Giàu nhờ bạn

Giàu nhờ bạn

Hôm trước, có chị bạn gửi một bài anh ngữ, viết về Vitamin F, tò mò đọc vì chưa bao giờ nghe đến sinh tố F. Được biết F đây nghĩa là  Friend, sinh tố bạn hữu khá đặc biệt. Tác giả giải thích có nhiều loại bạn; bạn để nghe họ tâm sự, bạn để chỉ cái sai trái, lỗi lầm của mình, bạn để cười với nhau, tếu táo một tí, người thì chúng ta có thể ngồi nói chuyện nghiêm túc, người thì cố vấn cho mình về một chi tiết nào,…
Nói chung tất cả bạn bè như những mảnh nhỏ của bức hoạ mosaique mà khi ráp lại sẽ trở thành một kho báu, kho tàng đầy thân hữu và khuyên chúng ta nên trân trọng tình bạn vì đã và sẽ giúp mình vượt qua những trở ngại trong cuộc đời.

Bài viết khiến mình nhớ đến câu tục ngữ của Sơn Đen "giàu nhờ bạn, sang nhờ chồng". Mình có quen vài người mỹ lớn tuổi, được xem là giàu có, họ họp mặt nhau hàng tuần để chia sẻ những ý tưởng, trở ngại trong công việc rồi cả nhóm cho họ ý kiến để giải quyết vấn đề. Trong nhóm có luật sư, kế toán, kỹ sư, đủ trò,… coi như bạn của những người này giúp họ giàu có, làm ăn nên.

Ngược lại những người này không có những người bạn chân tình để tâm sự, gở rối tơ lòng. Họ, đa số đều cô đơn, không dám lấy vợ vì sợ bị lợi dụng, ăn chia gia tài, người có gia đình thì con cái không hợp hay ly dị. Họ sống trong cô đơn, lo ngại không dám làm quen với người đời không cùng nghề vì sợ bị mượn tiền hay chi đó vì  ngay chính những người họ gặp hàng ngày cũng nghi ngại. Đó là cái khổ của kẻ có tiền. 

Năm vừa rồi đi chơi ở Âu châu, gặp lại nhiều người bạn sinh sống tại địa phương mà trên 30 năm qua không gặp mặt, chỉ có thư từ qua lại, chúc tết nhưng khi gặp lại những chân tình ngày xưa vẫn đong đầy. Người ta ví cuộc đời người như một dòng sông, mình sẽ không tìm lại nước ở trên thượng nguồn nhưng đi chuyến âu châu vừa qua thì mình cảm thấy hạnh phúc vì những người bạn lâu năm, nữa đời hay 2/3 đời người không gặp, vẫn giữ tình cảm, những kỷ niệm của một thời, trân trọng treo mấy tấm tranh của mình vẽ dạo nào, tặng họ.
Nhiều người bạn học cũ, mình không nhớ có học chung hay chỉ mại mại, bận công việc vẫn bỏ thì giờ nấu ăn, để đãi vợ chồng mình. Những cái tuy nhỏ nhằn nhưng đã nói lên những tình cảm xa xôi một thời dấu yêu mà họ vẫn nhớ, không phải vì mình mà có lẻ qua mình, mấy người bạn này tìm lại thời thơ ấu đầy kỷ niệm mộng mơ của tuổi dại khờ.

Tuần rồi, có cặp vợ chồng bạn học xưa, từ Paris sang. Một anh bạn lặn lội, đi xe đò Hoàng từ San Jose xuống để gặp lại bạn học cũ. Thấy anh ta năn nỉ muốn đóng góp cái gì cho buổi hội ngộ nhưng mình nhất quyết không chịu vì anh ta là khách. Cuối cùng mình chợt ngộ ra, anh ta muốn làm cái gì đó để nói lên tình cảm của anh ta đối với mấy người bạn học cũ, thêm một cô bạn học cũ ở xa không về được, cũng gửi xuống đóng góp vào buổi hội ngộ một chai rượu quý ngon cực kỳ. 

Khi đã giác ngộ cách mạng thì mình nói anh chàng làm món ăn ý mà có lần, anh ta đã làm cho vợ chồng mình ăn khi đến chơi nhà anh ta. Anh ta bổng nhiên như đứa trẻ vừa được quà, chạy vào chợ mua bào ngư, tôm, sò,… nhìn anh ta hổ hởi phấn khởi chiên xào bú xua la mua như bơi lội trong vùng hạnh phúc vô biên. Anh ta còn xung phong nấu ăn trong cuộc hội ngộ sắp tới khi đám học trò cũ đón tiếp Cô Liên. Thế là mình khoẻ một khâu. Mụ Diễm "đá đi" cũng đỡ lo.

Những người này có thể mua hay đặt người ta nấu nhưng họ bỏ công ra, lặn lội 1,000 dậm để nấu cho mấy người bạn học cũ một món ăn như gửi gấm những tình cảm bạn học, đồng hương dành cho nhau, những kẻ lưu vong trên đất lạ quê người. Có tham dự buổi họp mặt vừa qua mới thấy quý, trân trọng những tiếng cười, chọc quê nhau như thời xưa. Hạnh phúc nhất là xưng mày tao dù cả đám đã trên 6 bó, có người đã là bà ngoại từ 1 giáp. Không có những mỹ từ, sáo ngữ trống rổng như các cuộc họp mặt có tính cách xã giao của thương trường. 

Có anh bạn mà khi gặp lại, mình rất phục cái trí nhớ của anh chàng. Anh chàng nhớ đến ai thì nhớ cả tông chi họ hàng của họ. Kêu là con ông này, chắt bà nọ, cháu của Mệ ni, Ôn nớ, làng tê ở Huế, lấy ai sinh ra ai nhưng lần ni anh chàng tay chống cằm rồi suy nghĩ thật lâu để cố tìm, lục lọi trong trí ức. Do đó những buổi họp mặt này rất đáng trân trọng vì vài năm nữa khi mỗi cá nhân, có vấn đề sức khoẻ, bị tai biến hay mất trí nhớ thì có gặp lại cũng chẳng vui, chẳng nhớ nhau. Chúng ta như chạy đua với thời gian "fast and furious" như ngọn đèn sắp tắt trước cơn gió mùa đông.

Hôm trước có mấy chị trên San Jose, chạy xuống đi ăn Tân Niên của hội thân hữu Đà Lạt. Mình có tham dự, nhìn quanh thấy mấy cụ già được con đem đi, ngồi lớ ngớ, nhìn quanh nhìn quất trong đám đông xa lạ, không tìm được người quen. Mình tưởng tượng đến một ngày nào cũng cô đơn như vậy, thèm được gặp lại một người bạn để mày tao như xưa. Đồng chí gái chỉ mình một bác, quen bà cụ mình khi xưa ở Đà Lạt mà mình không gặp từ ngày mẹ vợ mất. Mình đến chào thì bác ấy mừng vì ngồi từ bao lâu, nhìn quanh để tìm gặp lại người quen. Bác ta cầm tay mình như sợ bỏ chạy rồi độc khẩu đến khi đồng chí gái đến chào thì mình mới dám trở về chỗ ngồi.

Cứ xưng mày tao sao thấy sướng cái mồm. Có lẻ đó là hạnh phúc khi tìm lại bạn xưa, được xưng mày xưng tao, như thể cùng nhau tắm lại dòng sông ở quê xưa trong vài tiếng đồng hồ ngắn ngủi để rồi ngày mai, ai nấy đều trở lại cuộc sống thường nhật, đi cày trả nợ với những lo âu riêng tư. 

Lâu lâu thấy trên diễn đàn có ai chúc mừng sinh nhật, xưng mày tao thì mình biết họ khi xưa rất thân. Cứ sinh nhật là thấy dân cư mạng nhảy vào chúc mừng đến khi có một ông thần kêu, diễn đàn gì mà chỉ có chúc tụng nhau khiến mọi người như sợ vía ông thần này nêít thấy chúc mừng sinh nhật hay tải hình ảnh, hát hò con cháu.

Thật ra bạn hữu không cần phải tranh cãi về chính trị, triết lý hay chi chi. Chỉ cần lâu lâu nhớ đến ngày sinh nhật, gửi thư chúc mừng là đủ rồi. Giữ cho nhau những tình cảm của thời học trò là đã quý rồi. Đâu cần tranh cãi về nhân sinh quan vì mỗi người mỗi hoàn cảnh. Ai may mắn ra được hải ngoại, làm lại cuộc đời trong cuộc bể dâu chớ không ai tài giỏi gì hơn ai cả. Mình về Việt Nam, thích ngồi nói chuyện với mấy người bạn mà mình biết khi xưa, học rất giỏi nhưng đi vượt biển mấy lần không thoát, hết tiền hết bạc đành ở lại sống qua ngày với những giấc mơ Phù Đổng không thể thực hiện, giúp họ trút những uất ức của một đời người.

Mình không uống cà phê nên nhiều lần tự hỏi về mấy ông ngồi hàng giờ ở quán cà phê. Sau này gặp lại bạn xưa, ngồi uống trà hay nước lạnh, nhiều khi không nói với nhau, chỉ thấy không gian như chìm đắm trong cái dung dịch trầm lặng mà mình không muốn thoát ra, chỉ muốn chìm sâu trong ấy, không gian như dừng lại, để mình cảm nhận là đang hiện hữu, đang sống với thực tại, cảm thấy một trời hạnh phúc.

Tuần trước là giỗ đầu của một người thầy năm xưa mà năm ngoái trong dịp về thăm nhà, mình có đến đưa tiễn thầy lần cuối. Mấy người bạn hô hào đến nhà thầy đóng góp, làm một ngày giỗ rất trịnh trọng cho người thầy khả kính. Mình nhớ người thầy khi gặp mình lần cuối, có nói thương anh bạn học còn hơn con ruột. Bao nhiêu năm, dù họ giàu có , đậu cao, làm chức lớn nhưng vẫn không quên thầy. Mỗi tháng họ đều rủ nhau đến thăm thầy rồi tuỳ khả năng, mỗi người đóng góp thêm một số bạn ở hải ngoại cho thầy để thuốc thang, bồi dưỡng trong tuổi già không có hưu trí. Khi ông cụ mình mất, mấy người này cũng rủ nhau đến nhà phúng điếu dù mình không có mặt tại Đà Lạt. Những tấm chân tình thân hữu của những người bạn ấy kể sao cho hết.

Hôm sau vợ chồng mình lại có dịp đón hai người bạn từ xa đến, Việt Nam và Houston thêm mấy người bạn trong vùng. Có anh bạn, có thời học Trần Hưng Đạo, kêu "tui chỉ thích đến nhà mô, thoải mái thì mới đến". Nghe anh ta kể có đến nhiều nhà quen mà bà chủ nhà cứ đi theo anh ta, bước tới đâu là bà chủ nhà lau sàn nhà tới đấy, rờ tới cái bàn là bà chủ nhà lấy khăn chùi ngay như thể sợ DNA của anh ta sẽ gây ra hoạ diệt ruồi hay chi đó. Mình có nghe đồng chí gái kể nên khi nói bà bạn của đồng chí gái mời ăn cơm là mình kiếu ở nhà để mụ vợ đi một mình.

Khi xưa ở Đà Lạt, năm khi mười hoạ mình mới được thiên hạ cho vô nhà là thấy họ cho con họ rình xem mình có ăn cắp cái gì hay không nên cảm giác ấy vẫn còn đeo dai dẳng bên mình đến giờ nên khi đến nhà người giàu là mình bị dị ứng. Do đó không giàu vì không bao giờ được làm bạn với dân giàu có (giàu nhờ bạn).

Bài báo không nói đến người bạn đời vì thật ra người chấp nhận đi suốt quãng đường đời còn lại của chúng ta mới là tối quan trọng. Người này nhìn thấy những nhược điểm của mình và có đủ can đảm để nói lên, giúp mình giác ngộ cách mạng những tiêu cực vì nhiều khi bạn bè chưa chắc đã dám nói sự thật vì ngại làm mất lòng.  

Như câu tục ngữ "giàu nhờ bạn, sang nhờ chồng", mình đen thui lui nên khi đứng cạnh đồng chí gái thì như tô điểm thêm cho đồng chí gái, giúp đồng chí gái rực rỡ hơn và rất là sang cực kỳ. Mình cứ như đám lá xanh để tạo nên cái nền cho hoa được dịp trỗ.

Bạn đời thì mình gọi là sinh tố V (Vợ) nhưng khi đã có sinh tố V thì phải có sinh tố S (Sợ), đưa đến đáán S + V = SV (Sợ Vợ). Chán mớ đời!

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nhs

Tìm về những vết chân xưa *


Mấy tháng nay, cuộc sống mình bị xáo trộn từ khi nhận được điện thư của Nhất Anh, kèm theo điện thư của Phi Nga. Từ cô nàng mình liên lạc lại được với Hùng Con Cua rồi từ ông thần này lại đưa mình về với nhóm học thời tiểu học và trung học ở Yersin. Mấy tháng nay cứ hết họp mặt với các bạn học xưa thăm viếng miền Nam Cali lại đến hội ngộ San Jose làm mình quên thời gian qua mau. Thật ra mình chỉ nhớ vài người còn lại coi như bạn mới khám phá ra.

 Mình không biết tâm trạng của ông Marcel Proust khi xưa ra sao khi viết những tập "à la recherche du temps perdu", mình cứ lần mò mấy tháng nay đi thăm lại thời gian xưa bằng hình ảnh mà mình tưởng đã chôn vùi từ khi rời Đà Lạt năm nào. Mình dò dẫm từng bước, xem từng bức ảnh, đọc từng email, nghe bạn học cũ kể về thời niên thiếu, thời học chung trước hay sau 75 để tìm lại chút dư âm ngày nào. Có người email hỏi có nhớ cô này, tên nọ thì những lớp bụi thời gian từ từ xoá bay đi, lộ ra bức tranh xưa, được vá chấp bằng những kỷ niệm của ai đó hay của chính mình.

Càng đọc thì bên tai lại nghe những âm vang của quá khứ từ đâu bay về. Chkhác là các nhạc phẩm được tải lên trên mạng khác với những nhạc phẩm mà thế hệ mình đã ưa chuộng, nghe trong "một thời để yêu và một thời để nhớ". 
Ảnh chụp của Bill Robie, từng tham chiến tại Đà Lạt 

Có lẻ các nhạc phẩm khi xưa không nói lên tâm trạng của chúng ta sau 40 năm bươn chải với nghịch cảnh, thân phận làm người Việt nên đã được thay thế bằng những bài hát buồn cho những cuộc tình lở, những ước mơ đã bị chôn vùi bởi thời gian. PMC khi xưa học chung với mình năm lớp 11 B, hay nói về ông Hoàng Đức Nhã trả lời tiếng Anh như gió với các phóng viên ngoại quốc, khen ông TT Thiệu đọc diễn văn bằng Anh ngữ khi công du ở Mỹ. Ngô Văn Thuỷ hay rủ đi thăm mấy ông thầy để mượn sách, nói về các loại hoa....

Nhưng không hiểu sao thấy hình mấy người bạn xưa, các thầy nhưng không dám liên lạc như sợ đánh vỡ tấm tranh xưa? Hỏi thăm vài câu rồi ai ai lại về với không gian, vị trí hiện tại của mình và tấm tranh xưa có lẻ sẽ vĩnh viễn xa rời trong tâm khảm của mình. Video clip My Rose được làm để quảng cáo cho hảng xổ số mà Nhất Anh gửi là bằng chứng của ước mong càng nhiều thì càng thất vọng bao nhiêu như bài thơ Hoang Vu của cô Vi Khuê

Mình nhớ khi xưa chị hàng xóm cho mượn cuốn truyện Dr. Zhivago của ông Boris Pasternak mà mình đọc suốt đêm để trả lại sáng hôm sau và được xem phim của đạo diễn David Lean ở rạp Hoà Bình vào những năm đệ tam. Cuốn phim này mình đã coi đi, coi lại không biết bao nhiêu lần trong suốt 40 mùa thu lá bay qua, bằng tiếng Pháp, tiếng Ý, tiếng Đức rồi tiếng Anh. Mỗi lần đài truyền hình địa phương chiếu là mình phải coi dù ngày mai phải dậy sớm để lao động quang vinh. 

Mình rất mê phim của David Lean nhưng thích nhất vẫn là phim Dr. Zhivago vì phim này nói lên phần nào những gì gia đình và quê hương đã trải qua trong suốt 40 năm qua. Mình thích nhất cảnh Omar Sharif chùi bụi bặm đã đọng lại trên gương soi, chợp giật mình thấy mình già tương tự hôm nay khi mình cố gắng nhớ lại dĩ vảng của thời niên thiếu. Ông này như một người ngoại cuộc, ở xứ Ural, vùng chỉ có chó sói hú trong đêm đông dài, làm thơ không biết gì về tình hình vợ con, người yêu, xã hội đang trải qua các cuộc cách mạng, thanh trừng của đất nước.
Có tấm ảnh này, khiến mình thắc mắc đứa bé này còn sống tại Đà Lạt hay không. Hình chụp ngay góc Lê đại HÀnh và Thành Thái

Trong 40 năm qua, mình như một kẻ ngoại cuộc, đứng bên lề của những thăng trầm của quê hương xưa. Có lần một anh bạn hỏi một du học sinh lớn tuổi từ VN, quê hương là gì? ông này trả lời Quê Hương là nơi nào mình cảm thấy yên vui, không phải là chùm khế ngọt. Mình nhớ lần đầu tiên về thăm quê nội có sông Đà núi Tản, chùa Thầy mà mình thường được nghe nhắc đến trong sách. Đi qua những con đê để vào làng thì mình cám ơn ông cụ đã rời quê năm lên 17 tuổi vào Nam vì nếu không thì có lẻ ngày nay cuộc đời mình đã khác. 

Sống chung quanh các đống phân với đàn ruồi nhặng bay vờn như ma trơi. Căn nhà thờ tự không có cửa sổ từ mấy chục năm nay, không phòng tắm. Mình đem con về Đà Lạt thăm nhưng có lẻ trong thâm tâm, chúng đã thầm cám ơn Bố đã có ý tưởng rời Đà Lạt ra đi để chúng có một cuộc sống tươm tất hơn gia đình của các cô chú ở VN. Mình còn may mắn vì có cơ hội thăm hỏi, đưa ông bà cụ đi chơi bên Tây, bên Mỹ còn nói chuyện được. 

Mình có anh bạn gốc Quang Nam, sống trong làng trong thời chiến tranh, sáng thì quốc gia bảo vót tranh làm hàng rào ấp chiến lược, tối đến các ông kẹ về bảo nhổ đi, kêu làm tay sai mỹ nguỵ như chị Lệ Lý Hayslip kể và hát những bài sáng quốc gia, chiều cộng sản khi dự đám cưới của mình. Anh bạn mình có giấc mơ làm bác sĩ nên trốn vào Saigon ở trong viện mồ côi, làng Hoà Bình của Tây Đức thì có một ông Mỹ mến và bảo lãnh đem về Mỹ nuôi. 

Sau này ra trường y khoa, anh có về lại quê nhưng anh ấy đau buồn vì không nói chuyện, bắt nhịp cầu được với mẹ vì bà ta sống lên trong một môi trường khác đối với anh ta như một con thú được nuôi trong chuồng nên các thói quen, suy nghĩ khó có thể xoá bỏ. Anh về thăm nhưng không thể kể hay giải thích về cuộc sống của anh vì đối với người mẹ rất là trừu tượng. Mỗi ngày chỉ lo đi lượm củi để nấu cơm trong khi anh ta xây nhà, mua bếp ga, máy giặt,...cho gia đình ở VN nhưng bà mẹ vẫn sống theo thói quen từ xưa, chấp nhận một lối sống xưa, không thay đổi theo thời gian, không rời làng quê, nơi chôn nhau cắt rún.
Đường Phan Đình Phùng nhìn từ nhà thờ Tin Lành trên đường Hàm Nghi

Mình xa Đà Lạt 48 năm nhưng gia đình vẫn còn ở đó nên trở về thăm. Người xưa còn đó nhưng cảnh cũ đã thay đổi quá nhiều. Lần đầu mình về thì Đổi Mới bắt đầu nên cảnh cũ còn đó nhưng rất thê lương so với thời trước 75. Những lần sau này thì thành phố như một cô gái già kẻ môi tô son, trùng tu lại nhan sắc đã quá mùa xuân và giải phẩu thẩm mỹ rất thô kệch tạo cho mình một cảm giác khó chịu.

Mình chẳng bao giờ viết lách ngoại trừ thư từ cho bạn bè, người thân vào dịp cuối năm qua các thiệp chúc Tết nhưng mấy tháng nay bổng có nhu cầu, cần viết ra những gì lùng bùng trong đầu nhưng càng viết thì cơn lốc càng xoáy mạnh đưa mình về quá khứ với một tốc độ chóng mặt. Mình cứ viết rồi xoá rồi viết rồi xoá nhiều khi quên lưu trữ trong máy nên khi nhớ đến thì lại phải viết lại. Mình có nhu cầu viết để giải toả những hình ảnh chập chờn của quá khứ. Sau buổi họp mặt tại nhà mình với nhóm bạn thời Văn Học, mình có viết về hai chị em họ Trần, Ma soeur và những nhân vật khác trên cái IPad cũ rồi tự nhiên nó biến mất,...lục tìm trong iCloud cũng không thấy vì nó không cập nhất hoá được phần mềm.
Ga xe lửa Đà Lạt, thời mình đi tây là trụ sở hàng không Việt Nam 

Ngày xưa, mỗi lần nhận được thư nhà, mình hay nằm mộng bay về VN, bị công an lùng kiếm chẳng hiểu tại sao các Ác mộng trở về. Lo lắng không biết làm sao trở về mỹ. Khi thức giấc thì mừng hú vía, chỉ là ác mộng. Tại sao khi mơ về quê hương bỏ lại, lại toàn là ác mộng. Ôi quê xưa, biết bao giờ trở lại, Đà Lạt ơi thôi hết những ngày mưa. Hỏi bạn bè thì họ cũng có những giấc mơ ác nghiệt kia. Cô giáo dạy việt văn mình kể, có lần nằm ngủ, thấy bay về Sàigòn, đi xích lô để đi tây nhưng ông xích lô đạp rất chậm nên cô sợ Việt Cộng không cho đi nên nhảy xuống xe để chạy ra phi trường cho kịp. Tỉnh dậy mới biết bị té xuống giường, gãy xương. Chán Mớ Đời 

Mình thèm tô phở Phi Thuyền gần ga xe lửa, tô miến gà ở đường Trương Vĩnh Ký hay tô mì vịt tìm của bà người Tàu, cỏng con bán mì trả nợ cho ông chồng mê đánh bài, cạnh tiệm Luồng Điện của gia đình Trần Trọng Ân,...nhưng sau khi về thăm Đà Lạt lần đầu thì hết còn khắc khoải, những kỷ niệm của Đà Lạt từ từ được trả về miền quá khứ. Nay mình có hai hình ảnh Đà Lạt, một của thời học trò và một của những ngày vội vã trở về thăm gia đình, vội vã ra đi như sợ hải, trốn lánh Đà Lạt ngày nay như 1 đứa bé trốn lánh người kế mẫu, không thích con chồng.
Mình vội vã trở về Đà Lạt để hoà vào không gian của gia đình, vội vã ra đi

Cách đây vài năm bổng nhiên hai tên bạn thân nhất; một tên thời ở VN và một tên từ ngày sang sinh sống tại Mỹ không hẹn lại rũ nhau đi Tây phương cực lạc khiến mình tự hỏi về cuộc đời, chặng đường gần 48 năm xa đàlạt và tương lai đi về đâu nên tự dạo đó không thiết làm ăn, khác với những toan tính ngũ niên, thập niên, từng năm, từng tháng, từng giờ như lúc trước thì mình cảm thấy an tâm tự tại. Hàng ngày chở con đi học, xem con bơi, mình cảm thấy thoải mái hơn hay đi bộ với vợ sau cơm chiều. Lúc trước thấy chán vì phải nghe đồng chí gái giáo huấn nhưng nay thì mình vui vẽ nắm tay vợ đi như thời mới quen nhau. Có lẻ đó là những vết chân xưa mà thời gian đã làm mình bỏ quên hay vô tình không để ý đến. 

Sơn đen



Trung Thu và Tựu Trường

Trung Thu và Tựu Trường

Mỗi năm, đến mùa tựu trường thì mình lại nhớ đến bài "Tôi đi học" của ông Thanh Tịnh. Bài này dài nhưng mình chỉ nhớ  đoạn trong cuốn Giáo Khoa " Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tôi tự nhiên thấy lạ, cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn; hôm nay tôi đi học." Ông thần Nhị Anh cũng thuộc bài này vì khi sang thăm hắn ở San Diego. Trên xe đi lên Los Angeles, hắn có đọc lại bài này. Mỗi sáng đi bộ với vợ trong xóm, thì mình cũng hay lẫm bẩm bài này. Vợ nắm tay dắt qua đường như ngày xưa đi với mẹ. Nhỏ có Mẹ, lớn có Vợ.


Nói đến buổi sáng đầy sương thu và gió lạnh thì mình không bao giờ quên những sáng của mùa tựu trường, chạy xe đi học, chạy dọc đường Trần Quốc Tuấn, từ Cầu Ông Đạo, nhìn thấy sương mai trong ánh sáng bình minh của mặt trời, mờ mờ sau nhà hàng Thuỷ Tạ. Sau này đi học ở Paris vào những buổi sáng mùa thu, đi xe métro, xuống trạm Louvre, đi băng qua cái viện bảo tàng, Cour de Carré, mà không ngờ sau này mình được tham gia, thiết kế cái Kim Tự Tháp khi làm việc cho hảng của ông I.M. Pei. Từ đó, đi qua Passerelle Des Arts, đối diện Viện Hàn Lâm của Pháp. Mình hay dừng lại trên cầu để ngắm những tia nắng của ban mai, hiện sau Nhà thờ Đức Bà, phía sau Cầu Mới (Pont Neuf), nhớ Đà Lạt, miệng khẻ hát "Ôi quê xưa biết bao giờ trở lại."

 Thời sinh viên, mình hay ra đây ngồi vẽ phong cảnh này. Hôm trước, xem hình thấy thanh niên thiếu nữ yêu nhau đem ổ khoá ra móc ở đây làm mất vẽ đẹp của không gian như khi xưa những tên dùng sơn của hãng Bạch Tuyết, vẽ tên mình và người con gái mình yêu trên những tản đá ở thác Cam Ly.

Những tia nắng ban mai trên Hồ Xuân Hương như bức tranh về phong cảnh rất đẹp khiến mình không bao giờ quên. Sau này xem những bức tranh của Claude Monet thì mới hiểu và cảm nhận được cái đẹp của dạo ấy. Phía sau Thuỷ Tạ là cái nóc chuông của trường Yersin, thường thường vào giờ đó thì mặt trời cũng đang lơ lững, mờ mờ phía sau nóc chuông. Lần đầu về thăm Đà Lạt, mình ngủ tại khách sạn Palace. Buối sáng, mở cửa sổ, từ balcon nhìn xuống Thuỷ Tạ và hồ rất đẹp nhưng vì mùa hè, mưa gió, không đẹp như khi vào thu.

Mình thích ngày đi học lại vì Tết Trung thu sắp đến. Đi học về, la cà ra phố, đi ngang qua các tiệm bánh, trưng bày mấy cái bánh trung thu, hình vuông. Bánh nướng có, bánh dẻo có. Cứ thỏm thèm, ngày nào cũng đi qua đi lại, nhìn qua cửa kính, ước mơ ngoạm được cái bánh trung thu. Ngày nay, mua về cúng Phật rồi cho mấy đứa con ăn thì chúng nhăn mặt không ăn.

Nếu mình không lầm thì hàng năm, bà cụ mua hai cái bánh trung thu; một cái bánh nướng và một cái bánh dẽo để cúng Phật. Ngày nào, mấy anh em cũng nhìn lên bàn thờ xem hai cái bánh còn hay không, lâu lâu bắt cái ghế leo lên, dí cái lổ mũi gần hai cái bánh để hít hà, miệng nam mô lạy Phật cho mau đến rằm.

Ngoài bánh trung thu thì có bánh con heo nướng. Nếu mình không lầm thì trong con heo không có nhân nhiệt gì cả hoặc nếu có thì nhân đậu xanh. Mấy cái bánh hình con heo to đâu khoảng 7-10 cm, như con heo quay, cháy cháy, có gắng hai hột đậu đen làm hai con mắt rồi mấy chú Ba Tầu vẽ phẩm đỏ chi đó. 

Mình hay chơi đánh đáo bằng bạc cắc với tụi trong xóm. Chơi bắn bi, tạt lon,... thì mình không giỏi nhưng chơi  đánh đáo có bạc cắc thì mình ăn nhiều hơn thua. Cả đám đặt  ra một đồng bạc cắc, rồi xem đứa nào đi trước. Cầm một cọc bạc cắc, thảy vào cái lỗ. Không hiểu tại sao, khi mình thảy, thường thường là hai ba đồng lọt vô lỗ là thấy ăn rồi thêm chọi, bún, mỗ,.... Mỗi lần ăn tiền tụi trong xóm là chạy sang rạp Ngọc Hiệp, khúc tiệm ông thầy mằng, có tiệm bán bánh trung thu, mua một hai con heo nướng đem về chia cho mấy đứa em. Chỉ có bột không mà ăn sao thấy ngon nức nở.

Ngoài mấy cái bánh Trung Thu ra, mình còn lượn vòng vòng đường Minh Mạng, cạnh tiệm bán sửa radio, tivi Công Đồng; có tiệm bánh, treo thêm các lồng đèn; có khung làm bằng tre vọt, dán giấy bóng. Thường thường là đèn ông sao, đèn hình con gà, con cá,... Không tiền thì mua mấy lồng đèn giấy xếp. Có lần thằng Dư, hàng xóm, học trường Trần Hưng Đạo, ai chỉ nó làm đèn Kéo Quân nhưng chả thấy quay gì cả. Có lần ông cụ mình làm cái đèn Cù nhưngnặng quá không khiên đi khoe được.

Ngoài các lồng đèn, tiệm này còn bán mấy cái xe lon đẫy, có hình bướm mà sau này lớn lên học trung học, mình có làm để chơi hay cho mấy đứa em. Lấy cuộn chỉ đã xài hết chỉ, lấy cái ruột bằng gổ. Dùng sợ dây kẽm xỏ qua lỗ  cuộn chỉ mà người ta dùng để cắm vào cây sắt nhỏ nơi đầu máy may, để lúc đạp máy may thì sợ chỉ sẽ kéo cuộn chỉ quay vòng vòng, nhả chỉ ra. 

 Mình lấy cái lon sữa bò dùng hết, đục hai cái lỗ hai đầu để xỏ dây kẽm từ cuộn chỉ. Lấy cái cây tre nhỏ gắn vào cuộn chỉ để đẩy cho xe chạy. Xếp sợi dây kẽm theo cấu trúc để khi mình đẫy cái xe thì mỗi vòng sẽ bật lên bật xuống để đánh vào lon sữa bò, gây tiếng vang ken ken. Tối Trung Thu, đi rước đèn thì cắm cái nến nhỏ trong lon sữa bò, đục vài lỗ bằng đinh thì ánh sáng từ các lỗ đinh tỏa ra khá đẹp trong đêm tối.

Mùa này họ hay bán con gà nung bằng đất sét, có miếng giấy cứng ở giữa để khi thổi hay dập đập nghe tiếng ueo ueo hay con rối hình gà trống hoặc mấy cái vụ.

Rằm Trung Thu thì trong xóm mình chả làm gì cả nhưng xóm Địa Dư thì tổ chức rước đèn khá vui. Xóm này có hai mạng học Yersin; Phạm Ngọc Liên và Lâm Tài Phát. Đám con ông Lào, nhà ở cuối cư xá, hay làm ông Địa, con Lân rồi đánh trống Tùng Tùng... Đi một vòng từ xóm Địa Dư đến cư xá Công Chánh rồi đi lại. Đám con nít đi theo phía sau, rước đèn, mỗi đứa xách theo đèn ông sao, con gà, cá chép,.. sung sướng hát nhép nhép  "đèn ông sao với đèn cá chép, em rước đèn này đến cung trăng... Tết trung thu rước đèn đi chơi, em rước đèn đi khắp phố phường, lòng vui sướng với đèn trong tay, em máu cadưới ánh trăng rằm,..."

Có năm, không hiểu sao Thiên Hạ đua nhau ra Hồ Xuân Hương, thả lồng đèn hoa sen làm bằng giấy, có hình hoa sen, có gắn đèn cầy ở trong. Các nhà ở đường Hai Bà Trưng cũng rũ nhau thả đèn ở suối giữa đường Hai Bà Trưng và Phan Đình Phùng. Nhìn những hoa sen làm bằng giấy với ngọn nến lênh bênh trên Hồ khiến có cảm giác rợn rợn như cô hồn ở đâu bay lượng trên hồ. Mình không nhớ rõ năm nào nhưng chắc chắn là năm có trò "Trừ Ma quỷ". Nghe đồn, đêm đêm quỷ đi vòng vòng, Thiên hạ sợ ma quỷ vào nhà bắt con cháu nên lấy sơn hay vôi quẹt chữ Vạn hay cái Thánh Giá trước nhà. Mình chỉ nhớ một sáng, mở cửa ra đường thì thấy ai vẽ bằng vôi chữ Vạn ngay cửa nhà mình. Tương tự một lần, mở cửa nhà thấy ai treo trên cây Mimosa trước cửa nhà một hình nộm, đề chữ đã đão HCM. Sau này lớn lên mới hiểu là chiến dịch bài trừ, chống quân đội Mỹ tham gia chiến tranh VN, "ma quỷ" nói lái lại là "Mỹ qua".

Đi rước đèn xong, về nhà là đến giây phút mà mấy anh em chờ đợi lâu nay. Bà cụ đang cúng còn mình và mấy đứa em thì cứ thổi phù phù cho hương sớm tàn. Gọi bà cụ, nói hương tàn rồi nhưng bà cụ nói chưa tàn, đợi thánh thần về hưởng bánh cái đã. Mình thì cứ lâm râm, khấn gọi thánh thần ăn cho mau mau.

Lạy ba vái xong là xem bà cụ thỉnh bánh xuống. Bà cụ chia bánh làm hai, một phần để dành cho ngày mai. Bà cụ chia phần còn lại, ra làm bốn cho 4 anh em. Sau khi ăn phần mình xong thì cứ thò tay, lấy ngón tay chấm chấm mấy miếng bánh vụn nát rồi quẹt quẹt. Cái khổ là bà cụ mình cứ ba năm sinh hai đứa con nên những năm sau thì thay vì chia 4 phần lại chia làm 5,6,7,8,9... Nên phần bánh càng ngày càng nhỏ lại theo năm tháng.

Mình nghe cô em kể trong thời Bao Cấp, một hôm bà cụ mua được trái soài tượng, đem về bồi dưỡng cho cả nhà. 8 đứa em ngồi xung quanh bà cụ. Bà cụ gọt cái vỏ trước, mấy chị em chia nhau chấm nước mắm ăn. Từ từ, bà cụ cắt từng miếng rồi chia đồng đều, cuối cùng là cái hột soài, mấy chị em truyền nhau để mút đúng một cái. 

Một lần khác, đi chợ về, bà cụ có con mắt rất gian, ra hiệu cả nhà im lặng, kêu mấy đứa con đóng cửa sổ lại. Một đứa rình ở cửa sổ nếu người hàng xóm nào đi ngang hay rình mò chi thì cho biết. Bà cụ lấy một cái gói giấy báo, mở ra thì có nữa con gà luộc. Mỗi đứa em được chia cho một miếng thịt gà, sau đó thay phiên mút mút trong im lặng mấy cái xương gà rồi lấy cái cối để giả cho nát rồi đem ra sau vườn chôn khắp nơi. Nghe nói dạo đó, nhân dân ăn khoai mì và bo bo, ăn thịt rất hiếm, hàng xóm mà biết được sẽ tố cáo.

Mình thích nhất là bánh nướng. Mấy chú Ba ấn dấu đỏ trên bánh. Khi bà cụ cắt bánh ra thì thấy mè đen trộn với bí xay nhỏ rồi cái tròng đỏ của hột vịt, nhân trộn với đậu phụng, thịt hằm bà lằng,..Bánh dẻo thì màu trắng, chắc luộc. Không biết họ bỏ cái gì trong nhưng cứ thấy thơm thơm mùi mức bí.  Ngày nay coi hình ảnh họ làm bánh ở VN và bên Tàu thì hết dám mua, chỉ mua ở tiệm làm ở Bolsa, còn bánh nhập cảng từ TQ thì không dám.

Có năm, mình thấy có ông nào vác hai hộp bánh trung thu đến nhà, tìm gặp ông cụ. Mấy anh em mình thập thò sau cánh cửa, lâu lâu liếc vô phòng khách, nhìn hai hộp bánh, lâu lâu nuốt nước miếng cái ực. Cuối cùng khách đi về, đưa cho ông cụ hai hộp bánh nhưng ông cụ không nhận, nhất quyết từ chối khiến mấy anh em, cõi lòng tan nát, bao nhiêu giấc mơ được ăn cái bánh nướng tan theo mây khói. Sau này lớn lên, mới hiểu ông Cụ không muốn bán rẽ lương tâm mình bằng hai hộp bánh dù đàn con đang thèm thuồng. Nghe kể, người ta nhờ người làm bánh bỏ vàng ở trong, gia chủ nhận quà bánh, khi ăn sẽ thấy mấy lượng vàng.

Ngày nay, hàng năm mình mua một hộp bánh trung thu để cúng rằm, theo phong tục. Sau đó hai vợ chồng mất mấy ngày mới tiếp thu, bồi dưỡng hết hộp bánh còn mấy đứa con thì chê không ăn. Hồi chúng còn nhỏ mình hay đem ra phố Bolsa, nơi Cộng đồng tổ chức Trung Thu, phát quà cho thiếu nhi. Cõng thằng con trên vai, Tùng xình Tùng xình theo điệu Lân múa. Thằng con vui lắm nhưng lớn lên thì nó chả màng đến trung thu. Chơi game điện tử thú hơn là chạy theo con lân. 


Sơn đen




Tiếng hát Văn Học

Tiếng hát Văn Học

Mình có cái thú khi lái xe, nghe mấy bài giảng của giáo sư đại học để quên kẹt xe, đường xa. Hôm trước, chạy từ vườn về thì mệt, không muốn nghe bài vở nên mở đài phát thanh Văn Học Đàlạt nghe, ai ngờ gặp ngay tên Đá Xanh đang hát Anh còn nợ em thêm cái điện thoại bị rớt xuống gầm xe nên không dám lượm đành phải nghe đi nghe lại lời rên rĩ của tên Đá Xanh trong suốt 40 phút.

Mình rất ngạc nhiên là HMS đã bỏ công dàn dựng lên trang nhà, mái ấm Văn Học Đàlạt quá tuyệt. Phần hình ảnh, phần thơ, phần văn, phần nhạc, phỏng vấn, đủ thứ trò. Mặc dầu con cái đã lớn nhưng công sức bỏ ra thêm tiền bạc đóng cho i website Soundcloud để cựu học sinh Văn Học khắp thế giới có thể nghe dễ dàng. Phần kỹ thuật thì không lo lắm nhưng liên lạc các cựu học sinh của trường nhất là phải gạn lọc các tài liệu bài vỡ, hình ảnh rồi có người chê kẻ trách hùm bà lằng. Nhiều khi cô nàng imeo mình, xin ý kiến nên đổi vài từ cho nó thanh, bớt tục. Lúc đầu thì mình không hiểu, sau này thì nhất trí, cứ tự nhiên như người Hà Nội. Nhiều khi tính đọc lại những gì mình viết để sửa mấy từ hơi bạo mồm, đối với tây thì chẳng nghĩa lí gì nhưng với văn hoá Việt thì hơi tục nhưng nhìn loạt bài nhiều quá nên hết dám đọc lại.

Phần ca nhạc thì có hai phần chính: tự biên tự diễn và phần karaoke. Phần karaoke thì theo mình hơi mất cái tự nhiên, có thể nhạc đệm cho mọi tầng lớp, mất đi tố chất cá nhân còn phần tự biên tự diễn thì mình thích hơn tuy âm thanh, kỹ thuật không bằng máy karaoke.

Nghe mấy ca sĩ Văn Học hát đưa  mình về miền không gian của 40 năm trước, khi còn lết la lết lếch ở trung học, ra chơi nghe nhạc của mấy học sinh hát hay nhiều khi ngồi trong lớp nghe bạn bè hát, chia sẻ những ấp ủ, hoài bảo, giấc mơ của tuổi mới lớn, kỹ thuật không chuẩn lắm nhưng ấm tình bạn hữu, nghe lòng say say.  

Có lẻ giọng hát của Thu Cúc lôi cuốn mình nhiều nhất, hình như cô này khi xưa không có học với mình vì tên ca sĩ này được nói lái thì trở thành con cháu của Thúc Sinh, chỉ có bỏ học. 3 giọng hát mình đã quen nghe là Ngân Hà, Tuyết Phượng và Nhất Anh. Nhất Anh thì đã nghe từ trung học, nay hát giọng Huế rất nghẹn ngào còn Ngân Hà thì nghe hoài mỗi lần đến nhà mình chơi, nhưng có lẻ mình thích cô nàng hát nhạc kích động hơn như Cô Bé dỗi hờn, 60 năm cuộc đời, còn Chức Nữ thì ngất nga ngất ngây với Ngưu Lang. Nói đến Ngân Hà thì phải nói đến giọng hát Ngân Hàng, chuyên gia viết thư cho chương trình Nhạc Yêu Cầu của đài phát thanh Đà Lạt khi xưa, không ngờ ngày nay hát hay cực.  

Giọng nam thì mình thích nhất tiếng hát của tên Đá Xanh vì phải nghe đi nghe lại trong vòng 40 phút nên bị nhập tâm bản anh còn nợ em. Phải công nhận sau 43 năm hắn vẫn một lòng muốn trả nợ cho cô bé răng khểnh ngày xưa, gặp mình thì đã xù từ lâu. Cái gì chớ nợ nần là mình không muốn nhắc đến. 43 năm sau, hắn còn nhớ những lần chép thơ, làm thơ để đưa cho đối tượng rồi vì tính nhát gái, lại đem đến trường rồi lại vát về, trách ai vô tình không hiểu lòng hắn.

Thấy vui vui mình viết về cuộc tình đơn phương vector của hắn, hắn lại đem cho vợ hắn đọc như để khẳng định với đồng chí gái của hắn là một lòng trung thành với vợ thì ông lương y Buôn Thượng cho mình hay là núi Nhạn ở Tuy Hoà, Phú Yên. Tên này ở Việt Nam nên cái gì mình không tường thì được hắn giải thích nên học thêm chút chút về Việt Nam, như Hàn Lệ Nhân nói "quê mẹ trong tôi chỉ là văn chương". c đầu mình tưởng là chim nhạn té ra ở Tuy Hoà có cái i tên Nhạn còn được gọi là núi Khỉ vì chim nhạn và khỉ đóng đô ở đó đến khi quân đội VNCH, phá bớt để xây đồn. Thật ra gọi là núi chớ chỉ cao có 60 thước. Nguyễn Đức Quang có làm "Chiều qua Tuy Hoà" mà mình rất thích, trong cuốn Du Ca sau này không thấy ai hát. Bác nào có nghe ai hát cho em xin cái link. Có lẻ bài hát em thích nhất thời còn ở Việt Nam. 

Cô bé Gánh Hàng Hoa ở San Jose hát bài của chính cô nàng sáng tác về Đà Lạt khá xúc động. Ngôi sao Dancing with the Văn Học's Stars thổn thức mấy bản tình ca đau buốt. Cô Cỏ Đá thì trông quen mặt nhưng không nhớ có học chung hay không. Ông thần Nhị Anh, đệ nhất dương cầm của Văn Học, lâu lâu nghe tiếng con chó của hắn gâu gâu đòi ra ngoài. Có thầy Trần Đại Bản hát nhạc Trịnh Công Sơn rất chiến dù đã lớn tuổi.

Cô bé Lê Thị Dậu, nhà cô này sinh được 12 người con nên đặt tên theo con thú của năm sinh, chơi guita hát nhạc Trịnh Công Sơn rất có hồn. Ông Tóc Gió Thôi Bay thì mình thích anh chàng hát trực tuyến hơn như lúc hắn xuống miền nam Cali, hát ở nhà mình. Có một bà hỏi mình hắn còn vợ không vì bà ta bỏ chồng tính đi bước nữa vì mê tiếng hát của hắn. Hắn hát rất có hồn nhưng trên đài phát thanh thì chú tâm đến kỹ thuật hát  lại thiếu cái gời gợi, cái nhung nhớ, khắc khoải cho người nghe.

Anh chàng xứ Nghệ hát nghe rất chuẩn, nhưng có lẻ bài hát làm mình cảm động nhất là của Trần Ngọc Hiệp. Mình có học với hắn vài tháng, học rất giỏi rồi bị đôn quân. Trong đêm vắng, khi vợ con đi xa, trong tiếng  mưa rơi của Đàlạt, hắn ngồi trần tình về những ước ao nhỏ bé, kiếm thêm tiền để sửa lại cái mái nhà dột cho vợ con khỏi hứng mưa, rồi hát "Nổi Buồn Hoa Phượng", nổi buồn của một kẻ không được tiếp tục đi học.

Cái hay là các bạn học cũ, nay gặp lại thì không còn ái ngại như 40 năm trước, người diễn đạt tâm sự của mình qua những bài thơ, ấp ủ những mối tình câm dạo nào, hay bằng giọng hát kể nổi buồn qua những ca khúc, kẻ thì kể chuyện đời xưa trên diễn đàn, kẻ thì chỉ cách làm bánh để ăn cho mập rồi chỉ cách làm eo thon, trồng hoa, căms hoa, ôi thôi đủ trò. Sau 40 năm, chúng ta chỉ còn lại có nhau, chia sẻ những cái hay để cùng nhau đi nốt quảng được ra đời con lại.

Nhs

Vinh danh phú quý không bằng có bạn