Thánh Nhân là ai

Nguyễn Hoàng Sơn

Dạo ấy, tại một viên quốc kia, có một tên đầu óc lầu bầu, ngông nghênh, ngu ngu dốt dốt nên vợ hắn mới mua một cái vườn nho nhỏ để hắn có việc lao động, trồng tỉa rau cỏ, tránh ăn phải thuốc sâu.

Cái tính lười nên sau khi xong việc, hắn không dám về nhà vì sợ Mụ vợ la, bắt dọn nhà, chùi nhà, quét rác nên sau khi đẫn cái lon Guigoz cơm bới theo thì hắn làm một giấc trong tiếng ruồi muỗi vo ve.

Hắn thấy mình bay bay trên mây, đăng Vân, bỗng nhiên hắn thấy một cái trường to lớn thì thắc mắc hỏi cái gì thế mà người Đông nhốn nháo thế kia. Nghe cái bịch, hắn thấy mình trước cổng trường to lớn kia. Thấy người ta đi vô đi ra ào ào thì hỏi nên được biết đây là Cửa Khổng Sân Trình. Nơi người ta đến để học làm người quân tử.

Thánh Assisi của Song Pha

Nguyễn Hoàng Sơn

"Tui mệt mỏi lắm Anh ơi! 18 năm ni cứ lo ăn, lo mặc, tắm rửa cho con người ta mệt lắm! Nhiều đêm tui trách Chúa răng mà đày tui như ri thì hôm sau có người đem gạo đến cho..." đó là những lời than thở của anh Châu khi gia đình mình ghé thăm trung tâm bảo trợ xã hội do anh đảm nhiệm ở xóm La Vang, Song Pha tỉnh Ninh Thuận. Anh kể năm 1972 khi dân chúng bỏ chạy dưới sự pháo kích của VC trên "đại lộ kinh hoàng" thì anh có gặp một em nhỏ bú người mẹ chết bên đường. Hình ảnh đó đã ám ảnh suốt cuộc đời anh đến khi anh thấy mấy đứa bé tàn tật hay bị bệnh thần kinh, cha mẹ đem bỏ ngoài đường, trước bệnh viện hay chùa, nhà thờ thì anh đem về nuôi. Anh có mảnh đất ở xóm La Vang nên làm nhà nuôi mấy đứa trẻ sau này lại có thêm những người già neo đơn không có con chăm sóc thì người ta đem đến bỏ trước nhà anh để anh nuôi. Lo ăn, lo áo quần cho trên 87 người là sự đấu tranh thường nhật của Anh và người vợ. Anh kể nhiều đêm anh nằm trách Chúa tại sao lại hành vợ chồng anh đến thế thì phép lạ xẩy đến,

Thằng U Chầu



Hôm trước, HMS imeo nhờ mình, chú thích tên của những người đã được mình đổi tên cúng cơm, cho mọi người, thánh thần nhận ra là ai. Mình thú thật là không nhớ tên cúng cơm của họ vì khi đã đặt tên thì cứ dùng nên 50 năm qua thì chịu, không nhớ tên họ của mọi người, trừ vài tên chơi thân khi xưa. Cô nàng cảm thấy may mắn vì khi xưa, không học chung với mình nếu không ngày nay, chắc bị mình lôi ra tả chân, tả cẳng, tả bú xua la mua, đưa lên diễn đàn.

Có mấy bà chụp đầu mình hỏi khi xưa, dặt tên cúng cơm em gái tui là gì. Sợ quá mình đành khai thật. Người đẹp Phao Câu. Cô nàng có cái mông khá bự xàng xê leo lên cầu thang trước mình vài lần.

Mình viết đề tên rõ ràng thì bị chỉ trích, kêu không được thố lộ danh tánh thiên hạ mà nếu ghi tắc tên thì họ không biết là ai lại kêu đầu mình hỏi tên ai. Ở sao cho vừa lòng đàn bà. Chán Mớ Đời. Ai mà 50 năm sau vẫn nhớ đến mình, kêu chửi thì mình vẫn vui vẻ đón nhận. Như vậy sẽ giúp họ giải được cái nghiệp từ 50 năm qua, cứ ấm ức về mình. Tuần rồi mình bỏ mấy tấm ảnh của ông Thi Đà Lạt lên thì có chị bạn kêu ông đăng hình tui nên phải theo lời yêu cầu cất hình xuống. Nói cho ngay mình không biết là cô nàng.

Thật ra khi nhớ về một ai, một chi tiết gì đó thì mình kể, khôi hài hoá ra cho vui chớ không có ác ý với ai cả. Mình thì thích tếu tếu cho đời vui vui, sống lâu. đồng chí gái thích nghe chuyện tếu lâm nên mình phải sưu tầm rồi chế lại theo lập trường nông dân của mình. Lâu lâu vợ không vui thì kể chuyện tếu cho vợ hết quạu. Mỗi lần kể cho mụ vợ một chuyện mới là cứ lâu lâu mụ vợ cười khà khà lên. 

Tuần vừa rồi tên Nhị Anh kêu viết tiếp Cuộc Chiến Đấu Của Đá Xanh, rồi một số bạn nhảy vào hội đồng, hài tấu mối tình đầu đời của tên này khiến hắn tá hoả, không chịu nhận giải thưởng một chai nước mắm hiệu 3 con cua, không thèm về Đà Lạt, đổi hướng San Jose, ăn bánh căng Mụ Cung. Hắn lăm le, hẹn tái ngộ tuần tới với biệt danh mới, dành riêng cho mình thay vì Sơn Đen. Các ôn, các mệ cứ hùa nhau mà đánh Sơn đen cho vui cả làng. Già rồi cứ làm như thời còn học trung học, chọc quê nhau chơi cho vui. Hề hề hề. U chầu u chầu.
Dạo ấy trong lớp có một tên người bé bé, mập mập, ít nói, người Huế. Ra chơi, hắn hay ngồi gần đám hay nói chuyện trời trăng, bàn tán về con gái, lâu lâu ai nói điều gì quan trọng thì hắn nhún vai cười cái hứ, rồi cười hề hề hề rồi chắt miệng, nuốt nước miếng kêu u chầu u chầu hay hè hay hè. Không bao giờ thấy hắn nói hay bình luận về một đề tài mà cả đám đang tranh cãi, cứ lâu lâu nhún vai cái hứ rồi cười hề hề hề u chầu u chầu hay hè hay hè, cái miệng chu chu chu. Mình hay gọi hắn là thằng U Chầu vì lối cười của hắn rồi chắt miệng, nuốt nuốt bọt khá đặc biệt.

Hắn có tài đá kiện rất hay, hắn có thể đá bằng đầu gối, bàn chân, gót chân hay nhún vai rồi đá. Có lần hắn đem cái kiện do hắn tự làm vào lớp. Có cái miếng lót bằng cao su của vỏ bánh xe, xỏ mấy tờ giấy được cắt tròn, rồi cột 3 cái lông gà. Trò chơi giúp tụi trong lớp chạy ra sân chơi, tha hồ mà rú ré như heo bị cắt tiết. Chơi được vài ngày thì thằng Trí thấy người đẹp xứ Hàn đi ngang nên sẵn chân, đá một cái mạnh khiến cái kiện bay qua hàng rào làm bằng tôn, vô bụi dã quỳ nên cả đám như gà bị dịch, cù rũ chui tọt vào lớp. Thằng Trí leo đồi tìm kiếm nhưng không tìm ra.

Dạo đó, nam sinh như gà chọi mới ra cựa nên thằng nào cũng tự tìm, tự tạo cho mình một phong cách riêng để khẳng định đẳng cấp của mình trong chuồng gà, cái sân trường khi ra chơi. Thằng thì lâu lâu bỗng nhiên ré lên rồi đôi mắt liếc liếc về cầu thang, mình nhìn theo thì thấy đối tượng của hắn đang cà tưng cà tang, nhí nhô nhí nha leo lên cầu thang với đám gà mái đến tuổi rượn, xì lô xì la chuyện gì đó. Cứ quan sát mấy tên này thì biết tỏng ai là đối tượng của chúng nên chỉ cần kêu ả kia ả nọ là chúng cúi đầu, tai đỏ lên như lời thú tội.

Thường trước khi vào lớp hay trong giờ ra chơi thì có một đám ngồi hay đứng chung ngay cửa lớp học. Cả bọn tụ tập xung quanh thằng Đa, không biết vì nhà hắn ở ngay chợ nhỏ, đường Phan đình Phùng, trước khách sạn Mimosa nên biết đủ thứ chuyện, toàn những chuyện rất quan trọng cho đám con trai đang quyết tâm, kiên trì học tập trùng tu, làm người lớn. Hắn kể đủ chuyện thì cả bọn như khám phá ra một định lý mới vừa soi sáng, làm cả đám giác ngộ môn học về một loại động vật, khá phức tạp: Con Gái.
Mình không biết tên U Chầu ở đâu vì không bao giờ được rủ đến nhà hắn, chỉ thấy hắn chạy chiếc xe Honda dame, đi học. Nghe nói hắn là hàng xóm của Mụ Rớt bán bún bò ở gần cầu Gia Hội, Huế. Tết Mậu Thân, mạ hắn thấy VC bắn ông Rớt cái đùng chết trước nhà, thất kinh nên cho hắn vô Đàlạt, ở với dì hắn. Hắn học thì không thuộc loại học sinh tiên tiến như hai anh em nhà họ Chử nên không được con gái bầu làm Hot Boy nhưng được cái là nó hiền, chả bao giờ thấy văng tục như mình. Ai nói gì nó chỉ nhún vai cười cái hứ rồi chắt miệng cười hề hề hề, lâu lâu chém thêm u chầu u chầu hay hè hay hè.

Nó để ý đến một cô bé học lớp 10, không xinh lắm, mái tóc Beatles, mặt cứ vênh vênh, lâu lâu hay bận váy, hay đứng dựa tường, ngay mấy cái bản thông tin trong giờ ra chơi, ít khi thấy đi chung với mấy cô khác. Mỗi lần cô bé leo lên cầu thang thì mình kêu U chầu U chầu là thấy mắt hắn sáng lên, khờ khờ như đa số mấy tên vô phước, phát hiện ra đối tượng đầu đời. Mình nhớ thằng T, mê HTNH, con mắt si tình của hắn rọi theo cô bé này trong sân trường, hay đứng dưới đường trước quán Bà Cai, rít điếu thuốc như nuốt hình bóng đối tượng vào tim gan phổi phèo rồi như chịu hết nổi hắn lại thở khói ra như Huỳnh Thanh Trà trong Loan Mắt Nhung, rồi kêu đẹp đẹp.

Năm 12 có màn, trước khi nộp đơn thi tú tài, nam sinh phải lên bệnh viện Đà Lạt để khám sức khoẻ nhưng nữ sinh thì được miễn. Có lẽ chính quyền muốn xét ai nằm vùng, dùng căn cước giả hay có bệnh sốt rét. Thời đó; các nữ sinh, chậm chậm đi lên cầu thang vì sợ té hay muốn trêu tức mấy tên con trai đứng dưới đường, còn mấy tên thấy đối tượng của mình đi lên cầu thang, cùng rủ nhau chạy như bay qua mặt đối tượng rồi nói một vài câu không đầu không đuôi, cốt để đối tượng để ý, nghe giọng của mình để tỏ mình hiện hữu trên cõi đời này. Nếu được đối tượng ban cho cái nhìn khinh miệt thì nghe lòng say say, vào lớp nức nở, nụ cười trên môi.

Ra chơi, mấy tên này ngồi chém gió, kể chuyện bị giải phẫu làm dân Do Thái. Thằng U Chầu thì cứ u chầu u chầu u chầu đau lắm bây ơi đau lắm. Đó là lần đầu tiên mình không thấy nó nhún vai cái hứ rồi cười hề hề hề như mọi lần. Rồi mọi chuyện cũng qua đi, vài tuần sau thì hắn lại hề hề hề u chầu u chầu hay hè hay hè khi nghe bọn chém gió về con gái. Đám con trai lên nhà thương, bị mấy bà y tá kêu nên cắt bì da đầu để sạch sẻ, không bị bệnh lậu chi đó. Có mấy tên kêu là đã từng đi xom Bà Thái nên sợ bị bệnh đời em cô đơn .
Một hôm thằng H, ở đâu trên ấp Du Sinh, tên này hay đi với một tên khác, cũng dân Bùi Chu, nếu không lầm là Dũng đầu bò, cái mặt nó hơi trâu trâu, hay hát trong giờ ra chơi với người đẹp xứ Chàm, tham gia nhân dân tự vệ, có lần đồn NDTV ở ấp Du Sinh bị nằm vùng tấn công trong đêm. Mình không biết hai tên này có đi gác đêm đó hay không nhưng vào lớp thì hai anh chàng kể chuyện đồn bị tấn công, hai tên này tử thủ như tướng Lê Văn Hưng từ Bình Long, An Lộc trở về. Trong lớp cứ u chầu u chầu nghe hai tên này kể lại chiến công. Đalạt dạo đó yên tĩnh, mình chỉ nhớ nằm vùng có đánh đồn NDTV ở Số 4, góc Ngô Quyền và Thi Sách thuộc Phường 2, sau lưng trường Đa Nghĩa, trung tâm thẩm vấn ở đường Bá Đa Lộc và đặt chất nổ vài nhà.

Tên H vào lớp kể chuyện hắn và tên U Chầu Hề Hề hề rủ nhau đi xóm Bà Thái. Dạo đó, có nhiều tên vào lớp hay nổ về địa danh này, không biết có thiệt hay không nhưng mấy tên khác ngồi đực mặt ra nghe, nuốt từng lời của đám này rồi bắt chước tên hề hề hề, kêu u chầu u chầu rứa hè rứa hè.

Về Đà Lạt, mình có tìm tên U châu này nhưng không ai nhớ hắn cả. Hỏi tên cúng cơm là gì thì mình chịu. Chán Mớ Đời 

Sáng nay thấy trên diễn đàn Yersin, có ông thần nào tên Jacquot khiến mình nghe quen quen. Hỏi ra là anh chàng học trên mình mấy lớp, tay trống Đà Lạt ngày xưa. 

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 
Nguyễn Hoàng Sơn 


Thằng Tuấn cô Thủy

Nguyễn Hoàng Sơn

Sau khi thằng Sang bị động viên thì mình chơi với hai tên Tuấn và Thuỷ cùng lớp. Tên Tuấn, nhà ở đường Thi Sách, gần nhà mình, hàng xóm của Đặng Thị Bích Hường cũng học chung lớp và Cô Thuỷ. Tên ngày chơi thân với một tên học THĐ, có cô em gái tên Thanh Hải học lớp 10 Văn Học, nhà ở đường Calmette, đối diện Domaine de Marie. Lên 12 thì tên Tuấn chạy qua Việt Anh còn Cô Thuỷ vẫn một lòng một dạ với Văn Học nhưng ít có dịp nói chuyện với nhau.

Dạo đó Đàlạt có bộ tam sư rất nổi tiếng, chuyên dạy luyện thi tú tài: thầy Phạm Kế Viêm dạy Toán, thầy Thân Trọng Bình dạy Vật Lý, và thầy Nguyễn Bào dạy Hoá Học. Thầy Viêm và Bình dạy trường Võ Bị còn thầy Bào là giáo sư của viện đại học Đàlạt, dạy thêm ở tư thục... Lúc đầu thì dạy ở Văn Học, sau đó 3 thầy chuyển qua dạy trường Việt Anh nên học trò chạy theo khá đông.

Thằng Hiệp

Nguyễn Hoàng Sơn

Trong những tên chơi với mình ở xóm khi xưa, mình nhớ nhất thằng Hiệp. Tên này ở đường Thi Sách, cạnh nhà thằng Bi, ĐGL, học Yersinn và nhà làm răng Nguyễn Văn Nghi. Ông này là thợ làm răng, không có bằng cấp gì cả, có văn phòng ở đường Minh Mạng và dưới chợ, giàu hơn nha sĩ vì lấy rẽ. Trước khi đi Tây, ông ta trám cho mình mấy cái răng và nhổ mấy cái. Lí do là thằng Hiệp vớt tiền túi của mình khi xưa nhiều nhất.

Thằng Hiệp hơn mình đâu 3, 4 tuổi, có bà chị đầu tên Mèo, có lẻ sinh năm Mão, chuyên gia về kiếm thuốc trị mụn cám. Mặt chị này có mấy cái mụn to như hạt đậu ngự nên hay xuống hỏi bà dì mình, cũng bị mụn, về thuốc thang, trao đổi bồi dưỡng chức năng nghiệp vụ trị mụn. Có lần chị ấy nhờ mình đi mua thuốc, đưa tờ giấy có chữ " bê đui" bảo chạy qua tiệm thuốc Lâm Viên ở Fan Đình Phùng mua dùm. Tên ở tiệm thuốc Tây bức tóc bức tai, kiếm không ra thuốc bê đui,

Thằng Độ

Nguyễn Hoàng Sơn

Thằng Độ là thằng mình ghét nhất trong xóm khi xưa. Tên này hơn mình đâu cả chục tuổi, nó có mấy đứa em mà hai cô bằng tuổi mình hay hơn độ 1-2 tuổi, có thời trai Đà Lạt chạy theo, đánh nhau trước nhà hai chị em cô này Liễu và Mai.

Thằng Độ nghiện thuốc phiện nên hay đi ăn cắp gà và bồ câu nhà mình và đồ đạt trong xóm. Mình thù nó nhất là để gà chọi của nó đá chết con gà nhà mình, sẽ kể sau. Thằng Độ có thằng em tên Đường, lấy dao găm đâm chết tên nào đang ngồi cắt tóc ở tiệm Minh Tâm, đối diện rạp Ngọc Hiệp, sau đó bị đày đi Côn đảo, được tha đâu năm 1972 mình có thấy mặt vài lần rồi nó biến đâu mất. Nghe nói mãn hạn tù, có người kêu nó vượt Côn Đảo. Nói chung gia đình tên này khá nổi tiếng về chuyện du đảng. Nó có một cô em tên Hoa, nghe nói cũng đẹp lắm, có tên lính nào si tình rồi chơi nổ trái lựu đạn chết trước nhà vì bị phụ tình, sau lấy chồng đi đâu mất tiêu. Chỉ nhớ hồi nhỏ, con Tâm hàng xóm vào nhà chị Hoa,

Thăm quê Nội



Ông cụ mình quê quán ở Sơn Tây, vào Nam năm 1952 và 40 năm sau mới trở lại thăm quê. Hồi nhỏ mình được ông cụ kể cho nghe những sinh hoạt ở quê, như khi đê bị vỡ thì dân trong làng, đốt đuốc chạy ra đắp đê, những rêu rao của thằng mõ. Các tiệc lễ trong làng, những ngày Tết vui xuân,.... Những câu chuyện của ông cụ đã giúp trí tưởng tượng của mình tô điểm một hình ảnh khá đẹp về quê hay nói chung miền Bắc.

Nghe Hoài Bắc, Hoài trung hát "Đôi mắt người Sơn Tây" hay đọc thơ Hoàng Cầm, Quang Dũng..., những người cùng quê với ông cụ khiến con tim mình thổn thức ước ao một ngày nào được đặt chân về quê đất Kinh Bắc. Lớn lên, đọc "tù binh và Hoà Bình " của Phan Nhật Nam, với cầu Tam Biên, phi trường Gia Lâm càng giúp trí óc mình tò mò thêm nhưng rồi đi Tây, cộng thêm biến cố 75 nên chẳng bao giờ nghĩ đến có ngày mình sẽ thấy đất Thăng Long, quê cha đất tổ của mình.
Đầu thập niên 90, bỗng nhiên mình được một tổ chức Quốc tế mời tham dự một hội thảo về phát triển kinh tế cho Việt Nam tại Hà Nội sau khi có chương trình Đổi Mới. Họ trả vé máy bay, bao ăn ở nên mình đi, nghĩ luôn dịp về thăm quê ông cụ, sau đó vô Nam, thăm gia đình. Họ cho mình ở nhà khách ở đường Hùng Vương, nghe nói các đại biểu Quốc hội, khi nào về Hà nội là ở đây. Không biết nay ra sao chớ khi mình về, 30 năm trước thì te tua lắm. Tối ngủ thấy chuột chạy. Sau này về thăm quê với vợ con thì ở khách sạn của nước ngoài làm chủ nên tương đối khá hơn.

Trên đường về Hà Nội, mình ghé lại Hồng Kông thăm một tên bạn đồng nghiệp, quen khi làm chung với hãng I.M. Pei ở New York. Tên này gốc Đài Loan, bố rất giàu nên về Đài Loan, tiếp nối ông bố, đầu tư vào Trung Hoa Lục Địa, có nhà ở Bắc Kinh nhưng công ty của hắn có văn phòng ở Hương Cảng. Hắn rủ mình làm chung với hắn ở Trung Cộng nhưng vợ mình không chịu đành bỏ mộng làm giàu. Sau này hắn muốn vào thị trường Việt Nam, bán máy móc cũ của Tàu Cộng mua từ Đài Loan nhưng mình không ham về Việt Nam.

Từ máy bay nhìn ra thì phong cảnh cây cối, màu sắc khác hẳn với Sàigòn. Màu đệm nhiều màu nâu. Sau này mới hiểu mái ngói làm bằng đất nâu đen, không như trong Nam bằng đất đỏ. Nhìn phi trường Nội Bài thì phải công nhận te tua, thua xa gấp 100 lần phi trường địa phương của quận Cam, Cali. Đi taxi về nhà khách thì thấy Hà nội nghèo nàn hơn miền Nam. Vào Hà nội thì chạy ngang chợ Đông Xuân, 36 phố phường thì khá thất vọng. Nghe nói chợ Đông Xuân sau này bị cháy. Dạo đó không bằng một góc của chợ Đà Lạt. Thật ra, đối với một người từ Cao Bằng hay quê ông cụ mình ra Hà Nội thì đất Thăng Long là niềm ước mơ trong đời còn mình thì từ Mỹ về thì như đi thụt lùi về vài thế kỷ.

Từ ngữ mới đầu tiên là chữ Lễ Tân. Mình chả hiểu gì cả. Lễ mới? New ceremony? Thay đồ xong thì mình kêu taxi, đi đến nhà cậu ruột của đồng chí gái. Ông cậu này, gốc các Mệ mà thoát ly, đi theo cách mạng. Nay về hưu ăn lương tướng, có thời làm sĩ quan tuỳ viên cho người hùng Điện Biên. Đến nơi, thì ông cậu vắng nhà, nên mình để lại quà của mẹ vợ và các bà dì rồi kêu xe taxi, chạy vòng vòng Hà Nội thì thấy thành phố cũng không lớn lắm nhất là trung tâm thành phố. Về lại nhà khách thì gặp một người trong đoàn, từ bên Mỹ về mà mình có gặp năm ngoái ở New York ở đại học Vassar. Bà này đi với một cô gốc Việt. Nghe kể cô này năm 75, bà mẹ tống lên máy bay đi Mỹ, sang bên kia đâu 14 tuổi, làm con nuôi cho gia đình Mỹ nào.

Hai người rủ mình đi ăn cơm cạnh nhà khách rồi về ngủ. Vào quán, bà chủ săn đón tận tình, mình chỉ gọi rau muống xào khiến bà chủ quán chửi thề, Việt Kiều ba lô. Phải công nhận rau muống ở Việt Nam ăn rất ngon, mềm không như ở Cali, dai. Ăn xong thì mình tản bộ về nhà khách còn mấy người kia, về trước mấy ngày nên hết bị jet lag, đi đâu chơi. Đi qua lễ Tân thì họ bảo có người nhắn. Ông cậu vợ gọi. Mình ngạc nhiên là ông ta biết chỗ mình ngủ lại. Sau này mới biết, con rể của ông cậu là trung tá công an phi trường nên khi nghe mình mới đến chiều nay nên hắn kiểm tra lại thì thấy đơn xin nhập cảnh của mình.

Mấy phút sau thì ông cậu và người con trai đến thăm. Tội ông cậu tuy lần đầu gặp cháu rể nhưng rất chân tình. Có lẽ mình là người đầu tiên trong gia đình mà ông ta gặp sau khi cả dòng họ vượt biên. Sau 75, ông có vào Huế, Sàigòn thăm gia đình của mấy người chị và khuyên các cháu nên đi vượt biên. Dạo đó thì chưa có ai bên vợ, về thăm Việt Nam nên mình là người đầu trở về.

Mình nói muốn về thăm quê. Sau hội thảo, con rể của cậu đèo Honda, đưa mình về thăm quê. Trời mưa nên xe chạy chậm vì sình lầy, suýt té mấy lần trên bờ đê mà mình từng nghe ông cụ kể thả diều. Mình ngồi phía sau nhưng hồn cứ bay chập chờn theo những ký ức của ông cụ. Cuối cùng sau khi hỏi thăm nhiều lần thì xe vào làng, theo lối cuối làng. Xe ngừng ở cái quán đầu tiên. Nói quán nhưng rất nhỏ như cái "shed", kho đựng độ làm vườn của đồng chí gái ở nhà, độ 1m x 2m. Mình thấy một con bé, đứng quán thì hỏi nhà ông chú họ thì con bé kêu to lên" Mẹ ơi! Anh Sơn, anh Sơn về mẹ!" Mình ngạc nhiên vì không có thông báo cho mấy ông chú họ hay hai bà cô ruột là sẽ về. Từ trong nhà, ùa ra bà mợ rồi bà ấy réo mấy đứa con, chạy đi kêu mấy người em họ của ông cụ, con của chú ruột và mấy bà cô ruột của mình.

Sang Mỹ thì bán anh em xa, mua láng giềng Mỹ gần nhưng về Việt Nam thì họ hàng rất quan trọng, rất gần khiến mình chưa quen vì xa nhà cũng trên 20 năm nhất là những người ở quê thì mình không biết ai ngoài mấy tên mà ông cụ viết trong thư. Khoảng đâu 10 phút sau thì cả họ kéo lại thăm mình. Mình vào nhà ông bà nội lạy bàn thờ ông bà thì khám phá ra nhà không có cửa sổ. Có khung cửa nhưng không có kiếng. Mình hỏi tối ngủ thì sao, họ trả lời là đóng cái phên, đan bằng rơm lại. Khung bằng tre, không có bản lề. Cửa vào nhà cũng vậy.

Mình hỏi có thể ra mộ ông bà thắp hương thì mọi người bảo mộ ở ngoài đồng, trời mưa đi không được. Trong làng ngoài Bắc, hình như có tục lệ người chết được chôn ở ruộng, trâu bò dẫm lên. Ai chết thì chôn ở ruộng của mình, ở miền Nam mình cũng thấy tương tự. Chắc chỉ những ai không có ruộng mới chôn ở các nghĩa địa chung. Ai biết về vấn đề này thì cho mình xin. Mình nghe kể là bà cụ mình có người em họ, rành về địa lí nên có xem đất đai gì đó cho ông bà nội. Ông cậu này nghe nói lo mồ mã cho những TBT đã chết. Có người phải đem cần trục đến đào sâu lắm nhưng hậu duệ vẫn không khá từ ngày ông ta xuống. Nói chuyện với người lớn dù không tin nhưng phải gật đầu nếu không lại bị chửi.

Căn nhà làm bằng đất, mái lợp bằng rơm khoảng 4m x 9m nên mình không hiểu tại sao ông bà nội mình bị liệt vào thành phần tiểu tư sản, giai cấp địa chủ, có nợ máu với nhân dân trong vụ cải cách ruộng đất. May là họ chưa bắn vì có lệnh thu hồi, sửa sai. Chu vi miếng đất khoảng 2000m2. Có cái ao nhỏ để nuôi cá. Mình đi vòng để xem, cố tìm cái chỗ ông cụ mình trốn khi du kích, ban đêm đến bao vây nhà để bắt ông cụ mình như bài hát "người anh Vĩnh Bình" của Nguyễn Đức Quang. May đêm đó, mã tấu không vung lên lấy đầu của ông cụ mình nên ngày nay, mình mới dịp về thăm quê.

Ông cụ là con trai đầu, có hai người em trai, một bà chị và một em gái. Người em trai kế, nghe nói học giỏi, bị Tây bắn chết khi đi học về. Người em trai út thì chết trên đường vào nam, bị B52 dập trên đường mòn Hồ Chí Minh. Người chị và cô em gái thì còn sống. Dạo mình về thì ông nội mình mất năm 78 còn bà nội thì qua đời vài năm trước khi mình về sau mấy năm bị tai biến mạch máu, nằm liệt giường. Dạo đó, ông cụ mình ra tù nên may mắn có về quê thăm và chăm sóc bà nội được vài tháng trước khi bà nội ra đi.

Sau này mình gửi tiền về cho bà cụ mình để xây lại căn nhà của ông bà nội, xây tường xung quanh miếng đất, cả họ hàng chiếm đất, xây cầu tiêu, nhà bếp, tân trang lại. Lần thứ hai về với vợ con thì mình có lại nhà trưởng họ để lạy bàn thờ tổ. Mình có đưa tiền cho bà cụ để xây lại cái cổng làng. Vợ mình và mấy đứa con thấy mấy ụ rơm với đàn ruồi bu đen khịt bên Đống phân bò nên không dám ngồi ăn. Mình chỉ uống nước trà trong khi dòng họ ăn uống vui vẻ với đàn ruồi.

Nhìn họ hàng bên nội, ngồi xung quanh, mình rất cảm động. Mình khám phá ra là lần đầu tiên về thăm Đà Lạt, mình có đem cái video đám cưới của mình cho ông bà cụ xem. Ông bà cụ ra Bắc nên có đem cuốn video ra chiếu cho làng xem vì thế khi vào làng là con bé Quỳnh, con ông chú họ nhận ra mình ngay. Ngồi chơi, ông chú bảo bà mợ đi bắt gà làm cơm thì mình xin kiếu, phải về Hà Nội với thằng em rể họ. Mình thấy dòng họ đông quá nên chả biết đưa tiền ra sao. Lần trước về thì mình đưa cho bà cụ để bà cụ cho ai thì cho còn đây mình phải trực tiếp nên thôi đưa mấy "vé" rồi nói mọi người chia nhau. Về đến Hà nội thì mình đang bâng khuâng, muốn về nằm nhưng thằng em rể nói phải đi ăn. Ở Mỹ thì mình chán ăn còn ở Việt Nam thì họ tìm đủ cách để ăn nên ghé vào Chả Cá Lã Vọng, nghe nói nổi tiếng. Leo lên gác, ngồi nóng, ruồi đánh hơi Cá nên bay vòng vòng. Họ bê ra cái lò than, để trên bàn rồi quạt lửa than rồi cá, thì là. Thật ra mình quen khẩu vị, đồ ăn Việt Nam ở Mỹ nên thấy không ngon bằng ở Bolsa. Bên cạnh có một đám Bộ đội ăn cá, uống rượu đỏ may mà không có thằng Tây con đầm nào ngồi trong quán nếu không chắc sẽ bắt chước Talleyrand kêu: " c'est pire qu'un crime, c'est une faute".

Vừa về đến nhà khách thì mình thấy phòng bên cạnh, có bà cụ đứng khóc, đập cửa phòng; "mợ cựa cho mạ thăm con". Bà này từ Huế vào thăm đứa con mà bà ta cho đi di tản hay vượt biên, nay học xong lại về. Cô này như bị khủng hoảng tinh thần, cô ta căm thù bà mẹ, đã bỏ cô ta lên thuyền. Lâu quá mình không nhớ rõ chi tiết. Nay thấy con về bà mẹ lật đật từ Huế ra Hà Nội thăm con nhưng cô con gái thì cứ ngơ ngơ ngác ngác vì không hiểu tiếng Việt, làm bà mẹ khóc như mưa ngâu. Cô ta chạy qua phòng mình hỏi phải làm gì, thì mình bảo ôm bà ta, hôn bà ta nhưng cô nàng bảo còn căm thù. Mình bảo bà mẹ muốn cô nàng có một tương lai khá hơn nên phải hy sinh chớ ai làm mẹ mà không thương con. Cuối cùng cô ta trở lại phòng, sau đó đi đâu với bà mẹ. Hai mẹ con khóc bù loa còn bà ta thì cứ kêu mình bằng Ôn, cạm ơn ôn. Xứ mình sao có đủ chuyện thương tâm.
Sau hội thảo thì mình bay về Sàigòn vì không có chuyến bay thẳng đến Đà Lạt như ngày nay, rồi đi xe đò lên Đà Lạt, thăm gia đình. Ông cụ có vẻ vui lắm vì mình có đưa tiền cho cả họ. Nhớ cho tiền ở Việt Nam làm mình nhớ lần về quê bên vợ ở An Cựu, Huế. Đồng chí gái thấy chú mợ rồi em út họ hàng đến thăm nên hứng nói cho mỗi hộ $100, đếm ra có đến 18 hộ, mà có hộ ở Mỹ hay Gia Nã đại cũng được bà mợ lấy dùm. Lần sau, về tính trốn nhưng khi ở trong "Làng Hành Hương", một khách sạn cạnh Nam Giao, nơi các vua triều Nguyễn hàng năm, làm lễ cầu mưa nắng như vua tầu thì đồng chí gái gặp một tên làm vườn rồi hỏi chuyện, té ra là cháu nội của ông chú nên phải đi thăm nhưng kỳ này khôn, chỉ cho hộ nào có mặt thôi. Vợ mình kể hồi nhỏ, mỗi lần đến nhà ông nội là thấy vườn rộng lớn lắm nhưng nay con cháu xẻ đất ra làm nhà nên vườn cây chả còn.

Về quê thì thích nhất buổi chiều hôm đó, trời mưa nên em rể, trung tá Hải quan dừng chân ở Chùa Thầy. Mình đứng xem ngôi chùa nhỏ trên cái ao lớn khiến mình có cảm tưởng như tổ tiên lãng vãng đâu đây. Ngôi chùa quá đẹp. Sau này về với vợ con thì mình có đưa lại thăm thì con vợ mình chả hiểu gì cả khi tên bán nhang, hương đèn nói giọng Hà Tây thé thé, bị moi tiền một cách trắng trợn. Các dịch vụ cúng kiến quốc doanh để moi tiền của thập phương bá tánh, đã đánh mất cái đẹp mà mình may mắn làm chứng nhân khi về lần đầu, thời bao cấp chưa định hướng kinh tế thị trường.

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 
Nguyễn Hoàng Sơn 

Tết thời con nít



Mỗi lần Tết đến, gọi điện thoại chúc Tết ở Việt Nam thì mình không khỏi nhớ đến những cái Tết của thời còn bé, dạo còn học Petit Lycée vì sau cuộc tổng công kích Mậu Thân, mình như đã bị cướp đi tính hồn nhiên của tuổi thơ. Hai lần VC đánh vào thành phố, chứng kiến không lực Hoa Kỳ dội bom trên số 4, có người mới đứng cạnh mình 2 phút trước, bị vỏ đạn rớt trúng bể đầu chết,\..., những hình ảnh ấy đã để lại dấu ấn mà đến ngày nay mình vẫn không quên.

Nhà mình có 10 anh em, 3 trai 7 gái cho nên mỗi đứa chỉ được bà cụ mua mỗi năm cho 2 bộ đồ và 1 đôi giày. Sau 1 năm thì theo truyền thống gia đình, quần áo cũ được tái sinh, truyền lại cho đứa kế bận. Mình là con đầu nên luôn luôn được bận áo quần mới đến khi lên trung học thì bận đồ tái sinh của ông cụ. Lúc đầu thì phải sắn lai quần lên thêm cái lưng quần rộng quá thì lấy sợi dây dừa bằng nhựa buộc lại, bận cái áo len ở ngoài quanh năm nên chả ai thấy.

Cái truyền thống khi xưa vẫn đeo theo mình tới ngày nay, áo quần cũ của mấy đứa cháu bên vợ, truyền lại cho mấy đứa con mình khi còn bé vì chúng lớn mau. Sau này quần áo của mấy đứa con, lại truyền cho mấy đứa cháu nhỏ hơn. Mình thì vẫn còn bận những đồ mua từ khi mới sang Mỹ năm 1987. Đồng chí gái vô vàn kính yêu có mua thì bận mà cũng lười bận vì sợ mòn nên bị vợ la hoài. Quanh năm chỉ bận mấy cái áo người ta cho để quảng cáo công ty của họ.

Thi tam cá nguyệt xong, trường nghỉ lễ Giáng Sinh bắt cầu qua Tết Tây, đâu 2 tuần lễ. Vừa đi học lại được vài tuần lại nghỉ Tết. Sau Tết Tây thì bà cụ thường dặn mình, cuối tuần dắt mấy đứa em ra chợ để bà cụ dẫn lên lầu của chợ Đà Lạt, dãy hàng bán quần áo may sẵn để mua quần áo cho Tết, rẻ hơn là cận Tết. Sau này, có mấy bà sơ ở domaine de Marie, đem quần áo phát chẩn của nhà thờ Mỹ cho, ra bán mà sau này người ta gọi là đồ SIDA (AIDS). Cũ người mới mình, lâu lâu bà cụ mua được một cái blouson về bận mấy năm không hư. Dẫn một đàn con đi mua sắm mà thấy thương cho bà cụ. Ngày nay mình chỉ có 2 đứa mà nuôi bở hơi tai.

Mua áo quần thì bà cụ lựa đồ có số rộng hơn để trừ hao khi giặt, nước sẽ bị rút, lại tính thêm mỗi đứa mỗi ngày mỗi lớn chớ không như mấy đứa con của mình ngày nay, mụ vợ cứ đi chợ thấy hạ giá là cứ mua tá lả, nhiều thứ mấy đứa con chả bao giờ bận vì không đúng thời trang của chúng. Đồ cũ của thằng con nay mình lại lấy bận đi làm vườn. Có lần trong xe, nghe con gái nói chuyện với bạn nó, chê đồng chí gái vô vàn kính yêu không biết thời trang bị mình quạt cho mệt thở.

Mua quần áo mới về thì đâu có được bận ngay, phải bỏ vào tủ cất, đợi mồng 1 Tết mới được lên đồ. Mỗi ngày mình đều mở tủ xem hai bộ quần áo và đôi giày, xem chúng còn hay mất. Không dám vuốt cái áo, rờ đôi giày vì sợ tay làm dơ đồ nên chỉ đứng ngắm hoài không biết chán, thò mũi vào tủ, hít hít mùi áo quần mới thêm mấy viên long não, cứ tưởng tượng bận vào thì chắc mình ngon cơ lắm thêm bà cụ đe doạ là nếu học dở, không chăm sóc em út thì sẽ bị cấm không được bận đồ mới trong 3 ngày Tết.

Dạo đó, cứ 23 Tết, mình có nhiệm vụ đem bộ lư và cặp chân đèn đồng trên bàn thờ ra sân chùi dầu sáng tưng để tối bà cụ về cúng tiễn Ông Táo về trời. Nghe nói ông Táo cởi cá chép về trời, lại không có quần dài. Trên Thiên đình theo chế độ bao cấp, bà Táo là gái chính chuyên, lấy hai ông Táo nên vải được phát cho mỗi cặp vợ chồng đủ may một cái quần dài, nay bà Táo phải cắt làm 2, may cho 2 ông chồng cái 2 quần xà lỏn. Ông cụ kêu chú Nghĩa, làm lao công trên ty Công Chánh về quét vôi tường nhà, rồi trả tiền chú. Mình nhớ hoài khi vào nhà chú ở số 6, vách đất mái tranh, nền đất thêm mấy đứa con bò lúc nhúc như đàn chó con. Lúc đó mới hiểu nghèo là gì, mái lều tranh với hai quả tim vàng và đàn con lúc nhúc.

Việt Nam mình dạo đó sơn của công ty Bạch Tuyết còn đắt nên người ta dùng vôi để quét tường nên thông thường cứ 2 năm là phải quét vôi lại, mình nghe nói quét vôi thì đỡ bị muỗi đến, mùi vôi làm muỗi sợ tương tự mùa hè mình xịt Listering khi ăn ngoài trời thì thần muỗi di tản chỗ khác. Ông cụ ra chợ, lựa mua một cành đào đem về cắm trong cái bình hoa cao cổ lớn, kêu mình bỏ vài viên Aspirine vào nước để lâu tàn. Chắc thuốc này làm loãng máu nên cành đào không bị tai biến mạch máu sống lâu. Người tây phương thì có cây thông, còn dân mình thì phải có cành đào hay cành mai.

Những năm có bà ngoại thì mình đi với Mệ lên chùa Linh Sơn nghe thầy thuyết pháp nhân lễ Giao Thừa rồi khi ra về thì hái lộc, mấy phật tử leo cây, viếu cành để bẻ trụi mấy cái cây dọc thang cấp lên chùa, có mấy con rồng. Cúng giao thừa xong là ông cụ đem một bánh pháo Điện Quang dài một thước, có gắn pháo tống ra ngoài hiên, gắn lên cái đà rồi châm lửa đốt với cây hương. Có năm ông cụ xin đâu được cây tre đem về làm cây nêu, treo pháo tòn ten. Khói bay mịt mù, tạch tạch tạch đùng,..., trong khi mình bịt tai, mũi thì ngửi mùi thuốc pháo, phê không thể tả. Mình chả hiểu lý do đốt pháo, nghe kể là để làm mấy con ma, con quỷ núp trong sân sợ mà bỏ trốn sang nhà hàng xóm ngụ. Sau vụ đốt pháo thì đi ngủ, không quên mở tủ coi lại hai bộ quần áo, xem còn hay mất, rồi kêu gút nai.

Sáng ra, mình lượm mấy viên pháo bị xì rồi tháo cái vỏ giấy đỏ, đổ thuốc xuống sàn xi măng đốt lửa nghe cái xèo, thơm mùi thuốc pháo. Sau Mậu Thân thì lượm mấy viên đạn, lấy kềm bẻ đầu đạn, lấy ra rồi đổ thuốc súng ra đốt. Thằng Đắc, con anh Bình trong xóm suýt chết vì lấy cái đinh đóng ngay trung tâm cái chuôi đạn cho nổ. Có người lấy đạn pháo binh 122 mm, lấy đầu đạn ra để lấy cái vỏ đạn bằng đồng làm bình hoa hay bán cho ve chai. Nhớ có ông hàng xóm đi lính pháo binh, đem về mấy viên pháo tống, cho nổ nghe kinh hồn. Có lần quân cảnh nghe tiếng pháo tống nên bò lên hỏi ai đốt vì nghe nói là pháo này dùng cho khi đi hành quân.

Sáng hôm sau mình dậy rất sớm, hỏi bà cụ bận đồ mới được chưa, bà cụ như tiếc nuối, như sợ "hương đồng cỏ nội bay đi ít nhiều" nên bảo đợi ăn xong mới được bận vì sợ mình làm dơ áo khi ăn. Thế là mình ngốn nghiến chả thủ, bánh tét, thịt đông của bà cụ làm mấy ngày trước rồi chạy ra hỏi bà cụ, vẫn phải làm đủ trò đến khi khách đến thăm thì mới được phép bận rồi ra chào khách để được lì xì. Áo quần rộng nên mình cứ xúm xính, phải xăn lai quần, xăn áo sơ mi, giày thì rộng đi muốn rớt ra ngoài nên phải lết lết đôi giày nhưng lòng hồ hỡi, hạnh phúc cực, chạy qua hàng xóm khoe áo mới, dặn em út ở nhà có khách đến là chạy qua kêu mình về để có lì xì lắc bầu cua.

Khách xông đất nhà mình thường đã được ông bà cụ nhờ mấy ngày trước vì tin dị đoan, phải là người có đức, có tiền nên thường thường là những người ngoài phố. Thấy khách đến thăm thì mình đứng tòn ten nơi cửa bếp, tai cứ ngóng đợi ông bà cụ kêu ra để lãnh lì xì. Khách quý thì bà cụ đem chả thủ ra mời nếu là người Huế, thịt đông, giả cầy nếu là người bắc, không có màn thịt heo kho vì có lẽ ít quen người nam. Thêm bà cụ mời mứt dâu và uống rượu dâu do chính tay bà cụ làm. Mình không nhớ rõ cách làm của bà cụ, chỉ nhớ là khi làm mứt dâu thì có mấy trái bị gãy cọng hay bị nát, bà cụ gom lại nấu dâu cho nát rồi lọc với cái phễu, bỏ cặn đi rồi pha với rượu đế rồi bỏ vào cái bình pha lê để đựng rượu Tây.

Mình nhớ có lần cúng đầy tháng một đứa em, ai cho một chai Champagne, khách khứa mỗi người được một ly nhỏ, ai nấy đều uống chậm chậm từng giọt để tận hưởng hương vị của rươu Tây. Nghĩ lại thì họ uống không đúng cách của người Tây vì rượu này phải uống lạnh chớ không uống với nhiệt độ của phòng như rượu đỏ nhưng ông chú, em bà con của ông cụ, cứ gục gặc cái đầu như con gà mái mổ đất tìm thức ăn, khen ngon ngon, Tây có khác.

Bà cụ mình có cái tài làm mứt, bà luộc gừng, bí,...trước khi rim để chất dầu trong gừng, bí,.., chảy thoát ra cho nên mứt của bà cụ luôn luôn khô ran khô rốc nên mấy tiệm bánh như Thanh Nhàn dành nhau để lấy ra chợ bán cho dân thị xã. Từ ngày rời Đà Lạt mình chưa bao giờ ăn lại mứt ngon như của bà cụ làm. Bà cụ còn làm món mứt đặc sản của Đà Lạt: mứt dâu Đà Lạt, rim dâu còn nguyên cái cuống xong thì lấy giấy bóng vàng, đỏ, cắt ra nhỏ rồi đợi khô cuốn lại để lòi cái cuống ra. Mình có nhiệm vụ cắt ba cái giấy bóng này.

Ai cũng khen bà cụ khéo tay còn mình thì chỏ mõm như chó đói, đợi họ lì xì. Nhưng người lớn, họ thích tra tấn con nít nên nói chuyện từ năm Canh Dần sang năm Ất mùi khiến mình phải ở nhà, không dám đi chơi, sợ mất lì xì. Tính ra thì không lợi, phải đãi khách đủ trò, bia, nước cam, giò thủ, rượu dâu,..bánh tét bánh chưng để họ lì xì cho mấy anh em mình rồi mình phải đi rửa ly tách, chén đĩa để còn đón khách khác. Tốt nhất là ông bà cụ chả mua sắm gì cho mất công, cứ cho anh em mình tiền rồi khách đến nhà thì mình cứ bảo là bố mẹ cháu đi vắng là lời to.

Sau Mậu Thân thì trước Tết, sau khi đi chợ về bà cụ lại tranh thủ làm thêm mứt, bỏ mối cho mấy tiệm bánh ngoài chợ như Thanh Nhàn nên ăn mấy miếng mứt vụng mệt thở, kiểu nhà vườn ăn lá sâu. Còn gừng bào ra bị nát hay lát nhỏ quá thì thái nhỏ ra làm mứt dẽo có đậu phụng. Giáng sinh trời lạnh ăn món này uống trà thì tuyệt.

Bà cụ dặn mình là không được qua nhà hàng xóm ngày mồng một vì sợ mang lại xui xẻo cho gia đình họ cho nên mồng 2 mới dám lò mò sang hàng xóm chơi để khoe giày mới, áo quần mới. Sau này lớn lên mới hiểu, mình da đen như cột nhà cháy, đầu năm xông đất nhà thiên hạ thì gia đình họ chỉ có nước đi ăn mày cả năm. 3 ngày Tết mình không thích ăn đồ ăn ở nhà, cứ có tiền lì xì là chạy ra phố, ăn mỳ Cẩm Đô, phở Bằng hay mua bánh mì Gala hoặc chen lấn để mua vé xem xi nê.

Sau này quân đội Mỹ đổ bộ sang thì bà cụ mua mấy két bia lon Mỹ, RC Cola về để mời khách trong những ngày Tết. Khi xưa thì ai cũng uống bia của hãng Larue B.G.I., hình con cọp màu vàng hay chai nhỏ 33 export, nước cam vàng, xá xị nhưng từ ngày Mỹ sang thì thức uống được mỹ hoá khá nhiều như uống coca cola, Fanta, Dr. Pepper,.. trong mấy cái chai rồi để dành đợi bà mua ve chai đến bán. Mình không nhớ tên ông bạn quen với ông cụ mình, ở xóm Địa Dư gần trường Grand Lycée, làm hãng Mỹ, tới nhà ông ta thấy cái tủ lạnh, chứa đủ đồ ăn thức uống của Mỹ. Ông ta cho mình uống một cốc sữa tươi lần đầu tiên trong đời, thơm không thể tả.

Thường mồng một thì cả gia đình khởi hành vào giờ hoành đạo, thuê xe Lam đi viếng am Mệ Cai, nơi mà bà cụ bán cái vía của mình vì nghe nói khi xưa mình hay đau ốm hoài, khó nuôi, ở đường Nguyễn Công Trứ, hái lộc, cúng dường xong thì thăm chúc Tết mấy người bà con vai vế cậu mợ của bà cụ như ông bà Võ Quang Tiềm, Nguyễn Văn Phúng, Nguyễn Văn Đàng,... Mình không thích mấy người bà con này nhiều lắm vì họ giàu nhưng lại chúa trùm sò, lì xì rất hạn chế nên không muốn đi nhưng ông bà cụ bảo phải đi. Nói tới giờ Hoành đạo làm mình nhớ có lần, tên thầy bói nào mách nên ông bà cụ kêu xe Lam đi, thay vì chạy lên hướng Số 4 từ Hai bà Trưng, ông bà cụ kêu ông tài xế chạy về hướng Cẩm Đô rồi rẽ sang Phan Đinh Phùng chạy về Mả Thánh tốn thêm tiền là thấy tiền ra trước cái đã.

Có năm ông bà cụ lấy xe đò xuống Blao chúc Tết ông Ngoại của mình thì bà ngoại ghẻ la lối đuổi ra không cho vào. Mình thấy ông cụ cứ thúc bà cụ đi về còn bà cụ thì khóc như mưa bấc. Dạo đó còn nhỏ nên chả hiểu mô tê chi cả, sau này lớn lên thì mới biết là ông ngoại đi kháng chiến, dinh tê qua Lào rồi định cư ở Blao, trồng trà, khá giả nhưng không có con với bà sau này. Bà này thì sợ bà cụ mình về chia gia tài do đó, tìm cách không cho ông ngoại gặp bà cụ mình. Sau này bà ngoại ghẻ đánh bài, cầm bán hết gia tài của ông ngoại. Sau 75 thì ông ngoại mất tích, con cháu không biết tin tức nên không biết ngày giỗ.

Mồng 2 thì mình theo bà cụ đi đổ xăm hường hay chơi bài tới ở ngoài phố tại nhà bà con hay ở nhà dì Tân, kêu Mệ ngoại mình bằng dì ruột ở đường Hai Bà Trưng. Hồi đó mình biết chơi bài tới, đi chợ, ù tùm lum tá lả nay quên hết. Người Huế có cái trò đổ Xăm Hường, dùng 6 hột xí ngầu, đổ vào cái tô bằng sành to, nghe mấy hột xí ngầu kêu leng keng rất đã tai, ai đi ngoài đường cũng phải nghe. Hình như đàn bà thích chơi trò này vì không đấu trí như xập xám chướng, xì dách chỉ may rủi. Lâu quá mình không nhớ cách chơi, chỉ nhớ là đỗ mà có con số 4 thì được 1 hường thì lấy một thẻ nhỏ, rồi nhị hường, tam hường nếu có 3 hột xí ngầu có số 4, màu đỏ rồi Trạng em, Trạng Anh thêm trò giật Trạng khá vui, có mấy cái thẻ bằng ngà viết chữ tàu màu đỏ chả hiểu gì cả.

Sau 3 ngày Tết thì tiền lì xì cũng hết vì ăn hàng, mua vé xi nê hay đánh bài xì lác nên mới bắt đầu thấy bánh tét, bánh chưng là ngon, nhất là chiên. Có cái đám người nam hay ăn bánh tét với đường, hơi lạ lạ nên mình có thử, không thấy ngon. Quần áo mới thì cố gắng giữ gìn trong ngày đầu năm sau đó thì cũng quên, nhiều khi đập lộn với tụi trong xóm làm dơ hay rách cả áo quần.

Sau này thì thích nhất là canh nấu bánh tét của nhà ông Tước và ông Hoà, hàng xóm. Tối ngồi quanh hai cái nồi của hai nhà, nghe mấy người lớn tuổi kể chuyện ma khiến mình hơi ớn ớn, tối về trước khi đi ngủ phải thắp hương ở bàn thờ mệt nghỉ. Dạo có Mệ ngoại ở với gia đình mình thì có vụ đánh bài tới với mấy quân bài như Nọc đượng, Gà, Ầm,... Mình có xem người ta chơi bài chòi trên số 4, toàn là dân gốc Huế nhưng không hiểu gì cả. Hy vọng có ngày sẽ về Huế để xem người ta chơi môn này lại. Hôm trước ăn Tết ở bên vợ, mình thấy mấy đứa cháu chơi cái gì mà mỗi đứa cầm cái điện thoại cầm tay rồi la hét om xòm. Chắc là bài tới năm 2015.

Mình nhớ Tết Mậu Thân thì không hiểu vì sao pháo năm đó rẻ nên thiên hạ mua nhiều. Ngay ông cụ mình chơi 2 bánh pháo dài 2 mét, năm đó vui không thể tả nhưng sau đó thì mình chứng kiến cảnh chết chóc, sự tàn phá của chiến tranh. Tết năm đó đã để lại dấu ấn sâu đậm trong mình. Mình bắt đầu nghĩ đâu đâu, mất đi tuổi hồn nhiên của một thời. Nhiều người hỏi mình tại sao nhớ nhiều chuyện ngày xưa trong khi họ thì chả nhớ. Mình chỉ biết trả lời nhiều khi, quên là một cái may mắn của đời người vì nhớ chỉ làm mình thập thò về quá khứ thay vì hướng về tương lai.

Chúc các bác một năm mới vui vẻ và được nhiều sức khỏe.
Nhs

2/27/15

Tết Ta, Tết Tây, Tết Mỹ


Tính ra mình ăn 16 cái tết ta ở Đà Lạt, 14 cái tết ta ở Tây, 37 cái tết ta ở Mỹ còn tết Tây thì ăn tứ xứ. Hàng năm cứ hết lễ Tạ Ơn là mình gửi thiệp chúc mừng năm mới bằng anh ngữ cho khách hàng, bạn bè và thân quyến rồi lại nhận được những lời chúc tụng của họ với những sáo ngữ. Viết thiệp cho bạn bè ngoại quốc, khách hàng,..là viết theo phép xã giao trong nền văn hoá của bản địa. Nay chỉ viết tay cho những người quen ở Pháp, đã giúp đỡ mình khi xưa. Lý do là đa số thân hữu đều theo dõi mình qua các mạng xã hội nên không cần tóm tắc các hoạt động trong năm của gia đình.

Tại Cali, hết mùa lễ Tạ Ơn là thấy tiệm, quán bắt đầu treo đèn, chuẩn bị mừng Giáng Sinh, thiên hạ đi sắm đồ, mua quà cho thân nhân, bằng hữu khiến xe cộ nghẹt đường rồi đến Tết dương lịch, bắn pháo bông khắp nơi, người ta đón năm mới, khởi đầu cho một chu kỳ mới, bao nhiêu điều ước, dự tính muốn thực hiện trong năm mới, đều bị quên lãng ngay tuần lễ đầu. Mình cũng lê lết theo vợ con, tiệc tùng với các thân hữu nhưng lòng vẫn không rộn ràng như khi Tết Ta về.
Nhớ dạo còn ở Âu châu, dù đi làm ở Thuỵ sĩ, Ý, Anh quốc, Đức,..ngày Tết ta, mình đều lấy xe lửa hay máy bay về Paris ăn Tết với hai người em trong 2 ngày cuối tuần. Cũng không gì đặc biệt ngoài cúng giao thừa, ăn bánh chưng, mứt,.., kể chuyện xưa khi còn ở nhà. Thời sinh viên sau Tết Tây, mình ra khu Maubert Mutualité xem mấy bích chương để biết ngày nào tổng hội sinh viên tổ chức hội chợ Tết. Nói hội chợ Tết cho oai, thật ra chỉ có văn nghệ và nhảy đầm, có vài gian hàng bán bánh, mứt,.., được tổ chức trong rạp vì ngoài trời gió lạnh nhiều năm có tuyết. Dạo đó có 2 hội Tết: một thân cộng và một chống cộng đều được tổ chức tại rạp Maubert, chỉ cách nhau một tuần. Có màn đánh nhau, phá đám, không khí Tết tha phương có thêm tí chính trị máu lửa vào giữa bên thắng cuộc và bên thua cuộc.

Tuần này, thấy trên diễn đàn, bạn bè chúc tụng năm mới khiến lòng mình vui hẳn lên, không như dạo Tết tây, cũng những người ấy chúc Happy New Year mút mùa lệ thuỷ. Tại sao lại có sự nghịch lý như vậy? Mình sống ở hải ngoại lâu năm hơn Việt Nam, đáng lý mình phải hồ hởi khi Tết Tây, Tết Mỹ về nhưng không, đằng này ngày 23 ta, mình làm cơm, mua trái cây, cúng ông Táo về trời, rồi đêm 30, sửa soạn, làm cơm cúng mời ông bà tổ tiên về ăn Tết rồi dẫn con đi chùa, xem 3 mẹ con xin xăm, lạy mệt thở. Không quên khấn thổ thần đất đai bằng tiếng Mễ và cúng rượu Tequila.

Nếu những ngày Tết ta trùng ngày trong tuần thì mình vẫn đi làm, một ngày như mọi ngày, đi làm đóng thuế nhưng không hiểu lý do Tết ta, tết Việt Nam vẫn làm mình chộn rộn, háo hức vì trong nhà có mùi hương khói, đèn cầy, bánh mức, bánh trái? Cũng những người bạn gửi imeo hay gọi điện thoại chúc Tết Tây tháng vừa rồi, không làm mình cảm động nhưng hôm nay 4 chữ chúc mừng năm mới đã làm mình xúc động.

Có lẽ Tết ta đối với mình là Tết của ký ức, không phải là một sự kiện như năm mới của người Mỹ mà là không gian của vùng trời ký ức vì chúng ta có thể tránh sự kiện nhưng không thể tránh không gian của Tết, không gian của hoài niệm. Không gian khó tả ấy bao trùm lấy mình, chuyển hoá mọi sinh hoạt hàng ngày thành Tết. Tết là bản thể, Tết là những gì kí ức còn lại trong cuộc sống lưu vong.

Có lần cô em út ở Việt Nam nói chuyện với mình qua điện thoại, nói ông bà cụ mình muốn về Bắc ăn Tết nên mình gửi tiền để cô em mua vé máy bay và đưa thêm cho bà cụ chuẩn bị về quê, quà cáp theo phong tục. Mọi lần ông bà cụ ăn Tết ở Đà Lạt xong mới ra Bắc nhưng năm nay lại đi trước Tết và ở lại đâu 6 tuần. Cô em xin đi theo ông bà cụ vì chưa bao giờ về quê nên mình đồng ý vì có người lo thuốc thang cho ông bà cụ cũng đỡ lo. Hôm kia, cô em nhắn tin, kể là đang canh bánh chưng ở quê, có không khí Tết hơn thành thị. Lúc đó mình mới hiểu lý do mà ông cụ thích về quê ăn Tết.

Việt Nam là một xứ nông nghiệp, dân chúng sinh sống xung quanh làng xóm, theo những tập tục, lệ làng đời này truyền sang đời sau. Con người bé nhỏ trước thiên nhiên, trước những thiên tai,..tàn phá mùa màn, lẻ sống của họ nên vua khi xưa, hàng năm phải đến đàn Nam Giao để tế lễ, lạy trời đất, cầu cho mưa thuận gió hoà để nông dân làm ăn. Nền văn minh lúa đã tạo nên những lễ hội tuỳ địa phương. Khi nói đến lễ là nói đến việc cúng tế, còn nói đến hội là chơi vui, xả hơi sau năm tháng quần quật trong công việc đồng áng.

Tháng Giêng là tháng ăn hơi Tháng Hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà Tháng Ba thì đậu đã già Ta đi ta hái về nhà phơi khô ...... Bài này học đâu hồi lớp 5ème, giờ cô Ngô thị Liên. Cái phần lễ trong những ngày hội Tết đã biến không gian Tết trở nên thiêng liêng, có một sắc thái riêng biệt về tín ngưỡng, tạo nên một kích thước siêu hình, có chức năng tạo sự liên kết giữa người trong làng, giữa người trần tục và người đã chết. Trong làng tổ chức những nghi lễ, mời các Thần Hoàn về trù trì các buổi lễ cầu an, các gia đình thì làm cơm mời tổ tiên về ăn tết trong 3 ngày tết. Ông cụ mình thích về quê ăn Tết, tìm lại những tập tục của làng xã. Năm nay, gia đình mình cúng mời bà ngoại về ăn Tết với con cháu, vẫn tổ chức họp mặt thường niên giữa các anh em, con cháu để vui chơi trong vài tiếng đồng hồ rồi mai lại trở về cảnh làm người Mỹ.

Hồi nhỏ Tết đối với mình là sự liên thông giữa gia đình, bà con hay người trong làng của bà cụ. Cuối năm, các người cùng làng của bà cụ, di cư vào Đà Lạt, rủ nhau sáng đi chạp mộ ở Mả Thánh, trưa thì tụ họp lại cúng Thần làng rồi ăn ở nhà Bác Thành chạy xe lam ở số 4. Đầu năm, nói lên tình thầy trò khi bạn học rủ nhau đi chúc Tết thầy cô. Ngày nay, ở hải ngoại thì Tết là một sự kiện hàng năm, nhắc nhở đến chúng ta về ý niệm nguồn gốc, bản thể nên có tính chất rộng lớn của phạm vi dân tộc, quốc gia mình đã bỏ lại trên con đường tìm tự do.

Ngoài Bôn Sa có chợ Tết nhưng nghe nói ế vì đắt đỏ, sẽ có hội chợ sinh viên thường niên. Khi xưa, có chợ Tết của cộng người Việt nhưng nay chắc thế hệ thứ 1 đã già nên hết thấy tổ chức, chỉ còn chợ tết do tổng hội sinh viên nhưng lại rất xa khu người Việt sinh sống. Không biết trong tương lai có còn thực hiện hay không.
Với chức năng ấy, lễ hội của những ngày Tết đã tạo ra một mẫu số chung cho những người cùng làng, trong tỉnh dù bôn ba hải ngoại vẫn nhận ra nhau. Những hội thân hữu ở hải ngoại mọc lên đầy như hội thân hữu Đà Lạt, Thừa Thiên, Bạc Liêu, Cần Thơ,.... Lúc mới ra hải ngoại, người việt lưu vong nhìn nhau qua mẫu số chung là người Việt nhưng dần dần cái mẫu số chung đó bị nhạt dần, cuốn xoắn trong nền văn hoá sở tại. Người lưu vong tìm về không gian của ký ức, nơi mình sinh ra như Đà Lạt, Huế, Hà Tỉnh,... Một người sinh trưởng ở Đà Lạt và một người sinh trưởng ở Cà Mau, ngoài tố chất Việt thì hoàn toàn không có chung những lệ làng, tập tục,... Ông cụ mình vào Nam gần 70 năm, bạn hữu quen trong Nam dần dần đã ra đi, ông cụ đơn độc còn 1 người bạn khi xưa cùng sinh tử trong quân đội và ở cùng trại cải tạo, cho nên ông cụ thích về quê ăn Tết là muốn tìm về kí ức, của làng xóm, những người có cùng một mẫu số chung, để hoà nhịp lại trong không gian của ký ức tập thể, của thời thơ ấu.

Lúc mới rời Việt Nam, ra đường gặp ai là Á châu là chạy lại hỏi chuyện nhưng sau 50 năm người việt lưu vong gặp một người việt thì không còn thấy gần gũi như 50 năm trước vì bản thể của chúng ta đã được hoà tan trong nền văn hoá Mỹ hay của nước sở tại. Chúng ta đã an cư lập nghiệp tại đây, quen đường biết lối, không còn bỡ ngỡ như 50 năm về trước, cho nên khi chúng ta chọn bạn để chơi, không nhất thiết mẫu số chung là người Việt Nam nữa.

Hôm trước, mình có người mướn nhà mới, gốc Guatemala nên gọi ông thợ cũng gốc Guatemala, hỏi có muốn làm quen gia đình Guatemala nầy không. Ông ta kêu không. Chán Mớ Đời 

Trên diễn đàn, đọc bài của nhiều tên, nhiều ả mà mình không biết, chưa bao giờ gặp mặt nhưng vẫn cảm nhận, có cái gì thân quen, vì họ có cùng một mẫu số chung là cựu học sinh của Văn Học hay Yersin Đà Lạt, có cùng kỷ niệm về ông thầy bà cô tương tự như ông cụ mình về quê, gặp một thằng cháu của một người quen trong làng vẫn không thấy xa lạ vì hắn có cùng mẫu số chung, sinh trưởng tại làng ông cụ. Năm nay mình rủ vài người bạn học xưa và gia đình đi ăn Tết do nhóm thân hữu Đà Lạt tổ chức hàng năm mà mình chưa bao giờ tham dự. Từ khi bắt gặp lại nhóm học chung khi xưa ở Văn Học hay Yersin, bỗng nhiên mình hay nhớ về Đà Lạt, những kỷ niệm buồn vui của một thời, hí hoáy viết lại những kỷ niệm, những thao thức của một thời đã kinh qua.

Ở hải ngoại, nói rõ hơn ở Cali nơi mình đang trú ngụ, người Việt lưu vong có thể không cần biết nói tiếng anh. Muốn ăn phở thì ra tiệm phở, có rau húng quế, giá sống giá trụng, có bún bò mụ Diễm, có mì quảng. Đi bác sĩ thì có bác sĩ gốc việt, nha sĩ gốc việt, nhảy đầm có ca sĩ hát tiếng Việt, xem truyền hình, nghe radio tiếng Việt,.... 

Trên xa lộ có cái bảng chỉ đường to lớn Little Sàigòn, thủ đô của người Việt tị nan. Hôm qua đọc tin tức, thành phố Santa Ana mới cho dựng lại một bức tường Little Sàigòn mà cách đây mấy năm có tên nào lái xe đâm vào làm bể. Thành phố phải đợi mấy năm mới có ngân quỹ $84,000 để làm lại. Cho thấy phòng thương mại người Việt tại Quận Cam, chả làm gì cả khi bức tường bị vỡ. Kiếm công ty bảo hiểm của tên lái xe ẩu để đền. Mình nghĩ không tới $84,000 nhưng vì thành phố nên phải chi đủ trò. 

Nói như vậy không có nghĩa họ sống theo văn hoá Việt, họ vẫn sinh hoạt theo luật lệ, đời sống thường nhật của xã hội Mỹ. Cuộc sống họ đã được biến dịch, Mỹ hoá, làm việc quần quật, trả bills hàng tháng, ngôn ngữ của họ cũng được pha các từ anh ngữ, cô động hơn là họ sống như một người Mỹ gốc việt. Người việt lưu vong quên dần cái bản thể Việt tính của mình và chỉ có những lễ hội Tết mới kéo họ về nguồn gốc của họ, tìm lại căn cước của nguồn gốc Việt, giúp họ tìm lại chút gì để nhớ trong kí ức.

Cách đây hai tuần thằng con gọi điện thoại hỏi khi nào Tết vì nó muốn về ăn Tết ở nhà. Mình không biết nó về vì được lì xì như mọi năm hay gặp lại các anh em bạn dì, cô cậu của nó hay muốn tìm lại chút dư âm của thời thơ ấu. Hồi còn bé, mình hay dẫn nó đi xem múa lân, cõng trên vai lắc lư tùng xèng tắc tắc, đi hội chợ Tết do tổng hội sinh viên tổ chức. Sau này cộng động người Việt thấy lời nên nhảy ra làm tiền, cãi nhau, tranh tụng không còn để ý đến văn hoá nên mình chán không đi nữa.

Năm nay, con gái đang làm việc tại Nữu Ước nhưng cũng bay về như mọi năm để ăn Tết với gia đình. Thậm chí khi học ở Hương Cảng, cũng bay về. Kêu có lần học ở Ý Đại Lợi, nên ghé Paris hai tuần. Nó cảm thấy buồn vì vắng bóng người thân, anh chị em họ hàng. Năm nay vui lắm được bận áo dài, đi chùa xin xăm đầu năm.

Hàng năm gia đình bên vợ đều tụ họp lại ăn Tết, chúc tết nhau, con nít được lì xì để đánh bầu cua cá cọp, còn người lớn thì chơi bài Xì lác. Có đứa kêu đồng chí gái bằng Bà, chúc bà đầu năm sinh trai cuối năm sinh gái làm ai cũng nhìn mình như thách thức một chuyện khó mà thực hiện được. Cửa khẩu của đồng chí gái nay như khô mực. Chán mớ đời! 

Những ngày tết, lắc bầu cua, chơi bài, lì xì,..., do người lớn thế hệ thứ nhất tạo lại không gian của ký ức, đi chùa lễ Phật, hái lộc, xin xăm vô hình trung đã tạo dựng nên một bản thể, truyền thống cho thế hệ con cháu mình, mặc dù chúng không rành tiếng việt nhưng có cái gì làm mẫu số chung để chúng nhận ra bản thể của mình khác với những bạn học.
con Gái và đồng chí gái 
Người Mỹ gốc Do Thái có những Yom Kippour, người gốc Miên có tết riêng của họ hay người Thái, Lào tương tự cũng có những lễ hội, trong mấy ngày họ tạm đình, gác lại công dân Mỹ, tìm lại những phần tử có cùng mẫu số chung, cũng bản thể, có cùng truyền thống để củng cố lại bản thể, gốc tích của họ. Có lẽ vì vậy mà lòng mình cảm thấy nao nao khi không gian của Tết bao trùm, quyện lấy tâm thức vì trong vài ngày của một năm, mình tìm lại cái phạm trù việt tính, chất Việt trong ký ức của một kẻ lưu vong vì Tết đã đẩy mình về với cội nguồn, là người Việt trong tận cùng của xương tuỷ, nhận lại căn cước Việt dù chỉ vài ngày.

Chúc mọi người được nhiều sức khoẻ trong năm mới.

Nhs

Tết năm ấy

Nguyễn Hoàng Sơn

Khi lên 10ème thì mình bắt đầu học tiếng Việt, đánh vần và viết tiếng Việt với ông thầy Tường. Sau này có con, sinh hoạt hướng đạo thì các cháu học lớp tiếng Việt do các trưởng hướng đạo dạy khiến mình ngạc nhiên về cách đánh vần. Ngày xưa mình học đánh vần chữ "khổ" là "ca hát ô khô hỏi khổ", còn ngày nay con mình học đánh vần "khờ ô khô hỏi khổ" nên mình nghĩ chắc học trường Tây nên họ dạy khác\. Sau này hỏi một ông thầy nghiệp dư thì ông ta bảo đó là cách đánh vần sau 75, các trưởng còn trẻ hơn mình nên quen đánh vần kiểu hậu 75 cho nên trước 75 thì ai cũng "khổ" nhưng họ "còn ca còn hát" được còn sau 75 thì cũng "khổ" nhưng không ca không hát chỉ "khờ" thôi. Đến năm 9ème thì bắt đầu học mấy cuốn Quốc Văn giáo khoa thư và luân lý giáo khoa thư của ông Trần Trọng Kim với một ông thầy người Việt mà mình không nhớ tên nhưng lại thích học giờ ông này nhất vì ông ta dành 5-10 phút cuối giờ để kể chuyện kháng chiến chống Tây.