Showing posts with label Văn hoá. Show all posts
Showing posts with label Văn hoá. Show all posts

Hậu quả của sự đô hộ tốt hay xấu

 Hồi nhỏ, mình học chương trình pháp nên hơi bị lộn xộn đầu óc. Vào giờ sử địa, ông tây kêu tổ tiên chúng ta là người Gaulois (nos ancêtres sont des gaulois), khiến mình mơ đến một ngày nào đó, được đi tây, về thăm tổ tiên để ăn thịt heo rừng nướng như trong truyện hoạt hình Asterix. Đến giờ Việt văn, ông thầy Việt chửi bới tây thực dân, đô hộ khiến dân ta khổ đau, nô lệ đủ trò thêm 1,000 năm đô hộ giặc tàu nên mình không hiểu đâu là bến bờ và ngu luôn từ đó vì không biết tin ông thầy Tây bà Đầm hay tin ông thầy Việt. Ông thầy việt văn lại hay kể chuyện thời kháng chiến chống pháp nên mình hơi bị lộn xộn cái não. Mỗi lần ông tây hiệu trưởng vào lớp thì ông thầy việt văn, đứng nghiêm, một hai là oui monsieur nên mình cũng không hiểu chửi tây mà cứ sợ sợ bị tây đuổi việc.

Sau này, đậu tú tài thì bà rá vớ được cái học bổng đi tây. Qua tây, mình vẫn bị nhồi sọ bởi ông thầy việt văn nên cứ đinh ninh là tây đầm gian ác. Từ từ mình khám phá người Pháp không gian ác như mình đã được nhồi sọ khi xưa. Họ lại tử tế giúp đỡ mình, nếu không có sự giúp đỡ của họ, được học bổng, nhà ở, mình khó tốt nghiệp. Lâu lâu có gặp một tên tây thực dân, có thời sinh sống tại Việt Nam, mới khám phá ra khi xưa, dân tây sang Việt Nam, đa số ở quê, không công ăn việc làm, như dân ở đảo Corse, ít học nên khi qua Việt Nam, họ rất là đầu gấu, đối xử tàn bạo với người Việt.

Sau này có dịp sang làm việc tại Luân Đôn, thấy đồng nghiệp từ các xứ Tô Cách Lan, Ái Nhỉ Lan, bỏ quê hương, bò sang LUân Đôn làm việc vì xứ họ không có việc làm thì mình thắc mắc hỏi họ thì họ cũng đơ ra luôn. Họ lại chửi người Anh quốc, chiếm đóng quốc gia họ nhưng vì miếng ăn, lại bò sang Anh quốc. Mình đọc báo Anh quốc thì gọi Londonderry là thủ đô của xứ Bắc Ái Nhỉ Lan thì bị họ chửi, kêu Belfast. Kiểu gặp người miền nam kêu Sàigòn là thành phố Hochiminh. Chán Mớ Đời 

Kỹ thuật dẫn thuỷ nhập điền của người La Mã quá tuyệt vời. Mình có viếng chỗ này Segovia khi viếng thăm Tây Ban Nha lần đầu tiên

Chúng ta học lịch sử ở trường cho thấy các cuộc chinh chiến, chiếm đóng trong lịch sử đã giúp hình thành thế giới ngày nay. Các cuộc chinh phục đã thay đổi ngôn ngữ, văn hoá, tôn giáo, kinh tế và đạo đức của mọi người trên thế giới. Hậu quả của những cuộc chinh phạt này, tạo ra một nền văn minh phương tây rộng lớn, có nhiều ảnh hưởng khắp Năm châu. Ngày nay, chính con cháu của những người đã bất chấp tính mạng, đi chinh phục thế giới, quay lại nguyền rủa, đấu tố tổ tiên họ. 

Điển hình khi xưa mình học lịch sử, người ta tôn vinh ông Kha Luân Bố, người đã tìm ra Mỹ châu. Nay thì con cháu họ, lên tiếng nguyền rủa, ghê tởm tổ tiên họ đã chinh phục và tàn sát, diệt chủng các bộ lạc bản địa. Nếu chúng ta sử dụng sự hiểu biết, tư duy ngày nay, để đánh giá tiền nhân thì khó vì xã hội được hình thành qua những năm tháng dài. Tư duy thay đổi theo kiến thức được thu nhận. Suy nghĩ của chúng ta ngày nay, hội nhập thế giới, khác với tư duy của thế hệ bố mẹ mình hay ông bà.

Nhìn lại Việt Nam trước khi người Pháp sang xâm chiếm, đại khái là do người Việt cai trị người Việt. Đọc  tài liệu của người Pháp, 50% người Việt tại Việt Nam nghiện thuốc phiện vì người Tàu, những người phản Thanh phục Minh, bán thuốc phiện tại Việt Nam để gây quỹ kháng chiến chống nhà Thanh. Những người mà người lớn hay khen gọi là “Hảo Hán”, người Hán tốt, đầu độc người Việt chúng ta. Tây thấy vậy, nhảy vào chiếm độc quyền, không cho người Tàu bán thuốc phiện và rượu để họ kiếm tiền thay vì anh ba tàu. Người Việt thì được mấy anh ba tàu cho nhai đi nhai lại tứ thư kinh ngủ nên vỗ ngực tự xưng là người quân tử như ông Tú Xương, không làm việc, để vợ đi buôn bán để nuôi ông ta ăn học 20 năm mới đậu bằng Tú Tài.

 Nhìn lại sau 80 năm đô hộ Việt Nam, người Pháp đã xây dựng quốc lộ số 1, đường rày xe lửa xuyên Việt mà đến ngày nay vẫn được sử dụng. Mình không biết ở các nơi khác nhưng chắc chắn là thành phố Đà Lạt, nơi mình sinh ra và lớn lên. Các cuộc xây dựng này gây nhiều cái chết như đường xe lửa Phan rang-Đà Lạt, nghe người Pháp nói lên đến trên 30,000 người Việt chết. Theo tài liệu của người Pháp thì người Thượng bỏ trốn qua Lào vì bị bắt đi lao công, chết vì sốt rét.

Họ đã đem lại điện nước trong các thành phố lớn, mà triều đình nhà nGuyễn, không tin, kêu khi quân, đòi chém đầu. Đồng ý người Pháp xây dựng để chuyên chở hàng hoá về mẫu quốc,..nhưng người Việt được hưởng cái văn minh mới, theo trào lưu, tiến bộ của thế giới.

Nhìn hình ảnh khi xưa, khi người Pháp mới sang, lính việt đi chân không, đâu có giầy dép gì. Nói chung thì sự chuyển giao công nghệ khá nhanh. Người âu châu tạo ra chữ quốc ngữ để giảng dạy thánh kinh nhưng bù vào đấy đã giúp tiếng Việt dễ học, bình dân học vụ nhanh chóng. Khi người Pháp đến Việt Nam, qua tài liệu của người Pháp, cho biết vào năm 1905, chưa tới 5% người Việt biết đọc chữ Hán, gọi là sơ sơ độ vài trăm chữ. Còn theo tài liệu của Hà Nội thì đến năm 1914, có đến 20% người Việt biết đọc. Mình đọc bài viết của ông tiến sĩ nào trên tạp chí quốc phòng toàn dân, lên án người Pháp ngu dân hoá dân an nam mít. Khi người Pháp sang Việt Nam, chỉ có 5% người Việt biết đọc chữ Hán và 10 năm sau con số lên 20%. Kinh

Trước khi người Pháp sang, triều đình Nguyễn cũng chỉ nhận một số người đậu ra làm quan. Người Pháp cũng chỉ đào tạo một số người ra làm việc cho họ. Đào tạo công chức tốn tiền, tốn thời gian. Sang tây mình thấy họ cũng chỉ nhận một số vào các trường lớn để đào tạo các công chức hay chuyên viên cho nền kỹ nghệ, kinh tế của họ. Sàigòn khi xưa, hàng năm thi tú tài cũng bị hạn chế, sau đó thi vào đại học cũng bị giới hạn như thi vào các trường kỹ sư Phú Thọ, Quốc Gia Hành Chánh,… còn Văn Khoa thì tha hồ, ai rớt thì vaò đó học.

Các cuộc di dân chuyển giao kiến thức, kỹ thuật, kinh tế khắp thế giới, trong khi các cuộc chinh phạt thì để lại nhiều vai trò lịch sử khó đánh giá vì người bị đô hộ và người chiếm đóng không thống nhất về vai trò lịch sử của các cuộc chinh phạt này. Chúng ta hỏi một người da đỏ hay một người bản địa ở Nam Mỹ thì họ sẽ trả lời khác với một người da trắng từ âu châu sang. Tương tự hỏi một người Việt và người Pháp về sự đô hộ gần 1 thế kỷ. Người Việt chỉ thấy là đau thương như ông thầy dạy việt văn, còn người Pháp mà mình có gặp vài người ở Pháp, họ cho rằng đã giúp Việt Nam tiến bộ, khai hoá người Việt còn phôi thai. 

Trước khi người Pháp đến Việt Nam, những kẻ sĩ người Việt chỉ biết vua bảo chết thì chết, suốt đời phục vụ ông vua, đến khi người Pháp truyền cho các tư tưởng về căn bản quyền làm người, mới giúp kẻ sĩ người Việt hiểu về những căn bản con người và từ đó dấy lên phòng trào bài tây, đô hộ, đòi lại độc lập. Nếu người Pháp cứ cho tiếp tục giảng dạy chữ Hán như xưa thì có lẻ cục diện Việt Nam sẽ khác. Cứ đưa một ông vua bù nhìn rồi toàn dân cúi đầu sống chết với vua theo chỉ thị của người Pháp.

Mình mới đi Ai Cập về thì khám phá ra người Hy Lạp chinh phạt được xứ Ai Cập dưới thời đại đế Alexander nhưng kinh tế cũng như tri thức của họ thấp hơn người mà họ chinh phạt, chiếm đóng. Họ học hỏi về kiến trúc, y khoa,…từ người Ai Cập. Các nhà hiền triết danh tiếng, y sĩ của Hy Lạp mà thế giới tây phương ngưỡng mộ, kêu là cha đẻ của nền y khoa, triết học của họ đều sang Ai Cập để học từ người họ cai trị.

Được cái là họ không tàn phá nền văn hoá sở tại như mấy ông ả rập trung đông sau này, của kẻ thắng cuộc, tìm cách phá bỏ các di tích của chế độ cũ để viết lại lịch sử. Đi thuyền trên sông Nile, thấy những đền đài mà người Hy Lạp xây dựng mấy ngàn năm trước đây, bắt chước người Ai Cập từ đó tạo dựng một nền kiến trúc vĩ đại mà các di tích còn lưu lại đến ngày nay vẫn không đẹp bằng kiến trúc khi xưa của Ai Cập.

Người Pháp thành lập các nhóm chuyên gia đi khảo cứu văn hóa Việt Nam qua viện Viễn Đông Bác Cổ. Mình có bộ bản vẽ của ông Besacier, mua tại Paris khi xưa về Đình Bảng và các Chùa, Lăng Miếu của Việt Nam.

Sống tại Hoa Kỳ chúng ta cứ nghe truyền thông, chính trị gia da màu nhắc đến chế độ nô lệ vì có đến 12% người Mỹ là hậu duệ của những người nô lệ, bị bắt cóc từ phi châu đem sang đây để giúp canh tác, giúp Hoa Kỳ và các nước Nam Mỹ trở nên giàu có. Các chính trị gia da màu thường sử dụng chiêu bài này để câu phiếu và đổ lỗi các vấn nạn của người da màu là hệ quả của chương trình nô lệ tổ tiên họ. Mình có mấy người bạn da màu, rất thành công. Như cựu ngoại trưởng Condi Rice viết trong hồi ký là người da màu, bà ta phải cố gắng gấp 3 lần người da trắng. Nếu không làm việc cật lực hơn người da trắng thì khó đấu lại được họ.

Mình đang ở Puerto Rico, nói chuyện với vài người địa phương thì họ muốn thoát khỏi Hoa Kỳ, muốn độc lập nhưng khi hỏi sẽ không được Hoa Kỳ bảo trợ tiền bạc thì họ lại câm mồm. Nếu mình nhớ không lầm thì mấy năm trước có cuộc trưng cầu dân ý để dành độc lập từ Hoa Kỳ thì 80% dân trên đảo này chống. Nếu độc lập sẽ giống Cuba ngay. Đi đường thấy người lái xe như ở Hoa Kỳ, ngừng lại khi thấy mình băng qua đường, không như ở các xứ khác xung quanh vùng, chạy xe ẩu tả. Hôm qua, sau khi học, mình đi viếng lò nấu rượu Rum Bacardi, được thành lập bởi một người di dân từ Cuba khi Fidel Castro chiếm đóng. Nay họ có 3 chỗ chính sản xuất rượu Rum này, ngoài Puerto Rico, còn ở Mễ tây Cơ, Bahamas, Tây Ban Nha,.. dù Rum được xuất phát từ Cuba. Mình có mua vài chai về tặng bạn bè.

Người da đen thì sử dụng chiêu bài nô lệ để bảo vệ quyền lợi của cộng đồng của họ, người do thái thì sử dụng cuộc tàn sát mà họ gọi là Holocaust để bảo vệ quyền lợi của họ. Ở New York mình có tham gia thiết kế viện bảo tàng Holocaust ở Hoa Thịnh Đốn, đến phi trường Dallas, hình ảnh đầu tiên là thấy quảng cáo viện bảo tàng Holocaust,… 

Tại Bolsa, có nhiều nhóm người Việt muốn xây dựng một viện bảo tàng thuyền nhân nhưng có nhiều nhóm nên không làm được cái gì ra hồn, để con cháu hãnh diện. Bầu cử vừa qua, thấy toàn là các ứng cử viên gốc việt tranh nhau ghế đại diện, thay vì rãi ra ở các khu lân cận để mỗi thành phố, khu vực có người Việt đại diện thay vì để da trắng hay Mễ thắng cử.

Trên thực tế thì tình trạng bắt nô lệ có mặt trên trái đất này từ xưa. Đọc thánh kinh chúng ta thấy ông Moise, gốc Do Thái, dẫn dắt người nô lệ Do Thái từ Ai Cập về vùng đất hứa. Ngay ông Socrates còn kêu nô lệ là đúng. Chỉ đến thế kỷ 20 thì quyền tự quyết của người dân mới được phổ biến rộng rãi sau cuộc cách mạng tại Pháp quốc, nêu lên sự bình đẳng, tự do và bác ái con người.

Đến thế chiến thứ 1, Anh quốc và các đồng minh đánh bại và giải thể các đế chế Ottoman và Áo-Hung, tạo dựng các quốc gia nhỏ. Quyền tự quyết có giá phải trả của nó. Quân đội của Hitler có thể đánh chiếm các tân quốc gia này, từng bị đô hộ hay được bảo vệ của đế chế Ottoman hay Áo-Hung trước thế chiến thứ 1. Khi đế chế Ottoman bị giải thể thì có 71 quốc gia mới được thành lập tương tự khi Liên Xô sụp đỗ thì có không biết bao nhiều quốc gia tuyên bố độc lập rồi anh Putin, vớt lại từ từ.

Khối NATO như một khối của đế chế Hoa Kỳ, do các nước Âu Châu quy về để tránh bị chiếm bởi anh Putin. Tuần vừa rồi, không quân Mỹ Oanh tạc và cho đổ bộ lực lượng tại Syria nhưng không hiểu lý do gì. Không nghe tuyền thông Âu châu hay Hoa Kỳ nói chỉ đọc trên báo Trung Đông.

Nay Ba Lan, Tiệp Khắc mới được thành lập sau thế chiến thứ 1, không có quân đội, hay mới thành lập, làm con mồi dễ dàng cho quân đội Hitler chiếm đóng. Khi xưa, học lịch sử thế chiến, mình không hiểu lý do các nước này bị Hitler xâm chiến quá nhanh. Thậm chí Paris bị Hitler đánh chiếm trong vòng 9 ngày dù đã xây LIgne de MAginot. Sau thế chiến thứ 2 thì bị hồng quân của bác Stalin nuốt.

Đức quốc là một quốc gia có văn hoá cao, đã sản xuất những vĩ nhân cho thế giới như Beethoven, Goethe, Brahms,…nên mình không hiểu tại sao một nền văn hoá cao cấp ở như vậy có thể đưa đến sự diệt chủng, tàn sát dã man trong thế chiến thứ 2. Theo mình đọc thì có đến 6 triệu người Do Thái bị giết. Một trong 3 người dạy mình, gốc Do Thái, cho biết là ông nội thoát khỏi Đức quốc nhưng không đem theo được của cải nên mua vé tàu hạng nhất cho sướng. Sau này, Thuỵ Sĩ kêu ông ta để trả lại tài sản bị cướp khi xưa. Mình có xem một phim tài liệu kể một bà gốc do Thái, gia đình có bức tranh của Klimt. Bà ta phải tranh đấu với viện bảo tàng áo quốc để đòi lại vì bức tranh của gia đình bà ta. Giá trị mấy trăm triệu đô la. Không biết có phải bức tranh bị mấy người trẻ tạt sơn tuần này.

Sau khi Liên Xô sụp đổ thì hai nước Tiệp-Khắc được tách đôi trong hoà bình, ngược lại nước nam tư của đế chế Ottoman khi xưa thì chia năm xẻ 7, choảng nhau đến khi tây phương nhảy vào can thiệp vì thấy cuộc diệt chủng kinh hoàng của các hàng xóm với nhau như vụ chia đội Ấn Độ và Pakistan quá rùn rợn hay các vụ cáp duồn tại Cambuchia…

Câu hỏi mình hay đặt là Anh quốc từ một thuộc địa nhỏ bé của đế chế la mã, biệt lập trên một hải đảo nhỏ, vài thế kỷ sau trở thành một đế quốc mà họ tự hào cho rằng mặt trời không bao giờ lặn tại Anh quốc. Xét kỷ là nhờ sự giao thoa với nền văn minh La Hy mà Anh quốc trở thành một cường quốc dù ít dân và bị đô hộ. Người bị đô hộ không vui sướng chút nào nhưng bù lại họ học hỏi được từ người cai trị họ.

Khi quân la mã đến chiếm đóng đảo Anh quốc thì có những vụ kháng chiến của kẻ bị trị bùng dậy, chống lại kẻ chiếm đóng nhưng đều bị quân đội của la mã dẹp tan. La mã tổ chức rất chặc chẻ và kỹ thuật cao hơn nên mới đánh chiếm khắp nơi và bình định nhanh chóng.

Tường thành xây bằng gạch thời la mã

Trước cuộc xâm lăng của đế quốc la mã, nước Anh quốc chưa ra đời. Hòn đảo Anh quốc gồm 30 bộ lạc và họ đánh đấm nhau như mấy sứ quân thời trước nhà Đinh tại Việt Nam. Người ta gọi thời gian từ 96AD đến 180 là nền hòa bình la mã (pax romana). Nhờ hoà bình nên văn hoá la mã mới có dịp phát huy tại hòn đảo này mà sau này thủ tướng của đế quốc hùng mạnh nhất thời đó Winston Churchill phát biểu: “we owe London to Rome”. Người La mã đem kỹ thuật đến xứ này. Khác với các nước miền Nam Âu châu, người la mã sử dụng đất để nun gạch thay vì đá mà đến ngày nay người Anh quốc vẫn tiếp tục sử dụng kỹ thuật xây gạch đến mức cao cấp.

Sau này, các bộ lạc gốc Đức đánh chiếm, nhất là giống dân Angles và Saxon đến chiếm đóng, đuổi người Anh quốc qua đảo Wales. Một số người Anh quốc chạy qua Pháp mà nay được gọi vùng Bretagne. Sau này người từ Normandie xâm chiếm xứ này do đó hoàng gia Anh quốc và hoàng gia pháp có sự liên hệ nhau và đánh nhau sau này.

Người la mã chiếm đóng đầu thế kỷ thứ 1 và khi đế quốc la mã yếu dần, rút về thì quân đội của Angles và Saxon chiếm đóng Anh quốc, sau đó đến các quân đội Bắc Âu ở thế kỷ thứ 9 và quân đội Norman vào thế kỷ 11. Do đó người Anh quốc rất đa dạng, nhiều chủng tộc nhưng người ta hay dùng cụm từ Anglo-Saxon để chỉ người Anh quốc.

Đời sống của thế giới đã thay đổi hoàn toàn không còn như xưa từ khi người Anh quốc xây các đường rầy xe lửa. Nhớ năm 3ème, học về lịch sử cách mạng kỹ nghệ, trong cuốn anh văn, người Anh quốc sáng chế máy chạy bằng nước,.. Trước đây các thành phố đều được xây dựng cạnh các con sông lớn hay bờ biển vì di chuyển dễ dàng, giao thương. Nay người Anh quốc xây dựng đường rầy ở nước họ và các nước khác. Di chuyển vào nội địa rẻ hơn khiến các thành phố nội địa phát triển mau chóng nếu có hầm mỏ,…giúp cho ngành kỹ nghệ của họ phát triển nhanh và giàu có. Đường xe hoả cũng đã giúp Hoa Kỳ trở nên thịnh vượng, phát triển về miền viễn tây.

Trong thời gian cách mạng kỹ nghệ, nền văn minh Âu châu trở nên mạnh nhất thế giới về kinh tế và kỹ thuật. Anh quốc có thể chia sẻ kỹ thuật với các quốc gia Âu châu. Anh quốc trồi dậy và để lại dấu ấn, ảnh hưởng lớn cho Âu châu từ khi đế quốc la mã lụi tàn. Sau đó chịu sự cạnh tranh với các quốc gia khác trong vùng như Pháp quốc, hoà lan và Đức quốc,..vì các quốc gia này có dân số đông hơn Anh quốc. Ngày nay thì Anh quốc te tua vì nạn dân số kém. Các cộng đồng di dân khá đông. Mình về thăm Luân Đôn phải thất kinh vì đi ngoài đường thấy các chủng tộc từ Ấn Độ và Pakistan hay Trung Mỹ rất đông.


Có thể nói ảnh hưởng của văn hoá của Anh quốc rất sâu rộng trên thế giới hay Bắc Mỹ như Gia-nã-đại, Hoa Kỳ nói riêng. Các luật dân sự của các quốc gia này, đều dựa theo luật pháp của Anh quốc thậm chí đến các quốc gia từng bị đô hộ như ấn độ, Pakistan, hay các nước Phi Châu, Uc Đại Lợi, Tân Tây lan,… hôm nay mình phải đi thị thực chữ ký một tờ giấy cần để gửi về Cali cho một vụ mua nhà. Mình tưởng như ở Hoa Kỳ nên gọi một tiệm UPS gần khách sạn, mới khám phá ra luật dân sự sử dụng ở đảo này theo luật của Napoleon xưa kia, chỉ có luật sư mới có quyền thị thực chữ ký, tốn nhiều hơn. Chán Mớ Đời 


Song song với các cuộc chia sẻ văn hoá, các cuộc tàn sát đầm máu tàn bạo của các thực dân Anh quốc khi đánh chiếm các nước. Sự kỳ thị chủng tộc được áp dụng triệt để không những với các người da màu mà thậm chí đến các người da trắng ở các thuộc địa của họ như Ái NHỉ Lan, Tô Cách Lan,… cũng không thoát khỏi sự kỳ thị này, dân chúng vẫn căm thù người Anh quốc. Có anh bạn, gốc Ái Nhỉ Lan đem vợ con di dân sang Hoa Kỳ vì không muốn con anh ta lớn lên bị người Anh quốc khinh thường như anh ta đã từng trải nghiệm. Vấn đề là người ái nhỉ lan di cư, học từ kẻ đô hộ mình nên khi xưa, họ rất kỳ thị các người đến từ Ý Đại Lợi,…mà trong cuốn truyện Bố Già, có kể vụ mấy tên ái nhỉ lan hành hung cô gái gốc ý, ra toà được tha bổng nên phải nhờ đến Don Corleone ra tay, khệnh mấy tên ái nhỉ lan, quẹo tay què cẳng. Mình có xem phim tài liệu về cảnh sát Mỹ khi xưa đa số là Ái Nhỉ LAn tìm kiếm dân Ý Đại Lợi,…


Ngày nay, ta thấy các cuộc hôn nhân ngoại chủng rất nhiều, cho thấy sự kỳ thị chủng tộc đã bớt nhiều. Có cuốn phim của ông Sydney Poitier nói về vụ này, cô con gái dẫn về anh bạn trai gốc da đen, đã giúp người Mỹ có cái nhìn thoáng hơn.


Nhìn lại thì thấy người Anh quốc đã chia sẻ kỹ thuật, cách thức tổ chức kinh tế, luật lệ và anh ngữ trong đế chế của họ. Nhiều quốc gia không có chữ viết hay có nhiều phương ngữ nên anh ngữ đã giúp họ thống nhất. Nếu so sánh người Pháp và người Anh quốc thì có một điều khi họ rút lui thì các nước được bảo hộ bởi người Anh quốc ít đánh nhau hơn các nước bị pháp đô hộ. Nếu không kể các cuộc chinh phạt tàn ác của người Anh quốc thì có thể nói là sự đóng góp của họ cho thế giới rất lớn, sau đế chế lA MÃ. Hôm nào mình sẽ kể vụ người Pháp đô hộ người Việt là cái xui của nước mình. Nếu được người Anh quốc thì có lẻ Việt Nam sẽ không có cuộc chiến uỷ nhiệm từ 1954 đến 1975.


Chúng ta học lịch sử của kẻ bị trị nên chửi bới kẻ đô hộ mình nhưng ngày nay người ta chứng minh là đế quốc Anh được thành hình giàu có nhờ các cuộc cách mạng kỹ thuật của họ chớ các nước thuộc đế chế của họ đóng góp rất ít. Cá nhân hay các công ty tư nhân có thể làm tiền nhiều tại các thuộc địa nhưng mẫu quốc không hưởng lộc được nhiều, thậm chí cũng phải chi thêm. Tương tự ngày nay, các công ty Mỹ làm ra tiền nhiều tại các quốc gia khác nhưng Hoa Kỳ đâu có sơ múi gì cả vì họ không đóng thuế tại Hoa Kỳ, vì cơ sở làm ăn được thành lập tại các quốc gia không phải đóng thuế. Apple, Amazon làm biết bao nhiêu tiền hàng năm nhưng không đóng thuế tại Hoa Kỳ cũng như các nước khác. Nay có lẻ bị thay đổi.


Đọc tài liệu tây về xây dựng Đà Lạt thì Pháp quốc tốn rất nhiều tiền để thành lập thành phố nghỉ dưỡng và thủ đô tương lai của Đông Dương của họ. Họ hết tiền, muốn bỏ nhưng may thay đệ nhất thế chiến xẩy ra khiến người Pháp ở đông Dương không về nước được khi nghỉ hè nên bò lên Đà Lạt và từ đó họ phải tiếp tục phát triển thêm nhưng được vài chục năm sau phải bỏ của chạy lấy người về pháp.


Có vấn đề đáng nhắc đến là người Anh quốc chiếm đóng các đất nước khác, các nước này học được cách sử dụng kỹ thuật mới để phát triển. Ngoài ra họ đã cho di chuyển các người dân sở tại đến các thuộc địa khác như người ấn độ đến Phi Châu, người Tàu đến mã Lai… hay người Tô Cách Lan, Ái NHỉ Lan đến, Hoa Kỳ, Gia-nã-đại, Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan. Các cuộc di dân này giúp các nước phát triển nhanh và xoá đói giảm nghèo ở các nước như ấn độ,…


Vào thế kỷ 20, có đến 1 tỷ người nói anh ngữ, giúp họ có thể truyền đạt được vì phương ngữ của họ rất khó học và truyền đạt. Còn ngày nay, người không biết anh ngữ là được xem mù chữ.


Xem lịch sử thì chúng ta có thể ước mơ về tương lai. Điển hình xứ Hy Lạp và LA MÃ rất hiện đại, và mạnh về kinh tế và kỹ thuật so với Anh quốc, Bắc Âu nhưng 1 thời gian sau đế chế của họ tàn rụi vì nhiều lý do. Sau đó các nước bị trị, đô hộ lại vươn lên nhờ học hỏi ở những kẻ đô hộ mình về kỹ thuật, kinh tế,…


Vào thế kỷ 19, 3 quốc gia: Anh quốc, Hoa Kỳ, và Đức quốc sản xuất 2/3 tổng số hàng hoá sử dụng trên thế giới. Đến cuối thế kỷ 20 thì 17% dân số thế giới sản xuất hơn 80% hàng hoá thế giới. Do đó chúng ta có thể giải thích sự chênh lệch về sự bất bình đẳng về lợi tức trên thế giới. Thống kê cho biết là vào năm 1994, cộng đồng người Tàu hải ngoại với 34 triệu người tạo dựng tài sản tương đương với 1 tỷ người Tàu tại Trung Cộng. Mình nhớ khi ở Pháp, họ cho biết số bác sĩ gốc việt tại pHáp đông hơn số bác sĩ hành nghề tại Sàigòn.


Mình học lịch sử sơ sơ khi xưa, cho rằng các đế quốc chiếm đóng các nước khác, ăn cướp tài nguyên,… các sử gia vẽ chủ nghĩa đế quốc là cách chuyển giao tài sản từ một nước bị trị đến một nước đô hộ. Vấn đề là khi các đế chế tàn lụi thì theo nguyên tắc này thì các nước bị trị, đánh đuổi được thực dân sẽ giàu to lên vì của cải, tài nguyên cua họ không bị cướp nữa. Người ta lại thấy khi các nước này dành lại độc lập thì kinh tế te tua, dân chúng đói khổ hơn trước.


Người ta lý giải là người dân địa phương chưa đủ trình độ để quản lý nền kinh tế của thực dân bỏ lại. Cứ lấy thí dụ Nam Phi, Rhodesia,..khi người da trắng trao quyền hành lại là kinh tế sụp đỗ. Điển hình kinh tế Việt Nam sau 1975, te tua dù đã không còn tiếng súng. Thiên hạ thà chết ra đi để tìm đường sống. May sau này họ cho người ngoại quốc đầu tư mới giúp người Việt có công ăn việc làm. Các ông chủ đại hàn, tàu thay thế các ông tây bà đầm khi xưa. Thậm chí ông tây bà đầm còn đối xử người Việt tử tế hơn mấy anh ba tàu hay hàn quốc ngày nay. Nghe kể hiện nay, có đến 90,000 Hàn kiều tại Việt Nam và 90,000 Việt kiều tại Nam Hàn. Vấn đề là người Việt tại Nam Hàn, ở lậu, đi làm công cho người hàn những việc mà dân họ chê trong khi Hàn kiều tại Việt Nam là ông chủ các xí nghiệp tại Việt Nam. Khi xưa, Nam Hàn nghèo đến độ phải gửi lính sang Việt Nam đánh nhau để Mỹ trả tiền, giúp họ phát triển.


Ông John Stuart Mill giải thích lý do các quốc gia bị can qua làm tan nát nhưng sau đó họ vẫn xây dựng lại nền kinh tế của họ nhanh chóng. Điển hình Đức quốc và Nhật Bản sau 1945. Ông ta cho rằng điểm quan trọng là Vốn Văn Hoá (cultural capital). Nếu vốn con người không bị tàn phá thì sự đổ nát của chiến tranh sẽ được xây dựng lại.


Ông ta lại nói có “negative human capital” , không biết dịch ra sao qua việt ngữ, dưới dạng tiêu cực sẽ khống chế, cản trở những vốn văn hoá xây dựng lại sự đỗ nát. Việt Nam có chế độ lý lịch rất đánh ghi nhớ. Ông Đào Duy Từ, học giỏi nhưng vì con phường chèo, được xem là xướng ca vô loại nên không được đi thi. Bà mẹ hứa với ông cán bộ trong làng sẽ lấy ông ta với điều kiện, nhận ông con làm con nuôi, đổi họ. Ông Đào Duy Từ đậu cao nhưng bà mẹ dỡ chứng không chịu ái ân. Thế là cà cuống đau quá, đem tố giác thế là ông Từ bị CHúa Trịnh lột đai, đuổi về làm ruộng. Thế là ông này vượt biên xuống miền nam, phò chúa Nguyễn, giúp triều đình Nguyễn đứng vững đến 1945.


Sự hãnh diện về chủng tộc, phe phái, bản thể thường được xem là yếu tố chính để phát triển nhưng có những quốc gia chủng tộc giác ngộ cách mạng về sự thụt hậu của họ và mắc cỡ đã giúp họ thay đổi. 


Điển hình hòa xứ Tô Cách Lan, không bị người La MÃ chiếm đóng vì xa nên vẫn ở trạng thái không thay đổi, lạc hậu vì không có sự cọ sát với nền văn minh La Mã như Anh quốc. Đến khi họ bị người Anh quốc đô hộ thì mới khám phá ra sự tuột hậu của họ nên dân chúng tìm cách học hỏi từ người Anh quốc, giúp phát triển xứ này, chạy theo Anh quốc khiến đất nước họ sản xuất ra nhiều nhân tài vào thế kỷ 19.


Tương tự, 1 thế kỷ sau, Nhật Bản với chế độ bế môn toả cảng, cảm thấy thua kém người da trắng đã giúp xứ họ tiến nhanh đến nổi có thể thắng cả hải quân Nga Sô vào năm 1905 khiến người Việt tìm đường chạy qua Nhật Bản để học với chương trình Đông Du. Người Pháp đang đô hộ, dạy chúng ta thì không chịu, lại chạy qua bên anh Nhật Bản để học những gì họ học từ người da trắng. Chán Mớ Đời 


Trung Cộng mang mặc cảm bị người tây phương cai trị nên đã ra sức phát triển xứ họ từ 30 năm nay. (Còn tiếp)


Nguyễn Hoàng Sơn 





Giá trả cho nền độc lập

 Đi Dubai, Thổ Nhĩ Kỳ, Tanzania, Ai Cập và Jordan giúp mình có thời gian, cơ hội nói chuyện với người bản xứ và đọc sách báo về các nước này nhất là các nước dành độc lập sau đệ nhị thế chiến. Có người từ Guyana tự hỏi tại sao quốc gia của họ tương đương với Dubai, có dầu hoả nhưng sau 50 năm độc lập, Dubai, từ một nền kinh tế không đến 3 tỷ mỹ kim, đã tạo dựng một nền kinh tế gần 500 tỷ đôla. 1% lợi tức dầu hoả đóng góp vào GDP, 20% do du lịch, ngoài ra nhờ các dịch vụ, buôn bán nhờ vào hải cảng rộng lớn của xứ này. Dubai được xem là một trong những quốc gia giầu có nhất trên thế giới.

Dubai thường được xem là một làng đánh cá tương tự Guyana, cũng có dầu hoả nhưng sau 50 năm dành độc lập, Dubai trở nên một quốc gia giàu có, trù phú còn Guyana thì te tua. Theo mình thì Dubai, có một ông vua, có đầu óc cấp tiến, muốn cải tiến đất nước nên dễ dãi về các luật Sharia của hồi giáo. Không có nhân công để phát triển đất nước nên họ nhập cảng khối lao động đến từ Ấn Độ, Pakistan, Phi Luật Tân,…thậm chí từ Việt Nam.

Sau đệ nhị thế chiến, các nước âu châu được Hoa Kỳ giúp đỡ qua chương trình Marshall, đã phải nhập cảng nhân công từ các thuộc địa cũ hay Thổ Nhĩ Kỳ như Đức quốc, để phát triển nền kinh tế hậu chiến của họ. Dubai đã phải sử dụng chế độ này, mới thành công. Ngày nay, 90% dân số ở Dubai là người ngoại quốc đến lao động, làm giàu cho xứ sở này.

Khi xưa ở Châu Mỹ, họ phải đem nô lệ từ phi châu đến để giúp kinh tế mấy thuộc địa mới này, nếu không thì châu Mỹ la tinh hay bắc Mỹ không được như ngày nay. Dubai cũng đem người đến làm việc, được cái là họ trả lương hậu hỉ nên thu hút được người tài mà không có đất dụng võ ở xứ họ.

Lịch sử có khuynh hướng lập lại. Nếu như phong trào cực hữu của pháp hay Đức quốc, nói chung ở âu châu lên mạnh. Khi họ nắm chính quyền thì có thể họ sẽ ra các đạo luật như đuổi cổ mấy người Pháp, gốc Việt Nam, ả rập, Thổ Nhĩ Kỳ,…về xứ như thể vào những năm 1960, người Algerie, đuổi cổ những người sinh trưởng tại Algerie, về Pháp.

Dubai có trên 10 triệu người mà 90% là dân ngoại quốc, đến đây làm việc. Để rồi một vài thế hệ nữa, con cháu những người di dân, ăn vạ ở xứ này thì có biến động chính trị ngay. Trung Cộng đi mướn các khu vực ở các quốc gia bạn, đem người Tàu đến sinh sống, 100 năm sau, biểu họ trả lại đất, có khả thi hay không hay là có cuộc đẫm máu xẩy ra. Chúng ta thấy Hương Cảng ngày nay được Anh quốc trả lại cho Trung Cộng, người Hương Cảng tự xem họ độc lập, không dính dáng gì đến anh Trung Cộng. Trước khi Hoa Kỳ và các nước khác công nhận Trung Cộng là thành viên chính thức của hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc. Người dân Hương Cảng đâu muốn phục tùng Trung Cộng. Xem video trên mạng, thấy người dân Hương Cảng, chửi bới, miệt thị dân từ Trung Cộng sang (Main land)

Họ cho rằng có hai điểm quan trọng của sự phát triển quốc gia: nền chính trị và hệ thống kinh tế. Đọc mấy bài viết của người Tàu từ Trung Cộng, viếng thăm Đài Loan. Họ tự hỏi cùng nói tiếng quan thoại nhưng sao xã hội Đài Loan khác xa với Trung Cộng. Người Đài Loan viếng thăm Trung Cộng thì chắc chắn không muốn trở thành người Hán của Trung Cộng.

Mình có anh bạn tàu, kể về thăm quê ở vùng nào đó trồng trà. Anh ta lên xe lửa cao tốc mà chính phủ Trung Cộng quảng bá, tuyên truyền, hiện đại hơn xe lửa Nhật Bản. 1 tiếng sau, bước ra hành lang, anh ta thấy khạc nhổ của người Tàu ở trên xe lửa đầy, không dám, bước đi nữa. Đi xe lửa thường, người ta mở cửa sổ để khạc ra ngoài, còn cầu tiêu thì khỏi nói. Họ đợi ở ngoài lâu quá nên tè luôn trước cửa. Kinh

Dubai có nền quân chủ chuyên chế trong khi Guyana theo chế độ Dân Chủ tập trung. Nền quân chủ bảo đảm một nền chính trị vững chắc, thuận tiện cho sự làm ăn, đầu tư trong khi Guyana thì nền chính trị lộn xộn, tham nhũng đầy nơi.

Ngày nay 90% dân số tại Dubai là người di dân. Như Hoa Kỳ khi mới được thành lập, họ mua nô lệ từ phi châu, để bảo đảm lực lượng lao động sản xuất cho họ. Nếu không có nô lệ đến từ Phi CHâu thì Hoa Kỳ khó có được sự thịnh vượng như ngày nay. 

Dubai khởi đầu bằng xây dựng hạ tầng cơ sở hiện đại. Sang Dubai thấy phi trường, xa lộ rộng lớn giúp dân chúng di chuyển nhanh chóng. Nội mấy nhà ga nhỏ của các xe điện trên không đủ thấy đẹp. Ông vua của xứ này biết là dầu hoả có đó nhưng sẽ có một ngày sẽ cạn hết nên ông ta dùng dầu hỏa để đầu tư, tạo dựng một nền kinh tế lâu dài, không dựa vào dầu hỏa như các nước lân cận.

Nới lỏng sự khắc khe của luật Sharia của hồi giáo, Dubai cho phép người dân, du khách có thể ăn bận theo tây phương,… khiến các nước láng giềng bị các luật Sharia giam lỏng, buồn chán, chạy qua Dubai để được tự do trong những ngày cuối tuần, mua sắm, ăn chơi. Họ làm ra tiền mà không có gì để giải trí và 5 lần cầu nguyện thường nhật. Dubai trở thành thiên đường của các người giàu có trong khu vực.

Hôm ở Dubai, đồng chí gái thấy mấy bà bản xứ đi trong thương xá, bận toàn đồ đen từ trên xuống dưới, trừ hai con mắt đi nhìn đường mà đi. Đồng chí gái kêu họ chỉ có thể khoe được cái ví LV. Khi ăn họ vén cái màn che mồm lên để bỏ thức ăn vào miệng.

Dubai bắt chước Lý Quang Diệu, đã biến Dubai thành một Tân Gia Ba của Trung Đông, giàu có. Covid đến nhưng quốc gia chỉ đóng cửa có 3 tháng sau đó thì mở cửa cho du khách đến. Nếu không sẽ có bạo loạn. Hình như họ cho dân về lại nước họ mấy tháng.

Sau khi dành lại độc lập từ người Anh quốc, Guyana vẫn tiếp tục kỹ nghệ đánh cá. Năm 2019, kỹ nghệ đánh cá và nuôi cá lên đến 16 tỷ đôla nhưng hôm nay chỉ còn 7.7 tỷ đô la, xuống 52%. Nếu so sánh GDP Guyana với Dubai thì một trời một vược sau 50 năm. Cho thấy chính trị và kinh tế đi đôi với nhau.

Các quốc gia á châu như Tân Gia Ba, Đài LOan và Nam Hàn, Nhật Bản, khởi đầu họ cần một nền chính trị vững chắc để có thể thực hiện các chương trình cải cách kinh tế. Nhất là Đài LOan và Nam Hàn, bị áp lực của Trung Cộng và Bắc Hàn. Do đó họ cần một chính quyền độc tài để thanh lọc các phần tử thân cộng. Sau đó khi nền kinh tế khá rồi, quốc gia có được một giai cấp giàu có thì họ mới nới lỏng nền chính trị và dân chủ hoá xã hội như ngày nay. 

Mình nghe người lớn kể chuyện, có lẻ mật vụ của thời ông Diệm, đàn áp hơn thời đệ nhị Cộng Hoà, khiến bao nhiêu nằm vùng len lỏi vào các cơ quan của chính quyền và quân đội miền nam. Việt Nam Cộng Hoà cho phép đối lập trong quốc hội còn mấy nước như Nam Hàn và Đài Loan, lúc đầu không có sự đối lập.

Có hai thí dụ khác là Ấn Độ và Nigeria, 2 cựu thuộc địa của đế chế Anh quốc. Ấn Độ (dạo ấy có thêm Pakistan và Bangladesh). Khi người anh xâm chiếm hai xứ này, họ đem theo tôn giáo, kỹ thuật, nền hành chính và ngôn ngữ. Người Ấn Độ từ chối chấp nhận trở về đạo của người Anh quốc, ngược lại họ tiếp nhận kỹ thuật và văn hoá của người Anh quốc.

Người Ấn độ bắt chước người Anh quốc uống trà, giúp mẫu quốc làm giàu. Mình có tên bạn gốc Ấn Độ, hắn chửi Anh quốc như gì. Người Ấn Độ học tiếng anh, học đánh Cricket với giấc mơ trở thành người Anh quốc, kẻ cai trị mình. Tương tự người Việt khi xưa, bắt chước kẻ cai trị mình xổ tiếng tây, bận đồ tây, hút thuốc lá tây, học nhảy đầm như đám thực dân cai trị mình. Như vậy, họ tự xem mình thuộc giới cai trị, trưởng giả. Họ muốn tây hoá, tẩy sạch hết căn bản của tố chất việt của họ để được như người da trắng, đô hộ họ. Đó là cái nguy hiểm vì khi đã mất cái bản sắc Việt thì chúng ta sẽ bị lộn xộn, khủng hoảng căn cước, khó có thể tìm được một lối đi cho chính mình, chỉ vay mượn ở ngoại bang. 

Người Nigeria không học kỹ thuật của người Anh quốc, họ lại theo đạo của thực dân truyền giáo, họ sử dụng anh ngữ như ngôn ngữ chính của hành chánh và xã hội. Họ tự bào chửa là có nhiều bộ tộc và phương ngữ, nghe nói đâu trên 300 loại. Người Ấn Độ có trên 2,000 phương ngữ. Anh ngữ được sử dụng khá nhiều vì nhiều bộ tộc không hiểu nhau. Xem phim Ấn Độ, thấy họ phụ đề đủ loại tiếng chính được sử dụng tại xứ này.

Người Anh quốc, trước khi rời bỏ Ấn Độ, đã tìm cách chia 5 xẻ 7 xứ này khiến Ấn Độ và Pakistan, Bangladesh luôn luôn trong tình trạng đối nghịch, khó phát triển hoàn toàn. Theo mình hiểu thì văn hoá ở Ấn Độ còn giữ các giai cấp nên khó phát triển một cách rõ rệt. Kiểu xét lý lịch. Mấy người Ấn Độ, sang Hoa Kỳ, rất thành công, làm lớn trong các công ty Google, Pepsi, …

Nếu chúng ta nhìn bản đồ phi châu, sẽ thấy người tây phương chia cắt một cách vô lý. Họ cứ chia các biên giới theo đường thẳng, bất chấp sự khác biệt văn hoá giữa các vùng. Mình đoán là người tây phương cố tình, để gây xáo trộn, giúp họ làm ngư ông hưởng lợi. Từ khi các nước tây phương bị bắt buộc trao trả nền độc lập, chúng ta thấy chiến tranh, lật đổ đủ trò giữa các nước, bộ lạc với nhau.

Ở Á Châu, ông Lý Quang Diệu đã biết gom góp lại các người khác chủng tộc sinh sống lâu ngày tại hòn đảo này. Người Mã Lai, người Ấn Độ, người Tàu,.. tạo dựng một thể chế khiến mọi giới đều đóng góp, không bị kỳ thị, giúp đất nước này phát triển nhanh. Họ dùng anh ngữ để thống nhất các giống dân với nhau.

Lịch sử cho thấy các nước dành được độc lập thường sử dụng các chương trình do quan thầy thực dân cũ hay theo Liên Xô. Chỉ có những chính quyền vì dân, ít tham nhũng, không bị tây phương bẩy nợ thì mới phát triển nhanh chóng còn thì te tua, mắc nợ ngoại bang, dân tình khốn đốn. (Còn tiếp)

Nguyễn Hoàng Sơn 





Từ Kilimanjaro đến Kim Tự Tháp và Thạch Thị

 Mình xuống núi Kilimanjaro xong thì ngủ được 3 tiếng đồng hồ tại nhà nghỉ, phải ra phi trường để bay qua Ai Cập, gặp đồng chí gái để đi chơi mấy ngày tại xứ của bà Cleopatre và xứ Jordan, quê hương cua những người Bedouin. Ông tài xế là người đón mình ở phi trường vào lúc 2 giờ sáng khi đến và nay lại ngủ gật trong xe đến khi mình gõ cửa, đưa ra phi trường lại vào lúc 12 giờ đêm.

Phi cơ bay từ 2 giờ sáng đến Zanzibar, bờ biển của Tanzania, để thả du khách đi tắm biển ở Ấn Độ Dương và lấy hành khách tại đây về Istanbul quá cảnh 5 tiếng đồng hồ. Tại đây, đồng chí gái đã hạ cánh cách đó 30 phút và đang ở phòng đợi thương gia.

Kỳ này đi mình mua vé thương gia cho đồng chí gái vì sợ cô nàng ngủ không được trên máy bay, lại vật vã khi đi chơi. Phi trường Istanbul mới được xây cất từ năm 2018 nên khá đẹp. Có đến 2 cái phòng đợi thương gia nên mình phải mò hết phi trường. Chuyến về thì đi vé thường vì đồng chí gái muốn về sớm nên không có vé thương gia. Được cái là có thể vào phòng đợi của hội viên Priority Pass của American Express. Cũng được ăn uống miễn phí, có chỗ ngồi thoải mái thay vì lây lất như ở lầu dưới.

Mình nhờ một công ty du lịch, lên chương trình cho hai vợ chồng đi chơi riêng, không mất thời gian lại chủ động được thời gian của mình. Vợ mình ngủ ngáy khó khăn nên tốt nhất là để cô nàng ngủ đến khi nào dậy thì gọi hướng dẫn viên lại khách sạn để đưa đi theo chương trình mình muốn. Chạy giữa đường thích chỗ nào thì ngừng lại ăn hay chụp hình,… mình thấy du khách tây, mỹ, Ý Đại Lợi đi xe buýt, gọi nhau ới ới, đợi chờ.

Từ phi trường Cairo, đại diện hướng dẫn viên vào thẳng trong khu máy bay đáp xuống để gặp vợ chồng mình như ở Hoa Kỳ trước vụ đánh bom ở hai toà nhà New York. Cho thấy, công ty du lịch có quen biết an ninh phi trường nên được ra vào dễ dãi.

Đến phi trường này, nhớ anh bạn học chung khi xưa, tên Nguyễn Trung Việt. Anh ta kể một ông mỹ đến phi trường này thì được quan thuế, đóng dấu C.I.A. Ông ta ngạc nhiên hỏi sao ông biết tôi là Xịa. Ông quan thuế bảo C.I.A có nghĩa là Cairo International Airport.

Để mình giải thích sự khám xét an ninh tại phi trường ở Ai Cập hay Thổ Nhĩ Kỳ. Bước vào cửa phi trường là có máy rà hành lý và người an ninh xét thân hành khách. Nữ có nữ nhân viên phụ trách. Nam có nam nhân viên phụ trách. Có lần mình đi qua rồi đứng cho một cô xét thì cô ta cười nói chi đó khiến tên ả rập giận nhìn mình, kêu qua đây. Chán Mớ Đời  Sau đó, trước khi vào chỗ check-in, lại có máy dò xét và khám thân thể nữa. Dây nịt và giày phải cởi ra. Mình mới leo núi 10 ngày, thiếu ăn nên cái bụng thon, khiến cái quần không dây nịt muốn tuột xuống. Chán Mớ Đời 

Gửi va li xong thì trước khi lên máy bay, lại phải qua trạm rà xét nữa. Tổng cộng là 3 lần. Tuy phiền hà nhưng cảm thấy an toàn hơn vì mấy xứ này hay có vụ khủng bố đặt bom.

Xe chở về khách sạn, chạy ngang quãng trường Tariq nổi tiếng của Mùa Xuân Ả Rập, xe chạy như điên. Thấy toà đại sứ Hoa Kỳ, xung quanh là các tường bê tông cao đến 3 mét, cong cong để xe cảm tử đánh bom không đâm thẳng vào được. Thấy dòng sông Nile lịch sử. Đến khách sạn Sheraton, an ninh chận lại lục xét, xem tên của mình trong danh sách xong thì mới mở cách cổng sắt to và nặng để xe chạy vào. Mình không nhớ khách sạn nào của Mỹ bị đánh bom, khiến du khách mỹ chết tơi bời hoa lá. Hình như ở Mumbai.

Về tới khách sạn thì tối nên hai vợ chồng không đói thêm trên máy bay, ngồi hạng thương gia nên được cho ăn mệt thở. Đói là gọi, tiếp đãi viên mang lại không như ngồi ghế thường thì phải đợi họ cho ăn. Đây thì vô tư. Nói chung phi cơ Nhật Bản tiếp đón và cho ăn ngon hơn hãng Thổ Nhĩ Kỳ. Sau 10 ngày không tắm rữa, lại được ở suite lớn như cái đình ở Sheraton, mình tha hồ kỳ cọ. Đúng là qua cơn bỉ cực đến thời thái lai. Vừa ngâm nước nóng, vừa xem trận đá banh giải vô địch âu châu.

Khi xuống núi Kilimanjaro, mệt nên mình bị ngã nên cái mông hơi đau đau, ê ê nên ngâm nước nóng jacuzzi phê không thể tả.

Hôm sau, ăn sáng tại khách sạn. Sướng không thể tả. 10 ngày đói meo với mấy anh phi châu da đen, nay được ăn thả dàn. Thật ra Ai Cập cũng thuộc vùng châu Phi, thường được gọi là vùng bắc phi. Trong chuyến leo núi, mình thấy mấy người khuân vác, ăn toàn bánh mì, chả có gì ngoài bánh mì khô nên không dám ăn nhiều, để dành cho họ. Thêm đồ ăn không ngon lắm, so với chuyến đi Machu Picchu. Họ chỉ được phép mang theo 15 kí-lô nên đem theo hết lương thực cho người trong đoàn. Lâu lâu thấy bên vệ đường, mấy người này, lấy bịch bánh mì lát ra ăn.

Trên đồi Giza, có 3 kim tự tháp còn hơi nguyên, và 2 cái nhỏ bị hư hại nhiều

Ăn xong thì hướng dẫn viên đến chở đi viếng thăm viện bảo tàng Ai Cập. Họ trả tiền cho mấy người Freelance, có bằng hướng dẫn viên, đưa mình vào viện bảo tàng, chỉ mấy nơi quan trọng. Nói chung họ chỉ nói về những điểm cho du khách, còn hỏi rộng thêm thêm thì họ ngọng. Mình học về lịch sử kiến trúc của xứ này nên có hỏi vài thứ lặt vặt thì họ ngọng nên không dám hỏi tiếp.

Mất cũng 3 tiếng ở viện bảo tàng, thật ra mất cả tuần lễ để xem xét từng vật thể. Họ đang làm một viện bảo tàng mới, nghe nói tháng 11 này khai trương hay năm sau, ở ngoài thủ đô Ai Cập, gần mấy kim tự tháp. Ai muốn đi Ai Cập nên đợi họ khánh thành xong thì đi, tiện hơn. Xem viện bảo tàng xong đi bộ lên đồi Giza viếng kim tự tháp. Chỗ mới chắc có điều hoà không khí vì viện bảo tàng này được xây dựng ở thế kỷ 19, bởi người Pháp nên chưa có máy điều hoà không khí.

Sau đó mời tài xế và hướng dẫn viên đi ăn trưa. Họ đưa đến một quán khá ngon nhưng du khách đến đây cũng nhiều nên mình không biết là ngon hay họ được bakshish (lại quả). Tương đối ăn được mấy món thịt nướng. Buổi ăn Ai Cập ngon nhất là tại Sheraton, trong tiệm ăn Ai Cập, mấy món kosheri, thịt nướng quá đỉnh. Ăn xong thì họ đưa mình ra phi trường để bay đến thành phố Aswan, ở phía nam Ai Cập. 

Món kebab thịt nướng xâu siêng, để trên lò giữ nóng, có mấy món mezze ăn phê.
Món kosheri đặc biệt của Ai Cập. Khá lạ họ trộn đậu pea spaghetti, hành chiên, cơm rất lạ. Kiểu nấu Al Dente, hơi sống sống nên ăn khá lạ.

Tại phi trường có người của công ty đón , đưa về khách sạn trên hòn đảo Isis, tên một nữ thần Ai Cập. Từ bờ có tàu nhỏ chở ra đảo, ông đại diện chỉ một khách sạn bên bờ, kêu Agatha Christine đã viết cuốn truyện nổi tiếng “án mạng trên dòng sông Nile” taị đó. Nhận phòng rồi ngủ vì khuya, không thấy gì cả.

Đền Philae do người Hy Lạp xây cất trong thời gian chiếm đóng xứ này. Họ xây theo văn hoá của Ai Cập. Nói chung thì nước Hy Lạp tuy chiếm đóng, đô hộ xứ Ai Cập nhưng lại học rất nhiều từ người thua cuộc. Không có sự giao thoa với nền văn minh Ai Cập, có lẻ nền văn minh Hy Lạp không được như ngày nay. Tất cả những tư tưởng gia, y sĩ Hy Lạp đều sang đây học mấy năm.

Hôm sau, hướng dẫn viên Freelance đến chở đi thăm viếng đến Philae và cái đập Aswan được xây cất dưới thời tổng thống Nasser, với sự cộng tác của Liên Xô, sau khi Nasser quốc hữu hoa con kênh Suez. Mình có kể vụ này rồi.

Hai loại hoa được người Hy Lạp sử dụng để trang trí các cột trụ là hoa sen và hoa paperus. Từ đây, họ mới chế ra các cột kiểu Corinthian, Dorique, Ionique sau này. Thậm chí Phidias làm mấy cột trụ có hình phụ nữ cũng bắt nguồn từ Ai Cập 

Sau đó thì lên du thuyền đi 4 ngày 3 đêm trên dòng sông Nile, từ phía nam chảy xuôi về miền bắc, đỗ ra Địa Trung Hải. Lên tàu được ăn 3 bữa bao bụng nên tha hồ ăn trả thù cho những ngày đói ở Kilimanjaro. Tàu nhổ neo vào lúc 2 giờ sáng, chạy chậm chậm. Đến sáng thì ăn xong thì anh hướng dẫn viên dẫn lên bờ, đi viếng các đền thờ khác được xây cất bởi người Hy Lạp. Điểm đặc trưng là họ dùng hoa Sen và Paperus để tô điểm ở đầu các trụ cột bằng đá. Thời đó người Ai Cập đã tìm ra cách làm giấy bởi cây paperus để ghi lại sự việc.

Xem được cái đền này vào buổi sáng khi mặt trời vừa lên thì đáng đồng tiền bát gạo.
Không nhiều khinh khí cầu như ở Cappadocia. Gặp hôm không có gió nên chỉ là đà độ 50 mét cao.

Cứ sáng ăn xong thì lên bờ đi viếng đèn thờ như Kom Ombo và Edfu. Trưa về tàu ăn tiếp rồi ngủ trưa, chiều dậy đi tiếp rồi về ăn tối. Sáng sớm hôm sau, dậy sớm từ 4 giờ sáng để đi khinh khí cầu ở Thung Lũng lăng tẩm vua (valley of the kings). Đi Thổ Nhĩ Kỳ, được đi khinh khí cầu quá đẹp nên nghĩ đây chắc cũng đẹp nên bò lên. Hơi thất vọng nhưng khi bình minh lên thấy đền của hoàng hậu Hatshapesut mà mình có học khi xưa thì quá đẹp. Anh hướng dẫn viên đi tàu với mình luôn nhưng để hai vợ chồng thoải mái, nói chuyện với mấy người đồng hành. Mình gặp 4 người từ Thuỵ Sĩ nên có kể chuyện về thời mình đi làm ở Thuỵ Sĩ.


Trời nóng nên mình kêu hướng dẫn viên dẫn đi viếng đền này vào ban đêm, có ánh sáng đền đuốc. Có lẻ đi ban ngày đẹp hơn. Đi ban đêm nếu có các show và nhạc 

Đại lộ Sphinx khá đặc thù. Đến mùa nước dân, các lãnh đạo tinh thần, đi thuyền đến đây để làm lễ. Nay thì cái đập Aswan đã chận nước nên không có nước nổi vào mùa mưa. Sông Nile bắt nguồn từ phía nam, vùng nhiệt đới, chảy qua 8-9 quốc gia. Đến mùa mưa thì nước kéo về làm lụt vùng hạ lưu của sông Nile, đem theo phù sa tương tự sông Mekong làm vùng này trù phú. Nay thì hết.

Thuyền đến Luxor là điểm dừng. Chỗ này có nhiều đền đài để thăm viếng nên du khách khá đông. Lên bờ, có xe ngựa chở hai vợ chồng và anh hướng dẫn viên đi viếng đền đài. Nói chung thì hơi nóng vào tháng 10. Tốt nhất là đi vào tháng 12 và tháng 2 thì trời bớt nóng. Tối đó thì ngủ lại khách sạn để sáng mai bay vào sa mạc Sinai, phi trường Sharm El Sheikh rồi hướng dẫn viên, chở đến Dahab, bên bờ Hồng Hải (Red Sea), nghỉ giải lao. Đây họ có chương trình lặn xem cá kiểng. Nếu ai đã đi Hạ Uy Di hay Cancun rồi thì không nên đến đây.

Ở 3 đêm rồi hai vợ chồng bay về Cairo rồi bay qua Amman, Jordan. Từ phi trường, đã có người đứng đón, lo thủ tục chiếu khán hết cho mình. Qua an ninh xong thì có tài xế đón chở về Petra. Ở Jordan cách làm việc cũng gọn. Chỉ cần tài xế đón đưa là xong. Ở Ai Cập, cần 1 tài xế và một hướng dẫn viên hay người của công ty du lịch, họ đến khách sạn, lo check-in phòng ốc cho mình. Trong khi ở Jordan thì tài xế lo hết nên khoẻ. Chỉ boa 1 người là xong. Ở Ai Cập cho tiền boa mệt thở. Nói chung họ sống nhờ du khách nên có rất nhiều người được cử lo cho hai vợ chồng thay vì một người tại Jordan.

Trên đường đi, anh ta dừng lại đồi Nebo, nơi nghe kể ông Moise, trước khi chết đã leo lên đây để nhìn về quê cha đất tổ, vùng đất hứa. Ghé thăm viếng nhà thờ cơ đốc giáo Madaba rồi cuối cùng là Petra.

Nhà vệ sinh công cộng ở Jordan, sạch và mới, lót bằng đá
Đi mấy cây số mới đến cái đền nổi tiếng này. Thật ra có rất nhiều đền tương tự ở đây nhưng bị khí hậu làm hao mòn qua thời gian 
Nebo, nơi ông Moise leo lên để nhìn lần cuối về quê cha đất tổ, miền đất hứa, cách đó 46 cây số là Jerusalem
Con đường dẫn đến mấy cái đền ở Petra. Bên trái, còn chút tàn tích của hệ thống dẫn nước tỏng vách đá
Thùng rác làm bằng đá sách sẽ

Đến khách sạn, hai vợ chồng không ăn vì khuya nên đi bộ chơi thì thấy tiệm còn mở. Ghé vào mua thêm cái Vali để đồng chí gái bỏ đồ mua từ mấy ngày qua. Leo núi xong thì mình cho gần hết áo quần của mình nên cái duffel bag của mình không có gì cả nên vợ nhét đồ mua sắm nhưng cũng hết chỗ. 

Khi xưa, mình thấy mấy ông già, nắm tay vợ đi phố, mình thấy họ sao hạnh phúc, già mà còn nắm tay nhau đi bát phố. Nay đến tuổi mới hiểu, ông chồng nắm tay vợ vì nếu xảy ra là bà vợ chạy đi mua sắm. Đồng chí gái kêu hơi sợ, nếu lạc không biết đâu mà lần. Mình dặn mở điện thoại ra là xong, gọi mình. Tới chỗ nào đó, giác quan phụ nữ rất hay là họ ngửi được mùi mua sắm, đồng chí gái vô phòng xong là bỏ chạy mất dép. Mấy tiếng sau mới bò về, nhét đồ vào va li. Chán Mớ Đời 

Sáng hôm sau, ăn sáng xong thì hướng dẫn viên địa phương đến đón dẫn vào khu di tích lịch sử. Nếu muốn viếng hết khu vực này thì phải ở lại 2 đêm, 2 ngày. Mình chỉ có một đêm nữa ngày. Sau đó, tài xế đón mình ở phía bên làng của người Bedouin rồi chở về khách sạn, lấy hành lý rồi trực chỉ Biển Chết (Hải Tử). Lý do là đồng chí gái muốn cởi lừa.

Xe xuống núi, rồi chạy thấp hơn mặt biển vì chỗ mình đến thấp hơn mặt biển đến 420 mét trong khi Thung Lũng Tử Thần của Hoa Kỳ, chỉ có 80 mét thấp hơn mặt biển. Tại đây, có dịp tắm biển chết. Nước có độ mặn gấp 10 lần nước biển bình thường nên không sợ chìm. Không biết họ vét bùn ở đâu, đem lại, trây lên người, ngồi phơi nắng cho khô độ 15 phút rồi nhảy xuống biển tắm lại, kỳ cọ lại. Lên bờ thì họ đưa cho muối để cọ sát thêm trên thân thể rồi đi tắm.

Tắm biển này thì lên bờ thấy da nhờn nhờn vì nước có Potassium và Magnesium cộng muối nên có dầu. Mình thấy người do thái có mấy nơi chận lại để khai thác Potassium và magnesium. Sáng hôm sau, mình dậy sớm muốn xuống tắm biển lại vì họ mở bãi tắm vào lúc 7 giờ sáng. Ngồi đợi đồng chí gái dậy để đi nhưng cô nàng vẫn chìm trong giấc điệp, mơ đến những lúc bận áo quần mới mua sắm nên không dám đánh thức. Khi cô nàng dậy thì chỉ còn thời gian để chụp hình cho cô nàng nên hết thời gian để tắm biển.

Trưa, tài xế đến, chở viếng Jarash, rồi về Amman. Hôm sau, tính mướn thêm anh tài xế để chở đi chơi, anh ta tính chặt thêm hai vợ chồng $200 nên mình nghĩ lấy Uber đi chơi cũng được. Tại đây có Uber nên tốn độ $5 cả tiền boa là chạy mút mùa. Đi viếng thành Amman, chụp hình cho đồng chí gái xong thì đi lang bang vào khu mua sắm mới mở, khá đẹp. Lần đầu tiên thấy bão cát sa mạc. Gió thổi cát bụi bay mịt mù. Nghe anh tài xế kể là mình may mắn vì nếu hôm qua bị bão cát thì không được đi đâu cả, kẹt lại Biển Chết. Cảnh sát đóng cửa quốc lộ.

Ở Việt Nam, kiến trúc sư nào xây cất nên dùng theo cách của họ, tạo gió mát trong khu mua sắm, không cần máy điều hoà không khí. Họ sử dụng cách dựng lều của người Bedouin để làm tương tự phi trường ở Saudi Arabia.

Chiều mình kêu Uber chở lại nhà bố mẹ tên bạn gốc Jordan. Mụ vợ kêu anh quen thằng này ở đâu. Mình thì có bạn khắp 4 phương trời nên đi đâu cũng có thể gặp người bản xứ. Ở Ai Cập mình có hai tên bạn nhưng họ chết trước nên không liên lạc được nữa. Họ làm món ăn thuần tuý nhất của người Jordan, gọi Mansaf. Gồm hai loại thịt: trừu và gà. Gà thì được ướp rồi nướng lên. Tháng 12 này hai vợ chồng này sang Cali, mình sẽ mời lại nhà ăn cơm Việt Nam rồi sẽ hỏi cách họ ướp thịt gà. Ngon cực. 

Món Mansaf gồm nhiều loại như món thịt cừu nấu với phô mát khô, chan sốt chua chua của sữa, có cornichon củ cải đỏ và hành sống. Rắc lên đậu phụng rang

Món taboulet của người ả rập, ăn khai vị
Món gà nướng của họ được ướp với gia vị rất ngon

Món thịt trừu thì được nấu với loại sửa khô, hơi chua chua kiểu giả cầy Việt Nam, ăn với cơm, chan nước sốt sữa chua lên. Ngoài ra còn có món taboulet gồm ngò, dưa leo,..mà mình hay ăn khi ở Pháp hay Ma-rốc. 4 người ăn mà họ làm như cả dòng họ ăn. Đem lên trên mấy cái khay to đùng. Chưa bao giờ mình ăn no như vậy. Họ cho uống loại araq, một loại rượu làm từ Anis mà người Pháp hay uống khai vị kiểu anisette hay Ricard. Mình nhấp một tí cho họ vui, đầu óc bắt đầu lộn xộn. Ăn xong thì họ kêu hai vợ chồng vào divan nằm dưỡng sức. Phong tục của họ. Mình ngủ được 1 tiếng hay 2 tiéng gì đó, chủ nhà gọi dậy, chở về khách sạn để lấy Vali rồi anh tài xế đến đón đưa ra phi trường. Tặng anh ta tiền boa khá hậu hỉ khiến anh ta cười như hoa sim tím chiều vang biền biệt.

Hai vợ chồng đẩy xe vào phi trường, qua an ninh rồi lên máy bay quá cảnh tại Istanbul. Kỳ này không có vé thương gia nên hai vợ chồng vào phòng Priority Pass ăn uống. Mình thì no càng hông nên chỉ lấy mấy chai nước uống trong khi đồng chí gái thì thử đủ món. Lên máy bay, họ cho ăn tiếp nhưng mình chỉ xin nước uống rồi đi tiểu. Về lại Cali hết dám ăn mấy ngày nay. Nhịn đói cho vui nhà. Hôm nào buồn đời, ra bolsa ăn phở.

Mình bận trước khi đi nên không xem kỹ chương trình, tại có mấy ngày mất thời gian, chỉ đợi ra phi trường để bay đi. Thăm viếng lại Ai Cập thì chắc không nhưng Jordan, có thể ghé lại Biển Chết. Khá đặc thù.

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 


Hôn nhân không tình yêu

Trước khi đi Phi châu, mình có gặp anh bạn từ San Jose xuống chơi. Anh ta xuống họp mặt cựu sinh viên MIT, có mấy người mình quen khi xưa nhưng ít khi liên lạc sau khi lấy vợ. Ngồi hỏi chuyện về mấy người bạn xưa, tình cờ mình hỏi anh ta về cô bạn gái cũ của anh ta ngày xưa. Anh ta kể là cô nàng nay là bác sĩ, lấy chồng nhưng không hạnh phúc, vẫn sống chung trong căn lều không lý tưởng. Sống chung nhà kiểu chia phòng nhưng Sugar you you go, Sugar me me go. Anh ta lại nhắc đến cặp vợ chồng khác mình quen, tương tự vợ chồng ở chung nhà nhưng lâu lâu dẫn Bồ kép về nhà, hành lạc vô tư khiến người kia rên “giường phòng em pháo nổ, tâm hồn anh rướm máu, ôi nhát chém hư vô,….Chán Mớ Đời 

Hỏi thêm về mấy người anh em của cô bạn vì mình có quen khi xưa, ở New York. Dạo mấy đứa con mình đang lo vào đại học, mình có gọi điện thoại cho mấy người này để con mình nói chuyện để có cái nhìn rộng hơn, thay vì nghe lời bố học về tài chánh, còn mẹ thì cứ kêu đi học y khoa. Anh bạn kể về mấy anh em này khiến mình thất kinh. Lý do là khi xưa, gia đình này là điểm sáng, cộng đồng người Việt thường lấy họ làm gương cho con cháu của họ. Mấy anh em đều học trường Ivy League, Harvard, MIT, Yale, đại học y khoa Cornell,…

Nay thì te tua. Nói chung là mấy anh em đều ly dị như 50% người Mỹ tại Hoa Kỳ. Anh em kiện nhau, con kiện mẹ đủ trò khiến mình chới với. Khi xưa, mình thấy hai anh em, tốt nghiệp MIT và Yale. Thay vì đi làm, mở công ty, có xe food truck bán bánh mì Việt Nam thay vì đi học y khoa như hai cô em gái nên mình thấy hay. Họ có chí muốn làm thương hiệu của họ trở thành như Au Bon Pain ở Harvard Square. Mình có đầu tư 1 số vốn nhỏ khi người em trai mở một tờ báo ở Maryland, khi mới ra trường tại Yale. Mình mới đưa tiền chưa được 2 tháng, đã nhận lá thư, kêu là có người Mỹ mua lại tờ báo, và gửi mình cái ngân phiếu giá gấp 3 lần số tiền mình đầu tư. Nay thì họ thành công về thương mại.

Bà mẹ có một xe bán thực phẩm, có từ thời mới sang Hoa Kỳ, nuôi cả chục người con ăn học, bị ung thư nên kêu một người con trai để giao lại. Người con trai có tài làm ăn nên gây dựng lên, đông khách. Đùng một cái bà mẹ lành bệnh, đòi lại xe bán thực phẩm cho cô chị, ly dị cần việc làm. Cậu con trai kêu công sức, tiền bạc bỏ ra từ mấy năm nay nên cần được đền bù. Thế là mẹ con đưa nhau ra toà. Luật sư phí lên đến 2 triệu. Cậu con thắng nhưng cảm thấy không vui, chi phí quá cao mà tình anh chị em trong gia đình không nhìn mặt nhau. Bên thì bênh mẹ còn bên thì bênh người con trai. Mẹ thua không lẻ đòi mẹ tiền luật sư phí 2 triệu.

Cô chị ly dị, qua Cali sống, quen ông thần nào, đưa cho một số tiền để mua cái Mobile home làm tổ Uyên ương. Đùng một cái anh bạn trai kêu đứng tên anh chàng, mời cô chị ra khỏi Mobile home, lại thuê luật sư kiện. Chán Mớ Đời 

Anh bạn kêu cái nhà này lạ lắm. Cứ thích kiện tụng, tốn tiền luật sư.

Vấn đề gia đình, anh em, con kiện cha mẹ trong cộng đồng Việt Nam có xẩy ra. Mình chỉ biết vài vụ người quen nhưng lại nghe thiên hạ kể đủ trò. Mình thì biết nhiều vụ của người Mỹ. Nhập gia tuỳ tục nên người Việt mình cũng học cách kiện nhau ra toà. Mình nhớ dạo ở vùng Bolsa, có ông hàng xóm mời đến uống trà rồi than Việt Nam, chỉ có hai gia đình là có con tố bố mẹ. Trường Chinh đấu tố bố mẹ và gia đình này. Ngạc nhiên mình đưa mắt nhìn như thầm hỏi, nói thêm. Ông ta cho biết là khệnh vợ nên bà vợ kêu cảnh sát, ra toà, mấy đứa con làm chứng, kêu ông ta khệnh vợ. Chán Mớ Đời 

Mấy người con kêu ông ta sang đây mà cứ tưởng như ở Việt Nam thời Bảo Đại. Lâu lâu nhậu vào, nổi khùng lên khệnh bà vợ nên buồn đời, bà vợ nghe lời mấy bà bạn, gọi 911. Thế là cảnh sát đến còng đầu đem đi.

Nhìn lại, mấy người bạn khi xưa, xuất thân từ các trường đại học danh tiếng Hoa Kỳ, có nhiều người không có hạnh phúc lứa đôi. Mình nói anh ta may mắn, không lấy cô bạn gái cũ, tốt nghiệp Harvard và đại học y khoa Cornell. Có dạo cô bạn gái anh ta tâm sự khi hai người Sugar you you go nên mình nói để mình nói lại với anh bạn. Anh bạn kêu cô đó dữ lắm. Sợ rồi. Lọt vào làm rể nhà này cũng khá mệt dù ngày xưa, gia đình này được cộng đồng Việt Nam ở trong vùng trọng nể, con cái học trường lớn.

Mình cũng biết ở Little Sàigòn vài cặp như vậy. Cuộc sống hôn nhân không tình yêu nhưng vẫn ở chung, cứ kéo dài cuộc nội chiến thầm lặng với kẻ nội thù từ năm này qua tháng nọ khiến mấy đứa con ngất ngư. Chúng không hiểu vì bố mẹ bạn của chúng, ly dị như thay áo. Ra toà ký giấy tờ, chia tài sản. Xong om

Mình đoán là hai vợ chồng cưới nhau vì tình yêu nhưng khi sống chung, cái tôi lớn hơn tình cảm dành cho nhau nên từ từ không nói chuyện. Vấn đề là gốc Việt Nam nên bị văn hoá việt cản ngăn. Tự an ủi là hy sinh vì con nên chịu đựng ở với nhau như khách. Sợ họ hàng chê cười, đánh giá nên phải chịu đựng sống cuộc hôn nhân không có tình cảm.

Điểm thứ hai cũng rất quan trọng là nếu ly dị, chia đôi tài sản thì sẽ không có khả năng mua lại căn nhà khác. Phải mướn căn hộ đến mãn cuộc đời khi giá nhà càng ngày càng lên cao. Có lần một chị bạn gọi hỏi phải làm sao vì vợ chồng không thuận nhau nữa. Mình khuyên ra riêng, mướn căn hộ ở rồi từ từ giải quyết sau. Anh chồng cũng gọi mình hỏi chuyện. Mình cũng nói là nên xa nhau một thời gian để xem có hàn gắn với nhau được hay không. Lý do ở chung thì ngày nào cũng nổi máu sản hậu lên, cãi nhau trọn khi xa nhau sẽ có thời gian để tự tìm hiểu về sự mâu thuẫn.

Sau một năm sống riêng, chị bạn nói với mình là ông chồng muốn trở lại. Nay thì không đi nhậu nữa, đi làm về là về nhà, lo con cái, ăn uống thay vì đi nhậu như xưa. Mình cũng mừng cho họ.đi làm bị stress công việc nên sau khi làm người Mỹ hay ghé tiệm để uống rượu. Anh này thì ghé nhà bạn Việt Nam để nhậu cho vui tỏng khi nhà cửa bề bộn. Cô vợ đi làm về phải lo cho con cho mẹ chồng nên không chịu nổi đành dọn ra. Anh chồng ở xa vợ con thì mới hiểu gia đình là quan trọng. Hạnh phúc phải tự do mình tạo ra chớ không phải chúa phạt ban cho nên đã xin làm lại.

Khi cha mẹ cơm không ngon, lâu lâu lại đem cái loa karaoke ra chửi nhau, khiến mấy đứa con đã buồn, lại càng không hiểu khi sống trong xã hội Hoa Kỳ mà tỷ lệ ly dị cao hơn 50%. Chúng không hiểu tại sao bố mẹ không yêu nhau mà lại cứ đóng kịch đi bên nhau khi có tiệc tùng, ở chung một nhà, mỗi người một phòng hay ở trong ga ra.

Theo mình hôn nhân như mua xổ số. Hên thì gặp được vợ hay chồng biết điều, chịu khó nghe, sửa đổi trở thành người hôn phối tốt hơn. Còn xui thì gặp búp bê không tình yêu. Trái với những gì mình bị giới truyền thông tuyên truyền về người hồi giáo. Sang Trung Đông, nghe mấy ông xứ Ả Rập rên luật pháp bao che cho mấy bà, họ cần luật pháp che chở cho đàn ông.

Mình thì may mắn, đồng chí gái rất thông minh nên mình để cô nàng lo hết, nói gì thì mình nghe đấy. Lâu lâu máu phản động trong người nổi lên thì cãi vài câu nhưng vẫn biết mụ vợ là đấng tối cao, lúc nào cũng đúng nên ngậm miệng thế thôi. Cứ theo châm ngôn vợ ta tuy không sinh ra ta nhưng có công dạy dỗ ta nên người. Xong om

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 


Tha phương cầu thực

 Ở Ai Cập, chỉ gặp người bản xứ trong các công việc phục vụ du khách nhưng khi qua Jordan thì gặp rất nhiều người gốc Phi luật Tân, gốc Nam Dương, đa số từ Bali đến. Hồi hè đi Thổ Nhĩ Kỳ, gặp 2 người đến từ Bali, Nam Dương, hỏi thì họ cho biết là từ khi covid dính xứ họ thì không có du khách nên phải tìm đường cứu gia đình, nên lặn lội tha phương cầu thực tại xứ người.

Nói chung thì mấy nước mình đến đều bị dính covid khiến ngành du lịch chới với. Ở Dahab, sa mạc Sinai của Ai Cập, khu nghỉ dưỡng cho cả ngàn người mà chỉ loe hoe độ 60 du khách mà phải trả chi phí cho mấy trăm người làm. Ở xứ Jordan thì đỡ hơn vì các địa danh mình đến rất nổi tiếng trên thế giới như Petra, và Biển Chết. Tại đây lại gặp toàn phục vụ viên đến từ Nam Dương và Phi Luật Tân.

Xứ nghèo, dân đông, lãnh đạo tham nhũng nên phải tìm đường tha phương cầu thực, kiếm chút vốn về xứ làm ăn hay gửi tiền về cho nuôi cha mẹ hay xây nhà báo hiếu. Nhìn hoàn cảnh họ khiến mình cảm thấy may mắn. Mình cũng tha phương cầu thực, được học hành nên có công ăn việc làm tương đối khá hơn, lại được một quốc gia khác cưu mang, cho vào quốc tịch nên có chốn để trở về, để gọi là nhà.

Ở xứ Jordan này, dân số độ 12 triệu người mà có đến 4 triệu người tỵ nạn từ các cuộc chiến lân cận như Syria, Yemen, Iraq … chạy qua làm kinh tế xứ này càng khốn đốn. 40-50% giới trẻ ra trường bị thất nghiệp nên cuộc sống không biết tương lai ra sao. Dân tình nói thầm với mình là thích ông vua cha đã qua đời hơn ông vua hiện thời. 

Dân Jordan đi tha phương cầu thực lên đến 600,000 với dân số có 6 triệu người chính gốc vì có đến 2 triệu người gốc Palestine đã sang xứ này vào những năm năm 1948, khi có cuộc chiến với người do thái. Lãnh đạo người Palestine kêu dân chúng bỏ đi qua ở tạm các trại tỵ nạn ở Lebanon, Jordan,…đợi họ đánh chiếm lại Palestine nhưng 80 năm sau, ngày trở lại quê hương  xa vời. Lãnh đạo của họ, ăn tiền cứu giúp kháng chiến, sống xa hoa, bỏ mặc họ bị giết chết khá nhiều.

10% dân số xứ Jordan phải tìm đường tha phương cầu thực để gửi tiền về nuôi gia đình là con số khá cao. Cứ tưởng tượng Việt Nam có đến 10 triệu người tha phương cầu thực như Phi Luật Tân có đến 12 triệu người tha phương cầu thực với dân số là 112 triệu người. Mình nhớ mấy chục năm về trước, viếng Hương Cảng lần đầu tiên. Buổi chiều chủ nhật, ra gần bờ sông, thấy mấy người Phi Luật Tân xa xứ, gặp nhau tại đây để chia xẻ món ăn hay cho nhau đọc thư nhà.

Mình may mắn, tha phương cầu thực tại Hoa Kỳ nên cuộc đời khá hơn những người tha phương cầu thực khác tại các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan. Mình có gặp 2 người Việt tại Dubai, 1 nam 1 nữ, cũng bỏ Việt Nam ra đi để kiếm tiền, xây dựng tương lai tại Việt Nam. Một anh kể là có hùn vốn mở hai tiệm ăn tại Việt Nam, 1 chị thì cho biết lương bổng đây cao hơn nên qua đây làm việc, kiếm tiền, không biết có lấy chồng hay không. 80% dân số tại Dubai là người ngoại quốc tha phương cầu thực.

Đây là hình ảnh khiến mình hết muốn leo núi để lên căn cứ thứ 1 của núi Hymalaya. Ngay xứ họ mà phải gánh nặng như vậy để du khách ngoại quốc như mình lên núi, chụp hình tạo dáng.

Cũng là người tỵ nạn nhưng mấy người Palestine, Yemen, Syria,.. phải sống trong các trại tỵ nạn, lây lất ở xứ Jordan này, cạnh biên giới để mong có ngày trở về quê cha đất tổ. Gần thủ đô Amman, thấy khu vực của người Palestine mà năm 1948, cha mẹ, ông bà họ đã bỏ xứ ra đi, đến đây sống lêu bêu trong các căn lều. Nay thì được chính phủ Amman cho phép, xây cất nhà cửa. Thế hệ thứ 3 đã sống xa xứ và có lẻ sẽ không có ngày trở về quê cha đất tổ.

Chạy xe trên quốc lộ, thấy bên kia biên giới là Do Thái, rất nhiều nơi xanh rì vì được khai thác trồng rau, trái cây. Bên Jordan thì chỉ là đá và cát của sa mạc. Có người kêu sao không bắt chước Do Thái để phát triển. Nói rất dễ. Con người không thích suy nghĩ nên họ hay phê phán. Đa số dân Jordan là gốc người Bedouin, du mục trong sa mạc nên tư duy khác, trong khi đó người do thái được viện trợ bởi Hoa Kỳ và người do thái trên thế giới, đầu tư.

Thứ nhất muốn phát triển xứ này phải tốn nhiều tiền. Xứ này không có dầu hoả nhiều như Saudi Arabia. Đất cằn cỗi. Thời tiết mình thấy nóng đâu 29, 30 độ C mà họ kêu là khí hậu tốt vì mùa hè lên đến 50 độ C ở nhiều nơi, nhất là vùng biển chết, nằm dưới mặt biển đến 400 mét.

người Việt tỵ nạn may mắn, được Hoa Kỳ và các nước khác cưu mang chớ cứ tưởng tượng, cả triệu người sống lây lất ở các trại tỵ nạn Pulau Bidong hay Phi Luật tân từ mấy chục năm qua.

Đúng là mình may mắn, chớ không tài giỏi gì cả. Xong om

Nguyễn Hoàng Sơn 

Chuyện Bên lề

 Đi thăm viếng các hồ của vùng Mammoth, có chị bạn hỏi về living trust. Mình giải thích xong thì dặn có tên nào làm thơ tán tỉnh chị thì quên đi. Đừng có lãnh của nợ vào mà vài năm sau, phải đút cho ông ta ăn, và thay tả. Đồng chí gái hôm qua, nói may quá, ngày xưa không lấy ông bác sĩ, lớn tuổi hơn. Nay chắc phải lo cho ông ta mệt đừ.

Mình tếu tếu nhưng đó là sự thật. Vào lứa tuổi trên 6 bó mà dính dáng đến tình yêu vớ vẩn thì chỉ có rước khổ vào người. Thay vì vào cô nhi viện hay viện dưỡng lão giúp vài ngày một tuần, đây phải lo cho người yêu xụm bà chè 24/24 và 7/7 ngày, không đi đâu cả. Chỉ vì vài câu thơ, nói nhăn nói cuội. Được cái là phụ nữ dù đã trên 6 bó vẫn mê được đàn ông khen, mới Chán Mớ Đời 

Đi chơi với bạn tuần rồi ở Mammoth Lakes, Cali

Chị bạn cười, sẽ ghi khắc lời mình dặn. Thật ra chị ta nói có 2 căn nhà nên mình lo dùm cho vụ tài chánh, nhất là đời sống tinh thần và vật chất sau này. Rước ông nào làm thơ tán tỉnh về nhà rồi ông ta buồn đời, ly dị lại mất của. Nếu ông ta không có lợi tức thì phải cung cấp hàng tháng. Do đó phải làm living trust, chuyển tài sản qua Living Trust rồi có yêu ai thì yêu. Đừng để phải hát một mai qua cơn mê, ta lại về tay không.

Mình dặn là trong Living trust thì đề có ý đinh trở lại ngồi nhà của mình để chính phủ không bắt bán. Chị nhờ con cho thuê, lấy $3,000/ tháng cộng tiền hưu trí thì sống tạm ổn. Khi qua đời thì con cháu vẫn còn căn nhà. Thiếu câu đó thì phải bán để trả tiền viện dưỡng lão. Còn không thì mướn hai cô phi luật tân, túc trực chăm sóc, nấu ăn 24/24 như bà Betty mình quen, trả mỗi người $1,500/ tháng và ăn ở. $3,000 cho hai người, rẻ hơn là viện dưỡng lão. Chúng ta có thể gắn video để xem họ có bạo hành người già ở nhà.

 Về già, con cái lớn, ra riêng, sống một mình buồn nên nhiều khi cần bạn già để tâm sự, đúng hơn là cãi lộn. Có bà dì của đồng chí gái, khi còn sống. Cuối tuần, đồng chí gái kêu mình chở mẹ vợ rồi ghé đón dì đi ăn, chạy xe vòng vòng, ra chợ trời để mấy bà thấy vui vui. Bà dì, một hôm nói: “anh SƠn, khi chú qua đời, Dì buồn, không có ai để cãi lộn”. Dì còn nói là anh SƠn ghé đón chở dì đi chơi là dì vui rồi. Ở nhà cả tuần, buồn nên có đồng chí gái đến chở đi ăn uống, chạy vòng vòng khiến dì vui lắm.

Người lớn tuổi thì thích mình vì mình hay nói chuyện với họ để học hỏi về kinh nghiệm đời của họ. Dân cùng tuổi hay trẻ hơn thì không ưa mình.

Lâu lâu mụ vợ kêu mình chửi bới, hỏi viết gì trên mạng vì có những chiến sĩ an ninh mạng, anh hùng làm ăng teng, báo cáo lại cho đồng chí gái. Mụ vợ mình thì không đọc bờ lốc của mình nhưng lâu lâu có chiến sĩ an ninh mạng nào, quen đồng chí gái đọc được là mách, tố cáo tinh thần phản đạo đức cách mạng nông dân, khiến mình bị chửi, bắt phải xoá. Tự do ngôn luận không có trong tự điển của đồng chí gái.

Hôm trước, mình kể về bà Tôn-Lò ở gần xóm mình, chiến sĩ an ninh nào đó, mách đồng chí gái khiến mình bị chửi. Kêu văng tục gì khiến mình như bò đội nón. Trong xóm kêu bà ta là Tôn-lò thì mình gọi Tôn-lò, để khỏi lầm với mấy bà Tôn khác. Mình ăn nói rất cực chất nông dân mà mấy chiến sĩ an ninh mạng cứ làm như mình có văn hoá cao như họ. Chán Mớ Đời 

Cũng có vài người đọc bài mình rồi còm, kêu mình không có văn hoá. Họ không kêu người Mọi như mình mà là người dân tộc. Đà Lạt có người Mọi thì mình kêu người Mọi chớ kêu người gì. Mọi hay Việt hay Ra-đê, Chăm hay Chàm, Chu-ru,..để chỉ một tộc người nào đó sinh sống tại Việt Nam.

Khi xưa, người Pháp gọi mấy người ở vùng cao nguyên là Montagnard, người Việt dịch ra là người Thượng. Chỉ có sau này Hà Nội gọi người miền cao, người dân tộc, còn người Việt là dân tộc “kinh” dựa theo người Tàu gọi người Việt là “người Kinh”. Theo mình thì sai vì bắt chước tàu. Không lẻ mình phải gọi người Việt là người Kinh, không được gọi người Việt. Chán Mớ Đời 

Thật ra khi xưa người ta gọi Kinh Nhân, (京人) người sống tại kinh đô, còn người sống xa kinh thành được gọi là  “người trại”. Chúng ta hay lầm lẫn Người (Community) và NGƯỜI (ethnicity). Khi gọi người Đà Lạt là nói đến cộng đồng người sinh sống tại Đà Lạt (Community), không ai nói Đà Lạt tộc (ethnicity) cả. Khi nói người Mọi, người Chu-ru là những giống dân sống tại vùng Lâm Đồng, hay có thể gọi Mọi tộc, Chu-ru tộc, Việt tộc,.. để nói đến tộc nào sinh sống tại Lâm Đồng.

Có lẻ sau này người ta nới rộng ra khi chúa Nguyễn vào Đàng Trong, số người sinh sống vùng duyên Hải nên cũng được gọi là người Kinh. Nếu gọi Kinh tộc thì không đúng. Việt tộc thì đúng hơn.

Họ gọi người sinh sống ở miền thượng du là người dân tộc nên mình càng ngu hơn. Người thiểu số thì chấp nhận được vì nếu mình không lầm Việt Nam có đến 54 bộ tộc mà khi xưa học địa lý Việt Nam. Mấy tên dài dòng, khi đi thi tú tài IBM bị hỏi đủ trò. Nhớ thầy Hứa Hoành dạy địa lý, kê ra một loạt khiến mình ghi chép mệt thở, không nhớ hết, chỉ nhớ vài bộ tộc tại Lâm Đồng như người Mọi, người Chu-ru.

Ai đó kêu mình mất dạy gọi người Mọi là không thuộc giới trí thức như họ thì mình chấp nhận. Tại sao lại so sánh tên nông dân như mình với họ. Họ trí thức biết chữ thì cứ ở trên cao, không nên xuống ruộng với mình. Chán Mớ Đời 

Đi chơi mấy ngày với mấy người bạn thấy vui. Thường gặp nhau ăn uống ở nhà ai, chỉ chào hỏi. Trong chuyến đi vừa qua, có dịp nói chuyện dài lâu, mới hiểu họ thêm. Có đối thoại mới hiểu nhau thêm như vợ chồng có chửi nhau mới thương nhau hơn. Chán Mớ Đời 

Mua xe cho vợ. 

Để đánh dấu 30 năm khói lửa, nội chiến từng ngày, mình mua chiếc xe mới cho đồng chí gái. Xe cô nàng chạy đã hơn 14 năm. Xem như nữa đời hương phấn với mình. Tính ra nên mua xe điện vì vài năm nữa Cali cấm bán xe chạy bằng xăng. Hai vợ chồng nhất trí mua Tesla, đi hỏi xe Audi hay BMW thì máy loại xe này chỉ chạy được 200 dậm là tối đa trong khi Tesla thì có thể lên đến 300 dậm. Chạy ra Dealer hỏi giá, đặt hàng, đặt cọc $200. Về nhà đồng chí gái nghe bạn bè ra sao đó, sợ lái xe kiểu mới nên kêu mua xe chạy xăng, đành chạy ra Dealer LExus để mua chiếc SUV mới. Mình bán chiếc xe của thằng con, mua $18,000, chạy 5 năm bán $17,000. Cho thấy tiền mất giá kinh khủng. Lạm phát. Thằng con lấy xe mình chạy, mình lấy xe cũ của đồng chí gái đi vườn.

6 tháng sau, công ty Tesla báo sẽ đem xe giao tận nhà trong lúc mình đang ở Thổ Nhĩ Kỳ. Cứ vô cái App của Tesla rồi trả tiền, không cần phải ngồi bàn như ở Dealer Lexus. Không cần mình có mặt tại nhà, công ty đem xe lại nhà và đậu trước nhà. Sau đó mình về, chỉ mở điện thoại là xe tự động mở, không có chìa khoá. Chỉ dùng iPhone là tự động mở cửa, khoá đủ trò. Họ có cho một cái thẻ như thẻ tín dụng, bỏ ví, để khi nào mất điện thoại, thì lấy ra để mở xe.

Vấn đề mình lấy xe cũ của vợ để chạy thì bị hư. Chạy xe cũ thì vẫn hưởng được $0.56/ mile, tốt hơn là chạy xe mới cũng được khấu trừ thuế cùng giá tiền. Đưa cho Dealer thì họ bảo mấy ngày nên giao cho mình một chiếc xe khác để chạy. Xui cái là đồ phụ tùng không có, phải đặt bên Nhật Bản, mất 32 ngày mới có. Do đó mình chạy xe của Dealer cho khỏi mất mileage xe của mình. Hôm qua, lần đầu tiên sau khi nhận xe Tesla trên 3 tuần lễ mới chạy thử. Chán Mớ Đời 

Bây giờ dùng xe cũ của vợ đi vườn, còn TEsla thì chạy đi đâu, có carpool lane. Xong om

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn