Những bông Hồng Văn Học #7 “chuyện tình buồn”

Dạo mới sang Văn Học, vào lớp thì có màn cả đám hát “Ngọ tan trường về, trường tan Ngọ về,...” khiến mình ngơ ngác như bò đội nón. Sau mới hiểu là họ chọc một cô học chung tên Lê Thị Ngọ. Cô này đỏ mặt nhưng sung sướng vì được đám con trai chấm toạ độ. Ngô Văn Thuỷ giải thích có ông nào tên Phạm Thiên Thư, mê một cô học chung trường tên Hoàng Thị Ngọ, làm bài thơ được ông Phạm Duy phổ nhạc và ca sỹ Thái Thanh hát “Ngày xưa Hoàng thị”. Do đó đám con trai chọc cô nàng tên Ngọ chớ không phải Hot girl.

Mình nghe giải thích thấy phê quá nên về nhà, cố gắng nghe nhạc đài Sàigòn, 2 tuần liên tiếp để được nghe bài này. Dạo ấy không có YouTube nên nhạc nhiếc gì phải đợi radio. Đài phát thanh Đàlạt có màn nhạc yêu cầu, để giới trẻ viết thư, yêu cầu để tặng ai đó. Văn Học có tên học chung lớp mình, cứ tuần nào cũng viết thư, yêu cầu nhạc để tặng các bạn của lớp 11B Văn Học. Mình nghe phát ngôn viên đọc đến lời yêu cầu của hắn thì cảm thấy ấm lòng. Có thể hắn tặng cô nào nhưng không dám nói rõ nhưng mình được tặng ké nên cũng vui. Tên này, ngày nay hát karaoke rất chiến đấu nên mình gọi hắn là Ca sĩ ngân hàng.

Trước khi sang Văn Học thì mình nghe toàn nhạc của đài quân đôi như:

Bình Long quê hương tôi, nằm trên máu lửa buồn

Bình Long thân yêu ơi, Bình Long ai chết thảm thương

Thương rất nhiều đồng bào vô tội ngã gục

Và nợ máu trả bằng máu đày xác giặc đầy đường

Bình Long quê hương tôi, mồ chôn xác giặc ngông cuồng,... 

hay khi Thuỷ Quân Lục Chiến chiếm lại Quảng Trị thì cứ nghe

Cờ bay cờ bay oai hùng trên thành phố thân yêu vừa chiếm lại đêm qua bằng máu,... những bài hát của Mùa Hè Đỏ Lửa. Dạo ấy, mỗi sáng mình nghe phóng viên Nguyễn Tiến tường trình từ Bình Long, An Lộc rồi đến lính đánh qua Thạch Hãn. Sau này đọc những gì ông Võ Nguyên Giáp viết về Quảng Trị và Huế thì mới hiểu ông ta nướng quân ra sao. Đảng ra chỉ thị phải lấy lại Quảng Trị nên mỗi đêm xuồng của bộ đội bơi qua sông bị lính Việt Nam Cộng Hoà giết khơi khơi trên 100 người. Kinh

Sau này, đọc tài liệu của Việt Cộng, mới biết miền nam kêu đã chiếm lại Quảng Trị nhưng thật ra chỉ có một phần, còn phần kia thì Việt Cộng chiếm đóng đến 1975 luôn.

Đài phát thanh Đàlạt dạo ấy, mỗi tối thứ 5 là có chương trình Nhân Dân Tự Vệ. Nhạc mở đầu của chương trình là:

Giặc đến nhà đàn bà cũng phải đánh. Vận nước ta gặp hồi gian nguy

Anh em ta ơi cùng nhau kết đoàn chống giặc không gì hay hơn

Nhân dân tự vệ  nhân dân tự vệ cầm súng cầm dao gậy gộc xuống đường...

Nói chung đầu óc mình còn thơ ngây, chưa biết gái gú, yêu đương là gì đến khi sang Văn Học, gặp lại thằng Sang và quen Ngô Văn Thuỷ. Chúng biến đầu óc ngây ngô của mình thành tên dại gái đến giờ. Kinh

Trường Văn Học Đàlạt , nơi mình có nhiều kỷ-niệm một thời biết yêu và một thời để mỉm cười . Không biết bao nhiêu cuộc tình chớm nở tại đây và thành tựu? Mình biết hai cặp học chung lấy nhau. Đây là cầu thang lên trường, tụ điểm của học sinh nam nữ gặp nhau. Nếu gặp đối tượng mình thì nói to hơn hay cười khúc khích lớn hơn như đám gà trong chuồng.

Mình được chúng bồi dưỡng một thể loại nhạc khác, êm diệu hơn, đượm mùi thơ thiếc nên cuộc đời mình bước sang một trang sử mới, cần phải học tập, bồi dưỡng thẩm âm mấy loại thể nhạc “cải cách” này thay vì cải lương. Thời tây, loại nhạc Việt, ảnh hưởng của nhạc tây phương được gọi là nhạc cải cách (musique rénovée ) hay Nôm-na là Nhạc tây điệu ta.

Hồi bé, mình mê cải lương lắm. Mỗi lần có gánh cải lương từ Sàigòn lên hát tại rạp Ngọc Hiệp, bà dì mình hay chị người làm đi xem là kéo mình đi theo để tối về khỏi sợ ma nên ghiền cải lương từ đó.

Nói đến cải lương khiến mình nhớ đến bà Hai hàng xóm. Bà này người nam nên hay mở đài phát thanh Sàigòn mỗi ngày để nghe truyền thanh cải lương. Một hôm, có gánh hát Hương Mùa Thu lên diễn ở rạp Ngọc Hiệp. Dạo ấy, gánh hát mướn chiếc xe Lam, rồi gắn cái loa, mấy bản panneau hình ảnh đoàn hát, kép và đào, rồi chạy khắp Đàlạt để rao và thảy truyền đơn chương trình hôm đó. 

Con nít như mình chạy theo để lượm, té học gạch trên đường. Bà Hai kêu mình chạy xuống đường xem họ hát tuồng gì rồi về báo cáo. Thường xe bắt đầu ở rạp Ngọc Hiệp, bên đường Phan Đình Phùng là ở khi nhà mình đã nghe oang oang rồi nên con nít chạy xuống đường, đứng đợi. Mình chạy xuống đứng đợi xe chạy từ Số 4 xuống. Khi thấy xe lam chạy qua thì ráng đánh vần tuồng cải lương rồi chạy theo xe lam đến xóm Địa Dư rồi về báo cáo cho bà Hai. Mình hãnh diện như đã thành công một cuộc hành quân đặc biệt, hồ hởi kêu họ hát tuồng “Hai lan thu hen” khiến bà Hai ngọng, mặt như bò đội nón. Con Thuý, hàng xóm kêu đồ ngu, lanh chanh báo cáo là họ hát tuồng “Hai Lần Thu Hẹn”. 

Hoá ra mình học trường Tây nên đọc tiếng Việt không có dấu, bị gái trường việt chửi đồ ngu. Nghe kể mình nói tiếng Việt dạo ấy như mấy đứa con mình ngày nay ở Hoa Kỳ, chớt chớt. Mình đã là việt kiều từ bé. Chán Mớ Đời 

Nói là học trường Tây nhưng mình không biết gì về nhạc tây, hit parade cả, chỉ nghe “tình anh bán chiếu” của Út Trà Ôn là phê. Cứ nghe ông ta lên xuống một câu sướng mê tơi, lạnh xương sống, rùng mình như ngày nay giới trẻ chơi thuốc lắc. Ông ta khóc thương cô gái năm xưa, đặt chiếu ở chốn loan phòng, rồi bỏ kinh ngã 7, theo chồng về Bạc Liêu. Mỗi lần về Việt Nam, cứ định đi viếng kinh Ngã 7 này mà chưa có dịp. Hy vọng năm nay về ăn Tết với bà cụ lần đầu tiên sau 47 năm, sẽ có dịp đi viếng nơi “tình anh bán Bơ”.

Chiều chiều là nghe cải lương trên đài phát thanh Sàigòn từ nhà bà hàng xóm, Tuyệt Tình Ca,... Mình biết nhiều tên diễn viên cải lương hơn là ca sĩ tân nhạc. Dạo ấy, chỉ biết ca sỹ Duy Khánh vì dì mình hay nghe “chiều nay có phải anh ra miền trung,,.”. Dạo ấy, Dì mình cũng bỏ HUế ra đi nên tâm tình vẫn nhớ về quê hương như mình vẫn đau đáu về Đàlạt. Có bài hát mà mỗi lần mình cất giọng lên là bị đồng chí gái chửi “quê em nghèo lắm ai ơi, mùa đồng thiếu áo, hạ thời thiếu ăn, trời hành cơn lụt mỗi năm, cứt nổi lềnh bềnh chảy đầy sông Hương

Ngày nay, lái xe mình cũng hay mở cải lương nghe, vẫn thấy phê như xưa khi nghe Út Trà Ôn làm vài câu vọng cổ. Chỉ khi nào lái xe với vợ thì mới nghe mụ vợ hát Suối Tóc Văn Phụng, bú xua la mua.

Vợ mình gốc Các Mệ nên mình hay gọi là Mụ Vợ, khiến nhiều người kêu mình mất quan điểm lập trường cách mạng của người chồng nhân dân. Mệ hay Mụ thường để gọi mấy ông thuộc dòng hoàng tộc, như vua Bảo Đại, trước khi lên ngôi, thường được gọi là Mệ Vững. Người Huế hay kêu “Mụ Vợ”, từ để chỉ bà vợ, xin nhắc lại Bà vợ rất cung kính,  “Mụ vợ tôi” là người vợ của tôi, có nơi hay gọi “Nhà Tôi” như ông cụ mình. Chồng thường gọi vợ là “Mụ mi” như dân miền nam gọi “Mình ơi”. Có lẻ khi mình viết có người thấy phản cảm vì sau này người ta dùng “Mụ” để chửi nhau.

Thật ra, “danh xưng Mệ có từ đời chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khóat (1738-1765) vì Võ Vương sinh nhiều con trai nhưng khó nuôi, chết sớm, nên dùng cách gọi con gái để ma quỷ khỏi làm hại. Người xưa tin rằng con nít sinh ra, nhất là con trai, nếu xinh xắn mà lại mang tên hay, tên đẹp thì dễ làm cho ma quỷ chú ý, ham thích, mà bắt đi. Vì vậy, phải chê xấu, phải dùng tên xấu để gọi ở nhà, còn tên chính thức chỉ dùng khi trưởng thành. Từ đó trở thành nề nếp, hễ con vua cháu chúa, trai, gái gì cũng gọi là Mệ hết. Ban đầu thì người ta dùng chữ Mệ để gọi con của các ông hoàng bà chúa, và dùng chữ Mụ để gọi con của các Mệ, nhưng về sau thì dễ dãi, muốn gọi Mụ hay Mệ đều được cả.” 

Mẹ của đồng chí gái thuộc dòng Tôn Thất nên mình gọi cô nàng là Mụ. Mấy bác không hiểu nên cứ kêu em mất quan điểm lập trường cách mạng, bị thế lực thù địch bôi bác, làm nhơ danh của một người chồng nhân dân thời A còng. Chỉ có người gốc Huế chạy mới hiểu.

Có lần, trong lớp, ngồi đợi thầy vào, có tên Phụng, nhà đâu ở Cầu Đất lên Đàlạt học, đứng dậy hát bản “Tôi Muốn”, nghe phê. Tuần đó, đài phát thanh Đàlạt có phát thanh bài này vào buổi trưa, mình nghe Elvis Phương hát. Mình khoái nhất là đoạn “tôi muốn thấy tình yêu ban đầu” phê không thể tả. Không hiểu sao, ông nhạc sĩ nào lại cảm nhận được tâm tình và nói lên hoài vọng của mình vào dạo ấy.

Ở xóm dưới đường Hai Bà Trưng, đối diện nhà ông Ngọc, cạnh nhà ông Sâm, có thằng H, nhỏ hơn mình 1 tuổi. Khi xưa hay bắn bi với nhau. Sau này nó học Trần Hưng Đạo, nghe nói đánh lộn, vác cây súng rouleau của bố nó làm cảnh sát, lên trường bắn tên nào, bị đuổi nên qua Văn Học. Qua đây, thì hắn bị tiếng sét ái tình với cô em gái của một tên học chung với mình khi xưa ở Yersin. Mình thấy tên H này sao giỏi quá, khi xưa bắn bi thua mình xiểng niềng mà nay lại biết tán gái, oai ra phết, nói chuyện với cô nàng trước khi vào lớp hay trong giờ ra chơi trong khi mình thì chỉ biết nhìn trộm đối tượng. Nếu lỡ đối tượng bắt gặp ánh mắt cuồng si dại khờ của mình thì vội quay đi như kẻ ăn vụng bị bắt gặp, nhát chém hư vô. Chán Mớ Đời

Hình lấy trên trang nhà Văn Học Đàlạt , chụp khi đi cắm trại. Có vài người mình biết. Có cô Lê Thị Ngọ mà con trai hay hát Ngọ tan trường về,... 3 cô trong ảnh mình biết đều đã qua đời. kinh. Có 3 tên khác quen thì chỉ gặp lại một tên tại Hoa Kỳ.

 Ai ngờ một hôm nghe thiên hạ kể nó chết vì tình. Bố mẹ cô nàng không nhất trí về mối tình hữu nghị của hắn và cô nàng, cạo đầu cô nàng để không dám ra khỏi nhà, rồi đưa ra Quy Nhơn. 43 năm sau, cô này gọi điện thoại mình, mới được nghe thêm tình tiết vụ này. Cô ta vẫn còn bị ảnh hưởng tâm lý về vụ này. Tên này chới với khi không biết tìm động hoa vàng ở đâu nên lấy súng của bố tự xử luôn. Cô ta bị gia đình đưa ra Quy Nhơn nên không biết người tình đã qua đời đến sau này qua mỹ mới được tin từ bạn bè. Hôm trước, mình có cho số điện thoại của người bạn học rất thân với cô ta, khiến hai người vui lắm vì xa nhau từ trên 50 năm, được nói chuyện lại qua điện thoại.

Với thời gian thì mới hiểu vấn đề này vì người anh, học chung với mình khi xưa, ăn cơm trước kẻng nên phải cưới vợ sớm. Cô vợ đi học phải bận áo mưa để che cái bầu. Nay đến phiên cô nàng cả gia đình lo, cách ly hai người, đưa cô nàng ra Quy Nhơn. Cô nàng sau 43 năm, lập gia đình, không có con, vẫn nhớ đến tên hàng xóm mình, kể mỗi khi đến chơi nhà hắn, nghe tiếng mình vào nhà là trốn vì sợ mình mách lại bố mẹ cô nàng. Cô nàng nói như vậy thì mình cứ để cô ta tin như vậy vì mình không có thân với tên này. Hồi nhỏ có vào nhà hắn chơi ở dưới suối, bắn bi nhưng lớn lên thì không. Có gặp hắn ở Văn Học thì có chào hỏi vớ vẩn. Cô ta nhầm với ai tên Sơn nhưng mình không muốn cãi. Đồng chí gái dạy mình là không bao giờ cãi với đàn bà.

Dạo ấy, mình thích “tôi muốn thấy tình yêu ban đầu” nhưng qua vụ tên hàng xóm khi xưa, là ớn lạnh. Vi rút tình yêu như trái phá con tim mù loà mà ông nhạc sĩ nào rêu rong nên không dám yêu sống chết. Được thể, ông bà cụ kêu lo học đi, yêu đương chết như thằng hàng xóm. Mình lại được thầy Nguyên khuyến khích đi du học nên định hướng Paris có gì lại không em? Mai anh đi du học bạc lê phăng xe.

Dạo ấy, xóm mình cũng có một vụ ăn cơm trước kẻng khác, bố mẹ lo đám cưới như chạy tang. Cô dâu mới ngày nào còn lên nhà mình với bà mẹ, bổng nhiên đi lấy chồng dù chưa học xong đệ tam. Gia đình chị ấy lại kêu đám cưới cô chị khiến tên hàng xóm mình, trồng cây si cô chị rụng rời chân tay, mặt xanh như đít nhái. Hắn thất tình đến khi ngày nhà em pháo nổ, tâm hồn hắn rướm máu. Hắn cứ qua nhà mình, kêu mở cái máy TEAC để nghe bản nhạc Cô Láng Giềng của Hoàng Quý.

Dạo ấy lại có bản nhạc được phổ từ thơ của ông thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên. Hình như “chuyện tình buồn”

Năm năm rồi không gặp
Từ khi em lấy chồng
Anh dặm trường mê mải
Đời chia như nhánh sông
Phong thư tình ngây dại
Và vai môi rất mềm
Những hẹn hò quấn quít
Trên lối xưa thiên đàng
Ngày nhà em pháo nổ
Anh cuộn mình trong chăn
Như con sâu làm tổ
Trong trái vải cô đơn
Ngày nhà em pháo nổ
Tâm hồn anh nhuốm máu
Ôi nhát chém hư vô
Ôi nhát chém hư vô

Mình thấy hắn đau khổ lại càng thất kinh, hết dám đụng đến yêu đương ái tình. Hoá ra cô em đi lấy chồng mà thiên hạ lại tưởng cô chị. Sau này khám phá ra là đám cưới cô em chớ không phải cô chị khiến hắn mừng hết lớn và con tim hắn đã vui trở lại. Tên hàng xóm mừng như chết đi sống lại, tự hứa sẽ học để đậu tú tài như để cảm ơn trời Phật đã không cho người hắn yêu thầm trộm nhớ đi lấy chồng. Kinh

Đậu tú tài xong thì mình có nghị định của Việt Nam Cộng Hoà cho đi du học. 48 tiếng đồng hồ sau khi có sổ thông hành, chiếu khán của toà đại sứ, mình bay về Sàigòn với ông cụ rồi vài ngày sau lên máy bay, về vùng trời vô định, đời mình bước sang một trang sử mới, đến gần 2 thập kỷ mới trở về Đàlạt. Hơn 4 thập kỷ sau mới gặp lại đối tượng một thời. Kinh  (Còn tiếp)

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Những bông hồng Văn Học #6 “Tiếng Hát Học Trò #2”

 Tổ chức nấu chè bán, văn nghệ “Tiếng Hát Học Trò” xong thì các cô báo cáo tài chính, cho biết lời và cả đám quyết định dùng số tiền đó để tổ chức buổi picnic dã ngoại ở thác Datanla. Mấy cô lo bánh mì, cơm trưa và nước uống còn con trai thì được bố trí đem xuống thác đồ ăn thức uống. Khổ cái là thác chơi vơi, để xe trên đường thì sợ chúng ăn cắp nên không thằng nào dám đem xe đi, đành phải xách tay, đi bộ 3, 4 cây số. Lạ khi có con gái thì mấy tên hết than thở mệt bá vơ hay cãi lời trưởng lớp. Tên nào cũng hồ hởi xung phong lao động hết, để được làm người hùng tiên tiến trước mấy cô. Thường mình nhờ chúng làm gì trong lớp, là có đứa kênh sì-po nên mình cứ nhờ mấy cô ra lệnh chúng. Mình khám phá ra cách dĩ nữ trị nam, dễ lãnh đạo. Kinh Khi xưa, không thằng nào có máy chụp hình nên không có hình lưu niệm. Lấy tạm trên mạng thác Datanla ngày nay 

Hồi mình nhỏ thì nhớ người lớn dẫn đi thác Prenn, Cam ly khi có người quen viếng thăm. Lớn lên thì có chạy xe ra thác Cam Ly, viếng thăm lăng Nguyễn Hữu Hào, bố của bà Nam Phương Hoàng Hậu. Mình nhớ chỗ này ngây ngất, phải leo đâu cả 100 bật thang cấp. Nếu không lầm mình đến đây với thằng Bi, hàng xóm. Hơi ớn ớn vì không có ai cả, sợ Việt Cộng nằm vùng ra tóm cổ. Mình nhớ khuông viên này rất đẹp.

Thác Cam Ly thì hôi thối không tả nổi. Lý do là bao nhiêu rác của thành phố, đều được thả xuống suối, chảy về thác này, thêm nữa gần đó có bãi rác Đàlạt. Mình nhớ thầy An, năm 11B, kêu các anh chị nào yêu nhau, thì đưa nhau vào thác Cam Ly, đem theo hộp sơn của công ty Bạch Tuyết, lấy cái cọ, viết tên hai người lên đá, một mũi tên bắn xé trái tim. Nắm tay, thề mối tình hữu nghị của đôi ta sẽ đời đời bền vững như hãng sơn Bạch Tuyết, chừng nào hãng này xụp tiệm thì tình ta mới thôi. Ai ngờ 2 năm sau, Việt Cộng vào, hãng sơn Bạch Tuyết bay mất như các cơn mưa phùn Đàlạt. Bao nhiêu lời thề trai gái ở thác Cam ly tan theo mây sương cao nguyên.

Lớn lên thì bạn bè hay nói đến thác Datanla, hình như họ phát hiện sau này và giới trẻ Đàlạt hay đi dã ngoại tại đây vì thác nước gần nhất thị xã, lại miễn phí, không có vụ thu tiền vé vào như ở Prenn. Thác này dạo ấy còn trinh nguyên, chưa được khai thác du lịch như thác Prenn, có nhà dù, tiệm ăn. Thác này chỉ đến, rồi đi bộ xuống suối rồi lội dọc theo bờ suối, đến cái thác to đùng. Hình như năm mình học lớp 12, có vụ cặp nào dẫn nhau đi thác Prenn rồi cô gái bị hiếp dâm, bị giết thì phải. Thời đó ít an ninh nên đám bạn ít dám đi xa một mình. Có tổ chức picnic đi cả nhóm thì mới dám đi.

Mình nhớ chạy qua 4 cột trụ này, đậu xe dưới mấy thang cấp rồi leo lên mấy thang cấp. Oải lắm Bia thứ nhất đặt phía sau lăng, trong nhà bia hình tháp có bốn mái. Bia có chiều cao 2,45m, chiều rộng 1,43m, trán bia dày 26cm, thân bia dày 20cm. Trên văn bia có tất cả 215 chữ. Theo tác giả Hà Đình Nguyên, trên mặt bia này có 5 từ khắc đài là “Hiền khảo”, “Tiên nghiêm”, “Thiên tử”, “Thiên chúa” và “Bảo Đại”. Hai chữ “Thiên tử” được khắc đài cao hơn các chữ khác.  Bia thứ hai có chiều cao 2m, trán bia rộng 1m, dày 26cm, thân bia rộng 80cm, dày 20cm. Nội dung cũng giống như văn bia thứ nhất nhưng khắc theo thể Khải thư, có một vài chữ theo thể Lệ thư, được dựng ở trước sân chầu của lăng mộ. Văn bia này cũng có 215 chữ, khắc theo hàng dọc từ phải sang trái nhưng được phân thành 16 hàng, khắc đài bốn chữ “Hiền khảo”, “Thiên tử”, “Bảo Đại”, “Thiên chúa”. Cũng theo ông Hà Đình Nguyên, nội dung của hai văn bia này chia làm bốn phần: Phần đầu nói về nơi phát tích của dòng họ ông bà Nguyễn Hữu Hào; Phần thứ hai ghi về phẩm chất đạo đức của ông Nguyễn Hữu Hào và sự vinh hiển vẻ vang của dòng họ Nguyễn; Phần thứ ba nói về sự kiện vua Bảo Đại ban cho Nguyễn Hữu Hào “Công tước”, ca ngợi vẻ đẹp núi non - nơi xây dựng lăng mộ, ca ngợi nước Chúa là nơi tìm về của trăm đời con cháu họ Nguyễn và tấm lòng ngậm ngùi tiếc thương của con cháu đối với người quá vãng. Phần cuối của hai văn bia đều có ghi rõ ngày, tháng, năm Âm lịch và năm Dương lịch lấy từ năm Thiên Chúa giáng sinh, người lập bia là hai cô con gái của ông Nguyễn Hữu Hào. (Trích trên mạng theo thuthachViệt.com )
Lăng ông Nguyễn Hữu Hào, bố của bà hoàng hậu Nam Phương, gần thác Cam ly

Học sinh thuộc ban tổ chức lớp 12B và 12C thêm mấy ca sĩ nghiệp dư của các lớp khác, được mời hôm văn nghệ “tiếng hát HỌc Trò”, không nhớ bao nhiêu người nhưng độ 30 mạng. Cả đám hẹn nhau đâu ở Khu Hoà Bình rồi lên đường với tinh thần đường không xa vì ngăn sông cách núi nhưng khó vì lòng người ngại núi leo đèo. Xem video ngày nay do Ken Trần chuyển.

https://fb.watch/52rx_us8wZ/ 

Khi mọi người đến đông đủ thì cả đám bắt đầu đi xuống thác, rồi lội qua, đi lòng vòng lên phía bên kia. Lâu quá nên không nhớ rõ. Chỉ nhớ là mình đi trước, mấy cô theo sau, rồi đến lúc có dốc leo lên cao thì mình đứng lại, ga-lăn đưa tay cho mấy cô nắm để mình kéo lên. Đến khi đối tượng một thời đến thì mình kéo lên rồi nắm tay đi luôn đến một chỗ phải bỏ tay ra. Sau đó hết dám nắm tay lại. Về nhà không dám rữa tay mấy ngày. Chán Mớ Đời 

Dạo ấy có cuốn phim Việt Nam, chiếu ở rạp Ngọc Hiệp có cô gái xinh xinh tên Lan thì phải, nắm tay với anh học trò nghèo tên Dũng thì phải, khi trường đi cắm trại rồi cô ta hát bản gì “nằm vắt tay lên trán ta nghĩ đến chuyện cuộc đời, ngồi bấm đốt ngón tay ta nghĩ đến chuyện ngày mai,...” khung cảnh ở Datanla ngày hôm ấy như vậy. Không biết có phải phim tên “tiếng hát học trò”. Xem gần 60 năm rồi. Kinh

Lâu quá mình không nhớ rõ trưa ăn uống ra sao. Chắc bánh mì. Chỉ nhớ là khi về thì lết bộ về nhà mất 10 cây số, oải lắm. Cả đám đi è è chậm như rùa, đến khu Hoà BÌnh mới chia tay. Đó là lần chót mình đến thác Datanla. Sau này về Đàlạt thì không muốn ghé lại vì được du-lịch-hoá một cách man rợ. Hết còn thiên nhiên như xưa. Thêm nữa một khi đã viếng thăm thác nước Niagara, nằm giữa Hoa Kỳ và Gia-Nã-đại thì hết muốn đi viếng các thác khác nữa. 

Thác Prenn ngày xưa

Chỗ này nếu mình không là từ cổng vào

Mình viếng thác này với vợ chồng thằng Nguyên. Năm đó, mình và gia đình đi chơi ở Florida, rồi lái xe lên Boston, tìm lại nơi đã phát hiện ra mối tình hữu nghị sông liền sông núi liền núi, rồi chạy lên thác Niagara, hẹn với vợ chồng Nguyên ở đây.

Không ngờ đó là lần cuối gặp nó vì thường cứ 2 năm vợ chồng hắn ghé Cali chơi ở nhà mình. 6 tháng sau, hắn bị ung thư qua đời. Rồi lại nghe Chử Tam Anh qua đời. 2 tên mà mình viếng thăm năm đó, 6 tháng sau rủ nhau lăn ra chết. 2 tên bạn học thân nhất Văn Học bỏ cuộc chơi. 

Sáng thứ hai vào lớp sinh ngữ, mình bị mấy cô ban C chửi như tát nước vào mặt, kêu, không kéo người ta lên, nắm tay người đẹp rồi đi luôn. Mình nhớ Chị Hai, nay đã qua đời, đi phía sau đối tượng của mình, nên khi mình kéo đối tượng lên, thì cô nàng dang đưa tay để mình kéo lên như mấy cô đi trước nhưng không ngờ mình nắm tay đối tượng rồi bỏ đi luôn nên chửi. Đúng nhưng mình không để ý lắm. Mình quay lại kéo tay mấy cô lên là có chủ đích là nắm tay người đẹp chớ có phải để nắm tay mấy bà đâu mà chửi bới. Mình thuộc thành phần nông dân, đâu có biết ga-lăn hay ga-ngồi gì đâu. Chán Mớ Đời 

Nhờ đi thác Datanla mà mình bắt đầu làm quen và nói chuyện với đối tượng một thời. Tan trường thì hay gặp nhau ở cổng trường, tuy bụng đói meo vì không ăn sáng, đi với nàng đến Ngã Ba Chùa, nếu có cô bạn nào đi chung thì đến tiệm thuốc Tây Lâm Viên thì mình rẽ về đường Hai Bà Trưng rồi mình theo vườn ông Ba Đà về. (Còn tiếp)

Nguyễn Hoàng Sơn 

Những bông hồng Văn Học #4 “Tiếng Hát Học Trò”

Lên 12 B, mỗi lần học chung với lớp 12 C thì hay nghe bọn trong lớp hát “ngọ tan trường về, trường tan ngọ về,....” khiến mình như bò đội nón, ngơ ngác hỏi chúng bạn. Có thằng giải thích là chọc cô bạn học tên Ngọ, hình như Lê Thị Ngọ, đường Phan Đình Phùng, đối diện trường Tân Sanh. Đúng hơn là gần Dốc Nhà Làng. Nếu mình không lầm là em gái của anh Bôn, thủ quân đội tuyền túc cầu Đàlạt, sau này bị Việt Cộng nằm vùng gài lựu đạn ngay xe, trước nhà hàng Nam Sơn, chết chung với ông Thanh, ông bầu đội bóng Đàlạt. Sau vụ này, đội tuyển mới nhờ ông cụ mình thế ông Thanh, làm ông bầu.

Năm 11B, thầy Nguyên làm giáo sư chủ nhiệm, mình được bầu làm trưởng lớp. Khi lên lớp 12B, thầy Chử BÁ Anh, xung phong mình làm trưởng lớp 12B, không có bầu bán gì cả. Lý do là không có thầy giáo chủ nhiệm. Đa số các thầy đều là giáo sư chính của trường Trần Hưng Đạo, dạy phụ ở trường Văn Học nên không có thì giờ đảm nhận các trách nhiệm khác. Thêm lớp 12 B thì lèo tèo có độ 20 đực rựa và một cô nữ sinh, khác với các lớp ban A và C, đông con gái.

Gặp lại thầy Nguyên, người đã khuyến khích mình ráng đi du học, đừng để uổng phí cuộc đời. Nguyễn Đình Tài, và Nguyễn Đắc Hớn.

Năm đó, không có đại hội thể thao học sinh liên trường nhưng lại có màn đại hội nhạc trẻ, được tổ chức tại trường Trí Đức. Thầy Chử Bá Anh nói mình kêu gọi ban nhạc và ca sĩ của trường để tập dợt cho vụ đại hội nhạc trẻ này. Mình thì không biết gì về nhạc nhiếc gì cả nên kêu Vũ Văn Tùng, phó trưởng lớp lo vụ này. Mời các ca sĩ lớp 12C và các lớp 11. Hắn học trường này từ trung học đệ nhất cấp lên nên biết rõ ai có tố chất ca sĩ nghiệp dư. Anh chàng này hơn mình mấy tuổi, tóc dài hay bận áo sơ mi màu gấc. Mình chỉ có nhiệm vụ báo ngày giờ cho ban văn nghệ đi tập dợt ở nhà Thầy Chử BÁ Anh ở Nguyễn Du.

Tên Tùng này thì mê Hàng Thị Ngọc Hiền, mê như Ông Trượng mê Tiên Bửu. Quen tên này mới hiểu vật vã về con gái ra sao, khổ luỵ về tình ra sao, khiến mình cũng sợ bị vi-rút a-mua dính lây. Mỗi lần gặp hắn là hắn cứ rên rĩ về cô này, tường như hắn bị ám ảnh 24/24 về đối tượng. Được thể mình nói hắn mời cô này hát cho chương trình văn nghệ vì nghe nói chị cô ta là ca sĩ đài phát thanh Đàlạt. Hắn vui lắm nhưng cũng mất mấy ngày mới dám mở mồm mời người đẹp. Có dịp mình kể về tên này mê gái ra sao. Về Đàlạt hỏi thiên hạ tung tích hắn nhưng không ai nhớ cả. Ngày ca sĩ Ngân Hàng cũng ngơ ngác khi mình hỏi.

Nhà hắn ở ngay góc Cẩm Đô và Hai BÀ Trưng, ngay bên tay phải cái dốc lên nhà thương. Trước nhà có cái quán hớt tóc. Bên tay phải 3 căn là nhà của thằng Nam Esso. Ai biết tung tích hắn thì cho em hay. Cảm ơn trước. Có người cho biết là em dâu của hắn, nay hắn ở Sàigòn. Mình xin email để liên lạc nhưng không thấy trả lời.

Ban nhạc thì có hai anh em họ Chử, đánh trống thì có Hùng tiệm thuốc Con Cua và đánh bass là Trần Thiện Tân. Ca sĩ thì không có tên nào hết nên phải đi mời ca sĩ nghiệp dư ở các lớp khác. Phần văn nghệ tạm ổn. Mình nói với Tùng, nói cho các ca sĩ đừng lo gì cả, xong việc, mình sẽ chở họ về. Mấy cô này, làm khó, kêu sợ về trễ bố mẹ la nên phải nói sẽ có người đưa về. Hình như trong đám dạo ấy, chỉ có mình là có xe nên phải xung phong làm nhiệm vụ xe ôm. Làm trưởng lớp, lo tổ chức cũng oải nhưng cũng giúp mình hiểu cách dụ thiên hạ hay xác động quần chúng. Muốn tên nào làm việc gì thì cứ nhờ mấy cô đi hỏi mấy tên, còn ngược lại muốn mấy cô nấu chè hay hát thì kêu con trai đi mời. Mình có kêu tên Đinh Anh Quốc, đến biểu diễn đàn guitar cổ điển. Sau này gặp lại nhau thiên hạ hay chửi mình xác động, xúi chúng làm việc khi xưa.

Đinh Anh Quốc một thời Hot Boy của Đàlạt , nay sinh sống tại tiểu bang Virginia, chăm sóc cháu ngoại

Mình và mấy cô ban C như chị Sui (Mai Anh) và chị Hai (Ngọc Chân) lo nấu chè bán khi ra chơi và buổi văn nghệ “tiếng hát học trò” kiếm tiền. 12 B chỉ có một cô nữ sinh độc nhất nên mình phải hợp tác với 12 C, vì các cô đông hơn quân Nguyên. Mình mượn chén bát, đũa muỗng của bà cụ miễn phí cho vụ nấu chè này.

Lê thị Ngọ xung phong dùng bếp của nhà để nấu, mấy cô kia thì đến phụ rồi bán khi ra chơi suốt một tuần đến chiều thứ 7 thì làm buổi văn nghệ “Tiếng Hát Học Trò”, có mời mấy thầy nhưng chỉ có thầy Nguyên, thầy Thạc và thầy Diễm đến. Kể sau.

Dạo ấy trước khi vào lớp hay trong giờ ra chơi thì nhà trường có để nhạc cho học sinh nghe. Có lần, để nhạc do chính các học sinh hát và tự thâu. Có lần lớp 12 A thâu băng nhạc, và được nhà trường mở khiến mọi người chú ý, lắng nghe trong giờ ra chơi. Mình chỉ nhớ có hai cô ca sĩ nghiệp dư; Chử Nhất Anh hát nhạc tây “c’est le temps de l’amour” và “tóc mai sợ vắn sợi dài” do chị Hường, ca sĩ đài phát thanh Đàlạt trình bày, còn mấy tên đực rựa hát thì không nhớ. Nói chung thì dạo ấy mình chỉ định hướng thị trường con gái chớ con trai thì mình ít để ý lắm.

Hôm tổ chức văn nghệ Tiếng Hát Học Trò của hai lớp 12 B và 12 C, mấy cô dọn chè bánh ra bán. Dàn nhạc thì bê từ nhà thầy Chử BÁ Anh lên. HÙng COn Cua mời mấy tên chơi nhạc với hắn như Mã Kiến LƯơng, con tiệm bánh mì Vĩnh Chấn, có dạo học chung với mình. Sau này đổi tên là Mã Kiến Hậu, thằng Trình đánh trống. Thiên hạ lên hát hò bú xua la mua, ở dưới bán chè.

Mã Kiến Hậu hôm đó hát “How can i Tell her “ của Lobo, được nhiều cô mê lắm, tên Trình thì đánh trống được Lê Thị Ngọ để ý, hỏi mình về hắn khi mình chở cô nàng ra về. CHị Sui hát nhạc tây “La plus belle pour aller danser “. Mình lu bu quá không nhớ đối tượng của mình hát bản gì, chỉ nhớ không lầm thì hôm đó mình dẫn chương trình, giới thiệu thiên hạ lên sân khấu. Chị Sui, sau này mình có tìm ra, đang sinh sống tại Texas nhưng cô nàng nói với cô bạn còn căm thù mình vì đặt tên cúng cơm là Chị Sui. Còn chị Hai thì đã qua đời. Có gặp lại chồng của Chị Hai ở Sàigòn. Cũng học chung khi xưa.

Thầy Thạc đến biểu diễn tây ban cầm cổ điển, mình nghe nói chơi ngang ngửa với Đổ Đình Phương. Mình có tấm ảnh của Thầy chụp đang hát với nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang nhưng không hiểu sao không tải lên đây được. Dạo ấy thẩm âm của mình chưa đủ khả năng để nghe nhạc của thầy chơi. Đinh Anh Quốc chơi bản Romance thì phê và bình dân hơn. Tên này dạo ấy là hốt boy của trường. Cao ráo, đẹp trai, biết đánh đàn nên mấy cô mê lắm. Mấy cô kể cho mình nghe là khi xưa, hay đi ngang nhà hắn, cạnh tiệm giày Hồ Út, để nghe hắn đánh đàn từ lầu 2. Mình mới xem phỏng vấn ông Hồ Út, nay 99 tuổi, vẫn nói giọng quảng, kêu khi xưa ông ta đánh bài nếu không thì giàu lắm. Đó là sư thất bại trong đời của ông. Không biết cách tải về để chia sẻ với thiên hạ.

Mấy thầy được mấy cô mời chén chè chỉ có ban nhạc là mình không chào mời gì cả. Chúng xung phong hát để thoả lòng làm ca sĩ nghiệp dư và được thiên hạ ngắm. Nghĩ lại mình rất dỡ về giao tiếp, thậm chí đến ngày nay cũng bá vơ, may có đồng chí gái.

Tan chương trình văn nghệ, thì có màn đưa mấy cô về, đám bán chè, rữa chén đũa, ca sĩ nghiệp dư,... mình chạy về nhà mượn chiếc xe Jeep của ông cụ để chở chén đũa trả lại cho bà cụ. Mấy cô làm bể đâu 3 cái. Cuối cùng thì chở các ca sĩ nghiệp dư về. Hình như người cuối cùng mình đưa về là Hàng Thị Ngọc Hiền. Nhà ở đường Phạm Ngũ Lão. Trong xóm này có mấy cô khá xinh, Kim Liên, con bác Hoà, quen với bố mẹ mình, học couvent des oiseaux, sau này lấy Võ Hoàng Đa, học chung với mình, Nhung Bùi Thị Xuân, đối tượng của tên Đổ Quý Dân và cô Hiền họ Hàng này. Sau 75, thằng Đa và cô họ Hàng này, có đả thông tư tưởng với nhau nhưng rồi nó đi vượt biên với vợ nó ngày nay. Âu cũng là định mệnh. Mình có kể vụ này rồi.

Xe Jeep sơn màu xanh da trời của ông cụ mình. Dạo ấy mình hay mượn chở mấy cô. Ông cụ có xe công xa.

Làm văn nghệ xong thì lo phần tham dự đại hội nhạc trẻ tại trường Trí Đức. Lâu quá mình không nhớ rõ, đại khái hôm ấy bị tổ trác. Trần Thiện Tân chơi Bass, khi tập ở nhà thì dùng đàn 6 dây, lên đến nơi thì ban tổ chức đã chuẩn bị nhạc cụ hết, gặp đàn Bass 4 dây nên ông thần ngọng, quýnh quá, đánh chới với, ban nhạc đánh loạn cào cào lên, ca sỹ theo không kịp, tiếp nối dòng sông ly biệt. Mình chỉ nhớ Cái Bớt Người Xưa có hát đại diện cho trường nhưng không nhớ bản nào, chỉ nhớ ở rạp Hoà Bình thì cô nàng hát “Mamy Blue” của HUbert Giraud, chị Hường thì hát bản ruột “tóc mai sợ vắn sợi dài”.

Sân khấu thì ở lầu 2, khán giả đứng ở dưới nhìn lên những ngôi sao vừa chớm nở của làng nhạc trẻ Đàlạt. Không nhớ trường nào về nhất nhưng đứng mấy tiếng đồng hồ để nghe nhạc. Hình như trước đó 1 năm, họ có tổ chức đại hội nhạc trẻ ở Sân Cù như kiểu Woodstock nhưng mình không đi vì phải mua vé. Chỉ có lúc họ tổ chức tại Thao Trường thì có đi xem, lần đầu tiên thấy ban nhạc CBC (con bà cả đọi) hát bản ruột của họ Mây Lang Thang và Oye como va của Tito Puente mà ban nhạc Santana, chơi lại theo kiểu hiện đại, Đàlạt có ban nhạc Rolling Wheels.

Lạ ngồi viết lại thì tất cả hình ảnh từ đâu cuộn cuộn trôi về. Thôi để hôm nào rảnh thì kể tiếp. Giờ phải đi hái bơ . Chán Mớ Đời 

Nguyễn Hoàng Sơn 



Những bông hồng Văn Học #5 “khoẻ vì nước”

 Sau mùa hè đỏ lửa, Huỳnh Kim Sang và vài tên sinh 1955 trong lớp bị đôn quân, lớp 11B mất đi độ chục tên. Lúc đó mình mới hiểu lý do mấy tên khai trục tuổi đều rút tuổi xuống 3 đến 5 tuổi. Mình về Đà Lạt gặp lại mấy tên học chung khi xưa, chúng chào mình rồi xưng tên khác khiến mình như bò đội nón. Hỏi ra thì mới biết lấy giấy khai sinh của em đi học. Nhớ có lần về gặp một cô tự giới thiệu là Kim Anh, khiến mình như bò đội nón vì theo trí nhớ của mình thì chưa bao giờ học chung với một nữ sinh tên Kim Anh. Như đoán ý mình nên tên bạn học cũ năm 11B giải thích, Phạm thị Gái đó. Nhìn mặt còn chưa nhận ra nay lại đổi tên thì hỏi bố thằng Tây con đầm mà nhận ra. Mình thì nhớ có đi trại hè ở Phan Rang và Nha Trang với trường thì có cô nàng và Trần Văn Tiến, nhà ở góc Mả Thánh và La SƠn Phu Tử. Cô nàng lắc đầu kêu không nhớ, chắc từ ngày thấy tên Gái không phù hợp với xã hội chủ nghĩa nên cô nàng xoá bỏ ký ức cuộc đời Phạm Thị Gái. Cô này khi xưa hay bị con trai trong lớp nhìn nhiều nhất vì đồ phụ tùng đầy đủ, không như mấy cô kia, trên dưới như cái bàn là.

Không khí lớp học mất vui được vài ngày thì có một nữ sinh từ Song-Pha vào học. Đám con trai lại nhao nháo lên vì cô nàng khá xinh, tên Khúc thị Xuân Dung, con cháu Khúc Thừa Dụ, nói giọng bắc. Vì dân Song-Pha nên mình gọi “người đẹp Song Pha” khi nói chuyện với đám con trai trong lớp để khỏi nhầm lẫn với mấy cô có cùng tên khác trong trường. 

Ai ngờ sau này về, vẫn nghe nhóm học chung gọi cô nàng là Người đẹp Song Pha. Mình có gặp lại cô nàng ở Sàigòn với nhóm học chung khi xưa. Cô nàng không nhớ mình như bao nhiêu người khác. Được cái là đối tượng một thời vẫn nhớ đến mình là đủ thấy hạnh phúc một đời. Thật ra, dạo ấy có nhiều đám con trai hay chọc ghẹo hay nói chuyện với mấy cô nên sau này ra đời, sinh sống tại Đàlạt nên họ thân nhau đến ngày nay. Mình nhớ người đẹp Song Pha hay ngồi hát trong lớp với đám bắc kỳ trong ấp Du Sinh nên về Sàigòn gặp lại thì có tên Bùi Mạnh Hùng ở ấp Du Sinh ngày xưa. Ngày nào hắn với tên bạn, cũng kể về đi gác nhân dân tự vệ. Khiến mình nể phục chúng. Đám Bắc kỳ này chống cộng lắm.

Cô này khiến thằng Tài bị ăn đòn của lính 302. Có thằng Châu mê người đẹp Song Pha, nổi điên khi phát hiện một tên trồng cây-si khác trong lớp cũng chấm toạ độ KHúc thị nên hai thằng choảng nhau. Tên Tài, muốn làm anh hùng Lương Sơn Bạc nhảy ra can nên thằng Châu, nếu mình không lầm có học với mình ở Petit lycée, nhà ở đường HÙng Vương, chỗ chợ Suối Cát Nam Thiên, gần đến đường Huyền Trân Công Chúa, có cái hẻm bên tay trái, kêu lính 302 đến khệnh ông thần Tài nhà ta. Từ đó anh chàng cứ đeo theo súng và lựu đạn để phòng thân. Nghe nói Châu nay ở Úc Đại Lợi. Chuyến đi Úc mình chỉ gặp lại Phong của tiệm may Văn Gừng ở đường Minh Mạng và cậu bà con tiệm Long Hưng , đường Duy Tân.

Một hôm, thầy Nguyên, làm chủ nhiệm của lớp 11B, kêu phải bầu trưởng lớp. Thầy xung phong và ghi tên mình lên bảng và hỏi ai khác muốn ứng cử. Có một cô tên Hường, hàng xóm ở Thi Sách (đã qua đời) và một tên nào khác ghi tên ứng cử. Bà con bầu bán ra sao thì hai người về đầu, được bầu lại và cuối cùng mình được đắc cử chức trưởng lớp dù không ứng cử. Đó là nền dân chủ Việt Nam Cộng Hoà. Kinh

Làm trưởng lớp chán như con gián vì mất thì giờ. Thầy Chử Bá Anh kêu có đại hội thể thao học sinh liên trường. Cứ hai năm thì Đàlạt tổ chức đại hội thể thao liên trường. Có năm đá banh, Văn Học thắng giải thì đám học sinh Trần Hưng Đạo, kéo đến trường, bạo động, kêu Văn Học ăn gian. 

Theo thứ tự, người cầm bảng tên trường, cầm cờ, rồi đến các cô ách ê một hai đàng trước bước theo sau là đám con trai. (Hình lấy từ trang nhà của Văn Học Đàlạt ). Để giải thích một tí. Hình này ghép đầu của mấy nữ sinh đã được tìm về tổ ấm Văn Học. Người đứng sau cái bảng Văn Học là chị Phạm Thị Bích Thuỷ, học trên mình mấy lớp nên khi mình qua Văn Học thì chị đã ra trường. Chị ta định cư ở Đức quốc. Mình có gặp lại chị ta ở Sân Jose. Nghe nói chị ta khi xưa là hoa khôi mà mấy cô nữ sinh còn mê huống chi con trai. Nhà ở đường Hai Bà Trưng. Còn đối tượng một thời của mình là Phan Thị Bích Thuỷ, học dưới mình một lớp. Nói đúng hơn là về già mình có duyên gặp lại các cựu hoa khôi Văn Học. Chán Mớ Đời cho nên nhiều người hỏi mình về Bích Thuỷ và hay lộn nên giải thích ở đây cho mọi người hiểu.

Dạo ấy mình chưa sang Văn Học, chỉ nghe kể. Năm đó cô Vi Khuê mới mở trường trung học ở Chi Lăng, đường Phan Chu Trinh, tên Văn Khoa. Học trò Văn Học, ở khu vực đó, có thể đổi về đó học, để khỏi phải đi xa. Có hai ông thượng, to cao lắm, đá banh giỏi của trường Văn Học, đổi về học Văn Khoa. Năm đó, thi đấu thì chỉ có trường Văn Học ghi tên lại có thêm cầu thủ là học sinh Văn Khoa. Mình nhớ có xem trận đấu đó. 

Trước khi ra sân, trường Trần Hưng Đạo nhìn tướng hai ông thượng to cao, nên ớn, kêu xuất trình thẻ học sinh. Hai ông thượng có thẻ học sinh Văn Khoa nên trọng tài không cho vào sân. Thầy Chử Bá ANh chạy đi đâu thì một lát sau trở lại với hai thẻ học sinh Văn Học. Thế là hai ông thượng được vào đá và Văn Học đoạt chức vô địch. Trường Trần Hưng Đạo thường là vô địch mỗi năm, nay ra sân, gặp hai ông thượng to cao, đem banh xuống là 2 ông lấn một phát là bay chụp ếch, bị thua nên tức, hôm sau rủ nhau đến trường Văn Học phá thối, quăn lựu đạn khói, khiến học sinh bỏ chạy có cờ. Đối với học sinh Văn Học và Văn Khoa là một vì có chung hiệu trưởng, thầy cô nhưng đối với người ngoài thì xem như gian lận. Chán Mớ Đời 

Về an ninh cứu hoả, thường người ta thiết kế một đường thoát lửa. Trường Văn Học theo mình nhớ thì chỉ có chỗ đi vào là cổng trường còn phía sau thì không có cửa thoát cháy. Nghĩ lại thì lở có lửa cháy ở ngay cổng trường là mệt, không biết chạy đâu.

Theo Tùng Trương thì có cửa phía sau “ Học sinh đi học bằng xe gắn máy thì đi ngõ sau ( phía Hải Thượng ) có chỗ để xe và phía sau này có chỗ để tè như bạn nói .

Cô Bích Thủy nhà ở đường Phan Đình Phùng , cô ấy đẹp .” 

Có hai người tên Bích Thuỷ, được xem là hoa khôi Văn Học, niên khoá 69-70 tên Phạm thị Bích Thuỷ (hai bà trưng) và niên khoá 74-75 là Phan thị Bích Thuỷ (ngã ba chùa). Còn những Bích Thủy khác thì em không biết. Bên họ Phạm và một bên họ Phan.

Em kể chuyện đời xưa, bác nào thấy sai thì cứ cho em biết để ghi lại thêm. Cảm ơn trước.

Đại hội thể thao liên trường thì có màn xếp hàng đi diễn hành trong tiếng nhạc Khoẻ vì Nước kiến thiết quốc gia. Hình như của ông HÙng Lân. Có lần ở đại học Đà Lạt, giáo sư Phó Bá Long bị sinh viên kêu lên hát bản này. Thế là mình trưởng lớp phải ghi tên vào đội diễn hành. Cái khổ là họ hay để những tên nào cao đi đầu, mà mình thuộc dạng cao nên được xếp đi hàng đầu. Mình rất vụng vệ, không theo nhịp được. Cứ nghe còi huýt rét rét. Một hai một hai đàng trước bước là đi chân trước chân dài đàng trước bước. Bị thầy CBA la hoài, muốn bỏ cuộc. 

Cứ ngày thứ năm nào cũng phải mất 2 tiếng học, sau 10 giờ là phải lên đường Hải Thượng, nơi ty quan thuế để tập dợt. Có ông lính nào chắc thầy Chử Bá Anh nhờ trường Võ Bị đưa đến để huấn luyện các sĩ quan tương lai của trường. Ngày cuối thì có xe nhà binh chở ra đường Trần Hưng Đạo để tập dợt. Mình có cố gắng nhưng chịu vẫn đi không theo nhịp. Mình khám phá ra, không thuộc dạng hoà nhập với thiên hạ, cứ làm khác thiên hạ. Cả đời đều làm ngược đời. Tên bạn học Chử Tam Anh, hắn kêu mình lạ, người Việt mình ra hải ngoại, theo học toàn kỹ sư và bác sĩ trong khi mình thì học kiến trúc, nay làm nông dân. Thương đồng chí gái, lấy chồng kiến trúc sư, nay người ta gọi bà nông dân.

Ngoài ra, còn có vụ thi hát ca đoàn, trường Văn Học thành lập ca đoàn gồm ban A, C, B. Mình phải tham gia ca đoàn để làm gương nên chiều lại, phải bò đến trường để tập hát với ông thầy Ẩn với cái đàn accordeon. Như đã kể, mình không có khiếu về văn nghệ, hát hò nên cứ cất tiếng lên là ông thầy kêu sai rồi, và cấm mình không được hát. Cứ nhép nhép miệng là được rồi. Có một tên gây nhiều ấn tượng với mình là Tuấn, người Huế học dưới một lớp nhưng hát rất hay. Hình như bà con chi đó với tiệm may Hoàng Nho. Chạy vào Đà Lạt sau Mậu thân.

Đại hội thể thao liên trường thường được khởi đầu bằng buổi khai mạc, có cuộc diễn hành các trường tư và công tại Đàlạt. Các trường đứng xếp hàng trước sân vận động theo thứ tự ABC, trên đại lộ Thống Nhất. Khởi đầu trước cổng vào sân vận động, kéo dài đến tiệm ăn Đào Nguyên. Văn Học đứng áp chót, trước trường Việt Anh. Xem hình 

Hình này do ông Bill Robie, chụp khi tham chiến tại Đàlạt. Thường các đoàn học sinh đi dưỡng hành là đứng từ cổng vào vận động trường, kéo dài đến nhà hàng Đào Nguyên. Mình nhớ trường Văn Học đứng chỗ này. Hôm đó trời lạnh mà không được bận áo len. Kinh 

Học sinh đi diễn hành, bị bắt đứng ngay cổng vào sân vận động, nối đuôi nhau đến tiệm ăn Đào Nguyên. Cảnh sát không cho chạy xe vào khu này nên dạo ấy bỏ xe ở nhà đi bộ ra đây. Các môn thể thao thì được thi đấu tại Thao Trường như võ thuật, còn bóng rổ thì tại trường Tân Sanh, các trường Lasan...Đá banh thì tại sân vận động, chạy bộ thì sân vận động,..

Thao trường được xây dựng thời đệ nhất Việt Nam Cộng Hoà, sau 75, Việt Cộng phá tan.

Thầy CBA mượn áo veston trắng của ty thanh niên, kêu mấy tên nam sinh như mình ráng kiếm quần đen, và áo sơ-mi trắng. Lúc bận vào đi diễn hành, thiên hạ ở hai bên đường kêu sao giống bồi Chic Shanghai. Sean Connery bận đồ smoking, tuxedo trắng trông sang trọng, mình cốt nông dân làm vườn bận vào được nâng cấp lên hàng bồi tiệm ăn Chic Shanghai. Chán Mớ Đời 

Sân vận động, khán đài bên trái, bên phải là cổng vô. Đoàn diễn hành đi vào từ cổng, quẹo phải, đi ngang khán đài danh dự, chào một cái, rồi tiếp tục đến cồng rồi rẽ vô sân vận động, đứng theo chỗ do ban tổ chức chỉ định

Các cô thì bận áo dài màu vàng, màu của đoàn văn nghệ Tiên Rồng do ông Nghiêm Phú Phi đảm trách. Nếu mình không lầm, năm ấy, đối tượng của mình, cầm bảng tên trường đi đầu. Hình như ai đẹp nhất trường, được cầm bảng. Mình có gặp một chị tên Bích Thuỷ tại họp mặt Văn Học ở San Jose. Nhà chị đâu ở gần trường Đa Nghĩa. Chị định cư tại Đức quốc có bay sang dự, rất đẹp. Chị ta cầm bảng trường hai năm trước đó.

Hôm ấy trời lạnh mà họ cứ bắt học sinh đứng ngoài trời, không có áo len. Cuối cùng thì đại tá tỉnh trưởng Tuyên Đức và quan khách đến. Học sinh mới được ách ê đi vào sân vận động trong tiếng nhạc kèn đồng Khoẻ Vì Nước bánh ướt tôm khô, chè đậu đen năm cắc mười tô, đi ngang khán đài danh dự rồi, về chỗ mình đứng trên sân vận động để nghe lời huấn từ của mấy quan nhớn. Chả ai nghe, lạnh run, mấy tên nháo nhác, nhìn kiếm đối tượng của mình.

Hình này chụp, chú thích là ngày lễ quốc khánh  nhưng mình nghĩ là đại hội thể thao vì phía sau nhóm học sinh trường Adran, có một nhóm bận quần Short , áo maillot . Khúc này sắp đến khán đài danh dự.Hình của trường Lasan Adran trong ngày khai mạc, diễn hành tại sân vận động. Bộ đồ vét, cà-ra-vắc. Mình có mấy tấm ảnh của trường Yersin nhưng không biết để đâu. Chưa lục lại được. Sau khi đi qua khán đài danh dự, có đội kèn đồng thổi tò te, các đội diễn hành được cho về đứng trên sân, nghe diễn văn Khoẻ Vì Nước.

Sau lễ khai mạc thì các môn thi đấu bắt đầu. Mình nhớ có thằng Trung thì phải, quen hồi nhỏ, sau này lớn lên nó đâm thích chạy bộ, tập với anh Liêm, ở cư xá Địa Dư, anh của anh Xuân, đá banh. Ngày nào cũng thấy nó chạy bộ vòng quanh bờ hồ. Hình như năm đó nó là vô địch chạy bộ. Tên này hay rủ mình chạy bộ với hắn nhưng lười vì đang cố tâm học môn ái-tình-học, ngắm-gái-học. Sáng đi tập võ ở ngã ba chùa là oải rồi, nó còn kêu mình chạy bộ thì bộ xương cách trí của chắc lòi bà sườn. Sau này nó với anh Liêm giận nhau. Nó thắng, anh Liêm kêu nó là đàn em phải để anh ta thắng. Chán Mớ Đời  

Tình cờ thấy hình của 4 tên học chung với mình khi xưa ở Yersin. Thằng nào cũng ốm nhom. Mình đều gặp lại 4 tên này ở hải ngoại. 1 bạn đã qua đời.

Xe nhà binh chở cả đám ca đoàn Văn Học lên trường Bùi Thị Xuân để hát thi. Mình được ông thầy dạy nhạc, kêu không được hát, chỉ hát nhép nhép như ca sĩ lên sân khấu ngày nay. Mình đứng phía sau nên không ai thấy, cứ ngáp ngáp như cá sắp chết. Kết quả: ca đoàn Văn Học về áp chót. Nếu ông thầy dạy nhạc không ganh tị với giọng ca tê-no của mình, cho mình hát thì chắc trường sẽ về chót. Chán Mớ Đời 

Chử Nhị Anh, người đã thực hiện cuốn “Mực Tím Sơn Đen”, gồm 100 bài mình viết về Đàlạt khi xưa, bên tây, bên Mỹ,....

Đá banh thì Trần Hưng Đạo vô địch năm đó còn mấy môn khác thì mình không nhớ. Nói chung thì qua vụ đại hội thể thao thì mình giác ngộ cách mạng là không có khiếu về âm nhạc, bỏ mộng làm ca si karaoke, đi duyệt binh không được nên bỏ mộng đời binh nghiệp. Thầy Nguyên kêu ráng đi du học nên bắt đầu học ngày chưa đủ tranh thủ học đêm. Hết dám làm học sinh tiên tiến, xung phong tham gia mấy sinh hoạt của trường. Nhìn lại có lẻ thầy Chử Bá Anh cho mình học bổng nên phải tham gia để cảm ơn. Được cái là trải nghiệm mấy chuyện ruồi bu nay mới chuyện để kể. Vì mấy tên học chung khi xưa, hỏi chúng như hỏi chuyện cõi trên. Chán Mớ Đời 

(còn tiếp)

Nguyễn Hoàng Sơn 


Những bông-hồng Văn Học #3 “đưa em về dưới mưa”

 Dạo mình học lớp 11B Văn Học, ông Phạm Duy có làm nhiều bản nhạc, phổ theo thơ của ông Nguyễn Tất Nhiên, không biết có họ hàng chi với ông Nguyễn Tất Thành. Có bài “em hiền như Ma soeur “ do ca sỹ Duy Quang hát rất được ưa chuộng “đưa em về dưới mưa, nói năng chi cũng thừa,...” Dạo ấy, nghe thì thấy hay nhưng mình không hiểu tại sao là nói năng chi cũng thừa. Thắc mắc này được giải thích vào cuối năm 11B.

Như đã kể trước, năm lớp 11B, mình được tên Huỳnh Kim Sang, bồi dưỡng môn ái tình-học, gái gú-học, giúp mình phát hiện ra mấy đối tượng năm 11B. Phát hiện ra đối tượng nhưng mình chỉ biết đứng xa xa nhìn em về tinh khôi hay lâu lâu rũ tên nào, chạy ngang nhà mấy đối tượng, hy vọng thấy được dáng các thiên thần trước sân nhà. Nếu bắt gặp được thì trái tim hồ hởi, phấn khởi, thương nhớ trường kỳ.

Cuối năm thì trường Văn Học và Văn Khoa có tổ chức cắm trại ở hồ Than Thở. Lúc đi, thì cả trường được xe nhà binh của trường Võ Bị đón, chở xuống hồ Than Thở. Chỉ tiếc là tối Lửa Trại thì trời mưa như điên. Cả đám ngồi trong lều, nói chuyện về mấy cô, giữa đêm phải thức dậy, vì nước chảy vào lều. Cả đám ngu, nghe lời thằng Hưng, hướng đạo Lâm Viên, cắm lều, lại để cửa lều về hướng dốc nên mưa xuống khiến nước chảy vào lều ướt cả đám. Đó là lần đầu tiên mình đi cắm trại tại Đàlạt và cũng là lần chót.

Sáng ra thì trời tạnh, có mấy môn thi đua thể thao như chạy việt dã và bơi lội được thực hiện theo chương trình. Mình thì dốt mấy vụ này nên chỉ làm khán giả. Có nhiều tên tham gia dù không chạy nhanh hay bơi giỏi, nhưng là cơ hội để cho mấy cô để ý, phát hiện ra anh hùng trong đám đông. 

Mình nhớ tên Nam Sơn, nhà ở xóm sau cây xăng Ngọc Hiệp, chỗ cái hẻm tiệm mì quảng của ông Bắc kỳ, đúng hơn là xóm cắm dùi ở đường Hai Bà Trưng. Tên này khi xưa học chung với mình ở Yersin. Qua Văn Học thì gặp lại hắn nhưng không chơi với nhau. Hình như bố hắn là thợ may, nằm vùng thì phải. Hắn ghi danh chạy đua và bơi. Vừa chạy bộ về, lại thi môn bơi lội nên khi bơi ra được mấy thước, bị vọt bẻ, may có hai tên bơi giỏi nhất lớp là Trần Văn Tiến và Phạm Thành Nguyên, bơi ra cứu. Nghe nói, sau 75, hắn làm CM30, hét ra lửa nay về Bảo Lộc bán mì hoành thánh khá nổi tiếng. 

Sau ăn trưa thì nhổ trại ra về. Cả đêm mưa không ngủ nên khi ra về, ai nấy đều oải mà không có xe nhà binh Võ Bị đưa về. Mình thì có xe gắn máy nên chở thằng Nguyên về. Đi giữa đường thì gặp thiên hạ, đi lơ bơ bên đường, ngóng xe nhà binh. Thấy thương quá nên khi về nhà, mình lấy xe ông cụ, chạy lại để cho đám trong lớp quá giang về. Dù sao mình cũng là trưởng lớp, phải tỏ ra mình là người có trách nhiệm. Dạo ấy mình mới có 16 tuổi, mới tự tập lái xe, nên hay lái xe công xa của ông cụ,

Xe ông cụ mình khi xưa hiệu Chevrolet tương tự như chiếc xe này, sơn màu xanh da trời. Phía trước có 3 người ngồi, còn bao nhiêu thì ngồi nơi thành sắt xung quanh hay là bẹp dưới đất. Nghĩ lại ngu chi lạ, lỡ có tai nạn là khốn cho ông bà cụ mình nhưng con gái làm mình ngu. Thầy Chử BÁ Anh có thấy và kêu cậu cẩn thận nhé. Chở người đẹp lần đầu tiên trong đời trên xe này là hoành tráng lắm. Có chết cũng cam :)

Xe mình vừa ngừng ở khúc nhà bác sỹ Lương trên đường Phan Chu Trinh thì cả đám học chung sinh ngữ với mình như Phạm Thị Mai Anh, Anh Đào, 11 C, thằng Đa nhảy tót lên băng trước, còn cả đám ban B ngồi phía sau. Mình quẹo xe lại để chạy về chợ Đàlạt thì thấy mấy đối tượng một thời lớp 10 đang lang thang, ngáp không ra hơi, sau một đêm không ngủ. Mình dừng xe tại khu Hoà Bình cho mọi người xuống rồi trở lại, hy vọng đón được mấy đối tượng. Mấy cô học chung năn nỉ mình đưa về nhà, mình kêu phải đi đón mấy nhóm khác khiến họ căm thù mình từ đó, đến nay vẫn còn căm thù. Chán Mớ Đời .

Xe mình chạy lại khúc ga xe lửa thì gặp cả đám lớp 10, trong đó có hai đối tượng thì ngừng xe, hỏi muốn quá giang. Cha con mừng quá nhảy lên xe ngay như đi di tản. Cái Bớt một thời nhảy lên băng trước với cô bạn học. Nếu mình không lầm tên Ánh, nhà ở trước khách sạn Mimosa, cạnh nhà thằng Thành, gần cái giếng nước. Hình như họ gọi xóm giếng nước. Thằng Thành đá banh với mình, bố nó đá cho đội tuyển cảnh sát nên có mấy cái áo cũ của đội tuyển, hắn có cho mình một cái, bận rất phê dù mình đá không hay. Ra sân là cứ bận vào làm như mình là tuyển thủ quốc gia, thiên hạ nhìn lác mắt, thèm thò. Kinh

Đám đá chung như Nguyễn Mơ nhìn mình với vẻ thèm thuồng. Sau này, mình hết đi đá banh vì thích ngắm gái hơn nên hắn xin thì mình cho hắn vì khi phát hiện Cái Bớt Người Xưa thì mình không muốn ra sân cỏ, đúng hơn là sân xình, chú tâm học nghề gái gú, yêu đương với thằng Sang. Tên Mơ này, dân ấp Cô Giang, có lần vào lớp chửi mình. Hắn kể cho đám trong lớp là đang đi bộ đến trường, hắn thấy mình ngừng xe nên mừng quá, chạy lại, ai ngờ mình đón Cái Bớt Người Xưa đang đi trước hắn. Nó chửi thì chửi nhưng mình cứ cười. Chở người đẹp vẫn sướng hơn chở cái thằng to như bị gạo. Tên này thấp người nhưng to con, em của Nguyễn Ước, học chung với mình khi xưa. Lần trước mình về, Ngô Văn Thuỷ gọi điện thoại cho hắn nhưng hắn không nhớ đến mình dù đá banh chung cả năm trời với nhau.

Ngô Văn Thuỷ, người đã bồi dưỡng môn ái-tình-học cho mình khi sang Văn Học 

Xe đầy nhóc phía sau nên mình bắt đầu chạy vì có Cái Bớt Người Xưa ngồi bên cạnh rồi, lơ ngơ thấy Trần Thị Ánh Nguyệt, một đối tượng khác không nhanh chân leo lên xe, mấy thằng ngồi sau không biết ga-lăng nhường chỗ cho người đẹp. Mệt quá thì hồn ai nấy giữ.

Trên đường về thì người đẹp hỏi chuyện mình. Cô nàng hỏi:”nghe nói Sơn giỏi toán lắm”. Nghe câu hỏi này khiến mình sướng rêm mé đìu hiu nhưng giả bộ làm kẻ khù khờ, rất khiêm tốn kêu đâu có. Cô nàng kêu có người học chung lớp với sơn nói. 

Hoá ra là tên học chung, Phạm Anh Tuấn ở xóm ông Ba Tây kể cho cô nàng. Tên này chơi thân với một tên ở đường Calmette, trước Lãnh Địa Đức Bà, học sinh Trần Hưng Đạo thì phải, có cô em tên Hải, bạn của Cái Bớt Người Xưa. Mình có đến nhà này chơi một lần. Mình thấy cô nàng hay đi qua nhà mình khi đến nhà cô này. Chắc tên Tuấn này lên nhà cô Hải chơi rồi gặp Cái Bớt Người Xưa, làm ăngten thố lộ thông tin lăng-xê mình trước người đẹp. Xin cảm ơn Phạm Anh Tuấn, anh chàng này nay ở Nam Cali, mình có gọi điện thoại nhưng bà vợ, nghe nói dữ lắm, không cho tiếp xúc với bạn bè cũ nên chỉ nói chuyện một lần rồi thôi. Hắn làm dịch vụ khai thuế cho khách hàng người Việt. Em Trần Văn Đồng cho mình số điện thoại của hắn vì là khách hàng và cho biết bà vợ của hắn khùng.

Thật ra mình không giỏi toán. Số là mình học Tân Toán Học và Matrix năm Seconde nên khi qua trường Việt thì mình quen giải các phương trình bằng Matrix nên khi thầy Lý Công Thuận kêu mình lên bảng để giải toán thì mình cứ dùng Matrix, giải nhanh như chớp khiến mấy tên học chương trình Việt, chưa học Matrix nên tưởng mình là thần đồng toán học. Chán Mớ Đời 

Lần này thì mình chỉ thả đám ngồi phía sau xuống khu Hoà Bình, còn đối tượng một thời và cô Ánh thì mình chở về tới nhà. Mình giải bộ ngu ngơ hỏi nhà ở đâu khiến Cái Bớt Một Thời nhìn mình ngạc nhiên. Lý do là mình hay chạy xe qua nhà cô nàng khi đến nhà thằng Nguyên, ở đường Tăng Văn Danh nhưng mình làm bộ dại khờ, ngây ngô vô số tội. Cô nàng kêu chạy về Đường Hàm Nghi. Thả cô nàng xuống rồi đến xóm Giếng Nước, thả nốt cô Ánh. 

41 năm sau mới gặp lại. Kinh

Chạy xe về nhà, bị ông cụ la một trận vì bay mất bình xăng của ông cụ. Dạo ấy, thời buổi kiệm ước, Hoa Kỳ bớt viện trợ cho Việt Nam, khủng hoảng dầu lửa nên các công sở hạn chế xăng nhớt, mỗi tháng chỉ cho đâu một trăm lít mà 2 cuốc xe từ nhà mình lên Phan Chu Trinh là ngốn khá nhiều lít xăng. Bị chửi nhưng mình bất cần, hạnh phúc mơ mơ màng màng khi nhớ đến cảm giác được ngồi bên người đẹp, lại được xem là thần đồng toán học. Sau này cô nàng có nhờ giải toán dùm. Kinh

Đưa người đẹp về nhà lấy điểm, ngồi bên nhau thì mình chợt hiểu lời bài hát; đưa em về dưới mưa nói năng chi cũng thừa. Ngồi bên nhau là đủ thấy hạnh phúc rồi tương tự khi cả đám rũ nhau đi chơi ở Ninh Chữ, cô nàng ngồi bên cạnh suốt quãng đường Đèo Ngoạn Mục là thấy hạnh phúc tràn trề, không biết nói gì hơn. Kể sau.

Đưa em về dưới mưa, nói năng chi cũng thừa 
Như mưa đời phất phơ, chắc ta gần nhau chưa?

(Còn tiếp)

Nguyễn Hoàng Sơn 


Những bông Hồng Văn Học #2 “Cái bớt người xưa”

"Bớt đỏ là thương hiệu của BT ngày xưa", đó lời nhận xét của ca sỹ ngân hàng về BT, được xem một thời là hoa khôi của Văn Học. Cô nàng cho biết cái bớt vẫn còn nhưng với thời gian đã đổi màu thêm lớp phấn tô lên che mờ cái bớt, thương hiệu của một thời, làm biết bao nhiêu tên con trai Đàlạt mê mệt. Mấy chục năm sau, tên Paul, ở xóm Địa Dư, cứ hỏi mình hoài trên Facebook. Hỏi mình có biết Cái Bớt Người Xưa. Chán Mớ Đời  

Mấy lần trước về thăm Đà Lạt, mấy người em mình có nhắc đến đối tượng một thời nhưng không dám đi tìm gặp lại vì sợ gặp cảnh thời gian đã làm úa héo hình ảnh của đối tượng một thời. Như sợ gặp cảnh câu chuyện của những tên bắt chước Lưu Nguyễn, Từ Thức về làng xưa, quê cũ để tìm lại khung trời dĩ vãng, để rồi ngậm ngùi, lại ra đi như Hoàng Quý, tự hỏi cô láng giềng xưa, có còn nhớ đến những ngày đứng bên hàng Phượng Vỹ.

 

Nhất là mình đã gặp lại đối tượng một thời của Huỳnh Kim Sang tại Hà Nội, khiến mình muốn té giếng luôn. Thôi cứ như cánh buồm trên dòng sông không trở lại để khỏi bị thất vọng, để rồi tiếc nuối cả một đời, đã đập phá một cái đẹp của một thời ngây thơ vô số tội.

 

Kỳ này về thì liên lạc được với tên ca sĩ Ngân Hàng, hắn nói sẽ tổ chức cho gặp lại các bạn học xưa ở Văn Học. Hắn nói sẽ mời cái bớt người xưa đến rồi cười khoái trá. Mình được bố trí tư tưởng trước, thêm mình có xem hình trên trang Mái Ấm Văn Học nên đầu óc được chuẩn bị để gặp lại cái bớt người xưa. Mình thấy tên HCC, hai năm trước gặp lại đôi mắt người xưa của hắn, lái xe chở cả dòng họ đối tượng một thời lẫn tên chồng của đôi mắt người xưa, sang Cali chơi nên nghĩ chắc không có gì ngại khi gặp lại nhau.

 

Nói là một chuyện còn đụng trận thì khác, vẫn hồi hộp. Ca sỹ ngân hàng hẹn ở quán cà phê để gặp thầy An trước khi ăn tối, sợ tối đông người thì thầy không có thời gian nói chuyện với mình. Từ ngày mình tìm về mái ấm Văn Học thì thầy hay viết bài, tường như để trả lời những thắc mắc của mình về văn hoá Việt. Do đó thầy muốn gặp mình để xem tố chất Việt trong người mình còn hay không. May quá, gặp lại thầy kêu may vẫn còn tố chất Việt đấy.


Đang ngồi ở quán cà phê với ca sỹ Ngân Hàng và Thầy An thì cô nàng đi vào, tuy ngỡ ngàng nhưng mình cũng đứng dậy chào cái bớt người xưa. Tên ca sĩ Ngân Hàng lại bố trí cho cô nàng ngồi bên cạnh nên hỏi thăm nhau nhưng cái tính nhát gái của mình vẫn còn nên cũng câm như hến, như 41 năm về trước. 


Cô nàng cho xem hình ảnh ngày xưa, gia đình rồi hỏi con gái có giống cô nàng hay không thì mình khó trả lời vì con gái đeo cặp kính to hơn cái mặt, nay ở Bắc Cali. Cô nàng gọi cho Tomorrow Sound để mình nói chuyện, té ra họ đều thân với nhau hết. Hai năm trước Tomorrow sound có ghé nhà mình ăn cơm khi sang Mỹ, mình đoán cô nàng đã được tin của mình vẫn sống sót từ 2 năm qua. Tomorrow Sound có cho mình biết tin tức gia đạo về cô nàng khi ghé nhà mình ở Cali.


Có dạo vợ của Phước nhà in Lâm viên gửi hình đối tượng một thời cho mình xem khi hai người đi ăn mì quảng ở Đàlạt.

 Gặp lại Cái Bớt Một Thời sau 41 năm.


Tối ăn cơm với đám học sinh Văn Học 73-74 thì cô nàng có đến khi trời Đà Lạt, như trút giận cơn mưa tầm tả xuống cầu Ô-thước, mới biết cô nàng hay gặp đám học chung với mình khi xưa nên quen nhau hết. Cô nàng chỉ tên thầu khoán bảo là ngày xưa ông là nằm vùng làm tên này chới với nhưng hỏi ra hắn cũng hay báo cáo các đồng chí rất chuẩn. Hồi đó còn ngu dại nên không để ý vì nghe kể những người học chung khi xưa, làm đặc công, nằm vùng cho nổ rạp Ngọc Lan một thời, nằm vùng,... Tối đó ngồi xa nên mình chỉ có nói chuyện với thầy An và cô Thuỷ nhiều hơn.

 

Tên Ca sỹ Ngân Hàng đưa mình và cô nàng về quê chồng ở ấp Đa Thiện, nhà to như cái đình nên mình cũng mừng vì nghe tên Đ kể là sau 75, thấy cô nàng gánh đất, rất khổ cực.

Gặp lại người thầy xưa, dạy việt văn năm 11B

 

Mấy lần gặp sau với bạn học cũ cũng có mặt cô nàng như đi quán karaoke Thu Vàng của tên N, đài truyền hình. Cô nàng hát bảng đầu tiên là Après Toi, nên không biết có ngụ ý gì. Cô nàng kể là sau hè 74 thì thấy mình biến mất, không thấy mặt nữa, có tìm kiếm mình. Mình hỏi sao không ghé nhà mình như xưa để tìm. Thật ra dạo ấy ông cụ mình tổ chức kháng chiến, bị bắt khiến Đàlạt rúng động nên không ai dám bén mảng đến nhà mình. Gia đình mình bị cách ly với Đàlạt, ai cũng sợ CM 30 tố cáo giao du với gia đình phản động. Chỉ có bác Bửu Ngự, hàng xóm, có ghé nhà an ủi bà cụ mình khi ông cụ bị lên án 18 năm cải tạo, chịu khó lo cho đám em mình.


Dạo đó, Việt Nam Cộng Hoà vừa mất Phước Long nên sợ đôn quân, cấm thanh niên xuất ngoại nên mình có giấy tờ xong, độ một tuần lễ sau là lên máy bay đi Tây, không có thời gian để chào ai hết.

 

Mình có kể cho cả đám nghe một kỷ niệm khó quên. Có lần tan trường, thấy cô nàng ở cổng trường, nhắn mình ghé nhà cô nàng. Sau ăn trưa, mình đến nhà chở cô nàng đi đâu thì bố cô nàng từ trong nhà chạy theo, la hét chi đó khiến mình quýnh lên không biết xử trí ra sao thì cô nàng, nhảy lên yên xe, bảo chạy mau. Nhà cô nàng thì ở trên dốc Hàm Nghi, nên xe chở hai, chạy lên dốc khá chậm còn ông bố thì chạy theo. Kinh. Cô nàng bảo ông bố khi xưa rất khó, may ông ta không có súng lúc đó. Từ dạo đó hết dám đến nhà cô nàng. Lâu lâu cô nàng sang nhà mình, cho chắc ăn.

 

Chị Cả có hỏi gặp lại cái bớt đỏ ngày xưa thì ra sao. Mình nhớ tên ca sỹ Ngân Hàng có hát bài Không Tên số 2 trên Mái Ấm Văn Học khi mới thành lập thì mình có nói "con đường em đi đó chỉ có đúng không có sai". Nay gặp lại cô nàng sống hạnh phúc bên chồng, ở nhà to cao như cái đình, đang dự định đi Úc chơi vào tháng 9 này nên mình cũng mừng.

 

Thật ra ngày xưa chỉ thích thích nhau chớ chưa biết yêu đương là gì, nay gặp lại như một người bạn đặc biệt như đối tượng một thời, giới thiệu mình với mấy cô bạn khi đi ăn sáng ở Bích Câu Kỳ Ngộ với đám bạn học chung ngày xưa. Cái bớt ngày xưa cũng đã cho mình nhiều mơ mộng của thời mới lớn, những kỷ niệm khá vui, đi chơi với nhau,...


Tình cảm trai gái thời đó trong sáng lắm, chỉ nhìn nhau trên sân trường hay đi chung một đoạn đường khi tan trường thôi, đã cảm thấy hạnh phúc lắm rồi nếu mà có lỡ chạm tay, hay chạm người nhau khi ngồi xe sẽ thổn thức cả tuần. Tình yêu tinh khôi thời đó luôn luôn được giữ bí mật, gặp nhau ở sân trường, chỉ ngại bị đối tượng bắt gặp, liếc trộm nhau một cái rồi quay đi. Tình yêu học trò ngày xưa ngây ngô thơ dại đến như cánh én, nhẹ nhàng như cơn mưa phùn bay qua thành phố mù sương. Nhờ thế hôm nay, chúng ta mới còn những hoài niệm của tuổi ngây ngô, những kỷ niệm của một thời để yêu và một thời để nhớ.


Hy vọng sẽ còn gặp lại cái bớt một thời và các bạn học cũ khác tại Đà Lạt hay Cali. Cảm ơn ca sỹ Ngân Hàng đã bố trí cho mình gặp lại các bạn cũ nhất là cái bớt ngày xưa. Hẹn tái ngộ lần sau tại Cali hay Đà Lạt. (Còn tiếp)


Nguyễn Hoàng Sơn 

Những bông hồng Văn Học Đàlạt xưa #1

 Có lần Chử Nhất Anh i-meo hỏi còn nhớ những bông hồng của trường Văn Học xưa hay không. Ngày nay, người ta gọi là hót-gơ (Hot girl) khiến mình miên man, kéo mình theo cánh buồm tuổi thơ trở lại dòng sông tuổi trẻ, thời mới lớn lên, yêu thầm trộm nhớ những mối tình đơn phương, tỏa nắng không bình phương trong không gian, dung dịch yêu thương, nhỏ bé của Đàlạt độ nào.

Như mình đã kể, khi qua trường việt thì bị cú sốc tâm lý. Mình nghe mấy tên học trường việt, viết chữ hán, đọc thơ của các thi sĩ Việt Nam, nghe phê không thể tả được. Mình học trường tây, họ dạy thi ca, nào là Jean Racine, Alfred de Musset,... trường phái lãng mạn như Lamartine vớ vẩn, chả hiểu gì cả. Không lẻ đi tán gái việt, lại xổ một tràn thơ của Lamartine như:

Ainsi, toujours poussés vers de nouveaux rivages,
Dans la nuit éternelle emportés sans retour,
Ne pourrons-nous jamais sur l'océan des âges
Jeter l'ancre un seul jour ?

Hay Apollinaire với bài cầu Mirrabeau

Sous le pont Mirabeau coule la Seine
           Et nos amours

Mình còn chưa cảm nhận được huống chi mấy cô học chương trình việt. Sau này qua Tây, lớn hơn một chút, đọc lại mấy bài này thì mới hiểu ý thơ của tác giả. Ngày xưa, ông tây giảng thì mình cứ đực ra vì dưới cầu Mirabeau, sông Seine chảy, có gì đâu đặc biệt. Ngày xưa, mình học dốt lắm, loại ngu lâu dốt bền. Chán Mớ Đời 

Mấy ông học trường tây khi xưa, thậm chí đi du học bên Tây như mấy ông Hoàng anh Tuấn, Nguyên Sa,...vẫn làm thơ, diễn đạt tâm tình của họ qua tiếng mẹ đẻ. Không thấy ông nào xổ tiếng Tây thành thơ cả. Chúng ta có thể cảm nhận được thi ca ngoại quốc nhưng chỉ thổn thức khi đọc hay nghe bằng tiếng mẹ đẻ.

Tình cờ thấy hoa Dã Quỳ trong vườn mình, mọc dại như Đàlạt xưa

Mình được hai tên Huỳnh Kim Sang và Ngô văn Thuỷ bồi dưỡng thi ca ái tình tiếng Việt nên rất hổ hởi, phấn khởi. Cuộc đời mình như bước sang một trang sử mới với những Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Bính,.... Mình tạm gác đá banh, tập võ qua một bên, để thời giờ học tập thi ca, tán gái từ hai tên này. Ra chơi chúng chỉ cô này tên gì, cô kia tên chi. Chiều chúng rũ mình đi chơi, ngắm nữ sinh mấy trường ra về. Chỉ có trường Bùi Thị Xuân là không dám. Mấy cô này đông nên có thể chận xe con trai.

Từ từ, mình được Huỳnh Kim Sang giúp phát hiện ra mấy cô đẹp trong trường. Mình nhớ có 3 cô, đều học dưới một lớp, lớp đệ tam. Phan Thị Bích Thuỷ, Hàng Thị Ngọc Hiền và Trần Thị Ánh Nguyệt. Cùng lớp mình thì có Vy Thị Thu Thuỷ và một chị khác tên Hiền thì phải. Chị này học ban C, 11 C, nhưng học chung sinh ngữ với mình nên tan trường, chị hay đi chung với mình, tới cầu Cẩm Đô. Cứ tan lớp thì thấy chị rà rà ở cửa rồi hỏi mình chi đó rồi đi xuống đường. 

Sau này, không thấy nữa, chắc qua trường Việt Anh hay về quê lấy chồng hoặc vô bưng. Chị ở xứ nào đến ở trọ học, nhà trọ đâu trên đường Hàm Nghi, cạnh nhà Trịnh Ngọc Dũng, từ Phan Rang lên học. Ban C thì có Mai Anh, Anh Đào.

Ngày nay, người ta dạy con nít lên năm phải học tập căm thù, dù không biết căm thù ai, dẫn chúng đi thăm viếng các tượng căm thù. Còn mình khi xưa, Huỳnh Kim Sang bảo mình phải học yêu dù chả biết yêu ai. Cứ yêu cái đã còn đối tượng sẽ từ từ phát hiện sau.

Mình kiếm được 3 đối tượng lớp 10, điều nghiên từ xa. Ra chơi mà thấy có tên nào đứng xớ rớ, hỏi chuyện 3 cô này là tim mình nhói đau, tâm hồn rướm máu. Sau ngày thằng Sang đi lính thì mình từ từ loại bỏ 2 đối tượng, chỉ còn lại một để định hướng con tim dại khờ của mình.

Tình cờ có cơ hội nói chuyện với Cái Bớt Một Thời, mình đã có kể rồi, từ từ tình yêu toả nắng rồi giấc mơ đi tây thành hiện thực nên tính đóng vai phim “Đôi Mắt Người Xưa” được quay tại Đàlạt. Mình có xem hồi nhỏ nhưng không nhớ rõ. Hình như có Thành Được đóng với Thanh Nga thì phải, kiểu chuyện ông nào đi du học bên tây, trở về gặp lại đôi mắt người yêu cũ chi đó. Xem thời trước khi bà Dì mình đi lấy chồng.

Mình vừa đi tây thì Việt Cộng vô, Cái Bớt Một Thời đi lấy chồng. 40 năm sau mới gặp lại Cái Bớt Người Xưa. Vẫn đẹp, lanh lợi như ngày nào. Có lẻ không theo Việt Cộng nên không te tua như đối tượng của Huỳnh Kim Sang. (còn tiếp)

Nguyễn Hoàng Sơn 

Chuyện cuối tuần 041721

 Thường, mình theo chủ nghĩa “bòn” nên ăn mấy trái bơ bầm dập, không được tốt, còn trái to thì để dành bán. Năm nay, không hiểu sao, mình lại lựa trái to để ăn còn trái bé, hay đủ loại để bán. Mình có để dành vài cây loại bơ ngon để ăn. Bơ Hass có mấy trăm loại, vườn mình có đến mấy loại này. Vợ mình thích ăn nhất loại da đen và bóng thêm loại quả dài như trái lê nên mình để dành vài cây này để hái cho vợ ăn.

Mình mới trồng thêm 50 cây loại khác để ăn. Trong vườn mình có một cây được ghép bở loại Bacon, ăn ngon cực nên mình mới trồng thêm loại này. Từ từ thiên hạ đòi đủ loại khác nên cần trồng thêm những loại khác thay vì Hass. Thật ra, người ta chuộng bơ loại Hass vì vỏ dày và dễ bảo quản, chớ có nhiều loại bơ khác ăn ngon hơn Hass nhe Bacon, Duarte,...

Thứ 6, mình hái được 500 cân anh bơ, trong khi dân Mễ đi hái mỗi ngày gấp 3 mình. Chạy về Bolsa giao 5 bình mật ong cho một chị ở Houston, nhờ mua dùm. Lâu lâu có người nhắn tin, nhờ mua dùm mật ong nguyên chất. Có cô cháu cũng lấy để bán cho bạn bè nên mình lấy sẵn một ít để ở nhà, tránh chạy đi đến nhà ông mỹ nuôi ong, tốn tiền xăng và thời gian. 

Mình đoán chị ta người gốc Đàlạt, cứ nhắn tin kêu Ôn Sơn, mua dùm mật ong. Chiều về, ghé nhà hai vợ chồng hàng xóm ăn cơm gia đình cùng một cặp vợ chồng bạn khác. Sau mấy tháng bị cấm cung, nay ai nấy đều được chích ngừa nên mới dám thò đầu ra để gặp nhau. Nghe nói ban nhạc ca sĩ viện dưỡng lão cũng được cho đi hát lại trong các viện chờ chết. Mừng cho họ, cả năm trời không được đi hát, luyện tập ở nhà, chắc người phối ngẫu của họ điên lên hết.

Mình may mắn mụ vợ không có vụ hát hò ở nhà. Chỉ có tập arobic ở nhà trước truyền hình vì LA Fitness không có lớp. Thấy trên truyền hình, đám trẻ nhảy cà tưng cà tưng còn mụ vợ mình thì cũng quơ tay như đang tập Thái Cực Quyền. 

Nay thì lại có màn kỳ thị dân da vàng nên ai nấy cũng lo, kêu không dám ra đường khi trời tối. Chán Mớ Đời mình lên vườn thì chả có màn này vì chỉ có mình và rắn.

Ngồi ăn, bổng nhiên câu chuyện lái về vụ mấy người lên vườn mình. Mình thấy có mấy gia đình bạn Mỹ quen, đem con họ lên vườn mình chơi, đi bộ trong vườn rồi hái vài trái bơ tượng trưng đem về. Họ lên đi dã ngoại ngoài thiên nhiên, xem cảnh vì từ vườn mình, trên đồi nhìn xa xa rất đẹp.

Bơ năm nay hái trễ nên to gần bằng trái soài. Có đem tặng vợ chồng hàng xóm, thấy trái to nên họ khá vui, đem ra khoe cặp kia khiến mình thất kinh vì không đem cho họ. Chán Mớ Đời  Năm nay không mướn thợ hái nên có lẻ mình sẽ hái đến tháng 6 mới xong. Dạo này chỉ hái trái thấp còn tháng sau thì phải leo thang để hái trái trên cao.

Khi người Việt quen, hỏi muốn lên vườn mình chơi, đi dã ngoại thì mình đồng ý. Nghĩ chắc cũng như người Mỹ khác. Ai ngờ người Việt mình thì tư duy khác với người Mỹ. Họ lên vườn để chỉ hái bơ từng thùng đem về, khiến thằng con mình cũng choáng luôn. Mình bận làm việc nên cứ để họ tự do đi, ai ngờ họ hái nhiều trái như thể càng quét, đem về. Thằng con tính độ cả ngàn đồng ngoại chợ Nông Dân. Nó kêu không cho ai lên hái nữa, vì công của nó phụ giúp vườn. Mình nhất trí. 

Ngồi nói chuyện về người Việt thì thất kinh khi nghe kể; có người trong gia đình đi ăn cưới, ký ngân phiếu không tiền bảo chứng. Cô dâu chú rể đã tốn tiền nhà hàng cho họ, nay còn phải đóng phạt vì ngân phiếu không tiền bảo chứng. Đưa lại ngân phiếu cho bà con thì họ lơ luôn. Có người kể là đến nhà ai ăn tiệc, chưa chi, họ đã nháy mắt nhau, lấy đĩa bỏ riêng để đem về, hay để dành cho ai quen đến trễ , khiến những người đến sau, không có đồ ăn. Chán Mớ Đời 

Cuối tuần rồi mình nghe lời đồng chí gái, không lên vườn để đi dã ngoại với cô nàng, thấy vui vui vì mấy tháng qua, lo làm lại hệ thống tưới của vườn nên không có thì giờ dành cho vợ. Có đi ăn tiệm vớ vẩn với vợ con vào cuối tuần. Mới hiểu khi mình làm việc, tham kiếm tiền thì bỏ quên vụ bồi dưỡng tình cảm, sự liên hệ với gia đình, người quen. Sự lãng quên này sẽ đưa đến sự đổ vỡ hạnh phúc. Vợ kêu đi thì mình nhất trí ngay.

Hạnh phúc cũng như trồng cây ăn trái. Phải chăm sóc, tỉa bỏ các nhánh cây chết, các tật xấu để có không gian, ánh sáng mặt trời cho nhánh mới ra. Phân bón, tưới nước đầy đủ thì cây hạnh phúc mới tươi tốt mãi. Từ ngày làm vườn đến nay, bổng nhiên mình giác ngộ khá nhiều thứ. May quá, giác ngộ cách mạng sớm nếu không thì cũng mệt. Mình thấy nhiều cặp quen rã đám dù đã đi chung đường đời đến 20-30 năm.

Mình hỏi đồng chí gái đi chơi với chồng vui không, mụ không trả lời hỏi rứa còn ôn thi răn. Mình nhất trí.

Sáng nay, mình với đồng chí gái đi dã ngoại với nhóm nào đó ở Dana Point, chỉ đi có 4.5 dậm ngoài bãi biển, nhưng lúc về, leo lên cái dốc 364 feet, khá châm. Thật ra, tham gia các nhóm đi dã ngoại rất hay, họ tổ chức đi những nơi mình không biết. Họ sinh sống ở đây từ bé nên biết nhiều nơi để thăm viếng, nếu không thì mình chẳng bao giờ nghe đến. Cứ loay hoay ở khu Bôn-sa.

Phong cảnh nhìn từ trên xuống. Phải đi bộ xuống dưới biển rồi leo lên lại. Mấy nhà này mình đoán độ 3 triệu đô tối thiểu Kinh
Mình thấy họ ngồi trên cái ghế, đúng hơn cái túi, có quạt phía sau rồi máy nổ, giúp họ lơ lững trên trời nhưng phải có một chiếc thuyền ngoài khơi để lở họ bị rớt thì chạy lại vớt họ hay khi họ chán thì sẽ đáp trên thuyền như kiểu parasailing . Hình như họ gọi môn thể thao này là Paragliding.

Chỗ này là nơi khởi hành, có mõm đá lồi ra khá lạ, dân chơi surfing đầy. Chỗ này ít người vì khu nhà giàu, chỗ đậu xe rộng rãi. Không dành dựa, chờ đợi như ở bãi biển Huntington Beach, lại miễn phí.
Nhà vệ sinh ngoài bãi biển, nơi khu giàu có , rất sạch. Không như bãi biển Huntington Beach.

Khu nhà giàu có khác. Họ gắn mấy ngôi sao bằng đồng trên băng ghế để bọn con nít không trượt skateboard trên đó. Mấy khu nghèo thì họ cắm mấy miếng sắt to đùng.

Sau khi leo lên lại cái dốc, mình tính đi viếng thăm khu thương mại mới xây ở gần đó rồi kiếm cái gì bồi dưỡng cái bao tử nhưng mụ vợ kêu về bôn sa ăn cơm Việt Nam. Vợ mình quen ăn cơm Việt Nam, nhất là món Huế, không thích ăn cơm ngoại quốc, không rành món tây-mỹ nên mỗi lần đi ăn cơm ngoại quốc là gọi vớ vẩn, ăn không được hợp gu lắm. Mụ không thích ăn đồ tây phương, Việt Nam rồi đến tàu và đại hàn. Mình thì không có nạn kỳ thị chủng tộc về thực phẩm. Ăn đủ loại.

Chạy về bôn sa ăn tiệm vừa tây vừa ta. Mình và thằng con kêu steak thịt bò, còn đồng chí gái thì bún chả Hà Nội. Con gái theo bạn xuống San Diego để ăn mừng sinh nhật nó. Ăn xong bò về nhà, ngủ một tí. Có tên bạn gọi hỏi đang ở đâu, đi uống cà phê. Mình nhắn tin hắn khi đang ở bôn sa nhưng hắn lại không mở điện thoại đến khi mình về nhà mới gọi. 

 Mình hỏi thằng con muốn lên vườn hái bơ thì phải dậy sớm vì 7 giờ sáng là lên đường. Nhất trí.

Sáng nay, hai cha con lên vườn từ sáng sớm. Trời hơi gió, hái được 10 thùng, kêu đám Farmers Market đến lấy, trả tiền cho thằng con rồi hai cha con đi ăn đồ Mễ rồi về nhà. 

Mai ở nhà nấu cơm cho vợ con một ngày cho vui. Lên vườn hoài cũng đừ. Nếu hái bơ kiểu này chắc kéo dài đến tháng 9 quá. Mình đang liên lạc bên Peru, để khi đi Machu Pichu sẽ ghé thăm mấy nông trại trồng bơ của họ. Xong om

Nguyễn Hoàng Sơn