Showing posts with label Đầu tư. Show all posts
Showing posts with label Đầu tư. Show all posts

Đầu tư vào con trai hay con gái?

 Sáng nay, thấy anh bạn tải tin tức túc cầu á châu khiến mình vui cực đỉnh. Hội tuyển nữ túc cầu Việt Nam, dành vé tham dự giải túc cầu thế giới năm tới, sau khi hạ đội tuyển Đài Loan 2-1. Hội tuyển Đài Loan bị dính covid nên thiếu khá nhiều cầu thủ giỏi trong khi Việt Nam không bị dính, có đủ bộ 23 cầu thủ. Kiểu này, năm tới nhiều khi đội tuyển Việt Nam đụng đội tuyển Hoa Kỳ, không biết mình sẽ ủng hộ đội nào? Chắc Hoa Kỳ. Nếu không sẽ bị ném đá “ăn cơm Hoa Kỳ, thờ ma cộng sản”. Chán Mớ Đời 

Báo chí Việt Nam ít nói đến đội nữ tuyển túc cầu, ngược lại đội tuyển nam thì chắc chắn là không được tham dự giải túc cầu thế giới năm nay vì toàn là thua. May sao tuần rồi hạ được anh ba tàu. Đá trực tiếp sớm quá nên mình không xem, chỉ xem tóm lược trên kênh Paramount +.

Thực tế của đội túc cầu Việt Nam, thể hiện được tinh thần, văn hoá người Việt. Cái gì cũng dành cho “con trai” còn con gái thì nuôi chưa chi là đã gả chồng cho rảnh nợ đời. Cứ dồn kinh tế gia đình để lo cho con trai. Hên thì con trai khá khá, còn xui thì kêu con là nợ. Ngược lại con gái thì không để ý nhiều nhưng về già, tuy đã có chồng nhưng chúng vẫn lo cho mình. Nấu miếng ăn ngon, đem lại cho bố mẹ còn con trai thì chỉ đợi bố mẹ đi tây để thừa hưởng gia tài.

Bà cụ tốn tiền cho mình ăn học trường tây, đi tây đi tàu, nay về già thì cô em mình chăm sóc. Chán Mớ Đời 

Hình ảnh trên báo Đài Loan. Bài báo rất nhẹ nhàng, không hằn học, dù mình thấy cầu thủ Việt Nam chơi xấu nhiều lần, lãnh thẻ vàng.

Đội tuyển nam thì bỏ tiền mướn gia sư gốc Kim Chi dạy đủ nghề. Có lẻ ông ta bồ dưỡng kim chi cay quá cỡ nên cầu thủ nam, tương đối khá hơn xưa. Muốn giỏi thì phải có chương trình tuyển lựa và huấn luyện tối thiểu 20 năm mới đào tạo các cầu thủ có thể tranh tài với thế giới. Xem giải túc cầu phi châu, đa số các đội banh mướn huấn luyện viên ngoại quốc. Mấy người này được đào tạo và cập nhật hoá cách tổ chức, tập luyện một cách khoa học khiến các nước như Ba Tây, Á Căn Đình,…hết đoạt các giải quốc tế.

Chúng ta chỉ có chủ nghĩa Thánh Gióng, tự bẩm sinh, nổi tiếng đá giỏi rồi tự hào quá Việt Nam ơi, Thái Lan phải đợi 15 năm sau mới bằng Việt Nam. Nay đội tuyển nữ Thái Lan và Việt Nam vào được vòng thế giới nhưng khó mà hy vọng thắng vì đẳng cấp còn thua xa mấy chục năm của thế giới. Tuy nhiên là một điểm tốt cho sự khởi đầu. Thật sự, mình thích xem mấy đội nữ đá hơn, ít bạo lực như các đội nam. Xem đội tuyển nữ của Hoa Kỳ hay Hoà Lan đá thích hơn là các đội nam. Đội nữ đá theo kiểu ngày xưa, ít bị giời hạn bởi chiến thuật.

Mình nhớ dạo ở bên tây, ông Guillou, cầu thủ quốc gia và sau này có làm huấn luyện viên cho đội tuyển Pháp quốc. Ông ta đề nghị các câu lạc bộ túc cầu pháp nên đầu tư ở Phi Châu, tại các cựu thuộc địa của pháp để tìm kiếm và huấn luyện cầu thủ mấy xứ này, nhằm cung cấp cầu thủ cho các câu lạc bộ túc cầu của Pháp quốc, để câu khán giả gốc phi châu.

Ông ta và nhóm của ông ta sang phi châu, đi tìm và mở trung tâm huấn luyện túc cầu. Mấy năm sau, họ có một số cầu thủ giỏi, đem qua Pháp thi đấu. Dần dần, các đội tuyển phi châu đá khá lên, có thể hạ các đội tuyển âu châu. Mình nhớ trận đầu tiên giữa Senegal và Pháp quốc thi đấu tại giải túc cầu thế giới. Cựu thuộc địa thắng mẫu quốc khiến dân da đen xuống đường tỏng khi tây da trắng chửi mẹt-xà-lù đủ cở. Ngày nay, nhìn lại thì đội tuyển pháp có đến 70-80% người da đen khiến mấy tên cực hữu phải chửi thề.

Tương tự đội tuyển túc cầu của Hoa Kỳ cũng èo uột. Đến khi họ mướn ông cầu thủ và cựu huấn luyện viên đội tuyển quốc gia Đức quốc, Jürgen Klinsmann. Ông này thành lập chương trình tìm tài năng và huấn luyện tại cấp địa phương. Ông này bị các cầu thủ mỹ chơi vì ông ta dùng cầu thủ sinh tại Đức nhưng có cha là lính mỹ. Nhiều người không rành tiếng mỹ. 

Cuối cùng bị sa thải nhưng kết quả của chương trình tìm tài năng, huấn luyện từ địa phương đã đem lại thành quả ngày nay, có nhiều cầu thủ mỹ, đá cho các đội bóng nổi tiếng ở Âu Châu. Khi xưa có 3 anh chụp gôn là có hạng. Cho thấy muốn giỏi phải có chương trình huấn luyện, tìm tài năng, không phân biệt lý lịch, chính trị và viễn kiến cho mai sau. Nghe ông huấn luyện viên Việt Nam đội nữ đã từ chức. Chắc muốn được trả lương cao hơn. Còn đội tuyển nữ được nhận vào đại học nào đó, không cần phải thi vào. Chắc màn PR.

Mình thấy có nhiều cầu thủ Nhật Bản, đại hàn đầu quân cho các đội tuyển ở âu châu. Đồng ý là họ cần quảng cáo tại á châu nên phải mướn cầu thủ á châu nhưng thực tế, mấy cầu thủ này đá rất hay như ông Heung Min Son, đá cho đội Tottenham ở Anh quốc. Ông này, đá lọt quả thứ 2 khi đội nam HÀn thắng đội Đức quốc trong cuộc tranh giải túc cầu thế giới 2018, khiến các hậu vệ khét tiếng thế giới vẫn nể nan.

Mình nhận thấy không có sự công bằng trong gia đình Việt Nam. Con trai thì không làm việc nhà, đi chơi bớ vơ, con gái lãnh hết. Hôm kia, ăn Tết nhà mình. Sau khi ăn xong, mình, ông anh cột chèo và ông anh vợ, ngồi xỉa răng, xem truyền hình còn mấy bà theo lối xưa, đi dọn dẹp. Mình dựa hơi mấy ông anh nên ngôi xỉa răng. Ngày thường thì phải làm rồi để vợ hát karaoke. Chán Mớ Đời 

Đồng chí gái có cô bạn học khi xưa kể chuyện khiến cả hai khóc như mưa bấc. Gia đình cô bạn thuộc loại trâm anh thế phiệt. Ông bố làm ngoại giao bên Úc. Được điều về Sàigòn tạm để chờ nhận công vụ mới. Cô bạn vào học chung lớp, tiếng việt không rành như đám con mình ngày nay.

Ông bố nhận được nhiệm vụ mới, đi Pháp. Nói để chuẩn bị nhà cửa xong xuôi thì đón mấy mẹ con sang. Đùng một cái, 30 tháng 4 đến. Bà mẹ đem con ra phi trường thì chỉ còn 3 vé đi pháp. Bà ta kêu bà vú dẫn hai cô con gái về, bà và 2 người con trai đi trước. Sang Pháp, bà sẽ tìm cách đem qua sau. 30 tháng 4 đến, bà vú ôm tiền, bỏ về quê. Cô bạn phải ra bán chợ trời, lăn lộn với cuộc sống mới của con người mới, xã hội chủ nghĩa. Cô em thì muốn làm cháu ngoan của bác, trò ngoan của thầy, về nhà kêu bọn ngụy quân ngụy quyền gian ác, bị cô chị cho ăn tát…

Sau này, cô ta về thăm Việt Nam một lần rồi không dám trở lại. Lý do là khi máy bay đáp xuống phi trường Tân Sân Nhất, hình ảnh mẹ cô ta bỏ lại năm 1975 từ đâu ập về khiến cô ta khóc như mưa.

Người anh sang tây, chả học hành gì cả. Sau này, bà mẹ di cư sang Hoa Kỳ với người con trai đầu, ở với cô con gái đầu, du học trước 75. Trước khi chết, dặn phải chăm sóc ông em trai, nghiện ngập. Có lần cô chị la ông em trai. Ông này bảo tôi chưa lấy bức tranh đắt tiền của chị đi bán là may lắm rồi, không nên chửi bới.

Có cô bạn kể là bà mẹ cũng khổ với ông anh. Cho đi du học rồi học không nổi về lại Việt Nam, bà mẹ nuôi mệt thở. Cho thấy văn hoá trọng nam khinh nữ của người Việt đã làm tốn tiền, kinh tế của gia đình. Đầu tư không đúng chỗ. Mua cổ phiếu, cái nào không khá thì dẹp, dồn tiền cho những cổ phiếu nào có khả năng tương lai. Đó là sai lầm về đầu tư, cứ hy vọng sẽ thay đổi. Chúa hay Phật cũng không giúp được gì cả.

Trai hay gái đều xem như nhau. Đứa nào giỏi thì đầu tư cho nó học thêm, còn đứa học dốt thì cho đi học nghề. Văn hoá “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” sẽ gây ra bất công và bỏ quên hay cố ý vô hình trung loại các tiềm năng cá nhân có thể giúp ích cho gia đình, cộng động, xa hơn là quốc gia. Điển hình là nhạc sĩ dương cầm nổi thế giới Thái Sơn.

Trong lịch sử Việt Nam, người Việt tốn biết bao nhiêu tiền cho con trai ăn học mà chả ra cái gì. Ông Tú Xương, được vợ nuôi 20 năm trời để học thuộc lầu 9 cuốn sách. May ông ta đậu nhưng chả làm được cái gì, ngoài vài câu thơ ca tụng đồng chí vợ.

Có quảng cáo trả $750, để bạn không phải tổ chức ngày Tình Yêu với đồng chí vợ. Họ sẽ bận đồng phục cảnh sát, chạy xe cảnh sát tới nơi, bắt bạn ngày thứ 6 và trả về thứ 2. Bao ăn ở và dụng cụ đi câu,…

Từ đó đưa đến vấn nạn “học tài thi lý lịch” đã dẹp bỏ đi biết bao nhất nhân tài của Việt Nam. Điển hình là ông Đào Duy Từ, vì lý lịch bị tước bỏ văn bằng, về quê chăn trâu. Sau ông ta là người trí thức vượt biên xuống miền nam, được CHúa Nguyễn trọng dụng, nghe theo kế sách mà trị vị mấy trăm năm. 

Bù lại họ sử dụng các nhân vật không có khả năng, chạy bằng cấp, được người thân cơ cấu vào các vai trò lãnh đạo như một cán bộ nào gọi là “hồng phúc dân tộc”. Tinh thần “1 người làm quan cả họ được nhờ” đã  khiến Việt Nam không thoát tâm lý, văn hoá ao làng để vươn ra xa để bắt kịp thế giới trong cuộc cách mạng công nghệ @. Chán Mớ Đời 

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Những điều cần làm trước khi hưu trí

Có anh bạn cắc cớ kêu nhờ viết lại những điều cần làm trước khi về hưu. Mình viết nhiều rồi nên nói anh ta vào bờ lốc mà tìm. Nhưng anh ta lại réo kêu tìm không ra nên mình phải tìm rồi cập nhật hoá thêm những tin tức mới. Tu mà không học thì đưa đến vô minh, học mà không tu thì đưa đến tà kiến.

Tuần trước trên đài truyền hình Little Sàigòn , mình và bác sĩ Tâm, có nói đến vấn đề làm Living Trust. Ai muốn xem thì gọi hay lên trang nhà của họ mà xem. Tụi này làm 2 buổi vì đề tài hơi dài. Lý do phải làm living trust để tránh lộn xộn nhất là khi mình nằm coma.

Có người hỏi mình là tự làm Living Trust, di chúc,..được không? Thật ra trên mạng có thiếu gì mấy phần này. Cứ tải đêm về xài. Tước đây , mình có mua phần mềm để làm ba cái này. Nó giúp mình viết thứ tự mọi thứ rồi kêu luật sư làm để tránh anh em cãi nhau sau khi qua đời. Theo mình hiểu thì tốt nhất tìm một luật sư chuyên về luật gia đình. Mình làm đâu $1,500 nguyên gói. Còn không muốn tốn tiền thì cứ viết ra rồi ra ngân hàng, nhờ thị thực chữ ký để tránh anh chị em cãi nhau. Mấy tờ giấy uỷ quyền thì tìm trên mạng rồi đề tên ai và thị thực chữ ký. Không biết để tên ai thì cứ bỏ tên mình vào. Để khi bị coma, con cháu có thể ký giấy tờ dùm cho mình hay rút ống.

Mình cuối tuần này đi seminar về địa ốc và cuối tháng thì đi seminar về cấu trúc pháp lý thương mại và gia đình ở Las Vegas. Mình có kể cho thằng con là có anh bạn, hàng năm mình đều gửi thiệp chúc tết, gọi điện thoại chúc sinh nhật nên khi có seminar này thì bố gọi cho ông ta. Bố biết ông ta là khách hàng của tổ hợp luật sư tổ chức seminar nên nhờ ông ta hỏi dùm và được đi ké miễn phí nếu không bố sẽ phải tốn $1,997 cho hai ngày bồi dưỡng trí tuệ.

Anh bạn muốn đọc lại những gì mình đã viết nên mình đoán nay hắn mới ngấm, sau vụ covid nên muốn tìm hiểu thêm nên kể lại đây. Mình chỉ muốn chia sẻ kinh nghiệm của mình chớ không muốn làm tài khôn vì mình thuộc loài ngu lâu dốt sớm. Các bác nào có kinh nghiệm khác thì bổ túc thêm, bồi dưỡng kiến thức cho mọi người. 

Bác nào muốn làm gì thì nên hỏi luật sư, mà phải là luật sư chuyên về luật gia đình, chớ kiếm mấy ông thần chuyên lo xe đụng tai nạn xe cộ thì lại tốn thêm tiền vì họ phải ăn chia với đồng nghiệp rành về luật gia đình hay tính thêm giờ để điều nghiên thêm.

Năm ngoái mình xem lại và bổ túc giấy tờ đi chúc, dù đã viết xuống hết để nói chuyện với luật sư, tên này vớt mình cả ngàn bạc dù mình gặp nói chuyện rất nhanh với tất cả hồ sơ. Cái giống luật sư chuyên làm tiền nên cẩn thận. Kiếm tên nào làm trọn gói cho chắc ăn.

Mình năm nay 66 tuổi mà ông cụ mình sống đến 90 tuổi thì mình có hy vọng sống đến 90 tuổi hay lâu hơn nên phải chuẩn bị đủ trò vì mình không biết cái ngày, giờ nào mình sẽ rời bỏ cỏi đời. Mình có ông anh họ của đồng chí gái, hơn mình đâu 3 tuổi mới gặp nhau ăn uống vui vẻ với toàn gia đình thì hôm sau nghe anh ta chết bất đắc kỳ tử.

Mình không biết ngày nào đi nên phải chuẩn bị nếu, vâng nếu mình thật sự thương vợ con. Mình có ông bạn già mỹ kêu là khi mẹ ông ta qua đời, ông ta mất gần 5 năm trời để lùng, kiếm giấy tờ của bà mẹ để lại rồi chia với mấy người em, mỗi người được $100,000.00 sau khi đóng thuế tài sản và luật sư phí. 3 anh em mướn 3 tên luật sư vì sợ mấy người kia ăn gian. Ông ta bảo không cần $100,000.00 vì 5 năm trời ông ta có thể làm nhiều hơn nhưng vì thương mẹ đã giao trọng trách nên phải làm giúp mấy cô em.

Lý do là khi vợ con không biết gì thì bọn luật sư như diều hâu, sẽ bu vào làm thịt vợ con. Cứ $350/ giỏ là hết tiền. Có tên luật sư mình hay đi Seminar của hắn, mới tuyên bố là lấy $700/ giờ thay vì $500 như trước.

Mỗi lần ông bà cụ sang Mỹ chơi hay khi mình về Việt Nam thì đều có dặn ông bà cụ làm di chúc để con cháu sau này không xâu xé nhau mặc dù anh em ai nấy đều có tài sản riêng nhưng đã lập gia đình thì người phối ngẩu hay xía vào với lòng tham. Mỗi lần gặp lại hỏi ông bà cụ đã làm chưa trong suốt 20 năm nên năm kia mình về thì kêu xe, đưa ông bà cụ đến văn phòng luật sư để làm di chúc. Tối đó cả nhà như cái chợ vì có người không đồng ý với di chúc của ông bà cụ vì nghĩ cá nhân họ phải được nhiều hơn, đòi miếng đất này mảnh nhà kia. 8 tháng sau ông cụ mình qua đời. Hú vía!

Vấn đề là khi về già con người đâm sợ chết nên tránh nói về di chúc,..., cũng có thể theo phong tục người Việt rất kỵ nói đến chuyện hậu sự. Nội khi cha mẹ qua đời anh em cãi nhau về chôn hay thiêu, bỏ vô chùa A hay chùa B là đủ lắm trò.... Hồi nhỏ mình vào nhà mấy người lớn tuổi thì thấy họ mua sẳn cái hòm cho hai vợ chồng để khi đụng chuyện thì không lo bị bó chiếu đem chôn, chết không có áo quan. Sau 75, nhà nào cũng te tua nghe nói khi họ qua đời thì gia đình dùng cái hòm khi xưa nếu không thì chỉ bó chiếu đem chôn. 

Probate: chứng thực di chúc

Mình chỉ nói về luật thừa kế ở Hoa Kỳ. Khi một người nằm xuống ở Cali, tài sản được xem như của chung cho hai vợ chồng, chồng chết thì người vợ thừa kế. Cái khổ là phải ra toà, đăng báo thiệp tang đủ trò để báo cho thiên hạ, ai có nợ nần gì hay con rơi con rớt ở đâu đến đòi gia tài. Người Mỹ gọi là Probate. Mình nghe kể nhiều chuyện quái lắm như cháu ba đời ở đâu chạy lại, kêu là ông chú có hứa cho cái nhà, tuy không có giấy tờ, luật sư kiện lên kiện xuống, tốn tiền.

Lấy thí dụ bà Anna Nicole Smith lấy ông chồng hơn bà ta 55 tuổi. Sau 18 tháng làm ông kia ngủm cù đeo để lại gia tài cả tỷ bạc. Vợ cũ và con riêng thưa kiện rốt cuộc bà ta được mấy trăm triệu thì lại lăn đùng ra chết vì overdose. Mấy tên nào nhảy vào tự xưng mình là cha của con nhỏ bà này nên kiện tụng ỏm cù tỏi.

Nghe kể ông Elvis Presley chết đột ngột không để lại di chúc nên phiên toà probate kéo dài đến 18 năm, luật sư phí trả mệt thở hay bà Nathalie Wood chết đuối để lại cho gia đình mệt thở, kéo dài gần 20 năm. Do đó cứ viết di chúc ngay bằng tay cũng được và đề ngày và ký là cũng giúp gia đình bớt trả luật sư phí vì đám luật sư thì là cơ hội để vắt sữa, càng lâu càng nhiều tiền. 

Living Trust: Theo công ty bảo hiểm AARP, 60% dân mỹ không có làm di chúc hay Living trust. Công ty này chuyên về các người về hưu. Về hưu thì họ dụ mình vào hội của họ rồi bán tin tức của mình cho mấy tay buôn khác. Đó là người Mỹ, còn người Việt tại Hoa Kỳ thì chắc còn ít hơn.

Living Trust là một hồ sơ, mà 1 phần hay hoàn toàn tài sản của mình được bỏ vào trong đó trong khi mình còn sống. Khi mình qua đời, tài sản sẽ được chuyển giao cho những người thừa kế, theo di chúc. Người cai quản cái Trust được gọi là Trustee. Thường là hai vợ chồng. Do dó, khi thành lập Living Trust, cúng ta phải chuyển chủ quyền của nhà cửa, tài sản vào đây. Nếu không thì cũng bằng thừa vì các chủ quyền đều đứng tên mình.

Do đó đa số người Mỹ làm Living Trust và di chúc để tránh cái nạn Probate, ra toà lâu lắc lại tốn tiền. Trust thì nó có nhiều loại Trust nhưng trong trường hợp thừa kế thì người ta dùng tạm gọi là AB trust và ABC trust. Khi hai vợ chồng thành lập Living Trust thì tất cả những tài sản cần phải mang tên của cái Living Trust. Thí dụ căn nhà của hai vợ chồng đứng tên "Lê Thị Nở and Lê Chí Phèo as Husband and Wife as Joint Tenants" thì đổi tên ở văn khố của thành phố là " Lê Thị Nở and Lê Chí Phèo as Trustee of the LE Family Trust, dated 02-02-17, tương tự xe cộ,..., đều phải sang tên qua cái Living Trust nếu không thì vẫn phải qua probate. Trong Living Trust, cần có đoạn là tất Cả tài sản ở ngoài vì mới mua hay quên chưa sang tên cho cái Living Trust tự động được cho vào cái trust. 

Làm cái này xong thì phải đi kèm với cái di chúc cho biết Ý định của mình phân chia tài sản ra sao nếu không con cháu xé xác nhau, mất anh mất em. Tiền bạc lòng tham không thay lòng đổi dạ nhưng sẽ làm hiện ra cái tâm của con người. 

Khi Chí Phèo chết thì người ta chia ra hai phần A và B. A là 50% gia tài của Chí Phèo và B là 50% gia tài của Thị Nở. Chính phủ sẽ đánh thuế trên tài sản của Trust A của Chí Phèo, theo 2017 thì được miễn 5.45 triệu đầu tiên. Thí dụ tài sản của hai vợ chồng là 20 triệu thì 50% là 10 triệu. Lấy 10 triệu - 5.45 triệu đầu tiên được miễn thuế, Trust A chỉ phải đóng thuế số tiên $4.55 triệu coi như đi đong 60% nếu ở Cali. 

Trong vòng 9 tháng từ ngày Chí Phèo đi gặp Nam Cao thì Thị Nở phải kiếm tiền đóng cho sở thuế 60% của 4.45 triệu còn nếu tài sản của hai vợ chồng này dưới 10 triệu thì miễn đóng. Do đó quốc hội và ông tờ rum có thể sẽ hủy bỏ thuế thừa kế trong nhiệm kỳ này. Nay là 22 triệu đến năm 2025. 

Có dạo nếu gia tài có trên một triệu là bị đóng thuế nên nhiều gia đình làm tiểu thương, thí dụ có cái tiệm bán hoa thì người ta cho người đến nhận định giá thì trên 2 triệu thì gia quyến phải bán cái tiệm để đóng thuế mà khi bán gấp thì bán giá hời. Thí dụ: tiệm hoa nhỏ nằm trong khu giá 2 triệu. Gia đình bán gấp vì phải trả thuế trong vòng 9 tháng thì giá bán sẽ thấp xem như $1.5 đi. Đóng thuế mất $600,000 (60%) cho số tiền trên 1 triệu bị chịu thuế ($2 triệu (trị gái) - $1 triệu = $1 triệu) còn lại $900,000 ($1.5  triệu - $600,00 thuế) thì phải đi kiếm chỗ nào rẻ để mua lại tiệm hoa thì lợi nhuận ít đi. 

Bảo hiểm nhân thọ: cái này thì khi mới có con thì mình có mua. Nay thì khỏi vì tiền trả rất khẩm, mỗi tháng trên $700, coi như gần $1,000/ tháng. 12 ngàn một năm.

Do đó người ta phải mua bảo hiểm nhân thọ để khi chết thì có tiền bảo hiểm ( không phải bị đóng thuế), để đóng thuế và giữ cái tiệm hoa, cuộc sống gia đình vẫn bình thường sau khi Chí Phèo qua đời. Có thể dùng tiền bảo hiểm nhân thọ để trả dứt cái nợ ngân hàng để vợ con Thị Nở khỏi nhọc nhằn, và nhớ đến Chí Phèo.

Power of Attorney: giấy uỷ quyền về tài chánh và y tế.

Cái khổ là người tính không bằng trời tính, trường hợp mình không chịu chết thoải mái nhưng lại muốn hành vợ con thêm một thời gian cho bỏ ghét nên Chí Phèo đâm mất trí nhớ hay bị tai biến liệt không đi đâu được. Vợ con phải thay nhau thay tả, chăm sóc thuốc men ôi thôi đủ trò. Có tiền thì chúng lo, còn không tiền thì chúng bỏ vào nhà thương thí.

Trong trường hợp nữa sống nữa chết thì theo pháp lý Chí Phèo không còn đủ minh mẫn để tự quyết định những gì liên quan đến mình như tài chánh, y tế,... Do đó phải làm Power of Attorney, ủy quyền về tài chánh và một về y tế. Nếu không thì trục trặc khi mua bán gì, cần cả hai vợ chồng ký mà Chí Phèo đang lơ tơ mơ thì không có hiệu lực, không bán được. Thị Nở cần tiền lo cho CHí phèo nhưng không bán được vì cần chữ ký của Chí Phèo. Chán Mớ Đời 

Tài chánh thì ủy quyền cho Thị Nở ký giấy tờ về mặt pháp lý. Một cái giấy ủy quyền về y tế để trong trường hợp bác sĩ nói hết thuốc chữa thì Thị Nở có quyền nhờ bác sĩ Rút ống. Dạo mình mới sang mỹ có một vụ ở Florida. Bà vợ xem như chết chỉ nằm đút ống, ông chồng thì muốn Rút ống để lấy vợ khác còn bà mẹ vợ thì không cho. Hai bên tố tụng nhau đến cuối cùng toà phán cho Rút ống để ông chồng đợi hơn 10 năm đi lấy vợ khác. 

Gần đây đài BBC cho xem một phóng sự khá lạ. Người ta phát giác một ông da trắng đi ngơ ngơ ngoài đường ở bên Anh quốc nhưng lại nói giọng mỹ nên chính phủ đem vào nơi người già neo đơn nuôi. Phóng viên BBC mới bò sang mỹ thì tìm ra nơi ông mỹ trắng này ở. Căn nhà bị cháy rụi không biết trước khi ông này được thằng con và bà vợ cho du lịch một chiều bên anh quốc. Được biết là thằng con và bà vợ đưa ông ta sang anh chơi rồi trở về hô ông ta mất tích. Có lẻ bà vợ và người con để ông ta lại bên anh quốc để lãnh tiền bảo hiểm và nói ông ta chết tiêu trong nhà. Mình chỉ đoán như vậy nhưng đó là chiêu để có thể bán hay rút tiền từ trương mục ngân hàng.

Một khi toà đã xong phần probate thì không có quyền đòi hỏi về gia tài nữa do đó dân giàu hay làm cái trò mà mình gọi là chiêu Jackie Kennedy Onassis. Bà ta nói đúng hơn luật sư của bà ta cố tình để vài bông tai, lặt vặt ở ngoài trust và phải qua Probate thì sau khi toà tuyên phán xong thì không ai có quyền đòi nợ hay không đồng ý với tờ di chúc. Bà ta có mắc nợ ai hay con cháu Onassis muốn đòi cái gì thì bù trớt khi nhớ ra cái này cái nọ do cha ông mình để lại.

Tiền hưu trong 30 năm

Theo chính sách nhà nước thì người ta về hưu vào tuổi 67 vậy tính ra mình phải sống thêm 23 năm, không lao động thì lấy thu nhập đâu ra để mà xài. 

Khi đi làm thì mỗi người ở mỹ phải đóng tiền an sinh xã hội hàng tháng, 6.7% trên tổng số lương của mình cho an sinh xã hội. Khi về hưu thì chính phủ tính trên số tiền mình đã đóng để trả tiền an sinh xã hội cho mình đến khi mình qua đời thì người phối ngẫu sẽ lãnh đến khi mãn phần. 

Mình đi làm cho công ty ở Hoa Kỳ đâu tổng cộng là 8 năm trước khi mở công ty riêng nên theo thư của sở an sinh xã hội mình sẽ được lãnh độ $700/ tháng trong khi đồng chí gái thì lãnh đâu gần $2,000/ tháng. Tính ra là 8 năm đi làm cho hãng mình đã đóng $21,440.00 cho an sinh xã hội để đổi lấy $700/ tháng hay $8,400/ năm. Nếu mình sống thêm 23 năm sau khi về hưu thì chính phủ phải trả $8,400 x 23 năm = $193,200.00 thì chính phủ lỗ tới mòn đít luôn vì vậy người ta luôn nói quỹ an sinh xã hội sẽ mất hết. Do đó từ ngày làm riêng qua công ty mình không đóng tiền an sinh xã hội nữa.


Khi chính phủ Hoa Kỳ nghĩ ra quỹ an sinh xã hội thì trung bình người Mỹ chết vào tuổi 62 tuổi, nghĩa là chết trước khi về hưu ở tuổi 65. Vợ được hưởng chừng 3-5 năm là ngũm. Chính phủ nhà nước lời to. Cái khốn nạn là xứ mỹ đoạt giải Nobel hàng năm nên nghành y tế cải thiện nên khiến dân mỹ sống lâu mà người ta tính ngày nay vào tuổi 83 cho đàn ông còn đàn bà thêm 3 tuổi nữa.

Lấy thí dụ hai vợ chồng Chí Phèo, Thị Nở về hưu không có gì hết ngoài $2,700 của an sinh xã hội thì thử xem họ còn bao nhiêu sau khi đóng thuế.

$2,700/ tháng x 12 tháng = $32,400. Theo chính phủ Hoa Kỳ thì lợi tức dưới $27,500 thì được xem là nghèo, miễn đóng thuế. Lấy $32,400 - $27,500 = $4,900 số tiền phải đóng 15% thuế liên bang và 9.3% tiểu bang và 3.8% ObamaCare (23.1%) hay $1,132 coi như còn lại $31,267 hay $2,605/ tháng.

Nếu vợ chồng Thị Nở Chí Phèo chịu khó đi share phòng thì tốn độ $500/ phòng. Thuốc men, bảo hiểm y tế coi như $700/ tháng , bảo hiểm xe cộ là thêm $200/ tháng, nếu xe hư hay sau 10 năm phải thay là phải dự trù $500/ tháng. Coi như phải chi tiêu $1,900/ tháng còn lại $705 đồng để mua đồ ăn. Chán Mớ Đời 

IRA, 401 K,...

Về hưu hai chồng lãnh $2,700/ tháng thì không đủ trả tiền nhà mượn của ngân hàng nên phải cần thêm lợi nhuận từ nơi khác. 

Khi đi làm thì công ty họ có cho làm những quỹ hưu trí như 401 K, pension Plan,... Trường hợp đồng chí gái thì hàng năm được cho đóng đâu 2 lần được $8,000/ năm thì công ty "match" cho thêm 60% tương tự mình đầu tư mua cổ phiếu mà được lời ngay 60% nên mình phải phấn đấu tư tưởng không tiêu xài để hàng năm đóng cho mụ vợ $8,000 để được thêm $3,200, chưa kể là cổ phiếu công ty lên nữa cứ xem như 10%/ năm. 

Nếu công ty không có những chương trình này thì mình có thể dùng những chương trình Individual Retirement Account (IRA), mỗi năm được bỏ vào $6,500 mà đến 70.5 tuổi thì phải Rút ra nếu không sẽ bị phạt vì chính phủ muốn đánh thuế do đó mình thành lập Roth IRA, loại self directed là mình tự quyết định đầu tư vào cái gì như cho mượn tiền lấy lời hay mua nhà cho thuê hoặc mua vàng. Lý do là nếu không mình phải mua cổ phiếu của những Broker lại mất tiền. 

Mình thì theo tử vi cho là có cung nô bộc vì có nhiều người không quen, kêu mình đừng đi làm để họ giúp cho mỗi tháng tuỳ khả năng nên cũng đâm lười không muốn đi làm từ 12 năm nay nên mới có thì giờ viết véo trên mạng. 

Long Term Care

Khi về già thì bệnh tật nhiều nên trung bình người già ở Hoa Kỳ trả hàng tháng độ $250-$300 cho tiền thuốc và bảo hiểm y tế độ $350, coi như mất $600-$650/ tháng. Xem truyền hình thấy quảng cáo thuốc đủ trò. Về già người ta hay bị đau khớp xương. Có dịp mình sẽ kể về vụ này và nếu ai muốn toa thuốc ngâm rượu để uống mỗi ngày trước khi đi ngủ thì cho mình hay. 

Rồi một ngày đẹp trời bổng nhiên mình quên đi cầu cứ đứng tại chỗ rồi tương ra thì cần có người phụ giúp nếu không con cháu sẽ cho vào viện tế bần nên cần có bảo hiểm Long Term Care hay nguồn lợi nhuận nào khác để nuôi người giúp cho. Người nghèo thì chính phủ cho người đến chở đi chợ, lau nhà tắm rữa cho. Khổ nổi bảo hiểm họ không muốn lổ nên họ chỉ trả trong 3 năm vì theo nguyên tắc sau 3 năm làm ngu ngu ngơ ngơ thì mình phải chết nhưng ngày này thuốc men đủ trò nên người ta sống hơn 3 năm nên bảo hiểm chỉ hạn định số tiền trả tối đa. Đại khái công ty lấy $18,000/ năm trong vòng 15,20 năm nhưng chỉ chi tối đa $45,000/ năm trong vòng 3 năm nên cái này cũng không xong. 

Người Việt mình sang đây chịu khó đi làm nên cũng đủ mua nhà cần kiệm về hưu cũng tạm ổn. Vấn đề là người Việt mình chịu khó cho con ăn học theo diện Hy sinh đời Bố củng cố đời con. Rút tiền trong quỹ hưu để cho con ăn học. Đồng chí gái có cô chị họ nay trên 70 tuổi vẫn đi làm vì lỡ Rút tiền hưu cho con đi học Ucla. Ra trường hai đứa con kiếm việc khó nên chạy xe cứu thương và một đứa thì đi làm cho một cơ quan bất vụ lợi nên lợi tức cũng không nhiều. Hôm qua mình được biết hàng năm chính phủ liên bang cho đại học Berkeley 338 triệu nhưng 50% sinh viên đại học danh tiếng này ra trường không có việc làm.

Do đó nếu để ý thì ra chợ WalMart hay tiệm ăn MacDonald thì sẽ thấy đa số nhân viên vào ca đêm đều là người già cả. Vào siêu thị thì thấy những người già đứng hỏi Plastic or Paper ở quầy thâu ngân viên, để bỏ đồ vào bịch cho khách hàng. Họ về hưu nhưng không đủ sống phải đi làm thêm lại ngại hàng xóm nên phải làm ca đêm. Có cô bạn y tá kể là đi đến nhà các người già để chăm sóc thì thấy có nhiều thức ăn cho cho chó mèo trong tủ lạnh dù bệnh nhân không nuôi chó mèo.

Hậu sự: chúng ta nên viết xuống, muốn khi qua đời, vợ con làm cái gì. Chôn hay hoả táng,… mình thì hiến tặng cơ thể cho khoa học. Khỏi tốn tiền vợ con, mua hòm rồi hoả táng. Đỡ tốn tiền vợ con. Mình dặn mấy đứa con là bố có qua đời thì đừng lo đi nhận xác vì đã cho khoá học. Để chính phủ lo. Vào máy điên toán của bố, mở cái hồ sơ “Instruction to beyond”. Trong đó, mình giải thích tuần tự nữhng gì Living trust có,… dạo này, mình đang dạy thằng con nên hy vọng, nó sẽ hiểu hết sau này khi đụng trận.

Tây có câu ngạn ngữ "Aides-toi, le Ciel t'aidera". Hồi nhỏ học bài ngụ ngôn "la cigale et la fourmi" của Jean De La Fontaine khiến mình bị nhập tâm, cứ loay hoay tính chuyện ngày mai từ lúc đi Tây đến nay. 

Đi Tây một thân một mình không ai nương tựa nên lúc nào cũng không dám tiêu xài rồi thành thói quen. Sang Hoa Kỳ cũng vậy cứ lo lỡ mất việc rồi kinh tế te tua nên cứ lo mãi. Nay mấy đứa con vào đại học nên cũng bớt lo một phần. Ông tờ rum lên vật đổi sao dời nên mình lại phải kiếm seminar đi học. Học mãi. 

Chán mớ đời!

  

Nhs

Nên mua nhà ở hay cho thuê?

Hôm Tết đến nhà thằng cháu, mới mua nhà 1 triệu, bỏ thêm 200,000 để sửa chửa rất đẹp. Nó hỏi mình về mua nhà đầu tư. Mình không dám nói những gì mình quan niệm. Một khi đã lấy vợ thì phải theo vợ, thân trai 21 bến nước trong nhờ đục chịu. Thằng cháu sắp cưới vợ, muốn mua nhà mới để làm tổ Uyên ương.

Theo mình, thằng cháu và vợ sắp cưới nên dùng số tiền 200K sửa chửa tổ Uyên ương, mua thêm 1 căn nhà cho thuê, đặt cọc 200K và mượn tiền ngân hàng còn lại. Ở căn mới mua, sơn phết sơ sơ đủ để sinh hoạt. Có thể khấu trừ lợi tức với căn nhà thứ 2 cho thuê. 

Lý do là không biết được ngày mai. Có thể được công ty đổi đi đâu đó, có công ăn việc làm tốt hơn,.. Sau này khi sở hữu được chục căn nhà cho thuê thì có thể để công ty mua nhà cho mình ở. Công ty vừa khấu trừ lợi tức, vừa có depreciation,…

 Mình bán 3 căn nhà ở xa, để mua 6 căn hộ gần nhà để dễ quản lý, luôn tiện dạy nghề cho thằng con. Chiều nay, Escrow mới sang tên qua mình. Mai phải làm một cái General Partnership, để tên mấy đứa con, giúp chúng khấu trừ thuế. Từ từ sẽ giúp thằng con mua mấy căn hộ cho thuê, chuyển giao công nghệ cho nó, chớ đi làm cho chủ thì cả đời nó sẽ làm nô lệ, không bao giờ giàu. Còn dư chút tiền thì sửa chửa mấy căn nhà đang cho thuê, cũng khá cũ rồi tăng tiền nhà.

Trước đám cưới, đồng chí gái kêu đi mua nhà để làm tổ Uyên ương. Bao nhiêu tiền để dành trong ngân hàng Thuỵ Sĩ, khi mình đi làm ở Thuỵ Sĩ, rút về để đặt cọc mua căn nhà đầu tiên với vợ. Mượn ngân hàng 80%. Căn nhà giá 180,000. Đặt cọc 20% ($36,000) và mượn ngân hàng 80% ($144,000) với phân lời dạo ấy 6.75%. Trả tiền lãi, bảo hiểm và thuế địa ốc độ $1,100/ tháng.

Mua nhà đúng 2 tuần lễ trước đám cưới. Mấy người bạn từ xa về dự ngày mình lên xe bông, chôn cuộc đời độc thân vui tính. Mấy người đến từ Pháp, Texas, New Jersey,.. xúm lại quét dọn, sơn phết nhà cửa, khá vui, để mừng mình thoát cảnh người yêu cô đơn. Rất cảm động!

Ở được 6 tháng thì mấy ông anh vợ, kêu dọn về ở với bố mẹ vợ. Lý do, gia đình ông anh trưởng dọn ra sau bao nhiêu năm sống với bố mẹ vợ. Thế là hai vợ chồng son, dọn về nhà bố mẹ vợ, phải cho thuê căn nhà định xây tổ Uyên ương. Mình cho thuê giá $1,100/ tháng cho đủ vốn. Dạo ấy, thất nghiệp đầy, thiên hạ quăn nhà chạy. Có lúc nhà trong khu của mình xuống giá có 130K, xem như xuống 50K.

Cuối năm làm thuế thì hai vợ chồng nhận được tiền thuế, do chính phủ trả lại, khiến mình như bò đội nón. Mò mò hỏi ra mới khám phá ra cái lợi khi có nhà cho thuê.

Mua nhà thì mình được khấu trừ tiền lời mượn của ngân hàng hàng năm, tiền thuế địa ốc. Chính phủ Hoa Kỳ khuyến khích người Mỹ mua nhà nên ra những luật như vậy để người Mỹ mua nhà, xây dựng Giấc Mơ Hoa Kỳ. Có đâu 67% người Mỹ sở hữu một căn nhà so với bên pháp là 58%.

