Trời mưa không thấy bóng Ba Vì

 

Hôm nay trời mưa ào ào chắc cả ngày ở Ba Vì hay còn được gọi là Tản Viên. Mưa trút cơn giận cuối năm, còn gì ông trời cứ xả ra hết để năm mới mọi gia đình đoàn viên. Mình tính đi bộ đến viếng đền thượng nhưng mưa chắc ngồi phòng nhìn mưa. Khi xưa, học việt văn có học về ông Nguyễn Khắc Hiếu, buồn đời kêu Sông Đà Núi Tản đúc lên ai? Nay mới có dịp đi viếng vùng này một cách ngẫu hứng không tính trước. 

Đỉnh Tản Viên nhìn từ nhà trọ

Hôm qua trên đường lên núi Ba Vì không thấy sông Đà, chỉ thấy quảng cáo hai bên đường giò đà điểu, nghe nói đặc sản vùng này. Đồng chí gái hỏi họ bán chân đà điều mình nói giò đây không phải bún bò giò heo mà là chả như người Huế gọi. Thấy họ bày bán trứng đà điểu hai bên đường. Thấy bảng hiệu thịt ngựa và thắng cố thì được anh tài xế giải thích là nội tạng của ngựa được gọi là thắng cố. Món này của người đồng bào thượng du như người Mường, Tày. Đọc theo âm tiếng Việt là thằng cốt, canh xương. Thấy họ bày thịt trên quầy hai bên đường bụi xe bay lêu bêu như khi xưa chạy xe trên đường Sàigòn - Đà Lạt thấy ở Định Quán khiến đồng chí gái ớn ớn. Đúng ra mình cũng có thấy tại Đà Lạt các hàng thịt bên lề đường sau khi ra khỏi phi trường Liên Khương. Thấy thịt chó đầy đường. Kinh


Vùng này nổi tiếng sữa dê và bò từ lâu năm và đà điểu. Ông Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu không nhắc đến trong thơ của ông ta. Chắc thời ông ta chưa có đà điểu. Còn sữa bò thì mình đoán là từ mấy ông tây mà ra. Họ nuôi bò ăn cỏ trên các đồi núi.


Thấy một chiếc xe khách bị công an chận lại thế là ăn Tết mất vui. Hai bên đường thấy dân từ Hà Nội chạy xe gắn máy đeo nhau về quê bận áo phông và áo mưa. Ngồi nói chuyện Cái Quỳnh, cô em họ kể khi xưa ở trong Đà Lạt phụ người em mình làm ăn, lần đầu tiên về Đà Lạt Đồng chí gái về có tặng cho cái áo phông khiến đồng chí gái ngọng vì không hiểu nên lại phải giải thích. 


Tới núi Ba Vì mà theo ông Quang Dũng kể trời xanh không thấy núi Ba Vì trong khi mình thì thấy trời mưa không thấy bóng Ba Vì. Lý do là trước khi đi, trời bổng đổ mưa thêm thời tiết báo là ngày mai mưa thế là ngọng. Đến nơi lấy phòng xong thì đồng chí gái kêu đói bụng nên xuống nhà ăn gọi phở bò Ba Vì trong khi đồng chí gái kêu cá chẽm nướng tre, cuốn bánh đa. Ăn rất ngon. Ăn xong hai vợ chồng đi rao rảo xem núi rừng Ba Vì nơi mà ông Paul Bert, một thời làm toàn quyền Việt Nam, khám phá ra khi còn làm kỹ sư. Khi người Pháp đánh chiếm Việt Nam, họ sai người đi thám hiểm để xem có địa chất hầm mỏ gì để khai thác như trường hợp ông Yersin thì khám phá ra cao nguyên Lâm Viên, đề xuất xây dựng khu nghỉ dưỡng cho người Pháp tại Đông Dương.

Cái lò than để hâm nóng xôi
Bình trà mà 50 năm rồi mới thấy lại nhưng thiết kế đẹp hơn
Tháng trước mình có kể về bình trà tàu, viết chữ tàu
Bình trà được làm tại Việt Nam nhưng người ở đây không biết từ lò gốm nào. Khi xưa bình trà của công ty Thiên nHiên, gần Đà Lạt tương tự như vậy, sơn màu xanh

Khu nghĩ dưỡng Melia nằm trong công viên quốc gia Ba Vì, nghe nói có 3 cái đền, nhưng đọc kỹ lại thì nghe nói họ tân trang làm lại hết nên chả muốn đến xem. Thêm trời mưa nên không muốn đi theo tour. Đọc mấy review của du khách ngoại quốc thì hết muốn đi viếng. Ở đây họ có xe đạp đường núi nhưng mưa nên hơi ngại vì trơn trợt.


Sáng ra thì trời mưa, đồng chí gái hỏi làm gì thì ngủ. Mình nói tên Thuỷ Tinh đang thức giấc, thấy tên Sơn Tinh, dậy sớm đi vắt sữa dê làm phô mát và dê thui đem lại mời nhà vua ăn sáng nên vớt được công chúa nên hắn tức vì đem hải sản đến dâng cho vua nhưng vì để lâu quá lại thời đó không có tủ đông lạnh nên bị thiêu hết nên vua kêu thối quá, gã cho tên Sơn tinh, cho ăn phô mát làm bằng sữa dê của vùng núi Ba Vì. Thuỷ tinh mất vợ nên buồn đời hắn làm mưa gió để cho người tình phụ chết theo với tên SƠn Tinh. Mưa thì đồng chí gái đóng vai công chúa của vua Hùng còn mình đóng vai Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen.


Thật ra khi người Pháp đến Đông-Dương thì họ gặp vấn đề địa lý, phong thổ nên bệnh tật rất nhiều. Mỗi năm phải cho công chức và lính về pháp nghỉ dưỡng hay Nhật Bản mà mình có kể, làm gánh nặng cho ngân sách. Do đó họ tìm các nơi có khí hậu khá khá một tí để xây khu nghỉ dưỡng cho công chức và binh sĩ của họ. Ngoài bắc thì họ khám phá ra Sapa, Tam đảo và Ba vì, ở cao nguyên thì Đà Lạt.


Hoá ra người Pháp đã đem hạt cà phê và cây Quinquinat từ Nam dương đến vùng Ba Vì để trồng ở cao độ 500 mét. Họ khuyến khích người Pháp đến đây lập đồn điền thì có một ông tây gọi là Marius Borel, một cựu quân nhân rồi ở lại vùng này, mua của chính phủ bảo hộ đâu 180 mẫu đất ở vùng này và nuôi bò và dê, trồng cà phê,… sau đó làm phô mát với sữa tươi, để chở về bán ở Hà Nội. Ông ta mướn phụ nữ vùng này làm việc khi hái cà phê vì lương rẻ hơn đàn ông. 


Sau này, người Pháp có xây dựng các khu nghỉ dưỡng ở vùng này cho quân đội của họ, nay chỉ còn phế tích. Dãy núi Ba Vì có nhiều ngọn núi như Tam đảo nhưng họ nói đến Tản Viên dù thấp hơn cả 300 mét cao độ so với Tam Đảo.


Mình ở trong công viên quốc gia Ba Vì, tại khu nghỉ dưỡng Melia. Phong cảnh rất đẹp, cứ như Đà Lạt khi xưa, sương mù giăng khắp lối. Cách thiết kế cũng rất hay, tiệp với phong cảnh của rừng núi. Đi mùa này thì thiên hạ lo tết nên ít du khách nên được tiếp đãi tận tình hơn. Ngày đầu thì hai vợ chồng ăn chiều món phở bắc rất ngon, đồng chí gái kêu món cá chẻm nướng trong ống tre, cuốn với rau và bánh đa. Rất ngon. Hôm sau ăn điểm tâm thì có món bún cá rất ngon, ngoài ra thì ăn thêm rau cải, phô mát nên khá no. Sáng hôm sau thì được ăn món phở gà, rất ngon. Tại đây đầu bếp giỏi nên các món ăn rất ngon, hương vị của miền bắc nhưng chắc phải đợi ghé khu nghỉ dưỡng Marriotts ở hÒn Tré ăn. Năm ngoái ghé lại đó ăn quá ngon. Đồng chí gái thuộc loại khó ăn mà phải khen.


Sáng nay, dậy sớm, ăn sáng xong thì ra phi trường Nội Bài độ 90 phút lái xe. Anh tài xế từ Phú Thọ lên đón, lấy 820,000 đồng trong khi xe của khu nghỉ dưỡng lấy đến 3 triệu. Còn taxi nội địa thì 1.2 triệu.

Chuyến đi này có vấn đề với giấy tờ. Đến phi trường làm thủ tục thì qua an ninh, họ kêu tên Nguyen mà sao lại in Mguyen. Thay vì Nờ lại thành Mờ. Thế là phải chạy lại quầy đổi boarding pass. Họ hỏi cô nào ở quầy nào làm thủ tục, mình nói cô nói 28 tuổi nhưng chưa có tình yêu, họ cười kêu chị Yến đấy, dẫn mình lại cô đánh máy sai. Chán Mớ Đời 


Lên Lounge Sông Hồng ăn bún mộc, nhắn tin cho anh bạn. Máy bay không trễ. Anh bạn học khi xưa này rất dễ thương. Cứ lần nào mình về thì anh ta đều đem xe xuống Liên Khương đón đưa về nhà. Rồi chở đi chơi. Anh ta kể là ông anh, bố mình và ba của anh bạn đi chung, đều bị bắt khi xưa vì cùng chung tổ chức. Bố mình bị lên án 18 năm trong khi bố anh đi chung thì chung thân. Sau này già họ đuổi về vì lao động không được.


Trên máy bay, mình phát hiện ra là hành khách là dân vùng Đà Lạt, Lâm Đồng rất nhiều. Đa số nói giọng bắc sơ tán. Trước 75, thì người ta hay nói đến 1 triệu người miền bắc di cư vào nam. Đó là cuộc di cư vĩ đại của người Việt vào thế kỷ 20. Trước đó thì có dân đi theo chúa Nguyễn vào nam, rồi sau này đi xuống miền nam. Nhưng có lẻ ít ai nhắc đến cuộc di cư âm thầm của người miền bắc vào nam sau 75. Đà Lạt ngày nay xem như 60% dân cư là thuộc thành phần người miền bắc sau 75. Khi xưa chỉ người ở ấp Hà Đông và Nghệ Tỉnh. Ở ngoài quê có vài gia đình họ hàng vào nam làm ăn. Mình không có thống kê nhưng chắc chắn là rất nhiều. Mình có một người em rể cũng di cư vào Nam sau 75 cùng gia đình. (Còn tiếp)


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Về thăm quê nội


"Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm

Trời xanh không thấy đỉnh Ba Vì"…


Có lẻ bài thơ “Đôi Mắt Người Sơn Tây” của ông Quang Dũng đã làm mình mơ về một thôn, một xứ Đoài xa vắng ở miền Bắc, nơi ông cụ mình ra đời và mang tên Đoài. Tên xứ này còn được gọi là Trấn Đoài hay Trấn Tây, một trong những trấn quan trọng của Thăng Long. Hồi bé mình hay nghe ông cụ ngồi ngâm bài thơ này, có lẻ ông cụ đặt tên con trai đầu để nhắc nhở quê mình là Sơn Tây.

Đây là hình ảnh đầu tiên khi về thăm quê nội, khi dừng chân bên hồ Chùa Thầy, Sài Sơn phía sau

Mình sinh ra và lớn lên tại Đà Lạt, quê cha đất tổ chỉ biết qua bài thơ của nhà thơ Quang Dũng. Ông cụ cứ nhắc đến thôn Yên Nội, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai mà trong bài thơ, ông Quang Dũng tả sông Đáy chậm nguồn qua phủ Quốc, phủ Quốc đây là Quốc Oai, quê ông cụ. Mình ấp ủ từ bé, một ngày được viếng thăm quê cha đất tổ như lời ông cụ kể.


Mẹ tôi em có gặp đâu không

Những xác già nua ngập cánh đồng

Tôi nhớ một thằng con bé nhỏ

Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông


Ông cụ có người em trai kế, nghe nói học giỏi nhất huyện. Mấy ông chú họ kể khi xưa Anh dạy mấy chú này nọ. Một hôm đi học về, qua cánh đồng thì bị tây bắn chết. Một ông chú ruột khác, đi bộ đội vào nam bị bom mỹ dập chết trên đường mòn Hồ CHí Minh, được tổ quốc ghi công. Ông cụ mình thì ở trại cải tạo 15 năm, chú mình bị tây bắn và một ông chú lại bị bom mỹ dập chết trên đường mòn vào nam. Đó là số phận của 3 anh em sinh ra trong thời chiến. Sáng nay mình đang đứng nói chuyện với một ông chú họ thì chú chỉ một bà lão đi ngang, nói là vợ cũ của chú mày đấy, bà ta bỏ đi lấy chồng khác rồi. Mình có gặp người thím này khi về quê lần đầu năm 1995, sau đó thím đi bước nữa nên không còn dính dáng gì đến gia đình mình, tính đi kiếm bà thím nhưng rồi không thấy tông tích đâu nữa. Rồi xe đến chở đi Ba Vì.


Vừng trán em vương trời quê hương

Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương

Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm

Em có bao giờ em nhớ thương?


Mình nhớ lần đầu về Hà Nội, cố tranh thủ về quê thăm một chuyến để thoả bao nhiêu ước mơ, tò mò từ bé nghe ông cụ kể về quê nội. Có con cậu ruột của đồng chí gái xung phong chở mình đi xe gắn máy từ Hà Nội về làng. Cậu ruột của đồng chí gái đi theo cách mạng, làm tuỳ viên cho Võ đại tướng nên ở Hà Nội. Sau 75, cậu vào nam kêu các cháu đi vượt biên hết đi chớ sống không được. Mình nghe ông cụ khi xưa, nói cứ kêu xe từ Hà Nội về Đường Láng rồi chạy về Hoà Lạc, sau đó rẽ đê Yên Phụ là về tới làng. Đê Yên Phụ mà ông cụ kể khi xưa mỗi lần lụt bị vỡ đê là dân trong làng chạy đầu thôn cuối thôn kêu nhau chạy ra đắp đê. Mình thấy cái đê mà ông cụ kể cao ngây ngất. Trời mưa, đường thì xình lầy, lái xe về chắc người em cô cậu của đồng chí gái phải rửa xe. Mình mời đi ăn chả cá Lã Vọng khi về lại Hà Nội.


Em ở thành Sơn chạy giặc về

Tôi từ chinh chiến cũng ra đi

Cách biệt bao ngày quê Bất Bạt

Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì


Xe chạy ngang chùa Thầy, người em họ dừng xe vì trời mưa, đứng núp dưới góc cây, mình nhìn chùa Thầy trong mưa lất phất tạo nên một cảm xúc khó tả, chỉ biết khẽ gọi quê nội tôi đây, quê nội tôi đây. Có gì thiêng liêng lắm như níu kéo mình về quê cha đất tổ. Cảm xúc này đều dâng tràn mỗi lần mình thắp hương bàn thờ ông bà ở nhà tại quê. Ông cụ mình bị du kích dí đầu, bao vây quanh nhà đêm tối, kêu ra đầu hàng sống chống chết. Ông cụ nhảy qua hàng rào phía sau nhà rồi trốn vào nam đến 40 năm sau mới về lại quê lần đầu. Ông cụ như chim bay lạc đàn về miền nam tha phương rồi đến mình theo mây bay trôi dạt qua cả trời tây. Nay bay về quê nội, lòng bồi hồi nhìn nơi tổ tiên sinh sống bao nhiêu đời. Lam lũ một đời bán lưng cho trời. 


Từ độ thu về hoang bóng giặc

Điêu tàn thôi lại nối điêu tàn

Đất đá ong khô nhiều ngấn lệ

Em có bao giờ lệ chứa chan


Khi mưa tạnh thì chạy tiếp vào làng thấy có cái quán nhỏ tẹo, gặp đứa bé gái thì mình hỏi nhà chú Thìn, em họ ông cụ mình, nhà sát bên cạnh thì con bé reo lên mẹ ơi anh Sơn về khiến mình như bò đội nón. Đâu có báo ông bà cụ trong nam biết mình về vì dạo ấy đâu đã có điện thoại di động. Hoá ra, đám cưới mình thì có quay video gửi về cho nhà xem. Ông bà cụ ra bắc nên đem về chiếu cho cả họ xem nên ai cũng biết mặt mình.


Đôi mắt người Sơn Tây

U uẩn chiều lưu lạc

Buồn viễn xứ khôn khuây

Tôi gửi niềm nhớ thương

Em mang giùm tôi nhé

Ngày trở lại quê hương

Khúc hoàn ca rớm lệ


Về đến nhà nơi ông cụ được sinh ra thì mình thất kinh vì cửa sổ không có, cửa ra vào cũng không. Hỏi thì nhà giải thích có mấy cái phên, tối gắn lại nhưng rất sơ sài bằng rơm. Ông cụ từ ngày trốn vào nam đến 40 năm sau mới gặp lại bà nội. Sống với bà nội được vài năm thì bà qua đời.


Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn

Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng

Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc

Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng


Vào nhà thì khi hay tin mình về thì thiên hạ ới nhau trong làng chạy đến rồi tự giới thiệu, tên con ai nhánh nào khiến mình chới với. Lý do là ông cụ chỉ nói về quê chớ không bao giờ nói về họ hàng. Lúc ấy mới biết ông cụ có một người chị và một cô em ruột. Hai người em trai thì đã vắn số. Sau này, mình nhờ người dịch gia phả từ tiếng Hán qua việt ngữ mới từ từ mò ra ai là ai. Mới biết ông tổ, gốc Nghệ An, có nhiệm vụ trông cái đình, rồi ai đó đánh cắp cái bộ lư đồng trong đình của làng nên sợ bị tội nên chạy trốn ra Sơn Tây. Ông dịch gia phả cho biết là trong gia phả có kể có người đổ tiến sĩ nhưng ông ta xét lại danh sách tiến sĩ vào thời đó không có ai đậu tiến sĩ mang tên như đã ghi trong gia phả.

Cây tắc ngày Tết tại quê

Ngày nay, họ hàng đều kêu ông chú bị tây bắn chết là người học giỏi nhất huyện. Mình đoán dạo ấy chắc chả có bao nhiêu người trong làng được đi học. Nên gọi là giỏi nhất huyện thì so với ngày nay thì chả thấm thía gì cả.


Bao giờ tôi gặp em lần nữa

Chắc đã thanh bình rộn tiếng ca

Đã hết sắc mùa chinh chiến cũ

Em có bao giờ em nhớ ta?


Nói cho đúng thì khi mình về quê nội cũng như làng nơi mẹ mình sinh ra tại Thừa Thiên thì có một cảm giác khó diễn đạt như lôi kéo mình về một nơi, quyện trong một dung dịch đong đầy cảm xúc. Khác với khi về Đà Lạt, cảm xúc như khi mình trở lại một thành phố đã từng sinh sống như Paris, Luân Đôn, Ý Đại Lợi, Thuỵ Sĩ,… trong khi về quê nội hay quê ngoại cảm xúc dâng trào. Có lẻ khi xưa, mình không có dịp thăm viếng khi còn bé, chỉ nghe bố mẹ kể, tạo dựng trong đầu mình một nơi nào đó thiêng liêng, khiến cảm xúc dâng trào vì chỉ nghe qua văn chương hay lời ru hò con cò con vạc con nông mà khi xưa ông cụ hay ru con hay người lớn kể lại. Cảm xúc đó cứ theo mình mãi nên lúc nào cũng mong trở về quê nội và quê ngoại.  Một kẻ tha phương như mây trôi lạc loài, muốn tìm lại Cội nguồn của một kẻ lưu vong trên nữa thế kỷ. Kỳ này về mình sẽ ghé quê ông ngoại, làng Dưỡng Mong vì khi xưa chỉ ghé quê mệ ngoại, làng An Lưu. Dự định sẽ ghé thăm nhà thờ họ của bên vợ luôn, An Cựu và Ao Hồ.


Vẫn sáng vầng trăng ru tiếng sáo

Diều khuya trầm bổng giọng quê hương

Đất đá ong trong lòng giếng mát

Ôi Sơn Tây, Sài Sơn yêu thương!


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 


Nguyễn Hoàng Sơn 

Mùa xuân về bên mẹ


Năm nay, đồng chí gái nhất trí ăn tết sớm ở Cali với gia đình bên vợ rồi về Việt Nam ăn tết bên chồng để mình có dịp ăn Tết với bà cụ sau khi ăn 50 cái Tết ở hải ngoại. Tết cuối cùng ở Đà Lạt là năm 1973, học lớp 12. Sau đó thì đi Tây, đến 20 năm sau mới trở lại. Nhìn lại con đường đời đi qua mà thất kinh. Sáng nay, nghe tin một ông thần học Yersin chung khi xưa mới qua đời tại Đà Lạt, bạn học cũ nhắn tin cho nhau để minh xác tin tức. Thấy cũng ớn ớn, ông thần này học chung nhưng lại hơn 3 tuổi. Lần trước về, có ghé tiệm ông thần, chào nhưng ông thần không nhận ra mình. Chúc ông bạn học xưa ra đi bình an về cõi Vĩnh Hằng.

Mùa xuân bên Mẹ sau 50 năm

Năm nay mấy cô em ở hải ngoại rủ nhau về ăn Tết với bà cụ, xem như gia đình sum họp lần đầu tiên sau tết 1973. Hôm nay, hai cô em có mặt tại Đà Lạt, với bà cụ. Mình thì vẫn lông bông thêm vài ngày nữa mới gặp lại gia đình. Trong lòng cũng nôn vì chưa biết không khí tết của gia đình sau 50 năm cách biệt ra sao. Không còn nôn nao như khi xưa. Nghe nói Mai anh Đào ở Đà Lạt chưa nở. Tết Đà Lạt mà thiếu hoa mai là buồn. Nghe nói năm ngoái nở trễ, mình về tháng 4, giỗ ông cụ, thấy còn nhiều cây mai còn nở hoa. 

Viếng mộ gia đình ở Trại Hầm thấy hoa Mai bắt đầu nở 

75 là cái mốc cho người Việt vì sau đó con cháu, anh em ly tán khắp nơi. Gia đình mình chỉ có 3 quốc gia trong khi nhiều gia đình rải rác khắp nơi, bên Hoa Kỳ, Gia-nã-đại, Pháp quốc, Đức quốc, Úc Đại Lợi,… 50 năm qua thì ông cụ đã qua đời, vài người em đã chết sớm, cho nên sum họp nhưng không đầy đủ như 50 năm về trước. Ngược lại có thêm hai cô em, sinh sau ngày mình đi tây. Lại thêm thế hệ con cháu nên gia đình sum họp có phần khác đi.

Có lẻ điều hạnh phúc nhất sau bay nữa vòng trái đất là thắp hương bàn thờ ông bà khi về đến quê.
Cả gia đình thăm mộ ông cụ và mấy người em vắn số

Chương trình mình bay về Hà Nội, thăm quê nội trước rồi bay vào Đà Lạt. Vài ngày sau lại đi cùng gia đình xuống Nha Trang ăn tết sum họp sau 50 năm. Sau đó thì mướn xe chạy ra Quy Nhơn, viếng vùng đất của Tây Sơn rồi đi HỘi An cho đồng chí gái họp mặt với thân hữu trong khi mình đi Huế để viếng bên vợ và bên ngoại của mình. Sau đó bay vô Sàigòn thăm thân hữu rồi bay đi Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan rồi về mỹ. Mình hỏi đồng chí gái muốn đi mấy ngày ở Việt Nam, cô nàng kêu 10 ngày, nay lại rên là quá ít. Thôi kệ để thời gian đi Úc và Tân Tây Lan.


Chuyến vô Sàigòn sẽ gặp mặt bên gia tộc của bà cụ mình. Khi xưa mình có gặp mấy dì mấy chú của bà cụ nhưng sau 50 năm thì thế hệ ông ngoại mình đi tây hết, còn mấy thế hệ sau này thì mình chưa bao giờ gặp. Sau đó gặp lại anh bạn, làm phụ rể của mình. Anh ta về Việt Nam làm ăn, lập gia đình ở luôn đây. Đồng chí gái là út nhỏ nhất bên vợ, còn mình thì lớn nhất bên nội cả bên ngoại. Kinh


Đi hơi lâu nhưng nay có thằng con thế nên cũng bớt lo. Nó mà lo được hết thì mình đi chơi mút mùa. Khi xưa đi chơi một tuần là phải về, nhiều khi gặp mùa nóng quá 100 độ F, không ở nhà tưới nước nên trái rụng lia chia. Nay thì mình có hệ thống vệ tinh nên có thể ở xa xem độ ẩm của cây để ngưng tưới hay tưới nhiều hơn. Mình có thể mở ứng dụng trên điện thoại rồi bấm tưới khu vực nào thấy hơi khô thì qua vệ tinh, trong vườn tự động hệ thống tưới sẽ mở tưới khu vực mình muốn. Và tự động tắt khiến đời nông dân không bị cột chân ở vườn.

Chùa Thầy quê tôi

Mình đổi người nuôi ong trong vườn. Trước đây, có ông mỹ dễ thương lắm nhưng nay lớn tuổi nên ông ta ngưng thì ông ta giao lại cho một ông Mễ. Ông này thì có tật lười, muốn về hưu, nhưng cố ở lại để ăn tiền của chính phủ cali. Ông ta biết mấy chương trình để xin tiền, mua xe mercedes vì có năm họ cho ông ta đến $200,000. Một hôm vào vườn mình thấy mấy thùng phui nước uống cho ong bị cạn nên gọi cho ông ta. Ông ta kêu không làm tiền nhiều với vườn bơ của mình. Mình nói nếu không làm tiền thì mình sẽ kêu người khác. 1 tiếng sau ông ta chạy vào đổ nước, mình có làm cái vòi nước để ông ta cho nước chảy vào thùng phui, ông ta cũng lười đổ nên mình gọi ông ta kêu dẹp, mình kêu ông mễ khác cho xong. Họ bỏ tổ ong trong vườn mình thì không có tiền nhiều. Nhưng khi họ đem lên vùng thung lũng San Joaquim thì làm nhiều tiền vì trung tâm thế giới sản xuất hạnh nhân. Chỗ này vào mùa hoa trổ bông, chủ đồn điền trả mỗi tổ ong là $250, mà nếu họ có 5000 hay 10,000 tổ ong là giàu. Dân nuôi ong từ khắp nước mỹ kéo về đây để đặt tổ ong. 

Có lẻ nhìn làn khói của hương trên bàn thờ tổ tiên khiến mình cảm xúc rất nhiều

Ông mỹ nuôi ong chơi để vui thú nuôi ong nên bán mật ong cho mình với gia hữu nghị còn tên mễ mới này thì hắn bán giá gấp đôi, kêu là hữu nghị rồi vì vợ hắn bán ở chợ nông dân đâu 30% hơn.


Đang ở trên máy bay, viết cho qua giờ. Bà cụ mấy hôm nay chắc vui vì có hai cô con gái về thăm. Chuyến này về có hẹn với cậu Nghị, con ông Đàng, một trong những người đã giúp mình đi tây. Chắc cũng 58 năm rồi, từ ngày cậu đi du học bên tây. Có vợ chồng Phước Lâm Viên rủ đi ăn cơm nhưng đầu năm tiệm ăn đóng cửa nên mình nói ghé lại nhà bà cụ ăn bánh tét, nói chuyện đời xưa. Cặp vợ chồng này lạ lắm. Khi xưa mình có học chung nhưng không thân lắm nhưng mỗi lần họ lên Đà Lạt thăm gia đình là ghé thăm bà cụ mình. Tháng trước có anh quen qua mạng, về Bảo Lộc thăm gia đình rồi đến nhà thăm bà cụ mình. Mỗi lần về Đà Lạt, có anh bạn học chung khi xưa, kêu để tớ đem xe xuống đón về Đà Lạt. Cái nợ này không biết bao giờ trả được.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Chuyến bay không bình thường


Sáng nay đi tập Đông Phương Hội về thì nhận tin nhắn của công ty hàng không United, kêu check-in. Mình mở ra thì tá hoá tam tinh vì chuyến bay là 11 giờ sáng thay vì 6 giờ chiều như mình đã ghi khiến hai vợ chồng hoảng, chụp vali kêu thằng con đưa ra phi trường. Mình dùng ứng dụng TripIt để chuẩn bị lưu các chuyến đi. Cứ thông tin gì về chuyến đi là cứ chuyển vào ứng dụng thì ứng dụng tự sắp xếp và báo động. Mình quên xem lại thì hoá ra nó bỏ thiếu chuyến đi, chỉ nói chuyến bay từ Nhật Bản về Hà Nội làm mình tưởng lầm là từ LAX đi Tokyo. Thế là chạy như cà cuống sơ tán.

Dạo này cali cháy rừng cháy nhà nên xa lộ kẹt, nhúc nhích từng tất đường trong khi đồng chí gái cứ lầu bầu trong miệng. Đến phi trường LAX, mình quẹo ngay đường tắc qua terminal 7, khỏi mất công đi một vòng. Phải đợi đến năm 2028, khi họ làm xong việc phát triển xe điện công cộng chạy vào phi trường thì mới mong hết kẹt xe. Cuối cùng có thể check in được 20 phút trước khi đóng cửa. Thường thì họ không cho check-in nữa khi còn 1 tiếng để bay. Xong xuôi thở phào qua an ninh xong thì mót tè nên hai vợ chồng chạy lên lầu Polaris lounge, tranh thủ ăn điểm tâm. Rồi lên máy bay. Đang ngồi tự nhiên họ gọi tên đồng chí gái kêu ngồi lộn chỗ, mình đưa boarding pass thấy ngồi đúng chỗ nên họ kêu ok. Ai đó in lộn đưa cho đồng chí gái. Máy bay cất cánh đúng giờ dù gió Santa Ana thổi như điên, xa xa về các núi, thấy khói cháy lừng trời, thế là hết mấy chỗ leo núi. Năm ngoái cháy ở vùng Baldy rồi nên họ không cho leo núi ở khu vực này cho đến cuối năm nay. Gió thổi mạnh, thổi tàn tro về phía nam nên hơi lo. Tối nay mới hết và thứ 7 sẽ mưa, nghe nói lên đến 2 inches nước mưa nên hy vọng sẽ dập tắt được các đám cháy và tránh những đám cháy mới vì cây lá ướt. Mình cũng đỡ khổ vì không phải tưới cây bơ. Đỡ tốn tiền nước $150/ ngày.

Đến phi trường Narita, hai vợ chồng đi xem chỗ cổng lên máy bay xong lên lounge ăn một chút rồi xem tin nhắn. Thằng con nhắn tin tới tấp. Sau đó đi lang thang cho khỏe chân thì nghe họ gọi tên đồng chí gái nữa nên chạy lại cổng lên máy bay. Họ muốn xem mình có chiếu khán vào Việt Nam. Đưa cho họ sổ thông hành và chiếu khán. Mình không hiểu sao chiếu khán Việt Nam lại là một cuốn sổ dầy cộm trong khi đi Úc, Tân Tây Lan thì có ứng dụng của chính phủ hai xứ này. Chỉ cần điền đơn rồi nạp sổ thông hành chụp hình rồi đóng tiền là xong. Đi Phi Luật Tân thì tuy không cần chiếu khán nhưng họ cần xét tin tức của hành khách thì cũng tải ứng dụng về rồi làm. Khỏe đời. Còn chiếu khán Việt Nam thì không tự check-in được vì các công ty hàng không, cho check-in trước, điền tin tức cá nhân xong thì kẹt vì cần thông tin chiếu khán mà ký bằng tay không có trong mạng để công ty hàng không xét nên lúc nào cũng phải đến quầy check in mất thì giờ nhất là hôm nay trễ giờ. Nếu không chỉ cần check-in trên ứng dụng rồi qua an ninh rồi lên máy bay. Xong om


Vừa xuống phi trường đến hải quan thì hệ thống điện toán đứng hình. Đợi cả tiếng đồng hồ mà chưa nhúc nhích, đồng chí gái mệt quá vì thiền trên máy bay không ngủ suốt 25 tiếng nên ra ghế ngồi. Tên ngoại quốc gốc Gia-nã-đại, đứng trước hỏi đã có hình ảnh trong visa thì cứ đóng dấu như ngày xưa. Mình nói bình tỉnh ở đây thì nên chờ đợi. Thái Lan có máy tự động đi cái ào qua hải quan nhanh chóng. Không biết anh tài xế đợi có lâu không. Tên Gia-nã-đại cứ thấy một đám du khách người Tàu lại có đóng dấu sổ thông hành thì cứ kêu là dấu được, tại sao vậy tôi đứng đây hai tiếng mà sao lại giúp mấy người Tàu.  Mình đoán là du khách tàu quá cảnh đổi chuyến bay đi về tàu hay thành phố khác mà phải đợi là trễ chuyến nên cô hướng dẫn viên mới nhờ hải quan hổ trợ nhanh chóng. 


Cuối cùng thì họ đột phá tư duy là ghi lại sổ bằng cách viết như xưa rồi đóng mộc cho đi. Thế là đứng ở Hải quan hai tiếng đồng hồ. Cuối cùng thì cũng liên lạc được với anh tài xế đến đón đưa về quê. Đồng chí gái không ngủ 24 tiếng đồng hồ trên máy bay cũng như quá cảnh ở Nhật Bản nên bắt đầu khó chịu. Về quê tắm rửa xong lên giường. 


Sáng ra thấy mấy cây saboche mà ở ngoài Bắc họ gọi cây Hồng nên mình hơi ngọng. Hồ sen của cô em trồng chả còn gì vì chưa tới mùa. Nghe nói đến mùa hoa sen nở thì đẹp lắm và thơm ngát. Đi vòng vòng trong sân xem lại căn nhà tổ tiên được cô em kêu thợ xây mới lại. Vẫn quang cảnh xưa nhưng căn nhà thì mới hoàn toàn và rộng hơn. Nhớ lần về quê lần đầu mình thất kinh, nhà không thấy cửa số, cửa kính gì cả được biết là tối lấy cái phên đóng lại. Nay nhà có cửa sổ cửa cổng đầy đủ. Mấy chục năm trước mình có gửi tiền về sửa chửa lại nhưng rồi mọt vẫn ăn hết cây gỗ nên kỳ này xây bê tông luôn. Mình muốn giữ hình ảnh cổ xưa nhưng rồi bị mọt ăn đành bê tông hóa cho khỏe. Chớ làm bằng gỗ, lại kêu họ lên Hà Giang chặt cây đem về lại phá rừng.


Sáng ra, mình đưa tiền cho cô em họ giữ nhà thờ, nhờ mua hoa quả cúng bàn thờ ngày tết. Có con bé chạy sang đưa bánh tết để cúng bàn thờ. Nó gọi mình bằng bác nhưng chả biết là con ai. Về quê là có vấn đề không biết họ hàng ra sao. Người ta thì biết lai lịch của mình còn mình thì ngáp. Tục lệ ngoài quê là gần tết thì trong họ đem bánh trái đến thắp hương cho ông bà ở nhà thờ tổ. Mình là nhánh trưởng nên được xem là xếp sòng của thế hệ mình. Ai cũng kêu bằng anh, bằng Bác hay bằng ông. Có ông em họ mới 60 tuổi đã có 5 đứa cháu nội. Nay ở nhà trông cháu. Có xin đi cửu vạn bên Nhật Bản. Ông em hoj khi xưa đi lại động bên xứ đài nhưng lớn tuổi nên họ đuổi về. Nay đến đời con đi lao động quốc tế. 


Được cái là ở quê nay phát triển nhiều vì được nhập vào Hà Nội. Những ai có tiền, mua đất ở quê mình để xây nhà, đi làm ở Hà Nội, chiều lái xe về đường cao tốc nên đất ngày nay, nói như ông Thiệu khi xưa, mỗi tất đất mỗi tất vàng. Nay ở quê, người ta không có đất sân nữa nên họ hàng hàng xóm, hay mượn chỗ nhà thờ gia đình mình để làm đám ma, đám cưới, thậm chí phơi lúa. Còn các lễ họ, chạp mộ thì cả họ kéo lại nhà ông bà mình dựng lều trước sân, ăn uống vui họ hàng gặp nhau lại. Đến mùa lúa thì họ lại mượn sân để phơi lúa. Hy vọng năm tới mình biết được ngày nào trước, sẽ bay về tham dự để biết bà con. Thế hệ ông cụ mình cũng từ từ lên bàn thờ hết. Mình biết được vài người thế hệ mình mà họ có con và cháu đầy đàng nên ngọng.

Cây đào nhờ người ta trồng 1 năm, đem về chưng ba ngày tết. Rể cây được bó nhỏ nên khó mọc cao. Hoa đào này không cho trái nên mình không ưa lắm. Chỉ thích hoa nào cho ra trái. Kinh tế là trên hết. Nhà chú mình mua cây đào trưng ba ngày tết, sau đó lại kêu nhà vườn đem về trồng tỉa, năm sau đem lại. Nghe nói công mỗi năm lên đến bạc triệu. Thấy họ cuộn rể cây trồng vào bố mình mới hiểu vụ cây mới được trồng ở Hà Nội bị ngã hết khi bão kéo đến. 
Cây quất, trái to bằng trái quýt. Họ kêu trong nam gọi trái tắc nhưng mình nghĩ là quýt thì đúng hơn trái tắc kiểu người Tàu ở Hoa Kỳ mình trồng trái như quả nho dài. Về quê mới hiểu ngày xưa ông cụ mỗi năm Tết đều mua cây đào, đúng hơn là nhánh đào vì phong tục ở quê.

Sau đó chạy sang hàng xóm, thăm mấy gia đình chú thím họ, lì xì rồi có cậu em họ đưa đi xem chợ hoa ở phủ Quốc Oai. Khi xưa, học việt văn, mấy ông thầy dạy cứ tết đến thì nói về cây đào, cây quất. Ở đây họ trồng cật lực vì trái ra to lắm, còn cây đào họ ghép nhánh nên thân to, nhánh nhỏ. Cậu em họ mua cây đào, tết họ chở lại nhà để bỏ vào chậu chưng ba ngày tết, sau đó lại mướn người ta đem về trồng, năm sau đem lại. Đi ngang nhiều cánh đồng đào, thấy thân cây trơ trui, vừa bị cắt ngắn như mình cưa ngắn các cây bơ để mọc ra nhánh mới. Nghe nói họ ghép loại hoa nào nên cũng công phu lắm. Mình thấy họ bán trái bòng màu vàng nhưng chỉ để cúng vì chả ăn được. Vùng quê mình gọi là trái bòng, hình thể như quả bưởi nhưng to lắm. Nhiều nơi khác nhất là miền nam gọi quả Kỳ Đà. Nghe nói chỉ để trưng bày bàn thờ chớ chả có lõi hay rất ít nhưng đắt lắm. Khi xưa, họ hay nhờ thiên hạ biết chữ Nho, phóng bút trên quả bòng. Đi xem chợ hoa tết ở quê mới hiểu người Việt mình hay tốn tiền vào những gì không bổ béo gì cả. Trái bòng giá khá đắt. Một trái có thể trên 1 triệu đồng mà chả ăn được gì cả.


Đồng chí gái kêu kiếm chỗ để vợ ngủ vì không ngủ được trong suốt chuyến đi nên mình kiếm chỗ ngủ ở núi Ba Vì mà khi xưa học ông Tản Đà, kêu sông Đà núi Tản đúc nên ai. Dân vùng này gọi là núi Tản Viên thay vì Ba Vì. Núi này có 3 cái đền. Mai mưa nên không biết có đi viếng được. Khu nghỉ dưỡng có xe đạp leo núi. Đi bộ thì được vì chỉ có 11 cây số. Vấn đề là đồng chí gái không đem theo giày leo núi. Chán Mớ Đời (còn tiếp)


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn