Du lịch hay tham quan

Du lịch hay tham quan

Trong chuyến đi Âu châu vừa rồi, mình có cảm tưởng như một kẻ đi tìm lại những dấu vết chân xưa đã đi qua các thành phố La Mã, Barcelona..., những chỗ mà khi xưa mình đã từng dừng chân để vẽMùi thơm của Pasta, những vị của gelato, tiếng nóihay những cử chỉ của người bản xứ đã khiến mình có thời, tính nhận nơi này làm quêhương thứ sau Pháp.... 

Có gì khó tả vì những quang cảnh mà khi xưa, lần đầu nhìn thấy khiến mình sung sướng kinh ngạc khi đứng trước những di tích lịch sử đã học ở trường, ngồi vẽ như ngắm một tình nhân trong giấc ngủ mặc du khách xì xào xung quanh. Ngày nay, xứ Ý đa dạng hơn, nhiều chủng tộc lăn lộn trong cuộc sống giữa những dòng xe cộ chạy bạt mạng với những nề nếp, quy trình như lưu thông tại Việt Nam.

Khi xưa ít có người ngoại quốc sinh sống ở xứ này, người miền Bắc kỳ thị dân miền nam dựa theo lịch sử của nước này mới được thống nhất vào cuối thế kỷ 19. Ngàynay thì người di dân lậu sống rải rác buôn bán chợ trời, canh chừng cảnh sát để chạy trốn khiến một thiểu số kêu gọi trật tự xã hội qua những bích chương dán đầy tường ở phố của các phong trào cực hữu. 

Trở lại Âu châu thì quang cảnh vẫn đó nhưng lòng mình không còn đón chào những đam mê độ nào. Cái nhìn của mình khác với cảm nhận ngày xưa. Có lẻ tuổi đời chồng chất thêm 35 năm, kinh nghiệm đời nhiều hơn. Có ai nói là có hai cách đi du lịch: vẽ hay viết lại cảm nhận của mình. Đi chơi về mình mới chợt nhận ra câu nóikia áp dụng cho trường hợp của mình. 

Ngày xưa khi xem tranh của ông Paul Cezanne, mình thấy màu sắc khá lạ đến khi viếng thăm vùng Aix en Provence của Pháp, với những sắc màu của hoa Lavender thìmình chợt hiểu khi pha màu vẽ núi Ste Victoire. Tiếp tục đi xuống vùng Arles, ..nhìn phong cảnh thì mới hiểu ánh sáng của tranh Van Goh. Mang ba lô đi dưới nắng chang chang thì mình mới giác ngộ lí do ông này điên điên tàng tàng đến nổi phải cắt lỗ tai. 

Khi xưa, đến La Mã hay Firenze, là mình phải đi xem những kiến trúc cỗ mà các cựu sinh viên trường cao đẳng quốc gia mỹ thuật, được chính phủ Pháp gửi đi tu nghiệp ở Villa Medici sau khi thắng giải La Mã (grand prix de Rome), vẽ lại trong thời gian họ lưu lại thành phố này rồi bắt chước vẽ lại. Ngày nay chỉ thông thả đi với vợ qua những chốn này như người bàng quang. 

Đến nhà mấy người bạn, cô em, thấy vài tấm tranh của mình vẽ khi xưa được treo trang trọng trong phòng khách thì bao nhiêu kỷ niệm từ đâu ập về, hiện lại cánh buồm tuổi thơ của mình đầy mộng ước và khát vọng khiến mình không khỏi tiếc nuối một thời đã qua. Ngày nay không còn những đam mê về nghệ thuật, văn hoá chỉ nghĩ đến chuyện đầu tư kiếm tiền. Đồng chí gái luyện tôi thế đấy.

Có anh bạn kêu mày đi chơi vậy quá cực, tao đi chơi là theo tour để cho họ lo chỗ ăn chỗ uống. Mình cho là đi chơi như vậy như một kẻ đi tham quan, khám phá những cái lạ ở xứ người đều do người khááp đặt, chỉ xem viếng do người khác bắt buộc mình phải xem. Xe ngừng mọi người nhảy xuống chụp vài tấm ảnh để chứng tỏ mình đã đáo trường thành là hảo hán. Nhìn các nhóm du khách đi theo một người cầm tấm bảng hay lá cờ, như đàn cừu, nghe người hướng dẫn kể vài giai thoại chỗ đang viếng thăm rồi đồng thanh xuýt xoa rồi gật đầu như vừa giác ngộ cách mạng. Khi xưa mìnhtừng làm nghề hướng dẫn viên này. 

Hôm trước, gặp bà bạn của đồng chí gái, bà ta kêu sao anh không dẫn chị đi viếng thành phố Flagstaf ở Áo. Mình nói không có thì giờ. Bà này khiến mình điên vì cứ kể với đồng chí gái những gì bà ta xem khi đi tour khiến mụ vợ cứ cằn nhằn cửi nhửi mình, tại sao không viếng mấy chỗ này. Khi xưa, mình có đi qua đây, một thành phố nhỏ, cạnh bờ sông, đẹp nhưng sau này mình đi tứ xứ khắp âu châu và bắc phi nên đã hiển thị nhiều cái đẹp khác do đó thành phố nhỏ ở Áo, đối với mình không có gì là đặc biệt, có dịp thì viếng lại, còn không thì chả chết thằng tây nào. Chị bạn của đồng chí gái chỉ được công ty du lịch chọn cho viếng thành phố này nhưng ở Áo có nhiều thành phố nhỏ khác cũng đẹp nhiều khi nức nở thêm.

Trước khi đi đâu, mình đều đọc sách nghiên cứu về lịch sử, mỹ thuật của nơi sẽ đến để hiểu rõ hơn về văn hoá, ngôn ngữ, nhạc hay thức ăn để có khái niệm về những gìsẽ đối diện,... Mình tính trở lại Barcelona để ăn tapas cho hết thèm nhưng khi trở lại thì khám phá các món khác nên chưa xơi được một miếng tapa của ngày xưa. 

Nhớ dạo đi xứ tàu thì cứ như bò đội nón vì không biết tiếng hoa nên phải nhờ vào hướng dẫn viên người hoa, rồi bị dẫn đến những nơi đã được chính quyền cơ cấu. Nghe nói hướng dẫn viên đều là công an. Ăn uống dỡ tàn canh khói lửa rồi bị tuyên truyền. Thật ra hướng dẫn viên du lịch nói chung chỉ biết hạn chế về lịch sử nghệ thuật nên hay nói bừa. Du khách thì cứ ua chau ua châu, gật đầu làm như đã giác ngộ cách mạng. Chán Mớ Đời 

Dạo đi viếng Antelope, phải đi theo các hướng dẫn viên người da đỏ, đa số họ làm công việc tháp tùng này vì được trả lương qua chương trình tương trợ của bộ lạc, chớ hỏi về lịch sử thì họ mù tịt thêm tiếng anh cũng không thạo. Có một cô chỉ chỗ này làhình ảnh của Microsoft dùng cho trang màn ảnh của máy điện toán thì cha con ùùn dành nhau để chụp. Du lịch bị đặt để, cơ cấu theo quy trình của tham quan. 

Đi viếng thành phố Pompei, Herculaneum, Sorento,..., không có thì giờ như xưa nên mướn tài xế riêng chở hai vợ chồng đi vì đi xe lửa phải đợi lâu khi đổi xe lửa. Nay họ có xe lửa tốc hành nên viếng các thành phố lớn xa, sáng đi chiều về dễ dàng như viếng Florence hay Maaestricht.

Ngày nay đi chơi mình chạy đua với thời gian trong khi ngày xưa thì hứng thì ở lại, không thì vác 3 lô đi quá giang xe tiếp, mặc cho ngày hôm đó hên xui, người cho quágiang đi đến đâu, nhiều khi đi đến những thành phố ngoài dự trù của mình nhưng lại khám phá những cái lạ khác.

Kỳ này về thăm âu châu có đồng chí gái đi theo tuy có ngứa nghề nhưng không có thìgiờ vẽ. Chỉ đột suất vẽ trên ipad khi đồng chí gái ngồi nghỉ mệt ở Campidoglio do Michelangelo thiết kế mà khi đến nhà bà Franca thì có thấy tấm tranh mình vẽ khi xưa treo trên tường. 

Kỳ này không vẽ nhưng mình lại ghi vài tiểu tiết về kiến trúc trong sổ tay. Cách ghi này lại giúp mình có cái nhìn khác với vẽ tranh khi xưa. Vẽ thì mình chỉ lo tạo dựng lại kiến trúc với ánh sáng màu mè lúc đó như trời mưa hay nắng hoặc gió thu cuốn theo những chiếc lá vàng trong khi vẽ thì mình lại nhận được những tiểu tiếc li ti của cánh cửa sổ, những song sắt hay những bình cỗ của thời la mã được dân chúng dùng để trồng hoa ngay cửa sổ hay sân thượng thì mới hiểu tại sao có kiểu này vì nạn động đất. 

Lâu lâu lại bị đồng chí gái kéo về thực tại để chụp tấm hình hay seo phi để cô nàng tãi lên facebook. Nhớ ông xếp của mình khi làm việc ở Thuỵ Sĩ, mỗi lần đi chơi thìông ta vẽ còn bà vợ ngồi bên cạnh, đọc sách. Mụ vợ mình thì lười đọc sách, chỉ thích đi shopping nên mình phải đi theo cả mụ cà thẻ tín dụng mệt thở.

Đi du lịch âu châu 2 tuần với vợ, mình cảm tưởng như hai người du mục đi qua 5 quốc gia, viếng 9 thành phố. Chỉ khác là mình biết tối ngủ nơi đâu vì khi xưa nhiều khi 1, 2 giờ sáng mình còn đang ngồi quá giang xe, chưa biết ngủ chỗ nào, lữ quán thanh niên hay nhà nghỉ hay nhà ai cho tá túc qua đêm hay lang thang với cái ba lô, tìm quán trọ hay ngủ ở công viên vì khách sạn hết chỗ. 

Nhớ có dạo đi Tây ban nha, có hai chị em con đầm ngừng giữa đường để đón mìnhcho quá giang. Chúng rũ mình xuống Algeciras, cảng phía nam để đi phi châu nên mình cũng OK. Xe đến nơi đi tìm thằng bạn học của con đầm vào lúc 12:00 đêm. Tên này rũ cả đám đi chơi, ăn uống đến 3 giờ sáng mới về. Nó cho vào một căn buồng để ngủ. Sáng thức dậy mình chào thằng chủ nhà để đi thì nó không cho, kêu ở lại chơi thêm, không cho đi khiến mình ở thêm 5 ngày đi chơi nhảy Flamenco. 

Sau đứng ở Hải cảng này nhìn những con tàu ra khơi giúp mình cảm nhận được tâm trạng của Marius của nhà văn Marcel Pagnol, nói về anh chàng ở ngay cảng Marseille, mỗi ngày nhìn những cánh buồm ra khơi nên có gì thúc giục anh ta lên tàuđi chu du thế giới. Mình định lấy tàu qua Maroc, cách 25 cây số phía nam nhưng lỡ hẹn với con Catherine Messin ở Cordoba nên đành hẹn lại sang năm. 

Ngày nay thì ngụ tại khách sạn cao cấp, có người phục dịch rất tử tế không như xưa ở lữ quán thanh niên bị quản lý la hét ỏm cù tỏi, bắt làm vệ sinh chùi cầu tiêu nhà tắm trước khi được ăn sáng. Đặc biệt là có Internet nên người mướn nhà hay thợ vẫn thông tin cho mình hay xem họ trả tiền chưa khi vào trang nhà của ngân hàng. Nhớ khi xưa mình đi lúc đầu tính 1 tháng sau đó bán được tranh nên đi đến 3 tháng mới bò về Paris khiến hàng xóm lo sợ. Thư từ chất đống ở văn phòng gác dan. Nghĩ lại nếu mình có mệnh hệ nào thì không có ai biết để báo tin cho chủ nhà tại Paris hay gia đình ở Việt Nam. 

Dạo đó, trưa mình ghé vào tiệm tạp hoá mua ổ bánh mì và prosciutto hay ổ panino, pizza còn nay thì đồng chí gái thích chỗ nào thì ghé vào ăn mấy quán bên đường, không cần cao lương mỹ vị, chỉ cần có chỗ đi vệ sinh cho đồng chí gái. Có lẻ ở La Mã là ăn ngon, nhất là tiệm hôm mình mời gia đình mấy người bạn ăn ở một tiệm đặc sản của Roma với mấy món ăn đặc sản vùng này.

Mình rất may, đột suất đi với vợ 2 tuần bên trời Âu vì đời sống hàng ngày cứ làm cho người ta lo toan với công việc, viện cớ này cớ nọ để thối thoát, nói mai mốt về hưu rồi đi nhưng chắc chi về hưu lại đi được. Mình có ông anh vợ, có dạo cả đại gia đình đi mễ chơi, ông ta đâu mới có 55 tuổi mà hai chân phù vì tiểu đường, phải ngồi xe lăn rồi từ dạo đó hết đi chơi với con cái, anh em,...

Nhìn lại thì những ngày giang hồ của Sơn 3 Lô đã giúp mình rất nhiều sau này trong công việc làm ăn như phải thăm hỏi người địa phương, tập nói phương ngữ, thương lượng hay trả giá, xem chừng tiền bạc tiêu xài ra sao để cho đủ chuyến đi. Hôm nàobán được một bức tranh thì tự thưởng một chầu cơm ở tiệm.

Giang hồ giúp mình nhận ra ai là người thành thật, ai là gian dối dù vẫn cứ bị lừa, cónhững kỷ niệm vui buồn mà mấy chục năm sau vẫn còn nhớ, làm quen những tên ba lô như mình hay người bản xứ.... Khi nào rảnh mình sẽ kể trước khi quên để con cháu sau này đọc. Cuộc đời Sơn 3 lô khiến con gái mình cũng muốn sống đủ nơi trên thế giới, ghi tên học chương trình để học ở Á Cháu một năm và Âu châu một năm vàphải học thêm hai ngoại ngữ. 

Những kinh nghiệm cho mình thấy thế giới bao la, mình như con ếch ở đáy giếng lên bờ, dần dần bớt lo sợ và bắt đầu tự tin vào chính mình dù bạn bè thầy cô khi xưa kêu mình thuộc dân ngu lâu dốt sớm. Vào tiệm ăn, mình gọi món ăn bằng tiếng địa phương khiến hai vợ chồng xứ Đan Mạch ngồi bên trố mắt vì họ không khạc được một tiếng ý ngày nay dâÝ cũng quen với người ngoại quốc nên không ngạc nhiên khi thấy một tên da vàng nói tiếng địa phương. 

Kỳ này đi thì mới khám phá một chiêu đi du lịch khác, đó là đi với người tình 100 năm. Mình không còn du lịch bụi, đơn độc như xưa, nên không thiết tìm cách làm quen người bản xứ. Chỉ có hôm đi cắt tóc ở Barcelona thì gặp ông thợ cắt tóc, người pakistan mới nói chuyện lâu lâu, thêm cũng không cần học nói phương ngữ vì tiếng Tây Ban Nha, mình dùng hàng ngày ở Cali.

Đi chơi với vợ thì mình trao đổi những cảm nhận với vợ, có thêm một cái nhìn khác vì đồng chí gái chú m những điều mà mình không để ý nhưng rất lạ, làm giàu thêmcho sự hiểu biết về địa phương. Đồng chí gái chụp hình mấy tiệm bán kem, trái cây hay hàng hoá với nhiều màu sắc rất bắt mắt mà mình không bao giờ để ý

Mình chỉ sợ mụ vợ đi lạc. Trước khi đi là mình đã gửi cho bạn bè và mụ vợ hành trình gồm khách sạn, địa chỉ, bạn bè,.,, qua cái app Tripit nhưng đồng chí gái có cái tật vô tư như đa số người Mỹ, quên cài ví,... Nếu lạc chắc cô nàng không nhớ là mở app để biết địa chỉ khách sạn mà lần về. Ngay cái điện thoại cầm tay cũng để lạc mất, phải gọi công ty điện thoại để khoá tài khoản rồi mua cái mới cho vợ. 

Chuyến đi này mình thấy khác với những nơi khác đã đi qua với gia đình từ ngàysang mỹ đến giờ. Mình như rời bỏ không gian dung dịch của Giấc mơ Hoa Kỳ (The American Dream), trở về với những ngày của thời rời Đà Lạt, đi Tây, cố gắng không bị dòng nước lịch sử của quê hương cuốn trôi trong sự buồn chán, yếm thế, ngụp lặng mài dũa những kỷ năng, vốn liếng văn hoá nghệ thuật cho tương lai để rồi khi sang Hoa Kỳ, lại lao vào một con đường khác đã thay đổi tư duy của mình về cuộc sống, khái niệm về cuộc đời. Mình may mắn đã trải qua 3 giai đoạn của cuộc đời trong suốt 60 năm qua trong 3 xã hội với nhân sinh quan khác nhau.

Đi chơi về thích quá nên mấy ngày nay đang điều nghiên đi 4 nước Đông Âu khi xưa mà mình chưa tới. Đồng chí gái được giao cho công việc đến tháng 8 sang năm. Sau đó thì nếu được thì đột suất đi chơi nữa vì con gái sẽ sang Hongkong học một năm. Sao thiên di bắt đầu chiếu lại cung thân của mình. Có lẻ đi vào mùa thu vì chưa lạnh thêm rẻ hơn mùa hè

Hy vọng tết 2018, mình sẽ ăn Tết ở Đà Lạt lại sau 43 cái tết xa nhà, con gái học ở hongkong chắc sẽ về Đà Lạt ăn Tết với bà nội nên mình sẽ cố gắng bay về. Hy vọng hy vọng và hy vọng.

Sơn 3 lô

Thánh Assisi của Song Pha *

Thánh Assisi của Song Pha *

"tui mệt mỏi lắm Anh ơi! 18 năm ni cứ lo ăn, lo mặc, tắm rữa cho con người ta mệt lắm! Nhiều đêm tui trách Chúa răng mà đày tui như ri thì hôm sau có người đem gạo đến cho..." đó là những lời than thở của anh Châu khi gia đình mình ghé thăm trung tâm bảo trợ xã hội do anh đảm nhiệm ở xóm La Vang, Song Pha, tỉnh Ninh Thuận. Anh kể năm 1972 khi dân chúng bỏ chạy dưới sự pháo kích của VC trên "đại lộ kinh hoàng" thì anh có gặp một em nhỏ bú người mẹ chết bên đường. Mình có thấy bức ảnh này. Quá oan nghiệt.
Hình ảnh mà anh Châu kể cho mình trên đại lộ Kinh Hoàng, khi người dân bồng bế nhau chạy trốn khi Việt Cộng đánh chiếm Quảng Trị. Việt Cộng đi đến đâu là người dân chạy đến đó cho nên họ tức và pháo kích theo đám dân chạy theo “Mỹ nguỵ” khiến dân chết như rạ.

Hình ảnh đó đã ám ảnh suốt cuộc đời anh đến khi anh thấy mấy đứa bé tàn tật hay bị bệnh thần kinh, cha mẹ đem bỏ ngoài đường, trước bệnh viện hay chùa, nhà thờ thì anh đem về nuôi. Anh có mảnh đất ở xóm La Vang nên làm nhà nuôi mấy đứa trẻ sau này lại có thêm những người già neo đơn không có con chăm sóc thì người ta đem đến bỏ trước nhà anh để anh nuôi. Lo ăn, lo áo quần cho trên 87 người là sự đấu tranh thường nhật của Anh và người vợ. Anh kể nhiều đêm anh nằm trách Chúa tại sao lại hành vợ chồng anh đến thế thì phép lạ xẩy đến, sáng hôm sau thì có người hảo tâm đem gạo, thức ăn đến. Trên đường từ Đà Lạt xuống đèo Ngoạn Mục thì xe có ghé lại các nhà làm vườn để lấy rau cải đem xuống cho trung tâm do anh cai quản.

Dạo mình đi làm ở New York thì có quen một số thanh niên, gồm sinh viên và học sinh và những người đi làm. Nhóm này họp mặt sinh hoạt làm báo, tổ chức văn nghệ, cắm trại và các công tác xã hội, giúp đỡ người tị nạn mới sang,... Có chương trình "chén gạo tình thân" được đỡ đầu bởi linh mục Nguyễn Hoài Chương tổ chức các tiệc gây quỹ để giúp người còn kẹt ở các trại tỵ nạn ở các nước Á Châu. Sau này làn sóng vượt biển ngưng thì nhóm này chuyển hướng về vấn đề xã hội ở bên Mỹ và VN.

Sau này lập gia đình, không có thì giờ giúp các Anh Chị trong nhóm nên mình chỉ giúp bằng hiện kim. Hôm đám cưới của mình thì các Anh Chị của nhóm từ khắp nơi trên thế giới tụ tập về để cưới vợ cho mình vì gia đình còn ở VN khiến mình rất cảm động về những tâm tình của nhóm dành cho mình.

Hè năm ngoái trước khi về thăm VN thì mình có hỏi cha Chương có chương trình nào để mình cho mấy đứa con đi theo nhưng thời điểm của phái đoàn của nhóm gửi về VN thì các cháu vẫn còn đi học nên tụi này nhờ chị KT, đại diện của nhóm ở VN lên chương trình dùm, đi viếng các nơi mà nhóm có giúp đỡ gần lộ trình đi chơi của gia đình mình. Mình có rủ vài người bạn hẹn gặp ở VN đi chung nhưng họ bảo về VN chơi mà đi viếng mấy chỗ này làm bị khủng hoảng tinh thần thêm.

Chị KT đón gia đình mình ở khách sạn với chiếc xe 7 chổ. Lúc đầu chị tính cho gia đình mình đi chung với chiếc xe đò bao đem một người già neo đơn, ngồi xe lăn và thức ăn, rau cải, gạo muối,.. xuống cho trung tâm xã hội ở xóm La Vang nhưng vào giờ chót thì có người khuyên nên cho gia đình mình đi xe riêng. Sau này mới hiểu và cám ơn sự chu đáo của chị KT. Ông tài xế kể là đường xấu không ai dám chạy cả, dù được trả tiền nhưng "nhất chúa nhì cha thứ ba Ngô tổng thống" nên cha bảo đành phải đi. Con đường chạy từ Đà Lạt xuống Song Pha mà Tết 74, nhóm bạn mình rủ nhau đi Ninh Chữ chơi qua đèo Ngoạn Mục để lại mình nhiều kỷ niệm đẹp, nay trở thành con đường như bị đánh bom. 

Hàng xóm mình có một anh đi Biệt Cách Dù, về phép với ông bạn rồi hai người chạy về Phan Rang bằng xe gắn máy. Người ngồi sau, thủ súng, Việt Cộng chận là bắn như xi nê ngay. May bình yên qua đèo Ngoạn Mục.

Có chương trình làm con đường này, họ đem xe máy cày đến, bốc nhựa đường cũ lên, rồi vì hết ngân sách nên bỏ đó. Mình thấy các xe ủi đất, đào đường bỏ bên lề đường, cỏ mọc hoang trên mui. Trớ trêu là các khúc đường mà làm trước 75, thậm chí thời tây, thì vẫn tốt, chạy vẫn êm. May mà hôm đó trời không mưa nếu không thì cũng không biết bao giờ về lại Đàlạt, có thể phải chạy ra Nha Trang rồi đi đường cao tốc về. Dạo này có đường cao tốc đi thẳng từ Đà Lạt xuống Nha Trang không phải đi qua đèo Ngoạn Mục, Phan Rang như xưa. Đường này không làm lại thì kinh tế của thành phố Phan Rang sẽ không phát triển được. Nghe nói con đường này hết ngân sách vì chia chác quá nhiều.

 Mình nhớ có dạo trước 75, ty công chánh làm lại đường Hai Bà Trưng thì xe ben đổ đá bên đường để chuẩn bị làm đường thì đêm đêm dân trong xóm chạy xuống đường mạnh ai nấy xúc đá đem về nhà lót sân nên đường hai bà trưng bị ổ gà muôn đời. 

Trạm đầu tiên là Đức Trọng, mình ghé lại một giáo xứ có Nhà thờ khá lớn để thăm hai cha xứ ở đây. Hè nhưng thấy các em học sinh vẫn sinh hoạt, coi phim từ máy truyền hình. Đa số các em thuộc người dân tộc Chú-Ru, ở trong buông, làng của họ. Ban ngày thì đi bộ ra huyện trung 10-15 cây số, nghe các cha kể là gia đình nghèo nên đi học không có gì trong bụng. Các cha muốn giúp đỡ các học sinh người thiểu số vì hy vọng trong mấy chục học sinh sẽ có một hay hai sẽ học xong đại học và sẽ trở về buông, giúp đở thôn xóm nghèo. Các cháu nói giọng Bắc dù sinh ở cao nguyên vì các cha người bắc và các thầy cô ở trường toàn từ bắc vào. Ở nhà thì nói tiếng Chu Ru với gia đình. Mấy đứa con mình đem chia kẹo sô cô la m&m cho các cháu. Mình thấy các cháu ăn từ từ như mình ngày xưa được ăn những thỏi kẹo Mỹ, uống lon coca cola, nước cam vàng, xá xị của hảng BGI. Các cha dẫn mình đi xem phòng bệnh xá cho các đồng bào nghèo, ghé lại xin thuốc. 

Chị KT đại diện nhóm tặng một số hiện kim để mua xe đạp và đồ phụ tùng. Mỗi năm các em ký giấy tờ mượn xe đạp cho năm học nhưng cuối năm thì cha phó phải bỏ công ra bảo trì lại cho niên học tới. Gia đình mình cũng tặng riêng thêm một ít tiền để các cha lo cho các em. Các cha đang cố gắng xin thêm tiền để trả tiền ăn trưa cho các em, mỗi suất là 2.000 đồng (10 Cents bên mỹ), lý do cha mẹ đi làm công, chăn bò nên lương bổng ít nên các em đến trường với bụng đói thì làm sao học vô chữ, nhiều em không đem cơm trưa thêm cuốc bộ 6-15 km nên nhiều em bỏ học đi chăn bò phụ gia đình.

Anh tài xế kể là các cha xứ bị làm khó dễ rất nhiều, bỏ công dạy các em học hay giúp đở xe đạp. Có lần cha xin đâu được một tấn gạo nên kêu gọi ca đoàn lên giúp cha bỏ vào bao nylon để đem lên Buôn tặng các gia đình nghèo. Mỗi gia đình trong giáo xứ, tự nguyện đem bao nylon lên rồi các nam nữ giúp lại bỏ gạo vào bao rồi chở lên Buông thì bị các công an và các đại diện mặt trận tổ quốc chận lại không cho đi, bảo công việc giúp đỡ là trách nhiệm của mặt trận nên phải lái xe về rồi cha phải lên đồn hứa là sẽ không làm nữa trong tương lai nếu không có phép của mặt trận. Cuối cùng thì dân chia nhau đem vài bao lên tặng cho người trong Buông. Xong xuôi thì cha cố hỏi nếu nhờ mặt trận đứng ra phân phát dùm cho giáo xứ thì phí tổn là bao nhiêu. Mặt trận tính toán tiền bao nylon, bỏ vào bao, chuyên chở ,...tổng cộng đâu 50% giá một tấn gạo. Nếu để các em thánh thể làm thì các gia đình nghèo được thêm gạo. Ngoài ra lâu lâu họ gọi để đến nhà thờ kiểm tra, lại phải tốn tiền cho họ ăn rồi tăng 2, tăng 3 cũng khổ. Mình phải cảm phục các cha không phiền hà trong công việc của người thừa sai để giúp đỡ các cháu.

Trạm thứ 2 mình đến thăm là trạm y tế do các sơ đảm trách. Mình thấy các người dân trong làng hay buông, đau ốm đến để được chữa bệnh bằng châm cứu hay xin thuốc. Họ sống trong rừng nên xài nước suối không có đun sôi, lọc nhất là môi trường ngày nay bị ô nhiễm với thuốc sâu, phân bón hoá học ở xa đổ về tương tự có lần cá Hồ Xuân hương chết hết khi mưa kéo thuốc ddt từ Chi Lăng về. Mấy sơ có một nhà nguyện và vài phòng để sinh sống rất đạm bạc. Mình có tặng riêng cho tủ thuốc của trạm y tế này để mua thuốc cho 3 tháng. Các sơ chỉ cho mình cái vườn họ trồng rau và các thứ khác để sinh sống. Mình rời trạm thuốc này trong khi một sơ sẽ đi theo xe đò lớn chở rau cải, gạo do đồng bào tặng và một bác lớn tuổi đi xe lăn xin vào ở trại xã hội theo xe.

Trạm thứ 3 ở Song pha nên đi khá lâu vì đường quá xấu còn hơn là con đường mình đi một lần ở Guatemala. Dạo ấy xứ này có chiến tranh như VN mình khi xưa, quân kháng chiến mát xít phá đường đáp mô mà đường vẫn khá hơn con đường xuống đèo ngoạn mục. Khuông viên của trung tâm xã hội rộng khoản 2.000 m2, có 4 căn nhà và một khu sinh hoạt có mái tôn. Trời Phan Rang nóng mà thấy mọi người ngồi dưới đất sinh hoạt, ruồi bay khắp nơi thấy thương họ. Ngày xưa khi còn ở VN thì có lẻ mình xem tự nhiên nhưng nay thì thấy khác lạ. Trong khi mình và đồng chí gái nói chuyện với anh Châu thì mấy đứa con mình đi phát kẹo sô cô la m&m vì nghe nói đem kẹo này về không bị chảy. Về đó mới tiếc là lúc đi mình thấy nặng quá nên để lại một số kẹo đã mua ở Costco vì nếu quá tải thì hảng hàng không bắt đóng cước phí hơn tiền mua kẹo. Mình nghĩ về VN chắc có sẽ mua nhưng về đó thì dân VN nói có thể là đồ dỏm. VN ngày nay cái chi cũng có nhưng lại sợ đồ dỏm. Hiệu Louis Vuitton mà còn bán hàng dỏm, vào chợ Bến Thành tha hồ mà mua đồ hiệu LV, giống y chang giá đâu có $100 nên mới hiểu mổi lần đi chợ khu Bolsa là thấy dân VN chơi toàn đồ hiệu.

Nghe anh Châu than nên mình nói vài câu động viên như Chúa thử thách anh, đưa cho anh cái thánh giá rất nặng để gánh vác trên thập tự đạo thì anh lại trách Chúa nên mình an ủi là cái nghiệp của anh kiếp trước để lại thì anh kể vợ anh bảo kiếp trước anh ăn ở ra răng mà nay lại làm khổ lây đến vợ con. Anh kể mỗi ngày phải đi tắm cho các em vì các em bị bệnh tâm thần, thiểu năng. Anh dẫn mình đi xem mấy căn hộ thì thấy nhiều em không biết gì, lại có em bị tật nữa, ngồi trong nôi. Có căn thì các cụ già bị lẫn ngồi co ro đợi ngày về đất chúa. Anh kể có lần chịu không nổi, có ai cho $5,000 nên anh đem ra phường giao tiền và trung tâm để nhà nước quản lý nhưng các cán bộ không chịu viện lý do là việc tư nên mặt trận tổ quốc không can dự vào. Ngược lại anh có nhận được những hạnh phúc như có một em do anh chị nuôi nay đổ vào Đại học Đà Nẵng rồi có mấy em lớn lên lại phải gã vợ lấy chồng.

Có các nhà hảo tâm cho tiền để xây một căn hộ đề tên công ty của họ như các đại gia khác xây chùa hay đình rồi thôi. Chỉ cần cái bảng to đùng làm PR. Cái chính là bảo trì trung tâm và làm cách nào để nuôi trung tâm lâu dài. Mình có nhờ một anh bạn ở Saigon nếu có dịp ra Phan Rang thì ghé lại đây xem xét cách nào để có thể giúp trung tâm này có nguồn tài chánh hàng tháng để trang trải chi phí. Mình nhớ thời bao cấp khi nhận thư nhà là gia đình xin tiền làm cái này cái nọ mà gửi tiền về thì thư sau lại xin thêm số tiền to hơn. Sau này về năm VN mình hiểu tình hình hơn nên đưa tiền cho mẹ mình một số tiền để mua sập cho mấy cô lo buôn bán, sinh sống nên không phải gửi tiền hàng tháng như xưa. Một cô em ăn học ở Saigon thì mình cho người quen vay tiền rồi mỗi tháng cô em lấy tiền lời mà ăn học. Sau này mình có mua một căn nhà ở Sai Gòn cho mấy đứa cháu xuống Saigon học đại học ở thì sáu tháng sau bị giải tỏa may là họ trả tiền lại chớ không cũng bù trớt. Trạm y tế cần $500 cho 3 tháng để mua thuốc thì nếu mình có cái gì làm ra số tiền tương đương hàng tháng thì trung tâm có thể hoạt động lâu dài.

Trên đường về thì cả gia đình không ai nói với nhau gì cả, mỗi người theo dòng suy nghĩ riêng của mình. Qua chuyến đi mình mới hiểu lý do nhà Nguyễn đàn áp, giết khá nhiều các ông cha truyền đạo và các người theo đạo thiên chúa giáo. Lúc trước mình nghĩ trong chế độ quân chủ thì vua được coi là con của trời có quyền sinh sát dân chúng nhưng khi các ông cha ngoại quốc đến đưa một chân lý khác là chúa Giê Su là con của thượng đế, xuống trần gian để giúp họ thì người dân so sánh nho giáo và Thiên chúa giáo thì sẽ tin các ông cố đạo hơn. Một tấn gạo cha nhận được thì dân chúng lãnh được hết trong khi nếu vào tay các quan nhà Nguyễn thì mất đi phân nữa. Xem là quá may mắn.

Sống gần dân nên các cha xứ hiểu rõ như cần xe đạp để các em đi học vì cuốc bộ 10 km với bụng đói thì không bao giờ trở thành học trò giỏi nên mình mới hiểu câu "nhất chúa nhì cha thứ ba Ngô tổng thống". Mình nhớ đến mấy sơ, sống nơi thiếu đủ tiện nghi để giúp đở các người nghèo, các cha xứ lo cho các cháu học hành để hy vọng đổi đời các em và các thế hệ sau nhưng anh Châu làm mình nhớ đến dạo sang Ý có đi thăm vùng Assisi, nơi thánh Francisco xuất thân từ một gia đình giàu có nhưng sống một cuộc đời thanh bạch để hướng dẫn các dân cư trong vùng sau này được được giáo hội  phong thánh.

 Anh Châu xuất thân từ một gia đình khá giả nhưng lại bỏ tâm sức để lo lắng cho những người không may mắn, neo đơn. Mình nguyện cầu Thiên Chúa ban cho anh hồng ân để tiếp tục làm kẻ thừa sai như thánh Francisco của Assisi đã làm khi xưa.

Có lần mình hỏi cha Hải Đăng, lý do nào cha đi tu thì cha cũng kể, gặp hình ảnh các sơ ở trong các trại phong cùi, khiến cha động lọng, và khi qua Hoa Kỳ thì được tiếng gọi của CHúa. 

Trên đường đi, anh tài xế kể chuyện thời ngăn sông cấm chợ, thời bao cấp xe chạy được nâng cấp chạy bằng than thay vì xăng như xưa. Đi chơi hay đi ăn cưới là phải mượn cái quần của tên A, đôi dép tên B,... Vào lớp ai bận đồ gì là biết mượn của ai nhưng có một câu chuyện làm mình nhớ đến giờ là một anh cán bộ vào Nam để tiếp thu các cơ quan, không biết ai dạy anh ta lái xe Honda thì anh lái được, sau đó anh chạy một mình và khi hết xăng thì anh chạy lại đổ xăng bán lẻ bên đường. Anh ta kêu đổ xăng Honda sau đó không biết làm sao anh ta rú máy làm xe bay hổng bánh trước lên nên té. Anh ta lồm cồm ngồi dậy chửi cô bán xăng lẻ "tao bảo đổ xăng Honda chớ có bảo đổ xăng máy bay đâu. Thế này thì sao chạy được!". 

Sơn đen

Phan Rang *


Phan Rang *

Mình học 11B và 12 B với Trịnh Ngọc Dũng nhưng không thân lắm vì hắn ngồi cuối lớp nhưng không hiểu tại sao gần 40 năm mà vẫn còn nhớ hắn. Hắn quê ở Phan Rang, có lẻ tuổi lớn nên làm giấy tờ giả lên Đà Lạt học ở Văn Học, ở trọ ở đường Hàm Nghi, gần nhà thờ Tin Lành, gần nhà trọ của một chị tên Hiền học 11C, chắc cũng tuổi ngựa hay gì đó, xinh lắm, không rõ gia đình ở đâu nhưng lên Đà lạt học, tan học mình với thằng Nguyên (Phạm Thành Nguyên) hay đi chung về với chị này tới Cẩm Đô rồi mình tiếp tục về nhà ở Hai Bà Trưng.

 Năm 11 B có một tên cao nhất trường, hơn mình 3-4 tuổi nhưng trên giấy tờ hắn sinh năm 1958, cao lồng ngồng. Nhà ở Nha Trang cũng làm giấy tờ giả lên Đà Lạt, ở trọ đường Phan Đình Phùng, gần trường Tân Sanh. Lâu quá không nhớ tên hình như Chánh thì phải. Hắn ngồi cuối lớp đâu gần dãy bàn của nhóm PMC.  Có lần hắn hỏi mình phụ đạo cho hắn môn toán làm mình ngạc nhiên vì trong lớp nhiều tên giỏi toán mà hắn lại hỏi mình nhưng vẫn thấy vui vui nên nhận lời. Mình hẹn hắn sau cơm trưa sẽ đến nhà làm gia sư cho hắn vì 3 giờ mình có đá banh ở ngoài thao trường với đám Nguyễn Mơ. Mình ghé lại nhà hắn thì thấy hắn đang ngủ nên đánh thức dậy nhưng còn ngái ngủ nên hắn bảo mình thôi ngày mai bắt đầu học nên từ dạo đó mình không muốn làm thầy thiên hạ nữa. Hè 73, trường Văn Học tổ chức đi Ninh Chữ và Nha Trang chơi thì có đi kiếm hắn nhưng không gặp.

Trịnh Ngọc Dũng rất giỏi toán với Hùng (Trần Thế Hùng thì phải) ở Đơn Dương lên học. Năm 11 mình hay nói chuyện với một anh chàng người Huế, ở ấp Ánh Sáng, lớn hơn mình vài tuổi, người bé bé mà buổi chiều lại ra chợ đi gánh thuê cho mấy bà bán hàng ngoài chợ, sau này thì cũng biệt tăm luôn, không biết đi lính hay vô bưng. Thi Tú tài xong  thì Trịnh Ngọc Dũng rũ mình xuống thăm nhà hắn ở Phan Rang nên mình với thằng Nguyên (Phạm Thành Nguyên) rũ nhau đi xe đò xuống. 

Tới bến xe Phan Rang thì hắn đón vô nhà ông bà ngoại của hắn có tiệm bán lốp xe ngay bến xe. Ở đó được một đêm thì hắn chở hai thằng mình về làng của hắn. Lần đầu tiên mình được đi thăm đồng quê, lúa xanh rì, có cây dừa mà thường nghe tả qua các bài hát như "làng tôi" nên rất vui. Vào làng thì thấy toàn nhà tranh, hắn dắt mình đi tới trụ sở nhân dân tự vệ để khai báo có người quen tới chơi, mình trình thẻ học sinh và giấy miễn dịch cho họ ghi. Nhà không có điện nên tối tối lại thắp đèn dầu như nhà mình mọi lần bị sự cố, lại thêm muỗi vo ve bay, tối lại phải vô mùng ngồi nói chuyện cho nên mình bỏ giấc mơ về Đồng tháp Mười. 

Sống với gia đình TND ba ngày thì mới hiểu sống kiếp nghèo ra sao từ miếng ăn cho tới đi vệ sinh. Cơm nấu bằng loại gạo gì mà cả đời mình chưa bao giờ ăn. Gạo không có trắng như của bà cụ mình bán mà màu như bị mốc và vụng như cám. Nhà vườn thì ăn rau cải hư nên gạo tốt thì họ đem bán còn gạo xấu thì để dành ăn. Mình dạo đó là sức ăn lại gầy nữa. Gầy là thầy cơm mà ăn một chén là không nuốt thêm được nhất là nồi cơm cho ba thằng rất nhỏ, đồ ăn thì chỉ có cải luộc chấm nước mắm. Tắm thì ra giếng còn đi vệ sinh thì một vấn đề lớn cho hai thằng mình từ Đà Lạt xuống. Ở ba ngày thì mình và thằng Nguyên cáo biệt về lại Đà Lạt dù dự định đi một tuần rồi từ dạo đó cũng không gặp lại Trịnh Ngọc Dũng. Về đó mới biết sự hy sinh của gia đình cho tên này lên Đà Lạt học. TND dẫn đi xem làng Hương Thuỷ của ông Thiệu mà năm trước đi với trường do thầy Nguyên làm trưởng đoàn không thăm được vì tổng thống về thăm nhà nên ngoại bất nhập Nội bất xuất.

Nhớ hè năm 11 B thì trường Văn Học có tổ chức trại hè đi Ninh Chữ nên mình có ghi tên đi nhưng chỉ có vài người. 11B thì có Phạm  thị Gái, Trần Văn Tiến và mình còn thì có một chị mới đậu Tú tài năm 73 tên chi quên rồi, rất xinh có lẻ gốc Huế, cao cao với vài học sinh lớp 10. Thấy ít người nên mình tính không đi nhưng thầy Nguyên là trưởng đoàn nên phải đi. Cả trường mà chỉ cần chiếc xe đò 10-12 chổ khởi hành từ trường Văn Học. Thầy Nguyên bảo là tới Ninh Chữ sẽ ở lại lữ quán thanh niên ngay bờ biển, ăn uống thì có nhà bếp lo trong vòng 1 tuần lể làm mình khoái chí tử. Đến nơi thì lính không cho vào lữ quán thanh niên vì tổng thống Thiệu về thăm làng nên lính bảo vệ không cho ai vào đó để dể đi tuần. Cuối cùng may là đoàn có đem theo hai cái lều để cắm trại. 

Thầy Nguyên kể từng ở trong quân đội mà không biết dựng lều ra sao nên loay hoay mấy tiếng mới dựng xong hai cái lều; một dành cho phái nữ và một dành cho phái nam. Lều nữ hình như có hai mạng là PTG và Chị Hương còn con trai thì mình nhớ có Tiến, thầy Nguyên, một thầy người Huế dạy đệ tam, một tên lớp 10 và mình. Đì cắm trại mà không ai đem theo đèn pin nên chả thấy gì lại muỗi bay vo ve. Cuối cùng ông thầy người Huế tìm một cái quán chịu nấu cho phái đoàn ăn tối nhưng phải đi Bộ đâu hai cây số vô làng. 

Phải chia ra hai toán; một toán đi ăn còn toán kia ở lại trông lều. Mình không biết là xa nên xung phong ở lại trông lều để đợi ai ngờ toán kia đi 4 cây số, ăn rồi về coi như 3 tiếng đồng hồ. Khi mình đến quán ăn, trời tối mò đâu 8:30 tối, ăn với đèn dầu lại đói lã nên hôm đó ăn cơm rất ngon nhất là món canh cá tươi. 40 năm rồi vẫn còn nhớ Hương vị đó, cá ngọt và bùi không thể tả. Sáng hôm sau hai ông thầy đề nghị đi Nha Trang chơi và ở lại đó một đêm nhưng đến nơi, cả đám ngồi ngoài biển đợi hai ông thầy đi hỏi khách sạn. Cuối cùng hai thầy trở lại nói Nhà nghĩ đắc quá mà Văn Học không đưa tiền cho hai thầy vì tưởng sẽ ở lại Ninh Chữ 5 ngày được bao ăn bao ở nên kéo nhau ăn tô bún rồi lên xe trở lại Đà Lạt. Hai lần đi Ninh Chữ là phải về lại Đà Lạt sớm hơn dự định.

Người nghèo ở Đà Lạt thì mình có biết nhưng không biết họ sinh sống ra sao. Mình nhớ chú Chiếu, người Huế làm ở ty công chánh với ông cụ mình. Lúc ông bà cụ mình mua mấy mẫu đất ở trong Sú Tía thì có nhờ chú vào cuốc đất, làm vồng để trồng rau. Mình đến Nhà chú ở số 6 thì nhà tranh vách đất, sàn bằng đất đỏ thấy con chú lúc nhúc như đàn chó con cũng thương lắm. Trên đường Thi Sách, đối diện nhà Bích Hường 11B thì có một gia đình người Huế đến cắm dùi thời phong trào thương phế binh cắm dùi chiếm đất làm nhà. Gia đình này con cái sinh năm một nên nghèo, ở nhà mấy đứa con đều ở truồng, chơi với con nít trong xóm là cứ ở truồng chạy bắn bi, banh tù,..còn đi học thì đứa học buổi sáng đứa học buổi chiều ở trường  Đa Nghĩa nên thay nhau bận áo quần đi học như Trần Minh khố chuối ngày xưa. Nghe nói sau 75 thì gia đình này có lý lịch vô sản nên sống cũng khá, ông cha chạy chọt sao được thành anh hùng cách mạng nên có lương hưu.

Sau này mình hỏi gia đình sau 75 ăn uống có như thời mình trãi nghiệm thực tế ở nhà Trịnh Ngọc Dũng thì nghe nói có cơm là sướng rồi còn gia đình phải ăn bo bo.  Ngay bây giờ mình về VN, ăn cơm không ngon vì gạo ở VN không ngon lắm dù bà cụ mình nói là mua gạo cao cấp có chất lượng cao. Có lẻ gạo tốt để xuất khẩu còn gạo xấu thì để dân trong nước ăn. Nước Mỹ chả cần đi chiếm thuộc địa như xưa, khắp thế giới sản xuất đồ ăn ngon, cá thịt, trái cây đem sang Mỹ bán. Mỹ trả tiền bằng công khố phiếu, khi nào các nước khác đòi tiền thì in tiền trả cho nên đồ ăn bên Mỹ rất rẽ lại ngon nhất thế giới khiến dân Mỹ bệnh béo phì. Nghe nói vn  chỉ ăn đầu tôm vì thân tôm để xuất khẩu.

 Phải công nhận đồ ăn bên Mỹ quá rẽ so với thế giới nhất là Âu Châu. Ngay VN, đồ ăn còn đắt hơn bên Mỹ. Nhớ dạo mới về VN lần đầu, mình quen ăn kiểu bên Mỹ nên ăn một lần 3 bát phở hay 3 suất cơm,.. thì tính lại đồ ăn ở VN đắc hơn bên Mỹ. Một con gà rô ti ở Costco bán có $5 đô mà ở VN một con nhỏ hơn phải trả $15 đô. Ở Mỹ đi ăn tiệm là bồi bàn đem cho ly nước cối bự , bồi bàn cứ châm nếu hết. Uống nước ngọt cũng, thả dàn, cứ gần hết là bồi đến châm thêm trong khi ở Âu Châu uống ly nước cam nhỏ trả $10 đô. Có lần dẫn một cô bạn bên Tây sang chơi đi ăn tôm hùm, cô ta ngồi ăn sung sướng hát nho nhỏ, có một tên bạn người đức mừng quá vì hai vợ chồng lần đầu tiên trong đời ăn được tóm hùm tươi nguyên một con 2 kí lô.

Dân các nước khác trên thế giới lao động để xuất khẩu sang Mỹ thì họ bán lại cho cái điện thoại iPhone là huề vốn. Hồi mình ở Âu Châu thì coi truyền hình toàn là chương trình của Mỹ , nào là Dallas, Charlie's Angels, Baywatch,...đủ thứ rồi khi sang Phi Châu cũng vậy. Hè này có cô gái 15 tuổi gốc Ý ở nhà mình theo chương trình của hội Lions, làm bạn với con gái mừng vì đến quận Cam vì rất mê chương trình Orange County housewives,... Các chương trình truyền hình Mỹ được các nước khác mua bản quyền làm lại như American Idol, The Voice,... Sống ở Mỹ rồi mình mới hiểu ông bộ trưởng Văn hoá Tây Jacques Lang khi nói về Văn hoá đế quốc Mỹ đang xâm lăng, dân Tây thèm ăn hamburger của McDonald hơn đồ Tây.

Sau này về thăm Vn thì mình có ghé biển Ninh Chữ một lần nhưng bãi biển không đẹp lắm, có ra bến xe kiếm gia đình TND nhưng phố xá đã thay đổi nhiều, không ai nhớ gì cả. Có ra Mũi Né nhưng biển không tắm được vì sóng lớn. Tại đây mình có cho mấy đứa con đi xem các chổ làm nước mắm khiến mấy đứa con thích ăn xì dầu ở nhà hơn. Biển VN thì mình thích nhất Đà Nẵng và Vin Pearl nên lần nào về cũng ra đây cả. 40 năm qua không có tin tức TND nhưng mình vẫn cám ơn hắn đã cho mình 3 ngày khó quên nhất trong đời.

Sơn đen