Capadoccia, vùng ngựa đẹp

 Mình biết đến địa danh Capadoccia, Thổ Nhĩ Kỳ khi còn đi học. Vào thư viện, thấy cuốn sách bằng tiếng nhật nên mượn về đọc. Hoá ra có một hay 2 ông kiến trúc sư nhật nào được trả tiền qua xứ này để vẽ lại vùng này, với nhà cửa mà người dân địa phương ở trong mấy hang đá từ hơn ngàn năm qua. Từ đó mình tò mò, muốn đặt chân lên vùng này một lần trong đời. Năm nay, may mắn, trời cho phép tới đây.

Người Nhật Bản cũng như đa số các nước tây phương, họ hay gửi người của họ đi khắp nơi trên thế giới để truy tìm, nghiên cứu văn hoá của xứ người ta để dựa vào giúp các chính trị gia có viễn kiến về tương lai và dân tộc họ. Ta thấy chính người Pháp đã tìm ra các di tích lịch sử của thuộc địa như đền Angkor ở Cao Miên, Đình Bảng ở Việt Nam… mình có một tập tài liệu của ông Besacier, người Pháp, vẽ lại cái Đình Bảng to đùng.

Vùng này thấy nhiều hang đá kiểu này, người dân đào hang để ở. Đá calcaire nên dễ đào. Có vùng nuôi chim bồ câu để người dân lấy phân để bón cây cối. Nay thì có phân hoá học nên chim bồ câu hết xuất hiện.

Đến đây mới hiểu vì sao người dân khi xưa, đào mấy hang trong này để ở. Lý do là mua hè quá nóng và mùa đông quá lạnh, nghe nói xuống đến 20 độ âm. Ở trong hang đá thì mát và mùa đông thì ấm hơn ở ngoài. Nay thì chính phủ đã dời người dân trong hang đá ra các chung cư và các khách sạn bắt đầu chui vào để làm tiền du khách trải nghiệm. Vợ chồng mình cũng ở trong một phòng xây cất bằng đá Calcaire mà khi xưa, ông tây bà đầm cứ giải thích lên giải thích xuống mà mình chả hiểu gì cả. Độ ngu bền vững.


Phòng hai vợ chồng ngụ lại, được xây bằng đá calcaire, không biết tiếng Việt gọi là gì. Đá vôi? Khi xưa, ông tây bà đầm dạy thì nhớ vậy thôi. Khách sạn được đào trong hang. Ở ngoài để tránh nước thấm vào nên họ quét một lớp chống ẩm.

Sau 2 tiếng trễ, máy bay đáp xuống Kerdesi, cách Capadoccia đâu 1 tiếng lái xe. Mình đã oải vì dậy sớm ra phi trường, lại đợi 2 tiếng trễ nên Chán Mớ Đời. Tưởng xe chở về khách sạn rồi đi ăn, ai ngờ, họ ngừng bên đường để đón hướng dẫn viên, dẫn đi thăm viếng vùng này, đặc biệt là viện bảo tàng, nơi khi xưa có tu viện thiên chúa giáo, lúc sơ khai, sợ quân lính, công an, nằm vùng của quân la mã tìm thấy nên mấy ông linh mục đi tu, trốn tránh ở vùng này.

Hình vẽ trên tường chữ thập do chữ viết hy lạp, chúa giết su. Dạo ấy có 4 nhà thờ thiên chúa giáo (Antalya, Istanbul, Izmir và Thierya) nên họ ghi dấu hiệu chúa giê su bằng chữ Hy Lạp tượng trưng cho 4 nhà thờ này. Sau này biến thành thập tự giá ngày nay, mà người ta gọi tượng trưng cho chúa giê su bị đóng Đinh trên thánh giá. Theo mình hiểu thì thập tự giá của thiên chúa giáo chính thống vẫn còn giữ cách này, còn Vatican thì dùng thánh giá loại kia.

Nhà thờ lúc đầu còn trong vòng bí mật, sợ mật thám của quân la mã truy lùng nên họ ghi dấu hiệu 4 nhà thờ để con chiên biết mà lần đến. Có lẻ sau này toà thánh Vatican giải thích cây thánh giá khác với lúc ban đầu.

Đi viếng tu viện thì mình mới hiểu lịch sử sự hình thành thập tự giá. Khi xưa, người ta bị kẻ mạnh cướp bóc, bắt làm nô lệ, không có được sự giải thoát cuộc đời họ, ngoại trừ vài người tài ba xuất chúng có thể mua được tự do của họ. Khi chúa Giê Su ra đời và đưa đến một một tư tưởng mới về nhân sinh quan, ai cũng bình đẳng trước chúa, khiến đế chế la mã quan ngại và lùng bắt. Tương tự ngày nay các chế độ độc tài rất lo sợ các tư tưởng về dân chủ, tự do con người,..nên bắt bỏ tù tất cả những ai kêu gọi bình đẳng.

Thấy trong ảnh, cái cửa thông qua các khu vực khác, có cục đá tròn to đùng như cái bánh xe, được lăn qua nếu có quân la mã đến để chắn cái cửa lại. Có hệ thống lấy dưỡng khí nhưng quá chuyên môn, mình có ghi và vẽ lại sơ đồ, để làm tài liệu cho mình.
Đường hầm cao hơn Củ Chi nhưng cũng phải cúi người để đi qua. Phải bỏ hình đồng chí gái để thấy không gian ra sao.

Hôm nay, viếng thăm các địa đạo mà người theo thiên chúa giáo núp khi quân la mã đi lùng thì họ chạy xuống dưới này. To hơn địa đạo Củ Chi nhiều và cách thiết kế rất hay. Làm sao lấy nước, nấu ăn và các bánh xe đá lăn để đóng cửa các đường hầm nếu quân la mã bò vào. Mình được giới thiệu một ông imam đã tìm thấy chốn này. Nghe nói vùng này có đến hơn 200 địa đạo nhưng người ta chỉ khai quật đâu trên 30 địa đạo.

Ông Imam kể là lúc 25 tuổi, ông ta tưới nước cho rau cỏ thì thấy nước không đọng lại mà tụt đi đâu nên tò mò kiếm ra địa đạo này. Chính phủ bò lại kêu là của quốc gia, cưỡng chế đất vườn của ông ta. Chán Mớ Đời 

Cưỡng chế đất làm nông của ông. Nay cho miếng đất để làm cái tiệm cho con ông ta bán đồ lưu niệm cho du khách. Ông ta kêu mình mua một cuốn sách nói về địa đạo, để ông ta ký tên nhưng mình cảm ơn. Đợi đồng chí gái mua ba thứ lặt vặt xong thì lên xe đi viếng mấy chỗ khác, vào xem hợp tác xã tranh lụa và thảm để trong lúc hướng dẫn viên và tài xế đi ăn trưa. Đi chơi thì chế độ dinh dưỡng của hai vợ chồng bị đảo lộn. Thường mình không ăn sáng, nhưng đây khách sạn cho ăn sáng nên phải ăn rồi đợi chiều đi ăn tối luôn, trưa không ăn nên phải để hướng dẫn viên và tài xế đi ăn trưa. Có hướng dẫn viên chịu khó đợi thì độ 2, 3 giờ thì mình mời đi ăn luôn rồi về khách sạn.

