Thèm bánh căn Đà Lạt

Bổng dưng thèm ăn bánh căn chi lạ. Lâu lắm rồi mình chưa ăn bánh căn lại. Lần chót tại nhà “Em là con gái trời bắt chảnh” ở San Jose. Chắc cũng non 5 năm rồi. Lần chót ăn tại Đà Lạt, với mấy cô bạn học Văn Học xưa ở ấp Xuân An trong cơn mưa lũ, trắng xoá mặt đường. Vợ mình không phải dân Đà Lạt nên không thích món này nên mình cứ như người đi trong sa mạc của bánh căn. Đi hoài vẫn chưa ghé lại được một oasis bánh căn. Ít quen người gốc Đà Lạt tại Quận Cam.

Ở Bolsa, không có bán bánh căn, chỉ có bánh khọt của người Nam. Họ đổ với dầu nên không thích lắm.

Người Đà Lạt xa quê hương nhưng lúc nào cũng nhớ đến món ăn nhà nghèo, của người Chàm mà mình có thấy ở Nam Dương. Có lẻ Đà Lạt nằm cạnh Phan Rang nên món này được du nhập vào thị xã. Cũng có thể vào thời gian Tây cho phá rừng, xây dựng đường xe lửa từ Phan rang lên Đà Lạt, người thợ phu mộ từ miền Trung vào đây làm việc, được mấy người ở Phan Rang, làm cho ăn và từ đó trở thành đặc sản của Đà Lạt. 


Đà Lạt ít người Chàm lắm, người Kinh rất ngại tiếp xúc với họ vì sợ bị thư. Ở trên cầu, từ khu Hoà BÌnh đi vào chợ trên Đà Lạt, thường thấy một hai người Chàm ngồi. Họ kêu thiên hạ lại nói gì đó nhưng người lớn bảo họ thư chết nên chưa bao giờ tiếp xúc với người gốc Chàm tại Việt Nam khi xưa. Dạo mình đi chơi ở Phan Rang, cũng chỉ nói chuyện với người Kinh.


Món này rất đơn sơ như người Đà Lạt, không thịnh soạn, không văn vẻ, chỉ bột gạo đổ vào khuôn của cái lò nung bằng đất sét rồi ăn với mắm nêm hay nước mắm. Sang trọng hơn thì thêm hột vịt. Ngày nay, họ thêm thịt bò bằm, tôm, trứng cút,..., hay xíu mại trong nước chấm, phong phú hoá món ăn của thị xã Đà Lạt.

Lò bánh căn này lớn, có đến 16 khuôn. Nhà mình khi xưa có cái khuôn nhỏ hơn, chỉ đổ có 8-10 cái một lần. Ngày nay, dân giàu có nên họ bỏ thêm trứng cút. Họ dùng cái thau nhom để lót cái lò, cách nhiệt với sàn nhà. Lò bánh căn gồm hai phần, cái lò đẻ đựng than hồng và cái khuông để lên trên cái lò, có những khuông nhỏ để đổ bánh và mấy cái nắp nhỏ đậy trên các khuông nhỏ.
 

Về thăm Đà Lạt, các người con của Đà Lạt mua mang về Hoa Kỳ, vài cái khuôn nhỏ vì cái lò bằng đất quá to, khó mang theo, rồi tự chế lấy cái lò để lâu lâu ăn món ăn bình dân này như để hồn theo về vùng quê hương ký ức, để lắng nghe lời ru của người mẹ, người chị ru em trong tiếng mưa của những mùa hè, trôi theo những con suối mang theo những chiếc thuyền xếp bằng giấy học trò, trôi về một vùng trời vô định của tuổi thơ. Ai đó, nói người ta có thể mang một người gốc Đà Lạt ra khỏi Việt Nam nhưng khó mà lấy món bánh căn ra khỏi tâm thức của người Đà Lạt (nhs). 


Xa Đà Lạt hơn 47 năm, mình được ăn món này lại lần đầu tiên tại nhà Võ Hoàng Đa, do phu nhân của hắn làm với cái khuôn bằng sắt. Cô này là dân Đà Lạt, học sinh Couvent des Oiseaux. Kỳ về thăm gia đình vừa rồi, được mấy người đẹp khi xưa của Văn Học, và Nguyễn đình Tài, chở đi ăn lại món này ở Ấp Xuân An, đối diện trường Trí Đức khi xưa. U chao sao mà ngon rứa, ngon ác ôn, ngon vô hậu.

Bánh căn được dọn từng cặp. Món ăn nhà nghèo khi xưa, chỉ có bột gạo rồi đổ lên cái lò, trét hành dầu rồi chấm với nước mắm,…

Trời mưa, hắt vào, ngồi xung quanh cái bàn, với mấy cái ghế thấp, nhìn mưa trắng xoá mặt đường, nếm từng miếng bánh căn. Mình ăn chậm chậm như một người đang chánh niệm, để tìm lại  khứu giác, hương vị khi xưa, ăn bánh căn ở chợ Đà Lạt. Mình chợt nhận thấy cách làm đường của xã hội chủ nghĩa rất lạ: mặt đường cao hơn các dãy nhà bên đường. Thường thì người ta làm đường đi, xe cộ chạy thấp hơn nền nhà, để nước mưa không thoát kịp, chảy ra phía đường. Ngồi trên chiếc ghế đẩu, cao hơn cái đòn một tị, thì thấy mặt đường cao bằng tầm mắt của mình.


Mỗi cuối tuần, mình ra chợ, phụ dọn hàng cho mẹ. Sau đó, đợi mẹ bán mở hàng rồi mới dám xin tiền đi ăn bánh căn. Rẻ nhất. Lý do phải đợi mẹ bán mở hàng vì người Việt tin dị đoan. Nói bán hàng mà có người trả giá, phải bán để có cái huông trong ngày, bán đắt hàng. Nếu họ trả giá không mua rồi đi thì ế cả ngày, phải đốt phong long. Dọn hàng xong thì mình ngồi đực như chó ngáp. Ai đi ngang cũng mời mua hàng dùm cháu để được đi ăn hàng.


 Ở khu hàng thịt, cạnh hàng bà Phòng, trước tiệm bán thịt của bố vợ thằng Sữu, có một bà người Quảng, bán bánh căn cực ngon. Bà ta làm nước chấm hết xẩy, hình như có mắm cá. Chắc là mắm nên. Mình ra, kéo cái đòn, ngồi xuống rồi nói ăn 3 cặp. Ngồi đợi. Khi ăn, có nhiều người ngồi chung nên bà ta đổ rồi chia đều cho mọi người. Thường vào khoảng 10-11 giờ là hết xoong bột gạo. 


Lạ lắm! Ở Hoa Kỳ, mình thấy người ta nấu bán cả ngày, còn dân Đà Lạt chỉ nấu mỗi ngày một nồi bún bò, phở,..bán hết nồi thì họ dọn về, hay đóng cửa. Bán xong thì đi chợ, chuẩn bị nấu cho ngày mai nên lúc nào cũng có đồ tươi, không như ở Hoa Kỳ, toàn là đông lạnh.

Có một anh khi xưa sinh sống tại Đà Lạt, gửi cho mình một video về Đà Lạt năm 1965. Thấy có khúc trên cầu thàng vào chợ. Thấy mấy người Chiêm Thành, bận váy khiến mình nhớ người lớn dặn mình đừng có trả lời mấy người chiêm thành, sợ bắt cóc.


Hôm nào, sang thì xin thêm mẹ quả trứng vịt, mua ở hàng bà Cáp. Đem ra đưa cho bà bánh căn, đập bỏ vào cái bát rồi khi nào đổ bánh của mình thì bà ta bỏ thêm trứng vào. Mình phải canh, lỡ mấy người ngồi cạnh, ăn mất cái bánh của mình có trứng. Bà bán bánh căn không bao giờ lầm cả. Sau này, bà ta, bỏ hàng thịt, lên đường Nguyễn Biểu, chỗ Dốc Nhà Làng, che tấm tăng rồi đổ bánh căn bán tại đây. Nghe nói, nhờ đổ bánh căn, bà ta mua luôn căn nhà ở dốc Nhà Làng. Nay con bà ta nối ngôi hoàng hậu bánh căn Đà Lạt. Nghe nói đắt lắm nhưng thiên hạ vẫn bu như ruồi.


Về Đà Lạt, ngoài ăn bánh căn Đà Lạt lại sau 45 năm ở Ấp Xuân An, mình được mấy người em dẫn đi ăn ở gần Grand Lycee khi xưa. Ăn cũng ngon lắm. Nói chung thì bây giờ ăn có nhiều thứ hơn khi xưa. Mình có người em trai, có tiệm bán bánh căn ở đường Minh Mạng, hình như bây giờ, họ gọi là Trương Công Định. Đối diện bi-da Hồng Ngọc, bên cạnh tiệm hủ tiếu Nam Vang khi xưa. Nghe nói ngon lắm!


Khi xưa, nhà mình có cái lò bánh căn. Lâu lâu, mẹ mình kêu đem cái nồi sang bên dốc Ngã Ba Chùa, cạnh hợp tác xả rau, nơi đồn Nhân Dân Tự Vệ, có lò bún, đưa gạo cho họ xay, chiều hay mai lại lấy. Lý do đưa gạo nhà vì gạo bà cụ bán ngon hơn. Chớ lấy gạo của họ xay thì đắt hơn mà lại là gạo mua với sổ gia đình ở khu phố, dỡ. Khi xưa, thời Kiệm Ước, tránh nạn nằm vùng mua gạo bán cho Việt Cộng. Chính phủ bán gạo qua khu phố. Mỗi tháng, đem sổ gia đình lên khu phố rồi mua theo số người trong gia đình. Nhà mình thuộc khu phố 2, nên lên La Sơn Phu Tử, mua ở trên Số 4, cạnh tiệm đánh bi-da và hớt tóc.

Đường Hàm Nghi chỗ Ngã Ba Chùa phía sau, có căn nhà mình hay đem gạo đến để họ xay gạo đổ bánh căn.


Lớn lên có xe gắn máy thì dễ, kêu thằng em ngồi phía sau giữ cái nồi nước gạo. Hồi còn bé, phải bê cái nồi nước gạo, đi về nhà, băng qua vườn ông Ba Đà. Gặp trời mưa là mệt. Hình như lúc đổ thì phải trộn thêm nước lạnh để bớt đặt và thêm bột năng để cho dai dai một tí. Lâu quá, không nhớ nữa, 50 năm.


Chiều chủ nhật, mỗi đứa có thể mời một đứa bạn về ăn ké. Chị người làm, làm nước chấm rồi mấy anh em, chia phiên đổ bánh, cạo lên trét dầu hành. Chu chao, ngon vô hậu! Có lẻ nhờ vậy mà em trai mình, nay đổ bánh căn bán món nghề gia truyền ở đường Minh Mạng. Nghe nói đắt khách lắm. Một ngày bán trên 10 ký gạo. 


Ngày nay, người ta bỏ thêm bột năng, nghệ cho vàng, xíu mại, trứng cút, tôm thịt đủ trò. Do đó, họ phải bỏ dầu để khỏi bị cháy. Mất đi hương vị món ăn nhà nghèo khi xưa. Nếu mình không lầm, khi cái bánh bị cháy nám sơ sơ là đã lấy ra, rồi úp lên một cái bánh khác để làm chín phía trên.


Sau này, nhà dùng lò dầu hôi nên ít ăn bánh căn, vì không có dùng than, lại ăn món bánh xèo, bánh khói nước tương của người Huế. Mình thích ăn bánh khói hơn vì chấm nước tương thay vì nước mắm khi ăn bánh xèo. Lý do là lò bánh căn phải dùng than. Khi dùng lò dầu hôi thì hết mua than. Muốn đổ lò than, phải châm ngo, với than rồi quạt mệt nghỉ. Lâu lâu, phải ngưng đổ, ngưng ăn để bỏ thêm than mới, lại phải đợi than hồng.


Mình chỉ được ăn chực nhà thăng Bi, hàng xóm, món bánh bèo. Nghe nói, khi xưa nhà nó ở Ban Mê Thuột, ông tướng Vĩnh Lộc mê món bánh bèo của mẹ nó. Và món bún thang nhà thằng Nguyên. Chúng sang nhà mình thì đãi lại món bánh căn bột gạo chấm nước mắm. Lần sau về, mình phải ra tiệm người em trai để ăn lại món bánh căn gia truyền.

 

Về Việt Nam, mình thấy món bánh căn này, được truyền bá khắp nơi. Đến Đà Nẵng , Hội An cũng thấy. Khi xưa, chỉ thấy ở Phan Rang. Về miền Nam thấy họ làm bánh khọt, bỏ tôm đủ trò. Chẳng bù lại khi xưa, chỉ có bánh không, bị cháy cháy xém, chấm nước chấm, có chút gì đắng đắng ngọt ngọt, mặn mặn với hành lá.


Ngày nay, Đà Lạt sống nhờ vào khách du lịch nên họ chế mấy món bánh căn theo đủ trò để câu khách. Món ăn nhà nghèo được cao cấp hoá thành món ăn đặc biệt. Tương tự món Pizza khi xưa, chỉ nhà nghèo ở miền Nam Ý Đại Lợi mới ăn vì chỉ có bột mì, xốt cà chua và chút phô-mát, nay được toàn cầu hoá. Biết đâu một ngày nào đó, món bánh căn Đà Lạt sẽ được toàn cầu hoá như bánh mì thịt và cà phê sửa đá. 


Ở Việt Nam, có lẻ mình sẽ làm một nhà máy, đổ bánh căn, bỏ bị, bán cho thiên hạ. Chỉ bỏ vào lò vi-sóng 30 giây là có món ăn đặc sản Đà Lạt. Chán Mớ Đời 


 Đây là ý kiến của một bạn  cũng ở Đà Lạt :

" bạn  viết  truyện  dài  quá  tôi  đọc  một  hơi mà  phải  uống  nước tới  2 lần  , ngày  xưa  đó ba mẹ  tôi  cũng  có  sập  bán  vải  trên  chợ  lầu  , vì  thế  Bà  Đàn và  bà  Phúng.  là  bạn  buôn bán  và  bây giờ  các  ông bà  này  đã quy tiên  cả  rồi  , các  ông  bà  bán  hàng  ăn  dưới  chợ tôi  biêt  nhiều  người  vì  lúc  bé  buổi  chiều  hay ra chợ  được  mẹ  cho ăn  hàng, kỷ niệm  xưa cảm ơn  bạn đã  gợi  nhớ"


Bánh căng thủa nhỏ là bánh không, nhiều mỡ hành và nước mắm thui, nhà giào và người lớn mới có trứng. Chỉ được ăn đủ tiền là khoản 3 đến 5 cặp, húp hết nước mắm và vài miếng hành còn lại trong chén, ngồi nán lại tý vì vẩn còn thòm thèm...chưa đã...

Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 

Vệ Đường Hoa Đà Lạt

 Dạo này, thấy dân Đà Lạt chụp hình Hoa Quỳ, bỏ lên mạng nhiều nên đoán đến mùa hoa Quỳ nở, báo hiệu Đà Lạt vào đông. Chuẩn bị cho những cơn lạnh sắp đến vào mùa giáng sinh. Khi xưa, mình chỉ nghe người Đà Lạt gọi là “bông Quỳ”, một loại hoa dại mọc đầy Đà Lạt. Sau lưng nhà mình, chúng mọc đầy, cứ phải lấy cái rựa phác hoài. 

Nay về Đà Lạt, không thấy mấy bụi hoa này trong thành phố. Nói cho ngay cây cối ở Đà Lạt, đều được chặt bỏ hết. Thay vào đó là nhà và hàng quán. Họ đặt tên loại hoa này với một cái tên mỹ miều “Dã Quỳ”. Trong thi văn, họ gọi là “Vệ Đường Hoa”.

Đà Lạt có một loại hoa khá đặc trưng khác tên Mimosa nhưng ngày nay, ít nghe người Đà Lạt nói đến. Khi xưa, nhà mình có cây Mimosa phía trước sân, sau nhà thì mấy bụi hoa Quỳ, mọc đầy làm hàng rào thiên nhiên.

Cô Vi Khuê, hiệu trưởng trường trung học Văn Khoa, có làm bài thơ về bông Quỳ. Cô ta đặt tên Vệ đường Hoa. Có lẻ hoa quỳ, mọc hoang bên đường. Lạ ! Đọc tài liệu Tây, chả thấy họ nói đến hoa Quỳ. Cô viết về loài hoa đặc thù của Đà Lạt. Cô thương nhớ về Đà Lạt, thậm chí đến cả Vệ Đường Hoa.

Mà Thương Đến cả Vệ Đường Hoa

Vi Khuê

Gởi Người Dalat, xưa, sau 

Trái đất có lẽ sẽ phải nổ 

lúc ấy rồi ta cũng tiếc thôi 

tiếc sao những buổi rong chơi phố 

những buổi nhìn mây, buổi ngó trời... 

Xuân này ở Mỹ sao mà lạ 

bỗng rộn ràng lên chuyện tiếc thương 

và nhớ, và yêu Đà Lạt quá 

yêu, ồ yêu nhỉ! nhớ, sao không? 

Nhớ đồi Cù mướt xanh trong gió 

biệt thự hồ bên đứng ngắm xa 

ngựa trắng, tóc hoe vàng, trước ngõ 

nàng công chúa Thượng áo hoa cà... 

Lên đồi. Lên đồi. Lên đồi cao 

những cô con gái má hồng au 

những chàng trai gắn Alpha đỏ 

Đà Lạt mù sương một sớm nao! 

Ai tặng cô em một nhánh đào 

một nụ hồng lá thắm xôn xao 

và ai âu yếm cài lên tóc 

để đến nay cô nhớ ngọt ngào? 

Bùi thị Xuân còn thơm giấc mơ 

thì người cứ dệt gấm thêu thơ 

còn ai thiếu phụ chiều nay mộng 

hãy nhớ sân trường Đại học xưa. 

Và rừng. Và thác. Và thung lũng 

và gió từng cơn buốt thịt da 

Đà Lạt. Trời ơi! Giờ ấm lạnh? 

Mà thương đến cả Vệ Đường Hoa! 

Vi Khuê - 1994

Hoa Quỳ Đà Lạt 

Kỳ này về Đàlạt, nghe anh bạn kể về một cuộc tình một cặp trai gái gốc Huế. Người từ bỏ Huế vào Đàlạt. Người đi Hoa Kỳ rồi về Đàlạt. Họ gặp nhau bên vệ đường đầy hoa Quỳ. Tác giả kể về mối tình đầu ở Huế là một cựu giáo sư trường Bùi Thị Xuân Đàlạt. Xin dấu tên. Từng ở trọ tại số 48 đường Võ Tánh, Đà Lạt.

 

Câu chuyện kể ông giáo sư, mồ côi, ở Viện Dục Anh, Huế. Du côn như bao đứa con ở viện mồ côi, phát hiện ra mối tình hữu nghị của một nữ sinh Đồng Khánh, ông ta chịu khó học hành, học ngày chưa đủ tranh thủ học đêm và đậu thủ khoa, trường đại học Huế. Bố mẹ cô gái, thành phần tư sản, chê thân mồ côi, lý lịch không trong sáng của ông nên không chấp nhận, phủ quyết hợp thức hoá mối tình hữu nghị Đồng Khánh - Quốc Học.


Cho thấy chế độ Việt Nam Cộng Hoà cũng có phân chia lý lịch. Ngược lại, họ cho học bổng con cháu Việt Cộng. Ông Hoàng Phủ Ngọc Tường khoe, khi xưa ông nhận được học bổng của Việt Nam Cộng Hoà, nhiều quá ăn xài không hết. Chán đời, hay thất tình chi đó, ông ta lên núi rồi Mậu Thân, về Huế, xơi tái biết bao nhiêu người.


Bố mẹ cô nữ sinh Đồng Khánh giàu có, không chấp nhận cuộc tình không cùng lý lịch nhân thân, nhân thích, giai cấp 3 đời dọc ngang. Thế là ông tân thủ khoa xin lên Đàlạt dạy ở trường Bùi Thị Xuân để quên đi mối tình đầu. 

 

Rồi tháng 4 1975 đến thì cả hai mất tin tức nhau. Vài năm sau ông thầy nhận được thiệp hồng của cô nữ sinh Đồng Khánh. Chấm dứt những hoài mong. Mình thắc mắc chỗ này vì ông ta vào Đà Lạt, lâu rồi mà sau 75, cô này mới lấy chồng. Khi xưa, gái 18-20 là a lê hấp lên xe hoa. Có lẻ người ta bựa thêm cho có màu vị bún bò Mụ Rớt.


Lâu lâu đọc báo Việt Nam, kể chuyện khó tin lắm. Họ bựa chuyện rất nhiều. Điển hình; họ viết về anh chồng học giỏi, bị bệnh nên về quê. Cô vợ buôn bán nuôi chồng như vợ ông Tú Xương khi xưa, rồi ông chồng hết bệnh, được đại học ngoại quốc mời sang giảng dạy. Ngày nào, cô vợ cũng từ dưới quê, chạy xe Honda ra phi trường Tân Sân Nhất, đóng tiền mãi lộ, xe đi vào phi trường để đón chồng. Một hôm, ông chồng đi phép, không báo tin cho vợ, ngạc nhiên khi thấy vợ đón mình ở phi trường. Người viết không hiểu là khi đại học ngoại quốc mướn giáo sư thì họ cho đem vợ con sang luôn.


Mình có anh bạn gốc đại hàn. Bố anh ta là giáo sư đại học Hoa Kỳ, được chính phủ Nam Hàn mời về giảng dạy tại Nam Hàn cách đây cũng 35 năm. Họ trả lương cho ông ta gấp đôi bên mỹ, cấp nhà ở. Do đó có nhiều người Nam Hàn về lại xứ họ. Nhờ đó mà họ tiến xa, giàu có.


Trên 20,000 tiến sĩ ở Việt Nam, Reuters cho biết có một người Việt duy nhất tại Việt Nam, có ảnh hưởng đến công nghệ thế giới. Báo chí Hà Nội kể đại học ngoại quốc thèm khát tiến sĩ Việt Nam. Kinh


Sau 75, ai di tản sang Hoa Kỳ, không liên lạc được với Việt Nam cả mấy năm trời. Mấy người Đà Lạt, nhờ mình, dạo ấy học bên Tây gửi thư về Đà Lạt dùm họ rồi gia đình họ nhờ mình chuyển lại thư họ qua Hoa Kỳ. Mình mất liên lạc với Đà Lạt đến hơn 2, 3 năm mới được phép viết thư liên lạc với gia đình.


Sau 75, ông thầy bỏ nghề giáo, làm nghề sửa xe hơi. Một hôm, có một chiếc xe ô-tô con ngừng trước cửa tiệm sửa xe. Thiên hạ bu lại xem chiếc xe ô-tô con cực đỉnh. Ông giáo nghe loáng thoáng ông Việt kiều, nói tiếng Huế pha tiếng mỹ, như ăn bún bò HUế, xịt thêm ketchup nên cố gắng hiểu ông Việt kiều nói gì về tình trạng chiếc xe. 


Bổng nhiên, ông giáo nhìn lên thì bắt gặp đôi mắt người xưa, phía sau là đám hoa Quỳ. Ông ta ngại ngùng vì áo quần lem dầu nhớt,… cô Việt kiều hỏi địa chỉ để đến thăm nhưng ông ta ừ ừ. Cô này cũng may, rời được Việt Nam, chớ ở lại Việt Nam thì chắc cũng hát như mọi người đàn bà còn ở lại: “ngày xưa, em bán sữa đậu nành, đạp chiếc xe màu xanh”.

 

Cuộc hội ngộ bất ngờ khiến ông ta hoá thành con chim đa đa, nỉ non; tình cờ tôi gặp lại em bên vệ đường hoa, sao em không lấy chồng sửa xe ô tô con mà đi lấy chồng xa. Đối tượng một thời, giới thiệu ông giáo cho chồng là người quen khi xưa ở Huế. Sau khi sửa chửa xong chiếc xe, ông giáo nhận tiền công do người tình xưa đưa, lặng yên, nhìn theo chiếc xe biến mất sau đám hoa Quỳ. 

 

Chán Mớ Đời, Ông giáo khe khẽ, bắt chước ông Vũ Thành An: “này em hởi, con đường hoa Quỳ em đi đó rất đúng em ơi”. Ông giáo đổi tên hoa Quỳ thành Vệ Đường Hoa để nhớ về cuộc gặp gỡ người tình sau nhiều năm bên vệ đường như nhắc nhở người tình năm xưa là một đóa hoa bên đường mà mình không bao giờ có thể làm chủ, để rồi như hạnh phúc vuột khỏi tầm tay một lần nữa như bài thơ của Christy Brown. 

 

Lines of Leaving

 

I am losing you again

all again

as if you were ever mine to lose.

The pain is as deep

beyond formal possession

beyond the fierce frivolity of tears.

Absurdly you came into my world

my time-wrecked world

a quiet laugh below the thunder.

Absurdly you leave it now

As I always foreknew you would.

I lived on an alien joy.

Your gentleness disarmed me

wine in my desert

peace across impassable seas

path of light in my jungle.

Now uncatchable as the wind you go

beyond the wind

and there is nothing in my world

save the straw of salvation in the amber dream.

 

The absurdity of that vast improbable joy.

The absurdity of you gone.

-        Christy Brown


May mắn, mình không bị lâm vào trường hợp này. Mình chỉ suýt té ghế khi xem video, đồng chí vợ chỉ ra đối tượng một thời khi cô nàng đi chung chuyến phái đoàn y tế về Việt Nam với thằng con.


 Người đàn bà nào không lấy mình là một cái Phước lớn. Lấy về bà ta đì có thể nhiều hơn mụ vợ. Cho nên không nên nghĩ vớ vẩn. Mình gặp lại đối tượng của tên bạn Huỳnh Kim Sang ở Hà Nội khiến mình chới với.  Hải hùng lắm.


Bác nào có phải hát 20 năm tình cũ như ông Trần Quảng Nam thì cho em hay.


Nghe cái tựa đề là giật mình vì tác giả ( học truoc mình 3 lớp  ở DHSP Huế) đưa mình đọc khi về dạy cùng trường ,cùng tổ ,ở cùng cư xá gv).Nhân vật nử là bạn học cùng lớp ở DK và DHSP Huế.  Câu chuyện anh ấy viết đúng phần đầu còn phần sau anh ấy hư cấu. Cô ấy không hề để ý anh này vì hoàn cảnh hai nhà khác nhau .Họ  chưa hề có hẹn hò ,gặp gở riêng tư chi cả vì anh này vì tuy học giỏi nhưng gv ..nghèo,vả lại mẹ cô ấy chỉ thích gã con cho bs và kết cuộc cô ấy lấy một bs YK Hue. Sau cô qua Bỉ theo diện chị bảo lãnh và qua Mỹ với một diện khác..Anh này mê cô ấy lắm lắm ,nên khi mình đi Mỹ nhắn gửi tìm cách nối liện lạc hai người.Hai người đều là bạn mình nên dễ ...họ bắt đầu liên lạc qua email vài lần và hẹn ngày anh qua Mỹ thăm.Chưa thực hiện được điều này thì anh mất. Mình có nhờ người đem dùm hoa viếng của cô ấy cùng một lá thư cô ấy tỏ lòng cám ơn mối chân tình của anh khi còn sống đến mộ anh ở Dalat.  Vì chuyện ni mà cô vợ hai của anh nớ chửi mình quá sá rồi còn nhờ người quen thả email bom  liên tục nó mình phá hoại hạnh phúc gia đình   khi anh đã mất!!! khiếp quá ...blocked luôn . Đây là mối tình đơn phương của 1 sv Huế nghèo đối với 1 cô gái đẹp con nhà giàu có. Cô ấy vẫn còn ở Cali..Tên con gái của anh ấy là có tên cô ấy .


Nguyễn Hoàng Sơn 

 

 

 

 

Những tiệm ở Khu Hoà Bình Đà Lạt xưa

Khu Hoà Bình Đàlạt  *


Tháng trước, mình có kể về xóm Bà Thái, ai ngờ tuần vừa rồi, thấy đất khu này bị sạt lỡ đủ trò. Hình như họ không xây mấy cái piloti để làm móng cho mấy căn nhà ở trên đồi. Mấy căn nhà chỗ đó coi như tiêu tùng. Tội nghiệp họ ghê. Tài sản có bao nhiêu, nhà thầu xây bậy.


Bài này mình viết đã lâu, dạo chưa có mấy tấm ảnh Đà Lạt cũ. Nay có mấy tấm ảnh nên bỏ lên để cho mọi người hình dung những gì mình kể. 

 

Mình nhớ năm thi đậu BEPC (Brevet D’ études du Premier Cycle, Trung học Pháp), ông cụ mua cho cái đồng hồ không người lái, hai cửa sổ và ba mái chèo hiệu Citizen ở tiệm đồng hồ Tiến Đạt ngay bên rạp xi-nê Hoà Bình. Đứng trước rạp Hoà Bình thì tiệm Tiến Đạt nằm phía bên trái, sau mấy cái panneau gắn hình ảnh của phim sắp chiếu trong nay mai, có rào lưới sợ dân chúng buồn buồn đập kính để lấy hình đem về nhà treo. Rạp xi-nê Hoà Bình to nhất trong ba rạp chiếu bóng ở Đà Lạt, xung quanh rạp là các cửa hàng nhỏ được coi là trung tâm của thành phố. 


Điểm đặc biệt là có một cái chuông cao để gắn cái còi ụ, báo động giới nghiêm hay máy bay dội bom thời Nhật Bản chiếm đóng Đông-Dương. Nhà mình ở đường Hai bà Trưng mà còn nghe nên không hiểu dân ở trên phố chắc nghe rất to. 

Các tiệm hàng xung quanh rạp xi-nê Hoà Bình. Tiệm Tiến Đạt là nơi bố mình mua cái đồng hồ đầu tiên trong đời, hiệu Citizen, không người lái, 2 cửa số với 3 cái chèo. Ông cụ dạo ấy đeo đồng hồ Bulova. Hướng phố này hướng về phía Tây nên buổi chiều phải che mấy vãi che nắng. Được biết là ông chủ tiệm nhà hàng Chic Shanghai, thầu 25 năm để sửa chửa lại rạp xi-nê Hoà Bình. Đất vẫn của thành phố Đà Lạt.

Nhìn kỷ tấm ảnh, thấy chiếc xe Lam hút cầu tiêu. Mấy chục năm mới thấy lại hình ảnh này. 

Khu này, trước khi mình ra đời là chợ chính của Đà Lạt. Năm 1961, Chợ Mới được xây cất, khu chợ này được đập phá để xây lại được dân địa phương gọi là Chợ Cũ hay Khu Hoà Bình. Sau này, KTS Ngô Viết Thụ thiết kế thêm cái cầu nối liền khu Hoà Bình tới lầu 2 của chợ Mới và cái cầu thang từ góc Lê Đại Hành và Thành Thái xuống chợ Mới ngay bến xe Lam, Chi Lăng. Trước hội trường Hoà Bình là công trường khá lớn của hai đường Thành Thái từ rạp Ngọc Lan đến và đường Lê Đại Hành từ cầu ông Đạo lên. 


Mỗi lần có mít tinh chống cộng sản thì được tổ chức tại đây. Hồi nhỏ thời đệ nhất Cộng Hoà, mình thấy các cuộc mít tinh của đoàn Thanh niên Cộng Hoà, áo xanh mà ông cụ là đoàn viên được tập họp tại đây. Sau này thời chính phủ Nguyễn Cao Kỳ, có cho dựng một pháp trường bằng bao cát gần khu bán Lan, phía sau vũ trường Tulipe Rouge. Nghe nói để xử tội các gian thương như Tạ Vinh ở Sàigòn. Không biết mấy ông gian thương người Tàu ở Đà Lạt có sợ hay không.

 

Cửa vào rạp xi-nê Hoà Bình được nâng cao lên vì cái nền của rạp bên trong được xây cao từ cửa ra vào và nghiêng thấp từ từ xuống màn ảnh để người ngồi dãy ghế phía sau không bị cái đầu của khán giả phía trước che khuất cho nên phải bước lên mấy bậc thang cấp mới vào foyer của rạp, bên trái là phòng bán vé mà mình từng chen lấn như đi ăn cướp để mua vé nhất là ba ngày Tết. Mình xem hình của chợ Cũ thì không thấy mấy nất thang cấp nên suy ra.

 

Thường mấy ngày Tết họ chiếu phim tồi nhất vì ai cũng chen chúc đi coi. Sau đó vài tuần khi khán giả hết tiền lì xì thì mới chiếu phim hay. Đối diện phòng bán vé là nơi quảng cáo các hình ảnh của phim đang chiếu hay sắp chiếu. Sau khi chen lấn mua được vé thì phải bước lên vài thang cấp mới vào được hội trường. Bên trong được chia làm hai dãy ghế. Hình như có ba loại vé cho ba loại ghế xanh vàng đỏ. Vé đắt nhất là màu xanh, gần cửa ra vào, sau đến vàng thì phải, rồi đỏ gần màn ảnh. Hồi nhỏ mình hay mua vé bình dân, ngồi hàng ghế đỏ nên coi xong, bước ra khỏi rạp là đói meo, mắt hoa, chóng mặt. 

Mình coi ở đây lần đầu tiên phim Tần Thuỷ Hoàng với bố con anh Bình và thằng Đắc, Thái, Trâu. Nhớ nhất là phim Dr. Zhivago, Le Cid, Tần Thuỷ Hoàng, La colère d' Achille, Tân Độc Thủ Đại Hiệp có Khương Đại Vệ đóng, Thập Tam Thái Bảo mà cuối cùng KĐV bị tứ Mã phân thây... 

Hình chụp từ đường Lê Đại Hành chạy lên, hội trường Hoà Bình. Thấy cái tháp chuông gắn còi hụ giới nghiêm.

Sau năm Mậu Thân, mình nhớ có lần lính Lực Lượng Đặc Biệt của Mỹ gồm toàn người Nùng, gốc Tàu,...được Mỹ trả lương đi lùng các lính cảnh sát dã chiến đánh. Mình đang ở chợ dưới thì nghe súng liên thanh thì ngạc nhiên vì dạo đó lính VNCH xài toàn M1 hay Garant bắn từng viên, chỉ có AK 47 mới bắn liên thanh được nhưng tiếng nổ nghe khác, nhìn ra thì thấy vài ông lính cảnh sát dã chiến chạy từ cầu thang chợ xuống bến xe lam rồi chạy vào dưới chợ núp, trong khi mấy tên lính LLĐB ôm súng ẢR17 chạy đi lùng. Lính này không trực thuộc quân đội Việt Nam Cộng Hoà mà chỉ nghe lệnh cấp chỉ huy Hoa Kỳ.


Sau này mới hiểu lí do; có một tên LLĐB gốc Hoa đang đứng chơi với tên soát vé ở rạp Hoà Bình thì có mấy tên lính cảnh sát dã chiến muốn vào coi cọp nhưng tên LLĐB không cho bị CSDC đánh. Anh chàng này chạy về trại kêu lính LLĐB mà mình có biết vài tên vì trên đường Thi Sách có tên Dũng đầu bò, người Nùng, nói giọng bắc cả dòng họ nó đi LLĐB hay lái xe Jeep Mỹ về, đeo súng AR 15, lựu đạn cá nhân mini loại nhỏ,... hình như sau này, lính 302 cũng hay đánh lộn với Cảnh Sát Dã Chiến.

Hình như sau này tỉnh trưởng can thiệp, cả lính LLĐB kéo đến trung tâm huấn luyện Cảnh Sát Dã Chiến ở đường Trần BÌnh Trọng.

Hình chụp cuối hội trường Hoà Bình, để quẹo qua bên trái khu tiệm Bùi Thị Hiếu, nhà Hàng Mekong. Tiệm Mỹ Lợi, không nhớ là nhà của Nam Trân hay ANh Đào, học chung với mình khi xưa. Bên tay trái là khúc đi vào khu tiệm bánh Thành Nhàn, tiệm sách Hoà Bình…


Cuối rạp thì có hai cửa thoát phòng cháy, bên phải thì chạy thẳng ra ngoài cạnh tiệm bazar của một ông người chà và còn cửa bên trái thì chạy thẳng ra bên tiệm kính Anh Lân. Phía sau chỗ tiệm Thanh Nhàn, nơi có con đường đi xuyên khu Hoà Bình từ tiệm Mekong xuống cầu thang vô lầu hai của chợ Mới thì có một cái cửa đôi phòng cháy. Hậu trường của rạp này nhỏ nên các gánh hát cải lương không mượn chỗ này vì không làm sân khấu được nên chỉ có tổ chức đại nhạc hội của Phi Thoàn, Tùng Lâm thôi. Trường Văn Học thường mướn rạp này để chiếu phim hay văn nghệ cho học sinh của trường xem. Mình nhớ coi phim Nắng Chiều có người đẹp Bình Dương đóng và một lần trường Văn Học tổ chức văn nghệ có mời ban nhạc Rolling Wheels chơi.


Ông chủ tiệm đồng hồ Tiến Đạt, người Bắc, có cái tiệm coi như rộng nhất ở khu này vì ba căn nhập lại, sát góc bên trái của rạp Hoà Bình. Lúc mới xây thì chia ra từng căn cở tiệm sửa radio Việt Quang nhưng dần dà có người bán thì mấy hàng bên cạnh mua, nới rộng thêm tiệm của họ. Mỗi lần đi bát phố ở khu này, mình hay ghé lại xem đồng hồ Seiko, Bulova, Citizen,.. Mình thích nhất hiệu Seiko nhưng ông cụ mua hiệu Citizen vì rẻ nhưng cũng là niềm hạnh phúc vô biên. Tối ngủ, cứ đeo để xem dạ quang. Sung sướng chơ tề.

Hình chụp ngay tiệm Lê THị KHiêm, thấy tiệm giày Tân Việt, hình như học Yersin, tiệm sách Liên Thanh, tiệm may Đoàn Mừng, có bác Mừng gái bán chén đĩa ở chợ trên lầu. Khu bên cạnh tiệm vàng Bùi Thị Hiếu, nhà sách Liên Thanh có cô con gái học chung với mình thì phải. Đi tới chút là tiệm  giày Tân Việt, phở Bắc Hương, cà phê Tùng, nhà in Lâm Viên,… 

Sau này sang tây thì cái đồng hồ không người lái chết máy nên cũng không đeo đồng hồ tự dạo đó. Năm ngoái về thăm Đà Lạt mình vẫn thấy cái đồng hồ con gà treo tường mà 50 trước bà cụ mình mua ở tiệm này, nay không còn chạy nữa. Năm 3ème mình bắt đầu không thấy rõ chữ trên bảng nên phải xin lên bàn đầu ngồi nhưng ông cụ không cho đi khám mắt đến khi sang Văn Học thì oải quá năn nỉ ông cụ đưa ra tiệm kính Anh Lân để đo mắt thì thấy cận trên 4 độ. 

Có lẻ ông cụ mình là gốc Bắc Kỳ nên quen hay mua đồ ở mấy tiệm do dân Bắc cầy làm chủ. Tiệm Anh Lân cũng rộng tương tự tiệm Tiến Đạt, có cái bảng đọc chữ khi khám mắt ở giữa để xem độ cận của khách hàng. Mấy anh em mình đều là thân chủ của tiệm Anh Lân đến 75. Tiến Đạt thì sau 75 không thấy trở lại Đà Lạt. Con gái tiệm Anh Lân kể; có gặp lại con gái đầu của tiệm Tiến Đạt ở chùa nào tại Delaware. Có tên quen, chồng cô bạn học cũ, bạn thân với con Tiến Đạt.

 

Cạnh tiệm Anh Lân là tiệm sửa radio Việt Quang, có thâu băng nhạc chắc lậu nên dạo đó đi ngang khu này, nghe nhạc Phượng Hoàng vang rền trời. Hình như con gái của ông Việt Quang này, có mở tiệm cà phê ở đường Lê Quý Đôn, chỗ nhà đèn.


Dãy tiệm này hướng Tây hay Nam nên thấy có mấy tấm vãi, biển quảng cáo được che nắng mưa. Nghe nói bà Việt Quang nay sống ở ấp Cô Giang, trồng Lan bán. Ông cụ mình thân với ông Việt Quang nên hay tụ tập ở đây với nhóm đặc phái viên của tờ báo Tiền Tuyến và Con Ong. Trong nhóm này có chú Nê, anh của chú Nô ở ấp Cô Giang hay hát trên đài phát thanh Đà Lạt. Chú Nê ngày xưa có dạo đi tù chung với bà cụ mình khi tham gia kháng chiến chống Tây. Chú Nô đi lính, hay đánh bóng bàn với anh Tín, du học bên Nhật về, đánh kiểu cầm thìa, vô địch vùng 2 ở cái tiệm cho mướn bàn ở đường Minh Mạng, ngay dốc Tăng Bạt Hổ, đối diện tiệm chè Vọng Nguyệt Lầu. 


Mỗi lần có tin gì lạ ở Đà Lạt, ông cụ mình hay đánh điện tín về Saigon. Nhóm này hay trù trì ở nhà hàng Mekong nơi tổ chức tiệc cưới của ông bà cụ mình khi xưa. Mình có ăn mì xào với ông cụ ở tiệm này một lần khi đậu bằng Trung học Pháp. Nguyễn Bình, ông thầy dạy Thái cực đạo của mình bị lính 302 chỉa súng, bị đánh hội đồng tại đây khi ngồi uống cà phê với hai cô gái. Ông này chả dạy gì cả, cứ vác xe moto 125 cc chở gái chạy vòng vòng.

Lúc này bên phía Tây của khu Hoà BÌnh, có tiệm đồng hồ Tiến Đạt bên phải, bên trái từ dãy Đức Xương Long có tiệm ông chà và, làm chủ khách sạn đường Minh Mạng, không nhớ tên, cạnh tiệm Mỹ Dung, có tiệm bán radio, truyền hình Việt Hoa. MÌnh có gặp bà Việt Hoa một lần khi mẹ mình sang Cali chơi.
Hình này có thấy nhà hàng Mekong, tiệm bazar  Sàigòn, hình như xưa gọi Saigonnais, tiệm cầm đồ Bùi Thị Hiếu, con ông Bùi Duy CHước.
Đây góc Tăng Bạt Hổ, thấy bên hông nhà hàng Mekong. Bên kia khu Hoà BÌnh, có tiệm bán kính. Háo ra có một tiệm khác bán kính mình không nhớ.

Cạnh tiệm Mekong thì có tiệm bán radio, máy truyền hình Việt Hoa. Dãy nhà này rất sâu, ăn ra phía sau tới cái đường nhỏ phía sau, hình như tên đường là Nguyễn Biểu nối đường Minh Mạng và Tăng bạt Hổ, có mấy quán nhỏ bán thức ăn, có bà 5 Quốc bán sữa đậu nành. Mình nhớ có lần ông cụ mình dẫn vào tiệm Việt Hoa bán máy truyền hình, máy nghe đĩa nhạc, radio,.. Mình mê cái tivi vì lúc đó buổi chiều đang phát sóng chương trình đố vui để học rồi vài tuần sau thấy ông cụ bê cái máy nghe đĩa nhạc về, cũng to như máy tivi, có bốn chân, có radio và máy quay đĩa, hiệu Panasonic. 

Mình đoán hình này chụp vào Mậu Thân, phố xá vắng tanh. Bên tay phải cạnh tiệm Sàigòn là tiệm bán radio, tủ lạnh, truyền hình Việt Hoa. Cuối đường thấy tiệm bánh mì VĩnH Chấn

Ông cụ mình mua đĩa hát và dì Thương ở tiệm Hiệp Thạnh, đường Duy Tân cho mình mấy cái đĩa cải lương cũ 78 tours vì dạo đó người ta sản xuất đĩa 45 vòng có hai bản nhạc hay 33 vòng có nhiều bản nhạc còn 78 vòng thì nó dày và nặng. Khi đĩa quay thì mình cũng chóng mặt vì 78 vòng/ phút, sợ rè kim hay cà lăm. Mấy cái đĩa cũ này hay bị rè nên cứ bị cà lăm. Út Trà Ôn hát 30 năm qua, 30 năm qua, 30 năm qua,...Cũng nhờ mấy đĩa cải lương này mà mình mới biết Tình Anh Bán Chiếu của Út Trà Ôn nên bắt đầu mê cải lương từ dạo đó. 

 

Năm Mậu Thân, gia đình dì Ba Ca trên số 4 chạy tản cư xuống nhà mình. Dì Ba Ca kêu mệ ngoại mình bằng Dì, khuôn mặt rất giống mệ ngoại còn dượng Ba Ca thì làm ở ty Kiến Thiết thì phải. Thời Tây, dượng làm nghề tiêm thuốc phiện cho mấy đệ tử của nàng tiên nâu. Dượng hay kể chuyện dân đi ăn trộm ngày xưa, thổi thuốc mê vào nhà rồi cạy cửa vào ăn trộm hay cách têm thuốc bàn đèn ra sao để được tiền boa. Khi Việt Cộng vào thì gia đình dì đào hầm phía sau vườn để núp. Hôm mồng 3, khi nghe tiếng súng và bom êm, dượng Ba Ca chui ra khỏi hầm để lên bàn thờ lạy tiển ông bà, để xin mấy đòn bánh tét cho mấy đứa con ăn thì nhìn ra sân thấy quả bom chưa nổ nằm chìm ìn trước sân. Hai phút sau là cả nhà bỏ của, chạy lấy người xuống nhà mình xin tá túc. 

 

Dì dượng có 5 trai 1 gái, anh đầu tên Việt, học nghề thợ tiện ở tiệm Luồng Điện của ông nội Trần Trọng Ân ở đường Phan Đình Phùng, bên cạnh có chiếc xe mì của bà Tàu bán mì vịt tiềm buổi chiều, hay đeo con phía sau lưng để bán mì còn ông chồng thì tối ngày binh xập xám chướng. Anh Việt sau này đi Xây Dựng Nông Thôn ở Tùng Nghĩa. Người kế là chị Hoa, rồi anh Hiệp, Thành (Bồn lừa của Trần Hưng Đạo) nghe nói sau này làm nghề cắt tóc ở La Sơn Phú Tử rồi Tèo Anh, Tèo Em ,.. 


Mỗi tối sau khi ăn cơm, hai gia đình ngồi quanh cái máy nghe tin tức đài BBC chương trình Việt Ngữ, rồi mở mấy cái đĩa của ban AVT 45 vòng. Cứ nghe đi nghe lại mấy đĩa hát này trong vòng ba tháng nghĩ hè bất đắc dĩ vì VC có chơi thêm tổng công kích đợt 2, nên ngày nay mình có thể giả giọng Huế, Bắc, Quảng,.. Ngày nào hai gia đình đều ngồi bên cái máy, nghe tới nghe lui đến hết mấy đĩa thì nghe lại rồi cười đến ngày nay mình vẫn còn thuộc mấy bài này. Sau này tới thời nghe băng loại 180 thì ông cụ có mua cái máy hiệu TEAC rồi thâu băng ở tiệm Việt Quang. Dạo ông bà cụ mình sang chơi, mình có đưa ông bà cụ đi ngày Đà Lạt thì có gặp bà Việt Hoa đang ở quận Cam.

 

Cạnh Việt Hoa là tiệm của bà Phúc Thị Lai, bán vãi rồi đến tiệm Chà Và, chuyên bán đồ Mỹ phẩm cho phụ nữ nên mình chỉ nhớ sơ sơ rồi đến tiệm Đức Xương Long của gia đình Huỳnh Quốc Lương nay ở Úc Đại Lợi, bán tạp hoá rồi Lưu Hội Ký bán sắt, có thêm cái tiệm ở bên đường Duy Tân. Ông Lưu Hội Ký này, ngày xưa muốn hỏi bà cụ mình cho con trai của ông ta nhưng bà cụ không chịu, nếu không thì nay mình đã mang tên Lưu Hội Sơn. 

 

Đối diện tiệm ăn Mekong, góc đường Tăng Bạt Hổ thì có tiệm vàng Bùi Thị Hiếu, con của ông Bùi Duy Chước, có mấy người con học Yersin, Adran nghe nói nay ở bên Pháp. Có một người con trai có liên lạc email với mình. Tiệm này được coi là một trong những tiệm vàng đầu tiên ở Đà Lạt. Ông Bùi Duy Chước là thầy dạy nghề của bố tên Ánh, học Yersin trên mình một lớp. Đa số, dân Đà Lạt gốc làng Kế mÔn đều làm thợ bạc, mở tiệm vàng cả. Mình có kể vụ này rồi.


Bên cạnh là tiệm giầy Tân Việt, tiệm sách Liên Thanh, có con học Yersin rồi đến nhà in Lâm Viên của thằng Phước, có thời mình học tư chung ở nhà tên này với anh Mai, con ông thầy Kim, người Bắc ở trong xóm, sau lưng phòng mạch Bác sĩ Lương, ông nội của Tuấn Toto ở Phan Đình Phùng. Anh chàng này học Yersin lớp première, một con mắt bị hư hay lé sau này đi đâu không biết. Có lần hè mình học tư với chị của tên Lê Huy Hà, học chung ở Yersin ở góc Duy Tân và Phan Đình Phùng, sau biệt thự của gia đình tên Hà này, hình như dân bắc kỳ là đường Thủ Khoa Huân. Mình có gặp lại ông thầy Kim khi về thăm Đà Lạt trong lúc ăn phở với ông cụ ở bến xe Tùng Nghĩa, sau lưng khu Hoà Bình, kể sang Mỹ rồi về VN sống với bà vợ thứ hai.

 

Cạnh tiệm Lâm Viên thì có tiệm phở gà Bắc Hương, nhà Nguyễn Đăng Sơn có thời học chung với mình ở Adran, sau qua trường Việt trước, đậu Tú tài đi du học ở Pháp trước mình một năm, học ở Troyes, nghe nói nay vẫn ở Pháp, lấy vợ made in VN. Tên này dạo đi Hướng Đạo thường được xem là hướng đạo viên gương mẫu, hình như chung đoàn với Đinh Gia Lành, Nguyễn Trung Thiện. Cạnh đó thì có tiệm Phở Tùng, bị cháy sau Mậu Thân cạnh cái dốc đi xuống đường Phan Đình Phùng gần tiệm bảo hiểm Nguyễn Đình Hoè và tiệm uốn tóc Ba Lê. Mình nhớ dạo đó đứng ở nhà mình bên Hai Bà Trưng thấy lửa khói mịt mù như thời VC tổng tấn công hình như cây xăng ở bến xe gần đó bị cháy. Sau này xây lại thì rất đông khách như các thầy địa lí bảo mua nhà cháy là hên, làm ăn phát đạt.

 

Black paint cho tui bổ túc thêm mấy" căn hộ"của khu nhà tui .Cạnh nhà in Lâm Viên (mà bây giờ đổi thành khách sạn Europa) là nhà hàng cơm tấm giò chả của thím Mỹ Hương (mẹ của Nguyễn đăng Sơn, bố Sơn làm trên đài phát thanh Dalat), kế đó là phở Tùng, nhà may Ngân (trước đó là tiệm ăn Bắc Hương), nhà hàng Mai Hương (cháu của thím Mỹ Hương), nhà hàng tàu của bà Sao, ngân hàng phát triển nông nghiệp, khách sạn của ông Ngô La, lò bún bà Hoạt, nhà sách Khải Minh, tiệm bánh rồng vàng Hải Dương, nhà may Chí Công, tiệm giày Khanh...(wow nhờ đọc mấy bài về Dalat của đen thui mà mình cũng sáng ra một chút).Trước đó khi tiệm phở Tùng bị cháy bố mẹ tui có mua lại khu này và dự tính là sẽ xây thương xá Dalat, nhưng xây được nửa chừng thì không mấy người đặt mua gian hàng nên đã trở thành nhà ở. (Độc giả còm thêm) ai có tin tức gì thì cứ còm rồi mình bổ túc cho hoàn chỉnh hơn.

 

Dãy đối diện nhà sách Khai Trí thì có tiệm giày Bata, tiệm bà Phúc, bà Lê Thị khiêm bán len. Một trong hai bà này là mẹ của Nam Trân hay Anh Đào, học Yersin với mình. Có Ngân hàng Tín Nghĩa mà một thời mình bỏ tiền trong này trước khi đi Tây. Phía bên góc gần cầu thang vào chợ Mới thì có tiệm bà Cháu, người Huế bán xe đạp, Honda góc Phan Bội Châu, sau này xây cái nhà mấy tầng, bà con chi đó với mình. Tiệm của ông Tây bán rượu, tiệm hình Hồng Châu và có tiệm bán đồ cho du khách mà hồi nhỏ mình lấy mấy bịch hột xanh đỏ tím vàng đem về nhà rồi mấy anh em xúm lại xâu chỉ, làm vòng để giao lại để họ bán cho du khách. 

Dãy photo Hòng Châu. Nghe con trai của ông Châu, nói là có đem theo qua Hoa Kỳ hình ảnh ông ta chụp về Đà Lạt khi xưa. Hy vọng có ngày mình sang vùng đông bắc, sẽ liên lạc anh ta để xem.

 Phía bên cái đồi nhìn xuống chợ mới thì có mấy cái kiosque bán đồ lưu niệm cho du khách, họ cưa gỗ thông, đánh vernis vẽ thác Cam Ly, Hồ Xuân Hương,....mình có học nghề này tính sang Tây cưa gỗ bán kiếm tiền ăn học nhưng khi qua Tây thì không có đất dụng võ, chỉ có cưa vài con rồng tặng Tây đầm. Hình như Ngô Văn Thuỷ 11B, có làm mấy cái thiệp, cắt hình bóng con gái với mái tóc thề, dán giấy pelure trắng hay hồng, thiên thanh rồi ép hoa pensée vào rồi để mối ở mấy cái kiosque này, bán cho con gái trời bắt mộng mơ, trai mê gái hay du khách. Chỗ này hay có một ông bán bong bóng đẫy xe đạp bán mà hồi nhỏ mình hay mua, gần mấy hàng bán Hoa Lan và bãi giữ xe Honda cho rạp Hoà Bình.

Phố Hoà Bình sau cơn mưa. Mình cứ thắc mắc là tiệm Mỹ Lợi là của gia đình Nam Trân, Nam Trinh hay Trần Thị Anh Đào. Dãy nhà này thường được gọi dãy nhà ông Đội Có, người làm hồ Đội Có. Khi xưa, ông ta xây khu này đầu tiên trước khi khu BÙi Thị HIếu được xây cất.
 

Phía dãy Hoà Bình bên phải của rạp thì có một tiệm bazar của một ông Chà và Ấn độ mà trước khi đi Tây, ông cụ mình có mua một sợi dây nịt cho mình ở đây. Có hai anh em học Trần Hưng Đạo có một cái quầy trước một tiệm, chắc thuê của cái tiệm ở đây làm nghề ép nhựa, ai có giấy tờ gì đều đem ra đây bọc nylon lại hết. Họ chỉ có cái bàn, gắn cái fermature bằng sắt ở trên miếng gỗ và cái bàn ủi bằng than thêm hai cuộn nylon. Họ lấy kéo cắt giấy nylon theo khổ rồi kẹp giấy tờ vào, để cái mé trên cái fermature rồi lấy cái bàn ủi, đẩy trên cái khăn chồng lên tấm nylon để tránh nhựa chảy rồi lấy cái kéo cắt gọn ghẻ lại kiếm tiền dễ dàng. Sau này hai tên này đi lính nên chỉ còn ông bố làm. Mình hay đứng xem hai anh em này ép nylon khi trú mưa ở đây.

 

Có lò bánh mì Vĩnh chấn và Vĩnh Hoà hình như là anh em đối diện nhau trên đầu đường Duy Tân. Hình như mình có học chung với Mã Kiến Lương, con tiệm Vĩnh Hoà, sau này hắn đổi tên, khai trụt tuổi thành Mã Kiến Hậu, đánh vũ cầu rất chiến. Sau Mậu Thân nhà hắn mua được cái máy làm bánh mì bằng điện đầu tiên ở Đà Lạt nên làm ăn rất khá giả, hàng ngày cứ thấy Thiên Hạ bu lại đứng đợi mua bánh mì mới ra lò. Trời lạnh vừa đi vừa ăn cái bánh mì điện mới ra lò rất là tuyệt vời, nếu chịu khó đợi về nhà thì lấy bơ mặn trét lên, ăn khỏi chê tương tự ngày nay con mình thích bánh mì Tip Top hay Lee's sandwiches. 

Hình này chụp khi sinh viên Đà Lạt xuống đường chống chính phủ Nguyễn Cao Kỳ. Họ ngồi nơi dãy hướng đông nhìn về Chợ Mới Đà Lạt, chỗ hai anh em ngồi ép bao nylon giấy tờ.
 

Cạnh tiệm này có tiệm thuốc Tây Minh Tâm của bác Phấn, nay ở San Jose. Lúc vượt biên thành công, gia đình bác đến trại tạm cư ở ngoại ô Paris, mình có ghé thăm nhưng sau này sang Mỹ sinh sống, hình như có cô con gái tên Lili học Yersin với mình một thời. Nghe nói sau này lấy con trai của ông bà Đoàn, ở số 4, gần nhà Phạm Đình Kháng. Chương có thời cũng học chung với mình ở Ỷersin,  đi du học bên Mỹ trước mình, có em trai tên Trình, mà mình có mời đến Văn Học đánh trống khi tổ chức văn nghệ năm 12B. Ông bà Đoàn trước 75 có xây xong hai ba căn nhà ngay khách sạn Cẩm Đô nhìn chéo qua dốc Nhà Làng. Mình có vào nhà này một hai lần nghe mấy tay này chơi nhạc, hình như bản ruột của tên Trình là Les Marionettes vì cứ nghe hắn hát đi hát lại khiến mình thuộc lòng. Ông Đoàn làm về đốn cây rừng xuất khẩu dạo đó nên được coi là đại gia của những năm sau Mậu Thân. Nghe nói ông nay đã về lại sống ở Đà Lạt với người vợ sau này. 

 

Sau này tiệm bánh mì Vĩnh Chấn có trang bị thêm cái lò bánh mì điện nên bớt tình trạng phải đứng hàng giờ dưới trời mưa để mua được ổ bánh mì. Ngay góc Duy Tân và Minh Mạng có tiệm vàng Kim Thịnh của gia đình thằng Biểu, người Huế, bé con học Yersin với mình hay bị bắt nạt nhưng nó có cái mồm to nhất Ỷersin nên sau này không tên nào dám ăn hiếp nó vì sợ bị nó đem tam đời tứ đại ra chửi. Gần đó hình như có tiệm vàng gì quên tên vì thiên hạ hay gọi Bùi Vàng, nhà của anh em Bùi Văn Đông, Bùi Thị Hoa. Mình học chung với Bùi Văn Đông sau này hắn học nhảy qua trường việt rồi đi du học thì phải. Bùi thị Hoa nay ở Paris, quen thân với cô em kế của mình, hình như đi cùng ghe hay gặp lại nhau ở Paris. 

 

Chỗ này có hai chiếc xe đẩy bán bánh mì thịt, xịt tương ớt đỏ, dưa leo. Bánh mì này họ lấy ở lò Phan Đình Phùng, chổ dốc đi lên nhà thờ Tin Lành, đường Hàm Nghi, có cái giếng bên cây mít, cạnh chổ dạy của ông giáo Kim mà mình có học hè hồi nhỏ. Họ bỏ bột nổi khá nhiều nên phòng to kiểu bánh mì ổ Chè Cali. Mỗi sáng có ông Tàu lấy bánh mì ở đây bỏ trong cái bao bố trùm cái mền để giữ bánh mì cho nóng rồi qua đường Hai Bà Trưng rao bán, giao cho nhà mình năm ổ, mỗi đứa nữa ổ nhưng mấy đứa em lớn ăn không đủ nên mình phải nhịn đói đi học. Có lẻ vì vậy mà mình nhỏ con nhất nhà vì hai thằng em cao hơn mình gần một cái đầu. Khu này còn có mấy người bán cóc ổi, thơm, bắp nướng vào mùa lạnh, xoa chút mỡ hành lên trên ăn nức nở. Bánh mì dạo đó mình mê nhất là bánh mì thịt của Tulipe Rouge chổ bến xe đò Chi Lăng, làm theo kiểu Tây, baguette có paté, sauce mayonnaise gói giấy trắng in chữ sạch sẽ trong khi mấy chỗ khác, gói bằng giấy báo nhưng đắt tiền. Ngoài ra có cái nhà làm bánh croissant ở góc Duy Tân, Hải Thượng, chổ gara Trung Tín ngó qua bùng binh, đi ngang thơm lừng lựng mình hay vào mua bánh mới ra lò ăn.

 

Cạnh tiệm Vĩnh Chấn có tiệm thuốc Con Cua bán dầu nhị thiên đường và rượu thuốc mà mình hay gọi Huỳnh Quốc Hùng là Khương Đại Vệ, tán gái nhanh như thần. Từ tiệm Vĩnh Chấn đi lại phía đường Thành Thái thì có tiệm thuốc Tây Nguyễn Văn An, nhà hàng Chic Shanghai mà mình hay đem bồ câu đến đây bán. Dạo đó, nhà mình có nuôi Bồ câu, mình sơn chuồng rất đẹp so với nhà ông Q nên chim của ông ta hay ở đâu hay bay về chuồng của mình để cù rũ, đạp mái thế là mình canh me, bắt mấy con chim dại gái này đem ra tiệm ăn này bán để họ làm Bồ câu hầm thuốc Bắc, hạt sen cho khách. Kế đó thì có tiệm vàng của bà Tư Bổ, tiệm Song Song của Vĩnh Ít, chắc cùng dòng họ với Vĩnh Chấn, bán cà phê, trà rồi đến tiệm ông bà Võ Quang Tiềm mà bà cụ mình kêu bằng Dì Dượng, chị em bạn dì với mệ ngoại mình, bán rượu,.

 

Khi mới vào Đà Lạt lập nghiệp, ông Võ Quang Tiềm làm nghề thợ may, sau xoay qua bán rượu và thuốc lá Cẩm Lệ. Thời Tây, thuốc lá, thuốc phiện và rượu là do nhà cầm quyền quản lí nên chỉ có môn bài mới được bán. Ai nấu rượu lậu hay bán thuốc phiện lậu bị bỏ tù. Ông Tiềm làm đại lí ở vùng Cao Nguyên bán sĩ lại cho các tiệm bán lẻ trong vùng nên rất giàu, có mấy tiệm ở đường Hàm Nghi làm kho chứa rượu và hàng. Mình thấy mấy cái lu to bằng sành đựng rượu trong tiệm. Khi bà cụ mình lập gia đình thì ông Tiềm có nói xuống thành phố Di Linh, ở nhà của ông và bán rượu ở đó nhưng bà cụ mình đã buôn bán ở chợ cũ nay là rạp Hoà Bình.

 

Thời Tây thì dân mình sợ nhất là lính Lê Dương (légionnaire) và Mặt Gạch (malgache). Nhóm lính trước là những thành phần bất hảo, bị tiền án tử hình hay lính đào ngũ,... Khi vào đoàn lính này thì coi như quá khứ bị xoá bỏ nên lính này không sợ chết, đi tới đâu là cướp hiếp tới đó còn lính mặt gạch thì dân thuộc địa Pháp ở Madagascar, Phi Châu như người VN được tuyển sang Pháp đánh giặc trong hai thế chiến. Năm 1945, lính Tây thay thế lính Anh, đổ bộ lại Đông Dương để giải giới quân đội Nhật thì dân Đà Lạt bỏ chạy tản cư vì phong trào kháng chiến chống Pháp tuyên truyền, ông Tiềm không chịu tản cư, ở lại Đà Lạt và mua nhà của dân chạy loạn với giá rẽ như bèo nên sau này được coi là người giàu nhất Đà Lạt. 

 

Khi hồi cư thì có một số người bị chiếm đoạt nhà cửa, tiệm buôn tương tự sau 75 nhưng không dám hó hé vì sợ bị chụp mũ theo Việt Minh. Mình có đọc hồi ký của một ông kể là sau khi chạy tản cư về thì Lữ Quán Sàigòn ở đường Minh Mạng, bị người quen chiếm mất. Sau 75 thì nhà nước tịch thu hết cả 50 căn nhà cho thuê, khách sạn và tài sản trong thời kỳ đánh tư sản, nay hình như chỉ còn một căn nhà do một người cháu ở thì phải. Lần đầu tiên về thăm Đà Lạt thì có đi thăm mộ ông bà ở Mả Thánh do người con rễ KTS Ngô Viết Thụ phát hoạ nhưng nay nghe nói khu này bị giải tỏa nên không biết con cháu dời đi đâu vì mấy người con còn sống đều ở bên Pháp.

 

Nghe nói khu Hoà Bình là do ông Võ Đình Dung, thầu khoán xây cất, ông ta làm chủ mấy căn ở dãy phố này. Thời Tây, ông Võ đình Dung, bà con chi bên vợ mình đi thầu xây cất rồi tụi Tây giao tiền giả nhưng tối nên không kiểm lại. Về nhà tối ngủ bà vợ thấy ai về mách nên đêm khuya thức dậy, xét lại mới khám phá ra tiền giả nên đem đốt hết. Vừa đốt xong là bảo an kéo lại lục soát nhà nhưng không thấy nên sau đó ông bà mới cúng tiền xây chùa Linh Sơn, được xem là nhà hảo tâm nổi tiếng của Đà Lạt rồi hưu trí, không làm ăn, thầu xây cất nữa. Nghe kể cách làm ăn hại nhau khi xưa và ngày nay nên mình không dám nghĩ đến làm ăn hay về sinh sống tại VN.

 

Cạnh tiệm ông Võ Quang Tiềm thì có một ngân hàng hình như Đông Phương, Văn phòng Hàng Không Việt Nam, đến tiệm ăn Nam Sơn trước bãi xe taxi mà anh Bôn và ông Thanh của đội banh Đà Lạt bị VC gài lựu đạn nơi xe bị nổ chết, cuối cùng là phòng nha sĩ Trình, bố tên Hy học Yersin với mình có lần nhổ mình mấy cái răng và mấy thang cấp nối đường Thành Thái qua Trương Vĩnh Ký chỗ trường Đoàn Thị Điểm mà mình từng học Hội Việt Mỹ ở đây.

 

Phía sau dãy phố này là đường Trương Vĩnh Ký, có mấy quán ăn mà nổi tiếng nhất là quán bánh xèo của hai ông bà người Huế. Xa Đà Lạt 40 năm nhưng mình vẫn nhớ rau xà lách couronne mà ngày xưa ăn phở thường có rau này. Bên Tây thì mình có ăn loại rau này có vị hơi đắng đắng, dòn dòn, lá có răng tua tua nhưng bên Mỹ thì không thấy bán. Về Đà Lạt tuy thèm nhưng không dám ăn vì lần đầu về mình bị Tào Tháo rượt ói mật xanh luôn vì ăn rau. (còn tiếp)


Mình có nhiều hình về Đà Lạt xưa nhưng tải chừng này đã thấy hoa con mắt. Chán Mớ Đời 

 

Sơn đen