Showing posts with label dl Những mảnh nhớ. Show all posts
Showing posts with label dl Những mảnh nhớ. Show all posts

Hàng xóm không quen

 Hôm nay, mình nhận tin nhắn chúc mừng giáng sinh, nhưng không biết là ai. Theo phép lịch sự, mình nhắn lại cảm ơn và cầu chúc gia đình chị ấy được nhiều sức khoẻ. Lại được hồi âm, kêu em nhỏ tuổi hơn chị Thuỷ, cô em kế mình. Đoán là chắc quen thân gia đình mình vì biết đến cô em kế của mình ở bên Tây. Nên hỏi tiếp mới khám ra một chị hàng hàng xóm, ở cư xá Địa Dư khi xưa, có bà mẹ bán bánh căng.

Mình nói, chỉ nhớ khi xưa xóm này có một bà bán bắp nướng. Chị ta kêu cũng là bà đó, khiến mình suy nghĩ khá nhiều, moi óc trí nhớ mình để xem có ai bán bánh căng khi xưa tại đây. Hoá ra, trước 75 thì bán bắp nướng, thơm dứa cắt từng miếng, rồi sau 75 thì bán bánh căng mà mấy cô em mình là khách hàng quen. Cứ kéo nhau xuống đây ăn chịu, rồi mẹ mình trả sau, kiểu khi xưa mình hay ăn ghi sổ ngoài chợ. Mình chưa có dịp ăn bánh căn của mẹ chị ấy. 

Khi xưa, công chức có đồng lương cố định nên nhiều bà vợ, phải buôn bán thêm. Xóm mình có Bà Ron đi bán thêm ngoài chợ, bà Phúc gánh nồi bún bò đi bán thêm mỗi sáng, chỉ tiếc mình không có tiền để mua ăn. Dì Tân, con bà Dụ cũng mở cái quán nhỏ trước nhà để bán tạp hoá, kiếm thêm chút tiền nuôi con. Mình đoán bà Chí cũng tương tự, chiều chiều, ra ngồi trước cư xá, ngay chỗ con hẻm đi qua Phan đình Phùng, bán bắp nướng. Mình cũng không có tiền để mua ăn nên chỉ nhớ mại mại, có thấy một bà bán bắp nướng.

Chị này cũng tốt bụng, chắc nhờ ăn bánh căn của mẹ khi xưa. Đọc bài mình viết về Đà Lạt, lên nhà mình chụp hình để gửi cho mình xem, đỡ nhớ nhà. Lâu lâu có gì lạ thì cho biết. Chị hứa khi mình về Đà Lạt, sẽ lên nhà đổ cho ăn bánh căng gia truyền của gia đình. 

Ảnh chị ta chụp trong sân nhà mình. Thấy hoa bà cụ trồng.

Mình có một cô hàng xóm xa xa một tị, cũng không biết nhau khi xưa, con Cò Đào, ở xóm hai ông thần Sơn Tánh, thợ may khi xưa. Chị này, khi mình đi tây chắc còn bận quần thủng đáy. Cũng tìm tin tức về Đà Lạt xưa, để gửi cho mình đọc. Họ biết mình thích hóng chuyện nên có gì là lạ về Đà Lạt xưa thì gửi cho mình. Còn chuyện ngày nay thì mình chịu.

Có nhiều người đọc bài của mình, lại biết mẹ mình nên hay gặp mẹ mình trò chuyện, giúp bà cụ có chuyện để nói, bớt nổi cô đơn khi về già. Bố mình đã ra đi, bạn bè, người quen cũng lần lượt ra đi, để lại cỏi trống vắng trong đời. Mình đi tây, gần 20 năm mới trở lại Đà Lạt nên bà cụ nhớ nhiều. Thích nói chuyện với mình để kể chuyện ai đó, nhắc đến mình.

Từ ngày, có hai ông thần làm bờ lốc cho mình thì làm quen người Đà Lạt khá nhiều. Họ gửi hình Đà Lạt xưa hay kể những mẫu chuyện ngày xưa tại Đà Lạt ra sao. Ai chết vì tình, ai chết vì yêu gái Đà Lạt, đủ trò. Nghe họ kể thì mình thất kinh vì không biết đến mấy chuyện này. Chuyện trong xóm thì nhớ còn chuyện ở ngoài phố hay phường khác thì chịu.

Mình nhớ nhất câu chuyện, một cô gái chết đuối ở hồ Xuân Hương. Có một cặp trai gái yêu nhau, thề non hẹn biển nhưng bố mẹ cô nàng không chịu. Kêu tên này không đàng hoàng, cứ ham chơi, chi đó. Thế là hai anh chị họp khẩn, đề suất một kiến nghị và cả hai nhất trí là tìm cái chết, lấy nhau ở suối vàng như Romeo và Juliet Đà Lạt. Để lại tuyệt mạng thư, xin hãy chôn chúng con gần nhau trên đồi thông để các cặp trai gái yêu nhau sau này lên Đồi Thông hai mộ, để đắp mộ cuộc tình sớm nắng chiều mưa. Sau đó, cả hai ra bờ hồ, đứng trên cầu chữ Y, hôn nhau lần cuối rồi nắm tay nhau nhảy cái đùng xuống hồ.

Cái khốn nạn là tên con trai, thề non hẹn biển nhưng lại biết bơi. Nên khi nhảy xuống hồ thì hắn theo thói quen bơi trốn qua bên kia bờ trong khi cô gái như cơn mưa phùn của Đức Huy, từ từ chìm theo cuộc tình. Tên con trai bơi qua Thuỷ Tạ, leo lên bờ, sợ quá, đi xe đò về Sàigòn. Mấy ngày sau, cảnh sát còng đầu ở Sàigòn, giải về Đà Lạt. Từ đó con trai Đà Lạt mang tiếng là hứa lèo nên mình bỏ đi Tây để khỏi mang tiếng ác. Chán Mớ Đời 

Hình chị hàng xóm gửi, chỗ Ấp Ánh Sáng, họ giải toả để xây nhà nhưng mới được phần bên của con đường Ấp Ánh Sáng. Trong khi chờ đợi, mua khu bên kia thì họ cho trồng hoa cho thiên hạ chụp hình.

Có mấy người Đà Lạt xưa, tính tổ chức, gặp mặt ngày mai, ăn bún bò. Con gái mình từ Nữu Ước về ăn giáng sinh với gia đình, kêu chắc dính covid. Hôm qua, nó bảo kết quả thử nghiệm là dương tính nên mình báo cho họ, hẹn khi khác. Giáng sinh năm ni sao thấy lạ. Con gái về, thường thấy nó vui, kể chuyện đủ trò, nay nằm trong phòng xem phim. Thằng con theo mình lên vườn, hái bơ cho cô cháu bán kiếm tiền ăn Giáng Sinh. 

Đồng chí gái thì bệnh, ăn uống không đủ chất bổ nên chở đi bệnh viện xem. Bác sĩ kêu thiếu Sodium và Potassium nên chóng mặt. Về nhà mình phải bồi dưỡng thức ăn. Mấy hôm nay ngủ được nên cũng mừng. Đồng chí gái bắt đầu tập Trạm Trang Công và thở nên thấy đỡ. Ngủ tương đối khá hơn trước. Mình nói tập Hồng Gia và Trạm Trang Công, không chịu vì lãnh đạo lúc nào cũng quang vinh, vĩ đại, không thể nghe thằng chồng nông dân. Đau quá, phải nghe nên bắt mình tập chung thì đỡ. Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời vợ lớn mà nghe lời chồng.

Dạo này, mình đang lo bán mấy căn nhà ở xa, lái xe cả tiếng để mua mấy căn hộ gần nhà mình, nên cũng lu bu, không nấu ăn cho vợ. Vợ làm việc ở nhà nên không nấu cơm được. Mới bán được vài căn ở xa để mua vài căn hộ khác thuộc thành phố mình ở. Đang truyền nghề cho thằng con.

Tuần trước, có hẹn với một cặp vợ chồng mỹ trên Torrance, họ bán 4 căn hộ thuộc vùng Rent Control nên mình không thích lắm nhưng họ có thể cho vay lại. Dẫn thằng con theo để họ nghề thương lượng. Mình kêu nó đem theo hồ sơ tất cả mấy căn nhà mình mua, do chủ nhà vay lại để đưa cho chủ nhà xem làm bằng chứng. Người già, họ rất cẩn thận nên phải rò trước những lo âu của họ.

Mình đoán là chủ nhà cần tiền để làm gì đó. Họ không có con cái. Họ muốn bán lấy tiền rồi đóng thuế cho khoẻ việc đời. Chắc sức khoẻ không khá vì mình thấy bà vợ, người quyết định, bố mẹ để lại, khuôn mặt không thấy khoẻ lắm. Khu này cho mướn mỗi căn hộ giá $1,750/ tháng mà họ chỉ cho thuê $650/ tháng. Chắc họ không lên tiền nhà từ 20 năm nay. Cuối cùng thì họ bán cho ai trả tiền liền, dù phải đóng thuế. Không có duyên mua thì đành chịu nhưng thằng con cũng học được chút gì.

Dạo này mưa đầu mùa nên phải lên vườn xem có hư hại gì không. Nên cũng bận. Mỗi ngày lên vườn đi bộ tối thiểu 4 dặm, để chuẩn bị leo núi Machu Pichu 7 ngày 6 đêm tại Peru trong 4 tháng tới rồi Đỉnh Whitney mà năm ngoái mình không thực hiện được vì họ đóng cửa các công viên tại Cali phòng cháy rừng.

Tối qua, mình nấu tôm hùm và cá hồi, cả nhà ngồi 4 góc bàn lớn để ăn giáng sinh. Uống champagne, sau đó hát karaoke, khá vui. Sau những giờ phút căng thẳng vì con gái dính covid. Hôm qua, 3 cha con đi bộ 4 dậm, che dù dưới mưa. Đi dưới mưa Cali, lại nhớ mưa Đà Lạt.

Đầu năm, chúc các anh chị cùng gia quyến được nhiều sức khoẻ.

Nguyễn Hoàng Sơn 

ADU, SB 9, và SB 10

Đầu năm nay 2022, hai đạo luật về địa ốc SB 9 và SB 10 sẽ bắt đầu hiệu lực. Hai đạo luật tiểu bang này được thông qua nhằm cải tiến tình trạng khan hiếm nhà cửa tại California. Dân số lên đến gần 40 triệu người, thường được tập trung tại miền bắc xung quanh San Francisco và miền nam xung quanh Los Angeles. Còn miền trung Cali thì chỉ ruộng và ruộng, ít dân cư. 

Theo thống kê, tiểu bang Cali cần tối thiểu thêm 3.5 triệu căn hộ và 2 đạo luật SB 9 và SB 10, sẽ giúp Cali có thêm 3.5 triệu căn hộ trong vườn 4 năm tới. Hơi hoang đường nhưng khiến mình thích nên tính đi làm nghề vẽ và xây nhà lại.

Theo thống kê thì năm 2020, vùng Los Angeles có đến 65,000 người vô gia cư. Hôm qua, mình ghé lại Bolsa để mua cháo cho vợ. Xe vừa vào bãi đậu xe, phía sau thấy số người vô gia cư gia tăng khá nhiều. Khi xưa, thấy một hay hai người, nay đông hơn quân Nguyên. Cho thấy, vụ đại dịch đã làm nhiều người mất nhà.

Theo mình hiểu việc khan hiếm nhà cửa tại tiểu bang Cali vì luật lệ xây cất năm 2000. Từ khi tiểu bang chuyển hướng chính trị, bầu cho đảng Dân Chủ. Luật lệ bắt buộc phải đóng tiền đủ thứ để bảo vệ môi trường,..khiến xây cất rất mất công, mất thời gian khiến nhà cửa lên giá như điên. Mình nhớ xây căn nhà 2 tầng, 4 phòng ngủ 3 phòng tắm, ga-ra 2 xe chỉ mất có 6 tuần lễ trong khi thủ tục giấy tờ phải mất đến 7 tháng trời. Từ đó, mình bỏ nghề xây nhà cửa vì lâu lắc. Mượn tiền để xây nhà mà chúng bắt phải đợi cả năm thì chết.

Giá xây nhà ở Cali đắt gấp 3 lần các tiểu bang khác.

Thật ra, các luật mới về xây cất, giúp kỹ thuật xây dựng tốt hơn, nhà cửa sẽ bảo đảm khi bị động đất,… vấn đề là các thủ tục hành chánh gây thêm phiền phức, mất thời gian. Mình đi Seminar, gặp mấy ông giám đốc than trời. Họ muốn đầu tư, xây công ty, mướn thợ, tạo thêm công ăn việc làm cho một thành phố Moreno Valley lên đến 40,000 công việc. Vấn đề thành phố, không cho phép. Bắt phải mướn một chuyên gia về môi trường xem xét có loại kangooroo chuột chi đó hay cắc kè,… một loại thú hoang mà không ai biết hay nghe đến bao giờ.

Các nhà đầu tư, mua đất để xây nhà, chi phí quá cao nên khi bán thì chỉ có dân trung lưu , có chút tiền mới mua được. Còn dân nghèo thì đành chịu, đi thuê chung cư. Luật xây cất, công nhân lao động, bắt buộc đủ trò khiến tiền lệ phí giấy tờ lên đến 15-20% tổng số xây cất nhà cửa.

Vấn đề này đưa đến vấn nạn khác là họ phải mua các khu đất ở gần rừng, giá rẻ, đất hoang để phát triển, gây nhiều vấn đề về hoả hoạn, cháy rừng tại Cali.

Từ 20 năm qua, Cali không thấy xây cất chung cư hay nhà cửa cho dân nghèo. Khó làm! Ai cũng hiểu vấn đề nhưng không nói ra. Trước năm 2000, mình xin phép xây cất, ngay tại chỗ. Chỉ vào thành phố, đem bản vẽ rồi tên kỹ sư của thành phố, xét rồi đóng dấu. Nếu sai nhiều thì hắn kêu về sữa lại rồi hẹn ngày khác.

Nay thành phố, sợ bị thưa kiện nên giao cho mấy công ty kỹ sư tư nhân để họ xét duyệt. Bọn này thì mình không gặp mặt được, cứ viết thư kêu sửa cái này, cái kia để câu thêm giờ, kiếm thêm chút tiền. Thủ tục xin giấy phép kéo dài, mất thời gian. Tốn thêm tiền vì thành phố ở giữa kiếm chút tiền, làm thủ tục đưa cho kỹ sư tư nhân xem xét hồ sơ.

Khi ông Trump lên thì có ra chương trình Opportunity Zone, hầu giúp tái thiết lại các khu phố cổ nhân đụng phải các luật lệ xây dựng mới của tiểu bang và địa phương nên cũng ngọng.

Để giải thích thêm vụ khan hiếm nhà cửa tại Cali. Khác với các tiểu bang khác, Cali được xây dựng, phát triển sau đệ nhị thế chiến thứ 2. Dạo ấy, xe hơi được xem là phương tiện, giải phóng con người. Ở các tiểu bang khác, đi đâu phải leo lên xe buýt, xe Tram, xe lửa hay máy bay. Hệ thống hạ tầng cơ sở khá ổn định.

Ở Cali, các công ty bán xe hơi khuyến khích mua xe hơi, để được tự do nên các thành phố, hạ tầng cơ sở, kiến thiết đô thị được dựa trên việc di chuyển xe hơi. Đi các tiểu bang khác thì chạy xe trên xa lộ cả tiếng đồng hồ không thấy một bóng con bò. Cali trở thành biểu tượng của người Mỹ, vùng đất hứa nên ai nấy cũng dọn về đây ở, nhất là vùng Silicon Valley, khởi đầu cuộc cách mạng công nghệ điện toán.

Xa lộ Cali được xây đến 5, 6 làn mà vẫn chật cứng. Thiên hạ dọn về đây ở vì khí hậu và công việc. Tiểu bang lại khuyến khích xây nhà cửa, biệt thự nên cần đất. Trước đây ở Los Angeles, mỗi miếng đất là 3,000 sq.ft., xây một căn hộ 2 phòng ngủ 1 phòng tắm. Không cần ga ra, chỉ cần có chỗ đậu cho một chiếc xe.

Nay xây nhà phải có ga-ra 2 xe và chỗ đậu cho ít nhất hai chiếc xe khác. 5 năm gần đây, mình thấy người ta xây các chung cư nhiều hơn là nhà. Trong các thành phố, họ đập phá hay sử dụng các khu kỹ nghệ để làm chung cư.

Cách đây 2 năm, luật ADU ra đời nhằm giải quyết vấn nạn nhà cửa ở Cali. Đạo luật này cho phép chúng ta xây trong lô đất của mình thêm 1 ADU (accessory Dwelling Unit), một căn hộ khác và 1 JADU (junior accessory dwelling unit), hoán đổi ga-ra thành căn hộ nhỏ. Luật ADU bổng nhiên biến vùng đất Cali từ 1 căn hộ thành khu có thể xây 3 căn hộ trong một đêm. Luật này ra đời cũng khiến dân Cali nức nở nhưng vẫn gặp phải vấn đề thủ tục hành chánh. Người dân đi xin phép xây cất thì bị chính quyền địa phương, thành phố bác đơn xin xây thêm ADU. Thế là ngọng. Một ông thầu khoán kể là khách hàng ở thành phố Thousand Oaks, xin xây thêm ADU nhưng bị bác đơn hết.

Từ đó họ mới cho ra luật SB 9 và SB 10. SB 10 giúp các thành phố có thể thay đổi các vùng lại để gia tăng các căn hộ. Điển hình là các thành phố bắt mỗi lô đất phải 10,000 sqft. Họ có thể bớt lại sự đòi hỏi.

SB 9 thì cho phép chúng ta có thể chia lô đất đang ở thành 2. Và có thể xây 2 căn hộ. Xem như từ 1 căn nhà, chúng ta có thể biến thành 4 căn. Cái hay là họ không đòi hỏi phải thêm chỗ đậu xe, nhất là ga-ra. Trước đây, trung bình 1 căn nhà 3,4 phòng ngủ thì tiêu chuẩn ga-ra 2 xe. 5 phòng thì 3 xe nên tốn tiền. Nay chỉ cần từ nhà đến bến đậu xe buýt chỉ cần không quá nữa dậm là không cần phải có chỗ đậu xe hay ga-ra.

Vấn đề sẽ xẩy ra là trong các khu dân cư sẽ có vấn đề đậu xe. Ngày nay, vào các khu dân cư bình dân là thấy xe đậu đầy nhất là vụ đại dịch, thiên hạ học hay làm việc ở nhà. Ban ngày đã không có chỗ đậu xe. Đêm về là một vấn đề hay sáng nào mà thành phố cho xe đi quét đường.

Dạo này, mình dự seminar và đọc tài liệu về ADU và SB 9, 10 khá nhiều để có cái nhìn rõ ràng hơn.

SB 9 biến các lô đất tại Cali thành vùng R-2. Chủ nhà có thể chia lô đất của mình ra làm 2, không dưới 1,200 sqft. Hai lô đất bằng nhau hay 40% của lô rộng nhất. Thành phố có thể đòi hỏi thêm một chỗ đậu xe.

SB 9 không áp dụng vào các chương trình đập phá hay sửa chửa các chung cư dành cho người nghèo. Hay những công trình cần phải phá đập hơn 25% hay những nhà nằm trong khu phố cổ, lịch sử. Mình có sửa chửa một căn nhà trong phố lịch sử. Mệt lắm.

SB 9 cho thấy nhiều vấn đề sẽ xẩy ra: chỗ đậu xe, an ninh cho dân cư vì càng đông thì khó kiểm soát, đưa đến trộm cướp phạm pháp. SB 9 xem như đã xoá sổ các vùng dân cư biệt thự.

Xem hình giữa nhà cửa hiện nay, biệt thự. Người ta có thể chia ra làm hai, gọi là Duplex, rồi thêm JADU, thêm một ADU (bên phải) hay chia ra làm hai, thành 2 duplex mỗi lô và thêm mỗi lô một JADU. Xem như 6 căn hộ.

Đây là bản vẽ cho ADU được xây mới. 1 phòng ngủ, 1 phòng tắm.
Bản vẽ hoán dổi ga-ra 2 xe thành căn hộ, 1 phòng ngủ và 1 phòng tắm.
Bản vẽ hoán chuyển ga-ra 2 xe trên lầu. Xem như vẫn giữ 2 xe đậu trong ga-ra.

Xem về tài chánh, có nên làm hay không? (Còn tiếp)

Nguyễn Hoàng Sơn 

Xóm tôi, con dốc nhỏ

 Mình có viết về mấy con hẻm Đà Lạt khi xưa nhưng chưa viết về mấy con dốc Đà Lạt xưa. Đà Lạt là xứ đồi núi nên đi đâu cũng phải leo dốc. Theo ký ức mình thì có vài con đường không có dốc như Phan Đình Phùng, Cường Để, Hoàng Diệu, dọc bờ hồ Xuân Hương. Ngoài ra đều có những con dốc nhỏ.

Theo mình, dốc cao nhất và khó đi nhất vào mùa mưa là dốc Sòng Sơn. Chỗ đường Triệu Việt Vương và đồn Quân Cụ đi vào Suối Tía. Mùa nắng thì đất đỏ, leo lên tới đầu dốc là mặt mũi mình bị bụi đỏ bám như mọi da đỏ. Còn vào mùa mưa thì xem như phải chụp ếch. Đường đất, chưa được tráng dầu hắc. Hay dốc vào đập Đa Thiện, Thung Lũng Tình Yêu. Ngoài ra có mấy con dốc Đào Duy Từ, dốc Xuân An.

Dốc mình hay đi qua là Dốc Nhà Làng, từ đường Phan đình Phùng, ngay khách sạn Cẩm Đô đi lên đường Minh Mạng hay quẹo qua đường Duy Tân. Lối đi thường khi mỗi lần mình ra chợ. Sau này lớn lên, mẹ mua cho chiếc xe gắn máy thì chạy đường Phạm Ngủ Lão ra chợ. Ít dốc. Dạo ấy, xe chỉ có 50 phân khối, không như bây giờ, leo dốc Đà Lạt là một vấn đề. Hai chiếc xe của mình BS và Honda đều được độ lại nên mạnh hơn.

Dốc Nhà LÀng có căn nhà bà giáo Trình trước khi ông Đoàn và tiệm chụp hình Mỹ Dung xây ba căn nhà lầu 

Có lẻ con dốc mà mình nhớ mãi vì đi lại mỗi ngày. Con dốc này có đặc trưng: nối dài 3 con đường nổi tiếng của Đà Lạt: Hai BÀ Trưng, Thi Sách và Calmette. Đường Hai Bà Trưng nối liền với Thi Sách thì nối với đường Calmette. Khu vực này có thi sĩ Lệ Khánh và nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang và một chị đậu tú tài hạng tối ưu, người Nùng, thêm thủ khoa của trường Võ Bị.

Mình có kể là khu vực dành cho người địa phương (người Việt hay người Thượng) mà Tây gọi là indigènes là khu vực dưới thung lũng, đất tương đối bằng như khúc đường Phan Đình Phùng và Hai Bà Trưng. Khu đất này kéo dài từ Mả Thánh đến đường Cường Để mà ông Võ Đình Dung mua rất nhiều và cho thuê các nhà vườn trồng xú, rau cải.

Mình đọc tài liệu tây thì được biết trong hội đồng thành phố dạo ấy, có 5 thành viên. 3 người Pháp và hai người Việt. Ông Võ Đình Dung là một. Ông ta lên tiếng khi thấy sơ đồ quy hoạch thành phố Đà Lạt, dành cho người Việt rất ít đất, và kích thước các nhà cửa trong khu vực này rất nhỏ so với khu vực người Pháp ở trên đồi xung quanh hồ Đà Lạt. Nhờ đó mà kiến trúc sư Hébrard mới sửa lại chút chút.

Dọc hai còn đường Phan Đình PHùng và Hai Bà Trưng là do người việt ở. Phan ĐÌnh Phùng thì xem là phố tiệm nên có hàng quán còn đường Hai Bà Trưng thì dành cho cư trú. người Pháp cho xây rất nhiều cư xá công chức làm việc tại ty Kiến Thiết, viện Pasteur, ty Bưu Điện, Nha Địa Dư, Ty Công Chánh,…

Giữa hai đường này là các vườn trồng rau cải nên có mấy con đường mòn để nối với hai đường trên để nhà vườn đem phân bón, rau cải ra xe hàng. Hai con đường này được nối với 3 cái chiếc cầu. 1 là trên Mả Thánh, cầu La Sơn Phu Tử, 2 là chiếc cầu ngay khách sạn Cẩm Đô, mà trước đây người Đà Lạt gọi cầu Cửu Huần và 3 là cầu Hải Thượng ngay trường Việt Anh. Giữa 3 chiếc cầu này thì có những con đường mòn nhỏ. 1 ngay chỗ ga-ra Phan Xứng, hãng cưa Xu Tiến đi qua đường Hai Bà Trưng, chỗ trường Đa Nghĩa. Con đường mòn này, ngày nay, xe hơi có thể chạy vào thì phải. Hôm trước nói chuyện với anh bạn Đà Lạt xưa. Gia đình anh ta được xem là 1 trong 100 gia đình người Việt đầu tiên đến định cư tại Đà Lạt. Mẹ anh ta nhận giấy khen thưởng khi xưa. Anh ta cho biết Mẹ anh ta thường gọi Cầu Quẹo là cầu chỗ đi qua Chợ Nhỏ, chỗ tiệm thuốc Tây Lâm Viên và tiệm may của ông Ba Hoà, chuyên may liễn.

2 là chỗ Ngã Ba Chùa đi băng qua vườn ông Ba Đà đến xóm Địa Dư và Công Chánh, 3 là chỗ chợ NHỏ, ngay tiệm thuốc Tây Lâm Viên, tiệm may của ông Ba Hoà, qua cư xá Địa Dư dường Hai Bà Trưng, 4 là chỗ cây xăng Ngọc Hiệp, đi qua tiệm mì quảng của ông Bắc Kỳ đến Hai Bà Trưng và một ngay gần trường Tân Sanh đi qua Hai Bà Trưng, chỗ trường Hiếu Học khi xưa.

Nhạc Sĩ Nguyễn Đức Quang ở gần xóm mình, trên đường Calmette. Khi xưa, anh ta có làm một bản nhạc mang tên “tình tôi, con dốc nhỏ”. Có thể anh ta lồng cuộc tình vào những lúc đi về nhà, sau khi đến nhà đả thông tư tưởng một nữ sinh viên, từ Sàigòn lên Đà Lạt trú học tại nhà một chị bạn ở đầu đường Hai Bà Trưng.

Nhìn hình này thì mình đoán được chụp vào những năm 1950, trước khi gia đình mình dọn về đây. Nhìn hình thấy đơn sơ thật, nay thì Chán Mớ Đời. Thấy cư xá Bưu điện bên tay phải, đường Hai bà Trưng trước khi đến trường Đa Nghĩa. Còn trên đồi thì lãnh địa Đức BÀ (Domaine de Marie). Dãy nhà ông Lê, bà con chi với ông Tô trên đường Thi Sách, chưa được xây cất. Chỉ thấy nhà thằng Hiếu học Yersin khi xưa. Thậm chí dãy nhà Cao Quốc Tuấn, ông Định chưa được xây. Mình nghe người lớn kể là dạo mới dọn về đây, heo rừng, Nai thậm chí ông 30 về. Hình của Đà Lạt Xưa, lấy trên Facebook.

Hình này, có lẻ chụp từ đường Hàm Nghi. Cận cảnh cho thấy căn đầu của cư xá Địa Dư mà căn đầu tiên bên phải là gia đình ông Lào ở. Nghe nói ông ta mới mất đâu 3 tuần trước. Mẹ mình có đi đám.

Mấy căn nhà hình chữ A thuộc cư xá Công Chánh (8 căn). Mỗi nhà như vậy được chia làm hai căn kiểu duplex. Căn đầu tiên, số 42 bên tay phải của cư xá Địa Dư do nhà ông NHị ở, bên cạnh là ông Điện, bố của thầy Trịnh Minh Đức, dạy Pháp Văn. 

Bác Nhị có 3 người con trai và một cô con gái út. 3 người con trai là Bảo, Toàn và Miều còn cô gái út thì chịu không nhớ tên. Mình hay chơi với thằng Bảo khi xưa, học trên mình một lớp. Nghe nói hiện ở Vũng Tàu, Toàn thì nghe nói ở Hoa Kỳ, còn Miều bằng tuổi em trai mình thì nghe nói đã qua đời. Có lần mình ghé thăm bác Nhị Gái thì có thấy cô em út chăm sóc bác gái. 

Hồi nhỏ mình hay thấy ông Điện đi chiếc xe Lambretta. Thầy Đức có mấy cô con gái, con trai. Hồi nhỏ, thấy đi học trường Thanh Ngọc với mình, còn nhỏ lắm. Hình như có cô tên Thảo thì phải.

Căn thứ hai số 44 là gia đình Dì Tân, con bà Dụ, chị bà Võ Quang Tiềm, kêu Mệ ngoại mình bằng Dì, mới qua đời năm nay thì phải. Bà con với mình, chỉ gặp ở khi có kỵ giỗ hay tết ghé nhà đổ Xâm Hường. Dì có một người con trai tên Thăng, hơn mình một tuổi còn mấy chị kia thì chịu vì xa Đà Lạt quá lâu.

Nhà bên là gia đình ông Địch. Có hai người con trai: một tên Thắng, học y khoa và Võ Việt Điểu, hình như bằng tuổi mình hay nhỏ hơn một tuổi. Nay ở Virginia. Có mấy người chị, mình nhớ có người tên Lực, một cô em gái tên Thu. 

Căn tiếp 46 là nhà của gia đình bác Bửu Ngự và bên cạnh nhà của bác Bửu Duy. Cuối cùng là nhà của ông Sâm, trưởng ty Công Chánh. Có hai người con trai. Con trai đầu thì không nhớ tên, người thứ 2 tên Chiến, học Trần Hưng Đạo, trên mình một hay hai lớp.

Bác Bửu Ngự, đá banh giỏi lắm, bác Ngự Gái thì gia đình ở trong Hoàng Diệu, chỗ Lò Gạch, có người chị lấy bố của anh Phong, con dì Bê, bán chuối ngoài chợ. Lúc chưa lấy chồng thì bán lòng heo hay chi đó, có máu buôn bán nên sau này mở tiệm bánh Thành Nhàn ở Khu Hoà Bình. Con của bác thì để xem, cô gái đầu tên Mina, sau đó đến Hội, rồi một cô khác, rồi đến Huy,…chỉ nhớ tới đó thôi. Mấy người này rất thành công tại Hoa Kỳ.

Bên cạnh là nhà bác Bửu Duy, chuyên làm bánh Bông Lan bỏ mối cho mấy tiệm ngoài chợ Đà Lạt. Con đầu là Vinh, sau đó là Dũng, đến con gái đầu tên Hương, rồi đến Hải cũng tuổi với em trai mình, đến Hồ, rồi Hà. Có lần, Tết, ông cụ mình lì xì vài roi mây, đánh mình kiểu mở hàng đầu năm, đốt phong long. Đau quá mình chạy xuống nhà bác Duy. Bác kêu ngủ lại đợi ông cụ nguôi rồi về. Tối đó mình ngủ lại trên lầu với thằng Dũng, cùng tuổi mình. Thấy nhà ấm không lạnh như nhà mình giường nệm chi êm và ấm ghê. Mình thì ngủ trên giường có trải tấm chiếu rồi 3 anh em nằm như cá mòi. Sau này, mới hiểu vì không có lỗ thông hơi. Thường thì người ta hay bỏ mấy cục gạch trên cửa sổ hay cửa để cho không khí bay vào, để hạ thấp độ ẩm trong nhà nên ban đêm khá lạnh vì độ lạnh bên ngoài lan vào trong nhà.

Dãy nhà của cư xá Công Chánh đối diện cư xá Địa Dư. căn đầu tiên hình chữ A: số 41 A, nhà ông Mai, em ông Lào, ba của thằng Banh, cùng tuổi mình, hồi nhỏ hay chơi với nhau và bên cạnh là nhà ông Tân Ù số 41B, có cô con gái tên Trần Hoàng Giang, cùng tuổi mình. Sau đó đến số 43A, nhà ông Kham, bố của Thanh Tịnh và 43B, nhà ông Hiển, sau này chết thì gia đình ông Châu dọn đến. Trong xóm có hai ông tên Tân. Để dễ nhận khi nói chuyện, người ta gọi ông Tần Ù, khá to con và ông Tân Gầy, vì ông này gầy. Nói cho ngay thì gia đình mình không có liên lạc với gia đình ông Tân Ù vì ở xa. Nói chung là các nhà ở dưới đường Hai Bà Trưng, ngoại trừ mấy căn gần nhà mình.

Khi nào đầy tháng thì có mời ông Tước, ông Duy, ông Ngự ăn cơm hay khi cúng thì đem chén chè đĩa xôi sang mời lấy thảo.

Căn thứ 3, số 45A là nhà ông Quán, còn số 45B là nhà ông Ngần, hay chứa đánh bài, lấy tiền xâu. Có lần 302, đột nhập vào nhà chỉa súng lấy hết tiền mấy ông công chức đang binh xập xám. Lần đầu tiên về Đà Lạt, mình thấy mấy cô con gái ông bà Ngần, ông Nghi, đi tù với ông cụ mình, bán chỗ tiệm Đức Xương Long, nay chắc đi Mỹ hết.

Nhà ông Quán thì con đông lắm. Đa số là lớn tuổi hơn mình nên ít chơi với nhau. Mình chỉ chơi với tên Điệp, học Việt Anh, người con út tên Điềm. Hình con trai được đặt theo chữ Đ, nào là Đường, Độ, Điệp, Điềm. Hình như người con trai đầu tử trận thì phải. Nhỏ quá mình không nhớ rõ. Gần đây, có liên lạc với chị Liễu hơn mình đâu 2 tuổi. Còn chị Hoa, Nguyệt, Mai thì không biết ở đâu.

Sau đó là căn 47A, nhà của bà Tân gầy, mẹ của thằng Đôn, cùng tuổi với mình. Chị Lan, hơn mình 1, 2 tuổi gì đó rồi đến hai tên Ân, Ái, hình như có cô út tên gì quên rồi. Nhà này có hai người cậu thì phải, sinh đôi. Chỉ nhớ mại mại hồi bé có thấy họ khi đến nhà chơi. Mình có gặp một lần khi về Đà Lạt, cô ta chăm sóc mẹ ở nhà. Căn 47B thì người ra người vô nhiều lắm không nhớ rõ. Sau đó là căn cuối số 49A, 49B của nhà ông Hân và ông Ngọc. Mình có liên lạc được với hai cô con gái của ông Ngọc, hiện sinh sống tại Úc. Bà Ngọc đã mất, ông Ngọc, đánh bài, mấy ông hay kêu Robert. Chắc tên thánh của ông. Ông ta có một người con trai, bằng tuổi mình thì phải, tên Chân. Nghe nói chết ở Sàigòn trước 30/4, bị Việt Cộng pháo kích.

Nhà bác Hân thì đặt tên con theo chữ H. Con gái đầu là chị Huệ, sau đó đến chị Hương, sau này lấy thầy Tôn Thất Trai, nghe nói hiện ở San Diego nhưng không biết cách nào để liên lạc, đến 2 người con trai, không nhớ tên vì nhỏ tuổi hơn mình. Có một cô khác khá xinh, rồi nhiều người nhỏ quá không nhớ.

Nhờ bờ-lốc Sơn Đen mà mình tìm lại được khá nhiều hàng xóm ngày xưa. Nay mình khám phá ra căn nhà xây sau Mậu Thân, ngay vườn ông Bắc kỳ mang số 49 C. Ông thần ở nhà này không biết có nhớ thằng Hiếu, khi xưa học với mình ở Yersin, ở nhà 2 căn, ngay dốc hẻm đi vào khu nhà Cò đào.

Đó là những căn nhà thuộc cư xá Công Chánh, nằm ngay đường Hai Bà Trưng. Ngoài ra, còn một dãy nhà chung cư gồm 7 căn ở trên đồi, phía sau mấy căn nhà hình chữ A. Có một con dốc với thang cấp, nằm giữa nhà Bà Ngần và nhà bà Tân Gầy, đi lên ngay nhà ông Mãn, cán sự công Chánh, số 47/2. Trước đó chú Điềm, cán sự ở đó với một ông kiến trúc sư, dạy mình vẽ bản đồ và tô màu. Mình có liên lạc được với chú Điềm, nay ở Sàigòn. Khi gia đình mình dọn về đây thì ở tại căn này. Đến khi ông bà Hai, ở căn đầu tiên 47/1, dọn đi thì bố mình mới xin dọn qua. Rộng hơn nhất là có vườn, đất sân rộng. Bố mẹ có xây một căn bên cạnh. Nhờ đó mà khi Việt Cộng vào đuổi cổ đi, mới có nhà ở riêng, không phải đi kinh tế mới.

Bên cạnh là nhà bà Thường, số 47/3 có 4 cô con gái và một người con trai tên Dũng học Yersin trên mình đâu  5 lớp. Cô đầu tên Oanh, lấy ông chồng nào thổi sáo rất hay. Tối tối hai người ra trước mấy thang cấp, thổi sáo nghe phê không thể tả. Sau này, cô Oanh sinh con so. Bà Thường, mỗi sáng chạy qua nhà mình dựng cổ dậy, đưa cái bô để mình tè vào, cho cô Oanh uống. Nghe nói uống nước tiểu của mình tốt. Đó là lần đầu tiên trong đời mình được thiên hạ trân trọng nước tiểu. Sau này, có chú Nhân, đi Xây Dựng Nông Thôn, có cô vợ làm thư ký cho ty Công Chánh, dọn đến. Chú Thân hay kêu mình vô nhà, cho mượn sách của ông Hoàng Xuân Việt đọc. Nghe nói chú nay giàu lắm, có tiệm ăn hay nhà nghỉ to đùng cạnh nhà ông Mai. Mình có tìm chú khi về Đà Lạt nhưng chưa có duyên.

Bên cạnh số 47/4, là nhà ông Khoa, làm ty kiến thiết. Có 3 trai hai gái thì phải. Mình nhớ con đầu là anh Bình, sau đó đến Chú Sanh, chú Hành. Con gái thì chỉ nhớ cô Cúc, một cô khác đi lấy chồng ở xa nên chưa bao giờ gặp. Sau này, ông KHoa về hưu ở Ba Ngòi. Nhà để trống, mình và mấy đứa trong xóm chạy vào căn này chơi khi trời mưa. Sau này, khu công chánh cao nguyên trung phần từ Ban Mê Thuộc dọn về Đà Lạt, thì gia đình ông Tước dọn vào. Nhà này con đông như nhà mình. 7 gái 3 trai. Con đầu là anh Lâm, sau đi biệt kích rồi Biệt Cách Nhảy Dù, tham dự giải vây An Lộc, Phước Long, nay ở Hoa Kỳ.

Kế đó là chị Gái, hay cho mình mượn sách việt ngữ đọc với điều kiện là phải trả sáng hôm sau. Nhờ vậy mà mình đọc sách rất nhanh. Trung bình một cuốn sách là 2-4 tiếng đồng hồ. Sau đó là thằng Bi, Tí Chị, Tí Em cùng tuổi với mình, rồi đến Bé Lớn, Bé Nhỏ, thằng Tèo, nghe nói đang ở Bolsa, con Nguyên, và Con Oanh, đang ở Bolsa, chưa gặp lại. Mình có liên lạc lại chị Gái, tự kêu là fan cứng của mình, Tí Em, Bé Nhỏ và Nguyên.

Kế đó là 47/5 là nhà ông Kiếm. Bà Kiếm hay kêu mình vào nhà, nhờ xỏ chỉ luồng kim cho bà vì mắt kém hay nhổ tóc bạc cho bà. Bà có một người con trai độc nhất tên Sửu lớn mình đâu 4 tuổi. Sau này, về hưu, nghe nói về lại Quảng Trị. Mình không nhớ gia đình nào dọn về đây.

47/6 là nhà con Thuý, thằng Dư. Thằng Dư hơn mình đâu 3-4 tuổi, có con em nhỏ hơn mình 1 tuổi tên Thuý, hay chơi với mình hồi nhỏ. Thằng Dư hay dẫn mình sang Chùa, hay lên trường Bùi Thị Xuân nghe hướng đạo Lâm Viên chơi văn nghệ. Mẹ nó bán cơm ngoài chợ. Mỗi lần chợ đêm vào trước Tết, mẹ mình nhờ nó đưa mình về nhà. Sau này, gia đình này dọn lên Ban Mê Thuột. Khi khu Công Chánh Cao Nguyên Trung Phần dọn về Đà Lạt, mình hy vọng con Thuý cũng dọn về nhưng bặt tin. Mình có kể về chuyện con này bắt mình cho nó xem chim đa đa của mình. Sau đó gọi mình là thằng cu đen.

Căn này sau đó có nhà bà Hoà dọn đến. Nhà này cũng con đông. Con đầu là chị Hợp, học Văn Học, sau đó đến chị Hiền, nay ở San Jose, mình có gặp lại một lần. Kế đó là Phương, cùng tuổi mình, học Bùi Thị Xuân, rồi đến thằng Hiếu, thua mình 2 tuổi, rồi thằng Hậu, rồi mấy cô con gái nữa nhưng không nhớ tên. Hình như có một cô tên Hằng. Nhà này đặt tên con theo chữ H tương tự nhà ông Hân.

47/7 là nhà của ông Nhân, người Bắc. Có hai đứa con gái. Một đứa tên Oanh hơn mình 1 tuổi và con em tên Hoà thì phải thua mình 1 tuổi. Sau này, dọn về Sàigòn trong cư xá Thanh Đa. Gia đình ông Vinh dọn đến. Nhà này có 3 gái 3 trai. Để xem có nhớ tên hay không. Người đầu tên Thanh, đi pháo binh, sau đó anh Tú, học đại học khoa học Sàigòn, đến chị Tân, rồi đến thằng Tiến, thua mình một tuổi, học Trần Hưng Đạo. Đến con Tâm, rồi con Tuyết. Sau này, dọn về đường Phan CHu Trinh, xây cái nhà to đùng. Mất liên lạc từ đó.

Ngoài ra, có gia đình anh Bình, con ông Khoa. Khi ông Khoa còn đi làm, thì gia đình anh Bình ở chung với ông Khoa. Sau ông Khoa về hưu, dọn về Ba Ngoài thì anh Bình chiếm miếng đất, phía sau cầu tiêu của xóm, làm một căn nhà để ở. Nhà này thì con đầu là Đắc, thua mình 1 tuổi, đến Thái, Thu Oanh, rồi Trâu,…Thu Em, mấy người con sau nhiều quá, không nhớ tên. Mình có thăm cô Kim, em dâu của Dì mình.

Bên kia con dốc, đối diện nhà mình thì có nhà bà Phú. Sau này dọn qua đường Phan Đình PHùng, cạnh tiệm thuốc tây Lâm Viên, bán gạo đường gì đó. Con đầu là chị Mẫn, sau này lấy chồng là cháu bà Tước. Kế đến có một chị khác rồi đến thằng Phúc, rồi một tên nữa rồi sau này bà Phú còn sinh ra mấy trự thì không nhớ vì đã ở bên đường Phan Đình Phùng. Nay cả gia đình ở vùng Seattle. Chị Mẫn là người đầu tiên tìm ra mình. Sau đó nói lại với con bác Tước, rồi có con bác Ngọc ở Úc Dại Lợi.

Nhìn tấm ảnh trên, thấy cột điện trước nhà ông Hiển (Châu) khiến mình nhớ đến vụ ông lính tự tử ở đây. Hình như ban đêm, nghe tiếng nổ cái đùng lớn. Tuy hoang man nhưng không ai làm gì cả. Sáng ra, dì Gái, con bà Cáp, nhà trên phía trường Đa Nghĩa, đi chợ hay ghé vào nhà mình, rủ mẹ mình đi chung. Hôm đó, mặt dì xanh như đít nhái khi vào nhà mình, nói không ra hơi. Dì kêu có cái xác ông lính nào chết, nằm dưới đường. Mình nghe đến là chạy xuống ngay. Thấy có ông lính bị nữa cái mặt bay mất tiêu, máu me tùm lum đường. Cho đến giờ này, mình không biết lý do. Nghe đồn tùm lum, người thì kêu ông ta thất tình nên đến trước nhà người yêu, cho nổ lựu đạn. Ai biết thì cho em xin. Chỉ tội cho mình là mỗi lần đi ban đêm về là phải đi ngang cột điện này, mình phải vái, đọc kinh kêu đủ thứ Phật về phù hộ cho mình. May quá ông này chết không linh, nếu không đã có người cho xây cái am nhỏ rồi.

Khi gia đình bà Phú dọn đi thì gia đình bà Ron, em của ông bà Phú dọn về đây. Ông Ron có vợ bé nên lâu lâu mới về, kiếm nhà cho vợ con ở rồi dọt đi nhà vợ bé. Bà Ron, bán cơm ngoài chợ. Có toàn con gái, người trừ một tên con trai tên Long. Bên cạnh nhà bà Ron, là nhà thằng Hoàng thì phải, cùng hay hơn mình một tuổi. Hắn hay rống bản nhạc: “cớ sao buồn này Kim, ai yêu em hơn anh mà tìm,…” chị nó đẩy đà, nghe ai uống dấm nhịn ăn sao đó, lăn đùng ra chết. Sau đó thì gia đình này dọn đi đâu mình không nhớ.

Nhà mình thuộc về Hai Bà Trưng nhưng lại gần đường Thi Sách. Do đó mình chơi với đám con nít trên đường Thi Sách nhiều hơn là đám dưới đường Hai BÀ Trưng. Ngay đường Thi Sách, ngay con dốc là nhà của bác Đinh Gia Lành. Sau này ông đi Pháp nên để lại căn nhà này cho gia đình Đinh Gia Lành chăm sóc rồi cho ai ở. Sau 75 thì mất luôn.

Đi lên dốc về phía Calmette thì bên cạnh là nhà ông Ấm Thảo, người Huế. Mình hay ghé lại nhà này. Trước sân có cái trang thờ mà mẹ mình đem cái thai bị xẩy đến đây chôn và thờ. Ông Ấm Thảo có tài tán gái, có đến 3 bà vợ. Mình nhớ con đầu tên Ngữ, đi Thuỷ Quân Lục Chiến, bị mất một con mắt khi tái chiếm Quảng Trị. Sau đó thì nhớ có hai tên khác, tên Hậu thì phải rồi đến thằng Thọ, thua mình một tuổi, rồi tên con út, con bà thứ 3.

Cạnh đó là nhà thằng Trí thì phải, bố làm nha Địa Dư, có mẹ bán ngoài chợ. Nghe nói đi vượt biển cùng tàu với em mình, định cư tại Úc đại Lợi. Rồi đến nhà Hồ Thanh  Hy, Hồ Thanh Hải,.. rồi đến nhà thằng Thạch, hơn mình đâu 2, 3 tuổi, học Yersin. Sau này đi 302, sau 75 cãi lộn với ai bị đâm chết. Nhà hắn ngày đầu đường Calmette.

Tấm ảnh này hơi mờ nhưng cho thấy rõ ràng 3 dãy nhà cư xá Địa Dư nhất là 3 con đường song song: Hai Bà Trưng, Thi Sách và Calmette mà con dốc đi ngang nhà mình đã nối liền 3 con đường mà mình đã đi qua rất nhiều lần, hằng ngày. Nhà Phạm Ngọc Liên và Văn Tài Phát, nằm ngay căn giữa. Dãy bên trái, có nhà ông Thạc, thợ thiết. Dãy cuối có nhà ông Lào, chú Be.

Phía sau chỗ đường Thi sách, thấy có nhà hội của cư xá Pasteur, nhà của thằng Cường lùn. Nhà ông Đề, giám đốc trung tâm thẩm vấn.

Trên 3 dãy nhà Địa dư là dãy nhà của cư xá Pasteur. Giữa nhà ông Mai và một căn của cư xá Pasteur, con dốc đi lên từ đường Hai Bà Trưng lên Thi Sách, qua nhà ông Tác, nhà thằng Thạch, bà Thủ.

Thấy con đường mòn từ Phan đình Phùng, chỗ Cầu Quẹo, băng qua mấy cái vườn, qua con suối rồi lên mấy thang cấp giữa hai dãy cư xá Địa Dư. Thấy bên phải ngay vườn có nhà Cậu Liễu, bán thuốc Cẩm Lệ, con bà Dụ, chị bà Võ Quang Tiềm. Cứ đến mù mưa thì chỗ này bị lụt. Nước dâng lên đến chân khu cư xá Địa Dư. Thôi ngưng ở đây.

Nguyễn Hoàng Sơn 


Tổ Tiên Chính Giáo Đại Đạo Sinh Tồn

 Nghe kể; hồi bé mình hay bị đau ốm. Ông Phúng kêu bán vía mình cho mấy Cô, mấy Cậu trên am Mệ Cai Thỏ ở đường Nguyễn Công Trứ, ấp Hà Đông. Cứ mỗi lần lên đó, họ cúng lá bùa gì đó, rồi sau đó đốt cháy thành tro, đổ nước lạnh, khấn xong cho mình uống như cà phê nên da mình đen như cột nhà cháy. Chán Mớ Đời 

Nói vậy chớ vui lắm, mình thích ra am Mệ Cai, chơi với mấy tên cùng lứa lại được Ông Chín, cõng nhảy tưng tưng. Sướng kể gì. Ông Chín xem như Bố Đỡ Đầu.

Đến năm Mậu Thân, thằng em mấy tháng bổng nhiên lăn đùng ra chết. Bác sỹ cho rằng đau màng óc. Thế là phải đem đi chôn ở Mả Thánh. Chôn em ở đây mới khám phá ra đám chăn bò, những Đinh Bộ LĨnh thời nay. Phải cho chúng ăn cơm, trái cây cúng để chúng lấy, không đem về vì nếu không chúng làm loạn cho bò lại đạp bể cái mộ.

Chôn em xong thì phải cúng thất tuần. Tuần nào cũng phải làm mâm cổ để cúng, mời mấy đạo hữu lại tụng kinh. Mình là anh đầu nên quỳ lạy đủ trò, tụng kinh cả hơn tiếng đồng hồ. Sau này, gặp đồng chí gái, đi chùa, cô nàng thấy mình tụng kinh như Ba Tây nên mẹ vợ nhất trí cho cưới.

Ngay chỗ ngã ba Cường Để và đường Thành Thái, có cái dốc và mấy bậc thang bên trái, để leo lên tổ đình  của Tổ Tiên Chính Giáo Đà Lạt. Tại đây, mình thường đến đay khi còn bé, sinh hoạt với nhóm hướng đạo TTCG. Hai bác Nguyễn Đình Thừa cũng hay đến đây nên thân với bố mẹ mình từ đó. Địa điểm toạ lạc tại số 2 Cường Để. Đi tới một chút là Ấp Ánh Sáng, có con đường Bà Triệu với cầu BÁ Hộ Chúc Bắc ngang con suối Cam Ly chảy về thác Cam Ly.

Tụng kinh đây là kinh của Tổ Tiên Chính Giáo. Không phải kinh Phật Giáo như mình thường đọc cho Mệ Ngoại mỗi ngày trước khi đi ngủ. Mệ Ngoại mình không biết chữ nên tối nào cũng kêu mình đọc kinh cho Mệ nghe. Mệ còn sống đến ngày nay thì chỉ mở You-tu-be ra là nghe đủ loại kinh hay nghe Pháp Thoại, khỏi cần cúng dường cho thầy vì You-tu-be trả tiền quảng cáo cho thầy rồi.

Đạo này có Tổ Đình ở số 2 Cường Để, Đà Lạt, ngay cuối ấp Ánh Sáng, cuối đường Thành Thái. Có mấy thang cấp leo lên khuôn viên của Tổ Đình. Chỗ này là nơi người ta rước Thánh Mẫu với xe hoa đủ trò về các am tại Đà Lạt như trên Số 4, am Mệ Cai ở Ấp Hà Đông,... Khi xưa, mình hay đi theo mấy chiếc xe hoa này lắm, lại được ăn vì có ông Phúng. Ông thấy mình là hay dúi kẹo bánh chi đó cho ăn. Dạo ấy, Dì Thanh, cậu Mạnh chưa có con nên mình được xem là cháu đầu nên ông bà Phúng thương lắm.

Tụng kinh xong thì có màn cầu cơ chi đó, đợi hương tàn. Có một ông đội khăn màu đỏ, phủ lên đầu, tay cầm chiếc đũa, ngồi trước mâm gạo. Một ông ngồi cạnh để đọc những gì ông ta viết lên mâm gạo. Nếu đọc sai thì ông ta lấy chiếc đũa đánh xuống cái mâm. Một ông lấy viết ghi xuống, kêu là thơ của Mẹ hay ông thiên tướng nào như Đức Thánh Trần về báo. Họ gọi các mục này là cầu cơ chấp bút khiến sau 75 Việt Cộng rất sợ vì có thể nói ra những tư tưởng phản động chống họ nên dẹp ngay.

Tổ Tiên Chính Giáo ra đời ngày 1 tháng 1 năm 1964 tại tổ đình toạ lạc tại số 2 đường Cường Để, thị xã Đà Lạt. Mình hay đến đây chơi và đi hướng đạo của Tổ Tiên Chính Giáo. Đạo này dựa trên đấng siêu nhiên Hạo Nhiên thượng Đế, và các chư Phật, Tiên, Thánh thần và thượng phụ quốc tổ Hùng Vương. Truyền cơ bút thông qua một đồng tử để khai đạo như mình thấy ở nhà mình. Rồi lan rộng khác nơi ở miền Nam.

Chính phủ Việt Nam Cộng Hoà ra nghị định ngày 26 tháng 4 năm 1966, cho phép đạo này được phép hoạt động như một hiệp hội.

 Chỉ nhớ có thằng Châu, nhà ở đâu trong Dốc Nhà Bò làm đội trưởng. Tên này đi hướng đạo Lâm Viên với anh hắn làm đoàn trưởng. Không biết sau này có còn hoạt động hay không vì mình đi mấy tháng thì chán ba vụ họp đoàn này nên nghỉ, ở nhà đi đá banh, thả diều.

Mình nghĩ mấy người di cư từ Huế vào, đem theo các lễ nghi từ làng xã của họ theo rồi từ từ, làm ăn khá, họ bắt đầu xây các am để thờ thần hoàn của quê. Am Mệ Cai Thỏ, ở ấp Hà Đông, thờ Thánh Mẫu rồi lan toả ra, người Đà Lạt khi ấy với chiến tranh nên tìm một chỗ dựa tinh thần. Hàng năm, có lễ rước Thánh Mẫu, từ Tổ Đình về các am hay đền ở các ấp ở Đà Lạt vào buổi tối với các xe hoa đủ màu. Sau Mậu Thân hình như không được tổ chức nữa hay mình không tham gia nữa.

Việt Nam có hai tôn giáo chính: Phật giáo và Thiên Chúa giáo nhưng dân gian lại thờ Thánh Mẫu, được truyền tụng qua văn hoá truyền khẩu từ xưa. Sau này, họ bắt đầu ghi lại kinh sách,…nên mới có chút gì khái niệm. Mình nghe kể có 3 vị thánh mẫu chính: Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Thượng Ngàn và Mẫu Thoải mà người ta hay gọi Tam Mẫu Tứ Phủ. Sau này, họ thêm mấy vị khác, nghe nói lên đến 60 vị. Nghèo tới là ngưng vì không nhớ nổi.

Bố mẹ mình theo đạo này nhưng mình không rành lắm vì đi Tây sớm nên không có thời gian đi theo ông bà cụ đến tổ đình. Người hướng dẫn bà cụ mình vào đạo tổ tiên chính giáo là ông Phúng. Ông cụ mình chỉ vào sau 1975 rồi đi tù. Sau này về nhà thì rất tin tưởng vào đạo Tổ Tiên Chính Giáo, chịu khó đi làm lễ, đọc kinh,…

Người ta giải thích người Việt tôn thờ người mẹ trên hết. Không hiểu lý do. Khi xưa thuộc chế độ mẫu hệ. Có thể, trong lịch sử Việt Nam, can qua xẩy ra quá nhiều. Hết đánh tàu thì đến tây, hết tây đến mỹ, rồi đến campuchia rồi tàu lại,… cha đi đánh trận, ở nhà một mình, người phụ nữ Việt Nam, phải gánh vác hết. Nuôi con, phụng dưỡng cha mẹ chồng, buôn bán như hình ảnh thiếu phụ Nam Xương. Có lẻ nhờ đó mà người con gần gửi mẹ hơn.

Mình nhớ khi xưa, ông cụ ở trong quân đội, lâu lâu mới về phép. Sau này, làm công chức trên Ban Mê Thuột, lâu lâu mới gặp. Ban ngày, mẹ đi bán ngoài chợ, chỉ tối về mấy mẹ con hủ hỉ với nhau. 

Người ta thờ Mẹ Núi để đi rừng, gặp mấy con thú, vâng lời Mẹ Núi, không giết hại mình. Người đi biển, đi hồ đánh cá thì thờ Mẹ Nước để hà bá không bắt mình. Sau này, người ta thờ Mẹ Trời, để tránh mưa to gió lớn, làm hư hại mùa màn, lụt lội. Nay mình trồng bơ thì không biết phải thờ Mẹ Nào? Mẹ Bơ hay Mẹ Núi để mấy con sóc không ăn bơ của mình. Mình nghe một ông sư kể, ông nào có vườn ra kêu mời mấy ông đi, đừng ăn trái của tui, thì chim bỏ đi. Mình bắt chước kêu mấy ông sóc, đừng có ăn bơ của tui. Không bẩy hay cho thức ăn triệt sản, chúng sinh đẻ mệt thở luôn. Chán Mớ Đời 

Có lẻ từ đó, các bà Mẹ nói trên được huyền thoại hoá, trở thành Mẫu Thượng Hoàng, Mẫu Thoải, Mẫu Thượng Thiên. Họ dành cho mỗi bà này mỗi Phủ, toà nhà thiêng. Tam Toà được xem như 3 cõi Trời, Non, Nước. Từ đó xuất hiện việc thờ Mẫu Tam Phủ,… sau đó người ta nghĩ đến một phủ khác là Địa Phủ nên biến thành Tứ Phủ.

Có thể khi Phật Giáo du nhập nói đến Niết Bàn, Âm Phủ cũng có thể khi Thiên Chúa Giáo du nhập vào Việt Nam, nói đến Thiên Đường và Địa Ngục khiến dân gian kèm thêm vào các đạo thờ của mình. Ở miền Nam, nghe nói có đạo thờ ông Victor Hugo, mặt trời,…

Theo mình hiểu từ “mẫu” rất bao quát, được đại diện qua Thiên Phủ (miền Trời), được gọi là Mẫu Thượng Thiên. Địa Phủ (miền Đất), được gọi là Mẫu Địa, Thoải Phủ (miền sông biển) được gọi là Mẫu Thoải và Nhạc Phủ (miền núi), được gọi là Mẫu Thượng Ngàn. Người Đà Lạt thờ Mẫu Thượng Ngàn nhiều nhất.

Nghe kể; muốn vào đạo thì phải trên 18 tuổi, phải tình nguyện, không bị cha mẹ ép buộc. Nhờ vậy mình thoát vụ này. Đạo không phân biệt giai cấp, miễn là người muốn vào đạo phải theo các quy định của đạo Tổ Tiên CHính Giáo. Người muốn gia nhập đạo phải lương thiện, chấp nhận các nội quy của đạo. Khi mình về lại Đà Lạt thì bố mẹ mình xin tiền cúng cho tổ đình thì cứ đưa nhưng mình cũng không biết rõ ất giáp gì về đạo của bố mẹ theo.

Họ học giáo lý về vua HÙng Vương, quốc tổ của người Việt nên tổ chức ngày giỗ tổ mỗi năm vào ngày 10 tháng 3 âm lịch. Ngoài Bôn Sa, mình thấy có cái đền HÙng. Nếu mình không lầm bác Đức, khi xưa thầu khoán ở Sàigòn, cũng là đạo hữu của Tổ Tiên Chính Giáo đã đóng góp, xin tiền các cộng đồng để xây tổ đình (mướn chỗ). Nay mỗi ngày có người đến mở cửa để người Việt có thể ghé thăm, thắp hương cho tổ phụ.

Khi mẹ mình sang Hoa Kỳ chơi có gặp bác mấy lần. Nay không biết bác còn sống hay không. Lần cuối, mình ghé thăm bác ở thành phố Santa Ana trong khu người già. Ngày nay, họ giải mả cho thấy các vị vua hÙng được bịa ra. Trong cuốn sử ký Việt Nam đầu tiên, không thấy nhắc đến 18 ông vua này, tính ra thì mỗi người cai trị trung bình 183 năm. Bên tàu, nước Sở có 18 vị Sở HÙng Vương nên người Việt mình kéo đại vào để tô điểm thêm cho quá khứ giàu sang của tổ tiên mình. Mấy vụ Sùng Lãm , Âu Cơ đều được chế ra hết. Tương tự Phù Đổng Thiên Vương,… trong sách sử cận đại, chúng ta thấy có nhiều nhân vật được tạo ra như Lê Văn Tám, ngọn đuốc cách mạng,…

Mình chỉ nhớ có mấy người chính trong Tổ Tiên Chính Giáo là ông Nguyễn Văn Phúng, mẹ mình kêu bằng cậu, em của bà Võ Quang Tiềm, ông Đỗ Quang Tế, ông Lê Sơn Tùng, hình như ông này là người đồng tử, trùm khăn. Lâu quá chả nhớ ai ra ai. Người em lăn đùng ra chết, mình phải tụng kinh cho nó được đi đầu thai sớm.

Mình nhớ, quỳ cả mấy tiếng đồng hồ, bụng đói hương tàn mà mấy ông không chịu ngưng để ăn. Cứ tiếp tục đọc thơ, ông thì cầm cái bút lông viết lên mâm gạo, ông thì đọc. Nếu đọc sai thì ông Đồng Tử, trở cái bút lông lại, khỏ khỏ trên cái mâm, báo hiệu là đọc sai.

Mấy người lớn kêu là Thánh Thần, Phật, các vua HÙng Vương bút thông qua một đồng tử thực hiện việc khai đạo. Ông mà ngồi trùm khăn đỏ, được xem là đồng tử. Sau này được phát triển xuống các tỉnh miền nam, nay có nhiều người theo lắm. Dạo ông cụ mình chưa mất, hay đi xuống các vùng này thăm các đạo hữu. Khi ông cụ mất, nghe nói các phái đoàn từ các tỉnh về dự đám tang đông như quân Nguyên. Mình thấy họ phong ông cụ mình chức gì trên Thiên Đình. Kinh

Ở ngoài Bolsa, lâu lắm rồi, mình thấy hai vợ chồng chạy chiếc xe Jeep màu xanh, có gắn mấy con rồng trên mui xe, chạy vòng vòng tự xưng thiên tướng, tướng nhà trời được giáng xuống Bolsa để làm chi đó. Có chỗ để họ lên đồng lên bóng ở đường Hazard. Có bà mời mình đến nhà, chỉ cái giường, có tượng gỗ ông tướng nào nằm. Hỏi ai thế, bà ta bảo là vua Quang Trung, chồng của bà ta. Bà là công chúa Ngọc Hân. Hỏi chồng hiện tại thì được biết là chồng cỏi tạm. Kinh. Đồng chí gái mà biết vụ này, chắc cũn kêu mình là chồng cỏi tạm, tối cho ra salon ngủ, thỉnh ông vua nào khi xưa về.

Có lần, đồng chí gái bị đau, kêu mình chở đến chỗ nào ngoài bolsa. Có một ông nào từ Texas đến, kêu mở luân xa cho. Ông ta kêu mọi người nhắm mắt lại còn mình thì hé hé để xem họ diễn ra sao. Đâu 3 phút sau, ông ta mở công tắc đèn màu vàng bật lên. Thế là mở luân xa, rồi thiên hạ đưa cái giỏ cúng tiền. Mình thấy toàn tờ $100 không nên sợ, kéo mụ vợ đi về. Mụ vợ kêu đang nhắm mắt bổng nhiên thấy màu vàng. Mình nói thì họ bật đèn vàng thì nó lên màu vàng. Cuối cùng mụ vợ vẫn đau dù có người mở luân xa. Chán Mớ Đời  bắt mình đấm bóp, mỗi cả tay mỗi ngày.

Sau 75 thì Việt Cộng cấm, và tịch thâu cái đình ở số 2 đường Cường Để. Nghe nói các người trong đạo đang tìm cách xin lại để thờ phụng, chắc tốn tiền sửa chửa bộn vì đã trên 45 năm. Chắc họ không cho vì miếng đất này là kim cương chớ không vàng.

Hình như Hà Nội ngày nay chủ trương cho tôn giáo lập lại nhưng để họ kiểm soát, kiểu tu theo kiểu quốc doanh nên nghe nói đã phát triển ra ngoài bắc. Ở làng Vĩnh Phúc, Phú Thọ có đền thờ. Khi con người càng mê tín thì không chạy theo ba cái tư duy về nhân quyền, dân chủ, dân công chi cả. Họ cứ tin thần thánh giúp đỡ làm giàu, thoát kiếp, hết đau bệnh. Xong om

Các tôn giáo như công giáo do toà thánh Vatican lãnh đạo vẫn bị Hà Nội làm khó dễ. Về Đà Lạt, mình có đi thăm mấy tu viện, nhà thờ thì được kể lại như vậy.

Mình nghe kể sau 75, tổ đình khắp nơi bị Hà Nội tịch thu nên các đạo hữu nhóm họp lén lút tại tư gia. Cứ như khi xưa, mấy người theo đạo Ki-tô bị quan quân nhà Nguyễn lùng bắt. Mấy người chính như ông Đổ Quang Tế, trốn ra Nhà Trang hay đâu đó rồi cuối cùng cũng bị bắt. Ông cụ mình thì cũng bị lên án 18 năm về tội phản động, đi tù được 15 năm thì trại cải tạo hết người nên được thả về sớm.

Tò mò tìm tài liệu đọc mới khám phá những gì xẩy ra xưa, còn nhỏ không hiểu gì cả. Người lớn bảo gì thì làm theo. Vấn đề ngày nay, mình dã sống tại hải ngoại gần 50 năm. Văn hoá, phong tục Việt thì không rành, chỉ lắc đầu không hiểu như một tên mất gốc.

Trong lịch sử nhân loại, chúng ta sống nhờ qua các câu chuyện kể. Một loại văn hoá truyền khẩu. Con người nhỏ bé trước thiên nhiên, không giải thích được các hiện tượng xảy ra thường nhật. Họ nghĩ có đấng thần linh nào đó đã gây ra nên cúng thờ các vị này để được yên ổn làm ăn.

Các chức sắc trong làng tạo ra các điều lệ, phong tục như mỗi làng đều thờ Thần Hoàn, thờ những ai thi đậu để họ giúp con cháu, người trong làng học giỏi,… ngày nay, người ta khám phá ra, chỉ cần bỏ ít tiền là có thể đậu bằng tiến sĩ, khỏi cần học hành gì cả.

Đà Lạt do các người di cư từ miền Trung vào rất đông. Người Đà Lạt đầu tiên đem theo tục lệ trong làng của họ theo. Khi làm ăn khá khá một chút thì họ đóng góp để xây các am miếu như am Mệ Cai Thỏ ở đường Nguyễn Công Trứ. Mỗi khu vực đều có nhưng am miếu như trên số 4 cũng có. Nếu mình không lầm thì ông Phúng và các người làng An Lưu, có làm một nhà thờ họ của làng trên Số 4, đường Ngô Quyền để hàng năm, các người gốc An Lưu có thể đến đó hội họp, nhận nhìn bà con.

Hay làng Dưỡng Mong, trong Ấp Xuân An mà mình hay đi vì làng của Ông Ngoại. Bên Mệ ngoại là An Lưu bên nội của mẹ mình là Dưỡng Mong. Bố ông Nguyễn Chánh Thi là anh ruột của ông cố ngoại mình ở làng Dưỡng Mong. Khi ông làm chức vụ gì ở miền Trung, có xây cái cổng làng to đùng cho làng Dưỡng Mong. Gần đây, mình thấy mấy cô hàng xóm của mình khi xưa, có về làng này để tu sửa lại cổng làng,… hoá ra ngày nay, sinh con gái được nhờ, chăm sóc làng quên cha đất tổ.

Vía mình được bán cho Ông Chín ở am Mệ Cai Thỏ hồi nhỏ, nên không biết nay đã lên chức gì trên thiên đình chưa. Thần cai vườn bơ chắc. Có người muốn mua vườn bơ của mình. Biết đâu sang năm đúng ngày vía của mình sẽ bán cái vườn bơ để đi chơi cho khoẻ đời. Mình chỉ biết là hiện nay đang theo đạo Sợ VỢ. Chán Mớ Đời 

Nguyễn Hoàng Sơn 


Phố người Việt đầu tiên tại Đà Lạt

 Từ khi bắt đầu xem hình ảnh Đà Lạt xưa, có một khu vực, mình không thể hình dung được. Cứ thắc mắc hoài, không hiểu tại sao lại biến mất. Xem phong cảnh xung quanh thì biết nằm ngay hồ Xuân Hương ngày nay. Tò mò, mình tìm tài liệu đọc thì mới được khám phá là khu phố người Việt mà tây gọi là khu thổ dân (indigènes) này bị trận bão lụt ngày 4 tháng 5 năm 1932, đã cuốn trôi đi. Sau đó, chính quyền thực dân đã dời khu dân cư người Việt lên khu Hoà Bình ngày nay. Mặc dù khu này cũng như các khu đồi ở Đà Lạt, đều được dành cho người Pháp hay âu châu. Mình sẽ tải hình dưới đây để giải thích.

Có anh bạn cho biết là gia đình ông ngoại anh ta là 1 trong 100 gia đình đầu tiên được người Pháp cho đến lập nghiệp tại Đà Lạt. Nhờ ông ngoại đi lính cho Tây, sang đánh giặc ở trời Âu, sống sót trở về nên được thưởng công. Cho lên Đà Lạt lập nghiệp. Mình đoán là gia đình của anh ta lập cư tại khu vực này trước khi dọn về đường Hai Bà Trưng. Khu vực đường Phan Đình Phùng, trước kia được gọi đường Cầu Quẹo, vì có chiếc cầu ngay cây xăng Ngã Ba Chùa, chỗ lên ấp Mỹ Lộc, có một chiếc cầu, có ống cống xi măng, gần nhà Nguyễn Đắc Hớn, bán phân cá.


Hình trên, theo mình đoán là được chụp từ khách sạn LangBian. Nhìn xuống khu phố người Việt mà ta thấy thấp thoáng cái dốc Ấp Ánh Sáng và đường Thành Thái sau này. Thấy chiếc xe hơi chạy trên con đường, sau này là Trần Quốc Toản, về đường Phạm Ngũ Lão, lên dốc nhà Thờ Con Gà.

This photograph was taken from the Palace Hotel. You can see the first Vietnamese quarter. You can see the street Thanh Thai. You can see a vehicle on the street Tran Quoc Toan toward the Main Church and Pham Ngu Lao street

Nhìn góc độ khác ta thấy chiếc cầu gỗ, bắc ngang con suối Cam Ly chảy khu vực Ấp Ánh sáng sau này. Con đường nhỏ này sẽ dẫn đến cái dốc nhỏ từ Ấp Ánh Sáng lên đường Thành Thái, chỗ góc xi-nê Ngọc Lan sau này.

A closer image showing the wooden bridge, I used to see several like this one in Đà Lạt.the Cam ly river (spring) running through the first Vietnamese quarter

Đây là bản đồ của thành phố Đà Lạt, lúc khởi đầu. Có hai hồ nước. Hồ lớn (Grand lac) và hồ nhỏ (Petit Lac). Hồ lớn để cho người Pháp sử dụng, to lớn, còn hồ nhỏ để giữ nước cho người Việt dùng. Đến khi cái đê của hồ lớn bị vỡ và ngày 4 tháng 5 năm 1932 thì ngập lụt hết khu vực người Việt. Có một đoạn, suối Cam Ly rộng ra, Ấp Ánh Sáng sau này. Cái đê, đập đầu tiên bị vỡ nên họ cho xây Cầu Ông Đạo nơi cái đập thứ nhì. Lúc này thì Thuỷ Tạ chưa được xây, chỉ khi cái đê đầu tiên bị phá mới được thực hiện. 
Khu phố Việt, là dãy nhà được tô màu đỏ, có chợ.
This is an old map showing the Vietnamese quarter near the Grand Lake and Small Lake. The Grand Lake was reserved for French people, Small Lake was for Vietnamese people. When the flood (May 4, 1932) broke the dam, destroyed the Vietnamese area, killed 15 people. Then the French moved the Vietnamese quarter to the Peace area nowadays. The market was painted in red.
Thấy dân xưa, không có guốc mà mang. Bận áo dài thì đoán là người gốc Huế và người Thượng, đeo gù
Old Vietnamese didn’t wear the sandals, wearing the Áo Dai, i think people from Hue and mountaineers carrying their backpack.
Đây khu chợ người Việt, thấy xa xa cái dốc, có thể đó là dốc Lê Đại Hành sau này
The first Vietnamese quarter, you can see the future Le Dai Hanh street

Hình bản đồ này cho thấy rõ hồ lớn, dành cho người Pháp sử dụng còn hồ nhỏ thì mùa khô cạn nước, nhưng mùa mưa thì để hứng nước. Có con đê-đập, chạy từ Thuỷ Tạ (được xây sau này), chạy từ khách sạn LangBian qua bùng binh Đinh Tiên hoàng và Võ Tánh.
Map showing the grand lake, reserved to the French people. You can see the dam, street from LangBian hotel through Đình Tien Hoang Street. THe grenouillere has not been built yet. (Floating restaurant)
Hình chụp cái đê- đập chạy từ khách sạn LangBian qua bùng binh Điên Tiên Hoàng và Võ Tánh. Xa xa trên đồi cao là dinh tỉnh trưởng. Hình con đê và đập từ khách sạn LangBian chạy qua. Chỗ chiếc xe bò, sau này là cây xăng Esso
Picture showing the dam from LangBian hotel to Dien Tien Hoang St and Vo Tanh. You can see the mayor palace on the hill. The location where the the chariot , later was built a gas station Esson
Chụp từ ty Bưu Điện. Hồ nhỏ này mình đoán là hồ dữ trữ, hứng nước mưa từ trên đồi (nhà thờ Con Gà hay Nazareth  chảy xuống. Nhìn kỹ bản vẽ trên sẽ thấy một hồ nhở dài tô bằng màu xanh lơ. Người Pháp gọi Petit Lac, hồ nhỏ.
Picture taken from the Post Office, in front of the main Church

Hình này, chụp cận cảnh, nhìn từ nhà bưu điện, trước mặt nhà thờ Con Gà, nhìn xuống. Ta thấy chiếc cầu khác, bắt ngang con suối Cam Ly. Đặc biệt khi qua chiếc cầu, thấy một dãy phố người Tàu bên tay phải. Sau này mình tìm được mấy tấm ảnh sau đây. Hồ do nước mưa chảy từ nhà thờ Con Gà xuống đọng lại vào mùa mưa. Phía dưới cầu là con suối Cam Ly chảy từ hồ lớn xuống thác Cam Ly.
A close look of the previous picture showing  the wooden bridge, a mini truck running a longthe Cam Ly river. I guess the small lake where it stored the rainwater come down form the hills (church)

Bản đồ cho thấy hạ lưu của suối Cam Ly là khu người Việt, thấy dinh tỉnh trưởng. Con suối từ Đa Thiện, Thung Lũng Tình Yêu, chảy về, nhập với Suối Cam Ly chỗ Abattoir, chảy về Thác Cam LY.
Map showing the Cam Ly river and another river, spring from Love valley, connecting then go to Cam ly falls.
Hình chụp từ đồi khách sạn LangBian, thấy khu nông nghiệp của người Việt, xa xa trên đồi là dinh tỉnh trưởng 
Picture taken from LangBian hotel showing the old Vietnamese quarter that has been destroyed by the flood. Your an see faraway the Mayor Palace
Hình chụp chiếc cầu bắc ngang con suối Cam Ly, bên trái là khu người Việt ở. Trên đồi phía trái là dinh tỉnh trưởng. Chỗ sau này được thay thế bởi cầu Ông Đạo. Chúng ta có thấy chút chút con dốc Lê Đại Hành và căn nhà cua rông Quản Đạo do triều đình Nguyễn cử vào đây để quản lý các người Việt.
Picture take where the latest dam has been built after the flood 5/4/1932 that Dalatois called Ông Dao Bridge
Sơn đen dạo chơi ngày xưa với ngựa. Dãy phố người Việt phía dưới sau này bị phá bỏ sau trận lụt làm thiệt mạng 15 người Việt.
Myself long time ago :)

Tương tự chụp tại khách sạn LangBian. Thấy phu người Việt đang làm việc. Bên phải là con đê-đập chạy từ bên hồ này sang hồ kia, chạy lên Võ Tánh và Đinh Tiên Hoàng. Sau này được phá bỏ để nhập hồ Lớn và hồ nhỏ lại, đỡ tốn tiền xây hai cái đập.
Same location, taken from LangBian hotel
Hình này cho thấy tổng thể khu người Việt sinh sống, sau bị phá huỷ bởi trận bão lụt 4/5/1932

Taken from LangBIan Hotel, you can see the old Vietnamese quarter before th flood.
Thấy hai chiếc cầu bắc ngang suối Cam Ly, nàh cửa người Việt đông đúc tại đây, sau trận bão lụt, được dời lên khu Hoà BÌnh. Chỗ này được lấp nước thành hồ Xuân Hương sau này.
Bản vẽ thiết kế đô thị Đà Lạt lúc đầu, cho thấy khu Hoà Bình, được dành cho người Pháp. Khu vực Phan Đình Phùng và Hai Bà Trưng sau này, nằm thấp nên họ dành cho người Việt (quartier annamite). Sau khi vực người Việt bị trận lụt phá hủ , người Pháp mới dời chợ khu phố người Việt lên trên Khu Hoà Bình sau này.
This map showing the the areas reserved to Vietnamese (quarter Annamite), usually flat. Peace are, was previously reserved for French people, you can see the mayor palace has been built in that area. Due to the flood, French People had to move the Vietnamese to that area.

Một tấm ảnh khác, giúp mình giải mả được những thắc mắc về khu người Việt cũ xưa.
One of the picture helped me to discover what happened to that area.
Điêu tàn sau trận bão lụt 4/5/1932, bị bỏ phế. Chỗ chiếc cầu, được xây lại cầu Ông Đạo
After the flood, houses abandoned.
Khu phố cũ bị ngập lụt, được người Pháp phá bỏ. Flooded zone
Chỗ này là chiếc cầu của người Việt sử dụng. Sau trận lụt thiên người Pháp phá bỏ cái đê chỗ Thuỷ Tạ, để xây cái đập lớn và cầu Ông Đạo tại đây.
This is the bridge where they would build the latest dam and road which called Ong Dao bridge later 
Hình này cho thấy họ xây nhà hai tầng bằng gỗ, tầng trệt để buôn bán còn tầng trên để ngủ. Phía sau là bếp. Có mấy tấm gỗ để đóng cửa tiệm mà mình hay thấy khi xưa tại Đà Lạt trước khi các cửa sắt ra đời.
Chinese stores have been built there. First floor for store and living area upstairs

Cửa tiệm bán tạp hoá, nồi chảo, thấy vui, mấy cây chổi được gắn nào là chổi chà, chổi lông gà,…

Hình này cho tấy mấy tấm gỗ dùng để đóng cửa tiệm mà mình  hay thấy khi xưa ở các cửa tiệm tại Đà Lạt.

You can see the wooden shutters used to close the stores in the evening. I saw a lot of those when i was kid until they made the iron shutters.

Hình này chú thích Lò Gạch nên mình đoán là trong Hoàng Diệu. Khi xưa, Đà Lạt hay bị lụt chỗ abatoir vì sau chỗ này là đường Hoàng Diệu mà người Đà Lạt xưa hay gọi khu Lò Gạch nơi có cái lò gạch để làm gạch cho việc xây cất các nhà cửa Đà Lạt.
Flood showing the area called LO Gach, Hoang Diệu street later. Where they have a brick oven to make bricks.

Hình này, mình thấy đâu không nhớ nhưng đề ngày 4 tháng 5 năm 1932. Cái đê chắn hồ lớn bị vỡ nên ngập hết khu người Việt ở. Mình đoán là chụp từ trên đường Trương Vĩnh Ký. Thấy nhà ông Quản Đạo bên tay trái. Nhờ tấm ảnh này mới giải mả được những thắc mắc của mình trước đây về khu phố người Việt đầu tiên tại Đà Lạt.

Ai có nhận xét gì mà thấy em sai thì cho em biết. Em mò mò để tìm lại dấu chân của thế hệ trước mình đi. Nên khó mà chính xác.

Nguyễn Hoàng Sơn 



Kung thê kung fu

  Đọc bài "tử vi" của thầy Phạm Kế Viêm, làm mình nhớ lại đoạn trường tìm vợ. Dạo ấy tìm vợ rất khó. Dân di tản 75 thì rất môn đăng hộ đối, mình lí lịch không ai biết nên khó mà đăng kí gửi gạo. Sau 79, có làn sóng người Việt vượt biển nhưng đa số là đàn ông, phụ nữ rất ít vì sợ cướp biển cho nên dạo ấy tìm vợ Việt ở hải ngoại như thể tìm chim đa đa. 

Đi party, một cô dù xấu đến đâu cũng có nhiều anh bu quanh đen như ruồi. Nói theo kinh tế định hướng thị trường thì hàng hiếm dù chất lượng xấu vẫn có giá cao theo nhu cầu cung ứng. Sau này có chính sách Đổi Mới, có phong trào về VN cưới vợ thịnh hành, thêm có chương trình đoạn tụ ODP và H.O., giúp thị trường gái Việt hải ngoại bớt khan hiếm hơn xưa. Ngày nay, về Việt Nam lấy người đẹp chân dài lại thiên hạ được cấp thêm tiền tươi. Đời có cái lạ không bao giờ biết trước.

Nhiều người thắc mắc, không nhớ mặt Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen khi còn tại Đà Lạt nên bỏ lại đây cho các bác học chung, nhớ lại bạn học một thời. 

Dạo mình mới sang Tây thì mê đầm lắm. Con gái tóc vàng tóc nâu, tóc đỏ, đồ phụ tùng, điện nước có đầy đủ không như các cô VN gầy như con mắm, cái bàn là như các người mẫu của nghệ sĩ Modigliani. Mình mê đầm nên khi ở Ý, Đức, Thụy Sĩ hay Luân Đôn cũng không chừa tật đó. Nhất là hồi ở Đan Mạch đầm tóc vàng mắt xanh làm mình ngất ngư không quay lại bến bờ. Cứ tưởng sau này lấy vợ đầm, nhất là lúc làm việc ở Ý.

Đùng một cái nhận tin mấy người em vượt biển sang Nam Dương nên phải quay về Paris lo cho mấy em sang định cư. Lúc đó mới ăn cơm và nói tiếng Việt lại. Tiếng Việt thì mình cũng không rành vì hồi nhỏ học trường Tây, chỉ học chương trình Việt hai năm cuối của Trung học. Thơ Đường thì nhớ man mán cái chi bằng bằng trắc trắc rồi thơ lục bát cửu vạn tổ tôm chi đó mà thôi. Nói năng hàng ngày thì được chớ cao cao, đột phá tư duy thì chịu.

Sau 10 năm, Từ khi đi du học, gần như không nói tiếng việt, gặp lại mấy người em, dùng những từ ngữ sau 75 lại càng tăm tối, u mê. Khi sang Mỹ chơi, Tam Anh giới thiệu hai cô Việt Nam làm mình ngất ngư nên quyết định sang Mỹ kiếm vợ. Tam Anh nói con gái VN thích Thơ Văn nên mình mua báo Phụ Nữ Diễn Đàn của thầy CBA làm chủ bút, đọc mục gỡ rối tơ lòng của bà Tùng Long để điều nghiên về đối tượng VN. 

Không ngờ cô nàng, dân di tản 75 lúc còn học tiểu học nên cũng i tờ tiếng Việt, đi chợ mua gạo, nhà dặn mua gạo ông Địa, ngon hơn. Ra chợ VN, lớ ngớ sao nói bán cho bao gạo ông Đĩ, khiến chủ tiệm mặt đực ra như bò đội nón. Mua hành lá thì hỏi hành lý ở đâu. Chán mớ đời. Hỏi sau này em thích làm nghề gì thì trả lời thích nghề Bán Bún. Ngồi nhìn cô nàng, đột phá tư duy mới hiểu rằng cô nàng thích nghề Buôn Bán. 

 Cứ mỗi lần cô nào hỏi tên tuổi ngày sinh của mình là coi như adieu jolie Candy! Không bao giờ gặp lại, không hiểu lí do. Có lần một cô buồn buồn nói là mẹ đi coi bói thầy 3 cầu Hoa, nói anh sinh năm 1956 là "tủi thân" không hạp. Dương Hạ Hoả thì số này nó phá tiền ở các sòng bài casino là tàn đời con luôn. Mình gạt lệ trách sao trời sinh ta lại còn sinh tử vi. Thầy Phạm Kế Viêm lại chấm tử vi, viết hàng năm. Ai muốn biết năm 2024 ra sao thì lên diễn đàn Văn Học mà đọc bài của thầy Viêm.

Ngày xưa đọc Tam quốc chí thuê của nhà sách Minh Thu, ông Khổng Minh cải số để giúp Lưu Bị nhưng không nhớ làm sao. May dạo đó Tam Anh, không biết nghiên cứu tử vi hồi nào mà viết phần mềm tử vi nên gái bu đông như kiến nhờ ông thầy bói Tam Anh coi duyên phận. Anh này cũng khôn lắm, cứ cô nào mà anh ta thích là cứ nói tình duyên sau này sẽ gặp người tương tự như anh ta. Tam Anh nói con gái Bắc kỳ tin tử vi lắm cho nên sau này lấy vợ ăn cà cuống. 

Mình nhớ ông Thiệu ngày xưa làm tổng thống vì có Tam Tý nên sau này cô nào hỏi ngày sinh tháng đẻ là cứ phán đại là mình sinh năm Tý, giờ Tý, tháng Tý thì cái huông bị gái cho de của mình biến mất.

Khi đến nhà xin phép đưa mấy cô đi chơi thì bố mẹ không còn vẻ mặt hình sự, công an phi trường Tân Sơn Nhất như dạo trước. Đi coi bói thì bố mẹ biết mình có mạng đế vương cho nên quý mình như kẻ thân tình, lâu năm gặp lại, mời ăn bún bò rồi bới cho đem về. Có lần mình bị một đồng chí gái lôi đến nhà ông thầy 6. Nghe nói ông này có viết sách tử vi, nổi tiếng lắm. Sau khi xin xăm, xin quẻ rồi in bản tử vi điện toán mà mình có ở nhà cả lời giải thì ông thầy phán: "Anh tuổi Tý là tuổi con chuột. Chuột thì có nhiều loại như chuột đồng, chuột chù, chuột xù, chuột nhắc, chuột nhí,... Anh thuộc dạng chuột nhí nên sợ vợ như Lưu Bị, nghe sấm chớp là đã run không dám luận anh hùng với ai cả. Suốt ngày chỉ biết khóc lóc, hát ca trù cho Tào Tháo chết. Anh có số đào hoa nhưng bị triệt vì cô thần quả tú

Đàn bà họ mến anh nhưng không lấy anh vì vía anh là con chuột nhí. Phụ nữ chỉ lấy những người như Tiết Nhân Quý của nhà Đường, có vía con cọp để có chỗ tựa tỏng cuộc đời. Số anh không ở với cha mẹ được, chỉ ở với vợ thôi. Ra về, mình man mác buồn, không lẻ kiếp trước mình là Thúc Sinh đầu thai lại mà vợ tương lai mình lại là Hoạn Thư. 

Ông Lưu Bị ngày xưa muốn thoát khỏi vòng tay lãnh đạo và quản lí của vợ, sai Quan Công ở nhà hầu bà vợ, ai ngờ bà vợ hiểu được ý nên bắt Quan Công đứng đốt đuốc sáng đêm để ông chồng không thể lấy cớ, dèm pha mà kiếm bồ nhí, đi bia ôm. Đau nhất là phải moi tiền trả cho thầy cho dù mình có bản in tử vi ở nhà. Không ngờ cô nàng lại tủm tỉm cười. Có lẻ phát hiện ra một tên có mạng đế vương. The charming prince! 

Đồng chí gái mời về nhà để ra mắt gia đình. Cô nàng dặn là phải cẩn thận, ăn nói nghiêm chỉnh, từ tốn, không được ăn nói phản cách mạng vì theo lí lịch thì gia đình mình thuộc hệ 13. Mình có tật là ăn nói bú xua, xuất khẩu không đúng không gian và thời gian. Tam Anh có nhắc là Bệnh tòng khẩu nhập, hoạ tòng khẩu xuất. 


Chưa bao giờ mà mình khổ sở như vậy, gặp ai cũng thưa gửi, nụ cười hàm méo, ngay con chó Kiki, sủa gầm gừ, ngửi mông dế mình vẫn hello! How are you? Khi thiên hạ ngồi vào bàn ăn cơm, nhà thì đông anh em lại thêm dâu rể nữa nên khúm núm, quay qua quay lại mời cha mời mẹ, mời anh, mời chị, mời tất cả, mời con ki ki xong thì mới dám cầm đũa. Nhìn lên bàn đồ ăn biến đâu mất đành nuốt cơm và cơm. 

 

Ông già đồng chí gái, trọ trẹ giọng Nghệ An hay Hà Tỉnh gì đó, rất nặng khó nghe. Mình thì ăn nhỏ nhẻ như chuột nhí trong khi ông ấy vừa gắp vừa lua, vừa hỏi cung mình. Ông hỏi: " Nì! Rựa hai bạc bên nhà còn đụ khôn?". Mình nghe đến đây, tá hoả tam tinh không biết trả lời ra sao đành thú thật " dạ cháu không biết! Để cháu viết thư hỏi Bố Mẹ cháu. Bố cháu ở trại cải tạo 15 năm mới ra nên sức khoẻ còn yếu, nếu có làm chuyện ấy thì chắc cũng lai rai". 

 

Lúc đó, mình bị đồng chí gái đá cho 1 cái dưới bàn đau điếng. Cả nhà bổng cười rầm trời, ai nấy đều mếu máo đập bàn, đập ghế làm mình ngơ ngơ ngác ngác như ngỗng ị. Sau này, nghe đồng chí gái kể là ông cụ nói thằng ni thiệt thà, được. Rứa là mình lên xe bông về Nhà vợ. Lấy vợ rồi, mình mới thành khẩn khai báo là tuổi con khỉ chớ không phải tuổi con chuột. Số mình không có mạng đế vương, mạng mình chỉ làm đồng chí chuột nhí. Đồng chí gái bảo tui biết từ khuya rồi Ôn!

 

Đồng chí gái đẹp tương đương cô đào mình mê này


 Nguyễn Hoàng Sơn 12 B

 

Tìm lại bạn cũ sau 50 năm

 Hôm qua, mình nhận được cú điện thoại từ Gia-nã-đại, của một anh chàng ở xóm trên đường Thi Sách, gần bệnh viện Đà Lạt. Anh chàng cho biết mới nói chuyện được với Sang, bà con chi với anh chàng. Mình gọi cho Sang nhưng không thấy trả lời nên nhắn tin. Mình nói Phú ở Gia-nã-đại, không thấy Sang trả lời thì 1 tiếng sau Sang gọi. Nói chuyện gần 3 tiếng đồng hồ, vẫn chưa hết chuyện. Giọng hắn vẫn nhẹ nhàng như xưa. Hắn kêu thấy số lạ nên không dám bắt. Ở Hoa Kỳ có cái bệnh là họ gọi kêu bán buôn gì, quảng cáo nên thấy số lạ không dám bắt.

Khi về Đà Lạt lần đầu tiên, mình có đi tìm 3 tên bạn học cũ: Sang, Tài và Thuỷ nhưng không gặp. 3 tên này có chung một đặt tính là rất hiền, ăn nói nhỏ nhẹ, không ba trợn như mình, chửi thề đủ trò. Sau này, nhờ qua diễn đàn cựu học sinh Văn Học Đà Lạt, tìm và gặp lại được 2 tên còn Sang thì vẫn bặt tin đến hôm nay. Cuối năm 1972, khi hắn đi quân dịch sau mùa hè Đỏ Lửa.

Mình gửi điện thư cho nhóm Văn Học, báo tin đã tìm lại HKS, người đã khai thông lộ, khởi đầu quá trình ngắm gái, con đường vào tình yêu cho mình thì có tên bạn học cũ khác, kêu cho xin số điện thoại của Sang. Tên này, ở Dallas, chắc sẽ gặp Sang. Mình chắc sang năm mới bò sang Houston. Tên này có kể ngày xưa, kết một em tên Hồng, trong lớp. Mình về Sàigòn, có gặp cô nàng, chụp hình, gửi cho hắn. Vợ hắn gọi mình kêu, xem hình đối tượng 1 thời, hắn té xỉu, phải đái 1 trộ vào mặt hắn, mới tỉnh lại.

Tên Sang này và mình chơi với nhau từ bé trong xóm, bắn bi,…khi hắn học tiểu học với anh Bình ở cạnh nhà mình. Lớn lên thì chỉ chào nhau, cười cười khi gặp nhau, khi đụng mặt trong xóm. Đến khi mình sang Văn Học, lớ ngớ vào lớp 11B thì thấy hắn. Hắn kêu đến ngồi chung bàn. Lớp thì nhỏ mà có trên 150 mạng nhét vào ngồi như cá mòi. Được vài tháng thì hắn bị động viên, mất liên lạc từ đó.

Từ hắn, mình bắt đầu tập tành đi vào con đường cách mạng, thay đổi tầm nhìn, chân lý. Thay vì tập võ, đánh bóng bàn thì mình hủ hoá, mất lập trường cách mạng, bắt đầu ngắm gái. Ăn cơm trưa xong, hắn kêu mình chở hắn đi vòng vòng Đà Lạt, hắn biết cô này tên gì, nhà ở đâu. Cô kia họ chi, học trường nào. Trước đây, mình chạy xe một lèo tới trường hay về nhà, nay bổng nhiên phát hiện ra cuộc đời có những cô gái má hồng Đà Lạt, xinh đẹp. 

Hắn và tên em bà con, Bình, ăn bận rất cực đỉnh, đi học chải tóc láng cón trong khi mình chỉ húi cua từ bé đến nay.

Mình hỏi hắn nhớ Ri không, khiến hắn giật mình. Nói mày hỏi tao mới nhớ chớ mấy chục năm nay quên mẹ nó hết. Trong lớp dạo ấy, hắn thích Ri, người Chàm, lên Đà Lạt học, ở trọ nhà trên đường Thủ Khoa Huân. Hắn thân với tên Hiệp, lớp 11A, bắt gôn. Tên Hiệp này thích thị Đức, 11B nên hay viết thư rồi nhờ mình đưa lại. Một lần, sau ăn trưa, hai tên này rủ mình đến nhà Ri. Tại đây gặp Đức. 

Hai tên này nói chuyện với hai cô nàng, mình bỏ ra sân sau, nhìn xuống đường Cường Để và Hồ Xuân Hương. Đẹp thật. Có lẻ chỗ này nhìn về hồ Xuân Hương rất lạ, thấy Ấp Ánh Sáng, Grand Lycee,… không như mấy tấm ảnh thường thấy.

Lần sau chúng rủ, mình không đi nữa. Sau hai tên này đi lính, mình chấm dứt sự nghiệp, nghề đưa thư tình cho hai cặp này. Hắn có viết thư cho mình từ quân trường, nhờ tên em họ đưa lại. Tên này, có lần gặp mình, nói là có thư thằng Sang, gửi cho mình nhưng hắn quên đưa lại, sau bỏ xọc rác. Hắn kể khi xưa, mình nói chuyện hay chế những cụm từ rất đặc biệt như có lần đi sau cô nào, khi đi học về, mình nói cô này như “khoai lang lột vỏ” nên bị cô nàng quay lại nguýt một cái cực đỉnh.

Sau mùa hè Đỏ Lửa, Việt Nam Cộng Hoà đôn quân, thằng Sang và mấy tên khác sinh 1955, không được hoãn dịch, phải nhập ngủ, bỏ học, từ giả đời học sinh êm ái. Trong lớp bổng mất đi 10% học sinh nam. Cả lớp bàng hoàng được vài tuần rồi cuộc đời như dòng suối Cam Ly chảy qua thành phố Đà Lạt. Nhà tên nào có tiền thì chạy giấy tờ giả để tiếp tục học hay có em trai thì lấy giấy tờ của em để khỏi đi quân dịch. 

Hắn kể đi nhập ngủ, vào khám sức khoẻ, gặp lại Vĩnh, học chung, ngồi bàn sau tụi này. Tên này đi lính trước đó mấy tháng mà không ai biết. Anh chàng này đi Thuỷ Quân Lục Chiến, mới ra trận lần đầu, bị thương khiến Sang đâm hoảng. Kêu hắn vào lính trong khi tên bạn học cũ lại bị thương khi ra trận lần đầu. Thất kinh.

Học quân sự xong thì hắn được bổ nhiệm đi học tháo gỡ mìn và chất nổ, đóng quân ở phi trường Tân Sơn Nhất. Ai báo cho thấy các vật khả nghi, có mìn hay chất nổ thì hắn được cử đến tháo ngòi nổ. Lạng quạng nổ banh xác. Chỗ hắn học khi xưa, nay Việt Cộng làm viện bảo tàng tội ác mỹ ngụy. Còn em cô cậu nó, tên Tuấn, cũng học chung, đi lính cùng ngày với hắn. Tên này, ngày xưa hay chở Ngọ, mà trong lớp hay chọc, hát em tan trường về anh theo Ngọ về.

Gia đình hắn được xem là 1 trong 100 gia đình đầu tiên đến Đà Lạt lập nghiệp. Không biết trí nhớ hắn còn tốt hay không để mình hỏi thêm về lịch sử gia đình hắn lên Đà Lạt lập nghiệp ra sao. Anh hắn khi xưa là đệ tử của ông Sáu Trọng, thầy võ trên Số 4. Xóm mình được gọi là xóm Thái Cực Đạo vì có nhiều tên tập Thái Cực Đạo. Nhóm đi chơi tên Ngọc, đai đen thường được gọi là băng Thái Cực Đạo.

 Trong tấm ảnh này, biết đâu có hình ông ngoại của Huỳnh Kim Sang, lính khố đỏ sang tây đánh đức cứu Tây.

Ông ngoại hắn là lính khố đỏ, tây gọi là Tirailleur, bị tây chở qua xứ mẫu quốc, đánh giặc chống Đức vào đệ nhất thế chiến 1914-1918. May sao còn sống vì quân lính của tây chết như rạ vì họ dùng khí giới hơi ngạt. Về nước, Tây cho dẫn gia đình lên Đà Lạt lập nghiệp sinh sống. Mẹ hắn được gửi bằng khen, 1 trong những 100 gia đình đầu tiên di cư đến Đà Lạt. Thời Tây đổ bộ sau 1945, bị bố ráp, lính tây suýt bắn. May ông ta xổ một tràn tiếng tây bồi, cho quân số của lính pháp ngày xưa nên thoát chết.

Ông nội hắn, người Quảng Nam, làm thầu khoán, xây cầu gì ở Tháp Chàm, giàu có. Một hôm đi đâu về sao đó về bị té chết. Bố hắn với ông bác, còn bé, được mấy người bà con đem vào Đà Lạt nuôi. Ông cụ mình hay đến nhà hắn đánh bài. Bố hắn đánh bài, mèo chuột nên hắn lớn lên, không theo con đường của bố. Hèn gì bố hắn với ông cụ mình thân nhau vì có chung đặc tính. Bố hắn có bà Bồ nhí trên số 4 nên hay đi ngang nhà mình. Khi xưa có chiếc xe mô-tô. Chị hắn buôn bán giỏi lắm, có nhà chỗ đầu dốc Hai Bà Trưng. 1 trong 3 căn nhà xây sau Mậu thân, bên cạnh nhà ông tàu bán xắp xắp, chuyên môn bận áo quà màu đen ở bên cạnh rạp Ngọc Hiệp. Nhà có xe hàng. Sau này về Sàigòn buôn bán rau của Đà Lạt. Bị đổi tiền mấy lần te tua nhưng người tài giỏi thì vẫn làm lại được cuộc đời sau đó vì có nghề buôn bán.

Bố hắn mở tiệm làm nước đá Thuỷ Tinh, đối diện rạp Ngọc Hiệp. Sau này bán lại cho ai, họ mới làm thêm cà-rem cây với loại eskimo mà mình mê nhất thời ấy. Hắn cho biết cái cầu nhỏ từ xóm Địa dư qua Phan Đình Phùng, thường được gia đình hắn gọi là Cầu Quẹo. Không biết có phải vì vậy mà dân Đà Lạt xưa gọi đường Cầu Quẹo. Có người kêu là vì chiếc cầu ở cận nhà hàng Cẩm Đô nên họ gọi Cầu Quẹo. Theo mình thì không chính xác lắm vì cầu Cẩm Đô, trước đó được gọi là cầu Cửu Huần, do ông Cửu Huần đặc trách xây. Sau này, nhà hàng Cẩm Đô được xây lên, người ta gọi là cầu Cẩm Đô.

Hắn kể em gái hắn học Văn Học, dưới một lớp. Bạn gái xinh đến nhà , nhờ đó mà hắn biết mấy cô đẹp, nhà ở đâu. Kể có 2 chị em, tên Mỵ và Nương, đẹp nức nở, ở Cầu Đất, chắc nằm vùng, sau 75 làm lớn lắm. Mình không nhớ 2 cô này, chỉ nhớ em gái hắn khi đến nhà hắn.

Hắn kể sau 30/4, hắn trút bỏ quân phục rồi tìm đường về nhà. Hạ sĩ quan nên đi học tập đâu mấy tuần rồi về. Làm đủ nghề, Việt Cộng muốn đày đi kinh tế mới, không cho học, không cho làm xí nghiệp. Hắn di tứ xứ làm ăn, làm lơ xe, xuống Hà Tiên làm công nhân cho xi măng Hà Tiên, bị dân Miên rượt đủ trò. Hắn kể trước khi vượt biển, Cô Thuỷ có xuống Sàigòn, ghi danh cho hắn đi làm công nhân.

Cuối cùng, một hôm hắn đứng đón xe cuối tuần về nhà thì gặp ông cậu. Tối đó, hắn ngủ lại nhà ông cậu. Có người lạ đến bàn chuyện vượt biển trên gác. Hắn bò lên xem, nhớ mặt ông khách lạ rồi sau đó, đi theo ông ta như phim trinh thám. Ông ta lên xe buýt thì leo lên xe buýt, xe đò rồi đến Rạch Giá.

Mình có kể tên bạn học cũ, tổ chức vượt biển, bị chúa trùm công an vùng Kiên Giang bắt. Bảo lên Sàigòn, móc nối với dân vượt biển, kêu về Rạch Giá, mua bến của hắn. Tên này được hai công an Kiên Giang Kiên Cường, đi kè lên Sàigòn. Hắn móc nối, chở 4,000 cây vàng về Rạch Giá nộp cho chúa trùm công an. Dạo ấy, thiên hạ vượt biển từ Bà Rịa nhiều như vợ mình. Nên tên trùm công an Kiên Giang kêu dẫn dân vượt biển về Rạch Giá. Tên trùm công an thấy tên này giỏi, móc nối kiếm tiền cho hắn, không cho đi vượt biển, nó phải núp dưới tàu trốn. Lênh đênh qua đảo rồi định cư tại Cali. Nghe nói tên công an này sau bị tử hình hay sao, không nhớ rõ.

Ông này khám phá ra hắn đi theo, tưởng công an nên nói anh của hắn, xem có phải công an. Ông anh nhận ra nó, kêu em tui nên được đi theo diện canh-me. Anh nó tổ chức vượt biển nhưng không nói, sợ bị lộ. Ghe nhỏ, hôm đó bão cấp 6 nên cả ngàn thuyền ghe đánh cá, đậu neo trong bờ. Thuyền của hắn ra khơi, nhỏ bé. May thuyền nhỏ nếu không thì đã bị sóng đánh vỡ. Tàu chết máy, trôi dạt vào Thái Lan, rồi họ kéo xuống Pulau Bidon. Một năm sau, được định cư ở mỹ. Sống tại Houston từ 1981 đến giờ.

Cách đây, 20 năm, về lại Việt Nam, có tên bạn giới thiệu cô cháu ở Mỹ Tho. Hắn bò về miền nam xem mặt. Thấy nghèo khổ quá nên cưới cô nàng đem qua Mỹ. Hắn nói có vậy mới sống bền với nhau. Cô vợ sinh ra hai cô con gái, 18 và 14 nên chắc phải cày thêm, chưa về hưu được.

Mình hỏi gái Mỹ Tho chắc đẹp lắm. Hắn kêu thường thôi, đẹp thì nó bỏ tao từ lâu rồi. Vợ tao thấy tao hiền nên thương, thua 20 tuổi. Về già mới thấy tên này khôn, lấy vợ trẻ để khi về già nó hầu mình. Lấy vợ gần tuổi nhau, về già đau ốm, già phải lo đấm bóp, thuốc thang đủ trò. Chúc mừng hắn.

Anh chàng kêu sao mình nhớ họ của ”Bỏ tao”. Bỏ là bố đỡ đầu của giáo dân. Hắn chỉ nhớ tên của bác Oai. Mình kể về bố của thằng HÙng, tập Thái Cực Đạo với mình ở Lasan Adran. Hắn kể ăn thịt chó tại nhà này. Ông bố đỡ đầu của hắn, công an chìm của trung tâm thẩm vấn, vua bắt nằm vùng Đà Lạt. Mình nói cũng ăn thịt chó tại nhà nầy được hai lần. Một lần, mình xin con chó của ông Quyền cho nó, nhà nó làm réveillon. Xong om.

Qua hắn thì khám phá ra trong xóm trên nhà mình có rất nhiều giáo dân. Họ đi nhà thờ mà cô hàng xóm đi lễ mỗi ngày. Nhà thờ nằm cạnh nhà xác. Trên bệnh viện Đà Lạt, có 2 nhà xác: một dành cho tây và một dành cho người Việt. Nhà thờ do mấy bà sơ áo trắng trù trị. Theo mình thì là nhà nguyện, để ai có thân nhân nằm bệnh viện, đến đó cầu nguyện bề trên. Nhà thờ lãnh địa đức bà thì mấy bà sơ bận đồ xanh. Hoá ra mẹ nó là mẹ đỡ đầu của chị Lệ Khánh, con bác Mân. Cô này, nổi tiếng với tập thơ “em là con gái trời bắt xấu”. Thằng T, con bà 3 Q cũng đi nhà thờ này. Sau này đi 302, sau 75, đánh lộn bị đâm chết.

Qua hắn, mới nhớ lại chị Nga, người Nùng, 1 trong 4 cô học sinh Bùi Thị Xuân đậu ưu hay tối ư 1 thời. Cạnh nhà Dũng Đầu Bò, cũng người Nùng. Dòng họ này đi lính lực lượng đặc biệt của Mỹ, chạy xe Jeep mỹ thấp, mấy cái bánh xe bè ra ngoài để tránh bị lật… hay ông Lê, bà con hay anh em gì của ông Tô, ở ngay dốc Hai Bà Trưng, cạnh nhà hai chị em Thanh, Trúc, quen với mẹ mình. Mình có gặp khi cô còn ở Irvine, sau này bán nhà ra RiverSide thì mất liên lạc.

Hắn hỏi mình nhớ con khách sạn XXX, mình không nhớ nhưng khách sạn thì nhớ. Hắn cho biết có gặp con của gia đình này, sang đây một mình. Buồn đời ra sao, đi làm nghề giết mướn. Ai trả $10,000 dạo ấy là thịt liền. Sau này, qua Hạ Uy Di làm gì bị bắn chết. Chắc gia đình không biết.

(Còn tiếp)

Nguyễn Hoàng Sơn