Từ giả Antarctica


Sáng nay, tụi này được đổ bộ lên vùng được gọi Deception Island, khu vực khi xưa do người Anh quốc chiếm đóng để làm căn cứ cho các tàu người đánh cá voi. Họ đánh cá voi, kéo lên đây để lấy mỡ, rồi nấu làm ra dầu, chở về nước. Thấy bãi tha ma của người đánh cá và xương cá voi đầy. Năm 1967 núi lửa phun, phún thạch bay đầy, may mà các người làm việc ở đây được trực thăng bốc di tản được nếu không sẽ làm nhân chứng như dân cư thành Pompeii ở Ý Đại Lợi.


Sáng nay trời gió mạnh hơn mọi lần, đổ bộ lên bờ khá châm vì zodiac phải chạy vòng vòng để tránh sóng nhiều. Trước khi đi, có nghe tin một tàu, đưa du khách lên bờ khi sóng cao, Zodiac bị lật, có 2 người chết. Chỗ này khi xưa có núi lửa nên phún thạch đây bãi biển đen. Thấy vài con hải cẩu, và chim cụt. Mình thì không thích thú thiết nên cũng không để ý đến thú hoang trên đảo.


Lúc về tàu trên zodiac, lướt sóng, nước bắn vào ướt hết. May họ dặn bận quần không thấm nước ở ngoài.


Về tàu, đi coi phim về đảo Falkland của Anh quốc nơi quân đội A Căn Đình có tìm cách đánh chiếm nhưng bị bà Thatcher cho một trận thư hùng, đành cuốn gói về nước. Đến đây, mới hiểu sự. Á Căn Đình đem quân đội, muốn chiếm đóng vùng này, quá quan trọng chiến lược quân sự và thương mại.

Thức giấc, mở cửa phòng ra balcon thấy băng đảo như lọt vào hành tinh nào 

Hoa Kỳ là nước sản xuất đậu nành nhiều nhất thế giới, Trung Cộng là nước nhập cảng đậu nành nhiều nhất thế giới và Ba Tây là xứ xuất cảng đậu nành nhiều nhất thế giới. Trung Cộng đầu tư rất nhiều ở vùng này trên 220 tỷ đô la. Thay vì đầu tư súng đạn vào Ukraine, Hoa Kỳ đầu tư vào vùng này thì chắc tốt hơn. 


Từ khi ông Trump đánh thuế hàng Trung Cộng thì Trung Cộng giảm mua đậu nành của Hoa Kỳ đến 50% và tăng gia mua của Ba Tây lên hơn 20%. Vụ bạo loạn tại Ba Tây gần đây, không hiểu có liên quan gì đến vụ ông Lula được Trung Cộng giúp đỡ thắng cử. Rồi xứ Peru lộn xộn khiến mình hơi lo. Lý do là trên đường về, mình sẽ ghé Lima vài tiếng đồng hồ, đổi máy bay trước khi bay về Hoa Kỳ. Thế giới đang thay đổi nhiều nên mình cần tìm hiểu để binh cho mai sau. Không phải tự nhiên mà nhiều nơi, thiên hạ biểu tình đình công như Peru ,…Anh quốc, Âu châu,… thế giới đang thay đổi nên chúng ta cần thay đổi để theo thời như ông nguyễn công trứ khi xưa hay nói, khiến thầy cô bắt mình học ná thở.


Chiều nay, chương trình sẽ cho đổ bộ lên đảo để đi chơi nhưng gió và sóng cao nên họ huỷ chuyến thám hiểm trên đảo. Trước khi mình đi, có một chiếc tàu của công ty mà đã ghi tên nhưng giờ chót nghe có 2 người chết khi đổ bộ lên bờ trong lúc gió to, khiến thuyền bị lật úp, úp lên người hai hành khách không biết bơi ra khỏi. Chết. Nên mình quyết định đi tàu pháp, tuy đắt tiền nhưng chắc ăn hơn 1 tị.

Khu vực trong vịnh nên nước tương đối không ít sóng. Chỉ thấy tuyết nhưng không thấy cây cối.
Tàu zodiac chở. Đi vòng vòng xem cảnh
Đất thì màu đen do phún thạch khi xưa rồi tuyết phủ trên
Băng Sơn thấy nhỏ nhưng đó chúng ta chỉ thấy có 10% của băng sơn ở phía trên mặt nước, 90% còn lại nằm dưới nước.


Công ty tây này lên bờ sáng nay, mình thấy có đến 4 nhân viên, giúp mọi người xuống tàu, lên bờ cũng như lên tàu lại. Khá an toàn. Đi mấy tàu rẻ hơn thì họ có ít nhân viên, an toàn kém hơn. Đa số du khách là người lớn tuổi nên đi đứng khó khăn mà bị lật thuyền thì hơi mệt.

Mình hỏi nhân viên thì họ đi làm theo hợp đồng 6 tuần lễ rồi về lại pháp.


Tàu thẳng tiến chạy qua eo biển Drake, trở lại Ushuaia, sóng mạnh nên tàu bắt đầu lắc lư. Mới nghe thuyền trưởng tường trình khí hậu. Te tua. Đi lấy trà gừng về để hai vợ chồng đối ẩm cùng một lứa trên thuyền lận đận. Chán Mớ Đời khỏi ăn tối vì sợ bị ói. Gió mạnh, nằm trong phòng nhìn ra biển thấy biển sóng thấy kinh. Thuyền trưởng nói từ 5-8 mét cao.

Luồng nước chảy xung quanh Nam Cực
Drake Passage nổi tiếng sóng to, đã nhận chìm biết bao con tàu khi vượt qua đây để đến Nam Cực. Nhà thám hiểm đi với hai chiếc tàu, chỉ có tàu ông Francis Drake đã tới bờ, còn hai tàu kia trôi về mênh mông. Hai vợ chồng chỉ biết lên giường nằm đợi qua mau dù hai ngày trời.
 

Antarctica là một quần đảo của Nam Cực rộng mênh mông. Thấy có nhiều người đi trượt tuyết xuyên vùng này nhất là có mấy phụ nữ đi, để nói lên đàn bà không kém đàn ông. TỪ Tây sang đông dài trên 2,000 cây số.


Ở vùng này, người ta thấy loại chim albatross rất nhiều, có nhiều loại, loại lớn nhất khi xòe cánh dài đến 2 mét. Loại này bay rất xa, với vận tốc 50 dậm/ giờ, bay cả năm không đậu xuống đất, uống nước biển rồi tự lọc chất mặn rồi phun ra lại. Rất lạ thiên nhiên. Sáng nay, thuyền trưởng đọc một bài thơ của một thủy thủ chí Lợi về chim albatross và chỉ cái cột trên bờ, nhắc nhở chim albatross .. xứ Chí Lợi có nhà thơ nổi tiếng Pablo Neruda mà hôm ở Chí Lợi có đi ngang nhà ông ta nhưng không vào. Ông thi sĩ này, là bạn của ông tổng thống Pompidou một thời.


Mình không nhớ tên nhưng đọc đâu đó, có một phụ nữ đầu tiên đến Nam Cực, phải cải trang thành nam giới để lên tàu, làm việc hay gì đó mới đến vùng này. Sau này có bà người Na Uy đến đây vì ông chồng làm việc nghiên cứu hay gì đó nên tháp tùng khi đi ngang vùng ngày. 


Rồi người phụ nữ chính thức đến đây để nghiên cứu là người Mỹ rồi có mấy bà họp nhau đến đây để đi xuyên vùng từ đông sang tây, để khẳng định 100 đàn ông không bằng 1 cái lông đàn bà.


Xem như mình từ giả Nam Cực, trên đường về Á căn đình. Cảm tưởng thì công nhận phong cảnh quá lạ, không có cây cối gì cả. Như sa mạc thay vì cát, chỉ là tuyết và tuyết. Phún thạch nhiều nơi cho thấy khi xưa là vùng núi lửa. Có điểm lạ là có một phần Nam Cực đang từ tách đôi ra, không biết bao nhiêu năm nữa nhưng các nhà địa lý học tiên đoán.


Bò đến đây thiên hạ tìm cá voi mỏi con mắt trong khi ở cali thì có đầy. Cứ tháng 12 thì cá voi từ miền Bắc bơi xuống miền nam để sinh con rồi tháng 3 lại bầu đàn thê tử bơi về miền Bắc nước lạnh. Cứ ra Palo Verde, có đài quan sát cá voi.

Điên nên bỏ Cali nắng ấm để lên vùng Nam Cực. Đây là lần đầu tiên được đổ bổ lên đệ thất lục địa. Có nhiều tàu chỉ cho mình lên quần đảo Antarctica còn đại lục thứ 7 thì không. Mình lên đây được 2 lần.


Họ tính giá một con cá voi độ 2 triệu đô. Cá voi hít co2 vào để nhả oxygen ra như cây ở trên mặt đất. Cá voi chết chìm dưới đáy biển thì họ thường thấy rong rêu mọc bên cạnh vì hấp thụ co2 từ thân thể cá voi. Thiên nhiên hay.


Người ta lo nhất là biển vì cá bị đánh bắt khá nhiều, sẽ không có cá để hút co2 và nhã ra oxygen sẽ làm cho biển đục, thiếu oxygen. Đó là tương lai của đại dương. Ngày nào biển chết là lúa đời nhân loại.

Cá voi ăn cá nhỏ bị nhiễm độc bởi rác rưởi từ các thành phố đổ ra biển. Na Uy xuất cảng cá voi qua Nhật Bản nhưng bị trả lại vì họ tìm thấy nhiều chất độc trong cá. Mình nghe các loại dầu cá khá độc vì có nhiều chất độc. Cho thấy thời đại này ăn gì cũng độc, con người tự sát từ từ. Chán Mớ Đời 


Có loại cÁ gọi orca, loại này săn cá voi, chỉ giết cá voi rồi ăn cái lưỡi cá voi, còn lại để tôm tép gì đến ăn. Cá này đế vương chỉ ăn lưỡi cá sau khi giết.


Rất lạ về phong cảnh nhưng chỉ viếng một lần, không trở lại. Mình cố hình dung vụ Tạ Tốn trốn ra Băng đảo hay Hoả đảo rồi Dương Quá và bà thầy bò ra đây. Băng đảo ở đây, hay Núi lửa đâu có cây cối mà ông Kim Dung kể lấy cây nướng cá trui bú xua la mua. Đi 10 ngày mà mất 4 ngày đi ra Antarctica và về, lại sóng lớn, tàu nhảy lên ầm ầm, chai tách từ trên bàn lăn xuống đất trong đêm. Kinh.


4 ngày nằm giường không muốn ăn, cứ vái trời đến bờ, và ngủ rồi ngủ rạ người. Chán Mớ Đời nếu bay được thì tốt hơn, đỡ mất thời gian nhưng nghe nói cũng châm vì khí hậu xấu thì hết bay. Mình chỉ tiếc có 4 ngày trên tàu, chỉ nằm trong phòng, không làm gì, không ăn không uống. Chủ tàu lời to.


Phải công nhận thời xưa, người ta đến đây săn cá voi, lấy dầu, có đời Sống quá cực, lạnh, nhiều người bị tê tay chân. Sáng nay lên bờ, lạnh như hôm mình lên đỉnh Kilimanjaro. Ai có thời gian nên đi một chuyến. Mình thấy trên tàu, có nhiều người lớn tuổi, đi không nổi, chỉ ngồi nhìn cảnh từ trên tàu chớ không đổ bộ lên bờ. Rất nhiều người chống gậy. Vợ chồng già nắm tay nhau đi. Thoạt đầu nghĩ họ yêu thương, lãng mạn nhưng trên thực tế đi không nổi nên mấy ông chồng phải dựa vào vợ để đi trên biển.

Chỗ dự trữ dầu cá voi, bị bỏ hoang
Nhà cửa của thợ săn cá voi bị bỏ hoang. Núi lửa phun phún thạch

Mình may mắn đi viếng vùng này khi còn khỏe mạnh, chớ vài năm nữa thì chắc không trải nghiệm chuyến du hành lạ đời này. Hôm qua, Ăn cơm tối với cặp vợ chồng người Mễ. Ông chồng có công ty bán súng cho quân đội Mễ, bà vợ thì nấu ăn rồi giao cho đám nhà giàu. Ông bà rên là mấy đứa con không muốn theo nghề bán súng cho quân đội. 


Ông ta kể là bán súng cho người Mễ, phải được giấy phép của quân đội nên phải có kết nối với các tướng tá trong quân đội Mễ. Ông ta mua súng của Âu châu để bán cho dân Mễ. Có ba đứa con để đi làm việc ở ngoại quốc. Bây giờ không biết làm sao để về hưu. Công ty khó bán vì người mua không có liên hệ với quân đội nên phải tiếp tục làm việc.


Có cặp vợ chồng tây, không con nên qua Việt Nam xin con mồ côi về nuôi hai đứa gái, nay lớn hết và đi làm, có dẫn chúng về Việt Nam, đi thăm Đà Lạt đủ trò. Họ nói vấn đề kỳ thị ở pháp nên nghĩ tốt nhất là nuôi con nuôi từ á châu và qua Việt Nam.


Quen một ông Mỹ và ông Thụy sĩ, họ đề nghị đi ấn độ. Ông Mỹ làm giám đốc ngân hàng citi mấy năm ở ấn độ. Viếng thăm ấn độ mấy chục lần, giới thiệu một công ty du lịch ở ấn độ. Chắc tháng 11 sẽ đi. Nói chung đi chuyến này, gặp nhiều người hay, học hỏi được nhiều điều.

Từ Ushuaia chạy qua eo biển Drake, lò mò đi viếng quần đảo Antarctica, đổ bộ lên Nam Cực rồi vòng về. Kinh hoàng khi bị say sóng.

Sóng lên đến 8 mét, cao quá cở, lắc lư, tàu nhảy bành bạch trên nước. Hai vợ chồng chới với. Hôm qua, tiệc gala, mụ vợ mang giày cao gót nên phải vịnh mình đi. Chán Mớ Đời 


Thôi tởn đến già, không đi miền băng cực nữa.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 


Nguyễn Hoàng Sơn 

Tìm lại thời sinh viên

 Đi chuyến này, nghe tây đầm nói chuyện khiến mình như trở lại thời sinh viên. Tây đầm dạy mình từ tiểu học lên đến đại học nên mình khá bị ảnh hưởng văn hoá thực dân. Mình nợ tây phần giáo dục, được học bổng tư nhân và chính phủ pháp một thời. Làm bồi rữa chén cho tây nhiều năm.

Nhớ lại thời sinh viên, cảm thấy cuộc đời mình rất may mắn. Gặp toàn người tốt, giúp đỡ mình, dù chỉ cho ăn một bữa ăn, hay lì xì cho vài quan,… có lẻ nhờ cái đức của mẹ mình. Ông bà mình hay nói có đức mặc sức mà ăn. Lấy vợ lại được thêm cái đức bên vợ. Đó là may mắn cuộc đời.

Nghe kể, bà ngoại của đồng chí gái khi xưa, có chồng làm quan. Đến mùa lũ thì kêu người đem kho gạo ra chia với dân bị lụt. Mình về Hội An một lần dính lụt thì mới hiểu nổi lòng người miền trung, chỉ có nước bỏ xứ đi lập nghiệp ở xứ khác. Bà ngoại, tương tự cũng giúp đỡ người nghèo, nuôi cô nhi viện Việt Nam đến khi Hà Nội giải toả lấy đất. Đồng chí gái cũng theo mẹ, cũng giúp đỡ người nghèo khó hơn mình. Tham gia các nhóm giúp người nghèo, vô gia cư,..

Dạo mới sang tây, mình thấy người Pháp trước khi ăn, họ đọc kinh hay nói vài lời cảm ơn chúa đã cho chúng ta bữa ăn hàng ngày. Nay thay vì đọc kinh, tạ ơn Chúa, người ta lại đem IPhone ra chụp hình để tạ ơn ông Steve Jobs đã chế ra IPhone. Đó là lời kinh cầu iPhone. Chúng ta quên đi, hay cố quên cảm ơn cuộc đời đã cho ta Phước lành vì với iPhone ta có tất cả. Chán Mớ Đời 

Mình đang lêu bêu bổng nhiên có ông cậu bà con, đi tây từ thời mình chưa ra đời, về thăm Đà Lạt. Cậu kêu muốn đi tây không, mình nhất trí. Thế là cậu nhờ ông bố vợ, người tây bảo lãnh cho mình sang Tây. Mình chỉ cần học đậu cao cao chút chút để được đi du học. Mình thuộc dạng học dốt từ bé nên khá châm nhưng bà rá đậu hạng đủ điều kiện đi tây. Ông bố vợ của cậu là nhà thầu xây cất mộ bia và bán hoa trước nghĩa địa nên giàu. Ông ta cho mình ở căn phòng mà ông ta sắp đập phá để xây nhà cao tầng khi mới sang. Rồi Sàigòn mất.

Sau này mình được hội cựu chiến binh pháp và chính phủ pháp cho học bổng rồi khi sang Thuỵ Sỹ học cũng được học bổng. Xem như từ ngày mình sang Văn Học lên đến hết đại học, không phải đóng tiền học. Chỉ qua Mỹ thì phải trả tiền học mệt thở. Văn Học thì thầy Chử Bá Anh cho học miễn phí, chắc là hạn mình đến đó là hết tốn tiền đi học. Đỡ tiền bà cụ.

Ông cậu kêu là người thứ nhất cầm cờ mặt trận giải phóng miền nam vào chiếm toà đại sứ Việt Nam Cộng Hoà vào ngày 30/4 tại pháp. Hai năm sau, được về thăm Việt Nam, theo phái đoàn Việt kiều đầu tiên, thăm viếng Việt Nam thống nhất. Khi cậu về lại Paris thì xuống sắc thấy rõ. Hết hồ hởi như ngày 30/4/75. Hỏi ra. Cậu kêu mình giúp đỡ cho Hà Nội, đi biểu tình chống chiến tranh Việt Nam suốt 20 năm mà về nhà. Có tiền cũng không mua được gì để ăn. Nhà bố mẹ cậu, công an hàng ngày vào ngồi, hỏi chuyện từ sáng đến tối như canh gác. Cũng nhờ chuyến đi này của cậu mà mình được biết tin tức gia đình vì sau khi mình đi tây thì mất liên lạc với gia đình.

Cậu kể vụ ông cụ mình, đoàn trưởng nhân dân tự vệ trước 75, được lệnh chôn súng trước khi di tản về Sàigòn. Sau 75, lại nghe Việt Cộng tung tin bậy bạ về mấy ông tướng Việt Nam Cộng Hoà, lập chiến khu ở đâu đó nên đào súng lên, tổ chức kháng chiến, bị lên án 18 năm trời. Xem như mình mất tin tức từ khi rời Đà Lạt đến năm 1977, gần 3 năm mới biết gia đình mình còn sống sót tại Đà Lạt. Hỏi ra mới biết, cậu nói rất thương mẹ mình khi xưa, làm oshin cho nhà cậu nên về Đà Lạt, gặp lại mẹ mình cậu hứa sẽ giúp mình đi tây. Mẹ mình hy sinh đời mẹ củng cố đời con.

Nói đến cậu Mạnh, phải nhắc luôn cậu Nghị, con ông Đàng, số 11 Duy Tân. Cậu xin giấy tờ cho mình vào đại học Roubaix, nghành kỹ sư dệt nhưng Sàigòn mất nên mình không lên Lille để học nữa. Mình sang Tây cuối năm 1974, trễ niên khóa nên ở Paris, đợi hè lên Roubaix, ai ngờ Việt Cộng vào thế là mình mất tin tức nhà. Gặp cậu Võ Quang Miên, con ông Tiềm, kêu ở lại Paris, dễ sống hơn, có thể vừa đi học vừa đi làm.

Điểm vui là bà Đàng kêu dì ruột của đồng chí gái là thiếm dâu, nên trên nguyên tắc, bà Đàng phải kêu đồng chí gái là chị, còn mình phải kêu bà bằng Bà. Hơi rối đời. Lần sau mình về với đồng chí gái thì bà Đàng đã qua đời. Tội ông Đàng, mỗi lần mình về Đà Lạt, là ông ta chạy xe lên thăm trước khi mình có dịp ra thăm.

Mình có chị bạn, gia đình di tản năm 75, chia ra hai nhóm để đi cho dễ. Nhóm chị và mẹ đến Mỹ được còn nhóm kia thì mất tích từ đó đến giờ. Sống mà không biết gia đình còn sống hay không, làm tinh thần khá lo Âu.

Lúc này cậu mới thấy sự khác biệt thời Việt Nam Cộng Hoà và thời cách mạng. Năm 1973, cậu nói toà đại sứ Việt Nam Cộng Hoà, biết cậu là đảng viên cộng sản pháp nhưng vẫn cho về thăm Việt Nam. Nay cậu trên nguyên tắc là đồng chí với Hà Nội nhưng công an lại kiểm duyệt, canh gác khi cậu thăm gia đình tại Đà Lạt. Từ đó cậu rất buồn vì đã bị lừa suốt 20 năm tuổi trẻ, và mất lập trường từ đó như bao Việt kiều ở Âu châu. Khi mình đi làm ở Ý Đại Lợi về thì nhận tin cậu qua đời.

Trái với sự dạy dỗ, giáo dục ở trường, mình không thấy người Pháp gian ác như trong sách vỡ. Họ thấy mình một thân một mình ở xứ lạ quê người là họ giúp ở đỡ. Khi nhà của bố vợ của cậu mình bị đập phá để  xây thì mình có bạn bè tây đầm, giới thiêu để mướn phòng ô sin, trả họ vài tháng tiền nhà xong thì họ kêu khỏi trả nữa.

Phòng ô sin thì dành cho mấy người làm ô sin cho mấy gia đình giàu có ở Paris. Ban ngày họ xuống dọn nhà, nấu y cơm, giặc quần áo,… tối họ leo lên lầu chót ngủ. Tầng chót có nhiều phòng ô sin lắm vì nhiều gia đình có đến 2, 3 ô sin. Dạo ấy mình ở Neuilly sur Seine, khu nhà giàu của Tây. Căn phòng dài 2 mét, chiều ngang 3 mét, có một cửa sổ nhỏ mà ở Buenos Aires mình thấy kiến trúc tương tự nên nhớ lại thời sinh viên. Không có lò sưởi, không có Lavabo gì cả. Chỉ đủ kê cái giương và cái bàn học. Muốn lấy nước, hay đi cầu thì ra hành lang có hai cầu tiêu và một cái robinet để lấy nước dùng. Cho nên mình cũng không hiểu ở Paris, lấy đâu lò sưởi đẻ nung cục gạch để sưởi ấm mùa đông.

Sáng mùa đông, đi cầu thì phải trùm mềm, bận áo bành tô ra đi tè. Lạnh kinh hoàng, giặc quần áo cũng vậy, mua cái Xô như ở Việt Nam rồi giặt xà bông. Lạnh thấu xương. Một hôm, có bà ô sin ở phòng đối diện, thấy mình giặt quần áo bằng nước lạnh nên kêu để bà ta giặt cho. Bà ta đem áo quần dơ của mình xuống nhà chủ để giặt máy rồi ủi luôn cho mình. 

Bà này người Tây Ban Nha, nghèo, bỏ xứ đi làm ô sin như mẹ mình khi xưa, bỏ Huế vào Đà Lạt, làm ô sin kiếm tiền nuôi em út ăn học. Sau này trên 60, bà ta về xứ ở luôn nên không bao giờ gặp lại. Cho thấy cuộc đời rất lạ. Mình gặp ở một người giúp mình cái này cái nọ rồi biến mất, mình không có cơ hội để cảm ơn họ. Cách tốt nhất là thấy ai gặp khó khăn, thì giúp họ như những người đã giúp mình trên đường đời đã đi qua.

Sau này, quen một gia đình pháp khác, bà nội khá giàu, kêu lại cho một căn ô sin khác để ở nên mình phải ở hai nơi, đi qua đi về để họ biết mình có ở. Khi em mình vượt biển, sang thì hai gia đình này giúp đỡ tận tình. Cho ở trong nhà luôn để học tiếng tây, cách sống ở tây nên cô em mình bây giờ rất tây còn mình thì gốc làm vườn Đà Lạt nên vẫn hoàn nông dân.

Đi chuyến này, hay ăn cơm chung với ông Mỹ, cựu giám đốc ngân hàng Citi Bank ở ngoại quốc. Ông ta nói đùa với ông bạn gốc Thuỵ SĨ, Hoa Kỳ là 1 quốc gia mà ngay đến 1 tên Thụy sĩ còn thành công. Ông ta kêu dân gốc da vàng, nói chung lợi tức hơn cả người Mỹ da trắng. Chán Mớ Đời 

Nghe ông ta nói thì mình mới nghĩ lại đúng thật. Hoa Kỳ là một nước cho mọi người chịu khó làm ăn. Ai cũng có thể thành công nếu chịu khó. Nếu mình ở Âu châu chắc không bao giờ có thể đi chơi ở Nam Cực. Tóm lại người Pháp dạy mình học nhưng người Mỹ giúp mình thực hiện những gì đã học từ người Pháp.

 Được ăn lại mấy món ngày xưa khi được bạn bè mời đến nhà ăn như món canard à l’orange, terrine de canard hay mấy món fromage chính hiệu đem từ tây đến. Ở Hoa Kỳ có mua ăn nhưng làm tại Hoa Kỳ thì tiêu chuẩn vệ sinh Hoa Kỳ nên khác vị. Trưa nay, ăn fromage Brie ngon chi lạ, ở Hoa Kỳ họ bán ăn cứng cứng, còn đây fromage bị chảy, ăn phê với baguette hay pain de campagne.

Trên đường đời này mình gặp rất nhiều người như trên

Phải chỉ mụ vợ xếp khăn ăn ra sao, gấp theo hình tam giác bú xua la mua khiến mụ kêu tui ăn theo kiểu Mỹ. Chán Mớ Đời. Đồng chí gái muốn ghi danh ăn cơm với thuỷ thủ đoàn nhưng chỉ thấy còn bàn với những người nói tiếng tây nên mụ Chán Mớ Đời, không đòi nữa. Hồi nảy ăn cơm có bà người Gia-nã-đại đi chung kể ông chồng đi chung bị dính covid, còn bà không bị nên ông chồng bị dính chấu ở Ushuaia không biết có được hoàn tiền lại không. Mình có mua bảo hiểm để lỡ bị dính covid thì được hoàn tiền. Mua hạng có sân thượng từ phòng để lỡ bị dính covid thì còn có chỗ đi ra đi vô.

Nói chung Việt Nam sinh ra mình, tây dạy mình từ bé đến đại học còn Mỹ thì dạy mình áp dụng những gì tây dạy nhất là thực tế hơn. Hôm trước có anh kia quen trên mạng, gọi điện thoại hỏi mình có đọc văn chương, mình không đọc những gì không làm ra tiền. Đọc thơ đọc thiết, không làm ra tiền nên không mất thì giờ vớ vẩn. Chán Mớ Đời 

 Pháp quốc là quê hương thứ 2, Hoa Kỳ là quê hương thứ 3 còn đồng chí gái là quê mẹ thứ 2. Mình không muốn tìm quê hương nào nữa đủ rồi. Cuộc đời mình rất may mắn. Được nhiều người thương, giúp đỡ. Đó là hạnh phúc trong tầm tay. Còn tiếp

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 





Xa lộ chim cụt

 Xứ này rất lạ. mặt trời lặn vào lúc 11:23 tối và chỉ ngủ có 4 tiếng rồi lò mặt ra kêu hế lô gút mo ninh. Tàu chạy xuất đêm, chạy qua kênh Lemaire để đến Yalurg. Con kênh này chỉ có 200 mét chiều ngang. Độ 6 giờ sáng thì thuyền trưởng gọi đang chạy vào kênh Lemaire, mình bò ra xem thấy núi đá sừng sững gần tàu nên cũng run. Lỡ có đá băng rớt xuống là đời em cô đơn. Kêu mụ vợ dậy xem cảnh lạ, mụ kêu anh quay video, khi nào rảnh xem. Chán Mớ Đời 


Đến đây thì họ cho xuống zodiac, chạy vòng vòng xem phong cảnh. Rất lạ! Mình thích nhất là ánh sáng ở vùng này rất lạ. Mình chưa bao giờ đến nơi nào có loại ánh sáng như vậy. Các băng tuyết trắng và xanh phần gần nước. Đẹp lạ lùng. Trên trời thì mây cũng lạ, có từng lớp xám, xanh, mặt trời trong mây xám nhưng rọi rất rõ. Mụ vợ chụp mặt mình kêu, anh như sô cô la rồi chỉ, phần nào che khi ra nắng thì còn nâu nâu, còn lại thì như chà Dà.

Bình minh vào lúc 3 giờ sáng từ balcon trước phòng. Họ dặn lấy phòng có balcon dù đắt tiền. Lỡ bị covid, phong toả thì còn có chỗ ra nhìn trời nếu không thì như ở tù. Hôm qua, có bà đi chung với mình về Machu Picchu hỏi thăm để đi với con gái.

Zodiac không được chạy gần các băng tuyết vì lỡ băng tuyết rơi xuống, có thể chao đảo và lật thuyền. Tháng trước, trong nhóm đi Antarctica, kể có zodiac đổ bộ du khách lên bờ, gặp sóng lớn, lật tàu, Úp lên du khách, chết hai mạng. Mình hơi lo nhưng không dám kể cho vợ lại sợ vớ vẩn. Chạy vòng xung quanh băng tuyết, họ nói trung bình chỉ có 10% băng tuyết nổi trên mặt nước, còn lại ngầm dưới nước.


Về tàu ăn trưa xong, nằm nghỉ rồi, đổ bộ lên đảo Charcot, tên đặt cho nhà thám hiểm người Pháp tên Jacques Baptiste Charcot, đến vùng này thám hiểu vào đầu thế kỷ 20, nghiên cứu mấy tháng, sau đó về lại pháp. Ông ta cất các tài liệu nghiên cứu trên đồi, chồng đá lên để ai sau này, mò ra. Dạo ấy đi về pháp bằng tàu, có thể chết khi gặp bão tố. 


Leo lên châm vì mang giày ủng mà đồi toàn tuyết. Lúc bắt đầu lên tàu, đã thấy tuyết rơi. Leo lên đồi chụp hình kỷ niệm với vợ xong đi xuống. Bò qua phía bên kia xem chim cụt, đi nữa đường thì gió mạnh, tuyết rơi quá nên có bà kia dân Gia-nã-đại, kêu trở lại thuyền, lên tàu, ăn rồi đi ngủ. Thấy chim cụt nhiều, khá vui chúng đi trên xa lộ chim cụt, toàn là màu cứt của chúng trong khi xung quanh trắng tuyết. Người ta gọi đường chim cụt đi là xa lộ chim cụt, penguin highway.

iPad chụp vì hình chụp từ iPhone chưa được chuyển qua ICloud hết. Wifi yếu, chắc về đến Buenos Aires mới lên hình được. Hôm nào về Hoa Kỳ, mình sẽ làm một bài toàn hình và chú thích

Mới đi xuống lại để lên zodiac, đưa về tàu thì thấy một chiếc thuyền buồm. Kinh. Không biết đi thuyền buồm xuống dưới này. Loại này chắc có trang bị đầy đủ không như thời ông Charcot đi thám hiểm.


Hôm qua có ghé sang vùng có các nhà nghiên cứu làm việc của As Căn Đình thì được kể là có ông làm việc ở đây có một mình nên nổi điên vì không tiếp xúc với ai nên đốt luôn chỗ ông ta ở để được chính phủ phái tàu đến đưa về quê hương. Ai đến đây làm việc chỉ cho ở tối đa là sáu tháng, rồi cho về nhưng phải được bác sĩ xem xét cả lộn xộn nổi điên như trong  trong phim Shining. Ông nhà văn gì đó nổi điên rượt bà vợ để chém.


Tàu bắt đầu chạy ngược lại kênh Lemaire thì tuyết rơi như điên thêm gió mạnh, sóng lớn kinh. Kêu thêm chút trà gừng để uống cho chắc ăn, tránh say sóng. Tàu có wifi nhưng rất yếu, khi có khi không nên Chán Mớ Đời .


Mai đổ bộ đi lên bờ sớm nên để vợ đi coi show còn mình gửi vài tin tức trong ngày rồi đi ngủ.

Còn tiếp

Nam Cực

 Sáng nay, hai vợ chồng được đổ bộ lên Nam Cực, đệ thất lục địa. Lần này thì toán mình đi trước, đồng chí gái kêu không ăn sáng để ngủ thêm cả đêm qua, xem hình chụp hoài, ngủ trễ.

 Chưa tới bờ đã ngửi mùi thối không tả. Phân của hải cẩu và chim cụt thối như phân chuồng heo của bà làm vườn ở gần xóm mình khi xưa. 


Tàu đến bờ thì nhảy ra khỏi rồi đi lên nghe một hướng dẫn viên thuyết trình. Họ dặn không được đi vào đường mòn của chim cụt, chỗ này dễ nhận ra vì tuyết không có, không đóng băng, thấy mấy con chim cụt lục đục đi lên đi xuống, chả sợ mình. Mình phải ngừng lại đợi chúng đi qua. Chỗ chúng ở thì không có tuyết, chỉ thấy màu nâu cứt của chúng.


 Mình đi với vợ nhưng mụ vợ cứ đứng lại chụp hình. Họ chỉ cho 90 phút để leo lên đỉnh và xuống bờ nên mình đi trước. Bò lên trên đỉnh, chụp được tấm ảnh kỷ niệm, sau lưng và trước mặt. Sau đó bò xuống, xem mụ vợ có chửi không. Lúc đi lên có bà Mỹ té nên mình đỡ dậy, bà ta cứ nắm tay mình bắt mình dẫn lên núi. Cuối cùng mụ vợ thấy khó chịu, kêu mình đứng lại chụp hình cho mụ. Sau đó mình chạy lên đỉnh luôn.

Bỏ mụ vợ rề rề ở dưới đi lên đỉnh. Đẹp vô cùng. Có nhiều người đi, chỉ chống gậy ở trên tàu, nhìn ra cửa sổ, không xuống bờ được. Thấy thương.

Lúc đi xuống thì mới thấy đẹp. Ánh sáng thay đổi liên hồi, khi thì nắng khi thì tối ù lại, thấy cá voi thở phào phì nhưng vui nhất là thấy mấy con chim cụt bơi như cá heo, búng người trên mặt nước. Quá vui.

Tàu có hai tên phó nhòm đi theo để chụp hình quay phim, chắc cuối chuyến đi mình sẽ mua một cuốn để làm kỷ niệm nhưng phải công nhận họ chuyên nghiệp, có máy hình chụp đẹp không tả. Họ chụp hình có tiền, còn mình chụp đồng chí gái thì chỉ nghe chê. Chán Mớ Đời 


Đi về thì nghỉ thở rồi bò xuống ăn trưa rồi lên phòng nằm nhìn trời qua cửa sổ trong khi tàu chạy đến vịnh thiên đàng (paradise Bay). Không thấy gió, như mặt hồ lạnh băng. Hôm nay ăn được món terrine de canard, ngon. Lâu lắm rồi, từ ngày rời tây đến nay mới ăn lại món này. Mình đoán, tối qua, có ăn canard à l’orange. Chắc vịt còn dư nên đầu bếp làm món này. Đi tàu tây ăn phô mát đủ loại, thêm bơ Demi sel, ngon nức nở, trưa có món beurre à la truffe.

A
Sáng thức dậy, nhìn ra cửa phòng, trời xanh, biển xanh. Hoàng hôn hôm nay vào lúc 23:13 phút

Lạ du khách Mỹ, cứ thấy họ gọi hamburger, uống coca dù đi tàu tây. Mụ vợ cũng chửi vì tây nói tiếng anh, không hiểu gì cả. Đồng chí gái y chang Mỹ, không chịu khó hiểu thiên hạ, cứ bắt thiên hạ theo mình.


Chiều thì họ cho lên zodiac, chở đi vòng xem ổ chim, nghe xa xa avalanche nhưng không thấy vì mây đen. Thấy con cá voi nhảy lên từ xa xa. Bổng nhiên máy ca nô tắt, anh chàng tây hướng dẫn viên kêu ồ ồ. Anh ta nói có thùng đồ nghề. Anh ta mở thùng đồ nghề thì thấy chai champagne với 10 ly champagne. Thế là khui ra, mọi người cụng ly. Ở ngoài băng đảo, có champagne tây.


Chiếc thuyền này mang cờ tây nhưng lại đăng ký ở Nouvelle Caledonie, để tránh đóng thuế nhiều… thấy tàu Charcot, con tàu pháp độc nhất có thể xẻ băng dành cho du thuyền. Có thể đưa du khách đi xa hơn những nơi có băng tuyết. Mình nhìn những tảng băng thì phía trên thấy không to lắm, nhưng lại gần nhìn xuống xâu, bự tổ chảng.


Tàu có 153 người phục vụ 169 hành khách. Có 2 tàu cứu sinh, chở đến 400 người. Thức ăn thì làm một thực đơn cho mỗi ngày cho 2 tiệm ăn. 1 tiệm ăn kiểu buffet chỉ có món plat du jour thôi. Mình thích ăn ở tiệm có thực đơn vì có thể gọi mấy món khác. Mấy bữa nay, bữa nào cũng entrecôte. Nếu tối nay, vẫn thịt bò steak, mình thử kêu món hamburger, không có trong thực đơn nhưng thấy Mỹ gọi món này không.


Mới lên tàu lại, tắm rữa, đợi briefing rồi đi ăn tối rồi ngủ. Còn tiếp


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 







From Antarctica with love

 Hôm nay, tàu đến Antarctica sau khi chạy trung bình 14 Hải lý một giờ suốt 1.5 ngày, qua eo biển nổi tiếng Drake mà thủy thủ đi ngang vùng ngày gọi là Drake Shake. Chỗ này có trung bình từ 125 đến 200 triệu mét khối chảy mỗi giây đồng hồ từ đông sang Tây, hay từ Đại Tây Dương qua Thái Bình Dương nên sóng rất mạnh. Mình đang ngồi ăn ở tầng 2 mà thấy sóng đánh vào cửa sổ trên cao. May có kính nếu ở ngoài chắc cuốn mình đi rồi. Kinh

Đầu thế kỷ 20, người ta đến vùng Nam Cực để đánh cá voi để có dầu như ở Cali, người ta giết cá voi nhiều để lấy dầu để hệ thống xe lửa chạy về phía Tây. Vào những năm trong thế chiến thứ hai, Đức quốc xã có gửi một phái đoàn đến vùng này để tìm dầu.

Năm1949, Hoa Kỳ đem tàu chiến và đổ bộ tại Nam Cực khiến thế giới lên tiếng, phản đối nên Liên Hiệp Quốc phải họp và đưa đến kết luận, không ai có quyền khái thác ở vùng này.

Có xuống đây, mình mới hiểu cuộc chiến Falkland hay Las Malvinas giữa A Căn Dình và Anh quốc khi mình còn ở Pháp. Ai kiểm soát eo biển này thì sẽ không cho tàu bè đi chuyển từ Đại Tây Dương qua Thái Bình Dương. Falkland đảo buộc về Anh quốc, giúp Hải quân Anh quốc làm vua trên biển cả biết bao nhiêu năm. Sau này, người Pháp làm con kênh Panama ở Trung Mỹ nên đỡ phải chạy xuống vùng này.

Mình bắt đầu hiểu Trung Cộng đầu tư vào A Căn Đình nhiều. Nếu anh ba tàu bẩy nợ được sẽ đem tàu chiến đến Hải cảng ở đây vì kênh Panama nhỏ nên tàu chiến không qua được. Tàu nhỏ thì được nhưng nguy hiểm, sẽ bị tấn công dễ dàng. Trung Cộng đầu tư 220 tỷ đô la vào xứ này trong khi Hoa Kỳ gửi súng đạn cho Ukraine trên mấy trăm tỷ đô la.

Cuối cùng thì các quốc gia ngồi lại, đồng ý ký hiệp ước vào năm 1959, không khai thác vùng Nam Cực. Các tàu bè du lịch phải xin phép, đóng tiền rất cao và vì xa lại không có hạ tầng cơ sở để tiếp liệu, thức ăn. Tháng vừa rồi mình đi Mễ Tây cơ, mỗi ngày ghé lại một Hải cảng, có thể đem rác ra, tiếp liệu, thức ăn,… đây là xem như đi 11 ngày luôn, phải sử dụng tàu xé băng, không phải tàu nào cũng vào được vùng này. Muốn viếng thăm đổ bộ phải xin phép trước và đóng tiền. Do đó giá đi viếng vùng này khá đắt tiền. Tàu lớn không được vào phía trong vịnh nên không được đổ bộ lên bờ.

Nghe nói tàu có đến 1,000 mã lực. Cứ tưởng tượng 1,00 con ngựa kéo một lúc

Công ty tặng cái áo khoác ở ngoài, còn cho mượn đôi giày ủng. Bận máy lớp ở trong để tránh lạnh. Phải có lớp quần không thấm nước để khi ca nô chạy bắn nước lên, không thấm quần. Trên bãi tuyết có hai chú chim cụt. Nghe nói có một bà Mỹ bị ngã trên bờ hôm qua, toàn là đá và tuyết nên dễ bị trượt. Nghe nói bà ta ngồi một lúc khá lâu mới bò dậy nổi. Vấn đề là khi có tiền thì đã già, đi đứng khó khăn. Đi chơi phải chống gậy đủ trò. Nói như mẹ mình, người ta có tiền mà không có sức khoẻ đi không được, người không có tiền, có sức khỏe đi cũng không được. Mạ như ri là sướng, đi mô cũng được.

Tàu nhỏ có thể chạy trong vịnh, tránh gió, ít sóng hơn nên có thể đổ bộ lên bờ mà các công ty phải xin phép trước để tránh khỏi trùng với các công ty khác. Cứ tưởng tượng không xin phép và kiểm soát, cả chục ngàn người đổ bộ lên bờ mỗi ngày hay cắm trại, xây khách sạn là ngọng. Thủ tục lên bờ cũng khá gay go. Nếu anh không tham gia buổi tường trình về vụ này thì sẽ không được lên bờ rồi, phải đem đồ đạt ra để họ hút bụi bú xua la mua mới được lên bờ.

Trước khi xuống zodiac thì phải bước qua một chậu lớn nước xa phòng hay gì đó để khử trùng rồi khi về tương tự khử trùng như khi viếng các vườn trồng bơ,…để tránh đem vi trùng lạ vào có thể giết hại các cây.

Chiều hôm nay, tụi này được lên bờ lần đầu tiên. Bận mấy lớp quần áo nên tương đối không lạnh như khi leo Kilimanjaro. Đi chuyến chót khi 3 toán kia trở lại thì trời bắt đầu tuyết, gió mạnh. Đi vòng vòng thấy chim cụt và Hải cẩu. Họ chia ra 4 toán để thay nhau lên bờ. Toán 1 thì toàn dân Tây còn mấy toán kia nói anh ngữ. Đa số là người Mỹ. Có cặp vợ chồng tàu gốc Hương Cảng nhưng 10 năm trước đi dân qua Anh quốc, đóng 2 triệu.

Lên bờ thì trời độ 2 độ C, gió 55 cấy số, trời bổng nhiên tuyết. Chỉ thấy một bầy chim cụt trên đồi nhưng không được lên được. Thêm vào con hải cẩu. Hy vọng sáng mai sẽ thấy nhiều hơn. Mỗi chiều họ đều có họp tường trình về các sinh hoạt trong ngày. Có mấy người ghi tên đi ghe, phải đóng thêm 395 đô. Đồng chí gái kêu sao không đi. Mình nói không biết chèo, gió nó đẩy đi mất tiêu. Đi thuyền ca nô chạy vòng vòng cũng thú và lên bờ. Có nhiều tàu cho ngủ qua đêm trên bờ, phải đóng thêm 500 đô. Lạnh chết cha, phải đem theo cầu tiêu đủ trò,.. thật sự leo Kilimanjaro hay Whitney cũng lạnh ná thở rồi.

Wifi rất yếu. Hôm nào về cali mình sẽ tải các hình ảnh một lúc

Còn tiếp

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 






Gái ta, gái Tây , gái mỹ

 Đi chuyến này, chỉ có hai vợ chồng nên phải ngồi ăn chung với mấy người đi chung tàu. Vấn đề là du khách khắp nơi như pháp, Hoa Kỳ, Thụy sĩ, Mễ Tây cơ nên mình phải nhảy từ tiếng Tây qua tiếng Mễ rồi chạy về tiếng Mỹ khiến mấy người ngồi chung bàn không tin mình là nông dân. Chán Mớ Đời 

Lên tàu gặp mấy cô đầm khiến mình giật mình, nhớ lại thời sinh viên. Mấy cô đầm, gọn gàng, ăn nói nhỏ nhẹ khác với phụ nữ Mỹ, to béo, ăn nói như đàn ông. Cô giám đốc chuyến đi, nói năng nhẹ nhàng, vẫn quản lý được hơn trăm thủy thủy đoàn. Đâu cần phải kêu gọi giải phóng phụ nữ, phụ nam.

Nhớ dạo mới sang Hoa Kỳ, đi xe buýt, mình quen sinh hoạt ở Âu châu nên lặng lẽ đứng dậy, nhường chỗ cho cô gái mới lên. Cô ta thay vì cảm ơn, lên tiếng chửi mình, nào là chauvinistic đủ trò khiến mình trở lại làm nông dân.

Hôm qua đi ăn cưới con mấy người bạn việt, ngồi chung bàn toàn là người Việt. Mình gắp thức ăn cho vợ trong khi mấy bà ngồi chung bàn, gắp thức ăn cho chồng mít. Hóa ra mình là đầy tớ nhân dân cho mụ vợ. Thế lầy nà thế Lào.

Nhìn lại thì Việt Nam sinh ra mình, nuôi nấng, Tây lại dạy mình học từ mẫu giáo lên đến đại học, ngoại trừ 2 năm cuối trung học. Trong khi đó Hoa Kỳ lại cho mình cuộc sống. Tây lấy tiền của bà cụ mình đến 10 năm, đến khi sang Tây thì được Tây trả lại. Nhận được học bổng tư nhân, tháng được 350 quan pháp và chính phủ cho đâu 900 quan pháp lại thêm được người Pháp cho mình cái phòng ô sin của họ không lấy tiền nhà. Bao nhiêu sử sách kêu Tây thực dân chi đó dã man, đều đem đổ xuống sông Seine.

Người Pháp ở Pháp tốt hơn người Việt mình. Mới hôm nào hàng xóm, bổng nhiên mấy ông kẹ vào thành phố, họ trở thành tay sai đắc lực, hô hoán, chỉ báo, tìm cách đuổi gia đình mình đi kinh tế mới để rồi khi mình về Đà Lạt, họ đến nhà nhờ cứu giúp con họ, kẹt tại trại tỵ nạn. Họ làm CM30 nhưng âm thầm cho con đi vượt biển, rồi bị trao trả lại về Việt Nam, kêu bố mẹ anh yêu thích xã hội chủ nghĩa nên yêu cầu chúng tôi trả về.

Gái ta thì mình rất sợ từ khi bắt đầu biết ngắm gái. Hàng xóm hôm qua, tao mày chơi nhảy dây, đánh thẻ nay gặp nhau chả thèm hỏi. Vô học trong lớp thì cũng chả dám nói chuyện. Rồi đi Tây.

Gái Tây hay đầm thì dễ nói chuyện hơn. Chúng tò mò hỏi làm sao lại có da đen. Mình nói Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen. Mày muốn da đen thì phải nghèo, chớ giàu có như mày ra Deauville tắm nắng thì vẫn không đen được. Gái ta thì chê mình đen, còn gái tây thì khen mình đen. Đời quái lạ. Mình giải thích là khi xưa, mẹ tao có bầu, uống thuốc tể của ông thầy tàu tên Huỳnh Ôn, ở đường Phan đình Phùng nên sinh ra tao, da đen xì như cột nhà cháy. Chắc mẹ chúng mày uống toàn sữa bò nên sinh ra trắng như răng bò. Mày muốn đen thì uống cà phê đen, họ nói đắng. Mình nói chịu khó đắng nhưng có nước da đen như phi châu.

Hôm ăn món đồ biển này quá cực đỉnh vừa có cá, có tôm, có mực, sò đủ thứ. Hôm nay trên tàu họ cho ăn cá bắt từ tàu, ngon nức nở. Thịt theo từng sớ như thịt gà xé. Ngon

Muốn làm giấy tờ cư trú với diện sinh viên du học, mình sang trễ năm học nên ghi tên học Alliance Francaise một tháng để có thẻ học sinh, làm permis de séjour. Một hôm trước khi vào lớp, có một con đầm nào, chạy lại kêu je veux faire l’amour avec toi khiến mình như bò đội nón, nhìn nó rồi như hiểu mình, nó kéo tay mình đi lấy métro về nhà nó. Nó ở căn hộ rộng hơn căn phòng ô sin của mình. Thế là mình bị mất đời giai ngày hôm ấy. Có nhiều tây đầm thích của lạ nên hay mò đến nơi có dân ngoại quốc để thả gà ra đá, làm collection về tình ái quốc tế. Chán Mớ Đời 

Sau này sang Ý Đại Lợi, Tây Ban Nha, Thụy sĩ, Anh quốc gặp đủ loại gái Tây khiến mình không biết trời trăng. Nhớ Dì Liên, bán hàng cạnh bà cụ, kêu vậy là má mày mất đứa con khi mình đến chào đi tây. Đi tây lấy vợ đầm. Có dạo tưởng lấy vợ đầm rồi chớ. Mình chỉ quen đầm, không quen được một cô mít. À có quen một gia đình người Việt tại Paris, lâu lâu mình ghé lại nhà ăn cơm nhưng cô con gái không đẹp. Nói cho ngay, gái việt mình chỉ so sánh với đối tượng một thời nên khó tìm ở ngoại quốc tương tự. Dạo đó mê đầm nên không thấy con gái việt hấp dẫn thêm học kiến trúc thì chả có người Việt học ở trường. Có hai tên mít nhưng theo Hà Nội, Việt kiều yêu nước gì đó nên không nói chuyện.

Sau khi tốt nghiệp, có cô bạn Mỹ, được bà nội bảo trợ một năm sang Paris ở, như đa số con nhà giàu, thay vì vào đại học ngay, họ bỏ 1 năm đi đông đi tây trước khi vào học lại. Cô ta thân gái dậm trường, ngại đi chơi một mình nên rủ mình lang bạt kỳ hồ với cô ta. Cả hai bò sang Nam Tư, Hy Lạp đến Ý Đại Lợi, rồi bò sang Thuỵ Sĩ. Tại đây mình tình cờ gặp lại anh bạn, quen thời ở Torino, Ý Đại Lợi. Anh ta kêu trường đại học bách khoa Lausanne đang tuyển phụ tá giáo sư như anh ta nên mình bò vào nói chuyện thì được nhận. Thế là về Paris, mình khăn gói qua Thuỵ Sĩ. Tại đây lại quen tụi Anh quốc, sau này họ rủ mình lết qua Anh quốc làm việc. Ở Thuỵ Sĩ mình quen hai cô gái đức rất xinh, tên Klaudia và Ute. Chỉ tiếc là khi nghe mấy cô nói tiếng đức nghe chát tai quá. Chán Mớ Đời 

Ở Luân Đôn, buồn đời vì mưa cả ngày, cô bạn Mỹ, quen khi xưa ở Paris, nay ra trường kiến trúc, rủ sang Mỹ kiếm việc. Hè mình đi viếng xứ này để xem tư bản dãy chết như thế nào. Chương trình là viếng New York, Hoa Thịnh đốn, Chicago, Los Angeles, San Diego, San Francisco, Chicago, Saint Louis và Boston, luôn tiện bay qua Gia-nã-đại thăm tên bạn học xưa, du học tại xứ này.

Đùng một cái mình ghé Boston, có anh bạn học cũ giới thiệu một cô học nha khoa khiến mình bị tiếng sét ái tình ngay lúc đó. Hóa ra gái việt cũng xinh. Thế là khởi đầu chuyện tình British telecom, đi làm trả tiền điện thoại. Dạo ấy chưa có Internet nên tốn tiền. Làm bao nhiêu trả tiền điện thoại viễn liên quốc tế. Năm sau lấy hè, mình bay qua Hoa Kỳ tìm việc. Có duyên thì tìm được việc, còn không thì adieu sois heureuse. 48 tiếng sau khi đến Nữu ước, mình được 2 công ty nhận. Mình hỏi họ chừng nào muốn mình bắt đầu làm việc. Họ kêu ngày mai thế là gửi chìa khóa về Luân Đôn, nhờ bạn, dọn nhà, áo quần, truyền hình đem cho chùa hết. Họ thuê luật sư lo giấy tờ cư trú, thẻ xanh. Vui mừng gọi báo tin cô nàng thì tối đó bố cô nàng gọi điện, kêu mình không xứng đáng xách dép cho con ông ta. Chỉ có bác sĩ mới được đăng ký. Phi lương y bất thành phu phụ. Nhớ lại hôm đưa cô nàng ra phi trường, cô nàng kêu kiếm chỗ nào vắng vắng, mi anh một cái, không ngờ đã hát adieu Jolie Candy, c’est à Heathrow. Chán Mớ Đời 

Rồi từ từ mình cũng làm quen với mấy cô việt khác nhưng rủ nhau đi chơi là về chia tay. Cô nào cũng thố lộ là đã làm đám hỏi với ai đó, nhưng thấy nông dân Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen. Họ tìm những tâm hồn trong trắng, muốn trả nhẫn lại cho hôn phu nên mình trốn. Thấy đàn bà việt khá rắc rối. Đã đính hôn với ai rồi lại còn dụ dỗ mình nữa. Hẹn kiếp sau. Adieu sois heureuse! Chán Mớ Đời 

Cuối cùng thì gặp đồng chí gái, bạn bè đẩy vào thế là lên đúng quy trình, trai trên 35 tuổi phải lấy vợ.

Đi chơi ở Nam Cực trên tàu pháp mà mụ vợ cứ la khi đọc thực đơn bằng tiếng pháp, sao chúng không viết tiếng Mỹ. Viết tiếng Tây thì ai hiểu. Chán Mớ Đời 

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Trải nghiệm du lịch với tiền tươi

Đi chuyến này, như những lần khác phải đổi máy bay đủ trò nên mình tìm cách lên chương trình nhẹ gánh hơn vì sợ mệt rồi hết sức lên tàu đi Nam Cực. Đồng chí gái kêu năm vừa rồi mình đi nhiều quá. Peru, Tanzania, Ai Cập, Dubai, Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan, Mễ tây cơ rồi Mammoth Lakes.

Chuyến đi Tanzania để leo núi Kilimanjaro thì thấy oải nhất vì đổi giờ bay với những thời gian không chuẩn, như lên máy bay 2, 3 giờ sáng. Đi chuyến này đến 6 giờ sáng nên mình xem khách sạn tuỳ theo tình hình của đồng chí gái.

Đến Chí Lợi mình chỉ lấy khách sạn 3 sao, nghĩ đồng chí gái sẽ mệt vì đến phi trường vào 7 giờ sáng. Cô nàng có vấn đề ngủ ngáy. Trên máy bay mình ngủ trong khi cô nàng xem phim, hết phim này đến phim kia. 


Nghĩ vợ sẽ lăn ra ngủ bù nên chả cần khách sạn sang. Đến nơi họ chưa cho lấy phòng, cho để hành lý nên buồn đời lấy Uber ra biển chơi. Khi lấy phòng thì chả thấy người gác cửa đem lên phòng. Đỡ tiền boa. Chẳng bù lại đi Ai Cập thì chưa hỏi đã có người đem Vali đi te te. 


Đến Buenos Aires thì lấy khách sạn sang vì ở lâu thêm công ty hàng Hải đã giữ phòng tại khách sạn Tây Sofitel. Nghe nói là một trong khách sạn chiến đấu nhất của thủ đô xứ này. Khá đắt nên chọn khách sạn Melia. Có đi ngang 4 Seasons, thấy có nguyên một mansion phía sau khách sạn để cho ai mướn cho cả gia đình.

Đồng chí gái kêu bà ca sĩ này bơm ngực. Có vợ với cặp dưa hấu này hì chắc chết sớm. Kinh


Nói cho ngay ăn sáng ở khách sạn 3 sao ngon và nhiều món hơn khách sạn 5 sao. Lại có champagne. Khác nhau ở cách trình bầy. Mình nhớ bà cụ kêu sao không làm một ly champagne hè nên rót đem cho vợ nhâm nhi một chút. Khách sạn 5 sao thì prosciutto ngon và có người đánh dương cầm khi ăn sáng. Được một lúc thì Chán Mớ Đời.


Chuyến đi này đã giúp mình trải nghiệm về chi tiêu và tài chánh khác thường. Thường mình sử dụng thẻ tín dụng để dễ làm sổ sách. Chỉ cần tải về phần mềm Quickbook. Đi viếng xứ này với hai loại hối đoái song hành nên phải đổi tiền Mỹ kim ra tiền pesos để chi tiêu. Rẻ hơn gấp đôi. 


Khi xưa, ở Âu châu đi ngoại quốc thì phải mua ngân phiếu của American Express để lỡ bị mất thì không sợ mất. Dạo mình qua Hoa Kỳ chơi lần đầu tiên cũng mua ngân phiếu của Express mà họ gọi travelers checks. Nay có thể rút tiền địa phương tại các máy rút tiền nhưng phải trả thêm tiền hối đoái. Chỉ đem thẻ theo để phòng hờ trong trường hợp cần thiết

Nghệ thuật của nhân dân. Dư Sơn nên họ Sơn mấy cục đá và cầu thang
Sau này, sử dụng thẻ tín dụng được phổ thông nên cũng dễ, không phải mua đổi tiền ngoại tệ. Sử dụng thẻ tín dụng chỉ tội một điểm là phải trả tiền phí hối đoái. Từ khi mình dùng thẻ ink Visa và American Express Platinum thì không lo vụ này nữa. 
Hồi chiều con gái nhắn tin, nói nó đi Jordan, phải dùng thẻ tín dụng của công ty mình vì không muốn trả tiền hối đoái. Xin mình xem như quà giáng sinh cho nó. Chán Mớ Đời 

Được cái là có thẻ này thì đi máy bay, có thể vào phòng đợi của Priority Pass. Ăn ké và uống nước không trả tiền. Có chỗ ngủ hay cắm điện thoại. Ở Santiago mình thấy có phòng tắm cho hành khách đợi chuyến bay kế tiếp.


Đi Argentina thì mình như đi thụt lùi mấy thập kỷ. Thật ra về Việt Nam trước đây, cứ thấy phải đổi tiền từng cọc đếm tiền mệt thở. Lần trước mình về thấy họ cho sử dụng thẻ tín dụng. Có nhiều nước ngày nay không cho dân chúng sử dụng tiền tươi nhằm tránh trốn thuế và có thể kiểm soát dân tình. Điển hình xứ Thụy Điển ngày nay. Tại đây dân tình đóng thuế rất nặng nên tìm cách giảm thuế.


Điển hình là thủ tướng Trudeau con, khi xưa đi biểu tình đủ trò đến khi ông ta lên làm thủ tướng. Tài xế xe vận tải biểu tình mấy tuần lễ. Ông ta ra lệnh khóa các trương mục ngân hàng của mấy người biểu tình.  Trong vòng 48 tiếng đồng hồ, mấy ông tài xế này bỏ cuộc vì phải lấy tiền trả tiền ăn và nhà cửa. Đó là nguy hiểm trong tương lai, chính phủ bắt sử dụng thẻ tín dụng để kiểm soát người dân.


Hiện nay mình đi đâu, xài mua sắm đều bị ngân hàng theo dõi để bán tin tức mình cho bọn con buôn. Đồng chí gái mua hàng trên mạng, sử dụng tài khoản của mình là 5 phút sau mình biết vợ đã mua cái gì trên mạng. Khi mình lên mạng là thấy chúng đánh mình phủ đầu với quảng cáo về hàng vợ mới mua. 

Mình thấy ở đây họ sử dụng Internet nhiều và điện thoại thông minh. Mua vé xe buýt, xe lửa gì đều mở điện thoại ra quét QR rồi mua cũng như vào tiệm ăn, cũng quét QR. bác nào biết hệ thống QR là của công ty nào để em mua cổ phiếu của họ vì được sử dụng khắp thế giới đến khi họ tìm ra cách khác. Cảm ơn trước. 


Đi ngoài đường gặp mấy người đổi tiền lậu mà tiếng lóng gọi Arbolito, khiến mình nhớ đến một chị hàng xóm khi xưa. Lần đầu tiên về Đà Lạt thấy chị ta ngồi nơi khu Hoà Bình, kêu mình mới nhận ra. Hỏi thăm chị cho biết là đổi đô La và bán vàng chui. Chị hỏi có đô La đổi cho chị kiếm tiền nuôi con. Thấy thương. Nghe nói chị ta đã qua đời. Hôm trước cô hàng xóm em có nhắn tin. Trước kia mỗi lần về mình ghé nhà thăm mẹ của chị nhưng nay qua đời nên hết ghé lại. Cô em út nhìn mình như bò đội nón, lắc đầu không biết tương tự như một số hàng xóm khi mình đi Tây còn bé tí ti. Ai thua mình độ 2,3 tuổi thì còn nhớ. 


Sau này về, mẹ mình hay cô em gái đổi dùm nên không gặp lại chị hàng xóm xưa.

Cầu phụ nữ tại Buenos Aires 


Còn tiếp


Nguyễn Hoàng Sơn 









Ngày cuối ở Buenos Aires

 Sáng nay đồng chí gái dậy sớm, ăn sáng xong thì xếp vali lại vì phải chuyển khách sạn, cũng trên một con đường. Công ty hàng hải dành cho những du khách đi chung chuyến 1 phòng khách sạn Sofitel. Lúc đầu, mình tính đặt phòng tại đây nhưng thấy $360/ đêm thêm 21% VAT nên sợ. Lấy khách sạn Melia, cạnh đó trên cùng con đường. Nếu biết vụ đổi đô la theo hối đoái xanh thì giá phân nữa thì chắc mình đã đặt ở đây.

Vào khách sạn Melia mới khám phá ra là nhà của bà tổng thống Isabel Evita Peron, ở trước khi làm tổng thống. Thấy tấm ảnh to đùng ở lễ tân. Không ngờ mướn khách sạn rẻ lại đúng cư gia của bà tổng thống nổi tiếng này. Hy vọng bà ta không hiện về vì mình không thích đường lối cai trị của bà ta.

Xếp vali xong thì để lại một vali nhỏ, đựng quần áo mùa hè của đồng chí gái cho khách sạn. Hai vợ chồng cuốc bộ đến phòng thử nghiệm covid PCR. Lên tàu phải có xác nhận 24 tiếng test covid này. Tốn 30 đô cho mỗi người. Chán Mớ Đời họ hẹn 24 tiếng sẽ email kết quả. Lúc xuống phi trường, đồng chí gái bị nhân viên hải quan, kêu vào test PCR nhưng quá 96 tiếng tính đến ngày lên tàu nên phải làm lại. Nếu không mình đã kêu họ làm luôn cho mình tại phi trường đỡ lội bộ, đủ trò lại tốn tiền. Nếu trả bằng thẻ tín dụng là nhân gấp đôi.

Có anh chàng lấy dây kẽm làm áo, cà vạt bay để du khách chụp hình kiếm tiền trên con phố đi bộ dài mấy cây số. Gặp dân đòi đổi tiền đôla đầy đường. Có cảnh sát canh gác, sợ du khách bị lộn xộn.

Sau đó, đến Sofitel để check-in. Xớn xác, mình dắt đồng chí gái vào Hyatt hotel. Hỏi lễ tân thì họ tìm không ra tên mình. Hỏi lại có phải Sofitel, họ kêu không. Đây là Hyatt. Chán Mớ Đời bị đồng chí gái dũa cho một trận xớn xác. Cuối cùng thì cũng đi qua Sofitel, cách đó 50 mét. Vào đây là đã thấy bàn của công ty Ponant. Đưa tên là có hết, chìa khoá phòng, hỏi uống cà phê gì không. Lấy phòng thì rộng hơn ở Melia. Có bồn tắm đủ trò. Tính mướn đây luôn khi trở về từ NAm Cực nhưng nghĩ lại 4 giờ sáng phải ra phi trường để bay về Mỹ nên thôi. Cứ giữ phòng ở Melia. Uống nước no nê xong, hai vợ chồng ra chiếc cầu phụ nữ. Thử dịch theo Việt Nam; Nữ Kiều hay Phụ Kiều. Chán Mớ Đời.

Hôm qua xe buýt chạy ngang, mình thấy chiếc cầu này, muốn xuống nhưng oải quá, đành đợi hôm nay. Dạo này hè nên trời nóng. Được cái là không ẩm.

Chiếc cầu này được kiến trúc sư danh tiếng của Tây Ban Nha, Santiago Calavatras thiết kế. Ông này chuyên vẽ cầu rất nổi tiếng trên thế giới. Nghe giải thích là ông ta vẽ cặp đôi đang nhảy tango bú xua la mua. Rất nhẹ nhàng và đẹp. Khu vực này khi xưa là các kho hàng của bến tàu. Tàu đậu bến rồi chất hàng hoá vào kho. Sau này, họ xây bến tàu to rộng hơn thì khu này te tua, dân nghèo ở như khu La Boca gần đó.

Nói chung kiến trúc ở thành phố này rất đẹp. Mới cũng như cũ. Có các phố với kiến trúc như Paris, còn hiện đại thì cao tầng xây có Mỹ thuật. Hay nhất là họ có cây xanh, nên thấy thành phố không bị tù túng.

Nay họ xây cất lại, trở thành khu sang trọng nhất, đắt giá nhất của thủ đô. Đồng chí gái kêu đi viếng chỗ anh muốn coi rồi, giờ đến chỗ tui muốn chụp hình. Cô nàng đưa hình ra thấy họ vẽ trên đường. Mình đem tấm ảnh lại cho cảnh sát xem, để họ chỉ đường vì đại lộ số 9 tháng 7 rất dài. Đại lộ này được xem là rộng nhất thế giới, to hơn Champs Elysees của Tây. Cây cối được trồng đầy nơi suốt đại lộ. Cảnh sát nhìn hình cũng ngọng, kêu chưa bao giờ thấy ở đây. Mình tò mò hỏi vợ xem ở đâu, vì hôm qua hai vợ chồng lội 12 dặm ở trên đại lộ này trên đường về khách sạn mà không thấy. Hóa ra cô nàng xem trang quảng cáo các đại lộ lớn nhất thế giới, nhìn lại thì khám phá ra ở New yOrk. Mình nói đây đến New York, rất xa cưng, đợi khi nào rảnh mình làm một chuyến thăm con gái rồi đi xem luôn. Chán Mớ Đời 

Cô nàng thất vọng nên mình kêu đi đến shopping mall nổi tiếng ở đây. Kêu Uber, chở đến. Số nghèo và nông dân nên đi chỉ thấy khu thượng mại vớ vẩn nên hai vợ chồng đi dọc con đường phố đi bộ này khá xa. Lúc đó mới thấy mấy người Ảrbolito, đứng đường kêu đổi tiền. Đầy đường nhưng ớn. Mấy tên này có thể lừa mình, đổi tiền giả hay khệnh cho một trận, vớt tiền và giấy tờ. Cuối cùng đồng chí gái thích một cái áo nên đổi tiền luôn ở quầy hàng giá 350 pesos ăn 1 đô. Lý do là sáng nay, trả tiền khách sạn bằng tiền pesos, gần hết thêm đóng tiền test covid. Mình phải mua bảo hiểm, lỡ bị dính cái này là họ còn đền lại cho mình. Đâu có cho lên tàu.

Kiến trúc cổ điển chắc xây lâu rồi. Đi như ăn cướp nên mình không có thì giờ đọc lịch sử về mấy trung tâm này nhưng rất đẹp.
Đứng đợi Uber nên tạo dáng

Đi ngược về con đường thì mới khám phá ra cửa ra vào của Gallerias Pacifico. Mình xem hình thấy đẹp mà sao đến nơi đi bên phải nên không thấy. Chỗ vào thấy đẹp về kiến trúc. Chỉ có điều là họ không có máy điều hoà không khí nên nóng, bò ra lại. Mình rất ngạc nhiên vì đồng chí gái muốn về. Chắc đi cả mấy tiếng, mỏi giò. Mấy ngày nay, hai vợ chồng đi trung bình 12 dặm một ngày nên chân tay hơi oải.

Ngày này không ăn trưa vì 7:30 là có cơm tối với mấy người đi chung tàu cho chuyến đi Nam Cực. Ăn đồ tây, chắc là buffet. Về phòng, tắm rữa rồi đi ăn tối. Sáng mai dậy sớm vì 4-5 giờ sáng phải ăn điểm tâm xong thì lên xe buýt ra phi trường. Sau đó bay xuống Ushuaia để lên tàu ra khơi vào buổi chiều.

Trước cửa tiệm, họ đề hối đoái xanh nên vào mua sắm hay đổi tiền, chắc ăn hơn. Mình hỏi mấy người arbolito, người đổi tiền tiếng lóng thì họ kêu 342, 345 ăn 1 đô, nhưng tiệm này đề thẳng 350. Khỏi phải trả giá và tin hơn.

Thế là hết lo sợ lạc khách sạn, lộn tàu, không có máy bay đi Ushuaia. Nay chỉ vái là không bị dính covid là lên tàu ra khơi. Chỉ biết là đến eo biển Drake, nơi giao thoa của hai đại dương, Thái BÌnh và Đại Tây dương là mệt. Chết cha. Đồng chí gái bỏ cái vali của mình ở lại, trong đó có chai dầu xanh. Chắc ói rồi.

Mai đi sớm, lên tàu chắc sẽ không có internet dù nghe nói có wifi nên chỉ ghi lại trên tàu rồi khi về lại Cali sẽ tải lên sau. Chúc các bác được nhiều sức khoẻ và một năm mới được nhiều sức khoẻ. (Còn tiếp)

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Giờ chót thì nhận kết quả covid. Không có gì. Ăn cơm với mấy người đi chung tàu. Đồ tráng miệng ngon cực đỉnh. Chắc đi về là mập. Ngồi chung bàn có ông Thụy sĩ nhưng ở bên Mỹ, kêu không muốn đi mấy tàu kia vì bị Mỹ hoá do du khách Mỹ đi nhiều nên chọn tàu của Tây đi để tìm lại chút gì để nhớ của Âu châu. Vấn đề là đất hơn tàu Mỹ hay Âu châu.

Nguyễn Hoàng Sơn 


 





Bài tango cuối cùng tại Buenos Aires

 Sáng nay, phải đánh thức đồng chí gái dậy vào lúc 9 giờ sáng. Ăn sáng xong lại lên đường. Điểm dừng thứ nhất là quảng trường tháng năm, Plaza de Mayo đánh dấu tháng 5 cho cuộc cách mạng dành độc lập. Dạo ấy, ông Napoleon đánh chiếm xứ Tây Ban Nha nên sẵn dịp dân ở A Căn Đình, đúng hơn là các lãnh thổ, thuộc địa của Tây Ban Nha tại Nam Mỹ đứng dậy lật đổ ông sứ thần của vua Tây Ban Nha, tự xưng độc lập như Mễ Tây Cơ hay Hoa Kỳ,… họ chán phải đóng thuế cho mấy ông vua ở trời tây.

Tango đủ nơi trong Cabaret

Nhớ dạo mình còn sinh viên, có xem cuốn phim tài liệu về mấy bà mẹ mỗi cuối tuần ra quảng trường này, dương biển ngữ, hỏi con tôi đâu. Khi đám hội đồng tướng lãnh, lật đổ vị tổng thống được dân bầu lên. Họ kêu sinh viên là bọn mát xít nên bắt nhốt hết, rồi một số bị bắn giết, tra tấn,… nghe nói trên 30 ngàn mất tích, đến nay thân nhân, không biết tin tức.  Gần đây có một phim kể về ông quan toà xử án mấy tướng ra lệnh thủ tiêu. Nghe nói đoạt giải Oscar.

Họ đứng trên cái bar để nhảy tango, có cặp có đôi. 4 cặp nam nữ

Chụp hình kỷ niệm xong thì lấy xe buýt du lịch, chạy vòng vòng thủ đô. Giá 30 đô/ người thay vì 60 nếu trả bằng thẻ tín dụng. Khá hay! Từ những khu nghèo như La Boca có đội tuyển Boca Junior nổi tiếng, đào tạo những cầu thủ danh tiếng như Maradona,… thấy dân tình đi xem đá banh, đông như người bản xứ. Mua áo quần, cầm cờ xí đủ loại.

Xe chạy qua bến tàu cũ được họ thiết kế lại thành khu sang trọng như Wharf ở Luân Đôn. Nhà cửa đẹp, kiến trúc khá bắt mắt. Hình như thấy chiếc cầu do một kiến trúc sư Tây Ban Nha thiết kế. Mai rảnh mình chạy lại xem. Xe chạy nhiều nơi chính của thủ đô, sau đó hai vợ chồng nhảy xuống xe đi bộ vòng vòng rồi kiếm tiệm ăn vì đã 3 giờ chiều. Ăn xong lết bộ về khách sạn vào lúc 8 giờ tối. Tắm rữa xong thì thay áo quần, đợi tài xế đến rước đi xem Tango show. Một loại giải trí mà du khách đến xứ này, không bỏ qua. Mình thấy khuya nhưng đồng chí gái muốn đi nên phải đặt vé.

Đang ngồi, đèn tối bổng nhiên nghe tiếng hát phía sau lưng quay lại thì thấy cặp dưa hấu dừng sựng trước mắt. Đồng chí gái kêu bà này bơm ngực. Mấy bác nghĩ sao chớ em bị ám ảnh rồi. Chán Mớ Đời 

Chương trình có hai phần, ăn tối và xem show. Mình nói không cần ăn tối vì thường những bữa ăn tối như vậy, không ngon và đắt tiền. Mình xem trên mạng thấy giá mỗi show như vậy trung bình là $290/ người khiến mình xót tim nhưng đồng chí gái muốn thì phải chìu. Mình hỏi tên đổi tiền thì hắn lấy chỗ cho mình giá 41,500 AR. Tính ra giá chính thức là 245 đô, còn trả tiền tươi đổi là phân nữa, độ 125 đô/ người.

Đúng giờ tài xế đến đón với xế xịn Mercedes, bận đồ vét xôm trò, mở cửa cho đồng chí gái. Mình bận đồ bần cố nông, lại được tài xế bận đồ xịn, ngã nón chào đủ thứ. Đến nơi, là khách sạn to đùng, thảm đỏ đủ trò đi vào thấy đẹp sang quá cở đối với nông dân như mình. Đến nơi, nói tên, họ đưa vào chỗ ngồi. Thấy đa số đến ăn cơm tối trước. Đang đến phần tráng miệng. 

Ngồi xuống, họ đem rượu tới mời nhưng từ chối, đồng chí gái kêu trà, mình thì chỉ uống nước. Họ đem ra hai chai nước, uống chưa hết đã thấy họ đem ra thêm. Trước khi mở màn, họ đem biên lai đến để thiên hạ trả tiền. Không quen nên phải móc một cọc tiền ra rồi đếm tới đếm lui đến 90,000 AR thành một cọc tiền dày.

Không khí như một cabaret, chứa độ 100 người. Ban nhạc gồm 5 người, 1 dương cầm, 2 accordion, 1 contrabass và một vĩ cầm. Nhạc bắt đầu thì từ từ sân khấu hiện ra 4 cặp nhảy tango ào ào rồi thay đổi với hát. Có 2 ca sĩ chính, 1 nam 1 nữ. Bà ca sĩ, đi phía sau lưng mình hồi nào, bổng nhiên réo lên khiến mình quay lại. Nhìn lên chỗ sân khấu mấy nhạc sĩ thì chỉ thấy 2 trái dưa hấu của bà ta vì bận áo lộ hàng, chân dài tới đầu mình. Kinh

Đồng chí gái kêu bà này bơm ngực. Nói chung mình chả nghe bà ta hát, chỉ ngưỡng mộ cặp dưa hấu to đùng của bà. Các vũ công nhảy múa trên bàn của cái bar, trên sân khấu đủ trò. Họ hát nhạc xứ họ theo điệu Tango nên chả biết. Chỉ có một bài là nhận ra La Cumparsita. Xong om

Đồng chí gái kêu đi nhà vệ sinh, mình đứng dậy khiến đồng chí gái ngơ ngác. Mình nói đi với tây thì phải lịch sự khi vợ đứng dậy còn thường thì làm nông dân. Mụ vợ kêu khỏi cần. Chán Mớ Đời 

Có nhiều người Mỹ bỏ ra về sớm, cạnh bàn mình có một cặp trẻ Ý Đại Lợi, ra về sớm. Chắc tại tên bồ ngắm mấy quả dưa hấu của bà ca sĩ độ 50 tuổi. Cứ nghe nhạc tango từ đầu đến cuối nên hơi bị Chán Mớ Đời. Xong chương trình, thiên hạ vỗ tay như du khách. Hai vợ chồng ra về, đi tiểu lần chót như bản cuối tango.

Tango là một vũ điệu nghe nói ảnh hưởng từ các người nô lệ đến từ phi châu, rồi thêm mấy người di dân, xa quê hương từ Ý Đại Lợi, Đức quốc,… dưới thời cai trị của chế độ quân phiệt thì bị cấm. Lý do nam nữ ôm nhau quá gần. Phải công nhận ôm gái nhảy kiểu mấy vũ công thì chắc chưa hết bài hát, là đã đè xuống rồi, thấy mấy bà đưa chân, đá móc, kẹp vào thân thể đàn ông thì ai mà chịu được. Chỉ có mấy ông đồng tính thì chắc không cảm giác gì.

Thấy họ vẽ trên tường ngoài đường về đồng tính nữ. Chán Mớ Đời 

Nói đến đồng tính, hôm kia đi bộ, thấy phía trước có một bà thân hình thon thả, đến khi bà ta quay lại, thấy một ông để râu khiến mụ vợ hét lên kinh hoàng. Đi ngoài đường thấy nhiều cặp đồng tính, dẫn chó đi ỉa,… khá đông. Ở Quận Cam, đi xe không nên ít thấy. Đây đi bộ nên gặp nhiều. Hôm qua hai vợ chồng đi bộ đến 12 dặm. Đồng chí gái đi theo được dù khôgn mang giày, chỉ đi dép. Phụ nữ họ muốn đẹp để chụp hình.

Ra cửa, đã có bác tài xế đợi. Về tới khách sạn, boa nặng cho bác vui vẻ, đợi hai vợ chồng từ 9:15 đến 12:15. Lên giường ngủ tới sáng. Mệt, đi bộ cả ngày trên 11 dặm, lại thức khuya quá 12 giờ đêm. Đồng chí gái nhắn tin đủ trò với bạn. Giờ mình dậy sớm, mụ vợ còn ngáy. 

Trả tiền bằng một cọc tiền. Kinh

Tối nay phải dọn qua khách sạn Sofitel ngủ với nhóm đi chung tàu. Sáng mai họ đưa ra phi trường, xuống Ushuaia để lên tàu ra khơi. Đi Nam Cực. Sau chuyến hải trình, mình phải bay về B.A., ngụ lại một đêm vì máy bay đến trễ so với chuyến bay về lại cali. Sẽ về ngày 30, kịp cúng ông bà. Con cháu đi chơi quá độ.

Hôm nay, đợi ăn sáng xong thì gửi hành lý cho khách sạn, đi chơi một tí, trưa ghé Sofitel lấy phòng. Sau đó về khách sạn lấy hành lý rồi tính sau. (Còn tiếp)

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn