế quốc, ăn cho Mỹ cút ngụy nhào như những ngày của thời sinh viên. Nay theo phương pháp ăn ngày một bữa nên mình chả thiết. Lấy vài hạt đậu để ăn uống nước. Đồng chí gái báo tin cháu vợ qua đời. Nhớ ngày nào đi ăn đám cưới nay đã lên bàn thờ. Còn quá trẻ. Chán Mớ Đời 

Nghĩa Dũng Đài chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà 

Rồi lại nghe tin một người con bà dì qua đời rồi một người dì bà con cũng nối gót. Thấy oải luôn. Đúng là tuổi nào cảnh nấy. Tuổi này đi ăn cưới con thiên hạ và đi đám ma. 


Đến giờ lên máy bay thì đi xuống lầu bổng nhiên thấy bà đổi tiền cho mình, chạy lại kêu đây rồi đây rồi khiến mình tưởng bị gì. Hóa ra khi đổi tiền, bà ta đánh lộn nên trả cho mình nhiều hơn. Mình hỏi. Cần trả lại bao nhiêu rồi lấy tiền cụ hồ đưa lại cho bà ta 740k. Tội bà đi khắp nơi để kiếm mình, từ 2 tiếng qua, đâu biết mình ở trên lầu, phòng đợi. May là gặp lại mình nếu không hôm đó lại phải đền cho chủ. 


Lần đầu tiên mình đi Việt Nam mất gần 2 ngày trời vì quá cảnh tại Nhật Bản đến 8 tiếng. May là đồng chí gái không đi chớ đau mà lêu bêu ở phòng đợi thương gia chắc là rầu, khó ngủ lại đau thêm. Họ không có giường ngủ như ở mấy phi trường khác. Cùng lắm chạy lên khách sạn ở phi trường có giường ngủ mấy tiếng. Không có phòng trống ở phi trường.

Tượng “thương tiếc” của điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu, vẽ theo hình ảnh hạ sĩ Võ Văn Hai, ngồi ở quán nước, sau khi đưa đám bạn đồng đội. Sau 75 thì Việt Cộng kéo xập

Đi máy bay của công ty hàng không Nhật Bản nên ăn đồ Nhật cho chắc ăn. Mình khám phá ra cơm vắt của họ được gói ghém trong một cái túi nhỏ như bánh xu xê rất đẹp. Không hiểu gạo Nhật Bản và Việt Nam khác nhau về độ đường ra sao nhưng cơm Nhật thì dẻo như xôi. 


Đi đến Nhật Bản lại nhớ lần đi 4 năm về trước với mẹ mình. Vào phòng đợi, bà cụ thích uống champagne nên cứ đi rót cho mẹ. 

Rượu thì họ bỏ ống để bơm rượu vào ly cho sạch
Bia hơi, thấy tên Nhật Bản cầm điện thoại rồi mở app, nói xê Ku ra gì đó, tự động máy đổ bia vào ly cho hắn

Mình thấy có máy bia hơi. Thấy một tên Nhật, lấy điện thoại ra rồi mở có cái app để sử dụng từ xa cái máy rót bia hơi.  Hắn nói chi chi thì cái máy tự động lấy ly rồi rót cho hắn ly bia. Ly thì họ bỏ trong tủ lạnh để giữ độ lạnh. Mình nhìn hắn mà cứ u châu u châu hay hè hay hè. Nông dân đi máy bay quốc tế. Ngu chi ngu lạ. Mình ngồi ngủ được mấy tiếng đồng hồ lấy lại sức rồi trước khi lên máy bay, đi bộ trong phi trường tới lui được 3 dậm để lấy sức như lúc ở LAX. Chuẩn bị cho chuyến bay lâu. 


Xem được mấy phim Nhật Bản cho qua giờ. Có cuốn phim nói đến hoàn cảnh xứ Phù Tang hiện nay như bao quốc gia có dân số bị suy giảm nhiều vì lo sản xuất kinh tế nên không muốn có con hay có 1 con như Trung Cộng, Đức quốc, Ý Đại Lợi,… chính & không muốn phụ nữ sinh đẻ nhiều, bớt nhân công nên ra sức tuyên truyền lập hội phong trào phụ nữ có quyền tự quyết có thai hay không. Thiên hạ hoan hô phong trào chống lại thiên nhiên, chơi líp ba ga không sợ đẻ để rồi ngày nay khóc hận như Nhật Bản Trung Cộng. … các phong trào phụ nữ đòi quyền sống đều được khai phóng nhằm đưa phụ nữ ra khỏi nhà đóng góp vào công việc phát triển đất nước, làm đảo lộn đời sống văn hóa của quốc gia từ xưa mà nay chúng ta thấy hậu quả xã hội sau gần 1 thế kỷ. 


Được biết 16% nhà cửa ở quê hay thành phố nhỏ ở Nhật Bản bị bỏ trống vì không có con thừa tự, hay tốn tiền nên con cháu ở thành phố bỏ luôn. Người Nhật Bản nay phải kiếm vợ các xứ khác như Trung Cộng, Việt Nam,… Ý Đại Lợi rao bán nhà với giá 1 euro nhưng người mua phải sửa chửa trong vòng 18 tháng. Đọc báo nghe một ông Mỹ kể về ác mộng mua nhà 1 Euro. Về hưu đến đây mua nhà sửa ở nhưng phải lái xe xa để đi chợ. Chán Mớ Đời 


Mình viếng Thổ Nhĩ Kỳ năm vừa rồi thấy nhiều thành phố lịch sử bị bỏ hoang vì động đất nay mới hiểu khi hai trận động đất xảy ra liên tiếp. Chắc dân bỏ đi xứ khác. Ngàn năm sau, con cháu mình đi du lịch đến đây nghe nói về địa chấn kêu u châu u châu như mình. Chán Mớ Đời 


Cuối cùng đến Sàigòn vào lúc 5:50 sáng khi còn tối mù. Hải quan chưa mở cửa. Mình xem như người đầu tiên mở hàng cho ông Hải quan, đang réo mấy ông khác. Chẳng bù khi bay từ Thái Lan về với bà cụ. Đứng đợi mệt thở. 

Mộ chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà mới được trùng tu sau khi Hoa Kỳ can thiệp. Hơn 18,000 nấm mộ
Toàn là những người trẻ, chết vào tuổi 19,20. Họ tính tuổi ta, xem như vừa đủ 18 tuổi, đi học 6 tháng ở quân trường rồi ra trận chết Với chức tước binh nhì, binh nhất.
Mộ mới được trùng tu lại
Mộ này được gia đình làm lại nên đàng hoàng hơn
Vô danh

Đài tưởng niệm hình tròn, được xây bằng bê tông. Hình như họ gọi Nghĩa Dũng Đài

Mình đem theo hành lý nhỏ lên máy bay, không có vợ nên không cần đợi lấy hành lý nên ra sớm. Gọi anh bạn đến đón. 


Mỗi lần về Việt Nam là anh ta ra đón. Anh ta, bạn học đại học với đồng chí gái nên mỗi lần về Sàigòn là mình ở nhà anh ta. Anh ta chở đi chơi, thăm viếng. Nhiều khi muốn ở khách sạn cho tiện nhưng vợ chồng anh ấy tốt nên phải ở nhà anh ấy. Có thể đồng chí gái nhờ anh ta kiểm soát mình dùm. Sợ bị máy cô dụ dỗ. 


Anh hỏi giờ đi đâu. Mình nói đi thăm mộ các người lính Việt Nam Cộng Hoà ở nghĩa trang Biên Hoà vì mới 6:30 giờ sáng. 


Không về nhà anh ta vì chiều phải ra lại phi trường đi Đồng Hới, Quảng Bình. Thế là hai anh em đi tìm. Hỏi thiên hạ lại gặp bộ đội lắc đầu không biết. May có người kêu chạy đến trường dạy công nghệ cao cấp chi đó. Từ đó mò trên bản đồ thì thấy một khu đất xanh tròn tròn thì nương theo chạy đến. Không có ai ở cổng nên mở cửa chạy vào thấy cái đình Bình An nhưng không có ai hết. Phía sau có mấy cái mộ người dân thường không giống như mình thấy trên video. Mình vào đình khấn thổ thần đất đai, xin cho tìm ra đường để đi viếng mộ mấy người đã chết cho mình được đi Tây. 


Như phép lạ, vừa khấn xong thì có người chạy xe vào cổng, hỏi đường, họ chỉ chạy men theo con đường bên cạnh. Chạy vào thì thấy một chỗ bàn thờ to trên miếng đất cao hình tròn, có mấy thang cấp 4 hướng đông Tây nam Bắc. Bước lên thì thấy có hai ông thợ đang thổi bụi và một ông dọn dẹp. Hỏi chuyện thì được biết là cái đài ở giữa không vào được vì họ đã bít lại còn cầu thang thì bộ đội khi xưa đã gỡ đem bán sắt vụng rồi.  Khu vực bàn thờ này có một cái tượng điêu khắc cao lêu nghêu lên trời, xung quanh có một cái tường bằng bê tông, chống bởi mấy cột trụ, tròn chạy theo vòng tròn. Khá đẹp. Mình thắp hương xong thì đi viếng mộ thì thất kinh. 


Toàn là người chết rất trẻ 19-20 không. Có nhiều tên toàn là binh nhì, binh nhất, có rất nhiều lính nhảy dù. Các mộ nhỏ, được Sơn màu trắng. Lâu lâu có mấy cái mộ to lớn do gia đình lập mộ. Cứ xem như đủ 18 tuổi bị động viên, vào quân trường huấn luyện được 6 tháng. Về phép ít ngày rồi ra trận rồi nằm chết như mơ. 


Mình cảm ơn họ đã nằm xuống cho hận thù vào lãng quên để mình được đi Tây. Nếu không Hà Nội đã xâm chiếm miền nam trước 75 là mình ngọng. Thay vì đi Tây lại đi kinh tế mới. Đó là những người nằm xuống vào tuổi mình rời Việt Nam. Thấy thương họ. Tuổi trẻ chết không hận thù. Cũng không hiểu lý do chết. Họ cũng không hiểu quốc gia là gì, cộng sản là cái chi nhưng sinh ra tại miền nào thì đi lính hay đi bộ đội đánh nhau cho ngoại bang hưởng thái bình làm giàu. 

Con đường chính, mồ màu trắng. Thấy thương họ chết trẻ năm 18, 19 tuổi, sau 6 tháng quân trường 

Đài chiến sĩ trận vong, bộ đội lấy cầu thang để leo lên trên sửa chửa, có ngọn đuốc, đem đi bán nên họ xây bít cái cửa lại. Hình như họ gọi nghĩa dùng đài

Tại đây có tượng đài thương tiếc người lính Việt Nam Cộng Hoà của ông Nguyễn Thanh Thu thực hiện nhưng họ dẹp rồi. Nghĩa trang này được xây dựng theo nghĩa trang binh sĩ Hoa Kỳ chết tại Phi Luật Tân.  

Nhìn những mộ bia toàn hạ sĩ, binh nhất binh nhì khiến mình nhớ đến hạ sĩ dù Võ Văn Hai mà điêu khắc gia thấy ngồi trong quán nước khóc nhậu với người bạn mới chết. 


Sau đó anh bạn chở mình về lại Sàigòn. Anh ta có hẹn nên thả mình ở khách sạn có mấy tiếng nên rẻ hơn qua đêm. Mình không dám ngủ vì biết là sẽ ngủ luôn tới sáng mai nên phải thức. Gọi vòng vòng thì có anh bạn học cũ trả lời trước. Anh ta bỏ công việc đến đón mình đi ăn phở gần khách sạn. Mình xuống khách sạn gần phi trường để tránh kẹt xe. 


Anh bạn chở lại tiệm phở gần đấy. Mình chơi hai suất phở nạm tái trong khi anh bạn ngồi hút thuốc. Một tô nhỏ ở Bolsa to bằng 2 tô ở Sàigòn. Anh chàng này cứ đến sinh Nhật ai trong đám bạn xưa là đăng tin chúc mừng đủ trò. Tâm rất tốt với bạn bè. Kể mới lên Đà Lạt ăn cưới con của Thông cà phê Tùng. Nay lớn tuổi cho anh ta lên chức ủy ban tương tế của Yersin Đà Lạt. 


Ăn xong , anh ta cho mình về lại khách sạn thì được tin nhắn của mấy người bạn khác nhưng mình phải ra phi trường nên hẹn gặp lại khi mình trở lại Sàigòn trước khi về Mỹ. 


Gọi điện thoại cho American Express kêu vợ đi không được, nhờ họ hoàn tiền lại vì có mua bảo hiểm du lịch. 


Sau đó ra phi trường. Lên phòng đợi le saigonais đông như quân Nguyên. Mình lấy ly cà phê uống để tỉnh người, đợi tối ngủ nhưng cũng gật gà được một tiếng. Thức dậy thấy máy bay bị trễ nên nhắn tin công ty du lịch. Mình xem trên bảng thì coi như 90% chuyến bay bị trễ. Chán Mớ Đời 


Chạy ra lấy chai nước uống chớ không ăn. Chơi hai suất phở nên ứ bụng. Cuối cùng phải đi bộ gần 2 tiếng mới có máy bay đi. Nghe giải thích là ít hành khách nên họ hủy rồi dồn hai chuyến thành một.  Chuyến mình đi cũng rất ít hành khách. Đến sân bay thì có người đón và có thêm 2 anh chàng người Việt từ Sàigòn ra đi theo cùng. 


Được biết chuyến đi gồm 10 người khách và 26 người của công ty tổ chức. 

Một năm họ tổ chức 100 chuyến. Mỗi chuyến có 10 người. Mỗi người $3,000 vậy là $30,000 nhân cho 100 là 3 triệu đô. Trả Chính quyền $700/ người. Tháng 9 trở đi thì không Tổ chức vì lụt. Ngoài ra họ còn tổ chức đi viếng mấy chỗ khác. Nếu có dịp mình về kêu lái xe chở đi qua Lào dọc Trường Sơn, xem chỗ nào chú ruột bị b52 dập chết trên đường vào Nam đưa ông cụ mình vào tù 15 năm.  Chán Mớ Đời 


Xe chạy trên đường mòn Hochiminh nổi tiếng một thời được Hà Nội đem quân, xâm chiếm miền nam qua vùng này nên được xem không quân Hoa Kỳ ném bom ở vùng này nhiều. Mấy người đón mình rất hãnh diện về Võ đại tướng nhưng mộ ông ta ở cách xa quá nên chắc không đi mà đo làm gì khi ông ta s át quân như điên. Chính ông ta kể khi muốn đánh chiếm Quảng Trị, mỗi đêm ông ta nướng hơn 100 bộ đội.  Ông ta đổ lỗi cho trung ương. 


Mình dự định sáng nay ăn sáng xong thì đi viếng động Phong Nha. Mình đến trước một ngày vì không có máy bay đi đồng hới buổi sáng mà họp chuẩn bị về chuyến đi thì 6 giờ chiều nên tranh thủ đi xem động Phong Nha cách nhà nghỉ 1 cây số. Nghe nói thời chiến tranh, người dân trốn trong động để tránh bị bom. 


Hình như gia đình ông Ngô đình Diệm cũng xuất thân từ vùng này, làng Lệ Thuỷ thì phải. Để đi viếng động Phong Nha xong mình đi vòng vòng xem.  Xem làng thì cũng xa. 


Lần đầu tiên đến vùng Quảng Bình thấy lạ nhưng phong cảnh đẹp. Người dân hiền từ. Thấy nhà thờ mới xây đầy nên tò mò hỏi thì được biết 90% dân ở vùng này là công giáo nên ngạc nhiên. Nghĩ lại gia đình ông Ngô đình Diệm ở vùng này, có lẻ các cố đạo Tây phương khi xưa đến vùng này đầu tiên. 


Người dân đi làm 9 tháng sau đó thì mùa lũ đến chỉ biết đem đồ đạt lên gác để tránh nước. Thấy họ làm nhà nổi, dùng mấy thùng phi, ráp lại với nhau rồi làm nhà ở trên. Có mấy cột để chậm lại. Nước lên thì nhà lên. Xong om 

Họ trồng sậu, bắp ngô nhưng vùng này gọi sậu. Lúc họ nói phương ngữ của họ thì chịu không hiểu được. Thanh niên lấy vợ sớm. Nhờ du lịch nên người dân tương đối sống khá hơn xưa. 


Hy vọng một ngày nào mình sẽ có dịp đi khắp vùng Việt Nam như bài ca của ông Trịnh Công Sơn. Khi đất nước tôi thanh bình, tôi sẽ đi thăm nhiều nghĩa địa buồn. Mình sẽ đi đến Điện Biên Phủ, đổi Charlie địa danh An Lộc, Quảng Trị, hay dãy Trường Sơn nơi chú mình trên đường vào nam bị B52 dập chết, để lại vợ trẻ con thơ,… người Việt nằm xuống, xung phong tham gia cuộc chiến ủy nhiệm của ngoại quốc. Chúng ta học tập các học thuyết của ngoại quốc rồi nhân danh các quan thầy đã dạy chúng ta, để tự chém giết nhau, gây thù oán hận. 


Chúng ta còn lại một lũ bội tình. 

Chưa về nhà, đang đưa bà cụ ra phi trường về Đà Lạt. Tối nay mình mới bay thì đồng chí gái nhắn tin kêu tháng 6 này đi Yellowstone công viên quốc gia mà mình có đi cách đây 20 năm. Chán Mớ Đời 


Thấy Nghĩa Trang người lính Mỹ chôn ở Phillipin đồng loạt giống nhau đẹp, trang trọng , VNCH mình ngày xưa cũng vậy , các mộ tử sỹ xây giống nhau nên thấy đồng đội ấm cúng nằm bên nhau, sau năm 1975 do tình hình đất nước thay đổi nên thân nhân có người bốc mộ đem về quê nhà , có người xây dựng lại dán đá hoa cương, nấm mộ cao hơn đẹp hơn  đó cũng là điều tốt, nhưng nhìn chung nếu để đồng loạt như trước đây theo mình thì có ý nghĩa hơn.


Nguyễn Hoàng Sơn 


Thấy trên facebook, có bài này nên đem về đây để mọi người đọc.


Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa
Nơi an nghĩ của những Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã đền nợ nước.

Lịch Sử :

Nghĩa trang được khởi công vào tháng 11 năm 1967,mô phỏng hình con ong,do kiến trúc sư Lê Văn Mậu phụ trách thi công đã vào giai đoạn 2,thời gian sáu năm,chi phí 100 triệu đồng tiền Việt Nam Cộng Hòa (thời giá năm 1973).
Nghĩa trang tọa lạc trên một đồi thấp diện tích 125 ha,được phân chia thành tám khu từ A đến I.Mặt tiền nghĩa trang có một bức tượng có tên gọi là Thương tiếc cao 5 m và được đặt trên bệ cao 3 m,do nhà điêu khắc Nguyễn Thanh Thu sáng tạo,khắc họa hình ảnh một quân nhân Việt Nam Cộng hòa cầm súng ngồi canh gác,được dựng vào năm 1966.Vào trong nghĩa trang còn có đền Tử Sĩ được xây trên một ngọn đồi thấp,trước đền có cổng Tam Quan.Ở giữa nghĩa trang là một tháp xi măng được gọi là Nghĩa Dũng đài cao 43 m.

Theo quy hoạch,nghĩa trang có sức chứa 30.000 mộ.Cao điểm vào Tết Mậu Thân 1968 và Mùa hè đỏ lửa 1972,nghĩa trang tiếp nhận trên 10.000 chiến sĩ trận vong. Tính đến năm 1975,nghĩa trang là nơi chôn cất của 18.318 lính và sĩ quan,chiếm 1/3 diện tích nghĩa trang.Bên cạnh tiếp nhận các quân nhân tử trận,nghĩa trang còn là nơi an táng của thành viên của ba nhánh quyền lực nhà nước Việt Nam Cộng Hòa (Lập Pháp,Hành Pháp và Tư Pháp).

Sau biến cố 30/4/1975 Miền Nam rơi vào tay cộng sản bắc việt,Khi mới cưỡng chiếm Miền Nam thì nhà quyền cấm không một ai được vào thăm mộ vì cho là "nhạy cảm" khu phi quân sự...
Bức Tượng Thương Tiếc ngay lối vào Nghĩa Trang đã bị cộng sản kéo sập xuống,Đền Tử Sĩ hoang phế,Cổng Tam Quan đã mất câu đối hai bên,Nghĩa Dũng đài bị cắt cụt một đoạn.những bia mộ đã bị đục khoét hình ảnh...v v...

Với người cộng sản nghĩa tử không là nghĩa tận,bàng chứng là họ muốn trả thù luôn những người đã chết.

Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa...nơi hàng ngàn người lính Việt Nam Cộng Hòa đã nằm im trong giấc ngủ ngàn thu, vẫn chưa được tìm thấy những giây phút thật thanh bình !

Cảm Ơn Anh...!

Các Anh Hùng Tử Sĩ 

Vị Quốc Vong Thân 

Người Chiến Sĩ Vô Danh !

Tổ Quốc Ghi Ơn Các Anh...Non Sông Nợ Các Anh...

Phỏng Vấn Ðiêu Khắc Gia Nguyễn Thanh Thu Tác Giả Của Bức Tượng Thương Tiếc
https://youtu.be/q-YREu3ZZcQ

Video : Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa trước 1975 
https://youtu.be/ZjcsuFF-4uU?list=PLcGZyfqt_4GxFzBt13BCnjZee28m9jFto

Tài liệu của @Phóng Viên Chiến Trường sưu tầm) https://www.facebook.com/NguoiNhapCuoc1975/ 

Gặp lại cô Xuân Lan Đà Lạt

 Gặp lại người Đà Lạt 


Đi Nam Cực và Nam Mỹ về, có chị bạn gọi điện thoại, nói vợ thầy Hàn đang ở đây. Mình nói chị ta lấy hẹn với cô vì 50 năm rồi, mình không gặp lại cô. Chỉ nhớ khi xưa, cô được xem là đẹp nhất trong mấy cô giáo tại Đà Lạt. Mình có một người em học với cô tại trung tâm giáo dục Hùng Vương một thời.


Chị bạn kêu cô ta đi chơi rồi, tuần sau mới về. Mình nghĩ có duyên thì gặp còn không, thì không biết ngày nào vì mình hôm nay mình bay về Việt Nam, leo động Sơn Đòng. Lần đầu tiên mình du lịch sang Hoa Kỳ, có ghé vùng Virginia chơi, thăm gia đình thầy Chử Bá Anh. Nhất Anh cho mình số điện thoại của thầy Hàn để gọi hỏi thăm nhưng không thấy thầy mời đến nhà chơi. Lý do thầy không nhớ mình vì chỉ học có một năm anh văn, sinh ngữ phụ. Trong cuộc đời, có người mình gặp rồi không bao giờ gặp lại, có người còn nợ với nhau thì gặp thường.

Cô Xuân Lan và ca sĩ Ngân Hà

Như chị bạn, dạo mình ở Pháp, thì liên lạc được với thầy Chử Bá Anh, rồi được tin tức chị bạn học chung khi xưa, giờ sinh ngữ. Chị ta học ban A nhưng sinh ngữ chính là pháp văn nên học chung nên biết nhau. Sang Hoa Kỳ thì chị ta lấy chồng, dọn qua Texas, không ai biết địa chỉ. Đến khi nhà cửa Texas te tua thì gia đình chị bạn dọn sang Cali thì mới gặp lại. Ngày nay thì xu hướng đi ngược lại, dân Cali bỏ xứ chạy qua Texas.


Sau này, mình dọn về Cali, mới liên lạc lại được và cô nàng đại diện nhà trai, đi hỏi vợ cho mình, rồi biến mất. Một hôm đi ăn cưới, cháu của người bạn học chung khi xưa. Nghe họ giới thiệu ca sĩ Ngân Hà, mình hỏi đồng chí gái, sao bà ca sĩ này trông thấy quen quen. Mụ vợ kêu bạn anh chứ ai. Mình không có khiếu nhớ phụ nữ. Như tuần rồi, gặp lại cô bạn, giúp mình trang hoàng sân khấu hôm mình lên xe bông về phục vụ đồng chí gái, cũng á khẩu, trả nhớ về không. Chán Mớ Đời 


Hôm kia, chị bạn gọi lại, hẹn hôm qua, trưa đi ăn với cô Xuân Lan. Mừng quá, vì trễ một ngày là xem như không gặp lại người Đà Lạt xưa.


Mình đem bơ và quýt lại cho chị bạn. Chị ta kêu ối giời ơi, tôi đậu xe xa, làm sao khiêng nổi. Chị ta kể khi xưa, giờ thầy Hàn thì không bao giờ nghỉ học cả, dù đau ốm. Thế là thêm một cô học trò mê thầy khi xưa. Thầy cao ráo, đẹp trai nên có nhiều nữ sinh mê lắm. Nghe kể có cô học trò tên Thu, đến tận nhà để thăm thầy. Kinh


Cuối cùng cô được con gái đưa đến. Câu đầu tiên cô hỏi: “sơn đen đây à, đâu có đen”. Mình hỏi cô sao biết sơn đen. Cô nói qua nhóm Việt Phạm, học trò của thầy ở trường Trần Hưng Đạo. Cô hỏi mình học chung với Phạm Trọng Việt, mình nói không, bạn với em anh Việt. Cô cho biết là con gái gửi cho cô bài mình viết về mấy tấm ảnh chụp mấy ông Mỹ với thầy cô ở Bùi Thị Xuân và Trần Hưng Đạo.


Không ngờ những cái thắc mắc của mình về mấy tấm ảnh đó, phải đi kiếm tác giả để hỏi, mới hiểu ra là chụp khi họ tặng học bổng cho các học sinh xuất sắc của hai trường. Mình chỉ muốn giải toả những thắc mắc của mình, không ngờ lại giúp thiên hạ nhớ lại thầy, chồng, bố của họ khi xưa.


Đi Việt Nam về chắc mình sẽ viết nhiều về Đà Lạt vì mới nhận thêm tài liệu của Đà Lạt xưa. Để được rồi sẽ ghi lại.

Thầy Hàn và thầy Viêm khi xưa ở Đà Lạt 

Mình phục cô vẫn vui vẻ, dù thầy đã qua đời từ năm 2017. Cô kể đi chơi đâu với đâu, xem ca nhạc, thích ca sĩ nào lại hợp với chị bạn về ca nhạc. Mình chỉ ngồi như vịt nghe sấm. Cô kể về gặp thầy khi xưa, ra sao, thầy đi du học về thì làm đám cưới, dọn lên Đà Lạt từ năm 1965 đến khi mất nước…. Mình quên hỏi cô là khi xưa, có một ông cũng họ Hoàng Trọng Cang, làm lớn ở Đà Lạt, có phải anh của thầy Hàn. Chuyện nổ như bắp rang Đà Lạt thủa nào nên quên.

Thầy cô có tất cả 4 người con, rất thành công. 2 người ở miền đông và 2 người ở miền Tây Hoa Kỳ nên mỗi năm, cứ mùa đông về, cô bay qua Cali nắng ấm tình người, thăm con cháu, trốn cái lạnh miền đông Bắc.


Thầy cô bỏ hết tiền bạc để xây căn biệt thự gần viện đại học Đà Lạt, rồi 75 đến, chạy về Sàigòn rồi di tản qua Mỹ. Mất hết nhưng bù lại thì con cái được sang Hoa Kỳ, học hành đến nơi đến chốn. Xem như bù đắp.


Cuối cùng mình phải chào tạm biệt cô và chị bạn vì phải chuẩn bị, xếp vali đi Việt Nam sáng nay.


Để xem, khi mình về lại Cali, nếu cô còn ở đây thì sẽ tổ chức một buổi họp mặt đồng hương Đà Lạt cho cô.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Hình ảnh Đà Lạt xưa và nay #2

 Hôm nay, rảnh một tí nên tải lên thêm mấy tấm ảnh Đà Lạt cũ và nay để ai đã xa Đà Lạt, có thể mường tượng lại thị trấn sương mù này.

Hình trên chụp chắc lúc mình mới ra đời, lúc đó vẫn còn chợ Cũ ở khu Hoà BÌnh. Có xe ngựa nên mình đoán trước 1963 vì hồi nhỏ mình còn thấy xe thổ mộ tại Đà Lạt, chỉ sau khi ông Diệm bị lật đổ thì Đà Lạt mới cấm xe ngựa trong thành phố. Mình còn nhớ hồi nhỏ, Tết đi xe ngựa từ khu Hoà BÌnh qua ấp Xuân An, thăm gia đình ông Dụ, chú ruột của mẹ mình.

Dãy phố này có những đại gia Đà Lạt dạo ấy. Nhà hàng Chic Shanghai, chủ cây xăng Caltex, và rạp Hoà BÌnh, có tiệm của ông bà Võ Quang Tiềm, bà con với mệ ngoại mình. Tiệm thuốc tây của một người Pháp, sau này bán lại cho Nguyễn Văn An, rể của ông Phạm Quỳnh. Vậy là khá xưa. Mẹ mình biết bà Nguyễn Văn An từ khi còn ở Huế. Hình như em bà ta là tác giả bài hát: như có bác hồ trong ngày giải phóng. Tên Phạm Tuyên thì phải. Có lò bánh mì Vĩnh Chấn,… 

Hình này vẫn chỗ cũ, sót lại tiệm Chấn Ích, có thời đổi thành Vĩnh Ích, bây giờ đổi nữa tên Chánh Ích (tác giả tấm ảnh chú thích)

Hình dưới thì mình chịu, không biết mô tê chi cả.

Đây là đường Hải Thượng, có hai trung tâm luyện thi tú tài: trường Văn Học ở đầu đường Hoàng Diệu, và Việt Anh bên tay phải, có cổng đi vào. Đối diện là phòng mạch bác sĩ Đính, nơi mẹ mình có lần sinh một người em tại đây, không nhớ cô nào. Bà cụ sinh ra 11 người con. Mình thì nhà thương ông Phán, cô em kế thì nhà bảo sanh Trương thị Lập, đường Phan Đình Phùng, dưới phòng mạch bác sĩ Phạm Trọng Lương. Mấy người kia thì nhà bảo sanh Tôn Thất Chí, Hiền Chi và một người tại phòng mạch ông bác sĩ Đính. Nay thì mình chịu, khi xưa chạy ngang đây rất im lặng, chỉ có tan trường thì ồn ào, nay thì kẹt xe ngay bồn binh. Có một anh bạn cũ, hay đứng mỗi ngày ở bùng binh, nơi mấy quán ăn, để nhìn một cô học sinh BÙi Thị Xuân, đi học về, tên Nhung thì phải, nhà ở cư xá Phạm Ngũ LÃo. Cư xá này có nhiều cô đẹp như Hàng Thị Ngọc HIền,…

Chỗ cổng trường Việt Anh, mình có một kỷ niệm khá ớn xương sườn. Dạo ấy mình đâu 16 tuổi nhưng đã lái xe hơi nhưng không có bằng. Mình chở người em đi học Hùng Vương về nhà, chạy ngang cổng trường, đúng lúc xe con cóc của cô Phạm Kế Viêm, chở thầy đi dạy ở đây, chạy ra làm cái rầm. Cô Viêm là chị dâu của bà dì mình, dược sĩ ở đường Duy Tân. Cô chạy vào trường rồi thấy Viêm đi ra, thấy mình nên kêu đi đi. Thầy biết ông cụ mình. Lúc đó mình run, mặt xanh như đít nhái.

Đây là cây xanh Kim Cúc, chỗ đầu đường Lý Thái Tổ, chạy về đèo Prenn. Con của chủ cây xăng này, hình như học Yersin. Mỗi lần đi xuống thác Datanla hay Tùng Nghĩa là phải đi ngang đây. 
Chỗ này là phòng mạch bác sĩ Giản, bên tay phải, cạnh trường học Minh Trí. Mình đoán chụp sau 75. Chắc do ông người Nhật Bản Kuro chụp. Bên tay phải phòng mạch bác sĩ Giản có con hẻm đi vào xóm trong. Mình không quen ai trong đó nên ít khi vào. Đi tới chút nữa thì có con hẻm rẽ bên tay phải, băng qua mấy cái vườn rau đến cư xá Địa Dư rồi lên cái dốc là gặp đường Hai Bà Trưng. Còn bây giờ thì chả biết đâu là đâu.
Hình trên chụp sau 75, trước Đổi Mới. Hình ảnh mình thấy như năm 1992 khi về Đà Lạt lần đầu tiên, te tua hơn trước 75. Chỗ cột điện là mảnh đất trống cạnh tiệm giày Hồ Út, nớ có cái am thờ ai, kế bên tiệm hớt tóc Như Ý của gia đình Đinh Anh quốc. Bên tay phải là cái talus, chống đất của đường Minh Mạng, phía tiệm bi da Hồng Ngọc, có nhà của bác sĩ Hách. Xa xa là góc của Mình Mạng và Phan Đình Phùng, có tiệm bán nước đá THuỷ Tinh.
Rạp Ngọc Hiệp xưa, mình đoán trước thời ông Diệm, nhìn từ đường Minh Mạng. Nhớ hồi nhỏ, ông bà cụ dẫn đi xem xi-nê ở rạp này. Trước khi chiếu phim thời sự, có màn chào cờ. Mọi người đứng dậy chào cờ, có hình Ngô Tổng Thống với lá cờ Việt Nam Cộng Hoà. Dạo ấy, người lương hay kêu Nhất Chúa nhì Cha thứ ba Ngô Tổng Thống. Một lần khác đi xem đại nhạc hội Trần Văn Trạch, có màn vũ sexy của vũ nữ Tuyết Nhung, không phải cô Cẩm Nhung bị tạt át xít. Lúc nhạc dạo bản nhạc Ét măm bô đi ra đi vô hết năm trăm, mình thấy một cô chạy ra , lắc Mông Lắc đít, rồi mọi đàn ông đều đứng dậy lý do là ông ngồi trước cao quá, nên ông ngồi phía sau đứng dậy, thế là cả rạp đứng dậy hết ngoại trừ mấy bà, còn mình thì có đứng cũng không thấy gì vì nhỏ quá. 
Bên tay phải có mấy tiệm hớt tóc, tắm nước nóng và tiệm đánh bi da MInh Tâm, nơi ông Trung Ba Tai hay đánh cá độ. Bây giờ, rạp này trở thành một khách sạn. Hình như mình có gặp ông chủ khách sạn này, khi viếng thăm quận Cam, tại nhà người bạn, dân ấp Thánh Mẫu. Em rể của bạn đồng chí gái.
Cầu Ông Đạo thời ông Diệm chấp chính. Bến xe Sàigòn Đà Lạt chưa được thành lập với cây xăng Caltex. Mấy chỗ này được xây dựng dưới thời thị trưởng Trần Văn Phước, xây chợ mới Đà Lạt và sửa sang lại khu Hoà BÌnh mới đưa bến xe Đà Lạt xuống đây. Dãy nhà cho công chức ở đường Thành Thái có 1 tầng nay thì toàn là khách sạn mọc lên 100 hoa đua nở.
Chỗ này, khi xưa thanh niên đến tuổi quân dịch là ớn đi đến đây nên vắng hoe vì sợ tuần cảnh chận hỏi giấy tờ. Đầu đường bên phải là cà phê Hạnh Tâm, đi vào thì có Nam Đô ngân hàng, tiệm chụp hình Văn Khánh, có một tiệm hớt tóc nhưng không bao giờ vào. Khi xưa mình cắt tóc ở dốc Nhà Làng, và đường Hàm Nghi, cạnh tiệm phở Bằng.
Khu Hoà BÌnh với kiến trúc khá tối giản, nay chỉ thấy pano quảng cáo hay chi đó, đọc không ra che hết mấy cửa sổ thông hơi,…
Hình này của ông Bill Robie chụp nên mình bỏ lên đây để ông ta thấy lại. Đa số các tấm ảnh màu Đà Lạt khi xưa, đều do ông ta chụp. Mình có kể về ông ta, phi công trực thăng, quyên tiền để tặng học bổng cho học sinh Bùi Thị Xuân và Trần Hưng Đạo. Hình này chụp từ rạp Ngọc Lan xưa
Hình này gần Ngã Ba CHùa, hình như là trường học Trưng Vương của mấy bà sơ, dạy con nít. Vài cô em mình khi xưa có đi học tại đây. Hình này chụp sau 75. Đối diện trường này là xưởng cưa ông Xu Huệ, nơi mình tập Thái Cực Đạo với võ sư Nguyễn Bình, có tiệm hớt tóc của ông dượng mình, cạnh quán cơm của gia đình một tên học chung với mình khi xưa. Có lần bị nằm vùng đặt chất nổ, tương tự cây xăng Ngã Ba Chùa. Xưởng cưa của ông Xu Huệ tên là Xưởng cưa Thuận Thành ? 
Trường Trưng Vương của các soeur dòng Mến Thánh Giá ở phía đối diện của trường Mầm non 7… trường Mầm non này của nhà nước mở ra …còn trường Trinh Vương sau 1975 vẫn hoạt động nhưng không do các soeur quản lý nứa mà thuộc sở Giáo dục … sau chuyển về đuối diện  xưởng cưa Thuận Thành  vãn giữ tên trường như cũ … và các Soeur mới được trả lại trường năm 2022 đang sửa sang làm mới lại ….

Có cái hẻm đi vào trong xóm, ngoài ra phía bên kia có con đường mòn đi băng qua nhà vườn ông Ba Đà, có cái giếng mà khi xưa, mình hay đi xách nước ở đó. Đầu đường, có tên học Yersin chung với mình, hay chạy chiếc xe Honda Monkey, không nhớ tên. Tên này với một đám, có lần muốn đánh hội đồng một tên học chung lớp tên Hoà, bà con chi với Võ Hoàng Đa, nhà bảo sanh Hiền CHi. Tên Hoà, to con hơn, biết võ nên mấy tên này chả đụng tới sợi lông hắn. Nghe nói tên Hoà nay là đại gia ở Việt Nam. Có sang Hoa Kỳ chơi nhưng mình không gặp lại.

Đất làm vườn ở khu vực này đều mướn từ gia đình ông bà Võ Đình Dung.

60 năm cuộc đời, có nhiều thay đổi nên không nên la làng. Ngay chính chúng ta cũng thay đổi tư duy, cách ăn bận huống chi Đà Lạt. Chán Mớ Đời 

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 






Xi-nê một thời để nhớ

 Hôm nay họp mặt tại câu lạc bộ Toastmasters, có đề tài về những phim ảnh hưởng nhất trong đời. Khi họ hỏi mình, để trả lời, mình nghĩ có lẻ cuốn phim gây ấn tượng nhất khi còn ở Việt Nam là phim Bác sĩ Zhivago mà ngay người Mỹ cùng tuổi mình ở câu lạc bộ cũng nhớ đến cuốn phim này. Đẹp và có thể dùng để tuyên truyền chống Liên Xô. Phim này, mình xem lại nhiều lần tại Ý Đại Lợi, Thuỵ Sĩ, Anh quốc và Hoa Kỳ. Tại rạp cung có và trên đài truyền hình.

Phim này mình xem không biết bao nhiêu lần. 2 lần tại rạp Hoà Bình dù dài Lê thê. Cảnh tuyết mùa đông quá đẹp. Nghe nói quay bên Tây Ban Nha, như mấy phim cao bồi spaghetti. Xem phim này khiến mình muốn đi tây nhưng đi Nam Cực về thì phải công nhận đẹp hơn là trong phim của David Lean.

Rạp này vớt tiền của mình khá nhiều, nhất là phim tàu sau Mậu Thân với Tân Độc Thủ Đại Hiệp,..

Khi xưa, đi xem xi nê tại Đà Lạt nhất là khi có phim hay, ngày tết thì có màn chen lấn kinh hoàng. Chui lọt đến quầy bán vé là một đấu tranh trường kỳ, la ó, thậm chí còn đánh nhau như ngày nay, họ đi chùa hay xin ấn. Sau 75, nghe kể có màn xếp hàng, đặt cục gạch. Ai đó báo cáo trên mạng là mấy ngày Tết vừa qua, có đến trên 3,500 người nằm viện vì đánh nhau. Chắc nhậu rồi say, đánh đấm nhau.


Khi xưa, ở Đà Lạt có vụ kiểm duyệt các cảnh nóng. Đang xem đến màn hai anh chị ôm nhau thì xẹt biến qua cảnh khác hay ông thợ chiếu phim lấy tờ báo che lại. Bên Tây thì phim có kiểm duyệt cho trẻ em dưới 18 tuổi. Bên Hoa Kỳ cũng vậy, cấm đem trẻ em vào nhưng cho xem líp ba ga để hốt bạc.


Có lẻ thời gian xem phim tại Đà Lạt để lại dấu ấn cho mình nhiều là khi chùa Linh Sơn, đúc cái chuông mà ngày nay, thấy treo trước cửa chùa bên tay trái. Mệ ngoại dẫn mình lên chùa, mệ vào chùa để làm công quả hay tụng kinh, mình ở ngoài, đứng xem xi nê Charlot và Lảurel and Hardy. Mấy ông Phật Tử, lấy tấm vải, căng ra từ hai cây gần mấy thang cấp, có hai con rồng. Đặt máy chiếu, cứ hết một phim ngắn độ 15, 20 phút, là phải ngưng đổi phim, phải quay lại đủ trò, con nít như mình chạy đi xuống vườn chè, tè.


Trong chùa, cứ nghe thiên hạ tụng kinh, ngoài này thì con nít như mình chạy chơi, đủ tò, xem phim do ty thông tin Đà Lạt, đem chiếu cho xem. Đúng là xem xi nê chùa, không phải trả tiền.


Qua Tây thì không có màn này nhưng phải đứng xếp hàng ngoài trời, nóng vào mùa hè còn lạnh cóng chân vào mùa đông. Mùa hè thì thiên hạ muốn chui vào xi-nê để có máy lạnh, còn mùa đông thì được sưởi ấm. Mùa đông mình hay đi xem cinematheque ở Trocadero hay trung tâm văn hoá Pompidou. Có phòng ấm, đến suất cuối, 10 giờ bò về nhà là đúng 11 giờ đêm, lên giường ngủ. Khỏe re. Mùa hè thì sau khi đi làm ra, ăn tiệm là bò vô rạp xi nê để hưởng cái lạnh mát rượi trước khi về ngủ trên căn gác nóng hầm. Giá vé cho sinh viên rẻ. Mình tìm trên mạng để xem có tấm ảnh nào về những nơi khi xưa thì khám phá Paris có một cinematheque mới được xây sau này ở Bercy.


Đi xem phim ở cinematheque, lâu lâu có phim câm nên phải có một người ngồi đánh dương cầm trong khi chiếu phim. Dạo ấy, mình thấy đã châm, đã thấy hiện đại khi xem phim mỹ như E.T., Star Wars so với những phim câm khi xưa. Xem phim câm, nghe nhạc đệm dương cầm rất lạ, trải nghiệm không khí khác so với xem trong rạp surround sound. Được cái là không phải đọc phụ đề.

Nhớ có lần xem một phim Gia-nã-đại, nói tiếng pháp, đúng hơn là quebec. Nói chung 60 phút đầu, mình chả hiểu họ nói gì cả vì giọng rất khó nghe. Sau này sang ở Lausanne, Thuỵ Sĩ cũng tưng tự nhưng từ từ nghe hiểu được.

Đây tấm ảnh tiêu biểu khi xem phim câm, có người đánh dương cầm theo thứ tự của cuốn phim. Thường rạp chiếu nhỏ chớ to đùng như ngày nay thì đánh chả ai nghe

Ở trên đại lộ Champs Elysees, có một rạp Gaumont mình rất thích vì ghế ngồi rất êm. Ngồi xuống ghế thì thấy cứng, từ từ cái ghế nó trụt xuống theo trọng lượng của mình, ngồi êm kể gì. Mình hay coi ở đây vì gần nhà, xong phim thì đi bộ về, còn không thì xem ở khu Saint Michel, Odeon, gần trường có giá cho sinh viên.


Sang Hoa Kỳ đi xem phim, có màn mua bắp rang nổ vào ăn với uống coca. Ở tây, nói chuyện trong rạp là bị thiên hạ xì tới xì lui, kêu ta gueule huống chi ăn nhóp nhép bắp rang, hút Coca Cola tụt tụt.


Lâu lắm, không đi xem xi-nê ở rạp vì không có nhu cầu. Ở nhà, cứ mở Netflix, Prime và YouTube, xem phim tha hồ. Thích phim nào thì mở xem, không thích thì đổi trong khi ở rạp xi nê, không hay cũng phải ngồi nán, vì đã trả tiền. Nhớ dạo mới sang tây, mình thấy người Pháp mua cuốn báo, nói về chương trình đài truyền hình trong tuần. Hình như dạo ấy, bên tây chỉ có 2 đài truyền hình phát hình thường xuyên đến 12 giờ đêm. Thêm một đài TF3. Có phim hay là họ phải có mặt đúng giờ ở nhà để xem. Không có vụ nhấn “Pause” khi muốn đi tiểu như ở nhà bây giờ. Cả nhà đang xem thì mấy đứa con kêu “ngừng”. Rồi chạy vào nhà tắm.


Cứ tối thứ 4 hay thứ 6 gì đó, mình không biết vì không có truyền hình, dân tây tranh thủ về sớm để xem bộ phim đài truyền hình của Mỹ Dallas. Trong tuần thì báo chí bình luận về JR sẽ bị gì. Còn tối thứ 7 thường là ca nhạc còn tối chủ nhật là phim xi nê cũ. Mình rất ngạc nhiên vì thường dân tây, kêu người Mỹ không có văn hoá nhưng mê xem phim truyền hình Mỹ.


Xi nê bên tây đa số là phim Mỹ được ưa chuộng nhưng họ lồng tiếng pháp. Mình thích xem phim phụ đề pháp ngữ nên phải lựa rạp chiếu phụ đề để nghe tiếng Mỹ như tập nghe cho quen. Mấy tên bạn tây đầm thường chỉ thích đi xem phim nói tiếng pháp vì chúng không thích đọc phụ đề. Mình dân mít nên quen xem xi nê, nói tiếng tây ở Đà Lạt, phụ đề tiếng Mỹ, tiếng Việt, tiếng tàu. Xem xi nê phải đọc phụ đề việt ngữ mệt thở. Chỉ có mấy phim Việt Nam như Nàng, Chân Trời Tím, Từ Sàigòn đến Điện Biên Phủ,….là không có phụ đề.


Khi mình ở New York, tên ở chung có truyền hình nên cũng hay coi nhưng rồi có phòng trào xem phim bộ, lồng tiếng việt nên ra phố tàu, mướn về xem. Cho tên mỹ ở chung nhà xem rồi mình dịch ra tiếng mỹ cho hắn hiểu. Mỗi lần hết phim là hắn như điên cuồng, phải đợi mai đi làm về, ghé phố Tàu để trả băng video để mướn mấy tập tiếp theo.


Thế hệ con mình không biết, không trải nghiệm xem xi nê kiểu này. Nay chỉ cần mở truyền minh thông minh rồi lựa phim để coi. Không thích thì chuyển phim khác. Chúng có thể xem trên iPhone hay iPad, laptop,… tải về laptop mấy cuốn phim thích coi rồi lên máy bay mở để xem. Muốn ngừng khi nào cũng được. Ngày xưa, đi xi nê, mót đái cũng không dám đi. Coi xi nê trên đài truyền hình cũng vậy. Phải ngồi xem từ đầu đến cuối. Dạo đó truyền hình của Pháp, là của chính phủ nên không có trò quảng cáo khi xem đá banh, xi nê. Sau này có Canal+ mới bắt chước Hoa Kỳ, có quảng cáo nhưng dân tây lại thích hơn dù có quảng cáo. Đài của chính phủ thì chán như con gián.


Có bà nói là sau khi xem phim Shark, bà ta hết dám bò xuống biển để bơi vì hình ảnh cô gái bơi ban đêm, bị con cá ăn thịt để lại dấu ấn tàn nhẩn. Có người nói về E.T., người nói đến Star War. Sang Hoa Kỳ mình mới hiểu lý do, các phim Mỹ được ưa chuộng vì tư duy của họ không bị hạn chế. Mấy phim như Back to the future,…


Nói chung khi đi du lịch hay làm việc ở các xứ, văn hoá của Mỹ có rất nhiều ảnh hưởng bởi truyền hình. Các đài truyền hình địa phương mua bản quyền, chuyển ngữ hay phụ đề rồi chiếu cho người dân sở tại xem. Con nít được xem mấy chương trình Disney,…từ bé nên lớn lên, chúng chỉ thích nghe nhạc Mỹ, ăn hamburger, uống Coca Cola. Đó là cuộc chiến văn hoá mà cựu bộ trưởng văn hoá pháp, Jacques Lang lên tiếng báo động.


Trong lịch sử loài người, văn hoá nào được ưa chuộng nhất, sẽ giúp nước đó hùng mạnh như La-Hy, Nhà Tống, Ấn Độ,… ngày nay với kỹ thuật, con người được nối kết, giải trí bởi các kỹ thuật khác nhau. Xi nê từng là món giải trí cho nhân loại. Máy chục năm về trước, mình thích xem phim Tàu của Trung Cộng vì mới lạ. Nay thấy toàn là tuyên truyền nên Chán Mớ Đời.


Dạo mình sang Pháp, rát thích xem phim Ý Đại Lợi với những đạo diễn trẻ, đầy ý tưởng giới lạ như Federico Fellini,.. sau một thời gian bị cấm đoán dưới thời phát xít của Mussolini, giới trí thức được bung ra nhiều sáng tạo. Tương tự mình nhìn lại sau 1954, khi các trí thức miền Bắc di cư vào Nam, họ như cá gặp nước, bơi lội trong vùng sáng tạo vô biên. Các sáng tác về âm nhạc, sách báo khá đa dạng song song với sách vỡ tuyên truyền của chính phủ.



Ngày nay, mở Netflix xem phim ý thì chán như con Gián. Phim Đức khi xưa với những đạo diễn như Fassbender, Herzot,..quá hay này H tì cũng chán. Phim tây ngày xưa với loại Film Noir, nay cũng chán. Mỗi cuốn phim thực hiện ở Âu châu, đều được sản xuất chung với nhiều công ty thuộc Liên Hiệp Âu Châu, để có tiền thực hiện nên hằm bà lằng. 


Đi A Căn Đình, thấy họ quảng cáo phim Avatar II đầy nơi. Ai nấy đều chống Mỹ cưu nước rồi lại bò vào xi nê xem phim Mỹ và vỗ tay. Chán Mớ Đời 


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 


Nguyễn Hoàng Sơn 







Chuyện cuối tuần

Cuối tuần, mình lên vườn, xem ra sao trước khi đi Việt Nam. Đồng chí gái rủ đi leo núi với mấy chị bạn nhưng mình chịu. Ai làm việc cho, làm vườn cũng như leo núi, nhiều khi còn châm hơn vì không có gậy, vác bao nặng cả 100 cân anh, đựng trái bơ, đi lên đi xuống đồi, không có đường mòn. Bắt đầu mùa bơ nên mình hái 1 ít cho cô cháu bán. Khi về, để trong ga ra đến khi cô cháu đến lấy thì thiếu mấy thùng 20 cân anh. Hỏi ra, bạn đồng chí gái đến nhà, đồng chí gái tặng khiến mình Chán Mớ Đời. Mụ vợ kêu ông chồng cô bạn, có đến nhà mình chơi vài lần, cùng tuổi với mình, đi theo mấy bà không nổi, phải trở lại xe ngồi thở nên tặng bơ để anh ta ăn bồi dưỡng sức khoẻ. Mình trời thương vẫn cho leo núi được dù tóc đã bạc.

Đi vườn về, đồng chí gái đưa áo dài, bảo bận vào đi ăn sinh nhật lần thứ 70 của 1 người chị dâu, được tổ chức hoành tráng tại nhà hàng. Mình gần 7 bó nên đồng chí gái cho lên lão làng, bắt bận áo dài, khăn đóng. Đến nơi chỉ có một mình Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo ăn bơ Sơn đen bận áo dài, còn mọi người thì bận đồ tây. Mình đi chào mấy người lớn tuổi trong đại gia đình từ vụ covid đến giờ, chưa gặp lại. Sau đó về chỗ ngồi, xem trên màn ảnh, hình ảnh của gia đình chị dâu từ Việt Nam, đến khi vượt biển rồi Hoa Kỳ. Đoạn đường 70 năm đời người, lưu lạc từ Hà Nội vào Nam, rồi sang Hoa Kỳ.

Mỗi ngày mình ăn 3 cử bơ theo môn Thiền Bơ. Thiên hạ hỏi sao bơ mình chín mà không bị đen ruột. Lý do là không bị ngâm thuốc bảo quản như bơ mua từ siêu thị. Thường thì bơ được hái mấy tháng trước, được ngâm thuốc bảo quản và chuyên chở trong xe lạnh từ Mễ Tây Cơ và Peru đến Cali. Bơ Cali thì trái nào tốt. Và to thì họ bán cho Nhật Bản, Xong om

Đồng chí gái từ đâu đi lại với một bà, hỏi nhớ ai đây không khiến mình ngọng, nhìn bà ta như bò đội nón. Bà này lại cười, kêu khi xưa tụi mình có date nhau khiến mình càng tăm tối. Bà ta nói, anh bước vào cửa là em nhận ra anh ngay. Thiên hạ hay kêu mình có trí nhớ nông dân nhưng khi gặp mấy bà là mình ngọng. May bà này, không kêu mình có con rơi với bà ta, nằm vạ giữa nhà hàng, bắt trả tiền chu cấp con rơi. Cuối cùng đồng chí gái kêu T khiến mình càng chới với.


Cô này thì lâu lắm không gặp lại. Thua mình ít nhất cũng 15 tuổi. Khi xưa làm dược sĩ, sau có 4 con thì ở nhà nuôi con để ông chồng nha sĩ lao động. Mình nhớ ngày đám cưới mình, cô nàng xung phong, trang hoàng sân khấu. Cô ta rất xinh mà nay có 4 con, theo chủ nghĩa Chúa cho bao nhiêu nhận bấy nhiêu. Như Francis Cabrel hét ngày xưa. “Elle a du faire toutes les guerres de la vie,…pour être si te tua”. Quay lại thấy mình may mắn, đồng chí gái sau 31 năm khói lửa, nội chiến từng ngày với mình, vẫn còn tươi như ngày nào, dù có lên cân, phải dang tay nối vòng tay lớn mới ôm được. Kinh

Đồng chí gái với người ân nhân cho mượn tiền vượt biển

Gặp lại nhiều người quen, không gặp từ khi Covid xẩy ra thấy mọi người già hẳn. Chắc mình cũng vậy. Có một bác, mẹ của cô có 4 con, kêu không nhìn thấy mình, chỉ nghe giọng thôi vì con mắt bị loà. . Khi xưa, hai bác ngõ ý thay mặt ông bà cụ mình đi hỏi đồng chí gái cho mình. Mọi năm, mình đều gọi điện thoại hỏi thăm nhưng từ mấy năm nay không gặp, thấy lạ lắm. Ai nấy đều xuống sắc. Buồn


Gặp anh của chị dâu, kêu gửi email bài mình viết về PB858, con thuyền đã đưa vợ mình và toàn gia đình anh ấy, đến bờ tự do, kèm thêm phiên bản tiếng anh, để đưa cho con anh ta và mấy đứa cháu đọc. Anh ta là người hoạch định chuyến vượt biển này, có đồng chí gái trên chiếc tàu. Chuyến tàu toàn đại gia đình ra đi.


Hôm qua, gặp lại cặp vợ chồng đã cho đồng chí gái mượn tiền để đi vượt biển. Khi xưa, ở Sàigòn, sau khi học xong đại học tổng hợp, không công ăn việc làm, đồng chí gái đi theo, đúng hơn là làm tài xế xe ôm, chở một chị, em dâu của ông anh, đi chợ, bỏ mối thuốc tẩm cho thiên hạ ở ngoài chợ.


Một hôm, chị ấy hỏi đồng chí gái, sao không đi, ở đây không có tương lai. Đồng chí gái kêu không có tiền, chị ta kêu sẽ cho mượn rồi qua bên kia bờ tự do, đi làm trả lại. Đồng chí gái kêu ông anh kế cần đi hơn vì sợ bị bắt đi bộ đội, qua Campuchia đánh khờ me đỏ. Vậy thì thêm 2 cây vàng.

Nhận hình chụp trên tàu với hai ông Mỹ. Họ từng làm việc tại ấn độ nên giới thiệu một công ty du lịch ấn độ, chắc tháng 11 đi nữa. Người Mỹ hay là viết nhật ký. Ông Steve, đạo Mormon, gửi nhật ký ông ta viết về chuyến đi Nam Cực, gửi cho bạn bè, gửi cho mình luôn. Một ông kêu xem tin tức, thống kê của ngân hàng Citi, nơi ông ta làm khi xưa, thấy lợi tức người A đông di cư, lợi tức hàng năm trên 50K, còn người Mỹ da trắng thì gần 40K/ năm

Thế là đồng chí gái và ông anh kế đi chung chuyến tàu định mệnh, đã đưa họ đến bờ tự do sau 6 ngày lênh đênh trên biển Đông. Tàu bị tài công phá hỏng vì không đưa được người của họ đi. Dân canh me, báo công an, nhưng rồi may mắn, cũng thoát khỏi hải phận Việt Nam.


Mình có viết kể về chuyến vượt biển, sau đó viết lại bằng anh ngữ để mấy đứa con đọc để hiểu chúng từ đâu đến. Tại sao bố mẹ chúng lại bỏ nước ra đi. Mấy người đi chung chuyến tàu với vợ, kêu mình gửi cho họ bài anh ngữ để đưa con cháu đọc. Kể cho chúng thì chúng ngọng, phải vẽ bản đồ, giải thích rõ ràng thì chúng mới hiểu. Có lần mấy đứa cháu hỏi mình, có gửi bản việt ngữ nhưng chúng dùng Google để dịch thì Chán Mớ Đời. Mình đành dịch ra anh ngữ, cho mấy đứa con, quên gửi cho mấy đứa cháu.

Có tấm ảnh này rất giản dị nhưng giải định được lý do sơn đen phải thua đồng chí gái khi đấu tranh tư tưởng, quán triệt đường lối cách mạng. Chán Mớ Đời 

Gặp lại người đã giúp mình vượt qua số phận, cho mượn tiền để ra đi, tìm một tương lại mới khi tất cả đã bế tắt tại Việt Nam. Đồng chí gái rất cảm động. Mình giới thiệu cho con ân nhân của mẹ chúng. Cặp vợ chồng này ở tiểu bang khác, ít khi về Cali.


Sáng chủ nhật, mình nhắn tin một chị đồng hương Đà Lạt, ở gần vườn, học sinh Bùi Thị Xuân, đến hái bưởi rồi tặng chị ta một thùng bơ theo tinh thần dân Đà Lạt xưa. Gọi tên mỹ, chuyên kiếm nhà mua cho mình đi ăn trưa rồi tặng hắn một thùng 20 cân anh bơ tha hồ mà ăn, để kiếm nhà mua cho mình trong khi mình đi Việt Nam và Thái Lan. Xong om


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo ăn bơ Sơn đen 


Nguyễn Hoàng Sơn 

Vòi nước uống công cộng Wallace tại Paris

Hôm nay, 1 ông thần quen, đăng tấm ảnh chụp ở Paris khi xưa khiến mình thất kinh. Không phải hình của ông ta giữa Paris lạnh giá mà mình thấy lại hình ảnh thân thương của Fontaine de Wallace, phía sau. Mấy vòi nước để dân Paris, khát nước, ghé lại uống mà mình vẽ nhiều lần, thời đi học. Các vòi nước này xuất hiện nhiều nơi trong thủ đô Paris, để giúp người dân uống nước hay lấy nước từ muà Xuân đến mùa Thu. Mùa đông thì tắt, tránh bị đông lạnh, làm hư hại các đường dẫn nước. 

Thiên hạ chụp ảnh tạo dáng, ông này chả nhớ gì cả về Paris, kêu không biết dù chụp hình ngay bên cạnh. Đối với mình là hình ảnh đầu tiên, đập vào mắt khi mới đến Paris. Hai điểm cần nhất khi đi ngoài phố Paris là chỗ đi tiểu công cộng và nước uống khi khát.

Mấy chỗ này hay để như vậy. Khi hư, họ tháo mấy tấm lưới bằng sắt lên, leo xuống để sửa chửa mấy ông nước.

Dạo mình mới đến Paris, thấy mấy vòi nước phong ten này, mang tên một người Anh quốc, Wallace nên thấy lạ. Lý do là người Pháp không thích người Anh quốc, từ thời Nã Phá Luân bị thất trận, đúng hơn là cuộc chiến 100 năm, giữa hai nước, có chung một hoàng tộc, tranh dành ngôi báu. Ngày xưa, mấy ông tây bà đầm dạy về lịch sử của pháp đến mờ mắt, chả hiểu gì cả vì ở đâu đâu, không dính dáng gì đến Việt Nam.


Hè đi vòng vòng Paris để xem biết tình hình, khát nước thì ghé lại cái phông ten này, đem theo cái bình nước để hứng nước uống. Nhất là khi mình tập vẽ, cần nước để pha màu thuỷ mạc. Mắc tè thì có chỗ đi tiểu công cộng mà người Pháp hay gọi Vespasienne, hay Pissoir qua tên một hoàng đế la mã tên Vespasien, cha của hoàng đế Titus, nổi tiếng vì đánh thuế người la mã, đi tiểu nơi công cộng. Tuần lễ đầu tiên đến Paris, mình đi viếng vườn Lục Xâm Bão mà ông Cung Trầm Tưởng làm thơ. Đi vòng vòng thì mót đái, thấy cái pissoir này, chạy vào tè lần đầu tiên tại Paris phê luôn.


 Sau này, mình về Paris thì họ dẹp mấy chỗ này, bù vào đó là những cầu tiêu công cộng của công ty Decaux, bị hư hoài vì dân tình thích xã hội chủ nghĩa, không muốn trả tiền nên phá. Du khách đi kiếm chỗ đi tiểu phải hát Nắng Paris mà anh chợt nóng vì đi kiếm chỗ cho em đi tiểu. Vào tiệm cà phê thì phải mua cái gì trong khi ở Hoa Kỳ, hay mấy nước khác như A Căn Đình, CHí lợi mà mình đi chơi vừa qua. Mót tiểu thì chạy đại vào khách sạn, tiệm ăn, tè một phát rồi đi. Chủ vui vẻ chào hasta la vista.


Ông Richard Wallace, người Anh quốc, sống gần cả đời tại Paris. Ông ta cho tiền để gắn và đem nước miễn phí qua các vòi phong ten, đến cho người dân tại Paris vào thế kỷ 19.


Mình nghe tây kể là trong thời gian chiến tranh Pháp-Phổ 1870-1871 và thời La Commune (Công Xã). Hoàng đế Napoleon đệ Tam choảng nhau với ông hoàng xứ Phổ, Otto von Bismarck. Quân đội pháp bị thua xiểng niềng. Hoàng đế tây bị truất phế và đệ tam cộng hoà được thành lập. Khi bị bao vây, cư dân ở Paris, đói quá nên ăn chuột, chó mèo và mấy con thú ở sở thú Paris. Thời đại La Commune ở Pháp, ít được nhắc đến trong chương trình giáo dục lịch sử Pháp. Ông tây khi xưa dạy Sử-Địa, chỉ nói phớt qua đến khi mình sang Pháp, kiếm sách đọc mới lòi ra vụ này.


Sau khi truất phế hoàng đế Napoleon đệ tam, cháu của ông Bonaparte, dòng họ này cứ đem chiến tranh đến cho nhân loại như gia đình Bush. Người dân bầu quốc hội mới. Mấy ông  thần đại biểu muốn hoà đàm , không đánh nhau nữa, khiến dân Paris, nổi loạn do một số trưởng giả và công nhân, đứng dậy chống đối.

Ngoài ra, khi ông Baron Haussmann, đập phá các khu vực cổ để xây dựng các đường xá rộng hơn, để nhân dân nổi dậy thì có thể đem cà nông ra bắn, triệt hạ hết hầu để tránh một cách mạng 14/7 lần nữa. Khi người dân chống đối, lính, công an của vua Louis 16, đi lùng kiếm thì dân núp khắp nẻo đường của Paris, khó tìm. Nên hoàng đế Napoleon III, ra lệnh cho ông Haussman, phá bỏ các khu nhỏ bé để thành lập các đại lộ như ngày nay. Paris nay còn vài khu vực nhỏ bé như xưa. Họ gọi nhóm cách mạng, chống đối này là Les Communards de Paris. Cuối cùng thì nhóm nổi loạn này bị dẹp tắt.


Trong thời gian hổn loạn này, ông Wallace sống tại Paris và chứng kiến sự đói khát của người dân nghèo nên có ý định tự bỏ tiền, gắn những phong ten này khắp Paris để cho dân tình có thể lấy nước uống và dùng.


Khởi đầu, họ cho gắn 50 cái phông ten, làm bằng gan sắt, sơn màu xanh lá cây vào năm 1872, xem như 102 năm trước khi mình đến Paris, vẫn thấy và sử dụng. Nghe nói nay vẫn còn hoạt động ngoại trừ mấy chỗ pissoir, đi tiểu công cộng. Nghe nói sau này có đến hơn 100 cái.


Ông Wallace phát hoạ ra hình ảnh của phông ten, rồi đưa cho điêu khắc gia Charles-Auguste Lebourg, thực hiện mẫu cuối cùng.

Đi trên đường, hay thấy mấy chỗ đi tè công cộng, sơn màu xanh để hoà với thiên nhiên, cây cối.

Trong cuộc chiến với quân Phổ, và cuộc nổi loạn La Commune, các hạ tầng cơ sở của Paris bị phá hỏng, người dân không có nước uống, xài. Người ta múc nước từ sông Seine, kéo xe bò để bán cho dân Paris. Nước dơ vì bao nhiêu cống rảnh từ Paris đều chảy sông Seine như Đà Lạt chảy về suối Cam Ly. Do đó mà người Pháp ở Paris, bắt đầu uống rượu và bia để khỏi bị nhiễm độc khi quân Phổ bao vây và cuộc nổi loạn La Commune. Mình đọc tài liệu, kể khi xưa, mấy ông bán thịt, làm thịt ngựa, bò xong thì bỏ xương, da,… dưới sông Seine nên khá hôi tanh vào mùa Hè. Nhất là khu vực La Cité. Kinh 

Từ đó say rượu và nạn nghiện rượu đến với dân lao động mà nhà văn Emile Zola tả trong các truyện của ông ta. Ở Việt Nam, mình chưa bao giờ đọc Balzac, hay Emile Zola nhưng khi qua tây, bạn bè kêu mình nên đọc. Mượn thư viện về đọc thì khám phá ra mấy ông muốn làm cách mạng, chắc bị ảnh hưởng bởi mấy cuốn truyện này.


Ngày nay, uống rượu rất đắt chớ thời xưa, rượu được làm ra, rẻ lắm vì ít ai uống. Dạo mình ở Tây, trưa đi ăn cơm tiệm, bình dân, một carafe de vin (bình rượu) rẻ hơn một chai nước suối. Rượu thường thôi mà người Pháp gọi vin de table. Rượu chỉ để dành khi đi lễ nhà thờ. Nghe kể khi Paris bị bao vây bởi quân Phổ, lính vệ quốc đến mấy quán rượu để uống rượu khi khát vì nước sông Seine quá độc. Say quá nên bị quân Phổ đánh chết bỏ.


Có lẻ vì lý do này mà ông Wallace thương cảm, bỏ tiền ra thành lập một hệ thống cung cấp nước cho người dân thủ đô đến ngày nay, do Eau de Paris quản lý. Dân tây thì chém giết lẫn nhau, một người ngoại quốc bỏ tiền cung cấp nước miễn phí cho dân tây dùng. Chuyện đời khó hiểu.


Nhiều khi mình nghĩ nếu người Pháp không đô hộ Việt Nam, không dạy tinh thần pháp chửi bới nhau, tự cho mình là đúng, đánh nhau như người Pháp thì có lẻ người Việt không bị ảnh hưởng mấy ông tây, đánh nhau chí choé nhân danh Tự Do, Bác Ái và Công Bằng bú xua la mua. Từ 1945, đánh nhau tới 1975, nay vẫn tiếp tục trên mạng, với bò đỏ bò vàng. Chán Mớ Đời 


Có hai loại phông ten này, đứng trên các lề đường và gắn ở tường. Mình nhớ ít thấy loại gắn bờ tường. Lúc đầu mới thấy cái phông ten rất lạ vì có 4 tượng phụ nữ. Sau này học lịch sử nghệ thuật mới khám phá ra ông Phidias của Hy Lạp đã bắt mấy bà đội nóc nhà, nóc đình từ lâu. Ngày nay, ai đến viếng Parthenon Ở Hy Lạp, sẽ thấy vài tượng phụ nữ đội cái mái nhà của đền, bên tay trái của đền chính.


4 người phụ nữ tượng trưng cho 4 mùa; lòng tốt (mùa đông), giản dị (mùa Xuân), từ thiện (mùa Hè) và sự tỉnh táo (mùa Thu). Mỗi phụ nữ đều khác nhau. Tượng trưng cho lòng tốt thì được điêu khắc gia cho cong đầu gối trái, Giản dị thì cong đầu gối phải,.. theo mình thì điêu khắc gia tìm cách làm cho bức tượng chung đẹp, sau này dân tây hay giải thích vớ vẩn cho có vẻ trí thức.


Địa điểm mà người dân Paris thích nhất là chỗ đi tiểu công cộng, họ gọi pissoir, do động từ Pisser (đi tè). Họ còn gọi là Vespasienne cho có vẻ trí thức, nhắc nhở đến ông hoàng đế la mã tên Vespasien. Ông này là người đầu tiên, cho trang bị các chỗ đi tiểu ở nơi công cộng, để đánh thuế, kiếm tiền cho nhà nước.


Paris thì đi bộ mệt thở, qua các chặng Métro. Dạo mới sang thì mỗi lần đi métro thì phải mua vé. Sau này, mới có mấy thẻ mua đi hàng tháng, lên xuống chỗ nào cũng được, trước kia thì khá mắc. Mình không nhớ phụ nữ ra sao, còn trong công viên hay trên đường bộ hành, có những chỗ để khi buồn tiểu, ghé lại tè. Khi xưa, phụ nữ không đi làm, ít ra đường nên các chỗ đi tiểu chỉ được thực hiện cho đàn ông đứng tiểu. Sau này, phụ nữ đi làm nên có vấn đề cho họ. 


Có vấn đề mình không quen là họ cứ để nước chảy hoài cả ngày cả đêm để không làm mùi khai nước tiểu. Sau này thì họ dẹp mấy chỗ này, bù vào đó, họ gắn các cầu tiêu công cộng của công ty Decaux. Lúc mình sắp sửa rời khỏi Paris thì có công ty Decaux, thiết kế mấy nhà vệ sinh cho hai giới nhưng mình chưa bao giờ sử dụng.


Hôm nào rảnh mình kể chuyện đời xưa ở Paris.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo ăn bơ Sơn đen 


Nguyễn Hoàng Sơn