Showing posts with label Người thân. Show all posts
Showing posts with label Người thân. Show all posts

Nụ cười của Mẹ

Hôm qua, trên vườn về thì được tin nhắn cô em, cho biết mới xuống phi trường Hà Nội với bà cụ. Cô em Viber để nói chuyện khi về đến quê. Khi xưa là phủ Quốc Oai, Sơn Tây mà ông Quang Dũng có nói đến qua bài thơ Mắt người Sơn Tây, nay họ cho nhập vào Hà Nội. Bây giờ phải nói quê mình là Hà Nội. Mất đi hình ảnh quê nội của mình từ bé khi nghe kể về quê nội. Chán Mớ Đời 


U châu đẹp quá con ơi ! Bà cụ mình khen căn nhà thờ tổ mới được trùng tu lại. Nhìn nụ cười của mẹ, quên cái mệt đi xa, cảm thấy ấm lòng. Mấy tháng nay, cô em một thân một mình lo xây lại nhà thờ tổ ở quê theo di nguyện của ông cụ. Mấy năm trước, mình về Đà Lạt, ông cụ làm di chúc có ngỏ ý muốn sau này con cháu ráng làm lại nhà thờ tổ. Đời bố, xa quê năm lên 18, bị tù đầy cải tạo 15 năm nên không còn sức để thực hiện.


Trong lần về Việt Nam, đi Sơn Đoòng, mình tranh thủ bay ra Hà Nội vài tiếng, gặp người thầu khoán, người em họ ở quê.



Cô em là truyền nhân của mẹ mình, biết thu xếp, xử lý mọi việc ở quê bên gia đình ông cụ rất hay. Trả lương cho cô em họ bồi dưỡng nhân công, nước nôi. Lâu lâu cô em đột xuất bay ra Hà Nội để xem thợ đang thi công giúp công trình không bị chậm trễ, đúng hẹn.


Cô em không nói với mẹ mình, chỉ muốn làm sự bất ngờ. Sáng ra, kêu đi Hà Nội mà mẹ hay hỏi mình, cho mẹ ra quê một chuyến. Vấn đề là nhà thờ tổ bị mục nát, cần sửa lại, trùng tu. Quê chồng nhưng mẹ mình vẫn lo lắng như quê của mẹ. Xây dựng lại nhà thờ tổ bên chồng, đối với mẹ là một trọng trách. Thật ra thì mấy ông chú họ có gọi điện thoại vào Đà Lạt báo cho mẹ mình nên bà cụ nóng lòng.


Có dịp mình sẽ hỏi mẹ mình, lý do lo cho bên chồng, nhà thờ vì bổn phận của người vợ truyền thống hay vì tình yêu dành cho bố. Khi ông cụ còn ở trong trại cải tạo, bà cụ, một thân một mình về quê, chăm sóc ông bà nội, đưa tiền để trả nợ, lấy đất gia đình về. Nghe kể mấy bà cô ruột kêu đợi con miền Nam ra đây, bà cho một trận. Hóa ra ông cụ mình đã có vợ theo luật tảo hôn trước khi vào nam. Khi xưa, không có tiền, bà nội có mượn hàng xóm mấy thúng thóc, cầm 1 lô đất. Hứa là khi trả lại tiền thì trả lại đất. Hai bà cô của mình nghe tiền, đến nhà lấy của bà nội nên nay xem như mất trắng đất cho hàng xóm. Hàng xóm nghe tin cô em xây nhà nên họ xây trước, nay hết đòi.

Nhà thờ tổ trước khi trùng tu. Trước kia còn te tua hơn nữa vì không có cửa sổ hay cửa để đóng lại.

Năm 1994, mình về Hà Nội lần đầu, có chạy về quê thì thất kinh. Nhà ông bà nội mình không có cửa sổ hay cửa. Chỉ có hai tấm phên, tối đóng lại ngủ. Nhà tranh vách đất mà họ tôn ông bà nội mình lên hàng phú nông để đấu tố. May sao họ giết đủ số nên tha mạng. Ngay con nuôi được đem về nuôi vào năm Ất Dậu, cũng đấu tố ông bà nội mình.


Cuộc đời ông cụ mình tương tự như bài ca “người anh Vĩnh Bình” của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang nên khi về quê, mình đứng xem hướng, hàng rào mà đêm hôm ấy, du kích bao vây nhà ông bà nội mình để bắt giết ông cụ, lý do là không theo Việt mInh. Ông cụ mình nhảy qua rào, chạy về Hà Nội rồi vào nam. Sau 75, họ vào nam và nhốt ông cụ 15 năm ở trại cải tạo.

……

Đêm nghe bơ vơ, tiếng súng xa đưa lại

Bên trong im hơi, cây nến xiêu mờ cháy

Tôi đang thiu thiu, nghe tiếng chân ai chạy

Xô mạnh cánh cửa lớn, tiếng người ngã ầm xuống.


Qua khe phên thưa, tôi thấy anh giữa nhà

Tay cong sau lưng, quỳ trước dăm người nữa

"Tên lưu manh kia, kêu hết cha mẹ già

Ra mà lấy đầu mi, chết vì chống chúng ta".


Mã tấu chớp loáng, anh rướn lên gục người

Máu bắn xuống dưới và tưới lên mặt tôi

Bên trong lao ra, chị thét lên rụng rời

Ngã chúi, hồn chới với.


Đêm bao âm u, trên vách hiu hiu mờ

Bên thây anh tôi, Mẹ ngất không dậy nữa

Con chơi ngây thơ, xoa tóc cha tung xoà

"Bố ơi, bố dậy bố bố ơi, má con kìa".


Trong balô anh, tôi thấy bao nhiêu quà

Đôi xăng-đan xinh, đôi guốc cao đẹp quá

Hai đôi bông tai anh tính mua cho mẹ

Tôi tìm trong một góc, có tờ giấy mờ chữ.

Run run đôi tay, tôi bóc xem tháng ngày

Thư anh xa xưa định viết cho vợ đấy

Riêng câu sau đây, theo ám tôi suốt ngày

"Mong được thấy đàn bé, sống hạnh phúc lâu dài. 


Đời thanh niên có nhiều ước mơ nhưng ông cụ không may theo bên thua cuộc, bị tù đầy 15 năm. Cô em và mình tính làm lại nhà thì covid xảy ra nên không làm gì được cả. Năm nay thấy nơi nới nên hai anh em xúc tiến thực hiện điều ông cụ muốn trước khi mất.


Khi xưa, mình có gửi tiền cho bà cụ làm lại nhà nhưng đã qua gần 30 năm nên xuống cấp. Đòn mái nhà bị mối ăn. Bà cụ có đóng góp xây cái cổng đình nên sau đó mới xin được đất để cải táng mồ mã ông bà về nghĩa trang của thôn. Mình ra đình, cứ tưởng tượng, nơi ông bà nội bị đem ra đây đấu tố. Về quê, mình nói muốn đi thăm mộ ông bà thì ai nấy lắc đầu, kêu ra ruộng giờ này mệt lắm. Hoá ra họ chôn thân nhân ở trong ruộng của họ. Sau này, bà cụ mua đất dời mộ ông bà về nghĩa trang của làng, để mỗi lần con cháu về quê, có thể thắp nén hương tưởng nhớ ông bà tổ tiên.


Khi về quê nội lần đầu tiên cũng như ngày nay, mình có cảm xúc rất lạ kỳ như một con chim lạc đàn bay tận trời âu, trời mỹ. Quê nội chỉ được nghe qua lời kể của ông cụ, hay qua những bài thơ về Sông Đuống của Hoàng Cầm, hay thơ của ông Quang Dũng. Quê nội chỉ biết qua văn chương, lời kể của cha. Khi ghé thăm chùa Thầy, nghe lòng mình say say, tự nhủ quê nội tôi đây, quê nội tôi đây. Nhà nay được trùng tu nên chắc mình về thăm nhiều hơn và ở lại lâu hơn, chỉ tội là 5 giờ sáng cái loa phường hét bên tai. Nhớ lần đầu tiên ngủ ở quê. Sáng 5 giờ sáng cái lo phường oang oang gội tên các người trong làng đã chết tại điện biên phủ. Kinh Mình thích không khí ở quê hơn là Đà Lạt, nhất là ngày nay Đà Lạt bị nát tan như tương ớt.


Nay bà cụ về thăm quê chồng, thấy nhà cửa xây xong thì rất mừng. Nói chuyện rất vui, hỏi có mệt không thì nói không. Có nóng không nói không trong khi cô em la làng nóng thấy bà cố. Mẹ cười hoài kêu không mệt. Thấy dễ thương, làm được di nguyện của ông cụ là mẹ mừng.


Thế hệ bà cụ mình còn giữ trách nhiệm lo bên gia đình chồng, nay thì dâu rể gì chả để ý, ngay cúng giỗ hàng năm còn không thèm đến nói chi nhà tổ, nhà thờ tự.


Người Việt mình về mặt tâm linh, thờ cúng ông bà khá quan trọng. Nay ở Hải ngoại, con cháu chả để ý, cứ muốn bán nhà cửa ông bà để chia nhau, xem như xoá cội nguồn, cội rễ và anh em từ bỏ nhau vì tham, đòi nhiều hơn. 


Ông Lý Thừa Vãn, tổng thống Nam Hàn, hậu duệ của họ Lý Công Uẩn, sợ Trần Thủ Độ chu di tam tộc, chạy đến xứ Cao Ly rồi cũng trở về thăm quê cha đất tổ. Nếu bán đi, sau này con cháu tìm về thì sao. Người Mỹ mình quen, hay đi về Ái Nhỉ Lan để xem cái làng của ông tổ họ khi xưa, người Ý Đại Lợi cũng vậy. Nhớ có lần mình ghé một làng nhỏ ở Ý Đại Lợi mang tên Pretare, gần Roma, thấy người Mỹ gốc Ý gửi con cháu về đây vào mùa hè.


Mình có xem một phim mỹ kể một anh thanh niên, theo di nguyện, cũng như tò mò về xứ Ukraine đi tìm cái làng của ông nội mình, mới khám phá ra cuộc giết người tập thể, hiểu về lịch sử của dòng họ. Có lẻ còn trẻ chúng ta không nghĩ đến những các thế hệ sau sẽ trách móc chúng ta, chỉ vì tham chút tiền chia chát với nhau mà huỷ đi di sản văn hoá của gia đình. Chưa nói đến anh em xào xáo nhau vì chút tiền bán nhà thờ tự.


Nhà được trùng tu lại, làm một tầng, đủ cho mình về ở. Xong om

Cô em cho biết là có mời họ hàng chiều sang chơi, đặt mấy mâm để mời họ hàng ăn uống cho bà cụ vui.

Làng mình có phong tục lạ lắm. Chả biết ngày lễ gì hay lâu lâu hứng lên muốn ăn nhậu là họ hàng gọi bà cụ mình để báo tin rồi họ làm heo ăn uống, kêu bà cụ trả tiền. Nay cô em quản lý tài chánh, kêu không nên họ hàng hết gọi vào kêu gửi tiền để họ làm cổ ăn chi đó. Chán Mớ Đời 


Mấy ông chú họ hỏi mình có sợ vợ không. Mình nói có chớ, ai trên đời mà không sợ vợ không sợ vợ thì sợ ai. Mấy ông chú cho biết làng mình nổi tiếng vùng Sơn Tây là làng Sợ VỢ. Hoá ra cơ bản sợ vợ của mình là từ làng này. Chán Mớ Đời 


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Gia đình xào xáo vì tiền

Hôm qua, thấy có số lạ từ miền đông Bắc gọi nên mình không bắt, sợ gặp đám buôn bán, chào hàng. Sau nghe tin nhắn mới biết em trai của một chị bạn mà 32 năm qua chưa gặp lại từ ngày về Cali lấy vợ. Nghe anh bồ cũ của chị ta nói làm bác sĩ ở Bắc Cali. Mình quen anh bồ cũ khi mới sang New York, rồi từ đó lan tới gia đình này. Gia đình này đông anh em, mình chỉ quen hai cô chị, tốt nghiệp y khoa tại đại học Cornell, khi mình đi làm ở New York. Sau này về Cali thì không gặp lại nữa. Cuộc đời lạ, có người mình quen một thời gian rồi biến mất như đi chung một đoạn đường rồi khi mình rẽ tay phải hay tay trái theo một hướng khác thì không bao giờ gặp lại. Lâu lâu gặp bạn bè chung thì nhắc đến để biết tin tức nhưng cũng không muốn liên lạc vì xa xôi. Mỗi lần lên miền Bắc Cali thì ít ngày, nên không cơ hội gặp lại. 


Cậu em trai tốt nghiệp đại học Yale. Gia đình này học rất giỏi, toàn là tốt nghiệp Harvard, MIT, Yale,… Mình nhớ cậu em trai, lúc mới tốt nghiệp Yale thì có ra một tờ báo anh ngữ địa phương. Anh ta hỏi mình muốn đầu tư thì mình đưa anh ta đâu $1,000 thì 2 tháng sau, nhận cái chi phiếu $1,500, với lá thư là đã bán tờ báo cho người Mỹ, xem như mình lời 50% sau 2 tháng. Từ đó, anh ta muốn mình đầu tư thì mình ghi danh ngay.


Hồi thằng con còn học trung học, mình có gọi điện thoại cho anh ta, để thằng con nói với anh ta, giải thích học hành ở Hoa Kỳ vì mình không học ở xứ này. Mình nghĩ anh ta trẻ, sinh sống tại Hoa Kỳ lâu hơn mình nên có thể nói chuyện với thằng con,… sau này anh ta về Việt Nam làm ăn nên mất liên lạc.


Hôm qua, anh ta gọi hỏi thăm và nói có một ý tưởng làm ăn, cần người bỏ vốn. Anh ta trả 20%. Mình nói cuối tháng này sẽ bay sang Boston ăn cưới cô cháu, sẽ bàn luôn. Sẽ dùng Roth IRA để cho vay. Anh ta nói có quen và ở nhà Jim Rogers, nói là ông Jim Rogers dọn về Tân Gia Ba vì gặp anh ta. Mình nói mình biết ông này, có đọc sách ông này. Ông này có hai cô con gái, mướn vú nuôi người Tàu để nói tiếng quan thoại. Ông ta nói tương lai là Á Châu. Ông này khi còn trẻ, lái xe mô tô chạy khắp thế giới. Mình tin anh ta vì anh chàng này rất tham vọng, muốn làm thương mại. Sinh ra trong một gia đình khoa bảng, nhưng thích làm ăn. Anh này là cháu của một bộ trưởng của chính phủ Trần Trọng Kim, rất nổi tiếng ở Pháp. Anh ta có gửi mình tấm ảnh chụp tại nhà ông Jim Rogers trước khi ông này dọn về Tân Gia Ba. Từ đó, mình bắt đầu theo dõi thị trường Trung Cộng để mua cổ phiếu.

Hình trên mạng, không biết tác giả 

Nói chuyện, mình hỏi về hai cô chị thì được biết một cô nay làm bác sĩ ở Saint Louis và một cô ở Bắc Cali. Nhưng anh ta không liên lạc vì anh chị em trong nhà thưa kiện nhau từ năm 2008. Vụ này thì mình đã biết qua anh bồ cũ. Lý do được anh bạn kể là bà mẹ có một cơ sở thương mại bán thức ăn. Mình đoán là khi sang mỹ, cả gia đình có xe bán thức ăn, có tiền nuôi con học các đại học danh tiếng Hoa Kỳ. Ở Hạ Uy Di, mình có quen một gia đình người Việt, họ có chiếc xe bán thức ăn. Mỗi ngày hai vợ chồng lái xe đi đến đậu chỗ nào, gần các công sở hay công trường. Sáng hay trưa, thiên hạ ra mua thức ăn. Giàu lắm. 2 giờ chiều là xong, lái xe về, chuẩn bị ngày mai. Có cô con gái độc nhất nhưng có lẻ ăn thức ăn của bố mẹ nhiều nên khá bự con. Kinh


Anh chàng này có người anh, tốt nghiệp MIT, mình có gặp mặt vài lần nhưng không thân, chỉ chào hỏi vì mình quen 3 cô em gái, sinh viên y khoa của anh ta.


Anh này tốt nghiệp MIT, đậu bằng MCAD để đi học y khoa như mấy người khác trong gia đình. Bổng nhiên anh ta nổi hứng, bỏ học y khoa, mở xe bán bánh mì với người em trai, tốt nghiệp Yale. Họ có mộng ước sẽ trở thành như tiệm “Au Pain Dore” ở Harvard Square, nơi mình hẹn đồng chí gái lần đầu tiên, và bị phạt vì đậu xe bậy, khiến mình và đồng chí gái lấy nhau. Có kể rồi.


Cô bồ đang mơ lấy chồng bác sĩ thì nay phải ra phụ bán bánh mì nên xù ông anh. Mình thì nghĩ phi thương bất phú nên thấy hay hay mến họ. Bạn bè thì chê bai. Từ vụ xe bị phạt, mụ vợ réo mình để trả tiền phạt nên đả thông tư tưởng rồi rủ nhau về Cali làm đám cưới. Mình mất liên lạc với mấy anh em của gia đình này từ đó. Lâu lâu gặp anh bạn thì anh cho thông tin về họ. Mỗi lần mình lên San Jose thì có mấy ngày, không có thời gian liên lạc. Chắc lần sau, kêu anh bạn tổ chức họp mặt cả đám. Hình như bà chị đầu cũng dọn về vùng này. Khi xưa, ở New YOrk, mình gửi tiền về Việt Nam qua người anh rể bà con của mấy người này.

Bơ bắt đầu có vỏ đen vào cuối mùa.

Năm ngoái hay đầu năm nay, không nhớ rõ, vì mình đi chơi từ hai năm qua với đồng chí gái khá nhiều nên không nhớ ngày tháng nữa. Anh bạn xuống Nam cali tham dự họp mặt cựu sinh viên MIT thì hú mình để ôn chuyện xưa. Anh ta hỏi mình nhớ đến mấy anh em nhà này. Nói nhớ chớ. Vì khi ở New York, mình quen rất ít người. Cali cũng vậy, chỉ ăn theo diện của vợ, bạn của đồng chí gái. Anh bạn kể là bà mẹ bị ung thư nên nhờ người em trai lo quán xuyến cơ sở bán thực phẩm. Anh này bỏ tiền ra để khuếch trương theo cách làm ăn của người Mỹ nên phát triển mạnh, tiền vô như nước. 


Đùng một cái, bà mẹ lành bệnh, kêu giao lại cơ sở làm ăn thì người em trai kêu phải trả tiền mà anh ta đã đầu tư trong thời gian bà mẹ bị bệnh. Thế là gia đình chia ra hai phe, phe làm ăn thì kêu đúng rồi, phải trả lại tiền người em đầu tư. Còn phe mấy người làm bác sĩ thì kêu không đúng, thế là anh em, chị em rủ nhau ra toà, kiện nhau từ 2008. Ông em nói với mình là đã tốn 3 triệu đồng luật sư mà chưa đi đến đâu. Dạo anh ta về Việt Nam, có cơ hội lấy lại căn nhà của gia đình ở quận nhất tại Sàigòn, cạnh bờ sông nhưng gia đình xào xáo nên không lấy lại được. Mình chưa gặp ai nói về Việt Nam làm ăn mà thành công cả, chỉ ôm đầu máu, bỏ của chạy lấy người. Có một người nhưng được các người em giàu có, làm giúp nên cũng có tiền vô. Nhưng cũng nhỏ, xây được cây xăng tốn 2 triệu, mỗi tháng lời được $10,000. Còn thì bỏ của chạy lấy người. Ở Cali có 2 triệu, cho vay 12% thì được $20,000/ tháng, khỏe đời, khỏi phải lo chuyển tiền lậu vớ vẩn.


Anh em trong nhà từ bé đã ganh tị nhau, lớn lên thì cái tính này càng lớn mạnh, nên khi có của gia tài cha mẹ để lại là có vấn đề. Kiện tụng nhau, hầu như mọi sắc dân, không chỉ người Việt thôi. Mỹ trắng cũng kiện, mỹ vàng cũng thưa, mỹ đen cũng rứa. Nếu họ nghèo khó thì không nói đây là có bằng cấp, làm ăn khá hết nhưng chỉ vì lòng đố kỵ nên muốn khẳng định mình giỏi hơn em, hay chị, hay anh mình rồi anh em không nhìn mặt nhau. Xem như dòng họ từ bỏ nhau. Chán Mớ Đời 

Ảnh chụp không biết tác giả, thấy trên mạng. Dạo này thấy trên mạng có một ông thần dòng Tôn Thất chụp hình rất đẹp tên Hưng thì phải.

Mình hỏi năm nay bao nhiêu tuổi, anh ta cho biết thua mình một giáp. Mình nói nên thua mấy bà chị cho khoẻ đời, cứ kéo dài thua kiện thì càng khiến tinh thần mình không khá, có thể gây bệnh ung thư, hay bị đột quỵ thì cũng chả sống vui vẻ…..


Anh ta kêu chỉ trong tích tắc nói chuyện với mình khiến anh ta suy nghĩ. Có lẻ anh ta sẽ chấp nhận thua để mấy người chị bác sĩ thắng kiện cho xong. Mình nói nếu cần, mình sẽ nói chuyện với mấy cô chị vì quen khi xưa.

Thấy hình cái nôi của người da đỏ, khá hay. Anh em cùng một nôi để rồi như gà đá nhau. Chán Mớ Đời 


Mình nói anh ta giỏi thì cho hết, có thể làm lại với tài trí của anh ta. Chớ để bản ngã giết lần mòn trí tuệ của mình. Kiện tụng sẽ làm mình khó chịu, biết đâu sẽ gieo các tế bào ung thư. Anh em trong nhà, cãi nhau, tranh chấp về tiền bạc là bình thường dù không đáng bao nhiêu. Họ giàu có nhưng lòng tham không đáy khiến họ, muốn kiếm thêm. Người không biết giữ tiền thì cố tranh chấp, dành cho nhiều rồi cũng bay hết.


Anh ta kêu nói chuyện với mình giúp anh ta suy nghĩ lại vụ kiện tụng trong gia đình. Chắc anh sẽ để mấy người kia thắng. Để đầu óc lo làm ăn. Mình hẹn anh ta cuối tháng này khi mình bay sang Boston ăn đám cưới, sẽ gặp nhau, nói vụ làm ăn.


Càng học cao, tốt nghiệp các trường đại học danh tiếng với các tước vị trong xã hội khiến con người cứ nghĩ tới danh vọng hảo huyền nên anh chị em kiện tụng thay vì dàn xếp nhẹ nhàng, mỗi người thua thiệt một tí thay vì để luật sư ăn hết. Chán Mớ Đời 


Đây là trường hợp cha mẹ còn sống, khi cha mẹ chết thì còn nguy hiểm hơn. Hôm trước, nói chuyện với một anh đến thăm vườn mình. Anh ta kể bà chị dâu tham, có nhà cửa ở đây, muốn về Việt Nam, tranh chấp với anh em để có 70 mét vuông, xây một căn hộ, mai mốt về ở mà bà ta trên 7 bó, không biết sống chết ngày nào. Lòng tham vô đáy.


Anh này là người duy nhất đến vườn mình, hiểu lý do mình cho thiên hạ thăm vườn hái bơ. Năm nay, hái bơ đủ sở hụi nên mình kêu bạn bè, người quen đến hái bơ cuối mùa lấy thảo. Mọi người đến sớm hơn giờ đã định. Mình đến mở cửa, họ chạy vào hái bơ rồi về. Có người nói tiếng cảm ơn, có người không. Chỉ có anh này thì không hái bơ nhưng ngồi nói chuyện với mình. Chỉ có anh ta hiểu lý do mình cho thiên hạ đến vườn, để họ có cơ hội nhìn lại mình, cuộc sống vội vã, cứ chạy theo tiền bạc, công ăn việc làm không có thời gian nhận thức, chậm lại, chánh niệm về cuộc sống. Anh này gốc Huế, anh ta kể gái Huế ngày nay không như xưa. Anh nói “gái Kim Long đẹp Mỹ miều, kiểm tra dân số đĩ nhiều hơn dân” khiến mình thất kinh. Về Cần Thơ thì dân gian kêu “chiều chiều ở bến Ninh Kiều, dưới chân tượng Bác đĩ nhiều hơn dân”. Mình tưởng chỉ có vụ này thời quân đội mỹ qua Việt Nam, ai ngờ gần 50 năm sau kết thúc chiến tranh, lại nhiều hơn xưa. Chán Mớ Đời 


Có một chị, kêu lúc covid, có nhận khẩu trang và diện trang từ mình qua chương trình Masks Save Lives của Lửa Việt, tặng mình 1 vé. Đồng chí gái đến vườn với bạn, đem đàn đến ngồi hát nghêu ngao cho chuột sóc, coyote nghe trong thiên nhiên thấy họ hạnh phúc hơn mấy người đến hái bơ cho nhiều, rồi đem về, không biết AW có hết hay không. Chán Mớ Đời 


Từ ngày, có cái vườn, mình thấy cuộc sống vui hơn, vào vườn khiến đầu óc mình nhẹ đi. Đủ sở hụi không cần hái bơ bán nữa. Có ông thần nào vào vườn mình nhưng không hái bơ, chỉ muốn cho mình con chó Berger. Anh ta kêu là bán nhà, dọn vào chung cư nên họ không cho nuôi chó. Mình đi bộ một vòng vườn thì con chó chạy theo đi kiếm sóc với thỏ. Không biết nó đã bắt được con nào chưa. Thấy con chó như vui lại vì về với thiên nhiên, thay vì sống trong thành phố. Sáng nay vào vườn không thấy con chó, chắc theo trai. Chán Mớ Đời 


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 


Nguyễn Hoàng Sơn 

Đôi bàn tay của cha

 

Có một sinh viên vừa tốt nghiệp đi xin việc. Một hôm, sau khi qua vòng sơ khởi, anh ta được vị giám đốc công ty phỏng vấn. Viên giám đốc chậm rãi đọc Resume của anh sinh viên, rất tốt, điểm tốt. Cuối cùng hỏi: “anh có học bổng trong thời gian đi học?”.


Chàng thanh niên trẻ đáp dạ không. Bố mẹ anh trả tiền cho anh ăn học đại học? Dạ vâng, chàng thanh niên đáp. Vị giám đốc hỏi, bố anh làm nghề gì? Anh thanh niên kêu bố tôi làm thợ mộc. Vị giám đốc hỏi thanh niên cho ông ta xem đôi bàn tay. Thanh niên đưa cho ông ta xem đôi bàn tay mềm mại và móng tay được cắt sạch sẽ.


Vị giám đốc hỏi anh có bao giờ phụ giúp bố anh khi rảnh rỗi. Dạ thưa không, bố tôi chỉ muốn tôi học và đọc sách. Ngoài ra ông ta rành nghề này hơn mấy chục năm, cưa gỗ hay hơn tôi. Tôi không biết bào đục gỗ hay đóng Đinh.


Cuối cùng ông giám đốc nói; tôi có một đòi hỏi trước khi nhận anh vào làm. Tối này khi về nhà, anh rữa tay của cha anh khi ông ta trở về nhà. Ngày mai đến gặp tôi vào lúc 7 giờ sáng.


Chàng thanh niên cảm thấy vui vẻ vì điều kiện quá dễ. Anh ta về nhà, đợi bố về và nói vị giám đốc muốn con rữa tay cho bố trước khi ông ta nhận con vào làm.


Ông cha ngạc nhiên, không biết ông giám đốc vớ vẫn nào nhưng đồng ý để cho người con trai rữa tay mình lần đầu tiên trong đời.



Người con trai khi rữa tay bố mình thì mới phát giác lần đầu tiên đôi bàn tay của bố mình bị tàn phá sau bao nhiêu năm tháng làm thợ mộc để anh có thể đi học, tốt nghiệp đại học.


Những bàn tay chai cứng, nức nẻ này đã giúp anh ta có áo quần mới, chơi game, máy điện toán, xe hơi xịn hơn chiếc xe cà rịch cà tàng của Bố. Sau khi rữa tay của bố, anh ta ngồi lắng yên, suy nghĩ. Tối đó sau cơm tối, hai cha con nói chuyện nhiều như chưa bao giờ về cuộc đời. Sau đó, anh ta thay cha để quét dọn chỗ làm việc đóng bàn ghế của bố.


Sáng hôm sau, thanh niên trở lại gặp vị giám đốc. Vị giám đốc hỏi anh có thực hiện yêu cầu của tôi. Chàng thanh niên đáp dạ thưa có. Tôi rữa tay cho bố xong thì dọn dẹp cái shop của ông ấy. Bây giờ tôi hiểu nếu không có bố mẹ tôi thì tôi không có được ngày hôm nay.


Khi rữa tay và quét dọn cái shop của bố tôi thì tôi mới nhận ra rất khó tốt nghiệp đại học một mình, nếu không có sự giúp đỡ của cha mẹ. Tôi chợt nhận ra giá trị gia đình và sự giúp đỡ gia đình để tôi có ngày hôm nay.


Vị giám đốc đáp: tôi tìm kiếm cộng sự viên thấu hiểu nổi khó khăn của những người khác, hy sinh để giúp chúng ta thành công trên đời. Không quan chỉ quan tâm làm việc vì tiền thôi.


Người con từ bé, được cha mẹ bao bọc vì muốn con mình có cuộc đời, tương lai khá hơn mình, dần dà người con tưởng rằng đó là quyền của mình, cha mẹ phải hy sinh đời bố củng cố đời con vô hình trung chúng ta phá hại tương lai con mình khi chúng không biết nhận ra sự biết ơn về sự hy sinh của mình.


Chúng ta có thể cho con chúng ta tiền, thức ăn ngon, căn nhà to lớn, điện thoại loại xịn. Khi chúng ta sơn nhà, quét dọn nhà cửa, nên để chúng tham gia. Có thể các bác giàu có nhưng các bác muốn con mình hiểu được sự việc, đời là gì. Một ngày nào đó, tóc chúng ta sẽ trắng như bố của chàng thanh niên thì có lẻ đã quá trễ.


Điều quan trọng nhất là để đứa bé hiểu sự hy sinh, chúng có được một bữa ăn, một trò chơi, cái bánh sinh nhật là một sự hy sinh của người khác, học sự biết ơn cha mẹ và tha nhân đã giúp đỡ mình. Trên đời, không ai thành công một mình, phải cần sự phụ giúp của nhiều người, nhất là gia đình.


Mình nhớ ông cụ đã trải qua 15 năm tù cải tạo một cách vô lý vì không muốn theo Việt MInh. Du kích bao vây nhà ông bà nội tại quê, để giết những ai không theo họ. May ông cụ đã phòng bị, trốn vào nam được. Nhưng 25 năm sau, họ bò tận vào NAm để bỏ tù ông cụ đến 15 năm. Tuy không được đi học, ông bà cụ mình vẫn cố gắng cho mình học trường Tây rồi đi du học. Mình rất nhớ ơn ông bà cụ. Ngoài chợ Đà Lạt, mình dã thấy nhiều sự hy sinh sinh đời cha mẹ để củng cố đời con. Nay con mình trai hay gái đều cho vào vườn, hái bơ làm vườn vào ngày nghỉ.

Về Việt Nam thăm ông cụ, mình xem đôi bàn tay gầy khô của ông cụ mình sau 15 năm cải tạo khiến mình nhớ đến họa sĩ người Bỉ tên Albrecht Dürer, anh ông ta cũng có khiếu vẽ nhưng gia đình nghèo nên ông anh nói với em, anh sẽ làm phu mõ than, để kiếm tiền cho em ăn học. Khi nào em học xong thì em có thể nuôi anh đi học lại. 


Sau khi tốt nghiệp, người em trở về nhà, báo tin cho anh biết và nói nay anh có thể đi học để đạt giấc mộng của anh. Nhưng khi người em nhìn đôi bàn tay của anh thì bật khóc. Sau bao nhiêu năm làm phu mõ, đôi bàn tay nghệ sĩ đã trở thành chai đá và ông ta đã vẽ đôi bàn tay hy sinh của anh mình.


Cuối tuần này người Mỹ làm lễ ngày từ phụ. Chúc các bác một ngày vui bên gia đình. Nếu ai còn cha thì xin rữa tay cho cha một lần để cảm ơn sự hy sinh của cha mình. Hy sinh đời bố củng cố đời con.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Tại sao mình yêu thích Barcelona?

 

Các thành phố âu châu mà mình được viếng thăm nhiều nhất là La Mã, (7 lần), Venise (5 lần) và Barcelona (4 lần). Mình kể khá nhiều về các chuyến đi Ý Đại Lợi nhưng có một thành phố mình rất thích nhất là có dịp thiết kế 2 công trình cho thế vận hội Barcelona vào thập niên 90 của thế kỷ trước khi làm việc cho công ty kiến trúc I.M Pei ở New York. Lần cuối ghé thăm với đồng chí gái, mình có chỉ cho vợ xem công trình mình đã thiết kế. Khá xúc động khi viếng lại những công trình như ở New York, Anh quốc, Pháp, Hongkong khi làm việc cho công ty kiến trúc của ông Norman Foster nhất là khi viếng thăm Tokyo, đưa mẹ mình thăm viếng toà nhà mình đã thiết kế chung với công ty của kiến trúc sư Raffael Vignoly. Đó là quá khứ của nông dân ngày nay.


Art nouveau là một trường phái kiến trúc, khởi đầu bởi phản ứng nghệ thuật trên toàn âu châu khi người ta bắt đầu sản xuất hàng loạt các sản phẩm nghệ thuật khi cuộc cách mạng kỹ nghệ khởi đầu và đáp lại những gì khiến xã hội được nghệ nhân sáng tạo.


Tương tự thể loại kiến trúc Gothic khi xưa phản ánh tôn giáo nhờ các nghệ nhân có sự tự do sáng tạo thời đó. Các công trình của thế kỷ 21 đều phản ảnh thời đại của chúng. Kiến trúc là lịch sử của các nền văn minh của loài người, giải thích về xã hội, kinh tế, nghệ thuật, tư tưởng của mỗi thời đại. Mình có mua một cuốn sách về kiến trúc Việt Nam, Sàigòn trước 75 do một ông mỹ viết, có đưa ra nhiều toà nhà có ảnh hưởng kiến trúc Art Nouveau. Hôm nào buồn đời sẽ kể lại đây.


Bác nào chưa đi Barcelona thì khi có dịp nên viếng thăm những điểm nhấn về kiến trúc của thành phố này. Nhất là International Trade Center và bến tàu chỗ lên thuyền là em có mặt trong nhóm thiết kế.

Casa Comelat là một mẫu kiến trúc tượng trưng cho chủ nghĩa tân đại catalan, Barcelona thuộc vùng Catalunya. Lý do là chỉ có vùng này mới có độc nhất các công trình này với kiến trúc sư Antony Gaudi, nổi tiếng với ngôi nhà thờ Sagrada Familia mà trên 100 năm qua vẫn chưa hoàn thành. Ảnh hưởng rất sâu đậm bởi kiến trúc Gothic.

Nhà thờ nổi tiếng nhất Barcelona của ông Gaudi thiết kế từ hơn 100 năm vẫn chưa xong.


Casa Batllo của Antoni Gaudi , ai đến thành phố này đều phải viếng căn nhà này.

Căn nhà Comalat do kiến trúc sư Salvador Valérie i Pupurull thiết kế và xây vào năm 1906 cho một kỹ nghệ gia tên Joan Comalat Alena. Chắc chắn ông này bị ảnh hưởng của ông Gaudi khi ông ta thiết kế lại Casa Bathllo vào năm 1904.

Đây là phía ngoài của căn nhà Casa Comelat chúng ta thấy ông ta cũng trang trí các motif như Gaudi.


Trong khi phía trong thì chúng ta thấy trường phái đương đại catalan. Một loại biến dạng của Art Nouveau của âu châu dạo ấy gồm kiến trúc, nghệ thuật, văn chương và âm nhạc. Khởi đầu vào những năm 1880 và tiếp tục cho đến thế chiến thứ nhất. Art Nouveau tràn ngập ảnh hưởng khắp âu châu sau thời gian mà người Pháp hay gọi La Bella Époque. Khi chúng ta thấy Art Nouveau là nhận ra ngày vì rất đặc sắc như cái mái che khi ra vào métro của Paris. 

Vào thế kỷ 19, âu châu có rất nhiều trường phái nghệ thuật như Revivalist hay Historicist, Neo-Gothic, Neo-Baroque, NEo-Byzantium,… loạn cào cào như nói lên tự do tư duy đến khi mấy ông buồn đời kêu là lộn xộn nên đưa ra chủ nghĩa Phát Xít, Cộng Sản, để dẹp mấy trường phái kể trên. Các công trình được xây cất dưới thời Phát Xít ngày nay còn thấy ở Ý Đại Lợi ở Roma, Brescia và Milano,… còn các công trình dưới thời đức quốc xã thì đã bị tan hoang hết. Khi viếng tham Đông Âu, mình thấy mấy toà nhà được xây cất dưới thời cộng sản ở Hùng Gia Lợi, Tiệp Khắc xấu kinh hoàng. Kiến trúc là hiện thân của xã hội và chính trị của nhà cầm quyền.

Có một căn nhà ở Bruxelle, Bỉ Quốc tên Maison Saint-Cyr thiết kế bởi Gustavo Strauven rất đẹp. Ai đến xứ khoai tây chiên thì nhớ đến đây xem. Rất đẹp, có thêm các yếu tố trang trí bằng sắt gan. Với kính cửa sổ bằng màu như ở nhà thờ. Art nouveau vẫn còn giữ những nét đẹp nhưng ngày nay, khó tìm các nghệ nhân để thực hiện hay quá đắt.
Chỗ ra vào Métro của Paris rất đặc thù. Hy vọng họ không đập bỏ

Art nouveau là tổng hợp các môn nghệ thuật như báo tử cho các nghệ nhân khi kỹ nghệ đã dành phần sản xuất các sản phẩm nghệ thuật. Ngày nay các cửa sổ đều được thiết kế để được làm theo khuông, các tường cũng như mái nhà, mọi thứ. Máy móc làm rồi trong tương lai sẽ được các máy in 3 chiều xây dựng. 

Xã hội sẽ bớt đi những người có óc nghệ thuật, tạo dựng các tác phẩm bằng tay chân của họ. Chúng ta chỉ biết sử dụng máy móc, điện thoại các app ứng dụng để sử dụng như Photoshop làm cho mình trẻ ra để tải lên mạng, câu Like. Sẽ không còn ai ngồi vẽ chân dung. Hôm trước, xem phim Nhật Bản với vợ, vợ kêu Nhật Bản tiến bộ có cảnh nóng, mình nói khi xưa, mình vẽ mấy cô bạn đầm khỏa thân, đâu có cần máy ảnh gì đâu. Dạo ấy mình vẽ chân dung cho cô nào mới quen, còn thân thân một tí thì kêu cởi áo quần ra mình vẽ. Cái đẹp cua phụ nữ không phải chỉ là cái gương mặt mà tổng thể. Chỉ có sang Hoa Kỳ thì không dám nói vì sợ bị thưa kiện. Từ đó cái nghiệp hoạ sĩ của mình cũng biến mất luôn. Chán Mớ Đời 

Khi xưa, mình học Trường Cao Đẳng Quốc Gia Mỹ Thuật Paris, phải học vẽ, khắc tượng để giúp kiến trúc sư có một cái nhìn 3 chiều về màu sắc, không gian nay thì sinh viên kiến trúc chỉ học vẽ qua máy điện toán, mất đi tính cách nghệ nhân, xem như thợ vẽ máy. Kiến trúc sư ngày nay, ít ai biết vẽ tranh. Khi xưa, mình có thể ngồi nói chuyện với khách hàng, chỉ cần vẽ vài đường là giải thích cho khách hàng hình dung về căn nhà của họ. Chán Mớ Đời 




Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 
Nguyễn Hoàng Sơn