Showing posts with label Thiên hạ sự. Show all posts
Showing posts with label Thiên hạ sự. Show all posts

Cà phê Mỹ ngon cà phê Tây?


Hôm qua thấy có tấm ảnh khiến mình suy nghĩ về đời sống bên pháp, đã bỏ lại và đời sống bên Mỹ đang sống. Tấm ảnh chụp ghép hai hình ảnh về uống cà phê. Tấm trên thấy một tiệm cà phê đơn độc, bãi đậu xe không có một chiếc xe đậu và một hàng xe hơi nối đuôi nhau đợi mua cà phê mà người Mỹ gọi là drive through. Không phải đậu xe lại, cứ tới cổng có cái haut parleur tài xế chỉ việc gọi loại cà phê nào, mấy ly rồi chạy đến cửa sổ trả tiền rồi chạy tới cuối tiệm lấy cà phê đem đi uống trên xe. 

Hình ảnh thứ hai, chụp khung cảnh một tiệm cà phê ở Paris, nổi tiếng Les Deux Magots trên đại lộ Saint Germain, gần trường mình học. Thiên hạ ngồi ngoài đường. Mùa đông dù lạnh, có máy sưởi bằng ga, thưởng thức ly cà phê, tán gẫu. Mình không biết tỷ lệ bệnh trầm cảm bên tây có ít hơn bên Hoa Kỳ hay không. Người Mỹ nhiều khi rất cô độc vì đất rộng người thưa, nhiều người ở những nơi chả có thằng tây con đầm nào hết. Nhiều vùng chạy xe cả tiếng không gặp một bóng người. 


Cũng uống cà phê nhưng một bên thì một mình trong xe và một bên thì ngồi đối ẩm với bạn bè hay người yêu. 2 hình ảnh trên mình đều đã trải qua. Khi xưa, ở Paris, lâu lâu đi bộ với cô bạn, cũng hay ghé cà phê “hai ông quan” hay chỗ khác uống trà hay lái xe ở Cali ghé mua thức ăn cho thợ hay mấy đứa con. Mình không uống cà phê nên không phải đợi mua cà phê hay la cà ở mấy quán cà phê ở Cali. Có anh bạn, học Đà Lạt khi xưa, năm khi mười hoạ, hú một tiếng chạy ra quán cà phê ngồi chém gió với anh ta.

Về già nhìn lại thì xem lối sống nào hay hơn thì chịu, không trả lời được. Ở bolsa khi có bạn, muốn chém gió thì hú nhau ra khu Phước Lộc Thọ uống cà phê. Mình thấy ở Phước Lộc Thọ có cả bàn cờ tướng để mấy ông đánh cờ. Quanh năm trời nắm ấm.


Người Pháp họ quan tâm đến việc đi chơi, nghỉ hè nhiều hơn là để dành tiền mua nhà hay làm giàu. Nhân sinh quan cũng như điều kiện xã hội khác với bên Hoa Kỳ. Có lẻ vì lịch sử, có một giai cấp địa chủ và một gia cấp tá điền từ lâu năm. Dân giàu có thì có tư duy khác còn còn gốc tá điền thì khác thêm bắt nguồn từ Mặt Trận Bình dân (Front populaire). Chính quyền này khởi đầu cho việc người Pháp làm việc được quyền nghỉ hè mỗi năm. Một ý tưởng lạ vào thời ấy khiến ăn sâu vào đầu người Pháp.


Dạo còn sinh viên, hè mình làm việc ở ngân hàng tại Paris, thế cho mấy người đi nghỉ hè. Cứ đến tháng 7 là có phân nữa nhân viên đi nghỉ hè, và đến tháng 8, có một phân nữa kia đi nên sinh viên đi làm được 2 tháng hè, lương SMIC. Thấy mấy người đi hè về thì cả 2 tuần đầu, thấy họ nói chuyện về chuyến đi nghỉ hè, rồi 2 tuần sau đó lại tính chuyện đi nghỉ hè sang năm, chưa nói đến các ngày lễ trong năm, bắt cầu luôn qua cuối tuần. Thí dụ, ngày lễ ông thánh nào đó nhăm vào ngày thứ 4 thì họ nghỉ luôn thứ 4, thứ 5 đến thứ hai tuần sau mới đi làm lại. Tháng 5 bên Tây nghỉ mệt thở, chả ai đi làm cả.


Bên âu châu chỉ có 35% người dân làm chủ căn hộ hay căn nhà, số người kia thì chỉ biết mướn nhà hay căn hộ làm giàu cho chủ nhà từ đời này sang đời nọ. Bên Mỹ thì tỷ lệ người có nhà gấp đôi số bên tây. Nếu có nhà thì thế hệ con cháu sẽ được hưởng căn nhà, đỡ vất vã hơn trong tương lai, không phải mướn nhà và có khả năng theo học đại học và con cháu đi lên những thế hệ sau.


Điển hình khi người Mỹ trở về từ mặt trận của đệ nhị thế chiến, chính phủ ra luật giúp họ được trở lại đại học, và mua nhà. Người Mỹ da trắng hưởng được quyền lợi này trong khi các cựu chiến binh da màu thì chỉ có 5% được hưởng các quyền lợi này. Sau mấy thế hệ thì người Mỹ da trắng thoát nghèo sớm hơn người Mỹ da màu.


Hệ thống phúc lợi bên tây thì cao hơn bên Mỹ, về già thì có tiền già, đau ốm có chính phủ lo. Không tiền thì vào viện dưỡng lão được chính phủ lo hết. Vấn đề là xứ tây bắt đầu ít người đi làm để đóng thuế những người về hưu, mà họ lại càng sống lâu hơn xưa. Không biết tình trạng này sẽ kéo dài được bao lâu. Các ngọn sóng ngầm sẽ đánh vật cả xã hội trong tương lai.


Qua Hoa Kỳ thì không thấy người Mỹ đi nghỉ hè nhiều, tối đa là 2 tuần. Có ngày nghỉ nhưng thiên hạ lại muốn đi cày vì cần tiền để trả tiền nợ ngân hàng hay sợ mất việc. Muốn cho chủ thấy mình siêng năng nhất là người á đông. Do đó bệnh về tinh thần của người Mỹ rất cao. Họ uống thuốc giảm đau, trầm cảm đủ loại. Khi xưa, mình hay ghé thăm mấy người bán nhà cho mình thay vì gửi ngân phiếu, mình ghé lại đưa cho họ ngân phiếu. Họ rất mừng rỡ vì con cháu đi mất tiêu. Ở nhà hai vợ chồng nhìn nhau, không muốn mỏi miệng cãi nhau vì đã hết hơi sau bao nhiêu sinh sống với kẻ nội thù.


 Ai cũng có xe, theo tiêu chuẩn mua trước, trả sau nên người Mỹ làm việc mệt nghỉ để trả nợ. Thức ăn thì rẻ so với Châu Âu nên họ ăn mệt thở. Họ ăn trên xe vì không có thời gian. Cứ như đoàn quân Mông cổ của Thành Cát Tư hãn, cởi ngựa vừa ăn vừa ngủ. Họ làm việc ngày đêm, làm ngày chưa đủ tranh thủ làm đêm, 2 3 job để có nhiều tiền tiêu sắm, trả nợ. Họ sợ bị sa thải vì mất việc là mất tất cả trong khi tại âu châu rất khó bị sa thải, mất cả năm mới sa thải được nhân viên. 

Người tây thì ăn uống là nghề của họ. Mỗi lần mình được mời đến nhà bạn ăn cơm là mất 4 tiếng tối thiểu. Ăn khai vị rồi đến súp, món chính rồi xà lách, phô mát đến tráng miệng rồi cà phê, thêm cognac cho tiêu cơm,… bữa cơm chiều là chính trong ngày. Trong tuần họ có thể nấu ăn nhanh nhưng cuối tuần, ăn cơm là một cách thư giãn của họ. Ăn bao nhiêu món thì uống bao nhiêu loại rượu. Đại loại như khi ăn phô mát Camembert, mình thấy Tây uống với rượu trắng, thậm chí họ uống cidre. Họ kỵ uống Beaujolais và rượu đỏ khi ăn loại phô mát này. Mà Tây có trên 400 loại phô mát. Mình thích phô mát Brie, tương tự Camembert, mềm mềm nhưng Tây lại uống với rượu đỏ vùng Bordeaux. Thế là ngọng. May mình rời Tây sớm chớ ở lâu chắc cũng điên điên, lo ăn uống bu xua la mua như “Tây Đui”. Mình cũng không uống rượu nên khỏi mất công lựa rượu này nọ. Cứ nước lạnh thì không cần loại gì.


Ở Cali mình nhận thấy dạo này người Việt bắt đầu uống rượu thay vì bia Heineken, không hiểu lý do. Trước đây, khi mời thân hữu đến nhà, phải mua bia nay thì bia ế độ, vấn đề là không biết mua loại rượu nào vì thức ăn Việt Nam, hằm bà lằn, khó phân biệt. Chắc phải cần mấy bác nào ở Pháp giải thích như ăn bánh nậm thì uống loại gì. Bác Michel, cho em xin ý kiến vì cuối năm mụ vợ tổ chức ăn mừng năm mới. Nước mắm áp hết các mùi vị của rượu. Mình thấy người tây như ăn thịt thì họ uống rượu đỏ, ăn cá thì uống rượu trắng và tùy loại rượu vùng nào. Còn người Việt mình thì nhận thấy họ bỏ đá cục vào ly rượu, uống hằm bà lằn, đỏ trắng loạn xà ngầu. Tây mà thấy chắc đứng tim. Ở Hoa Kỳ, muốn đi học một lớp về uống rượu, phải mất độ $15,000.

Người mỹ không kiểu cọ về ăn uống như người Pháp. Họ ăn hamburger, Hot Dog, uống bia khi có bạn bè đến nhà thì nướng thịt ăn thôi, kẹp bánh mì, xịt ketchup và mù tạc. Trong cuốn The Millionaire Next Door, giáo sư Stanley cho biết trong quá trình nghiên cứu các triệu Phú Mỹ thì nhận ra một việc, các triệu Phú Mỹ không màng đến việc ăn uống. Mời họ vào một tiệm ăn sáng trọng, họ không dùng loại muỗng đĩa nào để ăn nên thường chọn món hamburgers hay steak và khoai Tây chiên. 


Đến lễ tạ ơn thì họ làm con gà tây đút lò, không hương vị lắm hay đặt mua một con. Người Việt, mấy bà nấu hay mua thức ăn ở bolsa nên đi riết ăn cũng ớn vì biết món này món nọ đặt từ quán nào ở Bolsa. Đồng chí gái có mấy bà bạn thích nấu đồ ăn nên mình thích đi còn nghe mấy người nào, biết họ mua ở tiệm đem về thì ngồi nhà đợi vợ cho khoẻ. Dân Huế thì bò ra quán Huế, dân Nam thì bò ra quán Nam và tương tự với quán Bắc.


Nhập gia tuỳ tục, nhập giang tuỳ khúc cho nên không thể chê bai bên tây bên mỹ vì cái nghiệp của mình phải định cư tại Hoa Kỳ. Nói chung mình thích đời sống tại Hoa Kỳ hơn, có lẻ quen lâu năm nhưng nếu phải trở về tây ở thì mình cũng không ngại.

Mình thấy nhiều nhóm trên mạng, lâu lâu rủ nhau họp mặt, uống cà phê rất hay. Có dịp để chém gió rồi chém phở gà, giúp đời sống vui vẻ hơn trên con đường hoàng hôn đời người. Muốn uống cà phê miễn phí vào ngân hàng của mình, lúc nào họ cũng có máy làm cà phê uống miễn phí hay các Dealer bán xe. Còn nước cũng vậy khỏi tốn tiền. 


Khi xưa, ở New York hay bên Tây, qua Cali ăn thèm cơm Việt Nam đã luôn. Ở đây riết ớn mấy tiệm ngoài bolsa. Chỉ thích ăn tại nhà do thân hữu nấu. (Còn tiếp)


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 





Phần nguy hiểm nhất khi về hưu


Đồng chí gái về hưu được trên một năm nên mình đọc thêm tài liệu về hưu trí. Làm gì để đi hết quãng đường đời còn lại vì mù tịt với ngày tháng hay những gì sẽ xảy ra trong tương lai. Đọc thêm kinh nghiệm của mấy người về hưu, nói chuyện những người quen lớn tuổi để học hỏi thêm kinh nghiệm của họ.


Có một ông Mỹ, được xem là thành đạt, về hưu ở tuổi 58, kể trên mạng rằng: những người sắp sửa nghỉ hưu, tưởng rằng nghỉ hưu là “sống một cuộc sống tốt đẹp, an hưởng tuổi già” sau những năm tháng lao động để xây dựng sự nghiệp, gia đình. Trên thực tế không phải vậy. 


Ông ta chia sẻ kinh nghiệm cá nhân, cho rằng nếu chúng ta không có một kế hoạch lâu dài cho những năm tháng sắp tới khi về hưu, thì cuộc sống có thể tràn ngập những cơn buồn chán, lo lắng và thậm chí trầm cảm như trường hợp của ông ta đã trải qua. Sau phải đi chữa bệnh tâm lý và gia nhập các công việc từ thiện giúp ông ta tìm được hướng đi trong cuộc đời, cảm thấy hữu ích cho cộng đồng, cảm nhận cuộc đời đáng sống thay vì té xuống hố sâu, hụt hẫng khi ngưng làm việc.

Mình biết vài trường hợp. Về hưu chán chường nên đâm ra nghiện hút thuốc, cà phê, rượu bia, thậm chí là ma tuý. Người Mỹ về già nghiện thuốc giảm đau vì họ buồn chán, trầm cảm. Đây là vấn nạn lớn của người già tại Hoa Kỳ. Bà Inge mình quen trên 20 năm, ghi tên đi học đại học cộng đồng còn ông Larry thì đi nhảy đầm uống rượu mỗi đêm. Mỗi ngày họ gặp một nhóm bạn để chia sẻ kinh nghiệm hay kiến thức. Cả hai đều rủ nhau đi Tây năm vừa rồi ở lứa tuổi trên 8 bó khiến mình mất đi những người bạn già để học hỏi kinh nghiệm sống của họ. 


Hôm trước ghé thăm anh bạn trên Los Angeles. Mình đi công việc nên hỏi có nhà thì ghé thăm. Anh ta mới về hưu được 1 năm, ở nhà buồn, xem phim bộ riết cũng ớn. Anh ta than là đầu óc bắt đầu trả nhớ về không. Anh ta ở xa quá nên cũng không gặp thường. Nay anh ta lại lái xe ban đêm không được nên hết đến nhà mình khi đồng chí gái tổ chức ăn uống. Mới nói chuyện động viên một ông người Mỹ, hội viên của Toastmaster, bị ung thư đang xạ trị. Tối đọc kinh Chú Đại Bi cho ông ta, giúp ông ta lên tinh thần để chiến đấu với bệnh của thế kỷ.


Ông mỹ báo trước cho những người mới nghỉ hưu và sắp nghỉ hưu về những mối nguy hiểm về mặt tinh thần đang ở phía trước và đề nghị một hướng đi giúp việc nghỉ hưu thành công để tránh lâm vào hoàn cảnh mà ông ta đã trải qua. Về mặt tài chính thì ông ta không lo vì bán công ty được một số tiền lớn, ăn xài đến Tết Congo cũng không hết. Về mặt tinh thần thì có vấn đề. Cho thấy giàu cũng có nổi khổ cho nên thà giàu mà sung sướng còn hơn nghèo mà đau khổ.

Hóa ra người về hưu có nhiều vấn đề: tài chính làm sao để có cuộc sống tương đối thư thản, không lo ngại thiếu tiền, một mặt về tinh thần, chống chọi sự chán chường khi giết thì giờ hàng ngày. Có chị bạn kể bảo lãnh ông bố sang Hoa Kỳ, buồn cả ngày lủi thủi trong nhà ngoài sân. Đến khi chị ta khám phá ra ở vùng Bolsa có một trung tâm sinh hoạt cho người già. Sáng chở bố lại mua cơm trưa tại chỗ để ăn với mấy ông bạn mới, tập thể dục hay đánh cờ tướng, chém gió về quá khứ vàng son, giúp ông bố vui hẳn ra, tinh thần lạc quan. Nhớ bà cụ sang Hoa Kỳ, có thẻ xanh đầy đủ. Mình chở đi chơi, tập Đông Phương Hội đủ trò nhưng mẹ mình kêu “cho Mạ về đi con”, đành đưa mẹ về lại Đà Lạt.


Ông ta cho biết nghỉ hưu không phải là đích mà chúng ta muốn đến mà là một hành trình với ba điểm dừng chính. Điểm dừng đầu tiên, ông ta gọi là “tuần trăng mật”. Như hai vợ chồng mới cưới, hồ hởi đi du lịch, thấy cuộc đời là màu Hồng tỏng tiếng hát của Edith Piaf, quand tu me prends dans tes bras, je vois la vie en rose. Những người về hưu nghỉ ngơi, đi du lịch, tận hưởng những sở thích và làm những việc họ hằng mong muốn. Phần chuyển tiếp này thường kéo dài khoảng một năm.


Sau thời gian du hí ban đầu, ‘tuần trăng mật qua,” nhiều người về hưu phải chịu đựng sự thất vọng. Nghỉ hưu, không phải là một kỳ nghỉ vui vẻ, hạnh phúc vĩnh viễn như mơ tưởng. Bây giờ đồng chí gái còn vui vẻ đi chơi đây đó nhưng một mai, có thể chán đi du lịch, sức khỏe yếu thì mệt nên mình phải chuẩn bị, làm cách nào để mụ vợ không rơi vào tình trạng cảm thấy vô dụng.

Tấm ảnh đêm Tân hôn nói lên tình yêu tuyệt vời để rồi sau đó phải dọn dẹp, tạo dựng cuộc sống

Điểm dừng thứ hai là “đối diện với bức tường”. Sau thời gian trăng mật đi chơi đây đó, viếng thăm bạn bè ở xa, chúng ta tự hỏi về cuộc sống mới. Thông thường, giai đoạn này sẽ bắt đầu với cảm giác bồn chồn. Chúng ta bắt đầu nhớ sự tương tác với các đồng nghiệp cũ. Sự buồn chán có thể bắt đầu len lỏi vào và thậm chí có thể chuyển thành trầm cảm. Đây là điểm dừng nguy hiểm nhất trên cuộc hành trình hoàng hôn của đời người.


Một thiểu số bắt đầu lạm dụng rượu hoặc ma túy để giảm bớt trầm cảm. Một số có thể không bao giờ tiến xa hơn điểm dừng thứ hai này. Mình thấy nay có phòng trào hát karaoke rất hay để giúp người già có một đam mê làm ca sĩ. Đúng hơn là giải toả tinh thần dồn nén của họ khi về già. Vợ chồng về già lại càng cãi nhau khi đối diện kẻ nội thù 24 /24. Nhiều ông bò ra Bolsa, uống cà phê chém gió đến giờ ăn thì về để khỏi cãi nhau. Thật ra cả hai đều bị dồn nén về mặt tinh thần thay vì đối thoại, chúng ta trở nên đối chọi.


Mình có một bà dì vợ, con cháu ở xa. Mỗi tuần hai vợ chồng chở mẹ vợ đi đón dì, chở đi ăn rồi đi lòng vòng ở khu Bolsa. Có lần dì nói: “chú Sơn biết không, từ khi chú qua đời buồn, không có ai để cãi nhau. Đến chở dì đi chơi như ri là dì mừng”. Cho thấy vợ chồng cãi nhau cũng là một cách giúp nhau giải toả nổi buồn không tên.


Mình có anh bạn, bác sĩ về hưu sớm có đam mê là hát nên thấy anh ta bận rộn tập hát rồi lăn vào các hội đoàn người Việt để hát trong các buổi văn nghệ. Mình hay kể chuyện tếu lâm khi nghe mấy bà mấy ông rên rĩ hát nhạc Việt Nam khi xưa nhưng thật ra mình hiểu lý do họ hát để xả bớt áp suất về mặt tinh thần bị nén khi về hưu, nguyên cả ngày ở nhà.

Nay mình mới hiểu các cựu binh sĩ Hoa Kỳ khi giải ngủ đều lâm vào tình trạng trầm cảm. Nghe nói sau cuộc chiến Việt Nam, cựu quân nhân Mỹ tự tử rất nhiều đâu 20,000/ năm. Tính ra lính Mỹ chết tại Việt Nam có 58,000 người nhưng số người Mỹ chết sau khi trở về nước còn cao hơn rất nhiều. Xem link cua chính phủ Hoa Kỳ  https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/2343923/


Như câu chuyện nhà tu và cô gái giang hồ. Có lần hai ông sư được người làng bên, nhờ đến làm ma chay. Sau cúng kiếng xong thì đi về. Đến bờ suối thì gặp một cô gái giang hồ, nhờ hai người bế qua suối vì sợ ướt áo quần. Một ông xung phong bế cô ta qua suối rồi để xuống, tiếp tục đi về chùa. Ông sư đi cùng thì nghĩ tại sao sư huynh mình đã đi tu mà còn làm ô uế thân thể kẻ xuất gia, bế cô gái giảng hồ. Hình ảnh này ám ảnh ông ta suốt đoạn đường trở về chùa. Cuối cùng khi về chùa, ông ta bực quá nên hỏi tội vị sư huynh. Anh là kẻ xuất gia, tại sao lại làm ô uế bế cô gái sang suối. Ông sư huynh ngạc nhiên rồi nói tôi đã bỏ cô gái ấy bên bờ suối, còn anh vẫn mang theo về chùa. Binh sĩ Mỹ tham trận tại Việt Nam, Á Phủ Hãn, Iraq,..về lại Hoa Kỳ, đa số bị căn bệnh này, không quên được những gì đã tham dự tại chiến trường. Mình mới xem một phim kể về vụ tàn sát dân làng vô tội tại Á Phủ Hãn, tương tự vụ thảm sát tại Mỹ Lai.


Nhiều người Mỹ cho rằng “Điều tồi tệ nhất của việc nghỉ hưu là đánh mất bản sắc của chúng ta. Tốt nhất là tìm một bản sắc mới.” Điển hình là chúng ta trước đây là bác sĩ, kỹ sư, luật sư,.. bổng nhiên chúng ta phải trả lời là tôi hưu trí khi ai đó hỏi làm nghề gì. Chúng ta mất bản thể, tước vị mà chúng ta đã bỏ ra biết bao nhiêu thời gian để xây dựng, để có một bản sắc trong xã hội. Rất nhiều người ngừng lại chỗ này, như đứng trước bức tường Bá Linh. Họ không biết làm gì khi đối diện bức tường. Kiếm cách leo qua, hay mò bên trái bên phải để xem có cánh cửa nào khác để vượt qua.

Có một số người tiếp tục đến điểm dừng thứ ba “xác định lại bản thể của mình”, nơi họ xây dựng bản sắc mới và phát triển những thói quen mới. Đây là điểm dừng khó khăn nhất trong hành trình. Cần có một nỗ lực bền bỉ, thường liên quan đến việc thử nghiệm, để vượt qua điểm dừng này và tiếp tục con đường đi của mình.


Tại hội Lions, có một ông cựu cảnh sát viên của thành phố, về hưu, ông ta tích cực tham gia rất nhiều chương trình thiện nguyện trong thành phố. Vợ ông ta rên là không thấy mặt ông ta. Nhiều người khác cũng tham gia các sinh hoạt xã hội. Có ông quen, mua miếng đất 120 mẫu trên núi, để tặng hội Lions, nhằm giúp học sinh nghèo có chỗ để nghỉ hè, trượt tuyết. Mấy ông khác thì đóng giường, đóng bàn ghế đem lên. Mình thì cho một chiếc xe van cũ để chở học sinh nghèo lên đó chơi. Nhìn những đứa trẻ được đi chơi, nghỉ hè, bố mẹ không phải lo lắng cho con 1 tuần lễ khiến ai nấy đều vui vẻ, cuộc đời đẹp hơn nếu mọi người bỏ chút công chút của.


Có ông Mỹ năm 97 tuổi cho ra đời cuốn sách nói về hành trình nghỉ hưu của ông ta. Ông ta đặt kế hoạch ngủ niên như học thêm một môn gì, học vẽ, học thêm về một đề tài nào ông ta ưa thích. Ở Hoa Kỳ, đi học đại học cộng đồng rất rẻ, có nhiều chương trình chính phủ cho tiền để học. Mình biết vài người sang đây cứ đi học mệt thở, để được tiền chính phủ cho hàng năm. Sau này, bán cái vườn, mất bản sắc người nông dân, chắc mình sẽ xin tiền đi học vớ vẩn. Có bác nào biết lớp dạy hết sợ vợ thì cho em hay để ghi danh.

Muốn sống thọ, và có tiền hưu khi về già, các cố vấn tài chính đều khuyên chúng ta qua hình ảnh này. Gặp phụ nữ là băng qua lề đường. Đó là lời khuyên chân thật nhất của một người thành thật

Việc này có thể mất từ ​​sáu tháng đến vài năm. Nhiều người kém may mắn, không đạt được mục tiêu cuối cùng và vẫn mắc kẹt trong tư duy nghỉ hưu truyền thống, áp dụng lối sống thụ động với rất ít điều để mong đợi mỗi ngày. Từ từ bộ não không làm việc nhiều sẽ quên dần và trả nhớ về không. Có người may mắn có cháu ngoại cháu nội để trông, tạo điều kiện cho con họ. Họ có thể đưa đón cháu đến trường, giúp họ có chí hướng, thức giấc mỗi ngày. Vợ chồng chị vợ mình, cả hai là nha sĩ, mới về hưu, trông 3 đứa cháu 3 ngày một tuần. Đi chơi là nhớ cháu nội. Có gì giúp họ vui đời để tiếp tục sống nếu không cứ mỗi ngày phải tọng thuốc trị bệnh họ Cao là Chán Mớ Đời.


Làm sao để tránh được số phận này? Những người mới nghỉ hưu thường thiếu định hướng, vì vậy họ cần một kế hoạch để hướng dẫn cách họ sử dụng thời gian. Có nhiều nghiên cứu đã giúp ích cho người hưu trí. Ví dụ, một nghiên cứu gần đây cho thấy hạnh phúc của người về hưu tương quan với việc tham gia vào các hoạt động chủ động và thụ động. Bạn sẽ là người tham gia hay khán giả? Nghiên cứu này được củng cố bởi một nghiên cứu khác, trong đó ghi nhận rằng những người về hưu hạnh phúc có số hoạt động “tích cực” gấp đôi so với những người về hưu không hạnh phúc.


Nói cho ngay, ngày nay chúng ta về hưu, có xã hội mạng nên còn lên chia sẻ một bài hát, một món ăn,… nếu không chắc mọi người đều lâm vào tình trạng lộn xộn về tâm lý. Mình thấy đồng chí gái bận rộn đi gặp các bà bạn khiến mình mừng. Mỗi tuần đều đi leo núi với vợ để giúp vợ tịnh khẩu, tránh khẩu nghiệp. Leo núi mệt nên mụ vợ thở không ra hơi nên không nói gì cả. Vợ chồng không đối choại. Ăn vui.

Các hoạt động theo đuổi tích cực có thể mang tính hướng ngoại, diễn ra trong môi trường xã hội như hoạt động tình nguyện, hoặc hướng nội tâm, chẳng hạn như một sở thích được thực hiện một mình. Đồng chí vợ hay đi theo mấy người bạn hát ở các viện dưỡng lão hay nấu ăn cho người vô gia cư. Đi viếng một viện mồ côi ở Mễ Tây Cơ, vợ kêu về Mỹ xem có viện mồ côi nào, xin phụ giúp hàng tuần. 


Mình nghĩ sau khi đi chơi mệt thở, mụ vợ sẽ đi đến tình trạng này, và sẽ cần làm thiện nguyện cho một tổ chức nào đó hay ở chùa. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự cân bằng giữa cả hai loại là cần thiết để có được thời gian nghỉ hưu tối ưu. Tương tác với những người không phải là gia đình ruột thịt của chúng ta có thể kéo dài tuổi thọ của chúng ta lên tới bốn năm. Ngược lại, sự cô đơn có thể rút ngắn tuổi thọ tới 8 năm. Ngoài ra, các hoạt động solo tích cực, chẳng hạn như ô chữ hoặc trò chơi ghép hình và các sở thích, chẳng hạn như vẽ tranh hoặc làm vườn, có thể giúp chúng ta duy trì khả năng nhận thức của mình.


Dạo này thấy họ quảng cáo trò chơi Solitaire rất nhiều. Khi xưa, chưa có vợ buồn mình hay chơi trò chơi này. Sau này thấy cãi nhau với mụ vợ mệt quá, lăn ra ngủ.


Điểm mấu chốt: Hạnh phúc của chúng ta sau khi nghỉ hưu phụ thuộc vào những mục tiêu chúng ta theo đuổi. Và chúng ta càng có nhiều mục tiêu theo đuổi và chúng càng đa dạng thì chúng ta sẽ càng hạnh phúc hơn. Điều tồi tệ nhất của việc nghỉ hưu là đánh mất bản sắc của chúng ta. Phần tốt nhất là luôn luôn tìm một cái mới nhưng đừng có tìm vợ mới là hoà bình.



Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 


Hưu trí và mưu cầu hạnh phúc

Có ông mỹ kể là năm 52 tuổi, ông ta buộc về hưu trí sớm. Lý do bị ung thư, có cục bướu to đùng ở cái xương chậu. Bác sĩ tiên đoán ông ta có thêm 6 tháng hưởng dương. Ông ta chuẩn bị hậu sự, để được chúa rước về thiên quốc nhưng thánh Phao Lồ kêu chưa có tên ông ta trong danh sách vì nhà cửa chưa được phân lô, xin phép xây trên thiên đình, cần nhiều thời gian để Ngọc hoàng duyệt phê, đợi công an khu vực và ông bà Táo về trời báo cáo tình hình lý lịch 3 đời trích dọc ngang. 

Sau hai lần giải phẫu thì như phép lạ, ông ta bình phục, tự tập luyện để đi đứng lại. Từ độ đó, ông ta về hưu được 10 năm thì cảm thấy cuộc sống nhàm chán, vô vị. Mình đoán ông này không có vợ con. Nếu có thì cãi vợ hàng ngày vẫn vui hơn, sẽ không thấy nhàm chán và vô vị hoá cuộc đời. Ông ta mất hết năng lực để sống. Cho thấy cái nghịch lý trong đời sống, chúng ta tìm bằng mọi cách để tiếp tục sống nhưng rồi sống lại chán nản, cảm thấy vô vị. Chán Mớ Đời 

Nghỉ hưu có ý nghĩa khác nhau đối với mỗi cá nhân. Người ta có thực hiện một cuộc khảo sát sâu rộng với trên 15,000 người về hưu trên 60 tuổi và hỏi họ một câu: “Thử thách lớn nhất của ông, bà khi nghỉ hưu là gì?”

Dưới đây là một số câu trả lời nhận được theo các danh mục được trích dẫn nhiều nhất:


1/ Hối tiếc:

  • * “Tôi nhớ làm công việc mà tôi yêu thích.”
  • * “Tôi không nghĩ hưu trí là dành cho mình. Tôi muốn quay trở lại công việc giảng dạy.”
  • * “Tôi không biết phải làm gì với thời gian của mình. Tôi cảm thấy lạc lõng.”

Phần này thì lâu lâu mình cũng nhớ nhớ đến nghề cũ kiến trúc sư. Tháng trước đi viếng New York, mình thấy lại toà nhà cao tầng mà mình có tham dự trong tổ thiết kế, hay khi viếng Barcelona, thấy trung tâm thương mại quốc tế, hoặc ở Đông Kinh, có chút gì tiếc tiếc.

Mình về hưu chắc cũng trên 14 năm qua vì không muốn đi làm khiến con mình thắc mắc, hỏi mẹ nó sao bố không đi làm.


2/ Y tế:

  • * “Giữ cho tâm trí tôi khỏe mạnh và tăng thêm giá trị cho cuộc đời.”
  • * “Sợ chết trong đau đớn và khó chịu.”
  • * “Khi 70 tuổi bị bệnh tim, tôi sẽ không còn thèm ăn nhiều nữa.”

Phần này thì mình có chịu khó đọc sách báo, mỗi ngày tập võ, ăn uống đàng hoàng, hạn chế không như khi xưa, thèm là ăn. Lên vườn 3 ngày một tuần, leo núi mỗi tuần nên không sợ gì cả vì cứ đi liên tu ti nên chả có thì giờ ngồi nghĩ vớ vẩn. Chết đến thì đến như một người tình mới đến kéo ta đi về miền đâu đâu.


3/ Danh tính:

  • * “Nỗi sợ mất danh tính đã hình thành trong suốt cuộc đời.”
  • * “Mọi người không còn nhìn thấy bạn nữa.”
  • * “Cảm giác bị từ chối - nội tâm hóa, không lên tiếng.”
Mình không có danh tính nên không sợ mất tên Sơn Đen, chỉ đi sau gót chân của vợ cho đời tắm gội thêm được mới. Mình không thích dây dưa lắm. Đi họp mặt thân hữu thì ngồi ăn, ngóng chuyện thiên hạ để có gì hay, kể trên bờ lốc. Không có gì để bàn cãi đối chọi với mấy ông rượu vào lời ra. Không uống rượu nên không ai cụng ly.

Theo kinh nghiệm, người về hưu có một thách thức lớn nhất mà không ai nói đến là tìm ra mục đích sống. Trước đó, 90% người Mỹ đi làm không thích công việc của họ, chỉ xem là phương tiện để kiếm tiền nuôi sống gia đình. Họ tự nhũ sau này về hưu sẽ làm những việc họ thích. Cũng khá mơ hồ. Khi xưa, mình đam mê kiến trúc, nghệ thuật nhưng sau khi thằng con ra đời thì mới khám phá ra tiền cần hơn là đam mê nên bỏ nghề đi làm thầu khoán, xây cất nhà cửa.
Đây là câu hỏi đầu tiên của chuyên gia tài Chánh thế là ngọng. 

Đam mê là khi mình được thiết kế các công trình như thế vận hội Barcelona, chớ còn vẽ 3 cái nhà hàng Burger King vớ vẩn thì chán con chuồng chuồng. Đi làm thầu khoán, vẽ nhà bậy bạ và xây cho nhanh kiếm tiền là vui. Khách hàng đa số có một quỹ rất khiêm nhường nên khó mà vẽ nhà đẹp sang trọng. Muốn vẽ những căn nhà sang trọng phải giàu có, quen biết các triệu phú tỷ phú chớ tỵ nạn như mình thì quên đi.

Ai có cháu ngoại, cháu nội thì định hướng lại cuộc đời mình, bằng cách giữ cháu, tạo điều kiện cho con đi làm. Quan trọng hơn là giúp họ rất nhiều về mặt tâm lý. Mình có chị bạn, con gái vừa sinh con thì ngưng làm việc, ở nhà trông cháu ngoại. Con gái trả công một tí cũng vui sống mỗi ngày với cháu ngoại. Đi làm nhân công không bao nhiêu, vui cùng cháu ngoại là hạnh phúc một đời người. Chị vợ mình và ông anh cột chèo hơn mình 2 tuổi, bán văn phòng nha khoa về hưu. Trong tuần chăm cháu nội được 3 ngày, ngoài ra đi chơi, đánh quần vợt.

Tiền bạc chắc chắn là một mối quan tâm cho đa số khi về hưu. Họ có thời gian nhưng không có tiền bạc để thực hiện những chương trình của họ đặt ra. Lại có người có tiền có bạc, có thời gian nhưng không có sức khoẻ cũng ngọng. Có người nói: “Tôi sợ nghèo đói và mất nhân phẩm”. Lại có người khác viết: “Tiền ra, không có gì Vô”. Lại có người kêu: “sức khoẻ là vàng. Tôi ngu đi làm để có tiền chửa bệnh”. Vấn đề đáng ngạc nhiên là lo lắng về tài chính lại không nằm trong 3 lo lắng hàng đầu của mọi người khi về hưu.


Mọi người thường nhầm lẫn giữa tiết kiệm hưu trí với kế hoạch nghỉ hưu. Hai khái niệm khác nhau. Nếu gú gồ cụm từ “kế hoạch nghỉ hưu” thì hầu hết sẽ thấy, trên nhiều trang, nội dung liên quan đến tiết kiệm và lương hưu như IRA, Annuity, bú xua la mua, toàn là những mánh lới của mấy tên chuyên gia tài chánh. Mấy tên hay đặt câu hỏi đầu tiên, ông bà có trên 1 triệu đồng trong quỹ hưu trí. Nếu có thì đâu có hỏi họ làm gì. Chán Mớ Đời 


Trong khi đó, không có tài liệu gì liên quan đến kế hoạch nghỉ hưu một cách thực tiễn, liên quan nhiều hơn đến cuộc sống tinh thần của người về hưu và ít liên quan đến tiền bạc hơn. Lý do là không cần làm ra tiền khi chúng ta làm từ thiện, giúp chúng ta có mục đích sống cho hết quãng đường đời còn lại. Nhiều người đi chùa làm công quả nhà thờ, các hội từ thiện,.. giúp họ cảm thấy một công dân hữu dụng, có đóng góp cho cộng đồng.

Việc có được nguồn tài chính ổn định để tồn tại trong suốt thời gian nghỉ hưu đóng một vai trò quan trọng đối với chất lượng cuộc sống, nhưng điều quan trọng hơn là việc lập kế hoạch cho cuộc sống của chúng ta. Khi xưa, đi làm thì mỗi sáng, chúng ta thức giấc vào 6 giờ sáng, chuẩn bị ăn điểm tâm rồi đi làm, chiều về thì ăn cơm, đọc sách báo hay xem truyền hình, chăm sóc con cái rồi đi ngủ. Chúng ta chỉ cần quản lý 8 tiếng đồng hồ cho cá nhân và gia đình. 8 tiếng kia là để ngủ và 8 tiếng để làm việc. Nay về hưu cần phải biết làm gì với 8 tiếng kia nữa.


Mình thức giấc vào lúc 4 giờ sáng, đọc sách báo một tị rồi chạy ra bolsa tập võ từ 5:30 sáng đến 7 giờ. Chạy về nhà rồi lên vườn. Hỏi vợ có mục gì hôm nay, có phải đi ăn uống ở nhà bạn hay không. Khi vợ kêu anh không cần đi thì mình xem phim tài liệu. Hay đọc sách vớ vẩn.


Nói cách khác, chúng ta sẽ làm gì sau khi rời khỏi lực lượng lao động? Chúng ta có thể giã từ sự nghiệp, nhưng không thể từ giã cuộc đời. Đó là khúc mắc của người về hưu. Không có cháu ngoại, cháu nội để chăm sóc, ngoài nhìn mụ vợ hay tên chồng rồi cãi nhau cho qua ngày. Có chị bạn kêu: khi xưa chồng tui đẹp trai lắm nên tui mê, nay hắn nằm ngủ nước mồm nước miếng chảy ra, ngáy như sấm, trông mà gớm. Chán Mớ Đời 


Có ông mỹ, viết cuốn sách kể năm nay 97 tuổi. Về hưu khi 65 tuổi. Ông ta lên chương trình, cứ 5 năm, kế hoạch ngủ niên, học vẽ, sau đó, học nhạc đánh dương cầm, rồi học làm vườn… cứ xong một chương trình ngủ niên thì ông ta lại lên chương trình học cái gì khác. Mình quen một bà mỹ gốc đức, về hưu thì ghi danh đi học đại học cộng đồng vì khi xưa không có tiền đi học, môn thi ca thời lãng mạn Đức thế kỷ 18. Xum vầy với đám sinh viên trẻ. Chúng ta tự tạo nổi đam mê.

Cách đây 10 năm, mình nghỉ hưu, vì con cái vào đại học, mình không phải lo đưa rước nên bắt đầu đi học làm vườn. Tính để trồng rau sạch ăn ở nhà cho lành. Đùng một cái tên chuyên viên địa ốc hú kêu mua cái vườn bơ. Dính chấu từ đó chả cần phải mục đích hoá cuộc sống gì cả. Ngày nào cũng chạy đến vườn để thiết kế lại hệ thống ống nước, sửa chửa vì mấy con coyote phá cắn. Chán Mớ Đời 

Trong cùng cuộc khảo sát đó, người ta hỏi mọi người, nghĩ họ có thể giải quyết những thách thức của mình như thế nào. Toàn bộ 35% tin rằng câu trả lời nằm ở việc tìm kiếm mục đích sống thông qua một kỹ năng hoặc sở thích mới. Như trường hợp ông mỹ 97 tuổi viết sách.


Trên thực tế, một nghiên cứu năm 2021 trên 12,825 người lớn trên 51 tuổi được công bố trên Tạp chí Lão khoa ứng dụng đã liên kết mục đích sống mạnh mẽ với hành vi lối sống lành mạnh hơn và tốc độ tiến triển của các bệnh mãn tính chậm lại.


Tìm kiếm mục đích sống cũng có thể giúp những người về hưu tìm thấy những cơ hội việc làm mới mang lại thu nhập, giúp giảm bớt những lo lắng về tài chính. Đa số thích có một ông việc bán thời gian. Như đứng đường, cầm cái bản xì-tóp khi học sinh băng qua đường.


Ông mỹ nói nhờ đọc về cách thức của người Nhật Bản về hưu đã giúp ông ta thoát khỏi cuộc nghỉ hưu đầy chán nản. Vô số người về hưu tìm được mục đích sống của mình. Họ không quay lại làm việc theo kiểu truyền thống từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều mà họ thành lập công việc kinh doanh mới, tư vấn, tình nguyện và thực hiện những sở thích mang lại cho họ niềm vui và sự hài lòng.


Ông ta nói đến khái niệm “ikigai” của người Nhật, có nghĩa là “lý do tồn tại của bạn”. Tây gọi là raison d’être. Đọc đến đây mình cũng tự hỏi lý do tồn tại của mình khi về hưu là gì. Chưa tìm ra câu trả lời. Vì mình chỉ muốn sống sót với cái vườn 20 mẫu. Chán Mớ Đời 

Nhìn biểu đồ của Ikigai khiến mình thất kinh như học Tân đại số khi xưa với 4 vòng tròn. Mình không có đam mê về trồng bơ, không có sứ mạng gì vì làm nông dân bất đắc dĩ. Thiên hạ cần bơ nhưng họ không muốn trả nhiều tiền nên đói. Mình không giỏi gì cả, lại ngu lâu dốt sớm, dốt bền vững. Theo người Nhật Bản thì chúng ta cần có 4 vòng tròn trên để đạt được Ikigai. Thế là mình ngọng nữa. Mình đang đọc cuốn sách về vụ này. Tóm tắc phần đại cương lại đây.


Mỗi khái niệm được thể hiện bằng một câu hỏi. Khi chúng ta tích cực theo đuổi những gì chúng ta thích làm để phục vụ bản thân, gia đình và cộng đồng, hãy nghĩ xem liệu hoạt động đó có cho phép chúng ta trả lời “có” cho bất kỳ sự kết hợp nào của bốn câu hỏi sau đây hay không:

1* chúng ta có đang làm một hoạt động mà chúng ta yêu thích không?

2* chúng ta có giỏi về nó không?

3* Thế giới có cần những gì chúng ta cung cấp không?

4* chúng ta có được trả tiền để làm việc đó không?


Nhà thần kinh học và chuyên gia về hạnh phúc người Nhật Ken Mogi cũng đề nghị xem xét liệu hoạt động này có năm trụ cột giúp ikigai của bạn phát triển hơn nữa hay không:


A* Hoạt động này có cho phép chúng ta bắt đầu từ việc nhỏ và cải thiện theo thời gian không?

B* Hoạt động này có cho phép chúng ta tự chủ bản thân không?

C* Hoạt động này có theo đuổi sự hài hòa và bền vững không?

D* Hoạt động này có cho phép chúng ta tận hưởng những điều nhỏ nhặt không?

E * Hoạt động này có cho phép chúng ta tập trung vào hiện tại không?

Tấm ảnh một cô bán bánh mì ở Maroc, cười vui. Theo mình giàu nghèo mà vui là được.

Ở mức độ sâu hơn, ikigai đề cập đến những hoàn cảnh cảm xúc mà trong đó các cá nhân cảm thấy rằng cuộc sống của họ có giá trị khi họ hướng tới mục tiêu của mình. Điển hình, ai có cháu, chăm sóc cháu hàng ngày, đem đến cho họ được nhiều hạnh phúc, niềm vui trong tuổi già. Có chị quen, về hưu, thằng con rể kêu bán nhà chia cho nó một ít để làm ăn. Chị ta không chịu nên nó không cho thăm viếng cháu ngoại. Cuối cùng bán dọn nhà đi chỗ khác, tặng tiền tươi cho con gái, ở chỗ nhỏ hơn nhưng được con rể cho thăm viếng cháu ngoại. Từ đó hết gặp. Chán Mớ Đời 


Tùy thuộc vào thời điểm chúng ta dự định nghỉ hưu, chúng ta có thể có thêm 30, 40, 50 năm cuộc đời hoặc hơn - và đó là một khoảng thời gian dài để tiếp tục sống, sẽ trôi đi nếu chúng ta không biết mục đích sống, tạo nên một cuộc sống thường nhật chán chường. Ai buồn đời thì lên vườn mình cuốc đất. Có anh kia về hưu, không biết ai giới thiệu, một hôm anh ta chạy lên vườn mình, hỏi mình cần gì anh ta giúp rồi mỗi tuần anh ta lại 1, 2 ngày phụ mình làm vườn. Anh ta đáp ứng được 4 câu hỏi đầu tiên. Tiền thì không nhận được nhưng được bơ và bưởi đem về cho vợ con ăn. Xong om


Xin mấy bác cho em biết Ikigai của mấy bác là gì để em bắt chước học tập thêm. Cảm ơn trước.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn