Người già trong xã hội ngày nay


Có cuốn phim Nhật Bản, xem từ khi còn ở Pháp, đúng 40 năm. Không hiểu sao lại khiến mình suy nghĩ hoài. Nhất là ngày nay, mình gần 7 bó. Cuốn phim, được thực hiện phỏng theo một cuốn sách của Shichiro Fukazawa, viết trước khi mình ra đời. Cuốn sách được làm phim hai lần, mình được xem cuốn phim thứ 2, do đạo diễn Shohei Imamura thực hiện năm 1983, nghe nói đoạt giải điện ảnh Cannes. Kinh


Câu truyện nói về tục lệ của một làng ở Nhật Bản nghèo khi xưa. Thất mùa, không có gạo ăn, dân tình đói, ăn cắp gạo hàng xóm,… để có cơm ăn. Trong làng đưa ra tục lệ, ai đến tuổi 70 thì được con cõng lên núi Nara (Narayama, yama là núi, sơn), để họ lại trên đó, chết để khỏi tốn cơm cho con. Khỏi chôn, nhưng từ trên núi, họ nhìn về làng, nhà cửa nơi con cháu sinh sống. Hy sinh đời bố mẹ củng cố đời con cháu. Xem như về già, con người trở nên gánh nặng kinh tế cho gia đình và xã hội. Họ tìm cách đào thải chúng ta.

Sang xứ Tiệp, nghe họ kể chính phủ khuyến khích người dân uống rượu để chết sớm vì một người hưu trí ở Tiệp, tốn chính phủ đâu $150/ ngày.

Câu chuyện nói về gia đình một ông tên Tappei, goá vợ, có 4 con và bà mẹ 69 tuổi, goá chồng, xem như còn 1 năm nữa là được con cõng lên núi. Bà mẹ răng còn tốt nên ăn rất khoẻ, nên tự đập vỡ răng để khỏi ăn, chết nhưng người con bắt gặp. Cuối cùng bà ta chuẩn bị lên núi, dạy con cháu các tay nghề của mình như nấu ăn, làm bánh, kiếm vợ cho con trai út,…để ra đi thanh thản. Phụ nữ lúc nào cũng hy sinh cho con cháu, gia đình. Gặp mình thì ăn gấp đôi. Chán Mớ Đời 


Rồi ngày ấy đến, người con cõng mẹ trên lưng, đi lên núi. Hai mẹ con nói chuyện, kể lại chuyện xưa, mới khám phá ra ông bố mất tích vì người con đã giết ông ta vì không chăm sóc gia đình, đánh bài, mắc nợ,… cảnh người con cõng mẹ lên núi, nói chuyện rất tâm đắc vì thường ngày bận bịu công việc, không có thời gian để tâm sự.


Khi mình đưa bà cụ mình đi chơi ở Nhật Bản, mấy ngày chỉ có mẹ và con, cảm thấy hạnh phúc vô ngần. Không chút bùi ngùi, nhìn mẹ tóc bạc, theo mình lên núi như thể cuốn phim mà mình xem khi xưa. Kỳ đi Thái Lan vừa qua với mẹ, mình đi chơi ở Vọng Các, còn khi đến đảo cạnh Phuket thì chỉ loang quanh, ít đi đâu xa.


Cuối cùng, bà mẹ chọn chỗ để người con để bà ta xuống. Bà ta ngồi như thiền định, đuổi người con đi về. Ngoài trời tuyết rơi như những giọt nước mắt của trời đất khóc cho tình mẫu tử chia ly. Mình nhớ cảnh đầu lâu, xương sọ  của người đến trước, rãi rác khắp nơi.


Người con, buồn bả đi xuống núi, thấy người con láng giềng cũng cõng cha lên núi, ông bố lo sợ, kêu la, van nài con trai, đừng để ông ta ở lại. Hai cha con loay hoay làm sao, khiến chiếc ghế cõng ông bố rớt xuống núi. Thê thảm.

Hình ảnh người mẹ ngồi yên lặng trong khi tuyết rơi như những giọt nước mắt mẹ già

Về Việt Nam, gặp bạn học cũ, họ kể nghỉ hưu, ở nhà trông cháu ngoại, tạo điều kiện cho con xây dựng cuộc sống. Có người đang đi làm nhưng có cháu ngoại thì nghỉ làm, mê cháu ngoại ở nhà, chăm cháu. Cho thấy khi về già, chỗ đứng của chúng ta trong xã hội, gia đình khác khi còn đi làm. Chỉ làm ô sin, chăm sóc cháu. Đến khi chân tay yếu đuối thì được con chở vào viện dưỡng lão, đợi ngày về thiên quốc. 


Bà mẹ trong phim, tuy lớn tuổi, nhưng vẫn là pho sách với những kinh nghiệm sống, cách nấu ăn,… tại sao phải đem bà ta lên núi, để chết trong tuyết lạnh. Chỉ vì miếng ăn, chúng ta sẵn sàng bỏ tất cả. Không biết có nghiên cứu nào, nói về thú vật giết hại song thân mình khi rụng răng không còn khả năng để săn thú vật để ăn. Hay quá già để săn thú, phải chia xẻ thịt do mình săn.

Sách dịch ra pháp ngữ

Cảm động nhất là cuối phim, khi người con cõng mẹ lên núi. Người con trai xúc động vì nghĩ chuyến đi cuối cùng với mẹ. Khi ông ta đi xuống núi, trời tuyết rơi như những giọt nước mắt của người mẹ nhìn theo, tiễn biệt người con trai.


Ở Hoa Kỳ, nghe kể, có nhiều người con khóc, khi chở bố mẹ vào nhà dưỡng lão vì không có thời gian chăm sóc bố mẹ. Khi chúng ta không tự chăm sóc cho mình, có nên vào viện dưỡng lão hay ở nhà để vợ con chăm sóc. 


Mình nhớ bố mẹ vợ mình khi xưa, trả nhớ về không một thời gian lâu trước khi qua đời. Thiên nhiên rất hay, khi con cháu quen bố mẹ, ông bà không còn nhận ra họ một thời gian thì khi khi qua đời, bớt đớn đau trong sự chia ly tình mẫu tử.


Mình có người quen, hai vợ chồng, sống riêng, người vợ trả nhớ về không nên ông chồng trên 80 tuổi, chăm sóc vợ trong tuổi già. Chính phủ có cho người đến giúp vài tiếng trong tuần như giặt quần áo, lau chùi nhà bếp,.. Lâu lâu mình ghé thăm, thấy thương. Nghĩ đến ngày nào mình cũng lâm vào cảnh này thấy Chán Mớ Đời . 


Bức tranh "Đêm trăng cõng mẹ lên núi" của Tsukioka Yoshitoshi (1839-1892) - một bậc thầy của ukiyo-e Nhật Bản.  Xem tranh, không thể không cảm động. Gốc tùng nghiêng, dáng nhẫn nại của người con, cánh tay quàng cổ con trai của mẹ già... - đó chẳng phải là những dấu hiệu điển hình của tình ruột thịt, của sự nương tựa và che chở hay sao? Vầng trăng (bị khuất một nửa sau cành cây) chứng kiến tất cả, nhưng cũng chỉ "nhìn" vậy thôi. Nó như chứa đựng ẩn ý về sự "khách quan" của họa sĩ - một sự "khách quan" bề mặt, rất cần thiết, để bức tranh toát lên những nghịch lý đầy xao động. Không biết cổ tục này tồn tại đến khi nào, chỉ biết đã có câu chuyện kể rằng: một người mẹ già khi được/ bị con cõng lên núi, đã giấu sẵn một túi đậu để rải dọc đường, nhằm đánh dấu lối trở về. 

Người con phát hiện sự việc và ngờ oan cho mẹ. Sự thật, mẹ thương con, chỉ sợ con xuống núi lạc đường, còn phần mình, mẹ đã cam phận. Hiểu ra, lòng đầy hối hận, người con cõng mẹ trở về...


Bức tranh được sáng tác trong khoảng thời gian 1885 - 1892.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 





Smishing lừa đảo


Dạo này, mình nhận khá nhiều những nhắn tin kêu gọi, tự xưng ngân hàng, hãng điện thoại,…kêu họ có vấn đề về tài khoản của mình, cần mình login,…. Hay qua Messenger, tự xưng là bạn, kêu mạng yếu, cho họ số điện thoại để họ gọi lại. Mình thấy bạn nên đưa số điện thoại thì 1 phút sau, Facebook gửi code đến cho mình thì biết là có người tìm cách hack tài khoản mình. Phải chạy vào đổi số điện thoại.


Dạo này, các vụ này qua email, người ta gọi là “phishing”, còn qua nhắn tin, gọi là “SMS phishing” hay “smishing”. Các smisher gửi nhắn tin cho thiên hạ, tìm cách dụ người ta đưa các thông tin cá nhân, mật mã hay số an sinh xã hội. Họ sử dụng những thông tin này để xâm nhập, chiếm đoạt các tài khoản của mình như ngân hàng, email,… mình bị Việt Cộng lấy mất một tài khoản Facebook. Nên phải làm lại tài khoản khác.


Theo Federal Trade Commission, cho biết những mánh mung của smishers sử dụng như sau:

  • Hỏi chúng ta về mua hàng
  • Có vấn đề việc trả tiền của tài khoản. Cái này mình nhận rất nhiều.
  • Báo tin mình thắng giải gì đó
  • Báo tin sẽ gửi cho mình một món quà gì đó, cần thêm vài thông tin.
  • Quan trọng nhất là ngân hàng hay gì đó kêu có vấn đề, ai Hacking tài khoản của mình và đưa cái link để login.

Mấy nhắn tin này rất hữu hiệu vì người nhận tin, hoảng lên đưa liền các tin tức, tương tự như các nhắn tin của ngân hàng,… nếu chúng ta nhấn cái link, họ sẽ hỏi các thông tin cá nhân hay bị dính malware cài đặt vào điện thoại của mình và có thể lấy tất cả dữ liệu cá nhân của mình. Có thể sẽ dẫn chúng ta đến một website, hỏi chúng ta mật mã và Username, hay họ làm khó khăn để chúng ta đánh lại mật mã hay Username để họ có thời gian lấy thông tin của mình. Các loại người này càng ngày càng giỏi, tìm những cách thức đánh lừa chúng ta.


Ngoài ra, họ có thể gọi mình. Mình nhớ có lần nghe một phỏng vấn của một ông thám tử ở Panama, nay ở Hoa Kỳ vì giới mafia ở xứ này, tìm cách để giết ông ta. Ông ta kể là được cài đặt vào hệ thống này, rồi họ gọi điện thoại qua Hoa Kỳ. Các người lớn tuổi, họ ở nhà buồn nên thích được nói chuyện. Nhất là họ không nhanh nhẹn, truy ngay giả mạo. Đa số các tổ chức này ở ngoại quốc nên FBI khó bắt, điển hình là tổ chức ở Panama. Email thì hay nhận khi xưa từ Nigeria, kêu gọi đầu tư đủ trò.

Làm sao để đề phòng. Khi nhận được tin nhắn thì nên cẩn thận. Cần bình tỉnh. Không nên trả lời ngay. Mình chỉ về nhà rồi mới vào các trang nhà được nhắn tin để xem xét. Không dám login vào ngoài đường vì có thể ai đó bắt được điện thoại của mình. Nếu không biết là đúng hay giả mạo. Chúng ta nên:


- Liên lạc công ty ngay như ngân hàng. Lấy số điện thoại của ngân hàng mà mình hay tiếp xúc. Mình có quen vài người trong ngân hàng mình hay sử dụng, gọi họ để nhờ họ xem lại có đúng hay không.


- Chuyển mấy nhắn tin này đến số 7726(SPAM) của công ty điện thoại của mình và các công ty như Amazon hay ngân hàng của mình để họ điều tra.

Chắn (BLOCK) số điện thoại của smisher.


Không nên:


- Đừng thấy mã vùng là nơi mình ở mà nhấn cái link. Smishers hay dùng chiêu này. Các công ty như Google cho số điện thoại miễn phí. Mình có xin số này để khi rao vặt.


- Đừng có nhấn cái link vì phần mềm Malware hay keyloggers. Phần mềm sẽ theo dõi những gì mình đánh máy để login. Nếu lỡ nhấn rồi thì nên dùng antivirus App để scan máy điện thoại của mình.


- Đừng trả lời các tin nhắn hay trang mạng, các tin nhắn để kiểm tra số điện thoại như ngân hàng,…


- nên báo cho các công ty điện thoại, ngân hàng để họ điều tra.


- Nên học hỏi thêm các phương tiện dùng để bảo vệ mật mã của mình, và cách login.

Năm ngoái mình có phỏng vấn một anh kỹ sư, chuyên lo về phòng vệ trên mạng trên đài truyền hình Little Sàigòn. Anh ta cho biết là mỗi năm Hoa Kỳ mất mấy trăm tỷ đô la về các cuộc lừa bịp qua mạng. Có một anh quen kể, anh ta lo vụ an ninh của mạng cho sở nhưng bị hacker lấy mất trang nhà của công ty, họ đòi đưa $30,000 để chuộc. Đành phải lấy backup rồi làm lại.


Biết mình già nhưng phải cẩn thận. Chịu khó tìm hỏi thêm.

Có bác nào rành vụ này thì viết ít dòng giúp chúng em học hỏi thêm về an ninh mạng. Cảm ơn trước.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 


Ý chí tự do


Dạo còn bé, ở Đà Lạt mình hay nghe người lớn nói về thế giới Tự Do, thế giới Cộng Sản. Dạo ấy chỉ nghe nhưng không hiểu, hỏi người lớn thì mình ăn tát, kêu ngu lâu dốt sớm hay mày ăn cơm hớt hay sao. Mình chỉ hiểu cộng sản là mấy ông kẹ bắn chết dân vào tết Mậu Thân hay chôn sống người Việt ở Huế như anh của chị người làm. Sợ quá chạy vào Đà Lạt. Tối tối họ hay về trên Số 4, bắt thanh niên đi theo họ và bắn chết trưởng ấp,… ngoài chợ, lâu lâu nghe nói đường bị tăng-bo, Việt Cộng đắp mô, đặt mìn.


Qua Tây thì thấy khắp nơi đề liberté, égalité và fraternité nhưng thấy dân Tây chửi mấy người gốc ả rập là bougnoules…, tây đen là nègres, Việt Nam thì kêu nhaques (nhà quê) hay chinetoques, chả có bác ái gì cả. Bò qua Hoa Kỳ sinh sống để thực hiện giấc mơ Hoa Kỳ.

Từ khi rời Việt Nam, mình mới thâm nhập vào thực tế của nền văn hoá bị ảnh hưởng của thiên chúa giáo. Học lịch sử hội hoạ, thấy các tấm tranh trong các nhà thờ nói về vị thánh nào, hay điển tích tây phương là mình ngọng. Cuối cùng, để bớt dốt, hè phải đọc thánh kinh, Koran, Tora,… để hiểu thêm về những xung đột tại nơi mình ở.


Mình sống tại các quốc gia được xem theo chủ nghĩa tự do. Với ý chí tự do chúng ta có thể nói, làm những gì chúng ta mong muốn. Từ 2001, qua vụ khủng bố 9/11, cuộc sống người Mỹ đã thay đổi hoàn toàn. Tự do bị giới hạn nhân danh sự an ninh của cộng đồng. Đi máy bay, vào công sở bị rà máy, kiểm soát gắt gao nhất là ai có nguồn gốc ả rập, hồi giáo. Chủ nghĩa tự do bị các nhóm quá khích về tôn giáo và ái quốc lên án.


Hôm đi Nam Cực, trên tàu, vợ chồng mình có làm quen với vài người. Nói chuyện khi ăn cơm chung. Có lần ông Steve, cựu giám đốc ngân hàng nói về Buffalo Bill. Mình nói đó là chính sách của chính phủ Hoa Kỳ, nhằm diệt chủng người da đỏ. Họ cho mấy người như ông Buffalo bill giết bò rừng lấy tiền vì biết người da đỏ sống nhờ vào bò rừng từ thời tổ tiên họ mới ra đời. Người Mỹ càng giết bò rừng thì bò rừng càng chạy lên phía bắc về hướng Gia-nã-đại nên người da đỏ lại chạy về phía đó, bỏ lại đất đai của tổ tiên họ. Ông ta kêu lần đầu tiên được nghe đến sự giải thích này, khác với những gì học ở trường. Tháng sau, ông ta i-meo cho mình kêu sự giải thích của mình đúng vì ông ta tìm đọc tài liệu thêm. Cho thấy người Mỹ đàng hoàng thì họ không bảo vệ một cách mù quáng.


Mình có thể nói lên cảm nghĩ của mình trước đám đông hay là dấu kín. Mở miệng ra là phải cẩn thận vì nếu không bị chụp mũ là kỳ thị chủng tộc, kỳ thị giới tính, phá hoại môi trường,… con mình cứ kêu bố , không được nói như vậy, kỳ thị chủng tộc, bố không được nói như thế kia vì kỳ thị giới tính,… hôm qua, mình bị đồng chí gái lên lớp giảng đủ thứ trò, không được viết như thế này, nói như thế kia vì sợ người ta chửi, kêu khinh họ,… rốt cuộc mình cảm thấy bị mất tự do ngôn luận.


Trưa nay, đi ăn cơm với mấy người bạn, họ cho biết có ông nào., chủ tịch một đại học ở Quận Cam bị lên án, ôm mấy cô sinh viên khiến họ khó chịu, không thoải mái. Vợ của anh bạn kêu ông ta thích ôm chớ không có ý gì cả vì đã được ông mỹ già này ôm nhiều lần khi gặp nhau. Người Mỹ có cái tật, gặp nhau là ôm bú xua la mua. Chả quen biết gì cũng ôm. Chán Mớ Đời. Nay thì chắc không dám ôm ai cả, đàn ông hay đàn bà. Cứ đưa nắm đấm ra đấm vào tay họ khi chào hỏi là xong.


Viết đến đây lại nhớ bên Tây có vụ bisou bisou . Gặp nhau chả quen biết gì cũng mi má. Đầu năm, đêm giao thừa thì họ có tục lệ ôm nhau chúc tụng năm mới dù không quen biết nhau. Ra đại lộ Champs Elysees, thấy mấy anh rệp, cứ đi kiếm mấy cô đầm để ôm hun khiến mấy cô này chạy mất dép. Vui.


Được cái là chủ nghĩa tự do rất uyển chuyển và không giáo điều như các chủ nghĩa khác. Thế kỷ 20, chủ nghĩa tự do trải qua 3 thời kỳ khủng hoảng; thế chiến thứ 1, rồi đến sự tranh chấp với chủ nghĩa phát xít trước thế chiến thứ 2, và sau đó bởi chủ nghĩa cộng sản. Cuối cùng chủ nghĩa tự do vẫn thay đổi để uốn mình theo lịch sử tây phương.

Ngày nay, các nhà xã hội học đều cho rằng; chúng ta đang đi vào giai đoạn mà chủ nghĩa tự do đang bị thách thức như ở thế kỷ trước sau khi độc quyền suốt 30 năm từ khi Liên Xô sụp đỗ. Liệu chủ nghĩa tự do có thể cải tổ, vận chuyển theo thời đại mới hay bị tiêu diệt. Chế độ độc tài lên ngôi như ở Trung Cộng. Kỹ thuật toán hack đầu óc của người dân đang suy nghĩ gì. Tưởng tượng khi một người Tàu đi vào công sở, bổng  máy rà tư tưởng khám phá ra người này đang chửi hay bất mãn vì chủ tịch Tập Cật Bình. Thế là nhốt tù. Anh không ưa tập chủ tịch, vậy anh là phản động. Vào lớp, học sinh phải suy toon lãnh đạo, không suy tôn, vậy là thế lực thù địch. Đi tù.


Mình muốn hiểu thêm về cuộc chiến Ukraine và Nga nên có tìm xem trên Prime và Netflix, du tu be những phim về xứ Ukraine này và Nga thì càng xem càng chới với. Các khu vực do Nga kiểm soát, có người ủng hộ Nga, có người chống Nga rồi tình báo Nga, cho dội bom hay giết người Ukraine để đổ lỗi cho lính Ukraine,… cứ như chiến tranh Việt Nam khi xưa. 


Khi mình sang Pháp, được mấy người lớn tuổi hơn nói về Mai 68, họ cho đó là cuộc cách mạng văn hoá, thanh niên âu châu bắt chước cuộc cách mạng văn hoá của Mao Trạch Đông, sinh viên ai nấy đều mua cuốn sổ đỏ (le petit livre rouge de Mao), trích những câu nói của Mao CHủ Tịch, tương tự ngày nay họ học tư tưởng hochiminh ở Hà Nội. Mình tò mò ra chợ trời mua cuốn sổ tay đỏ đọc nhưng chả hiểu gì cả. 


Dạo ấy, mình bị cố định bởi văn hoá Việt Nam Cộng Hoà, khá bảo thủ, chống cộng có thể hơi cực đoan vì mình nhìn thấy Mậu Thân. Cãi lộn với tây đầm mệt thở. Dạo ấy mình chỉ cãi cố cãi chày, sau này phải đi học về cách nói trước công chúng, để học thêm về lập luận để cãi với ngoại quốc. Mình thì không cãi với người Việt vì “khôn Tây dại Việt”.


Sang Hoa Kỳ thì khám phá ra những năm 1968, cũng xảy ra nhiều khủng hoảng xã hội, đưa đến chiến tranh Việt Nam phải kết thúc để an dân. 

Thấy tấm ảnh này trên mạng, có đặt câu hỏi khiến mình suy nghĩ. Một khi thợ săn ngưng đi săn thì sẽ làm thịt chó săn vì tốn cơm

Nếu nhìn lại thì trong khi Paris, Hoa Thịnh Đốn, Chicago, người dân xuống đường, bạo loạn thì tại Mạc Tư Khoa, Bắc Kinh,..rất yên bình, ngoại trừ Mùa Xuân Prague. Xem như các chế độ của khối cộng sản sẽ đời đời bền vững. Không ai có thể tiên đoán 20 năm sau, khối Liên Xô sụp đỗ. Ngược lại, các cuộc xung đột xã hội, văn hoá tại Hoa Kỳ và Âu Châu, giúp chủ nghĩa tự do tồn tại và mạnh hơn trước khi khối Liên Xô sụp đỗ. Khắp thế giới, ai nấy đều dương cao ngọn cờ tự do, ngoại trừ các nước vẫn còn theo chủ nghĩa cộng sản.


Ngày nay chủ nghĩa tự do đứng trước một vấn nạn, bị thử thách bởi các lò thí nghiệm, các công ty định hướng lối suy nghĩ, cách sống cho chúng ta, giúp họ làm giàu. Thậm chí chính phủ cũng sử dụng các dữ kiện của chúng ta để định hướng dư luận. Một lối tuyên truyền ngầm, khác với các khẩu hiệu trước đây.


Chủ nghĩa tự do được xây dựng trên sự tin tưởng vào tự do của nhân loại. Khác với các súc vật khác, con người có ý chí tự do. Ý chí tự do giúp con người cảm nhận, chọn lựa về đạo Đức và đường lối chính trị cho chính quyền. Chủ nghĩa tự do cho rằng cử tri là đúng, biết rõ mọi việc như chủ nghĩa tư bản kêu khách hàng luôn luôn đúng. Trên thực tế thì không.

Có bà mỹ kể ông chồng đi đổ xăng dùm cho bà. Đến trạm đổ xăng, bổng nhiên có bà mỹ da trắng, lo ngại nên gọi điện thoại kêu cảnh sát. Vài phút sau, cảnh sát tới hỏi ông chồng đủ thứ, suýt cồng đầu thì may thay, có ông mỹ trắng nào nhảy ra kêu không phải, can thiệp mới được cho đi. Cho thấy xứ Hoa Kỳ này, anh là người da màu là được định hướng vào tội phạm. Anh chống cự, cảnh sát có thể bắn hay đè đầu anh bị ngạt thở chết. Tương tự với người hồi giáo để râu ria là khiến thiên hạ lo ngại, lên máy bay gặp người Hồi giáo che mặt là sợ bị đánh bom. 


Tương tự năm ngoái báo chí có đăng tin một bà mỹ trắng chạy bộ ở công viên ở New York, thấy một ông mỹ đen, kêu cảnh sát rồi quay video đủ trò. Cuối cùng công ty bà ta đuổi bà ta. Trong thời covid, có nhiều video quay mấy tên mỹ trắng nói xấu người da vàng vì tưởng là người Tàu. Thậm chí còn đánh người da vàng. Nói chung thì Hoa Kỳ vẫn khá hơn các quốc gia mình đã từng sinh sống hay viếng thăm. Ở đâu cũng có kỳ thị. Ngay người Việt mình ở hải ngoại, còn kêu người Bắc sau 75, trước 75, đủ trò. Họ không nhìn như qua hình ảnh người Việt mà qua ký ức. Người việt sang Hoa Kỳ, từ miền Bắc, cũng chạy Việt Cộng, hạ cánh an toàn. Hợp thì chơi còn không thì khỏi cần.


Con người có tự do thì xã hội sẽ loạn vì không ai nghe ai. Từ đó mới có các thể chế, tôn giáo ra đời để ổn định xã hội. Lưu Bang khi xưa, không xem Khổng Tử ra gì. Nhưng khi lên ngôi vua, phải dùng đến Khổng giáo để trật tự xã hội sau biết bao nhiêu can qua và giữ triều đại họ Hán đến hơn 400 năm.


Ông Moise dẫn các nô lệ gốc DO Thái về quê hương, thấy họ ăn chơi, thác loạn, chả có trật tự gì cả nên ông ta phải mò lên núi, bỏ mấy ngày, đẽo đục 10 điều răn cấm, kêu là Thượng Đế hiện ra đưa cho ông ta đem về để giúp mọi người nương theo đó mà sống một cuộc đời hạnh phúc. Tương tự hoàng đế La mã, Constantine, vào đạo Thiên Chúa giáo để tìm cách cai trị đế chế của ông và tôn giáo này bền vững đến nay. Có lẻ trong tương lai nếu không cải cách thì Thiên Chúa Giáo sẽ lâm vào lộn xộn. Về Âu châu mình thấy nhà thờ bị bán cho các nhà đầu tư làm siêu thị hay nhà sách, tiệm cà phê.


Ý chí tự do không phải là một thực tế khoa học. Có người cho rằng ý chí tự do được mấy nhà thần học Thiên Chúa giáo tạo ra để giải thích lý do tại sao Thượng Đế có quyền phán xét và thưởng chúng ta vì các chọn lựa, quyết định của chúng ta phản ánh ý chí tự do của linh hồn Vĩnh cửu, vì khi rời cỏi đời này chúng ta sẽ lên thiên đàng. Nếu không sẽ xuống địa ngục. Họ phải tạo ra định đề này, dựa vào ấy mà giúp giáo dân sống theo những gì được giảng dạy. Tương tự người HỒi Giáo cũng từ nguồn gốc kinh Tora ra nhưng họ lại lập một giáo chủ khác. Thế là Thiên Chúa Giáo và Hồi Giáo choảng nhau từ hơn ngàn năm nay.


Mấy người mỹ, muốn kêu mình trở về đạo vì khi chết được lên thiên đàng. Mình nói không muốn lên thiên đàng vì sẽ gặp mấy bà bồ cũ hay đồng chí gái, đánh nhau thì mệt. Họ nói trên đó sẽ không có vụ lấy nhau. Mình không muốn làm thiên thần, ở truồng bay vòng vòng trên thiên đàng, lạnh chết. Dưới địa ngục, ít ra còn có bia ôm, cà phê võng,..và Bolero.


Đúng. Con người chúng ta có ý chí nhưng không được tự do. Chúng ta không quyết định được những gì chúng ta muốn, không quyết định là người Mỹ, người Việt, bò đỏ hay bò vàng,.. chúng ta có thể lấy quyết định nhưng các chọn lựa này không bao giờ được độc lập. Các quyết định này đều dựa vào các yếu tố sinh vật học, xã hội, văn hóa, điều kiện cá nhân. Chúng ta không thể nói người da đen mà phải nói người mỹ gốc phi châu, người Mỹ gốc việt. Có rất nhiều ảnh hưởng đến sự quyết định của mình. Chúng ta không có độc lập trong sự chọn lựa. Một người việt ở Việt Nam, sẽ ứng xử khác với người Việt tại Hoa Kỳ hay Pháp quốc,..dựa theo địa lý và văn hoá của môi trường.


Hôm qua trên vườn, đang hái bơ mình thấy con rắn, không phải rắn chuông nên không ngại. Mình không đụng hay lấy xẻng đập đầu của nó. Lý do mình là phật tử, từ bé mệ ngoại dẫn mình đi chùa vào ngày rằm và mồng một, dạy mình không nên sát sinh. Mình không có độc lập lấy quyết định không giết con rắn, vì những ảnh hưởng khác tác động mà mình không thể kiểm soát được. Chỉ nhớ là mệ ngoại dặn không được sát sinh. Nhớ có lần đi ăn thịt chó ở nhà thằng bạn, về nhà mệ ngoại la quá cở nên chừa.


Cho nên khi người ta kêu gào dân chủ, thế giới đại đồng bú xua la mua, mình không tin. Nhớ có lần đi ăn tiệc gây quỹ ở New York, mình ngồi cạnh ông Dith Pran, Killing Fields. Nghe ông thượng nghị sĩ Ted Kennedy nói : ‘Nhân quyền khởi đầu tại nhà”. Nhà mình thì có dân chủ tập thể. Mỗi lần cả nhà đi ăn vào cuối tuần. Đồng chí gái hỏi mấy đứa con và mình muốn ăn ở đâu. Ai cũng nói lên nguyện vọng của mình nhưng cuối cùng đồng chí gái lấy quyết định ăn ở đâu. Khi ăn thì đồng chí gái hỏi mọi người muốn ăn gì rồi gọi những món đồng chí gái thích ăn. Mấy đứa con hỏi tại sao mất thì giờ hỏi chúng khi mẹ đã quyết định. Đồng chí gái kêu chúng ta sinh sống tại Hoa Kỳ, nên phải hỏi ý kiến mọi người theo tinh thần dân chủ tập thể. Mẹ là người quyết định. Chán Mớ Đời 

Trong cuốn sách Bố Già của Mario Puzzo, có nói đến nhân lễ cưới của con gái ông bố già. Một ông đồng hương làm nghề liệm xác, trại hòm, đến dự, để xin bố Già lấy lại công lý cho con gái ông ta bị bọn mỹ trắng đánh đập. Ông ta kiện ra toà, nhưng toà án toàn là bọn da trắng Angelo Saxon, xem thường người ý nên không bị tù tội gì cả. Ông Bố Già, cho đệ tử đi chận đầu mấy tên da trắng đánh đập con gái ông Trại hòm, đánh bể mặt, gãy chân để đòi lại công lý. Công lý thuộc về kẻ mạnh và định nghĩa khác nhau.


Đối với người da trắng không bị tù vì lỡ tay khệnh cô gái gốc ý, không muốn làm tình với họ là đúng. Đối với các tay xã hội đen thì đánh mấy tên xúc phạm đến cô gái ý là lấy lại công lý. Ai đúng ai sai? Khó trả lời.


Ý chí tự do là một huyền thoại. Cứ xem lịch sử về Inquisition được áp dụng bởi nhà thờ Thiên CHúa Giáo khi xưa, mà hoạ sĩ Goya có kể lại trên các tranh của ông ta hay KGB hay KKK. Anh không tin CHúa vậy anh bị ma ám, quỷ nhập. Anh không tin vào thế giới đại đồng là anh bị bệnh tâm thần cho anh vào nhà thương điên. Anh là da đen vậy anh là hiện thân của quỹ dữ mà thánh kinh đã nhắc đến, anh phải bị cột vào thánh giá để đốt cháy vì lửa sẽ thiêu hủy các quỹ dữ. Anh là da vàng, phải trừ khử anh vì anh đem bệnh covid đến cho chúng tôi. Chán Mớ Đời 


Ngày nay, tin tưởng vào ý chí tự do trở thành nguy hiểm. Nếu chính phủ và các công ty thành công việc hack con người thì họ càng dễ điều khiển những ai càng tin vào ý chí tự do.


Viết đến đây, mình nhớ đến một cuốn phim xem ở Luân Đôn. Một bà người anh, vào tiệm uốn tóc, đưa hình công nương Diane, và kêu làm tóc cho bà ta, biến thành công nương Diane. Đó là ý chí tự do. Vì nếu bà ta bị ảnh hưởng bởi bạn bè thì sẽ không dám nói câu đó vì bà ta rất béo tròn. Khiến cả rạp cười vỡ chợ.

Muốn hack con người, người ta cần 2 thứ: hiểu rõ về sinh vật học và máy điện toán cực mạnh. The Inquisition và KGB xưa kia không có hai thứ này. Ngày nay các công ty và chính phủ đều có hai thứ này.

Khi đã hack được chúng ta, họ có thể tiên đoán chúng ta sẽ chọn lựa món gì, và thay đổi sự cảm nhận của mình. Khi lên mạng, quảng cáo tới tấp khi mình dừng lại hay xem hay đọc cái gì là y chang lần sau lên mạng là nhận được quảng cáo về món này. Tuần rồi, mình muốn thay cái vòi nước ở nhà bếp, vị chi là cả tuần nay cứ thấy quảng cáo về vòi nước. Vợ mình dùng tài khoản Amazon của mình để mua hàng nên mình biết ngay là vợ đang hay đã mua cái gì vì quảng cáo chạy khắp trang.


Điển hình khi mình lên mạng, lướt mạng bổng thấy tin: “xe cán chó”, buồn đời mình nhấn một cái để xem cùng lúc đó vợ mình cũng cùng IP lên mạng thấy “tin đánh ghen” nên nhấn vào. Hai tin này đều fake news, nhiều tên muốn thiên hạ nhấn trang của họ để được ăn tiền quảng cáo nên làm tin giả để câu Like. Hai tin trên có thể do Nga làm, hay Hà Nội tung ra nhưng đó là bằng chứng chúng ta bị hack. Mình hay đọc nhiều tin trên mạng, thấy có nhiều người viết đủ thứ, ngày nào cũng 3, 4  status, thậm chí cả chục cái tin dật gân. Mới khám phá ra họ cứ phang tin bậy bạ để câu Like nhằm được trả tiền quảng cáo trên trang của họ. Đành phải chận họ, không cho nhảy vào trang của mình.


Bầu cử đều được kỹ thuật toán sử dụng để quảng cáo vùng nào, và tung tin giả. Anh thích Trump thì mỗi ngày, quảng cáo sẽ bắn tin về Trump cho anh. Anh đọc thấy hay quá, chia sẻ với bạn bè, họ sẽ bị hack. Để rồi đến ngày bầu cử, cử tri mới chới với khi đếm phiếu. Kêu gào là gian lận. Có thể đúng có thể sai. Không ai biết ngoài những người trong cuộc. Lên mạng, họ biết mình thích đọc gì là cứ bắn tin tức về mấy đè tài đó khiến mình phải nhấn đủ loại để máy chả hiểu mình muốn gì mới mong yên bình, tìm tin tức. Chán Mớ Đời 


Anh thích Biden, anh ghét Trump tương tự họ bắn quảng cáo, tin giả về Biden khiến anh chia sẻ với bạn bè. Anh thích Biden, họ sẽ bắn tin tức giả về Trump cho anh, thế là đối thoại xẩy ra, càng giúp họ làm giàu. Chúng ta được sự hả hê phe ta thắng, phe ta giỏi đến ngày bầu cử là Chán Mớ Đời.


Thôi để lên vườn hái bơ bán rồi về kể tiếp. Chán Mớ Đời 


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn