Showing posts with label love. Show all posts
Showing posts with label love. Show all posts

Đời đẹp chán khi gặp người tri kỷ

Lễ Tạ Ơn năm nay, khác với mọi năm, đồng chí gái tổ chức gia đình ăn cơm với vợ chồng ông anh vợ. Không nhộn nhịp như mọi năm với mấy gia đình anh chị vợ khác. Không ai đem điện thoại thông minh ra để chứng tỏ mình thông minh hơn người ngồi chung bàn.


Mình hỏi anh vợ làm sao phát hiện ra mối tình hữu nghị của bà chị dâu. Chị dâu này thương mụ vợ mình lắm, cứ nấu ăn kêu mình đến lấy về cho vợ ăn. Mình có bà mợ, cũng thương mụ vợ, khi xưa chưa bị bệnh, cứ kêu mình lên lấy thức ăn về cho đồng chí gái. Còn mình thì chả ai đoái hoài đến. Rứa là răng. Có người hứa hẹn đủ thứ ở Đà Lạt, nói về đây sẽ đổ bánh căn gia truyền, người thì nói sẽ nấu bún bò. Khi mình về Đà Lạt, mấy bà này chạy mất dép, khi mình rời Việt Nam mới thấy họ liên lạc lại, kêu vì ăn chay nên không dám sát sinh. Không bao giờ tin con gái Đà Lạt ngày nay ngoại trừ đối tượng một thời. Cô nàng có mời đi ăn bánh căn nhưng mình xin lỗi, dành thời gian đi ăn với bà cụ và mấy người em. Hy vọng lần sau có thời gian nhiều hơn.

Mình nhận thấy đồng chí gái rất tốt với mọi người, bạn bè, cháu,… Giáng sinh nào từ ngày lấy nhau đến giờ, đều tổ chức giáng sinh, tết mua quà cho mấy đứa cháu. Mình có 4 bà chị dâu nhưng chả bà nào lo hết, cứ để mụ vợ mình lo nên qua năm tháng mấy đứa cháu thương vợ mình lắm. Con gái mình ở New York, nhưng cứ Tết và Giáng Sinh là bay về nhà thậm chí mấy đứa cháu ở xa cũng bay về ăn tết vì không khí đại gia đình được mụ vợ xây dựng từ mấy chục năm qua giúp mấy đứa cháu gắn bó với nhau. Hè rồi, có đám cưới cô cháu ở Boston, mấy đứa cháu bay qua hết cho thấy anh em, họ hàng gần nhau cần phải có một người kêu gọi lại như con gà mẹ cu cu đám gà về chuồng.


Năm ngoái đi Dubai bên gia đình mình do mụ vợ đưa ý kiến, mời cả nhà bay đến Dubai khiến mình khóc một dòng sông vì phải trả tiền ăn ở, máy bay cho mấy chục người khắp nơi trên thế giới bay về, chúc thọ bà cụ được 90 tuổi.


Lâu lâu mụ vợ lên vườn, hái trái đủ thứ. Mình hỏi chi nhiều vì ăn không hết. Hoá ra mụ đem cho bạn bè. Còn mình, bạn bè hỏi thì kêu lên vườn mà hái. Mình hái là để bán vì phải làm việc đủ trò trên vườn. Do đó bạn bè thương mụ vợ lắm, còn mình thì họ tránh Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen. Có anh bạn nói mua dùm cho bạn nhưng mình biết anh ta thích bơ vườn mình nên mua, tránh mình bắt buộc cho nhiều nên nói mua cho thân hữu. Mình kêu thằng con hái rồi đem giao tại nhà 2 thùng 40 cân anh, lấy tiền cho nó xài.

Anh vợ mình kể là sau 75, bị đi cải tạo được 3 năm thì cho về. Xin vào làm việc cho một công ty xây dựng. Anh ta học kiến trúc trước khi đi lính. Tại đây thì phát hiện ra đồng chí chị dâu. Anh vợ mình là nhà thơ Thanh Toàn, lấy tên cầu ngói mang tên ở Huế. Anh ta nhắc đến bài thơ:


Chia cho nhau miếng cá ngọn rau

Đời đẹp chán khi gặp tri kỷ

Anh vẽ hoạ đồ thiết kế

Em kiểm văn thư dự toán. (Thanh Toàn)


Chị dâu làm thư ký cho công ty, ông chủ muốn cá độ cho con ông ta nên trưa kêu lên nhà ăn cơm nhưng chị ta không chịu. Có ông kia làm chung công ty đi xe Lambretta kêu để ông ta chở về nhưng chị cũng không ưa, chỉ muốn được ông anh vợ chở bằng xe đạp.


Chưa đám cưới gì cả thì Việt Cộng kêu anh vợ đi kinh tế mới. May mà ông chủ công ty viết văn thư gửi cho công an khu vực, nói đất nước cần những người biết về kỹ thuật. Anh ta đã leo lên xe tải để được gửi lên vùng kinh tế mới thì công an khu vực đem cái văn thư ra đưa, cho tên có trách nhiệm, kêu ông anh xuống xe. Nếu không chắc đã bỏ mạng trên vùng kinh tế mới.

Hai người lấy nhau, ông chủ chết nên chị về làm ở nhà. Chị ta có khiếu về make-úp nên được rất nhiều hoa hậu Sàigòn nhờ làm mặt nên làm ăn khấm khá. Bổng nhiên được giấy tờ đi mỹ với bố mẹ vợ nên hai người băng khoăn không biết nên đi hay không. Rồi cuối cùng đi cho tương lai mấy đứa con.


Người Việt mình hay nói đến cụm từ “duyên nợ” nên mình không hiểu. Cứ thắc mắc “duyên” là gì? Làm sao để giải thích cho mấy đứa con. Theo mình hiểu duyên là điều kiện, tây phương gọi là “condition”. Khi ta muốn nấu bún riêu, phải có nước, mắm tôm, riêu, cà chua,… đó là những điều kiện để hội tụ, để nấu nồi bún riêu. Nếu thiếu những thứ này thì không thể gọi là bún riêu.


Người Việt hay dùng từ “duyên” để nói về gặp gỡ giữa trai gái và lấy nhau thì gọi là “nợ”. Khi vợ chồng bỏ nhau thì họ kêu “hết nợ”. Nếu không có đủ tất cả những điều kiện thì chúng ta không thể nấu được nồi bún riêu. Nấu bún riêu chưa chắc là ngon, dù có đầy đủ điều kiện. Tương tự lấy nhau, có đầy đủ điều kiện nhưng chưa chắc cuộc hôn nhân có hạnh phúc như nồi bún riêu thiếu ruốc. Phải thử vài lần vì không đúng lắm như hôn nhân nào cũng có lục đục, chưa đả thông được tư tưởng. Nếu không chịu khó, thông cảm kẻ nội thù sẽ đưa đến đỗ vỡ hôn nhân.

Hôn nhân lúc đầu cũng phải có đầy đủ điều kiện để lấy nhau. Gia đình đồng ý, thương nhau, trọng nhau. Dần dà các cuộc xung đột xẩy ra, nếu không cẩn thận cuộc hôn nhau vì tình yêu có thể đưa đến hận thù và đổ vỡ. Tại sao các điều kiện tốt hội tụ để đưa hai người xa lạ quen nhau, yêu nhau rồi đưa đến sự chia lìa. Tại vì chúng ta quên một điều, hạnh phúc như trồng một cái cây, cần phải được chăm sóc, phân bón, tưới nước được nhận nhiều ánh nắng mặt trời để có thể lớn mạnh, nhất là các nhánh khô, cần được cắt bỏ để những nhánh tốt có không gian phát triển. Nếu không chăm sóc, tỉa các nhánh chết khô thì dần dà chỉ còn lại nhánh khô.


Hai vợ chồng yêu nhau, đi mua một cây táo, đem về trồng ở sau vườn nhưng không có ai chăm sóc cây táo, đều ní cho nhau thì sớm muộn cây táo sẽ chết. Trong cuốn “Anger”, ông Thích Nhất Hạnh có nhắc đến trường hợp hai vợ chồng đều có bằng tiến sĩ, xem như họ đều có học thức cao, có thể hiểu nhau hơn. Nhưng không, họ sống với nhau, cãi nhau như mổ bò hàng ngày. Cuối cùng bà vợ nói chuyện với người bạn, kêu chịu đựng hết nổi, muốn tự vận. Bà bạn sau khi nói chuyện, nói bà ta nên đi theo bà tham dự một khoá tu thiền. Bà này nói tôi là thiên chúa giáo, không thể nào bỏ đạo. Bà bạn nói, trước sau gì cũng chết thì tại sao không học tập lớp tu thiền rồi chết. Nếu mình không lầm thì thiên chúa giáo không cho phép con chiên tự tử.

Bà tiến sĩ nghe lời đi theo học khoá tu thiền. Tại đây bà ta học được cách nhìn lại bản thân, lắng nghe, chánh niệm,… sau khoá tu bà ta bắt đầu lắng nghe ông chồng và thương ông chồng. Mới hiểu ông chồng đau khổ vì không ai lắng nghe ông ta. Ông ta giận dữ với con, với vợ vì khắc khoải trong nổi cô đơn, không ai nghe hiểu tâm sự của ông. Không ai muốn nghe nổi đau khổ của ông ta. Bà yêu cầu ông chồng đi học một khóa tu khác và ông này cũng nhìn lại mình, hiểu về bản thân mình và không trách móc vợ con nữa. Từ từ họ nối kết lại với nhau qua sự lắng nghe nhau. Khi họp mặt thân hữu, nếu để ý, ít ai chịu khó ngồi nghe cả bàn nói chuyện. Đa số chỉ đợi người kia ngưng để nói cảm nghĩ của họ thay vì lắng nghe người nói. Vợ chồng cũng y chang.


Chúng ta thương chúng ta hơn ai cả. Ngày nay với cộng đồng mạng, chúng ta có thể hiểu cộng đồng mạng là thượng đế. Chúng ta muốn cộng đồng chấp nhận chúng ta như khi xưa đi đến giáo xứ. Cuộc đời chỉ loay hoay trong làng, trong giáo xứ. Thượng đế là giáo xứ, là mọi người trong làng. Chúng ta luôn luôn nghe lời cộng đồng, ai khác lạ được xem là điên khùng. Thòi liên xô, anh không tin chủ nghĩa cộng sản vậy anh là người bất bình thường, phải cho vào nhà thương điên chữa trị. Ngày nay với Internet, một người có thể kết nối với một ai ở Alaska hay đâu đó. Có một người muốn kết bạn với mình, kêu là gửi nhắn tin đủ trò nhưng họ lại dùng gú gồ chuyển ngữ nên mình ngại không dám kết bạn nhất là mở link của họ vì sợ spam. Nên đành kêu Amen.


Chúng ta ai cũng xem cái tôi, bản ngã của mình trên hết, chúng ta muốn áp đặt cái tôi trên mọi người. Đi họp mặt ăn uống tại nhà thân hữu, mình để ý vài người, cứ dành hết thời gian nói chuyện, để đưa ra những quan điểm của mình mặc dù không ai để ý. Họ cứ nói đủ thứ đề tài. Dành nói hết. Họ không nhìn bản thân, hay lắng nghe người khác để xem biết đâu họ có thể học hỏi điều gì từ thân hữu. Mình dám chắc tại nhà, họ cũng không nghe vợ con hoặc bị vợ lấn áp, không cho nói nên ra đường phải nói cho bưa.


Dạo này đi chơi, leo núi với đồng chí gái, mình bắt đầu chịu khó chụp hình kẻ nội thù. Mụ vợ thay vì chụp một kiểu lại đòi chụp quay lưng, rồi nghiêng nghiêng cành lá rồi thực diện, rồi chân trái nhấc lên đến chân phải hất ra sau,… mụ hay kêu đi là con đường hạnh phúc, không cần phải tới đích. Mình thì muốn mụ đi cho mỏi giò để hết nói, hết tạo khẩu nghiệp nhưng khi thấy kẻ nội thù vui hồn nhiên như trẻ thơ đứng cà ẹo, trong ống kính thì thấy cũng vui. Đó là niềm vui. Vợ vui là chính thay vì lên tới đỉnh cho sớm. Khi đi xuống núi thì mụ mệt nên không cần đứng lại chụp hình vì chánh niệm vào hai cái đùi đau quẹo chân.


Từ ngày tập Đông Phương Hội đến nay, mình từ từ mình nhận thức được cơ thể, hơi thở khi đi quyền, kéo nội công, hiểu từ từ, lắng nghe cơ thể rồi từ từ người xung quanh. Khi chúng ta hiểu được hoàn cảnh, lý do kẻ nội thù hay con cái hành xử như thế này thế nọ. Khi đã hiểu thì chúng ta dễ thích ứng với sự quan tâm để hòa hợp với vợ con. Mỗi lần đi chơi với vợ con, mình đều bỏ điện thoại trong xe để chịu khó lắng nghe vợ con. Thay vì ngồi xeo-phì tự sướng. Một tấm ảnh khác với không gian 4 chiều.

Cái duyên, những điều kiện để cho vợ chồng gặp nhau nhưng cần được sự chăm sóc để cái duyên ấy được đâm hoa kết trái. Đó là hạnh phúc đời người.


Cụ bà vẫn đẹp sao, cụ ông vẫn đẹp sao

Dù hàm răng không còn chiếc nào

Dù thân thể còm nhom như là con cóc

Dù cho bước đi vô cùng khó nhọc

Những vẫn thường hái hoa tặng nhau


Một tiếng hắt hơi, cụ bà tắt thở

Một chiếc xe tang đưa cụ bà ra bãi

Thấy cụ ông đứng đó

Ở trên mồ tay vẫn cầm lá thư tình yêu


Ơi trái tim cụ ông như mặt trời sắp lặn

Ở dưới nơi chim rừng cháy rực

Sáng tình yêu, ngàn năm


Cụ bà vẫn đẹp sao, mụ vợ vẫn đẹp sao, đẹp sao. Đẹp sao đẹp sao…..


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Bến-xe Palace xưa

Ông thần N.K., lâu lâu lại gửi cho mình vài tấm ảnh Đà Lạt xưa, khiến mình phải xem lại để định vị địa điểm nào ở Đà Lạt xưa. Ông này là người có trên 800 tấm ảnh xưa về Đà Lạt. Nhiều khi xem mấy tấm ảnh của ông gửi lại khiến mình nhớ chút gì đó về Đà Lạt mà sau 75 biến mất một cách rẻ mạt như trường hợp tuyến đường rày xe lửa từ Tháp Chàm lên Đà Lạt là một trong những tuyến đường ít ỏi của lịch sử nhân loại mà ngày nay chỉ còn sót lại ở Ấn Độ, được xem là di tích lịch sử văn hoá của nhân loại, giúp vùng này khai thác du lịch giúp dân địa phương có công ăn việc làm dù trên núi. 

Ông N. K. Gửi cho tấm ảnh này, nằm sau lưng của khách sạn Palace, nơi có một trạm xăng nhỏ của Esso mà mình đã kể trong bài “những cây xăng cũ tại Đà Lạt khi xưa.” Mình đoán tấm ảnh xưa trước khi trạm xăng được thành lập. Thấy 3 tài xế người Việt bận đồng phục đứng rất tây

Tấm ảnh cũ này cho thấy một công ty du lịch toạ lạc ngay trên đường Yersin, phía sau khách sạn Palace, đối diện chéo với khách sạn Hôtel du Parc. Thấy tấm bảng trước cửa tiệm thì cho thấy là công ty du lịch, có các tour đi viếng thăm chung quanh Đà Lạt. Chỉ có bảng tên S.T. A. L  Chemins de Fer de L’Indochine thì chịu, chỉ đoán là Société Transport còn A và L thì chịu. Ai biết thì cho em xin để bổ túc. Công ty du lịch này có đến 3 chiếc xe lớn để đưa du khách đi chơi, nằm ngay phía sau lưng khách sạn Palace để du khách ngụ tại khách sạn có thể lên xe gần đó. Chắc cũng được dùng để chở du khách từ ga Đà Lạt lên khách sạn luôn.

Tấm ảnh này chụp phía sau lưng khách sạn Palace, cho thấy Hotel du Parc được xây cất để các đoàn tuỳ tùng ngụ trong khi các gia đình, ông lớn ngụ tại Palace (có 26 phòng). Bên phải thấy một chút cây xăng ESSO (Shell). Xe hơi đậu có vẻ mới hơn so với 3 chiếc xe Van
Hình này chụp thời Việt Nam Cộng Hoà, (xe gắn máy Nhật Bản) không còn thấy công ty du lịch nữa. Nghe ông N.K. Cho biết là căn nhà này được dùng làm cư xá cho nhân viên hoả xa Đà Lạt. Có cây xăng nhỏ cho xe hơi của du khách ngụ tại Palace đỗ khỏi phải đi xa. Mình chưa bao giờ đỗ xăng ở chỗ này nên khi thấy tấm ảnh thì ngạc nhiên vì không nhớ.
Hình này chụp từ ngay mấy thang cấp của khách sạn Palace phía sau. Thấy Hotel du Parc và cây xăng nhỏ
Ảnh cho thấy cầu thàng phía sau khách sạn Palace, có trạm xăng nhỏ. Cận cảnh là phái sau khách sạn du Parc. Theo hình này thì mình đoán mái nhà của Hotel du Parc đã được sửa lại. Có thời Mậu Thân Việt Cộng đột nhập vào đây là trụ sở của đài phát thanh Đà Lạt, rồi đốt phá hay sao đó không rõ.

Đọc trên mạng ngoại quốc thì rất ngạc nhiên, nhiều người ngoại quốc tiếc nuối khi được biết khi xưa trước 1975, Việt Nam có đường xe lửa răng cưa của Thuỵ Sĩ, dài 84 cây số nối đường xe lửa từ Tháp Chàm đến Đà Lạt trên cao nguyên. Họ tiếc than và tạo ra các bờ lốc hay tài khoản trên mạng xã hội để tìm kiếm thông tin về con đường rầy này bị Hà Nội bức tử. Mình xin tóm lược những gì đọc trên mạng xã hội của người ngoại quốc. Ngay ông Robie từng tham chiến tại Việt Nam, người đã chụp rất nhiều hình ảnh Đà Lạt, gây quỹ giúp cho 2 học sinh Bùi Thị Xuân, 2 học sinh Trần Hưng Đạo. Cũng gốc viết một bài khảo cứu há chi tiết về con đường rầy răng cưa Tháp CHàm-Đà Lạt.

Hình ảnh cũ của đầu máy số 707 (SLM HG4/4 0-8-0T rack-and-pinion locomotive No 707)


Lược sử Đà Lạt được khởi đầu từ những năm cuối của thế kỷ 19, khi người Pháp đã quyết định xây dựng một trung tâm nghỉ dưỡng trên cao nguyên ở độ cao 1550 mét. Người Pháp dự định kết nối đường xe lửa chính từ Nam chí bắc, xây dựng một tuyến đường từ Tháp Chàm, Ninh Thuận lên Đà Lạt. Con đường dài 84 cây số phải mất đến 30 năm mới hoàn tất. Phần 40 cây số đầu tiên từ Tháp Chàm đến Khrông Pha khởi đầu năm 1903 và hoàn tất năm 1919. Xem như mất 16 năm mà mình có kể, ít nhất có trên 30,000 người Việt lao công trên công trường này đã chết vì đói sức, bệnh sốt rét, tai nạn,… ai buồn đời thì đọc trên bờ lốc của mình.

Đầu máy xe lửa ở đèo Ngoạn Mục vào những năm 1930 (An SLM HG4/4 0-8-0T rack-and-pinion locomotive in the Bellevue Pass in the 1930s). Phải công nhận chỉ xem tấm ảnh này mà dân chuyên nghiệp vẫn nhận ra đầu máy loại gì.


Phần cuối 44 cây số từ 186 mét cao độ lên 1,550 mét cao độ trên mực nước biển với độ dốc cao đến 120mm/m, sử dụng đường rày xe lửa răng cưa của công ty Thụy sĩ Schweizerische Lokomotiv- und Maschinenfabrik (SLM) ở Winterthur, có đại diện tại Đông-Dương bởi Société d’entreprises asiatiques. Công trình khởi đầu ngày 20 tháng 3 năm 1923 và hoàn tất năm 1932. Đúng lúc năm ấy có trận lụt đã cuốn trôi khu vực người Việt và người Tàu ở hạ lưu suối Cam Ly, khiến người Pháp phải dời khu phố Việt lên khu Hoà Bình.


Theo tin tức cho biết công ty Schweizerische Lokomotiv- und Maschinenfabrik (SLM) bán 9 đầu máy 46-tấn HG4/4 0-8-0T (mang số 701-709) để kéo chiếc xe lửa trên tuyến đường này. 7 đầu máy này được chế tạo tại xưởng SLM Winterthur  (701-705, 708-709) còn hai đầu máy (706-707) được chế tạo bởi Maschinenfabrik Esslingen.


Con đường rầy răng cưa giúp phát triển ngành du lịch tại Đông-Dương, chuyên chở rau cải, trái cây và hoa từ cao nguyên Lâm Viên xuống vùng đồng bằng cũng như du khách. 

SLM HG4/4 0-8-0T đầu máy số 704 ở đèo Ngoạn Mục và Đơn dương năm 1927. 


Trong thời gian 1945-1946, đường rày răng cưa Lâm Viên bị Việt Minh phá hoại 4 đầu máy HG4/4, chỉ còn 40-302 (702), 40-303 (703), 40-304 (704), 40-306 (706) và 40-308 (708) còn khả năng xử dụng. Vào năm 1947 thì đường xe lửa này được sửa chửa và hoạt động trở lại. Công ty hoả xa Đông-Dương mua thêm 4 đầu máy ( số 31-201-31-204). Hồi nhỏ mình có đi xe này được 1 hay 2 lần xuống Trại Mát với ông cụ thăm ai.

Vào những năm dưới chính phủ đệ nhất Việt Nam Cộng Hoà, công ty hoả xa Việt Nam dự định điện hoá đường xe lửa này nhưng vì chi phí quá cao thêm vấn đề an ninh, phá hoại của Việt Cộng nên dự định này không được chấp thuận. Trước đó thì đầu máy chạy bằng hơi nước, nấu bằng củi. Quân đội mỹ sử dụng để chở rau cải cho binh lính họ ở Nha Trang. Cũng có thể lính đóng quân tại đài radar chỗ gần Đơn Dương. Không biết rĩ lắm, ai biết thì cho em hay. Do đó hay bị Việt Cộng phá hoại.

Nhà ga Đà Lạt với kiến trúc Art Déco năm 1948. Nhà ga này còn đẹp hơn mấy nhà ga bên tây

Đường rầy răng cưa vẫn tiếp tục hoạt động đến tháng 9 năm 1969 thì công ty hoả xa Việt Nam tuyên bố là không lời, bảo đảm an ninh vì Việt Cộng hay tấn công, phá hoài đường rày nên đã ngưng hoạt động.

Một trạm ga chụp thời Tây, nay bị bỏ phế hoang tàn
Cầu này được Việt Cộng tháo gỡ bán lạc xoong

Sau khi Việt Cộng chiếm đóng miền nam sau 30/4 thì đường rày được tháo gỡ để chở về bắc để sửa chửa đường rày ngoài bắc nhưng đường răng cưa khác với đường rày thường nên không sửa chửa được nên quăng hay bán sắt vụn. Đến năm 1990 các đầu máy còn thoát khỏi các cuộc phá hoại của Việt Cộng trong thòi gian chiến tranh được bán lại cho Dampfbahn Furka-Bergstrecke, DFB, để người Thuỵ Sĩ mở lại đường rầy lên núi ở Thuỵ Sĩ. 40-304 và 40-308 được trùng tu và lấy lại số 704 and 708. Xem ra thì Việt Cộng chỉ có biết phá hoại rồi không biết sử dụng khi chiếm được thì bán lạc xoong giúp người Thụy Sĩ làm giàu. Du khách muốn thương ngoạn trên núi với chiếc xe lửa đặc biệt này mua từ Việt Nam, nghe nói phải đặt chỗ từ cả năm trước. Tình cờ mình đọc được một bài của một anh ở Tây hay Thuỵ Sĩ kể rất chi tiết với hình ảnh của người Thuỵ SĨ chụp từ Việt Nam đến Thuỵ sĩ. Ai buồn đời thì tìm trên mạng để rõ hơn.

Việt Cộng bán đầu máy lạc xoong nên Thụy sĩ đem về Tân trang lại và sử dụng leo núi của họ cho du khách lời khẩm. (Rusting cog locomotives commencing their journey back to Switzerland in 1990….)

Năm 2004, cầu sắt bắt qua con sông Đa Nhim được Hà Nội cho phép tháo gỡ để bán sắt vụng. Cho thấy rất may là các đầu máy mà Thuỵ Sĩ mua lại nếu không chắc đã được bán ve chai. Việt Cộng tưởng bán ve chai cho người Thuỵ Sĩ, mừng quá vì được $500,000 vào thời đó nên ăn mừng hết lớn. Người Thụy sĩ khiêm nhường đến khi khám phá ra họ đem về tân trang lại, gắn mấy cái toa xe lửa là chạy lên núi, kiếm tiền du khách quá cỡ nên Việt Cộng mới nghĩ là làm lại tuyến đường này, nghe nói mấy tỷ đô la.


Bổng nhiên, gần đây đọc báo Hà Nội lại có ý định thành lập lại con đường rầy này. Nhà ga Đà Lạt theo lối kiến trúc Art Déco, được trùng tu lại và tuyến đường 7 cấy số từ Đà Lạt đến Trại MÁt được hoạt động lại nhưng nghe nói cũng ít du khách đi nên không biết Hà Nội tốn hàng tỷ đô để làm lại đường rầy này có thực thi hay không.

…. now restored to their former glory on the Furka Cogwheel Steam Railway (image copyright Dampfbahn Furka-Bergstrecke). Người Thuỵ Sĩ mua lạc xoong các đầu máy về, trùng tu lại, sơn phết nay làm tuyến đường leo núi, kiếm tiền bộn bạc nghe nói một vé giá 70 quan Thụy sĩ mà phải mua vé cả năm tước, chưa kể tiền họ tiêu xào và ngủ khách sạn.

Nếu đường rầy răng cưa Đà Lạt Tháp chàm không bị tháo gỡ bán ve chai thì ngày nay chắc chắn là điểm du lịch nổi tiếng nhất Đông Nam Á và sẽ được UNESCO công nhận di tích văn hoá thế giới như đường rầy lên núi Nilgiri bên Ấn Độ. Mình có xem phim Ấn Độ, có lần thấy họ quay chuyến xe lửa này. Sau này có dịp đi lại Thuỵ SĨ, chắc mình cũng ráng bò lên xe lửa này để Hoài niệm về một thời đi và thấy xe lửa này.


Nhiều khi không muốn kể chuyện Đà Lạt xưa vì càng kể thì so sánh với ngày nay, tan hoang hết nên Chán Mớ Đời 


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 


Thảm sát trong chiến tranh


Sáng nay, tại hội Toastmasters, có ông Mỹ đọc diễn văn với tựa đề “cuộc thảm sát”. Ông ta nhắc đến cuộc thảm sát Mỹ Lai, do lính mỹ gây ra rồi tự hỏi cuộc chiến hiện nay tại Gaza gây nên biết bao nhiêu người vô tội chết oan.

Mình rất ngạc nhiên khi nghe người Mỹ nói đến vụ thảm sát Mỹ Lai. Cho thấy vụ này đã gây chấn động dân chúng Hoa Kỳ và thế giới khi cuộc chiến đang ở cao điểm khốc liệt sau cuộc tổng công kích Mậu Thân của Việt Cộng. Lính mỹ tham trận tại Việt Nam, trở về bị người Mỹ bôi nhọ là kẻ giết con nít qua hình ảnh Mỹ Lai và người Mỹ muốn quên đi cuộc chiến này. Ít ai muốn nhắc đến vì không muốn khoét lại vết thương lòng. Hôm nay, ông cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ, Henry Kissinger qua đời. Người mà người Việt chúng ta xem là kẻ đã đưa kế hoạch bỏ rơi về Việt Nam Cộng Hoà.

Vụ thảm sát Mỹ Lai cho chúng ta thấy hai mặt của người Mỹ. Một là bên lính nghe lời cấp chỉ huy ra tay tàn sát các người dân vô tội và một mặt là ông phi công không chấp nhận sự bắn chết vô lý nên ra lệnh cho xạ thủ đại liên trên trực thăng của ông ta đang lái, sẵn sàng bắn chết binh sĩ mỹ đang tham gia cuộc tàn sát mà người Mỹ không bao giờ cảm thấy hãnh diện. Ông phi công này được các vị chỉ huy quân đội mỹ đề nghị được tặng các huy chương của quân đội Hoa Kỳ để bỏ quên, không tố giác với cấp chỉ huy về cuộc thảm sát. Với lương tâm của một người lính, ông ta không chấp nhận và bị đe doạ tính mạng cũng như bị khinh bỉ bởi đồng đội. 


Cuối cùng sau bao nhiêu năm, ông ta được trao huy chương đã can đảm chống, bất chấp các áp lực để nói lên tiếng nói lương tâm của con người. Gần đây, mình có xem một phim tương tự đã xẩy ra tại Á Phủ Hãn, quân đội Hoa Kỳ đã đưa ra toà án quân sự một vị chỉ huy đã ra lệnh binh sĩ ông ta tàn sát các thường dân vô tội. Mình có kể trong bài Pinkville (thành phố màu hồng) về vụ thảm sát Mỹ Lai https://www.muctimsonden.com/2019/08/pinkville.html#more


Ngày nay, người Mỹ bắt đầu xét lại lịch sử đã được dạy ở trường. Chúng ta sẽ trả lời ra sao khi con cháu chúng ta đặt những câu hỏi về các cuộc thảm sát Mỹ Lai với những chi tiết viết bởi kẻ thắng cuộc. Vấn đề là lịch sử do kẻ thắng cuộc viết nên không chính xác đối với lịch sử do người có lương tâm, nhân ái với đồng loại, bất kể chủng tộc. Nên nhớ dạo ấy, Hoa Kỳ chưa có Civil Rights, quyền dân sự, người da đen vẫn còn bị kỳ thị trên pháp luật như không được ngồi chung với người da trắng mà có một số người đã đứng ra bênh vực các thường dân vô tội tại Mỹ Lai. Ông MacCain đã từng gọi người Việt là Gooks.


Mình thường thấy thế hệ đã tham gia vào cuộc chiến chống cuộc xâm lăng của Hà Nội. Ngày nay, ai cũng hiểu hậu quả của cuộc xâm chiếm này đã đưa Việt Nam đến sự kiệt quệ về kinh tế cũng như chính trị khiến hàng triệu người Việt phải bỏ nước ra đi, bất chấp cái chết có thể đến bất cứ lúc nào. Theo cao uỷ tỵ nạn liên hiệp quốc, họ ước định 50% người Việt vượt biển đã bỏ thân xác trên biển, chỉ có 50% là đến được bến bờ tự do. Ông nGuyễn NGọc Ngạn có kể chuyện vượt biển của gia đình ông ta.

Khi con em chúng ta học lịch sử hay xem phim, đọc sách về chiến tranh Việt Nam. Thường các nhà xuất bản chỉ muốn bán những sách nào gây chấn động dư luận như vụ Thảm sát Mỹ Lai còn những chuyện kể Mậu Thân, Việt Cộng và nằm vùng tàn sát tập thể không biết bao nhiêu người dân vô tội với những nấm mồ tập thể khiến họ bỏ chạy khi nghe đến Việt Cộng. Như trường hợp đại lộ kinh hoàng khi người dân nghe Việt Cộng đánh chiếm Quảng Trị và Việt Cộng cứ pháo kích trên đại lộ dân chúng chạy khi tin họ đánh chiếm thành phố, chết như rạ. 


Năm 75 khi gia đình mình chạy giặc về Bình Tuy thì Việt Cộng pháo kích trên quốc lộ để giết dân và lính Việt Nam Cộng Hoà được lệnh rút quân. Nghe kể, xe ông cụ đang chở cả gia đình trong khi hai người em đèo xe Honda chạy theo sau thì có một chiếc xe lam, bóp còi qua mặt. Chạy đâu thêm một cây số thì thấy chiếc xe lam bị cộng quân bắn nát, xác người trong xe Lam bay tứ phía. Xem như gia đình này chết thế cho gia đình mình. Mình rùng mình khi nghe kể vì nếu cả gia đình mình bị bắn nát thì chắc mình không bao giờ biết chết ở đâu. Có chị bạn, gia đình chạy di tản, gia đình chia nhau làm hai để chạy rồi phân nữa mất tích, đến ngày nay không biết sống chết ra sao. Chỉ biết đi xem bói, cầu cơ. Chán Mớ Đời 


Các bác giải thích làm sao cho con cháu biết về chính nghĩa của Việt Nam Cộng Hoà. Mình thấy thế hệ đi trước, cứ nghe đến Việt Cộng là họ cứ kêu tụi bây không biết, hiểu gì về Việt Cộng. Nhưng tuyệt nhiên không giải thích được. Lý do chúng ta quen về cảm tính còn người tây phương thiên về suy nghĩ, tranh luận, đưa các chứng cớ để có thể kết luận Việt Cộng là tàn ác. Mình bị vụ này khi mới sang tây, cãi lộn với tây đầm thân Hà Nội. Sau này mình phải tham gia hội Toastmasters để biết cách tranh luận về đề tài nào đó. Thay vì cứ bị cảm tính chi phối. Phải đọc thêm về lịch sử viết bởi người Mỹ để hiểu cách họ nhìn về cuộc chiến rồi đưa ra những chi tiết mình đã chứng kiến 18 năm tại Việt Nam cho họ thấy.


Lính mỹ có cho phóng viên của họ đi theo nên có thể chụp hình như vụ ông nhiếp ảnh gia mỹ đã chụp cảnh ông tướng NGuyễn NGọc Loan, xử tử tên Việt Cộng đã giết nguyên một gia đình mà một người con bị bắn đã sống sót, sau này trở thành tướng của quân đội Hoa Kỳ. Trong khi Việt Cộng đâu cho phóng viên quốc tế đi theo quân đội của họ để tường trình về cuộc chiến. Nếu có toàn là những khúc phim tuyên truyền.

Làm sao chúng ta có thể thắng một cuộc chiến khi thấy xung quanh toàn người dân vô tội rồi chính những 1 trong những đám dân sự, thảy quả lựu đạn hay bắn chết đồng đội của mình. Việt Cộng lấy dân làm vật chắn, họ núp len lỏi trong đám dân, bắt dân nuôi họ nếu không sẽ giết cả nhà, hay bắt người của gia đình đi theo họ. Ở quê, ông cụ mình không chịu theo đám du kích nên họ mò đến nhà ban đêm để giết, may ông cụ trốn được chạy vào nam. Tương tự tại chiến trường Á Phủ Hãn. Do đó binh sĩ không biết đâu là địch , đâu là người dân vô tội. Khi đồng đội bị giết một cách ngây ngô khiến họ điên lên và trong cơn điên khó mà tự chủ được.


Tương tự ngày nay chúng ta thấy Do Thái bắn phá dãy Gaza. Có người lên án nhóm Hamas chui rút trong dân chúng để họ làm bia đỡ đạn. Có người lại bênh vực nhóm Hamas, giết hại người Do Thái đang vui chơi lễ hội là để cảnh báo thế giới về sự vấn nạn Palestine mà thế giới không chú ý đến vì tây phương không ưa chuộng hồi giáo. Ai đúng ai sai? Tùy người theo bên nào. Ai cũng kêu có chính nghĩa. Chỉ có người dân là vô tội, chết oan cho cả hai bên.


Bác nào có câu trả lời thì cho em xin để hôm nào em sẽ đọc diễn văn đáp từ ông mỹ sáng nay về cuộc thảm sát Mỹ Lai và Gaza. Xin cảm ơn trước.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

7 ngày đợi mong


Mình thuộc dạng ngu lâu dốt sớm nên từ bé, đi học được thầy cô, bạn học xem là cực ngu vì mình hay hỏi bậy bạ, không dính dáng đến bài học, thầy cô hay tránh trả lời khi đưa tay lên. Điển hình là tại sao người ta gọi những ngày trong tuần như thứ 2, thứ 3, thứ 4, thứ 5, thứ 6, thứ 7 rồi ngày Chúa Nhật hay Chủ nhật … nên hay bị bạn bè học chung kêu sao mày dốt thế, thậm chí ngày nay gặp lại bạn học xưa, chúng vẫn còn kêu mặt mày sao ngu lâu thế, ngu có truyền thống như đã ghi khắc trong tâm khảm chúng.
Mình thắc mắc, hỏi tại sao người ta gọi thứ 2, 3, 4, 5, 6, 7 mà không bắt đầu bằng Ngày Thứ 1 rồi ngưng ở Ngày Thứ 7 thay vì chơi Chúa Nhật hay Chủ Nhật. Lớn lớn một chút thì bắt đầu phân biệt có người theo đạo Phật như gia đình mình, cũng có nhà theo đạo chúa nên họ gọi Ngày Chủ Nhật, (ngày tự chủ) thành Ngày của Chúa để nhắc họ đi Lễ, cầu nguyện Chúa. Sau này đi kiếm vợ thì gặp cô nào kêu Chúa Nhật là biết ngay em là người có đạo nên tìm cách trốn ngay, nếu không lại nghe giảng mình là đứa con hoang đàng của Chúa, bỏ chúa, phải trở về đạo.


May mình được đi Tây nên hỏi lòng vòng thì thầy giáo hay bạn bè, hình như họ có sự đồng thuận, mình hỏi cái gì, thay vì kêu mình ngu thì họ trả lời nếu biết còn không thì kêu mình kiếm tự điển mà tra, không suy diễn như người Việt, kêu mình là đồ ngu, ăn chi mà ngu rứa. Chán Mớ Đời

Ở với Tây Đầm thì lại khám phá ra là sau cuộc cách mạng máu lửa 14/7/1789, vào năm 1793, các lực lượng cách mạng, đổi cách tính giờ và ngày… nói chung là mình chỉ học về phương diện chính trị của cuộc cách mạng này nhưng về những thay đổi về văn hoá, khoa học thì ít nghe ai nói đến.

Vào viện bảo tàng, thì khám phá người Pháp tính thời gian, thay vì 24 tiếng như ngày nay, họ đổi thành một ngày có 10 tiếng và 10 ngày trong tuần thay vì 7 ngày đợi mong như bài hát nào khi xưa, mình hay nghe mấy cô trong lớp hát e e. Mình chỉ đợi mong 5 ngày đi học chóng qua, cuối tuần đi chơi còn mấy cô này lại hát 7 ngày đợi mong đi học cả tuần nên mình chả hiểu con gà kê gì cả. Lớn lên mới hiểu mấy cô đợi mong thằng bồ dẫn đi ăn quà.

Rồi người Pháp còn chơi một tiếng có đến 100 phút, 1 phút có đến 100 giây đồng hồ khi họ đổi hệ thống Metric. Mình viếng đủ loại viện bảo tàng của Tây vì sinh viên được miễn phí. Vào mùa đông, phòng ô sin của mình không có sưởi, nên cuối tuần cứ phải bò vào mấy viện bảo tàng từ sáng đến đóng cửa để tránh lạnh, thấy mấy cái đồng hồ thời sau cách mạng, đã ngu lâu dốt sớm, lại cảm thấy ngu bền dốt vững như đồng chí gái hay nhìn mình như thầm hỏi: “Mi ăn chi mà ngu rứa?”

Họ giải thích hệ thống giờ 10/100/100: thí dụ làm việc được 70% trong ngày, xem như 7 tiếng thay vì 16 tiếng 48 phút theo kiểu 24/60/60.


Dân tây dạo đó ít học nên tính giờ theo 60 phút 60 giây thì họ như bò đội nón nên các nhà Hàn Lâm đề nghị hoàng đế Napoleon đổi thành hệ thống này như hệ thống hoá về cách tính đo lường các khoảng cách như mét (mètre), cây số (kilométre) hay kí lô (kilogramme), cà ram (gramme), hay lít (litre) cho có vẻ Cartésien hơn. Nông dân có thể bắt chước Descartes kêu “je plante donc j’existe” ngày nay thì “tôi lai chim là tôi hiện hữu”. Chán Mớ Đời
Nhưng chỉ mấy năm sau, là họ đổi ngược lại vì thay đổi giờ giấc kiểu mới, làm đồng hồ mới tốn tiền. Cứ mỗi năm các xứ tây phương đổi giờ mùa đông, mùa hạ là cha con chửi bới nên Âu châu mới bỏ vụ đổi giờ bắt đầu năm tới. Cơ thể con người cần được ngủ 8 tiếng hay 1/3 thời gian của mỗi ngày. Họ chia 3.3 tiếng đồng hồ của thời Napoleon thì làm sao ai canh cho đúng.

Cùng có thể bác sĩ quen đếm nhịp tim đập nay bảo họ đếm cách khác thì chỉ có điên mà thôi. Thay vì 120 nhịp mỗi phút nay lại bác sĩ đếm 120 nhịp cho 100 giây đồng hồ. Đang đếm phải xem đồng hồ chỉ 100 giây hay mỗi giây là 1.2 nhịp thì bác sĩ tổn thọ trước khi chữa bệnh cho bệnh nhân. Nhiều khi quen với một hệ thống , chúng ta lại sống theo lối đếm này cũng quen. Tương tự khi mình sang làm việc tại Anh quốc, dân ở đây tuy sử dụng hệ thống metric nhưng khi giao tiếp họ vẫn quen sử dụng hệ thống Imperial như gọi “half Pint” khi vào Pub uống bia,….khiến mình cũng lộn xộn đến khi sang Hoa Kỳ thì từ từ mới quen.

Họ vẫn giữ hệ thống đo lường theo hệ số 100 (metric system) như kilo, mét, hectare,… để làm khác đi với hệ thống đo lường của Anh Quốc mà người Mỹ hay gọi và còn sử dụng đến ngày nay “Imperial system”. Khi mình qua mỹ thì họ có nói sẽ sử dụng hệ thống metric trong vài năm tới mà khắp nơi thế giới dùng nhưng mấy chục năm rồi vẫn vậy. Thật ra đổi hệ thống sẽ mất rất nhiều tiền. Điển hình, xe bị hư phải thay phụ kiện. Xe cũ theo hệ thống imperial mà chỉ bán đồ theo hệ thống metric là ngọng. Cửa nhà hư mà đi thay thì tìm đâu ra với hệ thống metric. 

Tương tự, khi xưa người ta chạy xe hay cởi ngựa bên trái vì người ta thuận tay phải nên đeo kiếm bên trái, dễ rút kiếm bằng tay phải nếu bị tấn công bất thình lình. Xem xi nê, nếu để ý thì các hiệp sĩ đạo đều đi bên trái. Ông thần Napoleon lại thuận tay trái nên bắt binh lính đi duyệt binh phải, từ đó người ta lái xe bên tay phải trong khi ở Anh Quốc, xứ Phù Tang,… vẫn còn đi bên trái như mấy trăm năm về trước.

Trở lại vụ ngày thứ tự trong tuần. Mình có cái tật là đột suất nhớ cái gì thì viết cái đó nên chạy lòng vòng. Mình khám phá lý do người ta gọi Ngày thứ 2 là vì Ngày Chủ Nhật hay Chúa Nhật được xem là Ngày thứ nhất trong tuần. Vấn đề là tại sao ngày chủ nhật là ngày thứ nhất.

Cái này phải lội ngược về lịch sử của Trung Á, mấy thiên niên kỷ trước mà khi xưa lúc học về lịch sử, mấy ông tây bà đầm làm mình điên điên về Asiemineure, với các thành phố Babylon, dân Assyrie,… họ chỉ nói khống khống, chả có hình ảnh gì cả, ngoài cái bản đồ. Sau này sang Tây mới học lại lịch sử nghệ thuật thì mới hiểu con gà tồ. Năm nay được đi chơi mấy vùng này nên mới giác ngộ cách mạng những gì ông tây bà đầm khi xưa giảng.

Nền văn minh Babylon được xem là cao nhất thời ấy. Mình có kể vụ này rồi khi họ bắt người Do Thái đem về xứ họ làm nô lệ, nên Do Thái Giáo chịu nhiều ảnh hưởng của nền văn minh này như Đại Hồng Thuỷ của Noah, tương tự trong Epic of Gilgamesh, hay ngày nghỉ của Do Thái là ngày Sabbath, sử dụng hệ thống 7 ngày trong tuần đưa đến Cựu Ước kể về Thượng Đế Toàn Năng thành lập thế giới trong 6 ngày thêm một ngày để nghỉ vì không biết dùng ngày còn lại để làm chuyện gì … cho thấy các sử gia hay mấy ông cố đạo, chỉ quy nạp rồi suy diễn nhưng chưa có thực nghiệm nên cứ khi kẹt là ngưng, chế đại ra câu trả lời. Con chiên lại tin như thần.

Họ đã biết đọc thiên văn trước mấy ông tàu, tìm được 7 cái sao trên trời: Sun (mặt trời), Mercury, Venus, Moon (mặt trăng), Mars, Jupiter và Saturn. Do đó người ta đoán là nền văn minh này sử dụng hệ thống 7 ngày cho chu kỳ của một tuần lễ dựa theo 7 ngôi sao của ngành thiên văn học của họ. Có mấy ông thần tin Kinh Dịch, Âm Dương Ngũ Hành nên gượng ghép cho là ngoài mặt trời và mặt trăng, 5 ngôi sao kia tượng trưng cho ngũ hành, để chứng minh văn minh của Tàu là siêu việt. Cứ suy diễn nhưng không kiểm chứng nên người Tây Phương không ai tin. Trong khi đó nền văn minh Aztec ở Mễ Tây Cơ thì tính đến 13 ngày một chu kỳ cho mỗi tuần, giờ giấc cũng khác. Khi nào rảnh kể tiếp vụ này. Mỗi lần chặt cây trong vườn, ông thợ gốc Guatemala nói đợi đến ngày rằm mới chặt chúng, sẽ giúp cây mọc lại khỏe mạnh nên mình đánh chìu theo. 

Gần đây âu châu người ta phải xét lại định nghĩa của một kí lô gram vì nghe nói hơi sai biệt sức nặng mà người ta sử dụng từ thời Napoleon đến độ một hạt bụi.

Cứ theo thánh kinh thì người sinh sống trong nền văn minh Hy-La sử dụng một tuần 7 ngày đến khi ông hoàng đế Constantin của đế chế La Mã, trở về đạo Thiên Chúa Giáo. Năm 321 sau Chúa Giáng Sinh, ông hoàng đế này ban lệnh ngày chủ nhật là ngày đầu tiên trong tuần còn ngày thứ 7 là ngày nghỉ Sabbath như người Do Thái thường dùng từ mấy ngàn năm nay.

 Lí do là ngày ông Giê Su sống lại, sau 3 ngày đã tắt thở, khởi đầu cho một tương lai mới, một tuần lễ mới. Người La Mã dùng tên các thần linh của họ để đặt tên cho mỗi ngày. Từ anh ngữ cho những ngày dựa vào các cỗ ngữ của Anh Quốc, chịu nhiều ảnh hưởng của người Bắc Âu và Đức quốc, bị ảnh hưởng của La Mã.


Ngày thứ 1: Sunday là ngay của thần Mặt Trời đến từ Sunnandæg đến từ cụm từ la tinh dies Solis hay Thần Mặt Trời. Các xứ la tinh thì gọi là Dies dominicus, ngày của Chúa , Tây gọi là Dimanche, Jour du Seigneur, để nhớ đến ngày Chúa Giê Su sống lại mà người ta tưởng niệm hàng năm qua ngày Phục Sinh.

Ngày thứ 2: Monday được xem là ngày của Thần Mặt Trăng, là em của Thần Mặt Trời (Moon God hay Mōnandæg). Theo tiếng La Tinh thì Mặt trăng là Lunae. Tây gọi là Lundi (Lun từ Lune, mặt trăng và di là ngày)

Ngày Thứ 3: Tuesday, được mang tên theo một Thần của người Bắc Âu tên Týr. Tiếng La Tinh gọi ngày thứ 3 là dies Martis, theo thần Chiến Tranh, Mars. Tây gọi là Mardi (Mar là Mars, di là ngày)

Ngày thứ 4: Wednesday đến từ tiếng anh cổ điển Wōdnesdæg, tên của thần Odin của người bắc Âu, đến từ tiếng la tinh dies Mercurii, đến từ thần Mercury, tây gọi là Mercredi (Mercure và Di).


Ngày thứ 5: Thursday đến từ Þūnresdæg or Thunor , thần Thor . Tiếng La Tinh là dies Iovis, nhưng chữ I trong hy lạp lại trở thành “j” trong anh ngữ như thần Jupiter. Tây gọi là Jeudi.


Ngày thứ 6: Friday hay Frīgedæg khi xưa, gọi theo bà vợ của thần Odin, tên Frigg, tượng trưng cho cái đẹp,tình yêu và sinh sản mà tiếng La tinh gọi là Venus, la tinh gọi là dies Veneris và tây gọi là Vendredi.


Ngày thứ 7: Saturday or Sæturnesdæg có tên la tinh là dies Saturni gọi theo thần La mã Saturn. 

 

Ngày nay có nhiều nước ở miền nam âu châu như Tây Ban Nha gọi ngày thứ 7 là Sabado, có nguồn gốc từ Sabbath, cũng là ngày mà người Do Thái gọi là ngày nghỉ, tương tự tiếng Ả Rập Yaum as-sabt , cũng gọi tương tự là ngày nghỉ. Người Do Thái bị đuổi ra khỏi xứ họ thì có hai nhánh, một theo hướng Bắc lên Đông Âu, Nga Sô còn nhánh kia thì theo về phía Tây Ban Nha, nơi co người Do Thái cự ngụ rất đông đến khi bà hoàng hậu Isabella tống người Maure và Do Thái ra khỏi nước họ nếu không chịu trở về đạo như mình.


Đến năm 1988, hiệp hội chi ở Âu châu quyết định ngày thứ 2 là ngày đầu tuần.

Hồi nhỏ nghe bà cụ nói về giờ Ta, có 12 tiếng nhưng mỗi giờ lại là 2 tiếng của người Tây Phương, lại làm mình khư khư khó hiểu nên lại tìm tài liệu đọc. Lần sau kể tiếp.

Nói chung những cái thắc mắc hồi bé khiến mình hay bị lộn xộn đầu óc. Lớn lên từ từ đi kiếm sách báo đọc để tự giải mã các câu hỏi vớ vẩn. Chán Mớ Đời


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn