Nên hay không tập qua mạng?


Có người nhắn tin hỏi cách tập Trạm Trang Công hay nội công Hồng Gia La phù Sơn khiến mình ngọng. Mình trả lời, ráng chịu khó đến Đông Phương Hội tập thì sẽ được Khoa hướng dẫn khiến họ Chán Mớ Đời. Đông Phương Hội đâu có lấy tiền gì đâu, ai muốn tập thì đến tập, Khoa sẽ chỉ tận tình. Nhiều người đến từ Việt Nam, Úc Đại Lợi, Đức quốc, Âu châu, hay các tiểu bang khác để được Khoa hướng dẫn. Sau đó về nhà tự tập theo cách chỉ dẫn rồi liên lạc thường xuyên với anh chị của Đông Phương Hội để giúp tập tiên tiến hơn.

Mình nhớ có anh hàng phở từ Melbourne, bỏ tiệm phở, để vợ lo, bay sang Cali 2 tuần lễ để luyện tập. Có anh bên Đức, nghỉ hè bay qua tập. Có người từ Việt Nam cũng bay sang để tập. Rồi có lần Khoa về Việt Nam thăm gia đình có hướng dẫn nhóm này tập với nhau. Xin tải cái link của một người tập được Khoa hướng dẫn tại Việt Nam, sau đó anh ta tiếp tục tập và liên lạc với Đông Phương Hội. Anh ta 27 tuổi, bị tiểu đường và sau 2 năm thì không phải uống thuốc nữa. Cho thấy phải cần thời gian tập luyện để được kết quả, còn cứ tìm mì ăn liền thì không bổ béo gì cả.


https://khicongtramtrangvadonnoicong.blogspot.com/?m=1


Lý do là nếu tập không đúng có thể gây hệ quả nghiêm trọng sau này. Trước đây, mình hay lên các diễn đàn võ thuật để đọc thêm tài liệu. Có vài lần thấy một anh kia tập Trạm Trang Công rồi bỏ lên mạng cách tập ra sao. Có nhiều người theo tập rồi kêu thân người bị lạnh thay vì ấm lên. Mình hỏi Khoa thì được biết họ tập sai và người chỉ cũng sai. Do đó, mình không dám giải thích trên bờ lốc. 


Có duyên thì sẽ gặp còn không thì chịu. Thường duyên do mình tự tạo nên như trường hợp mình, nghe lời anh bạn đến võ đường tập thử, liên lạc với Khoa. Nghe anh bạn muốn giới thiệu một cô gái ở Boston. Mình ở New York cũng bay lên mới gặp đồng chí gái. Nếu mình nói anh bạn gửi tấm ảnh thì chắc không bao giờ lấy vợ. Muốn tập thì đến Đông Phương Hội. Chưa chắc lối tập của Đông Phương Hội phù hợp với tất cả mọi người. Vợ mình không thích tập kiểu Đông Phương Hội, mụ vợ thích kiểu có nhạc nhảy bú xua la mua. Nhiều người hỏi địa chỉ đủ trò rồi có thấy họ đến đâu.


Mình thấy nhiều người hãnh diện tải về những video của người Tàu, xem như bí mật võ thuật. Mình thấy ông tàu dạy Nội Kình Nhất Chỉ Thiền không đúng. Tấn đứng đều sai, cách xoay người hay tay cũng sai, nếu tập lâu ngày sẽ bị lộn xộn trong cơ thể. Nhất là các người lớn tuổi mà tập theo kiểu này là vẹo vai. Có thể nhận thấy ngay nơi ông thầy tàu. Nhiều video lắm nên sau này, mình hết xem, bỏ thì giờ tập thay vì xem video không giúp mình gì cả.


Khi chúng ta tập thì khó ai nhìn được gân cốt chuyển động bên trong, chỉ có những ông thầy tập lâu năm mới nhận thấy. Do đó người mới tập đâu biết, cứ nghe nói rồi mò mò. Nhất là người viết hay quay video bỏ trên YouTube nhằm câu View để kiếm tiền trên mạng.


Dạo này, thấy mụ vợ theo YouTube tập Dịch Cân Kinh. Mình lén xem cô nàng tập có đúng không. Chán Mớ Đời  Cũng tốt là mụ vợ tập, quơ tay quơ chân, không có gì nguy hiểm. Có lần trời lạnh, vai mình đưa không lên, có tập phần này độ 1 tuần thì hết. Sau này, khi đông về thì Khoa cho tập Nội Kình Nhất Chỉ Thiền để cơ thể không bị lộn xộn vì trời lạnh.

Mụ vợ mới la tại sao anh chạy xuống bolsa, mỗi sáng để tập, tốn thì giờ, tốn xăng khiến mình ngọng. Mình không dám hỏi lại, sao mụ cứ chạy đi kiếm good deal để mua áo quần dù chất đầy tủ áo quần. Mình tập võ thuật từ 16 năm qua. Càng ngày càng khám phá ra cái lực của mình nên mê, nay Khoa chỉ mình cách tập trung và tải khí lực khi giao thủ với thiên hạ nhất là mài hơi thở khi kéo nội công hay đi Thái Cực Quyền. Cái này thì khó nhất trong giai đoạn này vì mới tập. Khi nghe Trí đi Thái Cực Quyền 8 thức lâu 1 tiếng đồng hồ nên mình thử tập, phải mất hơn 1 năm mới đi được. Sau đó quên không đi thêm nữa vì nghĩ mình đã đạt được. Rồi covid đến nên quên tập.

Gần đây, Khoa giúp mình nhận được cái lực trong người, cố gắng khi di chuyển không bị mất cái lực. Như nước trong thùng, khi bị di chuyển, chao đảo và bị hất văng ra khỏi miệng thùng. Tập luyện được cái này cũng giúp tinh thần mình ít bị giao động khi thiên hạ chửi hay mụ vợ la. Chỉ biết ghi nhận rồi quên đi. Nhiều người nghĩ mình “chảnh”. Người Mỹ hay nói “Proactive”. Tinh thần chủ động hơn là bị động, giúp đầu óc mình không nghĩ gì cả. Vợ la thì nhận thức, thiên hạ chửi thì không nghe vì đâu có thì giờ để nghe chửi. Khi giao thủ với Khoa, mình không bị giao động dễ dàng vì tự tin vào khí lực của mình dù biết Khoa mạnh hơn mình.


Khi xưa, mỗi lần Khoa nắm tay là mình bị kẹt, không nhúc nhích được. Sau này hiểu vì tinh thần, hơi thở không ổn định thêm lo sợ hay chỉ đối lại lực của Khoa tác động vào cơ thể mình. Nay thì mình hiểu thêm về lực và cách phát lực nên không lo ngại. Đầu óc vẫn bình tỉnh để ghi nhận lực của Khoa tác động lên tay chân của mình và tìm cách hoá giải và phản công. Trước đây, mình không có lực thì Khoa đâu có chỉ được. Phải mất một thời gian tập luyện mới có chút khí lực.


Phải đầu tư thời gian để tập luyện như trồng cây, phải mất công chăm bón để từ từ ngày này qua tháng nọ rể mọc dài và sâu, thân cây mới phát triển được. Với tư duy mì ăn liền thì chúng ta khó nhận thức được về cơ thể cũng như bản thân mình. Mụ vợ rủ đi học thiền hôm nay, mình nói không. Mấy bà cứ la chồng hoài nên cần học thiền để không tạo khẩu nghiệp. Mấy ông thầy dạy thiền, cứ kêu họ đứng Trạm Trang Công độ 5 phút xem thì chắc chắn sẽ hết dám dạy thiền.

Cứ kêu mấy ông thầy dạy khí công, thiền định, đứng trên 2 cục gạch chừng 5 phút thôi là mấy ông bỏ nghề. Khỏi cần bay lên cảnh giới khác, niết bàn.


Sáng nay Khoa cho mình tập di chuyển xung quanh 4 mộc nhân để tìm cách thoát khi bị đối phương tấn công. Sau đó nắm tay mình để mình tập cách thoát ra. Lúc đầu thì ý mình không tập trung được nên lực bị gãy nhưng dần dần, biết tự thoát ra và tấn công lại tương tự lết cả thân người đi vào sát người đối phương với lực toàn thân. Vấn đề là ở nhà phải tiếp tục tập, lại bị vợ la. Cho thấy sau 16 năm, mình nhận ra 1 phần của khí lực trong người và tìm cách giữ lực. Khi di chuyển tay chân quá đà, thoát khỏi cấu trúc tạo bởi các véctơ của cơ thể là mất lực. Giây phút này rất nguy hiểm vì đối phương sẽ trả đòn là ngọng.

Cho nên ai nói tập qua mạng hay điện thoại khiến mình thất kinh. Có lần Khoa nói; ngay người đến tập tại Đông Phương Hội, mình nắm tay chỉ cho họ tập mà họ chưa hiểu nổi thì làm sao từ xa lại tập được. Người Việt mình có tinh thần Phù Đổng được cấy vào đầu từ bé với những câu chuyện cổ tích Phù Đổng, sau này đọc truyện kiếm hiệp nên cứ mong tìm được bí kiếp để làm giàu nhanh chóng hay có sức khoẻ nhanh. 


Có lần Khoa nhờ mình đứng lớp và dặn mọi người kéo nội công, để ý đến vector của tay chân. Nói xong thì ai nấy đều tiếp tục tập theo thói quen của họ. Cơ thể theo quán tính nên cần chú ý khi tập thì mới thay đổi và tiến bộ được. Có lẻ khi tập mệt nên đa số chỉ muốn tập cho qua thời gian thay vì chú ý tập nghe ngóng cơ thể và hơi thở. Do đó không có kết quả nhiều nên bỏ đi tìm nơi khác, thầy khác sẽ giúp họ đạt kết quả nhanh chóng. Thầy giỏi mà học trò làm biếng thì bó tay chấm còm như con chiên lười đi lễ nhà thờ thì làm sao được các cha giúp mạc khải được tình yêu của thiên chúa.


Cái này mình hay bị khi leo núi, mệt quá cứ đi theo quán tính cho xong, chỉ mong đến đích. Thật sự tập để tạo sức khoẻ cho mình không phải là điểm đến mà là cuộc hành trình. Leo núi lên tới đỉnh là cái đích nhưng thật sự quan trọng nhất là khi đi lên núi, chúng ta có cảm nhận thiên nhiên, cảnh quang xung quanh. Tương tự khi tập, chúng ta phải để ý đến cơ thể, hơi thở, tại sao lực bị gãy, không tác động được đối phương. Không nhất thiết phải tập nhiều thức, nhiều môn. Biết nhiều thứ nhưng chả có cái nào ra hồn thì cũng vô ít. Người có nhiều bạn gái bạn trai, không hiểu được đời sống lứa đôi. Một người đào hoa, không hiểu được thay tả hay pha sữa cho con vào lúc 12 giờ đêm.


Họ quên sức khoẻ là do mình tự tạo qua quá trình tập luyện hàng ngày như mình đã kể chuyện anh chàng tắm heo trên núi. Mình đọc sách trung bình 2 cuốn một tháng như tắm heo vậy thôi. Còn tập luyện thì khó mà tập ở nhà lắm vì bị chi phối, nên cần đến Đông Phương Hội để tập dù chỉ có một mình. Nhất là có Khoa chỉ thêm để tập có hiệu lực hơn là tập cho có lệ.

Hôm qua, có anh nào bên pháp, đọc bài trên Facebook, gọi điện thoại hỏi nay muốn tập thể dục nên hỏi mình nên tập gì. Mình nói đi bộ là tốt nhất. Dễ nhất. Đi bộ giúp chân tay hoạt động, hít thở bình thường, giúp máu huyết lưu thông là tốt. Làm được cái này thì sau này muốn tập thêm cái gì thì tính sau. Cái đơn giản chưa làm được thì khó nói đến chuyện khổ công hơn.


Khi mình theo học Seminar về 7 habits của tiến sĩ Steven Covey. Ông ta có kể câu chuyện hai người cắt cỏ. Một ông thì cứ cắm cúi cắt từ sáng đến giờ về, còn ông kia thì cứ lâu lâu ngừng để mài cái lưỡi cưa. Cuối ngày thì người cứ lâu lâu ngừng để mài lưỡi cưa, cắt được nhiều cỏ hơn ông kia. Luyện tập cũng vậy, lâu lâu phải xét lại, mài lại lưỡi cưa dao, xem mình tập có đúng không, sai chỗ nào. Có đến lớp thì Khoa mới chỉ cái sai của mình. 


Tại sao lực bị gãy, không tạo lực được. Mỗi động tác đều kết nối toàn thân như họ nói tâm thân đồng nhất. Anh khoẻ, có lực mà cái tâm của anh không đi cùng cái lực thì không hợp nhất được. Tinh thần mình bị giao động khi Khoa nắm tay thì khó mà tự giải thoát được lực một khối của Khoa. Nếu mình bình tỉnh cảm nhận cái lực của Khoa rồi nương theo đó, tạo cái lực của mình thành một khối thì sẽ thoát ra ngay. Trước nhất là tìm cách thoát khỏi cái khối lực của Khoa hay đối phương.


Ai đến tập ở Đông Phương Hội một thời gian rồi bỏ đi vì họ thấy không có gì đặc biệt cả. Lý do là con người hay thích tìm cái lạ để thoả mãn tính tò mò, tri thức của họ. Có anh quen tập khi xưa với mình, lâu lâu gọi điện thoại hỏi thăm rồi khoe mới tập với ông thầy tàu này môn À, ông đại hàn kia môn B. Anh này thích tìm cái lạ để tập. Vấn đề là sức khoẻ anh ta không khả quan lắm. Cứ than đau chỗ này chỗ kia.


Mấy năm trước, mình tự mãn là đi bài Thái Cực Quyền 8 thức dài 62 phút. Vấn đề là ngày nay mình có thể đi chậm với cách tạo lực khắp cơ thể và di chuyển cơ thể như Khoa chỉ. Nếu mình đi được 60 phút với tinh thần này thì chắc vui. Hy vọng cuối sang năm sẽ thực hiện được. Xem link Khoa dùng ngón tay đánh bể gạch, mình thì chỉ chặt gạch bằng cạnh tay chớ chưa luyện được ngón tay. 


Thôi đi tập cả đồng chí gái dậy lại la.


https://youtube.com/shorts/5ajvkdN1jjw?si=wd5SbdFOZa1tZbVG


Đối tượng một thời 


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 







Đóng thuế nhiều khi phối ngẫu qua đời


Hôm trước, người cháu vợ lớn tuổi hơn mình, đến nhà hỏi về bán nhà cửa. Vấn đề là cô vợ đã qua đời mấy năm trước mà anh ta không lo liệu, chuẩn bị trước khi người phối ngẫu qua đời. Mình không biết anh ta có làm Living trust hay không vì trước đây có hỏi mình vụ này. Anh ta về hưu, di dân sang Hoa Kỳ trễ nên xem như không đi làm ở Hoa Kỳ, đóng an sinh xã hội, nay đã hưu trí, chắc có nhận được tiền của chính phủ nhưng chắc ít. Đem tiền từ Việt Nam sang mua được hai căn nhà. Một cho thuê và một để ở. Nay muốn có tiền để xài nhưng lại lấn cấn về đóng thuế khi bán nhà.

Mình có kể về hưu có của chìm mà không xài để rồi khi qua đời con cái lấy tiêu xài hết. Anh này cũng lo sợ là nếu con gái độc nhất thừa hưởng tài sản để lại, chồng ly dị chia đôi thì sao đủ trò nên lấn cấn về hậu sự. Mình nói chuyển nhà vào Title Holding Trust nhưng không biết anh ta có làm hay không. Cuộc đời mình không biết trước, nhiều khi mình tích tụ cho cố rồi con dâu hay rể vớt để đi lấy người khác. Nói như nhà Phật là kiếp trước có nợ ai rồi kiếp này trả thôi.

Khi người phối ngẫu qua đời, người còn sống thường phải trả thuế cao hơn trong khi thu nhập ít hơn. Điều mà các chuyên gia tài chính gọi là “hình phạt của góa phụ” vì phụ nữ thường sống lâu hơn chồng, trung bình từ 5-7 năm nữa. Theo mình là để có thời gian sám hối đã đì người chồng quá cố trước khi lên thiên đàng. Đa số các cặp vợ chồng ít để ý, chuẩn bị trước để tránh những hình phạt goá phụ hay goá vợ vì sẽ tác động về mặt tài chính cho người ở lại. Hôm trước đọc lướt qua về các luật thuế mới thì nếu có tiền nhiều thì khi qua đời, con cháu sẽ đóng thuế tài sản đâu 40%. 

Cái chết của người phối ngẫu thường dẫn đến giảm thu nhập rất nhiều. Tiền lương thường kết thúc nếu người phối ngẫu đã qua đời vẫn còn làm việc và nhiều người không có đủ bảo hiểm nhân thọ để thay thế sự mất mát đó. Hy vọng là công ty có bảo hiểm nhân thọ cho người phối ngẫu, thường là một năm lương. Khi xưa, hai vợ chồng mình có mua bảo hiểm nhân thọ để trong trường hợp một trong hai bị chúa gọi về sớm thì vợ con lãnh tiền tử để trả nợ ngân hàng, đồng chí vợ có thể nuôi con khôn lớn, không phải lấy chồng khác. Theo thống kê thì phụ nữ có chồng chết hay ly dị thì trong vòng hai năm, lập gia đình hay sống chung với một người đàn ông khác. Lý do là thiếu hụt tài chánh để nuôi con. Còn phụ nữ mà có bằng cấp lương bổng cao thì không nhắc đến.


Có nhiều ông kêu không mua bảo hiểm nhân thọ vì chết, người vợ sẽ lấy tiền đó đi lấy người khác. Câu hỏi là nếu vợ mình đi lấy người khác vì thương ông ta thì đành chấp nhận vì đã bị hỏa thiêu rồi nhưng nếu vợ mình đi lấy người khác vì không đủ tiền nuôi con mình, đó là lỗi tại mình. Một người cha, chồng vô trách nhiệm. Chán Mớ Đời 

Nếu một cặp vợ chồng đã nghỉ hưu và đang nhận An sinh xã hội, số tiền trợ cấp có thể giảm từ một phần ba đến một nửa. Người sống sót nhận được số tiền lớn hơn trong số hai tấm ngân phiếu từ cơ quan an sinh xã hội mà cặp vợ chồng nhận được và số tiền trợ cấp nhỏ hơn sẽ biến mất. Điển hình là mình nhận số tiền phân nữa số tiền của vợ nhận được hàng tháng. Nếu một trong hai đi Tây thì người còn lại chỉ nhận số tiền lớn nhất nghĩa là tiền đồng chí gái nhận hàng tháng. Nếu người phối ngẫu đã qua đời nhận được khoản thanh toán lương hưu hoặc niên kim, người còn sống có thể nhận được số tiền giảm bớt hoặc không nhận được gì, tùy thuộc vào cách chọn lựa mà cặp vợ chồng đã chọn.


Vấn đề là khi một trong hai người qua đời thì thu nhập sẽ giảm, có thể chi phí vẫn cao. Điển hình nếu căn nhà chưa trả hết, có thể cần thuê một người giúp việc để thực hiện một số công việc trong nhà rồi thuế má cao hơn. Chưa nói đến là phải vào viện dưỡng lão.


Người phối ngẫu còn sống có thể khai thuế dưới dạng “married filing jointly” trong năm người bạn đời của họ qua đời, miễn là người còn sống, không tái hôn trước khi năm đó kết thúc. Sau đó, người ở lại không có con cái phụ thuộc thường bị buộc phải khai theo diện “độc thân” ít thuận lợi hơn. Do đó mấy bác nhớ, vợ hay chồng chết thì khoan lấy chồng hay vợ trong năm mà đợi năm sau ngày đầu năm để có thể khai thuế chung với người chồng mới, bớt đóng thuế. Chớ đừng nghĩ chạy về Việt Nam kiếm chân dài liền trong năm là khổ.


Hôm trước, gặp lại chị bạn, kêu ông xã cũ của em về Việt Nam lấy con nào chân dài nay te tua, nó rút hết tiền của ổng. Ngày xưa, ông xã em đẹp trai lắm nay Chán Mớ Đời. Chị ta lấy một ông chồng bác sĩ khác, được cưng như ông Trượng mê Tiên Bửu. Mình sợ gặp mặt ông này lắm vì đồng chí gái cứ đem ông ta làm gương, như ngọn đuốc cách mạng, bắt mình theo học nghề, đạo đức cách mạng của ông ta. Mình thì trời cho ai thì nhận, không đòi hỏi thêm.

Khấu trừ theo tiêu chuẩn cặp vợ chồng cưới nhau là -$27,700 vào năm 2023, trong khi độc thân chỉ được phân nữa. Ngoài ra vợ chồng có thể khai lợi tức đến $89,450 và giữ 12% tiền thuế liên bang trong khi độc thân thì chỉ phân nữa là $44,725. Lợi tức trên số đó thì phải đóng 22%, chưa kể thiếu Cali. Người ở lại nhận an sinh xã hội có thể bị đánh thuế cao hơn tối đa là 85% tiền nhận an sinh xã hội nếu có nhiều lợi tức khác, hơn $44,000 cho cặp vợ chồng. Trong khi đó độc thân chỉ được giới hạn đến $34,000.


Người phối ngẫu ở lại nhận Medicare có thể thấy phí bảo hiểm của họ tăng lên vì một khoản phụ phí được gọi là số tiền điều chỉnh hàng tháng liên quan đến thu nhập (income-related monthly adjustment amount IRMAA.) Khoản phụ phí này được tính dựa trên tờ khai thuế từ hai năm trước. Vì vậy, các cặp vợ chồng có thu nhập trên 194,000 USD trên tờ khai thuế năm 2021 của họ phải đối mặt với khoản phụ phí vào năm 2023, dao động từ 65.90 USD đến 395.60 USD mỗi tháng. Các khoản phụ phí sẽ được áp dụng đối với người độc thân khi thu nhập của họ vượt quá 97,000 USD.


Các chuyên gia tài chính cho biết các cặp vợ chồng có thể giúp giảm bớt thuế cho người sống sót bằng cách bổ sung các nguồn thu nhập được miễn thuế như tiền bảo hiểm nhân thọ, có thể cung cấp số tiền miễn thuế cho người sống sót. Vấn đề là tiền trả hàng tháng cho bảo hiểm nhân thọ khi về già rất cao. 

Một cách khác là có ít nhất một số tiền trong tài khoản miễn thuế, chẳng hạn như Roth IRA và tài khoản tiết kiệm sức khoẻ, (Health Savings Account HSA) để người phối ngẫu ở lại có thể trả thuế lợi tức ít hơn.

Phần lớn số tiền tiết kiệm của cặp vợ chồng nằm trong các tài khoản hưu trí truyền thống, như IRA thông thường và 401(k). Vợ chồng có thể tính toán, chuyển đổi ít nhất một số tiền thành Roth IRA trong khi họ vẫn được hưởng mức thuế chung thuận lợi khi kết hôn. Khi xưa mình có chuyển IRA của hai vợ chồng qua Roth IRA, nhờ đầu tư vào các giếng dầu hoả ở Texas. Khi đầu tư vào việc khoan giếng dầu thì được khấu trừ thuế 100% số tiền đó. Không biết ngày nay luật có thay đổi không.


Hoặc ai có nhà cho thuê thì có thể xem khấu hao nhà cửa bao nhiêu mỗi năm thì sử dụng để chuyển IRA qua Roth-IRA, để không bị đánh thuế sau này khi đến tuổi hưu trí, có thể rút ra xài mà không bị đánh thuế như trường hợp rút ra từ 401(k) hay IRA. Lấy thí dụ, ai mua một căn nhà xem như $1,000,000. Tính ra $250,000 là miếng đất còn căn nhà $750,000. Nếu cho thuê thì chính phủ cho phép được khấu hao trong vòng 27.5 năm. Cứ lấy $750,000 chia cho 27.5 năm được $27,272.73/ năm. Các bác có thể khấu hao được số tiền $27,272.73 cho mỗi năm. Xem như trên nguyên tắc các bác có thể chuyển $27,272.73 từ IRA qua Roth-IRA, không bị đánh thuế.


Do ngày nay tuổi về hưu là 67 tuổi thay vì 65 tuổi như trước đây nên RMD, số tiền bắt buộc phải rút ra từ 70.5 tuổi được nâng lên 73 tuổi nên tiền tỏng 401(k) có thể dùng nhồi lên thêm trong 2.5 năm. Nếu có Roth-IRA thì không bị bắt buộc phải lấy ra xài vì chính phủ không đánh thuế tài khoản này. Chuyển từ IRA qua Roth-IRA có thể làm từ từ tuỳ thêm năm, chớ đừng làm một lúc có thể bị đánh thuế cao.


Trường hợp người cháu của mình, khi cô vợ qua đời thì người cháu có thể bán căn nhà trong vòng 12 tháng sau khi cô vợ qua đời như ông hàng xóm của mình. Bà vợ chết vì ung thư nên rao bán căn nhà. Nêu giá đâu 1.6 triệu, người Tàu nhảy vào mua đâu 1.8 triệu, 200K hơn tiền rao bán. Nhà hai vợ chồng ở để hưởng được quy chế của đạo luật 121, mỗi người được hưởng $250,000 miễn thuế tổng cộng $500,000. Giá nhà hai vợ chồng người cháu mua trước đây $500,000, nay bán là $1,000,000, xem như lời $500,000. Nếu bán khi cô vợ qua đời thì sẽ được miễn thuế $500,000. Nay muốn bán thì chỉ được hưởng có $250,000, phải đóng thuế trên số tiền $250,000 còn lại. Người cháu Chán Mớ Đời vì không biết sẽ làm gì để có tiền xài ở tuổi già. Có của mà không xài được. Chán Mớ Đời 

Dạo này mình hay tải về các tấm ảnh chụp mấy cô đẹp vì các tâm lý gia cho biết sáng thức giấc, nhìn những gì đẹp, sẽ ảnh hưởng rất nhiều cho cả ngày. Chớ sáng ra, nhìn qua bên thấy thằng chồng há mồm đang ngáy, nước mồm chảy hai bên mép thì chỉ có nước Chán Mớ Đời 

Vấn đề là các tấm ảnh này đa số bị Photoshop hết.


Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo dang nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn 










Phần nguy hiểm nhất khi về hưu


Đồng chí gái về hưu được trên một năm nên mình đọc thêm tài liệu về hưu trí. Làm gì để đi hết quãng đường đời còn lại vì mù tịt với ngày tháng hay những gì sẽ xảy ra trong tương lai. Đọc thêm kinh nghiệm của mấy người về hưu, nói chuyện những người quen lớn tuổi để học hỏi thêm kinh nghiệm của họ.


Có một ông Mỹ, được xem là thành đạt, về hưu ở tuổi 58, kể trên mạng rằng: những người sắp sửa nghỉ hưu, tưởng rằng nghỉ hưu là “sống một cuộc sống tốt đẹp, an hưởng tuổi già” sau những năm tháng lao động để xây dựng sự nghiệp, gia đình. Trên thực tế không phải vậy. 


Ông ta chia sẻ kinh nghiệm cá nhân, cho rằng nếu chúng ta không có một kế hoạch lâu dài cho những năm tháng sắp tới khi về hưu, thì cuộc sống có thể tràn ngập những cơn buồn chán, lo lắng và thậm chí trầm cảm như trường hợp của ông ta đã trải qua. Sau phải đi chữa bệnh tâm lý và gia nhập các công việc từ thiện giúp ông ta tìm được hướng đi trong cuộc đời, cảm thấy hữu ích cho cộng đồng, cảm nhận cuộc đời đáng sống thay vì té xuống hố sâu, hụt hẫng khi ngưng làm việc.

Mình biết vài trường hợp. Về hưu chán chường nên đâm ra nghiện hút thuốc, cà phê, rượu bia, thậm chí là ma tuý. Người Mỹ về già nghiện thuốc giảm đau vì họ buồn chán, trầm cảm. Đây là vấn nạn lớn của người già tại Hoa Kỳ. Bà Inge mình quen trên 20 năm, ghi tên đi học đại học cộng đồng còn ông Larry thì đi nhảy đầm uống rượu mỗi đêm. Mỗi ngày họ gặp một nhóm bạn để chia sẻ kinh nghiệm hay kiến thức. Cả hai đều rủ nhau đi Tây năm vừa rồi ở lứa tuổi trên 8 bó khiến mình mất đi những người bạn già để học hỏi kinh nghiệm sống của họ. 


Hôm trước ghé thăm anh bạn trên Los Angeles. Mình đi công việc nên hỏi có nhà thì ghé thăm. Anh ta mới về hưu được 1 năm, ở nhà buồn, xem phim bộ riết cũng ớn. Anh ta than là đầu óc bắt đầu trả nhớ về không. Anh ta ở xa quá nên cũng không gặp thường. Nay anh ta lại lái xe ban đêm không được nên hết đến nhà mình khi đồng chí gái tổ chức ăn uống. Mới nói chuyện động viên một ông người Mỹ, hội viên của Toastmaster, bị ung thư đang xạ trị. Tối đọc kinh Chú Đại Bi cho ông ta, giúp ông ta lên tinh thần để chiến đấu với bệnh của thế kỷ.


Ông mỹ báo trước cho những người mới nghỉ hưu và sắp nghỉ hưu về những mối nguy hiểm về mặt tinh thần đang ở phía trước và đề nghị một hướng đi giúp việc nghỉ hưu thành công để tránh lâm vào hoàn cảnh mà ông ta đã trải qua. Về mặt tài chính thì ông ta không lo vì bán công ty được một số tiền lớn, ăn xài đến Tết Congo cũng không hết. Về mặt tinh thần thì có vấn đề. Cho thấy giàu cũng có nổi khổ cho nên thà giàu mà sung sướng còn hơn nghèo mà đau khổ.

Hóa ra người về hưu có nhiều vấn đề: tài chính làm sao để có cuộc sống tương đối thư thản, không lo ngại thiếu tiền, một mặt về tinh thần, chống chọi sự chán chường khi giết thì giờ hàng ngày. Có chị bạn kể bảo lãnh ông bố sang Hoa Kỳ, buồn cả ngày lủi thủi trong nhà ngoài sân. Đến khi chị ta khám phá ra ở vùng Bolsa có một trung tâm sinh hoạt cho người già. Sáng chở bố lại mua cơm trưa tại chỗ để ăn với mấy ông bạn mới, tập thể dục hay đánh cờ tướng, chém gió về quá khứ vàng son, giúp ông bố vui hẳn ra, tinh thần lạc quan. Nhớ bà cụ sang Hoa Kỳ, có thẻ xanh đầy đủ. Mình chở đi chơi, tập Đông Phương Hội đủ trò nhưng mẹ mình kêu “cho Mạ về đi con”, đành đưa mẹ về lại Đà Lạt.


Ông ta cho biết nghỉ hưu không phải là đích mà chúng ta muốn đến mà là một hành trình với ba điểm dừng chính. Điểm dừng đầu tiên, ông ta gọi là “tuần trăng mật”. Như hai vợ chồng mới cưới, hồ hởi đi du lịch, thấy cuộc đời là màu Hồng tỏng tiếng hát của Edith Piaf, quand tu me prends dans tes bras, je vois la vie en rose. Những người về hưu nghỉ ngơi, đi du lịch, tận hưởng những sở thích và làm những việc họ hằng mong muốn. Phần chuyển tiếp này thường kéo dài khoảng một năm.


Sau thời gian du hí ban đầu, ‘tuần trăng mật qua,” nhiều người về hưu phải chịu đựng sự thất vọng. Nghỉ hưu, không phải là một kỳ nghỉ vui vẻ, hạnh phúc vĩnh viễn như mơ tưởng. Bây giờ đồng chí gái còn vui vẻ đi chơi đây đó nhưng một mai, có thể chán đi du lịch, sức khỏe yếu thì mệt nên mình phải chuẩn bị, làm cách nào để mụ vợ không rơi vào tình trạng cảm thấy vô dụng.

Tấm ảnh đêm Tân hôn nói lên tình yêu tuyệt vời để rồi sau đó phải dọn dẹp, tạo dựng cuộc sống

Điểm dừng thứ hai là “đối diện với bức tường”. Sau thời gian trăng mật đi chơi đây đó, viếng thăm bạn bè ở xa, chúng ta tự hỏi về cuộc sống mới. Thông thường, giai đoạn này sẽ bắt đầu với cảm giác bồn chồn. Chúng ta bắt đầu nhớ sự tương tác với các đồng nghiệp cũ. Sự buồn chán có thể bắt đầu len lỏi vào và thậm chí có thể chuyển thành trầm cảm. Đây là điểm dừng nguy hiểm nhất trên cuộc hành trình hoàng hôn của đời người.


Một thiểu số bắt đầu lạm dụng rượu hoặc ma túy để giảm bớt trầm cảm. Một số có thể không bao giờ tiến xa hơn điểm dừng thứ hai này. Mình thấy nay có phòng trào hát karaoke rất hay để giúp người già có một đam mê làm ca sĩ. Đúng hơn là giải toả tinh thần dồn nén của họ khi về già. Vợ chồng về già lại càng cãi nhau khi đối diện kẻ nội thù 24 /24. Nhiều ông bò ra Bolsa, uống cà phê chém gió đến giờ ăn thì về để khỏi cãi nhau. Thật ra cả hai đều bị dồn nén về mặt tinh thần thay vì đối thoại, chúng ta trở nên đối chọi.


Mình có một bà dì vợ, con cháu ở xa. Mỗi tuần hai vợ chồng chở mẹ vợ đi đón dì, chở đi ăn rồi đi lòng vòng ở khu Bolsa. Có lần dì nói: “chú Sơn biết không, từ khi chú qua đời buồn, không có ai để cãi nhau. Đến chở dì đi chơi như ri là dì mừng”. Cho thấy vợ chồng cãi nhau cũng là một cách giúp nhau giải toả nổi buồn không tên.


Mình có anh bạn, bác sĩ về hưu sớm có đam mê là hát nên thấy anh ta bận rộn tập hát rồi lăn vào các hội đoàn người Việt để hát trong các buổi văn nghệ. Mình hay kể chuyện tếu lâm khi nghe mấy bà mấy ông rên rĩ hát nhạc Việt Nam khi xưa nhưng thật ra mình hiểu lý do họ hát để xả bớt áp suất về mặt tinh thần bị nén khi về hưu, nguyên cả ngày ở nhà.

Nay mình mới hiểu các cựu binh sĩ Hoa Kỳ khi giải ngủ đều lâm vào tình trạng trầm cảm. Nghe nói sau cuộc chiến Việt Nam, cựu quân nhân Mỹ tự tử rất nhiều đâu 20,000/ năm. Tính ra lính Mỹ chết tại Việt Nam có 58,000 người nhưng số người Mỹ chết sau khi trở về nước còn cao hơn rất nhiều. Xem link cua chính phủ Hoa Kỳ  https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/2343923/


Như câu chuyện nhà tu và cô gái giang hồ. Có lần hai ông sư được người làng bên, nhờ đến làm ma chay. Sau cúng kiếng xong thì đi về. Đến bờ suối thì gặp một cô gái giang hồ, nhờ hai người bế qua suối vì sợ ướt áo quần. Một ông xung phong bế cô ta qua suối rồi để xuống, tiếp tục đi về chùa. Ông sư đi cùng thì nghĩ tại sao sư huynh mình đã đi tu mà còn làm ô uế thân thể kẻ xuất gia, bế cô gái giảng hồ. Hình ảnh này ám ảnh ông ta suốt đoạn đường trở về chùa. Cuối cùng khi về chùa, ông ta bực quá nên hỏi tội vị sư huynh. Anh là kẻ xuất gia, tại sao lại làm ô uế bế cô gái sang suối. Ông sư huynh ngạc nhiên rồi nói tôi đã bỏ cô gái ấy bên bờ suối, còn anh vẫn mang theo về chùa. Binh sĩ Mỹ tham trận tại Việt Nam, Á Phủ Hãn, Iraq,..về lại Hoa Kỳ, đa số bị căn bệnh này, không quên được những gì đã tham dự tại chiến trường. Mình mới xem một phim kể về vụ tàn sát dân làng vô tội tại Á Phủ Hãn, tương tự vụ thảm sát tại Mỹ Lai.


Nhiều người Mỹ cho rằng “Điều tồi tệ nhất của việc nghỉ hưu là đánh mất bản sắc của chúng ta. Tốt nhất là tìm một bản sắc mới.” Điển hình là chúng ta trước đây là bác sĩ, kỹ sư, luật sư,.. bổng nhiên chúng ta phải trả lời là tôi hưu trí khi ai đó hỏi làm nghề gì. Chúng ta mất bản thể, tước vị mà chúng ta đã bỏ ra biết bao nhiêu thời gian để xây dựng, để có một bản sắc trong xã hội. Rất nhiều người ngừng lại chỗ này, như đứng trước bức tường Bá Linh. Họ không biết làm gì khi đối diện bức tường. Kiếm cách leo qua, hay mò bên trái bên phải để xem có cánh cửa nào khác để vượt qua.

Có một số người tiếp tục đến điểm dừng thứ ba “xác định lại bản thể của mình”, nơi họ xây dựng bản sắc mới và phát triển những thói quen mới. Đây là điểm dừng khó khăn nhất trong hành trình. Cần có một nỗ lực bền bỉ, thường liên quan đến việc thử nghiệm, để vượt qua điểm dừng này và tiếp tục con đường đi của mình.


Tại hội Lions, có một ông cựu cảnh sát viên của thành phố, về hưu, ông ta tích cực tham gia rất nhiều chương trình thiện nguyện trong thành phố. Vợ ông ta rên là không thấy mặt ông ta. Nhiều người khác cũng tham gia các sinh hoạt xã hội. Có ông quen, mua miếng đất 120 mẫu trên núi, để tặng hội Lions, nhằm giúp học sinh nghèo có chỗ để nghỉ hè, trượt tuyết. Mấy ông khác thì đóng giường, đóng bàn ghế đem lên. Mình thì cho một chiếc xe van cũ để chở học sinh nghèo lên đó chơi. Nhìn những đứa trẻ được đi chơi, nghỉ hè, bố mẹ không phải lo lắng cho con 1 tuần lễ khiến ai nấy đều vui vẻ, cuộc đời đẹp hơn nếu mọi người bỏ chút công chút của.


Có ông Mỹ năm 97 tuổi cho ra đời cuốn sách nói về hành trình nghỉ hưu của ông ta. Ông ta đặt kế hoạch ngủ niên như học thêm một môn gì, học vẽ, học thêm về một đề tài nào ông ta ưa thích. Ở Hoa Kỳ, đi học đại học cộng đồng rất rẻ, có nhiều chương trình chính phủ cho tiền để học. Mình biết vài người sang đây cứ đi học mệt thở, để được tiền chính phủ cho hàng năm. Sau này, bán cái vườn, mất bản sắc người nông dân, chắc mình sẽ xin tiền đi học vớ vẩn. Có bác nào biết lớp dạy hết sợ vợ thì cho em hay để ghi danh.

Muốn sống thọ, và có tiền hưu khi về già, các cố vấn tài chính đều khuyên chúng ta qua hình ảnh này. Gặp phụ nữ là băng qua lề đường. Đó là lời khuyên chân thật nhất của một người thành thật

Việc này có thể mất từ ​​sáu tháng đến vài năm. Nhiều người kém may mắn, không đạt được mục tiêu cuối cùng và vẫn mắc kẹt trong tư duy nghỉ hưu truyền thống, áp dụng lối sống thụ động với rất ít điều để mong đợi mỗi ngày. Từ từ bộ não không làm việc nhiều sẽ quên dần và trả nhớ về không. Có người may mắn có cháu ngoại cháu nội để trông, tạo điều kiện cho con họ. Họ có thể đưa đón cháu đến trường, giúp họ có chí hướng, thức giấc mỗi ngày. Vợ chồng chị vợ mình, cả hai là nha sĩ, mới về hưu, trông 3 đứa cháu 3 ngày một tuần. Đi chơi là nhớ cháu nội. Có gì giúp họ vui đời để tiếp tục sống nếu không cứ mỗi ngày phải tọng thuốc trị bệnh họ Cao là Chán Mớ Đời.


Làm sao để tránh được số phận này? Những người mới nghỉ hưu thường thiếu định hướng, vì vậy họ cần một kế hoạch để hướng dẫn cách họ sử dụng thời gian. Có nhiều nghiên cứu đã giúp ích cho người hưu trí. Ví dụ, một nghiên cứu gần đây cho thấy hạnh phúc của người về hưu tương quan với việc tham gia vào các hoạt động chủ động và thụ động. Bạn sẽ là người tham gia hay khán giả? Nghiên cứu này được củng cố bởi một nghiên cứu khác, trong đó ghi nhận rằng những người về hưu hạnh phúc có số hoạt động “tích cực” gấp đôi so với những người về hưu không hạnh phúc.


Nói cho ngay, ngày nay chúng ta về hưu, có xã hội mạng nên còn lên chia sẻ một bài hát, một món ăn,… nếu không chắc mọi người đều lâm vào tình trạng lộn xộn về tâm lý. Mình thấy đồng chí gái bận rộn đi gặp các bà bạn khiến mình mừng. Mỗi tuần đều đi leo núi với vợ để giúp vợ tịnh khẩu, tránh khẩu nghiệp. Leo núi mệt nên mụ vợ thở không ra hơi nên không nói gì cả. Vợ chồng không đối choại. Ăn vui.

Các hoạt động theo đuổi tích cực có thể mang tính hướng ngoại, diễn ra trong môi trường xã hội như hoạt động tình nguyện, hoặc hướng nội tâm, chẳng hạn như một sở thích được thực hiện một mình. Đồng chí vợ hay đi theo mấy người bạn hát ở các viện dưỡng lão hay nấu ăn cho người vô gia cư. Đi viếng một viện mồ côi ở Mễ Tây Cơ, vợ kêu về Mỹ xem có viện mồ côi nào, xin phụ giúp hàng tuần. 


Mình nghĩ sau khi đi chơi mệt thở, mụ vợ sẽ đi đến tình trạng này, và sẽ cần làm thiện nguyện cho một tổ chức nào đó hay ở chùa. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự cân bằng giữa cả hai loại là cần thiết để có được thời gian nghỉ hưu tối ưu. Tương tác với những người không phải là gia đình ruột thịt của chúng ta có thể kéo dài tuổi thọ của chúng ta lên tới bốn năm. Ngược lại, sự cô đơn có thể rút ngắn tuổi thọ tới 8 năm. Ngoài ra, các hoạt động solo tích cực, chẳng hạn như ô chữ hoặc trò chơi ghép hình và các sở thích, chẳng hạn như vẽ tranh hoặc làm vườn, có thể giúp chúng ta duy trì khả năng nhận thức của mình.


Dạo này thấy họ quảng cáo trò chơi Solitaire rất nhiều. Khi xưa, chưa có vợ buồn mình hay chơi trò chơi này. Sau này thấy cãi nhau với mụ vợ mệt quá, lăn ra ngủ.


Điểm mấu chốt: Hạnh phúc của chúng ta sau khi nghỉ hưu phụ thuộc vào những mục tiêu chúng ta theo đuổi. Và chúng ta càng có nhiều mục tiêu theo đuổi và chúng càng đa dạng thì chúng ta sẽ càng hạnh phúc hơn. Điều tồi tệ nhất của việc nghỉ hưu là đánh mất bản sắc của chúng ta. Phần tốt nhất là luôn luôn tìm một cái mới nhưng đừng có tìm vợ mới là hoà bình.



Sơn đen nhưng tâm hồn Sơn trong trắng, nhà Sơn nghèo phơi nắng Sơn đen 

Nguyễn Hoàng Sơn