Mình cho thuê $1,100/ tháng, trả tiền lời, bảo hiểm và thuế nhà đất là $1,100/ tháng. Xem như xoá sạch, không nợ thuế cũng như không lời. Tại sao lại được chính phủ trả lại một phần thuế đã đóng khi đi làm cho chủ.

Chính phủ Hoa Kỳ có ra luật thuế vụ cho những ai làm thương mại. Họ có thể khấu trừ các vật dụng, máy móc, xe cộ,.. dùng cho thương mại như xe dùng cho công việc thương mại có thể khấu trừ từ 1-7 năm. Máy điện toán, máy phôtocopy,.. mình định mua chiếc xe điện hiệu Audi cho đồng chí gái. Xe này nặng hơn 6,000 cân Anh nên có thể khấu trừ hết cho năm nay. Đang bán thêm một căn nhà khác, tiền lời sợ đóng thuế nên mua xe đồng chí gái chạy. Mụ vợ chạy chiếc xe từ 2007 đến nay. Thật ra không cần vì mụ làm việc ở nhà, cuối tuần thì chạy vòng vòng. Phí tiền nhưng thôi mua để chạy thêm vài năm trước khi nha kiều lộ rút bằng.

Khi mình mua nhà cho thuê, xem như làm thương mại và mất trên 700 tiếng đồng hồ mỗi năm để chăm lo vụ mướn nhà thì mình có quyền khấu trừ xe cộ, các chi tiêu liên quan để nhà cửa như sửa chửa, sơn phết,… quan trọng nhất là khấu trừ trị giá căn nhà.

Xe cộ thì cho phép khấu trừ từ 5-7 năm, các loại xe Truck trên 6 tấn thì có thể khấu trừ trong vòng 1 năm. Thường thường người ta mua xe, mượn tiền ngân hàng và trả góp trong vòng vòng 5-7 năm nên cứ dựa trên đó mà khấu trừ. Họ xem cứ sau 5-7 năm là chiếc xe không còn giá trị nhiều vì cũ.

Mình có ông bạn, người Mỹ có nhà cho thuê khá nhiều, nên muốn khấu trừ thuê, phải mua xe buýt cho thuê. Một chiếc xe buýt giá $500,000 được khấu trừ trong vòng 5-7 năm. Xem như mỗi năm khấu trừ được $100,000. Khổ cái là cho thuê xe buýt cũng làm ra tiền nhiều nên lại phải mua thêm xe buýt để khấu trừ lợi tức. Cứ 5 năm hết khấu trừ được xe buýt thì ông ta bán lại.

Căn nhà thường được tính là 27.5 năm sẽ hư hao hoàn toàn nên chính phủ cho phép khấu trừ căn nhà cho thuê trong vòng 27.5 năm. Mình chỉ được khấu trừ căn nhà còn đất thì không được vì đất không sợ bị hư hại gì cả. Những căn phố thì được xem là thương mại nên được khấu trừ 39.5 năm. Mua nhà cho thuê lợi hơn được 12 năm.

Căn nhà mình mua là 180,000. Họ tính 20% là giá trị của đất đai, và 80% là giá trị căn nhà. 80% của $180,000 là $144,000. Mình được khấu trừ căn nhà trong vòng 27.5 năm. Lấy 144,000 chia cho 27.5 được $5,236/ năm. Vậy là hai vợ chồng, ngoài tiền tiền trả cho ngân hàng, thuế, bảo hiểm ($1,100) có quyền khấu trừ thêm $5,236/ cho một năm.

Lương hai vợ chồng dạo ấy đâu $70,000/ năm khấu trừ $5,236 nên chỉ đóng thuế trên số tiền $70,000 - $5236, đâu $64,000 nên đóng ít thuế hơn. Khi lãnh lương hàng tuần thì công ty đã trừ tiền thuế, và đóng cho mình rồi nên cuối năm, khai thuế thì được trả lại một ít.

Sau này, mình mua nhiều nhà cho thuê nên số tiền khấu trừ càng nhiều nên gần như thuế đóng khi đi làm cho công ty, đều được khấu trừ lại. Do đó mà mấy căn nhà mình mua ở xa cách đây 12, 14 năm với giá $50,000 - $80,000 thì nay khấu trừ không nhiều. Do đó mình phải bán giá $300K -$350K mỗi căn để mua $1,900,000 ( 6 căn hộ) để khấu trừ. 20% của 1.9 Triệu là $380K (đất không được khấu trừ), còn lại 1,620,000 (giá trị mấy căn hộ), chia cho 27.5 năm là $55,272/ năm. 

Mình sẽ bỏ tên hai đứa con vào mấy căn hộ để chúng có thể khấu trừ thuế trên số 55,272 mỗi năm. Từ hai căn mua giá $50,000/ căn, nay sau 12 năm mình chuyển lên được 6 căn hộ giá $1,900,000 lại cách nhà có 4 dậm thay vì lái xe một tiếng đi một tiếng về. Khi khởi đầu, thì mình phải chạy đi xa vì không có khả năng mua nhà cho thuê ở gần nhà.

Hiện mình đang rao bán thêm hai căn ở xa để đổi mua mấy căn khác ở Quận Cam. Hy vọng năm nay sẽ mua được mấy căn hộ tốt nếu không mình sẽ dùng tiền đó để xây thêm ADU trên mấy căn nhà cho thuê ở quận Cam, kiếm thêm tiền thuê nhà.

Bây giờ trở lại vấn đề mua nhà ở có tốt hay không? Theo mình, không tốt về tài chánh và đầu tư. Lấy thí dụ căn nhà đầu tiên tụi này mua ở được 6 tháng. Nếu tụi này không bị mấy ông anh vợ kêu về ở với bố mẹ vợ thì mỗi tháng phải trả $1,100. Trên thực tế tụi này phải trả thêm 48.3% số tiền $1,100. 

Lý do là mình phải đi làm, đóng thuế 28% cho liên bang, 9% cho tiểu bang, 7.5% cho an sinh xã hội, 3.8% cho ObamaCare,.. xem như tổng cộng đóng 48.30% hay làm $1,631 rồi đóng thuế số tiền $531, còn lại $1,100. Xem như mình và vợ đóng $1,631 của tiền lương cho căn nhà mỗi tháng. Hay 19,572.00/ năm thay vì như người ta nghĩ $13,200.00.

Nếu chúng ta làm thương mại và mướn nhà để ở, xem như công ty mướn thì chúng ta có thể khấu trừ tiền mướn cho phần chi tiêu của công ty. Thí dụ: mình muốn công ty mua căn nhà rồi cho mình thuê lại để cả gia đình ở. Công ty được khấu trừ thuế, xem như mình được khấu trừ thuế. Vấn đề là trên đời này, không có mụ vợ nào chịu ở căn nhà không phải họ làm chủ. Có giải thích mụ cũng không chịu. Mình nói thì cứ lấy công ty đi mướn nhà ở được trừ thuế. Lý do là khi mình ở nhà mình mua thì phải đóng thêm 48.3% tiền thuế.

Điển hình căn nhà mình mua đầu tiên là $180K, do công ty làm chủ. Nếu cho mình thuê lại. Công ty được khấu trừ các điều khoản đã kể trên. Công ty cho mình thuê với giá $300 thay vì $1,100. Tính ra công ty lỗ $800/ tháng hay $9,600/ năm. Xem như công ty lỗ $1,100 x12 = 13,200.00 - $3,600 (tiền mình trả thuê nhà) và được khấu trừ thêm $5,236, tổng cộng $9,600 + $5,236 = $13,836.

Công ty phải cho mình thuê để có thể khấu trừ $5,236.

Mình bảo đảm, các người giàu có ở Hoa Kỳ, ở trong nhưng căn nhà sang trọng đều do công ty của họ đứng tên cả. Lấy thí dụ họ ở trong một căn nhà 30 chục triệu do công ty mua, mượn tiền. Làm tính như sau:

Đặt cọc 20%, mình nghĩ mấy người này giàu có thì họ có thể không đặt cọc, mượn 100% vì công ty bạn bè cho mượn. Cứ làm theo bình dân như mình, đặt cọc 20%, mượn 80%. Nhà 30 triệu đặt cọc 6 triệu, mượn 24 triệu, với tiền lời 4% cho 360 tháng. Họ phải trả $114,579/ tháng hay $1,374,956/ năm. Đóng thuế 300k một năm thuế độ $100,000/ năm. Cứ cho là 2 triệu đô một năm, thêm các việc tu sửa, điện nước,..

Họ phải đi làm ra 3 triệu đô để đóng thuế rồi mới trả tiền nhà, ngân hàng.

Nay họ để công ty mua và cho họ thuê lại $1,100/ tháng hay $13,200/ năm vậy là họ lỗ $3,000,000 -$13,200 = xem như lỗ 3 triệu/ năm.

Trong khi đó công ty phải trả 3 triệu rồi được khấu trừ 27.5 năm căn nhà . Lấy $24,000,000 chia cho 27.5 = $872,727/ năm. Công ty chi cho căn nhà 3 triệu một năm, lại được khấu trừ thêm $872,727/ năm. Xem như gần 4 triệu. Do đó ai muốn giàu, phải lấy mấy bà vợ có chút tư duy về tài chánh, thay vì muốn được khen là nhà của mình đẹp. 

Đừng lấy vợ đẹp vì họ chỉ thích được khen. Lấy vợ thông minh, biết tính toán thì giàu. Xong om

Mình có hai tên bạn người Mỹ, họ sang tên cho nhau nhà của họ đang ở và cho thuê lại cho nhau để được khấu trừ thuế hàng năm. Lấy thí dụ: hai căn nhà đều giá như nhau $1,000,000,000. Họ nợ $800,000, 4% tiền lời = $3,819.32/ tháng. Thuế địa ốc $1,000/ tháng và bảo hiểm $100/ tháng. Tổng cộng xem như $5,000/ tháng hay $60,000/ năm. Khấu trừ 80% giá trị căn nhà hay $800,000 cho 27.5 năm, vị chi là 29,090/ năm. 

Mỗi tháng họ trả tiền thuê nhà $1,000/ tháng hay $12,000/ năm trong khi đó công ty khấu trừ được $89,090. Đó là cách người Mỹ làm giàu theo luật pháp được ban hành để giúp họ giàu thêm. Chán Mớ Đời 

Ngoài ra, căn nhà đầu tiên đã giúp mình mua thêm mấy căn nhà khác từ 30 năm nay. Lý do là nhà lên, tiền lời thấp nên mình tái tài trợ lại căn nhà, dùng tiền đó để đặt cọc mua mấy căn khác. Tiền mình rút ruột ra khi tái tài trợ, người Mỹ gọi là tiền ma vì không phải đóng thuế. Nhà này giờ giá độ 850K mà mình đã rút tiền ra mấy lần. Cho thuê $2.700/ tháng. Sắp sửa viết thư lên tiền nhà. Đồng chí gái kêu tội nghiệp họ.

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 


Nhị thập ngũ Hiếu

Gần 50 cái Tết mình xa nhà. Mình dự định năm nay về ăn Tết với bà cụ và mấy em ở Việt Nam, nhưng đại dịch cô vít xuất hiện nên không biết chừng nào mới thực hiện được. Cứ thấy mùa hạ, báo chí nói chuyện nghỉ hè, đến mùa đông thì báo chí cứ phán đủ loại cô vít thay vì mùa cúm như xưa.

Tết khi xưa, kỷ niệm nhớ nhất là mấy trận đòn lì xì đầu năm từ ông bà cụ. Sau Mậu Thân không có màn đốt pháo nên ông cụ dường như muốn đốt phong long trước khi đi binh xập xám chướng, nên hay lôi cổ mình ra khệnh một trận. Kể ra đây thì dài dòng khiến ai đọc phải uống nhiều ly nước. Đánh thua về thì kéo đầu mình khệnh kiểu bài vè khi xưa: tháng giêng là tháng ăn đòn,..”

Trong những trận đòn, mình nhớ nhất là trận đòn chổi lông gà của bà cụ. Khi xưa, mỗi nhà đều có cái chổi chà để quét mương cống và chổi lông gà để quét bụi bàn thờ,…vì nhà nấu ăn bằng than nên tro bay bám vào cửa kính, cửa sổ và bàn thờ.

Chổi chà thì thường cuối năm, bà cụ kêu mình ra chợ, mua một cái đem về, còn chổi lông gà thì mua nhiều hơn. Lý do chổi được sử dụng để huấn luyện các con thành những nhị thập tứ hiếu mà đi học việt văn, cô giáo bắt phải mua cuốn sách để học trả bài. Cuối năm, mua chổi mới, quăn chổi cùn cho hên nhất là chổi lông gà trong năm sử dụng khá nhiều, để đánh đòn nên có phần bị tét mây. Quăn chổi như quăng những cái xui năm cũ.

Chổi lông gà được làm bằng lông gà. Họ thu mua lông gà ở các lò làm thịt gà, rồi lấy chỉ sâu các lông gà cùng cở lại rồi giặt cho sạch mùi gà hay máu nơi lông gà. Thường chổi lông gà trống đẹp hơn nên đắt tiền hơn. Sau đó thì họ lấy dầu hắc, chấm đầu lông gà, cắm vào thân cây tre hay mây rồi bó lại, giúp bố mẹ dạy con làm 24 Hiếu. Nhà mình khi xưa, mua toàn đồ hàng tốt, cao cấp làm bằng mây nên quất rất đau. Mỗi lần ông cụ hay bà cụ đánh là có khi bị tét roi. Kinh

Ngoài chợ, dưới đồn cảnh sát, có một bà bán chổi. Ôi thôi đủ thứ chổi. Chổi chà, chổi quét nhà, chổi cau, chổi lông gà, chổi tre, chổi xơ dừa, chổi đót,.. treo đầy. Ai mua chổi nào thì bà ta lấy cái cây có cái móc rồi lấy xuống. Nếu khôn thì đợi ra giêng mua rẻ hơn, 3 ngày tết thì giá khá cao, đợi ra Tết, trả rẻ bà bán chổi cũng bán mở hàng. Vấn đề là ai cũng muốn sắm đồ mới để khai trương cái chổi trong ba ngày Tết, để cả năm, có cái huông, giúp con mình nhớ dai. Ngày nay, mình nhớ dai chuyện ngày xưa vì bị khệnh, ăn chổi lông gà vào đầu năm. Nói chung là Tết năm nào cũng bị khệnh. Đi chợ, ai khôn thì đi vào lúc chợ mới mở hàng, mấy bà đều bán hết dù là giá vốn.

Lâu lâu thấy một ông người nam, gánh cái cây tre, treo mấy chổi lông gà, trước và sau đi trong chợ, rao bán. Mấy bà kêu lại mua, rồi uốn éo cái chổi, xem như có thể đánh con ở nhà được không. Mỗi lần như vậy thì mình kêu bà cụ, đắt quá, không nên mua nhưng mẹ mình có tính thương người nên ai rao cái gì cũng mua cho họ có tiền nuôi con, còn mẹ thì có chổi lông gà để quất mình.

Mình không hiểu lý do là 24 cái gương con hiếu thảo, đều ghi nhận toàn là đàn ông. Mình nghĩ người xưa hay nói: con gái là con người ta nên không hiếu thảo với cha mẹ, nên họ chỉ nêu gương con trai hiếu thảo. Thậm chí con gái đi lấy chồng, khi cha mẹ qua đời, về nhà, để tang cũng phải trùm tấm vải the che mặt để bố mẹ trên bàn thờ không thấy mặt. Ông thầy dạy việt văn giải thích như vậy. Kinh

Nay lớn lên mới hiểu. Tự nó, con gái bẩm sinh là đã có Hiếu, còn con trai thì có Hiếu với vợ. Nên khi xưa bên tàu, ông Quách Cư Nghiệp đã phải biên soạn, tìm khắp xứ tàu, mà chỉ được có 24 người con trai hiếu để với cha mẹ. 24 người này có chung một đặc điểm là Nghèo. Dường như chỉ có nghèo mới có Hiếu. Có thể vì nghèo nên không có á xẩm nào dám lấy nên phải ở với bố mẹ. Do đó, ông tàu viết kể 24 cái gương hiếu tử của người Tàu khi xưa chỉ tìm được có 24 tên nghèo xác xơ. Lấy vợ thì phải hiếu với vợ. Vợ nó giúp làm ăn, tiết kiệm,…mới khá lên được.

Từ cổ chí tân, không có cô gái nào, chịu lấy tên nào nghèo cả. Chuyện hai quả tim vàng và túp lều lý tưởng là hình ảnh do bà Tùng Long gợi ra để bán báo nhật trình. Cô gái nào cũng muốn làm Cinderella hay công chúa ngủ trong rừng để lấy hoàng tử. Ông Không hỏi chết khi xưa từng tuyên bố: Ngô thập hữu ngũ nhi chí vu học, tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tòng tâm sở dục bất du củ”. Khi mình trên 30 tuổi, chẳng có gì cả, ngay chiếc xe hơi cũng không nên mấy cô đá lên đá xuống khi khám phá gốc 3 đời vô sản của mình. 

Khi xưa, mình đi kiếm vợ, gặp cô nào cũng hát: đừng yêu em, xin đừng yêu em, đời anh đó, có gì đâu mà em theo. May sao, gặp đồng chí gái, bố vợ kêu mình thật thà nên gả.

Có lẻ khi xưa, không có quỹ hưu trí nên người ta sinh con để cậy khi về già, thậm chí các cô chịu làm lẻ để sinh được mụn con mà nhờ như chị Vinh của ông Hoàng Cầm. Nay thì có an sinh xã hội, đi làm thì có quỹ hưu trí nên về hưu không cần đến con cái nuôi nên người ta bớt nhắc đến sự hiếu thảo. Về già con cháu đến thăm là vui rồi còn chúng lăm le, bảo bán nhà để chia nhau thì không nên nghe lời chúng. Bán rồi không đứa nào, mang về nuôi.

Thật ra, chúng ta có con vì hai vợ chồng nhất trí nên khi sinh ra thì chúng ta có bổn phận nuôi con. Con chúng ta đâu muốn ra đời nên theo lẻ thường tình, chúng không có trách nhiệm gì cả về người sinh ra chúng. Theo mình không nên trách con cháu bất hiếu. Về già, chúng nhớ đến mình thì là một bonus.

Ngày nay, mình thấy xung quanh hay thậm chí ở nhà mình, con gái đều lo cho cha mẹ còn con trai thì lo cho vợ. Con trai lo cho vợ nên vợ có thời gian lo cho cha mẹ vợ theo lẻ thường tình. Do đó, sinh con gái thì được nhờ. Người xưa, phán mấy câu như “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” là chắc mấy ông say rượu nên phán bú xua la mua. Mình ở xa, nghe bà cụ nói có mấy cô em hay ghé nhà, nấu món gì lạ thì sai chồng đem lại cho mẹ ăn, còn mình thì chỉ biết hỏi qua FaceTime “hôm ni ăn chi rứa mạ?” Xong om.

Ông cụ mình thích đánh bài và đánh đâu thua đó. Đầu năm, cứ độ mồng ba, sau khi đi chào thiên hạ xong là ông cụ đi đến nhà ai đánh bài. Khi thua hết tiền mới về. Giận cá chém thớt, cứ lấy mình ra làm thớt để khệnh. Sau này, lớn bằng ông cụ, lại tập võ nên ông cụ ngại, hết bị đòn. Ông cụ lại lôi thằng em kế khệnh. Vừa khệnh vừa kêu: thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi. Lại bồi dưỡng thêm câu cá không ăn muối cá ươn, con ăn đòn cha mẹ trăm đường đau mông. Hiểu chửa. Từ ngày bàn giao cho thằng em kế chức vụ làm thớt để khi ông cụ thua bài khệnh thì mình khoẻ đời.

Trong các trận đòn thì mình nhớ nhất trận đòn chổi lông gà, năm học 8ème. Hôm ấy, ông bà cụ dẫn mình đi xuống thăm ông bà Hai, hàng xóm khi xưa, ở ngay nhà mà gia đình mình đang ở. Khi họ dọn đi, họ bàn giao căn hộ lại cho gia đình mình, rộng hơn một tị, có sân chơi nên bố mẹ mình nhớ ơn. Mình căm thù bà Hai này lắm. Bà ta không có con cháu nên hay tỏ vẻ thương mình, cho roi cho vọt hàng ngày. Lâu lâu bà ta khệnh mình vì ăn cắp hoa cho con Thuý hàng xóm, bà trồng ở sau vườn.

Ông cụ là y tá trưởng của tiểu đoàn. Khi giải ngủ, có đem hộp cứu thương về nhà. Trong hộp có cái syringe để chích thuốc khi vợ con đau và cái kéo để cắt băng rất bén. Bà ta hay sang nhà mượn cái kéo của ông cụ để cắt mấy nhánh cây. Có lần mình  xuống nhà bà ta ở đường Nguyễn Trãi thì thấy cái kéo của ông cụ, bà ta chôm mất khiến mình bị ông cụ tẩn một trận nhớ đời, làm mất cái kéo. Mình chôm lại, đem về báo cáo cho ông cụ.

Từ dạo ấy mình mất lập trường cách mạng, không tin lời người lớn dạy dỗ nữa. Bà Hai khệnh mình khi bị con hàng xóm, kêu đi hái hoa của bà cho nó để chơi thờ ông bà gì đó. Nay bà ta chôm đồ nhà mình mà mình không có quyền dạy dỗ lại bà ta.

Tết xuống thăm. Nhà bà này, ở ngay ngã ba Nguyễn Trãi và đường Yersin, chỗ trạm xe đò Chi Lăng ngừng để học trò Grand Lycee xuống. Ông bà cụ gọi xe Lam từ chợ Đà Lạt xuống dưới đó. Mình không được đi đâu cả, bà Hai sợ mình đi chôm đồ của bà như cái kéo. Chán Mớ Đời 

Người lớn nói chuyện từ đầu năm Dần sang năm Tý. Ngồi chán quá, lại không được động đậy nên mình xin phép đến nhà hai anh em Phi Long, học trường Thanh Ngọc với mình buổi sáng. Dạo đó, mình học buổi chiều ở Yersin, sáng thì bà cụ sợ mình đi phá làng xóm nên cho đi học trường Thanh Ngọc. Thành ra mình ngu lâu dốt sớm từ bé, học cùng giáo trình sáng chiều mà vẫn không thông. Được cái mình không phải đi giang nắng 4 tiếng nên chỉ đen vừa thôi.

Nhà hai anh em sinh đôi, Bắc kỳ này ở ngay đường Phạm Hồng Thái, nối liền Nguyễn Trãi và đường Hùng Vương. Từ nhà bà Hai đến đây cho độ 100 mét, đi băng qua cái cầu có suối Cam ly chảy từ Chi Lăng về, ra hồ Xuân Hương. Có dạo nước lụt làm trôi cuốn theo mấy bao thuốc sâu của nhà vườn ở khu vực này, làm cá ở hồ Xuân Hương chết, nổi lên mặt hồ, thiên hạ đi vớt về ăn mệt thở cả thuốc sâu.

Mình và thằng em kế, chơi bắn súng với hai anh tên này trên ngọn đồi gần nhà có thông cao vời vợi. Mãi chơi quên vụ ông bà cụ ở nhà bà Hai. Cuối cùng hai anh em Phi Long về nhà ăn cơm chiều. Mình và thằng em mới chạy lại nhà ông bà Hai. Bố mẹ mình đã về. Hai anh em chạy bộ về Hai Bà Trưng khi trời tối. Lại phải đi ngang am Sohier, chim dế run như điên, khấn thần, khấn cô 7, khấn Phật đủ trò. Đến nhà thì mấy đứa em, kêu ba má đi qua nhà hàng xóm, chút về sẽ lì xì trận đòn mở hàng phong long đầu năm.

Mình lo lo cái bụng nhưng may là ông cụ đi đánh bài nên bà cụ sẽ lãnh nhiệm vụ lì-xì trận đòn đầu năm. Khi bà cụ về, kêu leo lên giường, nằm xuống, rồi kêu mấy đứa em lấy cái chổi lông gà treo trên tường xuống như lấy bảo vật gia đình. Mấy đứa em thì thường ngày hay bị mình khệnh nên hăng hái, đi lấy cái chổi lông gà để lập công cách mạng như dân CM30. Người lớn có cái tật hay trêu trẻ con. Bà cụ cứ nhịp nhịp cái chổi lông gà trên Mông mình như tra tấn tinh thần, chắc bị ảnh hưởng những ngày ở tù, bị mật thám tây bắt và tra tấn rồi nói, dạy bảo. Mình sợ đòn nên cứ mếu rồi nói dạ chừa, dạ chừa đủ trò.

Như người câu cá, cứ nhấp nhấp cái phao rồi bà cụ quất một cái đau điếng. Trong đầu mình bổng loé lên một tia sáng, tư duy cách mạng. Trong sách giáo khoa, có câu chuyện một ông tàu. Một hôm, mẹ đánh ông ta khóc như cha chết mẹ trối. Bà mẹ ngạc nhiên hỏi tại sao mọi lần mẹ đánh, con lì lợm, không khóc. Sao hôm này, bị đánh con lại khóc. Ông này khóc như Lưu Bị, kêu khi xưa mẹ đánh đau con nên không khóc, nay mẹ đánh không đau nên con nghĩ mẹ mình nay đã già, mẹ con sắp xa lìa, buồn nên khóc.

Thế là mình bắt chước ông tàu, khóc như Tố Hữu khóc ông Xít ta Lin chết, thương cha thương 1, thương ông thương 10, để nghe mẹ mình hỏi câu của bà già tàu khi xưa. Ai ngờ, mình khóc thì mẹ mình kêu: Khóc hả rồi khệnh thêm mấy cái roi chổi lông gà đau điếng. Từ đó mình cạch đến già không dám làm người con có hiếu hay thập nhị ngũ hiếu thời đại. Không muốn làm người con hiếu thảo thứ 25.

May quá khi xưa, không có hàng bán trên mạng nếu không thì chắc bố mình gửi mua cả tá hàng tháng. Kinh

Sau này, mới hiểu ông cụ đi đánh bài nướng hết tháng lương Tết trước ngày 30. Cũng tội ông cụ, lương công chức ít, ông cụ muốn có thêm tiền cho vợ con ăn Tết, vui Xuân. Ăn tất niên trong sở xong thì có mấy người rủ xây sòng nên ông cụ tham gia, hy vọng kiếm chút tiền, mua áo quần mới cho vợ con, mua chả thủ, bia rượu cúng ông bà 3 ngày tết. Ai ngờ thần tài không gõ cửa nên nướng sạch tháng lương khiến bà cụ nổi điên, lấy mình làm thớt để đánh hả giận ông cụ. Chán Mớ Đời 

 (Còn tiếp)

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 




Hàng xóm không quen

 Hôm nay, mình nhận tin nhắn chúc mừng giáng sinh, nhưng không biết là ai. Theo phép lịch sự, mình nhắn lại cảm ơn và cầu chúc gia đình chị ấy được nhiều sức khoẻ. Lại được hồi âm, kêu em nhỏ tuổi hơn chị Thuỷ, cô em kế mình. Đoán là chắc quen thân gia đình mình vì biết đến cô em kế của mình ở bên Tây. Nên hỏi tiếp mới khám ra một chị hàng hàng xóm, ở cư xá Địa Dư khi xưa, có bà mẹ bán bánh căng.

Mình nói, chỉ nhớ khi xưa xóm này có một bà bán bắp nướng. Chị ta kêu cũng là bà đó, khiến mình suy nghĩ khá nhiều, moi óc trí nhớ mình để xem có ai bán bánh căng khi xưa tại đây. Hoá ra, trước 75 thì bán bắp nướng, thơm dứa cắt từng miếng, rồi sau 75 thì bán bánh căng mà mấy cô em mình là khách hàng quen. Cứ kéo nhau xuống đây ăn chịu, rồi mẹ mình trả sau, kiểu khi xưa mình hay ăn ghi sổ ngoài chợ. Mình chưa có dịp ăn bánh căn của mẹ chị ấy. 

Khi xưa, công chức có đồng lương cố định nên nhiều bà vợ, phải buôn bán thêm. Xóm mình có Bà Ron đi bán thêm ngoài chợ, bà Phúc gánh nồi bún bò đi bán thêm mỗi sáng, chỉ tiếc mình không có tiền để mua ăn. Dì Tân, con bà Dụ cũng mở cái quán nhỏ trước nhà để bán tạp hoá, kiếm thêm chút tiền nuôi con. Mình đoán bà Chí cũng tương tự, chiều chiều, ra ngồi trước cư xá, ngay chỗ con hẻm đi qua Phan đình Phùng, bán bắp nướng. Mình cũng không có tiền để mua ăn nên chỉ nhớ mại mại, có thấy một bà bán bắp nướng.

Chị này cũng tốt bụng, chắc nhờ ăn bánh căn của mẹ khi xưa. Đọc bài mình viết về Đà Lạt, lên nhà mình chụp hình để gửi cho mình xem, đỡ nhớ nhà. Lâu lâu có gì lạ thì cho biết. Chị hứa khi mình về Đà Lạt, sẽ lên nhà đổ cho ăn bánh căng gia truyền của gia đình. 

Ảnh chị ta chụp trong sân nhà mình. Thấy hoa bà cụ trồng.

Mình có một cô hàng xóm xa xa một tị, cũng không biết nhau khi xưa, con Cò Đào, ở xóm hai ông thần Sơn Tánh, thợ may khi xưa. Chị này, khi mình đi tây chắc còn bận quần thủng đáy. Cũng tìm tin tức về Đà Lạt xưa, để gửi cho mình đọc. Họ biết mình thích hóng chuyện nên có gì là lạ về Đà Lạt xưa thì gửi cho mình. Còn chuyện ngày nay thì mình chịu.

Có nhiều người đọc bài của mình, lại biết mẹ mình nên hay gặp mẹ mình trò chuyện, giúp bà cụ có chuyện để nói, bớt nổi cô đơn khi về già. Bố mình đã ra đi, bạn bè, người quen cũng lần lượt ra đi, để lại cỏi trống vắng trong đời. Mình đi tây, gần 20 năm mới trở lại Đà Lạt nên bà cụ nhớ nhiều. Thích nói chuyện với mình để kể chuyện ai đó, nhắc đến mình.

Từ ngày, có hai ông thần làm bờ lốc cho mình thì làm quen người Đà Lạt khá nhiều. Họ gửi hình Đà Lạt xưa hay kể những mẫu chuyện ngày xưa tại Đà Lạt ra sao. Ai chết vì tình, ai chết vì yêu gái Đà Lạt, đủ trò. Nghe họ kể thì mình thất kinh vì không biết đến mấy chuyện này. Chuyện trong xóm thì nhớ còn chuyện ở ngoài phố hay phường khác thì chịu.

Mình nhớ nhất câu chuyện, một cô gái chết đuối ở hồ Xuân Hương. Có một cặp trai gái yêu nhau, thề non hẹn biển nhưng bố mẹ cô nàng không chịu. Kêu tên này không đàng hoàng, cứ ham chơi, chi đó. Thế là hai anh chị họp khẩn, đề suất một kiến nghị và cả hai nhất trí là tìm cái chết, lấy nhau ở suối vàng như Romeo và Juliet Đà Lạt. Để lại tuyệt mạng thư, xin hãy chôn chúng con gần nhau trên đồi thông để các cặp trai gái yêu nhau sau này lên Đồi Thông hai mộ, để đắp mộ cuộc tình sớm nắng chiều mưa. Sau đó, cả hai ra bờ hồ, đứng trên cầu chữ Y, hôn nhau lần cuối rồi nắm tay nhau nhảy cái đùng xuống hồ.

Cái khốn nạn là tên con trai, thề non hẹn biển nhưng lại biết bơi. Nên khi nhảy xuống hồ thì hắn theo thói quen bơi trốn qua bên kia bờ trong khi cô gái như cơn mưa phùn của Đức Huy, từ từ chìm theo cuộc tình. Tên con trai bơi qua Thuỷ Tạ, leo lên bờ, sợ quá, đi xe đò về Sàigòn. Mấy ngày sau, cảnh sát còng đầu ở Sàigòn, giải về Đà Lạt. Từ đó con trai Đà Lạt mang tiếng là hứa lèo nên mình bỏ đi Tây để khỏi mang tiếng ác. Chán Mớ Đời 

Hình chị hàng xóm gửi, chỗ Ấp Ánh Sáng, họ giải toả để xây nhà nhưng mới được phần bên của con đường Ấp Ánh Sáng. Trong khi chờ đợi, mua khu bên kia thì họ cho trồng hoa cho thiên hạ chụp hình.

Có mấy người Đà Lạt xưa, tính tổ chức, gặp mặt ngày mai, ăn bún bò. Con gái mình từ Nữu Ước về ăn giáng sinh với gia đình, kêu chắc dính covid. Hôm qua, nó bảo kết quả thử nghiệm là dương tính nên mình báo cho họ, hẹn khi khác. Giáng sinh năm ni sao thấy lạ. Con gái về, thường thấy nó vui, kể chuyện đủ trò, nay nằm trong phòng xem phim. Thằng con theo mình lên vườn, hái bơ cho cô cháu bán kiếm tiền ăn Giáng Sinh. 

Đồng chí gái thì bệnh, ăn uống không đủ chất bổ nên chở đi bệnh viện xem. Bác sĩ kêu thiếu Sodium và Potassium nên chóng mặt. Về nhà mình phải bồi dưỡng thức ăn. Mấy hôm nay ngủ được nên cũng mừng. Đồng chí gái bắt đầu tập Trạm Trang Công và thở nên thấy đỡ. Ngủ tương đối khá hơn trước. Mình nói tập Hồng Gia và Trạm Trang Công, không chịu vì lãnh đạo lúc nào cũng quang vinh, vĩ đại, không thể nghe thằng chồng nông dân. Đau quá, phải nghe nên bắt mình tập chung thì đỡ. Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời vợ lớn mà nghe lời chồng.

Dạo này, mình đang lo bán mấy căn nhà ở xa, lái xe cả tiếng để mua mấy căn hộ gần nhà mình, nên cũng lu bu, không nấu ăn cho vợ. Vợ làm việc ở nhà nên không nấu cơm được. Mới bán được vài căn ở xa để mua vài căn hộ khác thuộc thành phố mình ở. Đang truyền nghề cho thằng con.

Tuần trước, có hẹn với một cặp vợ chồng mỹ trên Torrance, họ bán 4 căn hộ thuộc vùng Rent Control nên mình không thích lắm nhưng họ có thể cho vay lại. Dẫn thằng con theo để họ nghề thương lượng. Mình kêu nó đem theo hồ sơ tất cả mấy căn nhà mình mua, do chủ nhà vay lại để đưa cho chủ nhà xem làm bằng chứng. Người già, họ rất cẩn thận nên phải rò trước những lo âu của họ.

Mình đoán là chủ nhà cần tiền để làm gì đó. Họ không có con cái. Họ muốn bán lấy tiền rồi đóng thuế cho khoẻ việc đời. Chắc sức khoẻ không khá vì mình thấy bà vợ, người quyết định, bố mẹ để lại, khuôn mặt không thấy khoẻ lắm. Khu này cho mướn mỗi căn hộ giá $1,750/ tháng mà họ chỉ cho thuê $650/ tháng. Chắc họ không lên tiền nhà từ 20 năm nay. Cuối cùng thì họ bán cho ai trả tiền liền, dù phải đóng thuế. Không có duyên mua thì đành chịu nhưng thằng con cũng học được chút gì.

Dạo này mưa đầu mùa nên phải lên vườn xem có hư hại gì không. Nên cũng bận. Mỗi ngày lên vườn đi bộ tối thiểu 4 dặm, để chuẩn bị leo núi Machu Pichu 7 ngày 6 đêm tại Peru trong 4 tháng tới rồi Đỉnh Whitney mà năm ngoái mình không thực hiện được vì họ đóng cửa các công viên tại Cali phòng cháy rừng.

Tối qua, mình nấu tôm hùm và cá hồi, cả nhà ngồi 4 góc bàn lớn để ăn giáng sinh. Uống champagne, sau đó hát karaoke, khá vui. Sau những giờ phút căng thẳng vì con gái dính covid. Hôm qua, 3 cha con đi bộ 4 dậm, che dù dưới mưa. Đi dưới mưa Cali, lại nhớ mưa Đà Lạt.

Đầu năm, chúc các anh chị cùng gia quyến được nhiều sức khoẻ.

Nguyễn Hoàng Sơn 

ADU, SB 9, và SB 10

Đầu năm nay 2022, hai đạo luật về địa ốc SB 9 và SB 10 sẽ bắt đầu hiệu lực. Hai đạo luật tiểu bang này được thông qua nhằm cải tiến tình trạng khan hiếm nhà cửa tại California. Dân số lên đến gần 40 triệu người, thường được tập trung tại miền bắc xung quanh San Francisco và miền nam xung quanh Los Angeles. Còn miền trung Cali thì chỉ ruộng và ruộng, ít dân cư. 

Theo thống kê, tiểu bang Cali cần tối thiểu thêm 3.5 triệu căn hộ và 2 đạo luật SB 9 và SB 10, sẽ giúp Cali có thêm 3.5 triệu căn hộ trong vườn 4 năm tới. Hơi hoang đường nhưng khiến mình thích nên tính đi làm nghề vẽ và xây nhà lại.

Theo thống kê thì năm 2020, vùng Los Angeles có đến 65,000 người vô gia cư. Hôm qua, mình ghé lại Bolsa để mua cháo cho vợ. Xe vừa vào bãi đậu xe, phía sau thấy số người vô gia cư gia tăng khá nhiều. Khi xưa, thấy một hay hai người, nay đông hơn quân Nguyên. Cho thấy, vụ đại dịch đã làm nhiều người mất nhà.

Theo mình hiểu việc khan hiếm nhà cửa tại tiểu bang Cali vì luật lệ xây cất năm 2000. Từ khi tiểu bang chuyển hướng chính trị, bầu cho đảng Dân Chủ. Luật lệ bắt buộc phải đóng tiền đủ thứ để bảo vệ môi trường,..khiến xây cất rất mất công, mất thời gian khiến nhà cửa lên giá như điên. Mình nhớ xây căn nhà 2 tầng, 4 phòng ngủ 3 phòng tắm, ga-ra 2 xe chỉ mất có 6 tuần lễ trong khi thủ tục giấy tờ phải mất đến 7 tháng trời. Từ đó, mình bỏ nghề xây nhà cửa vì lâu lắc. Mượn tiền để xây nhà mà chúng bắt phải đợi cả năm thì chết.

Giá xây nhà ở Cali đắt gấp 3 lần các tiểu bang khác.

Thật ra, các luật mới về xây cất, giúp kỹ thuật xây dựng tốt hơn, nhà cửa sẽ bảo đảm khi bị động đất,… vấn đề là các thủ tục hành chánh gây thêm phiền phức, mất thời gian. Mình đi Seminar, gặp mấy ông giám đốc than trời. Họ muốn đầu tư, xây công ty, mướn thợ, tạo thêm công ăn việc làm cho một thành phố Moreno Valley lên đến 40,000 công việc. Vấn đề thành phố, không cho phép. Bắt phải mướn một chuyên gia về môi trường xem xét có loại kangooroo chuột chi đó hay cắc kè,… một loại thú hoang mà không ai biết hay nghe đến bao giờ.

Các nhà đầu tư, mua đất để xây nhà, chi phí quá cao nên khi bán thì chỉ có dân trung lưu , có chút tiền mới mua được. Còn dân nghèo thì đành chịu, đi thuê chung cư. Luật xây cất, công nhân lao động, bắt buộc đủ trò khiến tiền lệ phí giấy tờ lên đến 15-20% tổng số xây cất nhà cửa.

Vấn đề này đưa đến vấn nạn khác là họ phải mua các khu đất ở gần rừng, giá rẻ, đất hoang để phát triển, gây nhiều vấn đề về hoả hoạn, cháy rừng tại Cali.

Từ 20 năm qua, Cali không thấy xây cất chung cư hay nhà cửa cho dân nghèo. Khó làm! Ai cũng hiểu vấn đề nhưng không nói ra. Trước năm 2000, mình xin phép xây cất, ngay tại chỗ. Chỉ vào thành phố, đem bản vẽ rồi tên kỹ sư của thành phố, xét rồi đóng dấu. Nếu sai nhiều thì hắn kêu về sữa lại rồi hẹn ngày khác.

Nay thành phố, sợ bị thưa kiện nên giao cho mấy công ty kỹ sư tư nhân để họ xét duyệt. Bọn này thì mình không gặp mặt được, cứ viết thư kêu sửa cái này, cái kia để câu thêm giờ, kiếm thêm chút tiền. Thủ tục xin giấy phép kéo dài, mất thời gian. Tốn thêm tiền vì thành phố ở giữa kiếm chút tiền, làm thủ tục đưa cho kỹ sư tư nhân xem xét hồ sơ.

Khi ông Trump lên thì có ra chương trình Opportunity Zone, hầu giúp tái thiết lại các khu phố cổ nhân đụng phải các luật lệ xây dựng mới của tiểu bang và địa phương nên cũng ngọng.

Để giải thích thêm vụ khan hiếm nhà cửa tại Cali. Khác với các tiểu bang khác, Cali được xây dựng, phát triển sau đệ nhị thế chiến thứ 2. Dạo ấy, xe hơi được xem là phương tiện, giải phóng con người. Ở các tiểu bang khác, đi đâu phải leo lên xe buýt, xe Tram, xe lửa hay máy bay. Hệ thống hạ tầng cơ sở khá ổn định.

