Showing posts with label Những mảnh nhớ. Show all posts
Showing posts with label Những mảnh nhớ. Show all posts

Người xưa ngày nay


Có lần đồng chí gái đưa mình tấm ảnh thời xưa, chụp một đám con trai con gái rồi chỉ một tên, nói tên ni khi xưa em thích hắn lắm. Nay hắn te tua, tóc rụng, răng rụng đủ trò. Công nhận chú bé trai mà đồng chí gái thích một thời rất khôi ngô tuấn tú hơn Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen. Có lần buồn đời, mình bò lên mạng tìm kiếm những người đã đi qua đời tôi, khiến mình thất kinh. Cô nào cô nấy ngày nay đều to béo. Buồn vào hồn không tên. Mình nghĩ họ mà thấy ảnh mình ngày nay chắc cũng thét lên như gặp Hải tặc. Nhìn lại thì mụ vợ mình còn OK tuy đã nữa đời hương phấn.

Có lần thằng con mình đi Việt Nam theo phái đoàn y tế giúp người nghèo tại Việt Nam. Sau mấy tuần, phái đoàn gửi cho mình một video. Hai vợ chồng bỏ lên máy truyền hình để xem hình ảnh thằng con. Thằng con đâu không thấy, thấy có một bà to béo, trưởng toán của thằng con, mình dụi mắt mấy lần, mở đi mở lại 2 lần để xem có đúng đôi mắt người xưa. Mình hỏi vợ bà này sao thấy quen quen. Mụ vợ như đợi thời cơ đã chín muồi, nói liền bà bồ anh ngày xưa chớ ai. 


Đồng chí gái có trí nhớ rất hay. Mình thì không nhớ nhưng mụ vợ thì nhớ hết dù xem hình ảnh mà mình còn giữ lại trong album mà cô nàng trao tặng. Như có lần đi ăn cưới, người ta giới thiệu một ca sĩ lên sân khấu. Mình nói với mụ vợ, bà này trông quen quen. Đồng chí vợ kêu bạn học anh chớ ai. Bà đi hỏi vợ cho anh, dặn đừng giới thiệu tôi là mẹ ông nhé. Chị bạn học chung khi xưa, lập gia đình rất sớm, mình gặp lại lần đầu khi đi thăm với đối tượng một thời. Cô nàng kêu bạn anh sao như bạn má em. Chán Mớ Đời 

Mình xem lại chú thích thì đúng tên họ của nha sĩ mình quen khi xưa, vừa tên mỹ vừa tên ta, thêm cái giọng một thời đã làm mình say đắm, bỏ âu châu sang Hoa Kỳ để se duyên Tần Tấn. Đồng chí gái thì vui lắm, cảm thấy ngày nay đẹp hơn đôi mắt người xưa của mình. Cứ xuýt xoa bà ta khi xưa đẹp mà răng bi chừ lạ rứa hè. Lạ hè. Mỗi câu lạ rứa hè càng xé nát tim tôi. Chán Mớ Đời 


Có lần gặp lại anh bạn người Hoà LAn, anh ta kể có gặp lại cô bạn người đức mình quen khi ở Thuỵ Sĩ, mình hỏi có con cái gì không, không dám tìm kiếm nữa vì phụ nữ đức nổi tiếng ăn Kartoffeln và uống bia thì sau một lần đi biển vượt cạn là to đùng. Cô ta lấy một người Thụy sĩ, có một cô con gái nhưng hai người ly dị vì anh chồng lớn tuổi hơn rất nhiều, nay về già bệnh đủ thứ nên cô ta không thể chăm sóc và đi làm cùng một lúc nên aus Wiedersehen.


Mình có kể gặp lại những bông hồng cũ nhưng ít cô nào bàn nói về gặp lại cố nhân như đồng chí vợ. Ông Vũ Thành An có rên rĩ về mối tình không thành của ông ta, giúp ông ta nổi tiếng, lượm được một mớ tiền với những bài hát không tên không tuổi nhưng khi gặp lại cố nhân bên mỹ, ông ta phải sửa lại ca từ của bài hát. Hiểu rằng con đường gốc nhân đã chọn quá đúng.

Thời gian rất tàn nhẫn không chừa ai cả, tuỳ theo cuộc sống và môi trường đã trải qua, sắc diện con người sẽ bị tàn phá nhanh hay chậm. Có gặp lại nhau thì phải chuẩn bị tinh thần để không bị sốc với thời gian. Nam hay nữ đều bị tàn phá. Khi gặp lại chúng ta chỉ nhìn người bạn học khi xưa để nối lại những kỷ niệm với nhau. 


Mình có anh bạn, bố mẹ cấm không cho lấy cô bạn gái vì không môn đăng hộ đối, đành hát ngày nhà em pháo nổ tâm hồn anh rướm máu. 19 năm sau, anh ta gặp lại cô bạn gái, cũng lỡ một chuyến đò như anh ta. Thế là xáp lá cà lại nhau. Từ Pháp chuyển qua Hoa Kỳ kết lại mối tình xưa. Cái kết khá đẹp. Anh ta và vợ hay ghé lại nhà hát hò với đồng chí gái và mấy người bạn yêu thích hát hò.


Còn nếu nhìn những người bạn cũ với cái nhìn của người soi mói hay để thoả mãn tự ái của mình thì khó. Có nhiều người kêu gặp lại con Ạ con B, khi xưa đẹp lắm mà nay thì Chán Mớ Đời. Với tâm tư như vậy thì không nên gặp lại. Người bạn nào mình gặp lại cũng mừng là chưa qua đời, còn khổ hay sướng thì không thể so sánh được. Vì mỗi người có một cái nghiệp, một cây thánh giá để tự vác lên đồi Calgary.


Cậu bé khi xưa trong ban Tuổi Thơ, với mụ vợ nay đã lão thành. Mụ vợ cũng thay đổi, mình phải dang hai tay nối vòng tay lớn mới ôm được kẻ nội thù. Mình thì bị lão hoá theo năm tháng, làm người chồng nhân dân rồi làm nông dân ưu tú. Mình thấy nhiều người bạn, nhuộm tóc để cảm thấy mình trẻ, bẻ sừng trâu làm nghé. Còn mấy bà thì cố gắng níu kéo chừng nào hay chừng nấy.

Nông dân Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Trên Netflix, có chương trình kể về bệnh nhân của hai ông bác sĩ thẩm mỹ tại Newport Beach. Kinh hoàng. Mấy bà muốn làm cô bé lọ lem, vô đây sửa tới sửa lui đủ trò, xem thấy kinh hoàng vì họ muốn đẹp thêm, bơm ngực bơm mông, hay vá cái âm hộ như trong cuốn sách Godfather kể. Họ quên là sửa sắc đẹp lại, bơm mông bơm ngực thì khi lên thiên đàng, máy rà digital của thánh Phao Lồ sẽ không nhận ra và bị đày xuống địa ngục. 


Cũng có mấy tên tốn tiền vào đây để làm đẹp, để trở thành Chử Đồng Tử phò mả, tốn biết bao nhiều tiền. Nói chung nam nữ ai cũng bị lão hoá, chỉ có vấn đề là chúng ta có chấp nhận, thích nghi với sự thay đổi hàng ngày để vui sống tốt những năm tháng còn lại của đời người. Gặp lại bạn bè xưa, nếu họ chấp nhận mình thì gặp còn không thì thế giới này thiếu gì Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen .


Mình có gặp lại đối tượng một thời tại Việt Nam khi thăm viếng gia đình. Được cái là cô nàng không bị thời gian phá nát tim tôi. Vẫn đẹp như ngày nào. Khi xưa đẹp gái nay đẹp lão. Còn một cô được xem là xinh khi xưa, thấy hình ảnh ngày nay trên mái ấm trường Văn Học thì cũng không muốn đi tìm lá Diêu Bông. Xong om

Mấy bà quen khi xưa không nhận ra mình khi gặp lại Sơn đen. 


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen. 

Nguyễn Hoàng Sơn 




Vòng tay đàn bà

 

Hôm nay vào vườn xem xét tình hình sau khi đi chơi mệt thở về. Ngồi nghỉ mệt, uống nước. Bổng mình chợt nhớ đến thời đi cua mụ vợ. Mình từ Los Angeles chạy gần hai tiếng mới xuống đến Bolsa vì kẹt xe, dạo ấy xa lộ 405 còn nhỏ không được nới rộng như bây giờ dù vẫn kẹt xe.


Mới bước vô nhà đồng chí gái, mẹ cô nàng hỏi ăn bún riêu hỉ. Nói đồng chí gái làm cho mình một tô. Cô nàng nhìn mình với đôi mắt đầy triều mến sau một tuần xa cách. Kêu mình ngồi xuống bàn, rót cho mình ly nước. Mình hỏi có cần mình phụ không. Cô nàng kêu không ngồi im đó. Cô ta hỏi ăn hành không, muốn thêm ớt, mắm ruốc chi đó thêm không. Sau đó mang đến cho mình một cái chậu bún với một đĩa rau muống thái nhỏ. Mình ăn tô bún riêu ngon lành đầy ắp tình yêu chan chứa của mụ vợ, phảng phất mùi mắm tôm, chuẩn bị nấu nồi bún riêu từ hôm qua.


Mình quen nhiều cô trước khi phát hiện ra mối tình hữu nghị sông liền sông núi liền núi của đồng chí gái nhưng chỉ có đồng chí gái là người đầu tiên, nấu bún riêu, mời mình ăn còn mấy bà kia thì cứ kêu đưa nhau ra tiệm ăn nào mấy bà thích ăn. Ăn hoài bún riêu nên mình ghiền và muốn thường nhật hoá các bữa cơm hàng ngày với đồng chí gái và đăng ký để đồng chí gái quản lý đời mình. Cưới vợ nhờ tô bún riêu.

Đi cua gái như đi xem nhà kiểu mẫu. Khi chúng ta đi xem mấy căn nhà kiểu mẫu, thấy người ta Staging, trình bày, thiết kế nội thất căn nhà quá đẹp đến khi mua, dọn vô ở thì căn nhà trống rỗng. Lấy vợ về mới khám phá ra mụ vợ không biết nấu ăn lại không thích học nấu ăn. Mụ chỉ biết nấu bún riêu. Đi tuần trăng mật về, mụ vợ đề nghị ăn cơm tháng. Thấy cũng có lý. Đi làm về, mở cửa lấy mấy cái gà men vào, bắt nồi cơm rồi ăn, rửa chén bát, gà mèn xong, bỏ ra trước cửa, xong là lên giường, tập nhu đạo với đồng chí vợ. Dạo đó chưa có tiền mua đài truyền hình, chưa có xã hội mạng.


Vấn đề ăn cơm tháng thì sau 1 tháng là ói. Món nào món nấy xào đi xào lại. Cuối cùng thì chịu hết nổi thì đi mua cơm chỉ. Đi làm về, chạy ra bolsa mua thức ăn nấu sẵn, mình chỉ tới chỉ lui, món này món nọ đem về, nấu nồi cơm là xong. Chạy đi đón vợ ở trạm xe buýt, từ Los Angeles về ở đường Valley View, ngay ngõ ra của xa lộ 22. Cuối cùng thì cũng chán mớ đời nên mình đi chợ mua đồ về nấu vì mình thích ăn cơm ý và tây nhiều hơn cơm Việt.


Thế là bao nhiêu cuộc họp mặt thân hữu mình đành ra tay làm đầu bếp. Có con cũng nấu cơm cho con ăn đến nay. Dạo ở New York, mình được hội phật tử Connecticut, nhờ vẽ cái chùa cho hội, có quen vợ chồng em ông tướng Ngô Du, bà vợ có viết một cuốn sách dạy nấu ăn Việt Nam nên được tặng cuốn sách với chữ ký, trở thành cuốn kim chỉ nam cho cuộc chung sống lứa đôi. Sau này, có một người chị dâu tặng mình một cuốn sách dạy nấu ăn Việt Nam dày gấp 2 lần cuốn tự điển của ông Đào Duy Anh. Kinh 


Khi lên vườn cuốc đất thì vợ nhắn tin, khi về ghé tiệm mua cái này mua cái kia để nấu cho mụ ăn vì thèm. Về đến nhà, thấy mụ vợ ngồi chít chát trên mạng rồi cười há há. Không chào mình, chỉ hỏi hôm nay nấu món gì. Tuy đói và mệt, mình phải lăn vào bếp nấu ăn. Nếu em nói chưa ăn thì thật ra em đang đói bụng, còn em nói ăn rồi là em đang lai chim.


Ngồi nhìn lại thì không hiểu lý do nào mà mình hay bị đàn bà dụ khị, rồi lọt bẩy trong vòng tay ấm của mụ vợ. Khi xưa, mấy cô đầm quen thì chả cô nào biết nấu ăn, chỉ có độc nhất cô bạn người đức tên Klaudia, quen khi đi làm ở Thuỵ Sĩ là có nấu cho mình ăn Steak au poivre, món mình thích nhất từ dạo ấy.


Nhìn xung quanh bạn bè tên nào cũng được vợ cưng chìu nấu ăn hàng ngày mà bọn chúng còn có cái tính mất dậy là giận hờn không thèm ăn, khiến vợ chúng năn nỉ còn mình thì lại vào bếp nấu ăn. Có vợ tên bạn từ Đà Lạt kể hắn làm reo cả tuần, đình công không chịu ăn cơm chị ta nấu. Một chị bạn khác kêu tên chồng không chịu, chị ta phải thổ, khóc lên khóc xuống, hắn mới há mồm cho chị ta đút. Kinh


Cho thấy vợ chồng là duyên nợ nhưng phải xem ai nợ ai. Thứ 7 vừa rồi, đồng chí gái tổ chức hát hò, có anh bạn bác sĩ nhưng bị tai biến, miệng nói lưng bưng nhưng cầm micro hát Anh còn nợ em rất đỉnh, may là chim anh ta chưa về núi Nhạn. Chị vợ ngồi tâm sự thấy cũng tội. Chồng bị tai biến, nay ở nhà mọi việc chị ta phải gánh hết như thể cho em gánh chồng một lần, cả đời chồng đã gánh em biển trời. Ngày xưa chồng gánh à ơi. Kêu có thằng cháu làm xây dựng, lừa một đống tiền, bỏ nhà tanh banh chạy. Ông chồng bị tai biến nay nhờ mình giới thiệu thợ để làm cho xong cái bếp nhà cửa. Mình cho điện thoại tên thợ của mình. Cho thấy về già nếu xui thì một trong hai người bị tai biến là mệt.


Cho thấy thủ thuật của Đàn bà kinh khiếp, vòng tay êm ái từ từ biến thành cái vòng kim cô mà tề thiên cũng không thoát. Có lẻ thượng đế sinh ra đàn bà để kiểm soát đàn ông.đàn bà là một cái chuồng vô hình như Georges Moustaki khi xưa hát: “Ma liberté! Je t’ai trahi pour une prison d’ amour et sa belle geôlière” tằng tằng tăng tăng tặng tằng. Khi chưa có vợ thì như con cá ngoài lờ lúc lắc muốn vô mà khi đã vô rồi thì không ra lại được như cá trong lờ lờ đờ muốn ra. May là mụ vợ không thích bài anh còn nợ em, nếu không chắc mình khóc một dòng sông quá. 

Nói cho đúng, vợ không biết nấu ăn nhiều khi là một may mắn cho người chồng khi về già. Mấy ông mình quen mà có bụng bự, to béo, đa số có vợ thích nấu ăn. Mỗi lần gặp nhau, mình hỏi mấy ông kỳ này đồng chí vợ nấu món gì. Mặt mấy ông xụ xuống, ông thì kêu bún bò, ông thì kêu xôi hạt sen,.. hỏi bà vợ nấu thử mấy lần. Có lần ông bạn kêu 3 tuần nay, ngày nào tụi cũng ăn món này nên oải quá rồi. Nhìn là muốn ói mà mụ vợ cứ bắt ăn cho hết cái nồi, sợ bỏ mang tội. Mấy bà muốn học nấu món mới nên nấu thử khiến ông chồng thành cobaye, ăn thử. Chồng trở thành cái thùng nước gạo để vợ tập nấu ăn mấy món trên YouTube. Ngon thì ngưng còn chưa đạt thì bà vợ nấu tiếp nồi khác.


Hình như chỉ có phụ nữ tàu và việt mới có trò nấu ăn cho chồng như bổn phận. Bên tây, thế hệ trước, đa số phụ nữ không đi làm nên phần nấu ăn thì các bà vợ ở nhà nấu ăn đi chợ. Thế hệ mình thì chồng vợ đều đi cày nên nấu ăn đều phụ nhau. Thường thì có một người nấu ngon hơn nên từ từ sẽ thủ lãnh. Đa số mình thấy mấy tên bạn mình nấu. Thời sinh viên mỗi lần họp mặt thì mình làm chả giò, pâté impérial còn mấy tên bạn thì cứ làm mấy món tây. Mấy cô đầm thì rửa chén đĩa.


Mình đang chuẩn bị tinh thần và tập luyện để năm tới leo Annapurna, tương tự như Everest Base Camp nhưng ít người đi hơn. Đi hành hương bên Tây Ban Nha, El Camino vào tháng 5 nên đang tập mụ vợ leo núi. Nếu mụ leo lên hết mấy ngọn núi xung quanh vùng này thì chắc mụ vợ sẽ leo lên đỉnh Annapurna được. Cũng như đi viếng vùng Patagonia ở Nam Mỹ mà hồi đầu năm có đến thăm viếng nhưng không leo núi. Đợi kỳ sau.

Mình tập với mụ vợ leo lại các đỉnh núi trước khi leo Saltankay -Inca Trail, Kilimanjaro vào năm ngoái. Đỉnh núi đầu tiên là Baden Powell, điểm bất ngờ là mụ vợ leo lên được. Chỉ khi đi xuống là mụ rên chân tay đau quá. Mình dặn mua đôi giày rộng hơn một tí nhưng mụ không nghe. Lúc đi xuống đầu ngón chân tụt xuống mũi giày nên đau. Cá không ăn muối cá ươn, gái cãi lời chồng trăm đường đau chân. Tuần này thì không đi đâu. Mụ vợ kêu có bạn từ Việt Nam sang rồi có họp mặt chi đó, kêu anh ở nhà rửa chén đĩa. Xong om

Đồng chí gái trên biển một mình 

Tuần sau, có mấy chị bạn rủ đi leo núi gần đây cũng khá cao. Đa số mấy ông chồng không thích leo núi, cho rằng không bạo lực và được uống bia trước máy truyền hình. Hy vọng mụ vợ leo lên được. Mình thì đem nước và thức ăn cho mụ khi leo núi nên phải tập đem ba lô cho nặng. 


Lý do mấy ông chồng không thích đi theo mấy bà thì mình hiểu vì có lần đi đâu về, mình thấy mụ vợ và mấy bà ngồi vòng tròn, nến thắp khắp nơi còn đèn điện thì tắt. Không biết họ làm cái gì, có vẻ tâm linh, huyền bí, chắc đang gọi cô về để chỉ cách trị thằng chồng, cầu cơ chi đó trong khi mấy ông bạn mình họp mặt thì ngồi hàng dọc trên ghế Salon, trước mặt là một dãy lon bia, rồi nhảy lên đứng xuống la hét trước máy truyền hình. Mấy bà leo núi thì đi 5 bước lại đứng, kêu chụp hình, 1 mình rồi 2 mình rồi 3 mình rồi cả đám rồi buồn đời, thay áo dài cả thiên hạ nhận ra cô gái việt là Number One.


Vợ chồng mình hay đi bộ mỗi ngày trong xóm ở gần nhà, cuối tuần thì hay bò ra biển. Đi bộ với mụ vợ là phải nghe mụ thuyết pháp này nọ, cứ muốn điên người lên. Nhờ mình tập Đông Phương Hội nên khi đi mình chỉ ngậm miệng để tập thở khai thức. Nay mình khám phá ra bí mật đi leo núi thì mụ vợ không nói nhiều, càm ràm chi cả. Leo núi, mụ kêu để mụ đi trước vì sợ hít bụi phía sau mình. Lúc khởi đầu, mụ còn đứng lại kêu mình chụp hình, ỏng ẻo ba-xi-lô ba xi tú nhưng sau 1 tiếng đồng hồ thì mụ vợ tịnh khẩu, không thấy nói gì cả. Đi lên núi và xuống 6 tiếng đồng hồ, mụ vợ tịnh khẩu. Quá tuyệt. Leo núi giúp mụ vợ tịnh khẩu, không tạo khẩu nghiệp. Mình thì chú tâm vào hơi thở. Vợ chồng tịnh khẩu nên thấy hạnh phúc. Kinh


Bác nào muốn bác gái tịnh khẩu thì cứ đem lên núi là khoẻ đời. Cách tu hay nhất, chớ vô chùa mấy bà hay tạo khẩu nghiệp lắm. Vợ chồng chỉ lo thở và uống nước nên quên cãi nhau.


Dạo này mình rất vui khi tập luyện Thái Cực Quyền và Hồng Gia, thấy có nhiều điểm tiến bộ. Mài hơi thở giúp lực không bị ngắt đoạn. 16 năm tập luyện mới giác ngộ được vụ này, khí lực khá ổn hơn xưa. Khi Khoa chận tay mình lại thì không sợ nữa mà lực của mình dạo này thành một khối cứ từ từ đẩy anh chàng văng đi. Tâm mình bình ổn không lo ngại khi bị đối phương tấn công. Khi đồng chí gái nói không cảm thấy bị sốc óc như xưa. Mình rất mừng đã tập luyện từ 16 năm qua được cái tâm khí ngày nay. Khẩu khai khí tổn. Chúc các bác cuối tuần vui vẻ.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Chiếc áo lịch sử của cô đào Monroe

 

 Trong đệ nhị thế chiến, ông Ronald Reagan, sau này làm tổng thống Hoa Kỳ, gửi một nhiếp ảnh gia tên David Conover của không quân Hoa Kỳ đi chụp hình về các người phụ nữ trẻ đang đóng góp cho cuộc chiến, để in trên tuần báo Yank của quân đội Hoa Kỳ, cho chương trình tuyên truyền em gái hậu phương, hai đầu nổi nhớ….

Nhiếp ảnh gia có chụp ảnh một phụ nữ trẻ, 18 tuổi, Norma Jeane Dougherty, vợ của một người lính hải quân, làm việc mỗi tuần được $20 tại một xưởng sản xuất cho quốc phòng.


Hình chụp của cô vợ trẻ này không được chọn đăng trên tuần báo nhưng nhiếp ảnh viên, khuyến khích cô ta theo ngành người mẫu. Cô vợ trẻ này, nghe lời, nhuộm tóc vàng và lấy tên nghệ nhân cho có vẻ con cháu tổng thống Wilson Monroe vào tháng 2 năm 1955 mà ngày nay ai cũng biết: Marilyn Monroe. Tên thật cô đào này là Norma Jeane Mortenson.

Ai tò mò thì có thể thấy tấm ảnh bà Norma Jeane Dougherty (Marilyn Monroe) tại viện bảo tàng Museum of the American G.I. https://americangimuseum.org/

Cô đào khét tiếng không bao giờ biết cha ruột của mình vì bà mẹ có liên hệ với nhiều người đàn ông. Bà mẹ hay bị điên điên nên cô đào này, thời niên thiếu phải sống trong nhiều trại mồ côi. Để khỏi phải ở trong viện mồ côi, cô đào vào lúc 16 tuổi đã lập gia đình với ông James Dougherty, 21 tuổi năm 1942, lấy họ của chồng. Hóa ra thời đó người Mỹ cho mấy cô gái lấy chồng ở tuổi 16. Kiểu khi xưa, ở âu châu, con gái đến tuổi 15, là họ làm một lễ rất lớn để giới thiệu con gái đến thời cặp kê. Ai có con trai thì mại dô.

Lấy chồng đầu tiên, năm 16 tuổi. Không nhớ cô ta có bao nhiêu người chồng chính thức nhưng chắc có rất nhiều người tình trong đó có tổng thống JFK

Nghe nói cô đào này thích đọc sách, thư viện tại nhà có đến trên 400 cuốn sách. Người ta cho rằng tuổi thơ của cô này rất buồn, sinh sống trong các viện mồ côi, gây nhiều ảnh hưởng sau này về nghiện ngập, khủng hoảng tinh thần. Cô theo nghề làm người mẩu nhưng học thêm các lớp diễn viên tại Actors Studio ở New York. Cô ta lấy nhà biên kịch Arthur Miller và bạn của Truman Capote. Hình như có lấy một cầu thủ nổi tiếng banh chuỳ.

Sau này, cô ta có nhiều vấn đề về tâm thần như người mẹ và nghiện ngập đưa đến cái chết của chính mình.


Dạo còn đi học mình có quen một cô bạn học thiết kế thời trang. Có lần cô ta nhờ mình tìm tài liệu về các mẫu áo của tài tử Marilyn Monroe giúp cô ta làm bài tập. Vấn đề dạo ấy khó tìm tài liệu không như ngày nay cứ gút gờ là xong. Mình phải vào trung tâm văn hoá Pompidou để tìm sách báo, tài liệu về hình ảnh, áo quần của cô đào này. Rồi ngồi vẽ lại mấy mẩu áo mà cô ta bận trong phim nào hay ngoài đời, tô màu,…đưa cho cô bạn nộp cho thầy.
Hôm trước mình có thấy một tấm ảnh xưa có cô đào Marilyn Monroe, nhà thiết kế thời trang cho cô đào và một ông da đen trong một hộp đêm ở khu Watts mà sau này có vụ bạo loạn, đốt cháy cả khu vực. Chính phủ tống cổ người da đen về vùng San Bernardino khiến vùng này xuống cấp độ từ đó đến nay. Thành phố San Bernardino đang an bình, là nơi hai anh em họ MAcDonalds, mở tiệm ăn mang tên họ tại đây. Bổng nhiên chính phủ đem người da đen bị cháy nhà đủ loại đến gây lộn xộn. Thành phố này thuê xe buýt, trả tiền cho người da đen mấy chục để lên xe, chở về Los Angeles. Vài hôm sau thành phố Los Angeles lại cho tiền chở về đây. Khá vui. 


Kiểu ngày nay, dân giàu có khóc thương các người di dân, sống trong hoàn cảnh khó khăn nên ông thống đốc tiểu bang Florida, cho máy bay chở dân di dân lậu đến đảo của mấy người nầy, có nhà của vợ chồng tổng thống Obama. Lập tức có xe buýt tới chở mấy người này vào trại lính thay vì được mấy người này mở cửa, đưa họ vô nhà chung sống theo tinh thần lá lành đùm lá rách. Chán Mớ Đời 

Tấm ảnh này suýt chấm dứt sự nghiệp của cô đào. Vì ngồi với người da đen trong một hộp đêm tại Watts, Nam Cali. Thậm chí tổng thống Roosevelt không dám gặp Jesse Owens dù ông này đoạt 4 huy chương vàng tại thế vận hội Berlin 1936. Người ta tiếp đón ông này ở khách sạn nổi tiếng tại New York nhưng lại bắt ông ta đi vào cửa sau. Cho thấy sự tranh đấu cho quyền làm người, sự bình đẳng ở Hoa Kỳ rất lâu dài. Mấy năm gần đây, người Mỹ da trắng lo sợ một ngày không xa sẽ trở thành thiểu số nên phong trào da trắng siêu chủng lên khá mạnh.


Theo ghi chú của tấm ảnh thì công ty điện ảnh Fox muốn sa thải nhà thiết kế thời trang của cô đào, người ngồi chung bàn với ông da đen. Thay vì im miệng, hồn ai nấy giữ thì cô đào tuyên bố nếu sa thải ông William Travilla thì cô ta cũng nghỉ đóng phim cho công ty Fox luôn. Cuối cùng công ty Fox đành chiều cô ta. Cho thấy cá tính cô ta rất mạnh mẽ vào thời đó. Nghe kể có một ca sĩ da đen, cô ta kêu chủ hộp đêm mướn ca sĩ này thì cô ta sẽ đến trong 1 tuần giúp quảng cáo. Quên tên vì vụ này xẩy ra trước khi mình ra đời.

Chiếc áo nổi tiếng nhất của cô đào MArilyn Monroe trong phim Les Hommes preferent les blondes. Tây gọi phim như vậy. Sang Hoa Kỳ mình có dịp xem lại là Gentlemen prefer Blondes


Nên nhớ là thời gian ấy người ta cấm da trắng da đen ngồi chung với nhau dù trên xe buýt. Học sinh thì có trường riêng cho mỗi sắc tộc. Đến khi các người da đen xuống đường theo lời kêu gọi của ông mục sư Martin Luther King Jr., kêu gọi quyền dân sự (Civil Rights), đưa đến sự bãi bỏ chế độ cách biệt da trắng và da màu. Social distancing.

Hình như sau đó ông Travilla và bà Monroe có tư tình với nhau một thời gian ngắn. Nếu cô ta không được khám phá bởi nhiếp ảnh gia thì có lẻ cuộc đời cô ta có lẻ không sôi nổi, chết sớm.


Ông William Travilla đã thiết kế áo quần cho bà Monroe trong 2 phim trước nhưng cuốn phim Gentlemen prefer Blondes đã đưa cô đào này lên đài cao danh vọng điện ảnh và ông Travilla được nhiều tay giàu có kêu thiết kế thời trang cho vợ của họ. Phim màu lại thấy áo màu hồng quá nổi khiến sắc đẹp của cô đào này tăng cao.

Áo được thiết kế lúc đầu cho cô đào này nhưng vì xì căn đan vụ hình khoả thân, chụp năm 1949 nên phải đổi áo, quay lại. Mình có xem một phim tài liệu kể về mấy tấm ảnh này. Ông Heffner người sáng lập ra báo Playboy, kiếm mượn tiền khắp nơi để mua cho bằng được mấy tấm ảnh khoả thân của cô đào này để in trên báo Playboy số 1. Và từ đó, đàn ông ai cũng muốn mua báo Playboy để xem ảnh khoả thân của phụ nữ và làm giàu cho chủ Playboy. Có lẻ vì vậy mà ông chủ này mua miếng đất trong nghĩa trang bên cạnh của cô đào này để khi chết được chôn bên cạnh

Lúc đầu ông Travilla thiết kế áo quần cho bà Monroe cũng như tài tử đóng chung phim Jane Russell, áo quần hơi hở hang kiểu các cô gái cowgirl nhưng đúng lúc đó tờ báo Playboy ra mắt số đầu tiên đăng hình cô đào này khoả thân khiến công ty Fox muốn cô ta cải chính nhưng cô ta kêu chụp hình năm 1949 vì nghèo đói, có gì đâu phải đính chính. Khiến dân tình, tò mò lại bò đi xem phim của cô nàng càng nhiều. Xem hình cô ta khoả thân nên giúp hãng phim hốt bạc vì kêu cô ta còn đẹp hơn trong ảnh.

Thiết kế gia Travilla vẽ nháp trước cái áo của cô đào này. Có chút thay đổi. Dân thiết kế thời trang phải vẽ trước khi đưa thiên hạ may cắt. Cô bạn mình vẽ không đẹp nên mỗi lần nộp bài đều nhờ mình hình dung các kiểu áo quần do cô ta thiết kế để vẽ cô ta bận áo quần như tấm ảnh trên


Do đó công ty điện ảnh ra lệnh ông Travilla vẽ lại áo quần, bớt khêu gợi. Mình nhớ xem phim này ở Cinematheque nhưng khi họ hát vừa múa thì chả hiểu gì cả vì bằng tiếng anh. Anh ngữ dạo ấy chưa nghe nổi. Và ông ta vẽ kiểu áo quá đẹp, nổi tiếng đến ngày nay. Ngày nay thì mấy cô chỉ cần cởi truồng, không bận đồ lót là báo chí chụp hình đủ nổi tiếng, không cần có tài.


https://www.youtube.com/watch?v=bfsnebJd-BI


Nói cho ngay mình không thấy cô này đẹp lắm so với mấy cô đào ý như Sophia Loren, Claudia Cardinale hay cô đào pháp Brigitte Bardot. Có coi vài phim do cô ta đóng. Có lẻ thời ấy, cái nhìn về sắc đẹp cũng như thời trang khác với ngày nay. Phải công nhận cái áo màu Hồng của cô ta quá đẹp giúp cô ta nổi bật.




Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 


A publicity shot from “Diamonds Are a Girl’s Best Friend."





Tình yêu hay sự ích kỷ

 Đi chơi mấy xứ hồi giáo mình thấy đồng chí gái than cho phụ nữ địa phương là phải che mặt chỉ còn đôi mắt để thấy đường, thậm chí nhiều nơi cũng làm lưới che luôn cặp mắt vì có nhiều nơi, phụ nữ có cặp mắt rất đẹp như tấm ảnh nổi tiếng được đăng trên tạp chí National Geographic, đến 20 năm sau, ông phó nhòm đi tìm để chụp lại hình ảnh cô gái năm xưa.

Khi mình đọc tự truyện của ông Gandhi, có đoạn nói về người vợ như sau: “Tham vọng của tôi là làm cho nàng sống một cuộc đời trong sạch, học những gì tôi học được, và đồng hóa đời nàng, tư tưởng nàng với đời sống và tư tưởng của tôi.”“ý nghĩ ấy khiến tôi hay ghen tuông, bổn phận của nàng dễ dàng biến thành quyền của tôi ép buộc sự trung thành nơi nàng và nếu sự trung thành đã bị ép buộc, thì tôi luôn luôn tự cho mình đúng” ; “Nếu tôi có quyền cấm này, thí há nàng không có quyền tương tự đối với tôi sao? Tất cả điều này ngày nay với tôi rất rõ rệt. Nhưng thời ấy tôi phải củng cố uy quyền của một đức lang quân” , giúp mình giác ngộ cách mạng về cách hành xử với đồng chí gái và từ đó thay đổi cách nhìn về người vợ. Vấn đề là đồng chí gái không suy nghĩ như vợ ông Gandhi.

Đọc cuốn sách này mình mới hiểu lý do ông Gandhi, khi xưa hay có một bà người anh đi theo làm phụ tá thay vì người vợ. Ông ta không muốn ích kỷ, bắt bà vợ phải theo ông ta học tập về cuộc tranh đấu độc lập cho dân tộc ông ta. Sau này, mình thấy bà Penelope Faulkner (Ỷ Lan) hay đi theo ông Võ Văn Ái để tranh đấu cho quyền làm người Việt Nam như bà thư ký người Anh quốc của ông Gandhi. Hình như ông Võ Văn Ái đã qua đời tại Pháp năm nay. Thấy trên trang Quê Mẹ, nay là con trai của ông ta tiếp tục con đường của ông ta.

Có lẻ mình quen với văn hoá Việt Nam từ bé dù học trường Tây, khi học việt văn, cứ nghe “trai tài 5 thể 7 thiếp, gái chính chuyên chỉ có một chồng”,… những câu ca dao, vè này đã cấy trong đầu mình những hạt mầm gia trưởng phong kiến. Khi sang Pháp, mình bị khựng vì thấy đầm hút thuốc như cái ống khói thêm uống rượu mà ở Việt Nam, mình chưa bao giờ hiển thị, khác với hình ảnh mình được dạy dỗ về mẫu người phụ nữ đảm đang, công dung ngôn. Mình cần một thời gian dài mới hoà nhập, loại bỏ tư tưởng phản động ấy đi, giao tiếp với đầm rất được Tây hoá.

Đến khi sang Hoa Kỳ, quen mấy cô gốc Việt thì mình không biết phải xử sự ra sao? Theo Mỹ hay theo mít đến khi lấy vợ thì mới bắt đầu hiện ra những mâu thuẫn. Vợ mình có một cái nhìn thằng “Dôn” phải như thế này thế kia còn mình thì nghĩ theo kiểu Việt Nam vì lấy vợ việt nên vợ chồng hay giận lẫy đến khi mình đọc cuốn tự truyện của ông Ghandi kể về cuộc đời ông ta, nhất là trang 22. Từ đó, đời sống vợ chồng bớt căng thẳng, vui vẻ mà mấy tên bạn mình kêu là thằng sợ vợ.


Khi được nhận vào đại học USC về môn thương mại thế giới, con gái mình nhắn tin; cảm ơn bố mẹ đã không bắt nó học y khoa như bạn gốc Á châu của nó khiến mình thấy lạ. Hỏi ra thì đa số bạn bè của con mình đều được bố mẹ thúc dục học y khoa hay nha khoa, tệ lắm thì dược khoa. Nói chung đa số người Việt đều thích con mình thành một “ sĩ” thời đại.


Mình thì ngược lại, con muốn làm gì thì cứ làm vì chúng có mục đích của chúng, không nên ép buộc chúng vì khi không thích thì sẽ không làm gì hay. Học y khoa mà không thích thì sẽ nhàm chán, làm ra tiền nhưng chỉ biết nuôi bệnh nhân kiếm tiền thay vì lao đầu vào nghiên cứu khoa học để cứu trị bệnh nhân. Chúng ta sẽ vô tình làm mất đi một thiên tài vì người Mỹ dạy con cái mình ở học đường; hãy đeo đuổi giấc mơ của bạn. Cũng có thể vì chúng ta có những mộng ước nhưng không có khả năng thực hiện được nên mượn con cái thực hiện dùm mình.

Mấy năm về trước, có một sinh viên giết mẹ anh ta vì bà ta cứ ép buộc anh ta theo học y khoa. Mình nghe kể có một anh kia đậu y khoa xong thì đưa cái bằng y sĩ cho bố mẹ rồi đi làm về ngành công nghệ mà anh ta yêu thích. Tốn tiền bạc học hành trong vòng 3, 5 năm. Có một gia đình quen, cấm cản cô con gái học về Mỹ thuật, bắt học y khoa nhưng cô con gái thuộc loại phản động nên nhất quyết học ngành mình yêu thích, không cần đến sự trợ giúp của cha mẹ, nay bà mẹ kêu không ngờ lương về Mỹ thuật cũng hơn ngành y khoa. Hôm ở Boston, có anh bạn kể cô con gái học Harvard mới 24 tuổi được Google trả $300,000/ năm.

Mình quen nhiều triệu Phú Mỹ mà người ta gọi “millionaire next door”, ra đường họ ăn bận bình thường, đi xe bình thường nhưng họ lại mua mấy trăm mẫu đất trên núi rồi tặng cho hội Lions quốc tế để cho con nít nhà nghèo lên đó chơi, nghỉ hè hay trượt tuyết. Họ không cần bận đồ xịn, đi xe láng cóng để tạo ra hình dáng thành đạt.


Vấn đề là cha mẹ thường lầm lẫn về tình thương. Họ cho rằng ép buộc con mình học theo ngành y khoa, nha khoa,…làm theo những gì mình nghĩ là tốt thì đó mới là yêu thương. Trong buổi lễ trao giải thưởng cho nữ sinh được bầu làm hoàng hậu của niên học, con gái mình được bầu làm ”Công Chúa” cùng 4 nữ sinh khác, nhờ học tập, sinh hoạt ở trường, không phải kiểu thi hoa hậu, vì mấy cô rất to béo. Có hai vợ chồng gốc việt, có con gái học chung lớp với con mình và rất giỏi, đoạt huy chương, bằng khen về Science Fair. Mình chỉ mong con mình học được 1/2 con gái ông ta là mừng, đây ông ta lên tiếng chửi con gái ngu vì muốn theo học khoa học thay vì y khoa. Ông ta viện lý do là làm kỹ sư như ông ta thì về già sẽ bị sa thải. Mình không biết ông ta ngu sinh ra con gái ngu, đứng đầu trường khi tốt nghiệp trung học. Cô con gái thấp thấp người, béo béo vì ăn quá, không chơi thể thao trong khi con gái mình thì mỗi ngày đều bơi 2 tiếng đồng hồ. Khi xưa, nếu biết mình sẽ trở lại làm nghề nông dân thì khỏi đi học, mất công tốn thời gian.


Hồi nhỏ, nghe người lớn kêu “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”, mỗi lần có khách đến nhà vì tính hay hóng chuyện người lớn của mình, lâu lâu mình nghe cái gì không ổn thì hỏi là bị chửi, mi ăn cơm hớt hay răng, thậm chí bị ăn tát khi đặt những câu hỏi mà người lớn không trả lời được.


Ông cụ mình gốc Sơn Tây nên có dạo ông Nguyễn Cao kỳ lên làm thủ tướng hay chi đó, ông cụ nổi hứng kêu là NCK khi xưa học chung với cụ. Mình cảm thấy hãnh diện vì có bố là bạn học của ông chủ tịch ủy  ban hành pháp trung ương, thấy ngoài khu Hoà Bình, có treo biểu ngữ, chính phủ Nguyễn Cao Kỳ là chính phủ của người dân,…


Ra chợ, mình ghé hàng bà Phúng, tiệm Hiệp Thạnh, đường Duy Tân, khoe là bố cháu là bạn học ông Kỳ. Bà Phúng nói, mi về kêu ba mi nói Nguyễn Cao Kỳ cho bạn học cũ một tạ gạo. Thấy có lý, mình về nhà nói ông cụ, bị ông cụ tán cho mấy bạt tai nhớ đời. Từ đó hết dám khoe Nguyễn Cao kỳ là bạn học bố tao. Lớn lên mình nhất quyết sẽ không bao giờ thấy người sang bắt quàng làm họ.

Văn hoá việt với tư duy cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, phát khởi từ văn hoá tre làng, bị ảnh hưởng của nho giáo. Lý do là khi xưa, khái niệm là một người làm quan cả họ được nhờ, tương tự một người làm phản, cả họ bị tru di Tam tộc. Do đó người trưởng gia đình, trưởng tộc cần phải chăm sóc và bắt buộc con cháu nghe lời mình vì lạng quạng cả họ bị tru di Tam tộc như trường hợp Nguyễn Trãi hay Cao Bá Quát. Mình có quen một bác, là người con trai duy nhất của dòng họ sống sót nhờ có người che chở, đổi tên họ nuôi ở xa mới thoát cảnh bị tru di Tam tộc.


Với những quyền huynh thế phụ đủ trò, đưa đến sự áp đặt quan niệm hạnh phúc, là lý do chính đáng cho sự cường quyền trong gia đình. Mình về quê, gặp mấy ông chú họ, kêu bố mày mất, bọn tao thay thế bố mày để dạy mày,… nghe đến đây là chim dế mình bổng biến mất, mặt xanh như đít nhái. Bỏ chạy khỏi làng như ông cụ mình khi xưa bị du kích bao vây nhà để giết vì không theo họ.


Cha mẹ người Việt kêu là yêu thương con cái nên bắt chúng nghe lời, học y khoa, nha khoa,.., giúp họ tự trấn an mình, mình làm vậy vì yêu thương thật lòng như câu tục ngữ khi xưa học “thương cho roi cho vọt ghét cho ngọt cho Bùi”. Ngày xưa, mình bị ông cụ khệnh lên khệnh xuống rồi được nghe câu này, khiến mình chỉ mong ông cụ ghét mình thôi.


Cha mẹ ép buộc con cái theo ý nguyện của mình không được thì phang ngay là “Đồ con bất Hiếu”, thiếu đạo Đức cách mạng, theo bạn xấu. Như ông Gandhi tự thuật, tự hỏi lòng yêu thương vợ hay lòng ích kỷ. Có lẻ những cha mẹ khi xưa vì thời cuộc hay khả năng không học được y khoa,..nên ngày nay bao nhiêu mộng ước của họ đều trút lên đầu con cái của mình, để con họ thực hiện dùm cho mình.

Dạo trước, mỗi lần đi đâu vợ chồng hay cãi nhau. Lý do là mình cứ thấy bộ đồ nào gần nhất trong tủ áo là lấy bận trong khi vợ mình thì có hình ảnh hai vợ chồng bận áo quần cho hợp màu mè. Cuối cùng là mụ vợ ủi quần áo sẵn cho mình, mình về là cứ bận vào cho hợp ý mụ vợ. Tư duy mình là tư duy nông dân nên rất bình dị, chả cần bận áo quần gì cho sang. Có bộ đồ vía, mua từ khi sang Hoa Kỳ đến giờ, 38 năm vẫn bận đi ăn tiệc, có chết thằng Tây nào đâu. Nông dân thì bận đồ smoking, tuxedo vẫn không dấu được cái cốt bần cố nông. 


Từ từ mình bớt ích kỷ nữa, cứ bận áo quần mà vợ thích cho khoẻ, khỏi tranh cãi nhức đầu. Trong vũ trụ, đời sống thường nhật, chúng ta tương tác với nhiều người, đi với bụt bận áo cà sa, đi với ma bận áo giấy nên cứ bận áo quần mà mụ vợ thích là khoẻ.


Vợ mình thuộc loại hoa khôi của Trưng Vương một thời, xúi quẩy lấy một tên da đen, xấu trai, bần cố nông nên khi ra đường như hai thái cực lưỡng nghi. Do đó nhiều khi mình cần lên đồ do vợ muốn để vợ mình bớt xấu hổ với bạn bè, lấy thằng xấu giai lại đen. Chán Mớ Đời 

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn