Trở lại Quy Nhơn sau 68 năm

 Đi quy Nhơn

Hôm nay, sau khi ăn sáng, cả nhà rời đảo Hòn Tré theo xe về Đà Lạt, trong khi mình và đồng chí gái lấy xe đi Quy Nhơn. Thấy bà cụ buồn nhưng cũng đành chịu. Cuộc đời có hợp rồi lại có tan. MẤy ngày bên nhau tuy không nói ra nhưng tình cảm anh em vẫn thương yêu như ngày nào. Mấy cô em ôm đồng chí gái và mình khi chia tay. Các cháu, mới ngày nào bé tí ti, nay tốt nghiệp đại học hay gần ra trường hết. Vài năm nữa lại thấy tay bế tay bồng.

Bác tài từ Đà Lạt xuống chở hai vợ chồng đi Quy Nhơn, rồi Hội An, Huế và đưa ra phi trường Đà NẴng để bay vào Sàigòn. Bác tài kể không có khách đi từ Đà Lạt xuống Nha Trang nên đành chạy xe không xuống từ 4 giờ sáng vì sợ kẹt đường.

Rất ấn tượng khi thấy trên đỉnh núi có tản đá. Không biết có phải hòn đá này mà nhạc sĩ Nguyễn Đức Quanh dùng cụm từ Vọng Phu

Xe chạy rất chậm vì dạo này có luật phạt xe chạy ẩu rất nặng. Nhưng mình thấy mấy xe khách chạy nhanh như ăn cướp thì được trả lời là xe khách mà đi chậm thì mất khách nên họ đã lì xì các quan nhớn giao thông hết rồi. Cứ thấy trạm là tự nguyện xuống đóng lì xì cho các quan mãi lộ. Đường đang cho phép chạy 70 cây số một giờ thì 200 mét sau là nhảy qua 50 cây số một giờ nên ai không để ý là có thể bị phạt ngay.

Cuối cùng thì xe cũng ra khỏi địa phận Khánh Hoà và Ninh Hoà. Xe chạy ngang Tuy Hoà khiến mình nhớ đến bài hát của Nguyễn Đức Quang, khi xưa rất buồn. Mình hay hát bài này và bài Người Anh Vĩnh Bình.


Ngày xưa tôi đã đi qua Tuy Hòa 

Trời xanh le lói bao mộng mơ 

Đàn chim tung cánh bay bay đầu gió 

và đâu đây tiếng sông bồi phù sa 

Ôi, những chiều mây vắt ngang lưng đèo 

Vọng Phu đưa mắt cũng buồn theo

Núi Nhạn được nhắc đến trong bài Anh Còn Nợ Em

Mình thấy nông dân chắn những thửa ruộng của họ với những hàng rào nylon, để chống chuột đồng. Xa xa núi Khỉ mà trong bài hát Anh Còn NỢ Em, tác giả có nói đến “chim về núi Nhạn” nên quay kính xuống chụp một tấm ảnh làm kỷ niệm.


Anh còn nợ em

Chim về núi nhạn


Thành phố ngày nay, rất nhộn nhịp, không điêu tàn như nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang hiển thị khi xưa. Xe chạy qua Sông Cầu, nơi họ nuôi tôm hùm, cá,.. vì nằm trong cái vịnh nên dễ nuôi cá. Nếu không mưa bão đến là bay hết. Không có thì giờ để xuống quan sát cách họ chăn nuôi tôm, khác với những nơi mình đã mục thị như ở Pháp, Nam Hàn. Xe chạy chậm nên có thể thấy họ xây tường bằng đất và xi-măng thay vì thả lưới xuống như ở các xứ khác.


Xe chạy qua Tuy An, Phú Yên thấy cái bảng to đùng quê hương của ông Trần Phú, tổng bí thư đầu tiên của đảng Cộng Sản Việt Nam. Mình hỏi bác tài ăn gì chưa, bác kêu chưa nên nói kiếm tiệm ăn nào, vợ chồng mình mời bác ăn bồi dưỡng. Xe ngừng ăn tại vịnh Xuân Đài, cũng nuôi tôm. Chả biết họ có lễ hội gì mà thấy đông xe, nhạc tòn ten. Bác tài kêu mì xào trong khi hai vợ chồng ăn ở Marriotts no ứ từ sáng nhưng cũng gọi đĩa chả giò hải sản. Thấy họ cho ăn chả giò chấm ketchup và sauce mayonnaise khiến mình thất kinh. Cho thấy xứ Phú Yên được toàn cầu hoá. Lâu lắm rồi mới nghe lại giọng Phú Yên. Khi xưa có gia đình gốc Phú Yên, mướn nhà nên lúc đầu cũng hơi chới với mới hiểu họ nói gì. 

Chỗ này dừng lại ăn trưa. Đi kiếm nhà vệ sinh cho đồng chí gái lại gặp cảnh đây đẹp nhìn ra vịnh Xuân Đài

Đặc biệt là các thành phố vùng này, treo cờ đỏ mỗi nhà mừng xuân, qua cầu thấy rợp bóng cờ hồng. Ai mà thầu bán cờ mỗi năm là giàu, thêm các panno mừng xuân mừng đảng là cả năm đi chơi. Hỏi ra thì mỗi lá cờ là 50,000 và chậu cúc là 350,000. Trong năm ủy ban đều thâu tiền và cuối năm họ đem lại cắm cờ và đặt chậu cúc. 

Sau khi ăn thì xe chạy khỏi Phú Yên, vào địa phận BÌnh Định, thấy Bồng Sơn. Bắt đầu thấy Quy NHơn từ xa. Thấy mấy tấm bảng chỉ đường đến mộ của thi sĩ Hàn Mạc Tử. Bác tài kể là có đến uống cà phê tại nhà bà Mộng Cầm khi xưa, nay mở quán cà phê do con hay cháu bà ta quản lý. Bà này được ông Hàn Mạc Tử đưa vào thi ca, tạo phước cho con cháu lộc bán cà phê, sống tốt. Mình thì không thích thi ca lắm nên chắc không đến thăm mộ ông thi sĩ xứ BÌnh Định.

Cuối cùng thì xe vào khu nghỉ dưỡng FLC, gần khu công nghiệp, có mấy quạt gió năng lượng quay vòng vòng. Bác tài hỏi ngụ tại khách sạn nào để anh ta xem bản đồ gú gồ để chạy. Mình kêu Ép Lờ cờ khu nghỉ dưỡng khiến mụ vợ cười, nghe tên nông dân đánh vần. Chỗ này thấy đại hàn đông, trẻ khá nhiều đến để chơi cù. Kiến trúc khá đẹp nhưng trang trí nội thất hơi nghèo. Mình đoán là khu này có bán như kiểu timeshare. Để mai mình hỏi thêm. Hai vợ chồng đi ăn, họ có tiệm Hương Biển, có buffet hải sản nên vào ăn. Ăn xong hai vợ chồng dẫn nhau đi vòng vòng rồi về phòng ngủ.
Nhìn từ phòng ngủ ra vịnh Quy Nhơn. Biển chỗ này mua fnafy khôgn được tắm, nguy hiểm

Kỳ này đi chơi, cô em bố trí cho mấy khách sạn thì có hai cái mà tổng giám đốc công ty bị đi tù năm ngoái. Chán Mớ Đời. Có lẻ vì vậy giá mềm.

Nói chung thì khu nghỉ dưỡng FLC ở Quy Nhơn được thiết kế rất đẹp bên ngoài, như các khu nghỉ dưỡng bên Tây Ban Nha. Vấn đề là trang trí nội thất thì hơi kém thêm chất lượng về xây dựng hơi bết. Không biết họ xây năm nào nhưng các tường phía ngoài nhất là trần nhà bắt đầu hư, lòi ra nhiều chỗ nức và vữa xi măng.

Hai cái tháp Chàm, di tích lịch sử của văn hoá CHàm còn sót lại
Cái phần dưới của tháp được xây bằng đá.
Họ xây theo hình bút tháp phía trong nên không bị sụp suốt 9 thế kỷ

Hôm nay, sau ăn sáng bác tài đến đón chở đi viếng tháp đôi, di tích lịch sử của nền văn hoá Chàm, được thiếp lập đầu thế kỷ 11 mà vẫn tồn tại. Cái “base” của tháp được xây dựng bằng đá rất khôn để khỏi bị hư hao suốt 10 thể kỷ. Phía trên thì họ dùng gạch để xây lên theo hình bút tháp nên không bị đỗ. Bước vào cổng thì mình đang đứng nhìn hai cái tháp thì nghe ai kêu “you, you”, quay lại thì trong góc có chỗ bán vé vào cửa tham quan. Mình kêu bán cho hai vé thì ông bán vé, kêu tui tưởng anh là Tây chứ. Chắc là tây đen. Chán Mớ Đời 

Chụp hình những góc cạnh để xem họ thiết kế ra sao, rồi chụp hình đồng chí gái toả nắng. 

Gặp lại anh bạn thi sĩ sau 7 năm. Đúng là cái duyên

Đúng lúc đó, anh bạn quen qua nhóm cựu học sinh Văn Học ở Cali, 7 năm nay không gặp nhau, gọi. Hẹn ở mộ Hàn Mặc Tử. Anh này về hưu tại Việt Nam. Không thích Sàigòn nên ra Nha Trang ở, đi dạy ở cô nhi viện các môn anh ngữ và Toán Lý Hoá. Tuần này anh ta buồn đời, đạp xe đạp từ Nha Trang đến Quy Nhơn để thăm mộ thi sĩ mà anh ta yêu thích. Anh ta cho biết là đạp xe đạp đến Đèo Cả thì chưa lên đỉnh đèo, đã không thấy bố mẹ đâu nữa, chân tay rã hết nên dắt xe lên đỉnh rồi thả dốc. Mình hỏi không sợ xe khách. Anh ta kêu sợ chứ, chúng chạy như bay, bóp còi to đến phát sợ. Anh ta cũng thích bài Chiều Qua Tuy Hoà của Nguyễn Đức Quang.

Đây là mộ mới của Hàn thi sĩ được cải táng lên trên núi đồi để nhìn cái vịnh làm thơ
Mộ cũ của Hàn thi sĩ được nhạc sĩ Trần Thiện Thanh thực hiện

Hẹn ở mộ Hàn Mặc Tử nhưng bác tài chở đến mộ mới của ông thi sĩ Hàn Thị. Chỗ này vào cổng 20,000 đồng. Không thấy anh bạn đâu hết thì anh ta kêu bác lại đi lộn đường rồi. Có hai mộ Hàn Mặc Tử tại Quy Nhơn. Mộ thứ nhất là tại nhà thờ Quy Hoà, trung tâm phong cùi, nơi ông thi sĩ này trú ẩn, chữa bệnh và chết tại đây, hưởng dương được 28 tuổi. Sau này người ta cải táng ông ta lên trên đồi núi để ông ta nhìn xuống vịnh Quy Nhơn. Chỗ này thì du khách đông như quân Nguyên, la é é giọng BÌnh Định. Thế là phải chạy đến nhà thờ Quy Hoà, xe xuống dốc đèo. Kinh vì hai bên đường thấy nhiều cái trang thờ người chết vì tai nạn ở trên con đường đèo này.


Cuối cùng xe đến cổng, trả 10,000 vào cửa thì thấy anh bạn mướn xe gắn máy chạy lại. Anh ta kêu hết xí quách nên phải mướn xe đi thăm vài nơi. Ngày mai đạp xe về Nha Trang. Kinh


Mình thấy có tấm bảng đề tên nhạc sĩ Trần Thiện Thanh xây mộ này lại sau khi họ cải táng, đưa lên núi chôn. Anh bạn kể lâu rồi, đêm nguyên tiêu, anh ta xin phép ở lại đêm để đợi trăng lên bên mộ Hàn thi sĩ sợ ma quá. Anh cho biết khi xưa Hàn thi sĩ mê 3 thứ: đức mẹ Maria, ma và trăng. Mình nói mê mà sao ông ta cứ rao bán ai mua trăng tôi bán trăng cho. Do đó họ xây bức tượng đức mẹ đồng trinh trên mộ của Hàn thi sĩ. Mình và anh ta và đồng chí gái đi ra biển chụp hình kỷ niệm 7 năm mới gặp lại nhau. Nhà thờ này giỏi vì vẫn giữ được đất đai. Khung cảnh quá đẹp, ngay biển, có thông. Rất đẹp. Ai đi viếng Quy Nhơn thì ghé đây viếng mộ Hàn thi sĩ rồi nhảy xuống biển bơi, nhớ đem theo thức ăn.


Anh ta bận đi viếng đền đài vua Quang Trung. Mình đọc tài liệu thì được biết họ mới làm sau này, không đẹp lắm. Mình thích viếng di tích lịch sử xưa, để xem họ xây cất ra sao chớ còn làm ngày nay để câu du khách thì không muốn bò đến. Thường là họ bựa thêm chuyện. Anh bạn có kể lần trước, có gặp một ông lão 80 tuổi, hỏi chuyện thì ông ta kể các thứ phi của vua Quang Trung phải chạy trốn vào trong xa, và anh ta có chạy xe vào hang đá, được kể một thứ phi trốn ở đây rồi qua đời. Cho đến nay, không ai biết vua Quang Trung được chôn ở đâu. Chắc sau khi chôn cất vua Tây Sơn xong thì họ giết hết những người lo việc chôn cất.


Bác tài đưa hai vợ chồng về khu nghỉ dưỡng ăn cơm, rồi đi vòng vòng biển, không được tắm vì thấy treo cờ đỏ. Theo họ giải thích mùa này bơi ngoài biển sẽ bị trôi dạt xa lắm. Cho ngâm nước nhưng gió cũng mạnh, trời không ấm lắm.


Hai vợ chồng ăn cơm Việt Nam rất ngon với canh cải, rau lang xào với tỏi, thịt xào đủ loại. Sau những ngày ăn ở Marriotts thì đây là bữa cơm thuần tuý Việt Nam. Rất ngon. Mình nhắn tin cô em, hỏi ăn tôm hùm đã chưa. Cô em kêu chưa. Ở khu nghỉ dưỡng Marriotts, có 3 tiệm ăn. Một tiệm thổ nhĩ kỳ, mình nói chuyện với đầu bếp béo như ông thổ. Ông ta cho biết là gốc Istambul. Mình cho biết là viếng xứ ông ta mấy năm trước đây. Tiệm này có món đặc biết là tôm hùm nướng nên mấy cô em cứ tiến về đây hát bài tôm hùm.


Chiều mình tập Thái Cực Quyền, Hồng Gia một tí rồi đi ngủ. Mai sớm đi Hội An, sẽ qua các vùng Quảng Ngãi,… nếu đi ngang làng Mỹ Lai, mình sẽ ghé lại thăm viếng.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Cưỡng bách hồi hương


Từ khi ông Trump nhậm chức, tin tức về cưỡng bách hồi hương các người di dân bất hợp pháp trong đó có người Việt ra đi từ Việt Nam, qua ngõ biên giới Mễ. Có anh quen làm cho cơ quan thiện nguyện giúp đỡ mấy người chạy qua biên giới Mễ -Mỹ kể thấy cũng tội lắm. Nhiều người Tàu hay người Việt tốn mấy chục ngàn mới được móc nối qua biên giới. Anh ta kể mấy người này gia đình cầm cố giấy tờ, sổ đỏ nên qua được Hoa Kỳ rồi thì họ sẵn sàng làm bất cứ việc gì để có tiền để trả nợ, như trồng cần sa. Ngay cả giết người. Máu lạnh lắm.


Có tin một ông ấn độ, tốn $47,500 và 6 tháng trời để đi chui vào Hoa Kỳ. Vài tuần sau bị bắt, dẫn độ về Ấn Độ. Nói ông ta mất tất cả vì cầm cố nhà của gia đình để người khác mua áo quần đẹp.

Qua được biên giới rồi thì họ đứng đợi cảnh sát biên phòng đến, đầu hàng, không chống cự, làm biên bản rồi gọi ai quen của tổ chức đến chở về. Họ có ứng dụng để xin tỵ nạn đợi ngày báo ra trình diện. Có lần mình đọc một chương trình người Tàu di dân lậu, xin tỵ nạn. Họ cứ kêu là tin vào Chúa nhưng Trung Cộng không cho thờ chúa nên xin tỵ nạn tôn giáo. Tổ hợp luật sư kiếm tiền nhiều nhờ vụ này bị rút bằng. Cứ qua biên giới xin tỵ nạn tôn giáo, nhất là Trung Cộng không có ký kết chương trình dẫn độ người Tàu về lại nên người Tàu khoẻ re. Thấy báo chí nói có cô sinh viên người Tàu nào chống đối Do Thái, bị lấy lại chiếu khán du học sinh. Ngày xưa, nếu du học sinh Việt Nam phản chiến ở hải ngoại, bị đuổi về Bắc Việt thì chắc không có vụ 30/4. Có thể họ biến luôn vì xứ này rộng lớn, ngoại trừ gây tai nạn hay làm gì bị tố giác. Hôm qua, đọc trên nhóm người Việt cali, có bà nào kêu muốn tố giác một cô nào gốc việt, làm giấy khai gian, lấy người em trai rồi khi có giấy tờ lại xù nên muốn tố giác để họ dẫn độ cô này về Việt Nam.

Nay người ta khám phá gia nã đại đánh thuế hàng của Hoa Kỳ từ bấy lâu


Đây là danh sách các người di dân được liệt kê từ thời ông Biden để được dẫn độ về quê quán. Năm nay chắc nhiều. Theo danh sách thì không chỉ có người Mễ mà ngay cả người đến từ Âu châu. 


Báo chí Thụy điển cho rằng 90% người xin tỵ nạn chính trị tại xứ họ, đi nghỉ hè ở quốc gia mà họ kêu là đe dọa họ nếu trở về. Cái này mệt vì chính phủ Thụy điển dựa theo vụ này mà trục xuất họ 

Nay thì hơi mệt, hôm trước thấy video, ICE bắt một thanh niên gốc Việt tại một tiệm làm Nail. Chắc sẽ bị dẫn độ về Việt Nam, toi mất bao nhiêu tiền của gia đình. Mình đoán chắc làm gì nên người làm chung ghét nên tố giác chớ khó mà biết được ở xứ này.


Có anh bạn quen từ Đà Lạt, nay sinh sống tại Gia Nã Đại, không hiểu lý do chính phủ Trump đánh thuế 25% hàng nhập cảng từ Gia Nã Đại và Mễ tây Cơ, trong khi chỉ đánh thuế Trung Cộng có 10%. Lý do là Trung Cộng sản xuất, làm fentanyl rồi đưa các băng đảng chuyển qua biên giới Hoa Kỳ với Mễ Tây Cơ và Gia Nã Đại. Ông ta yêu cầu hai nước này phải hạn chế vụ này với đánh thuế 25%. Như chúng ta đã biết, tệ nạn hôm nay là Fentanyl, đã giết bao nhiêu người Mỹ. Trung Cộng khi xưa bị người tây phương đầu độc thuốc phiện, làm giàu nên ngày nay họ trả thù và làm tiền. Mình đọc tài liệu của pháp thì khi người Pháp sang chiếm Việt Nam, 50% người Việt bị nghiện thuốc phiện do người Tàu bán, khiến họ chiếm quyền buôn bán thuốc phiện và rượu. Vụ này khởi đầu là nhà Thanh đánh nhà Minh chạy có cờ. Người Tàu trốn sang Việt Nam, được gọi là người Minh Hương hay các nước khác ở á châu, thành lập phong trào “phản Thanh phục Minh”. Từ đó họ mới bán thuốc phiện và rượu để gây quỹ kháng chiến cho phong trào và tự nhận là người Hảo Hán.


Trong cuốn sách “you can negotiate anything” tác giả có nói đến cách thương lượng. Mình nhớ đến vụ tranh luận giữa ông Trump và bà kamala thì hiểu bà ta không hiểu gì về thương lượng. Khi chào nhau trên sân khấu, ông Trump thay vì bước tới bắt tay bà Kamala thì ông ta đứng lại, đợi bà Kamala bước quá khoảng cách của hai chỗ đứng để bắt tay. Thế này được gọi cách tên buôn bán xe. Lần sau ai đi mua xe sẽ hiểu, mình bước xuống xe thì mấy tên bán xe đứng một chỗ để kiểm soát mình. Mình học nghề này nên thay vì bước lại chỗ họ đứng, bước đi chỗ khác nên họ chạy theo. 

Ông trump tuyên bố này nọ và các nguyên thủ quốc gia cũng lên tiếng ầm ầm để giữ thể diện rồi phía sau họ cho người thương lượng chi tiết hơn. Nên nhớ thủ tướng gia nã đại đã bay sang florida sau khi ông trump đắc Cử. Thương lượng kiểu ông Trump họ gọi là cách thương lượng liên Xô như Kruchev khi xưa, đem theo một chiếc giày rồi rút trong cặp ta đập lên bàn chớ ông ta đâu có tự động. Tất cả chỉ đóng kịch cho vui đời. Nếu ai đi chơi been Mễ sẽ thấy Trung Cộng xây nhà máy sản xuất đồ đạt để bán cho Hoa Kỳ với nhãn hiệu hecho in mexico.   


Mình nhớ dạo mới sang Hoa Kỳ thì có vấn đề tỵ nạn người Việt tại các trại tỵ nạn lên cao điểm. Hoa Kỳ cũng như các nước tây phương mệt mỏi với vấn nạn tỵ nạn người Việt. Dạo đó có độ 1 triệu người Việt bỏ nước ra đi. 

Thật sự đất Hoa Kỳ này khởi đầu bởi di dân bất hợp pháp.  Người Anh quốc đổ bộ lên xứ này, không xin phép rồi từ từ họ chiếm đóng, đẩy người bản địa vào các khu riêng biệt tự trị. Nếu người da đỏ xây tường hay bắt dẫn độ người Anh quốc di dân lậu về lại nước họ thì lịch sử thế giới đã khác rồi. Tương tự miền nam Mỹ châu, người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đổ bộ rồi chiếm đánh, giết hại không biết bao nhiêu người bản địa, thành lập thuộc địa. Mình hay nói với người Mỹ trắng, là họ gọi Americans trong khi người bản địa là native Americans, asian Americans nếu là gốc Á châu và afro-Americans nếu là da đen. 


Khi xưa, sau 75 người Việt ra đi bằng thuyền, đến các xứ như Mã Lai, Nam Dương, Thái Lan thì xem như họ thuộc dạng di dân lậu, bị đưa vào các trại tỵ nạn, đợi liên hiệp quốc cứu xét hồ sơ để được phỏng vấn với đệ tam quốc gia, còn ai có hồ sơ không chắc chắn thì họ để ở trại tỵ nạn đợi cứu xét. Hình như cách đây mấy năm, có một số người Việt ở trong các trại tỵ nạn phi Luật Tân và Thái Lan, cuối cùng được nhận vào Hoa Kỳ sau 20 năm lây lấc trong các trại tỵ nạn. Mình có dự một buổi gây quỹ nhỏ nhắc đến vụ này ở Bolsa.


Do đó mình ngạc nhiên khi đọc nhiều còm của người Việt tỵ nạn, nay là công dân mỹ, lên tiếng hoan hô vụ cưỡng bách hồi hương của những người di dân lậu. Ký ức quá ngắn để nhớ lại mình cũng là di dân bất hợp pháp đến các nước lân cận Việt Nam khi xưa, rồi trời thương được các quốc gia nhận cho di dân vào xứ họ. Ông tổng thống Jimmy Carter mới qua đời, chính là người tìm cách nhập cư các người Việt tỵ nạn ở Đông Nam Á. Tạo dựng lại cuộc đời, nay có cuộc sống tương đối khá hơn đa số ở Việt Nam. 

Đa số các người di dân lậu đều phải trả một số tiền khá lớn để được móc nối qua biên giới mễ. Do đó họ cần việc làm và sẵn sàng làm bất cứ việc gì để kiếm tiền trả nợ cho gia đình. Người việt tỵ nạn như đồng chí gái phải trả 4 cây để đi vượt biển. Nhưng chỉ đến Mã Lai, mất độ 5 ngày trên biển và mấy ngày đợi bãi ở Bà Rịa. Còn mấy người di dân lậu đến từ Trung Cộng, Việt Nam thì phải bay xa đến xứ Equador rồi dùng đường bộ, băng xuyên qua nhiều quốc gia trước khi đến biên giới Mễ Mỹ. Nên giá trả gấp mấy lần người Việt ra đi khi xưa. Đọc đâu đó, có một gia đình người Việt, phải đóng $200,000 để được móc nối theo đường dây này. Nay bị bắt ở biên giới thế là ngọng. Những người này ra đi như người Việt khi xưa sau 75, tìm một tương lai cho gia đình. 


Mình có xem một phim tài liệu về cưỡng bách hồi hương người Việt khi xưa, phỏng vấn họ muốn đóng cửa trại tỵ nạn và hồi hương các thuyền nhân người Việt đã không được nhận, khiến có nhiều vụ tự tử trong các trại tỵ nạn nhất là tại Hương Cảng. Cộng đồng người Việt tại hải ngoại lên tiếng phản đối, sinh viên xuống đường biểu tình xin chữ ký gửi cho các đại biểu quốc hội, họ yêu cầu ngưng chương trình dẫn độ về Việt Nam. Các người đã đến Hoa Kỳ cũng lo lắng, xuống đường biểu tình, có người tự tử ở trước Phước Lộc Thọ.


Nay chính quyền Trump mạnh tay dẫn độ, nghe nói là các người có tiền án trước. Vấn đề chấm dứt tỵ nạn kinh tế, di dân lậu tại Hoa Kỳ thì phải xem rõ nguồn ở đâu. Khi xưa, sau 75, đói quá và chế độ lý lịch, người Việt đành lên thuyền bỏ nước ra đi. Ngày nay, Trung Cộng nghe nói giàu có mà người Tàu vẫn tiếp tục ra đi vì kinh tế. Hỏi người Việt vượt biển là nếu làm lại, đa số kêu không dám đi lại vì quá khổ và nguy hiểm.


Người giàu có thì có thể đầu tư vào Hoa Kỳ qua các chương trình di dân chính thức còn không thì phải cầm cố sổ đỏ, vay mượn để đi tìm con đường sống cho gia đình. Nếu họ không may chết trên đường đến vùng đất hứa thì xem như cả gia đình họ muôn đời không ngóc đầu lên vì gia tài bị cầm cố hết. Biết đâu khi xưa, người âu châu sang Hoa Kỳ lập nghiệp trên những con tàu mong manh, họ cũng cầm cố tài sản cha ông để ra đi. Năm ngoái, về Sàigòn ở phi trường, thấy một nhóm người đi lao động quốc tế, nghe nói muốn có thêm 500,000 người Việt đi lao động quốc tế.


Sự ra đi của người âu châu khi xưa tương tự như ngày nay các xứ khác ùa đến Hoa Kỳ và âu châu. Vấn nạn là âu châu có nhiều quy định nên kinh tế không ngất đầu lên vì sau đệ nhị thế chiến, họ cần nhân công nên phải chạy về các nước phi châu tuyển người lao động nay thì không cần thì họ tìm cách đuổi về. Đó là luật thiên nhiên, đói quá thì trong lịch sử loài người, con người phải di cư đi chỗ khác để kiếm sống như các loài thú di dời tại Phi châu khi đến mùa đi kiếm ăn.


Mấy ngày nay, người ta bàn tán về vụ các người di dân lậu bị cưỡng bách hồi hương bằng phi cơ quân sự khiến tổng thống Columbia từ chối nhận. Vì phi cơ quân sự được sử dụng nhất là người dân của họ bị còng tay. Nhưng ông Trump ra lệnh đánh quan thuế 25% quan thuế, sau đó 1 tuần sẽ đánh thêm 50%. Đối đáp ra sao khiến ông tổng thống Columbia, đành chấp nhận và cho biết sẽ cho phi cơ Columbia bay qua mỹ chở các người di dân bị cưỡng bách hồi hương. Được biết là 36% sản phẩm xuất cảng của Columbia là sang Hoa Kỳ, nếu bị áp thuế thì sẽ khó bán nhất là cà phê, sẽ gây lộn xộn kinh tế xứ này và chính phủ sẽ banh ta lông. Các nước khác sản xuất cà phê sẽ nhân cơ hội đánh chiếm thị trường cà phê là ngọng. Mình đang đi chơi nên chưa có thời gian kiếm công ty cà phê nào để mua cổ phiếu. 


Tại sao đánh thuế quan, họ cho rằng sẽ gây lạm phát tại Hoa Kỳ. Bao nhiêu năm qua, người Mỹ sống sung sướng vì hàng rẻ, nhờ nhập cảng từ các nước trên thế giới, và từ khi covid xảy ra thì lạm phát kinh hồn, khiến đi chơi ở âu châu thấy giá cả rẻ hơn Hoa Kỳ. Dạo này các nhà bình luận kinh tế nhắc đến và ca ngợi đánh thuế quan của thời tổng thống McKinley. Thậm chí muốn đổi tên đỉnh núi cao nhất Alaska thành McKinley.


Chính phủ Hoa Kỳ đang dự định cải tổ đánh thuế thương mại xuống 15% để thu hút các nhà đầu tư trên thế giới. Năm 2017, ông Trump đã hạ xuống 21%, nay muốn hạ xuống 15% trong khi thế giới như âu châu lên đến. Năm 2024, chính phủ tại Bồ Đào Nha đánh thuế 35%, Đức quốc 31.5% và Ý Đại Lợi 29.9% trong khi Hung Gia Lợi chỉ có 9%. Ở âu châu các nước như Hung gia Lợi và Ba Lan có nền kinh tế khá phát triển vì thuế ít, giúp người dân khuếch trương hay mở công ty. Về Pháp và Ý Đại Lợi năm ngoái thấy te tua, tiệm đóng cửa quá cỡ vì thuế đánh khiến người dân không muốn buôn bán làm ăn. 


Ngày nay kinh tế Hoa Kỳ cũng như âu châu không như sau thế chiến thứ 2 nên họ phải hạn chế vấn nạn di dân lậu, gây thêm gánh nặng cho ngân sách của quốc gia họ. Một mặt họ thấy hậu quả về xã hội với người di dân khác tôn giáo và văn hoá. Điển hình là người Ý Đại Lợi, dù thiếu người vì dân xứ này không chịu đẻ nhưng không chấp nhận nhận thêm người di dân vì đã chứng kiến trường hợp xã hội biến thái của Pháp và Đức quốc hay sợ nhất là Anh quốc. Mình về thăm Ý Đại Lợi, thấy các tiệm mở 24/24 đều do người gốc ấn độ hay sri lanka. Qua Tiệp Khắc cũng thấy người Việt mở các tiệm đêm ngày trong khi dân họ tà tà. Người di dân chịu khó làm ăn nên giúp kinh tế đất nước nơi mình định cư khá. 


Mình nghe nói nhưng chưa kiểm chứng về việc chính phủ Biden cho phép di dân lậu. Lý do họ muốn kiểm soát hoàn toàn nền chính trị tại Hoa Kỳ trong thế kỷ này. Họ cho biết là thời tổng thống Reagan ra lệnh ân xá người di dân lậu thì tiểu bang Cali bị chuyển qua đảng Dân Chủ mà ngày nay các cử tri của đảng dân chủ tại tiểu bang này lên đến 70%. Xem như là đảng Dân Chủ có quyền sinh sát tại tiểu bang này với những chương trình xã hội theo đường lối của đảng Dân Chủ.

Tiểu bang New York đông dân cư cũng thuộc về đảng Dân Chủ. Khi tranh cử thì hai tiểu bang đông dân cư này hoàn toàn bầu cho đảng Dân chủ. Do đó muốn thắng cử, kiểm soát quốc hội, toà Bạch Cung thì đảng Cộng Hoà phải vận động tại các tiểu bang có thể bầu cho họ như cuộc bầu cử vừa qua. Họ gọi là chiến địa Swing States.


Chính quyền Biden cho phép di dân lậu vào các tiểu bang và được chở hay khuyến khích đến các tiểu bang khác như Texas, Georgia,… có khuynh hướng bầu cho đảng Cộng Hoà và tìm cách thay đổi luật lệ bầu cử để chiếm đa số. Điển hình đi bầu ở Cali, nay không cần đưa giấy tờ tuỳ thân để chứng minh địa chỉ cũng như công dân Hoa Kỳ. Mình chưa đọc nghiên cứu rõ ràng về vụ này nhưng đó là những gì báo chí viết. Nếu nhóm di dân lậu được bỏ phiếu thì đảng dân chủ sẽ thắng tất cả các cuộc bầu cử cấp tiểu bang hay liên bang. Kiểm soát nền chính trị Hoa Kỳ suốt thế kỷ 21.


Không ai muốn bỏ quê hương ra đi cả. Khi xưa, thế hệ ông bà mình vào Sàigòn hay Đà Lạt lập nghiệp vì ở Huế nghèo quá, sống không nổi. Mình lấy thí dụ ông Võ Quang Tiềm, từ Huế vào Đà Lạt lập nghiệp. Sau đó về quê cưới vợ, rồi bà Tiềm đem mấy người em vào Đà Lạt, học nghề thợ may như ông Tiềm.  Nghe người lớn kể, ông Tiềm với ông Phúng, em trai bà Tiềm, may áo quần rồi gánh 3 ngày 3 đêm xuống các vùng, nơi người Pháp đang làm đường rầy xe lửa từ Phan Rang lên Đà Lạt, để bán cho các thợ làm đường rầy. Dần dần có tiền mới mua nhà cửa buôn bán rượu, thuốc lá Cẩm Lệ,… cho thấy các người này vất vả, chịu cực khổ mới tạo dựng được sự nghiệp, cho con học trường tây, du học bên pháp.


Sau khi thành công thì ông Tư, anh của mệ ngoại mình ở Sàigòn, đem mấy người dì của mình vào Sàigòn, dạy làm thợ may. Người bà con, từ Đà Lạt về hUế, dẫn mẹ mình vào Đà Lạt, phụ giúp cho gia đình sau khi lập nghiệp tại Đà Lạt. Ai làm ăn cũng muốn tìm người giúp việc mà họ tin tưởng. Tốt nhất là bà con, người làng như người trong nhà nên khi lớn lên thì gã chồng cưới vợ. Sau 75, ở quê mình có mấy người em họ, đi lao động quốc tế, rồi một số vào Nam lập nghiệp. Nay đến đời con của em họ mình thay cha mẹ đi lao động quốc tế bên Đài Loan hay Nhật Bản, hay Lào.


Thế giới thay đổi mà nông thôn không thay đổi thì người ta phải ra đi. Thậm chí tại các nước tây phương hay Hoa Kỳ giàu có, cũng có người tìm đường đi xứ khác lập nghiệp. Có ông tây nào, cháu ngoại gia đình Farraut, về Đà Lạt tìm cách xây dựng lại thương hiệu của cha ông ngày xưa. Nếu chính trị không thay đổi, và kinh tế không thay đổi thì con người sẽ tìm đường đi kiếm ăn. Đất lành chim đậu. Quê hương là đâu? Quê hương là nơi mình có thể có cuộc sống an nhàn. Nếu anh cảm thấy hạnh phúc ở quê thì đó là quê hương, còn nếu chị thích sống ở thành phố vì có đầy đủ tiện nghi thì thành phố là quê hương.


Truyền thống sẽ theo thời gian thay đổi. Hôm nay mình đọc một bài của một chị quen. Chị ta về quê ăn tết nhưng ngày nay tết nhất ở quê đã thay đổi. Chị cho biết đất cày cấy đã biến mất, thay vào đó là nhà cửa và thương mại. Thay vì đi thăm viếng xóm giềng, chúc tết như xưa kia, người ta hát karaoke này nọ. Mình về Đà Lạt, chả biết người láng giềng là ai, vì nhà nào nhà nấy đều rào cổng to đùng. Không như xưa, con nít hàng xóm chạy sang nhà bên cạnh, khoe áo mới.


Trong lịch sử loài người, con người sẽ luôn luôn ra đi tìm đất sống để nuôi bản thân và gia đình. Người ra đi, phải cầm cố tài sản gia đình nhưng nếu bị bắt, dẫn độ thì chắc chắn sẽ phá huỷ giấc mơ của gia đình. Bất cứ ở nước nào trên thế giới. Tiền đâu để trả nợ. Đó là bi kịch cho đời người. Mình may mắn ra đi chính thức trước 75 và thời thế đã khiến mình vào quốc tịch nơi mình sinh sống. May mắn hơn những người di dân lậu chớ chả tài giỏi gì cả. Không chống đối người di dân lậu vì họ tìm đường sống cho họ và gia đình. Chính phủ nước họ thì chắc chắn không lo cho họ, thậm chí còn lấy tiền, và được lợi vì khi họ gửi tiền cho gia đình thì được thêm ngoại tệ và đánh thuế. Chán Mớ Đời 


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Du xuân với Mẹ sau 50 năm

 Du xuân với gia đình


Kỳ này về ăn Tết, cô em út kêu anh và chị Trinh cho cả nhà đi Nha Trang chơi. Mọi lần thì đi Đà Nẵng hay Hội An nhưng nay bà cụ hơi yếu nên đi Nha Trang cho gần. Răng mẹ mình ở tuổi 93 bắt đầu lộn xộn, nha sĩ kêu nhổ đeo răng giả nên người bắt đầu yếu. Ăn uống khó nhai. Cô em đặt phòng ở Hòn Tré, 3 nhà trong khu nghỉ dưỡng Mariotts. Thuê xe buýt to đùng chở đại gia đình xuống Nha Trang.

Ăn cơm xong, thay vì gọi xe đưa về nhà thì hai vợ chồng dẫn mẹ đi bộ cho tiêu cơm. Nhìn hình thì cảm thấy may mắn vì bằng tuổi này vẫn còn mẹ, được mẹ nắm tay dẫn đi như ngày xưa. Đi với hai người đàn bà quan trọng nhất đời mình.

Cô em ở phila, người gầy như con mắm, tuyên bố đến đây ăn cho mập. Khi xưa mình về lần đầu tiên, thấy bự con nhưng không hiểu sao qua Mỹ lại gầy như con mắm. Sáng hôm sau, cô em than, tối qua ăn nhiều lắm lên được 2 cân, sáng ra đi vệ sinh, hoàn lại số cân hàng ngày. Cô em kêu Chán Mớ Đời 


Mấy đứa cháu đi chơi ở thuỷ cung, khu giải trí VinPearl, đồng chí gái và cô em bên pháp về, đi tham quan khu nghỉ dưỡng, mình đợi mẹ ngủ dậy, dẫn bà cụ đi bộ ra biển. Tay nắm tay bà cụ đi ra biển, cảm thấy vui khó tả. Khi xưa, bà cụ dẫn mình đi qua đường, nhiều khi mình vùng vằng, không muốn bị nắm tay. Nay mình lại dẫn bà cụ đi bộ xem có chướng ngại trước mặt để tránh. Hạnh phúc đời người thật ra rất đơn sơ, như nắm tay mẹ già đi bộ, kể chuyện đời xưa. Cô em nói anh lấy xe lăn, đẩy đi cả Má mệt. Mình suy nghĩ khác, cứ cho bà cụ đi bộ, vì chân bà cụ dạo này teo lại, mất cơ bắp, không như xưa, khi đi chơi với mình ở Nhật Bản.


 Dạo sau này, bà cụ không đi tập dưỡng sinh hàng ngày nữa vì đêm tối, không có hàng xóm đến dẫn đi trong tối. 5 giờ sáng thì Đà Lạt còn tối mù mà không có đèn đường, lại cầm đèn pin rọi đường mà đi nhất là các hôm trời mưa, có thể ngã. Mình hỏi có tập ở nhà không, bà cụ kêu có nhưng mình đoán là không vì thấy chân mẹ teo nhỏ lại. Chắc mai mình sẽ hướng dẫn bà cụ tập Trạm Trang Công trong nhà cũng giúp khoẻ chân và đẩy hàn khí trong người ra. Thấy bà cụ hay ho nên mình nắm tay để xem.


Dạo sống với mình ở cali, ngày nào mình cũng bắt đi bộ, 2 cây số, chiều lại đưa đến Đông Phương Hội tập dưỡng sinh 2 tiếng. Khi mưa gió, bà cụ kêu thôi không đi, mình bận áo mưa vào rồi dẫn đi 2 dặm rồi về nên khi đi Nhật Bản, mỗi ngày lội bộ leo núi với mình đến 7, 8 dặm.


Sáng qua, trong khi cả nhà còn an giấc mình đi bài Thái Cực Quyền 8 thức được 63 phút. Mừng quá vì chương trình là đến cuối năm 2025 mà mồng 3 tết đã thực hiện được, vậy thì cuối năm, mục tiêu là 2 tiếng đồng hồ. Khoa đi được 3 tiếng đồng hồ, hôm trước, Khoa chỉ sơ sơ cách chuyển động trọng lực và thể lực, thấy chới với. Cái khó là mài hơi thở nên khá mệt, mồ hôi đổ như suối. Hôm nào mình kể lý do phải đi bài Thái Cực Quyền càng lâu càng tốt cho sức khoẻ.


Mẹ mình vui lắm khi thấy con cháu từ xa bay về ăn tết. Mẹ nói làm mẹ, ai cũng nhớ thương con cháu ở xa mà không biết làm sao. May ngày nay có điện thoại, internet nên gọi cho nhau mỗi tuần cũng đở nhớ. Gặp nhau thì quý hơn. Thấy mẹ ngồi nhìn con cháu sum vầy, chơi lotto, ăn uống, chọc nhau, mẹ kêu may quá khi xưa, sinh cả đàn con nay ngồi nhìn con cháu vui quá.

Ký ức mình là những điểm tích cực, còn mẹ thì nghĩ đến những tiêu cực ngày xưa. Mình khuyên mẹ không nên nhìn về quá khứ, hãy nhìn hiện tại mà sống. Mẹ không giàu nhưng được đi du lịch ở Pháp, bên mỹ mấy lần, thêm có thẻ xanh di trú ở Hoa Kỳ nhưng buồn nên bỏ về. Đi chơi ở xứ Cộng Hoà Dominique, ở Hoa Kỳ thì đi viếng thăm đến 12 tiểu bang. Mấy người em ruột của mẹ, di dân sang Hoa Kỳ, 30 năm rồi mà chỉ biết có Cali hay Bolsa. Còn á châu thì đi Trung Cộng, Nam Hàn, Nhật Bản, Mã LAi, Tân Gia BA, NAm dương, Thái Lan, Cam Bốt còn Việt Nam thì khắp 4 vùng chiến thuật, ngoài bắc khắp nơi. Mấy bà dì họ khi xưa, giàu có ở Đà Lạt như bà Tiềm đâu có được đi chơi như Má, ở khách sạn 5 sao, ăn đồ ngon vật lạ. Đừng có nghĩ tiêu cực, hãy nghĩ mình có phước, được con chăm sóc khi về già, vui chơi với con cháu. Nhiều người có tiền mà không được con cháu chăm sóc. Mẹ có dâu nhất là con rể chăm lo cho mẹ là tốt rồi.

Mẹ ở sảnh Mariotts

Mai lại xa mẹ như 51 năm về trước. Cả nhà trở về Đà Lạt trong khi mình và đồng chí gái ra Quy Nhơn, nơi mình có sinh sống vài tháng khi còn bé. Mẹ mình bị mật vụ của chính phủ Ngô Đình Diệm bắt, nên đem mình vào nhà lao vì mới sinh ra mấy ngày, đến khi ông cụ đi phép về, bảo lãnh ra và đem về Quy Nhơn, nơi ông cụ đóng quân. Cho yên một tí, vụ lùng bắt thì bà cụ vào lại Đà Lạt. Sau Quy Nhơn, hai vợ chồng về Hội An, phố Cổ, nơi đồng chí gái sinh sống 13 năm trước khi vào Sàigòn. Mình sẽ ra Huế, viếng thăm bên ngoại và bên vợ. Sau đó bay vào Sàigòn. Rồi đi Úc và Tân Tây Lan, thăm mấy người cậu dì bà con khi xưa ở Đà Lạt.

50 cái Tết xa nhà, năm nay mới được về ăn Tết với gia đình. Mình cảm thấy hạnh phúc, có mẹ bên cạnh và các em. Không khí lại như xưa thêm mấy đứa cháu thêm đồng chí gái đi bên cạnh cuộc đời trên 30 năm.


Con đi đâu, con về đâu

Cuộc đời của Mẹ là câu trả lời.


Mình may mắn có hai người phụ nữ tuyệt vời bên đời. Một người đã nêu gương cho mình đi suốt 51 năm qua xa nhà và người bạn đời, luôn luôn bên cạnh, không nề hà việc mình báo hiếu cha mẹ, đưa gia đình đi chơi xa. Có lần đồng chí gái nhìn mấy tấm ảnh khi đại gia đình đi Dubai. Kêu không tiếc tiền vì những hình ảnh này khó thực hiện lại. Nhớ lại thì thất kinh vì họ bố trí 3 hướng dẫn viên, có cả người thông dịch từ tiếng Việt qua anh ngữ cho mấy đứa con và cháu hải ngoại. Đúng là chuyến đi để đời.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn