Showing posts with label Nghệ Thuật. Show all posts
Showing posts with label Nghệ Thuật. Show all posts

Xưng hô Mày và Tao

Hôm nay, có một anh khi xưa học chính trị kinh doanh Đà Lạt, từ Pháp gọi điện thoại làm quen. Anh ta hơn mình 4 tuổi mà cứ xưng “toi” với “moi”, khiến mình nhớ đến hai anh bạn, dân Marie Curie và Yersin Đà Lạt. Anh chàng học Yersin thì cứ toi với moi khiến anh chàng Sàigòn kêu hôm qua tao đi xe lửa, tao leo lên toa, tao đái trên đầu toa. Nói chuyện gần 2 tiếng đòng hồ, anh ta kể về những kỷ niệm tại Đà Lạt, tán gái ra sao,…hôm nào rãnh mình tóm tắc lại. Lâu lâu nói chuyện với dân cựu Đà Lạt khá vui.

Hôm trước, có nhiều người còm kêu mình bất lịch sự khi xưng mày tao với người ngoại quốc. Mình có kể đi ăn với ông thợ rồi mình xưng mày tao với ông ta. Họ kêu là dịch sang tiếng Việt không ổn. Mình thì không sợ thằng Tây nào cả. Ngoại quốc mà cà chớn mình chửi ngay, không bao giờ khúm núm trước ngoại quốc.

Ông thợ nhỏ tuổi hơn mình, khi mình nói chuyện với ông ta bằng tiếng Mễ thì “tu y yo” thay vì “usted y Yo”. Mình nói chuyện với người thuê nhà thì dùng “Usted” để gọi họ, dù họ nhỏ tuổi hơn mình. Tiếng Tây thường gọi là “tutoyer” như (toi et moi) hay vouvoyer (vous et moi), tiếng Đức cũng dùng Du hoặc Zie và Ich để chỉ định người đối thoại lớn tuổi, thân mật hay lịch sự cũng như tiếng Ý “tu, voi”.

Tiếng anh thì giản tiện hơn chỉ có “you” nhưng thật ra nếu để ý khi dùng từ You, có rất nhiều cách để gọi vì trong cái giọng có chứa một tinh thần tôn trọng người lớn tuổi hơn hay thân mật với người đồng hay nhỏ tuổi.

Mình thấy một bài viết trên trang Đức ngữ, nói về cách chào hỏi của mỗi vùng của xứ này rất khác nhau cho một câu chào hàng ngày. Cụm từ chào thường nhật “guten tag“ mà mỗi địa phương nói cách khác nhau như “tagchen” ở vùng Sachsen hay vùng Bayern là “servus”,  hay “gunn tach” ở vùng Rheinland,… một người ở Bayern có thể kêu người ở vùng khác là bất lịch sự khi chào họ Gutten tag. Hay ngược lại. Chắc không. 

Bản đồ xứ Đức sau khi thống nhất, chỉ có một cụm từ “guten tag” là mỗi vùng nói cách khác.

Khi mình ở Thuỵ Sĩ, vùng Basel thì viết Đức ngữ nhưng họ nói phương ngữ của họ, gọi là Basideutch lên Zurich thì lại nghe một phương ngữ khác, họ gọi là Zurideutch. Mình chỉ biết học thêm rồi tuỳ người mà nói chuyện, đâu dám kêu họ bất lịch sự.


Tương tự sang Ý Đại Lợi cũng vậy, ở vùng Torino thì họ nói phương ngữ của họ của vùng Piemonte, chạy vài trăm cây số đến vùng Brescia thì họ nói chả hiểu gì cả. Chưa nói đến vùng Catalunya nếu mình nói tiếng Castillana thì dân địa phương không trả lời. Đến vùng Basque cũng mù tịt vì họ nói phương ngữ của họ. Mình đang chuẩn bị đi chơi với vợ vùng này. Hy vọng kỳ này giới trẻ được âu châu hoá, không còn khừng khừng như khi xưa.

Gái Ý Đại Lợi mỗi vùng có một cách chạy theo thời trang

Người Việt cũng lâm vào tình trạng này. Có nhiều người bị dị ứng khi mình gọi vợ mình bằng đồng chí gái hay đồng chí vợ. Có người kêu mình ngôn ngữ mình dùng không hợp với sở thích của họ. Có lẻ những người này chưa bao giờ đọc sách của nhà văn Dương Thu Hương, bà ta gọi đồng chí cái đồng chí đực.  Có người cho rằng mình phải viết thuần tiếng Việt, mình bắt chước bà Dương Thu Hương viết tiếng Việt, chỉ đổi từ “cái” thành “gái” cho bớt mùi cách mạng. Mình chỉ ghi lại những gì mình nghĩ, một nông dân ở miền nam Cali, đâu có bằng cấp, trí thức, lịch sự như họ. Họ chém gió nào là mình bất lịch sự đủ trò vì mày tao với bạn bè của mình.


Mỗi lần gặp lại bạn học cũ khi xưa, mình rất vui vì gọi nhau mày tao, chửi thề đủ trò như thời còn đi học, thấy có gì thân quen, sướng cái mồm. Gặp mấy ông nào, không thân lắm khi xưa thì họ hay xưng tên và tôi khiến mình mất hứng, thấy có chút gì xa cách. Chỉ một anh bạn xưa là mình phải xưng tên với anh chàng vì khi xưa anh chàng này rất hiền, không bao giờ thấy chửi thề như mình. Mấy tên bạn thân khi xưa gặp lại mình biết ai còn xem mình là bạn một thời qua cách xưng hô. Mày và tao hay ông và tôi.


Cách xưng hô không thông thường vì có chút gì nối kết tuỳ đối tượng. Bạn bè thân quen thì mày tao có vẻ thân thương còn tôi với ông thì mình không cảm nhận được tình cảm. Có mấy ông bạn gốc Huế thì xưng Ôn với tui cũng vui hay mấy ông bắc cầy thì bác với em cũng thân thiện.


Ở Bolsa mình có anh bạn học thời xưa, có tiệm ăn Ghiền Mì Gõ, nay sắp ra thêm hai tiệm ăn khác. Anh này mỗi lần gặp là mày tao với nhau nên mình hay gặp, ăn bún bò của mụ vợ anh ta nấu. Mình mê nhất là món cơm hến của vợ anh ta.

Mình đọc đâu đó cho biết sáng thức giấc, việc đầu tiên là xem những gì đẹp suốt 20 giây đồng hồ thì trong ngày, mọi việc sẽ đẹp thông suốt nên tải mấy tấm ảnh phụ nữ đẹp để xem mỗi sáng.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

 

Ngôi làng cao nhất âu châu trên núi Caucase


Trong chuyến đi viếng Georgia, một xứ thuộc khối Liên Xô cũ, mình chỉ thấy có ngôi làng cổ Ushguli ở cao độ 2,200 mét trên dẫy núi Caucase, chia đôi Âu châu và Á châu là rất lạ, được xem là khu vực người ở cao nhất ở Âu Châu còn các kiến trúc thời Liên Xô thì xem cho biết.

Trên đường đi lên núi ngăn đôi hai châu lục, mình thấy mấy tháp đài của thời trung cổ xây bằng bằng đá ở dọc hai bên bờ sông khá lạ. Xe ngừng lại Mestia ở cao độ 1,500 mét cao độ như Đà Lạt để ngủ qua đêm.

Sáng hôm sau thì xe SUV 4x4 đến chở tụi này lên núi viếng thăm một ngôi làng cổ vẫn còn giữ được nét cổ xưa, có lẻ ở xa phố thị vì ở Mestia có thấy nhiều tháp đài nhưng lẫn lộn với các kiến trúc nhà cửa hiện đại. Có một thành phố ở Ý Đại Lợi có các tháp đài tương tự nhưng cao hơn gấp đôi, ở vùng Toscana có tên là San Gimignano. Hoá ra hai thành phố này là sister cities.

Ngôi làng còn người ở cao độ cao nhất âu châu 2,200 mét với kiến trúc đặc thù.

Xe chạy lên núi mất đâu 2 tiếng vì đường xấu, nhiều nơi phải chạy qua các suối nhỏ rồi đến ngôi làng này. Xa xa chúng ta thấy đỉnh núi Shkhara, cao thứ 3 của Âu châu. Hai vợ chồng được đưa đi viếng thăm ngôi nhà thờ nhỏ nhắn được xây vào thế kỷ 12 tên Lamaria.


Ngôi nhà thờ này được xây trên điểm cao nhất làng, rất nhỏ so với những nhà thờ đã viếng thăm ở Georgia. Họ có mấy bức tranh vẽ trên tường khá đẹp nhưng cũng bị xoá nhiều trong thời Liên Xô. Mình thấy lần đầu tiên một ông linh mục lớn tuổi ở đây. Không thấy linh mục trẻ tuổi ở xứ này dù ông cố đạo được phép lấy vợ. Thắp một cây nến trong nhà thờ nhỏ bé.

Tường đá được xây từ thời trung cổ
Nhà được xây gắn liền với tháp đài phòng vệ, chỉ có một cửa ra vào
Mái nhà cũng được lợp bằng đá so với các nhà được làm thời liên xô hay gần đây bằng tôn 
Tấm ảnh chụp một gia đình Svan của vùng này
Căn nhà phía trong, trần nhà thấp để giữ nhiệt. Thấy cái cầu thang leo lên nơi trên loft để ngủ, phía dưới là để dê bò ngủ giúp sưởi ấm gia đình chủ nhà
Cái bếp ở giữa
Cái nôi để ru em bé và bàn ăn
Thấy thằng bé ngồi đập cái gì trong cái thố 

Cửa vào rất thấp, thấy đá vùng này từng thớt không dầy lắm, dễ xây không thấy họ trét gì cả để dính các miếng đá vào nhau

Ngôi nhà thờ trên cao 
Cửa vào nhà thờ cổ kính được xây từ thời trung cổ, mình thấy khung cửa rất lạ
Chi tiết của khung cửa được chạm trổ từng lớp. Du khách nhiều quá nên mình không thể ở lại xem xét kỹ hơn
Đỉnh núi  Shkhara, cao nhất phía Georgia  
Mình thích nhất màu của đá bị oxy hoá sau bao nhiêu năm
Phần dưới chắc đã được trùng tu lại với xi măng
Ngôi nhà thờ, một phần để ở, phần để thờ phụng Chúa và tháp đài để gia đình ông cố đạo chạy lên trên tử thủ khi quân xâm lược hay cướp bóc đến
Đồng chí gái đang tạo dáng trước đỉnh Shkhara 
Tháp đài tình yêu được trùng tu bởi một gia đình, và cho du khách thăm viếng kiếm tiền
Mình bò lên lầu 1 qua cái thang nhỏ
Lỗ châu mai để nhìn ra ngoài xem quân xâm lược, quân cướp 
Tầng cuối được làm lại với vật liệu nhẹ hơn 

Cầu thang leo lên lầu 2. Tối om ở trên quần thù bò lên đây là dã bị đạp tan xương
Lỗ lầu 1 nơi cầu thang leo lên


Đỉnh Shkhara cao thứ 3 ở âu châu
Mình thấy nhiều làng cổ như vậy dọc dường lên núi nhưng nhà cửa được xây dựng lại khá nhiều nên mất cái đẹp vật liệu chung.
Dãy núi Caucase chia đôi Âu Châu và Á Châu, mình ở bên Á Châu
Ăn sáng thấy có chả giò của họ. Họ cuốn phô mát dê bên trong rồi chiên. Mình ăn thử một cái thôi vì dầu mỡ hơi nhiều. Thích nhất là cái đĩa đựng trái ô líu, mình xơi hết mỗi lần ăn cơm còn phô mát thì thấy đã được kỹ nghệ hoá nên không đụng tới

Sau đó đi vòng vòng đến xem một căn nhà được xem còn giữ nét cổ xưa. Vùng thảo nguyên nên người ta nuôi bò, dê và trồng trọt. Khi các đạo quân Ottoman, Ba Tư xâm chiếm đánh phá các vùng này thì người dân leo lên mấy cái tháp đài, đóng chốt chỗ leo lên nên quân cướp không lên được. Muốn đốt tấm cửa cũng khó vì rất dày, xung quanh là đá ngay cả mái nhà. Trên đó họ để lương thực vài tháng cho gia đình ăn. Khi mùa đông đến thì quân cướp chỉ có rút lui vì rất lạnh ở cao độ 2,200 mét vì mùa đông tuyết phủ 6 tháng.


Mỗi căn nhà luôn gắn liền với tháp đài nên khi có chuyện là họ leo lên tháp với cung tên để bắn kẻ cướp. Dân địa phương có đặc điểm là cặp mắt của họ màu xanh. Người ta gọi là người Svan, cứ như người thượng du ở Việt Nam, nào là Ra đê, Nùng, Thái,… tóc họ màu đen. Bà nấu cơm cho tụi này ở khách sạn là người Svan, mắt xanh lá cây nhưng tóc đen. Bà ta thích đồng chí gái, cứ sờ sờ cánh tay của mụ vợ nhất là mình boa sau khi ăn thịnh soạn. Bữa cơm đầu tiên ở đây, bà ta nấu nhiều món đặc thù của vùng này. Xem như bữa cơm ngon nhất chuyến đi Georgia. Mình thích cơm Uzbekistan hơn,


Hiện nay làng này có 70 gia đình, độ 200 người ở. Khi viếng thăm căn nhà còn giữ nguyên vẹn lối trang trí cổ xưa khiến mình ngạc nhiên vì tương tự như một căn nhà ở trên núi Peru khi mình đi từ Saltankay về Machu Pichu. 


Căn nhà được chia hai tầng. Họ ngủ ở trên còn heo dê bò ở dưới vì mùa đông rất lạnh, có dê bò sưởi ấm, rất giống như ở quê bên Ý Đại Lợi mà mình viếng thăm nhà một cô bạn. Tối người ta vào chuồng bò để mấy bà đan áo cho bớt lạnh rồi tối đi ngủ thì họ nấu nước nóng bỏ trong cái túi nhựa, bỏ trên giường dưới cái mền cho ấm, để ngủ đến sáng mai.


Nghe kể là khi xưa có trên 300 căn hộ và tháp đài nhưng nay chỉ còn độ 30. Dân càng ngày càng thưa vì giới trẻ đi đến các tỉnh lớn để sinh sống, từ từ lối sống này sẽ bị mất. Nhất là thổ ngữ của họ sẽ biến mất một ngày. Trẻ em đi học tiếng Georgian sẽ không nói tiếng thổ ngữ. Họ có làm một cuốn phim về người Svan này, mình tính đi xem ở rạp nhưng nói thôi để về xem trên YouTube . Tối qua xem trên YouTube thì bắt đầu hiểu ý tưởng của họ xây các tháp đài dựa theo phong tục của vùng này. Họ giết người như ngoé. Cứ giận nhau là đâm chém nhau. Sinh sống tại các vùng có địa thế và thời tiết khắc nghiệt như vậy nên tính tình của họ rất bạo lực.


Đi Georgian chỉ có chỗ này mình thấy hay vì chưa bao giờ thấy lối kiến trúc một căn nhà nối liền với một tháp đài phòng thủ. Mỗi nhà mỗi tháp đài. Thường thì họ xây một cái thành xung quanh ngôi làng đây thì không. Mỗi nhà tự phòng thủ, một lối suy nghĩ khá lạ tự túc tự vệ. Dọc đường mình thấy rất nhiều ngôi làng với những tháp đài nhưng nhà ở đã được xây theo lối mới, mái nhà bằng tôn còn ở đây mái nhà làm bằng đá. 


Đó là văn hóa sẽ bị mai một khó mà cưỡng lại. Một văn hoá mạnh hơn sẽ giết một văn hoá khác khi kề cận. Ngoài ra còn tuỳ vào chính phủ. Một chính phủ có chính sách bảo tồn văn hoá xa lạ, khác lạ như Hoa Kỳ bỏ tiền ra để dạy các tiếng của các cộng đồng như người Việt, người Tàu,…mạnh nhất là người gốc la tinh. Cũng có những chính phủ với chính sách tiêu diệt các văn hoá khác, muốn đồng nhất một chính sách, sẽ tìm cách tiêu diệt như cấm nói thổ ngữ, không khuyến khích sự khác biệt.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 


Con kền kền thứ 2


Lâu lắm rồi, thời chưa có mạng xã hội, mình có thấy một bức hình rất xúc động; hình ảnh chụp tại Sudan, Phi châu, giúp tác giả đoạt giải Pulitzer, diễn đạt một đứa bé phi châu, đói khát vì nạn đói xảy ra tại xứ này và phía sau là một con kền kền đang đợi đứa bé chết để ăn thịt, rỉa xác. Như bao lần, xem tấm ảnh có thể gây cho mình chút gì cảm xúc rồi quay lại cuộc đời mình thường nhật, làm đày tớ nhân dân, rồi cảm xúc nhất thời bay theo những cơn mưa phùn vào quên lãng.


Sau này, mình được biết tác giả của tấm ảnh này tự vận, cũng vì tấm ảnh này. Khi đoạt giải Pulitzer nhờ tấm ảnh này giúp ông ta sống vui vẻ với hào quang, danh tiếng được vài tháng thì bị trầm cảm, đưa đến sự kết liễu đời mình.

Tấm ảnh đã giúp tác giả đoạt Pulitzer và khiến ông ta tự kết liễu đời mình

Trong một cuộc phỏng vấn điện đàm, một thính giả gọi vào đài, hỏi về số phận của đứa bé mà ông ta chụp. Ông ta cho biết là không có thời gian tìm hiểu vì phải chạy ra phi trường cho kịp chuyến máy bay. Vị thính giả này nói tôi nghĩ ông là kền kền thứ 2 của hôm đó, với máy ảnh trên tay.


Từ đó, ông ta cứ suy nghĩ về câu nói đó đưa đến bị trầm cảm và cuối cùng đưa đến kết liễu đời ông ta. Ông Kevin Carter có thể sống lâu hơn nếu hôm ấy ông ta bồng đứa bé và mang đến một trung tâm từ thiện của cao uỷ Liên hiệp Quốc hay một nơi nào gần đó trước khi lên máy bay.


Ông ta có thể đem đứa bé đến cho ai có thể giúp đứa bé nhưng ông ta không làm như trường hợp người quay cảnh ông Mỹ đen bị một cảnh sát đè cổ đến ngộp thở chết và một cảnh sát khác người á châu đứng cạnh, quan sát bảo vệ đồng nghiệp mình đang làm một việc dã man. Chúng ta có thể tranh luận là trước đó ông Mỹ đen có những hành vi hung bạo,… có thể gây thiệt mạng cho hai ông cảnh sát…. Hình ảnh đang giết chết một người vẫn có gì khó tả.


Tương tự tấm ảnh mà nhiếp ảnh gia người Mỹ chụp tướng Loan xử tử tên Việt Cộng, đã sát hại nguyên một gia đình, kể con nít tại Sàigòn năm Mậu Thân. Một người trong gia đình bị bắn nhưng sống sót, và đã trở thành một vị tướng của Hoa Kỳ.


Mình nhớ mãi hình ảnh một học sinh Đà Lạt, bị chết chìm tại hồ nước ở Thung Lũng Tình Yêu. Hôm ấy như thường lệ, mình và vài tên bạn thân vào đây tập bơi. Thường thì có anh bạn đem theo cái phao nhưng hôm ấy anh ta không đi. 4 đứa tụi này đang bơi và tập bơi thì có 3 học sinh trường Tân sanh, tuổi độ cùng tụi này chạy Honda vào. 


Mình nhận ra một tên, con ông thầy mằn ngay cạnh rạp Ngọc HIệp. 3 tên này muốn chứng tỏ họ bơi giỏi hơn tụi trường Việt nên đua nhau bơi ra giữa hồ. Bổng nhiên thấy một người cứ bơi ngửa lòng vòng ngoài hồ rồi hai tên học sinh trường Tân Sanh bơi vào, đứng nhìn bạn mình ngoài hồ đang vẩy vùng với Hà Bá. Mình nói anh bạn, bơi giỏi nhất đám ra xem. Anh ta bơi ra rồi bơi vào kêu nó thở hồng học, uống nước khá nhiều nên không dám cứu. Thế là cả đám đứng nhìn người con của ông thầy mằn từ từ chìm như con tàu Titanic mà không biết làm gì.


Đến giờ mình vẫn không hiểu lý do gì mình không tìm cách cứu anh ta. Chỉ cần lái xe ra đường pHù đổng Thiên Vương, mượn cái phao nơi vá xe hay làm gì đó, như kêu cảnh sát,.. Có lẻ ở trường không dạy làm gì cấp cứu như con mình ở Mỹ. Có thể mình ghét người Tàu vì dạo ấy mình học môn Lịch Sử với thầy Hà Mai Phương. Thầy kêu tao chỉ mua đồ ở tiệm người Việt dù đắt tiền hơn bọn tàu. Chỉ biết 3 ngày sau thì xác anh học sinh Tân Sanh nổi lên rồi thì đám ma. Tinh thần bài tàu theo mình qua Tây đến khi sang Mỹ thì mới hết. Nay thì mình chơi người Mỹ gốc tàu rất nhiều.


Chúng ta hành động không phải từ tâm mình mà từ văn hoá, từ môi trường giáo dục, từ ảnh hưởng của gia đình, chứ không từ ý chí tự do.


Ngày nay chúng ta thấy bao nhiêu hình ảnh, video quay các cảnh thương tâm, được đưa lên mạng để câu like. Thậm chí họ tự tạo, bựa ra để câu like. Trường hợp ông Kevin Carter, có thể đem đứa bé ra khỏi hiện trường, ông ta đứng đợi khá lâu để lựa đúng thời điểm chụp tấm ảnh với ánh sáng cho đặc sắc nhưng kêu không có thời gian để cứu đứa bé. Có thể ông ta gốc Nam Phi, da trắng rất kỳ thị da đen nên đối với ông ta một mạng người, một đứa bé da đen, không nghĩa lý gì.


Hôm trước, có anh bạn đăng tin bên Gia-nã-đại bị cháy rừng, mình ngạc nhiên là bên đó mùa này tuyết mới tan mà cháy rừng. Điểm khiến mình ngạc nhiên là ý nghĩ đầu tiên là nghĩ ngay đến mua cổ phiếu của công ty bán gỗ làm nhà. Rồi có một chị bạn nhảy vào hỏi công ty nào. Tây hay nói “dis-moi qui tu frequentes, je te dirai qui tu es”. Chán Mớ Đời 


Người Pháp hay nói “le malheur des uns fait le bonheur des autres”. Chúng ta sống với những khác biệt về ứng xử, hành động về một vấn đề nào đó. Chúng ta là những con kền kền đi săn mồi trong tiềm thức. Thay vì hỏi anh bạn có ai chết hay hư hao nhiều thì mình chỉ nghĩ đến cơ hội làm tiền trên sự bất hạnh của người khác. Hóa ra mình là một người đạo đức giả. Mình giúp bạn bè thiện nguyện, giúp trẻ em nghèo, chùa, nhà thờ,…như để sám hối về những suy nghĩ hay hành động của mình. Chán Mớ Đời 


Chúng ta tìm kiếm lợi nhuận, tri thức, hiểu biết, tiếng tăm hay địa vị nhưng lại quên làm sao để sử dụng những gì mình biết, sở hữu để giúp người khác hay xã hội mình đang sống. Chỉ muốn dùng kiến thức của mình để làm lợi cho chính mình, một cách ích kỷ.


Trường hợp của ông Kevin Carter khiến mình suy nghĩ, ông ta còn có chút lương tâm khi được một người khác chỉ trích, mà suy nghĩ về hành động của mình và không thể chịu đựng lương tâm ray rứt. Có lẻ lúc ấy ông ta chỉ chú tâm đợi chờ để chụp được tấm ảnh hiện thực và quên đi việc giải cứu đứa bé. Đúng nhờ tấm ảnh, ông ta được giải danh tiếng, được tiền bạc nhiều hơn, được các con kền kền bu lại làm bạn. Người ta chỉ muốn làm quen, làm bạn với những người giàu có, nổi tiếng còn nông dân như mình thì chả ai thèm làm quen.


Có lẻ ít ai trong chúng ta như ông Kevin Carter, có một chút suy tư về hành động của mình. Đúng, ông ta có thể cứu đứa bé thay vì để đứa bé chết về con kền kền. Điều này đã khiến ông ta ray rứt và tự kết liễu đời mình vì ông ta không dám đối diện về sự man rợ của hành vi của mình, thiên chức làm người. Ông ta có thể cứu đứa bé nhưng vì tác nghiệp và sợ trễ chuyến bay, khi chúng ta hiểu tìm kiếm rất khó một chiếc xe taxi để ra phi trường tại xứ khốn khổ đang bị nạn đói.


Một người chụp ảnh như một người thợ săn, thay vì thú rừng, họ săn ảnh. Mấy hôm nay thiên hạ cứ tải lên mạng tấm ảnh nào ở San Paulo của Ba Tây về hình tượng chúa và mặt trăng ngay rằm. Ông nhiếp ảnh gia phải đợi chờ 3 năm. Cứ đến ngày trăng rằm là lên đây đợi chờ.

Theo lời kể của bố đứa bé tên Kong Nyong, sống sót sau nạn đói năm 1993 nhưng chết năm 2007

Sau này mình có đọc đâu đó về bố của đứa bé. Khác với lúc đầu, người ta nói là đứa bé gái nhưng thật ra là bé trai, được cứu sống và chết sau này vì bệnh. Có lẻ từ đây về sau mình chỉ chụp ảnh về phong cảnh và vợ con thay vì thiên hạ đẻ tránh có vấn đề như ông Kevin Carter, chụp hình câu like, để tránh làm con kền kền thứ hai như ông Kevin Carter.

 Chán Mớ Đời 


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Tại sao mình yêu thích Barcelona?

 

Các thành phố âu châu mà mình được viếng thăm nhiều nhất là La Mã, (7 lần), Venise (5 lần) và Barcelona (4 lần). Mình kể khá nhiều về các chuyến đi Ý Đại Lợi nhưng có một thành phố mình rất thích nhất là có dịp thiết kế 2 công trình cho thế vận hội Barcelona vào thập niên 90 của thế kỷ trước khi làm việc cho công ty kiến trúc I.M Pei ở New York. Lần cuối ghé thăm với đồng chí gái, mình có chỉ cho vợ xem công trình mình đã thiết kế. Khá xúc động khi viếng lại những công trình như ở New York, Anh quốc, Pháp, Hongkong khi làm việc cho công ty kiến trúc của ông Norman Foster nhất là khi viếng thăm Tokyo, đưa mẹ mình thăm viếng toà nhà mình đã thiết kế chung với công ty của kiến trúc sư Raffael Vignoly. Đó là quá khứ của nông dân ngày nay.


Art nouveau là một trường phái kiến trúc, khởi đầu bởi phản ứng nghệ thuật trên toàn âu châu khi người ta bắt đầu sản xuất hàng loạt các sản phẩm nghệ thuật khi cuộc cách mạng kỹ nghệ khởi đầu và đáp lại những gì khiến xã hội được nghệ nhân sáng tạo.


Tương tự thể loại kiến trúc Gothic khi xưa phản ánh tôn giáo nhờ các nghệ nhân có sự tự do sáng tạo thời đó. Các công trình của thế kỷ 21 đều phản ảnh thời đại của chúng. Kiến trúc là lịch sử của các nền văn minh của loài người, giải thích về xã hội, kinh tế, nghệ thuật, tư tưởng của mỗi thời đại. Mình có mua một cuốn sách về kiến trúc Việt Nam, Sàigòn trước 75 do một ông mỹ viết, có đưa ra nhiều toà nhà có ảnh hưởng kiến trúc Art Nouveau. Hôm nào buồn đời sẽ kể lại đây.


Bác nào chưa đi Barcelona thì khi có dịp nên viếng thăm những điểm nhấn về kiến trúc của thành phố này. Nhất là International Trade Center và bến tàu chỗ lên thuyền là em có mặt trong nhóm thiết kế.

Casa Comelat là một mẫu kiến trúc tượng trưng cho chủ nghĩa tân đại catalan, Barcelona thuộc vùng Catalunya. Lý do là chỉ có vùng này mới có độc nhất các công trình này với kiến trúc sư Antony Gaudi, nổi tiếng với ngôi nhà thờ Sagrada Familia mà trên 100 năm qua vẫn chưa hoàn thành. Ảnh hưởng rất sâu đậm bởi kiến trúc Gothic.

Nhà thờ nổi tiếng nhất Barcelona của ông Gaudi thiết kế từ hơn 100 năm vẫn chưa xong.


Casa Batllo của Antoni Gaudi , ai đến thành phố này đều phải viếng căn nhà này.

Căn nhà Comalat do kiến trúc sư Salvador Valérie i Pupurull thiết kế và xây vào năm 1906 cho một kỹ nghệ gia tên Joan Comalat Alena. Chắc chắn ông này bị ảnh hưởng của ông Gaudi khi ông ta thiết kế lại Casa Bathllo vào năm 1904.

Đây là phía ngoài của căn nhà Casa Comelat chúng ta thấy ông ta cũng trang trí các motif như Gaudi.


Trong khi phía trong thì chúng ta thấy trường phái đương đại catalan. Một loại biến dạng của Art Nouveau của âu châu dạo ấy gồm kiến trúc, nghệ thuật, văn chương và âm nhạc. Khởi đầu vào những năm 1880 và tiếp tục cho đến thế chiến thứ nhất. Art Nouveau tràn ngập ảnh hưởng khắp âu châu sau thời gian mà người Pháp hay gọi La Bella Époque. Khi chúng ta thấy Art Nouveau là nhận ra ngày vì rất đặc sắc như cái mái che khi ra vào métro của Paris. 

Vào thế kỷ 19, âu châu có rất nhiều trường phái nghệ thuật như Revivalist hay Historicist, Neo-Gothic, Neo-Baroque, NEo-Byzantium,… loạn cào cào như nói lên tự do tư duy đến khi mấy ông buồn đời kêu là lộn xộn nên đưa ra chủ nghĩa Phát Xít, Cộng Sản, để dẹp mấy trường phái kể trên. Các công trình được xây cất dưới thời Phát Xít ngày nay còn thấy ở Ý Đại Lợi ở Roma, Brescia và Milano,… còn các công trình dưới thời đức quốc xã thì đã bị tan hoang hết. Khi viếng tham Đông Âu, mình thấy mấy toà nhà được xây cất dưới thời cộng sản ở Hùng Gia Lợi, Tiệp Khắc xấu kinh hoàng. Kiến trúc là hiện thân của xã hội và chính trị của nhà cầm quyền.

Có một căn nhà ở Bruxelle, Bỉ Quốc tên Maison Saint-Cyr thiết kế bởi Gustavo Strauven rất đẹp. Ai đến xứ khoai tây chiên thì nhớ đến đây xem. Rất đẹp, có thêm các yếu tố trang trí bằng sắt gan. Với kính cửa sổ bằng màu như ở nhà thờ. Art nouveau vẫn còn giữ những nét đẹp nhưng ngày nay, khó tìm các nghệ nhân để thực hiện hay quá đắt.
Chỗ ra vào Métro của Paris rất đặc thù. Hy vọng họ không đập bỏ

Art nouveau là tổng hợp các môn nghệ thuật như báo tử cho các nghệ nhân khi kỹ nghệ đã dành phần sản xuất các sản phẩm nghệ thuật. Ngày nay các cửa sổ đều được thiết kế để được làm theo khuông, các tường cũng như mái nhà, mọi thứ. Máy móc làm rồi trong tương lai sẽ được các máy in 3 chiều xây dựng. 

Xã hội sẽ bớt đi những người có óc nghệ thuật, tạo dựng các tác phẩm bằng tay chân của họ. Chúng ta chỉ biết sử dụng máy móc, điện thoại các app ứng dụng để sử dụng như Photoshop làm cho mình trẻ ra để tải lên mạng, câu Like. Sẽ không còn ai ngồi vẽ chân dung. Hôm trước, xem phim Nhật Bản với vợ, vợ kêu Nhật Bản tiến bộ có cảnh nóng, mình nói khi xưa, mình vẽ mấy cô bạn đầm khỏa thân, đâu có cần máy ảnh gì đâu. Dạo ấy mình vẽ chân dung cho cô nào mới quen, còn thân thân một tí thì kêu cởi áo quần ra mình vẽ. Cái đẹp cua phụ nữ không phải chỉ là cái gương mặt mà tổng thể. Chỉ có sang Hoa Kỳ thì không dám nói vì sợ bị thưa kiện. Từ đó cái nghiệp hoạ sĩ của mình cũng biến mất luôn. Chán Mớ Đời 

Khi xưa, mình học Trường Cao Đẳng Quốc Gia Mỹ Thuật Paris, phải học vẽ, khắc tượng để giúp kiến trúc sư có một cái nhìn 3 chiều về màu sắc, không gian nay thì sinh viên kiến trúc chỉ học vẽ qua máy điện toán, mất đi tính cách nghệ nhân, xem như thợ vẽ máy. Kiến trúc sư ngày nay, ít ai biết vẽ tranh. Khi xưa, mình có thể ngồi nói chuyện với khách hàng, chỉ cần vẽ vài đường là giải thích cho khách hàng hình dung về căn nhà của họ. Chán Mớ Đời 




Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 
Nguyễn Hoàng Sơn