Đường Phan Đình Phùng Đàlạt xưa

Đường Phan Đình Phùng Đàlạt xưa



Nhìn tấm ảnh này, nhớ khi xưa, sau khi đậu Brevet, ông bà cụ mua cho chiếc xe đạp, mình hay đạp lên cái dốc này chạy theo đường Duy Tân, lên khu Hoà BÌnh rồi quẹo về đường Minh Mạng, vài vòng như vậy là mòn hết thắng xe. Sau đó phải lấy chân mang dép chèn bánh xe lại từ từ rồi lại mòn luôn đôi dép. Chán Mớ Đời

Một hôm đi xe đạp thắng gấp bằng dép, té lăn cù đèo, móp méo hết cái xe. Xe làm tại Chợ Lớn, sau này mới hiểu là do công ty bố mẹ tên bạn ngày nay làm. Đem về nhà để một xó trong kẹt. Sau 75, nghe nhà nói, có người đến mua, mừng quá.



Khúc này là ngã ba đường Phan Đình Phùng và đường Duy Tân gặp nhau ngay cái dốc. Hồi nhỏ mình nhớ ông cụ mình hay đến cái kiosque ngay ngã ba để học đánh máy. Thấy xa xa sau cái am ngay ngã ba có cái kiosque. Sau khi giải ngũ, ông cụ không nghề ngỗng nên đi học đánh máy để thi vào ty công chánh làm thư ký. Cái kiosque bán và sửa máy đánh chữ và dạy đánh máy.

Đối diện bên đường Duy Tân là một căn nhà của một tên bạn học chung lớp khi xưa. Sau này định cư tại Gia Nã Đại, nghe nói vừa qua đời cuối năm vừa rồi hay đầu năm nay.

Mấy người lớn hay kêu đường Phan Đình Phùng là đường Cầu Quẹo. Mình không hiểu từ đâu ra. Bà cụ nói vì con đường quẹo xuống Hải Thượng vào Hoàng Diệu mà người ta hay kêu Lò Gạch.

Ai biết thì cho em xin.



Trước cái kiosque, có cái am, dưới cây thông không biết còn hay không. Thông thường chỗ nào có người chết người ta làm cái am để thờ. Mình đoán chỗ này chắc có người chạy xe bị cán chết hay sao đó.

Hình này chụp từ chỗ cái dốc đường Duy Tân, đi lên đến đường Phan Đình Phùng. Căn nhà đầu tiên bên tay trái là phòng mạch của bác sĩ Phạm Trọng Lương, ở lầu trên còn lầu dưới là nhà bảo sanh Trương Thị Lập, bà cụ mình sinh cô em kế tại đây. Bác sĩ Lương, nhà ở Chi Lăng, chỗ nhà ga xe lửa lên một tí, chắc là đường Nguyễn Trãi. Mình có vào nhà một hai lần chi đó, có một người con trai, tên Khôi thì phải, hình như là giáo sư anh văn của trường Võ Bị, 1 người cháu nội học chung với mình khi xưa, nay định cư tại Pháp quốc.



Chỗ này có con hẻm nhỏ đi vào khu nhà ông giáo Kim, có trường dạy con nít ở cạnh khách sạn Mimosa, ngay dốc lên đường Hàm Nghi, nhà thờ Tin Lành, có người con tên Ánh, bị chột một mắt, học Yersin trên mình vài lớp. Nếu đi tới nữa thì sẽ gặp trường hoa ngữ Tân Sanh cho người Việt gốc Hoa. Mỗi lần có đại hội thể thao học sinh thì các trận đấu bóng rổ đều được giao đấu tại trường này.

Khúc này mình ít quen ai, có gia đình bác Nguyễn đình Thừa làm thợ mộc. Hai bác thân với bố mẹ mình, có dự đám cưới của mình. Bác Thừa Gái có tính như bà cụ mình, hay hát. Mỗi lần gặp là bác hát: “ai đi mô rồi cũng nhớ về Đàlạt, nhớ hồ Than Thở, nhớ thác Cam Ly,…” Nhà số 43 thì phải. Cạnh đó có nhà cậu Lê Xuân Đằng, bà con chi với bà cụ mình, hướng đạo Lâm Viên, hay chạy chiếc xe Lambretta lên trường Bồ Đề.

Cạnh đó. Có tiệm bán than mà khi xưa hay chở đến nhà mình, giao mấy bao mỗi tháng rồi sau này nhà mình dùng lò dầu hôi nên hết đem lại.

Cạnh đó có ông thầy thuốc Bắc Huỳnh Ôn. Lạ là sau 75 không thấy ông ta đi như bao nhiêu người gốc Hoa khác. Mỗi lần bà cụ mình ở cữ là sai mình chạy xuống tiệm ông này bổ 10 tháng thuốc bổ. Lúc có bầu mình, bà cụ uống thuốc tễ của ông ta nên sinh mình ra da đen như cái bánh gai. Kinh

Nhờ bán thuốc tễ, ông ta xây nhà lầu cho con cháu như điên.

Hình này chụp chỗ khu trường Tân Sanh. Có chiếc xe mì gõ, trước Mậu Thân thì ông tàu và người con hay đi qua khu nhà mình để bán ban đêm, sau này thì mất tiệt vì lệnh giới nghiêm ban đêm nên không thấy họ đẩy xe đi bán nữa.

Chỗ xe mì, nhìn qua đường là nhà của anh Bôn, thủ quân đội tuyển túc cầu Đàlạt, sau bị Việt Cộng gài lựu đạn nổ xe chết trước nhà hàng Nam Sơn với ông Thanh, ông bầu của đội banh Đàlạt. Sau này đội banh nhờ ông cụ mình làm ông bầu cho đội banh. Sau khi đá là trả tiền cho họ tắm gội ở nhà nước nóng Minh Tâm, dẫn đi ăn, bồi dưỡng lại.

Có anh nào kể trên mạng là gia đình anh ta bị đặt chất nổ khiến bà cụ anh ta chết, sau này họ đặt chất nổ ở khu phố 1 để giết ông bố, tên Nguyễn đức Trí, làm phó khu phố nhưng may ông ta đi khỏi. Mình hỏi có phải nhà ở cây xăng ngã ba chùa thì anh ta trả lời đúng khiến mình tái mặt nhớ lại vụ này khi xưa. Kinh.

Sau Mậu Thân, Việt Cộng nằm vùng có chương trình khủng bố đặt chất nổ, hay tối tối đến nhà bắt mấy công chức đi giết nên ông cụ mình đem mình ra phố ngủ lại nhà bà Hiệp Thạnh đường Duy Tân. Sau này với chiến dịch Phượng Hoàng thì mới bớt trò này. Dạo ấy, trên Số 4, trưởng ấp hay bị bắt và xử tử còn thanh niên thì bị bắt đi chống mỹ. Có mấy tên học trường Trần Hưng Đạo bị bắt. Chán Mớ Đời

Có lần, sáng vừa ra khỏi nhà, thấy ai treo cổ hình nộm hcm trên cành cây Mimosa trước sân nhà mình. Chạy vòng vòng xóm thì cũng thấy tương tự vài hình nộm được treo cổ trên mấy cây trước sân nhà thiên hạ. Mình đoán dân của chiến dịch Phượng Hoàng thực hiện như răn đe dân nằm vùng.

Mình có anh bạn học chung khi xưa, nhà cạnh hãng cưa Xu Tiến ngay ngã ba chùa, cạnh nhà bà dì ruột của mình, tiệm hớt tóc. Nếu mình không lầm có cái quán bán mỳ quảng hay cơm tấm chi đó. Khi xưa, bị đặt chất nổ, có lần mình nhắc vụ này thì anh chàng khuyên quên đi, đem lại nhiều xì trét của một thời.

Bên tay trái là bãi đất trống với mấy bụi hoa Quỳ, thấy con dốc Nhà Làng đi từ đường Phan Đình Phùng đi lên đường Nguyễn Biểu, Minh Mạng.

Sau này ông Đoàn, ba của hai anh em Chương Trình, học Yersin và tiệm chụp hình Mỹ Dung, đường Minh Mạng thì phải, hùn nhau xây 3 hay 4 căn nhà lầu ở đây. Mình có vào đây xem.

Đối diện vùng đất trống này là nhà hàng và nhà nghỉ Cẩm Đô. Ông chủ quen bà cụ mình, anh của nhà thuốc Thế An Đường ở đường Duy Tân, bác của Hùng con Cua, bạn học cũ. Khi ông ta và cô em gái sang định cư tại Pháp, mình có ghé thăm vài lần sau này đi làm ở xứ khác nên hết gặp. Ông chủ đã qua đời, còn cô em gái thì ở viện dưỡng lão.

Còn tấm hình này chụp ngay ngã ba Cẩm Đô và Phan đình Phùng.

Chiếc xe bán hàng này cũng vớt một ít tiền của mình khi xưa. Bán báo, tranh ảnh dích hình. Lại thấy một xe mì, trước tiệm thuốc Bắc Ngô Duy Khương. Thấy có tiệm giặt ủi, khi xưa nhận giặt áo quần cho lính Mỹ nhưng không quen.

Nói đến xe mì, ở bên hông của nhà hàng Cẩm Đô có một xe mì mà dân cư Đàlạt dạo ấy hay gọi Mì Cẩm Đô. Rất ngon và đông khách. Mỗi lần đau là mình ăn một tô mì ở đây là hết bệnh nên sau này cứ đau là mình chạy ra bôn sa làm tô mì nhưng đau vẫn hoàn đâu. Chán Mớ Đời

Dọc bên hông nhà hàng Cẩm Đô, ngoài quán mì, còn có mấy quán hàng ăn khác, nay là cái chợ buổi sáng ở khu này.

Đối diện dãy nhà này là nhà và phòng mạch của bác sĩ Đào Huy Hách, có mấy thang cấp đi lên. Bà vợ hay mua hàng của bà cụ mình. Nói chung phía khúc này ít nhà, nếu có là trên đồi, xây talus hết vì phía trên nữa là đường Minh Mạng, có tiệm bi da Hồng Ngọc,…

Xa hơn tí nữa là căn nhà 2 tầng, bằng gỗ mà căn cuối là tiệm hớt tóc Như Ý, nhà của tên bạn học khi xưa, Đinh Anh Quốc. Hắn hay ngồi bên cửa sổ, đánh đàn ngắm mấy em đi học về, khởi đầu cho cuộc tình kinh tế mới Tutra sau 75. Kinh. Có cô bạn kể khi xưa, mê tên này, hay đi ngang nhà hắn, để nghe hắn đánh đàn.

Đi tới một tí nữa thì có bãi đất trống với cái am to đùn nằm chình ình, rồi có tiệm giày Hồ Út. Rồi đến tiệm ông thầy mằn tàu, năm mình học lớp 11 vào thùng lũng tình yêu tắm thì có 3 tên bò vào bơi ra ngoài hồ. Rồi hai tên bơi vô lại còn một tên cứ bơi xà quầng nên mình nhờ tên bạn bơi giỏi ra xem. Hắn bơi vô lại, kêu không dám cứu và cả đám cứ nhìn anh chàng từ từ chìm xuống hồ.

Xui cho anh ta, hôm ấy nhóm mình quên đem cái phao. Thông thường, anh bạn Dương Quang Trí, đem theo cái phao nổi của phi công. Loại mà phi công gắn ngay cổ để khi rớt xuống nước thì không bị uống nước. Hôm đó, hắn không đem theo nên anh chàng học sinh trường Tân Sanh chết đuối.

Rồi đến khu rạp Ngọc Hiệp. Đã kể rồi. Hôm nào rảnh sẽ kể khúc đường phía kia vì mình quen nhiều hơn.

(Có người bổ túc thêm: Cám ơn anh Sơn đã gởi bài viết về khu PĐP ,Nhìn hình Thu Nhi có nhớ lại được vài điều. Nhà ông bà ngoại Tn số 28pdp.Thunhi về ở đó từ năm 69 sau khi bố mất cho đến 75.Nếu trí nhớ Thunhi không tồi thì bên cạnh trường Tân Sanh có tiệm làm răng Minh Sinh ,sau này dọn về Saigon. Anh Bôn hinh như là chồng chị Ánh nhà có tiệm bán gạo đối diện nhà ThuNhi. Đi lại một chút có tiệm thuốc bắc quên tên rồi, canh đó có tiệm tân sanh mà tụi này gọi là tiêm ông tàu mập, buổi sáng có bán bánh mì xíu mại rất hấp dẫn. Còn lai một hai tiệm bên cạnh thì quên tên rồi. ThuNhi có biết nhà ông bà Thừa quen với ông bà ngoại. Tiệm ông tàu bán than cũng có thời gian bỏ than cho nhà ThuNhi. Ngay góc ngã ba Pd p DuyTân là tiệm phở Đắc Tín. Có vài điều còn nhớ gởi anh Sơn xem có đúng không. Người mà đặt chất nổ ở khu phố là vợ ông Trác làm công chức ở cạnh nhà ThuNhi. Lúc nổ có một đứa trẻ bị bay từ trên khu phố xuống trước nhà bà và chết tại chỗ vì bi bể nát đầu và mất một chân.Lúc đó sao ThuNhi gan quá, dám chạy ra xem để rồi sau đó sợ đến  tối không bao giờ dám đi ngang qua đó. Bà này sau 75 được  Việt cộng ghi công mọi người mới biết là bà đã leo lên cái đồi sau nhà Thunhi để đặt chất nố phía sau khu phố!   Bên cạnh nhà đó là  nhà ông mười, có bán bún bò ngon lắm. Và bên cạnh là nhà ông luật sư Phùng  văn Tuệ sau bán cho một người thầu khoán.Rồi đến một dảy nhà mấy căn liền nhau là nhà của mấy dì và mẹ anh Bôn.rồi đến nhà bà bảy nhồng có giếng nước mà cả khu nhà  ThuNhi phải mướn người gánh để dùng. Phải công nhận anh Sơn có trí nhớ siêu việt. ThuNhi không còn nhớ gì nhiều về Dalat. Alzheimer rồi.
ThuNhi )

(Hình ảnh lấy từ trên Internet, không biết tác giả, cảm ơn)

Nhs

Thùng gỗ rau cải Đàlạt xưa

Thùng gỗ rau cải Đàlạt xưa

Nhìn mấy tấm ảnh này khiến mình nhớ lại một thời đi đóng thùng gỗ, nhà vườn dùng đựng rau cải, bán cho quân đội mỹ và người Đàlạt ăn rau cải hư nhiều hơn. Bao nhiêu rau cải tốt, nông dân Đàlạt đem bán cho nhà thầu để cung cấp cho người Mỹ, kiểu nhà vườn ăn trái sâu.

Thông thường, dân làm vườn Đàlạt, cứ chuyền nhau bắp sú hay cải, quăn lên xe tải, chất đầy xe để chở đi Sàigòn. Tới nơi lại thay nhau quăn xuống mấy giỏ cà xé. Mất thì giờ. Khi quân đội mỹ qua thì họ làm theo hệ thống bỏ vào thùng để dễ di chuyển, chớ cứ thay phiên nhau quăn lên hay xuống xe theo lối rẻ tiền tốn công. Không có thùng giấy như người Mỹ nên phe ta đóng thùng gỗ thông, chặt vô tội vạ trong rừng Đàlạt.

Ở xóm Địa Dư, có nhà ông Lào thầu đóng mấy thùng gỗ này cho nhà thầu rau cải cho mỹ. Không biết sau 75, gia đình ông có bị tố hay không vì hàng xóm kế bên nhà là bà phó chủ tịch quốc hội Việt Nam ngày nay. Nghe nói con của ông ta nay thành đạt hết. Ông ta hay nói với bà cụ mình “nhà chị có cái mả học, còn nhà tui có cái mả ăn”. Mả học đến thời Việt Cộng vào thì đi cuốc đất, cũng không được học. Chán Mớ Đời

Ông Lào đã mất chỉ còn bà Lào. Mấy cô con gái của bà Lào hay rên là bà cụ mình thì đi đây đi đó, tập Thái Cực Quyền mỗi sáng còn bà thì cứ nằm rên, khiến bị bà Lào chửi nát nước, kêu mi lên ở với mụ Đoài đi.

Ông thầu rồi gia công cho hàng xóm đến đóng, hay đem về nhà để gia đình đóng, rồi đem nộp lấy tiền công. Hay chỉ cần vác cái búa đến nhà ông ta rồi họ đưa gỗ đã cắt ngay ngắn theo từng bó, ngắn dài rồi đóng thôi. Đóng xong kêu con ông ta đến kiểm.

Lúc đầu nhà bà Hoà, hàng xóm của mình thầu về đóng. Nhà bà này có hai thằng con trai nhỏ hơn mình nên đóng đinh, đóng búa như cà tây. Mình tò mò sang nhà xin đóng ké. Đóng xong thay vì trả tiền, bà ta làm bột mì rồi vò như con sâu rồi chiên dầu, bán lại cho mình trừ tiền công. Ngồi viết lại đây mà vẫn còn ấm ức, bị người lớn dụ khị. Hình như bà cụ mình nói mình xuống nhà ông Lào đóng thùng thì phải, khuyên không nên để tay môi giới ăn chận.

Mình xuống nhà ông Lào, năn nỉ mấy thằng con ông ta cho đóng thùng và hứa đá banh cho đội của chúng. Mình đá cũng tạm tạm nhưng chạy nhanh, đứa nào cứ đá lên, mình chận banh rồi đá về phía gôn rồi chạy trước hậu vệ của chúng, đá lọt vô gôn, chả biết lừa gì cả. Thế là mình cứ đi học về, vác cái búa xuống nhà ông Lào đóng vài cái thùng kiếm tiền ăn hàng. Đó là nghề đầu đời của mình kiếm ra tiền. Sau này, bà cụ bán gạo, kêu mình  vác gạo giao cho khách hàng có tiền nhiều hơn. Nghĩ lại khi xưa mình ốm nhom mà sao khiên mấy bài gạo được hè.

Dạo ấy đi đâu cũng thấy nghe tiếng búa đóng đinh khắp phố phường. Nhà ông Lào, mình thấy thiên hạ ngồi đầy sân, ngay con đường đi qua vườn ông Ba Đà. Tối người ta câu giây điện, treo bóng đèn đóng, kiểu đóng ngày chưa đủ tranh thủ đóng đêm. 

Mình đoán dạo ấy nhà vườn Đàlạt làm tiền nhiều vì bán cho 500,000 binh sĩ mỹ là hết rau với cải. Nghe nói Việt Cộng tiêm thuốc độc vào mấy trái dưa hấu hay trái cây chi đó để lính mỹ ăn chết gì đó. Nên cũng sợ hết dám ăn dưa hấu.

Nhà mình có mấy mẫu đất trong Suối Tía nhưng sau Mậu Thân hết dám làm vì không có người làm thêm Việt Cộng hay bò về. Sau 75, đi tù về ông cụ buồn đời, bán rẻ cho ông Lào.

Ngược lại, quân đội Mỹ sang thì mấy trái cây như nho táo, cam mỹ màu vàng thay vì màu xanh như cam Việt Nam, được lính mỹ lấy ra bán cho người Việt nên cũng thích. Trước đó chỉ thấy trong xi nê. Bù lại thì các đồ hộp của Mỹ tràn ngập chợ trời. Thiên hạ mua ăn như mấy lon trái cây có đào, mơ, trái thơm, đào đủ trò hay những lon bơ đậu phụng, trong đó có mấy miếng bánh, chấm quẹt ăn ngon cực. Chỉ điều khi sang mỹ thì hết thèm.



Mình có đọc một tường thuật của vụ điều trần hạ viện Hoa Kỳ về nông dân làm nho ở Cali bị đối xử te tua trong thời chiến tranh Việt Nam. Hạ viện hỏi có bán cam, táo,.. Cho người Việt địa phương không? Trả lời : “Negative”. Kinh. Mình nhớ dì Bơn, bán trái cây ngoài chợ có từng thùng táo mỹ, và cam mỹ với ruột màu đỏ oái.



Có món thịt heo mà người Mỹ gọi Ham, ăn chua chua, phải chiên lại khiến mình không bao giờ dám ăn lại loại này trong hộp từ ngày sang mỹ đến nay.



Dạo ấy thấy xuất hiện cái đồ khui đồ hộp thay vì lấy con dao bầu rồi khui như trước. Thêm người Mỹ có cái đồ khui bia và lon đồ hộp để khui mấy hộp lon sữa.

Thôi ngưng ở đây. Chán Mớ Đời

Nhs

(Hình ảnh lấy trên internet, không biết tác giả. Cảm ơn)

Từ Tù Việt Cộng đến Pulau Bidong

Từ Tù Việt Cộng đến Pulau Bidong

Cuối tuần qua, đến nhà bạn ăn uống mừng sinh nhật chủ nhà, ngồi nói chuyện với mấy người bạn. Có anh gốc quận 5, Chợ Lớn, tay ghita khét tiếng ở vùng Bôn sa, kể ngày xưa đi vượt biển bị bắt ở tù, cười ra nước mắt.

Anh này nói giọng Chợ Lớn khá ngộ. Anh nói ngộ 18 tuổi, chưa bao giờ rời khỏi nhà, đâu có biết gì, tía má ngộ kêu lên tàu không được thì về. Ngộ đâu có chống họ đâu. Đây họ bắt ngộ đi tù, lao động còn kết án ngộ 24 tháng tội phản quốc. Ở tù 2 năm, ra năm 1986, lại đi tiếp, bể mấy lần, lần cuối đi từ Cần Thơ, may quá đi lọt, tưởng bị bể đi tù nữa. Ngộ ở tù sướng hơn tụi tù kia.

Họ khôn lắm, tù hình sự là trộm cướp còn vượt biển là tù chính trị. Họ cho xen lẩn vào nhau để xem xét lẫn nhau. Ngộ 18 tuổi biết gì mà là tù chính trị. Tối ngày ăn xong tập cán bộ đánh đàn.

Mình hỏi đi tù ở đâu, anh ta kể tên gì không nghe kịp vì giọng Chợ Lớn, gần địa danh Đồng Soài, trại tù có đến hơn 1 ngàn người. Sáng 5 giờ sáng, vác cái cuốc đi lao động. Trời ơi, cuốc đất muốn gãy lưng, anh ta làm bộ như đang cuốc đất ngày xưa. Cả đời ngộ ở Chợ Lớn với tía má ngộ sướng chết con lĩ mệ, nay cán bộ bắt ngộ đi lao động. Đang sống sung sướng, họ giải phóng mình một cái té xuống đất, đi lao động cuốc đất.

Cái thằng Việt Cộng đừng có tin nó. Nó kêu mình đi học là nó bỏ tù mình, bắt cuốc đất. Nó cướp hết nhà cửa của mình thì kêu là giải phóng. Nó kêu mình lên phòng làm việc là để đánh mình.

Mình hỏi sao gốc hoa mà không chạy về tàu. Anh ta kêu trời ơi, cái cờ Việt Cộng chỉ có 1 sao mà đã khổ chết con lĩ mẹ, cờ tàu có đến 4 5 sao thì khổ gấp 4 5 lần.

Anh ta nói may quá cán bộ thích đánh đàn nên ngộ được miễn lao động. Năm 15 tuổi, tía má ngộ cho học đánh đàn nên ngộ cũng biết đại loại “tình Bơ vơ”, đánh từng dây một thay vì rãi như thiên hạ nghe đã hơn. Cán bộ mê đánh đàn, thấy ngộ chơi lead gui-ta ngầu quá kêu ngộ không lao động, vô ngồi ăn cơm với cán bộ, rồi chỉ cán bộ đánh đàn. Cán bộ chỉ biết cuốc đất, bắn súng không, tay chân như khúc gỗ nên gãy đàn đâu được.

Mấy thằng trưởng tù, tức lắm nên doạ khi nào ngộ hết được cán bộ ưu đãi là chúng đạp cho dập mật. Cán bộ cho ngộ lên làm trưởng tù nhưng ngộ xin làm tù phó thôi. Hỏi lý do. Trời ơi, làm trưởng tù khổ lắm, có đứa nào trốn trại là lãnh nợ, hết đường dìa với tía má ngộ.

Cứ mỗi nhóm tù là 50 người, tối cứ thay phiên đếm 50, ngộ đâu rành tiếng Việt đâu, phải đếm theo tiếng Việt bị lộn hoài rồi kêu toán tù “đủ” mà ngộ kêu “Lủ” là cán bộ không hiểu, la ngộ chít con lĩ mệ.

Trong toán ngộ có một thằng nhà giàu, da trắng trẻo lắm lại hát hay. Thấy nó cầm cái cuốc lên không nổi thấy tội nghiệp quá, được cái là nó hát hay. Ngộ là đờn sĩ còn nó là ca sĩ nên hợp rơ, kêu cán bộ cho nó nghỉ lao động để tập dợt văn nghệ hát liên hoan mừng được ở tù.

Chời ơi, trong tù khi có văn nghệ là ngộ oai lắm, mấy tù gái chịu ngộ lắm, thân tình lắm nghe. Hot Boy tù.

Hai năm trời bận đồ tù để không trốn trại được. Tới liên hoan thì ngộ kêu gia đình ngộ gửi cho bộ đồ thường, bận lên sân khấu. Sang à nhe. Khác với bạn tù ở dưới, quanh năm bận đồ tù.

Trong tù ngộ sướng chớ, ở ngoài anh ngộ khổ lắm. Cán bộ về Sàigòn, là phải cho mượn xe Honda đi chơi, rồi còn cho tiền cán bộ để nó không hành ngộ. 2 năm trời. Cực khổ lắm.

Mình hỏi có sợ Việt Cộng không. Anh ta kêu sợ chít con lĩ mệ chớ sao không sợ. Ngộ về Việt Nam thăm gia đình, mấy chục năm rồi mà ngộ mà vẫn sợ. Ngày nay vẫn còn sợ. Ở bên mỹ thì hết rồi, không còn nằm mơ nữa, còn về Việt Nam là cứ mớ ở trong tù. Cứ như ở tù mà lớn hơn xưa. Gia đình ngộ sau 1988, họ cho làm ăn nên bắt đầu khá, này anh ngộ thành đạt lắm dồi. Hay qua đây chơi.

Mình hỏi thế qua đảo có được o bế không. Trời đất ơi! Sang đảo ngộ là soái ca mà. Biết lánh làn một chút xíu là mấy cô thân tình lắm. Trong ghe của ngộ có 5 người, bà chủ tàu kêu đi đâu phải đi cùng. Có 2 chị em xinh lắm, có một bà cứ theo ngộ hoài và một cô gái sau lày làm dzợ của ngộ rồi đưa ly rượu lên húp một phát, mắt nhìn xa xa về cổ xa xăm như để nhớ lại một thời vàng son, được gái mê, làm Hot Boy trong tù. Mình kêu kể tiếp.

Anh chàng kêu đến Mã Lai, ở Pulau Bidong 18 tháng hay 2 năm chi đó. Huê kỳ nó hốt ngộ như hốt rác vì ngộ không thuộc diện nào hết. 5 đứa đi chung ghe nên lên đảo thương nhau lắm, lo lắng cho nhau. Có một bà cứ ái ngộ mà ngộ không chịu. Ngộ ái hai chị em đi chung ghe. Đẹp lắm. Sai ngộ gì cũng làm hết chơn kêu ngộ chết ngộ cũng chết nghe.

Nhưng mà nị biết tình Bidong có giấy là dông nên ngộ mất liên lạc, tìm không ra hai chị em này. Còn lại một cô gái cũng như ngộ, đi một mình, ngộ thấy tội nghiệp nhưng rồi có giấy là dông đi mỹ.

Cô ta được một gia đình mỹ ở Nebraska bảo trợ. Họ có hai tiệm bán đồ tạp phô, thiếu người coi sóc ở xứ khỉ ho cò gáy, còn ngộ thì đi New Jersey. Cô kia rũ ngộ sang Nebraska nhưng ngộ ngại vì sang bên đó, gia đình mỹ có chịu hay không nên cô nàng về New Jersey.

Ngộ thấy người ta bỏ hết đi theo ngộ nên cố gắng làm ăn để đáp lại tình cảm của cô nàng. Từ 5 năm này dọn về Cali, coi như về hưu 50%. Mỗi ngày mỗi khá lên. Anh chàng nâng cái ly rượu lên húp cái rụp như mình thường húp nước mì hủ tiếu.

Cali sướng chết con lĩ mẹ. Muốn ăn cái gì cũng có, khỏi mất công nấu ăn. Cuối năm mấy ban nhạc quen tổ chức Tân Niên là mình đi. Không cần đánh đàn, ngồi ình doi uống rượu là sướng cuộc đời.

Hồi năm kia, ngộ về New Jersey, thăm mấy thằng bạn cũ. Trời ơi! Đến nhà tụi nó, luộc con gà muối, chấm xì dầu ăn như xưa. Mình ở có 3 ngày là bỏ chạy về lại Cali. Ở đây, muốn ăn cái gì là có, chạy 10 phút là ra phố. Còn bên kia trời chán thấy bà. Biết vậy ngộ dọn sang đây từ lâu rồi.

Nghe anh bạn kể chuyện đi tù mà mấy chục năm sau vẫn còn sợ, mơ về nó. Anh ta có kể là ở Mỹ thì hết còn bị ác mộng về những năm tháng tù đày. Điều anh ta nói là về Việt Nam thăm gia đình thì bao nhiêu hình ảnh ở tù lại trở về. Anh ta có cảm tưởng Sàigòn hay Việt Nam là một nhà tù lớn.

Mình có cô giáo dạy việt văn khi xưa kể; có hôm nằm ngủ mơ về Sàigòn, được giấy tờ xuất ngoại. Có ông đạp Cyclo chở ra phi trường nhưng ông ta đạp rất chậm. Cô sợ trễ giờ nên nhảy xuống xe, để đi cho lẹ thì khám phá ra té xuống giường, gãy mấy cái xương. Chán Mớ Đời

Xong om
Nhs

Lại chuyện thừa kế

Lại chuyện thừa kế

Tuần rồi, đồng chí gái kể cô bạn học Trưng Vương và ông chồng đi Việt Nam chơi với một nhóm bạn. Đến Sàigòn thì mặt ông chồng bổng như người ăn nghệ. Mệt quá nên ngưng chuyến đi, bay về mỹ đi bác sĩ, phán là bị ung thư lá lách giai đoạn 3. Kinh.

Cặp vợ chồng này, mình có gặp vài lần khi mấy bà Trưng Vương họp mặt. Dễ thương lắm.

Mình nói vợ kêu họ vào muctimsonden.com, đọc bài mình viết về ”đừng sợ ung thư” vì trong lúc này quýnh lên thì cứ nghe ai mách thầy nào là chạy theo đó. Phải bình tỉnh để chữa trị.

Lý do mình nói là thấy thiên hạ bị bệnh đến Đông Phương Hội chữa bệnh rồi hôm sau đến người khác. Phải bình tỉnh để một ông thầy chữa bệnh sau một thời gian thấy không khỏi thì tìm ông khác. Chớ ông này cho thuốc Á ông thứ hai cho thuốc B, phá thuốc A thì chết sớm. Phải bình tỉnh, đi vài bác sĩ khác nhau để họ chẩn bệnh và nói về cách chữa trị.

Hôm qua, mụ vợ bổng nhiên kêu cô bạn muốn hỏi mình về làm Trust. Chán Mớ Đời

Mình lại kêu vào muctimsonden.com có mấy bài anh viết về chuyện thừa kế. Đọc xong rồi có gì thắc mắc thì hỏi. Chớ bây giờ hỏi thì ai biết đâu mà mò. Lạ mấy người này ở Hoa Kỳ mà không làm mấy vụ này, rồi khi nước đến trôn thì loạn quạng, nhiều khi làm không đúng. Thêm tốn tiền. Luật sư mà đánh hơi là bị ung thư là nó chém không nương tay. Gặp thằng mất dạy, nó viết thiếu tùm lum để khi hậu sự đến, nó chém như điên.

Vui là hôm trước đọc một nghiên cứu về tình dục thì họ cho biết mấy người luật sư, khi làm tình chuyên giả bộ rên rỉ. Người ta khuyên gặp luật sư là nên bỏ chạy, không nên giường với họ. Chán Mớ Đời

Hôm trước ra bôn sa, óp-lai với nhóm Facebook trường tây trường ta thì có chị kêu là không biết, hay ngó ngàng gì đến tài chánh, giấy tờ vì có chồng lo hết khiến ông chủ sự thất kinh, nói chị ta nên để ý,…

Lấy vợ lấy chồng thì cùng chung nhau xây đắp cuộc tình, hạnh phúc cho gia đình nhỏ bé nhưng dần dần chúng ta đâm lười nên cứ phó thác cho người phối ngẫu đến khi có việc thì mới khổ.

Khi lấy vợ, mình ní cho vợ lo mọi sự như trả tiền biên lai, đầu tư,… đến khi vợ có bầu nên mình phải gánh mấy vụ đến khi mụ vợ cứ ní luôn cho mình đến nay. Nhiều khi mình mua nhà cho thuê xong thì hỏi vợ có muốn đi xem hay không. Gần thì bà ta kêu chở đi còn xa thì kêu đi shopping gần hơn.

Do đó mình phải làm danh sách nhà cửa, chi tiêu, tiền hưu trí, đầu tư ra sao, địa chỉ, tài khoản đủ trò. Dặn vợ con là khi bố lăn đùn ra chết thì đừng có đi lãnh xác chi cho mất công. Lý do bố đã ký giấy hiến thân xác mình cho khoa học, đỡ tốn tiền làm ma chay, chôn cất. Tiền mua hòm, mua đất cứ kéo cả nhà đi chơi ở rì xọt 5 sao một tuần thoải mái hơn.

Cần nhất là lấy hồ sơ Living Trust và lá thư bố viết để biết, địa chỉ nhà cho thuê, ai là người mướn nhà, hợp đồng ra sao,… nhất là danh sách hai người bạn thân về tài chánh, hiểu những gì bố làm qua trust để không hiểu thì kêu họ giải thích dùm.

Người mình thì sợ chết nên ít ai muốn nhắc đến những sự việc nếu một mai khi mình nằm xuống. Phần mình thì đã xong nhưng gia đình ở lại phải theo thủ tục nhà nước, lo đóng thuế, ra toà đủ trò, mất thời gian.

Có chị kia kêu là ông bố chị ta ở tiểu bang khác, không chịu ở gần con cháu nên khi ông bố qua đời thì chị ta chỉ lo ma chay còn nhà cửa thì cứ để chính phủ tịch thu bán cho tiện. Tiểu bang khỉ ho cò gáy nên nhà cửa không có giá lắm. Bay qua đó lấy, đóng thuế đủ trò, không đáng.

Nhiều người có gia sản ở nhiều tiểu bang thì mỗi khi nằm xuống thì tài sản ở tiểu bang nào phải được duyệt theo luật của tiểu bang đó nên khi về già, nếu thương con cháu, cứ dọn về tiểu bang con cháu đông nhất sinh sống. Không nhất thiết phải sống chung với con cháu nhưng sống gần để có gì làm ma chay cho tiện. Nội bay cả nhà sang tiểu bang khác là thấy tốn tiền, rồi phải đem xác về nơi con cháu ở để chúng thắp nhang hay đi viếng.

Cái khổ là về già, người ta cứ khăng khăng cho rằng mình đúng nên hành con cháu cho vui. Nếu thương con cháu thì về ở gần con cháu cho chúng bớt lo. Đi làm đã mệt, lại còn lo cho cha mẹ ở xa. Chán Mớ Đời

Trường hợp không chết, lại nằm vật vã mới khốn nạn. Mình biết một cặp vợ chồng. Bà vợ ở nhà vì ông chồng làm lương cao. Đùng một cái ông ta bị tai biến. Cái khổ là bao nhiêu chuyện đều do ông ta lo hết nay nằm một cục.

Tiền tươi ông ta để trong két sắt ngân hàng nhưng chỉ có mình ông ta ký tên nên ngân hàng không cho bà vợ lấy. Muốn bán nhà để bớt nợ cũng không được vì cần chữ ký của ông chồng. Ông chồng nằm một cục thì không ai dám thị thực chữ ký. Cuối cùng ngân hàng kéo căn nhà vì lương bà vợ không đủ trả tiền ngân hàng.

Do đó chúng ta cần có giấy uỷ quyền là khi bị nằm một cục thì người hôn phối hay con cháu có thể lấy quyết định thay cho mình như rút ống hay chi đó, ký giấy tờ bán nhà, mở tủ két trong ngân hàng.

Khi mình đi theo ông bà thì xem như hết nhưng người ở lại phải dọn dẹp bãi chiến trường của mình để lại và nếu thương vợ con thì nên làm giấy tờ cho rõ ràng để không có người kiện tụng gì cả.

Khi tìm luật sư thì tìm loại chuyên về luật gia đình. Minh mất 3 lần kêu luật sư để làm di chúc mà mình thấy người thứ 3 là rõ ràng còn hai tên đầu chỉ làm cho có lệ, thiếu tùm lum trò, để khi hữu sự họ vớt thêm tiền của con cháu.

Ai muốn tìm hiểu thêm, vào bờ lóc hay trang nhà muctimsonden.com kiếm mấy bài em viết về thừa kế rồi đi kiếm luật sư. Đừng có réo em.

Chán Mớ Đời
Nhs

9, 11 Duy Tân Đàlạt xưa

9, 11 Duy Tân Đàlạt xưa

Nhìn tấm ảnh này đưa mình về một vùng trời kỷ niệm thời bé.



Như mình đã kể khi xưa, chỗ này có mấy kiosque, sau họ dẹp bỏ để nới rộng đường Duy Tân, cho xe chạy hai chiều thay vì một chiều như đường Minh Mạng. Thời tây thì đường này có tên của thống chế Foch của pháp.

Trước tiên là số 7, khách sạn Thuỷ Tiên, được xem là nhà lầu cao nhất Đàlạt thời đó, 4 tầng lầu ở gần Khu Hoà Bình. Căn bên cạnh  số 9 là của ông Đàng, chủ tiệm Long Hưng, bà cụ mình gọi bằng Cậu, số 11 là tiệm Hiệp Thạnh, của ông Phúng, anh của ông Đàng. Hai người này là em ruột của bà Võ Quang Tiềm, đều làm thợ may khi từ Huế vào Đàlạt lập nghiệp, làm ăn buôn bán giàu có, xây hai căn nhà to đùng.

Mình nghe kể là ông Tiềm với ông Phúng, dạo hàn vi, may quần đùi, áo rồi gánh xuống công trường mà tây cho xây tuyến đường  hoả xa Song Pha và Đàlạt, bán cho các người phu làm hoả xa. Phải gánh, đi bộ 3 ngày 3 đêm. Cho thấy khi xưa, mấy người từ Huế vào Đàlạt, chịu cực để làm ăn. Phục lăn chiêng.

Căn số 13, bán đồ bàn ghế, tủ áo, số là nhà mình có thể sống tại đó. Chủ nhà bán đâu 1 triệu, bà cụ tính mua nhưng bà Phúng kêu số 13 xui xẻo nên bà không mua nếu không thì mình có thể lên mặt làm dân ở phố chợ. Sau ông Phúng kêu ăn chi mà ngu rứa, mua ngay thì đã có người chồng tiền. Sau này bà cụ bỏ 500,000 xây căn nhà ở cư xá Công Chánh. Chán Mớ Đời

Tấm ảnh này đối diện khách sạn Thuỷ Tiên, đối diện qua đường Trương Vĩnh Ký, có một dãy quán hàng ăn. Tấm hình này chụp quán miến gà và xôi gà của bà Bảo. Nghe nói khi xưa, trước Mậu Thân thì họ mở cửa buổi chiều đến 2, 3 giờ sáng. Sau Mậu Thân có vụ giới nghiêm, chắc đóng sớm.

Mình nhớ ăn chỗ này vài lần; một lần với Dì Thanh, con ông Phúng tiệm Hiệp Thạnh, một lần với chú Điềm, ty công chánh ngày xưa, ở cạnh bên nhà. Đánh bài thắng, chú kêu mình chở ra đây ăn miến gà để bồi bổ sau bao nhiêu giờ lao lực binh xập xám.

Anh chàng đang uống nước coca cola, bận áo blouson ngày xưa, trai Đàlạt hay bận. Thấy mấy chai bia con cọp của hãng Larue thêm mấy đòn chả treo lũng lẳng bên cạnh mấy bao bánh phòng tôm.

Bên cạnh là quán mì của người Tàu, thấy cái nắp bằng đồng thêm mấy bản vẽ tranh về truyện phong thần thường là Tam Quốc Chí.

Cuối dãy có quán bán bánh xèo người Huế. Mình có gặp người con của ông bà này bên pháp lúc mới sang, lấy vợ đầm, sau này mất tin tức.

Tấm hình này chụp trước tiệm Long Hưng, số 9 Duy Tân, nhà của ông bà Đàng. Xem tấm ảnh này làm mình nhớ đến mấy trái banh khi xưa, mua để đá. Mấy nồi bếp lửa nấu bằng dầu hôi để bày bán dưới đất.



Theo mình thì ông Đàng bán nhiều nhất là các huy hiệu cho sinh viên sĩ quan Võ Bị, Chiến tranh chính Trị,.. Hướng đạo Lâm Viên. Hình như có bán lư đồng chi nữa đó, nói chung là bán đủ thứ.
Khi xưa, mình có vô đây một lần khi cậu Nghị, con ông bà Đàng sắp sửa đi du học ở Pháp. Cậu này sau làm y sĩ ở Lille. Cậu có xin cho mình học đại học Roubaix về kỹ sư dệt, khi mình nộp đơn xin du học ở Pháp. Sau Sàigòn mất nên mình ở lại Paris và đổi ngành, học kiến trúc.

Bên cạnh số 11, nhà của ông Phúng cũng bán buôn tương tự. Mình mua 3 trái banh túc cầu và một bóng rổ, đá muốn tét chân luôn. Có bán mấy cái đĩa hát 78 vòng cũ, nặng như búa tạ như Tình anh bán chiếu của Út Trà Ôn,… sau này không ai mua, dì Thanh cho mình đem về xài nghe máy đãi của nhà, phải thay kim hoài vì đĩa hát 78 vòng quay rất nhành nên mòn cây kim. Chán Mớ Đời

Nhà ông Phúng thì mình vô hoài vì khi xưa bà cụ mình làm cho ông bà trước khi đi lấy chồng. Có dạo nhờ gửi hàng trong nhà nên hay sai mình vào nhà lấy hàng đem ra chợ bán cho thiên hạ. Lâu lâu vào thấy toàn mấy bà gốc Huế, cứ mô tê răn rựa. Sau Mậu Thân, tối mình và ông cụ ra đây ngủ để tránh Việt Cộng nằm vùng về thăm hỏi. Mình sợ nhất là mấy cái hòm của ông bà Phúng để chình ình trong nhà.



Khi xưa, người lớn tuổi, họ chu đáo, lo đóng hòm đủ thứ rồi để sẵn trong nhà vì khi qua đời, họ chắc chắn sẽ có hòm chôn. Sau 75, ông Phúng qua đời, may quá có hòm sẵn nếu không cũng mệt. Lần đầu về thăm nhà, mình có lên Mả Thánh viếng mộ mấy người em và mộ ông bà Phúng, ông bà Tiềm do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế. Sau này họ phá, giải toả Mả Thánh, không biết con cháu dời đi đâu nên mình cũng không biết đâu mà đi thắp hương.

Ông Đàng mất được 3 năm, mới mãn tang. Khi xưa, mỗi lần mình về đều vô thăm ông, có khi ông nghe tin mình về, chưa kịp lên thăm, ông đã chạy xe lên nhà mình thăm.

Thấy lại tấm ảnh khiến mình nhớ đến một thời con nít, hay lởn vởn ở khu này. Nay trở về thì nhà cửa xây bú xua la mua không nhận đâu vào đâu. Có lẻ đó là luật của thời gian.

Chán Mớ Đời
Nhs

Biện luận = võ lực

Biện luận = võ lực

Dạo mình mới sang mỹ, đọc báo thấy người gốc Việt chửi nhau mệt nghỉ. Người thì lên án người kia viết như cục cứt, không đầu không đuôi, người thì chê người nọ vô học. Thậm chí họ còn đánh nhau giết nhau. Đọc kỷ lại thì thấy họ đều là nạn nhân của VC, bỏ nước ra đi nên mình hơi thắc mắc, cùng một lứa bên trời lận đận, tại sao họ không đồng tâm hợp lực giúp nhau như người Minh hương khi xưa, phản Thanh phục Minh, làm người Hảo Hớn, làm người Việt Tốt.

Mình làm nghề kiến trúc sư nên lâu lâu cũng phải đứng trong buổi họp trình bày công việc của mình. Một hôm, thằng boss nói với mình là mày cần phải tập luyện nói trước buổi họp, để diễn đạt ý của mày rõ ràng và ngắn gọn hơn. Anh ta khuyên mình nên gia nhập các nhóm Toatsmasters, để tập nói chuyện trước công chúng. Mình ghi danh đi theo nhóm ở nhà thờ Kiếng ở Garden Grove. Mỗi sáng thứ 3 vào 6:00 sáng tham dự với nhóm này được mấy năm để tập nói trước công chúng, để bỏ cái tính "xuất khẩu thành thơ", một trong những tố chất việt trong người mình. Nhóm chỉ cho mỗi người nói đúng 2 phút về một đề tài, rồi họ phê bình, góp ý để giúp mọi người nói khá, rành mạch hơn trong tương lai.

Có dạo mình xem cơ líp của buổi hội ngộ cựu học sinh Văn Học, có một anh lên sân khấu, nói "không biết nói gì hơn, tôi chỉ biết,..." Nhưng rồi anh ta vẫn cầm micro đến 10 phút và cứ lập lại đi lập lại "không biết nói gì hơn", mình đếm đến 6 lần trong 10 phút. Cứ nói xong câu này là anh ta lại lập lại những gì anh ta đã nói trước đó. Trường hợp của anh bạn này là tiêu biểu cho đa số người Việt mình, khi nói trước công chúng.

Mình nghĩ người Việt, đa số không biết truyền đạt tư tưởng của mình. Không phải dốt nhưng lối ứng xử bị ảnh hưởng của Nho giáo, không có sự đối đáp, chỉ có kẻ trên ra lệnh kẻ dưới phục tòng theo tinh thần gia trưởng. Cha nói thì con nghe, vua nói thì thần tuân, anh nói em phải nghe không được cãi. Vì không có đối thoại nên chúng ta không quen cách diễn đạt, biện luận để người khác hiểu rõ ý của mình, thêm tinh thần gia trưởng nên chỉ có cãi nhau, thoá mạ nhau dù có cùng một ý định, tư tưởng như nhau.

Từ nhỏ chúng ta đã được dạy, giáo huấn trong một môi trường không có đối thoại, dù biết cha anh, vua chúa là sai nhưng phải tuân lệnh nếu không sẽ bị chém hay đánh đập. Giáo dục ở trường cũng tương tự, thầy nói thì học trò bắt buộc phải nghe, không được cãi mặc dù thầy cô nói sai. Mình nhớ có lần gặp cô giáo của con gái, bà ta kể con gái mình 8 tuổi đã nói bà ta đánh vần sai, đã cám ơn con bé trước các bạn trong lớp. Nếu ở Việt Nam thì chắc đã bị trù dập hay bợp tai đến đi nhà thương để được nêu danh học sinh anh hùng.

Giáo dục của Việt Nam không có phần cho học sinh phát biểu, phản bác những gì thầy cô nói trong lớp nên học sinh không được tập luyện nói chuyện trước công chúng. Mình nhớ có lần con gái mình học lớp 5, đã được trường chọn với một học sinh khác thay phiên làm MC, điểu khiển chương trình văn nghệ mà không thấy bóng dáng của cô hay thầy giáo. Trong lớp học, người ta khuyến khích học sinh có những tư tưởng khác lạ với số đông.

người Việt mình vì không được tập luyện từ nhỏ về cách nói chuyện trước công chúng nên ra đời, khi phải nói chuyện trước công chúng thì họ rất ngần ngại. Đồng chí gái có ông anh họ, hội viên của một tổ chức y sĩ Việt Nam tại hải ngoại. Có dạo anh ta phải đọc diễn văn trong một cuộc họp mặt tất niên. Anh ta than là phải đọc hai bài diễn văn; một bằng tiếng Việt và bản dịch ra anh ngữ vì có một số y sĩ trẻ gốc Việt, không hiểu tiếng Việt.

Mình không hiểu tại sao phải dùng hai ngôn ngữ, đang ở Mỹ thì cứ sử dụng anh ngữ cho khoẻ. Anh ta gửi cho mình bài diễn văn của anh ta bằng tiếng việt rồi nhờ dịch ra anh ngữ. Đọc bản việt ngữ thì thấy anh ta chêm tiếng mỹ khá nhiều, viết cũng theo cung cách của một nho sĩ nên có những từ khó hiểu đối với mình. Ông anh vợ viết tiếng việt khá lộn xộn, đúng ra ông ta cần một người giỏi tiếng Việt, xem lại bài diễn văn này nhưng đối với ông ta bài diễn văn việt ngữ không quan trọng. Ông ta chỉ sợ bị chê là bài diễn văn bằng anh ngữ không hay.

Tại sao người ta xem thường chữ quốc ngữ nhưng lại sợ người khác chê mình viết tiếng mỹ dỡ? Tiếng mỹ là ngoại ngữ, viết hay nói sai thì đâu có thằng tây con đầm nào cười, chỉ có khi mình nói sai tiếng mẹ đẻ mới ngại. Thật ra người Việt với bản tính vọng ngoại, khinh thường những gì thuộc văn hoá Việt cho nên rất xuề xoà. Người mình trọng nể người ngoại quốc hơn dù những người này, thậm chí còn thua kém về mặt tri thức, tiền bạc,..., mà mình có dịp thưa trước.

Mình và đồng chí gái hay cãi nhau vì đồng chí gái cứ dùng từ việt ngữ sai hay nói chuyện cứ chêm tiếng mỹ vào, dù mụ vợ học trường việt, sống ở VN, nhiều năm hơn mình. Nhắn tin cho mình cứ viết tiếng Việt không bỏ dấu thêm tiếng Anh cho nên mình cũng chới với. Đang lái xe, nhận được nhắn tin của vợ thì hỏi Siri, đọc nhắn tin dùm thì con mụ Siri đọc lớ quớ chả hiểu gì. Chán mớ đời!

Làm sao người Việt có thể tự hào dân tộc khi họ xem thường tiếng mẹ đẻ. Nói hay viết tiếng Việt sao cũng được nhưng khi nói chuyện với ngoại quốc thì câm như hến vì sợ nói sai, nhờ người dịch dùm. Nói như vậy không có nghĩa chỉ có người Việt. Mình nhớ ông vua Maroc, Hassan II, có lần gửi thư cho tổng thống tây, than phiền là nước Pháp đã gửi nhiều thầy dạy Pháp Văn, đọc và viết sai văn phạm. Lý do các co-operant, những người pháp thay vì đi quân dịch 1 năm thì đi sang các nước khác để dạy Pháp Văn, toán,.... Đa số những người này mới ra trường, nhiều khi không học về môn dạy Pháp văn nhưng là tây thì dạy tiếng tây, tương tự sinh viên mỹ, viết đầy lỗi chính tả, đi dạy tiếng Anh ở Á Châu vào mùa hè.

Đúng ra người Việt rất yếu kém về truyền thông, không biết diễn đạt được ý tưởng mình, thêm tinh thần gia trưởng, không cho đối thoại để đi đến trường hợp không ai nghe ai, chỉ có mình là tài giỏi, mọi người phải lắng nghe lời huấn dụ của mình. Chúng ta không có tinh thần tôn trọng người đối thoại, thương thuyết, thoả hiệp với đồng loại. Ai không nghe mình thì gọi là Phản Động, bán nước hay chụp cho họ những cái nón cối to tận trời xanh.

Mình thấy nhiều trường hợp trong gia đình, anh em gây gỗ với nhau vì mấy người em không đồng ý với ý kiến của người anh hay người chị là bị la mắng hỗn hào, bị đánh đập dù mấy người em đã lớn tuổi, có gia đình. Tinh thần gia trưởng khiến người anh hay người chị cảm thấy bị mất mặt, tức giận vì không biết cách diễn đạt, biện luận nên chỉ biết dùng võ lực để áp đảo những người khác không nhất trí với mình theo tinh thần của văn hoá võ biền.

Mình nhớ lần thứ 2, về thăm gia đình, mình ngồi nói chuyện với ông cụ thì thấy ông cụ nói bú xua la mua về nhiều vấn đề nên có giải thích những vấn đề đó thì ông cụ mình nổi giận, la mắng mình, bảo cho mày ăn học rồi ngày nay mày về Hà Nội, ngồi với mấy tên tai to mặt lớn rồi không coi ra tao ra gì. Thế là từ đó, khi gặp ông cụ, mình tránh nói chuyện có tính cách chiều sâu vì sợ ông cụ giận. Xem mấy ứng cử viên tổng thống mỹ của hai đảng, tranh luận ỏm cù tỏi nhưng khi đối thủ của họ thắng thì họ vẫn nói chấp nhận thua trước công chúng, chúc mừng đối thủ đã thắng họ.

Người Việt được dạy dỗ từ nhỏ về những anh hùng của đất nước. Đa số là những ông tướng, ông vua đánh đuổi ngoại xâm nhưng không bao giờ cho học sinh thấy gương một người buôn bán, một thầy giáo, một nhà thơ,..., như Nguyễn Du, Sử gia Lê Quí Đôn,.. được tuyên dương là anh hùng, một gương sáng đáng được noi theo cho nên từ bé chúng ta đã bị điều kiện hoá là muốn thành anh hùng, phải là dân võ biền, lính tráng mà tướng phải thắng trận, cho nên văn hoá ứng xử của chúng ta rất bạo hành. Trong lớp cãi nhau là dùng tay chân để xem ai là anh hùng. Dạo này có vụ cô giáo kêu học sinh đánh mấy trăm bạc tai khiến học sinh phải đi nhà thương.

Nhớ có lần trong lớp, NM, xóm Cô Giang nói cái gì sai nên mình chỉnh lại hắn. Thay vì cám ơn hắn lại kêu mình xuống đường đánh nhau coi thằng nào hơn thì thằng đó đúng. Năm ngoái mình về Đà Lạt, NVT có gọi cho hắn, nay làm hướng dẫn viên du lịch đi xe máy vùng Đà Lạt. May hắn không nhớ đến mình.

Từ nhỏ mình đã học tôn sùng anh hùng Nguyễn Huệ, một người thất học, tài thao lược không bao nhiêu. Từ một tướng cướp biển với hai người anh, liên kết với đám cướp biển tầu, Chiêm Thành và bọn thảo khấu ở Lào, dần dần tạo nên thế lực hùng hậu trong khi Chúa Nguyễn suy kém vì loạn Trương Phúc Loan. Trong lịch sử họ ém nhẹm vụ ông ta sai con rể, giả dạng vua Quang Trung, sang Trung Hoa, cầu cống sau trận Đống Đa nhưng lại thần thánh hoá, kêu ông vua này muốn đánh Trung Hoa để đòi lại hai châu Quảng khiến mọi người tiếc rẻ nhưng không ai nghĩ đến là lấy quân đâu mà đi đánh, đối đầu với mấy trăm triệu lính tàu.

Họ bựa lịch sử như 10 người lính cầm cái khiên chống đạn và có tất cả 60 cái khiên hay 600 quân của Nguyễn Huệ. Trong một đêm đã đại phá 10 vạn (100,000) quân của Tôn sĩ Nghị. Thăng Long thời ấy chưa có tới 10,000 dân thì làm sao nuôi được 100,000 quân lính nhà Thanh. Những bài học này đã biến nhiều thế hệ trẻ Việt Nam chìm trong ảo tưởng, tự cho mình là hậu duệ của Nguyễn Huệ, thần thông vô địch nhất là sâch báo cứ phang là người Việt thông minh nhưng nghèo.

Người Việt tôn sùng bạo lực đến nổi phải thần thánh hoá Nguyễn Huệ, rất giỏi về những chương trình trị quốc dân an,... Vì nếu ông ta giỏi thì chắc chắn đã không cho đốt cháy hải cảng Hội An, nơi các tàu bè giao thương đem lại tiền bạc cho Chúa Nguyễn, khiến các thương gia ngoại quốc không dám trở lại buôn bán đến khi người Minh Hương sau này, bỏ trốn chạy tỵ nạn sang Việt Nam. Nếu khâm phục giặc Tây Sơn, các người dân miền nam đã không tá túc Nguyễn Ánh, giúp ông ta chạy trốn sang Tây cầu viện.

Dạo đó, dân số Việt Nam chưa đến 1 triệu người, nghèo đói thì tiền đâu đi đánh giặc mấy ngàn cây số phía Bắc với tuyết lạnh mà dạo ấy người việt, chưa bao giờ biết đến. Với văn hoá võ biển, không ăn học, đi ăn cướp từ thủa bé nhưng có một điều chắc chắn là ông ta rất giỏi võ cho nên mới được tôn thành đại ca của đảng cướp. Hà Nội có nhiều lí do để tôn sùng ông vua khát máu này.

Ngày nay, cháu mình học ngọn đuốc cách mạng, Lê Văn 8, do Hà Nội tự tạo ra huyền thoại này. Có thể chấp nhận trong thời kỳ chiến tranh, Hà Nội cần tạo dựng những chuyện này để động viên dân quân của họ nhưng một khi hoà bình đến thì nên giải mã những vấn đề này để tránh những đứa bé học cái sai từ bé, sẽ đào tạo những người sống trong ảo tưởng rất có hại cho đất nước sau này.

Đồng bằng Cửu Long có nguy cơ ngập mặn và biến thành sa mạc trong vài năm tới nhưng các lãnh tụ vùng này thi đua ra nước ngoài, học tập tổ chức bán vé số vì làm xổ số, sẽ gây ra công ăn việc làm cho người dân, bán vé số kiếm ăn và kiếm tiền cho tỉnh lị. Thật ra, khi xưa họ không có cơ hội đi học, lo đi làm cách mạng nên tầm nhìn của họ rất giới hạn trong địa đạo Củ Chi nên không ai thắc mắc vì sao Việt Nam là một trong những nước nghèo nhất thế giới. Nếu không có 12 tỷ đô do người Việt ở nước ngoài gửi về giúp kinh tế gia đình hàng năm thì tình trạng Việt Nam còn thảm khốc hơn.

Làm trai đứng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông.

Đó là mấy câu thơ của ông Nguyễn Công Trứ mà hồi nhỏ mình học. Người Việt có đầu óc khoa bảng. Họ học để lấy bằng cấp cho oai. Ai dốt thì chạy chọt, mua bằng để có danh thiếp là tiến sĩ A, B,... Mình ít gặp người Việt học với tinh thần cầu tiến, để có kiến thức. Gặp nhiều người học chung khi xưa, cứ phan đại mình đậu tối ưu, tối ái vì tú tài IBM khiến thiên hạ đậu đông như quân Nguyên.

Có lần mình nói Kim Vân Kiều, Hồn Bướm Mơ Tiên,.., của Việt Nam, nếu so với những tác phẩm ngoại quốc thì không được hay lắm thì có người mĩa mai mình. Thời đại ông Nguyễn Du, có bao nhiêu người được đi học cho nên số người làm thơ rất ít ỏi do đó vào thời ông ta thì Kim Vân Kiều được xem là tuyệt tác của thời đại đó. Theo thống kê của một ông tây thì đầu thế kỷ 20, năm 1913 thì chỉ có 5% người Việt biết đọc nhưng trình độ của đa số chắc chỉ lòng vòng ở cấp tiểu học.

Mình thích đọc thơ Nguyễn Bính, Hồ Dzếnh, Hàn Mặc Tử, Tô Thuỳ Yên hay Nguyên Sa ,..., khi chữ quốc ngữ bắt đầu thịnh hành, số người đi học cao hơn thì xuất hiện trên văn đàn Việt Nam rất nhiều nhà thơ, có nhiều bài thơ rất hay. Mình đọc Kim Vân Kiều bằng tiếng Việt, tiếng tây, tiếng mỹ nhưng không cảm được nhưng rất mê Illiad, Odyssey của Homer, giúp mình muốn đi giang hồ, tìm lại những nơi mà các nhân vật đã đi qua.

Người Việt thích bắt chước người xưa, cứ một hai Cổ Nhân đã nói, là coi như đinh đóng cột, không bao giờ suy nghĩ, nghiệm lại có đúng với thời nay. Ngày nay, một hai họ cứ kêu ông Hồ nói như thế này như thế nọ, kêu gào học tập đạo đức ông Hồ. Nếu xét về kiến thức ngày nay thì kiến thức của ông rất hạn hẹp. Qua lá thư do ông ta viết, xin người Pháp cho theo học trường Bảo hộ cho nên không thể nói là kiến thức của ông ta uyên thâm được. Nếu tốt nghiệp trường này thì trình độ tương đương bằng trung học, lớp đệ tam. Ông Trần Trọng Kim tốt nghiệp trường này nhưng ông ta tự học thêm nên kiến thức của ông ta khá hơn. Mình có đọc hầu hết những tác phẩm của ông ta còn những gì mà người ta gán cho hcm viết như Trần Dân Tiên, là đều do các tác giả khác được đảng chỉ thị viết, để đề cao ông ta cho mục đích tuyên truyền.

Ông Hồ có tuyến bố: "Năm châu bốn bể là nhà, bốn phương vô sản đều là anh em" nhưng ông tàn sát những ai không chấp nhận lý thuyết cộng sản mà ông tôn sùng, ngay cả những người đã nhường chỗ ngủ, nuôi ông ta và bộ hạ khi ông ta làm cách mạng. Những người theo chủ thuyết cộng sản nhưng chống đối đường lối của Staline, đều bị ông giết hết nhưng ngày nay Hà Nội vẫn rêu rao học tập đạo đức của ông này. Ông ta có sang Tây nhưng không học được cách biện luận của người tây phương, chỉ dùng bạo lực để cướp chính quyền như Lê nin.

Mình thấy con mình học trung học thôi mà thấy kiến thức của chúng nhiều hơn mình khi xưa cùng tuổi. Có anh bạn học MIT, nói với trình độ của mình khi xưa thì chắc chắn ngày nay sẽ không được nhận vào MIT. Hồi nhỏ mình nghe người lớn nói ông này ông nọ giỏi lắm vì có bằng Primaire. Lớn lên mới hiểu bằng Primaire là bằng tiểu học. Kiến thức tiểu học có là bao nhưng vẫn được đề cao. Khi xưa, người ta ít được đi học nên kính trọng những người có học dù chút ít.

Chúng ta mang cái bệnh thần thánh hoá người xưa vì không tin tưởng vào chính cá nhân mình. Không tin tưởng vào chính mình thêm tinh thần nô lệ, chúng ta không tìm thấy những người tài giỏi ngay trong thời đại chúng ta. Lí do giản dị vì nếu mình không giỏi thì những người khác cũng ngu dốt như mình, không thể hơn mình được. Sông có cạn núi có mòn song chân lí ấy không bao giờ thay đổi.

Nhớ dạo mình nói với bạn học chung là có ước mơ đi du học khiến chúng đập bàn đạp ghế cười hố hố. Đến khi mình vào trường Cao Đẳng Quốc Gia Mỹ Thuật, học kiến trúc thì cũng có vài tên viết thư, bảo mình không giỏi toán sao lại theo học nghành kiến trúc. Ngu thế! Sau này mình ra trường thì có vài tên nói móc phải gọi mình bằng ông kiến trúc sư vì họ bỏ học.

Chúng ta chưa biết nhận định rõ ràng về quá khứ, lịch sử cũng như tổ tiên. Cha mẹ sinh ra và nuôi dưỡng chúng ta nhưng không phải vì thế chúng ta phải vâng lời một cách tuyệt đối, khi nhận thức được song thân hay tổ tiên của chúng ta sai lầm, thì chúng ta phải lên tiếng như câu tục ngữ "con hơn cha nhà có phúc". Mình nhớ có lần đồng chí gái nói chi với bà ngoại. Bà ngoại chỉ mặt đồng chí gái và nói:" mi biết một, tau biết 10" rồi kêu câm đi.

Muốn xây dựng tương lai, chúng ta cần phải nhìn về phía trước như chạy xe, chúng ta cần phải nhìn về phía trước thay vì nhìn kính chiếu hậu như đa số vẫn nói "ôn cố tri tân", ôn lại chuyện xưa để hiểu chuyện ngày nay. Ngày xưa đâu có internet, đâu có những kỹ nghệ truyền thông như ngày nay. Tại sao ta phải đem chuyện xưa ra để so sánh với chuyện nay. Một sai lầm to lớn khi so sánh thời đại và không gian.

Với lí do đó mà Việt Nam luôn luôn nghèo, lạc hậu. Người ta vẫn đề cao Kinh dịch, bói toán Trần Hoàn,..., những câu hỏi được đặt ra từ mấy ngàn năm trước khi con người còn ấu trỉ. Ngày nay, những người học vấn đại học vẫn xem kính chiếu hậu, tôn thờ mấy cái lý thuyết quái gỡ này, đã là cản trở lớn nhất cho sự trì trệ của người Việt về mặt tư tưởng.

người Việt chúng ta không có tư tưởng, chỉ bắt chước của người Hoa rồi Tây phương. Khi học ông ba tầu thì một hai Khổng tử nói, Mạnh Tử cỏn, khi tây đô hộ thì bảo Jean Paul Sartre nói như thế này, bà Beauvoir địt như thế kia. Dạo mình mới sang mỹ thì có gửi mua sách của ông Kim Định. Ông này vì tinh thần ái quốc quá cao nên đã dùng những tư tưởng rất gượng ép. Đọc báo Việt Nam thấy Hà Nội bị phá sản về mặt tư tưởng, nên cứ phải nhai đi nhai lại học tập tư tưởng hcm nhưng mà ông này chả có tư tưởng gì cả, ngoài nghe Mao chủ tịch, Stalin vĩ đại giết người Việt cho đủ số để báo cáo.

Ông nhà thơ được xem là nhà tư tưởng lớn nhất của Việt Nam trong thời kỳ cách mạng làm được bài thơ "Đời đời nhớ ông":

Bữa trước mẹ cho con xem ảnh
Ông Xít-ta-lin bên cạnh nhi đồng
Áo Ông trắng giữa mây hồng
Mắt Ông hiền hậu, miệng Ông mỉm cười
Xít-ta-lin! Xít-ta-lin!
Yêu biết mấy, nghe con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi Xít-ta-lin!
Hôm qua loa gọi ngoài đồng
Tiếng loa xé ruột xé lòng biết bao
Làng trên xóm dưới xôn xao
Làm sao, Ông đã... làm sao, mất rồi!
Ông Xít-ta-lin ơi, Ông Xít-ta-lin ơi!
Hỡi ơi, Ông mất! đất trời có không?
Thương cha, thương mẹ, thương chồng
Thương mình thương một, thương Ông thương mười
Yêu con yêu nước yêu nòi
Yêu bao nhiêu lại yêu Người bấy nhiêu!
Ngày xưa khô héo quạnh hiu
Có người mới có ít nhiều vui tươi
Ngày xưa đói rách tơi bời
Có người mới có được nồi cơm no
Ngày xưa cùm kẹp dày vò
Có người mới có tự do tháng ngày
Ngày mai dân có ruộng cày
Ngày mai độc lập ơn này nhớ ai
Ơn này nhớ để hai vai
Một vai ơn Bác một vai ơn Người
Con còn bé dại con ơi
Mai sau con nhé trọn đời nhớ Ông!
Thương Ông mẹ nguyện trong lòng
Yêu làng, yêu nước, yêu chồng, yêu con
Ông dù đã khuất không còn
Chân Ông còn mãi dấu son trên đường
Trên đường quê sáng tinh sương
Hôm nay nghi ngút khói hương xóm làng
Ngàn tay trắng những băng tang
Nối liền khúc ruột nhớ thương đời đời!
(5-1953)

63 năm sau, thấy công an đánh người đi biểu tình ôn hoà khiến mình chợt nhớ đến bài thơ về Cải Cách Ruộng Đất:

Giết giết nữa bàn tay không phút nghỉ
Cho ruộng đồng mau tốt, thuế mau xong
Cho Đảng bền lâu cùng rập bước chung lòng
Thờ Mao Chủ Tịch, thờ Xít Ta Lin bất diệt

Người Việt ở hải ngoại có một số thành công nhưng có một số cũng te tua. Mình có biết vài người, sang đây, ăn trợ cấp, làm chui, rồi họp năm họp 7, sau vài chai bia, nói chuyện chính trị. Theo lời họ kể, mình có cảm tưởng nếu họ mà nắm quyền ngày xưa thay vì Nguyễn Văn Thiệu thì chắc ngày nay xứ mình đã phú cường. Họ sang đây mấy chục năm, cạy miệng không ra được một chữ ngoại quốc.

Loay hoay ở vùng Bolsa, không cần phải học tiếng Anh. Nhiều khi nghĩ nếu VC xụp đỗ thì giao quyền hành cho mấy người này thì chắc họ cũng tàn bạo như VC vì cái dốt. Thay vì đi làm họ khai man là bị khủng hoảng thần kinh chi đó để lãnh SSI rồi đi làm chui, lâu lâu để dành tiền được chạy về Việt Nam đóng vai Việt kiều, áo gấm về làng. Họ cũng sống trong ảo tưởng của người Việt Nam nói chung. Họ kêu bọn VC nay giàu có, xài tiền như nước. Họ nghĩ với sổ thông hành, hộ chiếu của Hoa Kỳ là tự động họ có đẳng cấp hơn người Việt tại Việt Nam.

Mình may mắn được đi du học, đi làm việc nhiều nơi trên thế giới, tiếp xúc với nhiều loại người, giúp mình nhận ra những cái xấu của DNA trong chính mình và tìm cách luyện tập những kỷ năng để thay đổi tính nết, tư duy hầu thay đổi cuộc đời mình như người Mỹ thường nói "you change your habits, your habits will change your destiny" . Nếu chúng ta nhận thức ra cái hay và cái xấu của mỗi cá nhân và tìm cách sửa đổi để tự hoàn thiện thì khi mọi người Việt đều làm như vậy thì dân giàu nước mới mạnh, Việt Nam mới có một tương lai bớt te tua hơn.

Nhs

Học lịch sử

Học lịch sử

Hồi nhỏ học chương trình pháp nên mình bị khủng hoảng căn cước, nói theo thời thượng là khủng hoảng bản thể.

Khi học môn Sử -Địa (histoire-géographie) là mình hay bị ngọng. Ông tây bà đầm, bắt mình vẽ cái bản đồ tổ chảng rồi viết Paris là thủ đô. Kêu nguồn gốc tổ tiên là Gaulois (nos ancêtres sont des Gaulois) khiến mình đã ngu lại càng ngu bền vững.

Bạn bè cho mượn sách hoạt hoạ như Asterix, le Gaulois với tên to con ăn như hạm Obelix. Tóc bọn chúng lại màu vàng, thắt nơ như con gái trong khi tóc mình lại đen như cột nhà cháy. Nhưng mình cũng vui vui và mong được làm người gaulois thật sự để được ăn thịt heo rừng như thằng to con Obelix.
Lớn lớn hơn một tí thì học việt văn với một ông thầy người Việt.

Ông này lại kêu tổ tiên người Việt là rồng chim, nên đẻ ra một trăm cái trứng. Sau ông bố có vợ bé nên kêu 50 đứa con theo bố và 50 đứa con theo mẹ đi kiếm ăn khiến mình đã ngu càng ngu bền vững. Nhà mình dạo ấy có cái chuồng bồ câu, khi bồ câu đẻ trứng rồi ấp thì ngóng để xem nó có nở ra em bé như bà cụ mình hay không. Chỉ thấy chim con kêu chíp chíp.

Hỏi tụi bạn thì chúng nhìn mình như bò đội nón, có đứa thông minh thì kêu “mi ăn cái chi mà ngu rứa”. Mình ngồi gần một tên học giỏi, chuyên môn đứng đầu lớp. Hỏi hắn thì hắn giải thích La France et Le Vietnam. La France là giống cái vì “La” còn Việt Nam là giống đực vì “Le”. Do đó bố mày là Việt Nam còn mẹ mày là Pháp quốc, lấy nhau sinh ra mày. Hiểu chưa? Câu trả lời của tên này không thuyết phục được mình nhưng đám ngồi xung quanh nói đúng đúng đó. Chán Mớ Đời

Mình thuộc loại ngu lâu dốt sớm nên từ đó có cái mộng đi tây để tìm ra mẹ của mình, đứa con bị bỏ rơi như trong phim “Les deux gamins” mà mình coi tại rạp xi nê Ngọc Lan. Sau này, nghe tên ngồi chung bàn đã chết sau 75, phấn đấu vào đảng không được nếu không thì chắc mình cũng kiếm hắn để hỏi lại lời giải thích của hắn nghe cực kỳ phản động.

Ông thầy dạy việt văn lại một người chống tây, đi kháng chiến nên cuối giờ hay kể về thời thanh niên đi làm cách mạng, chống pháp ra sao khiến mình đã ngu lại càng không biết đâu mà rờ vì ông ta kêu thực dân, nghĩa là mẹ của mình như thằng ngồi bên cạnh nói, tàn ác, giết cu li người Việt làm tại đồn điền,…

Ông cụ mình thì kể khi xưa, về làng bị du kích việt minh, ban đêm bao vây nhà ông bà nội để bắt giết như bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang “Người anh Vĩnh Bình” trong khi bà cụ mình thì lại kể đi theo kháng chiến, bị tây bắt trấn nước tè ra quần. May ông cụ nhảy qua hàng rào trốn vào nam. Khi về quê, việc đầu tiên là mình đi xem cái tường mà ông cụ phóng một cái là bay qua.

Cho nên mình lớn lên bị bất bình thường nên hay đi phá làng phá xóm. Đến nay vẫn còn điên điên, chưa hiểu rõ về lai lịch của mình.

Sau này đọc sách của mấy đứa con học về lịch sử Hoa Kỳ thì nghe kể tổ tiên người Mỹ trắng là nạn nhân của sự đàn áp tôn giáo ở âu châu nên vượt trùng khơi đến vùng đất hứa, thành lập ra Hoa Kỳ. Nghe hay hay thêm hàng năm phải vào lớp con mình để xem chúng hoá trang làm những người da trắng, tiên phong từ âu châu sang Hoa Kỳ thành lập xứ này, được người dân sở tại đón tiếp nồng hậu, cho ăn gà tây, bắp,… chỉ có là thầy cô không cho chúng diễn cảnh sau này, người da trắng giết người địa phương để chiếm đóng đất của họ.

Xem con mình tóc đen như mình, kêu gào tổ tiên là người da trắng bị sát hại vì tôn giáo nên chạy trốn sang Hoa Kỳ. Mình giải thích mấy đứa con là mẹ con, chú cô, cậu dì con bị Việt Cộng kèm kẹp, không cho đi học nên trốn xuống tàu vượt biển để tìm tự do,… thấy có lý.

Đời cha đi học thì được dạy tổ tiên là Gaulois, đến đời con thì  được dạy tổ tiên cũng từ âu châu nhưng không ăn Patê để cẩn mà ăn Fish & chips. Chán Mớ Đời 
Sau này buồn đời vì bị vợ la, mình lò mò theo học môn sử dạy trên mạng tại trường võ bị West Point. Khám phá ra họ dạy về kinh tế và quân sự về việc đưa người da trắng sang Hoa Kỳ.

Dạo ấy Tây Ban Nha và Bồ đào Nha đã chiếm đóng hết miền nam và Trung Mỹ nên Anh Quốc và Pháp quốc muốn ngăn chận sự bành trướng của hai đế quốc ở vùng Bắc mỹ nên khuyến khích các ông mục sư và cố đạo sang Bắc Mỹ để khai phá các giống dân địa phương. Tây ban nha đã cho cố đạo chiếm đóng Cali và các tiểu bang khác ở phía nam.

Lúc đầu Anh Quốc cho mấy dân du thủ du thực sang đây tương tự sau này họ cho sang Úc Đại Lợi. Trời lạnh, gặp dân chuyên lười, đi ăn trộm ăn cướp nên chết gần hết. Trồng cái gì chết cái nấy. May thay người âu châu dạo ấy thích lông thú “Beaver” nên mấy tay nông dân đi kinh tế mới, mới nghĩ ra trò đổi súng đạn, dao với người da đỏ, rồi chở lông thú về Anh Quốc bán kiếm tiền, làm giàu phủ phê.

Người âu châu đói nghèo, nghe nói sang Mỹ châu bắt thú, cạo lông bán cho mẫu quốc mới lên tàu sang mỹ kiếm ăn. Có một chiếc tàu Mayflower chở đâu 80 người tỵ nạn tôn giáo và 100 người đi làm giàu đến Hoa Kỳ, và họ dùng vụ này để tạo nên huyên thoại. Chán Mớ Đời

Năm ngoái mình đưa bà cụ đi viếng thành phố này, với những thành trì chống lính Tây Ban Nha chớ không phải da đỏ.

Toàn dân đi làm giàu nên họ tiêu diệt người da đỏ, lấn đất chiếm đất rồi xe lửa xuất hiện, Hoa Kỳ trở nên trù phú,… nếu theo học mấy lớp lịch sử mà người Mỹ giảng dạy cho sinh viên trường West Point thì theo mình đúng thực tế hơn. Giúp sinh viên có tinh thần đế quốc, phụng sự Hoa Kỳ đi đánh chiếm, bảo vệ đế quốc của họ.

Sau này buồn đời, mình đọc tài liệu của tây, của tàu về Việt Nam thì khám phá ra những gì học thời còn bé toàn bú xua la mua. Hồi bé, mình nghe thầy cô kể về cậu bé Phù Đổng Thiên Vương, sinh ra không chịu nói vì cứ hể khóc là bị bố mẹ tát cho vài cái. Tương tự mình khi xưa hay bị tát tai vì cứ hỏi, kêu mày ăn cơm hớt, không được nói trước mặt người lớn. Một hôm đói quá kêu bố mẹ nấu nồi cơm, ăn xong là khỏe mạnh, bẻ mấy cây tre đầu làng rồi nhảy lên lưng ngựa bay về trời. Kinh

Mình muốn làm cậu bé để lớn mau đi đánh Việt Cộng nên ngày nào cũng cố ăn một nồi cơm để lớn mau như Phù Đổng. Khổ cái là nhà mình có đến 10 người em. Ăn tới bát thứ hai là chỉ còn cơm cháy, mấy người em vét cào nên mình không bao giờ thực hiện được giấc mơ Phù Đổng của mình đến khi lấy vợ. Vợ bắt ăn cho hết cơm sợ để mai bị thiu nên Cholesterol trong máu lớn nhanh.

Sau này đọc lại thì nói cậu bé Phù Đổng thấy giặc Ân tràn sang, phá hại xóm làng nên mình lò mò đi tìm ra qua lịch sử tàu. Người Tàu họ kêu giặc Ân ở phía Bắc sông Dương Tử, nghĩa là hơn 2,000 cây số phía Bắc của thủ đô Thăng Long. Giặc này có tràn qua xứ tàu đánh phá, rồi họ cũng bựa ra một cậu bé ăn hết nồi bánh bao hay mì hoành thánh nên lớn cái vù, leo lên con ngựa sắt như Quan Công đi đánh chém giết giặc Ân rồi bay về trời.

Sách sử Việt Nam được viết trước ông Ngô Sử Liên, đời nhà Lê, thế kỷ 15, người có công biên soạn “Đại Việt sử ký toàn thư” không thấy đề gì cả. Có lẻ cảm thấy tổ tiên mình không có gì khá nên mấy người viết sử sau này mới thêm vô họ Hồng Bàng, vua Hùng Vương,…

Trong cuốn Lịch Sử Việt Nam của Hà Nội xuất bản, cho rằng các tên Hùng trong cụm từ “Hùng Vương” là tên vua của nước Sở, chư hầu của nhà Chu. Các vua nước Sở có tên đều mang chữ Hùng như Hùng Thông (Sở Vũ Vương), Hùng Vận (Sở Thành Vương).... Thêm nữa người Việt tự nhận mình là người Kinh xuất phát từ Kinh Châu, dòng sông ở nước Sở. Cho nên các vua Hùng và Hồng Bàng có thể là tập hợp của những truyền thuyết của người Kinh và người Việt lai Hán sau này. Như vậy thì dân Giao Chỉ, Cửu Chân,...là người thượng, dân tộc thiểu số?

Người Việt mình cứ kêu vua HÙng nhưng mình thấy họ chả làm gì cả. Muốn được làm vua chỉ cần biết làm bánh dầy cho vua bố xơi là được làm vua. Thảo nào dân Việt Nam cứ nghĩ đến ăn. Trong tự vị Việt Nam có đến 248 cụm từ có từ “ăn”. Như ăn gian, ăn mà phải gian dối hay ăn hiếp, đi hiếp người mà cần phải ăn,…Chán Mớ Đời
Ông cụ mình có đưa mình cuốn gia phả bằng chữ Hán. Mình nhờ chị bạn của vợ đưa cho người chuyên làm gia phả tại Hội An. Ông này dịch ra và nói là trong họ tộc của mình nói có người đậu tiến sĩ, nhưng ông ta xét lại không có ai mang tên ấy ở Văn Miếu. Có lẻ dòng họ mình buồn buồn vì ông bà con cháu đều là nông dân như mình nên cho tiền tên viết gia phả, phán đại có một người trong họ xa đã đậu tiến sĩ như ngày nay người ta mua bằng tiến sĩ như mua xiêm y.

Ngược lại mình có anh bạn học họ Ngô, đọc gia phả thì tiền nhân có dặn là sau này con cháu không được làm quan nhưng phải cố gắng cho con cháu học hành. Gia phả gia đình anh ta có ghi hai người làm quan nhưng không đề tên. Sau 75, anh ta không được đi học nhưng vẫn cố gắng nghe lén đài BBC hay VOA để học thêm anh văn,…đến khi Đổi Mới, người ta cần người biết sinh ngữ thì họ phải dùng anh ta vì đám HỒng Chuyên cực dốt. Sau này về Hà Nội, tìm ra lai lịch hai người đậu tiến sĩ là Ngô Thì Nhậm và Ngô Văn Sở. Nay được bổ túc hai tên này vào gia phả.

Về Việt Nam, chả thiết đi đâu, thấy sách vở của mấy đứa cháu nên tò mò lấy đọc. Càng đọc càng thất kinh vì cháu mình được dạy ngọn đuốc cách mạng Lê Văn 8, Võ Thị 6,…đủ trò. Toàn là chuyện bựa, chính bộ trưởng Việt Cộng lên tiếng, kêu là tạo dựng hình ảnh ngọn đuốc để giúp dân ngu khu đen đánh tây đánh mỹ, chớ có ai bị tẩm xăng mà có thể chạy cả cây số vào đồn, kho xăng của tây để làm nổ.

Mấy ông Việt Cộng, kháng chiến chi đó kể là Võ thị 6 người hơi bị khùng, đưa lựa đạn để giết thằng tây Lai nhưng không chết lại giết người Việt vô tội. Cái vui là tên tây lai thoát chết này, sau về Việt Nam, giúp đỡ người Việt. Chán Mớ Đời

Lò mò lại thấy ông hồ là cha già dân tộc, sinh ra một nước Việt Nam độc lập không có gì quý hơn tự do. Cách đây mấy năm có ông nào ở Đài Loan, viết cuốn sách kêu ông Hồ là người Hẹ, còn Nguyễn Ái Quốc (Nguyễn Tất Thành ) đi tây từ lâu. Trung Cộng cho người giả vào thay thế. Cách tốt nhất là cho thử DNA là biết ngay. Mình nghĩ là Trung Cộng chơi đòn này để chuẩn bị tóm gọn Việt Nam sau này. Kiểu Hồ Quý Ly khi xưa, là người tàu, cũng lên làm vua Việt Nam. Nghe nói hậu duệ của họ Hồ, chạy vào Nam, sau này là anh em Nguyễn Nhạc,…
Mình lại nghe thiên hạ đi học tập cải tạo kể là quản giáo dạy là bà Triệu Ẩu lấy ông Lạc Long Quân, sinh ra 100 người con. 50 người con thì cha lên hang Bắc Pó, tổ chức cách mạng đánh mỹ còn 50 người con khác theo mẹ xuống miền nam bằng tàu há mồm, làm tay sai cho nguỵ quân nguỵ quyền. Có một ông chưa giác ngộ cách mạng, kêu là chính sử không thể lấy dã sử. Lạc long quân là dã sử còn bà Triệu ẩu là chính sử. Thế là anh ta đi tù mọt gông, nghe nói chết.

Cho thấy học lịch sử rất châm vì lịch sử luôn luôn được viết bởi kẻ thắng trận nên sự thật không bao giờ được dạy cho đúng do đó nên tìm thêm tài liệu khác hai chiều 3 chiều 4 chiều để đọc rồi tự lấy đáp án cho mình.

Hôm trước có tên bạn gọi điện thoại kêu nhờ mày tìm dùm cho mật ong hữu cơ, nguyên chất cho con vợ tao. Tên này là một nạn nhân về tội đọc truyện mình kể. Hắn kể cho vợ hắn về mật ong thật và giả nên mụ vợ hắn kêu đi mua. Mình sợ mụ vợ hắn chửi hắn nên đành giúp hắn.

Mình kêu ông nuôi ong rồi ghé nhà ông ta thăm, luôn tiện xem cách ông ta lấy mật ong ra sao. Lúc đầu mình tính kêu thằng con học nghề này, bán mật ong hữu cơ trên mạng nhưng khi thấy lọc mật ong khá nhiêu khê, con mình thì thuộc loại không can trì như mình nên có lẻ nó sẽ không muốn làm kiếm thêm tiền vào cuối tuần, thêm ong bay đầy phòng, không bình tỉnh là bị chích như điên.

Ông ta có cái máy bỏ mấy cái tổ ong vào để cạo mấy xác ong còn dính, rồi bỏ vào cái máy ly tâm để cho mật ong chảy ra, rồi bơm vào cái thùng phuy mật ong, đóng lại rồi chở đi giao hàng cho công ty mua sĩ.
Cuối cùng tên bạn kêu hay mày lấy mật ong ra tiệm tao để tao bán kiếm tiền nuôi vợ con vì thiên hạ bỏ mối đủ thứ ở tiệm hắn. Mình thấy cũng có lý vì mật ong giả quá nhiều. Ngoại quốc thì họ chuộng mật ong của Hoa Kỳ (maze in u ét ây) nên tụi mỹ lại đem mật ong sản xuất tại mỹ bán cho thế giới giá khủng còn chúng mua mật ong pha chế của tàu rẻ, bán lại cho dân mỹ rẻ tiền. Ai rảnh vào Netflix, xem chương trình “Rotten” có nói vụ này.

Có cảnh, họ phỏng vấn một bà khoa học gia người đức tại trung tâm xét nghiệm mật ong to nhất thế giới, theo dõi mấy ông tàu bán đồ giả. Trên máy điện toán họ cho thấy mật ong tàu đưa cho Việt Nam bán với nhãn hiệu ma ze Việt Nam thì lòi ra phấn hoa có nguồn gốc ngay ở tàu.

Ông nuôi ong đồng ý sẽ mua bình ở Sacramento rồi pha bỏ vào đưa cho đưa cho tên bạn bán giúp dân cali có nơi mua mật ong chính hiệu. Ông này 76 tuổi rồi, chỉ bán sĩ cho mấy công ty bán mật ong, lười chiết mật ong ra bình nhỏ, trốn vợ để nuôi mật ong chớ ở nhà mụ vợ thứ 4 cứ sai làm đủ trò. Ai muốn mua thì ra bôn sa, lại tiệm Ghiền Mì Gõ hỏi Mụ Diễm mà mua, đừng gọi em.

Chán Mớ Đời
Nhs

Thái Cực Quyền 2019



Mình tập Thái Cực Quyền được hơn 10 năm nay. Lúc đầu thì không thích lắm. Lý do là lên YouTube xem thì thấy thiên hạ bận áo lụa múa èo èo. Có lần thấy hai ông thần người Tàu, bận áo lụa, thách nhau đả lôi đài.

Trước khi đấu, hai ông thần này múa èo èo bái tổ chi đó thấy đẹp nhưng đến khi đánh nhau thì cứ như con nít đánh lộn, bú xua la mua chả có đòn thế gì cả. ở Đông Phương Hội tập cho biết vậy thôi, chú tâm tập nội công và Trạm Trang Công nhiều hơn.

Có lần thấy một môn sinh nội công Hồng Gia, vô địch Thái Cực Quyền quốc tế. Ông ta nói là nhờ nội công Hồng Gia mới tập Thái Cực Quyền đến mức độ cao nhưng không giải thích. Ngạc nhiên nhưng không hiểu vì sao. Cố gắng tập thêm.

Mấy năm nay, Khoa nói mình tập thêm cái này, thế kia rồi kêu mình phải thả lỏng cho thân hình rớt xuống, tay chân ôm tròn khi tập Thái Cực Quyền. Mỏi thật nhưng từ từ mình cảm thấy thân thể bắt đầu ăn khớp với nhau. Bắt đầu khám phá nhiều cái lạ khi tạo lực. Lúc nào cũng cố gắng thả thân thể cho thấp xuống.

Dạo này Khoa cho tập Đan điền và tạo thanh khiến hơi thở hay bị đứt quảng. Rất khó nhưng nếu tập kiên trì thêm vài năm có thể quen được.

Khi kéo nội công Hồng Gia thì ráng tạo lực từ đan điền rồi đẩy ra. Với nhóm mới thì mình đi nhanh còn nhóm cũ thì mình đi chậm, nhất là khi tập ở nhà. Oải lắm.

Khoa giải thích lực của mình đi ra hay chuyển hướng khi giao thủ với đối phương tựa như dòng nước, chảy theo tốc độ của nó tuỳ địa thế nhưng vẫn đều đều, ráng không bẽ dòng nước một cách đột ngột vì nước chảy, không quẹo như xe hơi. Cái khó là hết làn hơi thở mà tiếp tục làn hơi tiếp thì mình chưa luyện được cái ra và cái vào tự nhiên, không bị đứt quảng. Chán Mớ Đời

Hôm kia, Khoa kêu Cường và mình giao thủ, từ từ mình bắt đầu định vị được lực của Cường để đẩy lui. Khi bắt được cái lực này thì mình ham hố muốn áp đảo ngay đối phương khiến Khoa cười kêu ham. Lúc đó mình mới hiểu tập ở Đông Phương Hội giúp mình tìm ra cái yếu của mình về cơ thể và tâm trí. Có lẻ lần thứ hai từ 12 năm nay mình ngộ ra điều mới, về cơ thể và nội tâm.

Hôm trước, Khoa chỉ mình cách giao thủ nhưng cố gắng tiếp tục hơi thở khi thở ra và khi thở vào không được đứt đoạn. Rất khó. Hoá ra tập mấy cái này thấy lơ bơ vậy mà đi vào chi tiết rất khó. Vì trong tích tắc, ngưng hơi thở thì có thể bị đối thủ phá lực của mình.

Vấn đề là sau khi khám phá cách tạo lực từ Đan điền để không bị đối phương áp đảo thì mình đi quyền cứ như đứng tại chỗ. Bài 8 thức mà mình đi có mấy thế mà cả 30 phút chưa hết bài, mệt con gà quay. Hết thở, đừ quá.

Ngồi viết ngẫm lại thì từ khi tập ở Đông Phương Hội đến nay, con người mình có thay đổi khá nhiều về tâm tính. Khi xưa, vợ la là bị dị ứng, như khi giao thủ, là tìm cách chống lại để áp đảo đối phương.

Sau này Khoa chỉ cách lách lực, điển hình ông thần Vovinam ở Houston, qua chơi, Khoa kêu giao tay với mình thì ông ta kể là lực mình mất tiêu rồi từ đâu, chạy về, kiến ông ta không áp đảo được mình, từ dạo ấy mình bớt cãi với vợ, nay thì ít hơn như thể hôm trước, giao thủ với Cường, mình để lực đến rồi từ từ dùng lực từ Đan điền chậm chạp, không hấp tấp, từ từ đẩy lực của Cường ra, không hấp tấp, không lo ngại. Vợ la thì ngậm mồm lại, kêu iét ho ni. Xong om

Bác nào muốn gia đạo yên vui nên cho chồng đến Đông Phương Hội tập, khỏi mất thì giờ ở cà phê lÚ. Tuần rồi, đồng chí gái nói có chị bạn học Trưng vương, đi Việt Nam chơi với chồng. Về Việt Nam, mặt ông chồng như mới ăn nghệ, mệt nên bay về lại Hoa Kỳ. Bác sĩ khám phá là ung thư giai đoạn 3. Cô bạn kể mà mình cũng thấy khi gặp nhau, ông chồng uống rượu nhiều, kiểu không say không về. Bệnh tòng khẩu nhập.
Khoa ít muốn nhận thêm học viên nhưng hôm trước, có dặn mình báo cho mọi người, Cả hai lớp, nhận thêm 10 người để Khoa hướng dẫn. Có quen ai muốn tập cho khỏe thì giới thiệu Đông Phương Hội. Ông Sasha, nói có 6 người muốn tập Vịnh Xuân quyền mà lúc trước Khoa không nhận thêm. Ông này kể, mất mấy năm mới tìm ra Đông Phương Hội, lúc mò ra được Đông Phương Hội, thì Đông Phương Hội lại dời chỗ nên hai năm sau, cơ duyên mới đến để ông ta tập ở Đông Phương Hội.

Mình lúc nào cũng mang ơn anh bạn đã tìm cách kéo mình đi tập Hồng Gia 18 năm trước. Anh ta là thiên sứ được ông trời sai khiến dẫn mình đi tập và đã thay đổi cuộc đời mình từ 18 năm nay.

https://www.facebook.com/%C4%90%C3%B4ng-Ph%C6%B0%C6%A1ng-H%E1%BB%99i-V%E1%BB%8Bnh-Xu%C3%A2n-Quy%E1%BB%81n-265133590210969/

Chán Mớ Đời
Nhs

Ai có chính nghĩa?

Ai có chính nghĩa?

“Chụ!” Mình quay lại thì có bà lão gọi mình bằng giọng Huế, nói “cho nậm tay chụ để đi cho mạnh”. Mình đưa tay cho bà ta nắm rồi đi về hướng tượng đài chiến sĩ trận vong chiến tranh Việt Nam. Sáng nay, cộng đồng người Việt tại miền nam Cali tổ chức lễ truy điệu và chôn hài cốt của những gì còn lại của 81 binh sĩ nhảy dù của Việt Nam Cộng Hoà, tử nạn máy bay trên đường không vận ra trận gần Tuy Hoà.

Vừa đi bà lão kể cho mình là đi chôn ông dôn, mất tích ngày 11 tháng 12 năm 1965 khi chiếc máy bay C123 vì sương mù, lao vào núi, khiến nguyên đại đội 72, tiểu đoàn 7 nhảy dù bị mất tích. Bà kể là người An Hoà, sau ni vô Sàigòn sinh sống còn mình kể quê ngoại là An Lưu, không biết có gần quê bà ta.

Mình nhìn bà lão mà xót thương, 54 năm qua, một mình nuôi con, thờ chồng, nay mới được được làm lễ tiễn biệt người bạn đời. Đến nơi thì bà lão cảm ơn mình nói, tui đi với con rể và con gái, đang ở đàng sau. Bà tuy lớn tuổi mà cố gắng đi nhanh đến tượng đài trong khi con và rể thì từ từ nối gót. Chiều nay, xem báo người Việt đăng hình của bà, cầm tấm ảnh của người chồng nhảy dù quá cố, tên Nguyễn Thảo, hy sinh vì Tự Do, 54 năm về trước. Xem chú thích, tên bà ta là LÊ thị Sẻ, có hình ảnh chị nào đeo tang, chắc là cô con gái. Lúc đến thì không thấy đeo khăn tang.

Mình thấy rất nhiều cựu quân nhân, có người bận quân phục Việt Nam Cộng Hoà, đến tiễn biệt các chiến hữu của họ. Có một anh trẻ độ 20, bận đồ vét đen, đeo tấm vãi trắng trước ngực, đứng lặng yên từ xa, một anh khác đứng tuổi, đem hai chậu hoa cúc đến tượng đài. Rất cảm động.

Việc này được thành công là nhờ ông cựu thượng nghị sĩ Jim Webb, cựu bộ trưởng Hải quân Hoa Kỳ, từng ra ứng cử tổng thống nhưng ít được ai ủng hộ nên rút lui. Nếu mình không lầm thì vợ ông ta là người gốc Việt.

Ông ta kể là khi người Mỹ tìm được ra hài cốt của các người tử nạn trong chuyến bay này thì người Mỹ đem về Thái Lan để khám nghiệm DNA thì họ khám phá ra 4 quân nhân Hoa Kỳ và đem về an táng tại nghĩa trang quân đội Arlington.

Năm 1986, 81 di cốt binh sĩ nhảy dù này được chuyển về Cơ Quan Tìm Kiếm Tù Binh/Người Mất Tích (DPAA) ở Hawaii, nơi phụ trách xác định danh tính những người tử trận hoặc mất tích trong chiến tranh.

Cách đây 2 năm, ông Webb được giao nhiệm vụ lo vụ hài cốt này được để tại Hạ Uy Di từ 33 năm qua. Ông ta liên lạc với Hà Nội nhưng Việt Cộng không nhận. Họ đã phá nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi nay đang tính phá nghĩa trang Biên Hoà để xoá hết dấu tích Việt Nam Cộng Hoà.

Mặc dù họ kêu gọi xoá bỏ hận thù nhưng không cho thân nhân của người quá cố được đem hài cốt về chôn tại quê hương. Có lẻ họ sợ mấy người lính nhảy dù sẽ linh thiêng như Võ Thị 6, được chôn tại nghĩa trang Côn Sơn mà ngày nay các cán bộ cao cấp đều đến đây theo diện “du lịch tâm linh”, cúng dường cho “Cô 6” để được thăng quan lên chức, làm giàu. Cái vui là thằng được lên chức thì phải có người xuống mà cả hai đều cầu cúng cô 6. Nhờ Cô 6 mà kinh tế Côn Sơn lên như diều.

Chiều tối mộ của Cô 6 được thắp sáng như một thành phố, người ra vô tấp nập để cúng Cô 6 mà chính cán bộ tuyên truyền của Hà Nội, kêu là cô ta khi xưa bị khùng nên họ dụ đem lựu đạn quăn vô đám đông, làm chết nhiều người vô tội mà tên Tây lai lại thoát. Sau này tên Tây lai trở về Việt Nam, giúp đỡ những người trong khu vực xưa, để được đem mẹ già qua tây.

Mấy ngày nay rầm rộ, thiên hạ bàn tán đến vụ mấy người Việt nghèo, cầm sổ đỏ ruộng vườn để di dân lậu qua Anh Quốc và bị chết ngạt lạnh trong xe đông lạnh. Họ gọi là dân “Container people” thay vì Boat People như trước.

Từ năm 1954, có đến 1 triệu người bỏ miền Bắc vào nam, chạy trốn Việt Cộng, rồi sau 1975, có hai triệu người bỏ trốn thiên đường cộng sản, không biết bao nhiêu người đã chết trên biển cả. 44 năm sau ngày đất nước thống nhất, người Việt tiếp tục ra đi vì không thể sống tại quê nhà. Người giàu có thì sang nhượng lại cơ sở làm ăn cho sân sau các cán bộ lớn để di dân hợp pháp, ai tham thì bị bỏ tù,…

Người ta bỏ mồ mả tổ tiên, cha mẹ để ra đi tìm đường sống. Thấy trên mạng có nhiều tấm ảnh hô hào đi lao động quốc tế, xoá đói giảm nghèo. Nghe kể chuyên cơ của cán bộ cao cấp đi viếng Nam Hàn, cũng cho người đóng tiền đi ké rồi lén ở lại, sống chui, để có tiền trả nợ và nuôi gia đình ở Việt Nam.

Bao nhiêu cô gái Việt Nam đi làm ô sin, lấy chồng ngoại quốc để cứu nguy gia đình. Thậm chí có rất nhiều người qua Mã Lai, Tân Gia Ba (Singapore) làm điếm, đứng đường.

Mình có mấy người em họ, đi lao động bên Liên xô, có người lạnh quá, trở về, có người còn ở lại để kiếm tiền, gửi về cho gia đình xây nhà xây cửa. Mình có cậu em cô cậu, đi lao động ở xứ Lào, để vợ ở nhà chăm sóc mẹ già, không biết khi nào về lại Việt Nam. Có người em chú bác kể đã sang Đài Loán nhưng già nên người ta không mượn nên trở về quê cùng vợ đi đổ bê tông sống qua ngày.

Nghe kể sau 75, có một ông thầy Việt Cộng dạy ở Huế. Ông ta nói ”Thành phố Huế của chúng ta có truyền thống cách mạng? Vì răn? Vì khi xưa bác hồ có học tại trường Quốc Học. Cách mạng là răn? Cách mạng là bỏ cái cũ, để làm cái mới đẹp  hơn 10 lần trước đây.

Thí dụ: khi xưa thời nguỵ tạm chiếm thành phố Huế. Lính nguỵ làm tay sai, đi đánh thuê cho đế quốc mỹ, còn bộ đội bác hồ đi làm cách mạng, giải phóng người dân khỏi đô hộ của đế quốc sài lang.

Có một thằng bé đưa tay lên: “ thưa thầy không phải nơi. Mệ ngoại em nói là lính quốc gia chiến đấu cho tự do dân tộc, còn bộ đội là người ngoài Bắc, họ đi bộ vô, thấy cái chi họ đội về”.

Còn sự khác biệt của thời nguỵ và thời cách mạng là cách đánh vần. Thầy nguỵ dạy em đánh vần chữ “Khổ” là “ca hát ô khô hỏi khổ” còn thầy cách mạng dạy em đánh vần là “khờ ô khô hỏi khổ”. Thời mô cũng khổ, sự khác biệt thời nguỵ thì người ta khổ nhưng còn ca còn hát được, thời cách mạng người ta khổ nên khờ luôn”. Chán Mớ Đời

Đi dự đám tang 81 chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà, mình chợt hiểu là họ chết vì tự do cho gia đình, dân tộc cho Chính nghĩa Tự Do. Trong thời chiến tranh, không có một người trốn ra nước ngoài.

Bổng nhiên mình nhớ đến bài hát Người đi tản buồn.

Chiều nay có một người di tản buồn
Gọi anh em còn ai hay mất ai
Còn bao nhiêu thằng xông pha chiến khu
Và bao nhiêu nằm trong những lao tù !
Ở đây có những chiều mưa rất nhiều
Nhiều hơn khi hành quân trong tháng mưa
Buồn hơn đêm rừng thưa vang tiếng bom
Ngày vui ơi giờ đâu nữa không còn

Cho tôi xin lại ngọn đồi, ở nơi tôi dừng quân cũ
Cho tôi xin lại bờ rừng, nơi từng chiến đấu bên nhau
Cho tôi xin một lần chào, chào bao nhiêu người đã khuất
Xin cho tôi một mộ phần, bên ngàn chiến hữu của tôi ...
(Người di tản buồn của Nam Lộc)


Tuần này lại phải đi học. Chán Mớ Đời
Nhs

Học sinh và thầy cô

Học sinh và thầy cô

Hắn nhớ hôm ấy, mẹ hắn bị kêu lên trường để gặp thầy giáo. Thầy hắn, chậm rãi kể cho mẹ hắn về những nghịch phá trong lớp của hắn, nhất là không chịu học, lười biếng không làm bài tập ở nhà,… hắn thấy mẹ hắn ngồi lặng câm, buồn nhìn về xa xăm. Mẹ hắn cực khổ, buôn bán để mong hắn có một ngày tươi sáng hơn đời của mẹ nhưng…

Ông thầy kêu con chị là một sự thất bại. Hết thuốc chữa. Nó sẽ bị ở lại với điểm số không nhiều hơn quân Nguyên. Điều tôi lo sợ là cháu sẽ không có một tương lai tốt như chị mong đợi.

Thầy giáo quay sang hỏi hắn, em nghĩ sẽ có tương lai như thế nào khi lười biếng nghịch ngợm, phá phách các bạn đồng lớp, không chịu làm bài,…

Hắn chán nản nhưng thấy mẹ hắn buồn nên bao nhiêu suy tư từ bấy lâu, hắn bổng nhiên nói với thầy. Dạ thưa thầy, em không phải là một thất bại vì thất bại chỉ là một sự kiện nhất thời, không phải vĩnh viễn. Cô Hiền có nói Thất bại là mẹ thành công.

Thầy nói là trong tương lai, tất cả mọi việc đều sẽ được tự động hoá, không cần người lao động, thậm chí bác sĩ cũng sẽ được ít sử dụng vì người máy, máy điện toán sẽ rà xét người ta kỹ càng hơn, chính xác hơn,.. Vậy chúng em học để làm gì, vì tương lai sẽ không được thâu dụng. Trong xóm em, có nhiều người học giỏi như anh Hùng, đậu thủ khoa ở đại học rồi thất nghiệp mấy năm, nay chạy xe ôm.

Thầy Hoàng nói là những ai muốn thành công sau này là phải có trí óc tò mò, tìm tòi mới đáp ứng được với xã hội mới, trong khi học ở lớp thầy, cứ bắt chép bài, học tập đạo đức, rồi thi đủ trò,…để làm gì khi ra trường không có việc làm. Tốn tiền gia đình, có mấy cái bằng khen treo tường, chứng nhận một thời ngu dại.

Thằng Tuấn, giỏi toán thầy lại phê; không làm đáp án như thầy, cần phải học thêm ở nhà thầy để thầy có thêm tiền bồi dưỡng. Khi thi thì thầy cho mấy đứa học thêm với thầy làm đề thi trước ở nhà trong khi tụi em không có tiền học thêm thì ít điểm hơn.

Đọc báo, họ nói có trên 1,500 giám đốc côngty Hoa Kỳ cho rằng; thế giới ngày nay cần những bộ óc sáng tạo, vì đó là là kỹ năng quan trọng nhất về lãnh đạo. Người ta không cần những gì mình biết hay nhớ vì chỉ cần Gú Gồ, hay Siri là trong 5 giây đồng hồ là có tất cả dữ liệu.

Do đó em chán học vì trong tương lai, người ta sẽ mướn người, có thể sử dụng sự hiểu biết của họ để giải quyết vấn đề một cách sáng tạo, thay vì A, B, C khoanh. Những gì con học ở trường là những gì người máy, robot đều làm được và hay hơn 24/24.

Ông Jack Ma, chủ tịch công ty Alibaba, nói chúng ta không nên cạnh tranh với máy móc, trí tuệ thông minh mà chú ý vào phát triển trí tuệ con người.

Những gì thầy dạy ngày nay, sẽ đưa học trò của thầy khi rời nhà trường, đến thẳng văn phòng thất nghiệp. Ông chủ công ty Tesla, Elon Musk cho rằng thâu nhận nhân viên dựa trên điểm cao của học bạ, đã lỗi thời.

Thầy dạy học sinh ngày nay như đã dạy 20 năm trước là thầy đã cướp đi tương lai của chúng em. Không chuẩn bị cho chúng em hành trang cho thế kỷ 21.

Ngồi lớp thầy chán như con gián, phải nhìn đồng hồ hoài cho qua thời gian. Người Mỹ hay nói; chúng ta có thể dẫn con ngựa đến bờ suối nhưng chúng ta không thể bắt con ngựa uống nước. Nếu thầy bỏ thêm chút muối trong cỏ ngựa ăn thì sẽ làm chúng khát. Đám bán rượu bia trong quán, hiểu vấn đề này nên chúng cho ăn đậu phụng rang ngâm muối ớt. Nếu thầy cố gắng làm cho không khí trong lớp vui vẻ thì học trò giỏi, dỡ,..đều cố gắng học tập vì học sinh tìm được niềm vui trong học thức thay vì thầy cứ giảng như cha tuyên uý hay cán bộ chính trị.

Em biết thiên chức của thầy là chuẩn bị cho học sinh một hành trang kiến thức để vào đời, là một công việc cao cả nhất hành tinh nhưng nếu thầy thật lòng muốn giúp chúng em thì phải tự hỏi; làm thế nào giúp chúng em hội nhập một thế giới, tương lai chưa từng có vì kỹ thuật, ngày nay trí tuệ nhân tạo đã thay đổi cơ cấu xã hội, thông tin,…

Những kiến thức của thầy nhồi sọ bọn em, không có đáp án cho mai sau. Thầy cứ kêu gào cách mạng 4.0 hay hệ thống 5 Gờ mà ngay chính thầy cũng không có i-meo, tài khoản về Facebook, Zalo,…để chúng em liên lạc, hỏi thầy.

Mẹ, con biết mẹ buồn vì con không được gọi là học sinh tiên tiến, cháu ngoan của Bác, trò ngoan của thầy nhưng con không ngu lâu dốt sớm. Con chỉ làm được 70% các câu hỏi đề thi của trường nhưng mấy câu hỏi này đưa đến 0% về tương lai của con. Đừng lo tuy không thích nhưng con sẽ cố gắng học để đậu ra trường dù không thích, cảm thấy mất thì giờ. Vì vậy mà một số bạn học chán học, phá phách, quậy phá. Nếu học trong một không khí vui vẻ thì ai cũng tham gia.

Mẹ đừng lo, quan trọng nhất là cho con một khoảng trống mà ông Kahlil Gibran cho rằng: con cái của mình được mình sinh ra nuôi nấng nhưng chúng không thuộc về mình. Mẹ thương con, nuôi nấng con nhưng hãy cho con đeo đuổi giấc mơ làm người.

Nếu chúng ta muốn thành công thì cả ba chúng ta phải thay đổi toàn diện, tư tưởng để giúp cho học sinh ngày nay sẽ không bở ngỡ khi rời ghế nhà trường, thay vì học những cái cũ xưa, lỗi thời.

Chán Mớ Đời
Nhs