Thời Trang Nhanh Fast Fashion

Khi dọn về nhà mới, mụ vợ, chỉ phòng đựng quần áo, to gấp 2 căn phòng ô-sin mình sống 8 năm trời tại Paris. Kêu bên ni là quần áo của tui, bên tê là quần áo của ôn. Dần dần mình phải đem áo quần ra ga-ra để vì áo quần mụ vợ đã chiếm đất dành chỗ hết. Xem như vùng tạm chiếm.

Mình rất ngạc nhiên vì khi đả thông tư tưởng, điều nghiên lý lịch trích dọc, trích ngang 3 đời, trước khi đăng ký quản lý đời nhau, mình thấy mụ vợ rất hào sản như người Huế, nghĩa là hà tằng hà tiện. Nay không hiểu quần áo đâu mà nhiều thế. 30 năm qua, mình không dám chọc mụ vợ giận vì mỗi lần mụ căm thù thằng chồng nhân dân là mụ bỏ đi shopping đến khi đóng cửa mới về. Tò mò mình tìm tài liệu đọc về vụ này thì thất kinh. Ghi lại cho mấy bác để hiểu thêm về vợ của mình. Mụ có cách doạ mình, muốn tui đi shopping không? Im lặng là vàng, nếu không mụ đi mua sắm tiêu tiền lại xót xa như mất sổ gạo.

Khi xưa, mình ở Âu Châu, nghe đến những nhà thiết kế thời trang như Yves Saint Laurent, Armani, ..hàng năm trình diễn thời trang đủ trò với mấy cô người mẫu đẹp cực xinh. Ai mà có tiền thì đợi bạn bè, làm việc ở mấy tiệm này, báo khi nào cuối mùa, bán hạ giá thì mua để sang năm bận. Có dạo mình, mình đi mua dùm cho du khách Nhật Bản ví ở tiệm Hermes. Mỗi lần mua được trả công 50 quan pháp, mua được 10 ổ baguette ăn trừ cơm được 4 ngày.

Nhà thiết kế thời trang Katharine Hamnett, nổi tiếng với tấm ảnh này, khi gặp bà thủ tướng Thatcher.

Khi mình làm việc ở Luân Đôn, cho công ty kiến trúc Norman Foster & Associates, có vẽ tiệm thời trang cho nhà thiết kế Katharine Hamnett, chuyên thiết kế các áo mang tính chính trị. Bà này nổi tiếng nhờ câu: “ chúng ta là những gì chúng ta bận”.

Hồi nhỏ, ở Đà Lạt. Mỗi năm mẹ mình sắm cho mỗi đứa con 2 bộ đồ ở Chợ Lầu Đà Lạt. Đi tây, mẹ mình may cho 4 cái quần, 4 cái áo sơ-mi. Sang tây, ăn bơ thừa sữa cặn của thực dân, đâm béo ra. 3 tháng sau, hết bận được, phải đi xin áo quần phát chẩn. Mình được người Pháp quen, lâu lâu gửi thư, báo mình đến hội của họ để xem có áo quần phát chẩn nào bận vừa thì lấy. 8 năm trời ở Pháp, mình chưa bao giờ mua áo quần, chỉ bận đồ phát chẩn của nhà thờ.

Qua Mỹ, thằng mỹ ở chung. Lâu lâu hắn về Cleveland thăm mẹ hắn, hỏi mình cần mua áo sơ-mi cũ giá $1/ cái ở chợ trời thì mình nhờ hắn mua, 7 cái, mỗi ngày thay một cái. Đến khi lấy vợ thì lâu lâu thấy đồng chí gái mua cho cái quần, cái áo chi đó, đại hạ giá. Có lẻ đi shopping, mụ vợ cảm thấy tội lỗi vì tiêu tiền nhiều nên mua cho mình cái áo. Mình cũng không bận, cứ lôi áo quần cũ ra bận theo truyền thống nông dân thêm cái tính hào sảng của cố đô.

Người ta cho biết vào những năm 1980, trung bình người Mỹ mua độ 12 áo hay quần mỗi năm. Ngày nay, người Mỹ mua trung bình là 68 áo hay quần hàng năm, gần gấp 6 lần. Thường họ chỉ bận có 2, 3 lần là quăn. Làm tính xem, 68 nhân cho $60/ cái là $4,080. Họ phải làm ra tối thiểu $7,000, đóng thuế mới được $4,080 để tiêu. Mấy bà lại sợ đụng hàng. Có cô ca sĩ dạo mới ra nghề, nghe kể cô ta mua đồ xịn bận đi trình diễn rồi đem trả lại.

Lâu lâu, mụ vợ, soạn áo quần cũ, bận một vài lần rồi đem ra mấy cái thùng quần áo từ thiện để gần chợ để cho, hay các cơ quan từ thiện. Sau đó, mụ cảm thấy hãnh diện, cứ vênh vênh cái mặt lên trời như mẹ Teresa, đoạt giải Nobel hoà bình, đã làm được việc thiện, bớt ấm ức cái lương tâm, xài phí tiền. Hy vọng ngày nào đó, đồng chí gái sẽ đoạt giải từ thiện về áo quần. Lâu lâu mình có đặt lại vấn đề thì mụ chửi tát gáo luôn, đành nín thinh.

Trong cuốn sách “những người triệu phú hàng xóm”, người ta cho biết các triệu phú, mua áo quần loại sang trọng vì bền lâu để bận. Mình xin mở ngoặc.

Từ khi những cuộc bạo loạn của những thập niên 60, 70, các chính phủ tây phương và Hoa Kỳ đã thực hiện một xã hội tiêu thụ, biến công dân của họ thành những nô lệ của thời trang, tiêu thụ. Họ ham mua sắm vì đồ rẻ, được sản xuất tại Trung Cộng, hay các nước nghèo khác. Họ mua ào ào với thẻ tín dụng. Mua trước trả sau. Khi con người bị tràn ngập bởi nợ nần, họ chỉ lo làm thêm, để kiếm tiền, trả nợ. Quên các sự bất công của xã hội. Chúng ta từ nô lệ của chủ ông, nay trở thành nô lệ của những gì mua sắm. Chúng ta cứ nghe quảng cáo đại hạ giá, rồi chạy đi mua dù không cần. Khi chỉ lo trả nợ, người ta sẽ không để ý gì đến công lý, tự do, nhân quyền bú xua la mua.

Xã hội được dân chủ hoá, ai cũng có thể mua cái ví hàng nhái của LV, dù là đồ giả, cũng vui vì có cảm tưởng như chúng ta thuộc thành phần cao cấp nào đó thay vì nông dân như sơn đen. Trung bình người Mỹ chỉ có $5,000 quỹ hưu trí. Mình đến nhà người mướn nhà, đài truyền hình của họ to gấp mấy lần nhà mình. Đi xe BMW. Người Mỹ sống theo lương hàng tuần, nếu mất việc là mất tất cả. Có cặp vợ chồng mướn nhà. Ông chồng bị thương, ăn tiền bảo hiểm, ngồi nhà đến 2 năm. Sau được bồi thường bao nhiêu không biết, thấy cô vợ chạy chiếc Lexus SUV. Thay vì mua căn nhà, họ mua chiếc xe. Chán Mớ Đời 

Có lần, ra Phước Lộc Thọ, thấy họ bán ví Louis Vuiton giả, mình tính mua một cái cho mụ vợ. Bà bán hàng chưa kịp hỏi, đã chỉ mặt kêu: “này này, sáng giờ chưa mở hàng, đừng có hỏi nhé, mặt anh làm vườn, đi chỗ khác phá dùm tôi”. Mặt mình xanh như đít nhái, bỏ chạy. Tình thật thì mặt mình rất gian gian. Từ bé, thiên hạ không dám cho vô nhà, sợ chôm chỉa. Ra chợ, thiên hạ chăm mình như công an.

Ngày nay, các công ty thời trang như H&M, Zara,… gần như chiếm lĩnh thị trường thời trang nhanh. Chủ công ty thời trang Zara, được xem là tỷ phú nhờ bán áo quần thời trang Fast Fashion. Giàu hơn các gia đình Louis Vuiton,…

Zara là một trong những công ty thời trang thành công nhất. Công ty được thành lập tại Tây Ban Nha. Khởi đầu lấy tên Zorba nhưng vì có một cái quán rượu gần đó cũng mang tên này, nên người chủ đổi thành Zara.

Các công ty thời trang lớn, mỗi lần ra một kiểu mẫu, mất độ 21 tháng. Trong khi công ty Zara kêu quá lâu, tốn tiền. Họ theo cách làm, tạo hình thiết kế, sản xuất độ 4 tháng. Nếu không ăn khách thì đổi cái khác. Họ bắt chước các kiểu mẫu của công ty nổi tiếng rồi chế lại hơi khác 1 tị và bán giá rẻ nên mấy bà mấy cô thích. Không ai nói đến ông chủ công ty Zara dù tài sản có lên 70 tỷ đôla.

Ông ta cho biết, chỉ thích sống cuộc đời bình thường, ngồi uống cà phê với vợ, không ai quấy rầy. Người giàu có thì chỉ muốn được thiên hạ để yên, không muốn ai biết. Trong khi chúng ta cứ mua ba đồ xịn, tạo dáng để được người ta chiêm ngưỡng. Bỏ lên mạng câu like. Chán Mớ Đời 


Họ bắt chước các kiểu mẫu. Điển hình khi cô Kim Kardashian, bận bộ đồ của nhà thiết kế thời trang Thierry Mugler thì hai ngày sau, Fashion Nova cho ra đời cái áo tương tự với giá $60. Trong hai ngày, phụ nữ bắt đầu bận áo ngược vì Kim K. Giày dép của các minh tinh bận đều được dân chủ hoá, bán rẻ khiến mấy bà xúm vào mua như điên. Ai cũng có thể trở thành Kim K với giá $60.

Họ bắt chước áo của Kim K trong vòng 48 tiếng

Lúc đầu mình nghĩ nếu bắt chước thì sẽ bị phạt, vi phạm bản quyền nhưng họ chỉ đổi chút chút và mang tên khác, người Mỹ gọi là “knock-off” thì không vi phạm bản quyền. Điển hình thay vì Louis Vuiton, họ ghi Louis Vutton, không có chữ “i” Yves Saint Larry, thay vì Laurent, Channel thay vì Chanel, 2 “n” thay vì chỉ có 1 “n”… mình thấy Gucci viết thành Guchi.

Nguy hiểm nhất là họ cho ra lò các loại thời trang rất nhanh. H&M cho ra các loại thời trang và thứ 2, thứ 4, thứ 6, và cuối tuần. Họ xem loại nào bán chạy thì sản xuất nhanh để bán. Thay vì 4 mùa thời trang, họ có đến 52 mùa thời trang, tóm lại mỗi tuần có một loại áo quần ra lò.

Chúng ta bị tràn ngập bởi thời trang. Năm vừa rồi trước đại dịch Inditex cho ra lò hơn 1.6 tỷ quần áo trên 7,500 tiệm thời trang khắp thế giới. Mỗi ngày, họ mở một tiệm bán thời trang. Xin nhắc lại công ty bán hamburger MacDonalds cho ra đời mỗi ngày 3 tiệm ăn này trên thế giới. Mình không biết nữa, dạo này mụ vợ, làm việc ở nhà. Mình thấy mụ bận quần áo ngủ làm việc nhưng vẫn cứ đi mua sắm áo quần rồi không bận. Không dám nhắc nhở vì sợ bị chửi.

Được cái mụ vợ mình không có cái bệnh lên mạng tạo dáng, khoe áo quần nếu không chắc mình chết quá. Ngày nay, các mạng xã hội đã giúp mấy bà mua áo quần, tạo dáng, chụp ảnh rồi bỏ lên mạng, đã giúp các công ty thời trang Nhanh, giàu có.

Mấy bà và giới trẻ kêu gào bảo vệ môi trường xanh bú xua la mua. Trên thực tế, chính các bà đã làm hỏng môi trường. Áo quần được làm bởi các chất hoá học, nguyên chất từ các dầu hoả. Cứ thấy toàn là Polyester,… Quần áo phát chẩn được bày bán trong các tiệm của các cơ quan từ thiện. Sau 3 tuần lễ, không bán được thì sẽ được đóng trong các container chở qua các nước nghèo như hàng SIDA, khi xưa tặng Việt Nam.

Người ta phỏng vấn các cơ quan nhận đồ phát chẩn từ các nước tây phương là 70% quần áo, gửi qua các nước nghèo, không bận được, người ta phải đem chôn hay đốt. Nhiều khi họ nhét ba đồ không tái sinh được trong mấy thùng đồ phát chẩn.

Người ta cho rằng, thay vì chúng ta mua quần áo mới, mua quần áo cũ sẽ giúp giảm phá hoại môi trường. Làm vườn nên mình mua quần áo cũ cho nó lành. Xem như số mình từ khi ra hải ngoại, đều bận quần áo cũ. Quần áo đồ vía lên truyền hình, đã mua từ khi sang Hoa Kỳ 35 về trước. Đâu ai biết là cũ đâu. Tiền áo quần dành gửi về Việt Nam hay cho các hội từ thiện ở Hoa Kỳ. Xong om.

Mấy bác cứ mua áo quần cũ như em là khoẻ. Bảo vệ túi tiền bảo vệ môi trường bú xua la mua. Cái khó là truyền tinh thần bảo vệ môi trường nhất là túi tiền cho mấy bà. Không xài tiền không phải đàn bà. Không tạo dáng không phải đàn bà. Không trả nợ thời trang cho vợ không phải người chồng nhân dân. Chán Mớ Đời 

Nguyễn Hoàng Sơn 


Phim cao bồi spaghetti

 Mấy hôm nay, mình xem phim cao bồi Ý Đại Lợi mà người tây phương gọi “Spaghetti Western”. Loại phim cao bồi do các đạo diễn Ý Đại Lợi thực hiện vào những thập niên 60-70 của thế kỷ trước. Các loại phim này gây ảnh hưởng rất nhiều cho điện ảnh ngày nay. Bạo lực.

Mình nhớ mấy tài tử như Giuliano Gemma, Franco Nero, của Ý Đại Lợi, nổi tiếng nhất là tài tử mỹ như Clint Eastwood, Lee Van Cleef. Có một phim gồm các tài tử Nhật Bản, mỹ và pháp mang tên “mặt trời hồng” (Soleil rouge) mà mình có xem tại rạp xi-nê Ngọc Lan, hay phim Once upon in the west có Henry Fonda và Charles Bronson và cô đào bốc lửa Claudia Cardinal đóng. Charles Bronson, thổi khẩu cầm, bắn Henry Fonda để trả thù cho người anh.

Mình thích nhất ông thần Lee Van Cleef, có lỗ mũi khá đặc thù. Đóng vai ác, kép độc, luôn luôn bận đồ ủi thẳng tưng, bắn súng loại quái quái. Chỉ có tội là ông ta chết về sau.

Franco Nero có đóng cuốn phim, mà mình xem tại rạp Ngọc Lan. Ông thần kéo cái hòm đi lòng vòng, rồi đánh lộn, bắn nhau, cuối cùng, mở cái hòm, lấy khẩu đại liên ra bắn người chết như rạ. Các phim cao bổi thường được xem là khởi đầu các phim đấm đá, loại phim hành động sau này. Bên Hương Cảng, họ cũng ra mấy phim đánh võ như Vương Vũ, từ đầu phim cứ đấm đá, chả hiểu lý do vì sao.

Có lần mình mua cuốn Thuỷ Hử bằng anh ngữ cho thằng con đọc. Nó kêu sao người Tàu cứ gặp mặt là đám đá, chém giết nhau vô cớ.

Clint Eastwood, nổi tiếng qua mấy phim cao bồi. Sau này rất thành công trong vai đạo diễn.

Dạo này, bên Pháp họ đang tổ chức festival phim cao bồi spaghetti. Nghe nói có trên 500 phim, loại này. Đa số do Ý Đại Lợi thực hiện nhưng các nước khác như đức, pháp có làm loại này. Hình như do Alain Delon đóng, và Johnny Halliday. Phim loại thể này được thực hiện rất nhiều trong những thập niên 60-70 như phim “pour une poignet de dollars “ của đạo diễn Sergio Leone, được xem là 1 trong 10 phim thu hoạch nhiều tài chánh nhất trên thế giới.

Sau phim này, ông ta làm thêm 2 phim khác cũng do Lee Van Cleef, Client Eastwood, Gian MAria Volonte thủ vai. Từ ngày rời Việt Nam, không biết bao lần mình xem lại 3 phim này mà không chán. Khi mình còn sinh viên, ở Paris, có một rạp xi-nê rẻ tiền, ở khu Montparnasse, toàn chiếu phim cao bồi. Mình đi xem rất nhiều phim cao bồi loại thể này. Có mấy tài tử như Terence Hill rất vui trong phim “mon nom est Personne ” , đóng với Henry Fonda. Sau này ông ta hay đóng chung Bud Spencer.

Mình thích nhất tài tử Giuliano Gemma, đóng rất nhiều phim cao bồi. Có lần ông ta đóng trong “l’homme de Marrakech”, mình xem tại rạp Ngọc Lan.

Mấy phim xi-nê cao bồi của Hoa Kỳ thì thấy toàn anh hùng như John Wayne, John Ford, Gary Cooper, đánh mọi da đỏ, bắn chết mấy tên thảo khấu, gian tà. Trong khi phim cao bồi macaroni, thì không thấy anh hùng, Client Eastwood thì râu không cạo, Lee Van Cleef, không biết gian hay tà. Đóng những vai đi bắt hay bắn chết những kẻ bị truy nã, để lấy tiền thưởng, hay đấu súng. Mấy truyện cao bồi Lucky Luke đều được viết theo các phim cao bồi spaghetti. Chúng ta không biết rỏ chính tà của các nhân vật trong phim.

Franco Nero, mình nhớ ông ta kéo cái hòm, đấm đá như điên. Xem tại rạp Ngọc Lan

Nhưng mê nhất là nhạc phim của Ennio Moricone, được lồng vào mấy phim này. Các phim này tả lại các cảnh người Mỹ da trắng, chiếm đất người da đỏ. Phim cao bồi spaghetti cũng lấy cốt truyện từ mấy phim của đạo diễn Nhật Bản, Akira Kurosawa như phim “7 tên giết mướn” từ 7 hiệp sĩ đạo (7 samurai) hay Django với phim Yojimbo mà đạo diễn nổi tiếng Quentin Tarantino sau này làm lại phim Django Unchained.

Phim 7 tên giết mướn với các tài tử nổi tiếng như Yul Bruner, ông này người gốc Nga, phải đổi tên cho có vẻ Anh quốc một tí để được đóng phim, James Coburn, Charles Bronson, Horst Buchold,… mình xem tại rạp Hoà Bình.

Dạo mình ở Pháp, đài truyền hình Pháp hay chiếu các bộ phim “căn nhà ở đồng quê”, Gunsmoke, Bonanza,… dân tây đầm rất thích phim cao bồi nhưng dần dần cuộc cách mạng văn hoá năm 1968, đã thay đổi các chương trình thực tế hơn. Từ đó các phim cao bồi ít được sản xuất.

Các phim cao bồi spaghetti nói về Mễ Tây Cơ tại Hoa Kỳ nhiều hơn. Người Mỹ da trắng đuổi họ về nước, chiếm đất khi các tiểu bang như Texas, Cali trực thuộc Hoa Kỳ,…

Điểm lạ, theo mình là các phim cao bồi spaghetti được thực hiện vì nhu cầu của dạo áy. âu châu đang trải qua giai đoạn khủng hoảng văn hoá nên các phim nói rất nhiều về cuộc cách mạng tại Mễ Tây Cơ. Những cảnh, đại chủ bị cách mạng về bắn chết, tịch thâu đất dai. Chỉ khác là không có màn đáu tố. Cách mạng chỉ đem ra bắn chết dù là cùng dòng máu, người Mễ.

Dần dần, sau năm 1968, cuộc văn hoá nổi dậy tại các nước âu châu và Hoa Kỳ, khiến khán giả, bớt đi xem phim cao bồi. Phim cao bồi spaghetti, khởi đầu cho mấy phim hành động, bạo lực sau này như mấy phim về các tay buôn bán thuốc phiện, đám đá, tra tấn rất nhiều. Có lẻ mạnh bạo hơn khi xưa. Đạo diễn bao lực Quentin Tarantino, đã làm lại phim Django. Ông tuyên bố rất bị ảnh hưởng của các phim cao bồi spaghetti. 

Xem phim cao bồi mỹ thì đọa kết kẻ chính (người Mỹ da trắng) thắng còn kẻ tà thì bị treo cổ, bắn chết. Có những cảnh chiếu người Tàu như để chọc cười khán giả vì họ ngây ngô, nói giọng á châu. Người da đỏ thì được xem như gian ác vì bắn tên vào các đoàn di dân. Ngày nay thì lịch sử cho biết chính các người da trắng đã cướp đất và có chiến lược diệt chủng bằng cách giết bò rừng, một loại thịt mà người da đỏ sinh sống từ bao nhiều thế kỷ tước đây. Cuối cùng được đẩy vào các vùng tự trị dành riêng cho họ, đẻ bảo tồn văn hoá của họ.

Nguyễn Hoàng Sơn 

Tìm lại bạn cũ sau 50 năm

 Hôm qua, mình nhận được cú điện thoại từ Gia-nã-đại, của một anh chàng ở xóm trên đường Thi Sách, gần bệnh viện Đà Lạt. Anh chàng cho biết mới nói chuyện được với Sang, bà con chi với anh chàng. Mình gọi cho Sang nhưng không thấy trả lời nên nhắn tin. Mình nói Phú ở Gia-nã-đại, không thấy Sang trả lời thì 1 tiếng sau Sang gọi. Nói chuyện gần 3 tiếng đồng hồ, vẫn chưa hết chuyện. Giọng hắn vẫn nhẹ nhàng như xưa. Hắn kêu thấy số lạ nên không dám bắt. Ở Hoa Kỳ có cái bệnh là họ gọi kêu bán buôn gì, quảng cáo nên thấy số lạ không dám bắt.

Khi về Đà Lạt lần đầu tiên, mình có đi tìm 3 tên bạn học cũ: Sang, Tài và Thuỷ nhưng không gặp. 3 tên này có chung một đặt tính là rất hiền, ăn nói nhỏ nhẹ, không ba trợn như mình, chửi thề đủ trò. Sau này, nhờ qua diễn đàn cựu học sinh Văn Học Đà Lạt, tìm và gặp lại được 2 tên còn Sang thì vẫn bặt tin đến hôm nay. Cuối năm 1972, khi hắn đi quân dịch sau mùa hè Đỏ Lửa.

Mình gửi điện thư cho nhóm Văn Học, báo tin đã tìm lại HKS, người đã khai thông lộ, khởi đầu quá trình ngắm gái, con đường vào tình yêu cho mình thì có tên bạn học cũ khác, kêu cho xin số điện thoại của Sang. Tên này, ở Dallas, chắc sẽ gặp Sang. Mình chắc sang năm mới bò sang Houston. Tên này có kể ngày xưa, kết một em tên Hồng, trong lớp. Mình về Sàigòn, có gặp cô nàng, chụp hình, gửi cho hắn. Vợ hắn gọi mình kêu, xem hình đối tượng 1 thời, hắn té xỉu, phải đái 1 trộ vào mặt hắn, mới tỉnh lại.

Tên Sang này và mình chơi với nhau từ bé trong xóm, bắn bi,…khi hắn học tiểu học với anh Bình ở cạnh nhà mình. Lớn lên thì chỉ chào nhau, cười cười khi gặp nhau, khi đụng mặt trong xóm. Đến khi mình sang Văn Học, lớ ngớ vào lớp 11B thì thấy hắn. Hắn kêu đến ngồi chung bàn. Lớp thì nhỏ mà có trên 150 mạng nhét vào ngồi như cá mòi. Được vài tháng thì hắn bị động viên, mất liên lạc từ đó.

Từ hắn, mình bắt đầu tập tành đi vào con đường cách mạng, thay đổi tầm nhìn, chân lý. Thay vì tập võ, đánh bóng bàn thì mình hủ hoá, mất lập trường cách mạng, bắt đầu ngắm gái. Ăn cơm trưa xong, hắn kêu mình chở hắn đi vòng vòng Đà Lạt, hắn biết cô này tên gì, nhà ở đâu. Cô kia họ chi, học trường nào. Trước đây, mình chạy xe một lèo tới trường hay về nhà, nay bổng nhiên phát hiện ra cuộc đời có những cô gái má hồng Đà Lạt, xinh đẹp. 

Hắn và tên em bà con, Bình, ăn bận rất cực đỉnh, đi học chải tóc láng cón trong khi mình chỉ húi cua từ bé đến nay.

Mình hỏi hắn nhớ Ri không, khiến hắn giật mình. Nói mày hỏi tao mới nhớ chớ mấy chục năm nay quên mẹ nó hết. Trong lớp dạo ấy, hắn thích Ri, người Chàm, lên Đà Lạt học, ở trọ nhà trên đường Thủ Khoa Huân. Hắn thân với tên Hiệp, lớp 11A, bắt gôn. Tên Hiệp này thích thị Đức, 11B nên hay viết thư rồi nhờ mình đưa lại. Một lần, sau ăn trưa, hai tên này rủ mình đến nhà Ri. Tại đây gặp Đức. 

Hai tên này nói chuyện với hai cô nàng, mình bỏ ra sân sau, nhìn xuống đường Cường Để và Hồ Xuân Hương. Đẹp thật. Có lẻ chỗ này nhìn về hồ Xuân Hương rất lạ, thấy Ấp Ánh Sáng, Grand Lycee,… không như mấy tấm ảnh thường thấy.

Lần sau chúng rủ, mình không đi nữa. Sau hai tên này đi lính, mình chấm dứt sự nghiệp, nghề đưa thư tình cho hai cặp này. Hắn có viết thư cho mình từ quân trường, nhờ tên em họ đưa lại. Tên này, có lần gặp mình, nói là có thư thằng Sang, gửi cho mình nhưng hắn quên đưa lại, sau bỏ xọc rác. Hắn kể khi xưa, mình nói chuyện hay chế những cụm từ rất đặc biệt như có lần đi sau cô nào, khi đi học về, mình nói cô này như “khoai lang lột vỏ” nên bị cô nàng quay lại nguýt một cái cực đỉnh.

Sau mùa hè Đỏ Lửa, Việt Nam Cộng Hoà đôn quân, thằng Sang và mấy tên khác sinh 1955, không được hoãn dịch, phải nhập ngủ, bỏ học, từ giả đời học sinh êm ái. Trong lớp bổng mất đi 10% học sinh nam. Cả lớp bàng hoàng được vài tuần rồi cuộc đời như dòng suối Cam Ly chảy qua thành phố Đà Lạt. Nhà tên nào có tiền thì chạy giấy tờ giả để tiếp tục học hay có em trai thì lấy giấy tờ của em để khỏi đi quân dịch. 

Hắn kể đi nhập ngủ, vào khám sức khoẻ, gặp lại Vĩnh, học chung, ngồi bàn sau tụi này. Tên này đi lính trước đó mấy tháng mà không ai biết. Anh chàng này đi Thuỷ Quân Lục Chiến, mới ra trận lần đầu, bị thương khiến Sang đâm hoảng. Kêu hắn vào lính trong khi tên bạn học cũ lại bị thương khi ra trận lần đầu. Thất kinh.

Học quân sự xong thì hắn được bổ nhiệm đi học tháo gỡ mìn và chất nổ, đóng quân ở phi trường Tân Sơn Nhất. Ai báo cho thấy các vật khả nghi, có mìn hay chất nổ thì hắn được cử đến tháo ngòi nổ. Lạng quạng nổ banh xác. Chỗ hắn học khi xưa, nay Việt Cộng làm viện bảo tàng tội ác mỹ ngụy. Còn em cô cậu nó, tên Tuấn, cũng học chung, đi lính cùng ngày với hắn. Tên này, ngày xưa hay chở Ngọ, mà trong lớp hay chọc, hát em tan trường về anh theo Ngọ về.

Gia đình hắn được xem là 1 trong 100 gia đình đầu tiên đến Đà Lạt lập nghiệp. Không biết trí nhớ hắn còn tốt hay không để mình hỏi thêm về lịch sử gia đình hắn lên Đà Lạt lập nghiệp ra sao. Anh hắn khi xưa là đệ tử của ông Sáu Trọng, thầy võ trên Số 4. Xóm mình được gọi là xóm Thái Cực Đạo vì có nhiều tên tập Thái Cực Đạo. Nhóm đi chơi tên Ngọc, đai đen thường được gọi là băng Thái Cực Đạo.

 Trong tấm ảnh này, biết đâu có hình ông ngoại của Huỳnh Kim Sang, lính khố đỏ sang tây đánh đức cứu Tây.

Ông ngoại hắn là lính khố đỏ, tây gọi là Tirailleur, bị tây chở qua xứ mẫu quốc, đánh giặc chống Đức vào đệ nhất thế chiến 1914-1918. May sao còn sống vì quân lính của tây chết như rạ vì họ dùng khí giới hơi ngạt. Về nước, Tây cho dẫn gia đình lên Đà Lạt lập nghiệp sinh sống. Mẹ hắn được gửi bằng khen, 1 trong những 100 gia đình đầu tiên di cư đến Đà Lạt. Thời Tây đổ bộ sau 1945, bị bố ráp, lính tây suýt bắn. May ông ta xổ một tràn tiếng tây bồi, cho quân số của lính pháp ngày xưa nên thoát chết.

Ông nội hắn, người Quảng Nam, làm thầu khoán, xây cầu gì ở Tháp Chàm, giàu có. Một hôm đi đâu về sao đó về bị té chết. Bố hắn với ông bác, còn bé, được mấy người bà con đem vào Đà Lạt nuôi. Ông cụ mình hay đến nhà hắn đánh bài. Bố hắn đánh bài, mèo chuột nên hắn lớn lên, không theo con đường của bố. Hèn gì bố hắn với ông cụ mình thân nhau vì có chung đặc tính. Bố hắn có bà Bồ nhí trên số 4 nên hay đi ngang nhà mình. Khi xưa có chiếc xe mô-tô. Chị hắn buôn bán giỏi lắm, có nhà chỗ đầu dốc Hai Bà Trưng. 1 trong 3 căn nhà xây sau Mậu thân, bên cạnh nhà ông tàu bán xắp xắp, chuyên môn bận áo quà màu đen ở bên cạnh rạp Ngọc Hiệp. Nhà có xe hàng. Sau này về Sàigòn buôn bán rau của Đà Lạt. Bị đổi tiền mấy lần te tua nhưng người tài giỏi thì vẫn làm lại được cuộc đời sau đó vì có nghề buôn bán.

Bố hắn mở tiệm làm nước đá Thuỷ Tinh, đối diện rạp Ngọc Hiệp. Sau này bán lại cho ai, họ mới làm thêm cà-rem cây với loại eskimo mà mình mê nhất thời ấy. Hắn cho biết cái cầu nhỏ từ xóm Địa dư qua Phan Đình Phùng, thường được gia đình hắn gọi là Cầu Quẹo. Không biết có phải vì vậy mà dân Đà Lạt xưa gọi đường Cầu Quẹo. Có người kêu là vì chiếc cầu ở cận nhà hàng Cẩm Đô nên họ gọi Cầu Quẹo. Theo mình thì không chính xác lắm vì cầu Cẩm Đô, trước đó được gọi là cầu Cửu Huần, do ông Cửu Huần đặc trách xây. Sau này, nhà hàng Cẩm Đô được xây lên, người ta gọi là cầu Cẩm Đô.

Hắn kể em gái hắn học Văn Học, dưới một lớp. Bạn gái xinh đến nhà , nhờ đó mà hắn biết mấy cô đẹp, nhà ở đâu. Kể có 2 chị em, tên Mỵ và Nương, đẹp nức nở, ở Cầu Đất, chắc nằm vùng, sau 75 làm lớn lắm. Mình không nhớ 2 cô này, chỉ nhớ em gái hắn khi đến nhà hắn.

Hắn kể sau 30/4, hắn trút bỏ quân phục rồi tìm đường về nhà. Hạ sĩ quan nên đi học tập đâu mấy tuần rồi về. Làm đủ nghề, Việt Cộng muốn đày đi kinh tế mới, không cho học, không cho làm xí nghiệp. Hắn di tứ xứ làm ăn, làm lơ xe, xuống Hà Tiên làm công nhân cho xi măng Hà Tiên, bị dân Miên rượt đủ trò. Hắn kể trước khi vượt biển, Cô Thuỷ có xuống Sàigòn, ghi danh cho hắn đi làm công nhân.

Cuối cùng, một hôm hắn đứng đón xe cuối tuần về nhà thì gặp ông cậu. Tối đó, hắn ngủ lại nhà ông cậu. Có người lạ đến bàn chuyện vượt biển trên gác. Hắn bò lên xem, nhớ mặt ông khách lạ rồi sau đó, đi theo ông ta như phim trinh thám. Ông ta lên xe buýt thì leo lên xe buýt, xe đò rồi đến Rạch Giá.

Mình có kể tên bạn học cũ, tổ chức vượt biển, bị chúa trùm công an vùng Kiên Giang bắt. Bảo lên Sàigòn, móc nối với dân vượt biển, kêu về Rạch Giá, mua bến của hắn. Tên này được hai công an Kiên Giang Kiên Cường, đi kè lên Sàigòn. Hắn móc nối, chở 4,000 cây vàng về Rạch Giá nộp cho chúa trùm công an. Dạo ấy, thiên hạ vượt biển từ Bà Rịa nhiều như vợ mình. Nên tên trùm công an Kiên Giang kêu dẫn dân vượt biển về Rạch Giá. Tên trùm công an thấy tên này giỏi, móc nối kiếm tiền cho hắn, không cho đi vượt biển, nó phải núp dưới tàu trốn. Lênh đênh qua đảo rồi định cư tại Cali. Nghe nói tên công an này sau bị tử hình hay sao, không nhớ rõ.

Ông này khám phá ra hắn đi theo, tưởng công an nên nói anh của hắn, xem có phải công an. Ông anh nhận ra nó, kêu em tui nên được đi theo diện canh-me. Anh nó tổ chức vượt biển nhưng không nói, sợ bị lộ. Ghe nhỏ, hôm đó bão cấp 6 nên cả ngàn thuyền ghe đánh cá, đậu neo trong bờ. Thuyền của hắn ra khơi, nhỏ bé. May thuyền nhỏ nếu không thì đã bị sóng đánh vỡ. Tàu chết máy, trôi dạt vào Thái Lan, rồi họ kéo xuống Pulau Bidon. Một năm sau, được định cư ở mỹ. Sống tại Houston từ 1981 đến giờ.

Cách đây, 20 năm, về lại Việt Nam, có tên bạn giới thiệu cô cháu ở Mỹ Tho. Hắn bò về miền nam xem mặt. Thấy nghèo khổ quá nên cưới cô nàng đem qua Mỹ. Hắn nói có vậy mới sống bền với nhau. Cô vợ sinh ra hai cô con gái, 18 và 14 nên chắc phải cày thêm, chưa về hưu được.

Mình hỏi gái Mỹ Tho chắc đẹp lắm. Hắn kêu thường thôi, đẹp thì nó bỏ tao từ lâu rồi. Vợ tao thấy tao hiền nên thương, thua 20 tuổi. Về già mới thấy tên này khôn, lấy vợ trẻ để khi về già nó hầu mình. Lấy vợ gần tuổi nhau, về già đau ốm, già phải lo đấm bóp, thuốc thang đủ trò. Chúc mừng hắn.

Anh chàng kêu sao mình nhớ họ của ”Bỏ tao”. Bỏ là bố đỡ đầu của giáo dân. Hắn chỉ nhớ tên của bác Oai. Mình kể về bố của thằng HÙng, tập Thái Cực Đạo với mình ở Lasan Adran. Hắn kể ăn thịt chó tại nhà này. Ông bố đỡ đầu của hắn, công an chìm của trung tâm thẩm vấn, vua bắt nằm vùng Đà Lạt. Mình nói cũng ăn thịt chó tại nhà nầy được hai lần. Một lần, mình xin con chó của ông Quyền cho nó, nhà nó làm réveillon. Xong om.

Qua hắn thì khám phá ra trong xóm trên nhà mình có rất nhiều giáo dân. Họ đi nhà thờ mà cô hàng xóm đi lễ mỗi ngày. Nhà thờ nằm cạnh nhà xác. Trên bệnh viện Đà Lạt, có 2 nhà xác: một dành cho tây và một dành cho người Việt. Nhà thờ do mấy bà sơ áo trắng trù trị. Theo mình thì là nhà nguyện, để ai có thân nhân nằm bệnh viện, đến đó cầu nguyện bề trên. Nhà thờ lãnh địa đức bà thì mấy bà sơ bận đồ xanh. Hoá ra mẹ nó là mẹ đỡ đầu của chị Lệ Khánh, con bác Mân. Cô này, nổi tiếng với tập thơ “em là con gái trời bắt xấu”. Thằng T, con bà 3 Q cũng đi nhà thờ này. Sau này đi 302, sau 75, đánh lộn bị đâm chết.

Qua hắn, mới nhớ lại chị Nga, người Nùng, 1 trong 4 cô học sinh Bùi Thị Xuân đậu ưu hay tối ư 1 thời. Cạnh nhà Dũng Đầu Bò, cũng người Nùng. Dòng họ này đi lính lực lượng đặc biệt của Mỹ, chạy xe Jeep mỹ thấp, mấy cái bánh xe bè ra ngoài để tránh bị lật… hay ông Lê, bà con hay anh em gì của ông Tô, ở ngay dốc Hai Bà Trưng, cạnh nhà hai chị em Thanh, Trúc, quen với mẹ mình. Mình có gặp khi cô còn ở Irvine, sau này bán nhà ra RiverSide thì mất liên lạc.

Hắn hỏi mình nhớ con khách sạn XXX, mình không nhớ nhưng khách sạn thì nhớ. Hắn cho biết có gặp con của gia đình này, sang đây một mình. Buồn đời ra sao, đi làm nghề giết mướn. Ai trả $10,000 dạo ấy là thịt liền. Sau này, qua Hạ Uy Di làm gì bị bắn chết. Chắc gia đình không biết.

(Còn tiếp)

Nguyễn Hoàng Sơn 


Lễ Tạ Ơn dưới góc nhìn khác

Tuần này, lễ Tạ Ơn tại Hoa Kỳ nên mình kể về một góc nhìn khác về sự thành lập của nước Hoa Kỳ. Lễ Tạ Ơn được giảng dạy trong trường học, như một cách tạ ơn các người dân bản địa đã đón tiếp, giúp đỡ các người di dân đến từ Âu châu đến. Mình đã kể trong bài “con tàu lịch sử Mayflower”. Các người âu châu mới đến, te tua đã được các thổ dân tại đây giúp đỡ những ngày đầu khi mới đến, tạo ra một truyền thống cho người Mỹ, giúp đỡ những ai chạy giặc, đến tỵ nạn tại xứ này. Nhờ đó mà trên 2 triệu người Việt, tỵ nạn cộng sản, có mặt tại xứ sở này hôm nay.

 Mình học lịch sử về Hoa Kỳ năm 11 B, được biết Kha Luân Bố, tìm ra Châu Mỹ. Đó là một cách nói khá lạ hay định nghĩa rất đặc biệt. Lý do là khi ông ta đặt chân đến Mỹ Châu, đã có người sở tại sinh sống tại đây từ nghìn năm trước mà chúng ta thường gọi là người da đỏ. Người Mỹ có cách nói rất hay: người da đỏ, sinh sống từ bao nhiêu đời tại Mỹ châu thì họ gọi là “Native American” (người bản địa), người gốc Á Châu thì họ gọi là “Asian American”, người gốc Phi châu thì gọi là “Afro-American”, còn người da trắng thì gọi đơn sơ “American”. Cho thấy người Mỹ da trắng là người Mỹ hoàn toàn.

Phụ nữ bản địa mỹ châu được người da trắng bắt cóc đem về âu châu bán làm nô lệ

Cái hay của Hoa Kỳ là người Mỹ có quyền phát biểu tự do ngôn luận. Các sử gia Hoa Kỳ bắt đầu nghiên cứu về giai đoạn khi người âu châu sang Mỹ Châu. Người ta ước lượng có đến 12.5 triệu người bị bắt cóc tại Phi Châu, chở qua Mỹ Châu để làm nô lệ. Người bỏ tiền thành lập ra đại hoc Yale là tên bắt cóc người phi châu đem qua Hoa Kỳ bán làm giàu nhiều nhất. Xem link về hội thảo của đại học Yale về chế độ nô lệ 

https://news.yale.edu/2021/11/01/yale-publicly-confronts-historical-involvement-slavery

Nay qua các thư từ, công văn mà người ta soạn lại được thì họ khám phá ra có từ 2.5 đến 5 triệu người Mỹ da đỏ, bị bắt cóc, chở về Âu Châu, bán cho các chợ nô lệ ở Tây BAn Nha. Hoá ra nghề buôn người do người da trắng đã có từ lâu. Có lẻ vì vậy mà người da đỏ đánh nhau với người da trắng mà chúng ta thấy trong các phim cao bồi, người da đỏ được xem là man rợ đủ trò. Anh bắt cóc chúng tôi, chở về âu châu, bán làm nô lệ thì phải chống lại chớ. Có lẻ vì vậy mà người da đỏ ngày nay rất ít.

Trong những lá thư của Kha Luân Bố gửi cho ông bạn ở Ý Đại Lợi. Bà hoàng hậu Isabella, hổ trợ tài chánh cho ông Kha Luân Bố đi về hướng Tây để đến Ấn Độ, để mua vàng, gia vị,…nhưng lại đến bờ Mỹ CHâu. Không tìm ra những gì mà họ mong tìm, ông Kha Luân Bố, đành gửi 5 chiếc tàu về âu châu với 550 người da đỏ để họ có thể bán nô lệ, rút vốn về.

Lá thư của Kha Luân Bố cho người bạn đã kể là hiếp dân cô gái da đỏ được ông ta tặng

Trước đây, người Tàu chở các container hàng hóa đến các xứ tây phương. Khi thuyền của họ về lại Trung Cộng thì trống không nên họ mới tư duy đột phá, chở đồ tái sinh về Trung Cộng để lựa ra rồi chế tạo lại đồ nhựa,… khiến môi trường của họ bị ô nhiễm hết thuốc chửa nên mấy năm gần đây họ kêu Basta, không nhận nữa nên kỹ nghệ tái sinh Hoa Kỳ ngọng. Các nơi nhận chai nhựa hay nhôm đóng cửa.

Mình đoán là khi thuyền của người da trắng, từ Tây Ban Nha,…đến Hoa Kỳ đem các người chạy trốn sự áp bức công giáo, chọn tự do tín ngưỡng thì khi trở lại các cảng âu châu, họ phải đem hàng hoá hay nô lệ về bán kiếm tiền. Lịch sử do kẻ thắng cuộc viết nên chúng ta chỉ học những gì họ muốn nói hay về họ, còn những gì độc ác thì họ lại dấu. Mình thì thích đọc ba chuyện ngoài luồng để hiểu thêm về lịch sử thay vì tin những gì được rao giảng ở nhà trường khi xưa.

Chúc các bác và gia quyến một mùa lễ Tạ Ơn yên lành

Trong một lá thư của ông bạn tên là Michelle da Cuneo, mình đoán ông này ở vùng gần Torino, vì mình có đến viếng một thành phố tên Cuneo, gần đó. Ông này kể là khi nhận được của Kha Luân Bố, 1 cô gái da đỏ như món quà tặng thì ông ta muốn giao hợp ngay. Từ đó, người ta tìm hiểu thêm thì khám phá ra các nô lệ người da đỏ được bán tại âu châu. Phụ nữ có giá từ 50-60% giá hơn đàn ông da đỏ. Người ta lý giải là bán nô lệ tình dục, được tiền nhiều hơn là nô lệ lao động.

Người ta cho rằng, buôn người làm nô lệ tình dục thời đó. Qua các tài liệu được khám phá về Mỹ Châu trước khi ông Kha Luân Bố đến đây thì các bộ lạc đánh nhau, rồi bắt người của các bộ lạc khác để thay thế người chết của bộ lạc họ. Các dòng tộc cưới nhau, trao đổi nô lệ,..nên khi người âu châu đến, bắt họ đem về âu châu làm nô lệ, xem như hiển nhiên.

Vào thế kỷ 19, ông Brigham Young, đem một số đạo hữu đi về miền viễn tây, đóng đô tại tiểu bang Utah, thành lập đạo Mormon. Họ khám phá ra các con buôn Tây Ban Nha hoạt động trong các vùng này. Họ bỏ đói các trẻ em ngoài trời đông lạnh, nói như vua Gia Long có đói nói mới nghe, khiến nhà thờ Mormon này phải mua các nô lệ lại. Dần dần nhà thờ này, khuyên răn các tay buôn nô lệ, chấm dứt nạn buôn người.

Phụ nữ phi châu bị bắt cóc đem qua mỹ châu làm nô lệ

Trong thời kỳ đi tìm vàng ở California, người ta bắt các người da đỏ làm nô lệ để làm các công việc đào vàng, đưa đến các vụ đánh phá của người da đỏ mà chúng ta xem phim cao bồi, thấy họ cướp xe đò,… sau đó người Mỹ dồn các người da đỏ vào một một vùng, lãnh thổ riêng do người da đỏ tự trị. Cuộc di chuyển người da đỏ đến vùng tự trị này được gọi là Long Walk, vạn lý trường chinh của người da đỏ, bị nhốt vào các vùng đặc khu của họ. Nhưng các chủ nông trại vẫn tìm cách kiếm nhân công người da đỏ cho dù bị cấm.

Có luật của người âu châu cho phép buôn bán nô lệ từ phi châu nhưng năm 1542, hoàng gia Tây Ban Nha, ra lệnh cấm buôn bán nô lệ người da đỏ. Trên thực tế, các chủ đồn điền của các thực dân từ âu châu, vẫn cần sức lao động của người da đỏ. Mình không hiểu khi các cố đạo giảng tất cả đều con của chúa nhưng lại chấp nhận để con chiên có nô lệ. Thậm chí dòng tên cũng có nô lệ như khi họ thành lập đại học nổi tiếng John Hopkins, sau này bị một anh chàng người Mỹ vớ vẩn khám phá ra khiến nhà dòng đền bù thiệt hại mệt thở. Ai tò mò, mình đã kể trên bờ lốc.

Khi mấy đứa con học về lịch sử các tu viện ở California, mình có đi viếng vài viện này, thấy mấy ông cố đạo của nhà thờ Tây Ban Nha, sử dụng các người da đỏ để xây cất, trồng trọt, nhốt họ lại vì họ hay trốn thoát. Mấy ông cố đạo nhân danh thiên chúa đi giảng đạo rồi còng đầu người da đỏ làm nô lệ, để trồng trọt, nuôi thú cho họ giảng đạo.

Người ta cho biết, khi người âu châu bắt cóc người da đen đem qua mỹ châu làm nô lệ thì dân số ở phi châu bị giảm mất 20%. Nay người ta xét lại tại Tân Thế Giới, nhân số của người da đỏ, người địa phương, giảm đến 80%-90%. Mình có kể vụ người Mỹ cho giết bò rừng qua các chương trình được những người như ông Buffalo Bill thực hiện, giết mấy triệu con bò rừng. Người da đỏ, sống nhờ bò rừng nên họ phải di chuyển theo bò rừng, dần dần chết nhiều và trốn qua Gia-nã-đại.

Lập luận này có thể đúng một phần nhưng theo mình thì họ bắt cóc mấy người da đỏ, đem về âu châu bán làm nô lệ. Nên nhớ dân số người bản địa giảm 80%-90% mà người ta ước tính đến trên 2 triệu người da đỏ được chuyên chở về âu châu. Giết 2 triệu người thì tốn khá nhiều súng đạn.

Vùng Trung Mỹ, khi các người âu châu sang, đem theo các bệnh tật lan trưởng khiến người địa phương chết rất nhiều, giúp họ tấn công vào các thành phố của người địa phương, đưa đến sự giảm dân số khá nhiều.

Ngày hôm nay, chúng ta có cơ hội nhìn lại lịch sử của Hoa Kỳ. Chúng ta có nên lên án hay không? Lịch sử, đưa đẩy các người âu châu đến đây. Với khí hậu khắc nghiệt, họ phải chống trả, bảo vệ sự an toàn của họ, để thành lập một quốc gia hùng cường ngày nay. Chúng ta nên nghiên cứu lại lịch sử được dạy trong các lớp học khi xưa. Lịch sử thường được viết lại bởi người thắng cuộc.

Ngày nay, khi người Mỹ hiểu được sự thật nên một số người Mỹ trẻ lên tiếng, đòi hỏi phải phá bỏ tượng đài của ông tướng Robert Lee, người lãnh tụ quân đội của miền Nam. Họ kêu gọi không được treo cờ của quân đội miền Nam, biểu tượng cho chính sách nô lệ. Họ lên án các ông cố đạo dòng tên thành lập đại học danh tiếng John Hopkins, lạm dụng sức lao động của mấy người nô lệ da đen và phải đến bù đủ trò và lên tiếng xin lỗi. 

Đi viếng thăm vùng Trung Á vừa qua, mình mới khám phá ra lý do chính giữa cuộc nội chiến Hoa Kỳ. Khi xưa có đọc đâu đó về kinh tế là chính, nhưng kẻ thắng cuộc đưa ra chiêu bài bãi bỏ nô lệ khi học lịch sử Hoa Kỳ. Trên thực tế sau cuộc nội chiến, các địa chủ ở miền bắc vẫn tiếp tục có nô lệ, những người làm không công cho họ. 

Tại sao các dòng tên vẫn sử dụng nô lệ sau khi miền bắc đánh thắng miền nam và có nhiều địa chủ khác cũng sử dụng nô lệ tại miền bắc. Hôm nào buồn đời sẽ kể. Họ vẫn không sinh sống chung đụng với người Mỹ da màu đến khi người da màu được ông King và nhóm lãnh đạo người Mỹ da màu xuống đường, đòi hỏi công băng, quyền dân sự. Ai tò mò nên xem phim Rustin trên Netflix. Để hiểu thêm về phong trào đòi quyền dân sự, bình đẳng của người da màu.

Nhờ những nghiên cứu lịch sử, người Mỹ của các thế hệ sau, đã cưu mang các người đến từ các quốc gia khác như người Việt chúng ta, tỵ nạn cộng sản. Có một nơi để làm lại cuộc đời, sống an lành. Hy vọng chúng ta hay các thế hệ mai sau, sẽ đóng góp xây dựng đất nước này, và tiếp tục truyền thống, cưu mang các người tỵ nạn khác bất kỳ là chủng tộc nào. Thay vì hô hoán theo người Mỹ da trắng, chống di dân.

Chúc các bác một mùa lễ tạ Ơn vui vẻ, bên cạnh gia đình.

Nguyễn Hoàng Sơn 

Những người đàn ông trong truyện Kiều

 Mình nhớ năm 3ème học Truyện Kiều vì khi thi bằng Brevet, có câu hỏi về ông Nguyễn Du. Mình thấy lạ một điều là các nhân vật nam lần lượt xuất hiện trong Truyện Kiều, toàn là những người đàn ông, không đáng để thiếu niên như mình, học tập noi theo đạo đức cách mạng. Ai ngờ, sau này mình cũng đi theo con đường của họ. Sợ vợ như Thúc Sinh, dại gái như Từ Hải, khốn nạn như Kim Trọng… nói chung là cứ dính vào đàn bà là theo gương một trong những nhân vật nam, ca khúc người đi qua đời Thuý Kiều của ông Nguyễn Du.

Nhân vật nam đầu tiên xuất hiện trong đời Thuý Kiều là Kim Trọng. Khi cô nàng gặp tên này, thốt lên “thằng kia gặp gỡ làm chi, 100 năm biết có duyên gì hay không” khi đi tảo mộ. Mỗi lần gần Tết, mình đi chạp mộ với người làng Dưỡng Mong ở Mả Thánh thì chán như con gián. Không hiểu sao ông Nguyễn Du lại tả thiên hạ đi đông, bận quần áo đẹp để cuốc đất nhổ cỏ, chưa kể đạp phân bò của mấy thằng chăn bò trên mả thánh. Đúng là thi sĩ, không biết gì về cuốc đất nhổ cơ.

 Nghe kể về cuộc đời xấu số của Đạm Tiên, Thuý Kiều bùi ngùi rồi tơ tưởng cuộc đời mình sẽ như cô ả đào này. Có lẻ vì vậy mà khi xưa mấy người lớn không cho con gái đọc tiểu thuyết, sợ mấy cô đọc xong cứ tưởng mình như nhân vật trong tiểu thuyết, để bắt chước theo.

Anh chàng này, con nhà giàu, học giỏi, biết thổi sáo để dụ dỗ gái vị thành niên như vài tên bạn học với mình khi xưa. Biết đánh đàn là gái bu như ruồi. Khi xưa, mình tập võ trong khi mấy tên bạn học đàn, đô rê mi Fa sol la si đô để gái bu đông như quân Nguyên. Lớn lên, thi khám phá ra chỉ cần học Đô La là đủ được gái bu. Được cái về già thì mình khoẻ hơn chúng. Hôm nay, gặp tên bạn ở Văn Học, nói tháng 4 tới, mình leo núi Machu Picchu 7 ngày 6 đêm, cắm trại trên núi khiến hắn rùng mình.

Thúy Kiều, mê tiếng sáo của tên công tử nhà giàu, ban đêm leo tường qua nhà Kim Thị. Kim Trọng thỏ thẻ bên tai, kêu yêu Kiều như điên như bao thằng đi tán gái, chỉ muốn rà xét đồ phụ tùng của gái, thuộc loại hàng xịn hay đã bị tân trang nội thất toàn diện. Khi bố cô nàng bị nạn thì anh ta kêu Kiều cứ bán thân chuộc cha đi, để trọn đạo Hiếu tử, để anh lấy Thuý Vân cho xong đời. Ngồi thổi sáo: “này em hởi con đường em đi đó, sẽ đưa em sang đâu?”. Đưa đến động Tú Bà. Chấm còm.

Bố của hai chị em Kiều Vân, không biết làm chuyện gì mà mất tiêu gia sản. Mình đoán ông này binh xập xám chướng nên phải bán nhà cửa, con gái để trả nợ.

Kiều đi theo Mã Giám Sinh, khóc lóc bài tình chị duyên em như chị em bà hàng xóm nhà mình khi xưa. Bà chị lấy chồng, không con nên kêu cô em lấy chồng mình, sinh ra 4 người con theo chủ nghĩa tình chị sex em.

Cái mất dạy là sau 15 năm làm điếm trả nợ cho TÚ Bà xong, tên Kim Trọng này, gặp lại Kiều, chắc cholesterol cao kêu về làm vợ hắn để than thuốc cho hắn. Chắc Thuý Vân, không giỏi việc chăn gối, hay hắn đã chán, muốn tìm của lạ nơi chốn bia ôm nên muốn thử nghệ tài của Thuý Kiều sau 15 năm ở lầu xanh, không bị bệnh SIDA. Hay ông thần này bị bệnh tiểu đường, lao phổi nên cần người chăm sóc, buôn bán mua thuốc thang. Có lẻ tác giả phải đặt tên Kim Trọng là Sở Khanh. Kiều đã qua tay biết bao nhiêu tên đàn ông nên từ chối, hiểu ngay, không ngây thơ như 15 năm về trước.

Mình đọc một bài tiểu luận của học sinh về Truyện Kiều ngày nay, khiến mình thất kinh. Học sinh cho biết, khi Thuý Kiều đã trả nợ xong cho Tú Bà, đại diện cho thành phần mỹ ngụy ác ôn. Chế độ phong kiến, tàn ác, phồn vinh giả tạo nên nhảy xuống Tiền Giang, thay vì sông Tiền Đường như mình đã học khi xưa. May mắn có một cán bộ cách mạng, đi công tác ngang qua, nhảy xuống sông Tiền Giang, cứu được Thuý Kiều, một nạn nhân của chế độ phong kiến, tàn ác của mỹ ngụy và đã giúp cựu gái lầu xanh, vào trại  phục hồi nhân phẩm để học tập. Kiều giác ngộ đi theo cách mạng làm hộ lý ở Trường Sơn. Kinh

Mã Giám Sinh thì như bao đàn ông giàu có khác, mua gái, chơi hoa rồi bán lại, để rút vốn. Mình đọc đâu đó, ở Việt Nam, có người đem bồ đến các quan lớn để làm “con gái nuôi”. Có ông nào, viết kể vợ ông ta được mấy quan lớn thay phiên nhận làm con gái nuôi, ông ta đi đòi thì bị bỏ vào nhà thương điên. Lâu quá không thấy ông này viết bài nữa, chắc bị cho uống thuốc an thần nhiều. Khai toàn là các quan lớn Việt Nam bắt vợ ông ta làm con nuôi vì vợ đẹp là con nuôi người ta. Con nuôi thì không mang tội hủ hoá.

Thúc Sinh, cũng hứa hẹn đủ trò khi lên giường với Thúy Kiều rồi gặp bà vợ Hoạn Thư, không dám hó hé. Rồi đến tên tướng cướp Từ Hải, nghe lời cô Điếm để chết đứng. Ông Nguyễn Du, tả Tú Bà dạy Thuý Kiều, dùng hạt lựu, để lừa mấy tên mua hoa tưởng cô nàng là gái tân. Gặp ai, cũng e thẹn, che mặt với cái quạt, khe khẽ em còn bé lắm, anh ơi. Nam mô a di đà.

Có một nhân vật nam được ông thầy dạy việt văn, chửi bới, thoá mạ nhiều nhất là Hồ Tôn Hiến. Ông quan, dụ Thuý Kiều, bảo Từ Hải ra hàng, rồi cho quân mai phục, bắn chết Từ Hải. Ông thầy kêu Hồ Thị, nào là đạo đức giả, nhan hiểm, rắn hổ mang. Ông thầy bắt học sinh học thuộc lòng để khảo bài, mỗi tuần. Mình không thấy có câu nào ông Nguyễn Du chửi ông quan họ Hồ cả.

Lớn lên, thấy tên Hồ Tôn Hiến khá bản lĩnh mới làm lãnh đạo. Gặp gái, không hủ hoá như các quan tham. Dùng Kiều như con cờ để dẹp loạn, lên chức. Thuý Kiều khóc như mưa, khi thấy Từ Hải chết đứng. Khóc đây là vì tức tối, bị họ Hồ lừa, chưa kịp lấy quỹ đen két sắt. Một cô điếm từng lấy bao nhiêu chồng người ta, đâu có khóc dễ dàng.

Đi thi Brevet, vào vấn đáp thì họ hỏi lý do Nguyễn Du, viết truyện Kiều. Mình trả lời như ông thầy dạy là ông ta làm quan nhà Nguyễn nhưng vẫn nhớ đến nhà Lê, vẫn thèm ăn rau muống và cà cuống bú xua la mua thay vì bún bò, bánh nậm nên được đậu vớt. Cứ trả lời như vẹt theo ông thầy dạy, dù chả hiểu gì. Chớ hỏi về Từ Hải thì mình cũng sẽ a-dua theo ông thầy, chửi Hồ Thị nát nước.

Em rể mình ở Pháp, có gửi cho mình 7 đĩa nhạc của một ông kỹ sư ở Pháp, mê truyện Kiều nên phổ nhạc hết mấy câu thơ của truyện Kiều. Ông này tên Quách Vĩnh Thiện, khi đọc đến câu 890 “sống trên đất khách, thác chôn quê người”, xúc động vì đúng tâm sự của kẻ xa quê, nên sáng tác nhạc nguyên cuốn Truyện Kiều. Hình như có đến 77 nhạc phẩm, ông này không được về Việt Nam. Ông này đi du học lâu rồi. Lái xe, mình nghe lại truyện kiều qua các ca từ thì mới thấm được truyện Kiều.

Mình thấy trên Shark Tank có ông Mỹ, soạn thơ của Shakespeare thành nhạc để học sinh dễ học. Rất có lý. Nếu khi xưa, học Truyện Kiều mà có nhạc Truyện Kiều nghe thì dễ học thuộc lòng hơn.

Lớn lên, thấy lịch sử thế giới đều dùng mỹ nhân kế để thu phục đám tướng, khiến vua chúa mất nước. Ngô Phù Sai bị Phạm Lãi, đưa Tây Thi vào cung, làm ông ta say mê, bất chấp lời căn dặn của tể tướng Ngũ Viên. Ông này thấy rõ âm mưu của Việt Câu Tiễn nên kêu đem ra chém. Chỉ có những người tài giỏi mới nhận ra âm mưu của kẻ tài giỏi khác.

Ông thầy cứ khen Từ Hải, cho rằng anh ta chết vì dại gái là cái chết êm ái. Cứ cho ông họ Từ chết vì đàn bà là tay anh hùng, hảo hán. Đừng có nói đến làm chính trị hay gì. Những người hèn hèn như mình mà dính vào đàn bà cũng chết lây lất.

Ông thầy kêu Từ Hải là đại trượng phu, một tay chọc trời “trơ như đá vững như đồng/ ai lay chẳng chuyển ai rung chẳng dời” để rồi Thuý Kiều, hát bản nhạc “khi người yêu tôi khóc” của Trần Thiện Thanh thì tướng cướp họ Từ này gục ngã, chửi cả đám giai cấp công nông. Ra hàng Hồ Tôn Hiến để được hát “trái tim ngục tù, ta yêu em đến ngày mai”. Ông ta chết vì Thuý Kiều; 1 cái chết vì gái là cái chết êm ái nên phải chết đứng, chống gươm.

Hoá ra, lớn lên mình cũng như Kim Trọng, một người mà mình từng chê khi xưa. Khi một đối tượng rủ mình qua Mỹ, để thực hiện những lời thề trên đồi cát biển Normandie. Công ty ở New York mướn luật sư để lo giấy tờ cho mình, làm việc tại Mỹ. Bố của đối tượng một thời, gọi mình, bảo hát bài em xé đi, thư tình tôi đã viết thì mình bắt chước Kim Trọng. Thay vì đấu tranh cách mạng, quyết tranh đấu tới cùng để xây dựng hạnh phúc lứa đôi, kêu cô nàng hãy lấy chữ Hiếu làm đầu, rồi đi tìm đối tượng công nông khác.

Thuý Vân, dạo đó là giới công nông vì ông bố bị cướp hết tài sản như người Việt sau 1975. Cành vàng lá Ngọc gì đều đạp xe đạp, đi bán sữa đậu nành, hay đi thanh niên xung phong hết, nghĩa vụ quốc tế qua Cambuchia. Kim Trọng phản tỉnh, đi theo cách mạng, lấy giới công nông.

 Mình ăn theo diện vợ. Chuyện gì cũng đùn cho vợ làm. Cũng sợ vợ như Thúc Sinh, bạn bè rủ đi cà phê Lú đều từ chối. Tối tối phải bóp chân vợ, đấm lưng cho đồng chí gái, bạn bè xa lánh, khinh chê nên vẫn thấy cô đơn trong sa mạc. Phản tỉnh mình bỏ nghề kiến trúc sư, làm vườn, trở về giai cấp công nông của ngày xưa. Chán Mớ Đời 

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Nhà tôi, con dốc nhỏ

 Hôm trước, viết về những con hẻm Đà Lạt xưa, bổng nhớ đến bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, nhà ở gần xóm mình trên đường Calmette. Bài hát mang tên “tình tôi, con dốc nhỏ”. Anh ta nói về những con dốc nhỏ của Đà Lạt, những con đường rất ngắn, bụi đỏ. Anh ta lồng 1 cuộc tình vào đó. Anh ta nói đến những con dốc nhỏ của Đà Lạt xưa kia như Dốc Nhà Làng, Dốc Nhà Bò,… nhưng mình lại hình dung đến con dốc nối liền ba con đường của Đà Lạt. Tạm gọi “Dốc nhà Sơn Đen” cho dễ nhớ. 

Mình có tấm ảnh này nhưng không rõ lắm. Đà Lạt xưa chắc đã dùng phần mềm để làm cho rõ lại nên đưa lên đây, để mấy người hàng xóm xưa, có đọc thì nhận ra nhà họ. Thấy rõ cột điện mà mình sẽ nhắc phần dưới và nhà mình. 

Có người kêu mình sao không viết về con hẻm từ trường Đa Nghĩa băng qua Phan đình Phùng. Chỗ hãng cưa Xu Tiếng và ga-ra Phan Xứng. Chỗ này mình hay đến thăm thầy Hồ Thanh Tâm.  Không thấy anh nhắc hẻm Cơ đốc Phục lâm trên đường PĐP, và con hẻm gần đó băng qua suối tới trường Đa Nghĩa trên đường HBT.  Có đường hẻm đi từ cổng trường Bồ đề, đi ngang Lữ quán Thanh niên, lên tới cổng Dinh Tỉnh trưởng nữa. Mình chỉ viết về những con hẻm khi xưa thường đi qua. Mấy bác nào nhớ hẻm khác thì cứ ghi vào đây, em sẽ bổ túc.

Đây hẻm từ garage Phan Xứng, đường Phan Đình Phùng qua đường Hai bà Trưng. Mình mới kể hôm trước .

Từ nhà anh ta, phải đi qua con dốc nhỏ này hàng ngày đi học, hay ra phố. Bố anh ta làm gì ở nhà thờ Tin Lành trên đường Hàm Nghi. Mình có chơi nhưng không thân lắm với em trai của anh ta, tên Nguyễn Đức Vinh, trong xóm hay gọi Vinh Kennedy, học trên mình một lớp ở trường Trần Hưng Đạo.

Con dốc này đã để lại cho mình rất nhiều kỷ niệm, của tuổi thơ và tuổi dậy thì. Khởi đầu từ đường Hai Bà Trưng, nằm giữa nhà ông Hiển số 43B Hai Bà Trưng, nay là gia đình ông Châu ở và số 45A của nhà ông Quán. Chỗ này lúc đầu chỉ có mấy thang cấp do ty công chánh làm để cho công chức ở trên đi lên xuống dốc. Dần dần, thiên hạ chạy xe gắn máy, xe đạp, lấn vào khúc đất của nhà ông Hiển, biến thành một con dốc nhỏ để xe gắn máy, xe đạp chạy, khỏi phải dắt xe lên thang cấp. Nay thì họ làm rộng thêm con đường mòn này để xe hơi có thể chạy xuống từ đường Thi Sách.

 Đi lên đường Thi Sách, sau nhà ông Q là cái ga-ra để chiếc xe Peugeot 203 của ông. Sau này, ông ta đánh bài thua, bán mất. Đối diện cũng có một cái ga-ra khác, của nhà ông Hiển. Hình như sau này, ông cụ mình với ông Q có choảng nhau vì ông ta lấn đất vào sân nhà mình, từ ga-ra của ông ta. Ông ta rào xung quanh ga-ra không có xe, cách vách độ 2 mét và chiếm luôn dàn xu của nhà mình. Hai căn nhà đầu của cái dốc, trấn yểm nhà mình vì cãi nhau với ông cụ mình.

Sau đó là nhà mình, đối diện là nhà bà Phú, sau này dọn qua Phan Đình PHùng, cạnh nhà thuốc Tây Lâm Viên. Gia đình bà R, em ông Phú hay bà Phú dọn đến. Ông Tước muốn xin dọn vào nhà này nhưng bà R xin trước. Gần đây, mình liên lạc lại được với Chị Mẫn, con gái đầu của bà Phú, ở Seattle. Chị nói cả gia đình hiện ở Seattle. Xứ mưa gió quanh năm suốt tháng. Hồi tháng 5 vừa rồi mình lên vùng đó chơi thì chị ta lại đi Texas thăm gia đình.

Chị có hai em trai tên Phúc với gì đó quên tên. Hồi nhỏ mình hay qua sân bên nhà chị bắn bi với hai tên này. Sau này, gia đình chị dọn qua Phan Đình Phùng thì hết liên lạc. Chị này bạn học với chị Gái, con bà Tước, phát hiện ra mối tình hữu nghị với anh bà con của chị Gái, ở Sàigòn, học Kiến trúc, lên Đà Lạt chơi. Sau này, mình ở Pháp thì nhận thư của anh Đức gửi, nhờ chuyển về cho chị Mẫn. 

Nhớ thằng Hậu, con bà H, một hôm chạy sang nhà mình, kêu lại nhà bà Tước, nhìn qua cửa sổ, thấy hai anh chị đang mớm nhau như trong xi-nê. Thằng Hậu nay chết lâu rồi, mình có gặp lại Hiếu, làm cho khách sạn Novotel. Hai tên này có bà chị đầu tên Hợp, học Văn Học, mình có gặp một vài lần khi về Đà Lạt, chị ta bán chui ở phố Hoà Bình, chị hỏi đổi đôla cho chị kiếm lời. Sau này, có cô em bán vàng nên nhờ cô em đổi. Nghe nói chị Hợp đã qua đời. Lần cuối về, mình không qua nhà vì bà H đã chết.

Để kể thêm nếu không thì không ai hiểu, ngoại trừ dân xóm xưa. Nhà của ty công chánh ở đường Hai Bà Trưng, thường được xây 2 căn nhập một, bên Anh quốc người ta gọi “semi-detached” , do đó căn nhà ông Hiển mang số 45B, vì là căn thứ 2. Căn bên cạnh là nhà bà K số 45A. Mình có gặp lại T, con của bà K tại nhà mình, trong buổi họp mặt cựu học sinh Văn Học. Cô này, mình đặt tên là Thánh Nữ Văn Học, vì khi xưa, ngày nào cũng đi nhà thờ cả. Sáng mình tập võ, thấy cô nàng đi chánh niệm lên nhà thờ bệnh viện Đà Lạt, gần nhà xác, chiều cũng vậy. Nay ở Ohio. 

Tấm ảnh này, đoán chụp từ đường Hàm Nghi, rồi ai đó, thâu ngắn lại. Chấm đỏ là nhà của mình, hiện bà cụ và cô em út ở. Phía trước có 3 dãy cư xá Địa Dư, đối diện là dãy nhà cư xá Pasteur và cư xá Công Chánh.

Phía trước ảnh, có con đường mòn, nối đường Hai Bà Trưng và Phan Đình PHùng, phải đi băng qua mấy vạc đất của gia đình Võ Đình Dung, cho người làm vườn mướn. Đến cư xá Địa Dư, gồm 3 dãy nhà. Dãy bên tay trái có nhà ông Thạc, dãy giữa có nhà Phạm Ngọc Liên và Văn tài Phát, học chung với mình khi xưa. Bên phải là dãy nhà có gia đình ông Lào, mẹ chú Be và nhà của đối tượng của Huỳnh Kim Sang, nay làm lớn ở Việt Nam. Mình có kể gặp cô ta khi về Hà Nội lần đầu tiên.

Trước cái chấm đỏ (nhà mình) có 3 căn nhà lớn (semi-detached). Căn đầu tiên gồm hai gia đình ở số 41 A, nhà ông Mai, em ông Lào, ba của thằng Banh và nhà ông Tân Ù số 41B, có cô con gái tên Trần Hoàng Giang, cùng tuổi mình. Sau đó đến số 43A, nhà ông K, bố của T và 43B, nhà ông Hiển, sau này chết thì gia đình ông Châu dọn đến. Ông Châu mới qua đời, còn lại bà vợ, thường gọi là cô giáo Thanh, hay đi chơi với bà cụ mình. Căn thứ 3, số 45A là nhà ông Q, còn số 45B là nhà ông N, hay chứa bài. Có lần 302, đột nhập vào nhà chỉa súng lấy hết tiền mấy ông công chức đang binh xập xám.

Sau đó là căn 47A, nhà của bà T gầy, mẹ của Đôn, Chị L, rồi đến hai người em tên Ân Ái, hình như có cô út tên gì quên rồi, hình như Tú. Mình có gặp một lần khi về Đà Lạt, cô ta chăm sóc mẹ ở nhà. Căn 47B thì người ra người dọn vô nhiều lắm không nhớ rõ. Sau đó là căn cuối số 49A, B của nhà ông Hân và ông Ngọc. Mình có liên lạc được với hai cô con gái của ông Ngọc, hiện sinh sống tại Úc.

Nhờ bờ-lốc Sơn Đen mà mình tìm lại được khá nhiều hàng xóm ngày xưa. Nay mình khám phá ra căn nhà xây sau Mậu Thân, ngay vườn ông Bắc kỳ mang số 49 C. Ông thần ở nhà này không biết có nhớ thằng Hiếu, khi xưa học với mình ở Yersin, ở nhà 2 căn, ngay dốc hẻm đi vào khu nhà Cò đào.

Thấy cột điện trước nhà ông Hiển mà tên lính cho nổ lựu đạn chết theo cuộc tình vớ vẩn. Kế bên chấm đỏ là nhà bà Phú (Ron) và bà Ngà. Sau lưng là nhà ông Đề, giám đốc trung tâm thẩm vấn đến mấy căn nhà bà Ấm Thảo, bà Phúc, Hồ Thanh Hy,… mờ mờ thấy nhà anh Nguyễn Đức Quang, Vinh Kennedy, cạnh nàh Thạch, sau này đánh lộn bị ai đâm chết, bên tay phải gần Domaine de Marie là nhà thi sĩ Lệ Khánh (em là con gái trời bắt xấu).

Dạo mình mới qua Tây, đến nhà cậu Võ Quang Miên, con ông bà Võ Quang Tiềm, có gặp một tên trung uý, con của ông bà bán quán ở đường Trương Vĩnh Ký, người Huế, quen với mẹ mình. Tên này đánh bài, thua, biển thủ lương của đại đội, dọt qua Miên, lúc Việt Nam Cộng Hoà đánh vào Cao Miên, rồi dọt đi Tây luôn. Qua Pháp làm bồi. Dạo ấy, có một tên đại uý, đánh bài thua, lấy gạo của đại đội, đem bán cho mẹ mình. Lần sau, hắn lấy tiền trước nhưng không giao gạo. Mẹ mình có kiện như tiểu khu trưởng xin tha vì hắn hết tiền.

Trước nhà ông K và ông Hiển có một trụ điện. Khi xưa, có một tên lính “yêu người mà người chẳng yêu tôi” bò lại đây, trước nhà đối tượng. Mở chốt lựu đạn vào 7 giờ sáng, sau hết giờ giới nghiêm, nổ cái đùng. Mình mới thức dậy, nghe cái đùng, chạy xuống đường thì thấy thiên hạ bu quanh cái xác ông ta. Nữa cái đầu bay mất tiêu. Cái xác ông ta nằm trên đường với nữa cái mặt, ám ảnh mình cả chục năm. Mỗi lần ban đêm, đi về nhà phải đi ngang cái trụ điện này, mình khấn chết bỏ, để ông ta đừng bắt mình chết thế để ông ta đi đầu thai vì tình phụ. May quá, ông này chết không linh thiêng nên không ai lập am, thờ cúng. Cũng có thể vía mình được bán cho Ông Chín ở am Mệ Cai Thỏ ở đường Nguyễn Công Trứ nên không có thánh thần nào dám đụng tới mình, ngoại trừ Ma Cái.

Ông H, người Nam, ghét bố mình lắm, hình như ông ta là nguyên nhân khiến bố mình bị đổi lên Ban Mê Thuột. Ông này uống rượu nhiều lắm, sau này đau gan chết. Bà H, trả nhà lại để gia đình ông Châu đến ở. Bà H, mới phá cái ga-ra, cắm dùi xây căn nhà 2 tầng. Bà có mấy cô gái, Đ học Yersin, thằng S cũng học Yersin, L H thì không nhớ. Nghe nói LĐ sau 75, lấy ca sĩ Duy Quang. Con trai đầu tên K, an ninh quân đội, lấy vợ, chiếm miếng đất của nhà Bà R, xây cái nhà. Bà R với tên này, cãi lộn hoài. Tên này có lần, vác súng ra bắn đùng đùng, khiến bà R im re. 

Bà R này tội lắm. Ông chồng theo vợ bé, một mình bán cơm ở chợ Đà Lạt, nuôi đàn con. Ông chồng chạy chiếc xe Vespa, lâu lâu ghé nhà. Nhà có mấy cô con gái và một thằng con trai tên Cu L thì phải. Có một cô bị câm, con gái đầu tên P, thì phải. Không biết bệnh gì mà bôi vôi trên đầu. Con pH này ghét mình lắm vì mình hay bợt tai thằng Cu L, em nó. Nghe nói nay là đại gia tại Sàigòn. Thằng Cu l vẫn sống tại Đà Lạt, xây nhà trong sân khi xưa mình chơi bắn bi, tạt lon. Có cái cổng to đùng nên không mò lại hỏi thăm.

Từ đó, tên K và Bà R không cãi nhau nữa. Giặc ngoài đã bình định xong thì giặc trong nhà nổi dậy. Bà vợ tên K, người Nam, bà H về quê ở đâu đó, cưới đem về. Bà này, dữ lắm. Có lần mình thấy cãi nhau với tên K, hắn bỏ chạy, bà này rượt theo, kêu “đụ má mày, chạy hả” rồi cầm cái dao bầu đang thái rau, phóng theo. Con dao bay tới trúng cái lưng của hắn, mình nghe hắn kêu cái hự. May quá cán dao trúng lưng hắn, cắm xuống đất nghe cái phụt. Hắn bỏ chạy vào nhà mẹ, bên cạnh bụi Hoa Quỳ. Vài hôm sau, thấy hai vợ chồng ôm hôn thắm thiết lại. Vở tuồng K an ninh quân đội lâu lâu tái diễn lại cho con nít lối xóm xem miễn phí. Sau này, đi kiếm vợ, mình không bao giờ đụng mấy cô gốc miền nam.

Bà H, không làm gì, chỉ cho vay tiền ăn lời. Mỗi ngày, thấy bà ta xách cái giỏ, đi qua chợ Nhỏ ở đường Phan Đình Phùng, chỗ nhà thuốc Tây Lâm Viên, ngồi xuống trước mấy gánh hàng rong, lấy tiền lời. Chắc bà ta cho vay 2%/ tháng. Rồi từ từ đi lên Chợ Mới, thấy mấy bà ngoài chợ, gạt nước mắt, trao tiền lời cho bà ta. Đà Lạt dạo ấy mấy tên du đảng theo bà này, giựt tiền là trúng mánh. Nhà mình không chơi với nhà bà H vì có mối thù khi xưa. Ông H làm ông cụ mình bị đổi lên Ban Mê Thuột mấy năm.

Bây giờ nói đến nhà bà Q (số 45A, nhà ông Ngần 45B). Mình chỉ nhớ bà Q hay làm bánh tráng khoai lang. Tới mùa khoai lang, là thấy bà ta làm bánh tráng bằng khoai lang Đà Lạt, sau đó phơi khô trên mái nhà, ruồi bu đen nghịt nhưng mà rất ngon. Mình hay mua của bà ta. Có lần, một con hoảng chạy lạc đâu từ Lãnh Địa Đức BÀ xuống, chắc của mấy bà sơ nuôi. Chạy sao lọt vô nhà bà ta, họ đóng cổng lại. Tối đó, họ đem lên nhà mình một miếng thịt hoảng, lấy thảo. Ăn ngon cực.

Bà này sinh con cũng nhiều. Mình chỉ nhớ 4 người con trai. Ông đầu chết trận thì phải sau đó tên Đ, Đ, Đ, và Đ, còn mấy cô con gái thì chị H, chị N, chị L (có liên lạc được với chị này qua Facebook), chị M. Hình như M cùng tuổi với mình. Nếu mình không lầm thì mấy chị em này đẹp lắm, trai đến nhà đông như ruồi. Nhà này, khi xưa có nuôi một con chó berger, nó cắn mình một lần, phải lên viện Pasteur chích 21 mũi. Kinh

Khi xưa, trong xóm, có nhà bà Tước, bà Hân đông con gái nhưng nhà bà Q thì trai đến đông như ruồi. Có lần mình thấy hai tên bạn của thằng Đ, đánh nhau trước cửa nhà này. Sau đó thằng Đ chạy ra can. Hình như một tên chạy xe lạng qua mặt tên kia nên rượt nhau tới nhà ông Quán, đánh nhau. Một tên có học nhu đạo vì thấy hắn ra đòn nhu đạo, căn bản thứ 1. Chắc hai nhà kia cấm không cho trai đến nhà trồng cây si. Để hôm nào hỏi mấy bà hàng xóm xưa xem.

Mình về Đà Lạt, có lần gặp chồng của chị M ở Thuỷ Tạ, anh ta kể gia đình sắp đi định cư tại Hoa Kỳ, nói tên Điệp, khi xưa hay chơi với mình, sau này đi hải quân, 75 chạy qua Mỹ. Không biết ở đâu. Tên Đ này lớn hơn mình đâu 2, 3 tuổi, học Việt Anh, bắn ná hay lắm. Hắn dạy mình bẩy chim sẻ, lấy cái thúng, để cái que chống cái thúng lên, cột sợi dây dài rồi núp, khi chim sẻ đậu xuống, nhảy đến dưới thúng để ăn gạo thì giựt cái sợ dây, cái thúng úp lên con chim. Chỉ tội là khi mình mở hé cái thúng thì con chim bay đi.

Nhà ông Q có cái chuồng bồ câu. Nhà mình dạo ấy cũng nuôi bồ câu, và gà. Có cái chuồng bồ câu. Vấn đề là chim Bồ câu nhà mình hay bay đi ăn mỗi ngày, đậu lại chuồng Bồ câu của nhà ông Q, rồi không bao giờ trở lại. Mình sơn phết chuồng lại cho đẹp thì chim nhà ông Q bay lại. Mình chộp, đem ra tiệm Chic Shanghai bán. Chị L đọc bài của mình nên kể lại đây để nhớ lại một thời nghèo đói khi xưa trong xóm. Nay nghe nói con gái chị N, xây nhà bên dốc, chị L cũng ở đó, hay ghé thăm bà cụ mình. Hôm tước, sinh nhật bà cụ có nói chuyện với chị ta ở nhà hàng qua điện thoại.

Cạnh nhà bà Phú, có nhà ai mình quên tên, trước khi bà Đàng dọn đến. Có thằng con tên Hoàng thì phải. Chị nó học Bùi Thị Xuân, to béo lắm. Chị ta nghe ai, uống dấm trừ cơm, rồi lăn đùng ra chết. Thằng Hoàng hay hát bản nhạc “cớ sao buồn này Kim,..” sau này gia đình này dọn đi đâu. Xong phần mấy nhà cạnh “tình tôi, con dốc nhỏ của Sơn Đen”.

Mình chỉ kể những gia đình thời anh Nguyễn Đức Quang còn đi học tại Đà Lạt. Vì sau Mậu Thân thì thiên hạ đến cắm dùi khắp nơi.

Từ Hai Bà trưng, con dốc dẫn đến đường Thi Sách. Chỗ này trước Mậu Thân, toàn là Vệ Đường Hoa, hoa Quỳ mọc đầy, con nít trong xóm ít dám bò tới đây vì sợ rắn. 

Hôm qua lên vườn, thấy con rắn giữa đường. May chớ đi vào trong mấy cây bơ, tối tối khó thấy.

Từ đường Thi Sách đi lên dốc về hướng đường Calmette, có mấy thang cấp. Bên phải là nhà bác của tên Bi, ở trường gọi là Đinh Gia LÀnh. Sau này, ông ta đi Pháp để để lại căn nhà này cho bố hắn là đại uý Hải, làm việc trong trường Võ Bị. Nhà tên Bi này, cũng nằm trên đường Thi Sách, cạnh nhà ông Tô. Căn nhà to đùng. Mình có gặp lại 2 lần tại Bolsa, anh chàng ở cách 3 tiếng lái xe thành phố Seattle.

Đối diện nhà bác của thằng Bi, là nhà của ông Đề, giám đốc trung tâm Thẩm Vấn. Lâu lâu, ông ta đem tù Việt Cộng về nhà, phát mấy bụi hoa Quỳ, làm hàng rào kẽm gai, sợ nằm vùng vào ban đêm thịt gia đình ông ta. Mình chỉ nhớ con gái đầu ông ta, học HÙng Vương, tên Thu, hay xuống nhà mình xách nước. Sau này, nó bồ với thằng nào, sai xuống xách nước mệt thở.

Đi lên thì bên trái, cạnh nhà bác thằng Bi là nhà của ông ấm Thảo. Mỗi lần lên nhà này, mình ra trước sân nhà, để vái cái trang. Mẹ mình xẩy thai một lần, chôn cái nhau ở đây. Mình nhớ có thằng Thọ, thằng Hậu, còn mấy cô con gái thì chịu. Hình như một cô tên Chi. Chỉ nhớ anh Ngữ, con đầu, hướng đạo sinh Lâm Viên. Hồi nhỏ, thấy anh ta điều động đám hướng đạo sinh LÂm Viên, xây cái cầu gỗ bắt qua con suối ở xóm Địa Dư. Sau này, anh đi Thuỷ Quân Lục Chiến. Trong trận đánh vượt sông Thạch Hãn, chiếm lại Quảng TRị, anh ta bị thương, hư mất một con mắt, giải ngủ. Nay không biết trôi dạt về đâu. Mình về Đà Lạt, có ghé thăm bà Ấm Thảo và thằng Thọ.

Đi lên chút nữa thì gặp nhà của tên Hồ Thanh Hy, anh của Hồ Thành Hải. Bố hắn làm ở Địa Dư hay ty Kiến Thiết. Sau này dọn qua Phan Đình Phùng, chỗ ngã ba chùa, cạnh nhà Nguyễn Đắc Hớn. Hắn học Yersin trên mình một lớp. Có lần hắn liên lạc với mình trên Facebook, mình như bò đội nón, không nhớ hắn, chỉ nhớ em hắn. Nghe nói ở San Diego. Bố hắn hay đi chiếc xe Lambretta, chở cả đám con phía sau. Sau này, Đinh Anh quốc nói thì mới nhớ hắn học chung với mình khi xưa ở Yersin. Có nhắn tin cho hắn nhưng không thấy trả lời.

Sau này, nói chuyện với Đinh Anh quốc, một nghiên cứu sinh về gia phả các gia đình Đà Lạt. Tên này, người độc nhất nhớ tên ông cụ mình. Hắn nghiên cứu gia phả dân Đà Lạt hay sao đó. Khi hỏi hắn về tên nào, hắn kể ra bố thằng này tên gì, ông nội cô kia họ gì. tên này, nhắc lại Hồ Thành Hy, mình mới nhớ bố hắn đi chiếc xe Lambretta. Khi xưa, trong xóm, người ta cấm con họ chơi với mình nên quên. Trước 75, hàng xóm đã cấm con họ chơi với mình, thành phần bất hảo, không cùng giai cấp. Chán Mớ Đời 

Bên cạnh là nhà bà Cúc hay Phúc, bán len ngoài chợ. Có mấy đứa con nhỏ hơn mình nên không nhớ tên. Hình như có một cô con gái, bằng tuổi mình, học BÙi Thị Xuân. Một tên đi vượt biển chung ghe với em mình. Sau đó, định cư bên Úc Đại Lợi, mở tiệm bánh mì, nghe nói giàu lắm.

Sau đó thì có một nhà của một chị lớn tuổi, dáng người mập mập, hay bận váy, mang giày cao góc, đi ngang nhà mình, để lại dấu ấn của nhưng gót giầy escarpin. Đến nhà ngay góc dốc và Calmette là nhà của thằng Thạch, học Yersin trên mình mấy lớp. Sau đi 302, rồi sau 75, đánh lộn với ai bị đâm chết. Nhà của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang ở trên đường Calmette, hình như căn số 2 hay bên tay phải của nhà thằng Thạch. Đối diện, phía góc đường Thi Sách và Calmette, sau lưng nhà Ông Đề có một căn nhà đầu tiên của đường Calmette nhưng mình không biết nhà ai.

Mình chỉ nhớ có gặp anh Nguyễn Đức Quang một hai lần khi vào nhà anh ta vì hay đánh bóng bàn với Nguyễn Đức Vinh, em trai của anh ta, con nít trong xóm hay gọi Vinh Kennedy, vì hắn giống Tây Lai. Tên Vinh này học chung lớp với anh bà con mình tên Thành, mà dân Trần Hưng Đạo gọi là Bồn Lừa, vì đá banh hay. Vinh Kennedy chơi thân với Đinh Gia Lành trong xóm. Năm Mậu Thân bắt đầu đánh bóng bàn trong xóm với anh Toàn, con ông Tô, ông Đức, em của ông trồng răng Nguyễn Văn NGhi,… lúc đầu mình học đánh bóng bàn với thằng Vinh Kennedy. Sau đó thì mình hạ hết mấy người khác trong xóm. Lớn nhỏ đều hạ hết.

Mình thấy tên Vinh Kennedy học đánh đàn dạo ấy. Mình nghe nói anh hắn là Du Ca chi đó nhưng không rõ lắm. Lớn lên thì mới biết về phong trào Du Ca Việt Nam dạo ấy. Khi ông Kennedy lên làm tổng thống, với câu nói bất hủ “đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho tôi,…” có thành lập một đoàn thanh niên mang tên Peace Corps, gửi các thanh niên mỹ đi sang các nước nghèo để phục vụ về y tế, dạy anh ngữ,… chắc là để chống lại các đoàn thanh niên cộng sản của Liên Xô, đi nghĩa vụ quốc tế tại các nước anh em.

Dạo ấy, có một cuốn sách viết về người Mỹ mang tên “the ugly American” (người Mỹ xấu xí) mà tân tổng thống Hoa Kỳ, bắt các nhà ngoại giao, trước khi được bổ nhiệm tại các nước, phải đọc cuốn sách này. Phong trào này nhằm nối kết tình hữu nghị hai nước, thông hiểu nhau hơn. 

Tại Việt Nam, có nhiều phong trào kêu gọi các thanh niên về nông thôn, xây cất các trạm y xá, đào giếng,..được sự ủng hộ của chính quyền Việt Nam Cộng Hoà.

Sau này, ở hải ngoại, tò mò mình tìm đọc về phong trào du ca này. Có nhiều bản nhạc sinh hoạt khi xưa mình nghe mà không biết xuất xứ từ đâu. Mình thích nhất bài “Người Anh Vĩnh Bình”, mới hiểu thêm về ông cụ. Du kích trong làng bao vây nhà ông bà nội mình vào ban đêm. May ông cụ mình phòng bị từ hồi chiều, nên vượt tường nhà, nhảy qua hàng rào nhà bà cô bên cạnh rồi trốn vào nam. Nếu ông cụ có kết cuộc như người anh Vĩnh Bình thì Sơn Đen không có mặt trên đời. Và bài “chiều Tuy Hoà”, nghe buồn não ruột. Thôi mệt rồi, ngưng đây.

Nguyễn Hoàng Sơn 

Đồng chí gái và bạn học

 Cuối tuần này, chở đồng chí gái đi bác sĩ khám chân mụ vợ. Không biết tiếng việt gọi là gì? Túc khoa? Về răng thì họ gọi nha khoa. Chân là Túc nên chế đại là Túc khoa cho thêm từ. Bác sĩ chụp quang tuyến thấy xương chân mụ vợ bị nứt thêm một tí. Mình thừa nước đục thả câu, nói bác sĩ mụ vợ không chịu mang chiếc Boot, bó chân lại thay vì băng bột. Ông bác sĩ dặn mụ vợ phải luôn luôn mang chiếc Boot, ngoại trừ khi đi ngủ nếu không, chân sẽ không lành. Mình hả hê trong lòng vì ít ra có người nói để mụ vợ nghe. Nhìn mụ vợ như thầm nói thấy chưa. Cá không ăn muối cá ươn, vợ cãi lời chồng trăm đường què lâu.

Bổng nhiên mình cảm thấy quá hèn hạ, mách bác sĩ về đồng chí vợ, thay vì bảo bọc mụ vợ. Đúng là khôn nhà dại chợ. Không xứng đáng danh hiệu người chồng nhân dân, người cha anh hùng nên câm mõm, không nói gì thêm. Làm chồng mà hèn mọn quá. Phải khắc phục, phấn đấu để được đạt danh xưng người chồng nhân dân. Chán Mớ Đời 

Trên đời này, mình nghĩ không có mụ đàn bà nào, nghe lời chồng cả. Tối nào, cũng phải xoa rượu thuốc của thầy võ cho mụ, xoa long tu, đủ trò nhưng mụ vợ lại không đeo cái boot là hỏng việc. Mình có toa thuốc thầy võ để ngâm rượu, để xoa khi bị trật chân, đau tay đau chân khi đánh nhau bị xưng.

Chiều đến, nói chuyện với bà cụ. Bà cụ kêu sao không cạo râu. Kêu mụ vợ mình phải bắt mình cạo râu. Mụ vợ mình thì đã chánh niệm sắc sắc không không. Thấy mình như không thấy nên chả để ý mình có cạo râu hay không. Nhớ khi xưa, khi bắt đầu có râu, mình hay ngồi rờ vài sợ râu khiến mẹ mình điên lên, cứ bắt cạo râu. Nhà đâu có dao cạo. Một tháng đi cắt tóc mới được gội đầu cạo râu. Mình lại có râu quai nón nên trông như hải tặc.

Cô em út, in bài mình viết về cuộc đời Mẹ, để mẹ đọc. Đồng chí gái thất kinh khi mẹ kể là đọc sách báo, không cần đeo kính ở tuổi 90.

Hôm sau, chạy lên vườn. Mình ghé mua 10 cân trái chà là, loại chưa chín hẳn tại nhà thằng Mễ quen, có vườn trồng chà-là ở Blythe, hái đem về bán cho mình. Trái chà là có nhiều loại nhưng đặc biệt loại này có tên Deglet Noor. Loại này nhỏ hơn loại thông thường bán ở tiệm, tên Medjool. Khô hơn. Đem về bỏ vào tủ đông lạnh, ăn ngon hơn.

Năm kia, có người rao bán cái vườn chà-là nhưng mụ vợ không cho mua. Nay mụ thích ăn chà-là loại này nên có thể mình hỏi xem họ có muốn bán lại hay không. Mỗi năm, thu hoạch được $50,000 sau khi trang trải chi phí. Mình có bắn tiếng cho thằng thợ, để nó gọi cho chủ ở Denver. Trời cho mua vườn chà là để vợ ăn thì họ gọi lại, còn không thì xem như không có duyên trồng chà-là.

Mình khám phá quýt đường của vườn, lột vỏ rồi bỏ vào tủ đông lạnh, ăn như kem, ngon cực đỉnh luôn. Năm này, không kêu bạn bè đến hái nữa, hái đem về nhà bỏ đông lạnh, ăn như sorbet. Trái năm nay lớn gấp đôi năm ngoái. Kinh. Mọi năm nhiều quá, nên kêu bạn bè đến hái. Nay bỏ trong tủ đá đông lạnh ở ga-ra xong om.

Đi mua chà-là gần chín cho mụ vợ và bạn của mụ

Mụ vợ thích loại chà là này. Có cô bạn, nghe mụ vợ bị gãy chân, nấu một nồi cà-ri, đem lại. Mụ vợ đưa cho một ít chà là ăn. Cô này đâm mê chà là như ông Trượng và Tiên Bửu mê rượu đế mới ra lò. Ngày nào cũng gọi mụ vợ, kêu còn không , còn không. Thế là mình phải chạy đi mua. Dạo này cuối mùa. Luôn tiện lấy mật ong cho mấy người nhờ mua dùm. Họ kêu mình gửi xe đò Hoàng lên San Jose, họ ra bến xe đò lấy. Xe đò Hoàng lấy cước phí $5 một thùng. Cô cháu kêu sao mật ong lại đặc sệt vậy. Mùa đông lạnh, thì mật ong chính hiệu đặc lại. Bỏ vào cái tô nước nóng thì từ từ lỏng lại. Còn mua mật ong pha thì cứ như nước, không bao giờ đặc lại.

Mình gặp ông mỹ nuôi ong để lấy mật ong. Ông ta mời đi ăn trưa. Ông này, trung kiên với nhóm Cộng Hoà, không chịu chích ngừa, bị dính covid khiến mình lo ngại. Bà vợ cũng dính luôn. Nay khoẻ lại khiến mình mừng, không phải đi kiếm người nuôi ong khác. Mùa đông, muốn bỏ mật ong vào chai, người ta phải bỏ vào lò sưởi ấm mật ong chảy lỏng mới chiết vào chai. Bây giờ, trời lạnh mật ong cứng như cục đá.

Mật ong mua dùm cho mấy người quen trên San Jose

Mình nói ông phải nghe lời vợ ông. Bà vợ cứ gọi tôi, rên ông đau, không chịu đứng dậy, đi tới đi lui. Cứ nằm, phải đưa điện thoại cho mình nói chuyện mới chịu rời khỏi giường. Không ai trên đời này lo cho sức khoẻ của ông hết ngoài mụ vợ. Ông ta nói không sợ chết vì sẽ được lên thiên đàng. 

Mình hỏi lên thiên đàng, gặp lại 3 bà vợ cũ thì sao. Ông nói là trên thiên đàng không phải lấy nhau. Mình nói không muốn lên thiên đàng. Ông ta hỏi lý do. Mình nói lên đó, gặp lại mấy bạn gái cũ là khốn nạn đời tôi. Nhất là gặp lại đồng chí gái. Thôi để tôi xuống địa ngục, để mụ vợ và mấy bà đì tôi ngày xưa lên thiên đường. Mấy bà gặp tôi, hè nhau xúm vào đánh hội đồng tôi, đấu tố trước toàn án phụ nữ đòi quyền sống, trốn không được.

Cứ tưởng tượng lên đó, chỉ cắn có một trái bơ mà bị thượng đế đuổi cổ xuống trần gian. Không thua gì chế độ cộng sản trong phim Dr. Zhivago. Đây tôi muốn ăn bơ lúc nào cũng có. Ông ta chỉ biết lắc đầu, nhìn đứa con hoàng đàng của Chúa, không chịu trở về đạo.

Chiều về. Đang xem 7 tên giết mướn có Yul Bruner đóng thì mụ vợ kêu, xê ra, để người ta hát. Mụ hát và thâu lại. Khi nào hát mệt thì mụ mở nghe mụ hát lại. Mụ hỏi hát hay không. Mình không dám nói không. Tình yêu không thật thà, không sống trong hoà bình, đúng hơn là sống trong tình trạng nội chiến hàng ngày, ngừng chiến như ở Triều Tiên nên phải cẩn thận, không được chế dầu vào lửa. Lâu lâu mụ vợ bắt chước Kim Young Um, bắn đầu đạn khơi khơi lên trời nhưng mình vẫn cương quyết, không trả đũa, không lên tiếng.

Ông nuôi ong than phiền về mụ vợ. Mình nói với ông nuôi ong vợ tôi là số một, cái gì cũng số một. Lý do; mình chê vợ mình thì thiên hạ kêu ngu, ai biểu lấy. Vợ xấu cũng là vợ của mình. Những gì thuộc về ta đều tốt cả. Hèn gì ông ta bị vợ bỏ đến 3 lần, mất biết bao nhiêu tiền của, mỗi lần ly dị.

Sáng chủ nhật mình lên vườn sớm. Đang cắt tỉa mấy nhánh cây thì mụ vợ gọi. Đồng chí vợ có tật khi thức giấc, gọi mình từ trên giường, kêu anh ở đâu? Mình nói ở vườn chớ ở đâu. Mình đâu có đi bia ôm, cà phê ôm đâu mà mụ cứ hởi vớ vẩn. Mụ kêu chết cha. Mình nói bố vợ mất lâu rồi. Mụ kêu vậy ai lo vụ âm thanh. Mình đã chỉ mụ ta, viết trong điện thoại cách bấm nút là xong. Mình kêu, nói thằng con làm nếu không biết.

Hoá ra mụ vợ và mấy cô bạn tổ chức sinh nhật cho cô bạn nào, thêm có hai cô bạn học từ xa về nên họ gom lại nhà mình. Mụ kêu 12 giờ họ lại, khiến mình phải ngưng làm nông chạy về để xem có gì trục trặc vì mụ vợ gãy chân. Mụ vợ tổ chức, không bao giờ cho mình biết lịch trình, cứ như tin tình báo, không cho lộ hàng. Đụng trận, mới cho biết. Mình tưởng buổi chiều. Đành chạy về. Mệt đừ mà chả thấy bà nào đến. Xem đồng hồ thì được biết đi bộ làm vườn, được 4.5 dậm. Phải chi mụ không gọi thì có thể làm việc, đi thêm 3 dậm đường nữa. Trong khi mụ vợ hát rồi thâu rồi nghe lại tiếng của mụ. Mình bỏ lên lầu ngủ một giấc, vẫn chưa thấy ai đến. Đang xem truyền hình thì mụ vợ kêu xuống chụp hình cho mấy bà.

Mấy bà ngoại, bà nội líu chiu, tạo dáng để chụp hình. Mình kêu hóp bụng lại 1,2, 3 nhấn. Có bà chạy lại kêu anh nên kêu: “phanh ngực ra, hóp mông vào”. Nhìn lại là vợ tên luật sư nổi tiếng ở Bôn Sa. Tội cho em, mấy bà phanh ngực ra thì em chỉ biết độn thổ. Vú mấy bà thuộc dạng đồ thị phương trình bậc 4 hết rồi. Cứ thấy hình ảnh mỗi bà là một pháo đài chống giặc. Chán Mớ Đời 

Mấy bà đi một mình, không kéo cái rờ-mọc thằng chồng theo. Hay mấy tên này cũng như mình, ớn ngày xưa Hoàng thị vợ nên nằm nhà xem đá banh hay dã cầu. Mấy bà bắt đầu ăn uống rồi hát bú xua la mua. Mình phải túc trực để xem mụ vợ sai thằng chồng ô sin nhân dân cái gì. Mấy bà thì xin mật mã vào hệ thống wifi.

Đúng hát hò, có mấy bà đến trễ, lại phải ra vườn chụp hình. Mụ vợ, trời lạnh, không chịu bận áo ấm. Thế là đau lại, ho. Chán Mớ Đời 

Nhìn mấy bà thấy thương, họ vui bên nhau được ngày nào hay ngày đó. Vài năm nữa biết còn gặp lại nhau, vui đùa như hôm nay. Mai mốt, sức khoẻ yếu, có ai dám bay sang Cali để họp mặt bạn bè. Mấy bà kêu mình chụp hình, quay video khi hát để có chút kỷ niệm bên bạn hữu. Có thể mình sẽ làm link của zoom, để mấy bà hẹn nhau chít chát trên mạng. Để mấy bà ở xa, không có dịp gặp nhau, có thể đả thông tư tưởng, tạo dáng, tư vấn về quản lý thằng chồng vào cuối cuộc đời.

Đại học Harvard có làm một nghiên cứu kéo dài trên 80 năm qua. Họ lấy 200 sinh viên của đại học và 650  thanh niên thiếu nữ của vùng Boston. Trong đó có một người sau này làm đến chức tổng thống Hoa Kỳ nhưng chết sớm. Lúc đầu, họ hỏi thành công là gì? Ai cũng trả lời trở thành triệu phú, tổng thống, bú xua la mua. 70 năm sau, họ đặt lại câu hỏi đó thì những người sống sót kêu là liên hệ với gia đình, bạn hữu. Nghiên cứu này tiếp tục đến thế hệ con cháu của họ.

Vào tuổi U70, chúng ta may mắn nếu có sức khoẻ nhất là có gia đình, thân hữu, để có dịp gặp nhau, đi du lịch với nhau hay truyền nghề sinh hoạt với cháu ngoại, cháu nội ra sao. Khi xưa thì tư vấn cho nhau, dạy chồng, dạy con, nay thì cách chìu cháu. Thấy mấy bà vui vẻ líu chiu mình cũng vui lây.

Khi nào lên U80 là xong phim. 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Đôi mắt người xưa

Có cô nào gốc Đà Lạt, cắc-cớ hỏi đối tượng ngày xưa ở Đà Lạt là ai? Thời biết nhìn con gái dưới ánh mắt khù khờ thay vì chửi lộn như xưa, mình thích nhiều cô như vào tiệm ăn bao bụng. Đến năm 12 B thì trung kiên với một đối tượng rồi thì đi tây. Hết phim.

Có phim “Đôi mắt người xưa” thì phải, quay cảnh ở Đà Lạt. Mình nhớ hồi nhỏ, nhà ở ấp Ánh Sáng, ai đó dẫn mình ra chỗ Thanh Thuỷ để xem người ta quay xi-nê, hình như tài tử Lê Quỳnh đóng với Thanh Nga thì phải. Đạp Pédalo trên hồ Xuân Hương. Sau này về Đà Lạt, mình có đạp Pédalo với mấy đứa con, gió thổi ngược , đạp hoài không vào bờ được. 

Hình như quay theo một tuồng cải lương, cùng mang tựa đề. Câu chuyện, nói về anh chàng đi du học bên tây, học y khoa rồi về, gặp lại “đôi mắt người xưa” khi cô ta ở dưới quê, đọc báo thấy quảng cáo phòng mạch, đem con rơi của ông bác sĩ ở Tây về. Ông bác sĩ làm cô nàng có bầu rồi đi tây, về Việt Nam thì lấy vợ và mở phòng mạch hộ sinh ở Sàigòn. Xong om

Sau này, mình đi Tây nhưng khác với ông Lê Quỳnh thay vì 5 phút như trong phim, mấy chục năm sau mới trở về Đà Lạt, bắt chước Út Trà Ôn ca bản: “20 năm sau, tôi trở về bến nước năm xưa để tìm lại đối tượng một thời,..”. Đối tượng một thời vẫn còn sinh sống tại Đà Lạt nhưng mình không dám bò lại tiệm cô nàng để chào. Mấy tên hàng xóm khi xưa, gặp lại, mình chào, chúng đưa mặt như bò đội nón, ngơ ngác, kêu không nhớ. Mình bỏ mộng đi tìm lại người quen khi xưa.

Viếng Hội An lần đầu, gặp mấy cô bạn cũ của đồng chí vợ. Có người kể, một ông di tản năm 75. 20 năm sau, trở về Phố Cổ. Bao nhiêu trăn trở, ông quyết định, đi tìm lại cô bạn gái ngày xưa. Ông ta lần mò vào xóm xưa, thấy một bà cụ, ngồi bán xôi bên đường thì hỏi nhà “cô Mai”. Bà cụ bán xôi đáp giọng Hợi En: “doạ em đơi ” khiến anh chàng thất kinh, bỏ đi về một lèo. Về nhà chắc sẽ hát: “giết người đi, giết người đi”.

Sau bao nhiêu năm, sống với Việt Cộng trong thời bao cấp, cô nàng già, răng rụng xuống nồi xôi đậu, lên chức bà ngoại. Như trường hợp thi sỹ Hoàng Cầm, mê chị Vinh, để rồi mấy năm sau, gặp chị ta lại, te tua sau khi lấy chồng, ông ta xé bài thơ ấp ủ, tâm đắc từ bé “lá Diêu Bông”.

Cô bạn kể tiếp, một anh khác, mần mò tìm lại đối tượng một thời. Nay cô nàng to như con gà mái mệ, con đàn cháu đống. Kinh hãi. Rồi quay sang hỏi mình có gặp lại đôi mắt người xưa thì nói không dám. Nghe kể là đã hãi rồi.

Rời Việt Nam lâu, nay về lại quê xưa, ai đi tìm lại đối tượng một thời như đi tìm Lá Diêu Bông. Vì chỉ có hình ảnh của ký ức ngày xưa, đụng chạm thực tế thì hơi phiền. Khó mà đứng vững khi cuốn phim chiếu chậm, bổng nhiên cái vèo như xem phim trên mạng, bị cắt xén, chạy tới đoạn kết. 

Vào những năm 1972-1973, ông Hoàng Đức Nhã, làm tổng trưởng Dân Vận, có thực hiện được 2 chương trình, cho sinh viên, kiều bào tại âu châu và Hoa Kỳ về thăm quê hương trước khi Sàigòn mất. Nhằm giải độc tuyên truyền của Cộng Sản tại xứ người. Mình nhớ có lần, gặp con trai cụ Sâm, dạy hè mình, ở đường HÙng Vương. Nhà cụ từ đường Hùng Vương, đối diện trường Petit Lycée , có con dốc đi xuống, băng qua cái vườn rau, đến nhà gỗ của cụ. Mùa mưa hay bị lụt dù nhà cụ được xây trên nền cao. Hình như cháu ngoại hay cháu nội của cụ học chung với mình khi xưa. Hình như tên Thanh thì phải. 

Con trai cụ Sâm, du học bên tây, lấy vợ đầm. Năm đó về thăm Đà Lạt, có ghé nhà dì Thanh, con bà Phúng, học chung khi xưa. Dì Thanh khi xưa cũng thuộc dạng xinh đẹp, con bà Đàng như dì Luận thì đẹp có tiếng Đà Lạt. Con cụ Sâm chắc xem phim đôi mắt người xưa nên về tìm lại dì Thanh. Không biết tâm trạng của ông ta ra sao. Chỉ nhớ bà vợ đầm, ngồi bên cạnh, ngáp ruồi Đà Lạt, bay vo ve xung quanh. Mình thì sợ ngoại quốc, không dám mở mồm với tiếng Tây Bồi. Chỉ biết Bonjour, xong là tịt, đứng nhìn họ như người trong sở thú.


Năm 1994, mình được một tổ chức NGO, trả tiền về Hà Nội, dự một hội thảo về phát triển Việt Nam trong thời kỳ Đổi Mới. Trong phái đoàn từ phía Việt Nam, có một chị, đại diện đoàn thanh niên cộng Sản HCM, tự nhận là người Đà Lạt, nói biết bố mẹ, em gái của mình khiến mình thất kinh. Chị ta nói gia đình khi xưa, ở bên cạnh nhà ông bà Lào, cư xá Địa Dư.

Mình bổng nhớ đến một cô gái, đối tượng của Huỳnh KIm Sang. Có lần, hắn bảo mình chở hắn đi đâu, rồi trên đường về trên đường Hai BÀ Trưng. Hắn bổng kêu mình chạy chậm chậm lại, rồi nói xem mặt cô nữ sinh, đi chánh niệm trên đường. Mình chạy ngang, rồi lén quay lại để xem mặt cô gái. Dạo ấy, mình đã bị cận thị nhưng chưa đeo kính. Thấy cô nàng, tóc dài, gây gầy. Thằng Sang hỏi đẹp không, mình nhất trí ngay. Sau đó, đảo xe lại thì khám phá cô nàng đi vào xóm khu Địa Dư, cạnh nhà ông Lào.

 Xóm Địa Dư, gồm 3 dãy nhà, xây 2 tầng. Từ đường Hai Bà Trưng, có mấy cái cầu gỗ đi vào mấy căn hộ, nên không thể lộn được. Cầu cô nàng đi vào chỉ có nhà Ông Bà Lào, sau đó là nhà Chú Be và nhà thằng Hùng, đá banh với mình khi xưa. Chú Be khi xưa đi lính với ông cụ mình, sau này chú đi tàu hàng hải, lâu lâu mới về nên mình biết mẹ của Chú.

Sau mùa hè Đỏ Lửa, đôn quân, thằng Sang đi lính vì sinh 1955. Mình không còn để ý đến cô này vì có nhiều đối tượng khác. Mấy tên học chung thì kết mấy cô khác, nên bàn chuyện mấy đối tượng khác. 25 năm sau, mình như Từ Thức trở về quê, gặp lại một bà, tự xưng là đối tượng ngày xưa của HUỳnh Kim Sang, lại hát bài Mimosa của dân Đà Lạt, khiến mình thất kinh! Mình hỏi có phải em gái của thằng Hùng, thường đá banh với mình khi xưa. Cô nàng kêu dạ đúng. Choáng vánh luôn! Viết tới đây thì nhận được điện thoại của Huỳnh Kim Sang sau 48 năm. Cứ viết nhắc đến ai thì tìm lại người đó. Kinh

Đối tượng một thời. Hình chụp cô nàng làm kỷ niệm trước khi tây. Có người Đà Lạt hỏi mình đối tượng một thời ở Đà Lạt là ai nên mình đăng hình cô nàng ngày xưa lên cho thiên hạ xem. Kỷ niệm một thời ta đã yêu em. 

Từ độ ấy, mình không dám nghĩ đến chuyện, đi tìm đối tượng ngày xưa. Hãi hùng! Về Đà Lạt, mấy người em, kêu đi thăm đối tượng một thời, vẫn còn ở Đà Lạt nhưng mình sợ, không dám đối diện thực trạng của 25 năm, thời gian đã lão hoá, tàn phá tuổi thanh xuân của chúng ta. Chúng ta, ai cũng bị lão hoá. Thường ký ức của chúng ta dừng chân lại ngay từ khi lên máy bay, hay xuống thuyền vượt biển. Khi gặp lại bạn bè xưa hay đối tượng thì như con cá, mình chặc cái đầu và cái đuôi rồi ráp nhau lại, bỏ phần giữa, rồi ráp lại cái đầu và cái đuôi nên không ăn khớp lắm.

Cách đây mấy năm, mình về Đà Lạt, tìm ra được một tên bạn học cũ, trên diễn đàn Văn Học nên nhắn tin. Hắn kêu, sẽ tổ chức họp mặt với các bạn học khi xưa, sau đó hắn chêm thêm, đối tượng một thời sẽ có mặt khiến mình nổi da gà. Trước khi về Việt Nam, mình có gặp lại tên HÙng Con Cua. Nhờ tên này, mình mới biết chính phủ Việt Nam Cộng Hoà, cho mình đi du học. Hắn ở Sàigòn, gửi một bản nghị định của chính phủ Việt Nam Cộng Hoà lên cho mình. Hôm sau mình về Sàigòn, làm giấy tờ, sổ thông hành, và xin chiếu khán của toà đại sứ và 1 tuần lễ sau là khởi đầu cuộc phiêu lưu dài 20 năm mới trở lại Đà Lạt.


Để nhắc lại gia phả tên Hùng COn Cua này. Bố mẹ hắn có tiệm thuốc bắc tên Dưỡng An đường thì phải, có huy hiệu hai con cua ở đường Duy Tân, ngay góc Trương Vĩnh Ký. Đi học để khỏi lộn với Hùng khác thì chúng bạn hay gọi HÙng COn Cua. Anh hắn cũng tên Hùng, chỉ có chữ lót là khác nên khi gọi Hùng Con Cua thì hay nhầm lẫn anh em nó. Nhà nó ở dưới chợ Đà Lạt, cạnh nhà Nguyễn Văn Thuận, rể bà Ngà, bạn của mẹ mình và nhà ông Đàng, sau này dì Mỹ Dung ở và buôn bán tại đây. Sau 75, thì tiệm trên Duy Tân bị chiếm, em hay con gái nuôi mới mở tiệm thuốc bắc dưới chợ. 


Mình kể đây vì đọc trên mạng, có nhiều người cãi nhau về tiệm thuốc bắc này, người nói trên Duy Tân, người nói dưới chợ. Ngoài ra, có người BÁc và Cô không lập gia đình, mở tiệm ăn và khách sạn mang tên Cẩm Đô. Sau này, di dân sang Pháp, hiến cái khách sạn to đùng cho Việt Cộng. Ông bác nó, tội lắm đi tìm mình, để lại tin nhắn. Lúc đó mình đang ở Ý Đại Lợi. Khi về Paris, mình có ghé thăm hai người này vài lần rồi đi làm ở Thuỵ Sĩ. Nghe nói ông bác đã qua đời, còn người cô thì vào viện dưỡng lão.


Người Đà Lạt xưa rất chân tình. Ông bà đi Pháp, quen với mẹ mình. Mẹ mình nhờ ghé thăm mình. Bà gác dan của khu mình ở, kêu họ như có một trách nhiệm tìm ra mình.


Hắn được đi du học ở Gia-nã-đại, còn mình thì đi Tây. Hắn qua Mỹ, đón đối tượng của hắn ngày xưa, chở chị em cô này với ông chồng, trên xe đi khắp 4 vùng chiến thuật. Mấy bà chị này kinh hoàng lắm. Gặp mình là hỏi bú xua la mua, hỏi ngày xưa, đặt tên cúng cơm của em họ là gì, khai ra ngay, khiến mình không biết ất giáp gì cả. Hoá ra, họ đọc i-meo những bài mình viết về tuổi học trò ngày xưa ở Đà Lạt.

Gặp lại đối tượng, đại gia Đà Lạt nên rất mừng cho cô nàng 

Thấy tên này tỉnh bơ như Con Cua, hiệu thuốc Bắc của bố mẹ hắn khi xưa, không ngại ngùng gì cả. Cứ như Tây nên khi về Đà Lạt mình cũng bớt ngại gặp lại Cái Bớt Ngày Xưa, nhưng cũng lo trong lòng. Nói chung thì cũng không sợ thất vọng vì đã thấy hình bóng đương đại cô nàng trên diễn đàn Văn Học rồi.


Biết cô nàng sống sót sau 75 là vui rồi. Thấy tên HÙng Con Cua và đối tượng hắn ngày nào, tỉnh bơ bên ông chồng mỹ nên cũng làm liều đi dự hội ngộ học sinh Văn Học xưa.


Mình lấy xe taxi đến chỗ hẹn. Mình khám phá ra họ xây một con đường nối liền đường Lê Quý Đôn khi xưa, băng qua đường Hùng Vương, qua luôn trường Petit Lycee, con đường chạy lên đến gần viện Pasteur. Con đường mà học sinh hay đi tắc đến trường thay vì đi bộ theo con đường xe chạy, quẹo vô trường. Chỗ này mình hay mục kích thằng Khoa và thằng Tuấn Trung, hai tên dân Số 4 đánh nhau. Chúng đánh nhau ở Số 4 chưa đủ, tranh thủ lên trường đánh tiếp.


Chương trình hẹn ở tiệm cà phê, để gặp riêng thầy An và mấy tên học chung với mình để nói chuyện. Tối thì có bữa cơm với nhiều học sinh Văn Học khác. Mình gặp lại thầy An, dạy Việt Văn mình năm 11B. Thầy ở Bảo Lộc, nhưng phải dậy sớm từ 4 giờ sáng, lấy xe buýt lên Đà Lạt để gặp lại mình. Lý do thầy tò mò xem mặt thằng học trò ngày xưa ra sao. Thầy không nhớ mình, lại đọc bài mình kể khi xưa học với thầy ra sao.

Gặp lại thầy Phạm văn An, dạy việt văn năm 11B.

Mình kể khi học về Đoạn Tuyệt của Nhất Linh. Mình mê khi thầy giảng về luật khoa, khi Loan bị ra toà về tội đâm ông chồng chết. Mình nhớ nhất; thầy khuyên học sinh có Bồ, nên chở nhau lên Thác Cam Ly, đem theo lon sơn Bạch Tuyết với cái cọ. Viết tên hai người trên vách đá, rồi vẽ thêm một mũi tên đâm thủng hai quả tim vàng. Rồi nắm tay cùng thề trước thác Cam Ly, đầy rác từ Đà Lạt trôi về: “sông có cạn, núi có mòn xong mối tình hữu nghị của đôi ta luôn luôn bền vững đến khi nào hãng sơn Bạch Tuyết bị xụp tiệm”. Ai ngờ 2 năm sau, Việt Cộng vào. Đứt phim.


Mình mới bước vào thì thầy An kêu: “nhận ra rồi, nhận ra rồi”. Thầy nhận ra mình, một trong những tên phá trong lớp ngày xưa. Viết sai lỗi chính tả tùm lum. Quay qua thì nhận ra mấy tên học chung khi xưa. Có mấy cô khác thì chịu vì học bạn A. Ban B năm lớp 12 B, chỉ có độc nhất một cô nữ sinh tên Song Kim. Toán khô khan nên mấy cô theo ban C hết. Ngồi nói chuyện vài phút thì Cái Bớt Một Thời đi vào. Mình đứng dậy chào, thấy vẫn xinh như xưa. Hú vía!

Ngồi với mấy tên học chung khi xưa năm 11 B, lên 12 B thì chúng bỏ chạy sang ban À, và Cái Bớt Một Thời

Mình có gặp lại một cô học chung 3 tháng khi xưa, không nhận ra mình. Cô này mình đặt tên là “Người đẹp Song Pha” vì nhà ở Song Pha, lên Đà Lạt, trọ học. Cô nàng là nguyên nhân Nguyễn Đình Tài bị 302 đánh. Năm 12, cô này sang ban A  học nên mình không biết, chỉ nghe tên Tài kể lại, sau 41 năm. Hắn kể trong lớp có tên Châu, khi xưa học chung với mình ở Yersin, nhà ở phía sau lưng trường Petit Lycée. Nay hắn ở Úc. Hắn kết người đẹp Song Pha, trong lớp cũng có một tên khác kết cô này. Thế là hai tên choảng nhau, thằng Tài nhảy vào can. Thằng Châu mét lính 302 quen, chận đầu thằng Tài đánh. Chán Mớ Đời 


Cô này khi xưa, thuộc diện xinh gái, nay thì te tua thêm đối tượng của một tên học Văn Học, hắn hay kể. Mình gặp lại, chụp hình cô nàng, gửi cho hắn. Hắn té xỉu. Kinh


Tên Tài rất có tình với bạn bè. Em thằng Dương Quang Trí, con ông Marcel. đi chọc gái ra sao, thiên hạ đè đầu nó đánh trước cửa trường Văn Học. Tài nhảy vào đánh giải vây nếu không thằng Trí bị rạch mặt. Sau này đậu tú tài hạng Bình, nó cho tên nào mượn bằng tú tài và thẻ căn cước để nộp đơn di du học. Mình về Đà Lạt lần đầu, đi tìm nó nhưng không gặp. Chỉ gặp em nó kêu là nó đang chạy xe hàng ở Hà Nội. Tài tập võ chung với mình ở Ngã BA CHùa với anh họ hắn là Sỹ, học Trần Hưng Đạo, sau đi nhảy dù chết.


Mình được bố trí ngồi cạnh cô nàng. Cô nàng cho mình xem ảnh con gái, ở San Jose, cháu ngoại ,… xong gọi điện thoại cho Người Đẹp Phao Câu để mình nói chuyện. Cô này thì có gặp tại nhà mình với HÙng Con Cua vì em của đối tượng hắn, mà mấy bà chị đè đầu mình xuống tra tấn để khai đặt tên cô nàng là Người Đẹp Phao Câu. Khi xưa, cô nàng có cái Mông Cực Đỉnh,  xàng xê trước đám con trai mỗi lần ra chơi nên mình đặt tên cho nó dễ nhớ.


Khi xưa, mình làm cô Mụ, đặt tên mấy cô nàng trong lớp hay trong trường để dễ nhớ khi bàn tán về gái gú. Nào là Chị HAi, CHị Sui, CHị Cả, Thuỷ Dâm, Phi Liên Xô, người đẹp Song Pha, …. Khiến nhiều tên cứ hỏi mình hoài về mấy tên này. Có cô học chung tên Vy Thị Thu Thuỷ, đám trong lớp đặt tên trước khi mình vào Văn Học, là Vê Tê Tam Thừa cho có vẽ dân ban B. Cô này xinh, lớn tuổi hơn mình, hay mượn vỡ của mình để sửa chính tả. Sau này, mình bắt đầu viết về những kỷ niệm Đà Lạt thì Chị Cả hay sửa lỗi chính tả cho mình trước khi công bố cho thiên hạ đọc. Sau này, mình viết nhiều quá nên cô nàng đầu hàng, không có thì giờ để sửa lỗi chính tả. Chán Mớ Đời 


Cô nàng mời đi ăn sáng với mấy người bạn của cô nàng ở Đà Lạt và giới thiệu mình là “người đặc biệt”. Kinh! Có một cô là em gái của một cô rất xinh ngày xưa ở Văn Học. Có thể gọi đứng thứ 3 của trường sau Cái Bớt Một Thời và Trần Thị Ánh Nguyệt. Tên Vũ Văn Tùng, nhà ở ngay dốc Cẩm Đô, lên nhà thương, mê cô này lắm. Hắn hay ngồi khi ra chơi, nhìn theo cô nàng.


Nói chung thì gặp lại đôi mắt người xưa thì rất vui. Vui vì cô nàng còn sống. Thứ hai cô nàng là đại gia Đà Lạt, không cực khổ. Cô nàng kể là lưu lại hết mấy bài mình viết về Đà Lạt. Có đi tìm mình sau 75. Lúc đó mình đang mê đầm, mắt xanh tóc vàng thì chịu. Gặp lại bạn xưa, thấy họ sung sướng, giàu có là một cái mừng. Mình có gặp lại vài người bạn học cũ, vì lý lịch gia đình nên cuộc đời có kết cục khá buồn, vì không được đi học đại học tiếp.


Nguyễn Hoàng Sơn