Về quê nội

Rời Đồng Hới mình bay về Hà Nội. Cô em đặt xe đón mình chở về quê. Mình về quê mấy lần nhưng ngày nay, quê cũng thay đổi rất nhiều so vói lần đầu mình về năm 1994 nên cũng chới với, không biết đâu là đâu. Do đó cần xe đón đưa về quê cho chắc ăn, khỏi mất thì giờ. Quê nội mình, Hà Tây nay lại được ghép vào Hà Nội, để giúp Hà Nội trở nên thành phố đông đảo như các nước khác.

Chạy qua sông Đáy nồi tiếng qua bài thơ của Quang Dũng. Ngày nay sông Đáy ở phủ Quốc Oai, quê nội mình thì hôi thối đầy rác rưỡi. Nước sông đọng lại. Nghe nói họ tìm cách xử lý vụ nước này nhưng cả chục năm nay vẫn chưa giải quyết được. Người Nhật Bản họ xử lý nước của Sông nào gần Hà Nội, bị cán bộ phá đám vì tranh nồi cơm của họ. Người Nhật Bản làm miễn phí cho dân việt, còn đầy tớ người Việt thì làm để móc tiền nhân dân, bán nước lọc cao cấp.

Chùa Thầy mà mình thấy lần đầu tiên về năm 1994. Quá đẹp

Con đê của sông Đáy mà ông cụ mình hay kể khi xưa bị vỡ đê, dân làng réo nhau đi cứu đê trong đêm. Có người cầm mõ chạy từ đầu làng thúc dục dân làng cứu đê. Nay thì thượng nguồn Trung Cộng xây bao nhiêu cái đập nên chả còn nước chảy về nên nước sông động lại ngay cả sông Hồng cũng có chung số phận như Đồng Bằng Sông Cửu Long. Người dân xả vô tội vạ nước thải, nước cống…. Các nhà máy thả chất dơ độc hại. Cá không dám sống ở sông, quyết đi nơi khác xây dựng phố văn hoá.


Lần đầu tiên về quê, đi trên con đê xình lầy, nay thì được trán nhựa, không thấy sông ở đâu, nước sông quá thấp nên không sợ bị lụt, vỡ đê nữa. Dân làng xung quanh vui vẻ, không sợ bị vỡ đê như thời ông bà mình. Ngược lại không biết lấy nước đâu để dùng.

Bác tài đổ ngoài hẻm rồi mình kéo hành lý vào hẻm tìm căn nhà nơi ông cụ sinh ra, rồi một đêm hải hùng, du kích bao vây căn nhà này như nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang kể qua bài ca “người anh Vĩnh Bình”. Ông cụ kể là hồi chiều có nghe tiếng huýt gió khi đi về trên đê nên đã chuẩn bị tinh thần. Khi họ đem đuốc đến bao vây nhà thì ông cụ lén ra phía sau rồi nhảy qua vườn hàng xóm rồi trốn vào nam. Ông cụ không theo họ nên họ phải giết Làm gương cho cách mạng.


40 năm sau, ông cụ mới về thăm quê, gặp lại mẹ sau cái đêm hôm ấy. Ông bà nội tưởng ông cụ bị giết đêm đó nên lấy ngày ấy làm ngày giỗ suốt 25 năm đến khi Sàigòn mất thì mới viết thư về khiến ông bà nội mừng vì 2 ông chú kia bị giết sau khi ông cụ bỏ trốn vào nam trong khi ông bà nội bị đấu tố. Ông cụ lại phải đi cải tạo 15 năm.

Ảnh chụp CHùa Thầy vào thời Tây do cô em mình gửi


Mình đi ngang nhà thì không nhận ra vì cái cổng được xây lại nhất là ban đêm, lại thấy đầu ngỏ, nhà ông chú họ nên quay đầu lại. Thắp hương bàn thờ xong thì cô em, con bà cô đưa sang chào 3 ông chú họ, em chú bác với ông cụ mình. 3 ông đều than như dân Quảng Ninh, kêu thành bác sĩ mỗi ngày phải uống thuốc của 3 họ Cao. Chán Mớ Đời 


Một ông chú kêu ăn miếng bánh chưng mới luộc lại từ Tết. Chút hương vị quê hương, thấy ngon hơn bánh chưng ở Bolsa. Sau đó cô em họ đèo xe qua nhà ở thôn Đồng Lư, quê chồng ăn cơm. Gạo do nhà cô ta trồng ăn thấy ngon với món gà chọi. Thấy lạ khi ăn lần đầu món gà chọi. Sau đó lại về nhà ông chú để ngủ qua đêm. Nhà ông chú có cái cổng to đùng, có khoá, rồi vào nhà thì có cửa sắt lại ổ khoá to đùng. Khiến mình hơi ngại, lỡ đang đêm cháy nhà thì sao. Cửa sắt khoá phía ngoài, chỉ có cách là leo lên ban công rồi nhảy xuống ao.

Dạo này, mùa hoa Gạo nên cảnh vật khá đẹp, tương tự ở Đà Lạt mình thấy hoa Thông
Cảnh đẹp


Xe chạy qua các cánh đồng lúa của quê nội thấy đẹp. Mình về quê vào buổi tối nên không ra thăm mộ ông bà được. Cách đây mấy năm, bà cụ mua đất rồi dời mộ ông bà về đây để dễ đi thăm. Trước đây, được chôn ở đồng ruộng. Mình về hỏi không ai dám dẫn mình ra đồng. Dân giàu Hà Nội, nay dọn về quê ở cho bớt ồn ào. Dạo này, làng có vẻ làm ăn khá lên, buôn bán khắp nơi, chẳng bù với lần đầu mình về, xe chạy trên đê đường đất, mưa trơn không thể tả. Mình có cô cháu làm việc tại Hà Nội, cứ sáng đi xe gắn máy vào thủ đô rồi chiều chạy về. Mùa mưa chắc cực.


Được cái, người em họ bên vợ, cho ngừng lại ở Chùa Thầy, nhìn mưa bay trên hồ với cái chùa. Sao đẹp lạ lùng. Mới hiểu cụm từ quê cha đất tổ ra sao.


Sáng 4:30 là bò dậy, ra xe đi Nội Bài. May quá trước khi cái loa phóng thanh của làng oang oang vang lên tiếng kinh cầu cách mạng. Nhớ lần trước, mới 5 giờ sáng nghe cái loa phường ào ào xưng tên các liệt sĩ chết ở Điện Biên Phủ. Mỗi lần mình về quê là tối chạy ra Hà Nội ngủ. Hai lần cuối thì có ngủ lại nhà và nhà ông chú. Mình thấy ông chú tóc đen mượt nên tò mò hỏi cách thức ăn uống ra sao mà có tóc đen. Ông kêu thời đại 3 gờ thì nhuộm cho nó trẻ. Thế là mình ngọng. Thái Lan có hệ thống 5 gờ còn Việt Nam vẫn còn chế độ 3 gờ.


Quê nội mình bên cạnh có Chùa Thầy rất đẹp. Có lẻ trong tương lai mình sẽ về quê ở một thời gian để vẽ, và nghiên cứu chùa Thầy như ông Bésacier đã làm với Đình Bảng. Lần chót mình có ghé chùa này, đã được thương mại hoá khá nhiều. Dân khu vực này nói giọng thé thé, rất là khó nghe. Đồng chí gái hỏi họ nói phương ngữ à. Chán Mớ Đời 


Vào phòng đợi Sông Hồng ăn sáng rồi lên máy bay đi Đà Lạt. Đà Lạt cũng là quê của mình. Mình về Việt Nam mà thiên hạ cứ xổ tiếng anh với mình thấy cũng lạ. Không phải lần đầu, lần về đầu tiên, thiên hạ hỏi mình là người nước ngoài. Chắc mình đen quá lại có râu quai nón nên người Việt tưởng mình là người ngoại quốc, Phi hay ả rập.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 


Nguyễn Hoàng Sơn 





Người con tây, Enfant de Đà Lạt

Có ông tây, sinh tại Việt Nam, năm 1954 và sống tại Việt Nam đến 1964, tải lên YouTube mấy đoạn phim do ông bố quay tại Việt Nam, khi qua Việt Nam làm việc. Có mấy đoạn phim quay tại Đà Lạt. Ông ta có viết một cuốn sách ngắn, kể theo các đoạn phim do ông bố quay tại Đà Lạt. Rất cảm động khi thấy hình ảnh Đà Lạt trước khi mình ra đời hay còn nhỏ. Dạo ấy ông ta đâu 3, 4 tuổi nên mù mờ, sau nhìn lại phim của ông bố rồi viết lại. Mình có liên lạc với ông ta và mua cuốn sách của ông, người con Đà Lạt (Enfant de Đà Lạt). 


Đọc xong mới hiểu một người dù tây hay mít, hay Mỹ đã từng sống hay tham chiến tại Đà Lạt, vẫn thương nhớ về Đà Lạt năm xưa, khi thấy Đà Lạt phát triển một cách man rợ, bất chấp tương lai, miễn sao có tiền. Mới hiểu nhiều người cứ kêu mình viết về Đà Lạt xưa. Mình không thích sống với quá khứ nhưng cũng chìu thiên hạ nên lâu lâu, nhận được tài liệu mới thì kể chuyện đời xưa cho vui.


Người Việt chúng ta trải qua bao nhiêu chiến tranh, quen với sự đổ nát nên không quen có cái nhìn xa, có viễn kiến về tương lai như người ngoại quốc. Chúng ta chỉ mong có ăn ngày hôm nay, vì ngày mai chiến tranh đến lại đổ nát.


Có một đoạn phim năm 1957, lúc ông ta 3 tuổi, ông bố quay cảnh anh và chị của ông ta đi học tại trường tiểu học mà mình có học 5 năm tại đây. Trường Petit Lycée với xe ca chở học sinh đến trường. Mình có một tấm ảnh khác đen trắng, nhưng không biết để đâu. Có ai ở Bolsa rảnh thì mình sẽ nhờ họ lọc các hình Đà Lạt xưa dùm để dể tìm khi lục lại. Mình có trên 800 tấm ảnh cũ Đà Lạt. Nếu họ giúp mình, sẽ tặng họ 800 tấm ảnh này. Nếu họ làm được thì chắc mình sẽ viết về Đà Lạt nhiều hơn qua mấy tấm ảnh cũ được. Nay thì chỉ nhớ cái gì viết cái đó.

Đường vào Petit Lycee bên tay trái còn đường chính là đường Yersin, khởi đầu từ góc Lê Quý Đôn, vì trước đó là đường Hùng Vương, từ Cam Ly chạy về Đến ngã ba Lê Quý Đôn.
Tấm ảnh này mình đoán thời 1930, lúc họ mới xây dựng trường này. Xe cộ đưa học sinh đến ở nội trú. Sau này người Pháp lên Đà Lạt sinh sống hay gửi con lên đây học nhiều nên họ xây trường Grand Lycee. Khi xưa, đa số ở nội trú vì cha mẹ ở xa.
Mình học ở dãy này được 3 năm
Chỗ ra chơi khi trời mưa. Thấy toàn con tây đầm không vào thời đó. Thời mình đi học thì tây đầm đã về nước gần hết.
Cổng vào trường. Thấy ông tây đen làm gác dan khiến đám học sinh sợ té đái. Hình này chụp thời sau ông Diệm. Mình nhớ có học chung với con tướng Tôn Thất Đính, và tướng Dương Quang Trực năm 11 ème rồi đảo chính, nên đang học giữa chừng chúng đi mất tiêu.
Khuôn viên trường chỗ xe hơi đậu chở con đến trong phim. Có văn phòng hiệu trưởng với cầu thang hình vòng cung. Phía sau là văn phòng y tế và preau. Hai bên là hai dãy lớp. Tổng cộng có 6 lớp học
Chỗ này là con đường nhỏ dẫn vào trường từ đường Yersin, Lê Quý Đôn. Nay họ làm con đường lớn trên con đường mòn này, chạy lên đường Pasteur. Nay vẫn còn cái hồ nhỏ bến tay trái

Trường này được tây thành lập để dạy dân họ, sau này thì cho thêm con cháu sở tại, giới làm việc với chính quyền thực dân Đông Dương như Lào, Campuchia, và Việt Nam. Sau đó mới xây ở gần ấp Cô Giang, trường Grand Lycée cộng thêm trường Mỹ nghệ, nơi ông Ngô Viết Thụ theo học trước khi đi du học kiến trúc bên Pháp. 


Trong phim thấy chiếc xe ca quẹo qua văn phòng hiệu trưởng, nơi có mấy thang cấp mà khi xưa, học sinh được kéo ra đây đứng chụp hình, kỷ niệm mỗi năm. Hôm trước ở Sàigòn, có anh bạn học chung khi xưa, kể là còn mấy tấm ảnh chụp ngày xưa, để anh ta chụp lại rồi gửi qua.

Mình chụp từ phim nên khá mờ nhưng thấy văn phòng hiệu trưởng, có mấy thang cấp để học sinh đứng chụp hình kỷ niệm.
Chỗ này học sinh đứng chụp hình lưu niệm hàng năm

https://youtu.be/v8qyCwo96AM


Có đoạn phim nói về các đường phố Đà Lạt. Lúc đầu thấy ty cảnh sát quốc gia, phía sau là nhà thờ Con Gà trên đường Yersin. Sau đó đường Hùng Vương, nơi chạy về Cam Ly, có khúc quẹo về đường Huyền Trân Công Chúa, lên trường Thanh Ngọc và Couvent des oiseaux. Rồi đến khu Hoà Bình với dãy nhà hàng Chic Shanghai của ông Võ Đình Dung xây cất. Phía bên trái chợ Đà Lạt vẫn còn dãy phố 1 tầng, sau này kiến trúc sư Ngô Viết Thụ cho phá bỏ khi thiết kế lại xung quanh chợ Đà Lạt. Theo mình là điểm sai vì thấy không gian chơ vơ, nhìn xuống la Tulipe Rouge. Chỗ này sau đó đền cho ông Tân Lập và Nguyễn Văn Ngạch 2 căn dưới chợ. Họ có xây mấy nhà lầu đối diện photo Hồng Châu.


Đầu chợ, bên tay phải, cậu của bà cụ mình hùn với người cháu 835 cây vàng để xây khách sạn, chưa xong thì 75 đến. Việt Cộng lấy luôn. Chán Mớ Đời 


Có cảnh mấy anh em ông tây đi chợ cũ Đà Lạt, nơi mẹ mình buôn bán khi xưa.

Mình đoán là ty cảnh sát quốc gia, sau mấy cây thông có nhà thờ Con Gà, trên đường Yersin
Đây chợ Cũ trước khi xây dựng chợ mới. Nhìn xuyên qua chợ thấy dãy tiệm Việt Hoa, nhà hàng Mekong
Chợ cũ Đà Lạt, sau được xây lại thành rạp Hoà Bình với các dãy phố như các tiệm Tiến Đạt,.. thấy bên  phải có dãy phố, tiệm. Sau 1960 bị phá bỏ
Quang cảnh trước tiệm Chic Shanghai, nhìn qua thấy Đức Xương Long và Lưu Hội Ký
Đường Hùng Vương đi về hướng Petit Lycee 
Xe thổ mộ, mình còn nhớ hồi nhỏ có đi xe này vài lần
Chợ cũ. Phía xa thấy dãy phố của Đội Có

https://youtu.be/ZboIukoaQgI

Đường Hùng Vương trên đường về Cam Ly
Hình
 ảnh ấp Ánh Sáng được xây dựng năm 1953, gồm 36 căn nhà 3 gian. Sau 1968 thì dân tình ở quê chạy giặc đổ xô vào Đà Lạt, đến tá túc nhà người thân rồi làm thêm nhà cửa xung quanh mất trật tự

https://youtu.be/4ZDHoN-1OlY


Có cảnh ngày hội, người Pháp cho nhảy dù xuống hồ Xuân Hương, rồi ca nô chạy lại vớt các người nhảy dù ướt nhem khiến mình nhớ dạo còn bé cũng đi theo tên Dư hàng xóm ra đây xem Trung Tá Nguyễn Chánh Thi cầm cờ Việt Nam Cộng Hoà, nhảy dù ra. Về nhà mình bắt chước, leo lên mái nhà, cầm cờ nhảy xuống đất ngay cầu thang, té lăn cu queo, nay còn vết sẹo một thời ngu dại nơi trán.

Mấy người nhảy dù xuống hồ Xuân Hương trong khi gia đình ông tây vỗ tay. Thời tổng thống Ngô Đình Diệm
Ca nô đến vớt mấy người nhảy dù xuống hồ. Thấy bên phải hội quán hướng đạo Lâm Viên sau này.
Dù nhảy xuống hồ, thấy Thuỷ Tạ. Đường Nguyễn Trường Tộ phía dẫy thông phía sau Thuỷ tạ

Có đoạn phim về chiếc xe lửa chở mấy người đem trà từ Cầu Đất lên Đà Lạt. Hình ảnh mà hồi nhỏ, mình nhớ có đi một vài lần với ông cụ, đi thăm ai ở dưới Cầu Đất với tuyến xe lửa rồi sau này, Việt Cộng đặt mìn phá hoại rồi sau 75, bán lạc xoong cho Thuỵ Sĩ.

Những người làm việc cho công ty trà ở Cầu Đất, vác cần xé trà 
Xe lửa mà mình có đi và thấy vài lần khi còn bé trước Mậu Thân

https://youtu.be/-vAzuJxdCbU


Đó là những hình ảnh khiến mình cảm động khi xem vì nhớ mại mại một thời thơ ấu. Một Đà Lạt rất đặc biệt, khác xa với các tỉnh khác tại Việt Nam. Nay thì chẳng khác gì các tỉnh khác. Tỉnh nào cũng như nhau, mất vẻ đẹp trang nhả, lịch sự. Nhà cửa xây vô tổ chức. Điển hình ấp Ánh Sáng khi mới thành lập chỉ có 36 căn nhà 3 gian, được xây đều đặn như nhau. Nay thấy họ giải toả được 18 căn xưa, dân tình không chịu bán nhà còn lại. Họ đành trồng hoa vớ vẩn, không ai chiêm ngưỡng cả vì ngay con đường chính, không có đường đi bộ để chụp hình tạo dáng.


Các dãy phố trên khu Hoà Bình, cũng 2 tầng, theo kích thước của ông kiến trúc sư trưởng Hébrard đề xuất. Mình có ghé thăm thành phố bên Hy Lạp do ông ta thiết kế, khu thành phố vẫn giữ được nét riêng của thiết kế của ông ta. Trong khi Đà Lạt thì tự biên tự diễn. Nói cho ngay là khởi đầu từ sau Mậu Thân, khi làn sóng người dân quên tỵ nạn chiến tranh, đổ dồn vào Đà Lạt, với tư duy ao làng, nương theo phong trào thương phế binh cắm dùi, chiếm đất hoang, xây nhà.


Có người kêu mình không nên tiêu cực vì người Đà Lạt vẫn phải sống. Trong tương lai Đà Lạt sẽ không thu hút du khách nữa vì mỹ quan quá tệ. Nghe nói nay họ có chương trình dời các vùng kinh tế về Đức Trọng khiến mình mừng. Đó là dự kiến của Việt Nam Cộng Hoà khi xưa về phát triển Đà Lạt thời hậu chiến. Bảo Lộc là chính, Lâm Hà là nơi trồng rau cải. Nay chỉ thấy mấy nhà nylon trồng rau xung quanh Đà Lạt là Chán Mớ Đời.


Các tỉnh khác bây giờ có thể trồng thuỷ canh rau cải nên Đà Lạt sẽ mất lợi điểm này. Do đó cần có viễn kiến thiết kế tương lai Đà Lạt, thu hút du lịch và phát triển kinh tế và văn hoá. 


Mình thấy có mấy ông tây ở Đà Lạt, dạy tiếng tây, thành lập nhưng tổ chức bảo tồn Đà Lạt. Nếu Hà Nội không muốn hay không có kế hoạch thì càng ngày càng te tua. Khí hậu nay bắt đầu nóng hơn xưa, do đó cũng sẽ bớt thu hút du khách. Người Việt có tiền sẽ đi du lịch các xứ khác quanh vùng hay Âu châu để trải nghiệm cái lạnh. Phi lUật Tân, Nam dương có những vùng đồi núi cao hơn Đà Lạt và được phát triển khá đẹp.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 


Nguyễn Hoàng Sơn 







Người xưa năm cũ


Về Đà Lạt kỳ này, nói chuyện với bà cụ. Thật ra bà cụ độc thoại vì mình chỉ hỏi một câu về một người quen biết khi xưa ở Đà Lạt là bà cụ nói và nói. Người lớn tuổi ở nhà ít ai nói chuyện nên khi có dịp, được khơi ngọn suối, nói như để trút bầu tâm sự.  Bà cụ năm nay 91 tuổi mà đầu óc vẫn còn nhớ chuyện xưa như ngày hôm qua. Anh bạn mình ghé thăm, bà cụ kể chuyện về bố mẹ anh ta khi xưa hay ai ở gần nhà anh ta,… kinh


Ai ở Đà Lạt, tò mò về Đà Lạt xưa nên ghé nhà mình hỏi bà cụ là ra hết. Bà cụ là di sản sống của Đà Lạt, vào Đà Lạt từ năm 1948 đến giờ. Mình biết hai người lớn tuổi sinh tại Đà Lạt vẫn còn sống, đó là bố anh bạn, con của ông Cai Sớm, chủ rạp hát LangBiang, Lâm Viên khi xưa, nay 99 tuổi ở gần hồ Than Thở và chú Phấn, tiệm thuốc tây Minh Tâm nay 91 tuổi, ở Hoa Kỳ. 


Hôm qua có chị của người bạn học khi xưa, nhắn tin cho mình về ông nội chị ta, ông Nguyễn Sỏi làm thầu khoán ở Đà Lạt xưa. Có xây rạp Xi nê LangBiang và cũng từng tham gia xây cất khách sạn Palace LangBiang. Xem như một trong 100 người việt đầu tiên lên Đà Lạt. Tên ông nội chị ta được dân Đà Lạt gọi là Cai Sớm. Chị ta hỏi làm sao tìm ra tin tức về ông nội chị ta. Kể lại đây biết đâu có người biết chỉ dùm. 


Mẹ mình kể ngày xưa ra sao khiến mình thất kinh vì những tên của những người khi xưa, tưởng đã ngủ yên trong quá khứ bổng nhiên được mẹ nhắc đến như lôi mình về những hình ảnh tuổi thơ. 

Dãy nhà của ông Võ Đình Dung, thầu khoán xây cất rồi bán lại ở khu Hoà Bình
Hình này lượm trên trang nhà của nhóm Yersin. Mấy ông thần nội trú, cuối tuần ra phố, bận đồ vét. Sang như mít
Có lẻ hình cũ nhất của khu Hoà Bình, thời tây. Nhà hàng Nam Sơn sau này. Thấy mấy tấm ván để đóng cửa tiệm mà Đà Lạt xưa hay có. Sau này, họ làm cửa sắt, kéo cái rẹt. Xong om
Học sinh nội trú Yersin ra phố ngày xưa, 60 năm về trước. Lúc này Chợ mới đã được Khánh thành, khu Hoà Bình đã được sửa sang lại làm rạp xi nê.

Nào là tiệm Anh Võ, bà Quản Tiêu, Lê Xuân Ái, theo Việt Minh, sau này tập kết ra Bắc. Sau 75 mới về, có bà mẹ ở trong dốc nhà Làng, bên cạnh nhà chú Ký.  Ông này bạn thân với ông tướng Tôn Thất Đính, sau này con ông ta đi lính. Dù có bố đi tập kết, được ông Đính bảo vệ, không như chế độ xét lý lịch sau 75. Bà Giáo Trình cho vay ăn lời ở dốc Nhà Làng. Hồi bé hay gặp bà ta đi thu tiền lời như bà Hiển, hàng xóm mình. 


Ông Tân Lập và ông Nguyễn văn Ngạch xây căn phố đối diện photo Hồng Châu sau này, kiến trúc sư Ngô Viết thụ thiết kế cái cầu vào chợ trên nên bị phá bỏ và được đền bù hai căn ở dưới chợ cạnh tiệm Bình Lợi của cô Ba Chỉ bên cạnh tiệm cô Huệ, cậu Tùng mình muốn cưới nhưng ông chú của mẹ mình không cho. Buồn đời cậu Tùng đi kháng chiến rồi chết đâu ở Phan Thiết. Những tên như ông Năm Ngọ, Sáu Có, ba của người bạn học khi xưa, dạy mình đánh bida lại hiện về, khiến mình nhớ đến hình dạng của họ ngày nào.

Căn phố 2 tầng, mái đỏ, của ông Tân Lập và Nguyễn văn Ngạch sau này bị giải toả cùng dãy phố một tầng bên tay trái. Hai ông này được đền bù ở dưới chợ Mới còn mấy người kia ở dãy phố một tầng thì không biết. Sau đó thì photo Hồng Châu mới được xây lên cao. Đến Mậu Thân thì bị cháy, được sửa chửa lại.

Mấy người này khi xưa ra chợ, mình gặp và chào họ hoài. Đi Tây như đứt phim, nay được bà cụ kể như cho xem lại khúc phim trắng đen quay chậm lại như xưa nên chới với. 


Mẹ mình kể khi lấy chồng, ra riêng, mướn căn phòng trong cái nhà to đùng ở đường Hoàng Diệu. Nhà này có ma nên mẹ khấn vái xin keo thì được quẻ nên ở đó. Nhờ ông Chúng, bà con ở ấp Mỹ Lộc làm cho cái khảm để thờ. Ông Chúng, bà con, làm thợ mộc, đóng bàn thờ nhất là cái divan cho nhà mình. Mình về Đà Lạt, không thấy cái divan nữa. Khi xưa, ông cụ kêu đóng cái divan rồi cất báo thể thao như Thao Trường trong đó. Hè là mình lấy báo ra đọc mệt nghỉ, chỉ tội là tiếng Việt chỉ biết về thể thao đá banh.


Sau dọn về ấp Ánh Sáng cho gần chợ. Cứ mang bầu đi bộ ra chợ xa thì khổ. Sau này ông cụ giải ngủ, thi vào ty Công Chánh làm công chức, được cấp cho căn nhà nên dọn về đường Hai Bà Trưng đến giờ. Bán lại hai căn nhà ở Ấp Ánh Sáng.


Mẹ mình than là khi xưa, cứ nghe mấy người lớn tuổi nhất là những người không rành về buôn bán nên bỏ rất nhiều cơ hội để mua nhà ngoài phố. Cho thấy cuộc đời, muốn thành công cần những người giỏi về buôn bán giúp ý cho mình. Cứ nghe người lơ tơ mơ, nói nhiều không làm thì chỉ có mất vốn.


Nhớ dạo còn nhỏ, khi mới dọn về cư xá Công Chánh. Bà cụ sinh ra người em trai kế tại nhà bảo sanh Hiền Chi. Ông thầy thuốc Bắc Huỳnh Ôn, lên nhà mình bắt mạch bà cụ cho thuốc Bắc uống trong thời gian ở cử. Khi xưa, mẹ mình sinh con thì ở cử 1 tháng, cứ xem như là sinh con là được nghỉ hè. Cứ nằm lò than, xoa nghệ gừng, uống rượu Quinquina,… và thuốc ông thầy thuốc bắc Huỳnh Ôn. Không biết có phải vì vậy mà ngày nay, bà cụ mình vẫn khoẻ.


Cứ mồi tuần, ông Huỳnh Ôn lên nhà, bắt mạch bà cụ rồi kêu 3 giờ chiều đến nhà, lấy thuốc cho nguyên tuần. Mình cứ phải bò xuống tiệm ông Huỳnh Ôn để lấy thuốc về sắc thuốc cho bà cụ, cạnh nhà Nguyễn Minh Dũng ở Phan Đình Phùng, số 47. Ông này hay bận áo par-dessus, đội mũ phớt, ông ta có cọng râu nơi mục ruồi nơi mặt, mặt cũng đẹp trai lắm.


Dạo đó có chú Thịnh, cậu một tên bạn học Văn Học, ở trọ nhà mình. Tên Thịnh này có biệt tài là hay khệnh mình. Hắn với một ông cậu bà con vớt cái đồng hồ của bà cụ đi bán xài. Mình mét bà cụ thế là hai ông thần thay nhau khệnh mình về tội làm ăng ten, điềm chỉ cho bà cụ. Có lần về Đà Lạt gặp ông thần này ở dốc Nhà Làng. Bao nhiêu căm thù chế độ cũ khiến mình muốn khệnh trả thù. 


Có lần, bà vợ ông Huỳnh Ôn, lên nhà, muốn lấy chị Mười, người làm ở nhà chăm sóc bà cụ khi ở cử, làm bà vợ thứ 2. Bà vợ lớn chỉ sinh được một cô con gái rồi triệt mặc dù ông Huỳnh Ôn cho uống thuốc Bắc mệt thở. Bà cụ mình uống thuốc Bắc của ông Huỳnh Ôn nên đẻ năm một trong khi vợ ông ta thì đợi sung rụng. Bụt nà không thiêng. Bên cạnh tiệm ông Huỳnh Ôn, có tiệm bán than nên bỏ than tháng cho nhà mình xài. Dạo đó người Đà Lạt, dùng than để nấu ăn đến khi mấy lò dầu hôi ra đời thì thiên hạ xài lò dầu hôi. Nay thì dùng lò ga hay điện hết.


Bà Huỳnh Ôn lên nhà đề suất một kiến nghị với bà cụ, cho phép chị Mười làm vợ bé. Ông này tốt số, có vợ đi cưới vợ bé cho quá sướng. Mình thấy một bà nào đẹp đẹp cũng không dám nhìn vì biết đồng chí gái đang quan sát. Chị 10 không nhất trí vì ông ta già hơn nhiều tuổi. Cuối cùng thì bà Huỳnh Ôn cứơi chị Bảy làm vợ bé cho ông thầy thuốc Bắc. Sau này nhờ uống thuốc tể của chồng, chị 7 đẻ như gà. Bà vợ lớn lo hết mọi chuyện, nấu ăn tẩm bổ, chị 7 khỏi làm gì hết ngoài việc sản xuất con trai cho ông Huỳnh Ôn. Nghe nói sau này Ông này giàu lắm. Lần đầu tiên về Đà Lạt mình thấy nhà ông ta xây 4,5 tầng ở Phan Đình Phùng. Ai hỏi mình da đen, mình kể khi xưa có mang mình, bà cụ uống thuốc tể của ông Huỳnh Ôn, có chút máu dê. Xong om


Ông bà cụ mình không có cung nô bộc. Mấy người giúp việc gia đình mình thì đa số không tốt lắm ngoại trừ chị Hoa, người cuối cùng trước 75. Có một chị từ Quảng Ngãi vào, sau này khám phá ra nằm vùng, bổng nhiên biệt tích. Chị ta rủ rê chị Hoa đánh Mỹ cút ngụy nhào. Chị Hoa thì có ông anh bị Việt Cộng chôn sống ngoài Huế trong cuộc tấn công Mậu Thân nên căm thù Việt Cộng khiến chị nằm vùng bỏ trốn. Có người lấy sữa, dầu, mắm muối cho hàng xóm hay chị bà con của mình. Nghe nói mới qua đời. Chán Mớ Đời 


Người có tay nô bộc là dì Bơn, bán trái cây ngoài chợ. Ai làm cho dì đều tốt cả. Có bà Hai, gốc Bắc hay cho mình tiền ăn quà. Di cư vào nam, không gia đình. Sau này, chú Ký đi tù với ông cụ mình thì bà ta bỏ tiền túi đi thăm nuôi chú. Bà này thuộc phụ nữ Bắc cũ ở quê nên bận váy thay vì quần như mấy bà trong nam. Bà tè hay lắm, cứ đứng rồi tè không Ướt váy.  Sau này qua Tây mới hiểu lý do phụ nữ đầm khi xưa, bận váy tròn rộng để dễ tè hay đại tiện.

Căn nhà sơn màu đỏ là nhà bảo sanh Hiền CHi của ông bà Tôn Thất Chí sáng lập, nơi 8 người em được sinh tại đây, mình thì được sinh tại phòng mạch ông Phán bên cạnh trường Minh Trí

Mẹ mình kể khi xưa đầu đường Duy Tân, có mấy kiosk hớt tóc đủ trò. Sau này mình tìm được hình ảnh khu vực này mới hiểu. Có tấm ảnh tiệm thuốc Thiên An Đường, Con Cua số 5, sau này họ nới đường Duy Tân làm hai chiều nên dẹp mấy kiosk. Khách sạn Thuỷ Tiên được xây cất mang số 7, tiếp theo số 5 của tiệm thuốc Con Cua rồi đến tiệm Long Hưng của ông bà Đàng số 9, kế đến là tiệm Hiệp Thạnh số 11 của ông bà Phúng rồi đến căn số 13 nhưng sợ xui nên họ gọi 11B. Căn này bà cụ suýt mua khi xưa nhưng bà Phúng kêu xui vì số 13. Cạnh đó là nhà bà Sáu Còm rồi từ từ xuống đến tiệm Đoàn Mừng,…đến tiệm của ông Thi,…

Đây là đường Duy Tân khi họ chỉ làm một đường một chiều. Chạy lên theo đường gDuy Tân, chạy xuống đường Minh Mạng, rồi quẹo đường Cầu Quẹo (Phan Đình PHùng), chạy lên chợ lại. Sau này, họ nới ra hai chiều nên dẹp bỏ mấy kiosque như hớt tóc, tiệm chụp hình. Họ dời trạm biến điện qua phía sau, cạnh trường Đoàn Thị Điểm

Mẹ mình tính tình hiền lành nên được dân Đà Lạt thương. Nhờ vậy sau 75, khi ông cụ đi tù thì dân Đà Lạt có đồ gì bán là đem ra đưa mẹ mình bán dùm kiếm tiền nuôi 10 đứa con và thăm nuôi ông cụ ở trại cải tạo. 


Mấy người bà con cũng thương mẹ mình như ông bà Võ Quảng Tiềm, ông bà Đàng và ông bà Phúng. Khi mình đau là ông Phúng chạy ra am Mệ Cai chở bà Cai Thỏ vào nhà để chích lễ. Cuối cùng thì bán mình cho am Mệ Cai, đường Nguyễn Công Trứ. Có lẻ bán mình cho am mệ cai nên sau này mình giang hồ phiêu bạt khắp nơi như Cậu Mười. 


Nói đến am mệ Cai khiến mình nhớ đến dì Mến, cũng giúp việc cho ông Bà Phúng cùng thời với mẹ mình. Sau này dì lấy ông Vĩnh Tường hay đến am đánh đàn mỗi khi có chầu văn tại am Mệ Cai. 


Thôi kể tới đây thôi. Hôm nào buồn đời kể tiếp chuyện Đà Lạt xưa. 


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 


Nguyễn Hoàng Sơn 

Vọng Các ngày nay

Mình nghe đến Vọng Các khi xem phim James Bond và OSS 117 khi còn bé nhưng chưa bao giờ đi Thái Lan ngoại trừ quá cảnh năm 1974 trên đường đi tây. Từ Đà Lạt, có chuyến bay thẳng sang Vọng Các khiến mình nhớ gần 50 năm về trước khi đi du học. Máy bay của công ty Air France ghé lại Vọng Các. Mình thấy phi trường này dạo ấy nhỏ bé hơn phi trường Tân Sơn nhất nay ghé lại thì phi trường họ đẹp và to lớn hơn Sàigòn. Thậm chí phi cảng của đảo Phuket còn đẹp hơn Tân Sơn Nhất. Đọc báo Việt Nam, thấy họ nói Thái Lan thua Việt Nam đến 15 năm nên không hiểu họ dựa vào đâu để khẳng định. Đọc báo as châu thì được biết bia Sàigòn, các công ty chính của Việt Nam đều được người Thái mua, đúng hơn là người Tàu gốc Thái.


Qua Hải quan xong thì gọi Grap đến đón đưa về khách sạn. Xứ này không có Uber. Grap tương tự như Uber. Trong khi đợi xe đến mình đọc tin tức về công ty này nên mở điện thoại mua cổ phiếu công ty này. Công ty này có nhiều dịch vụ hơn Uber. 


Về đến khách sạn lười ra đường vì bà cụ mệt nên ăn ở khách sạn cũng khá ngon. Mình đặt công ty đi viếng mấy ngôi chùa lớn do vua Thái thành lập. Có mấy cái lăng vua. Tính đi viếng chợ nổi nhưng ngại sức khỏe của bà cụ. Trước đây, đi chơi với mình, bà cụ đi 9-12 cây số một ngày, nay đi 4 cây số là thấy oải rồi.

Thái lan có nhiều người gốc Hoa nên khá bị ảnh hưởng văn hoá tàu tương tự Việt Nam. Xứ này có cộng đồng người tàu lớn nhất thế giới nghe nói lên đến 10 triệu người hay 12% dấn số. Có nhiều tổng thống gốc Hoa
Mẹ già đánh còng
Hình ảnh vua Thái Lan khắp nơi. Hướng dẫn viên kêu không thích ông vua hiện tại, mới nối ngôi. Nhưng không dám nói to trước thiên hạ, sợ bị bỏ tù. Cho thấy xứ nào nói xấu lãnh tụ đều bị xộ khám. Chỉ có ở các xứ dân chủ thì chửi bới lãnh tụ không ai nghe. Chán Mớ Đời 
Bà cụ nay 91 tuổi nên bắt đầu yếu, không còn như 4 năm trước khi mình dẫn bà cụ đi 9-12 km mỗi ngày. Nay khá lắm là 4 cây số một ngày.

Bà cụ lết bộ với mình qua 3 cái chùa đến 4 km nên hơi oải nên về khách sạn nghỉ. Hẹn hướng dẫn viên 5 giờ lại đón đi du thuyền trên sông và ăn tối. Chỉ có tài xế và hướng dẫn viên đưa hai mẹ con đi tham quan nên thư thả. Bà cụ sợ uống nước không có chỗ đi tè nhưng mình bắt uống. Chùa có nhà vệ sinh sạch sẽ. Đó là vấn nạn của phụ nữ Việt Nam. Ngoài đường không có nhà vệ sinh nên không dám uống nước nên sức khỏe lộn xộn. Thận không được lọc tốt. 

Thấy du khách Việt Nam mướn quốc phục thái, đi vòng vòng mấy chùa khiến mình tưởng người Thái

Đi viếng chùa thì thấy mấy cô mấy cậu bận đồ cổ truyền thái khiến mình ngạc nhiên vì dọc đường chỉ thấy quảng cáo áo quần thời trang Tây phương hay Hàn quốc. Thấy mấy cô khá xinh, lại trắng nên đoán là thái trắng nên mò đến gần thì nghe họ nói tiếng Việt. Chán Mớ Đời 


Hóa ra họ mướn áo quần ở mấy tiệm ngoài chùa để bận như ở Nhật Bản du khách tàu mướn kimono bận đi khắp phố lại khiến mình thán phục dân Nhật Bản rất chuộng quốc phục. Chán Mớ Đời 

Dẫn bà cụ đi viếng một khu thượng mãi của người Nhật Bản đầu tư. Đẹp hơn Cali nhiều
Thái lan nổi tiếng làm hoa giả
Nhà cửa thì khá hơn Sàigòn nhiều. Ít xe gắn máy, xa lộ khá nhanh từ phi trường về
Trung tâm ăn uống, cứ chỉ tôm này rồi họ nấu cho mình ăn tại chỗ

Xe đến đón đi tàu trên sông. Đi 5 giờ gặp giờ cao điểm nên mất hơn 1 tiếng mới đến nơi. Họ đưa mình vào một trung tâm mua sắm to đùng do người Nhật Bản đầu tư. Rất đẹp hơn bên Cali. Có khu ăn uống tôm cầu vòng giá đến 25 đô. Có món xôi mít, xôi xoài đủ thứ nhưng để bụng lên tàu. Bà cụ đói vì trưa không ăn. Mình thấy bà cụ ăn khỏe mà toàn tinh bột nên nói bỏ bữa ăn trưa. Lần sau hết dám đi chơi với mình vì sợ bị bỏ đói. 


Thuyền chạy dọc sông vòng vòng trở lại chỗ cũ. Nói chung thì Thái Lan đi trước Việt Nam khá xa. Họ mua hết các công ty lớn ở Việt Nam như bia, big C. And chàng hướng dẫn viên kêu du khách Việt Nam sang đây đều phải ghé lại big c để mua đồ đem về Việt Nam. 


Anh hướng dẫn viên chạy đi mượn cái xe lăn trong khu thương mại cho bà cụ để mình đẫy lên tàu và được ưa tiên đi trước nếu không bị du khách việt Xô lấn. May có người trên tàu xuống khiêng bà cụ lên tàu rồi như phép lạ bà cụ đứng dậy leo lên cầu thang. Kinh

Thức ăn trên tàu, thấy không hấp dẫn lắm nên mình không tranh dành
Mình đi đường tắt kiếm tôm nướng cho bà cụ. Họ có một cái lò nướng tôm, xa chỗ buffet
Không biết loại rượu gì. Chỉ nâng ly chụp hình với bà cụ nhưng không uống

Du khách trên thuyền đa số là Việt Nam nên khi họ cho ăn thì loạn. Dành nhau thay vì xếp hàng, bàn bên cạnh có hai cặp thái cũng lấy đồ ăn nhiều nhưng cũng bỏ mứa. Bà cụ quen tranh nhau với người Việt nên tranh thủ được một dĩa thức ăn, hồ hỡi với nụ chiến thắng trên môi. Sau cơn bão dành thức ăn, mình đi lấy tôm, chè cho bà cụ và trái cây ở bếp phía sau.


Ban nhạc thái hát nhạc việt nối vòng tay lớn và Sàigòn đẹp lắm Sàigòn ơi với giọng thái Lan nhưng nghe được. Hơi lại lại thái. 


Tàu chạy dọc sông một vòng mất 2 tiếng kịp cho du khách ăn và nhảy đầm với ban nhạc trên tàu. Họ hát đủ loại nhạc để du khách ngoại quốc nghe như nhạc việt, nhạc nga vì thấy vài người nga, thái thì chắc rồi và nhạc Mỹ cho du khách Mỹ. Mình gặp nhiều du khách nga nên không hiểu cấm vận ra sao mà người nga đi chơi thả dàn trong khi báo chí Tây phương kêu thanh niên sợ đi lính nên bỏ trốn hết. Không biết đâu là bến bờ. 


Tàu cập bến, xe đưa hai mẹ con về khách sạn. Lần sau qua Thái mình sẽ liên lạc thẳng với anh hướng dẫn viên rẻ hơn thay vì qua Viator. Du khách đến Thái Lan chậm lại sau mùa covid. Đâu có trên 7 triệu du khách. Nghe nói Trung Cộng không dân họ đi chơi ở Việt Nam. Du khách ngoại quốc thì tuyên bố một đi không trở lại Việt Nam. Cho thấy Hà Nội không có viễn kiến về lâu dài trong ngành du lịch. 1 người đi thích, họ sẽ trở lại với gia đình hay bạn bè của họ, du khách càng ngày càng đông.


Nói cho ngay chắc mình không trở lại xứ này. Nóng, muỗi lại ẩm như Việt Nam. Ở Cali rồi đi đâu cũng không có khí hậu như Cali. Nói cho ngay, không thấy Thái Lan hấp dẫn lắm để đi lại, ngoại trừ đồng chí gái muốn đi. Được cái là cách phục vụ của họ rất dễ cảm. So sánh khu nghỉ dưỡng VinPEarl Nha Trang và Naka, thái lan thì một trời một vực.

Anh hướng dẫn viên chạy kiếm mượn cái xe lăn cho bà cụ ngồi để lên tàu sớm. Sau đó chỉ cần bỏ lại ở trước cửa ra vào khu thương mại.

Mai đi đảo Phuket 4 ngày cho bà cụ tắm biển. 

Sáng nay lên chùa thấy bà cụ cầm chùi đánh chuông và mấy cái chuông nhỏ thấy nụ cười của mẹ quá đẹp như trẻ thơ. 


Tối hai mẹ con nằm nói chuyện ngày xưa. Mình nhắc mẹ là những người gây ra lỗi lầm cho mẹ nay đã chết rồi.  Thôi cố gắng quên đi. Con cháu ngày nay cũng có nhà có cửa hết rồi. Đừng nghĩ đến chuyện tiêu cực khi xưa, tha thứ hết đi để sống yên vui bên con cháu. Mẹ kêu ừ. Vết thương phải để cho lành, cứ chạm vào vết thương hoài thì chừng nào mới lành.

Có hồ bơi nên bà cụ mỗi ngày bơi vui vẻ
Sau đó nằm ngủ
Sau đó đi ăn
Hoàng hôn trên đảo Phuket, chụp từ đảo Naka.

Máy bay đưa ra đảo Phuket. Từ phi trường lấy xe taxi đến bến thuyền. Tại đây có sẵn thuyền của khu nghỉ dưỡng ở đảo Naka đến đón đưa về đảo. Đến nơi thì họ có xe điện chở lại phòng tiếp tân cho bà cụ đánh còng rồi đưa về nhà. Có đâu 100 căn nhà trong khu nghỉ dưỡng trên đảo này. Nhà mình có hồ bơi riêng nên bà cụ thích lắm. Chỉ tội không dám nằm ngắm biển vì muỗi. Không nhiều lắm nhưng cũng bị đốt. Muốn ngồi lâu thì gọi lễ tân, cho người lên đem trầm để xông muỗi.


 Hai mẹ con nói chuyện đời xưa từ Huế đến Đà Lạt. Những tên tuổi những người lớn tuổi khi xưa từ đâu hiện về. Như bà Quản Tiêu, Sáu Còm, Năm Ngọ, Sáu Có,…


Sáng hai mẹ con đi bộ ra ăn sáng rồi đi vòng vòng đến viếng 1 làng. Vùng này bị ảnh hưởng đạo hồi giáo nên có nhà thờ hồi giáo, phụ nữ che đầu. Hình như họ cũng bị đàn áp nhiều, mấy năm trước thấy đánh nhau đủ trò. Nói chung dân tình khá hiền hòa. Mình có đi ngang bến tàu của ngư phủ thấy họ giăng lưới phơi khô, vá lưới thấy nghèo. Khi xưa dân chài lưới đi đánh cướp tàu vượt biển. Một ngày ăn cướp bằng một năm chài lưới nên khiến người Việt biến thành nạn nhân của họ. Do đó nhiều người Việt đi vượt biển còn căm thù người Thái. Không muốn viếng thăm xứ này.

Đến cổng khu nghỉ dưỡng, họ cho mình đánh còng báo thổ thần xin vào 
Đi lòng vòng ở làng bên cạnh, thuộc xóm đạo hồi giáo
Thuyền nhổ neo để du khách đi chơi
Nhà thờ hồi giáo trong làng
Lên xe điện, họ chở vào làng, đến căn nhà riêng ở hay muốn đi đâu thì a nô một tiếng là họ đến . Mình thích đi bộ cho bà cụ khoẻ người khoẻ chân

Tối hai mẹ con đi ăn cơm rồi kêu xe chở về nhà. Lại nghe mẹ kể chuyện xưa. Không muốn đi thăm viếng gì xa vì sợ đi tàu, mẹ bị chóng mặt nên chỉ loanh quanh trong khi nghỉ dưỡng cũng độ 20 mẫu Tây. Chiều ghé tiệm ăn cà rem. Nói chung mấy ngày nhẹ nhàng qua mau rồi phải lấy tàu về Phuket lên máy bay đi Sàigòn. Mình có mấy ngày ở Sàigòn để gặp bạn bè, hàng xóm xưa, họ hàng và mấy đứa cháu. Rồi bay về Mỹ, chuẩn bị mùa hái bơ. Rồi lại lên đường vào tháng 5 tới. Phải nghỉ độ 2 tháng mới đi lại được. Đi liền thấy oải, không có hứng lắm. 


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 


Nguyễn Hoàng Sơn