Cách lấy tơ từ trong mấy kén của con tằm. Họ móc tơ lên mấy cái ròng rọc rồi ấn nút máy chạy tự quấn. Bên tay trái, treo trên tường, các bó tơ màu trắng, có phần được nhuộm màu dùng màu hạt lựu thành đỏ,… màu này chắc là màu áo lụa Hà Đông của ông Nguyên Sa, không có trắng như ông Hàn Mạc tử điển tả.

Lần đầu tiên mới thấy được cách lấy tơ của mấy con tằm. Chỉ đọc sách kể chớ chả hiểu gì cả. Vùng này các cô gái đều được mẹ dạy cách thuê cả. Nếu không biết thì khó mà lấy chồng. Đến tuổi cặp kê thì mấy bà có con trai đang kiếm dâu đều xem các cô gái được giới thiệu để xem kỹ thuật của họ thêu có đẹp hay không. Lý do là khi thêu phải có một sự nhẫn nại, bền tâm mới có thể làm được việc này. Mấy cô mà không biết thêu thùa thì xem như ế chồng, không có sự cẩn mẫn, chịu đựng bị mẹ chồng làm khó.

Họ vẫn có màn làm mai làm mối nhưng trai gái đi học ở trường nhất là đại học thì có thể phát hiện ra đối tượng để nhập hộ khẩu chung. Vấn đề là đám cưới tốn tiền. Mình hỏi anh chàng thông dịch viên, anh ta kể gặp cô vợ ở đại học nhưng phải tốn 20 ngàn đô la để cưới cô nàng vì đã mất 10,000 đô để mua nữ trang cho cô nàng. Đàng gái thì phải cho của hồi môn như xoong quánh, giường chiếu đủ trò,… mình nói may quá, lấy đồng chí gái không tốn đồng nào. Tiền nhà hàng thì đã có khách đến cho tiền nhà hàng nên huề vốn.

Mình ở Thổ Nhĩ Kỳ chắc muôn đời ế vợ. Chán Mớ Đời 

Mình mua được bức tranh lụa thêu, giá 30% giá họ rao. Kệ để có chút gì để nhớ về Thổ Nhĩ Kỳ. Mình mua bức tranh thêu rất có ý nghĩa trong văn hoá hồi giáo. Sẽ đóng khung để trung tâm nhà để tự nhắc nhở mình. Họ kể bà nào mất 18 tháng mới thêu xong tấm trang độ 40 cm chiều ngang và 60 cm chiều dài. 140 mũi cho một cm vuông.

Mình ở Hoa Kỳ nên may mắn, năm nay đi chơi ở đây, lạm phát lên 72% nên giá rẻ so với những nơi khác. Ai muốn đi chơi thì nên đi mấy xứ như Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay.

Capadoccia được các thương buôn ba tư gọi là vùng ngựa đẹp nhưng chả thấy ngựa đâu hết. Chỉ có mấy bức tượng ngựa làm bằng sắt, để rãi rác ngoài thành phố để du khách chụp hình. Ngày cuối thì mình có thấy mấy con ngựa dùng cho du khách cởi chụp hình, dáng ngựa khá đẹp.

Hôm nay mình sẽ đi viếng vài nơi rồi ra phi trường bay về Istanbul, viếng phần đất ở eo biển rồi thứ tư bay về mỹ. Chuẩn bị cho chuyến đi leo núi Kilimanjaro với một anh cựu sinh viên Đà Lạt rồi sẽ đi chơi ở Ai Cập và Jordan với đồng chí gái. Xong om

Hôm qua ăn bữa cơm tối ở đây. Đẹp không tả . Chỗ này khi xưa dân tình đào khoét bên trong hang đá để ở. Mát mùa hè, ấm mùa đông. Nay thì chính phủ dời họ vào các chung cư nóng chết bỏ, gắn 3 tấm năng lượng mặt trời đẻ có nước nóng. Chán Mớ Đời 
Đi viếng một cái động, người ta đang làm lại khách sạn. Gặp ông thợ đẽo khắc quá đẹp. Ông ta đòi $2,000 để tạc tượng nào mình muốn. Nghe giá là hoảng. Chán Mớ Đời 

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn  


Khinh khí cầu ở Capadoccia

 Có lẻ điểm nhấn của vùng này là đi khinh khí cầu mà mình xem phim hồi nhỏ vòng quanh thế giới 80 ngày hay gì đó. Công ty du lịch hỏi mình có muốn trải nghiệm môn này thì cho họ biết để giữ chỗ cho mình. Giá 180 đô cho một người. Hơi sót ruột nhưng thôi kệ để đánh dấu 30 năm khói lửa với đồng chí gái đành nhắm mắt ký tên. 

Ai không thích đi viếng mấy cục đá như em tại các địa danh lịch sử thì chỉ cần bay đến Istanbul, rồi bay đến Capadoccia. Họ có tuyến bay quốc tế đến phi trường Kardesi, cách vùng này 1 tiếng lái xe. Nhớ là máy bay xứ này đều trễ nên tốt nhất là bay đến ở lại 1 đêm rồi sáng mai đi sớm rồi ra phi trường bay về. Công ty du lịch tính cho hai đứa con bay đến đây, xem rồi bay về. May quá là không thực hiện vụ này vì sẽ bị trễ và lỡ chuyến đò lên không gian. 

Không gian rất lạ lùng khi ánh mặt trời ló dạng

Nếu đã trải nghiệm rồi thì đáng đồng tiền bát gạo, ai có điều kiện thì nên đi cho biết vì hình ảnh khó tả lắm. Mụ vợ ngáy ngủ mà thấy cảnh 160 khinh khí cầu bay lơ lững trên trời cũng reo như con nít. Không gian như chậm lại hay đứng lại. Cảm giác khó tả. Mình có quay một đoạn video rồi ngưng để hoà mình vào dung dịch của không gian trong tia nắng bình minh vừa lố dạng như thiên đàng. Đồng chí gái tiếc là cứ chụp hình, quên thưởng thức.

Vấn đề là phải thức dậy sớm từ 4 giờ sáng, xe đến đón ra bãi đáp để lên trước mặt trời lên, thấy khung cảnh đẹp. Mình thì không sao vì chuyên dậy sớm, chỉ có mụ vợ là hơi mệt. Xe chạy một đoạn rồi đổi xe, lên xe lớn hơn thì thấy một đống du khách nam hàn. Dân đại hàn và người Tàu, đi đâu cũng đi chung hèn gì mình thấy có một tiệm ăn tàu và đại Hàn trong thành phố. Thấy có mấy khinh khí cầu đề tiếng tàu và đại hàn.

Thấy hai bên có hai cái quạt máy để thổi gió vào khinh khí cầu để làm nó căng lên, sau đó thì họ dùng ga để đốt lửa giúp khinh khí cầu bay lên và sẽ lật cái nôi bằng mây.

Xong xuôi đến bãi thì thấy có nhiều khinh khí cầu đã bay lên trong khi mấy ông thợ của công ty mình thì đang để hai cái quạt được gắn bằng máy bơm đang thổi gió vào khinh khí cầu. Đâu 15 phút sau mới bắt đầu thấy họ đốt ga nóng thổi vào khinh khí cầu. Trong khi đó thì mấy ông thợ phụ, kéo dây dù từ trong khinh khí cầu để giúp khinh khí cầu bay lên thẳng.

Đây là phần giữa của cái nôi để 6 bình ga to đùng, có đồ bọc lại vì lạnh chắc, ông lái tàu đứng giữa
Ông tài xế thì chỉ việc bóp cái cần để cho ga thêm đốt cho khinh khí cầu bay thêm. Ông ta có gắn cái máy quay video. Mụ vợ cũng đòi mua. Ồn lắm vì khi ông ta đốt ga thì tiếng lửa cháy xì xì to lắm nên chả nghe gì cả.
Trước khi cất lên, ông lái tàu kêu mọi người ngồi xuống, hai tay nắm lấy hai sợi dây thừng, để khi gặp trường hợp nguy cấp, đáp nhanh,

Khi khinh khí cầu lên thẳng 90 độ thì họ cho mọi người leo vào cái nôi làm bằng mây, cái nôi này được chia làm 5 phần. Phần giữa để ông lái khinh khí cầu và các binh ga. Ông ta điều khiển với mấy sợi dây dù to, kéo qua kéo lại rồi bóp ga cho phực lửa nghe ào ào xì xì. 4 phần kia để 5 người /1 phần. 20 người đi chung. Đi ngang mấy tiệm, họ hỏi mình đi khinh khí cầu. Nói đi rồi, hỏi bao nhiêu, mình nói $180/ người, thấy họ nghĩ là rẻ. Mình coi trên mạng thì giá độ từ $200-$250. Cứ tính $200/ người , 20 người là $4,000. Có 1 bác tài, 3 ông phụ, thêm 2 tài xế. Nghe nói có trên 160 cái thầu món này là giàu.




Cuộc vui nào rồi cũng tàn, bay độ 45 phút thì họ đáp thẳng xuống cái xe rờ-mọt đang đợi ở dưới đất. Mọi người nhảy xuống reo mừng. Chụp hình bú xua la mua. Mình chỉ tiếc là không có bà cụ để bà cụ chứng kiến cảnh đẹp này. Họ phát bằng vớ vẩn, rồi lên xe về khách sạn để mụ vợ ngủ tiếp. 9 giờ ra ăn sáng rồi hướng dẫn viên đến chở đi thăm viếng chỗ khác. https://youtu.be/zb8oAwXldzo

Có quay một khúc lúc đi lên

Nguyễn Hoàng Sơn 

Bửa ăn tối lạ thường

 Hôm qua đến Capadoccia, mình xem gú gồ thì thiên hạ đề nghị đi ăn ở tiệm khá độc đáo. Phải kêu taxi đi vì cách khoảng 10 dậm đường mà đồng chí gái thì oải rồi. Tiệm ăn nằm trong khu nghỉ dưỡng cực đỉnh nhất vùng này, không biết là nơi trồng nho hay có sân cù. Đánh cù ở đây chỉ có chết và bị thương. Nóng kinh hoàng nhưng được là vào buổi chiều mát không như ở các vùng ven biển nóng cả ngày.

Mình nhờ lễ tân đặt bàn cho hai người, khiến anh chàng buồn như mất sổ gạo, hỏi sao không ăn nhà hàng của khách sạn. Mình kêu mụ vợ muốn ăn chỗ kia. Từ ngày lấy vợ, mình có tật đổ lỗi cho mụ vợ mọi chuyện khi ra đường. Mình thương mụ vợ ở chỗ là cứ hứng bao nhiêu đạn bom dùm mình mà không hay biết.

Đi học về thương lượng, họ nói luôn luôn tìm người thứ 3 để đỗ lỗi, vẫn giữ được hoà khí đẻ tiếp tục thương lượng. Ngược lại đồng chí gái cũng cứ đỗ tội cho mình.

Lễ Tân gọi taxi cho mình. rồi xe chạy vèo vèo, qua các đồng quê. Nói chung thì cảnh đồng quê xứ Thổ Nhĩ Kỳ, không có gì đẹp. Những nơi mình đã đi qua thì có lẻ cảnh đồng quê đẹp nhất là vùng Toscana của Ý Đại Lợi. Xe đến cổng, có bảo vệ, hỏi đi đâu, mình nói đi ăn. Thấy mình, dáng nông dân chân chất nên hỏi vớ vẩn rồi cho vào.

Phải công nhận kiến trúc mới xây khá đặc thù, hình lục giác, khiến mình nhớ khi xưa có vẽ một đồ án ở bên Thụy Sĩ nhưng đó là chuyện thời xưa, kiếp trước của mình. Từ nhà hàng có cô lễ Tân chạy ra đón, đầy nổi Hân hoan. Hoá ra mình là thực khách đầu tiên của buổi cơm chiều. Vắng du khách vì ông thần Putin, đem quân đánh Ukraine để dạy một bài học, phụ Nga theo Âu châu nên 4 triệu du khách nga không đến được như hàng năm. Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ dựa vào đám du khách Nga nhiều nên họ trung lập không dám cấm vận bú xua la mua anh Putin. Chỉ bán các Drone để bắn giết lính nga thôi.

Trước khi ăn, họ rãi mấy loại hoa cỏ như là Lavender,…thấy thơm như tạo ra cái đói
Sau đó họ đem ra hai ly nước hơi ngọt của lavender và mint . Có lẻ để kích thích bao tử, khai vị

Vào nơi đây chắc còn sớm nên chỉ có hai vợ chồng mình. Họ đưa thực đơn thì khám phá ra có món ăn của Azarbejan nên mình kêu món thịt của xứ này để ăn. Có đến 5 tiếp viên phục vụ cho hai vợ chồng. Mình nói dân Việt Nam, họ kêu nhân dân anh hùng đánh mỹ cút ngụy nhào. Chán Mớ Đời 

Phần meze thì họ trộn 3 loại chung với tỏi bằm, cho ăn với khoai tây chiên rất mỏng và dầu olive, trộn tỏi như hình trên. Anh phụ bếp làm trước mặt mình khiến đồng chí gái kêu xem đó mà bắt chước, về nhà làm cho vợ ăn, mình gật đầu nhất trí. Cái này thì ngon hơn sấm của Mễ và bổ cho cơ thể.

Món này là artichaut nấu chín, lấy trái tim trộn với kem gì không biết, để trên củ cải đỏ, được đánh nhuyễn , thêm chút phô mát và sữa đánh nhuyễn để ăn khai vị với bánh mì Pita
Bổng nhiên nghe tiếng ngựa hí, hoá ra có một cô kéo chiếc xe chở rau cải đến bàn. Mình chọn loại nào thì cô ta bốc bỏ vào cái thố rồi mình kêu dầu olive, đem xà lách đến cho mình ăn. Ngon
Cái patio hình lục giác để sáng khách ở đây bò ra ăn, thấy có xe điện chở thiên hạ chạy vòng.
Xà lách tự chọn để họ trộn cho mình. Ước gì cả đời được ăn như vậy chắc sống thọ.
Món thịt nướng Azerbaijan được để trên cái thớt to và dầy, có lót miếng bánh Nam của Ấn Độ. Xứ này họ ăn cà tím rất nhiều, thấy nướng cả ớt nhưng ớt to thì không cay lắm
Món cá nướng của đồng chí gái 
Món thịt nướng để trên cái thớt, có lót một tấm bánh tráng mỏng. Ở giữa có cái chén đựng nước sốt làm với quả lựu. Có thể nói món thịt này ngon nhất trong chuyến đi Thổ Nhĩ Kỳ. Mình tính đi lại tối hôm sau nhưng anh chàng hướng dẫn viên đề nghị đến một tiệm ăn lãng mạn hơn để đồng chí gái nhớ đời.
Cuối cùng là món tráng miệng, họ đem ra một đĩa trái cây, trưng bày bắt mắt và cái bánh pistachio 

Tới đây bụng đầy nên hai vợ chồng nhờ họ kêu taxi, chở về lại khách sạn ở thành phố khác, rồi đi bộ cho tiêu cơm. Hai vợ chồng ăn tiệm cực đỉnh ở vùng này, ngon, chỉ bằng giá 1 tô phở ở bolsa cho mỗi người. Chán Mớ Đời 

Mình thích trải nghiệm thức ăn lạ còn đồng chí gái thì thích ăn ngoài phố đông người. Chiều này chắc bò ra phố để ăn để làm vừa lòng vợ. Xong om

Ăn cơm ở đây khiến mình nhớ đến bữa cơm xã hội tại Sicily. Dạo ấy, sau khi làm việc ở Torino, hè mình lấy xe buýt mà người ý gọi là Pullman, lý do là các xe buýt đều mang hiệu Pullman. Tương tự Đà Lạt khi xưa kêu xe đò Minh Trung, Mình Tâm. Ngồi xe buýt, buồn đời, mình vẽ hí họa ông tài xế, anh chàng lơ xe thấy nên xin, mình kêu miễn tiền xe. Họ nhất trí. Thế là mình có thể tuyên bố, tôi vẽ để đi xe buýt.

Xe đến một nơi nào, làng nào mình quên tên rồi, không có lữ quán thanh niên. Chỗ này là nơi họ bảo là cái làng của  ông thần trong vai chúa xã hội đen Corleone Miền nam Ý Đại Lợi, ít có lữ quán thanh niên vì ít dân hippie già nhưng các nhà nghỉ thì nhiều và rẻ. Mình lấy phòng xong thì theo Guide des  routards, thành phố này có 2 tiệm ăn. Tiệm rẻ nhất thì như cố ý không muốn tiếp mình, hôm đó đóng cửa. 

Khi xưa, đi Ý Đại Lợi, mình thích ăn mấy tiệm đề tên “Casalinga”, kiểu quán cơm gia đình, bình dân. Thực đơn có mấy món, rẻ, họ cho mình xin thêm bánh mì.

Mình đành bò lại tiệm mở cửa duy nhất hôm đó. Nhìn thực đơn thì thấy hấp dẫn nhưng không có thấy đề giá tiền. Mấy tiệm ăn sang thường họ không đề giá tiền. Có lẻ dân giàu có không bao giờ xem giá tiền khi ăn. Nghèo như mình thì quen nhìn giá tiền của thực đơn, tăn những món nào có khả năng trả thay vì ăn nhưng món gì mình thích. Mình đói vì từ sáng giờ ngồi xe buýt, không có miếng bánh mì trong bụng.

Mình tự nhũ, vào ăn một đĩa spaghetti xin thêm nhiều bánh mì. Vừa đẩy cửa vào thì ông bồi hỏi mình là sinh viên, mình gật đầu, nghĩ trong đầu có giá hữu nghị cho sinh viên. Ông ta chỉ chỗ cho mình ngồi. Mình nhìn thực đơn nhưng trong bụng hơi lo lo vì không thấy giá tiền như để ngoài cửa. Mình như ông hề Charlot, trong túi có mấy xu mà vào tiệm ăn không có giá tiền nên hỏi ông tiếp viên.

Ông này kêu đừng lo, nhà trường trả khiến mình càng cảm động, hơi lo lo. Mình là sinh viên bên Tây mà sao nhà trường bên Ý Đại Lợi lại trả nhưng nếu không trả tiền thì kêu món khai vị, đến món spaghetti, đặc sản của vùng này rồi chơi thêm món thịt, contorno rồi cuối cùng món bánh đặc sản vùng này.

Hôm sau ghé lại tiệm này, ăn ngon nhưng không bằng tiệm hôm qua, nhưng ngồi ngoài trời, cảnh đẹp khiến đồng chí gái thích, kêu chụp hình lia lịa. Từ từ hoàng hôn đỗ xuống, ánh sáng thay đổi rất đẹp.

Ăn ngon miệng vì đói nhưng cũng lo lo, nhà trường nào trả tiền cho mình. Từ từ mình đột phá tư duy, khi thấy đám học sinh Mỹ kéo vô đông lắm. Chúng không ngồi chung bàn với mình nhưng bu xung quanh mấy bàn khác, xì lì xì la.

Hoá ra là có một nhóm sinh viên, đúng hơn là học sinh Mỹ, đi viếng Ý Đại Lợi, có đặt sẵn cho nhóm họ ăn tối ở đây. Học sinh trung học ở Hoa Kỳ, thường vào năm lớp 11, họ hay tổ chức cho học sinh đi chơi, viếng Hoa Thịnh Đốn hay các nước ở Âu châu để chúng biết chút chút về những gì ngoài Hoa Kỳ, thêm có kỹ niệm với nhóm bạn trước khi rời trường. Con trai mình thì đi Hoa Thịnh Đốn, được đại biểu của vùng cali tiếp đón, giải thích về ngành lập pháp của Hoa Kỳ. Con gái mình thì đi Pháp hay Ý Đại Lợi, không nhớ.

 Do đó khi mình bò vào, tên bồi hỏi có phải sinh viên. Khi đã giác ngộ cách mạng, mình ăn lẹ lẹ rồi chuồng, khôgn thằng mỹ hay con mỹ nào ngồi chung bàn mình, sợ nhà hàng biết mánh. Tên tiếp viên, đem tờ giấy lại để mình ghi tên trong danh sách để đám sinh viên Mỹ trả tiền hộ cho mình. Sau này, mình đi viếng thăm mấy tên sinh viên ý quen ở ký túc xá, kể cho chúng nghe. Rồi chúng đồn với nhau nên khi trở về ký túc xá, cả đám cứ bu lại hỏi mình kể chuyện ăn cơm sinh viên Mỹ. Chán Mớ Đời 

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen (dạo này đen như phi châu)

Nguyễn Hoàng Sơn 

Thổ Nhĩ Kỳ #2

 “Hồi mình lấy nhau có bao giờ nghĩ đến có một ngày mình sướng như ri”. Đó là lời đồng chí gái nói khi lên xe, thăm viếng các di tích lịch sử. Đi chơi, chỉ có 2 vợ chồng, người tài xế và hướng dẫn viên, ngồi xe Van 10 chỗ ngồi, hiệu Mercedes, có máy lạnh, tủ lạnh,.. sướng quá xá nên hết Chán Mớ Đời 

Sau 30 năm khói lửa, nội chiến từng ngày, hai vợ chồng đi chơi như đi tuần trăng mật lại. Sau ngày cưới hai vợ chồng có đi tuần trăng mật nhưng mình buồn như mất sổ gạo. Lý do là 24 tiếng trước khi lên xe bông, bị sa thải. Dạo ấy kinh tế Cali te tua.

Đền nữ thần Artemis, nữ thần săn bắn mà trong phim the Hunger Game, tài tử Jennifer Lawrence được xem là ẩn dụ của nữ thần Artemis. Nữ thần này song sinh với thần Apollon nên thường có hai cái đền được xây cạnh nhau.
Những gì còn lại của đền Apollo, song sinh với nữ thần Artemis


Kỳ này đi vui, nhất là đồng chí gái đã báo tin cho công ty là nghỉ việc, hưu trí sớm, mua obamacare vì chưa đủ tuổi có medicare. Đi chơi đồng chí gái không bị vướng bận công ăn việc nên đầu óc tươi tỉnh, ăn được ngủ được nên hơi tròn tròn. Chán Mớ Đời 


Mình nói bớt ăn đường và tinh bột nhưng cô nàng ăn ngày chưa đủ tranh thủ ăn đêm. Rồi đi viếng các cửa hàng. Mình rất ngạc nhiên là vẫn kiên trì, ngồi đợi đồng chí gái dưới cái nắng kinh hồn, tuy đỡ hơn Dubai. 30 năm đồng chí gái đã cải tạo được mình, dạy cho mình cái tính kiên nhẫn. Mình thích viếng thăm các di tích lịch sử còn cô nàng thì mấy cửa hàng, nhất là hàng nhái. Đúng hơn là cái nào cũng nhái hết. Kêu mua cái này rẻ, đeo chưa được 1 tiếng đã rớt, phải đợi về Cali, ra Phước Lộc Thọ sửa lại nhưng vẫn thích đồ dổm. Chán Mớ Đời 


Đi Dubai thì mình không thích thức ăn lắm vì đã mỹ hoá hoàn toàn, không khác gì ở Cali. Có thể công ty du lịch từ Việt Nam, rút kinh nghiệm, du khách từ Việt Nam thích ăn đồ á đông nên chở đến các tiệm ăn lai Thái, lai đại hàn và tàu hay thức ăn mỹ tây.

Meze món ăn khai vị của họ rất độc đáo. Mới ngồi xuống bàn là họ đem bánh mì phồng to lên ra với mấy món meze để ăn trong khi chờ đợi món chính. Ăn chơi ngon hơn ăn thiệt
Món này được xem là món Kebab của họ, vừa thịt gà vừa thịt bò và thịt cừu. Có món cà tím độn thịt của họ khá ngon. Lúc nào cũng có cà chua nướng.
Họ ăn rau cũng nhiều nhưng có lẻ họ ăn đồ ngọt nhiều và tinh bột nên thấy dân ở đây cũng khá to béo. Họ uống coca cola rất nhiều. Vào tiệm ăn thấy họ uống loại này và fanta.

Ngược lại đi Thổ Nhĩ Kỳ thì mình được trải nghiệm thực phẩm của người địa phương nên hấp dẫn nhất là đọc về chế độ dinh dưỡng của vùng Địa Trung Hải. Sáng ra ăn sáng ở khách sạn, đủ loại thức ăn nên không biết đâu mà rờ. Mình mê nhất là món phô mát làm bằng sữa cừu, nhẹ hơn sữa bò. Ngày nào cũng ăn nhiều loại phô mát khác nhau.


Thực phẩm Thổ Nhĩ Kỳ ít chiên xào nên ít dầu mỡ. Họ ăn rau rất nhiều, tươi lắm không bị hái non như ở Hoa Kỳ. Mình tránh ăn trái cây vì mùa đông Cali không lạnh lắm. Vùng này có đặc sản là trái lựu nhưng tháng 9 mới đến mùa. Chỉ thấy ở Istanbul, không biết họ lấy từ đâu mà ngoài đường, có mấy xe ép trái lựu uống ngon cực.

12 giờ trưa mà không thấy thằng tây con đầm nào ngồi ăn. Phố xá vắng như chùa bà đanh.

Trước khi đi, mình có đọc sơ những di tích lịch sử về kiến trúc La-hy nên nhờ công ty du lịch lên chương trình. Mình tính mướn xe như ông thần nhà văn Đỗ Khiêm nói. Mình thấy ông thần này ở xứ này năm ngoái nay, mình bò lại thì ông thần đi đâu. Xem lại đi máy bay rẻ hơn là lái xe vì mướn xe mỗi ngày là $70, chưa kể tiền xăng khủng. Vé máy đâu $50/ người.


Thôi để công ty du lịch lo. Công ty này cứ mua vé máy bay cho mình, lo cho người ra đón mình tại phi trường rồi đưa về khách sạn. Sáng hôm sau, hướng dẫn viên freelance đến đón và đưa đi thăm viếng mấy danh lam thắng cảnh của vùng, đỡ mất thời gian. Họ lại dẫn đi ăn mấy chỗ chỉ có dân địa phương lại vãng, ăn rất ngon và rẻ.


Hôm qua, họ không ở lại ăn với hai vợ chồng vì phải ra phi trường đón khách nên họ dẫn đến một tiệm ăn của người địa phương, rất ngon. Vấn đề là không ai nói anh ngữ nên phải lấy ông chú của mình tên gú gồ ra để dịch. Khá vui

Cổng Adrian, hoàng đế của La mã, như Khải hoàn môn
Phố xá trên nguyên tắc đông du khách. Hàng năm có đến 3 triệu người đến vùng này nhưng năm nay thì te tua. Sau covid thêm ông thần Putin chơi cha thiên hạ, muốn thanh toán nốt súng đạn cũ nên đem ra bắn như pháo bông qua các thành phố Ukraine. Thiên hạ cấm vận nên du khách ít đi, thêm họ sợ xứ này không an toàn vì ở gần Ukraine và Nga.

Dạo này bắt đầu già nên đầu óc mình không còn nhậy học một ngoại ngữ khác. Ngược lại thằng con mình, như mình khi xưa, nói vài câu tiếng Thổ Nhĩ Kỳ khá vững. Cũng có thể nó chưa lấy vợ. Lấy vợ rồi đầu óc bị lộn xộn khi nghe vợ chửi mắng hàng ngày.


Đi chơi với hai đứa con cũng vui, tuy ngắn ngủi. Con gái thì cứ ôm bố. Trước khi đi, cô bạn thân báo tin ông bố nằm coma nên nó cũng hơi hoảng, chợt nhận ra cuộc đời khá ngắn ngủi, đầy bất ngờ, không ai sống lâu cả. Nên tận dụng ngày hôm nay sống vui vẻ với người thân, làm những gì có thể làm chung với nhau vì không ai biết ngày mai sẽ đưa ta về đâu.


Nó đi chơi nên cho thuê căn phòng của nó cho ai đó muốn ở New York 1 tuần lễ. Kiểu AirBnB, lấy lại chút vốn khi đi chơi.


Khi hai đứa con bay về Hoa Kỳ để đi làm lại thì hai vợ chồng lên máy bay, để bay vòng vòng các vùng có di tích lịch sử về nền văn minh la-hy.

Con đường phố chợ thời la mã có ảnh hưởng với các bazar ngày nay

Sau này, khi đi viếng hết mấy chỗ mình muốn đi, mình sẽ đi chơi, viếng thăm các nơi được kể trong thiên hùng ca Odyssee, mà ông Homer đã tả. Kỳ này mình tính đi Troyes và Pegasus, gần thành phố Istanbul nhưng thấy họ làm giả con ngựa thành Troyes nên Chán Mớ Đời. Còn Pegasus, tên con ngựa, thiên mã của ông thần Hercules cũng vậy, đọc thấy không còn gì cả, chỉ làm vớ vẩn vài chuyện để câu du khách.


Thời sinh viên mình có đi qua Lipari, ở Sicily, Ý Đại Lợi, nơi mà khi ông Ulyssus đi tàu ngang đây, kêu thuỷ thủ trên thuyền, cột ông ta vào cái cột buồm để ông ta không bị các lời mời gọi của các ngư nữ. Mình mê mấy thiên hùng ca của ông Homer. Hy vọng có thời gian để đi viếng những nơi này. Mình nhớ có đọc một cuốn sách, nói về các địa danh này với tên mới ngày nay.


Mai sẽ bay đi vùng Capadoccia, nổi tiếng có mấy tảng đá to lớn như nấm. Mình sẽ đi máy bay hãng Pergasus, tên thiên mã của thần Hercules. Hy vọng không bị trễ. Đi hai lần máy bay nội địa đều bị trễ cả hai. Trễ máy bầu nữa 2 tiếng.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Vùng Á Châu của Thổ Nhĩ Kỳ

Hôm nay, mình đi viếng 3 thành phố cổ thời La-Hy: Aspendos, Side và Perge thuộc vùng Á Châu Thổ Nhĩ Kỳ à người tây phương, đúng hơn là người Hy Lạp gọi là vùng Á Châu, Antalya. Khi xưa học và xem bản đồ khảo cổ của mấy thành phố này thì mình có thắc mắc, trước cổng thành, đều có nhà tắm. Tại sao họ không xây các nhà tắm công cộng trong thành phố? 

Nay đi chơi xứ này mới giác ngộ cách mạng. Họ giải thích khi xưa, trong thời La-Hy, các thuyền buôn hay đoàn người thương buôn, ghé lại thành phố nào để buôn bán. Bệnh tật và động đất khiến dân tình chết rất nhiều tại vùng này. Người trong thành rất sợ các bệnh dịch lây bởi các khách thương buôn nên họ cho xây mấy nhà tắm công cộng trước cổng thành để các người lạ, có thể tẩy uế thân thể cũng như quần áo, trước khi vào thành buôn bán.

Mình đến trễ một ngày nếu không có thể mua vé đi xem nhạc ở đây. Mình có đi xem một lần ở Thermes de CarảCala ở Rome, nghe hát vỡ opera Aida, mê đến giờ. Họ chỉ tổ chức tối thứ 3 mà mình lại bò đến tối thứ 4. Chán Mớ Đời 

Các thành phố đều có những hí viện và dựa theo đó người ta đoán dân số sinh sống ngày xưa tại đây. Lúc đầu họ xây nhỏ rồi từ từ xây nới thêm phía sau trên các ngọn đồi để tránh phải xây thêm cấu trúc để chống đỡ tường như giác đấu trường ở La MÃ. Khác biệt thời La MÃ là sân khấu có 3 tầng vì họ tổ chức nhiều mục tiêu khiển cho dân chúng. Thời HY Lạp thì chỉ có một tầng như đi viếng thành phố Delphi hay Athens. 

Trong thành lúc nào cũng có hai Agora, một là trung tâm buôn bán thường thấy có bể nước như ở các trung tâm thương mại hiện nay và một nơi để làm các thủ tục hành chánh với cơ quan chính quyền địa phương.

Cổng thành được xây dựng thời La MÃ khi họ nới rộng thành phố ra, vì đông dân cư hơn thời Hy Lạp

Cổng thành thời Hy Lạp. Trước khi vào thì phải đi tắm, ở bên trái, giặt áo quần trước khi vào thành. Cũng có mấy cô phục vụ nếu có tiền. mấy trụ cột không phải tại khu vực này, họ vác ở đâu đến và các nhà tài trợ cho tiền thì được đề tên của họ ở cái “base” của trụ cột bằng đá Cẩm thạch. 

Đi vào cổng thành la mã thì thấy cổng thời Hy Lạp, xây khá đặc thù. Các nhà khảo cổ bới các cục đá nằm dưới lòng đất độ 2 thước tây. Họ đánh dấu với máy điện toán và tự động xếp mấy viên theo hình khi xưa. Từ đó họ mới dựa theo hình ảnh của máy điện toán để ráp lại. Nhờ vậy mà hí viện tại đây được tái cấu trúc lại gần như 90%.
Đây là ghế đi cầu công cộng của thời la mã. Mọi người đến đây để đi cầu. Cứ ngồi ngay cái lỗ, có nô lệ dọn dẹp. Khi phân được thả xuống thì có hệ thống nước dẫn nước chảy kéo theo phân, đưa ra ngoài thành và họ sử dụng chất thải để trồng rau quả. Hữu cơ có từ thời xa xưa.

Trước khi đi, mình muốn viếng những di tích kiến trúc lịch sử đã được học khi còn sinh viên nên đưa ra những địa điểm này để công ty du lịch làm tuyến đường cho mình đi. Chỗ nào cần bay thì bay, còn không thì có hướng dẫn viên và tài xế chở đi thăm viếng các di tích lịch sử. 

Có ai hỏi mình đặt công ty từ Hoa Kỳ, mình liên lạc công ty du lịch tại Thổ Nhĩ Kỳ thay vì mỹ vì đỡ được một chặng huê hồng. Công ty này khoán lại cho các hướng dẫn viên tại các nơi mình đi thăm viếng, họ chỉ đặt vé máy bay và khách sạn cho mình và công ty đưa rước từ và ra phi trường. Như vụ đón tại phi trường Istanbul. Mình than phiền là phải đợi đến 30 phút mới có xe đến đón mà ông tài xế, muốn tiết kiệm xăng nên không bỏ máy lạnh nên họ đổi công ty đưa rước mình tối này bay về Istanbul.
Đấm bóp ở Thổ Nhĩ Kỳ 

Đi đây mới nhớ đến bài học khi xưa “cái nhà là nhà của ta, ông cố ông cha làm ra, các em phải gìn giữ lấy,…”. Nếu người Ottoman mà man rợ, đập phá các đền đài cổ của chế độ cũ khi xưa thì chắc ngày nay con cháu họ, không có du khách đến thăm viếng thì đói nhăn răng.

Điếm canh tàu bè thời Hy Lạp còn xót lại

Mình đi ngang qua cái tượng đài cha già dân tộc của xứ này, không thấy ai đứng lại chụp hình với bác Mustafa Ataturk, người sáng lập ra nền cộng hoà. Đi đâu cũng thấy hình bác Ataturk này như để trừ tà. Dân chúng chả ai để ý cả. Du khách hay du khách địa phương đều đua nhau đi chụp hình ở các di tích lịch sử thời La-hy.

Vùng này, khi xưa Mông cổ có tràn qua đây nên lâu lâu vẫn thấy dáng dấp của người Mông cổ ở đây. Có đặc điểm ở trước các tiệm cổ, họ khắc cái đầu của Medusa, đầu người đàn bà mà nếu ai nhìn thì sẽ biến thành đá. Viếng xứ Ottoman mà chỉ có các di tích lịch sử Hy Lạp. Chán Mớ Đời 

Họ chiếm đóng như người thắng cuộc nhưng không tàn phá các di tích của chế độ cũ, để xây cái mới xấu hơn. Kiến trúc Ottoman chả có gì đáng giá cả. May là họ không phá các di tích La-Hy nếu không thì ngày này chúng ta chả hiểu gì về lịch sử thế giới. Tương tự quân Mông Cổ chiếm đóng nước tàu của nhà Minh, họ không cho phá vỡ các di tích văn hoá của người Tàu.

Đi trong phố cổ Antalya, các tiệm ăn không có một bóng du khách ngồi. Lượng du khách thường là 3 triệu người cho 3 tháng hè nhưng nay bị giảm rất nhiều vì không có du khách nga, ít đến vì cấm vận. Du khách nga đến vùng này rất nhiều, trên 6 triệu người hàng năm
Vấn nạn xây các thùng nước nóng trên mái nhà. Đi đâu cũng thấy, chả còn đẹp gì cả. Chán Mớ Đời nghe nói chỉ tốn $300 để làm hệ thống này. Chạy xe dọc đường quốc lộ, nhà nào cũng như nhà nấy đều được trang bị hai thùng nước và 3 tấm năng lượng mặt trời, thêm cái vệ tinh để bắt sóng đài truyền hình. Chán Mớ Đời 

Phải công nhận COVID-19 đã làm kinh tế xứ này te tua. Ít du khách, đi phố cổ thường là thấy du khách. Đây đi ngang qua biết bao nhiêu tiệm ăn mà không có thằng tây, thằng nga nào cả. Mấy năm trước viếng lại Hy Lạp với đồng chí gái thì thấy du khách ngồi đầy tiệm ăn ngoài trời. Thổ Nhĩ Kỳ rẻ hơn Hy Lạp nên du khách đến đông nhất là từ Nga và Ukraine. Nay chỉ biết ngáp ruồi.

Phố cổ
Hoa trên tường. Mùa hè thì họ cấm xây cất sửa chửa để khỏi làm ồn du khách và bụi bặm.,

Phải công nhận hệ thống vệ sinh cho du khách ở Thổ Nhĩ Kỳ rất tốt. Đi viếng chỗ nào cũng có nhà vệ sinh sạch sẽ. Ngay trên phố, cũng thấy người ta làm cho các tiệm, ra đứng quét trước tiệm nên rất sạch, không thấy rác. Nhờ du khách nhưng có lẻ đúng hơn là nhờ Hồi Giáo. Mỗi ngày họ vào thánh đường để cầu nguyện 5 lần nên phải rữa tay chân tước khi vào nên nhà vệ sinh công cộng rất sạch sẽ. Không như bên Tây, âu châu đi mấy tiếng đồng hồ không tìm ra nhà vệ sinh công cộng.

Dân tình không chào hàng như kiểu ở Mễ hay Việt Nam. Họ chỉ kêu, mình không đứng lại thì thôi không có màn chạy theo như ở bến xe Việt Nam. Chặc chém thì như mọi nơi, đây họ chặt đến 80% hơn gía bán. 

Hôm qua mình được cò đưa vào một hợp tác xã về thêu các tranh và thảm. Vắng như chùa bà đanh. Họ dãn đi xem các công đoạn từ lấy tơ tằm bằng máy, sau đến nhuộm mấy màu chính như đỏ là màu hạt lựu, vàng dùng của Safran, màu của cây artichaut,… rồi qua khâu người dệt,…họ giải thích là hợp tác xã, các người dệt thường là phụ nữ, làm ở nhà vì bận con cái, làm xong thì đem lại đây để họ trên bầy để bán.

Đây là máy để lấy lụa từ con tằm
Đây là sau khi họ nhuộm màu từ các loại trái cây như quả lựu, artichaut, hành ,..

 Mình thấy có một tấm tranh lụa thuê hai con công biểu tượng cho cặp vợ chồng rồi nảy sinh ra một cây có trái tượng trưng cho đàn con cháu sau này. Hình ảnh này mình cũng thấy họ làm trong phần đồ gốm. Mình hỏi mua tấm này. Họ cho giá mình kêu đắt quá, nông dân như mình về hư không có khả năng. Họ quần mình một hồi thì mình đi về. 

Lúc đó họ lại đem giám đốc xuống, ít khi nào mà họ để mình đi. Cuối cùng thì ông giám đốc kêu sẽ gọi người làm xem họ chịu giá của mình. Cuối cùng thì họ đồng ý bán giá 30% số tiền họ rao giá. Ông giám đốc kêu mình vào văn phòng, nói là hai năm nay dịch làm họ không buôn bán gì được, họ không ăn lời, người làm mất đến 1 năm 6 tháng để hoàn thành bức thêu lụa ấy.

Mình trả tiền xong thì kêu lấy tấm lụa từ khung ra, mình đem về. Họ lại bò lại nói sao không lấy tấm khác, cũng một loại motif mình kêu không. Họ ma đầu, tấm kia chỉ khâu có 60, 70 mũi trong một 1 cm còn tấm mình mua là đến 140 mũi kim khâu bé tí nên nhìn khác liền. Đã nói mấy tay buôn bán Thổ Nhĩ Kỳ và Ý Đại Lợi là cùng dòng máu nên phải cẩn thận dễ bị tráo đổi.

(Còn Tiếp)

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Hàng Nhái Thổ Nhĩ Kỳ

Xứ Thổ Nhĩ Kỳ được xem là nước thứ 2 trên thế giới sau Trung Cộng, sản xuất hàng nhái, từ quần áo, ví da, giày dép, thực phẩm,… họ có đến 2 triệu người tỵ nạn từ Syria, đang sinh sống ở các vùng xung quanh biên giới với nước Syria. Hình như họ có đến 900 cây số biên giới với xứ Syria đang đánh nhau um xùm. Đọc ở đâu lâu rồi nên không nhớ chính xác. Con nít, phụ nữ gì cũng phải lao đầu vô các hãng xưởng sản xuất đồ nhái có số lượng 83 tỷ đô la hàng năm.


Mấy công ty tây phương ước tính bị mất lợi nhuận đến trên 83 tỷ đô la vào năm 2022. Vấn đề là mụ vợ muốn mua hàng nhái, kêu đây là thiên đường. Nhớ năm nào, đi Pháp, mụ vợ được cô bạn dẫn ra Louis Vuiton trên đại lộ Champs Elysees để mua cái ví khiến mình muốn đứng tim khi trả tiền. Về Hoa Kỳ, bạn bè chê kêu đồ nhái nên không thấy đeo, bỏ trong tủ. Chán Mớ Đời 

Đây ở Dubai, cò hướng dẫn viên dẫn đến đây, cả nhà ngay bà cụ cũng được họ kêu bận áo rồi lên catwalk, đi tới đi lui.
Cả gia đình vui hò hét với nhau, nghĩ lại cũng vui trong mấy ngày bên nhau.

Tại Việt Nam, đồng chí gái có bạn dẫn đi mua một cái ví LV giá $100, về để bên cạnh cái ví của cô bạn bên tây, ai cũng nói cái ví mụ vợ là thiệt còn ví kia là hàng nhái vì quá giống nhau, khác cái màu da một tí. Chơi đồ thiệt cũng bị chửi là xài hàng nhái. Chán Mớ Đời 

Chúng ta đang sống ở thời đại mà hàng thật và hàng nhái không biết được. Qua Ý Đại Lợi, thăm con gái, hai mẹ con chạy vào Gucci mua cái ví khiến mình muốn tắt thở khi trả tiền, rồi cũng không đeo, con gái thấy vậy lấy luôn.


Kỳ này, mụ vợ đi mua hàng nhái, vấn đề không phải là một cái ví mà rất nhiều cái ví nên rốt cuộc vẫn hơn số tiền mua một cái chính gốc. Cứ mua xong là mụ vợ kêu sướng quá, sướng quá. Chán Mớ Đời 

Đi với đồng chí gái, đi vòng vòng đợi mụ vợ thì thiên hạ hỏi mình có cần gì không, mình kêu là nông dân, chỉ cần mua áo quần cũ để làm vườn, không cần hàng hiệu. Từ ngày rời Việt Nam đến nay mình ít khi mua quần áo, chỉ xin đồ phát chẩn bận, sau này đi làm thì mua đồ chợ trời cũ, áo sơ mi $1 / cái bận. Nay làm vườn thì càng bận quần áo cũ nữa. Lâu lâu đồng chí gái mua cho một bộ, kêu bận nhưng mình cũng lười.

Có lẻ chúng ta sống trong một thời đại mà mọi thứ thay đổi quá nhanh. Khi xưa, người ta mua một món đồ, áo quần, lựa đồ tốt để bận lâu dài vài năm nhưng nay, thời trang thay đổi quá nhanh. Chỉ một hai tháng là đã có hàng khác ra. Con người phải chạy theo để không bị chê cười mà không có khả năng mua hết , đành chơi đồ nhái, rẻ làm giàu cho anh ba tàu, chuyên gia hàng nhái.

Thổ Nhĩ Kỳ muốn vào Liên Hiệp Âu Châu mà với những tư tưởng làm hàng nhái thì chắc còn lâu. Nếu xét về kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ thì theo dân tình rất te tua. Họ sống nhờ 3 tháng hè với số lượng 13 triệu du khách, trong đó có 50% đến từ Nga, 2.1 triệu đến từ Ukraine, ngoài ra là từ Đức hay Anh quốc.

3 năm vừa qua, với covid khiến dân tình chới với, nay thì bị vụ chiến tranh Nga Sô và Ukraine. Mình thấy khá đông người Nga ở trong khách sạn nhưng nghe nói ít hơn trước đây rất nhiều. Có lẻ vì vậy mà Thổ Nhĩ Kỳ không cấm vận Nga mà còn gặp Putin và bắt ông thần chiến tranh đợi 40 giây.

Các nhà xã hội học cho rằng các người thích dùng hàng nhái được chia thành 4 loại người:

1/ dreamitator: do chữ dreamer và chữ imitator. Loại người trẻ nhưng thích tạo dáng, muốn khẳng định mình là người thành đạt. Vấn đề là mấy ông nhà giàu như Bill Gates, Steve Jobs, đâu bao giờ cần phải bận đồ sang trọng, mình đoán là các công ty thời trang có thể cho họ quần áo miễn phí để bận, để quảng cáo không công.

2/ Face Saver: thường là nhóm trẻ, mới đi làm ít lợi tức, muốn tạo dáng để người đời biết mình là thành đạt.

3/ smart Faker: nhóm này tuy biết xài hàng xịn nhưng không có tiền, tìm kiếm loại nhái nhưng tốt để xài.

4/ frauster: loại này có khả năng để mua nhưng lại thích đồ nhái, rẻ tiền và qua mặt thiên hạ. Mình có ông anh cột chèo kể, có một người anh bà con hỏi cái đồng hồ Rolex của anh ta là hàng nhái hay hàng thiệt. Anh ta nói hàng thiệt. Anh bà con là bác sĩ, có khả năng mua hàng thiệt, kêu anh cũng đeo Rolex nhưng hàng nhái. Không ai biết là hàng nhái cả. Ngoài xã hội, ai cũng biết anh ta thành đạt nên không nghĩ là chơi hàng nhái. Nhớ có lần tên chủ của mình, đi Thái Lan, về mua cho mình cái đồng hồ không người lái ROlex, giá đâu $5 thời đó. Mình đeo vào thiên hạ nhìn lắt mắt. Đeo được vài tuần thì chết luôn.

Chạy xe thấy có nhiều tiệm bán đồ da, nhiều tiệm nằm ngay bên cạnh mà bãi đậu xe vắng như chùa Bà Đanh. Hướng dẫn viên du lịch cho xe vào một tiệm theo lời yêu cầu của đồng chí gái. Họ cho làm mẫu thời trang, đi trên catwalk, nhạc úm bà là. 

Mình tưởng họ làm thời trang nội y, nên đợi trong bóng tối ai dè có một cô to kinh khủng, đi muốn bể sàn nhà. Sau đó họ cũng dụ đồng chí gái mua được cái áo da. Đồng chí gái kêu tội nghiệp họ nên mua giúp. 4 hay 5 người bán hàng xúm vào phụ vụ đồng chí gái. Họ hỏi mình thì mình nói nông dân không cần bận áo da. Nếu bận thì coyote thấy tưởng mình là cừu nên chạy lại cắn thì rách việc.

Chạy xe thì thấy hai bên dường nhà cửa 2, 3 tầng đều có mấy thùng nước trên mái nhà với mấy tấm năng lượng mặt trời, rất phản cảm thêm mỗi nhà mỗi cái vệ tinh để xem truyền hình. Không biết đâu là bên bờ.

Ngoài ra các nhà trùm nylon để trồng cây rau quả như chuối, rau quả cũng rất phản cảm không thua gì Đà Lạt ngày nay. Nếu không trên đồi toàn là cây olive, đầy nơi, đến mùa chủ đến hái đem bán. Xong om

Dân quê, bỏ quê ra thành phố kiếm ăn nên dần dần nghề nông cũng bỏ hẳn, chỉ còn lại nhưng công ty thực phẩm đóng vai trò làm nông sản. (Còn tiếp)

Nguyễn Hoàng Sơn