Bạn hàng của Mẹ 1

Tuần rồi nói chuyện với mẹ mình, bà cụ kể con gái của bác Phước đã qua đời. Mình không nhớ chị này lắm, có gặp lại một lần khi ghé thăm bác đang bán hàng ở đường Minh Mạng, ngay dốc Nhà Làng. Lần sau về thì nghe tin bác đã qua đời. Mình nhớ có tấm ảnh mình còn bé, chụp với bác Phước, bồng trên tay. Khi xưa, nhà bác ở cạnh nhà mình ở Ấp Ánh Sáng. Khi mẹ mình sinh mình thì bác hàng xóm, với bạn hàng trên chợ, hay ghé qua nhà, tắm rửa cho mình. Sau này lớn lên một tí, ra chợ trên lầu, ghé ngang hàng của bác là bác hay kêu Cu đi mô rứa?

Sau này bác bị thiên hạ giựt hụi, nên phải mướn cửa hàng ở Minh Mạng nhưng có vẻ ế nên ngưng bán, đau ốm ở nhà rồi qua đời.

Mình ra chợ Đà Lạt mỗi ngày từ khi còn nằm trong bụng mẹ đến khi đi Tây. Bà cụ mình, khởi nghề buôn bán ở chợ Cũ (khu Hoà Bình), trước đó người ta gọi Chợ Gỗ, hay Chợ Cây vì cấu trúc làm bằng gỗ ván ép xây vào năm 1932.

Đến thời thị trưởng Trần VĂn Phước, cho xây dựng một ngôi chợ mới rộng lớn hơn do người Việt di dân đến Đà Lạt rất nhiều sau 1954 và tân trang lại Chợ Cũ thành hí viện Hoà Bình và các tiệm xung quanh. Mẹ mình dọn xuống chợ mới, xây trên mảnh đất trồng rau cải mà các bạn hàng thường gọi Chợ Mới. Chợ này do KTS Nguyễn Duy Đức thiết kế và thi công bởi nhà thầu Nguyễn Linh Chiểu, chủ khách sạn Mộng Đẹp, mà thời mỹ qua được đặt tên Modern, cho lính mỹ mướn. 

Thiên hạ hay lộn, kêu kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế chợ Đà Lạt. Ông ta chỉ thiết kế cái cầu thang nối kết với chợ trên lầu và hai dãy phố ở hai bên hông chợ thêm cái cầu thang đi xuống chợ, chia cách khách sạn Mộng đẹp và nhà hàng La Tulipe Rouge và mấy căn nhà từ chợ đi ra bùng binh cầu Ông Đạo, có Nam Đô Ngân Hàng, cà phê Hạnh Tâm. Còn chợ mới do kiến trúc sư Nguyễn Duy Đức thiết kế.

Mình nghe bà cụ kể khi chưa xây chợ thì mỗi lần trời mưa thì khu vườn này bị ngập nước vì bao nhiêu nước mưa từ các đồi xung quanh như đường Phan Bội Châu, khu Hoà Bình hay dinh tỉnh trưởng đều đổ xuống thung lũng này nên họ trồng rau muống nhiều hơn.

Sau này các ống cống được thành lập giúp nước mưa thoát ra cái suối Cam Ly gần ấp Ánh Sáng cạnh cầu ông Đạo. Mình ngạc nhiên khi thấy bản thiết kế đầu tiên của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, về dãy tiệm từ cà phê Hạnh Tâm đi vào chợ Đà Lạt. Tạo dựng một khu vườn kiểu Anh quốc nhưng rồi làm thẳng bong từ chợ chạy ra bùng binh cầu Ông Đạo. Sau này về lại mình mới hiểu lý do vì bao nhiêu ống cống của chợ Đà Lạt, nước thải, phải làm ống cống cho chảy ra suối Cam Ly ở đầu ấp Ánh Sáng.
Hình ảnh của mấy người bạn hàng thân của mẹ mình khi xưa. Người đứng bên cạnh mẹ mình là Dì Bê, bán Chuối. Người ngồi trước mẹ mình bên tay trái là Dì Huệ, bán trái cây, Dì Rọm và Dì Khá. Trong 5 người thì mình nghĩ chỉ còn mẹ mình sống sót đến nay qua cuộc bể dâu. Dì Bơn mới chết cách đây 2 năm thì phải. Mình về lần cuối, có gặp dì. Toàn là mấy cô, gốc xứ hUế, đeo Kiềng,..Ngoại trừ dì Bê, mấy dì kia đều đi tù với mẹ mình, khi theo Việt Minh.

Bà cụ mình bốc thăm được phép bán hàng xén nên mua một gian hàng ở Chợ Dưới thay vì Chợ Trên (lầu 2) như bác Đoàn Mừng gái, có tiệm may ở đường Duy Tân. Chợ Trên thì trần nhà thấp hơn và có cửa sổ đóng mở theo mùa nên tương đối ấm hơn về mùa mưa bão nhất là sạch và ít hôi hơn Chợ Dưới vì các gian hàng toàn bán vãi, quần áo, áo len, giày dép, sách vỡ,... 
Xem tấm ảnh này, đa số đã qua đời. Ăn cưới nhà bạn hàng Đà Lạt. Hình Couvent des Oiseaux con gái của bác nào gửi mà mình không biết mặt. Hình như ở Ấp Ánh Sáng xưa. Ai nhớ thì cho em xin. Người đứng đầu bên trái là chú Hồng, nhà ở ngay dốc Hai Bà Trưng, cạnh nhà thầy Thành Bắp Sú, đã qua đời.

Nếu có gian hàng ở Chợ Dưới thì khi mưa bão là một cực hình, gió thổi vào bốn bề nên rất lạnh thêm đường đi trơn trợt vì mưa tạt vào nhưng tiện cho việc di chuyển hàng hoá vì hàng xén rất nặng, cho nên nếu có gian hàng ở trên lầu thì phải khiên vác lên cầu thang nên khách hàng cũng ngại vì phải khiên đi xa. Hàng bà cụ mình nằm cạnh dãy hàng ăn, bên hông chợ nằm ngay cầu thang số 1, cạnh bể nước. Chợ có 4 cầu thang để lên lầu, thường gọi là số 1,2, 3,4 thêm một bể nước ở bên cạnh chợ cá. Có dịp mình sẽ kể rõ về cấu trúc, gian hàng của chợ mới.
Đây là góc chợ, nơi có gian hàng của Mẹ mình. Thấy hai cầu thang (phía ngoài và phía trong đi lên chợ Trên). Bể nước là nơi mình và cô em kế, hay ngồi rửa chén đĩa khi người ta thuê chén đĩa để tổ chức đám cưới tại nhà hay tiệc tùng tại công sở vào dịp tất niên. Gian hàng đầu tiên lợp tôn, là của hai anh em tên Ba và Thạc , thợ thiếc, thợ hàn, chuyên làm mấy đồ tưới vườn, gian thứ hai là của Chú Lìn, bán cà phê và hủ tíu Triều Châu. Hình như mình có kể về tấm ảnh này rồi. Ai tò mò tìm đọc. Hình này chụp trước khi họ xây dãy phố do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế. Đoán là vào năm 1962.

Dạo đó có Sính, con đầu của ông bà Sở ở hàng cạnh bên, lớn hơn mình mấy tuổi nhưng vẫn xưng mày tao, cho có vẻ dân chủ tập thể. Thiên hạ kêu mình mất dạy vì lớn bé gì đối với mình đều mày tao. Hắn chạy chiếc xe Honda 90 cc thời đó tại Đà Lạt rất hiếm, đeo kính mát Rayban, được ông bà Sở rất cưng vì con trai đầu, hay ăn thịt bò bít tết ở hàng chú Lìn, thêm cái trứng gà au plat, uống cốc cà phê sữa, rít điếu thuốc lá Pall Mall rồi phà khói lên trời như Loan Mắt Nhung, làm mình thèm thuồng, không biết ngày nào mới được thưởng thức món này. 

Chú Lìn pha cà phê bằng chiếc tất, chú bỏ bột cà phê xay vào trong cái tất, cột vào cái quai tay cầm của cái vá lưới dùng luộc mì, nhúng trong cái ấm nhôm rồi đổ nước sôi vào ngâm ít phút rồi chế cho khách hàng uống nên dù có thèm nhưng mình không bao giờ uống cà phê vì hình ảnh bi hùng ấy. Trước khi đi Tây, chú Lìn đãi mình một miếng bít tếc thêm một cái hột gà au plat với bánh mì quẹt thêm tí bơ Bretel. Mình cắn miếng thịt bò bằng ba ngón tay rồi nhai từ từ để hương vị thịt bò lắn dần trong tâm khảm. Sau này ăn thịt bò bít tếc khắp nơi trên thế giới nhưng mùi vị thịt bò bít tếc lần đầu tiên ăn tại hàng cô chú Lìn vẫn theo mình đến ngày nay. 

Cô chú Lìn có nhà ở dốc Nhà Làng, ngay ngõ hẻm từ mấy thang cấp đối diện với khách sạn Cẩm Đô, cạnh phòng mạch bác sĩ Đào Huy Hách đi lên Minh Mạng, khúc Tăng Bạt Hổ có cái ống rãnh đen xì và hôi thối đỗ từ đường Minh Mạng xuống Phan Đình Phùng. Sau 79 thì gia đình chú Lìn, gốc tàu bị đuổi nên chạy sang Mỹ, nghe nói có lần về thăm bà cụ mình, nay đã qua đời.

Sính có cô em tên Bê, lớn hay nhỏ hơn mình đâu một tuổi, rất đô con, ra chợ dọn hàng, còn Sính chỉ chạy xe Honda ra ăn hàng, xin tiền đánh bi da. Sau này rớt tú tài, chạy giấy tờ giả về Saigon học, làm cô nào có bầu, rồi đám cưới nên mình không có dịp gặp lại, nghe nói đang ở bên Mỹ. Con Bê thì tội lắm, to con lại học dốt nhưng rất chăm làm, chăm buôn bán sau bỏ học để bán hàng sĩ nên khuân vác mệt nghỉ, lại lo 5-6 đứa em. Có lần mình thấy nó vác mấy bao gạo chạy như điên còn mình thì vác bao 50 kí là oải rồi. Hình như bà Sở bán đường nữa thì phải. Bà bán sĩ cho thiên hạ. Ông Sở thì có xe hàng chạy Sàigòn Đà Lạt, có thời bị tù nhưng mình không hiểu lý do nên bà Sở phải mướn tài xế đi xe hàng về Sàigòn lo mua bán. Có thể bị thưa tội tiếp tế cho Việt Cộng, vì đường hay bị tăng-bo, tài xế kêu bị Việt Cộng lấy hết hàng hoá. Có lẻ vì vậy mà con Bê nghỉ học, lo trông hàng ngoài chợ.
Nghe nói nay nó có xe hàng chạy Saigon Đà Lạt, khá sung túc, lại mua căn tiệm của ông bà Nguyễn Văn Ngạch dưới chợ. Ông bà Sở có chiếc xe hàng chạy chở hàng Saigon-Đà Lạt, lấy hàng ở Saigon đem về cho bà cụ mình và những người khác trong chợ rồi chở rau về Saigon. Trước khi xuống Saigon thì ông ta đi một vòng chợ, thâu tiền rồi bà cụ mình dặn mua hàng nào thì ông ghi rồi lấy tiền để trả cho các công ty ở Saigon. Có lần đường bị tăn-bo, Việt Cộng đắp mô, xe hàng của ông ta bị Việt Cộng tịch thu. Sau đó bị bắt đi tù.

Ngoài ra, bà cụ còn mua hàng xén của lò Thiên Nhiên ở Trại Mát, Vĩnh Tường ở Fi Nôm,..Ông Sở dạy mình cách xài máy tính tàu Abacus, hay chất hàng của bà cụ mình cuối cùng nên khi xe hàng của ông ta về chợ thì mình có thể lấy hàng ngay đem vào kho sớm hơn mọi người, không phải đợi các người khác dỡ hàng xong nên có thể về sớm. Mỗi lần hàng về là mệt, mình nhớ vác mấy cái lò than làm bằng đất sét màu đỏ bọc thiếc rồi chén đĩa, ly tách, đũa,..mà phải cẩn thận vì dễ bể nếu không là ốm đòn.
Lò đất nấu than khi xưa, khiến cả nhà đen xịt vì khói. Mỗi lần xe hàng về, là khiên mấy lò này mệt thở, độ 20 cái cho mỗi tháng hay 2 tuần. Vào dịp Tết thì nhiều hơn. Khi mình lớn lên một tí, sau Mậu Thân thì người ta bắt đầu xài lò dầu hôi, nhẹ hơn và hết mua than. Hình như dân làm than trong rừng, đa số theo Việt Cộng hay bị bắt buộc.

Hồi nhỏ như đa số gia đình sinh sống tại Đàlat, nhà mình xài loại bếp than, trong nhà có ba cái lò đất nấu than, có dây kẻm ràn xung quanh để khỏi bị nứt. Sau này, mọi người dùng lò dầu hôi, bây giờ thì xài lò ga mệt nghỉ. Xài lò than khá tốn công nhất là khói bay mịt mù làm nhà bếp đen thui vì lọ nghẹ. 

Lò có hai tầng; tầng trên để than và có mấy cái lỗ tròn nhỏ để tro tàn rơi xuống tần dưới, lâu lâu phải hốt tro đem đi đỗ, bón cây trồng ngoài vườn. Lâu lâu có ông bán than, ở đường Phan đình Phùng, cạnh nhà hai bác Nguyễn Đình Thừa, chạy chiếc xe camionnette qua nhà, giao một bao tải to đựng than. Than này được đốt bằng gỗ dài như khúc cũi nên phải chẻ nhỏ trước khi dùng do đó bụi than bay đầy nhà. Lò có ba cái chân để kê nồi niêu cho vững, nghe người lớn nói là tượng trưng cho hai ông Táo và bà Táo nhưng không biết có đúng không. 

Sáng sớm, thức dậy là mình phải chẻ ngo mua từ những người Thượng hay Việt Nam Mới ra từng khúc nhỏ nhỏ bỏ vào tầng 2, rồi chặt than bỏ lên trên, bê ra sân để mồi lửa để tránh khói bay khắp nhà đến khi lửa hồng thì bê vào bếp đun nước sôi, pha trà và chế vào bình thuỷ để khi mấy đứa em dậy thì pha sữa đặc có đường hiệu Ông Thọ hay bột gạo lức Bích Chi để ăn sáng. 

Mỗi lần than gần tàn thì phải chêm thêm than thì khói bay mịt mù. Có lẽ vì vậy mà mặt mình lúc nào cũng đen? Dạo đó chưa có nồi cơm điện nên chỉ nấu bằng than, sau khi nước cạn thì người ta hay gắp mấy cục than đỏ ở tầng 2, bỏ trên nắp nồi cơm để tránh cơm bị sống ở phía trên. 

Sau này, xài lò dầu hôi thì khoẻ hơn chỉ cần khơi cái tim đèn, thắp lửa bằng cây hương rồi châm lửa thoải mái chỉ ngữi mùi dầu hôi hay khi bị cúp điện thì nhà nào cũng dùng đèn dầu hôi, khói đen bay lên đầy nhà nên lâu lâu phải giặt mùng vì bị khói bám với bột giặt Viso với nhãn hiệu con ngỗng mà hảng này hay cho xe Lam chạy vòng vòng các đường khuyến mãi. Ở Bolsa, mỗi lần vào nhà người Việt thì thường thấy họ lấy giấy bạc che trần nhà để khói hương nơi bàn thờ không làm đen trần nhà, làm mình hay nhớ đến thời còn bé, ngồi học bên đèn dầu hôi vì hay bị tắt điện, sáng ra thì lọ nghẹ đầy lỗ mũi.

Nhiều khi đường bị tăn-bo, ra chợ là mấy người xôn xao nên xe hàng của ông Sở về trễ thì cực lắm, phải thức khuya để lấy hàng lại đói nữa vì hàng quán đóng cửa khoảng 6:00 chiều, khi về nhà là coi như giới nghiêm. Ngày nay, mình thấy quán xá mở rất khuya, có chợ Âm Phủ. Dạo đó, chỉ mở khuya mấy tuần trước Tết vì có chợ đêm. Mình phải lấy hàng để các người khác lấy hàng vì hàng của họ được chất phía trong xe, trong khi ông Sở và tên lơ xe, chăm sóc máy xe, dầu nhớt để về lại Saigon. 
Thường hàng về thì xe ông Sở hay đậu chỗ cầu nổi, gần đồn cảnh sát để cho bạn hàng có thể lấy hàng dễ. Khúc đầu bên tay phải là hàng của ông Ba thợ thiếc. Sau đó là quán ăn cơm.

Ông bà Sở người Quảng, siêng làm lại tiết kiệm, ở đâu trong xóm Mỹ Lộc, sau lưng đồi Phan Đình Phùng, cạnh chùa Linh Sơn. Sau này, họ mua nhà ở đường Hàm Nghi rồi tiệm Nguyễn Văn Ngạch ở chợ dưới để mấy đứa con gái quản lí còn đám con trai thì được Sính bảo lãnh sang Mỹ.

Mình không bao giờ thấy họ ăn hàng ngoài chợ, lúc nào cũng đem cơm nấu ở nhà ra chợ rồi cả gia đình ngồi ăn ngoại trừ Sính là được ăn hàng thoải mái. Bà Sở rất giỏi về buôn bán nhưng rất dữ, ngoài chợ không ai muốn đụng tới bà lại hay la chồng bai bãi ngoài chợ còn ông Sở thì rất hiền, cam phận làm thằng đàn ông, cười nhe cái răng vàng sáng chói. Sau này, lấy vợ mình mới thông cảm và bắt chước ông Sở, tịnh khẩu khi vợ nói như người ta nói: “1 sự nhịn 99 sự lành”. Thật sự, lấy bà vợ dữ nhưng biết làm ăn thì có Phước, không nên cãi lại. Vô Phước lấy vợ ngu cũng không nên cãi lại. Vì cãi chứng tỏ mình cực ngu.

Bán hàng xén nhưng bà cụ mình còn cho mướn chén đĩa, muỗng, đũa, ly tách,.. cho những đám cưới hay tiệc tùng thường vào tháng Chạp hay cuối năm. Thường thường sau đám cưới thì người mướn không rửa ly tách,...trước khi trả lại. 

Có lẽ vì bận đi tuần trăng mật nên trả tiền cho mình và cô em gái rửa ở cái bể nước bên cạnh hàng nên có tiền bỏ heo đất nhưng rất mệt vì phải về khuya nhưng nhờ vậy mà khi sang Tây đi làm bồi rửa chén cho tây đầm cũng chuyên nghiệp. Rửa xong lấy dây lạt buộc lại để bán cho khách hàng. Dạo trong lớp tổ chức bán chè, làm văn nghệ thì mình có mượn bà cụ chén đĩa cho lớp nên có lời tổ chức đi picnic ở thác Datanla. Mấy bà ban C có làm bể mấy cái nhưng mình không bắt đền. Xem như bà cụ bị lổ.

Bên cạnh hàng bà Sở thì có hàng bà Tàu tên Cẩu, bán tương ớt dưới cầu thang. Hai ông bà Tàu này có hai thằng con thua mình đâu 4-5 tuổi không nhớ tên, ngoài tương ớt thì có bán tầu vĩ yểu, hột vịt muối, cam thảo,...nói chung đồ tạp phô của người Tàu. Sau 75, khi gia đình mình chạy di tản về Đàlạt thì hết vốn. Em ruột mẹ mình, đem hàng hoá đi bán tháo khi Đà Lạt di tản, không đưa lại tiền cho mẹ mình. Bà Cẩu cho bà cụ mình mượn tiền để buôn bán, vẫn nói chuyện thăm hỏi khi ông cụ mình bị lên án 18 năm tù. Thêm dì Gái (Gụ), con gái bà Cáp, đứng ra bảo kê cho mẹ mình đi buôn lại. Thời đó, bố mình ở tù, hàng xóm muốn đuổi cả nhà đi kinh tế mới.

Cạnh hàng bà cụ mình thì có hàng dì Gái, tên mụ là Gụ, con bà Cáp người Huế bán đồ khô như đường, muối, bột ngọt, ớt bột, đậu mà mình đã kể rồi. Có lần bà Cáp đau mình có lên nhà trên số 4 thăm, thấy cái bụng to như đàn bà có chữa, nghe nói bị ai thư nên lúc thầy bùa móc ra toàn là tóc và tóc, không biết ai thù ghét nhưng rồi cũng chết. Mỗi lần bà cụ mình đi sinh ở nhà bảo sanh Tôn Thất Chí thì dì Gái hay đem biếu một đòn chả lụa Mỹ Hương và một lố hột gà. Hột gà để uống với soda còn chả lụa để kho tiêu với thịt ba chỉ. Mỗi lần mình đem cơm cho bà cụ ăn thì hay được ăn ké vì cơm nấu ở nhà bảo sanh không ngon lại đắt tiền. Dạo ấy hột gà đắt tiền hơn hột vịt. Nghĩ lại thương bà cụ, sinh xong yếu, cần ăn, mình bò lại nhịn cơm cho mình ăn vô tư. Chán Mớ Đời 

Cạnh dì Gái là hàng dì Nhâm bán dừa, người Bắc được xem là người hàm hồ nhất khu đó. Có lần dì Nhâm chửi lộn với bà Sở, bên giọng Bắc cầy bên giọng Quảng nghe muốn bể tai. Mình thích hóng nghe họ chửi nhau, rất hay, rất dân giả. Sau đó có cãi lộn với mấy bà trong xóm, binh con vì em mình hay khệnh con họ. Hình như với bà Ron, hàng xóm.

Mỗi lần người đi mua, trả giá mà không mua là bị dì chửi toát móng heo luôn, khỏi cần đốt phong long. Mẹ truyền con nối lúc đầu mẹ dì Nhâm bán rồi dì Nhâm là con đầu, nghỉ học phụ mẹ rồi khi tay nghề chửi lộn đạt chỉ tiêu của dòng họ bán dừa thì bà mẹ giao lại cái xập, về nhà nghỉ hưu. Sau này dì lấy chồng lính, nay ở bên Mỹ với chồng con ở Minnesota. Khi mẹ mình sang, có điện thoại nói chuyện nhưng ở xa quá nên mình không đưa đi thăm. Dì có 2 thằng em lớn tuổi hơn mình, hay nói chuyện vớ vẩn nhưng không thân lắm.
Phía sau hàng cô Gái, bán trái cây, là gian hàng bán dừa của Dì Nhâm, bên cạnh là hàng bà Sở, có chút chút hàng mẹ mình. Hàng của cô Gái là nơi mấy thùng giấy ở trước, không hiểu sao lại đứng ngay hàng bà Tạo. Chắc bà Tạo đi đâu, nhờ ngó hàng dùm. Hay thấy Mỹ chụp hình thì tránh đi. Cô Gái người Bắc, không có chồng.

Mình nhớ cách chặt dừa của dì Nhâm nên sau này trong chợ á đông có bán dừa tươi của Thái Lan, hay mua về chặt cho đồng chí gái uống. Dì Nhâm hay ngồi nạo dừa bằng cái đồ nạo dừa, đầu tròn với bán kính khoảng 2-3 cm, có những răng cưa quanh vòng tròn. Dì cắt trái dừa khô làm hai rồi lấy một bàn chân đè lên cái nạo dừa, được đặt trên cái ghế, nhiều khi thấy dì ấy gãi chân nên đất nơi chân lọt vào thùng dừa nạo để bán cho những người làm xôi bắp, bán chè để họ làm nước dừa. Mỗi lần xe chở dừa từ lục tỉnh về là phải mướn mấy ông gánh mướn ở chợ, gánh mấy cần xé vì dừa dính từng chùm mà mỗi trái khá nặng hay dừa khô thì cũng bỏ cần xé.

Ông trước ông sau xỏ cái gậy tròn qua mấy sợi dây thừng cột ở bốn góc của cái cần xé nếu nặng còn nhẹ thì cột dây ở hai cái quai cần xé để gánh. Mình có học chung ở Văn Học với một tên người Huế ở ấp Ánh Sáng nhưng không nhớ tên, thân với Huỳnh Kim Sang, chiều là hắn ra chợ đi gánh thuê cho mấy hàng dừa, đường, gạo,..mà hắn rất nhỏ con nhưng gánh tài lắm sau này không thấy mặt nữa chắc bị động viên khi bị Đôn quân năm 1973 sau mùa hè đỏ lửa. Hay vào Bưng không chừng.

Đối diện Dì Nhâm thì có dì Liên cũng bán dừa, ngày xưa làm công cho cô Ba Chỉ, tiệm Bình Lợi. Sau cô Ba Chỉ cho mượn thêm vốn để mua cái xập buôn bán, sau này chắc cũng có chồng con vì mình không bao giờ gặp lại. Mình chỉ nhớ trước khi đi Tây có đến chào thì dì bảo mẹ mày mất một đứa con, ngẫm lại đúng vì mình đi luôn cho tới nay, chỉ về thăm gia đình được vài lần.

Nói đến dừa làm mình nhớ đến mức dừa. Mọi năm vào tháng chạp ta thì bà cụ mình tối đi chợ về thì làm mức bỏ mối cho mấy tiệm hay bán ở cửa hàng. Sau này, bác Ngự gái, tiệm Thanh Nhàn trong xóm thầu hết. Cứ sáng còi vừa hụ báo hết giới nghiêm là bà chạy lên nhà mình lấy hết mức mới làm đêm qua vì sợ các tiệm khác đến lấy. Bà cụ mua dừa khô về cắt làm hai, lột võ rồi bào mỏng, luộc sơ cho khỏi hôi mùi dừa vì trong cơm dừa có dầu. Nếu không luộc thì lâu ngày sẽ bốc mùi dầu hay chảy dầu ra ướt mức, rồi rim với đường cát trắng.

 Tương tự như mứt gừng, gừng cắt ra cũng luộc nhưng lấy kim chỉ xâu chung mấy lát gừng thành từng xâu để khi rim, phải trở nguyên xâu gừng để tránh gãy vụng. Gừng vụng thì thái mỏng để làm mứt gừng dẽo cay với đậu phụng. Còn mức bí thì cắt ra tỉa bông hoa rồi luộc sơ, ngâm nước với vôi trắng để khi rim thì bí giữ được màu trắng. Bà cụ mình có món mứt dâu có một không hai ở Đà Lạt, mua dâu còn cái cuống đem luộc sơ rồi rim với đường rồi lấy ra từng trái để nơi cái mâm cho khô rồi lấy giấy bóng gói chừa cái cuống để vào hộp rồi gói giấy bóng đỏ. Ngoài ra bà cụ còn lấy dâu bị rụng cuống hay bị nát làm rượu dâu kiểu Lafaro nhưng chỉ để dùng mời khách thăm viếng trong nhà.

Cạnh hàng dì Liên là dì Bộ bán đồ khô, dầu ăn, khi xưa cũng làm công cho cô Ba Chỉ, tiệm Bình Lợi rồi ra riêng sang cái xập, lấy hàng hoá của tiệm Bình Lợi ra bán nên cũng có của ăn của để đến khi lấy chồng thì gặp tên cà bơ, đánh bài thua phải bán cái xập để trả nợ. Hy sinh đời vợ, củng cố đời thằng chồng đánh bạc. Bà vợ sau của ông thầy Chiêm mua lại nên cũng thân với gia đình mình. Mình nghe ông chủ tiệm Hương Giang ở Bolsa kể; nhờ cái tượng của bà ngoại mình đem từ Thái Lan về đã giúp ông bố của thầy Chiêm và sau này đến ông nối nghiệp, nổi tiếng một thời ở Đà lạt. Ông này cũng như Kim Trọng lấy hai chị em, người vợ đầu sinh nở bị sản hậu qua đời, cô em gái đến nhà phụ chị rồi thương ông anh rể đơn côi khi bà chị qua đời nên lấy có đâu 4 mặt con. Bà cũng dễ thương, ít ai ghét lại kiếm thêm khách hàng cho chồng ở chợ. Mình có gặp thầy Chiêm vài lần ở chợ khi ông ta ra chợ phụ vợ dọn hàng nhưng chưa bao giờ vào nhà. Nghe nói có nuôi Ma Xó.

Giáp hàng bà cụ là hàng của dì Huê, con của tiệm Nguyễn Văn Ngạch, cạnh tiệm Bình Lợi, người Huế, có ông chồng trốn lính, nhà ở dốc Nhà Làng chỗ cái hẻm đi lên đường Duy Tân mà mình có lần ngủ lại nhà một vài lần. Ông chồng ban ngày thì cứ leo lên gác sinh hoạt trên đó để khỏi bị bắt đi lính nên người lúc nào cũng tái vì thiếu ánh nắng. Sau này dì sanh được vài đứa con. Cảnh sát tới nhà bắt lính không tìm thấy ông chồng nhưng cứ thấy dì sinh năm một nên bó tay chấm còm. Dì Huê này ganh tị với bà cụ mình vì cũng bán hàng xén, sau 75 nhờ chồng không đi lính nguỵ nên cũng có thớ với chế độ mới nên cũng đì bà cụ mình mệt thở. Thưa gửi lên công an trong chợ. Dạo mình về lần đầu thì có gặp, sau này, dì dọn về Saigon ở với mấy đứa con ruột. Năm ngoái, có ông nào, tự xưng là rể của ông bà Ngạch, có liên lạc với mình. Ông bà Ngạch trước kia có căn nhà hai tầng đối diện photo Hòng Châu mà trong mấy tấm ảnh chụp tước khi chợ Đà Lạt được xây cất còn thấy. Sau ông Ngô Viết Thụ thiết kế chiếc cầu nối từ khu Hoà Bình vào chợ thì bị giải toả, được đền bằng một căn nhà dưới chợ, ngay trước đồn cảnh sát. Bán gạo, rượu chi đó. Mình cũng hay vô tiệm với bà cụ mình hay bị sai vô trả tiền hàng.
Hàng bà Phòng, người Bắc, bên cạnh là hàng dì Bơn, bạn của mẹ mình, bán cam quít. Trong ảnh thấy bà ngồi dưới đất sau lưng bà Phòng là bà Bắc, làm cho gia đình dì Bơn, có con bé gái, mình đoán là con Hương, con gái đầu của dì Bơn rồi đến dì Bơn. Chồng dì Bơn là bạn nối khố với ông cụ từ trong quân đội. Sau này đi tù cũng ngày và ra trại cùng ngày. Chú mất sau khi bố mình qua đời. Gia đình mình xin được đất trong nghĩa trang gần mộ ông cụ cho chú và dì.

Cạnh hàng dừa của dì Nhâm là hàng thịt của ông Tàu tên Dồng. Mỗi chiều khoảng 3-4 giờ, thịt ở abattoir mới làm được chở ra chợ, mình thấy ông ta đội cái áo mưa nilon kiểu khăn tang của đàn bà để che đầu và cái lưng để máu không thấm qua áo rồi lấy cái móc sắt ra xe chở thịt, móc mấy con heo hay đùi bò bỏ lên vai vừa chạy vào buồng thịt vừa kêu lước sôi, lước sôi rồi móc thịt lên các thanh sắt để bán cho khách hàng.

Lâu lâu thấy mấy bà rụt rè hỏi mua ngầu pín sau này lớn lên mới hiểu ăn gì bổ nấy. Dân bán hàng ngoài chợ thì mua thịt sau 4 giờ chiều vì tươi còn dân đi mua thường là ban ngày sau một đêm phơi trên mấy cái móc, ruồi bu khá nhiều vì dạo đó không có tủ lạnh đông đá mà mình cũng không biết bây giờ trong chợ có dùng máy này chưa. Dạo học Petit Lycée thì mình hay đi ngang abattoir gần garage Trung Tín thì nghe tiếng bò kêu rống có lần chạy vào lò sát sinh xem thì thấy người ta cột con bò lại, có một ông cầm cái búa tạ, đứng trước con bò rồi giáng cái búa tạ lên đầu con bò đến khi nó ngã quỵ xuống, sau đó họ treo bò lên cái móc để lột da, mổ bụng. Cái này chắc phải hỏi lại Nguyễn Trung Thiện vì nhà hắn ở gần đó, nếu mình không lầm chính hắn rủ mình đi xem.

Cạnh đó thì có hàng bà Tạo, người Bắc, lúc nào cũng quấn khăn, răng đen ăn trầu hình như có một thằng con trai lớn hơn mình nhưng không chơi với mình. Bà này hay lấy trà của bà Tư, em dâu của ông ngoại mình ở Bảo Lộc, hãng trà Nguyễn Đăng. Dòng họ này khi xưa thuộc họ Mạc Đăng Dung, khi bị tru di tâm tộc thì một số con cháu trốn chạy vô Nam, đổi họ thành Nguyễn Đăng, lấy chữ lót Đăng để con cháu nhớ tổ tiên mình là họ Mạc Đăng, tương tự như con cháu của Hồ Quý Ly chạy vào phía Nam đổi tên họ Nguyễn sau này là có con cháu khởi nghĩa lập nên nhà Tây Sơn. Mình thường thấy bà Tư, đi xe đò từ Bảo Lộc lên với mấy bao bố trà để bỏ hàng cho chợ Đà Lạt. Đa số dân Đàlạt mua trà từng kí, bỏ bịt nilon để pha uống ở nhà còn trà gói trong bao thường để mua tặng hay đám hỏi,... Bà Tạo có bán lá vối cho người nghèo mua để pha uống. Hôm trước có anh bạn đi Việt Nam về, ghé tặng cho lá vối giúp mình nhớ lại một thời tại Đà Lạt, uống lá vối.

Mình có uống vài lần ở nhà mấy người làm vườn. Hồi còn bé mình có đi xuống Blao thăm ông ngoại nên có thấy mấy cái vườn trồng trà nhưng không nhớ cách sấy lá trà ra sao. Chỉ nhớ là xứ khỉ ho cò gáy, ông ngoại mình hay đi săn cọp, thấy chụp hình rồi da cọp treo trên tường. Sau này vì lí do an ninh, đi đường hay bị mấy ông kẹ ra bắt lính, đóng thuế nên mình không đi nữa. Mình có ghé lại Blao thăm mấy người bà con trong chuyến về thăm đầu tiên sau này thì đi máy bay cho nhanh, khỏi mất thì giờ.
Mẹ đi ăn cưới với bạn hàng

Cạnh hàng bà Tạo là hàng của dì Bê bán trái cây nhất là chuối, có ông chồng theo bà nhỏ, chị của bà Bửu Ngự. Ở dưới ấp Ánh Sáng, một mình nuôi người con trai lớn hơn mình đâu 2, 3 tuổi tên Phong, đi hướng đạo sau 75 nghe nói làm giám đốc Ngân hàng ở Đà Lạt, nay ở Hoa Kỳ, được ông bố bảo lãnh sang. 

Ngoài dãy hàng trái cây có dì Bơn bán trái cây. Dì này có đặc điểm là không bao giờ nghỉ bán hàng, quanh năm ngày nào cũng như ngày nào đi bán ngay cả ngày mồng một Tết, dì ra bán mở hàng nhưng khi thấy khách đến mua là cứ ở lì đến tối, ông chồng là bạn nối khố với ông cụ mình ở trong quân đội sau này đi tù chung trại. Nghe nói năm nay bệnh nặng nên phải ở nhà, đúng là một anh hùng lao động gương mẫu. Dì có mấy đứa con gái và thằng út. Con đầu tên Hương có tên Việt Kiều nào về cưới 20 năm trước nhưng không bảo lãnh sang, nghe nói năm trước hắn về lại dẫn đi du lịch Thái Lan, con thứ nhì tên Loan, lấy chồng nghe nói nay ở Đức còn mấy đứa sau thì không nhớ vì còn bé khi mình xa Đà Lạt.
Hàng chuối của dì Bê, phía ngoài là hàng hoa. Mình thấy dì Bê rất đẹp nhưng không hiểu sao ông chồng lại bỏ. Mấy bà bán chuối đang ngồi ăn cơm với nhau. Bên kia là nhà hàng La Tulipe rouge

Phía hàng thịt đi vào khu chợ cá thì bên tay phải có các hàng giày, guốc và thuốc lá thì có hàng của cậu Liễu bán thuốc cẩm lệ mà dân gốc Huế hay hút và có bán mấy cái điếu bát để hút thuốc lào. Nó như cái ấm tròn bằng sành, nơi chứa nước đặt lên cái đĩa hay trong một cái chậu bằng sành, người ta vân vê thuốc lào bằng một viên cở ngón tay rồi têm thuốc vào cái lỗ thường gọi là nõ ở trên cùng rồi mồi lửa bằng cái đóm, cây que dài như cây kem bằng tre, lấy cái điếu cắm bào cái lổ nhỏ bên hông rồi hít chậm chậm để lửa cháy đều thuốc ở cái nõ, rồi hít dài thì nghe tiếng lạch tạch trong bình thuốc lào do hơi trong cái nõ được hút nên làm nước ở trong bì bỏm, rồi thả khói ra rất phê, uống cụm nước trà. Ông cụ mình với người bạn bắc kỳ hay hút cái này khi đánh tổ tôm. Sau này thì không thấy ông cụ hút thuốc lào nữa, lại chuyễn qua hút thuốc lá Mỹ.

Mình hay thấy cậu Liễu, con của bà Dụ, chị bà Võ Quang Tiềm, bà con với với mệ ngoại mình, ngồi trên cái sập, thái thuốc với con dao hai cán hình cung như mấy ông thầy thuốc Bắc, rồi tẩm thuốc cho thơm. Mình hay ra hàng cậu Liễu để mua thuốc Cẩm Lệ và giấy quyến cho mệ ngoại. Dì Tân, chị hay em của cậu Liễu mới qua đời.

Nếu mình không lầm, cậu học nghề thuốc Cẩm Lệ khi giúp ông bà Tiềm. Khi xưa, ông Tiềm, mua thuốc Cẩm Lệ vào Đà Lạt, rồi bán lại cho người Đà Lạt, gốc huế. Ông có môn bài bán rượu nên giàu khủng luôn. Khi mới vào Đà Lạt, ông ta làm nghề thợ may, may áo quần rồi gánh xuống Đơn Dương bán cho mấy người làm đường rầy xe lửa Phan Rang- Đà Lạt rồi từ từ mở tiệm bán rượu. Khi thiên hạ chạy tản cư, ông ta ở lại Đà Lạt, mua nhà cửa với giá hời. Đến khi thiên hạ hồi cư thì cho thuê lại nên giàu có nhất nhì được với ông chủ nhà hàng Shanghai.

Người hút thuốc cẩm lệ không cuốn tròn như thuốc lá mà cuốn theo kiểu hình ống, cuốn có cái đầu thì to còn đuôi thì nhỏ dẹp để dính nơi môi. Hút xong, họ dán điếu thuốc trên tường. Khi hết thuốc thì gỡ mấy điều thuốc trên tường ra, gom lại để vấn điều mới.

Khi nào hút thì mới cuốn thuốc hút, sau này sang tây thì thấy mấy thằng bạn tây mua thuốc Gauloise với giấy quyến để quấn tròn thành hình ống để hút. Cậu Liễu, kêu bà ngoại mình bằng O, nhà ở ngay vườn chỗ xóm Địa Dư băng qua đường Phan Đình Phùng, có cây ổi và cái am màu xanh trước nhà. Nhà cậu luôn luôn bị ngập nước khi trời mưa vì nước trên số 4 chảy về thác Cam Ly theo hai con suối dọc đường Hai Bà Trưng và Phan Đình Phùng qua trường Việt Anh, Hoàng Diệu,.. nên nền nhà được xây khá cao. Cậu hay tếu nói ở đây khi lụt để khỏi nhớ Huế. Mình hay ra hàng cậu mua thuốc Cẩm Lệ cho Mệ ngoại hút.

Lần đầu tiên về Đà Lạt sau 75 thì có gặp cậu còn lần sau về thì cậu đã qua đời.

Ngoài ra gần hàng của bà cụ có hai anh em người Bắc, tên Ba và Thạc, hàng thợ thíết nằm sát đường dưới chợ thuộc dãy hàng ăn, ở xóm địa dư.
Ông này làm cho nha địa dư nhưng có nghề tay trái là thợ hàn, chuyên đóng các thùng tưới nước cho nhà vườn. Nhà vườn lấy đòn gánh, lấy hai cái quai sắt móc hai thùng nước có vòi sen, đi xuống ao hay suối để múc rồi đi giữa hai cái vồng để tưới bên trái và phải của vồng nước. Hình như Đà Lạt chỉ có hai anh em ông này chuyên đóng thùng tưới nước nên cũng khá giả. Ông không có đồ nghề gì nhiều, cái bình phun lửa chạy bằng dầu, bỏ cái mỏ hàn có tay cầm bằng gổ cho lửa hơ nóng cái mỏ hàn rồi lấy chì hơ theo cái kẻ giữa hai tấm thiết. 

Cái khó nhất là cắt cái vòi hình ống để ráp vào cái bình để hàn, vì phải cắt theo góc 45 độ. Sau này học kiến trúc mình bị bầm dập khi học vẽ hình học cắt đủ thứ loại hình tròn, ống,...nên phục ông này. Ông này người Bắc, có lần lên nhà mình đi hỏi chị Gấm cho người em trai tên Hải nhưng không may chị này đã đi hái chè gặp thằng phải gió, sau này anh Hải này đi lính tử trận.

Cạnh hàng của ông Thạc có hàng của dì Sắc, có chồng làm cảnh sát ở trên đường Thi Sách, xóm ông Ba Tây. Dì này bán đồ Mỹ như Coca Cola, Fanta. RC Cola, bia Mỹ,... mình có kể vụ đồ hộp của quân đội Mỹ. Mỗi lần có tiền là mình chạy ra hàng dì mua mấy lon bánh Mỹ có peanut butter, khui cái lon có hai ngăn; một là bánh biscuit và một là cái hộp nhỏ đựng bơ đậu phụng để nếm mùi bơ thừa sữa cặn của đế quốc mỹ hay mua kẹo cao su thổi bong bóng to đùng rồi vỡ. Ai ngờ ăn đồ mỹ khi xưa, nay mình chạy qua mỹ luôn.

Dì cũng bán đồ chơi cho con nít như cái mũ bằng nhựa của lính La Mã mà mình hay đội khi chơi với con nít trong xóm. Tết thì bà cụ mình hay mua của dì mấy lon đồ hộp trái cây như đào, peach,...để tủ lạnh cho khách tới nhà mừng tuổi ăn. Dạo đó ở nhà 10 anh em, khui ra một lon nhỏ màu cứt ngựa, cỡ hộp sữa ông Thọ, chia nhau ăn mỗi đứa một muỗng trái Peach đến ba ngày sau vẫn còn thấy ngọt cổ. 

Dạo đó, dì hay bán mấy cục pin to đùn cở 12 inches x 12 inches x 2 inches mà lính Mỹ dùng gắn bóng đèn còn dân Việt thì gắn vào cái radio transistor nhỏ xíu để nghe vì pin thường mau hết lại khá đắt tiền. Khi hết pin thì bỏ dưới đất để chạc điện lại nhưng không nhiều lắm. Mình nhớ dạo ấy ai cũng dùng mấy cái cốc nhựa của Mỹ màu nâu nâu mà quân đội Mỹ dùng uống cà phê rớt không bể chớ mấy cái ly nhựa làm ở Chợ Lớn thì dễ bể. Hình như mẹ mình có bán mấy cái cốc này.
Mình không biết dì buôn đồ PX của Mỹ ở đâu, chỉ nhớ có một lần đến thăm nhà người bạn của ông cụ khi còn trong quân đội ở xóm nha Địa Dư gần ấp Cô Giang thì thấy ông này chuyên buôn đồ PX, nhà có cái tủ lạnh rất sang trọng, ông ta lấy mấy cục nước đá lấy từ chỗ đông lạnh mời mình uống chai Fanta sướng đến buốt óc. Mình chỉ thấy mấy cục nước đá to đùn do hai tiệm kem Việt Hưng ở đường Thành Thái và một tiệm ở dốc Minh Mạng và Phan Đình Phùng sản xuất. 

Tiệm này vớt tiền mình cũng khá nhiều với kem Eskimo, bọc chocolat. Chỗ bến xe đò Đà Lạt - Chi Lăng ngay Vũ trường La Tulipe Rouge có mấy xe bán đá nhận, mình hay ra mua, họ có cái bào tương tự như cái bào gổ của thợ mộc, nhưng để ngược rồi bào bỏ vô ly rồi nhận xuống bỏ thêm sirop. Mình không thích đá nhận lắm nhưng đọc truyện Chương Còm của Duyên Anh thấy nói đến món này thì ăn thử nhưng Đà Lạt lạnh ăn tê răng.

Đối diện hàng của dì Sắc là tiệm Lộc Sơn của bố mẹ thằng Võ Ngọc Sơn, có thời học Yersin với mình. Sau này, nó chuyên đánh bi da cá độ với Trung Ba Tai ở tiệm bi da Minh Tâm ở Phan Đình Phùng, nơi bố của Trần Trọng Ân, tiệm Luồng Điện ở Phan Đình Phùng bị bắn chết. Mình nghe nó kể là người ta đang đánh cá độ tới khúc chót, có một tên đang chuẩn bị đánh cái giò gà thì bố TTA, say đi vào xem nên đụng cái cơ của tên này khiến hắn đánh trật giúp Trung Ba Tai đi một lèo thắng độ. Tên thua độ tức quá, rút súng bắn bố TTA chết trước tiệm này. Lại có nghe là ở Chi Lăng. Tên Sơn này chết sau 75. Cạnh tiệm Lộc Sơn thì có tiệm Bình Lợi bán đồ tạp hoá của cô Ba Chỉ, không chồng con, người Nam, nuôi một đám con gái để lo buôn bán trong tiệm rồi ai lớn thì cô cho vay vốn mua cái xập ở chợ rồi lấy hàng của cô ra bán, kiểu franchise mà mình thấy bên Mỹ. Cô này có xe hàng chạy Saigon Đà Lạt. Sau 75, hiện ra nằm vùng thứ gộc của Đà Lạt, đóng góp tài chánh rất nhiều cho cách mạng, được gọi là tư sản dân tộc chi đó. Nay vẫn còn sống ở Đại Ninh.

Bên cạnh tiệm Bình Lợi là tiệm của ông bà Nguyễn Văn Ngạch, bán hàng xén và ngủ cốc, bố mẹ của dì Huê có hàng xén cạnh hàng bà cụ mình. Cùng dãy mấy tiệm này thì có tiệm của gia đình Nguyễn Văn Thuận 11B rồi Hùng Con Cua rồi Long Hưng. Khúc nhà HCC, gần chợ Cá có xập bán báo mà mình thấy bà cụ mướn tuần san phụ nữ để đọc và mình cũng hay đọc ké. Báo dạo đó in bằng khổ giấy lớn nên nhà in in nhiều trang trên một tờ rồi gấp lại làm đôi cho nên khi mua báo thì phải lấy dao rọc chổ gấp lại. Mấy người mướn tuần báo thì không rọc trang giấy nên phải đọc theo kiểu quấn tròn cuốn báo để thấy chữ phía trong mà đọc, rồi trả lại.
Hàng cá, bà ni người Huế nhưng quên tên

Đó là những người quen thân với bà cụ ở chợ dưới, còn trên lầu thì có bác Phước bán len, người Huế. Mỗi lần gặp là nghe bác kể ngày xưa khi mình mới sinh ra thì hai gia đình ở cạnh nhau trong ấp Ánh Sáng, ông cụ mình còn trong quân đội nên bác hay sang nhà, quạt than cho bà cụ mình nằm ở cử, tắm cho mình. Hồi nhỏ mình thấy tấm hình bác đang tắm cho mình treo ở nhà. Sau này bác dọn về dốc Nhà Làng, mua cái nhà của dì Thể bán vãi trên lầu, mua bán lặt vặt nhưng lần chót mình về thì nghe bác kể bị người ta giựt hụi nên phải bán nhà đền cho mấy con hụi nên phải mướn cái tiệm ở đường Minh Mạng để bán áo quần với đứa con gái. Trên 80 tuổi mà vẫn phải đi buôn đi bán trả nợ. Nay bác đã qua đời.

Hồi nhỏ mỗi lần tựu trường là mình chạy lên lầu đến hàng bác Tám bán đồ dụng cụ văn phòng, cho học sinh, mua cái plumier đựng viết, viết chì màu và giấy tập,... Mỗi năm nhà mình đều nhờ Bác 8 trai nấu bánh tét và bánh chưng. Cứ cúng ông Táo xong là bà cụ sai mình đem nếp, thịt heo và đậu xanh lên nhà bác. Bác trai không cho mình xem bác gói, bác kêu thằng Phước, con bác vô phụ bác nhưng thằng này rủ mình đi chợ tết.

Chỉ thấy bác lấy một cái chân bằng sắt bỏ vào nồi để tránh bánh ở tầng chót cạnh nồi bị cháy, rồi bỏ bánh chưng ở giữa rồi bánh tét được xếp đứng xung quanh chồng bánh chưng. Nấu một thời gian, bác lại lấy ra, đổi bánh dưới lên trên và bánh trên xuống dưới rồi châm thêm nước nóng để tránh bị sượn. Sau này bác sang lại cái xập ở chợ, mượn tiền bà cụ về nhà mở quán "Mây Hồng" bán chè ở nhà đường Tăng Bạt Hổ. Sau 75 thì xù nợ bà cụ luôn nên hai nhà không qua lại nữa. Bác có mấy người con gái nên mở tiệm cho chúng trông coi, tiếp thị con gái rồi lần lược mấy cô này đều được trai rước đi hết. Hai thằng con trai Phước và Hải thì nghe nói chết sau 75.

Trên lầu có hai bà mà bà cụ mình gọi là mợ, vợ của hai ông cậu bà con, em của bà Võ Quang Tiềm, chị em bạn dì với bà ngoại mình. Hai người này có tiệm ở đường Duy Tân là Long Hưng và Hiệp Thạnh ngay góc Trương Vĩnh Ký. Tiệm Long Hưng nối dài phía TVK có thêm khách sạn Thuỷ Tiên. Bà Phúng là chị, bán vãi và bà Đàng là em cũng bán vãi gần nhau nhưng chỉ khác một điều là bà Đàng buôn bán đắc khách hơn, Có lẽ nhờ tính lanh lẹ, ăn nói linh hoạt còn bà Phúng chỉ ngồi ngáp ruồi. Ngày xưa làm ăn phát đạt lắm, có nhà ở đường Minh Mạng chỗ nhà may Hoàng Nho, sau xây nhà ở đầu đường Duy Tân thì tự nhiên xuống. Hồi bà cụ mình lên 15 tuổi, rời Huế vô Đà Lạt làm công cho gia đình bà Phúng, tiền lương thì bà ấy gửi thẳng về Huế cho Mệ ngoại mình để nuôi mấy bà dì, ông cậu. 

Sau này lớn lên, học được tài buôn bán của gia đình này thì bà cụ xin ra riêng, ra chợ cũ ở khu Hoà Bình buôn bán, rồi lấy hàng ở tiệm bà Phúng ra bán như franchise cả hai đều được lợi vì bà cụ không cần có vốn lớn, mượn đầu heo nấu cháo. Ông Phúng và ông Đàng lúc được bà Võ Quang Tiềm đem vào Đà Lạt thì làm nghề thợ may sau rồi buôn bán mới giàu lên. Lúc có tiền thì ông Phúng chơi bời có vợ bé bỏ bê buôn bán, sau này theo đạo Tổ Tiên Chính Giáo nên không màn đến tiền bạc trong khi ông Đàng thì chịu khó lắm vì con đông, có hai người con đi du học bên Tây. Dạo mình về lần đầu thì khám phá ra bà Đàng gọi vợ mình bằng Chị vì bà phải gọi mẹ của đồng chí gái là Bác vì bà con xa bên vợ mình.

Dần dần thì mấy người em lớn lên, mình nhân danh làm anh bắt mấy cô này ra chợ phụ bà cụ nên rảnh rỗi đi đánh bi da. Sau này bà cụ mình nghe lời cô Ba Chỉ buôn thêm gạo, đường và dầu ăn vì dạo đó giá cả bị lạm phát rất nhanh. Gạo hôm nay mua 1200 đồng tuần sau lên 1500 nên bà cụ mình dùng một căn nhà để trữ gạo và đường, dầu ăn, mướn ông Tác ở gần xóm, có chiếc xe Lam chở gạo mà phải đi tối hay sáng vừa hết giới nghiêm để hàng xóm đừng để ý vì bà cụ không có tiểu bài bán gạo nên hợp với thời khoá biểu của ông Tác vì ban ngày làm công chức của viện Pasteur, còn mình thì bà cụ nhờ đi giao lẻ tại nhà khách hàng.

Dạo đó, chỉ có đại lý và tiệm có tiểu bài mới có thể bán gạo vì sợ tiếp tế cho Việt Cộng. Bà cụ mình không có tiểu bài nên mua chui rồi bán chui. Bà cụ hay mua lại gạo của mấy nhà thờ như ở Tùng Lâm, Đa Thiện,..Mỹ viện trợ gạo cho mấy giáo xứ này nhưng không dùng hết nên bán cho bà cụ mình rồi bà cụ bán lại cho cho các lò bún, lò nấu rượu hay dân thường.

Dạo đó, dân Mỹ viện trợ đồ cũ cho mấy bà sơ ở Domaine de Marie, cho đám con mồ côi được mấy bà sơ nuôi bận nhưng mấy bà sơ mang ra chợ trên bán nên dân Đàlạt bận đồ cũ mỹ rất nhiều, ngày nay họ gọi đồ Sida (AIDS). Nhà thờ này nuôi một đám trẻ mồ côi, hàng năm có tổ chức hội chợ vào mùa Noel, cũng không gì đặc sắc lắm nhưng có cớ để trai gái đi liếc nhau. Mình nhớ mấy bà sơ lấy chiếc xe camionette, kê lên mấy cục đá, tháo cái bánh xe ra, gắn cái cần sắt rồi cho máy nổ thì cái trục di chuyễn như xe đang chạy khiến cái trục sắt cũng quay mấy cái ghế có hình máy bay,.. cho con nít ngồi cũng quay theo. Ngoài ra có các trò chơi quăn lon, bắn súng, rao lô tô mà mình có lần trúng chai rượu dâu khi đi chơi với Phạm Anh Tuấn 11 B.
Có người trong quân đội ăn cắp gạo hay sao đó, bán lại cho bà cụ mình.

Dân thường thì chỉ được mua gạo ở khu phố, đem sổ gia đình lên phường, rồi họ xem có bao nhiêu người thì bán chừng đấy gạo, hình như mỗi người được mua 20-24 kí/ tháng mà gạo do phường bán thì rất xấu nên ai có tiền thì phải kiếm mua gạo thơm ăn. Nhà mình ở khu phố II nên lên số 4, đường La Sơn Phu Tử, cạnh tiệm hớt tóc mua. Thường người ta ra đại lý hay tiệm có tiểu bài mua gạo ngon rồi kêu xe lam chở về trong khi bà cụ mình giao tận nhà cho họ lại không lấy tiền nên họ thích lắm. 

Đi học về là mình ra chợ, lấy tên tuổi địa chỉ, lấy Honda chở gạo giao tận nhà cho họ, mấy lò bún, lò nấu rượu rồi cho mình tiền boa nên không có thì giờ đi đánh bi da. Lúc làm ra tiền thì mình bổng nhiên tiếc, không muốn tiêu phí phạm nên bỏ quỹ tiết kiệm ngân hàng. Có dạo mình đọc báo thấy có công ty ở Saigon bán cỗ phần thì gửi thư mua, lấy địa chỉ trường Văn Học vì sợ ông bà cụ biết mình có tiền nhưng vốn của mình ít quá nên họ viết thư cám ơn. Khi đi Tây thì mình có trong ngân hàng trên 40.000 đồng hay 40 tạ gạo có thể gửi gạo cho 40 gia đình nhưng mình rút ra đưa cho bà cụ. Của César thì trả lại cho César.

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 


Tại sao bán nhà rồi thuê lại ở?

 Mình nhận được nhiều tin nhắn riêng, hỏi về vụ bán nhà để đi du lịch, hưởng nhàn 1 tí trước khi vào viện dưỡng lão, vẫn ở nhà mình đã bán. Thế hệ mình còn bị ảnh hưởng của Nho giáo nên lo cho bố mẹ, ở chung nhà để chăm sóc khi bố mẹ về già. Ngược lại thế hệ con mình thì khác, ảnh hưởng tư duy của người Mỹ nên khi chúng lập gia đình, dọn ra ở riêng.

Ở Hoa Kỳ, ai có Phước thì được con cái mướn người làm để chăm sóc khi về già, nhất là khi bị lẫn. Bố Mẹ vợ mình may mắn, được mấy người con chung tiền, mướn hai người để chăm sóc 24/24. Bà Betty, tương tự, cũng được con cháu dùng tiền của bà ta để lại, để mướn hai cô người Phi Luật Tân để chăm sóc, 24/24 tốn đâu $3,000 mỗi tháng, và nuôi họ trong nhà luôn. Vào viện dưỡng lão thì tốn trên $5,000/ tháng.

Chính phủ có chương trình trả tiền cho người đến nhà vài tiếng trong tuần để chăm sóc, giặt quần áo đi chợ,…. Ít tốn cho chính phủ hơn. Về khuya thì mệt, phải có người trong gia đình chăm sóc. Con cháu ở riêng thì có vấn đề. Chúng đi làm nên không thể thức khuya để chăm sóc cho mình. Nhiều người thương cha mẹ, đành gạt lệ, đưa bố mẹ vào viện dưỡng lão rồi quên luôn. Đồng chí gái đi hát trong mấy viện dưỡng lão thấy hoàn cảnh của họ tội lắm. Họ thèm được con cháu đến thăm. Không còn tiền thì con cháu cũng ít gặp.

Vào viện dưỡng lão là trắng tay, mất tất cả. Lúc đầu con cháu còn vào mỗi tuần sau chúng bận, dần dần thăm viếng thưa đi. Chúng ta còn lại sự cô đơn và nổi nhớ.

Nhiều người về hưu không muốn bán nhà hay dọn nhà. Nhớ dọn nhà ở mấy lần, cứ thấy đồng chí gái khóc nhớ thương căn nhà đã ở mấy năm qua, thậm chí 2 đứa con cũng tương tự. Hoa Kỳ có chương trình gọi là “reverse mortgage “. Một công ty hay ngân hàng xem và định giá căn nhà của mình đang ở, trị giá là bao nhiêu. Họ sẽ mua căn nhà của mình, và cho mình ở đó cho tới khi đi theo ông bà hay vào viện dưỡng lão.

Tương tự bảo hiểm nhân thọ, nếu mình còn trẻ thì họ mua giá rẻ còn già, gần xuống lổ thì họ trả cao hơn và mình cứ ở trong nhà của mình. Khi mình qua đời thì họ lấy căn nhà. Con cháu không được gì.

Mấy người như bà Betty, về già, bán mấy căn nhà cho mình rồi cho vay lại. Bà ta kể dùng tiền mình trả, để đi viếng bắc cực, đi xem mấy con gấu trắng, dẫn cháu gái đi Nam Phi,.. trả tiền cho 3 đứa cháu nội học đại học, đi du lịch những nơi bà ta muốn từ hồi bé đến khi sức khoẻ không cho phép nữa.

Sau này, yếu đi thì dùng tiền mình trả cho bà ta hàng tháng, để mướn hai cô người phi để chăm sóc bà ta đến khi về đất Chúa luôn. Bà ta qua đời, mỗi đầu tháng, mình vẫn trả tiền cho con của bà ta. Thật ra từ khi bà ta bị lẫn 7 năm trước, mình đã bắt đầu trả cho con bà ta rồi. Cứ viết ngân phiếu cho cái Trust của bà ta, con bà là người giám hộ nên bỏ ngân phiếu vào trương mục của bà ta, rồi lấy tiền ra để trang trải chi phí. Cần nhất là viết ngân phiếu cho Trust của bà ta. Nếu không sau khi bà ta chết, con cháu có thể nói mình không trả rồi bắt trả lại hết số tiền.

Bây giờ, lấy thí dụ trường hợp mình. Cách đây 30 năm, mình và đồng chí gái mua một căn nhà trước khi hai đứa đăng ký quản lý đời nhau. Mình mua một căn nhà giá $180,000, cộng tiền mượn nợ, sơn phết, sửa chửa đủ trò xem như tổng cộng $200,000. Mình mượn nợ 30 năm, xem như nay đã trả hết. Giá nhà ngày nay ở miền nam Cali trung bình là 1 triệu đô.

Bây giờ, hai vợ chồng về hưu, muốn đi du lịch, viếng thăm các xứ Âu Châu hay Á CHâu,… thực hiện giấc mộng từ khi hai vợ chồng quen nhau. Muốn thực hiện những chương trình mà khi xưa bận con cái, đi làm  nên không thực hiện được.

Vấn đề ngày nay mình có thời gian nhưng lại không có tiền nhiều. Thậm chí có nhiều người thương con nên tái tài trợ căn nhà để trả tiền cho con đi học đại học và nay vẫn còn cái nợ đến 15, 20 năm. Do đó không còn bao nhiêu sau khi trả nợ ngân hàng hàng tháng. Bao nhiêu giấc mộng, đều gác lại, thêm nữa, con mình đem cháu lại gửi,…rồi hát nổi buồn gác trọ cho qua thời gian.

Sức khoẻ mỗi ngày mỗi giảm, cho nên ít ai thực hiện được giấc mơ của mình mai sau. Chỉ có một thiểu số, thành đạt, họ có hưu trí cao, và 401K hay có nhà cho mướn nên về già họ sống thoải mái hơn, có thể đi chơi mút mùa lệ thuỷ như vợ chồng anh bạn của mình, mới đi hành hương bên Tây Ban Nhà 2 tháng vừa qua. Anh ta mới về đã kêu mình chuẩn bị tập luyện để tháng 4 năm 2022, hai đứa leo núi lên đỉnh Machu Pichu ở Peru.

Bây giờ, về hưu chúng ta có căn nhà giá trị 1 triệu đồng mà không sử dụng số tiền được. Người Việt gọi là của chìm nên xài không được. Chúng ta ngồi trên đống tiền nhưng không với tay lấy được. Mượn nợ ngân hàng thì tiền hưu trí ít nên ngân hàng không cho vay. Con cái nhiều khi chúng không muốn mình mượn nợ ngân hàng để xài, vì chúng nghĩ đó là tiền của chúng.

Mình có quen một ông, dạy nghề cho mình. Ông ta kể; sau bao nhiêu năm tiết kiệm, tậu được một gia sản, nay ông ta muốn mua một chiếc xe xịn thì mấy đứa con cản, kêu già rồi nên đi xe cũ vì chúng nghĩ ông ta xài tiền của chúng.

Hiện tại là 65 tuổi, vài năm nữa vào viện dưỡng lão thì họ bắt phải trả tiền, phải xài hết tiền của tài sản của mình cho hết thì mới chính phủ mới trả. Do đó phải bán nhà để trả tiền viện dưỡng lão. Nếu mình chuyển tên cho con mình thì phải làm trước khi vào viện dưỡng lão trên 5 năm. Không tiền thì họ cho ở viện dưỡng lão tồi, có tiền thì ở viện dưỡng lão tương đối khá hơn.

Đây là số tiền đóng thuế nếu là nhà cho thuê, không được hưởng quy chế 121. Do đó phải làm 1031 exchange để giữ nguyên số tiền 1 triệu

Có người chuyển tên nhà cửa cho con cái trước để được ở miễn phí. Viện dưỡng lão miễn phí thì te tua lắm mà chơi kiểu này thì có vấn đề như mình đã kể: có ông Mễ, nghe lời ai đó, sang tên căn nhà cho thằng con. Thằng con lăn đùng ra chết, cô con dâu bán cho mình. Mình nhờ đồng chí gái cải tạo từ thành phần ác ôn trở thành người chồng nhân dân, nên lấy tiền thuê nhà rẻ vì an sinh xã hội của ông ta rất ít ỏi. Nay ông ta về Mễ thì mình bán để mua căn nào gần nhà hơn.

Do đó không nên chuyển tên cho con mình. Chỉ sang tên vào Living Trust, rồi kê khai con mình thừa kế và viết di chúc, cho đứa nào cái gì. Tốt nhất là chia đều thì anh em chúng sẽ không lộn xộn như bố mẹ mình viết di chúc để lại 10 đứa đồng đều. Con lúc nào cũng nghĩ thương cha mẹ hơn mấy người anh, em của họ nên họ phải được nhiều hơn hết nên hay gây tranh cãi rồi anh em giận nhau. Mình có quen một bà mỹ, chồng làm luật sư gai đình, cho biết là cứ chia đều mọi thứ cho mấy đứa con, nếu không sẽ có chuyện. Anh em sẽ kiện nhau, rồi từ nhau.

Bạn bè của đồng chí gái kể nhiều chuyện gia đình bạn người Việt, kinh hãi lắm. Anh em, chị em đưa nhau ra toà về tội xài tiền của mẹ cha.

Reverse mortgage thì mình khuyên không nên thực hiện vì ngân hàng rất mất dạy. Mình có làm cái gì lộn xộn, chúng lấy lại nhà mình thấy thiên hạ kiện tụng nhiều lắm về vụ này.không rành luật ngữ thì dễ bị chúng cướp nhà.

Mình đã kể mấy vụ là bán nhà hùn tiền với con để mua căn nhà vĩ đại rồi vợ chồng chúng ly dị, mình phải dọn ra với con trai hay con gái, chia đôi tài sản. Mất vốn luôn. Do đó, tuyệt đối, không bán nhà, chung vốn mua nhà với con.

Đồng chí gái thì kêu: tiền mình thì mình xài, sau này còn bao nhiêu thì để lại cho tụi con. Không nên cho chúng bây giờ.

Một cách khác: là bán căn nhà rồi đi share phòng. Cái này thì tuỳ người, không tự do lắm nhất là mình trồng mấy cây ăn trái, hoa tùm lum, nay phải bỏ để ra đi. Về già ít ai muốn thay đổi chỗ ở ngoại trừ bất khả kháng.

1/ Nếu bán nhà thì xem tiền bạc và thuế vụ ra sao: chúng ta mua $200,000, bán $1,000,000. Xem như là lời $800,000. Hoa Kỳ có luật thuế vụ, được gọi là section 121 exclusion. Với luật này thì mỗi người có thể miễn thuế $250,000 tiền lời. Hai vợ chồng thì được miễn thuế $500,000. Lời $800,000 trừ được $500,000, còn lại $300,000 phải đóng thuế. Đóng thuế liên Bang là $20%, tiểu bang 5.1%, Medicare tax 3.8% (cái này do Obama ký nên họ gọi là ObamaCare). Xem như bay mất 30%. Hay $90,000. Còn lại $210,000. Hình như tiểu bang Cali thì được trừ đến $300,000/ người vì nhà cửa quá đắt so với mấy tiểu bang khác.

Mình sợ mất tiền nên bỏ vào ngân hàng, vào quỹ tiết kiệm vì không dám chơi cổ phiếu. Ngân hàng trả tiền lời 1%. Vì chi mỗi năm mình được $2,100 hay mỗi tháng độ $180.00. Làm cái gì với số tiền này. Uống được một ly cà phê mỗi ngày. Mình hay thấy mấy ông bò ra tiệm cà phê, ngồi cả ngày, đợi ai phải đi sớm , thanh toán tiền cà phê, không còn chịu chơi, hào sảng như xưa. Nhiều người chịu không được đời sống đặt đỏ ở Cali, đành phải dọn sang Florida,…

Bây giờ nếu mình bán và cho vay lại. Thuế vụ gọi là “Installment Sale”, nghĩa là mình bán nhưng không lấy tiền liền, mình lấy từ từ trong vòng 30 năm. Do đó mình chỉ trả tiền thuế hàng năm vào số tiền mình nhận được mỗi năm từ người mua.

Điển hình, bà Betty, ông Leon, bà Barbara, Ông Bob, ông John, bà Monique, ông Magdy,… là những người bán nhà rồi cho mình vay lại.

Nhà mua giá $200,000, bán với giá thị trường $1,000,000 với tiền lời hiện tại 3%. Mỗi năm mình được trả $4,216/ tháng hay $50,592/ năm. Nếu mình thương lượng với một người mua nhà mình để cho thuê. Mình ra điều kiện, phải cho mình thuê lại dài hạn 5, 10 năm đến khi mình phải vào viện dưỡng lão.

Mỗi năm, mình chỉ đóng thuế trên $10,000 nhận được (lời $300,000 chia cho 30 năm cho mượn nợ) nhưng nếu mình thuê lại nhà như trường hợp ông Bob, bán cho mình rồi thuê lại thì trừ $500 tiền thuê nhà, còn lại $3,716/tháng. Mình thấy mấy người bán nhà cho mình, cho trả góp trong 30 năm, không ai khai thuế cả vì trên nguyên tắc mỗi năm, họ phải gửi cho mình số tiền mình đã trả trong 12 tháng qua. Gọi 1098. Ông Larry cho biết, khi ông ta cho mượn nợ thì không khai thuế.

Lấy thí dụ; chị quen kể mình. Nhà có 3 phòng, chị ta cho thuê share phòng cái ga-ra, và 2 phòng kia. Bây giờ bán nhà, mướn lại 1 phòng như hiện tại, có hai người share phòng. Chị ta và ông chồng chỉ trả có $500, mỗi tháng người mua nhà trả thêm $4,216 hay $50,592/ năm. 4 ngàn đô mỗi tháng 2 vợ chồng có thể đi du lịch thoải mái. Đi du thuyền sang lắm $1,000/ người. Được ăn thoải mái.

Khi nào vào viện dưỡng lão thì số tiền kia $4,216, do người mua nhà trả, sẽ trả cho con cháu mình. Xong om

Tính ra là $50,592/ năm nhân cho 30 năm là mình và con cháu sẽ nhận được thêm $1,517,774. Mình không phải bỏ căn nhà đã bồi đắp, xây dựng khi sang mỹ đến giờ. Nếu con mình ly dị thì số tiền đó sẽ không lọt vào tay con rể hay con dâu.

Số tiền sau này, khi mình không còn ở căn nhà nữa, có thể sử dụng để cho mình ở viện dưỡng lão khá khá một tí, hay con cháu có thể lãnh trong vòng 30 năm. Nếu không, chúng sẽ nhận được tiền khi mình qua đời, đem đi Las Vegas, nướng hết là xong việc. 30 năm với $4,216/ tháng, có thể con cháu nuôi cháu ngoại, cháu nội,…

Có chị quen, ở gần nhà kể mấy năm trước, bán căn nhà vì to quá, không đủ sức chăm sóc vì ông chồng lăn ra chết. Thằng con rể mỹ, xin tiền để làm business chi đó. Chị ta không cho, kêu tiền hưu cua mẹ nên nó không cho tới nhà để gặp cháu ngoại. Cuối cùng nhớ cháu quá, cho nó mấy trăm ngàn, nghĩ là trước sau cũng thuộc về con mình. Thằng rể làm ăn hay quá, bay trắng mấy trăm ngàn. Chị kể vừa khóc, kêu biết vậy tui nghe lời anh, bán cho vay lại, vẫn ở nhà đó, con không biết là mình đã bán để xin tiền. Nay chị ta mất tiền, đi share phòng với tiền hưu ít ỏi. Cho thấy khi tính về tiền bạc, chúng ta phải dùng đầu óc thay vì tình cảm. 

Chớ mình ôm khư khư căn nhà, về già, nhà cũ phải thay mái nhà, sửa chửa ống nước bị bể, tốn tiền với tiền hưu ít ỏi. Bán đi cho khoẻ để người mua lo, mình lấy tiền hàng tháng, cho chồng về thăm quê hương, bay bướm với mấy em chân dài một lần cho thoả thích mộng làm trai già :) Khi vào viện dưỡng lão hay qua đời thì con cháu lãnh phần còn lại để nuôi cháu mình. Xong om

Chúng ta quen lối, để lại cho con nhưng thật ra chúng cũng đâu cần. Khi mình qua đời, chúng bán lấy tiền xài. Đâu muốn ở nhà của mình vì cũ. Tốt nhất là cứ hưởng thụ chút gì trước khi tiêu diêu miền cực lạc, còn dư thì con cháu hưởng. Đó là Phước phần của chúng.

Có người hỏi là nếu trường hợp người mua nhà, không trả tiền thì sao? Lúc mua thì người mua nhà đã ký giấy nợ. Nếu họ không trả thì mình làm thủ tục để xiết nhà. người Mỹ gọi foreclosure. Xong om

Trường hợp nhà còn nợ ngân hàng, thì mình tiếp tục trả nợ ấy. Người mua trả tiền mình để mình tiếp tục trả ngân hàng. Đến khi hết nợ ngân hàng thì mình sẽ nhận đủ số tiền mà người mua nợ, nhiều tiền hơn để tiêu xài. Xong om

Nguyễn Hoàng Sơn 

 

Một ngày như mọi ngày

 Hôm nay lên vườn, mình ghé nhà tên Mễ quen, mua vài cân chà-là “tươi” cho đồng chí vợ. Mụ vợ thích ăn loại chà-là này nên phải kiếm mua cho mụ. Chà-là thường mua trong chợ thì không biết họ bỏ cái gì trong để bảo quản. Mua của tên Mễ quen vì hắn có vườn trồng chà là ở Blythe. Năm kia, hắn giới thiệu mình mua một cái vườn chà là ở Blythe nhưng họ không chịu cho vay lại nên mình đành giả từ cuộc tình chà-là với lại xa quá. Có thợ làm hết nhưng lái xe 3 tiếng nên xem như trời không cho.

Mình phải gọi hắn để đặt trước. Hắn hái để dành, cuối tuần đem về, khi thăm vợ con. Thứ 2, hắn đi xuống dưới đó, ở tới cuối tuần về. Thường người ta bán chà-là đã chín hẳn, ăn rất ngọt, nói đúng hơn cực ngọt. Chà-là tươi, mới chín thì ăn ít ngọt hơn, dòn như ăn đào, ổi,…

Chà là tươi ăn cực ngon. 

Có lần mình cho hai bà bạn bác sỹ và nha sỹ ăn khi đi dã ngoại. Họ mê quá nhưng không biết mua ở đâu, còn mình thì không trả lời để mụ vợ giải thích vì không muốn đi mua dùm cho họ, rồi mụ vợ ngại không lấy tiền còn họ thì cứ tưởng hiệu Lá Bồ Đề. Mình leo núi, chỉ ăn có 5 trái chà là mà đi suốt 14 tiếng đồng hồ. Để hôm nào mình kể về chà là. Người Ả Rập vượt sa mạc, chỉ ăn chà là.

Cuối tuần rồi, mình ra Bolsa, gửi xe đò Hoàng, 2 bình mật ong cho anh bạn. Anh ta gửi tiền qua Zelle thì mới đi gửi. Nhờ mua thì gửi tiền. Xe đò Hoàng chỉ lấy có $5 tiền cước, mình ghi tên anh bạn và số điện thoại. 4:30 chiều, xe đến thì đứng lấy. Xong om.

Chất dinh dưỡng của chà là, và Glycimic Index là 42. Khá thấp tương đương như ăn quả đào. Ăn tươi thì có lẻ ít hơn nữa. Khi mua chà-là thì các bác nên để trong ngăn đá, ăn dễ hơn. Em mua mấy cân để ngăn đá, khi uống ca-cao, ăn cho khỏi lạt mồm. Ai uống cà phê đen thì nên ăn chà-là, khỏi bỏ đường theo cách của người Thổ Nhĩ Kỳ.

  • Calories: 277
  • Carbs: 75 grams
  • Fiber: 7 grams
  • Protein: 2 grams
  • Potassium: 20% of the RDI
  • Magnesium: 14% of the RDI
  • Copper: 18% of the RDI
  • Manganese: 15% of the RDI
  • Iron: 5% of the RDI
  • Vitamin B6: 12% of the RDI

Có cô cháu thấy gần nhà có căn đang kêu bán nên thằng con gọi, hẹn đi xem. Thằng con chở đồng chí gái đi đâu, rồi ghé xem nhà. Một chị bạn qua mạng, làm món chi đó cho đồng chí gái nên hẹn tại căn nhà đó luôn, để khỏi lạc. Mình đến sau thằng con nên chị ta đã đưa mấy hủ dưa cho con mình. Kêu con trai anh đẹp trai. Mình nói đồng chí gái đang đi kiếm vợ cho nó, chị có quen ai thì giới thiệu.

Căn nhà, đoán là chủ người Việt, vì cô chuyên gai bán nhà gốc Việt. Chủ họ phá nhà, sửa loạn cào cào, phải bỏ skylight để có ánh sáng vào nhà. Thấy không suôn sẻ lắm, nói như thời A còng là phong thuỷ không thuận lắm. Cô bán nhà kêu đã có hai “offer”. 1 triệu đồng. Kinh

Nói cho đúng, họ sửa chửa lại, trang bị hàng xịn, nhà tắm, đủ trò nhưng không hài hoà. Mua cho thuê thì uổng phí. Ra xe thì chị bạn bổng dưng nói trong tương lai, sẽ bán căn nhà khiến mình suy nghĩ, viết xuống đây.

Người Việt mình sang đây với hai bàn tay trắng, mua được căn nhà, về già thì nghĩ để lại cho con cháu. Về hưu, lương bổng không bao nhiêu, lại phải chắc chiu từng đồng. Vấn đề trong nay mai, không biết ngày nào. Có thể 5, 10 năm hay 1 năm không chừng già bệnh tật đến rất nhanh và đến cả chùm. Không ai biết trước ngày mai.

Để lại cho con thì cũng phước phần. Mình có tên mỹ quen, cho con gái mua nhà đâu cả 600 ngàn. Đùng một cái, thằng rể kêu ly dị, mất tiêu mấy trăm ngàn. Trong trường hợp các bác cho con tiền mua nhà thì làm giấy tờ nợ số tiền đó. Lỡ vợ chồng chúng ly dị thì con mình vẫn còn số nợ đó mà sống thay vì chia cho tên rể hay con dâu. Nhất là con dâu ở Cali thì lấy gần hết.

Mình đang bán một căn nhà, khi xưa mua của một bà Mễ. Nhà của cha chồng nhưng ông ta nghe ai nói, sang tên cho thằng con để lãnh Oe-phe chi đó hay Medical. Thằng con ở chỗ khác, lăn đùng ra chết. Cô dâu muốn bán nhà lấy tiền xài nhưng ông bố chồng không cho ai vào. Bạn của cô dâu hỏi năm nỉ mình mua giúp cô bạn. Mình ô-kê-ô-ka mua xong đến gõ cửa kêu là chủ mới. Hỏi ông chủ nhà, muốn ở đó thì cứ trả tiền nhà. Không mất mặt với hàng xóm, họ hàng. Từ 12 năm nay, mình chả phải sửa chửa gì cả, có ghé ngang vài lần. Nay ông ta đã về Mễ nên mình bán.

Có ông kia thuê ga-ra nhà ông anh vợ kể; đem tiền mấy trăm ngàn sang mỹ mua nhà, đứng tên con gái để ăn Oe-phe chi đó. Đùng một cái con gái kêu dọn ra. Lý do hai vợ chồng đi Las Vegas, đánh bài thua, phải vay tiền ngân hàng rồi trả không được, ngân hàng tịch thâu.

Có người mình quen, bán nhà, hùn với con để mua nhà cho rộng hơn, ở khu cực sang. Khổ cái là bạn bè đến thằng rể cự hoài vì nó nghĩ nhà của nó. Nay ván đã đóng thuyền không đi đâu được. Nhà thì đứng tên vợ chồng đứa con vì họ muốn sau này vào viện dưỡng lão, không phải tốn tiền. Cho nên tính không bằng trời tính. Cứ bán nhà, cho vay lại là chắc ăn. Có tiền đi du lịch , muốn cho con cháu thì cho, không sợ thằng tây nào cả. Con cháu lại vui, và mời mình đến nhà. Không tiền, con dâu con rể cũng ngại mời đến nhà.

Nói như đồng chí vợ; tiền mình thì mình xài, con mình thì để tính sau. Khi chết, còn dư bao nhiêu thì chúng hưởng. Xong om

Trên nguyên tắc thì nếu mình cho con cháu nhà của mình (sang tên) phải trên 5 năm mới hưởng được phúc lợi của nhà nước. Nếu còn tiền trong ngân hàng thì họ bắt phải xài cho hết, mới được cấp.

Bán nhà có tiền, đem gửi ngân hàng, chúng cho 1%, trong khi cho vay lại thì nhiều hơn, gấp 3 gấp 4 lần ngân hàng, tha hồ mà tiêu xài.

Mình nghĩ chị bạn nên bán căn nhà bây giờ, cho vay lại và thương lượng với người mua, cho ở lại căn nhà như mướn lại. Vẫn tiếp tục cuộc sống như mấy chục năm nay, vẫn chăm sóc hoa, cây cối của mình trồng từ bao nhiêu năm qua, chỉ khác là mình không phải lo nghĩ nhiều, có thêm tiền đi chơi, du lịch. 

Về già, người ta không thích thay đổi chỗ ở. Mình có mua một căn nhà, chủ nhà cho vay lại và mướn lại căn nhà từ 6 năm qua. Mỗi tháng mình trả tiền mượn nợ cho ông ta, và ông ta trả tiền mướn nhà lại cho mình. Ông ta có thêm một số tiền hàng tháng để phụ cấp thêm tiền hưu trí ít ỏi. Nói chung ông ta có thêm $2,000 mỗi tháng vì mình lấy tiền nhà của mấy căn hộ để trả. Tiền an sinh xã hội đâu $1,500/ tháng. Nay có $3,500 sóng thoải mái hơn trước. Hôm trước, gặp ông ta thấy mặt mũi sáng sủa, hồng hào vui đời hơn khi bán nhà cho mình. Có tiền là có sức khoẻ.

Ông ta đi nghỉ hè bên Đức quốc vì bố là người Đức với số tiền đặt cọc của mình vì cả đời chỉ làm việc và làm việc, đóng thuế. Về già, tiền hưu ít nên phải cần kiệm. Nay có thêm tiền, kiếm được bà Bồ, đi chơi mút mùa, mỗi tháng có thêm tiền. Nhà hư thì có mình sửa chửa. Tiền trả nợ cho ông ta hàng tháng vừa đủ tiền cho mướn nhà. Ông ta ở 1 phòng và cho share phòng với hai người khác. Người share phòng vẫn tưởng ông ta là chủ nhà, vì cuối tháng lấy tiền nhà. Xong om

Sau này, ông ta có qua đời, thì mình tiếp tục trả cái nợ hàng tháng cho con ông ta. Con ông ta muốn tiền một lúc thì mình tái tài trợ lại, trả cho họ. Ông ta vẫn ở nhà ông ta, mình thì có người thuê nhà, không phá phách, đỡ tốn tiền sửa chửa nhiều. Có lợi cho cả hai. Xong om

Tới tuổi này, chúng ta nên chuẩn bị cho mai sau là tốt. Mình tính đi chơi với đồng chí gái được vài năm trước khi chân của mụ vợ đi không nổi nữa. Chân mụ đi không được thì mình cũng què luôn vì phải chăm sóc cho mụ. Mụ đâu cho đi đâu. Mấy hôm nay, mụ gãy chân, ngồi cầm cái ba tong, kêu lấy cái này, cái kia,..Chán Mớ Đời 

Sau đó, mình chạy lại nhà anh bạn. Anh ta kêu thầu khoán sửa nhà, gần xong thì có tên hàng xóm mỹ, ủng hộ viên của ông Trump, báo cho thành phố. Thành tra thành phố đến, kêu ngưng. Nay phải nhờ mình vẽ, xin phép. Anh bạn này thân nên mình phải làm. Để hôm nào mình rảnh sẽ kể là xây nhà, cần xin phép, để khỏi tốn tiền, lo âu. Chán Mớ Đời 

Nguyễn Hoàng Sơn 


Apache, nữ bộ đội bắn tỉa và Bạch Lông Vũ

For English or French reading, please switch to English or French or any language on your right.

 Dạo này, xem mấy phim đức, Nga để xem họ nói gì về phía họ trong đại thế chiến thứ 2. Từ xưa đến nay, mình chỉ xem phim tây về kháng chiến chống đức quốc xã hay phim mỹ thấy họ đánh quân đức te tua khi đổ bộ tại bờ biển Normandie. Coi phim người đức làm về cuộc tham gia thế chiến của họ thì hiểu thêm một chiều khác của cuộc chiến tương tự phim Nga thì thấy họ đánh nhau cũng dữ, nhưng tuyền truyền cũng nhiều. Coi cả hai bên để tìm một chỗ đứng trung lập nhìn về cuộc chiến thay vì nghe một bên.

Dạo này, OPEP hạn chế dầu, sẽ khiến giá dầu tăng. Dân tình ở Đức quốc, xuống đường đủ trò. Hoa Kỳ cho người nhái phá tung ống đẫn dầu, ga cho Đức quốc ở Bắc Hải khiến ông đức không còn đường thối lui, phải bỏ ra 100 tỷ đô để cho ngân sách quốc phòng. Ông thần Putin lại kêu nhất trí, nga sẽ giảm bơm dầu. Putin bán dầu rẻ cho Trung Cộng nên chả thấy ông nga bị lộn xộn gì cả. Bộ trưởng và thứ trưởng bộ quốc phòng tham nhũng nên bị cách chức và 1 ông bị giết, rớt máy bay. Ukraine chưa chắc đã thắng như báo chí phương tây tuyên truyền. Chán Mớ Đời 

Ông thần họ Tập, đứng ra hòa giải Ba Tư và Saudi Ârabia, giúp hai bên bắt tay khiến Hoa Kỳ chới với. Mình đi nhiều nước vừa qua, thấy Trung Cộng đầu tư rất nhiều trên thế giới. Hoa Kỳ thay vì cứ gửi quân đi xâm lăng các nước, để tiền đó đầu tư vào nước trên thết giới thì nay được thiên hạ yêu thích như tàu. Xứ nào thấy mình họ cũng hỏi tàu à? Kêu tốt. Mỹ không tốt. Chán Mớ Đời 

Từ từ đám nga, tàu, ấn độ,…sẽ hợp nhau làm ăn, tây phương bị ra rìa. Trong phim Saving Private Ryan, có cảnh tên bắn tỉa ở trên nóc chuông bắn chết thiên hạ. Cuối cùng, bị xe tăng thưởng cho một quả đại bác. Kinh

Dép râu được làm bằng vỏ xe hơi

Mình không đi lính nên không biết có vụ xạ thủ bắn tỉa đến khi xem phim “Save Private Ryan”, mới thấy trong quân đội, có các xạ thủ bắn tỉa, làm mất tinh thần địch thủ.

Phim Nga cho thấy có một nữ xạ thủ bắn tỉa, tên Lyudmila Pavlichenko, bắn chết đâu 379 lính đức trong thế chiến thứ 2. Mình lại nghe người Nga, kêu là bố láo, chỉ là tuyên truyền. 4 năm chiến tranh, chia làm 4, là xem gần 100 mạng cho mỗi năm. Khá nhiều. Mình không biết mấy người lính khi xưa ra trận, chắc chắn có người đã từng tận mắt bắn kẻ đối thủ, không biết sau này có bị ám ảnh như mấy người lính Mỹ trở về từ các chiến trường bị hội chứng. Mấy người bắn tỉa khi thấy qua ống nhắm đối thủ mình lãnh một một viên đạn từ khẩu súng của mình. Có ông xạ thủ bắn tỉa của quân đội Mỹ tên Kyle thì phải, nghe họ tuyên truyền là ông ta bắn chết đâu trên 400 người. Cuối cùng bị tên nào tìm gặp ở Hoa Kỳ rồi bắn cái đùng. 

Nói đến bắn tỉa thì trong chiến tranh Việt Nam, vào giai đoạn 1966, có một nữ bộ đội, không biết tên việt là gì nhưng lính mỹ đặt cho biệt danh là “Apache” vì cô này rất tàn bạo như người bộ lạc Apache. Xem phim cao bồi khi xưa, nghe kể người bộ lạc Apache, hay xẻo tóc vàng của người Mỹ da trắng để đội như ngày nay người ta đội tóc giả cho có vẻ da đỏ tóc vàng. Khi bắt được lính mỹ là cô ta lấy dao xẻo thịt khiến họ la ầm trời để khiến lính mỹ, bạn của nạn nhân chịu không được bò ra khỏi hầm trú là bị bắn tỉa. Cuối cùng thì cô nàng thiến mấy tên lính mỹ luôn. Mình đoán là cô ta kêu đồng đội làm chuyện này trong khi cô ta nhìn ống ngắm sẵn sàng bóp cò.

Thủy quân lục chiến mỹ mới điệu một tay xạ thủ bắn tỉa tên Carlos Hathcock về khu vực này để đi săn tìm sát thủ “Apache”. Cuộc săn lùng giữa hai xạ thủ này khá hấp dẫn. Cuối cùng thì Carlos Hathcock đã hạ sát được cô bộ đội bác hồ, trước khi chết vẫn kêu vang dội “bác hồ muôn năm”, từ từ nằm xuống, máu đỏ thắm ngọn cờ hồng, như ông Trịnh Công Sơn đã diễn tả: “nằm chết như mơ”. Viết theo kiểu báo chí tuyên truyền của Việt Cộng. Tên Carlos kể đi mò trong rừng vài ngày thì không thấy gì cả, đang tính rút về căn cứ thì thấy một toán Việt Cộng di chuyển qua ống nhòm.

Mình đọc tài liệu của Hà Nội thì được biết họ có tin là quân đội Hoa Kỳ điều ông Hathcock về nên họ cũng điều về khu vực đồi 55 này một tổ bắn tỉa để tìm cách hạ sát ông Hathcock. Mình đoán là để tuyên truyền.

“Ngày 1-5-1968, Bộ Tư Lệnh B5 ra lịnh cho trung đoàn 27 bao vây căn cứ Mỹ trên ngọn đồi. Một trung đội 25 người được giao nhiệm vụ. Sau khi xây dựng công sự, hầm hào chiến đấu, cấp trên sẽ điều một tổ bắn tỉa vào. Nhiệm vụ của trung đội là vừa gây tiếng nổ quấy phá, vừa bảo vệ tổ bắn tỉa, cách căn cứ Mỹ 1km.Ngày 10-5-1968, tổ bắn tỉa từ Hà Nội đến, đã vào vị trí. Năm tay bắn tỉa với 5 khẩu súng Hungary vào vị trí ở suối Lăng Gô. Bộ đội đào công sự dưới những bụi tre trụi lá vì bom khai hoang. Ngày đầu tiên ra quân thắng lợi, nhưng đạn pháo Mỹ rải “liên thanh” không ngừng.” (Trích. Hồi Ký Quảng Trị-Quân sự VN.Net)

Vấn đề là phải nhận định ai là Apache nên ông ta thận trọng quan sát và từ từ hiểu ra ai là xạ thủ nhân dân ưu tú, anh hùng bộ đội. Cô ta phạm lỗi là kiếm chỗ để ngồi xổm xuống xả xú bắp khiến ông ta nhận ra vì đàn ông thì đứng đái. Chỉ có các tay bắn tỉa mới nhận ra hành vi, thói quen nhau. Đồng đội của ông Carlos gọi pháo binh ở căn cứ nhắm toạ độ của toán Việt Cộng để pháo kích. Lúc đó, thấy Apache chạy lên đồi để núp, trong khi đồng đội ngăn cản. Quá muộn! Ông ta đã thấy cô bộ đội bác hồ nên bắn 2 phát cho chắc ăn.

Nói đến tên xạ thủ bắn tỉa Carlos Hathcock, 1 huyền thoại của quân đội Hoa Kỳ, Việt Cộng gọi hắn là “lông trắng” White Feather (mình dịch Bạch Lông Vũ cho có vẻ Kim Dung ) vì ông ta hay gắn cái lông trắng nơi mũ của mình. Việt Cộng cho săn tìm Lông Trắng nên các xạ thủ bắn tỉa khác, đều đeo cái lông trắng để bảo vệ ông ta. Mình đọc tài liệu hai bên và xem video phỏng vấn ông Hathcock để không thiên vị nhiều về phía Hoa Kỳ. Theo tài liệu của Hà Nội thì họ điệu về khu vực này một tổ bắn tỉa để hạ sát cô gái miền Quảng Trị nhưng không thấy nói đến sau này, toán này có tìm cách hạ sát ông Hathcock. Hơi lạ. Chắc họ thêm bớt.

Phải nói đến một điệp vụ thành công đã gây nên huyền thoại của tay xạ thủ BẠch Lông Vũ này. Ám sát một tướng của Hà Nội tại căn cứ của ông này. Mình đoán là ông Nguyễn Chí Thanh vì dạo ấy nghe tin ông ta bị B 52 dập nhưng mình nghĩ không đúng. Có tin là Hà Nội muốn giết ông ta chi đó, ai biết hay có tài liệu về vụ này thì cho em hay.

Tay xạ thủ bắn tỉa Carlos Hathcock

Tên xạ thủ được thả bằng trực thăng gần mật khu của Việt Cộng. Trong 4 ngày 3 đêm trời, ông ta chỉ trườn người bên hông để tránh để lại dấu vết, ít hơn là bò xấp, chỉ bò trong 2 cây số. Chỉ dám bò khi gió thổi để Việt Cộng canh gác không phát hiện. Ông ta kể trong cuộc phỏng vấn đài truyền hình, có lần bộ đội suýt đạp vào người ông ta vì ông ta hoá trang, núp trong rừng. Vụ này thì ông Al Cornett, cố vấn cho đại đội trinh sát 302 Đà Lạt, trong cuốn sách “Gone Native” có kể là vào rừng, nằm núp thì cán binh Việt Cộng, đứng tè lên người ông ta.

Al Cornett, cố vấn đại đội trinh sát 302, về thăm Đà Lạt. Hình chụp trên đường Duy Tân

Khi bò gần đến 700 thước, ông ta thấy ông tướng đi ra thì bắn một phát rồi rút lui như khi đến. Nghĩa là bò lui từ từ để không tạo ra dấu rồi khi đến rừng già thì bỏ chạy mất dép. May là bộ đội, chỉ phong toả khu vực, không đuổi theo nên ông ta thoát, đến điểm hẹn để trực thăng bốc về căn cứ. Trong một cuộc phảng vấn, ông ta kể là không nên giết ông tướng vì Hà Nội tức giận trả thù đánh phá các căn cứ quân đội Mỹ khiến nhiều binh sĩ Hoa Kỳ bị giết. Ông này sau này bị hội chứng hậu chiến tranh.

Một vụ khác, có một tay xạ thủ bắn tỉa rất cừ của Việt Cộng mà lính mỹ đặt cho biệt danh là “Cobra”, rắn hổ mang. Tên này rất cừ và gan dạ, bò lại gần căn cứ mỹ để bắn hạ, khiêu khích tên Carlos để trả thù cho Apache. Hắn và một đồng đội quan sát viên, bò ra rừng tìm kiếm Cobra. May sao, số hắn chưa chết trên ngọn đồi 55, hắn vấp cái rễ cây nên bị loạng choạng thì đúng lúc đó viên đạn của Cobra bắn trúng bình nước. Theo tài liệu Mỹ thì ngọn đồi 55 nằm gần Đức Phổ, vùng Quảng Ngải.

Cobra bỏ chạy, Carlos và đồng đội rượt vây, cuối cùng thì họ đổi vị thế. Cobra lại hướng về mặt trời nên ống ngắm bị mặt trời phản chiếu ánh sáng khiến Carlos nhận ra và bắn ngay cùng lúc Cobra cũng định bắn. Đến xem xác của Cobra thì họ khám phá ra là viên đạn bắn thủng cái ống ngắm xuyên qua đầu của Cobra. Từ đó, Việt Cộng ra giá ai lấy đầu được của Carlos thì được thưởng 30,000. Kinh

Mình đọc tài liệu của Hà Nội thì họ lại cộng vụ Apache và Cobra này với nhau, họ cho rằng sau khi hạ thủ, ông Hathcock đến xem sát của nữ bộ đội bắn tỉa thì thấy viên đạn bắn qua ống ngắm của Apache. Mình có kể vụ bắn tỉa bộ đội Apache là một chuyện bựa do truyền thông Mỹ làm nên, dựa trên cuốn sách và phim của đạo diễn Stanley Kubrick nói về chiến tranh Việt Nam “Full Metal Jacket” được trình chiếu năm 1987, có cảnh một nữ bộ đội bắn tỉa, đã giết nhiều binh sĩ Mỹ sau này cô ta bị bắn chết, lính Mỹ chặt đầu cô ta rồi chơi đá banh với cái đầu của cô ta. https://www.muctimsonden.com/2023/04/apache-huyen-thoai-bo-oi-ban-tia.html

Ông ta trở về Hoa Kỳ sau khi mãn hạn quân dịch. Có lẻ không hoà nhập lại được vào xã hội Hoa Kỳ lúc ấy nên ông ta xin trở lại Việt Nam. Lần này thì ông ta bị phục kích, và để cứu 7 binh sĩ mỹ khác, ông ta bị phỏng nặng nên được trả về Hoa Kỳ. Ông ta dạy lính bắn sẻ ở quân trường nhưng sau đó bị bệnh MS nên được giải ngủ, 5 tháng trước kỳ hạn 20 năm, có thể nhận hưu lương của quân đội khiến ông ta bị trầm cảm, nghiện rượu,… ông ta chết sớm.

Khi người ta điều tra vụ ám sát tổng thống Kennedy, người ta có dựng lại vụ ám sát nơi Lee Harley Oswald bắn chết JFK. Có cho ông Carlos Hathcock, đứng bắn thử thì ông ta cho biết không thể bắn xa như vậy. Vụ ám sát tổng thống Kennedy, là do một sát thủ khác bắn. Hồ sơ giải mật cho biết, có một cựu tổng thống Hoa Kỳ liên quan đến vụ này nhưng không dám kể rỏ. Ai tò mò thì mò trên Netflix, sẽ rỏ.

Theo mình hiểu thì binh sĩ trở về đời sống dân sự rất khó, khi họ đã trải qua những ngày tháng đồng hành với chết chóc. Nhất là một xạ thủ bắn chết địch thủ mà mình thấy rõ ràng trong ống nhắm. Có tay bắn tỉa Mỹ ở chiến trường Iraq, nghe nói bắn chết mấy trăm, có phim nói về ông ta, sau bị bắn chết ở nơi tập bắn tại Hoa Kỳ. Chán Mớ Đời 

Mình mới tìm được tài liệu về cô bộ đội xạ thủ này. Để hôm nào rảnh kể lại.

Mình rất ghét chiến tranh, không đem lại gì cả ngoại hận thù.

Nguyễn Hoàng Sơn 

Xe Maserati

 Dạo này có tên hàng xóm mỹ mới dọn đến, thấy hắn chạy xe Maserati đẹp kể gì. Chuyện chỉ có tại Hoa Kỳ, hắn đậu xe mấy trăm ngàn đôla ngoài đường vào ban đêm. Người Mỹ rất lạ, nhà nào cũng có ga-ra nhưng họ để chứa ba đồ lẩm cẩm trong khi xe hơi loại xịn nhưng Mercedes, hay Maserati lại đậu ngoài đường, tốn tiền gắn video an ninh.

Chiếc xe làm mình nhớ đến cuốn sách khi xưa học 9ème, lãnh phần thưởng cuối năm về tay đua xe hơi nổi tiếng “Fangio, Pilote de course”, một tay đua xe, người á căn đình, chạy đua với xe Maserati.

Thấy chiếc xe làm mình nhớ đến thằng Traverse, học chung khi xưa. Tên này mê xe đua của Ý Đại Lợi lắm. Có lần mình đi Ý Đại Lợi về, có mua cái cờ của xe Ferrari, khoe với nó thì nó đòi mua nên bán giá gấp 5 lần mình mua, phụ tiền đi chơi 2 tuần.

Nhớ đi La-Mã chơi hè một tháng. Khi về thì nó có xe nên chở mình về lại Paris. Trên đường về, nó ghé lại Modena, thành phố của các loại xe Ý Đại Lợi, như Ferrari, Maserati, Alba Romero,… Trên xa lộ khi gần đến thành phố Modena thì thấy xe Ferrari, Maserati,…chạy rất nhanh trên xa lộ. Không biết có phải thợ lái thử hay không. Chạy xe nhanh trên xa lộ ở vùng này không sợ cảnh sát bị chận.

Có tay đua xe hơi Formula 1 pháp, tên Jacques Lafitte thì phải, kể là hắn chạy xe nhanh, bị cảnh sát công lộ chận lại. Hắn kêu hắn là Jacques Lafitte nhưng cảnh sát công lộ kêu vớ vẩn, phạt tiền.

Xứ Ý rất lạ, ngoài xe Fiat cho thường dân thì đa số các loại xe khác đều xe xịn, họ sản xuất từng chiếc một theo đơn đặt hàng của khách hàng nên giá rất cao.

Theo mình hiểu thì công ty này khởi đầu bởi 4 anh em nhà họ Maserati, ở Bologna. 4 anh em này rất đam mê tốc độ xe hơi và máy móc. Họ làm việc cho công ty Diatto nhưng sau này Diatto ngưng sản xuất xe đua nên 4 anh em họ Maserati mới thành lập hãng riêng, chế tạo xe mang tên của gia đình. Họ sử dụng cái logo của xe bằng cái chỉa ba, nghe nói lấy từ bức tượng ở bể nước tại Bologna.

Họ mướn được kỹ sư Alberto Massimino, từng làm việc cho Fiat, Alfa Romero và Ferrari. Ông này coi phần thiết kế các xe đua. Rồi ông anh đầu, người lãnh đạo công ty qua đời ở tuổi đâu 30 nên mấy người em sau bán công ty cho Orsi ở thành phố MOdena. 3 người em vẫn tiếp tục làm việc cho Orsi theo giao kèo 10 năm. Chế tạo xe đua rất tốn tiền, chỉ có những công ty lớn như Mercedes, BMW,..mới dám làm.

Sau mãn giao kèo thì 3 anh em mở công ty O.S.C.A, và bắt đầu thực hiện nhiều loại xe. Tay đua khét tiếng Juan-Manuel Fangio lái xe Maserati và đoạt rất nhiều giải đến khi tai nạn gây nhiều người chết đứng xem xe đua vào năm 1957. Họ rút lui khỏi các giải đua xe hơi và chú tâm vào chế tạo các loại xe xịn cho người giàu có. 

Đến năm 1968, công ty Maserati bị mua bởi công ty xe hơi pháp Citroen. Nói chung thì sau Citroen thì có De Tomaso mua lại rồi bán cho công ty Fiat. Fiat bán 50% cổ phần cho công ty Ferrari. Sau đó lại mua lại. Nay Fiat làm chủ hai hãng xe Maserati và Alfa Romero.

Mình có nói chuyện với một thằng tàu, có chiếc xe Ferrari. Hắn kể là mỗi lần đi thay dầu xe Ferrari là tốn $5,000. Kinh! Cho thấy mua xe xịn đã khó mà sử dụng nó thì càng tốn tiền như đàn bà đẹp.


Xe này tên hàng xóm mới dọn lại đậu trước nhà, màu vàng. Không dám chụp hình sợ bị camera thâu.

Huy hiệu của công ty là cái chỉa ba.



Hình chôm trên mạng, không biết đời nào.

Đời 1971


Cuối tuần, chúc các bác vui vẻ.

Nguyễn Hoàng Sơn 

Tư bản thế kỷ 21

 Nói chuyện người Mỹ lớn tuổi, đã từng trải nghiệm thời đại suy thoái kinh tế (great depression), họ cho biết dạo ấy kinh tế te tua nhưng họ vẫn còn hy vọng vào tương lai nhưng ngày nay thì họ không còn một tia hy vọng nào. Đa số chạy theo ảo vọng của các chính trị gia hứa cuội để được đắc cử.

Hoa Kỳ, trong tương lai ở thế kỷ 21, sẽ không còn là một quốc gia dẫn đầu thế giới về công nghệ như ở thế kỷ 20. Chúng ta đang tiến dần vào một cuộc cách mạng công nghệ về thông minh nhân tạo mà Trung Cộng đã dẫn đầu về các chip điện tử mà chúng ta thấy trong đại dịch vừa qua, máy móc phương tây, xe cộ đều sử dụng bởi các chip điện tử bị đình trệ.


Hoa Kỳ tìm cách làm đình trệ Trung Cộng phát triển hệ thống 5G. Họ lên án Trung Cộng tóm hết các dữ liệu cá nhân trong khi các công ty như Google, Facebook,…đều lấy dữ liệu của chúng ta rồi bán quảng cáo,.. một bên thì họ có quyền làm đủ trò và một bên chỉ làm âm thầm. Thậm chí họ đi đêm với nhau như Facebook đã thảo thuận với Hà Nội và Bắc Kinh,…để được bán quảng cáo.

Ông Snowden bị quy tội phản quốc vì làm lộ các chương trình chính phủ Hoa Kỳ, thu thập dữ kiện cá nhân người Mỹ tương tự chế độ cộng sản như Trung Cộng,… ông Julian Paul Assange thành lập nhóm Wikileaks cho mọi người biết tin tức cá nhân của những chính trị gia thì bị lên án, phải trốn trong toà đại sứ Peru trong khi các công ty như Facebook, Google, Apple bán tin tức cá nhân của khách hàng thì họ được bình yên. Thậm chí họ còn bắt tay với các chế độ độc tài để ngăn cản các tin tức chống đối nhà nước độc tài trên mạng xã hội của họ.

Theo lịch sử từ khi con người bỏ nghề săn bắn, dừng chân thành lập xã hội, cộng đồng thì tên mạnh nhất hưởng được nhiều quyền lợi nhất và củng cố quyền lực của họ và gia đình họ cho đến đời sau qua những vương quốc và giai cấp quý tộc. Các người yếu, thì tiếp tục đời này sang đời khác làm tá điền, đóng thuế cho các địa chủ quanh năm suốt tháng.

Người dân muốn thoát ra cảnh nghèo hèn, phải lên tàu vượt biển sang Mỹ châu để làm lại cuộc đời. Sách báo về lịch sử co rằng người Anh quốc bỏ trốn sang Mỹ Châu vì bị đàn áp tôn giáo. Trên thực tế chỉ có một thiểu số nhưng đa số các người gốc Ái Nhĩ Lan, Anh quốc, Tây BAn Nha và Bồ Đào Nha, di cư sang Mỹ châu để làm giàu, làm chủ ông. Họ khai thác các nô lệ bị bắt cóc từ Phi Châu, làm việc không công cho họ,.. kẻ giàu lúc nào cũng được nhà thờ bảo vệ.

Họ bắt cóc các người da đỏ, đem về âu châu làm nô lệ.


Khi con người nghèo khổ bắt đầu đặt câu hỏi tại sao Kinh Thánh cho rằng ai cũng là con của Chúa nhưng có người nghèo người giàu, không phải một đời mà cả mấy thế hệ là thế nào. Chúa không thương đồng đều con của chúa nên họ bắt đầu có những tư tưởng phản động, không tin lời kinh thánh nên bị đàn áp.

Đến khi người Anh quốc di dân tại Mỹ Châu, ly khai khỏi đế chế Anh quốc mà ngày nay họ gọi là cách mạng Hoa Kỳ, đưa đến cuộc cách mạng tại Pháp quốc vào năm 1789. Họ chặt đầu ông vua Louis 16 và bà vợ, tượng trưng cho cuộc thay đổi chế độ. Giai cấp quý tộc không quản lý xã hội, kinh tế nữa mà là các kỹ nghệ gia trong kỹ nguyên cách mạng kỹ nghệ.

Trong cuộc cách mạng kỹ nghệ, chúng ta thấy sự bốc lột con người trong các nhà máy, mõ than,.. mà các nhà văn như Balzac, Emile Zola,…đã kể trong các truyện của họ. Karl Marx và Engel đã nhận thấy sự bốc lột, đàn áp dã man các công nhân nhà máy. 

Điển hình các công nhân làm cho các hãng thép của ông Andrew Carnegie, bị đàn áp dã man, chính quyền làm ngơ vì đã bị mua chuộc. Sau này, họ khuếch trương qua hệ thống xe hoả,… các công nhân gốc tầu bị bốc lột thêm đạo luật cấm người Tàu,…

Đầu thế kỷ 20, Lenin đã làm cuộc cách mạng nhằm lật đổ chế độ quân chủ Sa-hoàng, để thành lập một xã hội công bằng. Lịch sử cho thấy ở thời nào, người đã nắm quyền hành, luôn luôn muốn bảo vệ những quyền lợi, đặc ân cho họ nên ra tay đàn áp các kẻ chống đối. Ai không tin chủ nghĩa cộng sản được đưa vào bệnh viện tâm thần, không khác chi khi xưa Copernic hay Gallileo đặt lại những câu hỏi đã được dạy trong kinh thánh. Họ còn ra luật bôi xấu lãnh đạo là đi tù. Lúc nào cũng vinh danh lãnh đạo sáng suốt muôn năm.

Mình ưa chuộng chủ nghĩa tư bản nhưng các kinh tế gia cho biết chủ nghĩa tư bản của Hoa Kỳ đã thay đổi. Cách mạng công nghệ thông tin đã giúp một số người tạo dựng tài sản, sự nghiệp qua các viễn kiến của họ như Bill Gates, Amazon, Facebook, Tesla,… họ đã trở thành tỷ phú nhờ khai thác các thông tin thương mại,…

Ông chủ hãng Tesla tuyên bố: tôi không học đại học Harvard, các người tốt nghiệp đại học này làm việc cho tôi. Có anh bạn kể, có người bạn làm cho một công ty lớn. Anh ta giỏi, có mấy bằng sáng chế. Tinh thần khoả bảng của người Việt vẫn ray rức nên nói ông chủ là muốn đi học MBA. Ông chủ hỏi mày muốn mấy thằng có bằng MBA? Tao mướn cho.

Aristote khi xưa công nhận giai cấp nô lệ, tương tự ông Madison, một trong những nhà lập quốc cũng đã bày tỏ các quản ngại về giới bị trị, nên không cho quyền bầu cử cho người da đen, phụ nữ. Họ muốn củng cố quyền lợi của các địa chủ. Họ kêu gọi dân chủ nhưng vẫn giữ mấy chục triệu người nô lệ da đen, làm việc không công cho họ. Hoa Kỳ hùng mạnh như ngày nay là nhờ vào đám nô lệ làm việc không công trên các cánh đồng phì nhiêu của Hoa Kỳ.

Ông Madison lo ngại là Dân Chủ sẽ cho đa số người Mỹ, họp nhau lại để chiếm lấy của cải của người Mỹ giàu có. Do đó trong hiến pháp vẫn còn mập mờ, sau đó người ta mới thêm các tu chính án. Trong cuốn The Wealth of Nations, ông Adam Smith có nói rỏ ràng về vấn đề nhân lực, nhân công để giúp sản xuất.

Trong thời đại canh nông, có những đạo luật ra đời giúp các vương tước giữ gìn đất đai của họ, cha truyền con nối. Họ truyền lại gia tài cho người con trưởng, các người con thứ vẫn tiếp tục hưởng các lợi tức từ các cánh đồng cho tá điền mướn. Nếu họ đem chia gia tài thì phân lô nhỏ lại thì đời này sang đời sau sẽ mất dần đất đai, sẽ không trồng trọt có lợi nhiều.

Đến thời cách mạng kỹ nghệ, tá điền bỏ ra thành phố để làm trong các xưởng. Họ sử dụng giáo dục của Bismack, huấn luyện các nhân công và chuyên viên để làm giàu cho các tư bản mới. Một nền giáo dục huấn luyện con người trở thành các nô lệ cho chủ nhân. Chúng ta được dạy học cho giỏi rồi làm cho một công ty, nói trắng ra học một cái nghề đi làm công cho thiên hạ dù với chức tước kỹ sư, cán sự,…

Nền giáo dục chỉ huấn luyện chúng ta trở thành nô lệ cho chủ nhân, chỉ có những người có đầu óc khai phá như Bill Gates, Steve Jobs,..mới bỏ học, mở công ty làm giàu với ý của mình. IBM là công ty lớn về điện toán, lại bị bỏ xa về máy điện toán cá nhân. Thật ra là công ty Compaq hay Xerox đã có thử nghiệm về máy điện toán cá nhân nhưng họ không cho phát triển hơn vì sợ lấy mất khách hàng của những sản phẩm đang bán chạy. Tương tự, Kodak đã cho ra đời máy chụp hình digital nhưng họ say mê trên chiến thắng bán phim nên phải phá sản sau này. Nay bắt đầu khôn  hơn nên có lẻ khá lại.

Dạo này, đảng Dân Chủ đang kêu gọi đánh thuế các tỷ phú Hoa Kỳ. Trên thực tế thì đánh thêm thuế người Mỹ. Một khi họ đánh thuế tỷ phú, sau đó sẽ tuyên bố: cho công bằng đánh luôn các người khác.

Họ kêu gào bãi bỏ chế độ nô lệ, tạo ra cuộc nội chiến. Trên thực tế, các tiểu bang miền Bắc đang bắt đầu cuộc cách mạng kỹ nghệ, cần nhân công nên kêu gọi bãi bỏ chế độ nô lệ để có người da đen lên miền Bắc làm việc cho họ. Đó là nguyên nhân chính cho cuộc nội chiến.nguo da trắng đâu có màng đến người da đen.


Sau khi miền Bắc chiến thắng, thì người da đen ở miền Bắc cũng đâu được họ chiêu đãi, sống trong những khu nghèo nàn, không được mua nhà ở khu da trắng sang trọng. Theo tiến sĩ Thomas Sowell, người da đen cho rằng luật phá thai mà dạo này tối cao pháp viện Hoa Kỳ đang bàn cải nhằm hạn chết sinh sản người da đen. Còn người da đen ở miền nam thì sống trong chế độ kỳ thị chủng tộc, không chung đụng và bị treo cổ, đốt cháy bởi nhóm người chủ nghĩa da trắng độc tôn như Ku Klux Klan,…đến khi bà Rosa PArk không chịu nhường chỗ cho người da trắng mới dấy lên phòng trào bình đẳng.

Sau thế chiến thứ 2, khi các binh sĩ mỹ trở về, đạo luật G.I., ra đời nhằm giúp các cựu chiến binh hội nhập lại đời sống dân sư. Được đi học lại hay vay tiền để mua nhà. Trên thực tế chỉ có 5% người da đen được hưởng các quyền lợi của đạo luật này, miền nam thì chỉ có 1%. Đạo luật này giúp người da trắng vượt lên trong các tầng lớp giàu có của Hoa Kỳ trong khi người da đen vẫn lục đục như trước đây.

Chỉ có đến những năm 60 của thế kỷ 20 thì xã hội Hoa Kỳ bắt đầu có những biến động xã hội. Chúng ta thấy ông Robert Kennedy, ngồi nói chuyện, khuyên ông Martin Luther King Jr., ngưng tuyệt thực. Cuối cùng thì cả hai đều bị bắn chết vì có thể phương hại đến quyền lợi của người da trắng.

Chúng ta thấy lần đầu tiên, người mỹ xuống đường chống chiến tranh Việt Nam, 2 triệu người tuần hành ở Hoa Thịnh Đốn, kêu gọi Quyền Dân Sự (Civil Rights). Người Mỹ không chịu nghe chính phủ, họ đứng lên chống lại sự đàn áp. Bên âu châu, tương tự thanh niên xuống đường chống chiến tranh, dấy lên phong trào cách mạng văn hoá, đình công bãi thị, mà các sử gia gọi Mai 68, khiến tổng thống De Gaulle phải lên đài truyền hình, kêu gọi giải tán biểu tình, và ông ta sẽ cải tổ nền hành chánh và chính trị của Pháp. Ở Pháp, lần đầu thanh niên lên tiếng ủng hộ Hà Nội, một nước nhược tiểu, chống lại quân đội mỹ. Tinh thần thực dân của cha ông họ đã vĩnh viễn cáo chung.

Điển hình thượng nghị sĩ Sanders xuống đường biểu tình cho quyền lợi người da đen. Cựu Thượng nghị sĩ, cựu bộ trưởng ngoại giao John Kerry, đi quân dịch tại Việt Nam về, tham gia các cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt Nam. 


Ở đây, chúng ta chỉ nói đến phương diện lịch sử, còn vấn đề lý do mất miền Nam thì không bàn. Lần đầu tiên, chúng ta thấy bà tài tử Jane Fonda, đến Hà Nội rồi ngồi trên pháo đài hoả tiễn SAM, đã hạ không biết bao nhiêu phi cơ của Hoa Kỳ. Mỗi lần mình đến họp mặt ở câu lạc bộ LIONS thì trong cầu tiêu, họ dán cái nhãn hiệu bà tài tử Jane Fonda nơi bể đi tiểu, để mọi người nhắm cô nàng mà ria nước tiểu.

Sau vụ Mai 68, các chính phủ tây phương, tìm phương cách để phòng chống các cuộc nổi dậy tương tự. Họ đưa ra chủ nghĩa tiêu thụ. Họ quảng cáo hàng hoá, cho chúng ta mượn tiền bằng tín dụng để mua sắm. Khi chúng ta lo làm tiền, tiêu thụ và trả nợ, sẽ quên đến chống đối.

Ngày nay, sự khoảnh cách người giàu và người nghèo quá cách biệt nhưng không ai dám lên tiếng vì họ nợ chồng chất khiến họ chỉ muốn kiếm tiền đẻ trả nợ. Hay lên mạng xã hội tạo dáng, câu Like. Bao nhiêu người để ý đến các người vô gia cư/  (Còn tiếp)

Nguyễn Hoàng Sơn 


Kỹ nghệ chiến tranh Hoa Kỳ

Dạo này, thiên hạ chửi toáng lên là Hoa Kỳ hèn hạ, không chịu trợ giúp Ukraina đánh cho Puchin cút Nga nhào. Thế là Âu Châu đứng lên kêu không cần thằng Mỹ bảo vệ mình, kêu rút  Hoa Kỳ đã rút ra khỏi Á Phú Hãn, để lại vô số dụng cụ chiến tranh, vũ khí, xe cộ, máy bay,… ta thấy các hình ảnh xe, máy bay,.. quân đội mỹ được chở sang Ba Tư,… Hoa Kỳ chỉ bỏ có một nơi đóng quân của họ trên thế giới. Ngày nay, người ta tính Hoa Kỳ có trên 700 căn cứ quân sự khắp thế giới.

Có hai đoạn video mà mình ghi nhận khá sâu đậm: 1 là bài diễn văn của tổng thống Eisenhower khi ông rời toà Bạch Cung. Ông ta báo động về nhóm kỹ nghệ chiến tranh, quyền lực mạnh và kiểm soát lập pháp và hành pháp của Hoa Kỳ. Tổng thống Kennedy, cố chống lại áp lực của nhóm này và có cái kết tương tự hai anh em Ngô Thị, chống lại sự bành trướng chiến tranh tại Việt Nam. Hai anh em tổng thống Ngô Đình Diệm, chống vụ quân đội mỹ sang Việt Nam, đều bị giết.

Tài liệu giải mật của Hoa Kỳ, cho biết vụ Vịnh Con Heo tại Cuba. Các cố vấn nhất là bộ trưởng quốc phòng dạo ấy, muốn tổng thống Kennedy ra lệnh đánh Liên Xô. Các pháo đìa B52 đang bay trên vòng trời Tây Âu , Thổ NHĩ Kỳ,…có bom nguyên tử nhưng ông tổng thống này chống lại, không ký. Cuối cùng thì họ phải ám sát ông ta để đem quân vào Việt Nam.

Hạ nghị sĩ AOC của tiểu bang New York, chấp vấn tại hạ viện Hoa Kỳ, tổng giám đốc mỹ bán một vật dụng với glá thành là $32, với giá gấp 4042%, $129,344.00. Cho thấy kỹ nghệ chiến tranh của Hoa Kỳ, làm giàu cho các công ty chế tạo vũ khí và người Mỹ trả thuế.

Họ sản xuất vũ khí đạn dược để làm gì, phải bán. Người ta mua khi có đánh nhau, can qua. Mình đọc tài liệu giải mật thì được biết tổng thống Kennedy chống lại vụ leo thang chiến tranh tại Việt Nam. Khi còn làm thượng nghĩ sĩ, ông đã sang Việt Nam quan sát, xem có nên giúp Pháp quốc giữ Đông Dương. Ông ta báo cáo cho quốc hội Hoa Kỳ là không nên. 24 tiếng sau khi ký giấy rút các cố vấn mỹ khỏi Việt Nam thì ông ta bị bắn chết. Các tướng lãnh miền Nam, cho phép lính mỹ đổ bộ tại Đà NẴng mà khi bé , xem phim thời sự, cứ thấy mấy cô gái đem vòng hoa ra đón chào lính mỹ.

 Phỏng vấn thứ 2 của tướng Wes Clark, cựu tổng tư lệnh Bắc Đại tây Dương, khi ra ứng cử tổng thống Hoa Kỳ, đã tuyên bố, được triệu hồi về ngũ giác đài khi vụ khủng bố 9/11. Ông ta được một ông tướng khác cho xem chương trình chiếm đóng 7 nước ở Trung Đông. Ngày nay, chỉ có 1 nước duy nhất Ba Tư là Hoa Kỳ chưa đánh vào. Kinh

Quân đội Hoa Kỳ rút khỏi Á Phủ Hãn. Câu hỏi đầu tiên là chúng ta không nên xâm chiếm xứ này. Cuộc chiến này được xem là lâu nhất, kể cả 2 đại thế chiến và nội chiến cộng lại. Nói chung chúng ta không thành công nhiều, chịu đựng nhiều thất bại hơn. Có trên160,000 quân của tư nhân, được ngũ giác đài mướn để đánh bên trung đông. Hơn 10,000 binh sĩ tử trận và ngốn mất tiền thuế của dân chúng Hoa Kỳ đến hơn 1 ức, 1,000 tỷ hay 1 triệu triệu đô-la. Để rồi ngày nay, báo chí quay cảnh quân đội Taliban bận áo quần của Hoa Kỳ, bay máy bay Hoa Kỳ bỏ lại…

Khi xưa như ở Phi CHâu, khi các quốc gia mới thành lập sau khi được thực dân trao trả độc lập. Các nhóm người bộ lạc, chém giết nhau để dành quyền lợi, phải mướn các lính da trắng, thất nghiệp vì tây về nước, làm lính đánh thuê “soldier of Fortune” như nhóm Bob Denard. Có dịp mình kể về tên này.

Hoa thịnh đốn định nghĩa chủ quyền của Hoa Kỳ không được rỏ ràng lắm. Mình học lịch sử Hoa Kỳ năm 11 B thì được biết về chủ nghĩa Monroe, thời đó được xem là Mỹ CHâu thuộc về Hoa Kỳ. Do đó, Hoa Kỳ không cho các nước khác gây ảnh hưởng tại mỹ châu nên can thiệp vào chính trị các quốc gia tại Mỹ châu, như Mễ Tây Cơ, Trung Mỹ, Nam Mỹ như Á Căn Đình, CHí Lợi,… bao nhiêu nguyên thủ quốc gia xứ này, tìm cách thoát khỏi vòng kiểm soát của Hoa Kỳ đều bị CIA hạ bệ hết, đưa một nhóm độc tài quân phiệt lên nắm chính quyền. Từ đó mới có nạn dân Mỹ châu trốn khỏi nước họ, lén vào sinh sống tại Hoa Kỳ.

Trên thế giới này, không một ai muốn bỏ nước ra đi cả. Họ ra đi vì chế độ, độc tài, cộng sản hay quân phiệt, không cho họ một con đường sống. Có một đại gia tại Sàigòn, khi xưa có giấy tờ đi định cư ở Hoa Kỳ, nhưng muốn ở Việt Nam vì làm ăn khá, sung sướng, có kẻ ăn người hầu. Qua vụ đại dịch thì muốn đi cho nhanh.

Vấn đề ngày nay, Hoa Kỳ xem tất cả các vùng trên thế giới đều quan trọng cho an ninh quốc gia. Đúng hơn là có bắn nhau, làm giàu cho họ, tương tự như Nga Sô, Trung Cộng, Pháp, Anh quốc,… cũng bán súng ống cho các nơi có chiến tranh, tranh chấp. 

Cho dù các nhà lập quốc như George Washington, John Quincy Adams, khuyên con cháu sau này không được du hành ra khỏi Hoa Kỳ. Do đó hai thế chiến, Hoa Kỳ lúc đầu, không can thiệp hay tham gia đến khi Đức quốc hay Nhật Bản khiêu khích qua Trân Châu Cảng,…

Hoa Kỳ nay có 50,000 binh sỹ tại Nhật Bản, 35,000 tại Đức quốc, 26,000 tại Hàn Quốc. Bổn phận Hoa Kỳ để bảo vệ Nam Hàn bị tấn công bởi Triều Tiên? Đài Loan để chống lại xâm lược của Trung Cộng? Hay Do Thái đối với Ba Tư? Và các nước khác.

Ngân sách quốc phòng Hoa Kỳ nhiều hơn 9 nước khác kế tiếp. Mình có xem buổi vấn đáp tại Hạ Viện, cô hạ nghĩ sĩ AOC của tiểu bang New York, cô này được xem là thành phần chống đối, cực thiên tả. Cô ta quay một tổng giám đốc một công ty trúng thầu, cung cấp đồ trang bị cho quân đội Hoa Kỳ tại Á Phủ Hãn. Giá thành $32 mà họ lại bán cho bộ quốc phòng với giá gấp 4046%. Mình đoán là phải đưa tiền cho mấy ông tướng để được trúng thầu. Tên tổng giám đốc trả lời là bộ quốc phòng, chính phủ có quyền lựa chọn mua với giá nào. Ông tướng, cố vấn an ninh cho ông Trump, chưa gì đã bị đá văng, cho rằng gặp gỡ nhân viên tình báo của Nga Sô. Mình xem tài sản cua rông ta lên đến cả 10 triệu đồng. Anh đi đánh giặc cả đời mà tài sản của ông ta lên rất nhiều khi lên làm tướng. Chán Mớ Đời 

Mình nhớ lúc chiến tranh Iraq mới khởi đầu, mình mua cổ phiếu của công ty Halliburton, do ông phó tổng thống Dick Cheney làm tổng giám đốc. Khi lên làm phó tổng thống, ông ta phải từ chức ghế này. Lúc đó đâu có $8-9/ cổ phiếu , sau 8 năm sau, khi ông ta về vườn thì lên đến gấp 10 lần nên mình bán cho khoẻ đời.

Lấy thí dụ: máy bay F35 đắt nhất của không lực Hoa Kỳ, được gắn ráp, mua đồ phụ tùng từ 48 tiểu bang. Công ty sản xuất Lockheed Martin, mướn các công ty khắp 48 tiểu bang để các đại diện người dân tại địa phương bỏ phiếu. Họ được tiếng là đem công ăn việc làm về cho tiểu bang của họ. Do đó, giá đắt bao nhiêu chính phủ Hoa Kỳ cũng phải mua vì quốc hội đã bỏ phiếu.

Tại Á Phủ Hãn, quân đội Hoa Kỳ xây một trạm xăng với giá $43 triệu, thay vì giá thường là $500,000. Cái mất dạy là không có xe nào ở xứ này, chạy bằng ga vì trặm xăng này bán ga. Ngay tại Hoa Kỳ có rất ít xe chạy bằng Ga.

Tương tự tại chiến trường Việt Nam, Hoa Kỳ muốn rút ra nên Việt Nam hoá chiến tranh, Hoa Kỳ cũng muốn Á Phú Hãn hoá chiến tranh, bằng cách huấn luyện và trang bị binh sĩ Á Phú Hãn. Hoa Kỳ tốn $200 triệu đôla để dạy binh sĩ Á Phú Hãn tập đọc, bình dân học vụ. Sau 5 năm, 50% binh sĩ vẫn mù chữ. Chán Mớ Đời 

Họ dạy, huấn luyện người Á PHủ Hãn lái máy bay. Khác với thanh niên Việt Nam khi xưa, có trình độ hiểu biết, toán học nên có thể học lái máy bay, đi tu nghiệp tại Hoa Kỳ,… đây anh không biết đọc chữ Ả Rập mà muốn dạy toán, hình học bú xua la mua. Xem video, thấy họ đậu máy bay đầy nơi mà không có phi công người bản xứ, phải phá máy bay,… nay thì Ba Tư hưởng vì lính Taliban đâu biết lái máy bay.

Vấn đề là Hoa Kỳ không biết sẽ làm gì, có mục đích , viễn kiến về Á Phú Hãn, Iraq,…ngoài việc xây dựng nền tảng Dân Chủ tại mấy xứ này. 50% binh sĩ không biết đọc mà nói đến chuyện Tự Do Dân Chủ. Chán Mớ Đời 

Ngoài ra, có một đạo binh đánh thuê tư, như của công ty Blackwater,…nghe nói mấy nhóm này lên đến 160,000 lính đánh thuê. Lính mỹ ít lương nên họ giải ngủ , gai nhập các đoàn binh đánh thuê. Họ bắn giết vô tội vạ, chính phủ Hoa Kỳ phủi tay vô trách nhiệm.

(Còn tiếp) 

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn