Casablanca, một thời để nhớ

Đi Maroc *

Hè năm sau mình quyết định đi Maroc, Phi Châu nên sau niên học là chuẩn bị ba lô lên đường. Hồi nhỏ có coi phim L' homme de Marrakech ở rạp Ngọc Lan, sau này qua Tây có coi phim Casablanca nên cứ khắc khoải đi viếng xứ này cho thỏa chí.

Từ Paris mình đi xe lửa xuống miền nam đến Avignon, mùa hè thành phố này có festival về kịch nghệ nhất là để xem cái cầu mà hồi nhỏ mấy bà thầy dạy hát Sur le pont d'Avignon, on y danse,... Cái cầu này ngày xưa có 22 nhịp nhưng nay còn lại có 4 nhịp. Mình có ngồi bên bờ sông Rhône để vẽ thành phố cổ này mà thời Trung cổ là nơi các Đức giáo Hoàng cư ngụ sau này vì tranh dành quyền hành, chống đối Nội Bộ, bầu bán hai đức giáo hoàng một sống tại đây và một sống bên Ý ở Vatican. Dần dần nhóm ở bên Tây mất ảnh hưởng nên công giáo Tây Âu ngày nay chỉ còn một người đứng đầu của giáo hội nên các Đức giáo Hoàng sau này cư ngụ tại Vatican đến ngày nay.
````````````````````````

Thánh đường hồi giáo đẹp nhất Ma-rốc do một kiến trúc sư người Việt thiết kế. Mình có kể rồi

Dạo ông Hoàng đế Constantin của Đế Quốc La Mã dời đô về thành phố mang tên ông ở Thổ Nhỉ Kỳ mà sau này người hồi giáo đổi tên lại Istanbul rồi đến thế kỷ 11 thì Thiên Chúa Giáo bị chia ra hai phái; nhóm bị ảnh hưởng Văn Minh La Mã ở phía Tây Âu sau này du nhập vào VN. Phái kia bị ảnh hưởng của Văn Minh byzantine thuộc Đông Âu và Hy Lạp mà sau này mình có dịp thăm viếng để tìm hiểu thêm vì kiến trúc của âu châu bị ảnh hưởng sâu đậm bởi thiên chúa giáo cho nên kiến trúc Đông Tây khá khác biệt thêm bị chiến tranh lạnh chia đôi. Cuối cùng thì mình đã viếng vùng Đông âu, mấy năm trước.

Phong cảnh của vùng Vaucluse rất đẹp khiến mình ở lại thêm mấy ngày để vẽ và tối đi coi kịch ngoài trời hay nghe hoà nhạc. Mùa hè có festival nên giá cả rất đắt nên ngụ ở youth hostel. Tại đây mình lại làm quen được một anh chàng người Maroc ở Casablanca nên xin địa chỉ và hỏi tin tức du lịch bên Maroc và hứa sẽ ghé lại thăm gia đình hắn rồi đến thành phố Nîmes mà sau này mình có vẽ một đồ án Carré d'art ở đây khi làm cho hảng của KTS Norman Foster ở Luân Đôn. 
Ông Crabe tambour chở mình ra đây vẽ Aqua Đức này, đã trên 2,000 năm.

Mình ngụ lại nhà ông "crabe tambour" vì có một phim nói về cuộc đời ông này với tựa Le Crabe Tambour do đạo diễn Pierre Schoendoerffer thực hiện. Mình quen ông này qua hội cựu chiến binh Pháp mà lần đầu tiên gặp, ông khuyên mình lánh xa nhóm VN quen. Lý do là nếu tụ tập thì những người mất nước sẽ than vãn về quê hương xưa, gây ảnh hưởng đến sự học hành. Mình nghe lời ông ta nên tránh gặp mấy tên bạn quen từ Đà Lạt và sau này gặp lại thì mấy người bạn này đa số bỏ học đi làm. Ông này không có vợ con lại sống theo lối Á Đông, ông ta để móng tay dài như các quan VN xưa mà mình có xem trong các tài liệu của Pháp. Ông nằm ngủ trên cái phảng, cái gối gổ như cục gạch lỏm. 
Vào mấy cái souk (chợ) của dân địa phương rất đẹp

Nghe ông ta kể về các chuyến viễn du khi thời trai trẻ rất là vui, rồi dẫn đi viếng Pont du Gard để vẽ sau đó ông ta cho địa chỉ người cháu ở Marrakech để liên lạc khi tới nơi. Ông ta kể thời gia nhập OAS tìm cách ám sát tổng thống De Gaulle đã bỏ các thuộc địa nhưng không may ông De Gaulle không chết nên có cuộc thanh trừng của quân đội pháp dạo ấy rất lớn.  Sau này, ông qua đời nhưng mình biết tin trễ gần cả năm sau nhưng bạn bè quân ngủ rất kính nể vì ông ta sống theo lý tưởng bảo vệ quốc gia như các người lính không am tường về thời cuộc chính trị, không hiểu được là Pháp sau đệ nhị thế chiến, rất yếu về kinh tế nên tổng thống Charles De Gaulle phải bỏ các thuộc địa để xây dựng lại nước Pháp, bị tàn phá trong chiến tranh.

Hội cựu chiến binh cho mình học bổng nên hàng tháng mình đến nhận tiền nên thường được mời ăn cơm trưa ở câu lạc bộ nên hay gặp mấy người mà VN gọi là có nợ máu với nhân dân như tướng Raoul Salan mà lịch sử VN có thể khác nếu ông ta không bị thay thế ở chiến trường Đông Dương. Tướng Marcel Bigeard, người đầu hàng ở Điện Biên Phủ, giãi ngủ làm dân biểu cho vùng Moselle nên khi nào về Paris họp thì ông ghé lại ăn cơm ở câu lạc bộ cựu chiến binh. Bác sĩ Grovin cũng có mặt tại ĐBP, ông này mỗi ngày bơi một tiếng đồng hồ nên sau này mình bắt chước ông ta bơi mỗi ngày 1 tiếng. Mình có gặp ông Bob Denard, thường được gọi là đại tá, người lính đánh thuê khét tiếng, soldier of Fortune, nổi tiếng giúp các giới chính trị đảo chánh ở Phi Châu,... 

Nay ngồi nhớ lại mình cũng làm lạ là mình gặp những thành phần rất quái ở đời. Trong nhóm này mình phục nhất là ông Yves Gignac, tổng thư ký của hội, người viết cuốn sách Le Dragon d' Annam. Mỗi tuần ông này đều gặp ông Vĩnh Thụy để phỏng vấn, để viết dùm hồi ký của vị Hoàng Đế cuối cùng của VN. 

Cũng buồn ông này xài không biết bao nhiêu tiền của người dân VN, để ông ta sang Tây ăn học mà không biết ông vua này có đậu trung học hay tú tài không. Về già ông ta sống với bà đầm tên Monique thì phải. Ông ta nói tôi là vua nên không thể nào đi làm nên bà Monique đi làm nuôi ông ta. Nay về già mình cũng bắt chước ông này để vợ lao động Vinh Quang, nuôi mình.

Mình thấy ông vua Hassan II cũng du học bên Pháp cùng thời với ông Bảo Đại nhưng biết lo cho đất nước ông ta. Mặc dầu đất nước bị chiến tranh với quân Politsario nhưng xứ Maroc tương đối khá phát triển. Ông vua Hasan II kêu đại sứ Pháp đến gặp để than phiền các giáo sư Pháp, được cử sang dạy ở xứ ông, viết tiếng Pháp sai văn phạm,.. Ông Gignac không học hết Trung học, sau đi lính qua Đông Dương nhưng sự hiểu biết của ông ta về văn chương, lịch sử rất cao, ông ta đọc sách rất nhiều. Hà Nội không cấp chiếu khán du lịch cho ông này dù ông ta muốn sang thăm lại VN và mới qua đời năm ngoái.

 Dạo đó, dân Pháp còn hậm hực thù hận nhau vì trong thời Đức quốc xã chiếm đóng thì có người theo thống chế Pétain, đầu hàng và hợp tác với Hitler, có người thì theo đại tá De Gaulle kháng chiến chống lại Nazi tương tự VN mình sau 75 người ta ghét dân CM30. Nhờ đó mà VN có thể thắng trận điện biên phủ và dành độc lập vì quân đội Pháp ở Đông Dương rất yếu, họ nhờ Mỹ giúp đỡ nhưng Hoa Kỳ có mưu đồ khác. Có một điều lạ là nước Algerie và VN đánh bại quân đội Pháp để dành lại độc lập thì rất te tua sau bao nhiêu năm dành độc lập. Trong khi các thuộc địa cũ của Pháp được trao trả độc lập không tốn một viên đạn lại khá hơn. Dạo đó dân chúng vùng Magreb tôn sùng ông Khadhafi vì ông này dùng dầu hoả để cải tổ đất nước nhưng sau này bị thế giới cô lập hoá, chỉ có nhóm cận thần dốt kém cai trị mà ta thấy kết cuộc bị kéo lê lết từ ống cống.

Chúng ta bị truyền thông tây phương tuyên truyền nên nghĩ ông này là man rợ, trên thực tế, ông ta tuy là độc tài nhưng người dân yêu mến ông ta. Tình trạng hiện nay đã chứng tỏ ông ấy tốt, lo chăm sóc người dân của xứ Libya.

Rời Nîmes, mình đến Arles, quê hương thứ hai của hoạ sĩ Van Gogh rồi ghé Aix en Provence rồi Riez thăm một người bạn rồi thẳng đường xuống Sète để lên tàu thuỷ qua Maroc. Muốn đi  từ Pháp thì có hai cảng là Marseille và Sète nhưng vì ở lại chơi thêm với người quen nên mình trễ một tuần theo dự định của chuyến du hành nên mua vé tàu đi từ Sète thay vì ghé Marseille như dự định. Dạo còn bé mình mê đọc truyện của ông Marcel Pagnol nhất là cuốn Marius nên muốn ghé lại Marseille để xem hải cảng danh tiếng mà phim French Connection được quay tại đây nhưng đành khất lại lần khác.

Trước ngày đi mình ra đứng ở bến tàu để xem những con tàu ra khơi để hiểu tâm trạng của nhân vật Marius của ông Marcel Pagnol. Mình rất hồ hởi khi lên tàu để ra khơi lần đầu trong đời nhưng thực tế không như mình tưởng vì mới bước lên boong tàu là mình phải chạy đi nhà vệ sinh để ói. Hơi mùi dầu máy tàu làm mình nôn tới mật xanh. Mua vé rẻ nhất nên ngồi nơi ghế nhựa, vật vờn theo con tàu lênh đênh trên biển. Không dám đứng dậy vì sợ ói rồi ngũ vùi qua đêm khi món Bouillabaise ăn trước khi lên tàu đã được ói ra hết. 
Phim này xem ở rạp Ngọc lan, Đà Lạt. Mê cô đào này đến khi qua tây, thấy già kinh khủng . Chán Mớ Đời 

Sáng hôm sau thì lùng bùng, lềnh bềnh nói chuyện với một tên Tây ngồi bên cạnh. Tên này mới ra trường đi cooperant hai năm bên Maroc để dạy toán tương tự mấy ông thầy Tây trẻ ngày xưa sang VN dạy thay vì đi quân dịch. Bên Tây dạo đó, đàn ông phải đi quân dịch một năm còn ai có bằng cấp đại học trở lên thì có thể xin đi cooperant ở các nước có liên hệ ngoại giao, đa số là các thuộc địa cũ của Pháp. 

Mình có mấy tên bạn học xin đi dạy đại học kiến trúc ở Dakar, Senegal nên lúc đi trình diện quân dịch để khám sức khoẻ thì có ghi muốn đi cooperant nhưng khi được bác sĩ phỏng vấn thì muốn cho chắc ăn nên mình nói sinh sống trong chiến tranh VN nên ớn quân đội để ông bác sĩ cho mình đi cooperant thay vì đi tập quân sự, ai ngờ ông ta cho mình miễn dịch luôn nên đở mất hai năm.

Tên Tây cooperant nói có đem xe sang Maroc, rũ mình đi chung xuống Rabat, thủ đô của Maroc để bớt bở ngở nên mình vui vẻ nhận lời ngay. Tàu cập bến Tangier, hải cảng nổi tiếng nhất Bắc Phi thì đã thấy mấy tên á rập chạy theo lôi kéo ba lô của mấy cô gái Đức đi du lịch bụi như mình nên kêu lại đi chung với mình ra khỏi cảng rồi lên xe của tên Tây đi Rabat. 

Tới toà đại sứ thì có một con đầm thảy cho cái chìa khoá phòng của một chung cư nào của Pháp nên hai thằng bò về tắm gội. Cũng thảm lắm không có gì sang trọng, tên Tây ở tạm trong khi kiếm nhà thuê cho hai năm dạy học tới. Mình ở ké với tên Tây vài ngày vì căn nhà có thêm mấy phòng ngủ, dân cooperant chỉ sang khi gần tới nhập học. Hai thằng rũ nhau đi chơi, ăn uống. Tên này cũng mừng nơi xứ lạ quê người có một thằng mít nói chuyện cũng đỡ buồn. Qua hắn, mình cũng học thêm về Văn hoá Bắc Phi vì hắn phải theo học khoá tu nghiệp văn hoá bổ túc của xứ Ma-rốc, trước khi sang Maroc.
Nơi họ nhuộm màu da. Thối không thể tả.

Sau đó, mình đi thành phố Casablanca mà Humprey Bogard đã làm cho thành phố này nổi tiếng qua cuốn phim cùng tên. Mình nhớ trong phim Annie, khi cô bé Hemingway hỏi thì ông Woody Allen trả lời là chôm câu nói đó trong phim Casablanca. “Maybe not today, maybe not tomorrow, but soon and for the rest of your life.” Nói cho ngay, mình chưa bao giờ gặp lại mấy bà đì mình ngày xưa nên chưa có dịp xổ câu này như trong phom Casablanca. Chán Mớ Đời 

Tại đây thì mình liên lạc được với tên người Maroc gặp ở Avignon nên gia đình ăn mời lại nhà ăn cơm rất ngon. Họ làm mấy món rất lạ và rất ngon. Tên này nói ở đây có một kiến trúc sư người VN nên mình tò mò kiếm số điện thoại trong niên giám. 

Tên VN đều được dịch ra tiếng Á rập nên mình chịu thua, phải bò vào bưu điện hỏi niên giám bằng tiếng Tây cho người ngoại quốc đọc thì mới tra ra tên tuổi VN. Ông này mời tới công ty của ông ta chơi, mới khám phá ra ông ta là bạn học khi xưa với Hoàng tử Hassan ở Pháp sau này lên ngôi vua, rủ ông ta qua Maroc ở. Ông này người Nam, học ở Tây rồi chiến tranh VN nên không dám về nên qua Maroc làm được ông vua Hassan II giao cho xây Lăng của vua cha rồi vận động trường, tóm lại là các công trình quan trọng của thời đại vua Hassan II là do ông này thiết kế tương tự như Nguyễn An xây Cấm Tử Thành ở TQ. Ông này có kêu mình ở lại làm việc cho ông ta nhưng thấy trả lương rẻ quá nên cám ơn hẹn khi khác.

Sau đó mình lấy xe đò đi Marrakech. Xe đò thì tương tự như ở VN nên mình cũng quen, có dê, gà,.. trong xe nên khá hôi nhưng mình cũng không để ý lắm xem phong cảnh. Có vài người dân quê tò mò hỏi thì mình tếu bảo "ana magrebin lakin tekelem arabia" đại khái là tôi là người magreb nhưng không biết nói tiếng á rập. 

Vùng bắc phi châu gồm ba nước ; Maroc, Algerie và Tunisie thường được gọi là vùng của dân Magreb, giống dân này khác với dân vùng trung đông tuy có chung tôn giáo. Số người còn nói thổ ngữ berber thì cũng có một phần ở Lybia và Mauritanie. Thành phố Marrakech rất lạ, màu đỏ như trong phim L' homme de Marrakech, kiến trúc cũng khác lạ, dùng đất đỏ để xây tường làm mình nhớ đến nhà ông Chiếu, làm ở ty công chánh Đà lạt. Ông này người Huế, làm công nhân cho ty công chánh, chuyên đào đường cuốc đất, có lần mình ghé lại Nhà ông ta ở trên số 6, vách Nhà làm bằng đất đỏ còn mái thì lợp bằng rơm. Đất rất tốt về cách nhiệt nên xứ Maroc này dùng rất nhiều để giúp nhà mát vào mùa hè mà ấm vào mùa đông. 

Marrakech là thành phố lớn thứ 3 của Maroc, gần núi Atlas và sa mạc. Dạo đó quân kháng chiến Polisario còn hoạt động trong sa mạc Sahara nên du khách không dám đi. Mình hy vọng sau này sẽ đi thăm vùng này lại để viếng sa mạc Sahara. Vùng này của giống dân Berber là dân địa phương tương tự người thượng du của mình, họ sống rãi rác, chăn cừu, dê,... 

Xuống bến xe thì mình đang ngơ ngác sau mấy tiếng ngồi xe với dê, gà thì có một tên hỏi mình kiếm nhà nghỉ thì mình gật đầu. Hắn là cò nhà nghỉ nói lên xe gắn máy hắn chở tới nhà nghỉ rồi hắn đổi ý hỏi muốn về nhà hắn ở thì mình đồng ý. Nhà hắn ở khu lao động nên vách đất tương tự các khu gần cầu Trương Minh Giản. 

Hắn giới thiệu với gia đình rồi hỏi có thể cho mình ở lại thì bố hắn đồng ý. Họ quý mình nên sai thằng con nhỏ chạy đi ra quán mua chai Coca Cola mà mình thì không dám uống với đá nên chỉ xin uống nước trà. Tiếng của họ là "chai" chắc từ chà của tầu nhưng họ uống với đường và pha lá húng. Khi ăn thì đàn bà ngồi trong bếp còn đàn ông thì ngoài phòng khách, họ ăn bằng tay không có thìa. Ở Costa Mesa có một tiệm ăn maroc có tên là Marrakech được thiết kế như bên trong một cái lều, hàng đêm có Vũ nữ múa bụng cũng vui lắm nhưng vợ mình không thích đồ ăn của xứ này nên ít khi tới. 

Sáng hôm sau đâu 4-5 giờ sáng thì mình nghe phòng bên cạnh la réo rồi ngoài đường trên cái minaret, đài cao của nhà thờ Mosque hồi giáo. Ngày xưa thì có một tên có giọng khoẻ leo lên đó réo cả làng đi cầu nguyện nhưng ngày nay thì có loa nên họ chỉ mở máy kêu gọi giáo dân đi cầu nguyện. Nói tới cầu nguyện thì lúc đi xe buýt, tới giờ cầu nguyện thì tài xế đậu xe lại rồi trải chiếu bên đường để cầu nguyện. Hành khách cũng xuống cầu nguyện ngoại trừ mình và mấy con dê và gà. Mình đang thiu thiu ngủ vì trời nóng thì nghe phòng bên cạnh người ta la hét nên hoảng chạy ra thì thấy cả gia đình đang cầu nguyện.

Trong ngày tên chở mình về nhà dẫn mình đi xem các thùng nhuộm da đủ màu, đi vào Medina, khu phố cổ rồi đi tẩm quất kiểu Maroc trong hamam, nhà tắm của họ. Món đấm bóp này thú nhất vì người tẩm quất bẻ tay, bẻ chân nghe răn rắc. Vô trong mấy cái souk, chợ đầy nhiều mầu sắc nhưng kinh nhất là ruồi bu đen nghẹt các đùi dê cừu treo lủng lẳng như chợ Đà Lạt. Tại đây mình ăn món Tagine ngon nhất đời. Dân magreb có món ăn chính món couscous tương tự như kê của VN mình nhưng món này mình ăn ngon nhất là ở một tiệm ở Nanterre, ngoại ô Paris nhưng món Tagine rất đặc biệt của vùng này nấu công phu trong một cái lò đất sét hình ống. 

Mình ăn ngoài chợ, kéo cái đòn như ở chợ Đà Lạt, quét chấm với loại bánh mì của thổ dân. Mình liên lạc được với cháu của ông Le Crabe Tambour nên hắn mời về nhà ăn cơm. Tên này dạy học ở trung học theo diện cooperant, lấy vợ người bản xứ. Cô này than là ra đường đi với chồng, bị dân địa phương xem cô ta như gái Nhà thổ, kêu chửi như ở VN, người ta khinh các me Tây hay gái bán bar thời trước 75.

 Thật ra xứ này nghèo lại có tôn giáo rất khắc nghiệt với con gái nên người ngoại quốc sang đây thì mấy cô có học đều muốn chài, làm đám cưới để được thoát khỏi xã hội này. Họ khuyên mình là cẩn thận với đàn bà con gái ở đây vì nhiều cô khá đẹp. Ông vua Hassan II học bên Pháp về nên cởi mở, đàn bà con gái không bị bắt buộc đeo chatdor như các xứ ở Trung Đông. Ngồi vẽ thấy mấy cô đi qua lượn lại, nhìn mình nhưng không dám hỏi như gái ở Âu Châu, ngại ngùng tương tự như gái VN.

Mình lấy xe đò đi tiếp Fez. Thành phố này nổi tiếng về nhuộm vãi, da thú,.. Mình không biết ông Dante Alighieri khi viết Inferno trong cuốn La Comedia có tâm trạng gì nhưng đối với mình đi tham quan phố cổ của thành phố này để lại cho mình một ác mộng. Có lẻ hôm đó trời rất nóng vì mùa hè, đi trong chợ thì các màu sắc của gia vị xanh đỏ tím vàng rất là đẹp, ruồi bu đầy các miếng thịt treo trong chợ lại dốc nữa nên vác ba lô quá mệt, đầu óc mình quay cuồng với tiếng động, âm thanh khác lạ, tiếng nói của dân địa phương như cãi nhau khiến mắt mình mờ luôn nên bò về nhà nghỉ rồi hôm sau quyết định rút ngắn thời gian ở Maroc để về Tây ban Nha chơi.

Mình về lại Casablanca đúng ngày em của tên bạn mới quen ở Avignon làm đám cưới nên gia đình mời mình đến tham dự. Họ ăn bận cổ truyền, uống trà múa nhảy, đàn hát tương tự Flamenco nhưng không thấy ăn uống gì cả. Đến gần khuya thì nghe tiếng vổ tay, đám bồi ở đâu đem mấy cái khay lớn bằng đồng ra để trên bàn. 

Đồ ăn bốc khói thơm lừng lựng thì không ai bảo ai mọi người ùa tới chen nhau để lấy đồ ăn. Mình nhảy vào bốc một cái đùi gà thì thả ngay lại liền vì nóng quá, tự nhủ đợi một tí rồi ăn nên chỉ kiếm mấy cái củ cà rốt ăn tạm. Ai ngờ mới quay đi quay lại thì mấy mâm cơm sạch bách. Dân địa phương họ ăn quen bằng tay nên không sợ bị bỏng khiến mình đành ra chợ ăn couscous về đêm cũng thú.

Mình lấy xe đò đi cảng Tangier rồi qua Gilbratar rồi về lại Pháp bằng xe lửa. Nếu có dịp mình sẽ trở lại Maroc để đi viếng núi Atlas và sa mạc Sahara để hưởng cái thú nghe tiếng gió gầm thét như trong phim Lawrence of Arabia của David Lean. Sau này mình có sang viếng các xứ Trung Đông như Lebanon, Saudi Arabia để vẽ các ngân hàng và thắng một giải quốc tế thiết kế bộ xã hội của Saudi Arabia nhưng mình vẫn mê Marrakech vì cái màu đất đỏ và các màu sắc của thành phố.

Nguyễn Hoàng Sơn

Đi Tây Ban Nha

Đi Tây ban Nha *

Năm thứ 3 thì mình được lớp cử lo tổ chức đi Barcelona một tuần như hàng năm nên phải lo tìm nhà trọ, vé xe lửa,... Cả lớp quyết định đi Barcelona vì gần biên giới Pháp nhất là kiến trúc, nghệ thuật của vùng này rất nổi tiếng. Sau này khi làm cho hãng kiến trúc I. M. Pei ở New York thì mình được giao thiết kế một công trình cho thế vận hội được tổ chức ở Barcelona năm 1992. 
Barcelona được coi như thủ phủ của vùng Catalunya của Tây ban Nha rất mạnh về kinh tế nhờ hải cảng quốc tế và liên hệ với nước Pháp và âu châu dễ dàng trong khi thủ đô Madrid thì ở trung tâm của đất nước không có gì để phát triển kinh tế nên dân vùng Catalunya này muốn tự trị. Họ nói thổ ngữ riêng của họ và coi thường dân Madrid như dân miền Bắc Ý khinh miệt dân miền Nam cho nên khi đội đá banh Barcelona đấu với Real Madrid là rất sôi động thường được gọi là El classico. Mình dẫn vài đàn em đi thăm Văn phòng kiến trúc của nhóm Taller de Ảrquitectura do ông Ricardo Bofill cầm đầu, dạo ấy khá nổi tiếng, xong có đi xem dãy nhà Xanadu, ở Calpe gần Barcelona nhưng khu này bị bỏ hoang, dột nát tuy mới xây cất vài năm trước đó.

Có đi Tây Ban Nha mình mới hiểu lí do dân đất nước này phải đi xứ khác làm ăn vì khí hậu khắc nghiệt, thêm nền độc tài cai trị của Franco, sau khi loại bỏ nhóm thiên tả trong cuộc nội chiến. Khi một đất nước được cai trị bởi đám quân chiến thắng thì số còn lại được xem sống bên lề lịch sử, không đóng góp gì được cho đất nước nên một số bỏ làng mạc đi làm công ở Pháp hay Đức,…kiếm tiền gửi về nuôi gia đình. Không khác gì kiểu Việt Nam, kẻ thua cuộc chả được gì. Chỉ được cái là không bị đi cải tạo.

Vào thời đế quốc La Mã thì vùng Iberia này được xem là trù phú nhất đế quốc vì họ trồng được dầu Olive, và được bán khắp đế quốc để ăn, làm sà bông,…nên sau này hoàng đế Adriano sinh trưởng vùng này làm bá chủ đế quốc.

Thế kỷ 16, họ coi như bá chủ của Âu Châu, có nhiều thuộc địa, nghèo quá nên ai cũng xin đi Châu Mỹ, kiếm vàng như các Conquistador. Sau này vì sự ngu dốt của đám cai trị nên đế quốc này xuống dù chiếm gần hết miền Trung Nam Châu Mỹ ngoại trừ Ba Tây của Bồ Đào Nha đều nói tiếng Tây Ban Nha. Các ông cố đạo gốc Tây ban Nha đã lập nên các giáo xứ ở tiểu bang Cali.

Như các quốc gia khác ở Âu Châu, nước Tây Ban Nha được thành lập bởi các vùng nói thổ ngữ khác nhau được nhà độc tài Francisco Franco thường được gọi El Caudillo, cai trị trong suốt mấy chục năm sau khi thắng cuộc nội chiến mà hoạ sĩ Pablo Picasso vẽ bức tranh Guernica, hoạ lại vụ bỏ bom của đồng minh của ông Franco giết chết khá nhiều người trong cái làng này mà mình có ghé qua nhưng không gì là đặc biệt cả. Sau khi ông Franco chết thì cháu ông ta được lên làm vua Juan Carlos muốn dân chủ hoá đất nước vì Tây Ban Nha rất nghèo và lạc hậu so với các nước miền Bắc Âu Châu.

Quân đội không muốn dân chủ hoá, bám lấy cái lợi cá nhân nên chiếm đóng quốc hội nhưng ông vua Juan Carlos đã đọc một bài diễn văn lịch sử kêu gọi các quân nhân trở về trại lính và Tây Ban Nha từ từ phát triển từ những năm 80 theo chế độ quân chủ nhưng do nội các được dân bầu lãnh đạo. 

Sau này mình đi Giang Hồ ở khắp nước này thì có gặp khá đông người lớn tuổi còn tiếc nuối thời đại Franco. Hiện nay các vùng như Catalunya và Basque, gần biên giới Pháp muốn tự trị, nhóm Basque thì đấu tranh, khủng bố mấy chục năm nay nhưng nay giới trẻ không còn ủng hộ. Tây Ban Nha là thành viên của Cộng đồng Âu Châu, giới trẻ học tiếng Anh thay vì thổ ngữ cho nên văn hoá giới trẻ ngày nay được quốc tế hoá theo Văn hoá Fast Food.

Barcelona có một kiến trúc sư tên Antonio Gaudi, thiết kế các toà nhà rất khác lạ dị thường, nổi tiếng nhất là thánh đường Sagrada Famiglia được thiết kế trên 100 năm nhưng chưa xong nay con cháu ông ta vẫn tiếp tục vận động các nhà hảo tâm vùng này để hoàn thành. Mình thích nhất là Las Ramblas, vĩa hè nằm ở giữa hai đường xe chạy, được trồng cây, có mấy kiosk nên dân địa phương đi dạo phố xuống tới hải cảng có tượng của ông Kha Luân Bố chỉ tay về hướng Mỹ châu. Gần đó thì có chiếc tàu nhái theo chiếc tàu mà ông Kha Luân Bố đã dùng khi đi khám phá Châu Mỹ để du khách lên viếng. Cái tàu này rất nhỏ hơn so với các tàu mà thời đô đốc Dương Hạ của Trung Hoa đóng trước đó mấy trăm năm. Ông này sau bị vua tước quyền, đóng các xưởng đóng tàu, tự cô lập nước Trung Hoa.

Mình có xem một chương trình truyền hình Nhật nói về sự thiệt hại của hơn 100.000 người của hải quân Mông cổ trên đường chinh phạt xứ Phù tang. Họ khám phá ra cái cột buồm của các tàu Mông cổ do người Hán bị cai trị, đóng đã cố ý làm sai để gặp bảo thì không thể xử dụng được nếu không thì có lẻ lịch sử Á châu đã thay đổi. Mình không biết khi ông Kha Luân Bố đem theo những thực phẩm gì trên đường khám phá ra Châu Mỹ nhưng các tàu của dân Anh quốc đưa di dân sau này như con tàu Mayflower đem theo lương thực chính là bia hơi. Thuyền nhỏ cần dự trữ nước và thức ăn nên họ đem theo các thùng bia hơi vì có nước uống và bia có chất dinh dưỡng. Lí do chính mà con tàu này đổi hướng vì hết bia và chuyện lí thú nhất là nếu ông John Rowlands mà bị chết đuối dạo ấy thì nước Mỹ đã không có ba ông tổng thống Roosevelt và hai cha con ông Bush. Có dịp mình sẽ kể lí do bia và rượu đã xây dựng nước Mỹ.

Mình thích nhất các món ăn gọi là Tapas tương tự như mồi cho các bợm nhậu. Vào quán uống bia thì thấy nơi quầy có các món nhậu này, cứ kêu đủ món ăn khỏi mất công ăn tiệm. Ngoài ra thì thích uống Horchate, loại quế rất ngon và mát. Vùng miền Nam họ hay ăn Gazpacho, một loại súp cà chua rất tốt về mùa nóng. Đồ ăn của xứ này thì không có gì đặc biệt ngoài món Paella, cơm nấu với hải sản và bột nghệ. Sau này mình có đi một vòng Tây Ban Nha thì thấy các tỉnh nhỏ có rất nhiều quán rượu. Trước khi ăn cơm chiều thì đàn ông có lệ là đi uống bia, rượu đấu láo với bạn bè. Trên một con đường nhỏ ở Murcia dài độ 100 thước mà mình đếm đến có tới 28 quán rượu. Khi mình đi quá giang xe người ta thì họ đổ mình xuống thành phố này. 

Trong cuốn hướng dẫn du lịch thì không có youth hostel nên mình hỏi một ông già bên đường có biết một quán trọ rẻ tiền thì ông này kêu mình về nhà ông ta ngủ qua đêm không phải trả tiền. Ông này thuộc thành phần ủng hộ Nhà độc tài Franco nên chửi bới Cộng sản nên thích mình. Trong cái đường nhỏ này, ông ta dẫn mình vào đến 28 quán rượu, mỗi nơi uống một ly bia nhỏ rồi Khệnh khạng về nhà ăn cơm. 

Hay ở thành phố San Sebastian, vùng đòi tự trị Basque thì cô bạn mình dẫn mình đi một con đường có trên 45 tiệm rượu. Lúc đó mình mới hiểu lí do xứ này nghèo. Ông bà mình hay nói "nhịn thuốc mua trâu, nhịn trầu mua ruộng", cứ bỏ tiền ra uống bia rượu thì không bao giờ giàu cả. Có lẻ nhờ nhân dân nát về rượu mà ông độc tài Franco đã cầm quyền quá lâu năm hay có thể đó là lối chính trị cầm quyền của nhà độc tài này như thực dân Pháp khi xưa đã bán thuốc phiện cho dân mình và rượu bia để ru ngũ lòng yêu nước. Như ông Nguyễn Hải Thần, Vũ Hoàng Chương,... nghiện tiên nâu thì làm sao mà đánh pháp? Các vùng đòi tự trị mà dân địa phương cứ uống rượu thì làm gì mà bàn thảo dành độc lập.

Mình mê Barcelona nên hè năm đó mình đi Giang Hồ một mình xứ đấu bò này. Từ Paris mình ghé lại Montpellier để thăm một tên bạn học y khoa ở Paris nay về làm nội trú bệnh viện đầu tiên được thành lập ở Pháp. Anh này quen biết với một khách sạn nên họ mua số tranh của mình nên khá dư tiền để viếng Tây Ban Nha 3 tháng hè. Mình có ghé Carcassone gần đó để xem cái thành cổ nổi tiếng này sau đó thì vượt núi Pyrénées ngăn đôi nước Pháp và Tây Ban Nha, đến tỉnh Gerona. Tây Ban Nha nổi tiếng là xứ đấu bò, miền Nam của Pháp cũng hay xem đấu bò như ở Nîmes nhưng ở Tây Ban Nha thì thành phố nào cũng có. 

Chiều đó mình đi xem đấu bò "la corrida" lần đầu tiên, bắt chước du khách kêu Ole ná thở khi thấy el matador, tên đấu bò múa may trước khi giết con bò rừng thì thấy có ban nhạc trẻ kèn đồng cũng thổi sau đó mới biết là một ban nhạc kèn đồng của một trường Trung học ở thành phố Linz, Áo quốc mà mình có lần thăm viếng, lại ở cùng youth hóstel (lữ quán thanh niên) với mình vì hồi chiều khi ngồi vẽ ở đầu phố thì có vài người đến xem mình vẽ lại xổ tiếng Đức. Tối đó sau khi ăn cơm thì mình hỏi thăm thì dân địa phương chỉ tới một quán nhạc Flamenco nên bò vào uống nước, nghe mấy tên Tây Ban Nha đánh guita và hát rồi có người hứng lên thì múa Flamenco. Mình ngồi sớ rớ cũng bị một cô Tây ban nha kéo ra nhảy, đang nhảy thì đám người Áo đi vào, sau đó thì có vài cô người Áo hỏi chuyện với mình sau này mình vẫn liên lạc và có một cô viếng thăm mình khi đi làm ở Zủich, Thuỵ Sĩ.

Rời Gerona thì đi viếng Barcelona lại, có đi xem Paco De Lucia, tay đánh guita số một của Tây Ban Nha chơi với ban nhạc Santana mà hồi nhỏ có nghe Oye como va. Xong rồi có một cô người Ái Nhỉ Lan ở chung Youth Hóstel rũ đi xem đội Văn nghệ của Liên Xô, mình thích nhất bài Valencia rồi xuống Tảrragona xem các di tích của thời La Mã rồi đi xe lửa đến Madrid. 

Madrid là Trung tâm hành chánh của xứ này rất khác với Barcelona, dân tình lè phè hơn tương tự miền Nam nước Ý. Đàn bà con gái đẹp nức nở. Ở đây mình gặp lại các cô bạn quen ở Luân Đôn nên được dẫn đi xem dân tình sinh sống, hộp đêm. Có một cô mua tặng mình bích chương đấu bò có Matador tên Nguyễn Hoàng Sơn, đem về treo trong phòng hách sì sằn lắm. Có người xem hỏi mình sang Tây Ban Nha đi đấu bò để kiếm tiền ăn học khiến ai cũng tin. Họ lấy tên mình rồi bỏ vô cái khuôn, xong chấm mực rồi in lên cái bích chương có sẵn.

Ngoài vùng ngoại ô của Madrid có thung lũng chiến sĩ trận vong (Valle de los Caidos) đền tưởng niệm các chiến sĩ chết trong cuộc nội chiến nhằm để hàn gắn lại những đổ vở sau cuộc chiến khi anh em trong gia đình theo phe khác nhau. Dạo đó đã 35 năm sau nội chiến mà hai bên vẫn còn gờm nhau. Nghe kể lính cộng hoà (cộng sản) bắt con trai của một ông đại tá franquist rồi gọi cho ông ta kêu đầu hàng nếu không sẽ giết. Ông đại tá này nói với con trai, hãy chết oai hùng như một người con chiên ngoan. Nay mình mới hiểu VN sau 40 năm mà kẻ thắng trận và kẻ thua trận vẫn chưa thật sự nhìn nhau. Sau này ông Francisco Franco được chôn ở đây trong nhà thờ, ngôi mộ rất bình thường đề tên của ông ta và dấu thập tự. Nghe nói ngày nay người ta muốn dời mộ ông này đi đâu. Đã giết nhiều người nên chết không yên. Mình có bắt chước Thung lũng trận vong này và vẽ một Đài tưởng niệm chiến tranh VN ở mũi Cà Mau, dài 12 km trên biển được hội đồng giám khảo khen tặng.

Sau đó thì có đi viếng nhiều chổ khác nhưng không có ấn tượng nhiều. Vùng Andalusia để lại cho mình rất nhiều kỷ niệm, hy vọng có ngày đưa vợ đến đó. Ông nhạc sĩ Bizet, người  Pháp đã soạn vở kịch opera Carmen để đời ở đây. Vùng này bị ảnh hưởng của sự đô hộ của dân Á rập hồi giáo 400 năm nhưng có cái điểm hay là khi người công giáo đánh đuổi người cai trị Á rập về lại Phi Châu thì họ không tàn phá các nhà thờ truyền đạo của hồi giáo hay Do Thái giáo và các toà Nhà có nền kiến trúc Á rập khác nên ngày nay những di tích ấy để lại cái đẹp của một thời Thịnh vượng của Văn hoá Á rập. Vùng Andalusia có hai thành phố chính là Sevilla và Granada, là nôi của nhạc Flamenco. Mỗi tối đi vào các quán nghe hát nhạc Flamenco mà dân xứ này gọi là Las Sevillanas hay nghe những tình ca fado tương tự của Bồ Đào Nha mà mình có đi thăm sau này. Ở Sevilla thì mình ở trọ một nhà của hai mẹ con sau này cô con gái dạy mình hát hai bài Sevillanas mà sau này khi đi chơi với nhóm bạn ở Algerciras được dịp dùng đến, sẽ kể sau. 

Xứ này nóng cho nên trong Nhà, tường đều lót gạch men, có bể nước làm con người mát diệu xuống. Granada có toà Nhà của vua chúa Á Rập khi xưa có tên là Alhambra, đẹp không thể tả, trên ngọn đồi. Mình dừng lại đây cả tuần vẽ mà vẫn không đã nhưng sau phải đi vì cô bạn  ở Paris hẹn gặp ở đây rồi đi chung về Pháp. Ai ngờ cô nàng lại đến với một cô bạn nữa nên khi quá giang xe rất khó vì đông người. Con gái thì dễ đón xe nhưng nếu đứng sớ rớ với tên con trai là không xe nào ngừng. Mình thử núp trong bụi để hai cô này ngoác xe thì xe ngừng lại mà thấy mình nhảy trong bụi ra thì họ rú ga chạy mất nên mình nói hai cô nàng ra đứng đường ngoác xe đi trước mình sẽ hẹn gặp ở tỉnh Burgos. 
Mình đang đứng sớ rớ, có chiếc xe hơi với bảng số Pháp đậu lại, nhảy lên thì gặp hai Chị em Tây đi xuống miền Nam, rũ mình đi chung cho vui nên đồng ý, khiến về Paris bị cô bạn dũa nhừ tử. Cô Chị là sinh viên ở Toulouse, có một tên sinh viên học chung người gốc ở Algeciras tên Juan rũ xuống chơi Nhà hắn. Mình đi theo vì tò mò muốn biết thành phố này tương tự như mũi Cà Mau của VN. Tàu bè đi Phi Châu là khởi hành từ đây, cạnh eo biển Gilbratar của Anh quốc hình như đâu 20, 30 km cách bờ biển Phi Châu. Có dịp sẽ kể chuyến đi Phi Châu, maroc của mình.

Xe đến Algerciras gần nữa đêm mà tên bạn học Juan của cô Chị không có nhà nên chạy vòng vòng hỏi cuối cùng đâu hai giờ sáng thì gặp hắn trong tiệm ăn rồi hắn rũ đi nhảy Flamenco đến 3,4 giờ sáng mới được cho về Nhà hắn ngủ. Sáng ra mình chào hắn để đi Giang Hồ tiếp thì hắn không cho bảo ở lại chơi thêm vài ngày rồi hắn dẫn đi tắm biển, đi thăm vùng này, qua Gilbratar của Anh quốc chơi. 

Tối lại thì đi nghe nhạc thì gặp hai cô Tây ban nha hỏi chuyện, nhảy Flamenco. Cuối cùng thì hai cô xin về thì mình mới quỳ xuống  hát bài Sevillana đại khái là "tâm hồn lặng chết khi một người bạn ra đi, xin đừng đi vì cây đàn của tôi khóc mỗi khi có người nói lời từ biệt..." bài này hợp tình hợp thời gian, không gian làm hai Chị em cho quá Giang xe và tên Juan cười quá cở. Hai cô Tây ban nha hẹn gặp lại ngày mai ở quán nào, quên mất nhưng hôm sau gặp lại trong ngày thì mình không thấy đẹp như tối hôm trước nên uống nước rồi chia tay dù cây đàn có rơi lệ.

Mình đứng ở Hải cảng nhìn sang bờ đại Dương là Phi Châu, chỉ cách có 20 km nên muốn lên Tàu đi như Marius của Nhà Văn Marcel Pagnol hàng ngày xem các con tàu ra khơi từ bến Marseille nhưng chiều đó tên Juan rũ qua nhà một người bạn chơi. Tên này con đại gia ở Madrid, gia đình có biệt thự ngoài biển để hè ra chơi. Hắn sắp sửa đi du học ở mỹ nên dẫn cô bạn gái ra chơi cùng cô bạn. Ngồi nói chuyện vớ va vớ vẫn thì cô bạn hỏi mình có muốn đi tắm với cô không, mình ngơ ngác như bò đội nón thì tên Juan đẫy mình đi. 

Cô này là giáo viên nên có cách dạy tiếng Tây Ban Nha rất tuyệt vời, cô lấy tay mình chỉ từng Bộ phận trên người rồi phát âm chậm chậm xong rồi bắt mình lập lại. Đầu óc mình trở nên minh mẫn vì học tiếng tây ban nha rất nhanh, cả tuần sau đó không đi vẽ ngoài, cứ vẽ khoả thân cho cô nàng rồi hát bài Capri c'est fini từ giả cả đám tiếp tục đi viếng các nơi khác như vùng La Mancha mà ông Cervantes đã viết cuốn Don Quixote, Burgos, Santiago di Compostela,.. nhưng không hiểu sao mình không thấy quyến rũ nữa cứ ngơ ngơ như người mất hồn rồi về lại Paris bị hai cô bạn dũa như chó dại vì đi chơi ra sao suýt bị mấy tên địa phương làm hổn.

Hai Chị em ở Toulouse có viết thư mời mình xuống thăm nên hè năm sau trên đường đi xuống thì gặp một tên cho quá giang, hắn bảo mình đi Aix En Provence, quê hương của hoạ sĩ Paul Cezanne và n văn và đạo diễn Marcel Pagnol mà mình ưu thích nên bỏ í định đi Toulouse, xuống vẽ núi Sainte Victoire của Cezanne, rồi viếng thành phố Arles mà hoạ sĩ Van Gogh, nổi điên cắt tai mình rồi lên tàu đi Maroc, sẽ kể sau.
Đi chơi ở Âu Châu dạo đó có một hệ thống quán trọ cho giới trẻ, có thể gọi là lữ quán thanh niên, rẽ tiền nên buổi sáng hay tối ăn chung thì gặp nhiều giới trẻ khắp nước, trao đổi kinh nghiệm những nơi đã đi qua và hỏi những nơi sắp đến nhiều khi mình quen nhiều người như vậy đến nay vẫn còn liên lạc. 

Có lần mình đi xe đạp vùng dòng sông Loire của Pháp để viếng mấy château, gặp hai chị em người Thụy Điển rũ đi chung hai tuần, sau này mình có sang dự đám cưới hai chị em cô ta. Cuộc đời vui lắm , đi chơi quen vài người rồi đi chung một đoạn đường rồi chia tay. 

Sau này mình đi chơi với bạn gái thì không còn gặp gở những người bạn đột suất nữa. Chưa mở miệng là đã bị lườm. Chán mớ đời!  Dạo còn sinh viên thì mình ở trọ một cái phòng không có phòng tắm, lò sưởi nên mùa Đông thì lạnh còn mùa hè thì nóng cho nên sau khi ăn cơm ở trường thì mình đi học thêm các lớp sinh ngữ về đêm ở trong thành phố của mình, học phí rẽ lắm nên về tới nhà là leo lên giường ngủ. Năm thì học tiếng Ý, năm thì học tiếng Tây Ban Nha, rồi Đức. Nay mình đang tự học chữ Nôm nhưng sao thấy khó khăn quá. 

Sơn đen





Trastevere

Trastevere

Hôm nay rảnh sau hai ngày đi chơi xa ở Firenze và Pompei nên hai vợ chồng ngủ đến 10 giờ sáng mới ra đường thay vì 7:00.

Vợ muốn viếng phía trong Colleseo nên đi bộ đến nơi chụp hìnhthêm vài cái cho vợ vui rồi thấy phía cổng vào Palatino có nhà bán vé nên lọt tọt chạy đến. Có hai hàng; một cho những người đã mua trước chỉ đến lấy vé còn hàng đợi không giữ vé trước. 

Đang đứng đợi thì có hai tên đến cù cưa hỏi muốn vô trong, hắn làhướng dẫn viên chính thức, không phải đợi, xếp hàng tốn 27 thay vì12. Hắn hỏi mình biết nói tiếng anh thì nói Cina là hắn ngậm luôn. Mình đi chơi ở ngoại quốc mà gặp đám hỏi tiếng anh để dụ bán hàng là cứ kêu China là cha con bỏ cuộc không làm phiền nữa. Nó chửi dân tàu không chửi Việt Nam. He he he

Đợi 10 phút thì mua được vé lấy thêm cái máy để vợ nghe giải thíchbằng anh ngữ thì khám phá ra cái quầy vé cho người đã mua vé trên mạng chưa mở cửa nên bà con đã mua vé trước, xếp hàng đợi mệt thở. Chán thật! Tưởng đỡ mất thì giờ thì lại đứng đợi lâu hơn dân mua trực tiếp. Tại sao họ không gửi vé luôn, bỏ trong email hay iphone như boarding pass của xe lửa hay máy bay. Vào cửa chỉ scan là khỏe. Chắc bị bắt buộc mướn nhân công nếu không thì không có việc làm thêm người thất nghiệp. Với tư duy xã hội chủ nghĩa, khó mà tiến vì vấn nạn ngày nay là khi máy móc thay con người thì sẽ tạo ra một giai cấp vô dụng vì họ không thích nghi với đời sống mới với các máy móc, thông minh nhân tạo.

Vào cửa thì khám khá ra lý do phải đợi chờ lâu vì khi xưa mình đến viếng đâu có trò này. Vì họ phải xét máy bóp biếc sợ chất nổ. Đi vào trong thì khám phá ra thiên hạ xếp hàng đợi mua vé ở trong này thay vì mua ở quầy mình đã mua. Đúng là xứ Ý, cách tổ chức khá lộn xộn. Mình mua máy nghe nhưng phải vào trong đợi lấy máy thay vìhọ đưa luôn ở chỗ bán vé, chắc để tạo thêm công ăn việc làm.

Mấy chỗ có đám đông như nhà ga, phi trường, có du khách đều thấy lính ý, cầm súng đứng gát nên trong đầu cảm thấy có gì bất an, không như khi xưa mình chỉ sợ móc túi.

Dạo này tuy mùa đông nhưng du khách vẫn đông hơn thời mình đi viếng lần đầu 40 năm về trước vào mùa hè. Thời thủa xa xưa đẹp biết bao. Đi vòng vòng chụp hình vợ, khi vợ xem lại kêu ngu chi ngu lạ, phải báo cho người ta biết trước khi chụp để người ta hóp cáibụng vô. Đi lên đi xuống chụp hình nư thì mụ vợ kêu đói bụng đi ăn. Mình giác ngộ cách mạng nên sau này mỗi lần chụp hình cho các bà là kêu hóp bụng vô thay vì Cheese như mỹ. Chán Mớ Đời 

Mình dẫn qua khu Trastevere, khu người do thái cổ khi xưa vì vào thời Mussolini thì lực lượng Phát xít đã tóm hết người do thái cư ngụ nơi đây, cho vô hoả lò. Khu này 40 năm về trước không an ninh lắm vì thành phần bất hảo nhưng nay thì rất Trendy. Mình dẫn vợ vôquán ăn mà thực khách toàn là dân sống trong vùng nên đồ ăn ngon, rẻ lại thêm nhiều không như mấy tiệm kia. Mấy chục năm rồi mới ăn lại Papardelle và oso bucco. Ngon tuyệt. 

Ăn xong thì hai vợ chồng lang thang đi qua cầu gió bay vì trời sắp sửa mưa nên tính đi về nhà, loanh quanh lại đến khu Campidoglio, vợ muốn vào xem lăng của vua Vittorio Emmanuel, vị vua đầu tiên của nước Ý mà có dạo mình có kể ông kiến trúc sư, thiết kế cái lăng này, leo lên nóc nhà nhảy xuống tự tử vì đá mà ông ta dùng không đổi màu, cứ trắng toét. Nếu ông ta chịu khó sống thêm 100 năm nữa thì sẽ thấy khói xăng làm đục màu của đá.

Vừa đi ra khỏi lăng VM thì vợ đòi đi xe ngựa khiến mình nhớ đến phim Manhattan, khi Mariel Hemingway muốn đi xe ngựa ở Central Park, nên tới trả giá rồi vợ kêu chụp hình với ngựa tùm lum thấy con vợ vui vẻ ra phết. Hôm nay có dẫn vợ đi qua cái nhà thờ nhỏ, có cái tượng của một vị thần nào quên tên mà trong phim Roman Holidays, Gregory Peck dẫn cô đào Audrey Hepburn đến, thò tay vô cái miệng rồi giả bộ cái tay bị nuốt khiến cô đào chới với. Mình tính dẫn vợ vào, bắt chước Gregory Peck để làm cho vợ sợ, ai ngờ có mấy trăm người đứng xếp hàng để chơi trò này, lại phải trả tiền. Dạo mình viếng thăm La Mã mấy chục năm về trước đâu có màn đứng xếp hàng để chụp hình như bi chừ. Chán mớ đời!

Đi lang thang về nhà thì vợ kêu mệt quá, vô ăn kem bồi dưỡng cho chân tay rồi về nhà thì cơn mưa cũng vừa ập xuống. Mình Whatsapp thằng Maurizio, hỏi mấy giờ thì ăn tối vì vợ chồng mình mời gia đình nó, bà mẹ vợ Franca và gia đình của mấy tên bạn Elbio, Fabrizio trong ban nhạc thời xưa của nó đi ăn.

Đứng 8 giờ tối mình và vợ ra chỗ hẹn. Thằng Maurizio và con gáiđến đón để nói tiếng anh với đồng chí gái. Tụi trẻ ý thích được tập nói chuyện bằng tiếng Anh, vậy là hay vì khi xưa mình đi ý thì chả có thằng Ý nào nói tiếng Anh. Đến nơi thì có tất cả 16 người.

Thằng Elbio đem theo vợ và hai đứa con gái, đứa con gái đầu là ca sĩ trong ban nhạc nào đó chuyên hát Metal Rock. Thằng Fabrizio chỉ đến với vợ còn hai thằng con trai thì ở nhà. Cái vui là khi gặp lại bạn xưa mà nhiều khi mình không nhớ. Có thể nói là từ 1982, lần chót gặp chúng, mình như quên hẳn về chúng. Hôm tới nhà bà Franca ăn cơm thì thằng Maurizio nhắc đến thì mới nhớ. May mình đến thăm họ năm nay chớ 10 năm nữa thì chắc trí óc mình không còn nhớ chi cả. Tưởng tượng một ngày nào gặp lại chị em họ Chử, kêu "Ai rứa?"

Thằng Elbio đem cái tranh hí hoạ mình vẽ nó khi đi chơi với chúng năm 1982 ở trên núi. Bố mẹ thằng Fabrizio có một căn nhà trên núinên nguyên ban nhạc lên đó hai ba ngày chi đó chơi và dợt nhạc. Thằng Elbio chơi trống còn thằng Fabrizio chơi guitar lead còn Maurizio chơi Bass, con Carla hát.

Mấy tiếng đồng hồ chúng kể về những kỷ niệm thời đó mà mình chỉ nhớ mại mại. Mình có vẽ cái làng trong giá lạnh và tặng gia đình thằng Fabrizio. Nó kêu đẹp lắm, có treo ở nhà và hai tên hoạ sĩ nào của ý nói đẹp và feminine. Chán chi là chán. Dạo đó mình vẽ thuỷ mạc. Thằng Elvio kể mình có mời chúng đi ăn tiệm cơm Việt Nam ở đường Giulia nhưng cả buổi nó ăn không được. Thằng Maurizio thìkêu đau bụng, đủ thứ trò,... Mình thì quên chúng từ năm 1982 đến nay trong khi chúng rất vồn vả, nói có nhiều kỷ niệm và vẫn hay nhắc nhau về mình. Có lẻ mình là thằng Á châu mà chúng quen còÝ thì mình quen cả mấy chục đứa.

Thấy bà con bắt đầu ngáp nhất là đồng chí gái nên mình kêu tính tiền vì mình mời cả ba gia đình. Bửa ăn rất ngon, đồ ăn chuyên nấu vùng la mã mà họ gọi là Lazio. Bánh Pizza mõng như bánh tráng nóng rồi họ cắt prosciutto bỏ lên ăn khai vị, mình ăn món spagetti như thường lệ, coi như trong vòng 6 tiếng đồng hồ mình chơi ba suất spaghetti. Đồng chí gái kêu cái pizza ala romana còn mấy người kia thì mình không để ý.

Cả đám bịn rịn cả nữa tiếng khi chia tay, mình không biết sẽ có dịp gặp lại bà mẹ 82 tuổi, rất dễ thương khi xưa với mình, dạy nấu spaghetti mà sau này con mình nó mê. Bà đan cái gì để bàn cho vợ. Không biết sau này mình trở lại La Mã, bạn bè có còn nhận ra nhau hay ký ức của mỗi người đều đi về miền đất không tên, trả nhớ về không. Họ bảo khi nào con gái sang học ở Milano thì cho họ biết, Giáng sinh không về thì xuống La Mã ở với họ như khi xưa mình xa nhà, tìm lại chút không khí của gia đình nơi mái ấm của họ.

Sơn 3 lô