Mưa Đà Lạt (xưa + nay)

Hè vừa rồi về thăm Đà Lạt, không có đồng chí gái, không phải ghé thăm bạn bè, họ hàng bên vợ ở miền Trung và Sàigòn nên mình ở Đà Lạt đến 2 tuần thay vì 3 ngày như mọi lần. Mỗi lần về Đàlạt vào mùa hè nên gặp mưa nhưng chỉ ghé lại 2 đêm nên không để Ý lắm, lần này thì mới cảm nhận được lại cái mưa của Đà Lạt, đã quên dần trong kí ức của mình trên 47 năm qua.
Đồng chí gái không có phép nhiều nên 3 cha con về Đà Lạt chơi, rồi bay qua Hán Thành gặp mụ vợ, cả gia đình đi chơi ở Nam Hàn, trước khi về Cali.
Cơn mưa đầu tiên mình đón nhận, khi gặp lại vài người bạn học cũ và đối tượng một thời trong quán cà phê. Đang mừng mừng tủi tủi gặp lại cố nhân, đến khi chia tay thì mưa từ đâu ụp xuống làm trắng xoá mặt đường, như thời xưa học tiểu học, thấy mưa đá văng vào cái hiên nơi cửa lớp. Tên Tài, nghe mình kể Chảnh Thị quảng cáo trên diễn đàn, đâm thèm ăn bánh căn vì trên 40 năm qua, chưa có dịp nếm lại món ăn gốc Chàm trở thành đặc sản của người thị dân mà mình có thấy bán ngoài đường khi đi Nam Dương.
 Dù đã về Đà Lạt 6 lần, chưa nếm lại món đặc sản này, hắn đề nghị cả đám đi ăn bánh căn. Thế là 3 cô 3 cậu cựu học sinh Văn Học, rủ nhau ra ấp Xuân An để ăn, thay vì Dốc Nhà Làng, nghe nói ngon và đắt nhất Đà Lạt nhưng khó đậu xe con. Bổng nhiên mưa từ đâu ập xuống như chào đón mình, một đứa con hoang đàng của Đà Lạt, trở về như tắm gội các lớp bụi đóng trên quảng đường đời từ 41 năm qua. Mưa xối xả như trút bao giận hờn của người tình, chờ đợi tên thất hứa từ bao nhiêu năm.
Ngồi ăn bánh căn nhưng mình cứ nghĩ đâu đâu, nhìn mưa rơi trắng xoá mặt đường, nghe những hạt mưa lộp độp trên tấm tăng màu xanh, che cái bếp ngoài trời, che cô chủ quán với hai cái nồi bánh căn, làm bằng đất sét với chín cái khuôn tròn. Những cái nắp đậy có cái núm để cầm như ngực của các tượng phụ nữ Chăm ở tháp Chàm. Lâu lâu, ông chủ quán lấy cây chổi, đẩy tấm tăng từ dưới lên để nước đọng ở trên thoát xuống hai bên, hất tạt nước vào đám thực khách, vội vàng kéo cái ghế đẩu, cái đòn, xích vào trong để tránh nước mưa, rụt rè ái ngại, co ro trong tấm chăn không gian lạnh ướt.
Cảnh tượng đưa mình quay về dòng sông tuổi thơ, những ngày tháng đi học dưới mưa. Lối sống của người Đà Lạt vẫn không thay đổi sau 42 năm. Vẫn lấy cái chổi để làm ráo nước đọng trên mấy tấm tăng (tente) che mưa như các quán ở đường Trương Vĩnh Ký hay Cẩm Đô. Trời mưa ư? Họ lấy tấm tăng, căng ra che phủ cái ghế đẩu. Người Đà Lạt vẫn ngồi ăn, co ro trong gió lạnh giữa tiếng mưa rơi lộp độp.
Cảnh tượng hàng quán Đà Lạt vẫn như xưa, mưa thì che tấm tente để mưa khỏi tạt vào khách hàng.
Những ngày hè của thời học tiểu học, xếp giấy vở học trò cũ thành những chiếc ghe để thả trên đường mương khi trời mưa, đưa con tàu ra khơi, nước mưa làm nhoè đi những chữ mực tím rồi đắm chìm trong giây lát, cuốn trôi theo dòng thời gian như tiên đoán số phận những con tàu bé nhỏ bé vượt đại dương, chuyên chở hàng trăm ngàn người, rời bỏ quê hương ra đi vào thế kỷ trước để rồi không bao giờ cặp bến bờ Tự Do. Sau cơn mưa thường có mấy đàn mối trắng từ dưới đất, chui lên, làm từng ụ bay khắp trời rồi rớt xuống đất vì cánh bị ướt, giúp đám gà vịt, có một bửa ăn thịnh soạn đầy đủ chất dinh dưỡng.
Trên đường về, cô tài xế bất đắc dĩ, tưởng nhà mình ở đường Fan Đình Phùng nên chạy lộn nên mình có dịp xem quang cảnh cầu Nhà Đèn, nơi khi xưa đến mùa mưa là nước tháo từ hồ Xuân Hương, từ cái đập đê cầu Ông Đạo, chảy xiết về Cam Ly làm ngập mấy vườn rau ở Ấp Ánh Sáng và khúc gara STT, lò sát sinh nhất và vạt đất to lớn cạnh đó, sau này gia đình Tăng Trung, Tăng Hiếu có xây cái nhà to đùng để cách mạng sử dụng sau 75 cho hội kiến trúc sư Đà Lạt. Nay thì từ ngoài đường không có thấy nữa vì nhà cửa được xây đầy ngoài đường. Người ta gọi Cầu Ông Đạo là tên của ông Quản Đạo Tôn Thất Hối, người đứng ra chỉ huy, xây cất cái đập đê của hồ Xuân Hương.
Xe chạy qua cầu Cẩm Đô làm mình nhớ có lần trời mưa, khu này bị ngập lụt, mình chạy xe BS ngang thì nước vào ống Pô nên ngũm máy, phải sửa tốn tiền, lại bị thằng thợ sửa xe chơi khăm, vớt thêm tiền. Dân Việt Nam tìm đủ trò để moi tiền thiên hạ mà không ái ngại.
Nguyên nhân khiến đầu mùa mưa, các nơi bằng thấp của Đà Lạt bị lụt vì dân cư, sống cạnh mấy cái suối, đem rác đổ xuống suối thay vì đem ra đường cho xe rác của thị xã đến lấy theo ngày nên vào mùa khô thì suối toàn là rác, chất thành núi vì khi xưa Đà Lạt chỉ có một chiếc xe rác mà dân cư vì chiến tranh đổ dồn vào thị xã càng ngày càng đông. Khi mùa mưa trở về thì nước chảy không thông nên nghẹt và làm ngập nước khu dân cư cạnh bờ suối và đường xá. Tương tự dọc đường Fan Đình Phùng và Hai Bà Trưng, Hoàng Diệu, con suối chảy từ số 4 về, làm ngập vùng thấp của hai bên bờ suối, kéo theo rác rưởi về thác Cam Ly khiến du khách viếng thăm phong cảnh vùng này phải bịt mũi.
Khi người Pháp thành lập Đà Lạt, họ dành các khu đất bằng cho người Việt. Còn trên đồi thì đành cho người Pháp. Mình có xem một lá thư của ông Võ Đình Dung, gửi cho thị trưởng tây của Đà Lạt. Và bản vẽ tiết kế Đà Lạt, mới hiểu vì sao ông ta mua hết đất từ Mả Thánh đến trường Việt Anh, sau này cho thuê để người ta làm vườn.
Có lẻ sang năm, mình sẽ lấy những bài mình viết về Đà Lạt xưa, cập nhật hoá các thông tin mà đã đọc thêm và hình ảnh rồi tải lên đây cho ai tò mò đọc lại. Khi xưa, mình chỉ kể về Đà Lạt theo ký ức, nay thì có thêm tài liệu và hình ảnh nên có những gì sai thì mình sẽ cập nhật hoá lại cho chính xác hơn.
Mình tránh viết về Đà Lạt hay đọc thêm thông tin của Đà Lạt xưa nhưng thiên hạ cứ gửi cho minh hình ảnh và tài liệu nên phải đọc. Có người lại to mồm kêu mình là nhà nghiên cứu về Đà Lạt. Người ta chịu khó gửi cho mình thêm tin tức, tài liệu xưa của Đà Lạt xưa thì phải viết lại. Chán Mớ Đời  
Mình về Đà Lạt, trông mưa như một du khách, không như khi xưa phải đội mưa, khiến mình bồi hồi nhớ đến thằng Nguyên. Ngày cuối cùng của niên học lớp 12, hai thằng bổng hứng đi dưới mưa như để đánh dấu ngày cuối của cuộc đời học sinh. Hai thằng đi từ trường Văn Học lên khu Hoà Bình, mua ổ bánh mì Vĩnh Chấn, vừa đi vừa cạp bánh mì, băng qua đường Hàm Nghi, mình để nó đi bộ về đường Tăng Văn danh, còn mình thì lang thang xuống ngã ba chùa rồi băng qua vườn ông 3 Đà để về lại nhà ở Hai Bà Trưng.
Ảnh này lột tả được cảnh mưa Đà Lạt. Thấy cái xe bán bánh mì thịt của bà người Huế, với tương ớt cay xè trước  tiệm Vĩnh Hoà.
Sau đó hai thằng bị bệnh gần cả tháng, chả học hành ôn bài để thi tú tài. Cuối cùng hai thằng chán đời, chở nhau ra đập Đa Thiện bơi thì hết bệnh nên ngày nào hai thằng đều rũ nhau đi bơi. Đến khi đi thi Tú tài, mình đã đen lại còn đen như anh 7 Chà của hãng Hynos, còn mấy tên học chung lớp, mặt mày bơ phờ, như phở tái. May hai thằng đều đậu và được du học. Mình gặp lại Nguyên 6 tháng trước khi hắn qua đời. Đó là lần đầu cũng như lần cuối hai thằng đi nghỉ hè với nhau.
Nhớ dạo bắt đầu biết thổn thức ngắm gái thì tối tối, mình hay đi với thằng hàng xóm ra phố Hoà Bình, xuống Hồ Xuân Hương. Khi có tiền thì rão về đường Minh Mạng, uống sữa đậu nành của bà 5. Khi nào sang hơn thì hai thằng chia nhau cái bánh chuối. Cái thú uống sữa đậu nành là khi trời mưa, trú dưới mái hiên của tiệm vàng của ông Bùi Duy Chước, vừa đứng vừa cầm ly sữa đậu nóng, vừa thổi khói bay phừ phừ, vừa nhấp nhấp từng ngụm, mặc mưa hắt dưới chân. Vào trời mưa thì thị dân Đà Lạt đi nhón nhón, lí do là họ mang dép nên nếu không để Ý, ép chiếc dép vào bàn chân thì đôi dép sẽ làm bắn bùn vô quần. Đi giày thì không bị vấn nạn này. Dạo đó biết ai là du khách vì cách họ đi trên dốc.
Tiệm vàng của ông Bùi Duy Chước, ngay góc Mình Mạng và Nguyễn Biểu (hình như Tăng Bạt Hổ, cái đừng từ Tăng Bạt Hổ, nối với Mình Mạng) bên cạnh có mấy thang cấp, có chiếc xe bán sữa đậu nành ban đêm của Bà Năm, người Nam, mà dân Đà Lạt thèm như điên.
Ông Bùi Duy Chước là bố của bà Bùi Thị Hiếu, có tiệm cầm đồ ở khu Hoà bÌnh, ngay góc Tăng Bạt Hổ. Nghe Huỳnh Ngọc Ánh kể; bố hắn học nghề thợ bạc từ ông Chước , sau này mở tiệm vàng.
Có hôm, sau cơm trưa, nằm trong phòng ngủ của mình khi xưa, nghe tiếng mưa rơi lộp độp trên mái nhà bằng tôn, tiếng gió reo gọi qua mấy ống gạch thông hơi, trên cửa sổ như một bản sonate “phiên khúc mùa mưa” khiến mình lại bay về thời xưa. Nhớ những ngày mưa thối đất, co ro trong nhà, chả biết làm gì, nằm nghe đài phát thanh nhạc yêu cầu :" như mưa ngày nào thấm ước vai em, như mưa,....", mơ đến, ước ao mối tình đầu.
Nhớ đến những tháng đầu tiên ở xứ Tây, trời mùa đông, ru rú trong phòng ô-sin không có lò sưởi, nghe bản nhạc của Enrico Macias, Adieu Mon Pays, để rồi câm lặng trong đêm thâu của những ngày tháng của kẻ vô tổ quốc, không tin tức của gia đình trong suốt 3 năm trời.
J'ai quitté mon pays, j'ai quitté ma maison
Ma ville, ma triste vie se traîne sans raison
...
Lorsque souvenirs se réveillent, bien après mon adieu
Soleil, soleil de mon pays perdu
Hôm gặp lại đối tượng một thời thì nhớ lúc mới sang Tây, mình hay nhớ đến khuôn mặt của cô nàng rồi từ từ biến mất khi quen đầm. He he he.
J'ai quitté une amie, je vois encore ses yeux
Ses yeux mouillés de pluie, de la pluie de l'adieu
Je revois son sourire, si près de mon visage
Il faisait splendide les soirs de mon village...
Có một chị gốc Đà Lạt, tò mò hỏi đối tượng của mình khi xưa ở Đà Lạt là ai? Mình lục hình ảnh cũ, thấy tấm ảnh của cô nàng tặng trước khi đi Tây. Je revois son sourire et ses seins. Chán Mớ Đời 
Mình nhớ đến những ngày tắm mưa ngoài trời, cởi truồng dưới máng sối, có mấy thùng phi đựng để hứng nước mưa, nấu cơm hay khi cúng. Nhà mình có cái lu riêng, bằng đất sét có tráng men, loại dùng đựng rượu đế như ở tiệm của ông bà Võ Quang Tiềm, ở khu Hoà Bình, để hứng nước mưa, để dùng khi cúng, nấu đồ cúng cho sạch sẽ cả sợ thần hoàn vật chết. Có nhiều nhà, phụ nữ sau khi sanh, họ chôn cái nhau dưới đất, nơi cái mang xối chảy nước xuống, để mong đời con mình sẽ được tươi mát sau này.
Trên nhà bà Ấm Thảo, có chôn cái nhau của một người em mình khi bà cụ bị xảy thai. Có cái am ở đó nên mỗi lần đi ngang nhà bà Ấm Thảo, mình hay vào vái cái am. Sau này, về thăm Đà Lạt, có lên thăm nhà bà ta, thì thấy cái am biến mất. Họ xây nhà hết. Gặp thằng Thọ mà khi xưa, trong xóm hay gọi Thọ Thai, làm thợ mộc.
Thời đó, nhà nào cũng đun sôi nước, để nguội rồi chế vô chai. Lấy cái phễu bỏ vào miệng chai, lấy cục bông gòn để chận cái miệng phễu rồi đổ nước vào để lọc chất dơ, gọi là nước lọc. Dạo ấy học Leçons des choses, có dạy cách lọc kiểu này. Mình có nhiệm vụ, mỗi sáng phải đun nước sôi để pha trà cho ông bà cụ, đổ vào Bình Thuỷ để pha sữa còn ấm nước thì để nguội, sau đó lọc nước. Dạo đó hình như nhà nào cũng có cái bình thuỷ cạnh cái khay đựng tách và bình trà trên bàn.
Hồi nhỏ mình thích nhất là mùa mưa vì không phải đi xách nước. Dạo đó, nước máy nhà mình hay cả xóm, chảy rất yếu vì ống nước được làm thời tây, dạo đó bị rĩ sét làm nghẹt ống. Suốt một đêm chỉ hứng chưa được một thùng thiếc nước mắm. Thùng nước mắm được cắt mặt trên, gò lại cho mấy cạnh bén không cắt đứt tay. Có khúc gỗ làm cái quai, được đóng ngang cái thùng, không quên đệm miếng vỏ cao su để đinh không bị lõng lắc.
Dạo ấy, đi xin nước giếng ở Hai bà Trưng và Thi Sách, cả giếng vườn ông 3 Đà. Nhà nào cho lấy nước thì phải hầu đám con của họ như thờ vong, lạng quạng, chúng đóng cửa, không cho vào nhà là cả nhà khát nước. Nhà mình, phía hông nhà có 3 cái thùng phuy, đựng nước, có nắp đậy lại, có cái lỗ để bỏ cái vòi nước vào. Mình bỏ vòi nước từ phuy thứ nhất qua phuy thứ 2 rồi phuy thứ 2 qua phuy thứ 3, để khi nước dâng đầy thì sẽ theo cái vòi nước chảy qua phuy thứ 2, 3, khỏi mất công múc đổ qua. Sau này học vật lý thì mới hiểu lí do thể tích được bình quân qua cái vòi nước.
Một hôm, con gái đi với mình sang Ngã 3 Chùa, định đi kiếm thằng Khoa, khi xưa học Yersin, hay cúp cua, đi đá banh ở sân Cô Giang, nhưng tới nơi thì mình đứng như Từ Hải, toàn là ngân hàng không, nhà của PTTT (Thuỷ dâm) cũng biến mất, hỏi bên cạnh chả ai biết thằng Khoa là thằng Tây nào cả nên dắt con gái lên chùa Linh Sơn. Nghe nói tên bạn học ngày xưa, nay khổ lắm, chạy xe ôm. Nhìn sang bên kia đường, khu nhà bà 10 Võ với tiệm thuốc Tây cũng không nhận ra. Cái hợp tác xã rau khi xưa được dùng làm trụ sở nhân dân tự vệ cũng biến mất. Hôm trước quên hỏi tên Tài, gia cảnh ông Phấn, đoàn trưởng nhân dân tự vệ của khu phố này.
Trời bắt đầu mưa nên hai cha con chạy lên chùa. Mình không thấy mấy cái bờ thành ở hai bên thang cấp, có khắc hình rồng mà hồi nhỏ mình hay leo để cởi rồng như Na Tra, biến mất. Mấy vườn chè khi xưa, cây cối đầy mà các phật tử tranh nhau hái lộc đầu năm đều tan biến. Kí ức một thời bổng nhiên không còn nữa. Nada!
Chùa này, mình có nhiều kỷ niệm tuổi thơ
Chùa khi mình đứng núp mưa với con gái. Mình nhớ là có mấy con rồng chõ mấy thang cấp đi lên từ cổng, nay biến mất. Hay chỉ có 32 con này. 50 năm nên chỉ mại mại.
Hai bố con đứng núp mưa ở Tam Quang, mới nhớ đến chuyện mưa hắt. Đà Lạt ít nhà nào có tiền để làm máng xối nên khi mưa thì nước chảy từ nóc nhà xuống, chạm đất thì bắn mấy hạt đất hay nước mưa lên làm xoáy mấy cái lỗ. Ai đi đường, bị mắc mưa thì ghé tạt vào trú mưa dưới mấy cái hiên nhà để che nắng, nước mưa rơi xuống đất, bắn hắt vào chân. Cuối cùng không thấy mưa tạnh, đoàn gia đình Phật tử, hăng say tập văn nghệ cho lửa trại cũng bỏ mưa chạy lấy người theo các chú tiểu. Mình gọi Mai Linh Taxi, chạy lên tận chùa để đón lại có thêm cái dù do anh tài xế đem ra cho hai bố con. Hiện đại, hiện đại.
Mình kêu bác tài cho xe chạy vòng vòng Đà Lạt, ra hồ Xuân Hương, thấy nhiều xe honda, đứng trú mưa dưới mấy cái cây. Bổng nhận ra chiếc xe bán xắp xắp khi xưa ở gần đồi Cù, gần nhà hàng Thanh Thuỷ, cạnh nhà vệ sinh, được xây trong lòng đất. Chiếc xe đạp khi xưa, nay được thay thế bằng chiếc xe Honda, trang bị phía sau cái thùng gỗ có mấy cạnh bằng gỗ, xung quanh được gắn kính. Mưa nên cũng không muốn dừng lại nhất là ngày nay, tiệm Đakao ở Bolsa có món đu đủ khô bò trứ danh với gan chấy nên cũng không thèm nữa.
Xe quành về cầu Ông Đạo, người xây cái đập và cầu (Quản Đạo Tôn Thất Hối), thấy khu Ấp Ánh Sáng không còn bị ngập lụt như xưa. Các vườn rau được thay thế bởi một công viên nhưng không thấy ai vào cả. Nam nữ thì họ tìm chỗ nào vắng vẻ, đây vào công viên này, từ trên cầu, thiên hạ nhìn thấy hết. Có lẻ vì vậy vắng người.
Có thấy mấy cái dù cắm, mình đoán tác giả mượn ý của cặp vợ chồng Christo và JC, nghệ sĩ gốc Ru ma ni, nổi tiếng trên thế giới một thời, có làm triển lãm 1000 cái dù Nhật cạnh xa lộ 5 từ Los Angeles lên San Jose năm 1991, khi mới quen đồng chí gái, có chở cô nàng đi viếng. Trước đó thì cặp nghệ nhân này có triển lãm 1000 cái dù này ở Nhật Bản. Năm 1985, họ có dùng vãi để trùm cầu mới (pont neuf) ở Paris.
Xe chạy ngang mấy con suối thì mình khám phá ra, lòng con suối, đúng hơn là con kênh vì hai bờ thành được xây bằng đá ong và xi măng và lòng suối được xây theo thang cấp giúp nước thoát nhanh thay vì đóng trụ một chổ như xưa. Nhưng nước chảy rất xiết, ào ào, nghe ông tài kể là có người té xuống là bị cuốn trôi. Đi qua cầu Cẩm Đô, khúc nhà của Vy Nhật Tảo, khi xưa có học chung ở Yersin, sau này qua Văn Học, mấy tháng trước, qua Mệ Bửu Đàn, Fi Niên Xô và Cô Bé fao câu có gặp lại tên này, nghe nói nay là nhạc sĩ trứ danh ở Việt Nam. Ngày nay, đường đi bộ khúc này được nâng cao, có lót gạch cho bộ hành nên không bị lụt như xưa.
Đến khúc này thì nhớ đến Vũ Văn Tùng người Bắc, học Văn Học chung khi xưa. Có hỏi PMC nhưng hắn không nhớ tên này. Tên này mê Hàng Thị Ngọc Hiền một thời, cứ hít hà khi thấy đối tượng của hắn trong sân trường. Khúc này, khi xưa có cái thang cấp đi lên nhà thương, khi trời mưa thì nước đỏ, màu của đất sét Đà Lạt, chảy ào ào xuống thang cấp như thác nước xuống, làm ngập khu này, lỏng bỏng nước màu đỏ. Nay thì chỉ toàn là tiệm và tiệm nên chả nhận đâu ra đâu. Chỗ cầu Cẩm Đô nay có cái chợ chiều, mấy xe mì khi xưa biến mất.
Dọc đường Hai Bà Trưng, khi xưa có mấy cái vườn, hay bị nước ngập vào mùa mưa, nay biến mất bù vào đó là những căn nhà bé bé, lâu lâu thì có một căn cao ngời ngợi của một đại gia. Mình nói ca sĩ Văn Học, ngưng ở quán Quỳnh Anh, nhà của Võ Việt Điểu, học Yersin khi xưa, nay nghe nói chạy sang Tây nhưng không có tin tức, gần đây mới nhận tin hắn từ Maryland. Nghe nói làm về an ninh quốc phòng.
Rồi ù chạy lên dốc vô nhà, gặp bà cụ ngồi nhìn ra cửa sổ, lòng lo không biết thằng con đi đâu, có bị mắc mưa không. Không ngờ 60 tuổi đầu, tóc trắng trên đầu mà vẫn được bà cụ lo lắng. Không biết 41 năm qua, tuy ở xa nhưng chắc mẹ mình vẫn thắp hương tụng kinh cầu nguyện cho thằng con ở chân trời nào. Nước mắt bao giờ cũng chảy xuống.
Nguyễn Hoàng Sơn 

Sơn Ngu Cu Đen *

Nhớ dạo mình mới ra trường Cao Đẳng Quốc Gia Mỹ Thuật, ngành kiến trúc, tuy vui nhưng lòng thấy lo lo, không biết tương lai mình đi về đâu. Mẹ một tên bạn, bảo đi xem thầy bói X. Nghe nói ông này giỏi lắm, tu ở núi Bà Đen với một ông thầy pháp gốc khờ me. Đi vượt biển, ông ta đội sớ, ngậm bùa trên đầu, hải tặc cầm mả tấu chém nhưng ông ta không hề hấn gì cả. Đám hải tặc bị ông ta quăn xuống biển hết, rồi lái tàu của đám hải tặc đưa mọi người lên bờ bình yên. Mình gọi điện thoại và hẹn đến căn hộ của ông ta ở quận 13.
Vào căn hộ thì phòng tối om, khói hương bay mịt mù khiến mình bị sặc ho. Không khí cực kỳ ghê rợn như căn nhà ma, lại thâm thẩm mùi mắm bò hóc. Ông ta bảo 100 quan Pháp 1 quẻ, đưa tiền trước, dạo ấy chưa có đồng euro. Mình kính cẩn đưa tiền cho thầy. Thầy cầm tờ 100 quan xem tới xem lui, trước ngọn nến, coi có phải tờ photocopy không vì mặt mình từ bé đến giờ, ai trông cũng bảo là ngu đần như bị down syndrome. Xem xong thầy bỏ vào bọc rồi hỏi cậu cần chi.
Mình bẩm thầy, dòng họ con tam chi tứ đại đều là dân ngu cu đen. Con sang đây hi vọng đổi đời nhưng không biết làm cách nào để thoát cảnh ngu đần. Nghe nói thầy thông thiên-văn, tường địa lí Tả Ao, trên thầy chơi với thánh thần, dưới âm phủ thì thầy quen các ngục sĩ, xin thầy cãi số cho dòng họ nhà con nhờ.

Nhớ về thầy cô

Khi xưa đi học, mình không được thầy cô yêu mến chi cả. Có lẻ mình học cực ngu hay giỏi như bèo dạt mây trôi nên thầy cô chả để ý, bạn bè chả thằng nào con mô nhớ cả. Có đứa nhớ là nhờ da mình mịn, đen như Kampuchia. Qua Văn Học thì có lẻ gần gần hơn nên có bạn nhớ, có thầy không quên nhờ cái tính ba lơn của mình.
Mình chỉ có 4 cô giáo còn toàn là thầy cho nên nhớ mấy thầy nhiều hơn là nhớ mấy cô giáo. Không nhớ năm 11 ème, học với ai, chỉ nhớ năm 10 ème thì học với một bà đầm, có lẻ lai mít, HCC có gửi cho tấm ảnh của lớp chụp chung, không nhớ tên. Chỉ nhớ cuối năm, bà ta đè đầu mình ra bắt chí, không cho mình nuôi chí. Năm 9 ème thì học cô Huệ, nhà đâu cạnh trường Văn Học. Đang học khơi khơi, cô giáo này đi tây, bà vợ ông proviseur của Grand Lycée, tên Decroix dạy thế. Bà này bận jupe nên học trò con trai, với đầu óc tò mò khoa học thực dụng, hay bò dưới đất phía sau bà, để xem có cái chi lạ dưới cái váy. Một hôm có tên Hiển, không nhớ họ, hình như họ Phạm, bố nó chạy xe gắn máy Goebel màu xanh, bò bò theo bà đầm, bị bắt gặp nên bị đuổi ra ngoài cửa đứng, sau bị hiệu trưởng ghé lại tát tai. Thằng này tham thì thâm. Mấy thằng như Tuấn Trung, Khoa bò trước nhưng không dám nhìn lâu.

Vô thần

Hôm qua, ngồi xe cả tiếng đồng hồ nên mở đài phát thanh Văn Học để quên chặn đường dài. Nghe tên bạn học thời tiểu học hát nhạc tây, nhạc mỹ, nhạc ta suốt cả tiếng nên gọi hắn nói chuyện. Hắn nghe giọng mình là địt mẹ liền. Một lời chào quen thuộc từ dạo tiểu học. Kêu sao lâu nay không có tin tức gì mày cả. Mình hỏi hắn có đi chùa hôm nay không. Hắn rên lạnh quá nên ngồi nhà. Phật tử ở đâu thì Phật ở đó, không cần phải lên chùa.
Bổng hắn hỏi mày có biết Trần Khánh Nam? Mình kêu không. Tên này nói biết mày, tên kể rất thích đọc mấy bài của mày về Đàlạt. Mình đoán là có ai đọc được bài viết về những ký ức của mình thời còn bé rồi chuyển cho bạn bè Đàlạt. Lâu lâu nhận i-meo thiên hạ, không biết ai là ai, kêu mình viết thêm về Đàlạt. Kiểu đặt hàng để viết. Nói cho ngay có cái gì dấy lên mới nhớ đến một kỷ niệm vui buồn thời con nít thì kể chớ tự nhiên kêu mình kể thì mù tịt. Không lẻ phải chế thì chán như con gián của tú bà.
Mình điện thư anh bạn học ở Việt Nam, hỏi có biết Trần Khánh Nam, anh chàng cho biết là có, nhưng không có học chung lớp khi xưa ở Văn Học. Tên này học đến lớp 9 ở Văn Học thì qua Trần Hưng Đạo, có ông anh làm giáo sư trường này tên Giao. Tên này lúc trước ở Chicago, đổi về vùng Virginia được 10 năm. Một hôm tình cờ hỏi thằng con rễ của tên bạn thì mới mò ra nhau, bạn bè khi xưa. Tên này hay chơi với đám Yersin, nhà ở Ya gút chi đó.

Dạo ấy nơi sân trường *

Năm mình sang học trường Văn Học thì tất cả đều mới lạ. Đi học không đem sách như ở trường Tây. Tay kẹp vài cuốn vở và cái thước, đi học thì không cần mang giày, mang đôi dép kéo lê thê nhất là khi trời mưa sợ bùn bắn dơ quần. Vào lớp, thầy đọc bài cho chép nên khá vất vả vì tiếng Việt không rành. Khi thi hay trả bài thì cứ học thuộc lòng rồi viết những gì thầy đọc cho học sinh chép. Học sinh ít khi đặt câu hỏi cho thầy vì chép bài là đủ hết giờ cho nên kiến thức bị giới hạn qua những gì thầy đọc và nói. Học sinh trường Việt có vẻ thụ động, ít khi hỏi thầy dù không hiểu, khác hẳn với học sinh trường tây. Các từ toán học, vật lý, hoá học, vạn vật bằng việt ngữ khá xa lạ nên cũng chả hiểu nên cứ học như con vẹt. Dần dần thì cũng quen. Mình có cái bệnh bị thế lực thù địch xúi bậy, hay hỏi thầy giáo nên có lần một ông thầy mới vào dạy ngày đầu tiên, mình quay như dế khiến ông thầy quýnh lên nên giải sai. Hôm sau thấy thầy khác vào. Chán Mớ Đời 
Lớp này còn đỡ, có lớp đông gấp hai, nhét như cá mòi 
Trường thì bé tí, các lớp học nhồi nhét học sinh chật như nêm. Mỗi bàn học hình như có đến 6-8 hay 10 học sinh, ngồi xếp như cá mòi. Nghe nói dạo bộ Tam Sư còn dạy Văn Học thì số học sinh trong lớp còn đông hơn. Lớp mình học thì không có cửa, không có cửa sổ ngoài mấy cái khung trống. Lâu lâu thầy CBA đi chậm chậm đến xem có tên nào phá trong lớp thì béo tai. Cuối tháng, phát thông tín bạ thì có màn kêu học sinh lỡ dại ăn trứng ngỗng trong tháng vào văn phòng, quất mấy roi mây. Khi mưa bão thì lạnh nhưng "may mà có em đời còn dễ thương."

Tuy bở ngỡ nhưng có Huỳnh Kim Sang ở xóm Thi Sách, hay chơi bắn bi hồi nhỏ, học chung lớp 11B. Hắn kêu ngồi chung bàn với hắn phía cuối lớp, sau này mình lên bàn đầu ngồi vì cận thị. Buổi chiều hắn rủ mình đi đá banh ở sân vận động cùng Tuấn, một tên khác trong xóm. Sau mùa hè đỏ lửa, hai tên này bị tổng động viên, đi lính đến giờ chưa bao giờ gặp lại. Dạo đó mình bắt đầu để ý đến con gái trong xóm, khi xưa hay chơi nhảy dây, cò cò, banh tù với đám này nhưng không hiểu tại sao mấy năm gần đây, gặp mặt nhau thì chả chào hỏi, quay mặt làm ngơ, có cái gì ngượng ngùng làm mình đỏ tai.

Tên Sang hơn mình một tuổi nhưng lại rành về con gái, hắn chỉ cho mình nhiều cô gái xóm khác ở đường Hai Bà Trưng mà mình chưa bao giờ gặp, rồi hỏi mình thấy đẹp không trong khi mình suýt xoa, nức nở. Hắn bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ ngắm gái của mình, hay rủ mình chạy xe vòng vòng các trường để ngắm gái khi tan trường nhưng không dám chạy đường Võ Tánh vì nữ sinh Bùi Thị Xuân, đông như quân Nguyên, nghe nói dám chận đường chọc con trai. Mình nhớ có lần hắn chỉ mình một cô bé học trường Quang Trung, nghe hắn nói tên M. Chiều nào, hai thằng đều chạy xe, đão đi lượn lại mấy vòng thì khám phá cô này ở cạnh nhà ông Lào, xóm Địa Dư, cách 100 mét nhà mình. Hắn nói em gái của thằng Hùng, hồi bé hay đá banh với mình ở mảnh đất đối diện xóm Pasteur, sau này thương phế binh cắm dùi, xây nhà ở.

Lần đầu tiên về Hà Nội, thiên hạ trả tiền cho mình dự hội thảo "phát triển kinh tế VN" đầu thập niên 90, khi VN đang bắt đầu "Đổi Mới" bỏ chế độ bao cấp, tem phiếu, mình có gặp một bà phụ tá của Hà Quang Dự, bộ trưởng bộ thanh niên, tự xưng là dân Đà Lạt, gia đình khi xưa ở xóm Địa Dư, biết cô em gái kế của mình, biết gia đình mình. Mình nhớ đến cô gái tóc thề khi xưa học Quang Trung nên có hỏi thăm về dáng xưa. Cô nàng kêu em đây, cho biết thằng Hùng chết khi đi Thanh Niên Xung Phong. Còn cô nàng làm mình thất kinh, ngỡ ngàng nên không dám tìm kiếm lại các cô gái khi xưa mà mình có lần thầm yêu trộm nhớ.

Lớp 11A, có tên Hiệp, không nhớ họ. Hai anh em tên này đều là thủ môn của đội banh Văn Học. Ông anh thì đá thời có hai tên người thượng, đã đi lính nên hắn thế. Tên này hay giận dỗi như con gái, mỗi lần hắn để lọt lưới, bị Nguyễn Mơ lớp 11C, em của Nguyễn Ước, nhà ở ấp Cô Giang la, kêu bắt như kít là hắn bỏ về, khiến cả đám bắt mình thế, bắt banh cho đội dù bị cận thị.
Cắm trại tại hồ Than Thở
Tên Hiệp này, sáng nào cũng đưa thư cho tên Sang, nhờ trao lại cho Nguyễn Thị Đức, còn tên Sang thì cò cưa với Nguyễn Thị Ri, cũng học 11B. Dạo đó, mình nể phục hai tên này lắm, dám nói chuyện với con gái, lại còn viết thư, làm thơ tặng con gái, sau này mới biết hai cu cậu chép thơ của Huy Cận và Nguyễn Bính để viết tặng con gái. Mình ngưỡng mộ chúng như con gà non, nhìn con gà trống gáy oang oang trong chuồng vào buổi sáng. Khờ khờ khờ!

Mình thì không thích Nguyễn thị Ri và mấy cô ngồi chung bàn với Ả. Mấy cô này ăn vụng, lại hay nói chuyện bên cạnh, khiến mình bị chia trí, khi thầy giảng nên có lần mình quát. Một hôm tên Sang rủ mình đến nhà trọ của Nguyễn thị Ri, ở đường Thủ Khoa Huân. Cô này dân xứ khác lên ở trọ Đà Lạt, học năm 11B sau đó thì mình không còn thấy tông tích nữa, có lẻ chạy sang Việt Anh, theo Bộ Tam Sư. Hôm đó mình thấy Nguyễn thị Đức, rồi tên Hiệp cũng lò mò đến. Người ta có cặp có đôi, còn mình thì lớ ngớ chả biết làm gì, tính đi về thì họ rủ ra vườn hái ổi. Ăn ổi chấm muối ớt, Nguyễn thị Đức hỏi mình trong lớp hình như mình không ưa mấy nàng thì mình gật đầu, lại hỏi giờ còn ghét nữa không thì mình vẫn gật đầu. Ngu ngu ngu! Từ dạo ấy hai tên này, không rủ mình đi tới thăm mấy cô này nữa. Cái tính gàn gàn ngu ngu ngu của mình đến nay vẫn chưa bỏ được. Xét về tử vi thì mình có số Đào Hoa nhưng bị triệt vì cái mồm.

Trong lớp11B, dạo ấy có hai cô mà đám con trai thích nhất; Vê Tê Tam Thừa và Gái Đen. Vttt thì dân ở đâu lên Đà Lạt học, trời nóng làm má cô nàng hồng rất xinh, hay bận áo dài trắng, chít banh làm hở cái eo, khiến nhiều khi mình hay liếc xem phê không thể tả. Cô nàng ở trọ căn biệt thự ở đầu Cầu Ông Đạo, đường Trần Quốc Tuấn, hình như chỉ một căn biệt thự hay 2, nay thì nhà cửa mọc như nấm vào mùa mưa. Có cô ở trọ chung hay con gái chủ nhà tên Hà. Có lần cô nàng nhờ mình ra chơi, chở về nhà lấy đồ nhưng cuối cùng lại cử cô ở trọ chung đi, nên mình bán cái cho Dương Quang Trí. Khà khà khà. Cô này thì không xinh nhưng chắc cũng hơn mình 1 tuổi còn vttt thì hơn mình hai tuổi. Mình nhận xét thường thường cô gái nào đẹp thì hay đi chơi với một cô Chung Vô Diệm, một Medusa tương tự người ta cắm thêm lá xanh để làm tăng, nổi bật đoá hoa hơn.

Vttt hay mượn tập của mình để xem bài lại. Cô này trên nguyên tắc là giỏi tiếng Việt hơn mình nhưng không hiểu vì sao cứ mượn tập của mình rồi sửa lỗi chính tả cho mình. Có lẻ mình hay tóm tắc bài tập của mấy ông thầy đọc cho học sinh chép, ghi thêm những gì thầy giảng hay đọc thêm trong sách mượn, viết nhỏ lại để khi ôn bài cho dễ nhớ. Mấy cô này ngồi dãy bàn bên cạnh nên hay thấy mình ôn bài với mấy tờ giấy bỏ túi. Dạo đó mình có cuốn sổ tay bỏ túi quần, ghi chú những dữ kiện mình đọc trên báo hay sách nên mấy cô tò mò đòi xem.

Mỗi lần trả bài thì mình hay viết thêm như Nazi thì mình viết thêm trong ngoặc đơn (nationalsozialismus) nên thường được thêm điểm nên mấy cô nàng hay mượn tập để xem thì không thấy ghi chép khác với những gì họ chép ghi nên mỗi lần trả bài là họ đều kiểm xem bài mình viết khác thế nào. Gặp thầy Hứa Hoành dạy Địa Lý, lại thích những ai viết thêm, tư duy chút chút thay vì viết nguyên si những gì thầy đọc cho chép nên mình lúc nào cũng có điểm cao nhất lớp dù cả lớp viết không sai một dấu chấm, dấu phẩy của thầy đọc. Sau này sang Hoa Kỳ chơi, mình có dịp gặp lại thầy Hoành trước khi thầy qua đời.

Lâu lâu có mấy cô trong lớp đến nhà mình mượn bài tập như Thanh Tịnh, Nguyễn thị Hường, nhà ở cùng xóm. Dạo đó Ban B được chia theo ban Anh Văn và Pháp Văn. Các môn chính thì học chung còn đến giờ sinh ngữ thì tách ra. Ngoại trừ tháng đầu tiên, bên ban Pháp Văn thì mình đứng đầu lớp tới khi thi Tú tài. Giữa niên khoá, có một chị ở Song Pha vào học, tên Khúc Thị Xuân Dung cũng làm nhiều tên mê mệt, mình đặt tên người đẹp Song Pha. Đa số mấy biệt danh của mấy cô là do mình làm cô Mụ đặt cả. Cô này hình như thích hát vì ra chơi hay ngồi hát với mấy cô khác và hai tên Bắc kỳ trong ấp Du Sinh. Hai tên thuộc loại Bắc kỳ di cư nên chống Cộng hăng say, tối nào cũng đi gác nhân dân tự vệ. Lên lớp 12B thì 3/4 lớp nhất là con gái đều đổi sang ban A cả, ban B chỉ có một chị tên Song Kim, hình như rớt Tú tài năm trước nên học lại.

Năm ấy, thầy Nguyên là giáo sư chủ nhiệm của lớp. Một hôm, thầy tổ chức bầu trưởng lớp hay Liên đoàn trưởng vì sau 72 thì có chính sách quân sự hoá học đường nên gọi Liên đoàn trưởng. Thầy ghi tên mình ứng cử, có vài tên khác và hai cô bên nữ ghi danh. Cuối cùng hai người có số phiếu nhiều nhất được vào vòng hai là mình và Nguyễn thị Hường, hay Đặng thị Hường ở Thi Sách, hướng đạo sinh Lâm Viên. Cuối cùng thì mình được phiếu cao nhất nên được làm trưởng lớp còn Vũ Văn Tùng, nhà ngay góc Hai Bà Trưng và dốc lên nhà thương làm phó trưởng lớp. Nguyễn thị Hường không muốn làm phó nên tên Tùng về thứ 3 lãnh nợ. Tên này lớn hơn mình đâu 2,3 tuổi, đầu lúc nào cũng chải bóng Brillantine, hay bận áo màu cam đậm. Tên này mê Hàng thị Ngọc Hiền học lớp 10, nghe nói hát hay nên mình có mời cô nàng hát cho chương trình Văn nghệ của 12B và 12C nên sau đó có đưa cô nàng về, nhà ở đường Phạm Ngũ Lão, cạnh cầu Bá Hộ Chúc. Thật sự lúc đó thấy gái đẹp là mê rồi, hát có dỡ cũng thấy liêu trai. Mỗi lần cô này xuất hiện trên sân trường thì đôi mắt hắn sáng lên như hai cái đèn pha chỉa thẳng về hướng cô nàng di chuyển.
Sân vận động được tổ chức diễn hành và các trận đấu thể thao khi đại hội thể thao liên trường
Làm trưởng lớp cực chớ chả có ăn cái giải gì cả. Năm đó có đại hội thể thao học sinh nên phải nghỉ học, đi tập diễn hành trên đồi ty thuế vụ rồi thầy CBA kiếm xe nhà binh, chở ra đường Trần Hưng Đạo tập 1,2 và tập hát hợp ca trong cái lớp cạnh nhà vệ sinh khai rình, làm mất mấy giờ học. Mình thì có máu phản động nên đi diễn hành bị thầy CBA la trật nhịp, còn tập hát hợp ca thì bị ông thầy dạy nhạc tên Ẩn thì phải, kéo accordeon, kêu hát trật làm quê mấy cục trước đám con gái. Sau này đồng chí gái chỉ mình trên youtube, nói anh hát còn thua ca sĩ Lệ Rơi, Lệ Rớt. Lúc nghe ông ca sĩ nổi tiếng dân cư mạng thì mình mới hiểu lý do vì đồng chí gái bắt mình thề là nếu muốn mụ vợ đăng ký quản lý đời mình thì phải hứa là bỏ ước mơ làm Sơn Đen Idol.

Cái tính này đến nay mình vẫn không chừa, lúc nào cũng không theo nhịp thiên hạ như mấy con đầm quen khi xưa kêu là Anticonformiste. Khi đi diễn hành thì con trai Văn Học bận áo vét màu trắng do thầy CBA mượn ở ty thông tin hay Văn hoá, không có cổ và bận quần đen làm người xem bên đường, kêu giống bồi nhà hàng Chic Shanghai còn con gái thì bận áo dài màu vàng của đoàn văn nghệ Tiên Rồng. Thi hát đồng ca ở trường Bùi Thị Xuân, trường mình về áp chót, có lẻ nhờ vậy mà ngày nay ca sĩ karaoke của Văn Học xuất hiện như nấm mùa thu.

Mỗi sáng thứ hai thì có lệ chào quốc kỳ trước khi vào lớp. Cứ nghe chuông reo thì mọi người nhốn nháo, lăng xăng xếp hàng, con trai thì đứng núp sau con gái. Có một cô học lớp 10, không biết tên. Cứ mỗi lần xếp hàng để làm lễ chào cờ là cô nàng từ đâu cứ xông đến húc nhẹ mình một cái rồi bỏ đi, rồi quay lại nguýt mình một cái rồi kêu tại sao húc người ta rồi cùng mấy cô bạn khác cười khúc khích. Mình thì tính nhát gái, lại bị chửi oan nhưng phải câm miệng, thấy con gái trường Việt dữ quá. Tính sợ đàn bà đến nay còn trầm trọng hơn, khi vợ la thì ngậm họng, khi nào mỏi mồm thì vợ ngưng.

Có lần đang đứng xớ rớ thì thầy CBA kêu lên, đứng trên cái bục xi măng trước văn phòng, cạnh cái cây khá to, làm chim trứng mình chạy lộn xộn. Nhìn xuống thì thấy toàn những con mắt hình viên đạn đồng của đám nữ sinh như thể muốn lột quần áo mình ra. Mình có cảm tưởng như Trần Minh khố chuối đứng chơi vơi "riêng một góc trời". Run quá mình phải hét to như lúc tập Thái cực đạo không ngờ hôm ấy hô rất to. Mấy tên hay trốn chào cờ, đứng dưới đường Hoàng Diệu, chỗ quán bà Cai như Nguyễn Mơ vào lớp hỏi thằng nào hét lúc chào cờ. Thầy Nguyên thì khen được nhưng lần sau đừng có kêu nghỉ vì ai cũng đang đứng ở tư thế nghỉ cả. Từ dạo đó mình hay bị thầy CBA kêu lên để làm lễ thượng kỳ. Mình không biết chiều thứ 6, mấy lớp buổi chiều có làm lễ Hạ kỳ hay không nhưng lễ thượng kỳ vẫn lưu lại cho mình vài kỷ niệm của tuổi học trò.

Trong giờ ra chơi hay buổi sáng trước khi vào lớp, trường hay mở nhạc cho học sinh nghe, thường là nhạc trẻ thịnh hành dạo đó. Nhị Anh và mình hay trao đổi băng nhạc, đở tốn tiền đi sang băng nên lâu lâu mấy cuốn băng nhạc của mình cũng được phát thanh. Ngày nay, tên Nhị Anh làm đài phát thanh Văn Học, bỏ lên những bài hát do chính cựu học sinh diễn đạt hay những phỏng vấn thầy cô, học sinh cũ.

Dạo các lớp làm văn nghệ nên có thâu và phát thanh nhạc do chính học sinh của lớp hát. Hình như bài hát do Nhất Anh hát được mọi người thích nhất, "le temps de l' amour" thì phải và bài "Tóc mai sợi vắn sợi dài" do chị Hường nào lớn hơn mình 2 tuổi, ca sĩ nghiệp dư của đài phát thanh Đàlạt. Ông thần Phạm Minh Cường thì mê cô nào nhưng không dám nói, hay viết thư cho chương trình "Nhạc yêu cầu" của Đài phát thanh Đà Lạt, để tặng các bạn 11B rồi 12A nên mình đoán hắn thích cô nào học chung lớp.
Dạo ấy trong giờ ra chơi hay trước khi vào lớp thì có nhiều đám con trai và con gái tụ 5 tụ 7, trò chuyện trong sân trường thật ra là để gây chú ý cho các đối tượng. Thằng thì cười to, cô thì khúc khích, khúc khắc như ễnh ương gọi đò. Con trai như đám tụi này hay chơi đá kiện, lâu lâu có tên đá trái cầu bay qua hàng rào thì cả đám trớt quớt. Đám học Văn Khoa qua, như Nhị Anh thì chơi bóng bàn. Dạo đó có một nhóm được gọi là con cháu Đại Gia của Đàlạt như Nguyễn Văn Thuận, Châu, Nguyễn Đắc Hớn, nhà bán phân bón cho dân làm vườn ở Phan Đình Phùng, Nguyễn Lương Đô,.. 

Mấy tên này thì ăn bận chải chuốt lắm, đi học bằng xe Honda, hình như nhóm này thích mấy cô thuộc nhóm Người Đẹp Song Pha. Sau này mình mới biết tên Châu Điên, có thời học Yersin, nhà ở đường Hùng Vương, mê người đẹp Song Pha. Có lần tên nào nói chuyện với người trong mộng của hắn nên gây lộn. Ông thần Tài của nhóm mình nhảy vô can thì bị hắn keeu lính 302 đánh khiến ông thần NĐT đi đâu cũng lận trái lựu đạn và khẩu M1 trong người, khoát áo lính phía ngoài. Sau này bố của hắn làm an ninh quân đội, nói với đám 302 nên mới yên.

Cái thú mình thích nhất là đứng trước cửa lớp để ngắm các cô đi lên cầu thang rồi thay nhau bình phẩm hay đặt bí danh cho mấy cô con gái mà năm ngoái khi gặp lại lần đầu sau 40 năm, cả đám cười khi kể lại những mẫu chuyện xưa, có người hỏi tại sao đặt tên tui như vậy thì ông thần Đa bảo hồi nhỏ biết chó gì, nghe người lớn nói sao thì nói lại, để tạo thêm uy tín, nói lên sự hiểu biết, thông thái về phụ nữ trong đám con trai, dù chả biết ấp giáp gì cả. Cứ nổ banh xác như tên Thịnh trong “Ngày Xưa Còn Bé” của Duyên Anh. Cả đám như bò đội nón, đực ra như ngỗng ị, như chó chu mõ khi thấy người ta ngồi ăn, gật gù u chau u châu như vừa khám phá ra một định lý mới về con gái.

Có lần mình thấy Mai Thanh, dân Yersin sang bận váy vào mùa đông, gió lạnh thì một tên người Huế, tên Minh Trí thì phải, nói gió lùa lên như ri chắc lạnh lắm hỉ. Dạo ấy mình có 3 đối tượng học lớp 10 nhưng dần dần chỉ còn lại một. Dạo ấy, hạnh phúc rất đơn sơ, mỗi sáng chỉ cần thấy cô nàng đi lên cầu thang là lòng mình lâng lâng như chiếc máy bay lên thẳng còn khi có tên mất dạy nào léng phéng đứng nói chuyện với đối tượng là mình thấy "nhát chém hư vô, tâm hồn anh rướm máu". Dạo đó chỉ biết thích thôi chớ chả biết yêu đương là gì nhưng những tình cảm ngày ấy nơi sân trường rất ngây ngô, nên thơ như sương mai trong ánh sáng bình minh.

Khi ra về thì có nhiều chuyện khá ngộ nghĩnh. Các Anh Chị nào để ý hay thích nhau, hay lợi dụng cơ hội này để gợi chuyện với nhau. Mình nhớ có bắt gặp một tên 11A, tên Tuấn, cận thị, cao giò, chận đầu Minh Trang mà tụi này đặt tên là Ma Xơ nên cả đám ngạc nhiên và ngưỡng mộ tên này. Ma xơ dạo đó, sang lắm, đi học có tài xế lái chiếc xe Peugeot 504, độc nhất tại Đà Lạt. Con gái nhà giàu mình thấy họ sang trọng quá, cành vàng lá ngọc, sau này gặp lại ở Cali thì cô nàng kể là sáng đi học, xuống xe mà nghe giọng của mấy ông là tôi muốn vãi ra quần. Cô này học ban A, ban Pháp văn nên học chung sinh ngữ với mình. Vào lớp cô nàng ngồi yên, không nói, hay bận áo dài trắng, bận áo len màu đỏ, màu rượu chát. Nói cho ngay thì dạo đó cũng chưa biết phân biệt giàu nghèo, thích nhau tuỳ đối tượng chớ chưa biết Hot Boy, Hot Girl,… sau này, mình sang Hoa Kỳ thăm đối tượng một thời ở Cali, có ghé lại nhà thăm. Ra về đối tượng mình kêu “bạn anh sao giống bạn má em.” Lấy chồng sớm, thêm chồng lớn tuổi nên phải bối tóc kiểu bà Phán Xuân Tóc Đỏ.
Cổng chùa Linh Sơn ở đường Hàm Nghi
Khi mình đi lấy vợ, cô bạn này và phu quân đại diện nhà trai đi hỏi vợ cho mình. Cô nàng kêu đừng có giới thiệu tôi là mẹ anh nhé. Sau đám hỏi thì cô nàng mất tích. Một hôm mình đi ăn cưới con một người quen thì thấy trên sân khấu, có một ca sĩ loại sồn sồn nên hỏi mụ vợ, bà ca sĩ này trông thấy quen quen. Đồng chí gái kêu bạn anh chớ ai. Hoá ra cô bạn học khi xưa, nay là ca sĩ nghiệp dư, chuyên hát cho đám cưới. Mình chỉ nhớ qua ngục tù ký ức còn đời thường thì chịu. He he he

Lớp 11C có một chị tên Hiền thì phải, dân xứ nào đến ở trọ đường Hàm Nghi, cạnh nhà trọ của Trịnh Ngọc Dũng, gốc Phan Rang, rất xinh hình như lớn tuổi hơn mình. Học chung sinh ngữ với mình. Mỗi lần tan lớp thì mình hay thấy cô nàng đứng sớ rớ ở ngay cái cổng trước cầu thang cấp xuống đường, rồi hỏi mình mấy câu vớ vẫn rồi đi chung với mình và Phạm Thành Nguyên xuống đường Hai Bà Trưng đến ngã ba Cẩm Đô thì mình để anh chàng Nguyên tiếp tục với cô nàng đi qua Phan Đình Phùng còn mình thì thẳng tiến đường Hai Bà Trưng mà về vì đói. Mỗi sáng, mấy anh em đều có phần ăn sáng nhưng mình thường nhường phần của mình cho hai thằng em ăn thêm nên cứ tới 11 giờ là bụng mình đói cho nên giờ cuối là thầy giảng thầy nghe, mình chỉ nghe cái bụng của mình kêu sồn sột. Sau này lên lớp 12 thì cô này biến mất. Năm 12, một số đông học sinh chuyển trường sang Việt Anh để học với ba ông thầy Viêm, Bình và Bào.

Thời học trò có bài thơ "ngày xưa Hoàng Thị" của ông Phạm Thiên Thư được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc tiêu biểu cho những tình cảm của học sinh thời đó. Mình chỉ biết đi học về, trời mưa, đường Hai Bà Trưng dạo ấy đang làm ống nước mới nên bùn đất đỏ đầy. Đi học về mình phải lê đôi dép để bùn khỏi bắn lên phía sau ống quần nên ít thấy hình ảnh Hoàng Thị Ngọ. Trong lớp có một chị tên Lê Thị Ngọ hay bị bà con chọc, hát bản này.

Đúng ra thì thời đó nghe bài này mình cũng không hiểu ý của lời, chỉ nghe Ngọ thì tưởng là Ngõ. Em tan trường về, Anh theo "ngõ" về, con đường, lối hẻm chi đó như mình chạy xe Honda đi ngắm gái, thật ra chỉ liếc thôi chớ không dám nhìn. Sau này có dịp đọc bài Thơ của ông Phạm Thiên Thư mới hiểu ông này ngày xưa mê cô nào tên Hoàng thị Ngọ, chắc sinh năm con ngựa nên thầy bu đặt cho cái tên cúng cơm rất ư là chất phát, lý lịch 3 đời nông dân. Ông ta hay lẻo đẽo sau cô này khi đi học về.

Có lần tan lớp, mình thấy đối tượng của mình đứng sớ rớ ở cổng trường, nói nhanh cho mình nghe là 2 giờ, ghé lại nhà cô nàng rồi lẫn đi với mấy cô bạn khác. Thằng Nguyên nhìn mình sửng sờ trong khi mình như ngây dại chả biết có thật hay không nhưng cảm động, hạnh phúc tràn trề, nghe lòng say say. Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ, đúng giờ hẹn mình chạy xe đến nhà cô nàng. Vừa ngừng xe là đã thấy cô nàng từ trong nhà, mở cửa bay ra, leo lên yên xe mình rồi kêu chạy mau trong lúc đó thì ông bố của cô nàng cũng từ trong nhà lao ra, la hét cái gì như tính chụp cô nàng lại, may thay cái xe mình hôm ấy chịu khó dọt nhanh. Mình tái mặt chả hiểu đầu đuôi gì cả còn cô nàng thì "nói chi cũng thừa". Từ đó mình cạch đến già, không dám đến đón nữa, chỉ dám đưa về thôi.

Cô nàng hỏi nghe nói mình học giỏi lắm rồi nhờ giải toán dùm. Mình đoán là tên Tuấn, ở xóm Thi Sách, làm CM30, điềm chỉ, báo cáo vì hắn chơi thân với anh cô bạn của đối tượng ở đường Calmette. Mình không nhớ tên, hình như Lê Thanh Hải thì phải, có đến nhà một hai lần, ngay dưới chân đồi của nhà thờ Domaine de Marie. Mình thầm cám ơn hắn, nghe người đẹp khen mình giỏi toán thì cũng nức nở lắm. Sướng rêm mé đìu hiu!

Năm Seconde, mình có học Tân toán học nên dùng matrix để giải mấy phương trình. Khi bị thầy Lý Công Thuận kêu mình lên bảng để giải thì mình dùng matrix giải rất nhanh, trong khi học sinh chương trình Việt chưa bao giờ học đến, có lẻ vì vậy thiên hạ đồn mình giỏi toán. Dạo đó đâu dám nói cho ai biết, cứ làm thiên tài toán học. Mình lại ngu giải toán dùm cho cô nàng lại dùng Matrix nên chắc cô nàng không được điểm cao nhưng chả bao giờ nghe nói gì cả. Hay chỉ là cái cớ để sang nhà mình để nói dăm ba câu? Mình không dại gì mà thanh minh, nay ngồi nhớ lại vẫn còn sướng mê tơi. Đó lần đầu tiên trong đời mình được nghe khen mình học giỏi. Đa phần bạn bè đều kêu mình là ngu lâu dốt bền.

Năm 12, năm cuối của trung học, nhóm chơi chung của bọn mình có tổ chức đi picnic ở thung lũng tình yêu, đi lạc quyên cứu trợ nạn nhân lũ lụt, đi Phan Rang... Mỗi thằng rủ đối tượng của mình, mượn xe hơi của ông già chở nhau đi chơi mặc dù không tên nào có bằng lái xe. Có lần đi Thung Lũng Tình Yêu, mình khám phá ra bộ da của rắn khá dài nên không dám rước em lên đồi cỏ hoang ngập lối như Hùng Con Cua còn tên Đa, xớn xác ra sao, đạp bể cái kính cận của mình. Khi về mình lái xe, mắt thấy mắt mờ.

Dạo đó con trai con gái thích nhau chớ chưa có biết yêu đương là gì, Mai Thanh gọi Les Amourettes hay tình bạn giữa copains, copines của thời mới lớn. Mình nhớ có lần bị mấy cô con gái chửi. Sau vụ tổ chức Văn Nghệ, bán chè thì có lời nên hai lớp 12B và 12C rũ nhau đi picnic. Mình không dám chạy Honda sợ để trên đèo bị mất cắp nên cuốc bộ từ Hai Bà Trưng xuống thác Datanla. Lúc leo đồi vượt suối thì mình ra vẻ galant, đứng lại đưa tay cho mấy cô nắm để kéo lên. Đến phiên đối tượng thì mình nắm tay đi luôn làm mấy cô đi phía sau, chửi thằng Sơn đen cà chớn. Được nắm tay người đẹp thì chả ngại tiếng chửi của mấy cô không đẹp bằng. Mấy ngày sau, không dám rữa tay, sợ hơi thơm của đối tượng bay đi. Lâu lâu đưa bàn tay lên hít hít hà hà như chó ngữi mùi kít mới. He he he

Hai lần về thăm Đàlạt gần đây, mình có gặp lại cô nàng. Trên 6 bó mà vẫn còn đẹp. Như chị Lệ Lý Hayslip nói: khi xưa chị đẹp gái nay chị đẹp lão”. Hạnh phúc bên chồng, đại gia nên cũng mừng cho cô nàng, có con ở Cali. Có gặp lại vài người bạn học khi xưa, giúp những kỷ niệm của thời học sinh từ từ được khơi lại những tia nắng ban mai của tuổi học trò trên sân trường dạo ấy.
Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 
Sơn đen

Couvent des Oiseaux

Có ông thần nào tình cờ đọc được vài bài mình viết về Đàlạt, yêu cầu mình viết thêm về Đàlạt như Couvent des Oiseaux, đường Huyền Trân Công Chúa,… khiến mình buồn cười vì mình không có nhiều kỷ niệm của thời mới lớn về những địa danh hay trường học này. Có lẻ ông thần này khi xưa, mết cô nào ở trường này nên muốn tìm lại hương xưa của ký ức. Mình có anh bạn Đà Lạt xưa, lấy vợ học Couvent des Oiseaux, hỏi mình sao khi xưa không biết chị ta khiến mình như bò đội nón. Có nhiều người dân Đà Lạt khi xưa, lâu lâu gửi cho mình tấm ảnh rồi hỏi biết ai đây? Làm sao mình biết được.
Mình có anh bạn học xưa, đi du học sau mình hai tháng. Anh ta khắc khoải, trăn trở về Việt Nam, Đàlạt, quê hương. Cứ có hình ảnh tin tức gì về Đàlạt là gửi cho bạn bè như người đi nhặt lá bàn. Năm nay, anh chàng cùng vợ con bay về Việt Nam thăm lần đầu, thực hiện chuyến Từ Thức thăm quê. Từ dạo ấy, không còn thấy gửi tin tức, hình ảnh về Việt Nam. Chán Mớ Đời
Mình đọc sách báo về kinh tế, lịch sử nhiều nên đầu óc lùng bùng về mấy chuyện này hơn là ký ức thiên hạ hay Đàlạt. Hôm trước nói chuyện với một anh bạn học cũ từ tiểu học, anh chàng kêu mày viết thêm về Đàlạt, đọc cho sướng. Mấy vụ mình kể về lịch sử, văn hoá thì có lẻ chỉ có vài người đọc như thầy An, Cô Liên dạy mình việt văn và vài người trăn trở về quê hương Việt Nam, tự hỏi về bản thể của chính mình, mới đọc thay vì nhấn delete.
Cứ lâu lâu mình gửi bài mình viết về đề tài nào cho thầy An là mấy ngày sau, thấy PMC gửi imeo vài bài của thầy như để phản biện lại bài của mình. Rất vui là ngày nay có người thầy vẫn rà rà tư tưởng phản động của mình. Mình phản bác về Nho Giáo, thầy lại phản biện với những lý luận vững chắc để bảo vệ ông Khổng Khâu. Kêu sợ mình và bạn bè ở hải ngoại mất đi tố chất Việt, lại khiến mình lại lung bung lùng bùng về tố chất Việt là gì.
Gặp lại thầy, mình kể là vàng nay lên trên $2,000 một lạng nên có nói với đồng chí gái là nếu biết vậy, anh cứ giữ gìn cái 1000 vàng ấy, giờ có thể bán cho thiên hạ, được trên 2 triệu đô, cho em về hưu trí. Thầy lại tát vào mặt, kêu thằng này vẫn còn tố chất Việt. Chắc là biết Nổ banh trời. He he he
Hồi nhỏ, mình học Petit Lycée ở đường Hùng Vương vào buổi chiều, từ 2 giờ đến 6 giờ chiều. Buổi sáng, thay vì được rong chơi, bà cụ sợ mình phá làng phá xóm nên ghi danh cho mình học trường Thanh Ngọc, ở đường Huyền Trân Công Chúa, đi vào ấp Du Sinh, xa hơn trường Couvent des Oiseaux một tí. Lớn lên mình không vào khu này vì nghe nói có Việt Cộng nằm vùng.
Có dạo Việt Cộng nằm vùng tấn công Trung Tâm Thẩm Vấn để giải thoát các đồng chí của họ nhưng bị bắn chết khá nhiều. Mình chỉ thấy vài xác chết, nằm la liệt trên đường, ruồi bu đen nghẹt nên cũng không dám đi xa xa thành phố.
Xe trường Thanh Ngọc màu vàng (trường này có hai chiếc xe van, một màu xanh và một màu vàng để chở học sinh tuỳ vùng ở Đàlạt) đón mình ở đường Hai Bà trưng, chạy lên đường Hùng Vương rồi chạy đường Huyền Trân Công Chúa, bên phải có một dãy hàng rào bao bọc khu đất đầy cây thông, gần cuối đầu dốc thì có con đường nhỏ rẽ vào trường Couvent des Oiseaux. Mình chưa bao giờ vô đây cả và cũng không quen cô nào học trường này dạo ấy. Thời ấy nhát gái chết nên đâu dám nhìn gái.
Về Đàlạt, gặp một tên học chung khi xưa ở Văn Học, kể là hắn từng làm hiệu trưởng trường Nội Trú người Dân Tộc, trưng dụng khuôn viên của trường Couvent des Oiseaux xưa. Trước đây giáo dục thiếu nữ Đầm, Cam Bốt, Lào, Mít nay thì người dân tộc. Trường này có cái huông huấn luyện người ngoại quốc.
Đọc tài liệu Tây thì được biết là giai cấp thượng lưu thời ấy ở Đông Dương đều cho con gái mình đến đây học, vừa nội trú và ngoại trú. 2/3 là gốc Pháp. Sau 1975, Việt Cộng chiếm thành phố, mấy bà sơ người Pháp bị đuổi về nước, còn vài người thì được cho ở lại, nghe đâu có 4 nữ tu, cai quản chu vi độ 1 mẩu thay vì 12 mẩu khi xưa do bà Nam Phương Hoàng Hậu tặng.
Trường này được thành lập năm 1939, dưới sự tài trợ của Nam Phương Hoàng Hậu, vợ đầu của ông vua Bảo Đại. Bà này có cái tên pháp, tên thánh là Marie Thérèse, con gái của ông Nguyễn Hữu Hào, nghe nói giàu nhất miền nam. Ở vùng chạy vào Cam Ly, gần trường Couvent des Oiseaux, có cái lăng của ông ta, leo lên nghe đâu 100 bậc thang cấp mới đến. Mình có leo lên một hai lần lên tới cái lăng nhưng thở như trâu. Lớn lên cũng không dám vào khu này, sợ Việt Cộng nằm vùng.
Nam Kỳ dạo ấy thuộc L’ Union Française, nên người giàu có đều có quốc tịch pháp như ông tướng Trần Văn Đôn kể là ông ta có quốc tịch Tây, đi lính tây. Bà Nam Phương Hoàng Hậu, người công giáo, cháu ngoại của ông Lê phát Đạt, thường được gọi là Huyện Sỹ, 1 trong những 4 người giàu nhất Nam Kỳ thời xưa. Có lẻ có quốc tịch pháp nên có tên là Jeanne Mariette Nguyễn Hữu Hào. Sau này làm hoàng hậu, lấy quốc tịch Việt Nam nên mới có tên là Marie Thérèse Nguyễn Thị Hữu Lan. Đọc tài liệu tây thì họ chỉ kêu tên Tây, không nói đến Hữu Lan. Cuộc đời bà hoàng hậu cuối cùng của triều Nguyễn khá đặc biệt. Năm 20-21 tuổi mà đã nghĩ đến mở trường dạy phụ nữ là quá giỏi. Chỉ tiếc là lịch sử lộn xộn nên bà ta không có cơ hội để đóng góp vào xã hội Việt Nam nhiều vì sau 1945, là phải về Pháp lại. Có dịp mình kể. Mình có đọc một bài viết của anh nào ở gần Lyon, có đi viếng thăm ngôi mộ của bà ta.
Bà Nam Phương du học ở Pháp quốc năm lên 12 tuổi, đậu tú tài xong về Việt Nam rồi lấy vua Bảo Đại dưới sự bảo trợ của chính quyền thực dân. Một cuộc hôn nhân vì chính trị và kinh tế hơn là tình yêu.
Khi du học tại Paris, bà Nam Phương học tại trường Couvent des Oiseaux, đường Ponthieu. Sau này về nước, bà ta vẫn nhớ đến cách giáo dục của các sơ. Trường của dòng tu Couvent des Oiseaux này được thành lập tại Pháp quốc từ năm 1598 tại vùng Lorraine, Nancy sau đó mới khai giảng chi nhánh tại Paris vào đầu thế kỷ 19.
Thiên chúa giáo có nhiều dòng tên, nói lên sự khác biệt mục tiêu của mỗi nhà dòng làm kẻ thừa sai của Thiên Chúa. Dòng nữ tu Saint Augustin tương tự dòng Lasan, jesuite,.. thiên về giáo dục giới trẻ. Mình có chị bạn kể khi xưa học Couvent des Oiseaux, được các sơ dạy cho thêu vá,…nữ công gia chánh nên ngày nay nhớ ơn.
Có lẻ vì vậy mà bà Nam Phương Hoàng Hậu, khi lập gia đình, đã dành miến đất 12 mẫu ở Đàlạt, xây dựng cơ sở giáo dục đầu tiên tại Đàlạt cho các thiếu nữ gốc Pháp, Việt, Lào và Miên. Đa số là con nhà khá giả mới vào nội trú ở dòng tu này. Năm 1935, 12 nữ tu của dòng Saint Augustin từ Pháp quốc sang Việt Nam để giảng dạy trường này được gọi là Couvent Notre Dame de Lang Bian tại Đàlạt, người ta quen gọi Couvent des Oiseaux. Dân Đàlạt thì gọi Ku Văng cho gọn.
Có bà Kim Lefévre ở Pháp, có viết cuốn sách “ Métisse Blanche” kể về cuộc đời bà ta, người Việt lai Pháp, không được người Việt chấp nhận tương tự người Pháp tại Việt Nam. Có kể về những năm học tại trường Couvent des Oiseaux, ở nội trú ở đây. Ai muốn biết thêm về đời nội trú ở Couvent des Oiseaux, nên đọc cuốn sách bà này. Mình nhớ khi xưa, hàng xóm có bà Hai. Bà này có bà bạn ở Sàigòn, có đứa con gái học nội trú, tên Hồng ở Couvent des Oiseaux, lớn hơn mình độ 4-5 tuổi. Lâu lâu đến ngày sortie, đem về nhà hay gia đình từ Sàigòn lên thăm, đi xe hơi Simca, dạo ấy Đàlạt có rất ít xe hơi. Thấy họ sang chi lạ lùng.
Hoá ra trường Couvent des Oiseaux là trường đầu tiên được thành lập tại Đàlạt năm 1935. Có lẻ khi xưa, Đàlạt được xem là Hoàng Triều Cương Thổ nên không ai được xây cất hay là đất tư, lại ít dân chỉ có dân giàu có hay tây đầm mới đi học. Trường Grand lycée phải đợi đến năm 1941 mới khai trương.
Đến năm 1945, trường Couvent des Oiseaux này dạy đến 300 nữ sinh, học sinh người Pháp chiếm 2/3. Đa số là con của công chức người Pháp, người Việt, người Lào, người Miên, nói chung là con nhà quyền quý dưới thời bảo hộ của pháp.
Mình có anh bạn học chung khi xưa, lấy vợ học Couvent des Oiseaux. Cô này kể khi xưa đi học bị mấy bà sơ la, cấm không được thoa son má hồng. Cô này là gái Đàlạt chính gốc, da trắng má hồng, kêu bị la vô cớ. Có lẻ bị mấy bà sơ huấn luyện kỹ lưỡng nên cô vợ la mình, khi xưa biết hai cô hàng xóm của cô nàng mà lại không biết đến cô nàng. Cô này thuộc dạng đẹp nức nở của Couvent des Oiseaux ngày xưa. Chán Mớ Đời
Theo tài liệu của tây thì trường Couvent des Oiseaux, chuyên dạy về công dung ngôn hạnh cho các cô thiếu nữ. Khi cô gái Marie Thérèse Nguyễn Hữu Hào, gặp vua Bảo Đại tại khách sạn Palace Đàlạt. Cô này không muốn đi dự nhưng ông chú hay cậu kêu đi nên cô ta chỉ trang điểm sơ sài, bận cái áo đầm dài nhẹ nhàng, tính đến cho có lệ rồi về.
Khi được giới thiệu trước ông Bảo đại, cô ta quỳ một gối như đã được dạy ở trường bà sơ bên Tây, kêu Sa Majesté, khiến ông Bảo Đại thích, mời ra nhảy Tango. Ông Bảo Đại kể trong cuốn sách Le Dragon D’ Annam, cho rằng ông ta thấy nét đẹp miền nam và phong thái rất Tây phương qua cô gái tây học này. Sau này ông ta phong hoàng hậu với tên Nam Phương, Nam để nói về cô gái miền Nam, Phương là phong thái Tây Phương.
Năm 1937, ở Hà Nội có trường Notre Dame du Rosaire được khai trương đến năm 1950 thì Sàigòn mở cửa trường Régina Mundi của mấy nữ tu.
Trường được giảng dạy bằng pháp ngữ đến năm 1970. Ông Nguyễn Cao Kỳ sang âu châu, tuyên bố bằng tiếng Anh, Hitler là một nhà lãnh đạo tài giỏi khiến báo chí tây phương ném đá khiến ông giận nên ra lệnh đóng trường tây. Lớp của mình được xem là năm cuối được giảng dạy bằng pháp ngữ. Mấy lớp sau đó như em mình thì học được đổi sang chương trình Việt, đổi tên trường Hùng Vương. Sau này mình mới biết là có một số nhỏ, lớp dưới vẫn còn theo học chương trình pháp, có người về Sàigòn học tiếp.
Năm 1975, khi Việt Cộng vào thì mấy nữ tu không được dạy nữa, trường được giải phóng và mấy nữ tu người Pháp bị buộc trở về Pháp quốc.
Con đường từ đường Hùng Vương chạy về phía ấp Du Sinh có cái tên là Huyền Trân Công Chúa, dẫn đến trường Couvent des Oiseaux. Ngày nay, đường này rất tấp nập. Khi xưa hai bên đường chỉ toàn là hoa Dã Quỳ, nay nhường lại cho hàng quán, nhà cửa và cửa tiệm. Mình có một tên bạn học cũ, có tiệm miến gà rất nổi tiếng ở đường này. Khi đến tìm thì đóng cửa, chỉ mở vào ban đêm. Ở đường này có nhiều tiệm bán nhang đèn, hòm vì gần nghĩa địa Du Sinh. Mọi lần về thăm nhà đều đi qua đây để viếng thắp hương mộ của người trong gia đình. Nay thì gia đình dời mấy cái mộ về Trại Hầm nên không có dịp đi lại nữa.
Huyền Trân công chúa là con gái của vua Trần Nhân Tông, được nhà vua gả cho vua xứ Chiêm Thành là Chế Mân để đổi lấy 2 châu Ô và Lý, nghe giải thích khu vực từ đèo Hải Vân đến Quảng Trị ngày nay. Lấy chồng được đâu hơn 1 năm thì ông vua xứ Chiêm lăn đùng ra chết.
Theo sử gia Ngô Sĩ Liên kể nhà vua sợ công chúa sẽ bị lên dàn hoả với chồng nên sai Trần Khắc Chung sang xứ Chiêm, tìm cách đem công chúa về. Hồi nhỏ nghe kể thì biết vậy, lớn lên thì đọc lại vừa quy nạp vừa suy diễn thì thấy không đúng.
Lên dàn hoả thì theo đạo hồi giáo thì phải chôn người chết trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Điệp viên của vua Trần, có thả chim bồ câu cho vua Trần thì khi Trần Khắc Chung sang thì đã quá trễ, dù có phi ngựa suốt đêm cũng trễ đám tang hoả thiêu. Công chúa Huyền Trân không phải là chánh phi, trên nguyên tắc không được chôn theo vua Chế Mân. Có câu ca dao mà mình được học hồi bé:
Tiếc thay cây quế giữa rừng
Để cho thằng Mán thằng Mường nó leo
Mình tin tưởng là công chúa lấy dân cà chớn, ai ngờ lớn lên đi Phan Rang, viếng được mấy di tích lịch sử của người Chàm, hoá ra họ văn minh hơn mình tương tự dân Cam Bốt có Đế Thiên Đế Thích. Người Việt cứ tự xem là cha thiên hạ, cứ tự cho mình là thông minh nhất thiên hạ nhưng cái số không giàu. Đổ lỗi cho tướng số tử vi hay người Tàu ấn mấy cây cột đồng, đủ trò.
Thấy ông Lê hUy Cầm tải tấm ảnh này, chỗ cây xăng Ngọc Hiệp, trước kia là rạp hát LangBiang, bị cháy. Chỗ mấy tấm bạt có quán mỹ quảng của ông bắc kỳ đi vào hẻm tỏng, có chiếc cầu nhỏ đi băng qua con suối lên đường Hai Bà Trưng. Còn căn phố 3 tầng là tiệm Đức Lập, hàng xóm mình ở Cali.
Họ bú xua la mua là ông Trần Khắc Chung và công chúa ngủ với nhau. Cũng có thể nhưng nghe nói là đi đường biển mất gần 18 tháng thì hơi lạ. Ông Trần Khắc Chung đến Chiêm Thành rất nhanh mà đi về thì lại lâu. Mình đoán là lịch sử được bựa ra để dèm pha ông Trần Khắc Chung rồi mấy ông thi sĩ chế thêm, lãng mạn hoá chuyện này. Hay muốn nói vua Trần khôn lanh, khi không được miễn phí 2 châu Ô Lý, gả con gái rồi lấy lại hay người bất tín, hứa rồi lấy lại. Về đối ngoại, trong ngành ngoại giao thì ai tin mình nữa, thậm chí cho dân quan ngày xưa, biết lòng vua như vậy thì không nên đứng gần, lạng quạng bị giết như chơi.
Mình so sánh chương trình dạy lịch sử mà mấy đứa con mình học ở trung học và chương trình dạy lịch sử tại trường võ bị Westpoint thì rất khác, 1000% nên từ đó mình không tin vào những gì báo chí viết. Những gì mình được nghe đều được bựa ra cho hợp lý.
Đi học về thương lượng đàm phán thì người ta dạy phải hỏi cho ra lẻ. Người bán nhà luôn luôn che dấu lý do chính mà họ muốn bán căn nhà. Họ luôn luôn đưa ra một lý do khả tín nên cần phải hỏi nhẹ nhàng để hiểu lý do để thương lượng, tìm thêm tài liệu để đọc.
Chiến tranh Việt Nam, mình tìm đọc tài liệu giải mã sau mấy chục năm thì cho thấy sự việc không như báo chí mỹ tường thuật. Nó liên quan đến các lý do khác như ông Truman được cài lên làm phó tổng thống thay vì ông Henry A. Wallace, phó tổng thống thứ 33 với hai nhiệm kỳ với FDR.
Phải tìm đủ nguồn thông tin để suy diễn vấn đề cho chính xác hơn. Nói láo lâu ngày trở thành sự thật.
Xong Om
Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 
Nguyễn Hoàng Sơn 

PTSD

Hôm trước, ở Cali có ông thần nào vào quán rượu, lấy súng bắn khách tiêu dùng khiến cả tá lăn đùng ra chết, được dịp nhóm chống đối sở hữu súng ống có dịp lên tiếng, kêu gọi kiểm soát súng ống như mọi lần, phản lại tu chính án của Hoa Kỳ. Chỉ tiếc là có đám cháy rừng giết cả trăm người thêm mấy trăm người mất tích nên vụ giết người tập thể này bị lãng quên nhanh. Đó là trò chơi dân chủ tại Hoa Kỳ.
Theo thống kê, hàng năm tại Hoa Kỳ có độ 13,000 chết vì súng ống giết nhau trong khi chết vì uống rượu gấp 5 lần nhưng không thấy ai kêu gọi, kiểm soát hay cấm bán rượu. Người ta quyết định dựa theo tâm lý, cảm xúc thay vì nhìn thống kê. Nếu cấm uống rượu thì chắc có nhiều nạn giết người tập thể hơn nên có lẻ vì vậy cứ cho thiên hạ chết vì rượu, vừa được thuế vừa được giảm các cuộc giết người.
Báo chí nói tên bắn chết 12 mạng người và làm 15 người khác bị thương, là một cựu quân nhân, thủy quân lục chiến, bị bệnh PTSD (Post Traumatic Stress Disorder ). Một căn bệnh tâm lý khi người ta trải qua hay chứng kiến một sự việc hãi hùng, lưu lại những vết thương tâm lý sau này. Theo thống kê của bộ quốc phòng Hoa Kỳ, mỗi ngày có 20 cựu chiến binh tự tử, xem như 7,300 người mỗi năm. Uỷ ban bầu cử của ông Trump, muốn kiếm phiếu với các gia đình binh lính nên hô hào sẽ giúp đỡ các cựu chiến binh, đang bị bệnh dịch tìm cái chết sau khi rời quân ngủ.

Phở Tái = Phá Thai

Cuối tuần này, bên dòng họ vợ thay phiên nhau kỵ mấy ông bà nên hai ngày qua, đi qua đi lại mấy nhà bà con, ăn giỗ mệt thở. Khi xưa thì ông mất trước thì con cháu kỵ ôn gthooi, nay bà mất thì con cháu không có thì giờ nhiều như ở Việt Nam nên kỵ chung Ông Bà một ngày cho gọn, giúp con cháu khỏi phải lo nhiều, gọi là Hiệp Kỵ.
Mình thấy cô cháu của đồng chí gái, con gái của một người chị họ, gọi là chị em bạn dì, cháu ngoại của người dì ruột của đồng chí gái. Mỗi năm kỵ đến là cô ta (trên 50 tuổi) nấu kem Flan đem lại sớm để cúng Ôn Mệ, rồi đi làm vì chủ nhật là ngày hái ra tiền, cô ta làm đinh (nail).
Mình thấy cái hay bên vợ là mấy chị em bạn Dì rất quý mến nhau, năng lui tới ngày kỵ hay Tết, tuy đã ra khỏi Việt Nam từ lâu. Đó là cái quý nhất là tình họ tộc.
Bà ngoại đồng chí gái có 5 người con gái và một người con trai út. Ông ngoại dòng Tôn Thất, làm quan nhưng chết sớm. Mình bà ngoại nuôi mấy người con, cho ăn học rồi gả chồng sớm, có người mới lên 16 đã đi lấy chồng, sinh ra 14 người con. Ông chồng làm công chức cho toà khâm rồi giới thiệu mấy người em vợ cho bạn đồng nghiệp do đó mấy gia đình rất thân nhau, qua lại từ xưa đến khi sang Hoa Kỳ. Đa số đều sinh sống tại Cali nên khi có đám cưới, kỵ giỗ thì bà con đến đông như quân Nguyên trong khi bên mình chỉ có mình làm Don Quichotte. Bên gia đình vợ thì đồng chí gái lãnh vụ kỵ giỗ dù là gái út. Mấy ông anh thì cứ đùn cho cô em út vì quyền huynh thế phụ.

Một thời quen nhau

Nhớ lúc mới sang trường Văn Học, là ma mới nên mình lo ngại nhưng may trong lớp có mấy tên ở gần xóm, hồi nhỏ hay chơi đánh đáo, bắn bi với nhau như Nguyễn Anh Tuấn, Huỳnh Kim Sang, Phạm Anh Tuấn nên đỡ lo. Thằng Sang rũ mình ngồi bên cạnh nó được vài tháng thì sau mùa hè Đỏ Lửa, nó bị đôn quân vì sinh 1955, tuổi Dê. Nó, Tuấn Mập và vài tên trong lớp phải lên đường nhập ngũ và từ đó chưa bao giờ gặp lại.

Mỗi chiều sau ăn cơm trưa, mình, Sang và Tuấn đèo nhau ra sân vận động đá banh với đám Kho Bạc. Xe Honda bị cấm chở 3, nếu bị cảnh sát thổi lại thì bị phạt nên cứ đến chỗ trường Việt Anh là một thằng nhảy xuống đi bộ qua đường Cường Để rồi lên xe chạy tiếp.

Chơi với tên Sang thì mình được hắn bồi dưỡng nghiệp vụ chức năng ngắm con gái. Hắn rủ mình lên nhà một cô học chung lớp ở đường Thủ Khoa Huân, có thêm 1 cô khác cũng học cùng lớp chịu đèn một tên khác, học 11 A. 2 cặp này chuyên viết thư cho nhau mà gần đây mình nghe tin một trong 2 cô là vợ của một tên mình quen khi xưa.

Một hôm đang học bài sau cơm chiều thì mình nghe cái cạch ở cửa sổ của phòng mình. Khi nào muốn rũ mình đi chơi, đám bạn dùng hòn đá nhỏ, quăn vào cái volet của cửa sổ phòng mình, làm tín hiệu để mình chạy ra sau nhà gặp chúng. Mình chạy ra mái hiên sau nhà thì thấy thằng Sang đứng đó. Nó có bộ mặt rất quan trọng, thều thào bảo bọn con gái bầu mày là đẹp trai hạng thứ 6 trong lớp. Mình nghe đến sướng rêm mé đìu hiu rồi hỏi còn ai được chọn thì nó nói thằng Nhị Anh đoạt giải nhất, sau đó là Võ Hoàng Đa, đến Hùng Con Cua, Trí rồi thằng Bình Minh.
Cả đời mình, con gái gặp mình là tránh như hủi nhất là đám hàng xóm, phơi áo quần nơi dây kẽm sau nhà đều bị mình lấy cái cây khoèo xuống đất mỗi khi đi băng qua nhà họ vì người lớn dặn không được đi dưới quần áo đàn bà, sẽ làm mình học ngu. Bổng nhiên thằng Sang báo tin được đám con gái chấm hạng 6 nên thấy sướng mệt thở. Vô nhà, hết học bài được, leo lên giường cứ lăn qua lăn về làm khổ mấy thằng em. 3 anh em ngủ chung giường nhưng giường nhỏ nên mình nằm phía trên còn hai thằng em, nằm phía dưới, quay đầu lại như cá mòi trong hộp. Chân mình dài hơn nên quay qua lại là trúng mặt một trong hai thằng em. Mình mong sao cho chóng sáng để chạy vào phòng ông bà cụ để soi gương. Nhà mình chỉ có độc nhất một cái gương nơi cánh cửa tủ quần áo của ông bà cụ. Gần bể nước thì có cái lavabo để cả nhà đánh răng, rữa mặt, có cái gương thời Bảo Đại, bị vàng ố, đen nhám không thể phản ánh được cái mặt khôi ngô tuấn tú của Sơn đen, chàng trai nước Việt, đệ lục Hot Boy của 11B.
Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen. Nhiều ngừoi học chung trường khi xưa xem hình này, không nhận ra mình. Chán Mớ Đời  
Dạo đó, tiêu chuẩn Hot Boy là đẹp trai và học giỏi. Con trai con gái chỉ để ý nhau thôi chớ chả biết yêu đương là cái giống gì cả. Thích thích ai thì tự cho là đối tượng của lòng mình ngoài ra đâu có biết cái gì. Tiêu chuẩn con nhà giàu thì mình không biết vì dạo đó thì đi học, nói chung ai cũng có hai bộ đồ để thay chớ không như con mình ngày nay phải chơi hàng hiệu, chê vợ chồng mình không hiểu gì về thời trang. Tên Bình Minh thì chắc là đẹp trai vì thấy hắn cứ đi may quần áo ở tiệm của hai tên Sơn và Tánh gần nhà. Lúc nào cũng thấy hắn ăn bận chải chuốt, quần ủi thẳng li, tóc thì chơi Brilliantine, mang giày vớ đàng hoàng trong khi mình thì thuộc trường phái cha truyền con nối, bận áo quần cũ của ông cụ, không có dây nịt phải lấy sợ dây dừa, sỏ vào rồi cột lại, lấy cái lính khoác ở ngoài, mang dép đi học.

Thằng Đa thì ăn nói rất lém, cãi tay đôi với gái. Hắn tập tạ với tên Trần Thiện Tân nên hai tên này lúc nào cũng bận áo ngắn, bó thân dù trời lạnh để khoe thân hình vạm vỡ của chàng Vọi, không như cả đám học sinh trong lớp, toàn gầy như mắm cá lòng tong. Nhiều khi bị thầy kêu lên bảng là cứ đứng đực ra, gồng gồng cái dorso. Hùng Con Cua thì học trung bình nhưng được cái là biết đánh trống. Dạo đó biết đánh đàn vài bản hay chơi được bản Romance cổ điển là cưa gái đổ như rạ mà hắn lại biết chơi trống, đeo cái gương đen to đùng. Thằng Đa hay kêu cái mặt thằng này khi đánh trống, hất hàm lên trông đểu đểu như Khương Đại Vệ. Nếu mình không lầm thì có lần LTN, có hỏi mình về tên này nhưng hắn thuộc loài hoa đã có chủ nên mình không muốn nó dây dưa thêm.
Con dường hải Thượng, nơi các học sinh Văn Học và Việt Anh đi qua đi lại rất nhiều mỗi ngày.
Nói đến đánh đàn, dạo ấy mình cũng lò mò đi học đàn ở đường Tăng Bạt Hổ với ông thầy đàn người Bắc. Trong đám học sinh có cô hàng xóm Thanh Tịnh theo học Hạ Uy Cầm và thằng Hùng, con Lưu Hội Ký, góc đường Nguyễn Biểu và Tăng Bạt Hổ, học Guita, sau này hắn đánh đàn cho đài phát thanh Đà Lạt rồi biến mất, chắc đi lính vì sinh 55.

Mình học được một tháng thì bỏ vì ông thầy lắc lắc cái đầu rồi chép miệng, bảo tướng anh chỉ chơi đàn bà chớ ngoài ra chả chơi đàn nào được cả, khiến mình giận bỏ cuộc đời đàn sĩ mới nhen nhúm. Sau này, mình làm trưởng lớp, chuẩn bị tập văn nghệ cho lớp để trình diễn cuối năm, Thanh Tịnh hỏi mình còn học đàn để tập với cô nàng nhưng mình kể đoạn kết của đời đàn sĩ của mình khiến cô nàng cười, bỏ mộng song tấu với mình và đại diện cho lớp độc tấu Hạ Uy Cầm năm 11B ở rạp Hoà Bình. Nhớ hôm đó trường có mời hay mướn ban nhạc Rolling Wheels, nổi tiếng nhất ở Đà Lạt, có tên đánh trống chơi rất ấn tượng còn đối tượng của mình hát bài Mammy Blue thì phải trong khi MT réo tên mình, quê không thể tả hưng vẫn thấy sướng như ăn phở.

Dương Quang Trí, tên này to con, hay phụ bố nó là ông Marcel, lai tây, lái máy cày, làm vườn trong Đa Thiện. Mẹ nó rất giỏi, tự lái xe hàng đi mua xú, xà lách chở về Sàigòn bán. Bà cụ mình phục bà này lắm. Tên Trí thì đô con lại học nhảy nên không thuộc loại học sinh tiên tiến nhưng được cái mả lai tây, đẹp trai con nhà giàu. Mỗi lần hắn lấy xe máy cày của bố hắn, đi cày thuê cho vườn bên cạnh là rủ bạn bè đi ăn chè Mây Hồng, Vọng nguyệt Lầu ngày nay hắn có quán cà phê ở 343 đường Phan đình Phùng, chạy xe du lịch với thằng con. Cách đây mấy năm uống rượu quá nên qua đời.

Tên Nhị Anh, con hiệu trưởng nên phải làm gương cho đám học sinh, chả biết gì về cuộc đời ngoài học như điên, thay phiên đứng đầu lớp với em hắn. Hắn lại biết đánh đàn, biết lái xe hơi nên được con gái bầu làm Hot Boy là cực chuẩn. Lớp 12 B năm đó chỉ có độc nhất một nữ sinh, hơn mình một hay hai tuổi vì rớt năm vừa rồi nên học lại. Bao nhiêu con gái năm 11 B đều chuyển sang ban A để lại lớp 12 B toàn là đực rựa. Chị này có cái tên khá hợp với tên Nhị Anh. Cô ta tên Song Kim, Song với Nhị như cơm với cá, như mạ với con. Cô này sợ bị rớt nữa nên hay hỏi bài và ngồi bàn đầu với tên Nhị Anh và vài tên từ Văn Khoa chuyển sang. Hắn được 100% con gái trong lớp bầu làm Hot boy. Cực chuẩn. Hắn thua mình 1 tuổi, tuổi con gà, mỗi ngày đánh bóng bàn, nhảy múa reo hò như con gà tồ mới ra cựa, gáy gáy cho đám gà mái biết giọng mới bể của hắn.

Sau này đọc bài của hắn kể là mết cô bé Răng Khểnh, học lớp ban C, sát bên cạnh cái bàn bóng bàn nên hắn hay lăng xăng. Cái tính gáy gáy tuổi dậu của hắn vẫn còn tồn tại sau 42 năm. Hắn viết trên diễn đàn, bức thư cho đối tượng một thời dấu yêu, nhờ diễn đàn trao lại nhưng cố tật hay gáy vẫn còn. Hắn nhìn trời tuyết lạnh của Virginia nên không ra được khỏi nhà lại tưởng tượng mình đang ở trên không trung, đang bay từ San Francisco về lại quê hương thứ 2 của hắn như một đại gia quá bận bịu, cứ chạy vòng vòng không chịu đánh thẳng vào nội thành. Than thở trên máy bay không có internet nên hắn không làm việc được mới có thời gian nghĩ đến chuyện thời xưa. Được cái là hắn rất chịu khó, dạo tay bế tay bồng nhưng vẫn chịu khó học đêm, lấy thêm cái bằng PhD. Nay con gái thành danh nên hắn phụ HmS tạo dựng trang nhà mái ấm Văn Học.
Hôm sau vào lớp bổng nhiên thấy mình cao lớn như Thánh Gióng, sau một đêm bổng từ thằng Sơn Đen trở nên Hot Boy #6. Mình khệnh khạng vào lớp như Ringo, tay súng bá vàng, mặt vênh vênh váo váo nhìn đám học chung nhất là đám con gái rồi nhìn đám con trai rồi cười cười lâng lâng như chiếc máy bay lên thẳng.

Ông Thánh Gióng này đánh giặc Ân, một bộ lạc phía đông bắc của Trung Hoa tính ra xa trên 2,000 km nên không hiểu tại sao giặc này lại tràn xuống làng Phù Đổng của xứ Giao Chỉ. Thêm nữa 18 ông vua Hùng cai trị nước Việt khoảng 2,622 năm ( trung bình một vị vua là 145 năm, thế là con cháu vua Hùng càng ngày càng giảm thọ). Sự tích Thánh Gióng dựa vào thời vua Hùng thứ 6 thì không thể cùng thời nhà Thương Ân nhất là thời đó Việt Nam chưa biết trồng lúa thổi cơm, có thể làm áo giáp bằng sắt. Có thể trong lịch sử TQ có một thánh gióng nào đời nhà Ân rồi người Việt bị cai trị hay các nho sĩ xứ An Nam chép lại , cứ cho là của mình như khi xưa dân An Nam học lịch sử Tây, bảo nos ancêtres sont des Gaulois hoặc có ai đi sứ sang Tàu như ông Nguyễn Du, vớ vài cuốn sách ngoài chợ trời như Đoạn Trường Tân Thanh đem về diễn Nôm quên cả xét lại năm tháng đời nhà Ân và Hùng Vương đời thứ 6 khác biệt. Tương tự trong lịch sử tàu, học sinh được dạy Thành Cát tư Hản là người tàu chính tông hay Việt Nam kêu ông Lê Nin là người Việt vì có chung họ Lê.

Trong lớp 11 B thì mình không biết đám con trai bầu chọn cô nào là Hot Girl. Với mình dạo đó có hai cô: VTTT và PTG. Mình ngồi cạnh bàn của VTTT nên lâu lâu lén nhìn sang bên cạnh, thấy cái áo dài chít banh, lòi chút làn da trắng của cái eo khiến mình học đã dốt lại càng ngu thêm. Lúc đó mới hiểu câu thơ "da em trắng anh chẳng cần đeo mắt kiếng". PTG thì hay bị con trai kêu là Gái đen còn mình bị gọi Sơn đen nên hiểu tâm trạng của cô bạn học. Sau này, đi Nha Trang và Ninh Chữ với trường thì thấy cô bé má hồng rất xinh nhất là đồ phụ tùng của cô bé đầy đủ không xẹp lép như bao cô ốm đói thời đó. Cô nàng, Trần Văn Tiến và mình rủ nhau đi lang thang ở Nha Trang, mồ hôi mồ kê nhỏ trông cô nàng xinh không chê. Lên năm 12 thì không thấy bóng dáng, chắc chạy qua Việt Anh như một số học sinh khác chạy theo bộ Tam Sư. Năm ngoái về Đàlạt, gặp mặt thì cô nàng bắt tay mình tự xưng là Kim Anh, khiến mình như bò đội nón. Tên PMC nhảy vào cứu mình, nói là sau khi giải phóng về thì cô nàng cũng giải phóng cái tên cúng cơm khi xưa thời nữ sinh vì toàn chất văn học của Nam Cao. Mình kể chuyện ngày xưa thì cô năng như ngỗng ị, chả nhớ gì cả nhưng ra về cứ nắm tay mình như kẻ đòi nợ, sợ mình bỏ chạy. Chán Mớ Đời
Cô đào này khi xưa đóng trong James Bond với Sean Connery đẹp mê hồn, nay trên 80 tuổi. Buồn

Khi thằng Sang đi lính thì mình bị hụt hẫng, không còn ai bồi dưỡng nghiệp vụ chức năng làm Hot Boy nên khi ra chơi, sau khi vũ phong Bắc quốc trên đồi của ty quan thuế thì mình vào lớp, ngồi ôn bài. Lâu lâu có một hay cô ngồi bàn bên cạnh, hỏi chuyện trên trời chi đó, mình cảm thấy tai, má mình nóng ran, chỉ biết gật đầu hay lắc đầu. Bổng nhiên tên Ngô Văn Thuỷ lại nhảy vào, tiếp thu trách nhiệm của thằng Sang, bồi dưỡng nghiệp vụ chức năng điều nghiên nghiêm túc về động vật con gái. Cô Thuỷ dẫn nhập mình vào thi ca Việt Nam nhất là thơ tình trước chiến tranh chống Pháp. Mình chỉ biết ua chầu ua chầu hay hè hay hè khi hắn đọc nhưng chả hiểu gì cả.

Hắn đọc bài thơ "Tương Tư" của Nguyễn Bính rồi giải thích cho mình ý nghĩa của bài thơ vì dạo đó mình dốt việt văn, thơ thiết. Mình hỏi hắn tương tư là gì vì chỉ biết tương ớt, tương Cự Đà còn tương thứ tư thì chịu mà tương nhất, tương nhị, tương tam có không. Hắn chậm rãi giải thích tương tư là hai người thương nhau, xa cách nên nhớ về nhau. Mình gãi đầu hỏi lỡ con gái nó không thương mình thì đâu có thể gọi là tương tư, phải gọi đơn tư mới đúng như ông Nguyễn Bính cứ kêu "Thôn Đoài lại nhớ thôn Đông" chớ có thấy thôn Đông nhớ lại thôn Đoài đâu. Ông còn kêu "Gió mưa là bệnh của trời, tương tư là bệnh của tôi yêu nàng" nhưng không nói đến nàng yêu tôi. Nói chung đầu óc mình non nớt cho đến nay cũng không thích thơ văn gì cả.

Thấy mình mất căn bản về văn chương Việt Nam nên hắn kéo mình đến thăm mấy thầy hoạ may nhờ công lực của mấy sư phụ, cái đầu mình mới vỡ ra để tiếp thu, cảm nhận được tình yêu là cái gì, ngọt đắng ra sao. Không ngờ gặp thầy Nguyên thì khuyên mình đi tây còn thầy Tâm thì cho mình mượn sách về lịch sử, môn mà mình yêu mến nhất nên hắn chán đi tìm tên khác để có thể bàn chuyện tương tư tương chao.

Sau này có một cô từ Song Pha lên học nên mình với danh nghĩa trưởng lớp, đặt tên là Người đẹp Song Pha, hay bận áo dài trắng, áo len đỏ và nghe nói có nhiều tên để ý. Có tên trong lớp ăn đòn của lính 302 cũng vì cô học trò xứ Chàm. Cô này họ Khúc, chắc là con cháu của Khúc Thừa Dụ, người khởi đầu cho nền độc lập Việt Nam, làm đến chức Tiết Độ Sứ. Mình không hiểu sao hậu duệ họ Khúc lại lưu lạc đến xứ Chàm. Có dịp gặp lại, mình sẽ hỏi xem sao vì họ này lâu đời nhất ở Việt Nam, từ thời nhà Đường bên tàu. Mấy năm trước về, có gặp lại cô nàng, đại gia buôn xăng dầu nhưng không nhớ đến mình. Chỉ học chung có mấy tháng. Chưa bao giờ nói chuyện khi xưa.
Đọc trên diễn đàn thì mình thấy có nhiều tên nhắc đến cô hàng xóm tên Thanh Tịnh, xem lại hình khi xưa thì thấy cô nàng khá xinh. Cô này tuổi Dê hơn mình một tuổi, có cô em gái không nhớ tên gì hình như Trúc. Nhà mình với nhà cô này không qua lại vì đạo Thiên Chúa Giáo. Dạo đó các gia đình Phật giáo ít giao du với Thiên Chúa Giáo. Trong xóm mình gọi cô nàng là Thánh Nữ vì đi lễ mỗi ngày ở nhà thờ mấy bà sơ gần Nhà thương, có hôm hai lần. Mỗi lần cô nàng đi lễ là mình biết vì con chó Kiki nhà mình sủa. Con chó này không bao giờ sủa đàn ông con trai vì sợ bị ném đá nhưng nếu thấy con gái là sủa vang xóm. Không biết cô này có ăn thịt cầy không vì nghe nói ai ăn thịt cầy, chó đánh mùi DNA cầy tơ nên sủa, có dịp gặp lại mình sẽ hỏi cô nàng. Vừa hết giới nghiêm, mình ra sân tập võ là thấy cô nàng đi ngang nhà trong tiếng chó sủa, cô nàng không bao giờ nhìn con chó, cứ nhắm mắt đi tới. Năm ngoái có gặp cô nàng lại, nay ở Ohio, xứ lạnh, làm nghề đinh, khá giả.

Sau 75, con kiki đói quá hay có máu chó phản động nên có lần táp một bà CM30, khiến bà này làm gia đình mình xất bất xang bang, tìm đủ cách tống đi kinh tế mới. Mỗi ngày phải thuê xe chở bà ta lên viện Pasteur chích thuốc, nhà 10 chị em đói nhưng phải nhịn ăn, mua thịt bồi dưỡng cho bà ta. Còn con kiki bị lên án là chó của nguỵ quân nguỵ quyền, có hành vi phản động bị công an khu vực bắt làm thịt để đảm bảo an ninh trong xóm, quyết tâm diệt trừ văn hoá đồi trụy. Con Kiki thoát kiếp nhưng cứu gia đình mình, được giữ hộ khẩu ở lại Đàlạt.

Bây giờ ngồi viết lại thì mình mới hiểu chớ dạo đó thì cực ngu. Có nhiều hôm, có mấy cô trong lớp đến nhà hỏi bài, mình chẳng mời vào nhà. Họ hay đến nhà Thánh Nữ trước rồi nhờ Thánh nữ dẫn đến nhà mình, đứng ngoài cổng vì sợ con Kiki? Mình tình thật chạy ra sân, nghe họ hỏi mượn bài tập thì bảo họ đứng đó rồi chạy vô nhà lấy cuốn tập cho họ mượn. Mình chả hiểu hay hỏi vì sao họ cần mượn bài tập vì thầy đọc bài cho cả lớp chép không có sách gì cả, hiểu biết là trong bài của thầy đọc cho chép mà mình viết toàn lỗi chính tả nên nhiều lần khi lấy vở về thì thấy có người sửa dấu hỏi ngã dùm. Chỉ có khác là mình ghi lại những gì thầy giảng trước khi đọc bài cho học sinh chép nên khi làm bài tập mình ghi thêm những chi tiếc đó thay vì viết thuộc lòng bài chép hay sách mình mượn đọc thêm nên thường được thêm điểm dù sai lỗi chính tả.

Khi tên Sang đi lính thì mình lên ngồi dãy bàn bên trái, gần cái bảng đen, xanh thì đúng hơn, vì bị cận thị nặng mà ông cụ lại không cho mình đeo kính cận. Bên tay phải là dãy bàn con gái nên đám con trai ở xóm nhà lá này, ngồi gần bảng, không chọc phá như đám dân cư cắm dùi phía sau dãy PMC, TVĐ ngồi. Không có thằng Sang mình như chim lạc đàn, như con thuyền không bến, thường khi ra chơi thì hắn đứng dưới đường rồi chỉ mình mấy cô nữ sinh rồi nói tên tuổi, nhà ở đâu,.., hỏi mình duyệt không thì cứ ua chầu ua chầu, hít hà, khen khen, gật đầu. Dạo ấy mình bị cận thị đâu 4.5 độ nhưng ông cụ không cho đeo kính nên nhìn mấy cô xa xa thì ai cũng như hoa Thiên Lí, sau này đeo kính thì nhiều cô làm mình tái mặt.

Năm ngoái gặp hắn lại sau 50 năm, khám phá ra hắn biết nhiều cô vì là bạn với em gái hắn. Mình nhớ có gặp cô này một hai lần, học dưới mình 1 lớp, bạn của mấy cô đẹp nhất trường dạo ấy. Mình có đến 7 cô em gái mà chả cô nào đem bạn về nhà giới thiệu. Chán Mớ Đời 

Một hôm khi ra chơi, sau khi đi tè trên đồi ty quan thuế, mình vào lớp ôn bài. Lúc lấy tập trong học bàn ra để ôn trước khi thầy vào, thấy có gói xôi gói bằng lá chuối của ai để trên vở của mình. Xét kỹ thì không phải của thằng Hồ Thanh Hải, ở cạnh nhà Nguyễn Đắc Hớn, bán phân ở Phan Đình Phùng, góc ấp Mỹ Lộc. Vì vở của nó cách mình nữa thước. Lấm la lấm lét xem có ai thấy không, mình cuối xuống bàn, chơi nguyên nắm xôi nhai ngồm ngoàm đến khi hết mới ngẫng đầu lên, lấy tay chùi mép. Lúc đó mới hiểu "không cần biết xôi của ai, không cần biết xôi từ đâu, ta ăn xôi như dại cuồng, ăn xôi vì bụng đói vì đó là xôi". Hú vía không ai thấy. Lâu lâu mình lại thấy viên kẹo gừng, rồi một hôm khi ra về, có một cô hỏi mình ở cầu thang "xôi có ngon không?". Mình ú ớ nhìn như Từ Hải thì bị cô bé kêu là Đồ Ngu rồi từ độ ấy hết thấy xôi, kẹo trong hộc bàn. Phải chi cô ta viết tờ giấy để lại nói của ai gửi, đây mình tưởng họ bỏ lộn cho mấy tên ngồi cùng bàn. Sơn đen còn bé lắm mấy chị ơi. Chán mớ đời!
Thật ra mình coi mấy cô trong lớp như đàn chị vì nữ thập tam nam thập lục. Đàn bà con gái họ khôn trước tuổi, trước đám con trai nhiều nên mình len lén tìm mấy đối tượng học lớp dưới. Dạo đó, các lớp 10,11 và 12 học buổi sáng còn 6,7,8,9 thì học buổi chiều nên mình nhắm đám lớp 10. Mình chấm 2 nữ sinh lớp 10: PTBT, TTMN. TTMN thì có mái tóc ngắn hay bận áo len tím, quần tây nhưng có cặp mắt đẹp mệt thở, chưa bao giờ có cơ hội nói chuyện hay lái xe đưa về nhà. Cô kia thì thích hát nên năm 12, lợi dụng chức danh trưởng lớp, tổ chức văn nghệ, mình nhờ VVT hỏi dùm cô ca sĩ có tên nhưng chưa có tiếng đóng góp chương văn trình nghệ thì được nhận lời và mình phải đi đưa mấy cô trong ban ẩm thực và văn nghệ về. Mình mượn xe ông cụ, đưa các ca sĩ về hình như hôm đó trời mưa nên sợ các cô bị ướt nên phải lén lấy xe Jeep của ông cụ đưa mấy cô ban ẩm thực nấu chè và văn nghệ về.

Mình chỉ nhớ mỗi sáng thứ hai, trước khi vào lớp cả trường phải xếp hàng trong sân trường để làm lễ chào cờ. Mỗi lần như vậy có một cô bé lớp 10, cứ lay hoay từ đâu đến húc mình rồi nguýt bảo sao lại đụng người ta rồi thấy mấy cô khác cười khút khít. Mình ngơ ngác chả hiểu gì cả khi không lại bị chửi. Quen dân ngoài chợ nên mình nghe phụ nữ chửi là câm mồm như ngày nay thà làm mưa bay trên biển còn hơn cãi với đàn bà. Đúng là ra đường gặp gái. Sau này mình trốn phía sau gần cái tường bằng tôn nhưng lại hay bị thầy CBA kêu lên làm lễ chào cờ. Đứng phía trước thì không bị kêu lên nhưng trốn phía sau là bị gọi lên làm lễ chào cờ, đứng trước hàng ngàn đôi mắt hình viên đạn của nữ sinh, mình cảm tưởng như tên tử tội ra pháp trường. Cứ như Nguyễn Văn Trỗi, muốn tè trong quần khi ra pháp trường phơi thân.

Cuối năm đó, hai trường Văn Học và Văn Khoa có tổ chức cắm trại ở hồ Than Thở. Tối thứ 7, trời mưa như trút cơn giận vào đám học sinh khờ dại trước ngưỡng cửa thiên đường yêu đương nên lửa trại không được đốt lên. Cả đám chui rút vô lều, nước ngập vào nên chả có thằng nào ngủ thẳng giấc. Nhưng nhờ cắm trại, mình mới làm quen, nói chuyện, và đưa đối tượng một thời về nhà.

Hôm trước liên lạc với tên "ngân hàng" mà thầy An nhắc đến, hắn nói là khá đông bạn học xưa còn nhớ đến mình; nhân vật nghịch ngợm nhất lớp. Mình chỉ nhớ là được bầu làm trưởng lớp, ngồi phía trên gần bảng đen, gần thầy nên đâu có dám phá nên cũng mong hè này về hỏi mấy tên này xem. Mình nhớ có lần thầy Nguyên la một tên trong lớp vì không giải được bài toán, thầy hỏi " tại sao em không hiểu" thì mình buột miệng kêu: "nhà nó nghèo" khiến thầy Nguyên và cả lớp cười, từ dạo đó trong lớp học sinh hay dùng cụm từ "Nhà nó nghèo".

Lúc mới qua Văn Học thì mình ngồi trong xóm nhà lá của hắn. Mình và hắn hay bàn chuyện mùa hè đỏ lửa, tổng thống NVT đi Hawaii, nói tiếng Mỹ. Cuối tuần phải nghe đài phát thanh Đà Lạt để được nghe xướng ngôn viên nói; thể theo lời yêu cầu của hắn tặng riêng cho các bạn học 11B. Không biết hắn tặng cho cô nào nhưng nghe 11 B Văn Học là mình thấy ấm người, có cảm tưởng hắn cũng tặng cho mình, sau này hắn chạy sang ban A thì không nghe nói tặng 12 B nên bỏ không nghe đài nữa, nay thấy hắn xuất hiện trên ca đàn Văn Học, chuyên gia hát karaoke. Hắn kêu sẽ mời đối tượng khi xưa của mình lại họp mặt khi mình về Đà Lạt nên mình cũng hồ hởi, mong gặp lại cô bé ngày xưa đã làm mình chết mê chết mệt một thời.
50 năm qua, bao nhiêu chuyện xẩy ra trong cuộc đời, mỗi người bạn học khi xưa đều có một con đường do mình tự chọn hay bị hoàn cảnh đưa đẩy. Ngày nay bước vào tuổi lục tuần, con cái lớn hết nên nhìn lại đoạn đường đời ngày xưa còn bé, của thời khờ dại, tập tành làm người lớn với những kỷ niệm ngây ngô. Có người tiếc rẻ là dạo đó nếu hiểu biết, khôn lanh như ngày nay còn mình thì chẳng tiếc nuối gì cả vì khoảng thời gian ấy để lại cho mình nhiều kỷ niệm ngây ngô, không bao giờ muốn quên vì nếu đã khôn biết như bây giờ thì chả có gì để nhớ, để hoài niệm.
Hi vọng hè này về Đà Lạt sẽ gặp lại nhiều bạn học cùng đối tượng xưa để cùng nhau đi ngược dòng sông tuổi thơ, tìm lại những kỷ niệm của tuổi biết buồn, biết đơn tư.
Nhs