Ở Cali, các công ty bán xe hơi khuyến khích mua xe hơi, để được tự do nên các thành phố, hạ tầng cơ sở, kiến thiết đô thị được dựa trên việc di chuyển xe hơi. Đi các tiểu bang khác thì chạy xe trên xa lộ cả tiếng đồng hồ không thấy một bóng con bò. Cali trở thành biểu tượng của người Mỹ, vùng đất hứa nên ai nấy cũng dọn về đây ở, nhất là vùng Silicon Valley, khởi đầu cuộc cách mạng công nghệ điện toán.

Xa lộ Cali được xây đến 5, 6 làn mà vẫn chật cứng. Thiên hạ dọn về đây ở vì khí hậu và công việc. Tiểu bang lại khuyến khích xây nhà cửa, biệt thự nên cần đất. Trước đây ở Los Angeles, mỗi miếng đất là 3,000 sq.ft., xây một căn hộ 2 phòng ngủ 1 phòng tắm. Không cần ga ra, chỉ cần có chỗ đậu cho một chiếc xe.

Nay xây nhà phải có ga-ra 2 xe và chỗ đậu cho ít nhất hai chiếc xe khác. 5 năm gần đây, mình thấy người ta xây các chung cư nhiều hơn là nhà. Trong các thành phố, họ đập phá hay sử dụng các khu kỹ nghệ để làm chung cư.

Cách đây 2 năm, luật ADU ra đời nhằm giải quyết vấn nạn nhà cửa ở Cali. Đạo luật này cho phép chúng ta xây trong lô đất của mình thêm 1 ADU (accessory Dwelling Unit), một căn hộ khác và 1 JADU (junior accessory dwelling unit), hoán đổi ga-ra thành căn hộ nhỏ. Luật ADU bổng nhiên biến vùng đất Cali từ 1 căn hộ thành khu có thể xây 3 căn hộ trong một đêm. Luật này ra đời cũng khiến dân Cali nức nở nhưng vẫn gặp phải vấn đề thủ tục hành chánh. Người dân đi xin phép xây cất thì bị chính quyền địa phương, thành phố bác đơn xin xây thêm ADU. Thế là ngọng. Một ông thầu khoán kể là khách hàng ở thành phố Thousand Oaks, xin xây thêm ADU nhưng bị bác đơn hết.

Từ đó họ mới cho ra luật SB 9 và SB 10. SB 10 giúp các thành phố có thể thay đổi các vùng lại để gia tăng các căn hộ. Điển hình là các thành phố bắt mỗi lô đất phải 10,000 sqft. Họ có thể bớt lại sự đòi hỏi.

SB 9 thì cho phép chúng ta có thể chia lô đất đang ở thành 2. Và có thể xây 2 căn hộ. Xem như từ 1 căn nhà, chúng ta có thể biến thành 4 căn. Cái hay là họ không đòi hỏi phải thêm chỗ đậu xe, nhất là ga-ra. Trước đây, trung bình 1 căn nhà 3,4 phòng ngủ thì tiêu chuẩn ga-ra 2 xe. 5 phòng thì 3 xe nên tốn tiền. Nay chỉ cần từ nhà đến bến đậu xe buýt chỉ cần không quá nữa dậm là không cần phải có chỗ đậu xe hay ga-ra.

Vấn đề sẽ xẩy ra là trong các khu dân cư sẽ có vấn đề đậu xe. Ngày nay, vào các khu dân cư bình dân là thấy xe đậu đầy nhất là vụ đại dịch, thiên hạ học hay làm việc ở nhà. Ban ngày đã không có chỗ đậu xe. Đêm về là một vấn đề hay sáng nào mà thành phố cho xe đi quét đường.

Dạo này, mình dự seminar và đọc tài liệu về ADU và SB 9, 10 khá nhiều để có cái nhìn rõ ràng hơn.

SB 9 biến các lô đất tại Cali thành vùng R-2. Chủ nhà có thể chia lô đất của mình ra làm 2, không dưới 1,200 sqft. Hai lô đất bằng nhau hay 40% của lô rộng nhất. Thành phố có thể đòi hỏi thêm một chỗ đậu xe.

SB 9 không áp dụng vào các chương trình đập phá hay sửa chửa các chung cư dành cho người nghèo. Hay những công trình cần phải phá đập hơn 25% hay những nhà nằm trong khu phố cổ, lịch sử. Mình có sửa chửa một căn nhà trong phố lịch sử. Mệt lắm.

SB 9 cho thấy nhiều vấn đề sẽ xẩy ra: chỗ đậu xe, an ninh cho dân cư vì càng đông thì khó kiểm soát, đưa đến trộm cướp phạm pháp. SB 9 xem như đã xoá sổ các vùng dân cư biệt thự.

Xem hình giữa nhà cửa hiện nay, biệt thự. Người ta có thể chia ra làm hai, gọi là Duplex, rồi thêm JADU, thêm một ADU (bên phải) hay chia ra làm hai, thành 2 duplex mỗi lô và thêm mỗi lô một JADU. Xem như 6 căn hộ.

Đây là bản vẽ cho ADU được xây mới. 1 phòng ngủ, 1 phòng tắm.
Bản vẽ hoán dổi ga-ra 2 xe thành căn hộ, 1 phòng ngủ và 1 phòng tắm.
Bản vẽ hoán chuyển ga-ra 2 xe trên lầu. Xem như vẫn giữ 2 xe đậu trong ga-ra.

Xem về tài chánh, có nên làm hay không? (Còn tiếp)

Nguyễn Hoàng Sơn 

Giấc mơ Hoa Kỳ của em

 Hôm qua, mình đi gặp chủ nhà bán 4 căn hộ tại thành phố Torrance gần biển và mình đề nghị cho vay lại. Mình lấy cuốn sổ ghi mấy căn nhà mua được chủ cho vay lại để đưa cho chủ nhà xem. Mình da vàng, họ đâu biết mình nên cần giới thiệu họ những căn nhà mình đã mua và chủ cho vay lại thay vì mượn tiền ngân hàng. Hôm nay, sẽ gặp bà vợ, người có quyết định, hy vọng sẽ mua được. Thiên hạ thấy nhà bị móng nức thì sợ, ngân hàng không cho vay nên hy vọng mình sẽ mua được.

Bổng thấy bài báo cũ của tờ báo lớn nhất Quận Cam, Orange County Register 20 năm trước, viết về giấc mơ của mình. Cuộc đời mình thì không muốn dây dưa với người đời nhưng cứ hay bị lôi ra ánh sáng. Mình làm vườn, trồng bơ yên thú về hưu, trong vườn chỉ thấy sóc và coyote. Lâu lâu đài truyền hình, thiếu người, nhờ mình lên đài nói về tài chánh. Lên đài, có người kêu mình bận đồ xấu. Làm vườn thì có bận đồ đẹp thì vẫn là tên làm vườn, gốc bần cố nông. Mình lục ra bộ đồ $12 mua chợ trời 35 năm về trước vì bà bầu sô truyền hình, kêu phải bận đồ cho sạch sẽ một tí. Giày thì mượn của thằng con. Chán Mớ Đời 

Khi xưa, ở Thuỵ Sĩ, Ý Đại Lợi, cũng có báo chí địa phương phỏng vấn đăng hình vì đoạt mấy giải về nghệ thuật vớ vẩn trong thành phố. Sau này, lấy vợ, mình bỏ ba vụ này, lo làm ăn, làm nghề thầu khoán, vẽ nhà xây cho thiên hạ. Đồng chí gái định hướng kinh tế thị trường là trên hết. Sau chán xây nhà làm vườn bơ khỏe đời. Mai có người đến vườn để xem vì muốn mua cây nhà  nếu bán thì sẽ giả từ đời nông dân, vác ba lô đi chơi.

Cách đây, gần 20 năm, năm 2002. Mình ở thành phố Westminster, mấy đứa con đi học trường tư ở lớp mẫu giáo nên kiếm nhà ở vùng Villa Park hay Orange Hills để khỏi phải trả tiền trường tư cho mấy đứa nhỏ. Khu Việt Nam ở đông thì có học sinh giỏi nhưng cũng có một số băng đảng, bắn nhau như xi-nê Hongkong. Mình có khách hàng trẻ, vào quán cà phê, bị bắn không chết, liệt toàn thân từ cổ xuống chân. Ra toà, được trả 2 triệu. Mình làm một cái annuity trong vòng 20 năm. Chắc nay đã qua đời.

Anh chàng này kể vui lắm. 2 triệu thời đó là nhiều, độ 6 triệu ngày nay. Lúc bị bắn thì anh chị trong nhà chửi bú xua la mua, không thèm nhìn. Bạn gái cũng như con chim đa đa vội vàng bay xa. Đến khi toà phán bảo hiểm đền 2 triệu thì bạn gái bu lại, anh chị trong nhà xúm lại, yêu thương chân tình. Mượn tiền mua nhà bú xua la mua. May mình thành lập annuity chớ đưa nguyên 2 triệu thì bay hết.

Thấy vụ này nên mình muốn dọn về khu mỹ trắng, hơi an ninh một chút. Ai ngờ khu mỹ trắng thì cũng có tệ nạn khác. 30% học sinh trung học, chơi sì ke. Trời thương nên con mình cũng gặp bạn tốt nên qua khỏi. 

Mình thì thích Villa Park nhưng mụ vợ không chịu, kêu toàn dân già không. Số mình không được ở khu nhà giàu, sang trọng. Có mấy tên muốn bán nhà cho mình trong khu này, và cho vay lại nhưng mụ vợ nhất định không chịu. Thôi thì theo vợ cho yên bình, gia đạo yên vui. Sau này mụ lại nghe ai kêu Villa Park nhưng quá trễ  khi xưa họ rai bán cho mình độ $900,000 nay thì $3,000,000. Số không giàu thì chịu  mụ vợ nghe lời mình thì khỏe rồi nhưng tổng bí thư kêu không thì đành Chán Mớ Đời  

Một hôm, đọc báo thấy có bán một căn nhà giá $369,000, chủ cho vay lại, chỉ đặt cọc có $3,000. Tò mò mình gọi hỏi thì tên chủ nhà, hẹn gặp tại căn nhà. Đến nơi thì mình thất kinh vì căn nhà te tua. Số là có 3 căn nằm xát bên nhau. Chủ thầu xây dối, không nện đất cho kỹ nên móng nhà bị lún. Kiện nhau ra toà, chủ nhà vớt tiền nhưng không sửa chửa, cho mướn. Sinh viên mướn nên phá te tua, ăn uống nhảy đầm cả tuần. Hàng xóm chửi trời.

Tên chủ buồn đời bán lại cho một tên đầu tư khác. Tên này đăng báo kiếm người ngây thơ như mình đến mua. Khu nhà thì giá trị độ $500,000 nhưng hắn bán $369,000. Mình tính bỏ thêm $50,000 để sửa chửa lại thì bán có thể lời độ 70,000. Nên đưa hắn $3,000 làm giấy tờ mượn $366,000. Xem như đặt cọc 1% thay vì 20% như thông lệ. 

Mình kêu kỹ sư địa chất đến rồi tìm phương án để nâng phần móng nhà bị lún. Cuối cùng mình chọn cách đóng cọc xuống rồi từ từ nâng cái móng bị lún lên. Giúp cân bằng lại. Sau đó thì cho thay cửa sổ, cửa cũ lại hết, sơn phết hoành tráng. Tính để bán. Mụ vợ đi làm gần đó, trưa ghé lại kêu dọn về đây ở. Thế là mộng lời $70,000 của mình bay theo con chim đa đa.

Nền nhà bị lún một bên. Mình dùng mấy cọc sắt nện bằng máy xuống đất đến khi không thể xuống nữa, lót miếng sắt dưới móng nhà, rồi từ từ đội lên cho bằng toàn diện căn nhà.

Ngày gần dọn thì mụ vợ cứ khóc, kêu thương cái nhà đang ở. Mình nói nhà này cuối tháng, người mướn nhà sẽ dọn vô nhưng mụ vợ cứ khóc. Mình nói thôi để cho thuê căn nhà mới ở lại đây cũng được. Mình thích vụ này hơn vì căn kia tốn tiền gấp hai. Cuối cùng thì mụ vợ phải gạt nước mắt mùa thu để dọn nhà.

Lấy tấm thép lót dưới cái móng nhà rồi đội lên từ từ đến khi nào nguyên căn nhà được phẳng hết. Mình làm mấy cọc này gần như xung quanh nhà.

Về đây thì mình đi xin cây cỏ của tên thợ cắt cỏ. Chủ nhà kêu nhổ mấy cây cỏ đẹp thì hắn đem lại cho mình để trồng. Mới dọn về mình thất kinh. Lý do là cái phòng đựng quần áo cho mụ vợ, to hơn cái phòng ô-sin của mình ở tại Paris. Thời sinh viên bên Tây.

Tên nhà báo kêu hai vợ chồng đứng tạo dáng, cười như điên. Tấm thảm, mình xin của khách hàng đem về lót đẹp như tây. Chán Mớ Đời 

Hàng xóm, bu lại, khen mụ vợ đủ thứ. Họ cảm ơn mình đủ trò. Kêu là căn nhà này là cái gai trong mắt của dân khu này. Nhà thuê nên không chăm sóc, trồng hoa như hàng xóm, cây cối um tùm. 

Một hôm, bà hàng xóm, gõ cửa, dẫn theo ông mỹ nào. Giới thiệu là nhà báo Nick Harder của nhật báo Orange COunty Register. Hắn muốn phỏng vấn mình về sửa chửa lại căn nhà bị lún,… mình thì tình ngay, giải thích cách sửa chửa thôi. Ai ngờ ông thần này về viết bài báo, kêu giấc mơ Hoa Kỳ của tên an-nam-mít bú xua la mua. Thiên hạ quen gọi điện thoại, kêu đủ trò.

Chúng chụp hình mấy bức màn đồng chí gái may treo. Lên hình thấy cũng hoành tráng lắm. Đồng chí gái có cái hay là biết may, quần áo, màn cửa gì khi xưa đều may cả. Chỉ có khi về căn nhà đang ở hiện tại thì mụ vợ đâm lười, kêu thiên hạ làm. Chán Mớ Đời 

Được cái là sau đó, mấy người có nhà bị lún, đọc báo kêu mình tới tấp, sửa chửa nhà cho họ mệt thở. Từ đó, mình trở thành chuyên gia sửa chửa nhà lún. Ở Quận Cam này, nhất là các vùng gần biển, đất cát nên hay bị nức xi-măng, đủ trò. Mình đi mua nhà bị nức rẻ, rồi sửa chửa lại cho thuê. 

Ở đây được 10 năm thì mụ vợ chán, muốn đổi nhà. May mình tìm được căn khác chỉ cách căn này đâu 4 cây số. Cho thuê căn này. Số trời cho mình giữ căn này.

4 căn hộ mà mình đang thương lượng để mua, sẽ đứng tên hai đứa con, tập cho chúng quản lý nhà cho thuê luôn tiện trừ thuế. Cũng lâm vào tình trạng này. Móng bị nức, ngân hàng không cho vay, nên họ phải cho vay lại, mình mua. Xong om.

Mới đó mà đã trên 20 năm. Kinh. Căn nhà này mình cho thuê mỗi tháng $5,000. Giá trị thì nhân gấp 4 lần giá mua khi xưa. Mình đang bán mấy căn nhà ở vùng xa xôi để mua mấy căn gần, ở những thành phố ít ăn trộm. Xong vụ này, mình sẽ tái tài trợ lại mấy căn nhà này để mua thêm nhà cho thuê cho mấy đứa con. Từ từ mình chuyển qua cho chúng rồi đi chơi với mụ vợ đến khi không còn lết nữa. Xong om

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo giang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 



Phố người Việt đầu tiên tại Đà Lạt

 Từ khi bắt đầu xem hình ảnh Đà Lạt xưa, có một khu vực, mình không thể hình dung được. Cứ thắc mắc hoài, không hiểu tại sao lại biến mất. Xem phong cảnh xung quanh thì biết nằm ngay hồ Xuân Hương ngày nay. Tò mò, mình tìm tài liệu đọc thì mới được khám phá là khu phố người Việt mà tây gọi là khu thổ dân (indigènes) này bị trận bão lụt ngày 4 tháng 5 năm 1932, đã cuốn trôi đi. Sau đó, chính quyền thực dân đã dời khu dân cư người Việt lên khu Hoà Bình ngày nay. Mặc dù khu này cũng như các khu đồi ở Đà Lạt, đều được dành cho người Pháp hay âu châu. Mình sẽ tải hình dưới đây để giải thích.

Có anh bạn cho biết là gia đình ông ngoại anh ta là 1 trong 100 gia đình đầu tiên được người Pháp cho đến lập nghiệp tại Đà Lạt. Nhờ ông ngoại đi lính cho Tây, sang đánh giặc ở trời Âu, sống sót trở về nên được thưởng công. Cho lên Đà Lạt lập nghiệp. Mình đoán là gia đình của anh ta lập cư tại khu vực này trước khi dọn về đường Hai Bà Trưng. Khu vực đường Phan Đình Phùng, trước kia được gọi đường Cầu Quẹo, vì có chiếc cầu ngay cây xăng Ngã Ba Chùa, chỗ lên ấp Mỹ Lộc, có một chiếc cầu, có ống cống xi măng, gần nhà Nguyễn Đắc Hớn, bán phân cá.


Hình trên, theo mình đoán là được chụp từ khách sạn LangBian. Nhìn xuống khu phố người Việt mà ta thấy thấp thoáng cái dốc Ấp Ánh Sáng và đường Thành Thái sau này. Thấy chiếc xe hơi chạy trên con đường, sau này là Trần Quốc Toản, về đường Phạm Ngũ Lão, lên dốc nhà Thờ Con Gà.

This photograph was taken from the Palace Hotel. You can see the first Vietnamese quarter. You can see the street Thanh Thai. You can see a vehicle on the street Tran Quoc Toan toward the Main Church and Pham Ngu Lao street

Nhìn góc độ khác ta thấy chiếc cầu gỗ, bắc ngang con suối Cam Ly chảy khu vực Ấp Ánh sáng sau này. Con đường nhỏ này sẽ dẫn đến cái dốc nhỏ từ Ấp Ánh Sáng lên đường Thành Thái, chỗ góc xi-nê Ngọc Lan sau này.

A closer image showing the wooden bridge, I used to see several like this one in Đà Lạt.the Cam ly river (spring) running through the first Vietnamese quarter

Đây là bản đồ của thành phố Đà Lạt, lúc khởi đầu. Có hai hồ nước. Hồ lớn (Grand lac) và hồ nhỏ (Petit Lac). Hồ lớn để cho người Pháp sử dụng, to lớn, còn hồ nhỏ để giữ nước cho người Việt dùng. Đến khi cái đê của hồ lớn bị vỡ và ngày 4 tháng 5 năm 1932 thì ngập lụt hết khu vực người Việt. Có một đoạn, suối Cam Ly rộng ra, Ấp Ánh Sáng sau này. Cái đê, đập đầu tiên bị vỡ nên họ cho xây Cầu Ông Đạo nơi cái đập thứ nhì. Lúc này thì Thuỷ Tạ chưa được xây, chỉ khi cái đê đầu tiên bị phá mới được thực hiện. 
Khu phố Việt, là dãy nhà được tô màu đỏ, có chợ.
This is an old map showing the Vietnamese quarter near the Grand Lake and Small Lake. The Grand Lake was reserved for French people, Small Lake was for Vietnamese people. When the flood (May 4, 1932) broke the dam, destroyed the Vietnamese area, killed 15 people. Then the French moved the Vietnamese quarter to the Peace area nowadays. The market was painted in red.
Thấy dân xưa, không có guốc mà mang. Bận áo dài thì đoán là người gốc Huế và người Thượng, đeo gù
Old Vietnamese didn’t wear the sandals, wearing the Áo Dai, i think people from Hue and mountaineers carrying their backpack.
Đây khu chợ người Việt, thấy xa xa cái dốc, có thể đó là dốc Lê Đại Hành sau này
The first Vietnamese quarter, you can see the future Le Dai Hanh street

Hình bản đồ này cho thấy rõ hồ lớn, dành cho người Pháp sử dụng còn hồ nhỏ thì mùa khô cạn nước, nhưng mùa mưa thì để hứng nước. Có con đê-đập, chạy từ Thuỷ Tạ (được xây sau này), chạy từ khách sạn LangBian qua bùng binh Đinh Tiên hoàng và Võ Tánh.
Map showing the grand lake, reserved to the French people. You can see the dam, street from LangBian hotel through Đình Tien Hoang Street. THe grenouillere has not been built yet. (Floating restaurant)
Hình chụp cái đê- đập chạy từ khách sạn LangBian qua bùng binh Điên Tiên Hoàng và Võ Tánh. Xa xa trên đồi cao là dinh tỉnh trưởng. Hình con đê và đập từ khách sạn LangBian chạy qua. Chỗ chiếc xe bò, sau này là cây xăng Esso
Picture showing the dam from LangBian hotel to Dien Tien Hoang St and Vo Tanh. You can see the mayor palace on the hill. The location where the the chariot , later was built a gas station Esson
Chụp từ ty Bưu Điện. Hồ nhỏ này mình đoán là hồ dữ trữ, hứng nước mưa từ trên đồi (nhà thờ Con Gà hay Nazareth  chảy xuống. Nhìn kỹ bản vẽ trên sẽ thấy một hồ nhở dài tô bằng màu xanh lơ. Người Pháp gọi Petit Lac, hồ nhỏ.
Picture taken from the Post Office, in front of the main Church

Hình này, chụp cận cảnh, nhìn từ nhà bưu điện, trước mặt nhà thờ Con Gà, nhìn xuống. Ta thấy chiếc cầu khác, bắt ngang con suối Cam Ly. Đặc biệt khi qua chiếc cầu, thấy một dãy phố người Tàu bên tay phải. Sau này mình tìm được mấy tấm ảnh sau đây. Hồ do nước mưa chảy từ nhà thờ Con Gà xuống đọng lại vào mùa mưa. Phía dưới cầu là con suối Cam Ly chảy từ hồ lớn xuống thác Cam Ly.
A close look of the previous picture showing  the wooden bridge, a mini truck running a longthe Cam Ly river. I guess the small lake where it stored the rainwater come down form the hills (church)

Bản đồ cho thấy hạ lưu của suối Cam Ly là khu người Việt, thấy dinh tỉnh trưởng. Con suối từ Đa Thiện, Thung Lũng Tình Yêu, chảy về, nhập với Suối Cam Ly chỗ Abattoir, chảy về Thác Cam LY.
Map showing the Cam Ly river and another river, spring from Love valley, connecting then go to Cam ly falls.
Hình chụp từ đồi khách sạn LangBian, thấy khu nông nghiệp của người Việt, xa xa trên đồi là dinh tỉnh trưởng 
Picture taken from LangBian hotel showing the old Vietnamese quarter that has been destroyed by the flood. Your an see faraway the Mayor Palace
Hình chụp chiếc cầu bắc ngang con suối Cam Ly, bên trái là khu người Việt ở. Trên đồi phía trái là dinh tỉnh trưởng. Chỗ sau này được thay thế bởi cầu Ông Đạo. Chúng ta có thấy chút chút con dốc Lê Đại Hành và căn nhà cua rông Quản Đạo do triều đình Nguyễn cử vào đây để quản lý các người Việt.
Picture take where the latest dam has been built after the flood 5/4/1932 that Dalatois called Ông Dao Bridge
Sơn đen dạo chơi ngày xưa với ngựa. Dãy phố người Việt phía dưới sau này bị phá bỏ sau trận lụt làm thiệt mạng 15 người Việt.
Myself long time ago :)

Tương tự chụp tại khách sạn LangBian. Thấy phu người Việt đang làm việc. Bên phải là con đê-đập chạy từ bên hồ này sang hồ kia, chạy lên Võ Tánh và Đinh Tiên Hoàng. Sau này được phá bỏ để nhập hồ Lớn và hồ nhỏ lại, đỡ tốn tiền xây hai cái đập.
Same location, taken from LangBian hotel
Hình này cho thấy tổng thể khu người Việt sinh sống, sau bị phá huỷ bởi trận bão lụt 4/5/1932

Taken from LangBIan Hotel, you can see the old Vietnamese quarter before th flood.
Thấy hai chiếc cầu bắc ngang suối Cam Ly, nàh cửa người Việt đông đúc tại đây, sau trận bão lụt, được dời lên khu Hoà BÌnh. Chỗ này được lấp nước thành hồ Xuân Hương sau này.
Bản vẽ thiết kế đô thị Đà Lạt lúc đầu, cho thấy khu Hoà Bình, được dành cho người Pháp. Khu vực Phan Đình Phùng và Hai Bà Trưng sau này, nằm thấp nên họ dành cho người Việt (quartier annamite). Sau khi vực người Việt bị trận lụt phá hủ , người Pháp mới dời chợ khu phố người Việt lên trên Khu Hoà Bình sau này.
This map showing the the areas reserved to Vietnamese (quarter Annamite), usually flat. Peace are, was previously reserved for French people, you can see the mayor palace has been built in that area. Due to the flood, French People had to move the Vietnamese to that area.

Một tấm ảnh khác, giúp mình giải mả được những thắc mắc về khu người Việt cũ xưa.
One of the picture helped me to discover what happened to that area.
Điêu tàn sau trận bão lụt 4/5/1932, bị bỏ phế. Chỗ chiếc cầu, được xây lại cầu Ông Đạo
After the flood, houses abandoned.
Khu phố cũ bị ngập lụt, được người Pháp phá bỏ. Flooded zone
Chỗ này là chiếc cầu của người Việt sử dụng. Sau trận lụt thiên người Pháp phá bỏ cái đê chỗ Thuỷ Tạ, để xây cái đập lớn và cầu Ông Đạo tại đây.
This is the bridge where they would build the latest dam and road which called Ong Dao bridge later 
Hình này cho thấy họ xây nhà hai tầng bằng gỗ, tầng trệt để buôn bán còn tầng trên để ngủ. Phía sau là bếp. Có mấy tấm gỗ để đóng cửa tiệm mà mình hay thấy khi xưa tại Đà Lạt trước khi các cửa sắt ra đời.
Chinese stores have been built there. First floor for store and living area upstairs

Cửa tiệm bán tạp hoá, nồi chảo, thấy vui, mấy cây chổi được gắn nào là chổi chà, chổi lông gà,…

Hình này cho tấy mấy tấm gỗ dùng để đóng cửa tiệm mà mình  hay thấy khi xưa ở các cửa tiệm tại Đà Lạt.

You can see the wooden shutters used to close the stores in the evening. I saw a lot of those when i was kid until they made the iron shutters.

Hình này chú thích Lò Gạch nên mình đoán là trong Hoàng Diệu. Khi xưa, Đà Lạt hay bị lụt chỗ abatoir vì sau chỗ này là đường Hoàng Diệu mà người Đà Lạt xưa hay gọi khu Lò Gạch nơi có cái lò gạch để làm gạch cho việc xây cất các nhà cửa Đà Lạt.
Flood showing the area called LO Gach, Hoang Diệu street later. Where they have a brick oven to make bricks.

Hình này, mình thấy đâu không nhớ nhưng đề ngày 4 tháng 5 năm 1932. Cái đê chắn hồ lớn bị vỡ nên ngập hết khu người Việt ở. Mình đoán là chụp từ trên đường Trương Vĩnh Ký. Thấy nhà ông Quản Đạo bên tay trái. Nhờ tấm ảnh này mới giải mả được những thắc mắc của mình trước đây về khu phố người Việt đầu tiên tại Đà Lạt.

Ai có nhận xét gì mà thấy em sai thì cho em biết. Em mò mò để tìm lại dấu chân của thế hệ trước mình đi. Nên khó mà chính xác.

Nguyễn Hoàng Sơn