Thằng Tư ruồi

Thằng Tư ruồi

Xóm trên đường Thi Sách có thằng tên Tư, Lê Văn Tư, đám con nít trong xóm hay gọi nó là Tư Ruồi vì cái tội thích ăn ruồi của nó. Nhà nó làm bánh tráng khoai lang, phơi trước sân nhà. Trưa trưa, thấy nó đi vòng vòng trong sân, đưa tay quơ chụp mấy con ruồi đậu trên bánh tráng rồi bỏ vào mồm, nuốt cái ực. Kinh! Thằng này ăn ruồi không nhai chỉ nuốt mới lạ. Có lần nó ăn nhằm con ruồi xanh, bay vòng vòng trong bụng nó làm nó la tá hỏa may má nó đưa nước cho uống khiến con ruồi ngưng bay. 

Nó sinh thứ 3 nên ba má nó đặt tên là Tư theo lối người Nam. Nó có hai người chị tên là Lê Thị Hai hơn mình một tuổi và Lê thị Ba, tuổi con khỉ cái như mình. Thằng Tư ruồi, không biết nó học bắt ruồi khi nào hay là võ gia truyền mà hay cực đỉnh. Cứ quơ tay ra là có một con, nghe vo ve trong tay, bỏ vào mồm nuốt cái oạch rồi hắng giọng như mấy ông thầy mới vào lớp, đứng trên bục gỗ trước khi khảo bài học sinh.

Mình bắt chước nó bắt ruồi nhưng không được con nào nên làm khôn để chút kẹo đường trên mặt, cho ruồi đậu trên mặt, rồi quơ tay cũng không được con nào, nhiều khi lại tát vào mặt mình. Lâu lâu nó kêu ngồi im rồi phụp, tay nó ra đòn là con ruồi đậu trên mặt nằm gọn trong tay nó. Vì để ruồi đậu trên mặt nên ngày nay, mình có mấy cái mụt ruồi, dấu vết một thời súng đạn với đàn ruồi ở nhà thằng Tư Ruồi. Mình là thằng hóng chuyện nên trưa trưa thấy nó ngồi trước cửa bắt ruồi là xà xuống, ngồi trước thềm nhà nó. Bắt ruồi chán nó thổi Harmonica hay như cao bồi trong phim 7 tên giết mướn. 

Tính tình thằng Tư Ruồi rất hiền, không a dua với đám con nít trong xóm, ăn hiếp những đứa nhỏ con. Ai hỏi nó chỉ lắc đầu hay gậc đầu rồi cười như ruồi. Thằng ít nói tuồng như câm, ít chơi với đứa nào. Đi học về là ở trong nhà, không chạy đi chơi với ai cả. Rũ nó cũng không đi, chỉ ngồi nhà bắt ruồi ăn.

Một hôm, cả bọn trong xóm rũ nhau đi đá banh trên đường Calmette với đám Số 4, nơi dãy đất nhà thương đối diện nhà thờ Domaine de Marie, sau đó đến khu bụi chuối của bà làm vườn tè như bón phân Nitrogen dùm cho bà ta. Như thường lệ, cả bọn vuốt chim cho thẳng để tè, xem thằng nào tè xa nhất. Tè chán thì đến khạc nhổ xa nhất. Thằng nào thua thì bị béo tai. Một hôm thằng C, bổng nhiên kêu không bao giờ thấy thằng Tư Ruồi đi tè nên cả bọn kháo nhau chắc nó là con gái. Có thằng nói nhiều khi nó toàn là con gái nhưng Ba nó thích con trai nên cho nó để tóc ngắn như con trai. Cãi qua cãi lại không thằng nào đồng ý nên nói thầm với nhau, đi tuột quần thằng Tư Ruồi ra xem. Thế là cả đám ghé là nhà hắn khiến Tư Ruồi ngạc nhiên vì ít khi nào con nít trong xóm đến nhà cả bọn.

Thằng T và thằng D, nhảy vào chụp giữ nó để thằng H tuột quần. Thằng H lăng xăng tính tuột quần thì bị một đá lăn ra xa, hết dám làm anh hùng cách mạng Phan Đình Giót. Cả đám thấy sợ quá nên không dám xông vào. Thằng D và T, liên tiếp bị ăn bợp tai với cánh tay bắt ruồi nghiệp dư của thằng Tư Ruồi thế là cả bọn bỏ chạy hết, cạch đến già cũng không dám thắc mắc về con chim hoành tráng của thằng Tư Ruồi có hình dáng ra sao. Thằng B kêu chắc nhờ ăn ruồi nhiều nên nội công nó thâm hậu, nên vài thằng bắt chước ăn ruồi.

Một hôm mình rũ nó đi bắt ong vì cây ổi của bà K trong xóm có trái nhưng mình không dám leo hái trộm vì có cái tổ ong đen kịt, ong vo ve xung quanh. Mình nghĩ thằng Tư Ruồi bắt ruồi hay thì chắc bắt ong cũng không thua thằng tây nào. Thằng này nghe lời mình, leo lên cây bổng nhiên nó la hét rồi té cái đạch, mình sợ quá bỏ chạy, vẫn bị hai con ong bay theo chích cho hai mũi sưng vù, phải lấy vôi của bà ngoại xoa lên mất mấy ngày. Còn mặt thằng Tư ruồi thì bị sưng lên như cái bình vôi. Từ dạo đó, má nó cấm không được chơi với mình.

Sau này lớn lên một chút, với tài thổi Harmonica của nó, gái trong xóm mê nó như điếu đổ. Nhà nó đối diện nhà thằng PMT có cái giếng, học Văn Học rồi qua Việt Anh. Ôi thôi mấy cô đeo nó như ruồi. Mấy thằng trong xóm đứng nhìn mà thèm nên lân la tới nhà nó chơi, nghe nó thổi khẩu cầm, đúng hơn là được ngồi với mấy con nhỏ trong xóm. Nó mà quơ cô nào là dính cô đó như bắt ruồi. Nó cứ ra trước sân, thổi harmonica bài "Nổi buồn hoa phượng" theo điệu Bolero, là mấy cô trong xóm, đi  gánh nước  về dùng, im lặng không cãi cọ chi cả. Mình cứ ước ao có tài thổi Harmonic chiến đấu  như nó. Chạy ra đường Tăng Bạt Hổ, ghi tên học đàn ông thầy nằm vùng. Học được một tháng, ông thầy lắc đầu bảo anh có không có khiếu chơi đàn gì cả, sau này chỉ có chơi đàn bà thì may ra được.

Cuối tuần thì nó đi xách nước, tới nơi thì các cô ỏng ảnh, nhờ nó thả gầu múc nước dùm, cô thì làm bộ mặt đâm chiêu nhìn về một phương trời xa xăm nào, như Simone de Beauvoir trầm ngân về thuyết hiện sinh nhưng tai thì vẫn nghe mấy con gái xi lô xì la với thằng vô địch bắt ruồi. Cô thì thấy nó đến là phùng mang, lấy cái bàn chải chà giặt đồ ào ào đến rách áo quần, mặt cuối xuống làm như nó là của ôi. 

Phước đức cha mẹ ông bà nó không thèm hưởng, cứ được lộc trời cho. Mìnhđến xách nước thì mấy con nhỏ này xí chỗ trước, phải đợi nhưng đến khi thằng Tư Ruồi đến thì con nào con nấy đều nhường chỗ của nó cho thằng bắt ruồi theo câu ca dao "nhỏ bắt ruồi lớn bắt gái".

Ông trời không công bằng, thằng thì chuyên bắt ruồi nay thì lại bắt gái dễ dàng còn mình thì bắt ruồi không được, lớn lên thì lận đận về mấy mụ đàn bà, cứ bám vào cô nào là cô ấy xem mình như thằng gù của nhà thờ Đức Bà, ăn xin tình yêu nên mạnh chân đạp ra còn thằng Tư Ruồi thì gái gú bám vào nó như ruồi bu bánh tráng nhà nó.

Cái hay là từ ngày gái bu vào nó thì nó lại sợ ruồi như sợ ma. Đúng là sông có khúc người có lúc. Cứ thấy ruồi là nó muốn ói. Mình hỏi nó sao không bắt ruồi nữa thì nó kêu con H, bảo là sát sinh, con K kêu ruồi có nhiều vi khuẩn, khi mi con gái sẽ truyền sang mồm chúng nó. Mình hỏi nó đã mớm con gái rồi à, nó cười hiền hoà không đáp như mọi lần. Đúng là lộc trời. Mình thì đang luyện tập, chưa kịp hôn con H thì đã có thằng gắn cho nó cái bầu, làm đám cưới như chạy tang ở tuổi 16.

Rồi mình đi tây, 20 năm sau trở lại quê xưa, đi qua nhà nó thì thấy có thằng bé đứng bắt ruồi. Hỏi mẹ nó thì được biết; sau 75 nó không được đi học vì con ngụy, cha nó đi học tập cải tạo chết ở ngoài Bắc. Con K khi xưa bảo nó đừng ăn ruồi vì truyền vi khuẩn khi mi nó, mê nó rồi có bầu, cưới nhau không rình rang, nó đi làm rẫy ở Lạc Dương, đạp trúng mìn chết được mấy năm. Vợ nó bỏ đi theo tên lái xe nào, chỉ để lại thằng con, nay phụ má nó làm bánh tráng.

Nhs

Trung Thu năm ấy

Trung Thu năm ấy

Mỗi lần tựu trường xong là đến tết Trung Thu, hắn xin mẹ mua lồng đèn Cá chép, mẹ hắn bảo ừ học giỏi, có bảng danh dự như thằng A rồi mạ mua choHắn chạy đi khoe với tụi bạn năm ni mạ tau mua lồng đèn Cá chép. Mấy đứa trong xóm kêu láo láo ẻ vào. 

Rứa là hắn học ngày đêm, học ngày chưa đủ tranh thủ học đêm để được cái tableau d' honneur nhưng rồi trung thu năm nớ, mạ hắn quên không mua. Mạ hắn nói hàng từ Sàigòn về nên phải khiêng đồ chất trong kho, về tối tiệm đóng cửa.  Hắn buồn khóc như mưa mùa hạ, mạ hắn dỗ mấy cũng không chịu ăn đến nữa đêm, đói quáhắn bò xuống bếp lục cơm nguội chan với nước mắm.

Trong xóm có thằng T, con bà V, ba nó làm ở nha kiều lộ. Ai muốn được cấp giấy phép lưu hành cho xe vận tải hay xe đò thì mang quà cáp, bao thư đến nhà nó sau cơm chiều nên được xem là giàu nhất xóm dạo ấy. Sau này nhà nó xây một cái nhàto đùng ở dưới Chi Lăng rồi dọn về đó ở rồi ba nó đi tù về tội ăn hối lộ theo quan điểm cách mạng hy sinh đời bố củng cố đời con. Từ dạo đó, gia đình hắn mất tin tức gia đình thằng T.

Không biết ai cho nó chiếc xe đạp nhỏ, có 2 bánh con hai bên phía sau để tập đi, màhắn hay thấy treo ở tiệm Công Thành ở đường Phan Đình Phùng. Chiều chiều sau khi ngủ trưa là thằng T đem ra sân, đạp ọt ẹt từ đầu xóm tới cuối xóm, mặt nó vênh vênh như Fangio, pilote de course, vô địch đua xe người xứ Á Can Đình trong cuốn sách mà hắn lãnh được phần thưởng hè năm vừa rồi.

Đám con nít trong xóm chạy theo nó như toàn dân miền nam hoan hô Ngô tổng thống muôn năm, nhìn nó thèm thuồng, tranh nhau năn nỉ cho tao đi với cho tao đi với. Thằng áôn này thuộc loại giai cấp có nợ máu với nhân dân, nói đứa nào đẫy nó, cầm dép cho nó thì cho đi ké thì cả đám nhao nhao lên tao tao tao. 

Mấy thằng kia chạy phía sau đẫy nó trong khi nó dơ chân lên trời cười he hé, đám con nít sẵn sàng làm tay sai cho nó để được diễm phúc, đạp xe một vòng xóm. Hắn lủi thủi đi về thì gặp con Tiên Đái Mế và con Thu cà chớn, hai con chanh chua nhất xóm.

Con Tiên ngủ hay đái dầm, mỗi lần sau cơn mưa ba nó đi vòng vòng trong xóm, tìm bắt cóc nhái nướng trui cho nó ăn khiến cả xóm biết tiếng nên con nít trong xóm gọi Tiên Đái Mế còn con Thu thì lất cất hay bênh con đái mế nên bọn con nít kêu Thu Cà Chớn. Hai con động mả, lêu lêu hắn, kêu không được đi xe he he he, khiến hắn quạu kêu Tôn Lò Tôn Lò làm con đái mế nhảy tưng tưng vừa tè trong quần vừa chửi: mả cha mi nờ, răng mi kêu dòng họ tao ra. Con này họ Tôn Nữ tên Thuỷ Tiên nên khi mô chửi lộn là con nít trong xóm kêu Tôn lò, Tôn Lò làm nó điên lên kêu mồ tổ cha 3 đời bọn mi. 

Hắn mặc kệ chu mõ tiếp tục kêu Tôn Lò Tôn Lò khiến con ni nổi xung, lượm đáquăn hắn, hắn bỏ chạy, miệng vẫn kêu oang oang Tôn Lò Tôn Lò còn con Tiên Đái Mế, tiếp tục mả cha mi, tổ cha mi thằng cu đen.

Trung thu năm ấy, mẹ mua cho hai anh em hắn cái lồng đèn bằng giấy, hình ống xếp khiến hắn buồn so nhưng cũng tự an ủi, có còn hơn không. Lồng đèn làm bằng giấy, xếp lại như cái đàn Accordeon, nữa màu vàng, nữa màu đỏ. Cái đáy có cái chuôi để cắm cái nến, phía trên lồng đèn có sợi dây kẻm móc quai để xỏ cái que cầm. Hắn và em hắn thay nhau cầm lồng đèn đi xuống đường Hai Bà Trưng.

Hắn gặp con Tiên đái mế và con Thu Cà Chớn, cầm hai cái lồng đèn cá chép vàbươm bướm. Hai con này nhìn anh em hắn, nhăn mặt kêu lồng đèn chi mà ẹ rứa, không chơi, hắn lại kêu Tôn Lò Tôn Lò. Như gặp phải cơn khùng, con đái mế lại nhảy cởn lên chửi mả chi mi thằng cu đen. Sau này về Đà Lạt, gặp nó bán bún bòHuế mỗi sáng trước sân nhà nó, ngồi ăn tô bún nhưng đầu óc hắn cứ muốn hỏi bàbán bún bò: Tôn mày có Lò không mà khi xưa con nít đồng lứa hay chọc nhưng không dám mở mồm sợ bị nó kêu tam đại họ hàng ra chửi như xưa. He he he. 

Thằng T và đám lâu la đi tới với cái đèn con gà trống to sáng làm bằng tre, mà hắn thấy treo ở tiệm tàu, ở đường Minh Mạng, cạnh tiệm Công Đồng bán sửa chữa radio, dán giấy bóng màu đỏ, sơn mấy con khỉ, gà, bướm ở mỗi cạnh, có sợi dây kẻm uốn nắn thành hai cái chân gà để đặt trên đất, đẹp nức nở không chê. Đi theo nó là cả đám bộ hạ nó, nhìn lồng đèn giấy của hai anh em hắn, kêu lồng đèn chi màẹ rứa. Hắn lặng im, đi theo em hắn về phía xóm Địa Dư.

Xóm Địa Dư đông con nít hơn, có đâu mấy chục gia đình công chức nên năm nào cũng làm đủ trò. Mấy thằng con của ông Ba Lào bận đồ, đeo mặt nạ ông địa cầm cái quạt phe phẩy. Thằng Hùng đeo cái trống khỏ tùng xình tùng xình cắc cắc tùng xình trong khi mấy anh em thằng Long, đội cái vãi làm lân múa loạn xà ngầu. Cả đám con nít của đường Hai Bà Trưng ùa nhau lắc lư theo tiếng trống, đi theo lân Địa Dư.

Bổng thằng T hỏi hắn, muốn cầm đèn của hắn chơi không. Hắn ngạc nhiên sao thằng này hôm nay tử tế vậy, vội gật đầu ngay sợ thằng áôn đổi ý. Hắn cầm cáiđèn con gà to lớn run run như sợ bị đòi lại, đi theo đoàn lân, vừa đi hát Tết Trung Thu rước đèn đi chơi em rước đèn đi khắp phố phường với đám con nít ở đường Hai Bà Trưng, vừa lắc theo tiếng tùng xình tùng xình tắc tắc tùng xình... 

Hai con Tiên đái mế và Thu Cà Chớn kêu đồ chơi ké, lêu lêu đèn mô của mi màkhoe nờ, không biết ốt dột nhưng hắn không nghe, sung sướng cầm được cái đèn như ông Nguyễn Chánh Thi, cầm cờ VNCH nhảy dù ở đồi cù. Rồi từ từ hắn cảm thấy tự tin nên đi nhanh cho kịp đoàn lân và ông địa. 

Hắn nghe thằng Đ kêông trăng đi theo tao tụi bây ơi, hắn vội ngẫnh lên nhìông trăng to tướng sáng khắp bầu trời. Dường như hắn đi đâu thì ông trăng to sáng đi theo đó, hắn thử đi lui thì ông trăng như mĩm cười đi lui với hắn, hắn chạy xem saoông trăng có chạy theo.

Bụuuup, hắn vấp phải cục đá té nhào xuống đường, tay chân đau điếng nhưng hắn không lo, chỉ sợ cái lồng đèn của thằng T. Hắn kinh hoàng, hình ảnh từ từ như cuốn phim quay chậm, cây nến từ từ ngã cái bịch, như nhát dao đâm vào tim hắn, lăn lăn, chạm vào giấy bóng rồi phực lửa lên như mỗi lần cúng, mạ hắn đốt hàng mả, quăn hột nổ nghe lộp độp. Thằng Đắc nhảy vào đạp cái lồng đèn để dập tắc ngọn lửa. Hắn sửng sờ, không biết làm gì, chỉ nằm trên đường nhựa nhìn theo ngọn lửa cháy bùng lên. Thằng T cầm cái lồng đèn cháy teo hết giấy bóng, như khu Số 4 bị bom năm Mậu Thân, bơ vơ đứng trên đường, oà lên khóc.

Thằng T nhảy lại vừa chửi đ... vừa đấm vừa đá hắn, những đòn căm thù đạp phủ lên thân hắn nhưng hắn không thấy đau. Hắn ngồi yên cho thằng T đấm đá cho hả giận. Hắn bổng thương thằng T vô cùng. Đó là lần đầu tiên trong đời, hắn thấy thương thằng T dù những cú đấm, cú đá đang phang oằn lên người hắn.

Nhs

T.B: em đang dự tính kể chuyện về năm cuối cùng 73-74 ở trung học có tựa đề Chương. Có bác nào có kỷ niệm hay biết những chuyện tình éo le,...., email cho em, sẽ đổi tên. He he he. Cám ơn trước.

Anh cu đen


Anh Cu đen

Hôm trước có anh bạn gửi hai bài viết của thầy An từ Việt Nam khiến mình cảm động. Trên 60 tuổi đời mà lâu lâu vẫn còn nhận được bài viết của thầy dạy Việt Văn khi xưa, như một lời huấn dụ, hỏi han, thăm hỏi của người thầy năm xưa ở Văn Học, dù mình chỉ học thầy có một năm.

Từ ngày trang nhà của các cựu học sinh Văn Học và Văn Khoa tại Đà Lạt ra đời thì lâu lâu có thầy cô đã từng dạy tại hai trường này, viết bài cho học trò cũ đọc như tiếp nối những giây phút dạy trong lớp ngày xưa. Mình chuyên hóng các bài viết này như mong đợi quà khi xưa. 

Trong bài thầy có nhắc đến nhân vật Anh Cu Đen khiến mình nhớ đến Anh Cu Đen trong xóm mình, cư xá của ty Công Chánh, ở Hai Bà Trưng Đà Lạt. Có thể nói đường Hai Bà Trưng dạo ấy toàn là cư xá dành cho công chức được xây dựng thời Tây; cư xá của nha Địa Dư, ty Công Chánh, Ty Kiến Thiết, ty Bưu Điện và viện Pasteur. 

Dạo ấy cư xá Công Chánh gồm những căn nhà hai tầng hình chữ A, được chia làm hai căn hộ, bắt đầu từ số 43, 44, dọc đường Hai Bà Trưng, và có 7 nhà được xây nối liền với nhau như các cư xá của Nhà Địa Dư hay ty Bưu Điện nhưng đâu lưng với đường Thi Sách, nối liền với một con hẻm từ đường Hai Bà Trưng đi lên đường Calmette do đó con nít xóm mình chơi với đám con nít ở đường Thi Sách nhiều hơn như ĐGL học Yersin. 
7 căn nhà được xây dính liền nhưng lại không có cầu tiêu, nhà tắm trong nhà như mấy căn nhà hình chữ A, ngược lại thì có một khu nhà vệ sinh tập thể chung, nếu dùng từ vựng hậu 75 thì gọi là hợp tác xã định hướng ỉa đái tập thể. Mình đoán là xóm này dành cho những người làm lon ton trong sở còn những căn nhà hai tầng, hình chữ A là dành cho các xếp lớn trong ty công chánh. Ngoài ra có một căn nhà một tầng nhưng rất rộng với cái vườn và nhà đậu xe dành cho trưởng ty ở. Nếu mình không lầm thì ông Sâm Bắc cầy, kỹ sư công chánh làm trưởng ty, có thằng con tên Chiến, học Trần Hưng Đạo hơn mình một tuổi thì phải. Mỗi lần mình ghé nhà chơi với thằng Chiến, bố mẹ tên này cứ dáo dác nhìn mình như canh chừng xem mình có ăn cắp gì không nên sau này mình không chơi với nó nữa.

Trung tâm vệ sinh của xóm nằm ở cuối xóm, nhà mình thì nằm ngày căn đầu tiên nên khi trời mưa, xách thùng nước đi cầu là một vấn đề, sẽ kể sau. Trung tâm gồm 3 nhà cầu, 2 nhà tắm đứng và 3 cái bể để giặt quần áo, có mái nhà được lợp ngói nhưng với thời gian, con nít trong xóm quăn đá nên mái ngói bị bể nên khi trời mưa, ai đi cầu là phải đội nón lá hay che dù để nước mưa dột không bị ướt đầu. Khổ nhất là ban đêm không có đèn, trời mưa là một vấn đề vì vừa thắp nến vừa che dù, nghe tiếng mưa dột trên cái nón lá độp độp.

Trung tâm vệ sinh có mấy vòi nước nhưng lâu ngày bị nghẹt, ống nước làm bằng gan nên bị rét rỉ thêm trên dốc cao nên nước không lên tới nên mỗi lần đi cầu thìmỗi người đều xách theo tờ báo và thùng nước. Thùng nước được làm bằng thùng dầu ăn của mỹ, người ta cắt cái phần trên rồi đóng miếng gỗ làm cái quai để xách nước. Tờ báo để đọc rồi vò cho mềm để chùi bớt đau. Ngày nay con mình la mỗi khi mình mua giấy đi cầu rẻ tiền. Chán mớ đời!

Ống nước bị rét rỉ nên không có nước do đó khu để giặt đồ hay tắm không còn được sử dụng được. Dân trong xóm phải đi gánh nước giếng ở đường Thi Sách hay ở vườn ông Ba Đà, mùa mưa thì hứng nước mưa để dùng do đó dân xóm mình rất quý nước. Nay nghĩ lại thì dân trong xóm có thể cùng nhau sửa chửa khu vệ sinh chung nhưng không ai hô hào việc đó rồi từ từ mỗi nhà lấn đất phía sau nhà, xây thêm nhà và cầu tiêu vì trung bình mỗi hộ có 10 đứa con trở lên. Xem ra 70 người sử dụng trung tâm định hướng ỉa đái tập thể. Kinh.
Căn nhà thứ 5 là nhà anh Cụ Đen, hơn mình đâu 5, 6 tuổi chi đó, học trường Trần Hưng Đạo. Trong xóm cứ kêu anh ta là Cu đen, anh ta không mắc cở chi cả cứ cười hì hì. Có lần mình hỏi lý do người ta gọi anh là Cu Đen thì anh ta cười bảo vì cu tao đen chớ răng nên từ dạo ấy mình cố tìm cách để bồi dưỡng văn hoá, kiểm kê xem cu anh ta đen ra răng. Mỗi lần gặp anh ta đang vạch chim đái ở vườn của nhà anh là mình cũng chạy lại đứng cạnh tè nhưng cốt là để xem con chim hoành tráng của anh ta. Sau này qua Tây mới học được từ Voyeur. He he he. 

Một hôm anh ta thấy mình tướng mắt, liếc sang cố để xem chim đen của anh, anh hỏi mi nhìn cái chi rứa, muốn xem cu tao đen chừng mô thì về lấy cho tao điếu thuốc. Mình chạy về nhà lén lấy điếu thuốc của ông cụ mang ra. U chầu lần đầu tiên xem chim của anh ta như củ khoai lang nướng bị cháy. Dị òm! Ngoài ra mình có thấy tóc quăn như Tây đen trên con chim hoành tráng của anh. Về nhà cứ nhìn cu mình hỏi sao không có râu đen.

Chiều chiều sau ăn cơm chiều thì con nít trong xóm hay tụ tập trước nhà thì bắt đầu cuộc duyệt binh của dân trong xóm, thay phiên nhau đi viếng trung tâm định hướng ỉa đái tập thể của nhân dân trong xóm. Trời tối thì đem theo cây nến vìtrong nhà vệ sinh không có đèn, có người thì đem theo cái đèn hột vịt. 

Nhà cầu là để cho người lớn còn con nít từ 1-5 tuổi chưa đi học thì vào cầu tiêu là một cực hình, Lạng quạng té xuống hầm xí thì khốn nên thông thường con nít cứ ngồi xuống đất với cái quần xẻ đáy, làm một bãi rồi kêu con Kiki tới thu dọn chiến trường. Xong om! 

Bên này mình thấy mấy ông anh vợ lo cho mấy con chó của mấy đứa con hay bồ của chúng đem về là sợ. Mấy đứa cháu học hỏi tinh thần thương dân khóc chócủa người Mỹ nên hay tìm mua chó đem về nuôi hay tặng bồ vào sinh nhật. Khi chúng giận và bỏ nhau thì trả chó lại đem về nhà quăn đó, bắt mấy ông anh vợ nuôi, đưa đi trung tâm chăm sóc sắc đẹp chó, cắt móng chân, tắm rữa mất Cả $100 mỗi lần. Mỗi ngày phải dẫn chó đi chơi, nuôi ăn nếu không bị mấy đứa con la, kêu kém văn minh. 

Con nít trong xóm ra đứng trước sân chơi sau khi ăn tối thì mình để ý là mỗi khi chị B, chị của thằng Huân, học Bùi Thị Xuân, vác thùng đội nón cầm báo đi về phía trung tâm vệ sinh tập thể là anh Cụ Đen cũng đau bụng rồi chạy về nhà xách nước, đội mũ đi. 
Một hôm thằng Huân kêu mình đi theo anh Cu Đen thì khám phá ra anh chàng này đang leo lên cái thùng nước trong cầu số 2 để xem chị B đang oanh tạc trong cầu số 3. Không gian rất chậm chạp, lâu lâu có tiếng lật lật rẹt rẹt tờ báo của chị B rồi bổng nhiên thằng Huân kêu to “{Cu đen nhìn chị B” thì anh Cu đen bị trợt chân té vào hầm xí còn chị B hét to rồi bỏ chạy ra khỏi cầu.

Mình và thằng Huân bỏ chạy và từ đó mỗi lần bắt gặp mình là chị B tránh chỗ khác, chắc nhớ cảnh bị anh Cu Đen rình xem trong khi chị đang đọc bà Tùng Long. Anh Cu đen sau này đi lính và mình không gặp lại. 

Mình đi Tây đến 20 năm sau mới trở lại thăm quê xưa. Mấy gia đình khi xưa dọn đi đâu mất chỉ còn lại vài nhà trong xóm. Mỗi lần về thì mình chỉ ở Đà Lạt cóhai ngày rồi đưa cả gia đình đi chơi ở Nha Trang nên cũng không ghé thăm hàng xóm khi xưa. Trung tâm định hướng ỉa đái thì có ai, ngoài Bắc vào, cưỡng chế, đập phá xây nhà mấy tầng.

Lần trước về có một mình, thăm ông cụ nên ở lâu, có ghé nhà anh Cu Đen thăm. Mình thấy anh ta ngồi trước cửa, nơi khi xưa con nít hàng xóm hay tụ tập vào buổi chiều. Anh dạo này tóc bạc già nua, mình không nhận ra. Con cháu anh ta nói là có anh Sơn con ông Đoài sang chơi. Anh nhìn mình rồi kêu to như người bị điếc, con ai rồi nói bị chừ tra rồi khôn nhớ ai, rồi nhìn ra cửa về một nơi xa vắng. 

Nhs