Tuần này được tin cô giáo dạy việt văn khi xưa, thời trung học đệ nhất cấp mới qua đời tại Houston, Texas. Bạn bè ở Việt Nam nhờ mình gửi hoa phúng điếu cho cô giáo.
Mình học việt văn với cô được hai năm tại Grand Lycée Yersin, Đà Lạt. Dạo ấy việt văn được xem là sinh ngữ chính và anh văn là sinh ngữ phụ. Lý do là chương trình pháp được giảng dạy tại trường. Không biết khi xưa ra sao chớ thời mình thì chỉ có vài ông Tây thuộc dạng coopérant , thay vì đi quân dịch thì được bộ ngoại giao Pháp hay bộ giáo dục cho đi xứ nào dạy đâu 18 hay 24 tháng. Khi mình ra trường thì chính phủ pháp định gửi mình đi Senegal dạy đại học kiến trúc bên đó vì có hai thằng bạn đi trước làm giấy tờ giúp nhưng cuối cùng đi khám sức khỏe ở trại lính. Mình kêu lớn lên tại Việt Nam tao chán chiến tranh nên được miễn dịch. Có lẻ vì vậy ra trường mình đi tứ xứ luôn chớ đi quân dịch hay Senegal thì chắc lại phải về Tây ở đến nay. Vua Hassan II, xứ Maroc viết thư cho tổng thống Pháp, kêu là xứ Pháp gửi toàn là giáo sư viết tiếng pháp không chuẩn.
Trường Yersin dạo đó có giáo Sư gốc việt nhiều. Nhớ toán thì có ông thầy tên Hài bà con chi với Phan Đình Diễm, nhà ở cư xá Địa Dư gần trường. Đám học trò hay gọi Hài Dón, sau này lớn lên bắt đầu học nói lái mới hiểu. Pháp văn mình học với ông thầy tên Hai thì phải, địa lý thì học với ông Tây đi quân dịch mà sau này có đọc hồi ký của ông ta trên trang nhà yersin Đà Lạt. Sử thì với ông Michelet hay ai đó không nhớ. Cứ bị cấm túc hoài. Chiều thứ 7 đi với thằng Võ Ngọc Sơn, vô phòng lớp sử, xem như phòng cấm túc nên hay tò mò nhìn bản đồ thế giới. Tên Sơn này học cũng học ngu như mình nên khá thân nay chết lâu rồi. Nói đúng ra thì mấy ông thầy không chuyên môn, biết chút tiếng Tây thì được cử vào dạy học chớ không có bằng sư phạm chi cả.
Việt văn thì học với cô Ngô Thị Liên, nhà ở ngay ngã 3 đường Bà Triệu và Hùng Vương (yersin) đối diện đường Đào Duy Từ, dốc nhà Bò và tiểu khu đúng hơn là kỹ thuật La san. Sau này qua mạng xã hội, thấy cô viết cho mình, lấy tên Liên Hoàng khiến mình ngu lâu dốt bền. Nghe nói trước Mậu Thân gia đình cô ở đường Huỳnh Thúc Kháng, cạnh nhà thờ Tin Lành bị bắn nát trong vụ tổng công kích. Nhớ nhà cô vì có học hè với mấy ông thầy tại nhà cô. Hồi nhỏ thì học với cụ Sâm nhà đường Hùng Vương, gần Suối Cát Nam Thiên, chỉ nhớ đi bộ xuống dốc, có cái vườn rồi vào nhà cụ Sâm. Hình như có học chung với cháu cụ Sâm. Không nhớ tên, có thể là Trâm. Sau này gặp con cô thì họ kêu không nhớ mình, khi học hè dù mình có đưa hình mình khi xưa nhưng tên Thép vẫn ngọng. Chắc tại học dưới mình một lớp.
Hình mình khi xưa. Rất đẹp traiVụ trường nghỉ ăn Tết Mậu Thân rồi nghỉ dài hạn, mấy tháng bất đắc dĩ, nhớ trường có gửi thư về, kêu lên trường chỗ cái quán hay ông cai để lãnh bài tập về nhà làm. Chán Mớ Đời
Mình nhớ bài tập cô cho là học thuộc lòng bài Thằng Bờm. Sau này đi học lại, cô cũng bắt trả bài nhưng mình không thuộc nên được điểm xấu, không nhớ là bao nhiêu. Chỉ biết là Thằng Bờm gây ảnh hưởng rất nhiều cho cuộc đời mình sau này. Mình không bao giờ đổi cái gì có với nắm xôi cả. Không thích ăn xôi.
Cũng nhờ mạng xã hội, mới liên lạc với cô sau bao nhiêu thăng trầm của quê hương từ Mậu Thân đến nay. Có lẻ bài mình viết “nhớ về thầy cô” mới nhận được tin cô vì cô có phản hồi. Bài này mình kể đọc lá thư của ông Albert Camus cho người thầy giáo khi xưa ở Algerie và ông thầy viết lại, rất cảm động và nhớ đến các thầy cô khi xưa. Cô phản hồi bài viết khiến mình thất kinh, gọi điện thoại liên lạc. Được biết cô sống một mình tại tiểu bang xa xôi, không gần con cháu. Cô vẫn còn đi làm. Cô nói nghỉ hưu sợ chết vì không biết làm gì. Cô cho biết là đọc hết những bài mình viết càng khiến mình thất kinh vì khi xưa thuộc dạng học sinh dốt việt văn.
https://www.muctimsonden.com/2020/12/nho-ve-thay-co-giao.html
Đến nổi ngày nay, lâu lâu có người cho điểm zero nhưng nghĩ đi nghĩ lại kêu có công viết nên cho 1 điểm. Kinh. Đâu dám cho cô sợ cô buồn dạy học trò được 1 điểm. Cũng có người nhảy vào bênh vực nên mình như bò đội nón, không biết ai đúng.
Có lần cô nói với mình muốn đi Pháp để tìm lại những vết chân xưa khi cô du học tại pháp, cô nói lần sau em đi thì cho cô đi theo. Mình nhất trí. Sau đó thì nhận tin nhắn của con cô, kêu là mời cô đi Pháp nhưng cô không chịu, lại đòi đi với mình khiến mình thất kinh. Năm ngoái mình về Pháp đột xuất thì cô lại yếu rồi, đi đứng khó khăn. Mình gặp lại cô lần đầu tiên tại Cali, khi cô sang Cali thăm con cháu. Mình đi thăm cô với Phan Đình Diễm. Ngồi nói chuyện với cô rất lâu, từ khi còn bé đi du học đến khi về nước ở Đà Lạt, rồi sau 75 ra sao, rồi đi Pháp rồi sang Hoa Kỳ, đi học lại,…
Lâu lâu con cô gọi điện thoại kêu mẹ tôi chỉ nghe lời ông. Cứ thằng sơn đen nói như thế này, thằng sơn đen nói như thế kia. Thằng sơn đen nói là không trật. Con cô nói thì cô không nghe. Chán Mớ Đời . Mình định tháng 3 tới, đi Texas, đi du thuyền qua Panama, ghé thăm cô.
Cô kể hồi bé còn đi học ở Hà Nội, không nhớ có việc gì trong trường có làm lễ, cô được đề cử với vài người bạn để tặng hoa cho Hồ Chủ Tịch, rồi được hồ chủ tịch nắm hay bắt tay ra sao đó nên về nhà cả tuần không dám rửa tay sợ bay đi chút gì của bác. Có lẻ cuộc gặp gỡ đó đã thúc đẩy cô đi du học ở Pháp khi còn học trung học. Khiến mình khâm phục vì khi mình đi Tây đã 18 tuổi mà còn chới với huống chi cô còn đang học trung học.
Dạo ấy 1 đồng tiền Đông-Dương ăn 10 quan pháp nên người Việt giàu có hay cho con qua Pháp học, rẻ hơn ở Việt Nam thêm có bằng mẫu quốc. Oai hơn. Ở Việt Nam hay các thuộc địa pháp thì học chương trình lô-can, đậu bằng thuộc địa không oai lắm. Mình có mấy người bà con du học dạo ấy vì tiền rẻ như ông bà Võ Quang Tiềm, mua nhà bên Tây cho con qua đó học. Tương tự ngày nay, các đại gia cho con qua Mỹ học từ trung học. Hôm trước có gặp một chị kể cho con đi Mỹ học từ trung học ra MBA luôn.
Sau 54, cô kể mấy ông thi sĩ ở Paris, sau này về Việt Nam nổi tiếng như ông Nguyên Sa, chồng cô là thi sĩ và đạo diễn Hoàng Anh tuấn,…đều ghé lại nhà cô khi xưa để ăn cơm. Sau tú tài cô học dược khoa ở Pháp nhưng bị gián Đoạn vì lấy chồng sinh ra hai người con rồi gia đình bên chồng di cư vào nam, kêu về Đà Lạt sinh sống. Cô tính ghi danh đi học tiếp tục dược khoa ở Việt Nam, nhưng trường Yersin trả lương cao hơn làm dược sĩ nên thôi đi học lại. Mấy chục năm sau cô mới về Hà Nội để thăm gia đình. Nhờ đi dạy nên sau này mới được chính phủ Pháp bảo lãnh sang Pháp rồi qua Mỹ. Qua Mỹ cô đi học lại. Cô kể là con cô không có đứa nào theo nghệ thuật hết khiến cô mừng. Con cô ai cũng thành danh hết.
Cô kể có lần ở Hoa Kỳ, nằm ngủ cô thấy đi cyclo đạp tới tòa lãnh sự pháp để làm giấy tờ đi Pháp nhưng xe đạp chậm quá nên sợ Việt Cộng không cho đi nên nhảy xuống xe để đi cho mau. Ai ngờ tỉnh lại thấy rớt dưới giường, gãy chân sao đó. Cho thấy cô sống với Việt Cộng có mấy năm trước khi chính phủ pháp bảo lãnh vì khi xưa dạy trường Tây, xem như công chức của pháp. Mà cảm giác sợ hãi vẫn theo cô đến khi lớn tuổi.
Hôm trước, mình có gặp con trai út của ông Nguyên Sa, rể của cô, nói cô dạo này yếu. Nói để gọi điện thoại cho cô nhưng lại bận trong vườn thì được tin cô qua đời.
Sau lần gặp lại thì Phan Đình Diễm đề nghị tổ chức hội ngộ với cô và các cựu học sinh yersin khi xưa. Lúc đầu tính làm với nhóm cựu học sinh 73-74. Vấn đề là nhóm này có anh em hay chị em cũng có học với cô khi xưa nên họ muốn tham gia. Phan đình Diễm đồng ý rồi Tú Anh promo 75, chưa thi Tú tài thì đứt phim gọi điện thoại xin cho nhóm họ tham dự nên cuối cùng có đâu 125 người tham dự buổi hội ngộ hôm đó. Ai cũng nhớ bún bò của vợ Phan Đình Diễm, sau này mở tiệm Ghiền Bún Bò tại bolsa.
Hôm đó có nhiều đàn anh trên tụi này mấy lớp cũng kéo nhau lại. Không thấy tên trong danh sách, họ nói cứ Đà Lạt là tụi này bò lại. Vui Rất cảm động khi thấy mấy chị bạn học chung quay quần bên cô giáo ngày xưa. Học sinh từ Việt Nam, Gia-nã-đại và Pháp quốc bay sang tham dự. Mình đoán chắc cô vui lắm khi gặp lại các cựu học sinh một thời ở Đà Lạt. Hình ảnh cô giáo và học trò cũ gặp lại, khó tổ chức lại. Mình dự hội ngộ mấy trường lớn hay nhỏ khi xưa nhưng chỉ có buổi hội ngộ với cô là dễ thương nhất. Mấy chỗ khác chỉ thấy ngồi trong nhà hàng còn đây với cô rất nhẹ nhàng. Mấy cô học trò bu quanh xin chụp hình với cô. Chắc hôm ấy cô vui lắm, được làm lại cô giáo ngày xưa. Mình có viết về cuộc hội ngộ này, có một không hai. Sau này tính làm lại đúng sinh Nhật cô nhưng mấy người không thống nhất ngày giờ.
Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen
Nguyễn Hoàng Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét