Kế mẫu là thiên thần

Hôm nay, trong cuộc họp toastmasters, có một bà Mỹ kể về người mẹ kế khá cảm động. Trong hai phút ngắn ngủi, bà ta đã vẽ người kế mẫu như một thiên thần. Mình có nhiệm vụ tải hình ảnh của hội lên facebook nên phải tải về trang cá nhân mình trước khi chia sẻ với trang của hội khiến có nhiều người hỏi mình hội này là gì.


Trong cuộc sống hàng ngày, người Mỹ phải nói chuyện trước đám đông vì công việc như trình bày dự án trước khách hàng hay đám đông hay tư nhân như đám cưới, chúc mừng trong các buổi họp mặt. Nhiều người đứng trước đám đông, đầu óc đi đâu mất, run rẩy không nói được chữ nào. Do đó họ cần những môi trường để thực tập nói chuyện trước công chúng. Tương tự có mấy ông cha giảng kinh thánh hay mấy ông sư giảng về phật pháp được phật tử ưa thích, ngược lại có nhiều người giảng thì giáo dân không cảm lắm và ít đi lễ của sư hay cố đạo.


Mỗi lần đi dự các buổi lễ của cộng đồng người Việt là mệt mỏi vì mấy ông mấy bà lên đọc diễn văn lâu dài, lập đi lập lại như mấy bà dạy chồng. Phải ngồi nghe và chỉ mong cho họ chấm dứt sớm để nhà hàng đem đồ ăn ra. Tương tự các buổi tiệc cưới.


Hội toastmasters do tư nhân thành lập, người Mỹ gia nhập hội toại thành phố của mình, để tập nói trước công chúng. Sợ nói chuyện trước công chúng là điều xẩy ra cho 99% người Mỹ. Đi làm mà phải lên phát biểu hay trình bày dự án,… khiến người Mỹ rất lo sợ. Do đó họ gia nhập hội này để học cách nói chuyện trước công chúng. Ngắn gọn, truyền đạt ý tưởng nhanh. Cái này là khó nhất trong ngành truyền thông. Mình chả bao giờ nói chuyện trước công chúng nhưng gia nhập để học hỏi thêm để đối chọi với đồng chí gái. Mình chỉ nói ngắn gọn trong 15 giây, rồi ngồi nghe đồng chí gái nói cả ngày. Mình rủ mụ vợ đi học cách nói ở hội này nhưng mụ không chịu, chỉ muốn tra tấn mình, bắt ngồi nghe đến khi mụ nói bữa thôi. Chán Mớ Đời 

Bà ta cho biết khi lên 9 tuổi thì bà mẹ qua đời. Ông bố không mất thời gian, sáu tháng sau, lại đăng ký kết hôn với bà mẹ kế. Hôm trước ghé thăm cặp vợ chồng Việt, chị vợ kêu tui làm giấy tờ để tiền bạc lại cho con vì tui chết trước, là ổng đi lấy vợ khác liền. Mình hỏi chị làm A, B trust hay A, B, C trust thì chị ta ngọng, nói không biết chỉ làm thôi. Mình kêu chị phải đổi qua ABC trust thì A là của chồng, B là của vợ, C là của con cái. Chị chết trước thì phần B của chị sẽ được chuyển qua phần C con cái, ảnh không rờ được. Khổ, chết rồi mà vẫn ghen thì làm sao siêu thoát.

Đàn bà lạ, hành hạ người chồng biết bao nhiêu năm khiến đàn ông chết sớm trước mấy bà vợ mà cứ sợ chết rồi chồng đi lấy vợ khác. Mình chết thì ai lo cho chồng, thôi để con khác nó gánh nợ dùm, cũng không muốn người khác lãnh nợ dùm mình. Chồng già là đủ bệnh, phải có người chăm sóc thuốc men. Chán Mớ Đời 


Khi trẻ, lấy nhau thì ít có đến 30 năm đấu tranh từng ngày, còn lấy ông chồng U70 thì chỉ có thay tả, cho uống thuốc mỗi ngày. Không có phụ nữ nào ngu dại, hoạ chăng ông chồng giàu nức vách.


Người thân kể lại thời gian sau khi mẹ qua đời thì bà ta bị trầm cảm, chán đời ít tiếp chuyện với ai. Từ từ bà mẹ kế đã giúp bà ta tin tưởng vào bà mẹ kế, và cố gắng thoát khỏi vòng càn khôn của bóng tối. Bà ta gọi người kế mẫu là thiên thần.


Mình nhớ sau khi xem phim “Les Valses dans l’ombre” ở rạp Ngọc Lan, ai nấy đều kêu được một bà mẹ chồng như trong phim như vậy là hạnh phúc cả đời. Nghĩa là mẹ chồng ở Việt Nam không được tốt?

Nghe bà Mỹ kể về kế mẫu nên mình tự hỏi lý do người Việt tại Việt Nam, rất khắc khe với con chồng, nàng dâu. Văn hoá người Việt có gì không ổn. Ở âu châu, Hoa Kỳ mình thấy 50% người Mỹ ly dị, hàng năm gia đình hội họp vào dịp lễ Tạ Ơn, con anh con em con chúng ta đề huề, họp mặt chung rồi đường ai nấy đi. Chỉ cãi vã khi chia gia tài. Nếu bố mẹ nghèo thì không có vấn đề này.


Mình hay nghe ở Việt Nam con hai dòng khó cảm thông. Ở mỹ mình thấy con anh con em đề huề. Mình có thằng cháu, khi con gái của bà kế mẫu chuyển bụng là kêu nó chở đi nhà thương, học Lamaze đủ trò. Lý do anh chồng bác sĩ đang làm nội trú ở tiểu bang xa. Thậm chí bố nó đã qua đời nhưng vẫn liên lạc với kế mẫu người Việt. Cho thấy tinh thần người Mỹ gốc Việt khác với văn hoá Việt Nam. Một người Mỹ gốc việt sống tại Hoa Kỳ không có cái nhìn như người Việt tại Việt Nam.


Mình nghĩ vấn đề là văn hoá tại Việt Nam. Hôm trước khi lên máy bay, có cô cháu, sinh viên ở Sàigòn, gọi điện thoại để gặp cậu Sơn và bà ngoại vì hôm trước bận thi nên không đi ăn chung với mấy người cháu khác học tại Sàigòn. Cô cháu đi với một anh bạn trai. Mình hỏi anh chàng thì được biết quê ở Bến Tre, thành đồng cách mạng, quê hương đồng khởi. Mình nói anh bạn trai, phải điều nghiên nhân thích trích dọc trích ngang cho kỷ. Lý do là ông ngoại của cô cháu là phản động, ở tù 15 năm. Sau này muốn làm giàu cần có đảng tịch mà lấy cháu phản động là chấm hết. Nghe mình nói, anh ta tái mặt, rồi nói nhỏ, chắc cháu không vào đảng. Mình nói chắc không, mình biết một người phấn đấu vô đảng cả chục năm nhưng không được vì lấy vợ con phản động, ngụy quân ngụy quyền.


Con nít ở Việt Nam bị nhồi sọ bởi những chuyện cổ tích điển hình như Tấm Cám nên khi lớn lên là có thành kiến mẹ ghẻ con chồng hay trọng bạn hơn vợ nhà qua câu chuyện Lưu Bình Dương Lễ….

Người ngoại quốc có câu chuyện Cendrillon hay Cinderella và các bản sao khác được xào nấu tuỳ văn hoá mỗi nước. Nói về câu chuyện kế mẫu và anh chị em cùng cha khác mẹ. Có lẻ khi xưa mấy ông học trường Tây, được tây đầm dạy về câu chuyện này, rồi dịch sang việt ngữ, thêm mắm muối cho đúng hương vị người Việt như Pot au feu thành Phở. Bựa thêm chi tiết giết chị hay giết em để làm mắm gửi cho kế mẫu xơi. Kinh


Từ từ với ảnh hưởng học từ bé qua mấy chuyện cổ tích Tấm Cám,… đứa bé lớn lên thấy ai hơn mình, may mắn hơn mình là đem lòng đố kỵ, tìm cách hãm hại, thay vì cố gắng noi gương theo họ. Hay bố mẹ có thêm người phối ngẫu là cành nanh, ganh tỵ nhau thay vì đùm bọc lẫn nhau.


Mình mua sách truyện cổ tích Việt Nam, maze in Việt Nam, đọc cho con gái bằng tiếng Việt rồi dịch ra anh ngữ truyện tấm cám Việt Nam khiến con gái mình kêu sao chị em với nhau mà tàn bạo, đối xử gian ác. Từ đó mình bỏ vụ đọc truyền cổ tích từ sách Việt Nam cho con. 


Mình có mua truyện Thuỷ Hử, Tam Quốc Chí bằng tiếng anh cho thằng con đọc. Nó thích Tam Quốc CHÍ nhưng kêu Thuỷ Hử hơi quái lạ vì cứ gặp nhau, chẳng biết đầu đuôi ra sao, mấy tên tàu cứ chửi nhau con bà mầy rồi nhảy vào đánh giết nhau. Kêu bạo lực không có lý do, nên mình cũng ngưng mua sách tàu như Kim Dung, bằng tiếng anh cho con đọc để cha con có thể nói chuyện về Tào Tháo, nói chung cho con nó biết chút gì về văn hoá đông phương.


Trở lại vấn đề mẹ ghẻ con chồng. Tại sao người Việt chúng ta xem như một định lý mẹ ghẻ phải ghét bỏ con chồng. Bà ta ghen với bà vợ trước đã chết, bắt con chồng làm việc nặng nhọc. Vấn đề là từ bé mà bị bắt  làm việc nhà thì lớn lên dễ thành công vì tháo vát hơn con cháu cứ ăn rồi đọc truyện, chơi bời. Có kinh nghiệm làm việc từ bé nên không mất thời gian như những đứa bé được cha mẹ nuông chìu, hy sinh đời bố củng cố đời con. Cứ để chúng học , học , học mãi như Lê-nín nói là hỏng. Làm làm làm, càng làm càng có kinh nghiệm còn sách vở chỉ là lý thuyết.


Mình đặt câu hỏi khi con gái kêu chuyện Tấm Cám Việt Nam quá gian ác. Giết chị, giết em rồi làm mắm gửi cho mẹ kế ăn. Khi xưa, đọc mấy truyện này, mình thấy bình thường. Có lẻ ở trong môi trường văn hoá việt mà hàng ngày cứ thấy hình ảnh Việt Cộng pháo kích dân làng như trường họp ở Cai Lậy. Họ canh đúng giờ ra chơi để nả vài viên hoả tiễn cho chết nhiều để khủng bố, không được cho con cháu theo học trường của mỹ ngụy.


Nay ở Hoa Kỳ, con gái được sinh tại đây nên xem như là người Mỹ, có chút chút văn hoá người Việt do cha mẹ truyền cho tại nhà, còn ra đường thì xử sự như người Mỹ với các bạn gốc á đông.


Con mình kể khi học Cinderella ở trường, cô giáo kêu bài học qua câu chuyện là phải tuyệt đối đúng giờ, tôn trọng thời gian vì nếu không sẽ có nhiều vấn đề xẩy ra như Cinderella vội vã rời nơi khiêu vũ nên mất chiếc giày, thương yêu loại vật….


Trong khi chuyện Tấm Cám, phiên bản của chúng ta là phải hại người chị hay người em cùng có máu huyết của bố, để được thành công, lấy được vua, giàu sang phú quý. Muốn giàu sang phải giết người dù người ấy là chị hay em mình. 


Người Mỹ dạy thương yêu loài vật còn người Việt dạy giết chim khi chim kêu lấy chồng tao. Trong khi ấy có những câu ca dao, kêu rằng bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy cùng khác giống nhưng chung một dàn. Sau 75, các binh lính miền nam được lệnh đầu hàng, Hà Nội lại bắt họ đi cải tạo, thay vì chung vai xây dựng lại những gì đổ vỡ trong cuộc chiến uỷ nhiệm. Đánh cho mỹ, cho Liên Xô và Trung Cộng để người mình chết.


Tại sao chúng ta có thể dạy con nít phải trả thù, người quân tử đợi 10 năm để trả thù,…thay vì cố gắng quên hận thù vì hận thù chỉ nuôi dưỡng hận thù. Tại sao chúng ta không viết những sách dạy yêu thương đồng loại, anh chị em con chung, con riêng đều thương nhau. Mình nhớ có đọc hồi nhỏ mấy cuốn sách Tâm hỒn cao thượng, của Edmond de Amicis do thầy cô kêu mua để đọc hay trong sách giáo khoa cũng có những câu chuyện nói về tình người. Sau này qua Ý Đại Lợi làm việc, mình có đọc lại cuốn này. 

Người bạn thân mới qua đời để lại nhiều tiếc thương

Tuần vừa rồi một người bạn lâu năm mới qua đời. Một người mình rất kinh nể. Có lần anh ta nói “mày và Lâm còn có gì để theo đuổi, có gia đình, con cái, muốn tậu căn nhà, tài sản, còn tao thì chả có gì để ước mơ cả, ngoại trừ làm kẻ thừa sai, bề trên kêu đi đâu thì đi đó để phụng sự giáo dân”.


Tuần rồi mình đi tang lễ một người bạn Mỹ quen, đúng hơn là tiệc mừng bà ta về đất chúa. Bà ta rất thành công về tài sản nhưng về gia đình thì không. Ly dị hai lần, có hai đứa con nhưng không nói chuyện với cô con gái từ lâu, có cháu ngoại cháu nội nhưng lễ mừng của bà ta, chỉ có một cô cháu nội tham dự và người con trai. Con gái và cháu ngoại chỉ lãnh gia tài từ xa.

Người bạn qua đời, rất giàu có, chỉ có người con trai và cô cháu nội về làm lễ, in những hình ảnh ảnh vá víu, cắm lên tường một cách vội vã như trả ơn gia tài để lại.

Trước khi bà ta qua đời mấy ngày, mình có gọi điện thoại, hỏi có muốn đi ăn mừng sinh nhật hay không. Lý do là suốt 20 năm trời, mình ăn sáng mỗi thứ 6 với bà và mấy người có nhà cho thuê. Bà ta quên mình, không nhớ là ai nên gọi cho thằng con. Thằng con trai kể là bà ta đuổi hắn ra khỏi nhà khi về thăm bà. Hắn ở bên Pháp. Con gái và cháu ngoại không về, chỉ lấy tiền của bà ta để lại. 


May bà ta có quen một nhóm thi sĩ nên họ đến để đọc thơ của họ. Lần đầu tiên mình ngồi trong một căn phòng có 20 thi sĩ, mỗi người đứng dậy đọc bài thơ của họ để mình vỗ tay dù chả hiểu gì cả. Sau đó họ tặng mình sách in các bài thơ của họ. Kinh.


Ngược lại anh bạn linh mục mới qua đời thì mình nhận tin và điện thư khắp nơi trên thế giới. Có người nói vị linh mục đã thay đổi đời họ và những người bạn của họ. Cuối tuần rồi, Anh bạn có ghé nhà vào lúc 9:20 tối, sau khi dự đám tang ai ở Quận Cam. Anh bạn ăn quýt vườn của mình và đem về hai thùng bơ vườn nhưng chắc chưa ăn đã qua đời.


Anh bạn linh mục qua đời để lại nhiều thương tiếc trong giáo dân lẫn người lương như mình. Còn bà bạn Mỹ qua đời, chỉ có mấy thi sĩ đến ăn và đọc thơ của họ còn con cháu không có mặt. Cô cháu nội kể là không có thời gian để quen bà ta vì ở tiểu bang khác khi cha mẹ ly dị.


Hai người bạn lâu năm qua đời, một người giàu sang nhưng sống trong cô quạnh, còn người không có gia sản ngoài tình thương yêu đồng loại nhưng lại được giáo dân quý mến, thay đổi đời của nhiều người. Giúp tỵ nạn khi xưa, nay giúp các em bị sức môi, bệnh tim, xe lăn,…. Mỗi tháng làm 63 cái tang lễ, tiễn người chết về đất Chúa, lại được mọi người nhắc đến và tiếc thương.


Hồi nhỏ nghe cải lương mỗi ngày trên đài Sàigòn tuồng Lưu Bình Dương Lễ. Hàng xóm có bà người nam, mê cải lương nên ngày nào cũng mở đài Sàigòn nghe cải lương nên mình nghe ké. Câu chuyện nói về hai anh bạn thân, một anh đậu còn anh kia rớt. Buồn đời, anh chàng làm quan mới kêu bà vợ tên Châu Long thì phải, đến nhà người bạn thi rớt, tình nguyện làm ô sin, đi buôn bán để giúp bạn của mình thi đậu. Hồi nhỏ, mình thấy hay hay kêu tên bạn rất có tình huynh đệ, hảo hớn,…


Về Việt Nam thấy các quán nhậu, đàn ông xúm nhau vô vô thì mình đoán, con trai ở Việt Nam được dạy dỗ câu chuyện tàu Lưu Bình Dương Lễ nên quý bạn hơn quý vợ. Đi làm ra là chạy đi nhậu với bạn bè, bỏ mặc vợ con ở nhà đợi cơm. Khác với người Mỹ, đi làm ra kẹt xe, cũng phải tranh thủ về nhà sớm để ăn cơm với vợ con. Nói cho ngay, phụ nữ Việt Nam nói dai nên nhiều khi đàn ông trốn ở quán nhậu đến say mới về.


Anh kêu vợ anh đi làm ô sin nuôi thằng bạn ăn học. Hóa ra anh xem người vợ là ô sin, là xưởng đẻ nối dòng cho anh. Muốn thay đổi cách sinh hoạt đàn ông Việt Nam, cần phải dạy từ bé những chuyện con trai phải chăm sóc gia đình, yêu thương vợ con,… thì lớn lên họ mới không đi nhậu. Quên mất lời người xưa nói: “nhịn thuốc mua trâu nhịn trầu mua ruộng”. Ngày nay có thể đổi Nhịn thuốc mua xe, nhịn rượu mua nhà. Đi nhậu bia thì làm giàu cho Thái Lan, đan Mạch, về sau già bị chai gan, vợ con lại tốn tiền nhà thương rồi chết. Vợ con nghèo, mắc nợ cả đời Đến đời sau và cứ như vậy thì không bao giờ giàu cả.


Bạn bè thì chúng ta có quyền chọn lựa, còn anh em thì không. Lỡ gặp anh em cùng cha khác mẹ hay cùng mẹ khác cha, chúng ta nên quên các định kiến của người xưa để nhìn nhau như con người với nhau, như bạn bè thì mới tránh những định kiến, không hợp thời mẹ ghẻ con chồng, hay vợ là ô sin, phải làm dâu, đủ trò. Như vậy gia đạo mới yên vui, xã hội mới khá được. Chán Mớ Đời 


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 


Nguyễn Hoàng Sơn 





Biệt kích nhị trùng

Hồi nhỏ, mình hay sang nhà hàng xóm chơi, có anh trai đi biệt kích, nhảy toán. Mấy người em hay nghe nhạc và tin tức đài Mẹ Việt Nam, Gươm Thiêng Ái Quốc. Có lần trước rạp Ngọc Hiệp, mình thấy anh hàng xóm về phép Đà Lạt, bận đồ Việt Cộng, đeo Ak đi ngoài bến xe đò về khiến thiên hạ nhất là Tuần Cảnh, không dám chận hỏi. 


Mình không nhớ và hiểu nhiều về thời sự, chỉ nhớ lâu lâu đài để nhạc truy điệu rồi giọng cô xướng ngôn viên kêu “sinh Bắc tử Nam”, khiến mình rợn tóc gáy. Giọng cô xướng ngôn viên rất nhẹ nhàng, giọng Hà Nội nghe rất êm tai.


Tưởng tượng mấy ông bộ đội, nằm bắt võng ở đầu Trường Sơn, đêm đêm nghe nhạc truy điệu. Ai ngờ sau 75, mình mới biết có một ông chú ruột sinh Bắc tử nam. Không ai biết mộ ở đâu, được cái bằng khen Liệt Sĩ để trên bàn thờ. Sau 75, thì lại có chiêu “sinh Nam tử Bắc”. Các người đi tù cải tạo ở miền bắc rồi chết ở đó, vợ con không biết mồ chôn ở đâu.


Mỗi lần nghe bản nhạc của tướng Lê mInh Đảo và một người bạn khi ở tù. Những chiều buồn trên đất Bắc, có nhớ về nam con nhớ mẹ hiền,… khiến mình lại nghĩ đến ông cụ ở tù 15 năm, 40 năm xa mẹ.


Ngược lại, đài Hà Nội có chương trình bằng tiếng anh, phát thanh cho lính Mỹ nghe, kêu gọi đào ngủ. Bà Trịnh thị Ngọ tên Hannah Hà Nội. Trên YouTube có phát các thu băng của mấy chương trình này. Tâm lý chiến song song với súng nổ ngoài chiến trận rất quan trọng.

Bà Trịnh Thị Ngọ, biệt danh Hannah Hà Nội, xướng ngôn viên trên đài Hà Nội bằng anh ngữ, kêu gọi lính Mỹ đào ngủ. Cô xướng ngôn viên của đài Gươm Thiêng Ái Quốc nghe nói chết trên đường vượt biển.


Đọc báo và sách của Hà Nội thì được biết nhiều bộ đội vào nam, đêm có nghe lén đài miền nam tương tự người miền nam nghe đài Hà Nội. Mấy người miền Bắc khen nhạc miền nam quá hay mà ngày nay người miền Bắc vẫn mê nhạc bolero xưa của miền nam. Có một ông đi tù 10 năm vì nghe nhạc miền nam. Sau khi ra tù thì khắp Hà Nội nghe nhạc vàng khiến ông ta chới với.


Trên đường Thi Sách, Dũng Đầu Bò, người Nùng, có mấy người anh đi Biệt Kích, lái xe jeep Mỹ, lâu lâu thấy về nhà, đeo súng khác với lính thường khiến mình cũng tò mò hỏi Dũng Đầu Bò nhưng hắn không trả lời. Nghe nói ở Đà Lạt, có anh chàng nào tên Sơn Beatles, đi Lôi Hổ bị bắt ở tù, sau 75, mới được thả về. Nói chung hồi nhỏ mình nghe nhiều huyền thoại về lính biệt kích, Lôi Hổ,.. Sau này nghe họ nói chuyện thì được biết họ không phải những người thấy trong xi nê. Họ chỉ lén lén núp quan sát rồi trốn về báo cáo. Chớ không như Rambo, chạy ra đánh lộn, bẻ tay bẻ cẳng đối phương.


Lâu rồi, mình có đọc cuốn Thép Đen, của ông Đặng Chí Bình (bút danh), mật danh là Athena. Một người gốc Bắc, di cư vào nam, được huấn luyện, rồi đổ bộ vào miền Bắc, trên vĩ tuyến 17, lén về Hà Nội để liên lạc với những phần tử chống đối chế độ. Sau khi đưa thư cho ông linh mục trong nhà thờ ở Hà Nội thì phát hiện ra bị công an theo dõi. Cuối cùng ông bị bắt và kể gặp trong tù những toán hay nhân vật gốc Bắc, được miền nam huấn luyện gửi ra Bắc hoạt động, đều bị Hà Nội bắt hoặc giết hết. 


Người chỉ huy các chuyến bay thả dù biệt kích là ông Nguyễn Cao Kỳ, từng lái máy bay chở các toán biệt kích nhảy Bắc. Kể ra phải phục ông này gan dạ vì máy bay cũ, bay thấp để tránh radar dễ bị bắn rơi. Hình như có ông phi công tên Phan Thanh Vân bị bắn rơi tại Bắc Việt, sau đó được người nhà ở Pháp bảo lãnh sang. Hình như đêm đó, ông Kỳ có nhiệm vụ lái chiếc máy bay định mệnh nhưng không hiểu vì lý do nào, bận nên ông Vân lái thế và bị bắn rơi. Xem như mạng ông Kỳ lớn. Hà Nội kêu là “giặc lái”. Chán Mớ Đời 


Sau này, ông Đặng Chí Bình khám phá ra ông cha ở nhà thờ là công an chìm của Hà Nội. Ai vào xưng tội, có tư tưởng phản động là đi tù. Thậm chí những người huấn luyện ông ta là người của Hà Nội, cài đặt vào chính quyền miền nam. Cho thấy tình báo Hà Nội rất mạnh tương tự các chính quyền cộng sản khác như Liên Xô, Cuba,…đã cài người vào Hoa Kỳ, Anh quốc, Đức quốc, Pháp quốc,… ngược lại họ khám phá ra các tay gián điệp của Mỹ rất nhanh khi xét lịch trình nhân viên của bộ ngoại giao Hoa Kỳ. Thi cử, ăn ở rất nghiêm trong khi nhân viên CIA mang sổ thông hành ngoại giao thì hành vi khác.


Có lần FBI phá vỡ hệ thống gián điệp của Cuba tại Hoa Kỳ. Chính quyền Castro, cho những gián điệp, được huấn luyện rồi vượt tuyến đến Hoa Kỳ, bằng tàu hay máy bay bà già rồi len lỏi vào các tổ chức chống cộng tại Miami,… Các tổ chức chống Cộng này, muốn biểu dương thanh thế nên mời các người vượt tuyến tham gia các hội nghị, tổ chức. Mấy tay trùm gián điệp này dụ dỗ người Mỹ gốc Cuba chống cộng về Cuba đánh phá, làm kháng chiến,…rồi bị bắt khi đặt chân lên Cuba, khiến Hoa Kỳ mất mặt. Ai hô hào chống cộng rất hăng say, cần phải cẩn thận, nhiều khi họ là người của Hà Nội, đóng kịch để lôi kéo người chống cộng...


Sau này, được giải mã là người chỉ huy, điều hành các toán biệt kích là người của Hà Nội. Trước khi lên đường, Hà Nội đã được tin địa điểm nhảy toán sẽ được thả xuống. Gần đây, thấy báo Hà Nội có đăng mấy vụ này nên tò mò mình đọc trên mấy tờ báo AN Ninh Thế Giới,…

Phạm Chuyên, bí danh là Ares, người đầu tiên được gửi ra Bắc. Bị bắt, làm nhị trùng giúp Hà Nội xỏ mũi CIA suốt 10 năm trời từ 1961-1970. Sau chiến tranh được Hà Nội vinh danh, tặng 2 huy chương 

Trong Thép Đen có nói đến một nhân vật có mật danh là Ares, người đầu tiên được cài đặt trở lại vùng Quảng Ninh, liên lạc vô tuyến về Phi Luật Tân, thay vì Sàigòn, đã bị Hà Nội bắt và tương kế tựu kế, Hà Nội cứ để ông này lâu lâu gửi tin tức, kêu gọi tiếp tế để Hà Nội dùng. Sàigòn và người Mỹ cứ tin tưởng là ông này vẫn còn hoạt động tự do. Ares là mật danh của ông Phạm Chuyên, được Hà Nội vinh danh, tặng 2 cái huy chương, kháng chiến hạng nhất, và Vì An Ninh Tổ Quốc, nhờ làm nhị trùng, lừa CIA và Việt Nam Cộng Hoà.

Hình ảnh chụp Pham CHuyên đang ngồi đánh truyền tin cho CIA tại Phi Luật Tân như ở phòng thâu. CIA bị lừa từ 1961-1970
Bản thảo để gửi cho CIA ở Phi Luật Tân

Dạo ấy các toán nhảy biệt kích đều do CIA lựa chọn và huấn luyện với sự cộng tác của Nha Kỹ Thuật, Việt Nam Cộng Hoà như trong đệ nhị thế chiến tổ chức OSS liên lạc với nhóm đấu tranh của ông Hồ, để đánh quân đội của thiên hoàng. Mấy người này hoạt động với tình báo Mỹ khi xưa trong thế chiến thứ 2, có ông William Colby, sau này làm đến chức cao nhất của CIA và chết mờ ám, chống Nhật Bản nên rành 6 câu về điệp báo của Mỹ. Ông Hồ sử dụng hình ảnh chụp với biệt kích của Mỹ để tuyên truyền, lấy điểm. Xem như tổ chức của ông được Hoa Kỳ ủng hộ. Trên thực tế, dạo ấy Liên Xô là đồng minh với Hoa Kỳ, chống trả Đức quốc Xã và Nhật Bản nên có giúp đỡ các tổ chức đấu tranh tại Việt Nam trong thời gian Nhật Bản chiếm đóng Đông-Dương.


Có một cuốn phim tài liệu kể về đời ông Colby, hình như do con trai thực hiện, có nói khá nhiều đến thời gian làm việc tại Sàigòn. Cuối cùng ông ta chết khi đi tàu ra khơi một mình. Không ai đặt câu hỏi về cái chết ông này. Chắc biết nhiều chi tiết có hại cho những người khác làm chính trị. Xong om


Không hiểu tại sao CIA cứ tiếp tục gửi người ra Bắc dù bị bể. Nhất là các hoạt động phá hoại của họ qua các toán biệt kích Đài Loan tại Trung Cộng bị thất bại, không rút kinh nghiệm mà cứ tiếp tục tại Việt Nam. Có lẻ mạng người Việt quá rẻ nên họ không đoái hoài đến. Chỉ cần trả tiền tử là xong trong khi họ được xếp trên khen thưởng. Mình nghe nói là biệt kích lãnh tiền tử trước khi làm Kinh Kha sang Tần.


Miền Bắc là một cơ cấu làng-nối-làng vô cùng hiệu quả về an ninh, không có chỗ cho kẻ lạ mặt. Rất khó cho người lạ xâm nhập. Khác với miền nam, nằm vùng rất đông. Mình nhớ có tên học chung, ở trọ ngay ngã ba chùa. Lâu lâu, hắn dẫn mấy tên nào ở đâu ra, mặt mũi rất cô hồn, lớn tuổi hơn mình. Nay nghĩ lại có lẻ hắn nằm vùng, nhà ở Tùng Nghĩa, khai gian tuổi lên ở trọ Đà Lạt. Thậm chí có mấy bà ngoài chợ, hay trên khu Hoà Bình là nằm vùng cho Việt Cộng, được khen là Tư Sản yêu nước hay gì đó. Sau đó cũng cho con vượt biển.


Dạo mình đi thi tú tài thì họ có bắt đi khám sức khoẻ, để nộp đơn. Nữ sinh thì được miễn vụ này nên đoán họ dùng chiêu này để thanh lọc dân nằm vùng vì đa số bị bệnh sốt rét. Phụ nữ cũng nằm vùng rất nhiều. Có một chị người làm, từ Quảng Ngãi vào làm cho gia đình mình, sau bỏ trốn. Nghe nói vụ nổ ở rạp Ngọc Lan, đúng hơn là khách sạn Ngọc Lan, thủ phạm là một cô học Yersin cùng niên khoá với mình tên Nguyệt Thu, sau 75 mới được phong tặng anh hùng cách mạng gì đó. Mình có gia đình hàng xóm trên đường Thì Sách, có người con trai chết trong vụ này. Hôm nào có dịp mình hỏi chị hàng xóm về vụ này để biết thêm chi tiết.


Theo báo Hà Nội cho biết thì Ares, tên thật là Phạm Chuyên. Từng theo kháng chiến, làm công an, rồi bất mãn vì bị lên án hủ hoá, trốn qua Lào rồi được chính phủ miền nam đưa về Sàigòn sinh sống như các người vượt tuyến dạo đó nhưng được tình báo Sàigòn liên lạc và huấn luyện để trở về Bắc làm nội tuyến. Báo Hà Nội, cho biết 1 ông, có bí danh là François đã kết nạp và huấn luyện ông Chuyên. Theo mình đọc qua cuốn Thép Đen thì nhân vật François này là người của Hà Nội, được cài đặt vào chính quyền miền nam. Ông này biết Phạm Chuyên trốn qua Lào rồi vào nam, nay dụ trở về Bắc. Nếu đúng như mình đoán thì chuyên án được Hà Nội thiết kế quá đẹp. Hình như Ngô Quyền có cho một ông hàng tướng, làm khổ nhục kế rồi trốn qua đầu Tào Tháo trong vụ đánh trên sông Xích Bích. Chán Mớ Đời 


Có một cựu biệt kích Việt Nam Cộng Hoà tên Vũ đình Hiếu, có dịch cuốn sách của người Mỹ viết về cuộc chiến bí mật tại Việt Nam, để lên tiếng sự bỏ rơi của người Mỹ đối với các biệt kịch đã được họ huấn luyện, nhảy ra Bắc và bị bắt ở tù bao nhiêu năm. Hình như nhờ vậy mà có một số cựu biệt kích được Hoa Kỳ cho di dân qua Mỹ. Chỉ nhớ mại mại như vậy. Ai biết rõ thì cho mình thêm tin tức để bổ túc.


Theo mình nghĩ khi đọc báo Hà Nội thì có lẻ họ sử dụng cuốn sách của ông HIếu rồi xào nấu định hướng theo ý họ muốn. Rảnh mình sẽ mua cuốn sách của người Mỹ viết và cuốn dịch của ông Vũ Đình Hiếu để đối chiếu.


Hà Nội kêu đã bắt ông Phạm Chuyên, rồi thuyết phục ông ta làm nhị trùng vì ông ta thương bà mẹ, sẽ không bắt người nhà ở tù,… nhưng nếu ông François, người huấn luyện ông Đặng CHí Bình, chắc chắn được Hà Nội thông báo về ông Phạm Chuyên, được Hà Nội đưa vào nam, ông François, kết nạp, huấn luyện đưa về Bắc lại để chơi CIA.


Lâu rồi, có xem hình ông tướng miền nam nằm vùng cho Hà Nội, tên Hạnh thì phải, về già sống gần nghĩa địa, nghèo xác xơ, không được Hà Nội nhớ công ơn cách mạng, khi nằm vùng, nhận chỉ thị của Trần Văn Giàu trong khi ông Phạm Chuyên được Hà Nội trao tặng 2 huy chương và có nhà ở riêng ở quê. Mình đoán kịch bản do Hà Nội dựng lên từ đầu. Họ tạo dựng Phạm Chuyên hủ hoá, trốn qua LÀo. Việt Nam Cộng Hoà đem về Sàigòn, sau khi hỏi cung và được an ninh Sàigòn, người của Hà Nội, thuyết phục về bắc. Nhất là trở lại quê của ông ta, khi mọi chuyện của ông hủ hoá, đều được cả làng biết.


Mình biết một bác, bố của một người bạn, kể cùng ông bố vượt tuyến từ Nghệ an, qua Lào rồi được đưa về Sàigòn. Đoán là thời sau 1954, có nhiều người sống tại miền Bắc, khổ quá nên vượt tuyến qua Lào nên Hà Nội có thể cho ông Phạm Chuyên, vượt tuyến, tạo ra những tin tức như bất mãn, bị trù dập, hủ hóa để đánh lừa an ninh miền Nam và CIA. Chỉ cần đăng tin trên tờ báo nhân dân, là an ninh của Sàigòn đọc. Thêm ông Phan và ông François lại nằm vùng của Hà Nội. Xem như người của Hà Nội, huấn luyện người Hà Nội để đưa ra bắc lại.


Nhạc sĩ Duy Khánh có kể là ông ta làm bản nhạc Xin anh giữ trọn tình quê vào đêm cuối ở Lào, theo chân đoàn văn nghệ Việt Nam Cộng Hoà, hát cho kiều bào tại xứ Lào. Nghe nói dạo ấy vùng phi quân sự khó trốn lắm vì bãi mìn nên đa số người ở trên vùng vĩ tuyến 17, chạy qua Lào hết. Cộng đồng người Việt ở Lào khá đông.

Nhà của Phạm Tuyên ở đến khi qua đời lúc 91 tuổi.

Tháng 11/ 1963, ông Diệm bị lật đỗ, ông Lê Quang Tung chỉ huy trưởng về an ninh, lực lượng đặc biệt dưới thời ông Diệm đã bị giết nên bao nhiêu vấn đề an ninh đều bị thất lạc, phải xây dựng lại từ đầu và nằm vùng có thể xâm nhập.


Nếu mình không lầm trong cuốn Thép Đen, ông Đặng Chí BÌnh kể có nhân vật tên François, và ông Phan đã huấn luyện ông Thép Đen và được biết sau 75 thì ông François này là người của Hà Nội. Khi bị lấy cung, họ đưa hình chụp ông ta và ông François tại Sàigòn. Địa chỉ chỗ ăn ở trong thời gian huấn luyện. Cho nên khó mà khai láo được. Sau này hồ sơ mật được giải mã thì ông François, tên thật là trung uý Đỗ Văn Tiên. Xem như bao nhiều người được mấy ông này (miền Nam) huấn luyện, Hà Nội đều có hồ sơ của họ.


Ông Phạm Chuyên được đưa ra Bắc thành công nhưng cách kiểm soát của Hà Nội rất nghiêm ngặt, nhất là Sàigòn gửi thuyền khác với dân trong vùng thường dùng nên gây nghi ngờ và bị tóm. Ông Thép Đen cũng kể khi thả người ra Bắc, đưa cho họ thuốc lá của Trung Cộng mà dân ngoài đó không dùng.


Sau 1949, CIA cũng giúp Đài Loan thả biệt kích Đài Loan vào Trung Cộng để tìm cách phá hoại nhưng đều thất bại, cuối cùng bỏ các hoạt động này. Buồn đời, họ dùng mấy ông Đài Loan này, để huấn luyện các toán biệt kích Việt Nam Cộng Hoà, vẫn đưa đến thất bại. Lý do là hệ thống an ninh của các chế độ cộng sản rất nghiêm ngặt. Anh phải báo cáo các hành vi của hàng xóm để có gạo ăn nếu không sẽ bị cúp sổ gạo.


Trích báo Tiền Phong: “Kỳ I: Chiếc thuyền lạ trên bãi biển và cuộc truy lùng "người trở về"

1. Một buổi sáng đầu tháng 4/1961, cũng như bao buổi sáng khác, ông Ngột, một ngư dân ở thôn La Khê, xã Tiền An, huyện Yên Hưng, tỉnh Hồng Quảng (nay là Quảng Ninh) cùng một bạn chài từ trong làng ra bến thuyền để đi biển. Nhưng khi qua đầm Thùa (thôn La Khê), hai người bất ngờ thấy có một chiếc thuyền nan có kiểu dáng rất lạ, không giống như của ngư dân vùng Hồng Quảng đang sử dụng…”


Thí dụ trên cho thấy CIA làm việc rất bất cẩn. Dùng thuyền khác với thuyền mà người dân đánh cá trong vùng sử dụng. Trong suốt gần 1 thập kỷ, Hà Nội dắt mũi CIA để báo tin giả, và tin là người của họ được thả ra Bắc thành công. Phạm Chuyên được xem là người đầu tiên được CIA cài ra bắc và được Hà Nội sử dụng, để đưa tài liệu giả để CIA thả các toán biệt kích khác để tiếp tế cho ông này và bị lọt lưới hết. Nay đọc bài Hà Nội mới biết ông Phạm Chuyên bị bắt sau khi đổ bộ thành công bằng thuyền do miền Nam chế. Gây nghi ngờ cho dân trong làng, báo cho công an rồi công an biên phòng,…cho người xuống theo dõi, thân nhân rồi còng đầu và thu phục làm nhị trùng.


Sau đó, chỉ đạo cho ông ta gửi tin tức giả cho CIA từ năm 1961 đến 1970 khi Hà Nội chắc được mấy người nằm vùng cho biết, Sàigòn và Hoa Kỳ nghi ngờ nên mới kết thúc chuyên án này cũng như mấy toán biệt kích khác bị bắt. 


Cũng có thể khi Hoa Kỳ bắt đầu đi đêm với Hà Nội, trước khi hoà đàm ở Paris, Hà Nội yêu cầu Hoa Kỳ ngưng các cuộc ném bom và phá hoại tại miền bắc nên chương trình nhảy toán bị đình chỉ. Khó biết vì người Mỹ không muốn nhắc tới chiến tranh Việt Nam. Bao nhiều phim ảnh về chiến tranh, Hồ Ly Vọng đều nói về thế chiến thứ 2, Hoa Kỳ toàn thắng nhưng về Việt Nam, A Phú Hãn,….đều lơ vì người Mỹ không thích xem phim thua trận.


Sàigòn muốn hồi hương Ares và mấy toán bị Hà Nội bắt, tiếp tục gửi tin tức nhưng Hà Nội đều bảo họ thối thát, khó khăn, đợi thêm thời gian. Cuối cùng chấm dứt, đưa ra toà để công khai hoá, lên án Hoa Kỳ và Sàigòn cho người xâm nhập đánh phá miền bắc.

Thấy trên báo Hà Nội . Theo mình thì sự thật khác hơn là những gì họ viết.

Báo Hà Nội cho biết là con trai của nhà văn Nguyễn Công Hoan, chỉ huy vụ phản gián này trong vòng 10 năm để lừa CIA.


Nghe kể có đến 22 toán biệt kích được thả xuống Bắc Việt để hoạt động. Cứ trung bình 7 người cho một toán là 154 người rồi. Trong chiến dịch Bravo, một trung tá không quân Mỹ bị bắn rơi, người Mỹ bỏ ra không biết bao nhiều người và máy bay bị rơi để cứu ông này. Nhờ một biệt kích Việt Nam, dẫn một biệt kích người Mỹ đi thuyền vào khu vực đóng quân của Việt Cộng, cứu ông ta. Mình có kể vụ này rồi. 


Đọc tài liệu của Hà Nội, cho thấy đa số các cuộc đổ bộ biệt kích miền Nam, đa số nằm ở vùng trên vĩ tuyến 17 như Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hoá,.. tháng vừa rồi mình ghé Quảng Bình thì thấy rất nhiều nhà thờ công giáo. Hỏi ra thì được biết 90% dấn số vùng này là người công giáo. Sau vụ 1953, cải cách ruộng đất đã khiến dân của mấy vùng này chống đối. 


Năm 1954, có trên 1 triệu người từ miền bắc, di cư vào Nam. Đa số các người chống đối Hà Nội, đều vào nam trong khi chỉ có 300,000 từ miền Nam tập kết ra bắc. Hà Nội để lại trong nam rất nhiều cán bộ để chuẩn bị đấu tranh tiếp như ông Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh,... 


Sau 54, họ cho người liên lạc gia đình những người tập kết để móc nối gây cảm tình với Hà Nội. Như trường hợp cô nào khi xưa, đã giúp CIA phá vỡ hệ thống gián điệp của Hà Nội tại Hoa Kỳ. Cô ta kể tưởng ông bố tập kết nhưng thật ra ông ta ở lại miền nam, làm bộ trưởng ngoại giao cho mặt trận. Tối nào cũng mở đài MTGPMN để nghe, để nghe giọng nói của ông bố. Điển hình tướng Dương Văn Minh có người em là DƯơng Văn Nhật, tập kết, rồi trở lại miền nam, vào nhà ông ta hay người thân để ở, móc nối với tướng Minh. Nghe nói an ninh Sàigòn bắt ông ta rồi thả vì sợ ông Minh giận.


Trích báo cand.com


Ngày 1/1/1970, Chuyên án BK63 chính thức kết thúc. Sau gần 10 năm thực hiện, chuyên án đã 13 lần vượt qua sự kiểm tra an ninh của trung tâm tình báo địch, cung cấp 307 tin giả, câu móc và bắt giữ hàng chục tên gián điệp biệt kích, thu giữ 1 tàu cùng hàng chục tấn vũ khí, khí tài hiện đại của trung tâm tình báo địch tiếp tế cho BK63. Số vũ khí này Bộ Công an đã giao cho Bộ Quốc phòng đưa vào chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Không những thế, qua chuyên án, ta đã nắm được hầu hết âm mưu, biết trước hoạt động bắn phá của Không quân Mỹ trong chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc tại Quảng Ninh để kịp thời sơ tán nhân dân.


Trong khi đó họ cứ thả biệt kích Việt Nam Cộng Hoà xuống miền Bắc để bị bắt tại chỗ và đi tù mười mấy năm trời hoặc bị giết. Mạng người Việt quá rẻ so với người Mỹ. Chán Mớ Đời (còn tiếp)


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 


Nguyễn Hoàng Sơn 

Tôi không nhìn thấy tôi

Tuần này, có anh bạn thân, quen từ lúc đặt chân đến Hoa Kỳ, được Chúa gọi về. Bạn bè khắp nơi, lục hình ảnh sinh hoạt cũ, gửi cho nhau để ôn lại kỷ niệm về anh bạn. Mình đưa cho đồng chí gái, hỏi xem có nhận ra ai ngày xưa trong đám sinh viên miền Đông Bắc mà cô nàng đã theo học sau khi vượt biển, rồi định cư Hoa Kỳ. 

Cô nàng chỉ hình, nói anh nằm thẳng cẳng kìa khiến mình thất kinh. Mình chỉ thấy vài người bạn quen khi xưa nhưng không để ý đến 1 tên nằm trên đất. Hóa ra mình không nhìn thấy mình trong đám đông quen thuộc nhưng đồng chí gái vẫn nhìn thấy mình trong đám đông xa lạ. Phụ nữ giỏi thiệt. Có lần đi ăn cưới, một cô ca sĩ được giới thiệu lên sân khấu, mình hỏi đồng chí gái sao bà này thấy quen quen. Mụ vợ kêu bạn anh chớ ai. Hóa ra cô bạn học cũ ở Đà Lạt, đi hỏi vợ cho mình rồi mất liên lạc từ đó.


Mình chợt nhớ cảnh Omar Sharif, trong vai bác sĩ Zhivago, nhìn trong tấm gương phủ đầy bụi mờ, thấy bóng hình một lão già. 30 năm nội chiến, khói lửa đã biến 1 người thanh niên độc thân vui tính ngày nào, thành một lão già không còn nụ cười trên môi. Nhìn kỷ thì như đồng chí gái nói, dạo đó mình quá trẻ. Bây giờ thì Chán Mớ Đời 


Nhóm cựu sinh viên MIT và Harvard vùng Boston trong ảnh, mình có gặp lại vài người, nhất là ông mai, giới thiệu đồng chí gái cho mình, số còn lại thì từ khi lập gia đình, dọn về Cali, chưa gặp lại. Cho thấy đường đời không thẳng như chúng ta nghĩ mà phải chuyển hướng đi theo những khúc quanh dòng sông của cuộc đời. 


Khi lập gia đình, chúng ta đi chung với người bạn đời, trên con đường đời mới, bỏ lại sau lưng những người quen, đã đi chung một đoạn đường đời vừa qua. Trên con đường mới, lại gặp, làm quen những người bạn mới rồi từ từ lại đổi đường, đổi bạn. 


Mình thấy một tấm ảnh cũ ở Luân Đôn, tải lên thấy là lạ, có một anh ở đâu bên Anh quốc, kêu biết anh bạn đánh đàn chung với mình hôm văn nghệ của cộng đồng người Việt tại Luân Đôn. Mình không nhớ tên anh này. Sau vụ văn nghệ này thì mình đi Mỹ làm việc rồi ở lại luôn tới nay.


Mình thất kinh vì mấy chục năm nay không hát hò, chơi nhạc gì cả. Không lẻ khi xưa mình có làm mấy vụ này. Nếu không có tấm ảnh thì chắc cũng không nhớ một thời đã quên. Con gái xem ảnh kêu thằng con giống mình, tuổi xấp xỉ mình khi xưa. Nhìn lại mình đời đã rong rêu. Nói chung từ khi lấy vợ, mình không còn văn nghệ, tranh hoạ hay đọc sách gì cả ngoài làm thợ hồ, nông dân. Mình đã thoát ly quá khứ.


Hồi nhỏ có bạn học, bạn hàng xóm rồi đi tây, làm quen mới những người bạn ở xứ người, quên những người bạn cũ tại Việt Nam. Rồi đi làm ở Ý Đại Lợi, lại quen dân bên đó, rồi khi đi làm ở Thuỵ Sĩ, lại quen người bên ấy, quên người ở Pháp rồi sang Luân Đôn, lại làm quen, gặp gỡ người khác…. Ngày nay, chỉ còn liên lạc với một số ít. Đến khi lấy vợ thì cảm thấy không cần tìm bạn mới như xưa nữa. Đã tìm ra kẻ nội thù để đối chọi hàng ngày. 30 năm khói lửa, nội chiến từng ngày đã biến mình thành một ông lão.


Hôm ở Sàigòn, mình được hai chị em cô hàng xóm khi xưa ở Đà Lạt, mời ăn cơm. Cũng nhờ Facebook mới tìm lại nhau. Xem ra phải có duyên mới gặp lại. Anh của hai cô này khi xưa, chơi thân với mình nhưng nghe nói anh chàng mệt nên không đến gặp nhau được. Mình cũng có gặp lại vài người học chung ở Yersin. Nếu không có facebook thì xem như mất tiệt trong quá khứ. Xem ra cũng phải có duyên mới gặp lại. Tháng tới mình lên Seattle chơi với bạn của đồng chí gái, hy vọng gặp lại gia đình một chị hàng xóm khi xưa tại Đà Lạt, mới tìm lại năm ngoái.


Nhìn lại không biết những người đã gặp trong cuộc đời là bạn hay chỉ quen qua đường. Có chút nợ với nhau ở kiếp trước, kiếp này trả lại một nụ cười, một tô phở hay cái bánh rồi lại biệt tích, không bao giờ gặp lại. Cũng may có internet nên lâu lâu đọc tin tức những người quen một thời, một thời đã quên.


Tấm ảnh này, chụp khi mình đi trại hè lần đầu tiên tại Hoa Kỳ. Đúng hơn là lần đầu tiên mình đi sinh hoạt với người Việt đông như vậy. Nhờ trại hè này mình như lá rụng về cội, gửi mua sách báo việt ngữ đọc để học tiếng Việt lại sau 14 năm xa rời Việt Nam. Qua Âu châu, mình ít quen người Việt sinh sống tại đây. Có quen vài người rồi thay đổi chỗ ở, công việc. Qua Hoa Kỳ thì người Việt đông nên dễ gặp nhau, sinh hoạt chung, không cần tiếp xúc với người Mỹ như tại Âu châu. Bạn gốc việt tại Âu châu, mình có thể đếm trên đầu ngón tay.

Hình này còn một số người ngồi ngoài khung hình. Có mấy anh sinh viên từ Connecticut, New York, hát hò cả đêm, không cho ai ngủ cả. Nói cho ngay đi trại là không ngủ. Nhớ có chị bạn chở về sau khi hạ trại. Chị ta lái xe chạy lộn vòng vòng cả tiếng đồng hồ.

Trại hè được tổ chức trong khuôn viên của tu viện Don Bosco tại New Jersey. Như ở các nước hồi giáo, tu viện chỉ có mấy ông cha ở, không có thiết kế nhà vệ sinh cho phụ nữ nên mình được cử làm bảo vệ nhà vệ sinh. Chia phiên trai gái vào nhà vệ sinh. Lần đầu tiên mình khám phá ra con gái họ đi tè từng bầy đàn và rất lâu. Mình kiếm bụi cây nào đó làm một phát cho nhanh, đợi đến giờ mấy ông được sử dụng nhà vệ sinh thì vãi trong quần. 


Đứng canh đàn bà con gái đi tiểu nên có cô hỏi chuyện về chương trình của trại hè thì mình i tờ, lần đầu tiên đi trại hè, được ban tổ chức xung phong làm nghề gác cầu tiêu. Mặt mình thì đen đủi, hình sự như hải quan ở phi trường Tân Sơn Nhất, thêm thẹo thiết nên thiên hạ không có cảm tình, tống cổ mình ra gác nhà vệ sinh. Đứng xếp hàng đi vệ sinh thì có cả khối em gái rất xinh, rất thời trang. Có em đi giày cao gót, bận váy ngắn lên đất trại lại kéo theo cái vali to đùng cho hai ngày trại như cô dâu xứ Hàn về quê.


Lần đầu tiên trong đời mình từ ngày rời Việt Nam, mới đứng trước một đám con gái gốc mít nhiều như thế nên cũng hoảng. Đứng bên cạnh mấy em hít hà cái mơn mởn khiến mình cảm thấy yêu đời ra phết, quên mất người tình phụ.


Mình muốn gây một ấn tượng đẹp cho các em nhưng lại xấu trai, đen đúa. Con gái Việt Nam chỉ thích trắng như da hột gà nhưng ngẫm lại mình có duyên ngầm vì ông bà mình hay nói cái duyên bằng 10 đẹp trai. Mình vốn săn chuyện tếu lâm để kể cho mấy con đầm cười nên chọn kể chuyện tếu để tạo nét duyên dáng trai Việt cho các em.

Mình chọn kể chuyện về sử Việt Nam vì đang đọc cuốn sử Việt Nam, đại việt sử ký toàn thư.

Năm mình học lớp 9ème, trong giờ sử Việt đầu năm, thầy giáo nói về chuyện tình Trọng Thuỷ, Mỵ Châu rồi hỏi: "ai ăn cắp nỏ thần của vua An Dương?' Cả lớp im như chùa Bà Đanh. Mình ngồi bàn đầu nên ánh mắt của thầy chiếu tướng mình, mình kêu không phải em thầy rồi thầy chiếu tướng thằng T, một học sinh cá biệt, hắn cũng kêu không phải hắn, thầy đừng có nghi oan, đổ lỗi cho em. Ông thầy bổng nổi điên, chửi cả lớp, bảo nào là học đến lớp 9ème mà đếch biết ai ăn cắp nỏ thần của An Dương Vương. Đó là bài học vỡ lòng về lịch sử Việt Nam. Bổng nhiên ông hiệu trưởng Tây, đi ngang nghe lao nhao trong lớp, tiếng ông thầy việt văn chửi bới nên chạy vào. Ông tây hỏi ông thầy dạy việt văn thì được giải thích là không có học trò nào biết Trọng Thuỷ, người đánh cắp nỏ thần An dương vương. Không nhớ ông thầy việt văn giải thích bằng tiếng Tây ra sao, khiến ông tây hiệu trưởng, mặt đỏ như Trương Phi, quát mắng cả lớp, bảo rằng đứa nào ăn cắp nỏ thần thì nhận ngay sẽ tha còn không nhận mà ông biết được sẽ đuổi luôn học sinh nào ăn cắp nỏ thần của An Dương Vương. Mình ngừng.

Các cô chăm chú nghe quên cả mót đái, mồm hả to nhìn mình như con chiên nhìn thánh giá trong nhà thờ. Cái mặt mình bổng nhiên thấy ngu ngu chi lạ trong khi mặt mấy em như bò đội nón, nhìn mình như thể hỏi sao anh không tiếp tục kể. Rồi...., có em bổng như không chịu nổi sự yên lặng, quên cả mót đái hỏi: " cuối cùng có tìm được đứa ăn cắp nỏ thần của vua không anh?"

Mình chả biết trả lời ra sao, bổng nhiên chán vì trong đời không có gì khốn nạn bằng khi kể chuyện tếu mà không ai cười, mình phải nhắc giải thích lý do phải cười. Cuộc đời kể chuyện tếu lâm của mình chấm dứt từ đó. Lúc đó mới hiểu là các cô này sang Mỹ vào tuổi còn đái dầm, tiếng Việt bập bẹ, nhà nói đi chợ Việt Nam mua bao gạo hiệu Ông Địa, cô lại kêu bán cho bao gạo Ông Đĩ mà mình kể chuyện về Triệu Đà, Tỷ Đà… Chán Mớ Đời 

Tấm này, trại hè năm 1988 hay 1989, ban tổ chức in áo lửa trại đầu tiên. Mình còn bận đến ngày nay. Có anh bạn ở New York, làm nghề in áo thung bán cho du khách viếng thăm New York nên nhờ làm để phát cho trại viên. Hình này có cha Chương, con chim đầu đàn của BNLV.

Tấm ảnh này chụp khi mình và anh bạn giúp vui văn nghệ trong một buổi lễ của cộng đồng người Việt tại Luân Đôn. Tại Luân Đôn, cộng đồng người Việt tỵ nạn được chia thành 2 khối: khối đi từ miền nam và khối đi từ miền Bắc. Tuy là mang tiếng tỵ nạn cộng sản nhưng hai khối không thống nhất với nhau về lá cờ. Người đi từ miền Bắc chỉ muốn chào cờ đỏ sao vàng còn người đi từ miền nam chỉ muốn chào cờ vàng 3 sọc đỏ. Đưa đến lộn xộn, tranh cãi, cuối cùng đưa đến kết luận là chỉ chào cờ Anh quốc, không đem cờ Việt Nam ra mỗi khi họp mặt.


Đức Phật có lần chỉ mặt trăng, nói trăng đẹp nhưng học trò đều nhìn ngón tay của ngài. Quê hương là mặt trăng nhưng chúng ta cứ nhìn vào ngón tay để rồi tranh cãi, ngón tay xấu hay đẹp. Chúng ta đã đánh nhau, mất mát rất nhiều sau cuộc chiến uỷ nhiệm. Đánh cho tàu, cho Liên Xô, cho Mỹ, tạo nên hận thù đến ngày nay. Chán Mớ Đời 


Nhìn lại mấy tấm ảnh cũ, bổng nhiên cảm thấy lạ. Ngày xưa, chưa lập gia đình, không mong đợi gì nhiều. Cứ làm việc chỗ này vài năm rồi buồn đời, tìm được việc chỗ khác, lại đi tiếp. Dạo ấy cũng không biết làm việc ở Hoa Kỳ đến bao lâu. Có lần tính trở về Âu châu nhưng rồi bạn bè rủ lên Boston chơi, rồi phát hiện ra đồng chí gái. Về cali, lập gia đình đến ngày nay.


Nếu dạo ấy, mình trở lại Âu châu thì có lẻ sẽ có kết cục khác ngày nay. Cuộc đời như một dòng sông chỉ trôi ra biển, không bao giờ trở lại nơi khởi đầu. Hàng năm, các con cá hồi bơi ngược dòng sông, suối để sinh sản, rồi chết. Khi về già, người ta cố tìm về nguồn cội như các con cá hồi, chuẩn bị cho cuộc từ giả cuộc hành trình ra khơi theo dòng sông ra biển. Mình vẫn còn tiếp tục ra khơi. Có lẻ vì vậy chưa nhận ra mình trong dòng sông ký ức.


Mình kể chuyện Đà Lạt vì có nhiều người yêu cầu để họ tìm lại chút ký ức của Đà Lạt xưa.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 


Nguyễn Hoàng Sơn 



Số 4 Đà Lạt Mậu Thân


Hôm nay, có ông thần gốc Số 4, Đà Lạt gửi cho mình tấm ảnh khu phố nhà anh ta sau cuộc tổng công kích Mậu Thân của Việt Cộng, để lại sau khi họ bỏ trốn. Họ đinh ninh là người dân Đà Lạt, sẽ đón, hoan nghênh họ như các mẹ nuôi chiến sĩ, ai ngờ họ đến đâu là thiên hạ bỏ chạy tới đó. Đàn Số 4 chạy vào thị xã, trú tại các trường học như Đoàn Thị Điểm, Việt Anh, Văn Học, Trí Đức,.. Giận đời họ pháo kích như Đại Lộ Kinh Hoàng ở Quảng Trị năm nào. Sau này 75, gia đình mình chạy giặc đến Bình TUy thì cũng bị pháo kích mệt thở, người chết la liệt bên đường.


Sau này, mình có nói chuyện với một mẹ nuôi chiến sĩ. Bà ta kể khi xưa, khuya nó về kêu đói quá, nấu cơm cho nó ăn. Nay mình lên xin nó cái giấy đi đường, nó kêu bỏ đó đợi. Ngày nay quốc gia mà trở lại, nó có núp ở trong quần tui, tui cũng đứng dậy, lột quần, rũ cho nó lòi ra để quốc gia bắt nó.

Chụp trên đường Ngô Quyền, thấy cái trạm biến điện, dây điện gì đều bị đứt hết. Nhà dì Ba Ca, em bạn dì với mẹ mình bên tay trái, phía sau lưng người đứng chụp

Có lẻ cuộc tổng công kích này đã để lại dấu ấn rất sâu đậm trong ký ức của mình, khiến mình phải lớn nhanh khi thấy chết chóc xung quanh mình. Gần đây, mình có viếng nghĩa trang quân đội Việt Nam Cộng Hoà ở Biên Hoà. Thấy mồ mả những người lính trẻ, chết trận vào tuổi còn vị thành niên, mới 18, 19 tuổi. Lúc mình rời Việt Nam.


Vừa nhập ngủ vì sinh trong Nam, được huấn luyện 6 tháng quân trường, tập bò , tập bắn để rồi ra trận, lãnh viên đạn nằm xuống, không hiểu lý do mình chết. Nằm chết như mơ hay không hiểu vì sao tôi chết.


Chú của mình, sinh ngoài Bắc, đi bộ đội, xâm nhập vào nam, đánh cho Mỹ cút nguỵ nhào để rồi chết trên đường mòn Hochiminh. Nay gia đình không biết mồ mả ở đâu.


Tấm ảnh này đưa mình về 55 năm về trước, khi mình đi theo anh Hiệp, con dì Ba Ca lên Số 4, về lại nhà của gia đình anh ta, sau khi chạy giặc. Tan hoang hết ngoại trừ trái bom 100 cân anh, nằm sừng sửng trong sân của nhà.


Anh Hiệp kể; mấy ngày đánh nhau, mấy anh em, hợp nhau, đào cái hầm phía sau nhà, để trốn bom đạn. Đến mồng 3, hay mồng 4. Hết gạo nên dượng Ba Ca kêu anh lên nhà trên, thỉnh mấy cái bánh tét trên bàn thờ để cả nhà ăn.


Khúc này mình đoán trên đường Ngô Quyền, chỗ gần Domaine de Marie


Tò mò, xem qua cửa sổ có gì lạ, bổng anh ta đờ ra, chạy vội xuống hầm ú ớ kêu dượng Ba Ca rồi chạy lên nhà. Dượng Ba Ca nhìn qua cửa sổ, thấy trái bom do anh Hiệp chỉ, miệng ú ớ. Thổ thần đất đai muốn gia đình anh ta sống nên không để quả bom nổ. Mình có thấy những hố bom khác trên số 4, khá to và sâu. Nếu quả bom nổ là xem như cả gia đình tiêu diêu.


Mình có thấy quả bom ấy nhưng không nhớ là bom Napalm hay bom thường. Mình chỉ thấy mấy cây mận, đào nơi vườn, bị cháy, dính mảnh foam của Napalm. Sau này Công binh cho người tháo gỡ bom sót lại trên Số 4.


Tấm ảnh chụp gần nhà Dì Ba Ca, kêu mệ ngoại mình bằng dì ruột. Gần đường Ngô Quyền gặp Hai Bà Trưng. Thấy trạm biến điện, gần phía sau chùa Linh Phong. Chuyến viếng thăm chớp nhoáng Đà Lạt vừa qua, anh bạn có chở mình chạy ngang đây, không có thì giờ ghé thăm gia đình mấy người con của dì Ba Ca. Mình có ghé thăm 1 lần khi về Đà Lạt lần đầu tiên vì ở lại nhiều ngày.


Mình không hiểu sao Đà Lạt lúc ấy, Số 4 lại bị bỏ bom nặng nhất. Có thể khu vực này có nhiều người nằm vùng. Mình nhớ ngay nhà mình, không nhớ lúc nào nhưng thấy Việt Cộng, đi bộ từng đoàn chạy về Số 4, sau khi Việt Nam Cộng Hoà phản công, đánh nhau ngoài khu Hoà Bình, khiến một cây xăng cạnh đường Hàm Nghi, chỗ bến xe Tùng Nghĩa, bị cháy cùng với dãy phố photo Hồng Châu. Được giải thích là Việt Cộng leo lên khu Hồng Châu, núp bắn chiếc xe Jeep chở mấy sĩ quan từ trường Tham Mưu đi ăn Phở Bằng.


Dân chúng từ Số 4, chạy xuống đường Hai Bà Trưng, chạy vào trường Việt Anh và Văn Học. Nghe kể có người chạy vào trường Đoàn Thị Điểm hay Trí Đức để trú bom.


Xóm mình có hai gia đình từ Số 4 chạy xuống trú là gia đình ông Tư Thân, bán thuốc cho tiệm thuốc tây Nguyễn Duy Quang, đối diện rạp Ngọc Hiệp. Gia đình ông Tư Thân chạy xuống nhà bà Tước hàng xóm, bà con chi đó. Và gia đình dì Ba Ca, chạy đến nhà mình, ở trú cũng mất 5, 6 tháng. Thêm gia đình chú Nhị, chú Hai, hai người làm vườn cho bà cụ.


Từ nhà mình có thể chứng kiến hai trận đánh: Việt Cộng xâm nhập vào nhà thờ Domaine de Marie, và Số 4. Xóm mình từ đường Thi Sách, nhìn lên thì thấy nhà thờ Domaine de Marie và xa xa về phía trường Đa Nghĩa là Số 4.

Số 4 bình địa


Có mấy ông Việt Cộng bò vào nhà thờ Domaine de Marie, có ông leo lên nóc chuông, rồi chỉa AK bắn cóc cóc mấy chiếc trực thăng, bay từ phi trường Cam Ly đến xóm mình thì bắt đầu bắn đại liên và phi đạn. Vấn đề là khi họ bắn trên khu vực xóm mình thì vỏ đạn lại rơi xuống xóm mình theo đường Parabol.


Lâu lâu lại thấy một trận mưa rào của vỏ đạn rơi xuống. Có lần mình thấy rớt xuống nhà mình, kêu lộp cộp. Sau đó phải bò lên, dùng foam ngâm xăng để trét các lỗ bị lũng để tránh bị dột nhà.


Sau này, ra hải ngoại, lâu lâu xem truyền hình, thấy mấy ông hồi giáo, cứ cầm súng bắn chỉ thiên khi reo mừng về chuyện gì đó là mình tự hỏi có bao nhiêu người bị thương sau đó. Đầu đạn được bắn lên thì đầu viên đạn đồng sẽ rơi xuống và ai xui sẽ bị lũng đầu.


Cứ mấy ông kẹ bắn cốc cóc thì sau đó trực thăng bay lại rồi ria vào nóc chuông nhưng mấy ông núp trong đó lại chạy đi đâu rồi. Đánh nhau kiểu này cũng mất mấy ngày. Có lần thấy chiến xa M113, chạy trên đường Calmette thì có ông thần Việt Cộng nào bắn B40 nhưng hên cho mấy ông thần trong chiến xa, bắn hụt khiến viên B40 bay xuống vườn của bà Bắc Kỳ mà mình và thằng Khánh ăn cắp buồng chuối của bà ta. Nghe cái Bùm thật lớn, cây chuối bay tá lả khiến đám con nít trong xóm và người lớn đứng xem, bổng thấy quan tài nên sợ, bỏ chạy vô nhà.


Chú Đức, em của chú Nghi, phòng trồng trăng Nguyễn Văn Nghi ở đường Minh Mạng, cạnh tiệm chụp hình Mỹ Dung, đang ngồi ngay cửa sổ trên lầu, nhìn lên Domaine de Marie, xem bắn nhau. Bổng bị một viên đạn ghim vào người. Nghe kể chú kêu tụi nó bắn tui tụi nó bắn tui rồi chở lên nhà thương băng bó.


Từ đó trong xóm, hết dám đứng xem đánh nhau. Mình cũng suýt bị vỏ đạn ghim vào đầu. Mình đang đứng dưới cây Mai, xem máy bay bắn, thả bom ở Số 4. Trực thăng, mở cửa, thấy rõ tên lính Mỹ, cầm đại liên bắn tạch tạch xuống Số 4 hay nghe cái sẹt, khói xịch ra phía sau trực thăng rồi 1 phi đạn hoả tiễn bắn lên Số 4 rồi một tiếng nổ. Hay máy bay bà già bay la đà rồi phạt một trái khói được bắn ra, khói bay lên thì khu trực cơ bay đến, lao xuống rồi khói đen, lửa bốc lên tiếp theo là tiếng nổ. Đó là lần đầu tiên mình thấy Bom Napalm trong đời và không muốn nhìn lại nữa.


2 tên này lớn tuổi lạ mặt, mình chưa bao giờ gặp trong xóm, đi vào nhà mình, đứng bên cạnh xem máy bay dội bom. Bổng nhiên có một tiếng nói, hình như em mình kêu Má kêu vô nhà. Mình vừa bước vài bước, dưới mái hiên của nhà thì một trận mưa vỏ đạn đại liên làm cái rào lụp cụp xuống sân và leng keng trên mái tôn nhà mình. Mình nghe ai hét lên thì nhìn lại thấy 1 trong hai tên mới đứng cạnh mình xem máy bay, nằm dưới đất, máu ra xối xả rồi người đi chung với hắn dẫn đi đâu mất biệc. Hú vía! Thổ thần nhà mình linh, kêu mình đi vào. Từ đó hết dám ra sân xem bắn nhau.


Hình ảnh của tấm ảnh khiến mình nhớ lại cuộc chiến. Sau Mậu Thân, sợ Việt Cộng ban đêm về bắt đi theo mấy ông kẹ như dân trên Số 4 hay bị bắn nếu là công chức làm việc cho chính quyền như ông trưởng khu phố ở đường La Sơn Phu tử, mà mình hay ghé lại mỗi tháng mua gạo với sổ gia đình. Không ai muốn như ông Tăng Văn Danh, chết để có đường hẻm mang tên của mình.


Mình và ông cụ, tối tối ra phố ngủ ở nhà ông bà Phúng, số 11 Duy Tân. Dần dần tình hình sáng sủa lại một chút, an ninh được vãn hồi với đồn nhân dân tự vệ, được xây cất chốt ngay đường Thi Sách, ngay sau trường Đa Nghĩa, mới hết đi ngủ ở phố.


Rồi thấy xe nhà binh chở xác lính biệt động quân, chết bị phục kích trong Cam Ly, chở về nhà xác. Vợ con từ xứ nào lên nhận xác chồng, cha khóc. Chiều đi ngang nhà xác gần bệnh viện, thấy đèn dầu trong nhà xác với những tiếng hu hu của kẻ mất cha, mất chồng, mất con thấy thảm. Rồi một hôm được tin chú Nhị, làm vườn cho nhà mình trước Mậu Thân, đi lính Địa Phương Quân, chết. Thím Nhị đang có mang, ngồi khóc chồng. Lúc đó mình mới hiểu những ca khúc Da Vàng do Khánh Ly hát. Buồn chiến tranh.

Trạm biến điện biến mất nhưng dây điện thoại dày đặt, phía xa có hậu viên của chùa Linh Quang. Đi xuống một tí sẽ thấy bên tay phải cái đình.

Khi Việt Cộng rút lui thì mới biết các cuộc giết người với những nấm mồ tập thể ở Huế. Ngày nào cũng thấy chiếu trên đài truyền hình rồi Nhã Ca viết Khăn Sô cho Huế, được đăng hàng ngày trên báo. Đọc thấy nổi buồn chiến tranh. Không hiểu sao người Việt lại giết người Việt một cách dã man. Khánh Ly có hát bản nhạc khiến mình Chán Mớ Đời tìm cách rời khỏi Việt Nam.

Xác người nằm trôi sông, phơi trên ruộng đồng 

Trên nóc nhà thành phố, trên những đường quanh co
Xác người nằm bơ vơ, dưới mái hiên chùa 
Trong giáo đường thành phố, trên thềm nhà hoang vu 

Mùa xuân ơi, xác nuôi thơm cho đất ruộng cày 
Việt Nam ơi, xác thêm hơi cho đất ngày mai 
Đường đi tới, dù chông gai 
Thì quanh đây đã có người 

Xác người nằm quanh đây, trong mưa lạnh này 
Bên xác người già yếu, có xác còn thơ ngây 
Xác nào là em tôi, dưới hố hầm này 
Trong những vùng lửa cháy, bên những vồng ngô khoai


Mình bắt đầu đặt câu hỏi về tương lai. Chết sớm khi đi lính, rớt tú tài đi lính chết. Đậu tú tài học lên đại học rồi đi lính chết. (Còn tiếp)


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 


Nguyễn Hoàng Sơn