Showing posts with label Tình yêu. Show all posts
Showing posts with label Tình yêu. Show all posts

Du hành với mẹ tại Nhật Bản

 Hôm nay, Facebook nhắc đến chuyến viếng thăm Nhật Bản với mẹ 3 năm về trước. Chuyến đi nhớ đời. Mình nghe lóm mẹ nói chuyện với cô em qua điện thoại; anh cho mạ đi nhiều nơi rồi, ni cho đi thêm Nhật Bản nữa là mạ mãn nguyện, không đòi hỏi chi nữa. Người ta có tiền chưa chắc là đi được, vì không có sức khỏe, người có sức khoẻ lại không có khả năng đi. Mạ nhứ rứa, không tiền không bạc mà đi được là vui. Xong om

Mọi lần khi mẹ viếng thăm Cali xong thì mình đưa mẹ ra phi trường dặn dò hãng máy bay để họ lo cho mẹ trên chuyến bay về Sàigòn. Kỳ này, mình đưa mẹ về Việt Nam, luôn tiện giỗ ông cụ. Máy bay sẽ ghé phi trường Nhật Bản nên mình tư duy đột phá sao không đưa mẹ quá cảnh thêm vài ngày tại Nhật Bản. Mỗi lần về Việt Nam, gia đình mình đều quá cảnh mấy ngày tại Nam Hàn, Nhật Bản, Trung Cộng,… Nghe đi chơi ở Nhật Bản khiến mẹ mình sung sướng và nói chuyện với mấy cô em.


Khi đi xin chiếu khán cho mẹ tại toà lãnh sự Nhật Bản ở Los Angeles rất nhiêu khê vì phải lên đó đến 4 lần mới được vì mẹ có thẻ xanh cư trú tại Hoa Kỳ nhưng vẫn sử dụng sổ thông hành của Hà Nội. Bị toà lãnh sự hành nhưng mình đành ngậm câm, nụ cười hàm ếch với họ.


Mỗi lần gặp mẹ, đều có đi chơi ở Hoa Kỳ, ở Cam Bốt, Việt Nam nhưng phải công nhận chuyến đi đột xuất tại Nhật Bản để lại cho mình đầy ấp kỷ niệm với mẹ nhất là được mẹ kể chuyện đời xưa, từ bé đến khi vào Đà Lạt, làm ô sin cho người bà con, sau đó ra riêng, lấy chồng, lo cho em ăn học, cho ông bà ngoại. Nghe kể là có những chuyến du hành từ 20 năm về trước, mẹ vẫn nhắc đến với bạn ở Đà Lạt hay Sàigòn.


Nói chung cuộc đời mẹ rất đặc biệt. Là một cuốn sử qua các thời đại của thế kỷ 20. Sinh ra trong thời Pháp thuộc, trải qua những năm tháng việt minh, rồi Nhật Bản chiếm đóng, đến thời Việt Nam Cộng Hoà, khổ nhất là thời Việt Cộng vào Nam sau 75. Chồng học tập cải tạo 15 năm thăm nuôi, một mình lo cho 10 đứa con. Nay tuổi xế chiều mới có chút nghỉ ngơi. Ở tù vì theo Việt Minh, rồi bị Việt Nam Cộng Hoà bắt, rồi bị đồng chí khi xưa, tập kết, về lại đì chết bỏ vì lấy chồng ngụy quyền.


Đi Nhật Bản với mẹ, chỉ có hai mẹ con, mình nhận ra những điều rất thường đối với mình nhưng lại xa lạ với mẹ. Nhìn mẹ đi máy bay hạng thương gia lần đầu khiến mình thương. Cứ hỏi bao nhiêu rứa con, đi hạng thường, để tiền xài. Cả đời mẹ tảo tần nuôi con ăn học, rồi nuôi 10 đứa con, nuôi chồng cải tạo 15 năm nên không bao giờ dám xa xỉ tiêu xài như bao người khác ở cùng xóm. Đó là tấm gương hy sinh đời mẹ củng cố đời con, không bao giờ nghĩ đến mình, chỉ buôn bán, cần kiệm để dành cho những bất trách cuộc đời dành cho mẹ từ bé.


Ra phi trường, không phải đợi lâu để làm thủ tục lên máy bay vì đi hạng thương gia nên thủ tục nhanh chóng, có người đẩy xe mẹ vào phòng đời, có thức ăn, champagne,… mẹ nhìn thức ăn nhất là thấy thiên hạ trong phòng đợi riêng uống bia, champagne, mẹ hỏi có phải trả tiền không. Mình nói đã trả hết trọn gói rồi, cứ tự nhiên. Nghe thế, mẹ bảo “răn mình không làm một ly Champagne hè?” mình đi lấy champagne cho mẹ. Mẹ ngồi nhấp nhép ly champagne nhìn về xa xăm, không biết mẹ nhớ tới kỷ niệm nào.


Mẹ hỏi hoài về giá tiền hạng thương gia nên cuối cùng mình phải trả lời để mẹ khỏi hỏi nữa, ai ngờ khiến mình thất kinh. Mẹ như bị trúng gió, mặt xanh như tàu lá, lấy chai dầu xanh trong ví ra xoa xoa. Mình phải giải thích khi có công ty riêng thì khi đi máy bay hạng sang, giá tiền tương tự như hạng thường của người đi làm công cho thiên hạ.


Điển hình một người đi làm như vợ con, mỗi tháng lãnh $10,000, đóng thuế và an sinh xã hội, bảo hiểm,…mất 48%, còn $5,200 để mua cái vé đi Việt Nam, đại loại $1,000, phải cộng thêm 48% tiền đóng thuế, xem như $2,000. Con làm thương mại trả gấp đôi cũng $2,000, được khấu trừ trước khi đóng thuế, nhiều khi lại rẻ hơn là người đi làm công. Nói như vậy nhưng mẹ mình chắc không hiểu vì quen lối sống tại Việt Nam.


Lên máy bay, được chiêu đãi viên đến lấy áo ngoài đem đi cất, sau đó đến hỏi uống gì. Champagne hay nước ngọt. Mẹ hỏi có phải trả tiền không mình nói không thế là mẹ reo lên Ờ cho mạ ly champagne để nhớ trước 75, mỗi lần sinh con đều mua một chai champagne uống ăn mừng.


Uống xong Champagne, mạ kêu răn mà ghế bự rứa hè, dành riêng cho mình thôi. Mẹ tự động mở truyền hình xem phim Việt Nam, đeo headphones khiến mình vui.


Có lẻ hôm mẹ vui nhất là mình mướn bộ đồ kimono cho mẹ đi dạo phố và chụp hình ở Studio. Mẹ tung tăng như đứa bé được quà. Thường là mẹ lo tốn tiền nên lúc nào cũng hỏi giá tiền rồi tính nhẩm trong đầu. Mẹ mình tuy chưa bao giờ cắp sách đến trường nhưng làm tính nhẩm nhanh như chớp sau bao nhiêu năm buôn bán. Nhất là ở tuổi 86.

Mẹ bận trang phục Nhật Bản, không thua gì người Nhật Bản.

Hôm ấy, mẹ thay vì chụp 3 kiểu như mọi người, mẹ thấy người ta chụp thêm kiểu cầm dù nên đòi thêm 2 kiểu nữa. Dẫn mẹ ra đường, bận Kimono như bà nhật, đeo dép xúm xính rất dễ thương.


Có hôm ở Đông Kinh, mình có dắt mẹ đến toà nhà International Forum, mà mình có dịp thiết kế khi làm việc cho kiến trúc sư Rafael Vignoly ở New York. Thấy nụ cười của mẹ trên môi, kêu con vẽ cái ni. Mình nói vẽ chung một nhóm lận. Mẹ kêu chụp cho cái bóng.

Mẹ trước tiệm cho thuê áo Kimono

Mẹ lên Facebook 


Khi đi viếng hoàng cung Nhật Bản, trời mưa, thấy mẹ cầm cái dù thấy thương, miệng cứ kêu đẹp hơn Thành nỘi mình.


Đi đến viếng Hiroshima, nơi Hoa Kỳ bỏ trái bom nguyên tử, mẹ thấy người ta lấy cái chuỳ đánh cái chuông. Cũng cuốc bộ với mình được 9 cây số trong ngày.

Mẹ leo núi một mình, không cần mình vịn

Thăm viếng Tokyo International Forum, do mình và một nhóm kiến trúc sư khác thiết kế khi xưa tại New York, năm 1990-1991. Mình hy vọng công ty gửi mình sang Nhật Bản nhưng cuối cùng thì một tên đồng nghiệp người nhật, được gửi đi để lo phần xây cất. Dự án này được thắng qua concour.
Mẹ dống cái chuông để cầu nguyện cho các linh hồn đã chết trong vụ nổ bom nguyên tử

Hôm đi Kyoto chơi, đi suốt một con đường cạnh bờ sông, đầy hoa đào, mẹ cứ đứng bên hoa kêu mình chụp đủ kiểu. Có lần leo núi có mấy cái cột đỏ đầy lối, mẹ ngồi nghỉ bên ghế đá, bổng mẹ kêu hai vợ chồng người Úc, ngồi bên cạnh rồi chỉ mình rồi chỉ ngực kêu “maman”. Hai vợ chồng người Úc kêu chúc mừng đi chơi với con. Mẹ cứ cười cười dù chả hiểu gì.

Cặp vợ chồng từ Úc 


Mình nghĩ có diễm phúc để đi chơi với mẹ. Sau này có giàu có mà mẹ không đi được hay trả nhớ về không thì cũng trễ. Thật ra, không cần đi nơi sang trọng. Một cô em mình, đột xuất, xin nghỉ rồi đưa mẹ ra Nha Trang chơi, tắm biển, mua cua cá về nhà, nấu ăn, cũng có những giây phút bên nhau rất trân trọng. Những giây phút này rất chậm, tạo thành những kỷ niệm riêng tư, khó quên.

Một ngày nào đó, chúng ta sẽ chứng kiến cảnh trả nhớ về không như người bạn của ông Đổ Trung Quân.


Mình đang lo đi Dubai, làm cuộc họp mặt các anh em và các cháu hè này. Mình sẽ chi hết cho mọi người để mẹ có một tuần lễ thấy con cháu xum vầy bên mẹ. 


Còn nhiều chuyện nữa mà mình đã kể, sẽ tải lên đây lại trong tuần này. Tuần sau mình sẽ leo núi Machu Pichu nên sẽ không có bài trong vòng 10 ngày.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen

Nguyễn Hoàng Sơn 

 

Mối tình đầu trả nhớ về không

 Tuần này, buồn đời mình xem phim Tây Ban Nha, để nhớ về thời gian ở xứ này, tuy ngắn ngủi nhưng đầy ắp tình người. Cuốn phim nói về một người đàn ông lớn tuổi, bắt đầu trả nhớ về không. Bổng nhiên nhớ đến cô gái năm xưa, khi mới lớn, đã làm cho ông ta xúc động đến ngày nay.

Ông Mario, một cựu giáo sư toán ở đại học Valencia, nay về hưu và goá vợ. Mỗi ngày, ông ra quán ăn sáng và chơi Crossfire-figure đăng trên báo. Cô bồi bàn hỏi ông ta, thông thường, trước khi cô ta đem thức ăn ra thì ông đã làm xong các bài toán trên báo. Hôm nay, chưa xong là thế nào. Ăn xong lại đến trả tiền, cô bồi bàn cho biết ông đã trả tiền rồi. Hẹn gặp lại ngày mai.

Ông bước ra cửa tiệm, chần chừ, không biết đi ngã nào về nhà. Đạo diễn tả lên cảnh ông ta bắt đầu bị bệnh Alzheimer. Ông ta đi khám nghiệm, bực bội khi thấy bà cán bộ y tế, cứ hỏi về cộng trừ nhân chia. Ông ta kêu là cựu giáo sư toán đại học mà bà lại hỏi tôi là thế nào. Cuối cùng ông bước ra cửa thì gặp cô con gái đang đến nhà thương để giới thiệu thuốc mới cho bác sĩ.

Lần sau đi khám nghiệm về trí nhớ thì cô con gái tháp tùng. Cuối cùng bà cán bộ y tế nói ông ta không thể ở một mình, phải cho vào viện dưỡng lão. Cô con gái nói, không được, tôi sẽ lo cho bố tôi. Thế là ông ta dọn về ở với gia đình cô con gái. Cô con gái có một đứa con gái với ông chồng làm nghề huấn luyện thể dục.

Cô con gái thì bận công việc vì dân buôn bán, về nhà vẫn phải nấu ăn cho chồng con và nay thêm ông bố. Gặp ông bố về già, trả nhớ về không, quăn thức ăn đủ trò. Nói chung thì cô ta không có thì giờ chăm sóc ông bố trả nhớ về không vì bận công việc, chỉ nuôi ở nhà, lo ăn uống thế thôi.

Được cái là cô cháu ngoại và ông ta có thời gian nói chuyện, tâm sự với nhau. Cô cháu nói là có bồ khiến ông ta giật mình, bảo cháu mới 12 tuổi đầu mà đã có bồ. Hỏi quen ở đâu, nói trên mạng khiến ông ta thất kinh. Cô cháu nói là có thể tìm đủ mọi người trên mạng. Ông ta hỏi có thể tìm được Marguerita Vader không? Cô cháu hỏi bồ cũ của ông. Nói không nhưng cô gái này khiến ông ta mê say đắm mà không dám thổ lộ thời học sinh. Cái này hầu như bệnh của mọi chàng trai mới lớn, trong đó có mình. Chán Mớ Đời 

Cảnh quay, ông ta khi xưa, ngồi làm toán trên chiếc cầu, và một cô gái nhìn ra biển và đang hát. Cô gái quay lại hỏi đi chơi không thì ông ta nói phải học. Ông ta mê toán nên cứ lấy sách giải toán, học đủ trò. Rồi cô gái bỏ đi, hình ảnh một cô gái dậy đẹp như thiên thần, đứng dậy bỏ đi như thoáng hiện rồi biến mất trong năm tháng của đời người. Ông ta nhớ cô gái thích văn chương.

Cô cháu ngoại kêu sao không tìm qua các cựu học sinh của trường khi xưa. Thế là cô ta vào trang nhà của trường học cũ khi xưa, ghi tên ông ngoại, chụp hình ông ngoại để làm tài khoản trên Facebook. Ông ta cũng mua cái điện thoại thông minh, cũng quẹt quẹt tìm kiếm, lướt mạng. 

Một hôm cô cháu ngoại kêu tìm ra địa chỉ của cô con gái, đối tượng đầu tiên của ông ta. Thế là hai ông cháu lên xe chạy đi tìm. Giữa đường hết xăng nên ghé vào đỗ xăng, đến khi trả tiền thì ông ta kêu không quen biết cô cháu ngoại nên người bán xăng, gọi điện thoại cho cảnh sát.

Cô con gái và chồng đi taxi đến để lái xe, chở hai ông cháu về. Khám phá ra ông ta đổ dầu diesel thay vì xăng nên xe nằm một cục, phải kêu xe đến kéo về ga-ra địa phương. Tối đó, cả gia đình ngủ lại khách sạn. Bà vợ có thời gian suy nghĩ lại cuộc đời hiện tại và lấy quyết định. Bà ta nói với ông chồng là khi trở về Valencia, thì muốn ông chồng dọn ra. Lý do là bà ta biết ông ta ngoại tình. Ông ta cho biết, ngoại tình để cho bà biết vì mãi lo làm ăn, sự nghiệp và bỏ bê gia đình.

Số Pi được xem như mối tình đầu, bất tận

Cô con gái hỏi ông bố, sao lại có thể phụ tình của mẹ cô ta. Cô ta không muốn ông ta đi gặp lại người con gái đó. Ông ta nói tiếng Tây Ban Nha rất hay, khó diễn đạt lại đây. Phụ nữ như các phương trình toán học nhưng đối với ông ta cô gái ấy như số Pi. Con số này rất lạ, chỉ đứng riêng một mình và không bao giờ chấm dứt. Hình bóng cô ta như con số Pi vẫn theo đuổi ông ta từ bé đến nay. Ông ta muốn gặp lại cô ta trước khi ông ta quên cô ta, trả nhớ về không. Bác nào muốn gặp lại người tình xưa thì cứ viện cớ của ông này là sắp mất trí nhớ nên muốn gặp lại một lần, mối tình đầu. Xong om, bảo đảm là sẽ không mất trí nhớ nữa, nhiều khi hải hùng kéo dài đến khi ra đi Vĩnh viễn. 

Nghe tới đây thì cô con gái chấp thuận chở ông ta đi tìm kiếm cô gái ngày xưa. Đến nơi, ông ta đi mua hoa để tặng đôi mắt người xưa. Ông ta bận đồ cực đỉnh, cô con gái nói có phải bộ đồ bố bận khi đi cưới mẹ con. Ông ta không trả lời. Đến nhà, gõ cửa thì một bà cụ gìa ra mở cửa khiến ông ta thất kinh, hồn vía lên mây, kêu không phải đôi mắt người xưa của ông ta. Cô con gái hỏi có phải đây là nhà của bà Marguerita thì bà chủ nhà kêu không. Bà ấy bán nhà cho tôi rồi dọn đi đâu. Hỏi địa chỉ thì không biết. Thế là bao nhiêu hồi hộp đều trôi xuống sông. Cả gia đình trở về Valencia.

Trên đường về thì cô cháu ngoại reo lên, nói là thằng bồ chưa bao giờ gặp, nói biết bà ta, hiện đang sinh sống tại Valencia và địa chỉ. Với điều kiện là cô ta phải đến gặp hắn khi hắn viếng thăm Valencia để tham dự đám cưới của họ hàng.

Cả gia đình đến dự đám cưới. Cô cháu thấy một tên cực đẹp trai, đang chụp hình tạo dáng, xeo-phì với một cô gái khác, đến chào kêu “Ola Pau, estoy Ana “ khiến tên con trai kia như bò đội nón, nhìn cô cháu ngoại ngơ ngác. Cuối cùng thì tên Pau xuất hiện, to béo, hắn đã lấy hình tên đẹp trai là em họ để đăng trên Facebook. Hai bên kênh nhau hỏi tại sao lại cho hình ảnh khác, không đưa hình thật. Cô cháu gái cũng xấu lại đi cà nhắc nhưng cuối cùng thì cũng OK. Hắn cho địa chỉ của đôi mắt người xưa của ông ngoại. Cái này, đa phần dân cư mạng đều bỏ hình từ thời Bảo đại còn tắm cởi truồng nên không nên gặp mặt. Chán Mớ Đời 

Thế là cả nhà chạy đi tìm vì ở cùng thành phố. Đến nơi, thì khám phá ra bà ta đã trả nhớ về không, ngồi nơi ghế nhìn về xa xăm. Ông ta khám phá ra bà ta đang thêu trên cái khăn tay số “Vô Cực” mà ông ta nói với cô ta ngày xưa, về tình yêu là vô cực. Ông chồng bà ta nhảy vào nói, bà ta từ độ mất trí nhớ cứ hay thêu số 8 nằm nghiêng, khiến ông ta nức nở và hãnh diện là cô gái ngày xưa vẫn nghĩ đến ông ta.

Cuối phim, cho thấy ông ta và cô gái ngày xưa, vào viện dưỡng lão ngồi bên nhau, nhìn biển như ngày xưa. Mối tình đầu trả nhớ về không.

Nếu định nghĩa tình yêu qua toán học, chúng ta thấy các cuộc tình đi qua như những phương trình hay các định đề. Chúng ta có thể thổn thức khi bắt gặp một ánh mắt, một nụ cười của một cô gái đã ghi tạc vào ký ức. Để rồi khi về già, bao nhiêu hình ảnh ngày xưa, bổng đâu như các ngọn sóng dào dạc trở về như các con cá hồi, lội ngược dòng suối, trở về miền ký ức nên thơ của thời mới lớn, tập tành biết yêu, biết nhớ.

Để rồi một ngày, các phương trình ấy, bị triệt tiêu khi chúng ta lao vào xã hội, lo sự nghiệp, lập gia đình, với các bổn phận. Chúng ta quên sống với người bạn đời, con cái, cha mẹ, để rồi một hôm, tất cả bay đi, vuột khỏi tầm tay như tình trạng cô con gái. Cô ta bị áp lực bởi một người cha là giáo sư đại học nên phải theo học ngành kỹ sư, để leo thang danh vọng để bì kịp sự thành đạt của người cha, để rồi hạnh phúc bay theo cơn mưa trên biển vắng của Valencia.

Tôi yêu em với tình yêu "Cố Định" 

 Hiến dâng em hai nghiệm số "Âm Dương"  

Tìm chu kỳ của "Hàm Số" tuần hoàn, 

 Để im lặng một "Đường Cong" biểu diển  

Dùng "Định Lý" thay người câu ước hẹn  

Lấy "Lũy Thừa" làm dáng lá thư duyên  

Giải "Đạo Hàm" mong tiếp xúc cùng em 

Tìm "Tọa Độ" của "Phương Trình Toán Học"  

Tôi yêu em đôi mắt buồn "Lưu Động"  

Mũi dọc dừa "Thẳng Góc" với môi son  

Tôi "Khai Triển" người yêu lý tưởng  

"So Sánh" rồi ghi chú nơi đây  

Tình yêu này là "Phương Trình Bậc Nhất"  

"Chứng Minh" rằng tôi một dạ yêu em  (vô danh)


Ngày nay, Internet đã giúp chúng ta trở về miền quá khứ, tìm lại bạn bè, người quen của thời xưa. Mình có chở đồng chí gái đi thăm gia đình đối tượng một thời khi xưa. Mình cũng có gặp lại đôi mắt ngày xưa, giúp tìm lại chút hồn nhiên của thời mới lớn trước khi trả nhớ về không, về miền vô cực. Cô nàng vẫn nhớ tới mình.

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Nụ Hôn Lịch Sử

 Nhớ dạo mới sang Tây, đi đến nhà ai, thấy đàn ông thì bắt tay mình, còn mấy bà mấy cô thì lại hôn má mình nên tưởng mấy bà mấy cô thích mình. Sau này, ở lâu mới khám phá ra đó là phong tục truyền thống của người Pháp vì đi các nước lân cận, ít có vụ bisou bisou kiểu Phú Lăng Sa. Sau vụ đại dịch COVID-19 có lẻ phong tục này sẽ thay đổi, người Pháp sẽ bớt hôn má nhau.

Coi xi-nê, mấy phim như bố già xã hội đen, Mafia thì thấy mấy tên đàn ông ôm nhau hôn nhau để tỏ lòng tin tưởng nhau trước khi giết nhau thì nghĩ là xi-nê, ai ngờ có lần thấy bức ảnh của chủ tịch đảng cộng sản Liên Xô ôm hôn thắm thiết chủ tịch đảng cộng sản Đông Đức Hoenecker càng khiến mình nghĩ người cộng sản có phong tục rất nhân văn này. Cũng có thể tấm ảnh này đã làm rạn nức chế độ Liên Xô vì người ta ái ngại.

Sau này lại thấy hình ảnh ông Hồ ôm hôn ông Mao Sến Sáng để tỏ lòng trung thành tuyệt đối anh em xã hội chủ nghĩa. Mình đoán là ở các xứ xã hội chủ nghĩa, cộng sản là ôm hôn thắm thiết, răng hở môi lạnh,… của một thiên đường của thế giới đại đồng mà nhân loại đang tìm cách đi đến như ở San Francisco. Lá cờ ngủ sắc đã được giới đồng tính khắp ở năm châu bốn bể sử dụng để nhận ra nhau.

Nụ hôn lịch sử nói lên tình anh em thắm thiết xã hội chủ nghĩa. Sau này có nhiều nghệ sĩ vẽ lại cảnh này bán đấu giá kiếm tiền rất nhiều. Mình không biết người đồng tính nghĩ ra sao về nụ hôn lịch sử này nhưng mình thì thấy rờn rợn.
Nụ hôn anh em răng hở môi lạnh, được vẽ lại với nụ hôn hữu nghị tình anh em

Buồn đời, mình kiếm tài liệu đọc thì khám phá ra nụ hôn của đàn ông với đàn ông đã có từ lâu trong lịch sử người tây phương. Hoá ra bức ảnh này đã khiến ông Putin ra lệnh cấm từ năm 2013; đàn ông không được hôn đàn ông nơi công cộng tương tự nữ giới cũng không được hôn nhau, cho dù là nụ hôn thắm thiết đầy thương yêu.

Đoạn phim ngắn ông hỒ ôm hôn Mao chủ tịch. Mình tìm không ra bức ảnh hai người anh em xã hội chủ nghĩa Sông liên sông núi liền núi ôm hôn thắm thiết như Breznev và Hoenecker. Có xem khi xưa nhưng không lưu lại. Ai có thì cho em xin
Không biết ông Hồ hôn ai đây
Mình không biết ảnh này có thật hay không

Tại các quốc gia như Ấn Độ và Trung Cộng, xem như phân nữa dân số thế giới, không có vụ hôn nhau giữa chốn đông người. Dạo này có lẻ mới thay đổi nhưng mình nghe nói trong phim Ấn Độ, có luật cấm chiếu cảnh nóng, hai người hôn nhau, môi hôn thắm thiết. Những phim gần đây mình thấy có vẻ thay đổi, các tài tử có hôn nhau rất nhanh còn cảnh nóng làm tình thì không có. Đàn ông Ấn Độ nổi tiếng hiếp dâm công cộng mà cho họ xem cảnh nóng này thì chắc nhiều phụ nữ ấn độ lâm nạn và bị giết.

Các bộ lạc phi châu cũng không có màn ôm hôn thắm thiết khi chào nhau. Tại Hoa Kỳ thì mình thấy họ ôm nhau thay vì hôn má như người Pháp. Người Pháp thì gặp nhau hôn má mà họ gọi “les bises”, tiếng lóng là “bisou”. Nhưng tuỳ vùng, có nơi thì 3 cái, nơi thì 4 cái hay ở Paris thì đâu 2 cái. Mỗi lần gặp nhau, nội đợi nhau làm bisou không là mất 5-10 phút. Nghe kể mấy vùng như Bretagne thì chỉ muốn làm một cái hôn má khi gặp nhau thay vì 2 như người sinh sống tại Paris, để tự khẳng định văn hoá của họ khác dân Parisien.

Nghe nói dần dần cái văn hoá mi má nhau đang được giới trẻ loại bỏ, có lẻ bị ảnh hưởng của thế giới khi các phim ngoại quốc được trình chiếu nhất là từ vụ Covid. Ngay tại Hoa Kỳ, mấy hội đoàn mình tham gia, người Mỹ họ đưa cùi chỏ để cụng nhau hay cái chân hoặc nắm đấm.

Mình ngạc nhiên là văn hoá hôn má tại Pháp quốc chỉ mới được xuất hiện từ thế kỷ 19, do các bà khởi xướng. Đàn ông và đàn bà không cùng gia đình hôn má nhau chỉ mới được xuất hiện vào những năm 70 của thế kỷ 20, có thể từ các phong trào ảnh hưởng của xã hội chủ nghĩa, thế giới đại đồng.

Nụ hôn má thường được sử dụng trong các của nghi lễ, nghi thức ngoại giao khi người ta tặng huy chương cho cấp dưới, để nói lên lòng trân trọng,… xuất hiện từ thời La MÃ, Do thái,…

Họ cho biết khi xưa ở xứ Ba-Tư, khi 2 người đàn ông, cùng đẳng cấp gặp nhau thì họ hôn môi còn nếu khác giai cấp thì hôn má. Trong kinh thánh, có nói đến đàn ông hôn nhau như ông Giê-Su hôn các tông đồ, ngay ông Giu-Đa phản bội Chúa, cũng ra hiệu cho lính lA MÃ biết, người nào mình hôn, chính là ông Giê-Su. Sau này, người ta gọi nụ hôn của thần chết.

Thời Trung Cổ, thì chủ tớ hôn môi nhau để nói lên lòng trung thành tuyệt đối của họ nhưng đã mất dần phong tục này vào thời Phục Hưng, chỉ còn thấy trong các người thân gia đình, cha mẹ con cái.

Mình đang tìm tài liệu để xem đại dịch năm 1918, đã giết mấy chục triệu người trên thế giới, có ảnh hưởng gì đến văn hoá của đại chúng. Chắc chắn covid đã thay đổi cách chào hỏi, ngoại giao.

Trước đây, mình thấy giới trẻ gặp nhau thì hay đưa bàn tay đánh vào nhau, hay nhảy lên đưa cái bụng in vào nhau, nay thì đưa cái chân ra đá đá nhau qua lại. Có người đưa cùi chỏ ra đụng nhau như khi xưa mình và đám trẻ trong xóm hay kêu cái cùi loi tao.

Tương tự trong kiến trúc, người ta xây các cầu thang tròn, đi lên cầu thang phía bên trái, để khi có bọn phản loạn tấn công thì trên thành, người ta dễ đánh hơn vì thuận tay phải còn đối phương thì bị kẹt bởi cái tường bên tay phải, khó sử dụng kiếm. Điển hình, khi xưa, các hiệp sĩ như Samurai hay người tây phương đều đeo kiếm bên trái, và đi bên trái. Lý do là họ thuận tay phải nên đeo bên trái để tay phải có thể rút kiếm ra dễ dàng. 

Họ cửi ngựa cũng bên tay trái, đến thời Napoleon thì họ đổi qua bên phải vì ông này lùn, thuận tay trái nên hay tấn công địch quân từ hướng phải. Ông ta ra lệnh quân đội đi bên tay phải để dễ thấy khi quân đội ông ta đi duyệt binh. Từ đó người Pháp lái xe bên phải trong khi người Anh quốc vẫn tiếp tục chạy xe bên trái. Đa số các thuộc địa cũ của Anh quốc vẫn chạy xe bên trái, ngoại trừ các nước như Hoa Kỳ, Gia-nã-đại đã được độc lập từ xưa. Xong om

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Con ngựa thành Troy


Nhớ hồi nhỏ học bi kịch Andromaque của Jean Racine, nói về cuộc chiến 10 năm, những anh hùng thần thoại của Hy Lạp, thân phận đau buồn của Andromaque, vợ của hoàng tử Hector và cha chồng là vua Priam, đứng trên thành Troy, nhìn Achilles giết chồng, rồi kéo lê xác suốt mấy ngày để trả thù cho người bạn Patroclus, bị quân đội thành Troy giết.

Khi mình đi chơi viếng Hy Lạp lần đầu tiên, bao nhiêu chuyện thần thoại, được nghe kể hay đọc từ bé khiến óc tò mò của mình, bắt mình phải đi đến những địa danh, được kể khi xưa, nhất là con ngựa thành Troy. 

 Mình khởi đầu cuộc hành trình từ Thessalonika, vùng Macedonia, quê hương của vua Philip II, cha của đại đế Alexander. Cũng từ đây, ông Alexander đã chinh phục các vùng đất bao la, được xem là đế quốc đầu tiên của nhân loại. Mình và cô bạn mướn xe của công ty Avis, chạy xuống từ từ, qua các thành phố như Sparta, đến Olympia, quê hương của thế vận hội, rồi đến thủ đô Athens. Từ đây mới đi tàu qua đảo Crete.

Đảo này, theo truyền thuyết, khởi đầu nền văn minh Minoan, theo tên của vua Minos. Tương truyền trên đảo này có một con quái vật có hình dáng đầu bò dáng người, ăn thịt người, tên Minotaur nên vua Minos, mới nhờ một kiến trúc sư, tên Daedalus xây một mê cung (labyrinthe) để nhốt con quái vật trong này. Lúc mình đến hòn đảo này thì có viếng thành Knossos, quá tuyệt đẹp dù xây cách đây trên 3000 năm, vẫn còn màu đỏ rất đẹp. Nghe nói Mê Cung là đây nhưng chỉ được xem viếng có một phần nhỏ. Mình phục dân của nền văn minh này vì mấy ngàn năm trước, họ đã hiểu sức nặng của mái nhà, đè xuống mấy cột trụ và sẽ có lực phản hồi từ dưới đất lên, sẽ làm gẫy phần giữa cột trụ, nên các trụ đá của họ xây thời đó, đã được làm to hơn ở giữa, giúp đứng vững đến hơn 3000 năm sau.  

Nghe kể, con của vua Minos bị giết hại ở Hy Lạp nên ông ta bắt mỗi năm, dân Hy Lạp phải cúng tế 7 cặp trai gái đồng trinh cho thần Minotaur do bà vợ của vua, giao hợp với con bò rồi có mang, sinh ra quái vật đầu bò thân người nên chỉ ăn thịt người. Có một anh chàng tên Theseus, dân Hy Lạp sang đảo Crete, quyết giết con quái vật để tránh dân Hy Lạp chết vô tội. Anh này tán con gái của vua Minos, để cô này đánh cắp cái bản đồ của Mê Cung tương tự Mỵ Châu đánh cắp cái nỏ thần cho Trọng Thuỷ. Anh chàng này lấy cái dây buột vào người rồi lần mò đi vào Mê Cung. Sau khi giết được quái vật thì mới lần theo sợi dây để ra khỏi mê cung. 

Anh chàng Theseus sau khi công thành danh toại thì bỏ cô con gái của vua Minos để trở về Athens. Trước khi đi, ông bố của Theseus là vua Aegus dặn, nếu thắng được Minotaur thì cho khói trắng còn bại thì khói đen. Có lẻ đây là một hiệu ước của người Tây phương khi liên lạc với nhau từ ngàn xưa, khi chưa có Morse, điện thoại,...., vì khi người ta bầu được vị lãnh đạo tối cao của Thiên Chúa Giáo thì họ cũng cho khói trắng ra ống khói của toà thánh Vatican. Thủy thủ quên lời dặn hay gỗ bị ước nên làm khói đen khiến ông vua, nhảy xuống biển tự tử, do đó biển Aegean ngày nay được mang tên của vua này. 

Viếng thăm nước Hy Lạp thì chỉ thấy toàn là núi đồi và biển. Người Hy Lạp trở nên giàu có nhờ họ biết đóng tàu bè, di chuyễn trên biển, buôn bán nên sung túc, tạo dựng được một nền văn minh tiên phong cho các nước Tây phương mà người ta thường gọi Địa Trung Hải là cái nôi của nền văn mình La-Hy. Dân chúng ngày nay, chỉ sống vào sản xuất dầu olive, du lịch. Ông Onassis, khi xưa giàu có nhờ có tàu để chuyên chở, buôn bán.

Hồi nhỏ mình có coi ở rạp Hoà Bình, phim "La Colère d' Achille", kể chuyện một bà sinh con trai, rồi nhúng người con xuống dòng sông Styx để giúp con trai, có mình đồng da sắt để ra trận không bị chết nhưng vì bà ta nắm cái gót chân. Sau này, Achilles bị Pâris, nhắm cái gót chân, không phải da sắt, để bắn tên và hạ sát, do đó người tây phương hay dùng thành ngữ "gót chân của Achilles" để diễn đạt, ai cũng có cái nhược điểm.

Ông vua thành Troy, Priam có đến 46 người con, trong đó có Pâris. Theo truyền thuyết, khi có mang Pâris, bà Hebuka, vợ của vua Priam nằm mộng, được thần linh báo là Pâris, sau này sẽ phá nát, gây sụp đổ của đất nước này, và khuyên bà ta nên giết đi. Bà ta bỏ người con mới sinh ra trên núi Hia nhưng Pâris, được mấy người chăn cừu nhặt, đem về nuôi.

Thành Troy, nay thuộc về nước Thổ Nhỉ Kỳ, thuộc vùng Tiểu Á (Asie Mineure) mà khi xưa học lịch sử, mấy ông Tây bà đầm giảng hoài mà chả nhớ đâu ra đâu, nằm gần eo biển của Biển Đen và biển Aegean, nơi giao thoa của các tàu thương, chuyên chở vựa thóc từ các quốc gia xung quanh Biển Đen (Hắc Hải) và Agean.

Lớn lớn một chút thì học văn chương Pháp, ông Tây có dạy về bi kịch "Andromaque" của Jean Racine. Mình chỉ nhớ mang máng là trong tiệc cưới của bố mẹ Achilles, có một bà thần nào, hình như Artemis, nữ thần chiến tranh, không được mời tham dự nên gửi một trái táo, để tặng người đàn bà đẹp nhất buổi tiệc. Có 3 nữ thần tại bữa tiệc, không ai chịu thua ai về sắc đẹp nên hỏi thần Zeus. Ông này tuy là thần nhưng cũng sợ làm phật lòng đàn bà nên từ chối khéo, chỉ tên chăn cừu Pẩris, đang ở ngoài đồng và nói hỏi tên chăn cừu. 

Chuyện này xẩy ra 1400 năm trước Tây Lịch, đã nói đến trái táo. Mình không biết huyền thoại trái táo trong vườn địa đàng của thánh kinh, phúc âm sau Tây Lịch, không biết có dính dáng, bắt nguồn từ câu chuyện này. Ai biết cho em xin. 

Ba nữ thần này ra sức dụ dỗ tên chăn cừu, cho tiền bạc, uy quyền, cuối cùng tên chăn cừu thuộc loại mê gái như mình nên hắn nghe lời dụ dỗ của Aphrodite, nữ thần tình yêu, do đó từ Aphrodisiac xuất phát từ nữ thần tình yêu. Nữ thần này hứa sẽ cho hắn người đàn bà đẹp nhất thế gian, Helen. Xui cho hắn là khi hắn gặp Helen thì cô nàng đã lấy chồng nhưng hắn vẫn dụ dỗ cô này, bỏ chồng trốn theo hắn về thành Troy. 

Ông chồng bị cắm sừng, Melanaus, vua của vương quốc Sparta, nằm ở vùng Peloponnese ngày nay, kêu gọi người em là Agamemnon, một chiến tướng nổi danh rất tàn bạo, tiêu diệt kẻ thù hoàn toàn mà người tây phương khi nói đến từ Agamemnon để nói lên sự tiêu diệt tuyệt đối. Họ đem quân đi đánh nhưng gần 10 năm bao vây thành Troy, vẫn không hạ nổi. Ngày nay, người ta khám phá thành này có đến 9 lớp nên kỹ thuật chiến tranh thời ấy, không thể công phá được. Trong đoàn quân này, có Achilles là tướng giỏi nhất nhưng lại không ưa Agamemnon, nên không chịu ra trận, chỉ uống rượu nhậu như trong phim mà mình đã xem ở rạp Hoà Bình. 


Cuối cùng Patroclus, bạn của Achilles, lấy áo giáp của Achilles ra trận bị giết nên ông thần mình đồng da sắt này nổi điên lên, ra trận để trả thù cho bạn, giết hoàng tử Hector. Trong cuốn Andromaque, kể rất hay về Andromaque chứng kiến cảnh chồng chết và vua Priam đi xin xác con về để chôn. Những bài thơ của ông Jean Racine vẫn còn phảng phất sau mấy chục năm.

Cuối cùng, phá không được thành Troy, nên quân đội của Agamemnon rút lui, bỏ lại một con ngựa gỗ, đóng bằng gỗ của một chiến thuyền. Dân chúng trong thành mừng quá vì tưởng hết nạn can qua. Kéo con ngựa vào thành rồi ăn mừng cả đêm. Trong đêm tối, tàu của đội quân Agamemnon, trở lại, các binh lính núp trong thân con ngựa gỗ, chui ra để mở cửa thành và tàn sát thành này, bắt lại Helen. Pẩris lấy cung bắn vào gót của Achilles và giết tướng này. 

Trong bi kịch của Andromaque của Jean Racine, dạo ấy học nhưng chả hiểu, sau này sang tây, đọc lại thì mới cảm được cái tình, lòng của bà này đối với chồng, hoàng tử Hector. Bà ta đang mang thai một người con của Hector, nên phải bấm bụng chịu để kẻ thù hiếp dâm, để cứu lấy đứa con. Thông thường khi xưa, sau khi đã chiếm một thành phố, đoàn quân chiến thắng sẽ giết hết đàn ông và hiếp dâm phụ nữ, bắt làm vợ. 

Nguyên do là để trừ hậu hoạn, không có đàn ông chống trả, trả thù trong tương lai. Hiếp dâm phụ nữ, bắt làm vợ thì sau này con của họ sẽ không phản lại cha mình nên phụ nữ đang có mang là bị giết. Sau này vào cuối thế kỷ 20, khi đoàn quân theo thiên chúa giáo chiếm đóng Kosovo, họ đã giết người theo đạo hồi giáo không nương tay và hiếp dâm phụ nữ đến khi quân đội NATO, nhảy vào ngăn chận cuộc diệt chũng này.

Các nước nhỏ khi xưa đã thống nhất, tạo dựng nước Hy Lạp ngày nay, đã tạo dựng một nền văn minh rất cao, với khái niệm Dân Chủ, với những triết lý khởi xướng bởi các nhà hiền triết như Plato, Socrates, Aristotle,... Ngày nay, nước Hy Lạp là một trong những nước nghèo nhất của Âu châu. Dân họ bị đô hộ trên mấy trăm năm bởi đế quốc Ottoman, do Thổ Nhỉ Kỳ ngày nay lãnh đạo. Khi mình viếng thăm năm 1983, nước này rất nghèo so với Âu châu. 

Các lịch sử gia hay tâm lý gia cho rằng, khi nền văn minh Hy Lạp lên tột đỉnh thì người Hy Lạp đâm ra bị bệnh tâm thần, họ cứ tự cho mình là nữa thần, nữa tục, có quyền uy, hằm bà lằn nên xã hội bớt tiến bộ. Họ cứ tự chế ra các thần thánh, anh hùng kiểu Lê Văn 8, Fan Đình Giót,.... Dạo mình ở Âu Châu, nước này nổi tiếng về bệnh đồng tính luyến ái từ thủa xưa, khiến tinh thần đấu tranh, chiến đấu không còn như những đội quân Sparta mà Hollywood đã kể trong cuốn phim "300", nói về lòng cảm tử, thiện chiến của 300 người lính Hy Lạp, chống lại đạo quân của Ba Tư.

Ngày xưa, học lịch sử với ông tây bà đầm, rất chán vì chả hiểu gì cả. Cứ nghe nói về nền văn minh nhân loại được xuất phát từ Tiểu Á (Asie Mineure), nền văn minh Mesopotamie, vùng có dòng sông Tigris, có thành phố Babylon mà ngày nay là các nước như Syria, Iraq, Kuwait, Ba Tư,... Học các tên xa lạ như Dorique, Ionique,..., sau này học kiến trúc thì mới được học lại lịch sử thì mới hiểu.

Khi sang Hy Lạp, đi viếng các đền, các nhà hát lộ thiên,.., mà khi xưa các bi kịch Hy Lạp thường được trình diễn thì mới thấy trí óc con người quả là tột đỉnh. Học trường tây nhưng chả hiểu gì lắm, mỗi lần ông tây bà đầm hỏi là cứ đực ra như ngỗng ị nhưng may, sau này sang Pháp lại học về kiến trúc nên mới được bồi dưỡng lại những điển tích, những huyền thoại của nền văn minh La-Hy.

Lấy kinh nghiệm của mình để xét lại các cụ ngày xưa, học chữ Hán. Mình hay nghe người ta nói sôi kinh nấu sử. Nghiệm ra là họ học chữ Hán, tương tự mình khi xưa học trường tây nên chỉ học sử của Tầu như mình học "nos ancêtres sont des gaulois". Cho nên cha ông mình có thể, thuộc lầu, rành về chuyện Tào Tháo trong Tam Quốc Chí, rành về Nhà Chu, Nhà Tần,.., hay Đông Chu Liệt Quốc,.... nhưng i tờ về lịch sử Việt Nam. Sau này hứng hứng, vớt lịch sử của người Hoa, cải biên lại của mình như họ Hồng Bàng, Vua Hùng, Thánh Gióng,.... 

Ông Homer sinh vào thời người ta dùng mẫu tự của người thương buôn Phoenician nên hai tác phẩm Illiad và Odyssey được ghi chép để lại cho hậu thế, giúp ngày nay người ta hiểu thêm về thời đại cuộc chiến thành Troy. Có đi viếng xứ này với bao nhiêu núi non thì mới hiểu được tâm hồn của người dân Hy Lạp. Đầu óc của họ hơi bị lệch lạc, tự xem mình là nữa thần nữa người. 

Khi xưa, các giống dân Phoenician mà ngày nay là Lebanon, Syria, Do Thái, nổi tiếng là những con buôn rất giỏi khiến quốc gia của họ trù phú. Khi giao dịch buôn bán với các nước lân cận thì họ dùng mẫu tự để ghi chép và đối thoại. Tương tự ngày nay, anh ngữ rất được phổ thông khi giao tiếp với đối tác tương tự pháp ngữ được dùng vào thế kỷ 19.

Ngược lại thì fong cảnh của xứ này quá đẹp nhất là các đảo. Mình nhớ lúc chạy ngang ngọn núi Parnassus thì ghé lại viếng, đột suất mướn đồ trợt tuyết. Ngọn núi chỉ có mình và cô bạn Alice, trượt tuyết từ trên núi xuống. La hét để đem thần Apollo và các Muse có xuất hiện. Những hòn đảo nhỏ được phết vôi màu trắng bên cạnh biển màu xanh khiến mình cứ mơ mơ được sống thời cuộc chiến thành Troy để xem các thần linh đánh nhau ra sao.  

Hy vọng sẽ có ngày trở lại xứ này với vợ. (Năm vừa rồi đã đưa vợ đến đây).

Mình định đi Thổ Nhĩ Kỳ năm nay để viếng thành phố này xem, nghe đâu họ có làm một bức tượng con ngựa bằng gỗ và xem cựu đế chế Ottoman ra sao.

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

 

Nhs

Phoenix, Sedona và Flagstaff 2022

 Sáng ra trả phòng xong, mụ vợ đòi đi viếng Outlets, gần khách sạn. Bò vào thấy mới được xây cất. Nghe nói ở Việt Nam, các nhà đầu tư, muốn thành lập 1 Outlets nhưng chưa làm được. Muốn xây một khu bán đồ xịn với giá hữu nghị việt sô này thì cần tối thiểu 7 công ty hàng xịn như Polo RALPH Lauren, Nike, …

Mụ vợ chỉ mua 2 đôi giày rồi kêu ở đây đắt quá. Kêu mình chở qua tiệm TJ Maxx, cho rẻ. Lấy Sơn Đen nên thấy cái gì cũng đắt cả. Rồi lại chạy đi một tiệm khác, đến 3 giờ chiều mới chịu đi ăn cơm.

Ăn xong thì chạy lên Sedona, ở khách sạn Hilton Resort. Rất đẹp! Mụ vợ hỏi giá bao nhiêu. Mình nói giá khiến mụ vợ mặt xanh như đít nhái. Internet lộn xộn, cứ tắt mở hoài khiến mụ vợ bực mình kêu kiếm khách sạn khác. Sáng hôm sau mình kêu trả phòng thì cô ở lễ tân không dám làm giấy tờ, kêu đợi hỏi quản lý. Cô ta đề nghị đổi phòng nhưng mụ vợ xót của nên kêu dọn ra. Quản lý gọi lại hỏi thì mình nói, đồng chí gái kêu trả giá đắt như vậy mà Internet, họ đề nghị đổi phòng,..mình nói thôi vợ tui không chịu. 

Red Rock, Đá Đỏ. Nội đi xung quanh vòng tảng đá này mất 4.8 dậm. Hôm nay hai vợ chồng đi bộ trên 8 dậm. Dịch thử Hồng Thạch.

Mình kiếm được khách sạn rẻ hơn 75%, sạch sẽ. Mụ vợ kêu đi chơi kiểu nhà nghèo như mình cũng khoẻ, để tiền cho người nghèo. Hai vợ chồng chạy đến Red Rock, (Đá Đỏ, Hồng Thạch). Đậu xe xong, mua vé tốn $5, bỏ nơi xe. Nghe họ nói không trả tiền trước thì họ cho câu xe. Thấy họ có để sẵn bịch nylon để thiên hạ dẫn chó hốt cứt. Còn ngựa thì không cần hốt, đầy đường mòn. Ngựa chỉ có người giàu có mới cửi  nên miễn màn hốt phân ngựa. Chủ nghĩa tư bản vạn tuế!

Mình trả tiền 5 đô tiền đậu xe, để họ mua bịch nylon cho thiên hạ hốt cứt chó. Vào khách sạn, cũng thấy họ để thức ăn cho chó và nước uống. Kinh
Thấy họ trang bị đồ sửa chửa cho xe đạp vùng núi để ai đi xe đạp.

Mình đi bộ với mụ vợ thì lâu. Lý do cứ 5 phút là mụ bắt chụp hình rồi quay video bú xua la mua. Đi chưa xong kêu mình phải ngồi xuống cho mụ nghỉ mệt, nằm thẳng dưới đất.

Để hôm nào buồn đời, mình sẽ làm vài cái như vậy để bỏ sau vườn, tạo những điểm nhấn.

Họ làm mấy cái giỏ bỏ đá ở trên đường mòn để làm dấu cho các đường mòn để thiên hạ khỏi lộn đường mòn vì có nhiều đường mòn, trộn lẫn. Mỗi đường mòn có một loại dấu ấn riêng. Mình sử dụng App AllTrails nên nếu đi ra khỏi đường mòn thì đồng hồ mình báo động nên cũng đỡ. Mình tính leo lên núi bên cạnh nhưng mụ vợ không leo nổi nên đành đi về.

Theo bản đồ để đi.vừa hết thì 4.5 dậm thêm .3 dậm từ đó ra bãi đậu xe tổng cộng 4.8 dậm. Nếu để ý thì mấy đường mòn khác xen kẻ với đường gãy chấm chấm. Không có bản đồ là hơi mệt.

Mình chạy lên Flagstaff, cách đó độ 55 phút lái xe. Có hai đường: đi đường đèo hay đi quốc lộ. Mình chọn quốc lộ vì xe mướn không quen. Mình bỏ xe để họ sơn sửa lại mấy vết trầy, do bị đụng xe trước giáng sinh nên bảo hiểm cho mướn chiếc xe Mustang mới toanh, chưa ai chạy cả. 

Hoá ra là quyết định đúng vì chạy lên cao độ 7,000 cao bộ. Tuần trước có tuyết nên còn thấy tuyết hai bên đường. Nếu đi đường trong thì hơi mệt vì còn tuyết đọng. Nhất là kẹt xe. Sáng nay mình định chạy theo đường này nhưng được một lúc thì kẹt xe, Chán Mớ Đời đành quay lại.

Vùng này có nhiều tảng đá cao lêu nghêu. Xem chừng độ 20-30 tầng lầu.

Đến nơi thì cũng đã gần 2 giờ chiều. Hai vợ chồng gửi xe xong đi lòng vòng thì đồng chí gái thấy tiệm ăn Ái Nhỉ LAn nên kêu ăn thử. Lâu quá không ăn cơm Ái Nhỉ Lan nên nhất trí. Kêu gan pâte gà của nhà hàng tự làm, món khai vị. Rất ngon. Rồi mỗi đứa kêu thêm cái pie. Họ làm theo kiểu empanadas nhưng to hơn. Ăn rất ngon. Mụ vợ mà khen thức ăn ngoại quốc là phải biết. Đòi trở lại ăn nhưng thấy xa quá. Nếu đi thì phải chạy về ngã las  Vegas xa hơn.

Hai ngày nay, hai vợ chồng đi màu xanh.

Ăn xong, chả thấy có gì lạ cả. Vùng này, nổi tiếng về trượt tuyết vì có ngọn núi cao nhất tiểu bang. Chạy trên đường thấy nhiều nhà kiểu Cabin để đi trượt tuyết. Mình chạy về Sedona để lấy phòng khách sạn rồi bò đi bộ một tí để xem thành phố. Chắc mới hết mùa đông, ít du khách nên tiệm ăn đóng cửa khá nhiều. Thấy có tiệm nail Việt Nam, đề tên Le Anna’s Nail. Nếu không trượt tuyết thì nên đến vùng này vào tháng 3, ít nóng chớ đến hè là chảy mỡ. Mùa đông thì lạnh teo chim. Ít ai đi ngoài đường vì không phải mùa du khách nên không biết làm gì, hai vợ chồng bò về khách sạn. Kẻ viết người nhắn tin, điện thoại cho bạn bè. Mai thì đi bộ tiếp. Mốt thì về sớm hơn một ngày vì đồng chí gái có hẹn chi đó.

Hôm nay, bò dậy đi đến nhà thờ. Căn nhà thờ này nổi tiếng khi mình vào học trường kiến trúc. Có ông mục sư nào bò đến đây xây cái nhà thờ trên núi, trong mấy núi đá.

Thành phố này nhỏ xíu mà tính có đến 7-9 nhà thờ chưa kể synagogue của người do thái.

Khi xưa, người Mỹ về hưu, dọn về vùng này để ở để tránh bệnh phong thấp, nay thì du khách đến đông kể gì. Khi xưa, mình đi viếng ít có du khách. Đa số toàn là những người hippie khi xưa dọn về đây sinh sống xa đời sống đô thị. Thấy có nhiều trung tâm dưỡng già.

Đi xong chỗ này, tính đi mấy chỗ khác thì không chỗ đậu xe nên quay về, đi ăn, về ngủ trưa, đợi chiều bớt xe, bò đi dã ngoại. Có anh bạn nhắn tin cho mấy chỗ ăn chay nhưng trễ rồi. Họ đóng cửa 4:00 giờ chiều.

Ngủ dậy, hai vợ chồng bò lên xe tính kiếm chỗ nào đi dã ngoại. Đúng lúc trời mưa nên bò lại văn phòng địa ốc, gần khách sạn mà mình thấy. Vào hỏi nhà cửa bên này ra sao thì thất kinh vì đắt như ở Nam Cali. Mình hỏi họ có biết công ty nào lo vụ cho mướn kiểu AirBnB thì họ nói có. Hỏi bao nhiêu thì họ không rành.

Thấy có căn nhà ngay khu nhà thờ hồi sáng đi viếng thấy đẹp nên hỏi họ dẫn đi xem. Khu rất đẹp, nhà hơi cũ. Có căn nhà bên cạnh nên che bớt phong cảnh, bên tay phải thì có mảnh đất khác, trong tương lai họ sẽ xây nhà xem như mất phong cảnh từ nhà. Mình hỏi khu vực này cho thuê được không vì thấy mấy nhà trong khu vực, cắm bảng kêu chỗ ở không phải khách sạn. Hoá ra khu này không thích mấy nhà cho thuê kiểu AirBnB. Có lẻ trong tương lai họ sẽ ra luật cấm. Mụ vợ thích căn nhà cứ kêu mua đi mua đi khiến mình muốn khệnh mụ vợ. Thích thì khi đi chơi, mướn mà ở tội vạ gì vác của nợ vào thân, cách nhà 7 tiếng lái xe. Khi đi chơi xa, mình đều viếng nhà bán, để có bằng cớ mình có gặp thiên hạ để bàn chuyện đầu tư, để trừ thuế.


Cây cổ thụ, họ giữ lại khi xây cất khu vực này, rất đẹp, du khách đi sẽ trở lại hay khuyên bạn bè đi thăm viếng. Còn Đà Lạt thì một đi không trở lại

Sau đó, chạy vào Sedona, đi bộ thấy đẹp. Thấy họ giữ gìn mấy cây cổ thụ xưa khiến mình nhớ đến Đà Lạt, phá tan hoang. Chán Mớ Đời 

Chạy về khách sạn. Ngày mai đi xem thêm căn nhà rồi chạy về cali.mụ vợ kêu tháng tư, có họp bạn Trưng Vương ở Phoenix, chắc lại phải bò sang nữa. Mụ vợ họp bạn thì mình leo núi chuẩn bị đi Machu Pichu 7 ngày. Xong om

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Sông Cờ Đỏ, giúp Trung Cộng làm bá chủ Á Châu

 Mình xin giới thiệu một bài viết của bác sĩ Ngô Thế Vinh của Liên Đoàn Biệt Cách Nhảy Dù khi xưa, một chuyên gia về Đồng Bằng Sông Cửu Long. Mình quen anh ta, trước đại dịch, hay gặp mỗi tháng với mấy anh bạn khác để bàn về vấn đề cứu nguy đồng bằng sông Cửu Long. Anh ta nghiên cứu rất lâu về vấn đề này, có đi xem địa thế của con sông này từ bên tàu.

VIỄN CẢNH 2022: TUNG HOÀNH VỚI SÔNG CỜ ĐỎ: TRUNG QUỐC ĐANG VẮT KIỆT NGUỒN NƯỚC CỦA CHÂU Á

Dẫn Nhập _Các dân tộc sống trên lục địa Châu Á ở hạ lưu các dòng sông từ Tây Tạng và Trung Quốc chảy xuống, trên 1,6 tỉ người này đã phải gánh chịu hết cả thiệt hại kinh tế nông nghiệp, ngư nghiệp và môi trường các hạ vực đã bị thoái hóa dần dần suốt nhiều thập niên qua trong khi Trung Quốc hưởng hết ích lợi nhờ thủy điện vì trên thượng nguồn họ xây hàng trăm con đập, tàng trữ hàng trăm tỉ mét khối nước, giam hãm 90% phù sa và thay đổi toàn diện dòng chảy môi sinh trên toàn lưu vực. Nhưng tham vọng Trung Quốc chưa dừng lại, Trung Quốc đã bắt đầu xây một đại công trình mang tên Sông Cờ Đỏ, dài trên 6.180 km để hàng năm chuyển dòng lấy 60 tỉ mét khối nước ngay từ nguồn không cho xuống hạ lưu sông Mekong, Salween và Brahmaputra. Sông Cờ Đỏ của Trung Quốc là một mối đe doạ tiềm tàng to lớn, với khả năng gây ra tội ác cho nhân loại – imminent threat to humanity. Trung Quốc tránh không ký bất cứ một hiệp ước hợp tác sông ngòi quốc tế nào, để họ đơn phương thực hiện những tham vọng của mình. Không một siêu cường nào trên thế giới ngạo mạn khai thác dòng nước bất chấp cuộc sống của bao nhiêu triệu cư dân hạ lưu như thế.  Việt Ecology Foundation

Bắc Kinh có khả năng dùng “vũ khí nước” như một đòn ngoại giao bắt 25% dân số thế giới làm con tin / holding hostage. Khác với những hồ chứa đập thuỷ điện, vừa giữ nước vừa xả nước, Sông Cờ Đỏ là một chiến lược đổi dòng lấy nước – có nghĩa là 100% lượng nước này sẽ bị mất đi – không bao giờ được đền bù,  đối với các quốc gia hạ nguồn. [1]

Hình 1: Quốc gia Tây Tạng, nơi phát xuất những con sông lớn của Châu Á: (1) Dương Tử, (2) Hoàng Hà, (3) Indus, (4) Sutlej, (5) Yarlung Tsangpo – Brahmaputra, (6) Irrawaddy, (7) Salween, (8) Mekong. [nguồn: Bản đồ cập nhật của Michael Buckley, Meltdown in Tibet,Palgrave MacMillan 2014] [3]

CƠ THỂ HỌC CÁC CON SÔNG LỚN CHÂU Á

Các con sông lớn như mạch sống của toàn Châu Á đều bắt nguồn từ Cao nguyên Tây Tạng, còn được mệnh danh là Cực Thứ Ba của Trái Đất. 

_ Đông Tây Tạng: phía đông là khởi nguồn của hai con sông lớn hoàn toàn nằm trong lãnh thổ Trung Quốc: (1) sông Dương Tử6.500 km dài nhất Châu Á chảy về hướng đông theo suốt chiều ngang lãnh thổ Trung Hoa tới Thượng Hải – Shanghai, (2) sôngHoàng Hà thì chảy về hướng bắc rồi chuyển sang hướng đông tới Thiên Tân – Tianjin, và cả hai cùng đổ ra biển Trung Hoa.

_ Tây Tây Tạng: phía tây bắc, là (3) sông Indus và (4) sông Sutlej chảy về hướng tây nam và giao thoa với ba con sông khác để hình thành vùng châu thổ Punjab giữa hai nước Ấn và Hồi. Phía tây nam là (5) sông Yarlung Tsangpo là “con sông cao nhất thế giới”, với các ghềnh thác xuyên dãy Hy Mã Lạp Sơn, rồi chảy qua Ấn độ, Bhutan và Bangladesh, con sông đổi tên là sôngBrahmaputra trước khi đổ vào Vịnh Bengal, Ấn Độ Dương. 

_ Nam Tây Tạng: phía nam là ba con sông (6) sông Irrawaddy và (7) sông Salween chảy xuống Miến Điện theo hướng bắc nam trước khi đổ vào Biển Andaman. Riêng con (8) sông Mekong chảy qua nhiều quốc gia  với nhiều tên khác nhau, từ Tây Tạng: có tên Dza-Chu có nghĩa “nguồn nước của đá”, tiếp tục chảy về hướng nam băng qua những hẻm núi sâu của tỉnh Vân Nam với tên Trung Hoa là Lan Thương Giang / Lancang Jiang “con sông xanh cuộn sóng”qua đến biên giới Lào Thái mang một tên khác Mae Nam Khong “con sông mẹ”, xuống Cam Bốt lại mang một tên khác nữa Tonle Thom “con sông lớn”, cuối cùng chảy qua Việt Nam mang tên Cửu Long với hai nhánh chính là sông Tiền và sông Hậu đổ ra Biển Đông trước kia bằng chín cửa sông, nhưng nay chỉ còn bảy. [Hình 1] 

TÂY TẠNG KHÔ HẠN CHÂU Á CHẾT

Và cũng dễ hiểu tại sao, bằng mọi giá Trung Quốc phải chiếm cho bằng được Tây Tạng – vùng cao nguyên chiến lược vô cùng quan trọng, giàu có về nguồn nước, phong phú về tài nguyên thiên nhiên – đó cũng là “định mệnh sinh học – biological destiny”của Tây Tạng, một quốc gia nhỏ bé với chưa tới 1,5 triệu dân bản địa (thống kê 1965, dân số gốc Tây Tạng 1,321,500; Leo A. Orleans, The China Quarterly Jul-Sep, 1966) và đang bị Hán hoá, người Tây Tạng nay đã trở thành thiểu số ngay trên đất nước mình. 

Phải chứng kiến tốc độ tàn phá sinh cảnh Tây Tạng, ngay nơi đầu nguồn,  các con sông lớn Châu Á đang bị Trung Quốc khai thác một cách triệt để với những đập thuỷ điện, cùng với nạn phá rừng tự sát / suicidal deforestation, tới các kế hoạch khai thác hầm mỏ đại quy mô, gây ô nhiễm nguồn nước. Hiện tượng biến đổi khí hậu với khí thải từ các nhà máy đốt nhiên liệu hoá thạch đang gây hiệu ứng nhà kính khiến khối băng tuyết tưởng như vô tận nơi cực thứ ba trái đất đang nhanh chóng bị đẩy lùi và tan rã.

Cũng để thấy rằng, những con sông Châu Á từng nguyên sinh trong thế kỷ trước thì nay đã biến dạng suy thoái và không còn như xưa nữa.

Cảnh tượng ấy khiến Đức Dalai Lama đang lưu vong phải thốt lên lời kêu cứu và ông đã chọn ưu tiên bảo vệ môi sinh thay vì những vấn đề chính trị nóng bỏng. Trong một lần gặp gỡ với Đại sứ Hoa Kỳ Timothy Roemer ở New Delhi, thủ đô Ấn Độ vào tháng 8/2009, Đức Dalai Lama nói rằng:   

"Lịch trình chính trị có thể hoãn lại 5-10 năm nhưng cộng đồng quốc tế cần tập trung quan tâm tới biến đổi khí hậu trên Cao nguyên Tây Tạng: khối băng tuyết đang tan rã, nạn phá rừng, và ô nhiễm nguồn nước do những dự án khai thác hầm mỏ, là những vấn đề cấp thiết, không thể chờ đợi."[nguồn: Wikileaks Cables, the Guardian 10 Aug. 2009]

Bắc Kinh xác nhận là sẽ xây thêm các con đập thuỷ điện lớn trên thượng nguồn sông Yarlung Tsangpo – Brahmaputra, trước khi con sông xuyên quốc gia ấy chảy sang Ấn Độ, Bhutan và Bangladesh. Brahmaputra là dòng sông huyết mạch của ba quốc gia này.  

Khi các công trình hoàn tất, tổng công suất / total capacity của những con đập thủy điện trên Cao nguyên Tây Tạng sẽ “nhiều lần lớn hơn” công suất con đập Tam Hiệp (Three Gorges Dam): 22.500 megawatts, lớn nhất thế giới trên sông Dương Tử.

Hình 2: Bích chương của Hội Phụ nữ Tây Tạng:Hâm Nóng Toàn Cầu trên Cao nguyên Tây Tạng; Nếu Tây Tạng khô hạn, Châu Á chết. [3]

Cho dù đang có những mối lo âu về sự tồn vong của quê hương Tây Tạng nhưng Đức Dalai Lama rất quan tâm tới những vấn đề chung của nhân loại. Ông nói tới vấn đề môi sinh rất sớm với tầm nhìn xa và trong mối tương quan toàn cầu và “phải làm sao giữ xanh hành tinh này, qua thông điệp nhân Ngày Môi Sinh Thế Giới / World Environment Day [ngày 05.06.1986]:

“Hòa bình và sự sống trên trái đất đang bị đe dọa bởi những hoạt động của con người thiếu quan tâm tới những giá trị nhân bản. Hủy hoại thiên nhiên và các nguồn tài nguyên thiên nhiên là do hậu quả của lòng tham lam và thiếu tôn kính đối với sự sống trên hành tinh này... Chúng ta dễ dàng tha thứ cho những gì đã xảy ra trong quá khứ do bởi u minh. Nhưng ngày nay do hiểu biết hơn, chúng ta phải duyệt xét lại với tiêu chuẩn đạo đức là phần gia tài nào mà chúng ta thừa hưởng, phần nào chúng ta có trách nhiệm sẽ truyền lại cho thế hệ mai sau."[3]

SÔNG CỜ ĐỎ / HỒNG KỲ HÀ 红旗河 
MỘT KHỦNG LONG CỦA BẮC KINH

Từ mấy thập niên qua, ai cũng đã biết Trung Quốc đã và đang xây thêmhàng trăm đập thủy điện trên khắp các dòng sông với những hồ chứa nước khổng lồ, ngăn chặn phù sa làm đảo lộn toàn hệ sinh thái, tác động đến sinh kế của bao nhiêu triệucư dân dưới nguồn. 

Nay tiến thêm một bước đột phá nữa, Trung Quốc đang có thêm một kế hoạch vĩ mô / mega project, vô cùng táo bạo – khai mở một con sông nhân tạo: Sông Cờ Đỏ / Red Flag River, lớn nhất thế giới xuyên lưu vực, kết nối với mạng lưới sông thiên nhiên của Châu Á, nhằm chuyển nước về hướng Bắc củng cố nền an ninh nguồn nước – cũng là nguồn an ninh lương thực của Trung Quốc. Với dự án Sông Cờ Đỏ dài 6.180 km này, Trung Quốc hàng năm sẽ giành thêm được 60 tỉ mét khối nước – có nghĩa là các quốc gia khác sẽ mất đi lượng nước sinh hoạt thiết yếu này.

Không tham khảo với các quốc gia láng giềng,có thể nói Trung Quốc với hơn 1.4 tỉ dân đã đơn phương khai mào một trận chiếnmôi sinh không tiếng súng và sẽ gieo hoạ cho 1,6 tỉ người thuộc các dân tộc lân bang chung sống với họ trên lục địa Châu Á.

Sông Cờ Đỏ có tham vọng chuyển 60 tỉ mét khối nước hàng năm tương đương với 21% lượng nước đầu nguồn hàng năm tại ba con sông xuyên quốc gia / transnational rivers: Mekong, Salween và Brahmaputra. Lượng nước quý giá này chính là nguồn sống, sinh kế của các dân tộc Nam Á, và Đông Nam Á vẫn phải dựa vào số nước ấy sẽ được chuyển tới vùng Tân Cương – Xinjiang phía bắc và tây bắc Trung Quốc.

Dự án Sông Cờ Đỏ xuyên lưu vực này sẽ gây chấn động dư luận nơi các quốc gia lân bang – đặc biệt là Ấn Độ, quốc gia có dân số đông thứ hai chỉ sau Trung Quốc. 

Những nước dưới hạ nguồn sẽ phải rất quan tâm trước một viễn tượng có thể khó lường. Do Tây Tạng có nước chảy xuống là nhờ mưa và tuyết tan khi trời ấm, mức nước và lưu lượng sẽ cao nhất từ tháng hai cho đến tháng bảy, cho 70% tổng số nước cả năm, khi đó là thời gian tối ưu cho con Sông Cờ Đỏ dựa vào thế năng và động năng cao để chuyển dòng và chiếm đoạt nhiều nước nhất. Các nước hạ lưu cùng lúc đó lại đang vào mùa khô, vì thế sau khi Sông Cờ Đỏ hoạt động, hạn hán giáng xuống hạ lưu chắc chắn sẽ khắc nghiệt hơn nữa. Lúc đó họ chỉ còn biết dựa vào lòng tử tế của Trung Quốc, điều mà người Tây Tạng, Ngô Duy Nhĩ, Việt Nam đã từng được nếm trải. 

Vì thế Sông Cờ Đỏ của Trung Quốc đã tiềm tàng một mối đe doạ to lớn, gần như tội ác cho nhân loại – imminent threat to humanity. Trung Quốc đã tránh không ký bất cứ một hiệp ước hợp tác sông ngòi quốc tế nào, để họ không bị ràng buộc có thể đơn phương thực hiện những tham vọng của mình. Không một siêu cường nào trên thế giới ngạo mạn khai thác dòng nước bất chấp cuộc sống của bao nhiêu triệu cư dân hạ lưu như thế.  

Riêng Việt Nam thì sao?  Vẫn là sự im ắng “truyền thống” cho dù Sông Cờ Đỏ sẽ lấy nước sông Mekong từ ngay nơi đầu nguồn.

Trung Quốc “vĩ đại” theo nhiều ý nghĩa, thể hiện cho tinh thần Đại Hán ấy trong quá khứ đã có Vạn Lý Trường Thành, là một trong bảy kỳ quan của thế giới. Nay với tiến bộ khoa học kỹ thuật, Trung Quốc còn thực hiện thêm những công trình mới có tầm vóc thế giới: đập thuỷ điện Tam Hiệp trên sông Dương Tử lớn nhất thế giới, và nay Sông Cờ Đỏ sẽ là con sông nhân tạo chuyển dòng lấy nước cũng lớn nhất thế giới với chi phí tốn kém nhất thế giới. Đây là một đại công trình làm thay đổi cả diện mạo của lục địa Châu Á. Với sẵn nguồn nhân lực, với quyết tâm và có khả năng kỹ thuật cao, Bắc Kinh có thể dư sức thực hiện Dự án Sông Cờ Đỏ này. Nhưng với cái giá nào phải trả của các quốc gia lân bang thì không được Bắc Kinh quan tâm tới.

Hình 3a: Sông Cờ Đỏ với Dự án chuyển nước vĩ mô “tam tung, tứ hoành / ba dọc, bốn ngang”; (a) đường đen mỏng: các dòng sông lớn; (b) đường đen đậm: Sông Cờ Đỏ và hai nhánh chính nối với các con sông thiên nhiên trong dự án chuyển nước nối lưu vực nam-bắc của Trung Quốc; (c) đường đen đậm đứt quãng gần: đường dẫn nước nam-bắc trong Dự án Chuyển Nước Nam-Bắc / SNWTP / South-North Water Transfer Project; (d) đường đen đậm đứt quãng xa: trong kế hoạch thực hiện. [nguồn: Bản đồ của Genevieve Donnellon-May và Mark Wang trên The Diplomat Oct. 7, 2021, với thêm ghi chú tiếng Việt của người viết] 


Hình 3b: GS Vương Hạo (Wang Hao), Chủ tịch Nhóm Chuyên gia trong cuộc Hội thoại về “Sông Cờ Đỏ” – một dự án vĩ đại của Trung Quốc – đã ngạo mạn phát biểu: “Ít nhất trên quy mô ngàn năm / thiên niên kỷ, Dự án Sông Cờ Đỏ sẽ đem lại những lợi ích vượt xa hơn là những tác hại.” 

LỊCH SỬ SÔNG CỜ ĐỎ VỚI “TAM TUNG TỨ HOÀNH”

Dự án này được soạn thảo bởi “nhóm nghiên cứu S4679” của Đại học Thanh Hoa / Tsinghua ở Bắc Kinh – được so sánh như một Harvard của Đông phương; do giáo sư Vương Hạo / Wang Hao là kỹ sư trưởng của Viện Nghiên Cứu Tài nguyên Nước và Thuỷ điện của Trung Quốc.

Sông Cờ Đỏ là một hệ thống thuỷ lợi với dòng chảy trọng lực / gravity flow water diversion system, lấy nước từ các con sông trên cao nguyên Tây Tạng [được mệnh danh là “nóc của thế giới” với độ cao trung bình 4.500 m trên mặt biển], dẫn vào một đường kênh chính / main channel đưa nước tới vùng Tân Cương / Xinjiang khô cằn – có khả năng “biến Tân Cương thành một California Made in China xanh tươi trù phú”, đồng thời cũng dùng con sông nhánh Chunfeng dẫn một lượng nước khổng lồ vào lưu vực Turpan tới vùng bắc Tân Cương. [Hình 3a,b] 

Công trình thuỷ lợi Sông Cờ Đỏ còn đem nước tới Tân Cương và các tỉnh phía tây bắc như Cam Túc / Gansu, Ninh Hạ / Ningxia. Các tỉnh này nếu có nguồn nước sẽ trở thành một vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất nước. Ước tính là lượng nước cung cấp cho các tỉnh tây bắc sẽ nhiều hơn lưu lượng nước hàng năm của con sông Hoàng Hà / Yellow River đổ ra biển. Dự án này sẽ tạo thêm được 13,3 triệu hectares diện tích canh tác ở Tân Cương và thêm 130.000 km2 các ốc đảo / oasis xanh tươi ở vùng tây bắc Trung Quốc. 

Ngoài những lợi ích về canh nông kể trên, Sông Cờ Đỏ còn bảo đảm an toàn nguồn nước cho Trung Quốc. Với Kế hoạch Dự án Chuyển Nước Nam-Bắc / SNWTP / South-North Water Transfer Project, Trung Quốc tạo được một mạng lưới nước / water grid system có tên là “tam tung tứ hoành / 三纵四横 / ba dọc bốn ngang”:

Tam tung / sanzhong / ba dọc: là 3 tuyến dẫn nước từ nam lên bắc; 2 tuyến trung và đông đã hoàn thành, tuyến tây đang triển khai. Khi tuyến phía tây này hoàn tất, sẽ có 17 tỉ mét khối nước được chuyển từ thượng nguồn sông Dương Tử sang sông Hoàng Hà ngay từ trên cao nguyên Tây Tạng, có khả năng phục sinh con sông Hoàng (Hà) đang bị cạn kiệt.  

Tứ hoành / siheng / bốn ngang: là 4 dòng sông chảy từ tây sang đông là: Hoàng Hà (Yellow river), Hoài Hà (Huai river), Dương Tử (Yangtze river) và Hải Hà (Haihe river) 
Hệ thống “Tam Tung Tứ Hoành” này sẽ bảo đảm cung cấp nguồn nước cho thủ đô Bắc Kinh và các thị trấn lớn vùng bình nguyên phía bắc Trung Quốc. 

Ngoài ra, Sông Cờ Đỏ còn có thêm hai kênh sông Hồng Duyên / Hongyan Hà dẫn nước đến Diên An / Yan’an phía bắc tỉnh Thiểm Tây / Shaanxi, và sông Mạc Bắc / Mobei dẫn nước vào Nội Mông và cả Bắc Kinh. Cũng qua kênh sông Mạc Bắc, Sông Cờ Đỏ cung cấp nguồn nước cho vùng đồng bằng phía bắc Trung Quốc, và qua nhánh sông Hồng Duyên cung cấp nước cho lưu vực Tứ Xuyên / Sichuan Basin. [Hình 3a,b]

Đây là một bức tranh quy hoạch thuỷ lợi cực lớn –không chỉ tạo ra một hệ thống cấp nước mới cho vùng tây bắc Trung Quốc mà còn kết nối với hệ thống mạng lưới nước quốc gia để có "bảo đảm kép" về mặt chiến lược cung cấp nguồn nước cho Bắc Kinh và vùng bắc Trung Quốc[1]

VẪN BIỆN HỘ CHO TRUNG QUỐC

Rồi ra, chúng ta sẽ không ngạc nhiên nếu vẫn có một số vị tiến sĩ hay trí thức khoa bảng trong và cả ngoài nước – sẽ hành xử như những luật sư tự nguyện bào chữa cho Bắc Kinh rằng: Đừng đổ lỗi cho Trung Quốc. Họ vẫn chỉ biết dựa vào một con số đơn giản, cho rằng chỉ có 16% số lưu lượng sông Mekong đổ xuống từ Trung Quốc. Và nay, Sông Cờ Đỏ có lấy thêm đi mấy phần trăm % của con số 16% ấy thì nạn hạn hán nếu có xảy ra cũng không phải lỗi Trung Quốc.

Thực tế vào mùa khô khi nước khan hiếm nhất, lượng nước từ Trung Quốc xuống Mekong lên tới 40% và 70%, gấp hai tới bốn lần hơn con số họ cố ý trích dẫn. [nguồn: https://www.lowyinstitute.org/the-interpreter/china-eyes-its-next-prize-mekong]

Và người ta vẫn có thể tự ru ngủ mà bảo rằng: tranh chấp nước “trên nguồn – dưới nguồn / upstream – downstream” bấy lâu vẫn là chuyện bình thường, ngay cả giữa các địa phương trong cùng một quốc gia. 

Có cần nhắc với họ không là năm 2016, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của Việt Nam đã phải lên tiếng cầu cứu xin Trung Quốc xả nước từ con đập Cảnh Hồng / Jinhong để cứu đại hạn nơi ĐBSCL lúc đó, và cuối cùng cũng không đạt hiệu quả nào! 


Hình 4: trên, Hạn hán khắc nghiệt nơi ĐBSCL năm 2016, khiến Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng lúc đó phải lên tiếng cầu cứu Trung Quốc cho xả nước từ hồ chứa đập thuỷ điện Cảnh Hồng nhưng không đạt hiệu quả nào; dưới, Cái bắt tay “hữu nghị” của Tập Cận Bình – lúc đó là Phó Chủ tịch TQ và TT  Nguyễn Tấn Dũng tháng 12/2011. [nguồn: trái, VN Express 3/11/2016] 

SÔNG CỜ ĐỎ VỚI TRÁI TIM BIỂN HỒ VÀ ĐBSCL

Tuy dự án Sông Cờ Đỏ S4678 không được công bố chính thức nhưng chắc chắn sẽ gây ra sự quan tâm rộng rãi. Cao nguyên Tây Tạng vốn được coi là một vùng sinh thái trù phú nhưng cũng rất mong manh và dễ bị tổn thương. 

Sông Cờ Đỏ chắc chắn làm giảm thêm nguồn nước của các con sông xuyên quốc gia – trong đó có sông Mekong. 

Rõ ràng, Sông Cờ Đỏ sẽ đem lại cho Trung Quốc một thứ “siêu quyền lực” bá chủ về nguồn nước  / hydro-hegemony trên toàn Châu Á, với “quyền sinh sát tắt mở vòi nước” theo ý mình – nhất là khi Bắc Kinh muốn cho các nước nhỏ “một bài học” – vẫn nói theo ngôn từ của Đặng Tiểu Bình. 

Ngoài nước lớn là Ấn Độ, có đủ sức đối trọng với Trung Quốc, hầu như chưa có các quốc gia hạ nguồn nào khác chính thức lên tiếng – Riêng với Uỷ Ban Mekong Việt Nam – 23 phố Hàng Tre Hà Nội, cách ĐBSCL hơn 1.600 km, thì vẫn là sự im lặng hay hoàn toàn bị động. 

Vẫn với một khuôn mẫu hành xử bấy lâu, chưa bao giờ Bắc Kinh muốn chia sẻ thông tin / hay muốn thực lòng tham khảo với các quốc gia hạ nguồn về dự án Sông Cờ Đỏ S4679, chắc chắn sẽ có ảnh hưởng huỷ hoại lâu dài đối các dòng sông xuyên quốc gia này. 

Theo ước tính của hai tác giả Genevieve Donnellon-May / Đại Học  Singapore và Mark Wang / Đại học Melbourne, thì Bắc Kinh có khả năng dùng “vũ khí nước” như một đòn ngoại giao bắt 25% dân số thế giới làm con tin / holding hostage. Khác với những hồ chứa đập thuỷ điện, vừa giữ nước vừa xả nước, Sông Cờ Đỏ là một chiến lược đổi dòng lấy nước – có nghĩa là 100% lượng nước này sẽ bị mất đi – không bao giờ được đền bù,  đối với các quốc gia hạ nguồn. [1]

_ Tình trạng “đói lũ” ở ĐBSCL đã xảy ra thường xuyên hơn trong những năm gần đây. Lũ – mùa nước nổi xuống ĐBSCL, phụ thuộc chính vào lượng nước mưa từ thượng nguồn sông Mekong. Nếu mưa ít ở lưu vực trên / upper basin, kéo theo nạn thiếu nước trong hàng trăm các hồ chứa thuỷ điện, thì khi tới mùa mưa nước sẽ bị chặn lại trong các hồ chứa – thay vì lượng nước mưa ấy ồ ạt theo dòng sông xuôi chảy xuống hạ lưu. Hậu quả là sông Mekong sẽ thiếu nước, gây tình trạng hạn hán trên toàn hệ thống sông rạch. 

_ Do đó sẽ rất ngây thơ để bảo rằng 16% lưu lượng nước từ Trung Quốc là không đáng kể, và cho rằng các hồ thuỷ điện không tiêu thụ nước. Nhưng khi các hồ thuỷ điện thiếu nước, phải cần thời gian lâu để tích trữ lại lượng nước thiếu vào chuỗi các hồ chứa, những hồ chứa đập thuỷ điện đã “phá vỡ cả một chu kỳ điều hợp thiên nhiên kỳ diệu” của con sông Mekong. Không còn lũ cao / hay đỉnh lũ trong mùa mưa để con sông Tonle Sap có thể chảy ngược dòng vào Biển Hồ, tăng diện tích Biển Hồ lên gấp 5 lần (từ 2.700 km2 mùa khô tới 16.000 km2 mùa mưa). Biển Hồ được ví như một biển dự trữ nước ngọt thiên nhiên khổng lồ tiếp nước cho cả hai vùng châu thổ Tonle Sap / Cam Bốt và ĐBSCL / Việt Nam trong cả hai mùa mưa nắng.  

Một con sông sinh thái / river ecosystem không đơn giản chỉ có nước mà phải là một dòng chảy bao gồm các sinh vật / biotic (như cây cỏ, rong tảo, sò ốc tôm cá), những vi sinh vật / microorganisms cùng với những vật thể phi sinh khác / abiotic (như cát sỏi phù sa), tất cả cùng tương tác với nhau như một cơ thể sống.   

Tác hại của chuỗi đập thủy điện và nay với thêm Con Sông Cờ Đỏ không chỉ cướp nguồn nước mà còn huỷ hoại hệ sinh thái của con sông: chặn nguồn phù sa trong các hồ chứa – mà phù sa là yếu tố bấy lâu bồi đắp tạo dựng nên vùng đồng bằng châu thổ từ hàng bao ngàn năm. Nay cũng nguồn nước ấy khi xuống tới ĐBSCL do “bị đói phù sa”, đã dẫn tới một tiến trình đảo nghịch: thay vì bồi đắp, thì nay lại “ăn đất” gây sạt lở không chỉ các bờ sông mà cả suốt chiều dài 800km vùng ven biển.  

_ Rồi còn phải kể tới nạn đất lún do lạm dụng khai thác tầng nước ngầm, cùng với ảnh hưởng của “biến đổi khí hậu” hâm nóng toàn cầu, nước biển dâng, với các hiện tượng El Niño và La Niña khiến các vùng châu thổ là dễ bị tổn thương nhất – trong đó có ĐBSCL, và tất cả đã làm đảo lộn mọi dự đoán về thời tiết thuỷ văn để có thể kịp thời đối phó! 

TRUNG QUỐC VẪN LỐI HÀNH XỬ CÔN ĐỒ

Tháng 2 năm 1972, khi TT Nixon viếng thăm Bắc Kinh, bắt tay với Mao Trạch Đông dọn đường cho một Trung Quốc mở cửa; rồi tiếp theo đó với chính sách “Đổi Mới” của Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng vươn lên như một siêu cường, theo cái nghĩa “nước lớn bá quyền”, và chính Đặng Tiểu Bình đã từng giáng cho Việt Nam một bài học bằng trận chiến tranh đẫm máu nơi biên giới phía bắc (1979). 

Và rồi như một chính sách nhất quán, Bắc Kinh đã có một lối hành xử rất côn đồ từ Biển Đông (với Hoàng Sa Trường Sa và với Đường Lưỡi Bò), vào tới đất liền chiếm đoạt nguồn nước, luôn luôn hăm doạ và bắt nạt các “tiểu quốc / nước bé”, bất chấp mọi trật tự và luật pháp quốc tế.

Bằng chứng là mới đây vào tháng 10/2021 Trung Quốc đã ngang nhiên từ chối ký một “hiệp ước chia sẻ nước / water sharing treaty” với các quốc gia hạ nguồn. [1]

Chia sẻ thông tin, chấp nhận đối thoại chân thành, điều mà các chuyên gia thuỷ học Trung Quốc có thể dễ dàng làm nhưng đối lại vẫn là sự vô cảm.  Không đối thoại, không có tham khảo, trên mọi dự án lớn liên quan tới toàn vùng, cho dù Bắc Kinh biết rằng cách hành xử ấy sẽ tạo nên những mối quan hệ căng thẳng nhưng họ vẫn bất chấp. Với Trung Quốc ngày nay, chỉ có một tiếng nói của sức mạnh. Cuộc đấu tranh để sinh tồn có thể dẫn tới cuộc chiến tranh vì nước ngay trong thế kỷ 21 này

NGÔ THẾ VINH 
Mekong Delta 1995 – 2022

 

THAM KHẢO:

  1. _ What’s Behind China’s Latest Mega Hydro-Engineering Project. Genevieve Donnellon-May, Mark Wang. The Diplomat Oct 07, 2021. 
    _ Red Flag River and China Downstream Neighbors. Genevieve Donnellon-May, Mark Wang. The Diplomat Oct 23, 2021.

  2. Đồng Bằng Sông Cửu Long và Những Bước Phát Triển Tự Huỷ Hoại. Ngô Thế Vinh. Việt Ecology Foundation May 01, 2018 vietecology.org/article/article/299

  3. Mùa Xuân Tây Tạng và Câu Chuyện Những Dòng Sông. Ngô Thế Vinh. Việt Ecology Foundation. Jan 20, 2017 vietecology.org/article/article/197

  4. Thoi Thóp Trái Tim Biển Hồ, Miền Tây Đau Thắt Ngực. Ngô Thế Vinh. Việt Ecology Foundation. Nov 7, 2015 vietecology.org/article/article/122